Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:07:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện  (Đọc 37394 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 10:30:35 pm »


Tiếng hò đẩy xe trên đèo Pha Đin

Vào một đêm giữa tháng 3 năm 1954, khi trung đội xe vận tải chúng tôi qua khỏi đỉnh đèo Pha Đin thì gặp ngay biển báo: “Ở phía trước còn có bom nổ chậm” và một cái ba-ri-e chắn ngang đường. Tình hình thật căng thẳng, bức xúc. Nếu chờ đợi thì biết bao giờ bom mới nổ và khi bom nổ rồi thì đường bị hỏng, cả đoàn xe ùn lại sẽ là mục tiêu đánh phá của không quân địch, hàng trên xe sẽ không chuyển kịp lên phía trước.

Lời dạy của Bác Hồ: “Yêu xe như con, quý xăng như máu” đã thành tình cảm rất thiêng liêng trong mỗi người chúng tôi. Không thể để “con mình” tổn thương, “máu mình bị chảy”. Thoáng nghĩ vậy, nên với trách nhiệm là trung đội trưởng, từ trên xe đi đầu, tôi liền nhảy xuống và chạy đến gặp đồng chí gác ba-ri-e để tìm cách thuyết phục. Ba-ri-e được mở ra, tôi liền ra hiệu cho các xe khẩn trương vượt qua. Đến xe cuối cùng thì đồng chí lái xe lúng túng đi trật vệt đường nên xe bị sa lầy. Tình huống thật nguy hiểm, thời gian đang nhích dần đến giờ nổ bom. Phải có cách gì giải quyết thật khẩn trương mới thoát nạn, mới bảo đảm an toàn cho xe và hàng chở trên xe.

Không thể chậm trễ được nữa, tôi liền chạy ngược lại chỗ chị em dân công đang bị chặn lại bên kia ba-ri-e để yêu cầu ứng cứu. Lập tức, hơn chục cô dân công lao thẳng ra, xúm vào đẩy xe. Thật hồn nhiên và vô tư, một câu hò được cất lên:

“Chúng em là gái gùi thồ (hò lơ)
Gặp anh (là anh) bộ đội (bộ đội Cụ Hồ) lái xe (hò dô ta này)”


Câu hò như tiếp thêm sức mạnh đẩy xe vượt lên được một vòng bánh xe. Lại một câu hò tiếp:

“Thương anh nguy hiểm chẳng nề (hò lơ)
Đánh xong (là xong) giặc Pháp, nhớ về (là về) thăm em (hò dô ta này)”.


Lập tức chiếc xe chồm lên vượt qua khỏi bãi lầy. Ôi! Sức mạnh ý chí, quyết tâm của tinh thần đoàn kết quân dân thật tuyệt vời làm sao! Tôi chỉ kịp nghĩ vậy, vội nói lời cám ơn và lời chào tạm biệt để cho xe tiếp tục lên đường. Đoàn xe rồ ga vượt ra khỏi khu vực nguy hiểm, các cô cũng nhanh chóng chạy ngược về chỗ cũ.

Đoàn xe vừa chạy được một đoạn thì bỗng nghe “ầm” một tiếng vang động cả núi rừng. May quá, hơn chục cô dân công cùng cả đoàn xe chúng tôi đều an toàn, thoát khỏi khu vực bom nổ để tiếp tục lên đường phục vụ chiến dịch.

*
*   *

Đến nay đã hơn 50 năm rồi mà lời hẹn ước “đánh xong giặc Pháp nhớ về thăm em” vẫn chưa thực hiện được, vì lúc đó quá vội, các anh không kịp hỏi họ tên, quê quán các em nên không biết để tìm về thăm các em năm ấy được. Còn bây giờ, chúng tôi đã qua độ tuổi “thất thập cổ lai hy” cả rồi, chỉ xin được cùng “các cụ” gợi nhớ lại tiếng hò đẩy xe trên đỉnh đèo Pha Đin năm ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:53:55 pm »


QUÂN LƯƠNG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
THANH ĐỒNG
CCB Tổng cục Cung cấp tiền phương

Năm 1953, chúng tôi là những cán bộ thuộc nhiều đơn vị như quân giới Liên khu Việt Bắc, quân giới Liên khu 4 và Trường Kỹ nghệ Liên khu 4 được tập trung về chỉnh quân tại Việt Bắc bên dòng sông Lô. Học xong, chúng tôi được tăng cường cho Tổng cục Cung cấp tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Đoàn chúng tôi do đồng chí Hoàng Minh Các là Chỉ huy trưởng, đặt sở chỉ huy tại hang Bản Pán thuộc Châu Tuần Giáo (Mường Quai).

Đơn vị chúng tôi hành quân lên Điện Biên Phủ khá sớm, mục đích là làm công tác vận động nhân dân vùng mới giải phóng Tây Bắc đóng góp sức người, sức của tại chỗ để kịp thời có lương thực nuôi quân, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng bào Tây Bắc vừa được giải phóng cuối năm 1952, biệt kích và thổ phỉ vẫn còn lén lút hoạt động phá hoại, vì vậy chúng tôi phải chia từng phân đội, vũ trang tuyên truyền, cùng ăn ở với dân để vừa bảo đảm an toàn cho dân vừa làm tốt công tác huy động lương thực. Điều mà anh chị em chúng tôi không ngờ là chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động được hàng nghìn tấn lương thực, hàng trăm tấn rau thịt, một khối lượng vật chất hậu cần tại chỗ thật đáng quý và trân trọng. Tinh thần ủng hộ lương thực cho bộ đội đánh giặc của đồng bào Tây Bắc đã động viên chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, tập quán của bà con các dân tộc Tây Bắc là ăn gạo nếp, ăn đến đâu, giã tay đến đó, thậm chí dùng cối giã suối mỗi ngày vài cân nên bà con chỉ có thể đóng góp bằng thóc, vấn đề đặt ra là làm sao chuyển số thóc đó thành gạo trong thời gian ngắn nhất. Nhiều biện pháp đã được anh em đề ra. Một là, huy động cối và dân công giã tay ngày đêm. Hai là, phát hiện và huy động kịp thời anh em dân công Thanh Hóa, Vĩnh Yên có nghề đóng cối xay, tổ chức thành nhiều đoàn xay giã.

Ngoài ra, anh em chúng tôi còn nghĩ ra cối xay trâu vì là dân quân giới, nhân viên Trường Kỹ nghệ chẳng lẽ bó tay. Vậy là cối xay bằng sức trâu nhanh chóng được hình thành, nhờ đó mà năng suất tăng lên. Những hạt gạo nếp trắng ngần thơm phức đã được chuyển lên hỏa tuyến kịp thời cung cấp cho bộ đội. Không những thế, chúng tôi còn để lại cho đồng bào những chiếc cối xay lúa kiểu đồng bằng Bắc Bộ, cối xay trâu, v.v... những biện pháp kỹ thuật để tạo ra chúng.

Nhiều địa phương Tây Bắc đã cử người đến tiếp thu kỹ thuật. Gần một vạn tấn lúa huy động tại chỗ đã được chuyển thành gạo bằng nhiều biện pháp, nói lên sự cố gắng rất lớn của các đơn vị cung cấp tiền phương và anh chị em dân công, là những chiến công thầm lặng góp sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:56:33 pm »


ĐỘI QUÂN PHÓ CỐI
Đại tá TRẦN THỊNH TẦN
Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần
Trung đội trưởng Tổng cục Cung cấp tiền phương

Việc cung cấp kịp thời lương thực cho mặt trận Điện Biên Phủ giai đoạn đầu, Tiền phương Tổng cục Cung cấp chủ trương khai thác triệt để nguồn hậu cần tại chỗ của Tây Bắc gồm Sơn La, Lai Châu, Yên Bái. Tuy nhiên cũng có không ít băn khoăn trăn trở của lãnh đạo vì một lẽ: Tây Bắc là một vùng núi non hiểm trở, đất rộng người thưa kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp - mang tiếng có bốn vựa lúa lớn Thanh, Lộ, Than, Huy1, nhưng đồng bào vẫn đói nghèo. Một vùng đất vừa được giải phóng trong chiến dịch Tây Bắc cuối năm 1952, chưa ổn định về nhiều mặt, bọn phỉ còn gây rối, liệu có đáp ứng được nguồn lương thực tại chỗ không?

Tuy vậy, Hội đồng cung cấp Sơn La, Lai Châu, Yên Bái vẫn mạnh dạn vận động đồng bào các dân tộc ủng hộ đóng góp công sức cùng bộ đội đánh Tây giải phóng Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Theo con số thống kê được, đồng bào Tây Bắc đã đóng góp trên 10.000 tấn thóc nếp (tương đương trên 7.000 tấn gạo) và hàng trăm tấn thực phẩm, một con số đầy ý nghĩa ngoài dư liệu, đáng quý hơn nữa là số lương thực này được huy động tại chỗ, giảm đáng kể công vận chuyển từ xa tới. Một vấn đề khó khăn khác là: có lúa rồi làm sao có gạo để bảo đảm cho bộ đội sử dụng. Tập quán của đồng bào Tây Bắc, giã gạo tay ngày nào ăn ngày đó, năng suất lại rất thấp, mỗi lần giã chỉ một đến hai ký thóc, quả là nan giải. Vì vậy, Tiền phương Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập “đội quân phó Cối” ngay tại chiến trường Điện Biên, giải quyết hàng nghìn tấn thóc nếp, thóc hương thành gạo.

“Đội quân phó Cối” được nhanh chóng tuyển mộ từ các tay phó cối trong các đơn vị bộ đội, đơn vị dân công, thậm chí điều từ hậu phương lên. Họ nhanh chóng vào rừng chặt tre bện dây làm áo cối, chẻ nan tre đóng nêm, dùng tre làm cần, tất cả nguyên liệu đóng chiếc cối xay toàn bằng tre. Thật tuyệt vời, cây tre Việt Nam không những chỉ làm vũ khí tầm vông, chông, nỏ, đánh giặc mà cả những chiếc cối xay lúa có năng suất cao.

Chẳng bao lâu hàng mấy trăm chiếc cối xay lúa đã được cung cấp cho các kho, các công trường xay giã, lúc đầu tỷ lệ gạo còn thấp nhưng rồi rút kinh nghiệm dần dần tỷ lệ thành gạo cao hơn. Tại các cơ sở vùng kho chứa thóc nơi có hàng chục chiếc cối xay âm thầm chuyển động, những hạt gạo nương chảy ào ào xuống nia, tiếng giã thập thình, tiếng dần, sàng sảy, hòa lẫn cùng lời hòa ca râm ran cả núi rừng, không khí thi đua sản xuất sôi động ngày cũng như đêm, động viên nhau bằng những câu hò: “Nhanh tay lên chị em ơi! Thêm một cân gạo diệt đời một Tây”, hay “Ra đi chỉ một lời thề, Điện Biên còn giặc chưa về quê hương” - tại các kho và điểm xay xát gạo không biết ai đó đã đặt tên cho nó là công trường diệt giặc ở Điện Biên Phủ. Lại tiếng gọi í ới, tiếng còi xe inh ỏi của mấy anh lái xe Mô-lô-tô-va hỏi đường để vào công trường nhận gạo, mỗi xe nhận được khoảng 1,5 tấn. Hàng ngàn tấn gạo nương Tây Bắc huy động tại chỗ đã được sản xuất ra trong bối cảnh như vậy.

Bà con các dân tộc ở quanh vùng đã kéo đến xem bộ đội sản xuất gạo, nhìn những chiếc “máy” bằng tre quay tít nhả ra những hạt gạo đã không tránh những hiếu kỳ và niềm vui xiết kể.

“Đội quân phó Cối” còn tranh thủ đóng thêm nhiều chiếc nữa, để tặng cho đồng bào, mà còn hướng dẫn cách đóng cối, cách sử dụng. Tiếng lành đồn xa nhiều bản làng kể cả bà con dân tộc Bắc Lào gần Điện Biên Phủ cũng đã tìm đến, được các anh “bộ đội phó Cối” tận tình chỉ vẽ làm cối xay bằng tre như mong muốn.

Đồng bào Tây Bắc cảm ơn anh bộ đội Cụ Hồ không chỉ giỏi đánh Tây, mà còn đưa kỹ thuật tiên tiến tốt hơn, giúp đồng bào biết cách cải thiện cuộc sống, khắc phục những tập quán lạc hậu.

Trong cuốn “Điện Biên Phủ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1969, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Nhân dân ta lập được một kỳ công hoàn toàn ngoài sự ước lượng của địch; chúng ta đã bảo đảm việc cung cấp tiếp tế cho một lượng bộ đội lớn chiến đấu trên một mặt trận rất xa hậu phương, trong một thời gian dài, một việc mà quân địch cho là chúng ta không thể nào làm được trong chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp một lượng lương thực bằng khoảng 27% tổng nhu cầu lương thực toàn chiến dịch. “Đội quân phó Cối” đã cùng đồng bào Tây Bắc góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu của dân tộc ta.
___________________________________
1. Mường Thanh, Nghĩa Lộ, Than Uyên, Quang Huy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 09:58:09 pm »


KỂ CHUYỆN NUÔI QUÂN Ở ĐIỆN BIÊN PHỦ
Đại tá TRẦN THỊNH TẦN

Trong chiến dịch bao vây tiêu diệt địch ở mặt trận Điện Biên Phủ, con số trên 7.500 tấn gạo nếp nương của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đóng góp nuôi quân được khai thác tại chỗ chiếm gần một phần ba nhu cầu lương thực của toàn chiến dịch. Thật đáng quý một con số đáng kể. Gạo nếp nương trắng ngần thơm phức chưa ăn đã thấy thèm - những hạt gạo được bảo đảm cho các đơn vị rất kịp thời ngay từ lúc đến Tây Bắc tham gia chiến dịch.

Nhìn thấy những hạt nếp nương trắng tròn và hương thơm quyến rũ, buổi ban đầu ai cũng háo hức, có cảm xúc như sắp có một lễ tết, vì chỉ có dịp ấy bộ đội mới được hưởng hương vị đặc trưng này.

Tuy nhiên, khi nồi cơm nếp Anh nuôi nấu lên, trong các bữa ăn tiếp theo thì không còn hấp dẫn với bộ đội kể cả các chàng trai háu đói nhất, vì ngán và nóng cổ. Bộ đội ăn không hết tiêu chuẩn, làm sao đảm bảo sức khỏe chiến đấu?

Nhân dân Tây Bắc có tập quán bao đời nay là trồng lúa nếp và ăn theo cách đồ xôi, phương tiện trang bị nồi nấu xôi khác hoàn toàn với trang bị cấp dưỡng của bộ đội, quả là một tình huống ngoài dự kiến. Để khắc phục những khó khăn về mặt này, nhằm bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, Anh nuôi đã có một sáng kiến rất thông minh là cải tiến nồi nấu cơm thường sang nồi hông xôi. Việc cải tiến rất đơn giản, nồi có 3 bộ phận:

1. Nồi nấu cơm thường dùng.
2. Một cái rá bằng tre hơi thưa.
3. Lá chuối hoặc lá môn thục.

Cách sử dụng: nồi nấu cơm được bắc lên bếp, nước chế vừa đủ, cho vào nồi vào một cái đĩa để hạn chế độ sủi bọt khi nước sôi, đặt một cái rá đan hơi thưa để gạo không lọt, mà hơi thoát lên nhanh vành miệng rá sát miệng nồi mà không bị tụt xuống.

Gạo nếp vò sạch hoặc ngâm kỹ đổ vào rá, cắm vào vài chiếc đũa để tạo độ thoáng hơi khi gạo đổ cao lên khỏi mặt rá bắt đầu dùng lá chuối quây lại, gạo cao đến đâu quây lá chuối đến đó, càng dày càng tốt nhằm không để hơi thoát và giữ gạo thành khuôn. Lượng gạo vượt lên khỏi thành rá có thể cao từ 30 - 40 phân. Đổ gạo xong dùng lá chuối bịt kín lại và dùng một cái rá khác úp lên, làm sao cho đủ chặt để lá chuối khỏi bung ra, gạo nếp khi đã được nấu chín thường kết dính với nhau thành khuôn và không còn bung ra nữa. Sau khi xôi chín có thể tỡ ra, dùng quạt quạt cho bay hết hơi, hạt xôi se lại, tạo cảm giác ngon miệng, nhất là chấm với mắm kem hoặc muối mỡ thì không gì bằng. Với cách cải tiến này, đơn vị không còn lo lắng việc bộ đội ăn không hết tiêu chuẩn mà có khi còn thiếu.

Nhân dân Tây Bắc khi nhìn thấy nồi xôi to, một lúc chia cho hàng trăm người ăn, không khỏi ngạc nhiên, khen: Bộ đội Cụ Hồ giỏi thật, giỏi thật!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:01:28 pm »


GHI CHÉP CỦA MỘT CHIẾN SĨ QUÂN Y
Đại tá GS TS Y khoa NGUYỄN ĐỊCH
Nguyên Đội trưởng Đội phẫu thuật lưu động Đại đoàn 316

Thế mà đã hơn 50 năm. Thật không ngờ!

Rừng núi Tây Bắc không lạ gì với đơn vị chúng tôi. Năm nào lại không đi về phía Tây Bắc hoặc Thượng Lào. (Vì Đông Bắc đã được giải phóng từ trước mà hướng đồng bằng thì chưa phải là quyết chiến điểm và cũng không dễ dàng giành thắng lợi trọn vẹn).

Lại lên đường đi chiến dịch, tất nhiên là bí mật. Không một lời kêu ca, phàn nàn. Thời đó, thời chiến sĩ thú vị thật, được hành quân là vui rồi. Một đêm đi lặng lẽ, lội trong bùn, mùi lá rụng bám chặt vào quần áo lẫn mồ hôi, rồi cũng đến điểm dừng chân khi trời sáng. Chà mấy ông tham mưu hay thật, đi cả đêm, khi nhìn lại chỉ loanh quanh ở một góc rừng; chỉ cách nhau độ vài nghìn mét; rồi cũng đến được địa điểm tập kết. Từ đường số 6, từ Thuận Châu đến đỉnh núi Long Hẹ, E Tòng, Tây Bắc, phải vượt qua một đèo cao, thời gian là từ sáng đến xế chiều, địa điểm mây mù và sương tỏa, dưới chân đèo núi là phỉ, chẳng biết ở đâu là chính xác. Việc đầu tiên là “nước” để đơn vị sinh hoạt và để sử dụng cho công tác chuyên môn; chỉ có thể căng tấm vải nhựa ni lông để hứng sương, hy vọng từ sương đêm đọng lại. Như thường lệ, mặt trời chưa xóa tan sương mù, tác phong của người phụ trách đơn vị là phải kiểm tra, dự kiến trong ngày phải làm gì để đảm bảo an toàn cho đơn vị sẵn sàng đối phó với phỉ.

Sáng hôm đó, nghe tiếng máy bay nặng nề từ phía đông đến, cứ 3 chiếc một nối nhau bay qua đỉnh núi Long Hẹ, E Tòng; cũng nhờ có kinh nghiệm đã từng thấy quân Pháp nhảy dù, cho nên đã kịp báo động với toàn đơn vị máy bay hướng về phía tây tây bắc. Và đã có lệnh gấp rút hành quân lên Lai Châu, ý định của cấp trên là phải đánh tan quân phỉ ở đó, để phỉ không liên lạc với lính nhảy dù của Pháp đã xuống vùng Tây Bắc. Được lệnh hành quân là chạy, chạy để kịp theo đơn vị đã đi trước, vừa chấn chỉnh đội hình, vừa chạy, vừa tổ chức huấn luyện cho 2 tiểu đội dân công được bổ sung; bất kể văn hóa, chỉ cần nghe được và nhắc lại cho người chạy tiếp theo đúng là đạt yêu cầu, cho nên trên đường hành quân có đôi khi phải nghĩ để kiểm tra các điều đã học theo cách truyền miệng. Thật lạ lùng, gần như tất cả đã đạt yêu cầu.

Bộ đội của ta đã gặp địch: tiểu đoàn thổ phỉ người Thái địa phương; trận đánh không khó khăn, ta không có thương vong mà còn bắt được chúng, trong số đó có một trung úy người Pháp chính cống. Cả đơn vị không ai muốn tiếp xúc với tù binh. Bất đắc dĩ, tôi phải hỏi cung. Tỏ vẻ sợ sệt thật sự, hắn ta trả lời rành mạch và luôn nhắc nhở lại là mới đến Việt Nam được 6 tháng, và mới nhận chức tiểu đoàn phó tiểu đoàn phỉ được 1 tháng, chưa chĩa súng vào một ai, xin ông lưu ý cho. Hắn chỉ có một thắc mắc “cán bộ là gì?”. Sau khi giải thích cho hắn hiểu mọi vấn đề về chính sách hàng tù binh. Hắn hỏi: “Tôi có được coi là hàng binh không?”. Tôi đã cười và nói với hắn ta: “Anh là người đã có chứng chỉ hai năm Đại học Luật mà không biết được tù và hàng binh khác nhau ư?”. Hắn òa khóc, và tự thú nhận không hề biết gì về quân đội Pháp đến Việt Nam.

Tôi kể lại cho anh em chiến sĩ trong đơn vị, cũng để động viên; tinh thần phỉ bạc nhược đến thế, thì phỉ chỉ là một ô hợp. Chắc chắn chỉ nghe tiếng ho của chúng ta thì nó đã tan rã. Và nghe tiếng AK là đầu hàng. Đêm đến, trên đỉnh đèo Claveau nhìn xuống Lai Châu mờ mịt, trời lại quá rét, bộ đội tản ra và điều bất ngờ là cứ mỗi tiểu đội lại nổi lửa để sưởi ấm. “Dấu hiệu khinh địch”, ngay lập tức một vài quả cối 60 ly, từ dưới chân đèo đã thức tỉnh các đơn vị chỉ huy. Mờ sáng đã có tin, khi truy kích phỉ vượt sông có tổ ba người đã bị nước cuốn trôi mất tích; ngay sau đó một tổ du kích địa phương đã cho biết chỉ cách phía trên một ghềnh đá, nước chỉ sâu đến thắt lưng có thể lội qua được; cả đơn vị sững sờ, các chỉ huy đơn vị lặng lẽ, không khí đơn vị như chùng xuống. Ngay sau đó một bộ phận tiền tiêu đã bắt dược toán phỉ chủ lực, nhưng không có vua phỉ. Chưa kịp nghỉ, nắm cơm vắt đã có mùi thiu, nhưng lại chạy theo đường tắt về Điện Biên Phủ. Từ đó không còn tên chiến dịch Trần Đình như trước khi hành quân, và cũng chẳng biết là chiến dịch gì? Vì đơn vị tôi phụ trách là một đơn vị quá bé nhỏ, chỉ là một đội phẫu thuật lưu động, cho nên theo lệnh trên là cứ chạy về hướng đã được chỉ dẫn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:02:00 pm »


Một cách thực hiện nhiệm vụ, suy nghĩ của người lính trẻ thời đó như chúng tôi chỉ đơn giản là chấp hành mệnh lệnh, và vui vẻ khi thực hiện mệnh lệnh. Trên đường hành quân về phía Điện Biên Phủ thì được tin: Ở một trận tao ngộ chiến với Lê dương tiền tiêu của Pháp nống ra để dò tin bộ đội ta; ta lại là một toán trinh sát thiện chiến, cho nên chỉ trong vòng mười lăm, hai mươi phút lính Lê dương đã rút, sau khi được không quân Pháp thả một vài trái bom chặn đường truy kích. Ta cũng bị thương vong do bom na-pan.

Và trong trận đó xuất hiện anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng... Giữa đồi núi tan hoang, xơ xác, chúng tôi lặng lẽ đi không hề suy nghĩ, chỉ tâm niệm: “Chiến dịch sắp đến là ác liệt và quan trọng (thời gian do chưa được phổ biến là chiến dịch Điện Biên Phủ). Chỉ một thời gian sau, được tin có nhiều đại đoàn cùng tiến lên hướng Tây Bắc, anh em trong đơn vị vui mừng vì không còn cô đơn như những năm trước. Dân công, xe thồ, lại có xe ô tô tải lớn; vui mừng nhất là đơn vị đi lấy gạo về gặp được cả súng đại bác, súng bắn tàu bay; có đồng chí đã ngây ngất kể lại là: được sờ, vuốt ve cả cái nòng súng to và dài, láng bóng... Chỉ một tin đơn giản vậy mà cả đơn vị cứ bàn tán mãi.

Nghĩ lại cuộc đời chiến sĩ lúc đó, hạnh phúc chỉ là chuyện ta đã có vũ khí mới, súng to và màu sắc láng bóng đã được anh em đem theo vào giấc ngủ, quên cả mệt nhọc và gian khổ trong những ngày qua. Sự lạc quan của đồng chí chỉ huy lại còn ấn tượng, khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu, mục đích của trận đánh chỉ nghe toàn chuyện so sánh ta có bao nhiêu súng lớn, địch có bao nhiêu súng, cứ kể miên man và cười rất to. Trận đánh này chắc thắng mà còn lại thắng rất nhanh, toàn đơn vị cũng cười theo số liệu so sánh về số súng giữa ta và địch.

Bây giờ nhớ lại, anh em ai cũng cười và tự hỏi tại sao ta lại giản đơn đến mức ấu trĩ! Sự tin tưởng tuyệt đối vào cấp trên đã tạo nên sức mạnh cho đơn vị nhỏ bé chúng ta và có lẽ của toàn quân đang trên đường tìm địch mà đánh, tất nhiên là sẽ thắng lợi. Đang nằm thao thức chờ tiếng súng mở màn chiến dịch, thì từ phía đông bắc, thấy các tia lửa, xen lẫn tiếng đại bác của ta, đơn vị không còn bàn tán mà tất cả đã tự động vào vị trí công tác đã được phân công từ trước. Cứ như thế suốt thời gian chiến dịch cho đến lúc nhìn thấy lá cờ trắng quân đội Pháp đầu hàng.

Cho đến bây giờ mấy chục năm sau, tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt của các thương binh nặng, mà khả năng sống rất mỏng manh, cứ chiều đến là chuyển về tuyến sau. Lại một nỗi buồn thoáng qua, vì biết rằng trong số đó sẽ có người không còn gặp lại gia đình, quê hương. Một buổi chiều sau nhiều ca mổ khó vất vả, có người ngồi trên bờ giao thông hào, nhìn thấy một tiểu đội quân ta, đi giữa đội hình là một giặc lái, còn mang nguyên trang bị của một phi công. Tôi bất ngờ xổ một tràng tiếng Pháp, đại ý là “đồ quân cướp nước, loại giặc lái này sang đây làm gì?” Anh em chiến sĩ ta cũng bất ngờ, là có chiến sĩ lại nói được tiếng Pháp.

Tên giặc lái càng ngạc nhiên, hắn chỉ xin được uống nước; các chiến sĩ dẫn tên tù binh cũng nhân dịp ngồi nghỉ và cho biết tên giặc lái khá kiêu ngạo. Tôi đã quay lại nói cho hắn ta là tù binh lại là phi công chiến đấu, là từ trên trời cao, cứ bom mà thả, cứ đại liên mà bắn, không phân biệt đâu là thường dân; anh nên nhớ ném bom bắn phá vào thường dân là một việc vô nhân đạo, anh không biết hay sao? Tên giặc lái chỉ cúi đầu, từ đó trở đi không dám nhìn vào các chiến sĩ của ta. Bắt được tên giặc lái là một chuyện và do vòng vây của quân ta khá chặt nên bọn chúng không dám bay thấp để thả dù, sân bay lại bị đại bác ta cày xới, nên dù tiếp tế cho bọn Pháp cứ bay theo hướng gió, do đó, chúng tôi lại được bổ sung cả thuốc điều trị cho anh em bị thương, đặc biệt là các loại máu khô (plasma sec), có cả áo khoác trong phẫu thuật của quân đội Mỹ viện trợ. Thật thú vị, vì biết được quân Pháp phải nhờ đến viện trợ từ cái áo blouse, thế có nghĩa là hậu cần của chúng cũng đã gần hết hơi. Đặc biệt đêm đến, một bộ phận lính ta đi kiếm dù lạc của Pháp, có cả bánh kẹo nhưng vui nhất là vớ được đạn đại bác 105 ly. Nếu ngày hôm sau nghe nhiều tiếng đại bác của ta, chắc hẳn là đại bác Mỹ viện trợ, ta lại trả cho Pháp. Tuy vậy, chiến dịch vẫn còn kéo dài, và mùa mưa đã đến, ta gặp khó khăn về thực phẩm, đặc biệt anh em bị thương nặng mà chưa được chuyển về phía sau. Có đồng chí y tá được phân công lên đồng bào Mèo trên rẻo cao để mua rau, có đồng chí được phân công bí mật đi về phía biên giới gần đất nước bạn để mua thực phẩm, loại thực phẩm bí mật là thịt “mộc tồn” với yêu cầu bí mật với dân nước bạn, bí mật với địch. Việc đi tìm “mộc tồn”, cũng có nhiều điều thú vị: có người phải nói là đơn vị đóng trong rừng quá nhiều chuột nên phải loại này mới giữ được cả kho thực phẩm “gạo, cá, thịt”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:02:37 pm »


Thời gian chiến dịch chẳng có ai đếm ngày đếm tháng. Đơn vị chúng tôi, một đơn vị phẫu thuật lưu động đã chuyển quân ba lần vòng quanh lòng chảo Điện Biên. Từ khi bắt đầu truy kích phỉ đến giải phóng Lai Châu và quay lại cùng đại quân bao vây Mường Thanh, hỗ trợ cho Quân y Đại đoàn 316; khi trận đánh tạm lắng lại được điều về Hồng Cúm để tăng cường cho Quân y Đại đoàn 304. Sau đó lại được ở với Quân y Đại đoàn 308 ở phía bên kia Bản Kéo. Khi chuẩn bị đánh quân Pháp có khả năng chạy về phía Thượng Lào thì lại được bố trí chuẩn bị cho truy kích. Cũng cần nói thêm, trong suốt thời gian đó chúng tôi được băng qua cánh đồng ba lần: đến bản Cò Mỵ để cấp cứu đồng bào bị bom, lần thứ hai lại quay về Cò Mỵ sát cứ điểm Hồng Cúm để cấp cứu cho thương binh vì khi đi trinh sát bị thương thì trời đã gần sáng không về kịp đơn vị. Khi vòng vây chúng ta thắt chặt thì lại điều về mũi chính diện phía sau của hai Đại đoàn 312 và 316 ở phía đông. Có lẽ cũng vì luôn thay đổi địa điểm trú quân và mỗi lần đến địa điểm mới dù đêm hay ngày đều phải làm đầy đủ các nhiệm vụ, trước tiên là đào hầm cho thương binh, đào hầm đạt yêu cầu cho phòng mổ chịu đựng được đại bác 105 ly. Do di chuyển nên cơ số thuốc không bao giờ đạt yêu cầu; sau khi phẫu thuật xong cho một số thương binh thì phải suy nghĩ, cân nhắc, số thuốc quá khiêm tốn đó nên ưu tiên cho thương binh nào. Cũng xin được nói, có thương binh sau khi phẫu thuật phải ở tư thế nửa nằm nửa ngồi theo quy định của chuyên môn thì tinh thần là chỗ dựa chính; tất cả các nhân viên đều phải thay nhau ngồi quay lưng lại cho thương binh dựa. Mặc dù trong tư thế nhân viên và thương binh nhìn về hai hướng khác nhau nhưng câu chuyện lại là một, hầu như nói đến chuyện quê hương, xóm làng, hậu phương; cho đến khi thương binh chuyển về tuyến sau, là một cuộc chia tay bịn rịn; có nhân viên còn đi theo thương binh mình đã phụ trách tiếp tục động viên an ủi, đến đêm mới trở về đơn vị.

Sau khi thắng lợi hoàn toàn, trên đường hành quân về đơn vị qua đồi A1, tôi thấy một khối bộc phá còn nguyên đặt bên trái chiếc xe tăng nòng pháo gục xuống; bất giác toàn thân tôi run lên, có thể cảm thấy từng thớ thịt và nghĩ đến đồng chí nào đã mang gói bộc phá đặt ở góc độ cần thiết để phá xe tăng, hiện đang ở đâu, hay đã lặng lẽ hy sinh vì khối bộc phá vẫn còn nguyên. Hình ảnh đó theo tôi mãi mãi cho đến bây giờ và khi thăm lại chiến trường xưa, đứng dưới phù điêu tạc tượng hình ảnh của chiến sĩ Điện Biên mà cứ nghĩ miên man. Thắng lợi chấn động địa cầu này thể hiện trí tuệ, truyền thống của cả dân tộc mấy nghìn năm chiến đấu chống ngoại xâm.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, tôi được đi tham quan học tập ở một số nước. Khi sang Pháp, một bất ngờ đến với tôi là đã gặp và nói chuyện với một đại tá, nguyên là thiếu tá ở đơn vị Lê dương từng bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ. Ông ta đã nói: “Việt Nam thắng trận Điện Biên Phủ vì có sức mạnh của cả một dân tộc, lại có những đảng viên chân chính của Đảng Cộng sản Việt Nam, có cụ Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng thời, có cả một số lớn cán bộ chủ chốt đã làm tốt công tác hậu phương và công tác hậu cần”. Ông ta lại nói: “Thắng lợi của Việt Nam đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của các nước thuộc địa trên thế giới, góp phần làm thay đổi lịch sử thế giới”.

Ông ta hỏi tôi: “Là người Việt Nam, anh có vinh dự được làm người lính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và có tham gia chiến dịch này không? Anh được tham gia vào Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không? Anh ta quay lại nói với người con trai là một thạc sĩ y khoa: “Muốn trưởng thành, có lẽ phải phấn đấu như những người cộng sản Việt Nam, có lòng yêu nhân dân như những người Việt Nam đã từng đấu tranh hàng trăm năm cho độc lập, tự do của đất nước”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:06:14 pm »


CẢ NHÀ ĐI CHIẾN DỊCH
Bác sĩ LÊ THÂN
Nguyên Quân y sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Sau chiến dịch Hoàng Hoa Thám, hai bệnh viện dã chiến: Phân viện 1 và Phân viện 2 sáp nhập thành Phân viện 12, đóng tại một khu rừng thuộc Bắc Giang, cạnh Cầu Gồ, Yên Thế. Tháng 1 năm 1954, có lệnh đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Không ai biết Điện Biên Phủ ở đâu, chỉ áng chừng là một nơi heo hút trên chiến trường Tây Bắc, tận Lai Châu sát biên giới Việt - Lào, nhưng quan trọng lắm. Nghe nói cả nước nô nức góp sức người sức của để đánh trận này. Đơn vị chúng tôi được lệnh tách đôi, những ai yếu sức hoặc vướng mắc gì thì ở lại bộ phận “tuyến sau” mang tên Quân y xá Trung Du, còn bộ phận “tuyến trước” chuẩn bị lên đường đi chiến dịch. Do phải chấn chỉnh tổ chức nên mọi người được “xả hơi” một thời gian. Ai cũng náo nức muốn đi phục vụ tiền tuyến, không ai muốn ở lại, trừ những trường hợp bất đắc dĩ.

Hai chúng tôi thuộc diện đặc biệt: khả năng chuyên môn đáng tin cậy, tinh thần đảng viên luôn xung phong đi đầu, nhưng ngặt nỗi vướng cháu bé gái chưa đầy hai năm tuổi... Số là vợ tôi Đỗ Hoàng Dung và tôi vốn cùng công tác trong một khu thương bệnh binh phục vụ chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Vợ tôi làm Trưởng khu điều trị thương binh nặng bao gồm cả phòng mổ, còn tôi vừa làm chuyên môn vừa đảm trách Chính trị viên, thế là “phải lòng” nhau. Mọi người trong đơn vị cũng vun vào, cuối cùng là với một cặp nữa tương tự, đơn vị tổ chức một đám cưới tập thể, rồi sau đó một bé gái đầu tiên của hai chúng tôi ra đời. Các cô chú gọi cháu là Ti Ti, đó là tên mẹ cháu thêu trên yếm áo, cũng vì lẽ cháu bé “ti ti” duy nhất của toàn đơn vị.

Bây giờ đi chiến dịch Điện Biên Phủ! Hay là vợ tôi cùng con nhỏ ở lại tuyến sau? Nhưng chúng tôi đủ dũng khí, đủ quyết tâm đi tuyến trước cả bộ ba và được anh em rất ủng hộ. Mới đầu nghe như chuyện hài hước, nhưng sau một buổi bàn bạc, lãnh đạo và chỉ huy Phân viện chấp nhận cho bộ ba chúng tôi đi, nhưng phải viết “Quyết tâm thư”, cam đoan không để ảnh hưởng đến công tác. Thực ra điều này chỉ là hình thức để có thêm lý do ủng hộ, vì chúng tôi là những cán bộ quân y đầu tiên đã có kinh nghiệm phục vụ một số chiến dịch trước, lúc này quả là hiếm hoi và rất cần thiết.

Được chấp thuận, chúng tôi bán tất cả nhẫn cưới, đồng hồ đeo tay, vét hết tiền dành dụm mới mua được một chiếc xe đạp cà tàng ở Nhã Nam, không đèn, không “gác-đơ-bu”, nhưng có phanh và xăm lốp (vỏ, ruột) tốt, cột ghế mây cho bé Ti Ti ngồi và “thồ” tài sản lỉnh kỉnh của gia đình.

Sắp lên đường thì tôi lên cơn sốt rét liên tục hàng ngày, lo nhất là bị buộc ở lại, tôi tự điều trị bằng những liều ký ninh vàng (quinacrine) gấp rưỡi, gấp đôi liều quy định vì vậy mà da vàng khè. Ấy thế mà hết sốt hàng ngày lại sốt cách nhật, khi lên đường vẫn chưa cắt cơn... May sao ai cũng bận công việc chẳng có thì giờ để ý nên chúng tôi tránh được con mắt quan sát của mọi người, vì một khi đã ở trong đội ngũ của đơn vị hành quân thì khó có quyết định ở lại.

Lộ trình hành quân bí mật từng ngày, chỉ có lãnh đạo chỉ huy Phân viện mới được biết nơi sẽ đến mà cũng chỉ được biết từng chặng một. Chúng tôi lúc đầu cũng theo kịp đoàn nhưng sau đó phải tụt lại sau với bộ phận hậu cần, cốt là bám theo được đơn vị cho kịp đến nơi tập kết đã quy định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:06:37 pm »


Tuổi trẻ chúng tôi được đi phục vụ tuyến trước là vui mừng quá rồi, rất tin tưởng, lạc quan, chẳng lo nghĩ gì, “đời lính ta, đâu có giặc là ta cứ đi”, đi rồi sẽ biết, rồi sẽ đến! Các chặng đầu còn đi đường cái, đường tỉnh lộ rộng bằng phẳng nhưng phải đi đêm tránh máy bay, còn những chặng đường về sau toàn đi ven rừng, luồn rừng thì lại đi ban ngày, suốt đêm hoặc cả ngày hôm sau được nghỉ. Dù đi đêm hay đi ngày cũng chẳng sao, đáng quan tâm là lo cho cháu bé. Lúc đầu phân công, tôi là Chỉ huy trưởng, phụ trách lái xe thồ 2 ba lô, 2 bao gạo, một số đồ ăn thức uống, soong nồi lỉnh kỉnh và bé Ti Ti, vợ tôi là Chỉ huy phó hậu cần kiêm cấp dưỡng, y tá và chính trị viên. Bắt đầu hành quân, cháu được che kín tránh gió bụi, ấm áp, được cố định vào ghế ngồi cẩn thận vì đường xóc và lắc lư dễ buồn ngủ. Nhưng nào có được lâu, chưa quen nên chỉ một lúc chơi nghịch là ngủ, khi thức giấc là cháu đòi mẹ, đòi uống, đòi ăn, đòi đi vệ sinh... Cho nên bao giờ cũng phải chuẩn bị đầy đủ nước uống, thức ăn có sẵn là quả trứng luộc, củ khoai, nắm xôi, kẹo thì chỉ có kẹo bột, kẹo vừng hoặc miếng đường phèn (đường mía làm thủ công đổ thành bánh dầy 1 phân hoặc cắt thành từng miếng vuông, còn gọi là đường đen vì mang màu nâu sẫm). Rồi cho cháu đi vệ sinh, lau rửa. Xong nhiệm vụ, chỉ huy phó lại địu con trước ngực để đảm bảo an toàn rồi bước thấp bước cao, chống gậy dò dẫm từng bước mà đi. Cứ thế cháu hết ngồi xe với bố lại theo mẹ, thay phiên nhau suốt lộ trình. Đến chỗ nghỉ ngắn thì dùng khăn quàng đỡ lấy đầu cháu, treo lên một cành cây để cháu ngủ ngồi dễ dàng, còn đến nơi được nghỉ lâu thì mắc võng cho cháu ngủ, lúc đó hai bố mẹ cùng mệt, lăn ra ngủ theo trên nệm cỏ, thanh thản và ngon lành.

Từ Bắc Giang qua Phú Thọ rồi Yên Bái, chừng 2 tuần lễ, tôi lên sốt rét mỗi ngày một cơn, lại nuốt ký ninh vàng, khi lên cơn thì run bần bật, hết cơn lại đi, có khi đêm ngủ nhờ nhà dân. Vợ thấy tôi run quá, lo tôi bị sốt ác tính, cứ luôn phải gần bên, che cho tôi đỡ rét vì trời quá lạnh mà chăn thì mỏng, quần áo đâu ủ ấm! Nhiều lần, những người dân tốt bụng cứ kéo vợ tôi ra giường ngoài, sau vài lần như vậy mới nghe có người nói thẳng cho biết là: thấy tôi da vàng như nghệ chắc là bị “phạm phòng” nên khuyên hai vợ chồng không nên “nằm chung” mà phải kiêng... Hiểu ra, chúng tôi vừa xấu hổ vừa cảm động trước tấm lòng thiệt thà của bà con lo cho mình. Có biết đâu rằng tôi chỉ bị “phạm ký ninh vàng quá liều” chứ đâu dám “phạm phòng” khi đi hành quân, lòng nặng trĩu lo lắng đi tới đích vẹn toàn. Điện Biên là đâu? Còn xa không, 1 tháng hay 2 tháng nữa?...

Không như các đơn vị chiến đấu, Phân viện chúng tôi hành quân thật là lỉnh kỉnh, nào là phương tiện chuyên môn kỹ thuật, nào là hậu cần, cấp dưỡng,... tất cả đều phải ngụy trang để không ai nhận ra là đơn vị Quân y, do đó có người đoán là Đoàn Văn công vì thấy thấp thoáng có nữ, có người đoán là công binh vì loảng xoảng có cuốc, xẻng, hoặc xì xào “các anh chị nuôi” vì thấy nhiều nồi soong và chảo... không ai biết là một bệnh viện dã chiến vì từ trước tới nay có nghe nói đến bao giờ.

Cuối cùng cũng đến được nơi quy định hạ trại. Tình hình khẩn trương quá, chưa kịp nghỉ đã phải cấp tốc làm lán bằng tre nứa lợp lá để đón nhận thương binh từ hỏa tuyến về. Ai cũng có nhiệm vụ, khỏe thì vào rừng đốn gỗ, lấy tre, lấy nứa, còn thì chẻ nứa, đan phên, chẻ lạt, lợp mái... suốt ngày không nghỉ, thay nhau bữa ăn qua loa rồi lại ai vào việc nấy, quên mệt nhọc qua câu hò, tiếng hát, tiếng cười. Cháu bé lại thành “chính trị viên” qua lại động viên các cô chú từ tốp này sang tốp khác. Vừa tạm xong đã có lệnh chuyển địa điểm vì “bị lộ”. Hết rừng cọ, rồi rừng gì không biết, lệnh trên bảo chuyển là chuyển, có khi là lo bị lộ, có khi chỉ là kế nghi binh, để rèn luyện. Có lần đi suốt đêm, đến sáng lại quay về nơi xuất phát... Nhưng rồi cũng đến lúc phải ổn định vì thương binh về. Mặc dù công việc rối rít tít mù như thế, các đồng chí vẫn không quên dựng tạm một chiếc lán nhỏ bằng lá gồi cho ba người chúng tôi trú mưa tránh nắng. Thật là trên mức tưởng tượng, có ai ngờ trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi cũng có được căn lều “hạnh phúc”! Không rõ có sự kỳ diệu nào mà từ đó cho đến hết chiến dịch (khoảng 2 tháng) tôi không lên cơn sốt nào nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 04 Tháng Mười Một, 2016, 10:07:02 pm »


Mới đầu thương binh về còn lẻ tẻ, một số là bệnh binh sốt rét nặng, có đồng chí mê man đe dọa bị sốt rét ác tính. Vợ tôi phụ trách khu Khinh thương (thương binh nhẹ) và bệnh binh, còn tôi phụ trách khu trung và trọng thương gồm cả cấp cứu và phòng mổ. Sau này trong chiến tranh chống Mỹ, trình độ cán bộ chuyên môn cùng với trang thiết bị kỹ thuật khá hơn nhiều, chứ ở chiến dịch Điện Biên chúng tôi còn non yếu lắm. Phân viện chúng tôi có 3 người là Viện trưởng, Viện phó gọi là có tay nghề cao nhất thì bị hút chặt vào công việc mổ xẻ là chính. Hai chúng tôi thì đảm trách tất cả, một số sinh viên y và y sĩ, y tá khác, hoàn toàn còn bỡ ngỡ với những chiến thương, hầu như việc gì cũng “báo cáo” đến chúng tôi phải giải quyết. “Cờ đến tay phải phất” chứ thực ra hai chúng tôi đâu giỏi giang gì, đã tới nước này thì hoại thư, uốn ván, bó bột chi, rồi các trung, tiểu phẫu thuật, thắt mạch máu, cắt lọc phần mềm đều phải làm tuốt luột. Có mấy cuốn cẩm nang ngoại khoa mang theo vừa mở sách ra vừa làm. Khổ nỗi là trong mọi thủ thuật ngành y lớn, nhỏ đều phải có người phụ mổ. Phụ giỏi thì chính khỏe, phụ mà yếu thì chính càng khổ, mà lúc ấy lấy đâu ra phụ giỏi. Trong chiến dịch Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, thầy Tùng mổ, tôi được phụ hoặc gây mê, bây giờ tôi phải mổ chính và những sinh viên, y tá phải phụ. Đơn vị chúng tôi chỉ được phép giữ thương bệnh binh từ 10 đến 15 ngày, chủ yếu phải nhanh chóng trả về đơn vị chiến đấu, những trường hợp cần cấp cứu tại chỗ và có khả năng khỏi nhanh thì giữ lại, còn phải tổ chức đưa nhanh thương bệnh binh nặng, tàn phế về tuyến sau. Thu dung của toàn khu chuyên môn chỉ được 200 trường hợp. Không thể kể hết bao nỗi khó khăn thời đó, vì từ trang thiết bị đến trình độ nghề nghiệp và kinh nghiệm phục vụ chiến thương đều hạn chế mà một bệnh viện dã chiến như bệnh viện của chúng tôi, với những chiến sĩ quân y non trẻ, đã hoàn thành được nhiệm vụ. Đây cũng là một điều kỳ diệu mà đối phương không nào thể ngờ được.

Hai chúng tôi không kịp suy nghĩ và tính toán gì hết, chỉ biết lao vào việc, lúc chiến dịch sắp đến hồi kết thúc lại chính là lúc chúng tôi căng thẳng nhất, khoảng 1 tháng trời gần như ăn vội vàng, ngủ vội vàng, mặt mũi hốc hác, da vàng khè, vì uống “phòng” ký ninh vàng cố giữ không được lên cơn sốt lúc này, trên mặt chúng tôi chỉ thấy hai con mắt là điểm sáng. Mới đầu có lúc còn rảnh tay mươi phút thì cuống cuồng đi tìm con, hết lán này sang lán khác, có khi tìm hoài không thấy, đành phó mặc quay trở lại với đợt thương bệnh binh mới. Cả ngày không thấy mặt con, khi mệt quá cũng ngủ thiếp đi mươi lăm phút, ngủ rồi lại dậy làm việc, mệt quá lại ngủ, rồi cùng bị đánh thức vì lại có đợt thương bệnh binh mới về. Nhiều lần hai vợ chồng từ khu nọ qua khu kia tìm nhau, hỏi con đâu, thì cả hai đều cùng ngơ ngác không ai biết...

Một lần vợ tôi kể: sau hơn một ngày không gặp con, cũng không kịp lo nữa vì công việc với thương bệnh binh chiếm hết cả sức lực và tâm trí. Bất ngờ một tiếng gọi “mẹ”, vợ tôi quay lại thấy một chú thương binh đầu quấn băng, đang bế cháu. Mẹ con choàng lấy nhau, con bé vẫn hồng hào mạnh khỏe, miệng líu lo, còn chú thương binh thì hốc hác nhưng mắt sáng lên vì thấy hai mẹ con mừng gặp nhau. Chú ngượng nghịu xin lỗi vì một quyết định của các chú là đã chuyền tay chăm lo cháu từ lán này qua lán khác, giấu cháu đi không cho chúng tôi thấy; cốt sao cho bố mẹ cháu rảnh tay hơn. Các chú nghĩ đơn giản quá, không biết tâm lý bố mẹ cháu lo lắng thế nào, sau nghĩ lại mới bế cháu đi tìm bố mẹ. Vợ tôi mừng quá chẳng dám trách giận gì, còn cảm động vì tấm lòng của các chú và vẫn phải tươi cười trao lại cháu nhờ các chú, vì chẳng có cách nào khác. Con bé vẫn khỏe mạnh hồng hào vì phần ăn của mỗi thương bệnh binh là khẩu phần ưu tiên số 1, mỗi chú dành cho cháu một miếng, cháu đâu có thiếu. Thời kỳ ấy, lương thực chủ yếu chỉ là cơm nếp hoặc tẻ, súp, cháo thịt nạc đỗ xanh..., thức ăn có đủ thịt lợn, gà, bò hoặc trứng... cháu được nuôi dưỡng như đứa con chung của các chú thương bệnh binh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM