Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:43:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện  (Đọc 37390 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #100 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 10:37:13 pm »


Thực hiện kế hoạch “băm nát mạch máu” của ta, trên đường từ hậu phương ra mặt trận, địch đã tập trung đánh phá từng đoạn ở những nơi hiểm trở; có nơi còn kết hợp cả máy bay rải bom với đại bác bắn cầm canh từ những đồn địch gần đường vận chuyển, vào những giờ chúng biết có nhiều xe đi qua, như đồn Mỏ Thổ (Bắc Giang), đã bắn vào khu vực đèo Cả, Bến Sỏi liên tục 1 tháng 10 ngày, nhằm chốt chặn xe ta trên đường số 1 từ Lạng Sơn về, nhưng ta đã mở đường vòng tránh, bảo đảm vận chuyển thông suốt. Nhiều nơi, chúng vừa phá đường vừa cho máy bay săn đuổi xe ta, đánh thẳng vào sinh lực của vận tải.

Tại ngã ba Cò Nòi, mỗi ngày máy bay địch trút xuống trên 60 tấn bom mìn các loại: nổ ngay, nổ chậm vùi lẫn với bom bươm bướm, mìn đè nổ, mìn phá xe, chông ba cạnh. Mỗi khi máy bay đi bắn phá ở đâu về qua, chúng cũng “tọa độ” xuống ngay ngã ba này một “bãi”, làm cho địa hình vùng này biến dạng hàng ngày, đến nỗi tổ quan sát công binh ở đây, chỉ trong vòng hai tháng 1 và 2 năm 1954 đã phải vẽ lại sơ đồ qua vùng này tới 19 lần. Anh em công binh và thanh niên xung phong gọi Cò Nòi là “ngã ba sống chết” vì đi qua đây, cái sống liền kề ngay cái chết, do bom mìn địch giương bẫy thường trực ngày đêm.

Để xiết chặt cái thòng lọng khổng lồ quanh cái lòng chảo rộng lớn này, ta phải bố trí một lực lượng đủ mạnh, lúc cao điểm lên tới 86.800 người, gồm 53.800 quân và 33.000 dân công thanh niên xung phong; yêu cầu lương thực bình quân 90 tấn/ngày, tính từ Sơn La trở vào. Ngay tại Điện Biên Phủ, phải có gần 50 tấn/ngày, tức là mỗi ngày phải có gần 3.000 “dân công hỏa tuyến”, luồn rừng leo núi đưa vật phẩm đến từng trận địa. Theo số liệu ta dự tính thì lượng gạo cần cho chiến dịch này là 16.000 tấn, từ đó phải huy động các nguồn từ hậu phương lên là trên 25.000 tấn. Với kinh nghiệm vận tải đã tổng kết ở chiến dịch Tây Bắc, việc vận chuyển hoàn toàn bằng sức người gánh bộ; muốn có gạo ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) mà nguồn tiếp tế từ phía nam là Thanh Hóa lên, đường dài hơn 900 km, thì cứ 1 kg gạo đến đích, phải có 24 kg gạo ăn dọc đường. Vậy ở chiến dịch này, nếu phải vận chuyển toàn bằng dân công gánh bộ thì muốn có 16.000 tấn gạo đến đích, cũng phải nhân lên gấp 24 lần, tức là phải huy động trong dân 384.000 tấn gạo, chứ không phải là 25.000 tấn, mà muốn có 384.000 tấn gạo, phải thu cho được và tổ chức xay giã 640.000 tấn thóc; giả định nếu có thu được cũng không vận chuyển kịp vì đường quá xa, khối lượng quá lớn.

Để giải quyết gạo cho chiến dịch này, Bộ Chính trị và Chính phủ ta đã có những giải pháp rất khoa học và cách mạng; động viên nhân dân hai tỉnh Sơn La, Lai Châu ra sức tiết kiệm để đóng góp một lượng gạo lớn nhất tại chỗ, làm giảm thiểu đến mức thấp nhất khối lượng phải đưa từ xa đến, rồi nếu cần phải xin viện trợ gạo của Trung Quốc thì cũng chọn lấy ở nguồn gần nhất, còn thiếu đâu mới lấy từ các tỉnh hậu phương xa hơn.

Kết quả thật là ngoạn mục: nhờ vai trò hậu phương tại chỗ, đáp ứng kịp thời trước hết phải kể đến nhân dân Sơn La, Lai Châu vừa được giải phóng năm trước đã góp được 7.360 tấn gạo, bằng 27% tổng số huy động; gạo viện trợ của Trung Quốc từ Vân Nam xuống 1.700 tấn bằng 6,8% tổng số huy động; mua được 300 tấn gạo ở vùng Nậm Hu (Thượng Lào) sau giải phóng; còn lại 15.640 tấn đã chuyển từ các tỉnh hậu phương lên. Trong số 15.640 tấn này, đã đưa kịp tới mặt trận 6.640 tấn là đủ yêu cầu = 16.000 tấn; còn lại phải ăn dọc đường vận chuyển hết 9.000 tấn.

Riêng số 1.700 tấn gạo đưa từ biên giới Vân Nam Trung Quốc xuống, việc vận chuyển vô cùng gian nan: Trên dòng sông Nậm Na, phải vượt 102 thác ghềnh hung dữ, mới tới Lai Châu, dùng xe tiếp chuyển về Điện Biên Phủ. Dòng sông dài gần 95km, có đoạn Ba Nậm Cúm đi Pa Tần dài 35km phải chở gạo trên mảng ghép bằng nứa, đoạn Pa Tần về Lai Châu dùng thuyền ván và độc mộc. Công việc vận tải cực kỳ khó nhọc trên sông nước đó đã giao cho đại đội nữ dân công huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ đảm nhận phần lớn. Các chị đã đóng 11.600 chiếc mảng ở thượng nguồn, chở gạo vượt thác về Pa Tần, lúc đầu chưa quen phải 4 người mới chở được một mảng có 100kg mà gạo vẫn bị ướt; sau phấn đấu 2 người, rồi mỗi người lái một mảng chở được 300kg xuống thác an toàn, hàng không bị ướt. Nhiều chị em khi giao xong, quần áo trên người vẫn còn ướt sũng, đã chạy bộ ven sông, ngược lên đầu nguồn để nhận mảng mới; vừa chạy cho nóng người, vừa dùng sức nóng của người mà hong khô quần áo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #101 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 10:37:49 pm »


Số gạo huy động ở các địa phương cho chiến dịch này thể hiện sự hy sinh lớn lao cho tiền tuyến, không gia đình nào nộp dưới mức yêu cầu, có nhiều hộ còn giao trước thời gian quy định, kể cả trong vùng tạm chiếm. Chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp hơn 9.000 tấn gạo. Đặc biệt, huyện Tuần Giáo chỉ có 11.000 dân đã góp được 1.270 tấn gạo, tức là gần 116kg/đầu người, so với năng suất canh tác lúa nương, chọc lỗ bỏ thóc giống, thì số gạo “vét tận đáy bồ” này biểu hiện lòng tin tưởng và sự hy sinh cực kỳ to lớn đối với cách mạng.

Đánh giá những sự kiện trên, một ký giả nhà binh Pháp, tướng Y.Gras trong cuốn “Lịch sử chiến tranh Đông Dương”, 25 năm sau Điện Biên thắng lợi đã viết: “Ông Giáp quan niệm rằng cả một dân tộc sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần và giải pháp này đã làm thất bại mọi toan tính và dự kiến của Bộ tham mưu Pháp…”.

Sau gạo là đạn, mà quan trọng nhất là đạn pháo 105 ly. Số đạn này đã tiêu thụ trong chiến dịch là trên 2 vạn viên, tuy chỉ có trọng lượng là 500 tấn trong tổng số 1.200 tấn vũ khí đạn dược toàn chiến dịch, nhưng lại là loại vũ khí mới sử dụng đầu tiên trong chiến dịch này, không những có uy lực lớn với địch mà còn uy tín mạnh mẽ với cán bộ và chiến sĩ ta.

Việc vận chuyển được số đạn này tới các trận địa pháo cũng là cả một kỳ công:

- Khối lượng lớn nhất: 11.715 viên lấy từ các kho quân khí ở hậu phương, cách xa mặt trận từ 500 đến 700km, là số lượng đạn dành dụm qua 4 năm tích lũy, suốt từ chiến dịch Biên Giới, gìn giữ cho trận đánh này.

- Đặc biệt có 400 viên đạn chiến lợi phẩm mới tinh của chiến thắng Bô Na Phào (1-1954) đã được vận chuyển cấp tốc trên đường dài 1.105km qua đường 12, 15, 41 bằng mọi phương tiện để có mặt kịp thời ở Điện Biên Phủ.

- Các chiến sĩ ở ngay mặt trận bao vây cũng đã giành giật với địch, cướp các dù đạn 105 ly do máy bay địch vội vàng thả xuống, lấy được hơn 5.000 viên, tặng lại pháo binh ta.

- Các bạn Trung Quốc cũng đóng góp cho chiến dịch này 3.600 viên, chiếm tỷ lệ 18% so với lượng đạn tiêu thụ, tuy ít nhưng cũng rất quý, đó là số đạn đi theo 24 khẩu pháo (mỗi cơ số 150 viên/khẩu) và cũng chỉ có một lần đó trong suốt chiến dịch, không đúng như lời than của Na-va: “… Sự tăng viện bất ngờ và to lớn của Trung Quốc là một nguyên nhân thất bại của Điện Biên Phủ”. Na-va thanh minh và than thở như thế, nhưng chính ông ta cũng đã có đủ tài liệu tình báo để biết rằng: gạo do Trung Quốc viện trở chỉ bằng 6,8% và đạn pháo 105 ly chỉ bằng 18% so với tổng nhu cầu của chiến dịch thì không là to lớn được; còn 24 khẩu pháo 105 ly, khi đưa từ Vân Nam sang theo đường Lào Cai, quân ta đã đóng mảng xuôi sông Hồng từ năm 1953, đài địch nói sa sả, thì đâu có gì là bất ngờ đối với Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #102 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 10:38:17 pm »


Trong cuộc kháng chiến này, mặc dù sự nỗ lực chủ quan của nhân dân ta là chính, chúng ta cũng không quên ơn bạn bè, đồng chí giúp đỡ ta, chỉ có điều là đánh giá thì nói cho chính xác và đúng mức. Một điều nữa cũng cần nói thêm là mặc dù chúng ta có trong tay một số lượng đạn pháo 105 ly bằng 134 cơ số nhưng không bao giờ có việc sử dụng pháo theo cách mà tác giả Mân Lực (2-1992) đã viết trong cuốn “Chín lần xuất quân lớn của Trung Quốc”, đã trích dẫn bức điện nói là của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi đoàn cố vấn quân sự bên cạnh đồng chí Tổng Tư lệnh của ta có đoạn viết: “… Không được bắn tiếc đạn, chúng ta (Trung Quốc) sẽ cung cấp đủ đạn”. Chúng ta rất trân trọng những lời khuyên bạn bè tình nghĩa, nhưng các bạn không thể hiểu ta bằng chính chúng ta, do đó việc sử dụng đạn pháo lớn trong chiến dịch này rất tiết kiệm và nghiêm túc. Các trận đánh lớn có hiệp đồng binh chủng thì lượng đạn pháo đã được duyệt; ngoài ra nếu đơn vị bộ binh nào muốn xin pháo 105 ly bắn chi viện quá 3 viên phải xin phép Tham mưu trưởng mặt trận, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, nếu quá 10 viên thì phải được Đại tướng Tổng Tư lệnh chuẩn y. Nếu thực sự ta bắn “không tiếc đạn”, thì các khẩu pháo phải im tiếng từ lâu, trước khi tổng công kích.

Công tác tiếp vận ở chiến dịch, ngoài nhiệm vụ chuyển vật chất ra tiền tuyến, còn có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng khác là kết hợp với ngành quân y và quân nhu, chuyển thương binh về phía sau. Yêu cầu chuyển thương từ hỏa tuyến về đội điều trị đại đoàn, sau khi sơ cứu, là phải chuyển thật nhanh để cứu lấy mạng sống của thương binh; còn từ đội điều trị về bệnh viện hậu phương là phải chuyển liên tục, vừa chuyển thương vừa điều trị hộ tống, thương binh nhanh chóng được đưa về nơi điều trị toàn diện hơn, đồng thời dành đội điều trị nhận thương binh mới, vì chiến dịch kéo dài, rất khác các chiến dịch cũ, đánh xong hết đợt mới chuyển một lần. Chiến dịch Điện Biên Phủ có tổng số gần 15.000 thương binh, đã chuyển về hậu phương 9.560 người, còn lại là thương binh nhẹ trả về chiến đấu. Đưa thương binh về hậu phương được tổ chức hết sức chu đáo kết hợp cả điều trị, nuôi quân và vận tải, với khẩu hiệu: “Mỗi ô tô là một bệnh xá lưu động” và “mỗi tổ cáng thương là một gia đình thân yêu”. Mỗi chuyến chuyển thương về bệnh viện, có khi phải cả tháng, có thương binh khi nhập viện thì sức khỏe đã gần được hồi phục.

Trên tuyến đường tiếp vận thì dân công là lực lượng đông nhất tổng số 261.135 lượt người, làm nên gần 11 triệu ngày công, chỉ tính riêng từ Sơn La trở vào đã có 33.000 người, bằng 4,72 triệu ngày công. Lượng xe đạp thồ cũng rất đồ sộ: gần 21.000 chiếc, có 2.500 xe trên tuyến quân đội, mỗi xe trung bình thồ được 180 kg, cá biệt có xe của anh Cao Văn Ty ở Thanh Hóa thồ dược 320kg, anh Ma Văn Thắng ở Phú Thọ thồ được 352kg. Về đường thủy có hai tuyến phục vụ chiến dịch: Sông Hồng từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc sang và sông Mã từ Thanh Hóa lên Vạn Mai, cả hai tuyến đã huy động tới 11.800 thuyền gỗ, thuyền nan đủ loại.

Dân công không những chỉ huy động ở vùng tự do, mà có người ở vùng tạm chiếm ra. Mỗi người dân, tuy ở vùng bị địch kiềm kẹp gắt gao, nhưng mỗi khi được thôn, xã bình tuyển đi dân công, nhất là đi bộ đội, thì coi đó là một vinh dự cho mỗi người công dân, là sự tín nhiệm của cách mạng đối với mỗi gia đình, nên không ai chối từ việc được đi phục vụ tiền tuyến.

Chính Na-va cũng đã phải công nhận: “Trong vùng quân ta kiểm soát thì Việt Minh vẫn có một uy quyền bí mật, họ thu thuế, tuyển mộ người, ở đây họ chở ra rất nhiều gạo, muối, vải, thuốc và cả những chiếc xe đạp có tác dụng rất lớn trong việc tiếp tế...”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #103 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 10:38:42 pm »


Ngoài các lực lượng và phương tiện vận tải thô sơ, Điện Biên Phủ được trang bị một số lớn xe vận tải Liên Xô, lúc cao nhất lên tới 628 chiếc. Riêng tuyến hậu cần quân đội là 352 xe, còn lại sử dụng ở tuyến hậu phương Tổng cục Cung cấp và Hội đồng chi viện tiền tuyến, kết hợp với các phương tiện huy động trong dân.

Việc phân chia ranh giới giữa hậu phương và tiền phương trong công tác tiếp vận, được chính phủ quy định tới trước giờ nổ súng, như sau: từ các tỉnh hậu phương vận chuyển lên Sơn La, do Hội đồng chi viện tiền tuyến phụ trách; từ Sơn La lên Điện Biên Phủ giao cho quân đội phụ trách.

Hội đồng chi viện tiền tuyến còn gọi là Hội đồng cung cấp mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, ở các liên khu, một số nơi cùng có tổ chức Hội đồng ở địa phương.

Tổ chức tiếp vận ở tuyến hội đồng thường dùng dân công và xe thồ rút gạo ở các xã, huyện tập trung lên tỉnh, rồi dùng nhiều phương tiện lớn chuyển tiếp đến các kho của Hội đồng, từ đó dùng xe ô tô chuyển lên Sơn La.

Tuyến hậu cần quân đội dài 222km từ Sơn La vào Điện Biên, tổ chức thành 3 tuyến, lượng đầu xe ở mỗi tuyến tùy theo nhiệm vụ được giao, nhưng lúc nào cũng thấy thiếu hụt, nên các đại đội xe đều phải luôn luôn động viên nhau vượt vùng, tăng chuyến. Đội ngũ kỹ thuật xe phải vất vả chống lại hai bệnh hiểm nghèo của xe khi đó là: gãy nhíp xe, vì phải chở nặng trên đường quá xấu và nạn lốp xe bị vỡ quá nhiều vì chông, mìn của địch, anh em đã phát huy sáng kiến dùng thanh tre cật còn tươi, đem uốn nóng để thay cho nhíp xe và dùng bù loong sắt để ép lốp lại thay cho nhựa vá. Những sáng kiến này được anh em lái xe khen là: “Đôi khi đã cứu được bàn thua trông thấy!”.

Thời gian xe chỉ chạy trong đêm không đủ, các lái xe phải tranh thủ: “chiều đi sớm, sáng về trưa, khi mưa lâm thâm đi cả ban ngày”. Đó là khẩu hiệu hành động đã thành “thơ” của các lái xe. Họ lợi dụng lúc ban chiều, buổi sáng mai, ở vùng núi Tây Bắc có sương mù kéo dài để cho xe chạy lấn thêm một đoạn đường có ích. Nhưng thời tiết cũng có hôm dở chứng, có khi xe chạy giữa đường thì sương tan mạnh. Việc này đã xảy ra với đại đội xe 209 ngày 17 tháng 4 năm 1954, có 12 xe chở đầy đạn pháo 105 ly đang cấp tốc ra mặt trận, xe vượt đèo Pha Đin lúc 8 giờ sáng thì sương tan, máy bay địch lao xuống dội bom, quét đại liên vào đoàn xe, nhưng các chiến sĩ lái xe dũng cảm đã bình tĩnh cho xe chạy phân tán, giấu xe sau những khúc đường quanh co. Đại đội súng máy cao xạ đã tập trung bắn quyết liệt vào những máy bay đang bổ nhào. Một xe được lệnh tiếp tục chạy nhanh để hút mục tiêu của máy bay. Hai xe khác lao xuống suối cạn để giảm bớt mật độ. Chỉ một thời gian ngắn hoạt động không có hiệu quả, máy bay chuyển sang hướng khác. Lực lượng cứu thương, cứu xe đến kịp thời, người bị thương được săn sóc, đạn lại lên xe, tiếp tục vào trận địa.

Mùa mưa đã bắt đầu, nước tuôn xối xả nát nhão mặt đường. Thời gian nổ súng lui lại 46 ngày làm cho khối lượng vận tải tăng thêm. Cán bộ, chiến sĩ hậu cần, vận tải, dân công, thanh niên xung phong đã dầu dãi trên mặt đường trải qua ba mùa mưa nắng: đông 1953, xuân 1954 và hè năm 1954, sức khỏe suy giảm rõ rệt, nhưng lượng gạo vào mặt trận vẫn chưa đạt mức có dự trữ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #104 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 10:39:14 pm »


Vào một ngày đầu tháng 4 năm 1954, trên một tấm biểu đồ treo ở Sở chỉ huy của Tổng Tư lệnh ở Mường Phăng, theo dõi tiến độ gạo nhập kho của mặt trận, mũi tên chỉ con số gạo nhập hàng ngày cứ nhích dần xuống, có ngày là số 0. Chủ nhiệm cung cấp mặt trận và các cán bộ chỉ huy tuyến được triệu tập cấp tốc về để bàn các phương án khắc phục. Xe của tuyến quân đội phải lùi về tuyến hậu phương vớt gạo lên. Cần phải huy động thêm gạo và tăng lượng dân công mới lên tuyến Hội đồng vì các kho phía sau cũng hết gạo và kiến nghị nhiều biện pháp khác nữa lên Đảng ủy Mặt trận.

Đảng ủy mặt trận báo cáo cấp tốc về Bộ Chính trị. Ngày 19 tháng 4 năm 1954, nghị quyết của Bộ Chính trị kèm theo thư của Tổng Bí thư Trường Chinh gửi ra mặt trận có đoạn viết: “Toàn Đảng, toàn dân và Chính phủ quyết đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

Các đồng chí ủy viên Trung ương Đảng được cử về các địa phương đôn đốc việc tiếp vận. Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định huy động thêm 10 vạn dân công mới, 1 vạn tấn gạo, 500 tấn thịt đưa gấp ra tiền tuyến.

Ngày 25 tháng 4 năm 1954, báo Nhân Dân ra lời kêu gọi đối với hậu phương mà làm nức lòng cả những người đang ở tiền tuyến: “Mỗi khi tiền tuyến cần gì, chúng ta trả lời: Có. Mỗi khi tiền tuyến đề ra việc gì, chúng ta trả lời: Làm được! Không thể trả lời: Không có, Không được! Đó là cụ thể hóa: tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Những nghị quyết đúng đắn và lời kêu gọi thiết tha của Đảng động viên cả nước nô nức lên đường. Hậu phương quốc gia lại một phen chuyển động, một lần nữa tỏ rõ sức mạnh vững chắc của mình. Những khó khăn về tiếp vận nhanh chóng được khắc phục. Không ai nghĩ rằng chỉ chưa đầy 20 ngày sau đó, trận đánh “chấn động địa cầu” đã kết thúc, nhưng nếu trên trận tuyến tiếp vận khi ấy, dù chỉ một ngày bị vỡ, thì hậu quả sẽ không ai lường trước được.

Trong khi tập trung tiếp vận lên mặt trận, quân và dân ta không ngừng triệt phá đường tiếp vận của đối phương bằng những đòn tấn công dồn dập ở cả hậu phương địch và trên chiến trường, đánh vào những nơi yếu và hiểm yếu của chúng.

Chúng ta được biết: lượng máy bay của địch tiếp tế cho Điện Biên Phủ chiếm gần 75% số máy bay vận tải toàn Đông Dương khi đó, có lúc lại đậu chủ yếu ở hai sân bay: Gia Lâm và Cát Bi, trong đó có một số máy bay của Mỹ giúp Pháp việc tiếp vận. Bộ Tổng Tư lệnh ta đã chỉ thị cho điều tra chính xác thời cơ tập trung máy bay đông nhất, để tập kích mãnh liệt vào hai sân bay, phá hủy nhiều máy bay địch, trong đó có những máy bay vận tải lớn, đúng vào lúc ở Điện Biên Phủ, địch đang cực khổ vì thiếu phương tiện tiếp vận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #105 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2016, 10:39:32 pm »


Mặt khác, tại ngay chiến trường, với chiến thuật vây lấn, đào hào, từng bước thắt chặt vòng vây, thu hẹp cả vùng đất và vùng trời của địch, tiến tới cắt đứt sân bay Mường Thanh, cái dạ dày của “con nhím” khổng lồ này. Khi các cỡ pháo lớn, nhỏ của ta đã áp sát sân bay, trận địa cao xạ 37 ly đã tiến ra cánh đồng Mường Thanh, những đồn bót cuối cùng bảo vệ sân bay lần lượt bị tiêu diệt, thì cái dạ dày phục vụ tiếp vận của tập đoàn cứ điểm hoàn toàn bị tê liệt, kể cả việc lấy thương binh, nếu Bộ chỉ huy Pháp không xin phép ta, thì cũng không tài nào thực hiện được. Nếu chúng liều lĩnh cho quân nhảy dù “nhảy đại” xuống thì đại đã số lại được trở về trại tù binh của ta; nếu chúng cố tình thả dù lương thực, đạn dược thì đại bộ phận lại rơi xuống chiến hào của ta; có cái dù nào rơi gần địch, chúng cũng không dám lấy ngay, vì bị lực lượng ta bắn tỉa và giành giật. Đến cả lon cấp tướng của Đờcátxtơri và rượu sâm banh ăn mừng thăng cấp của hắn cũng bị rơi vào tay các chiến sĩ ta.

Cuối cùng là sự thất bại tiếp vận của địch là không sao tránh khỏi trước cách đánh toàn diện và triệt để của nhân dân và quân đội ta cả ở hậu phương địch và trên chiến trường. Sự thất bại trong hoạt động tiếp vận của địch đã góp phần to lớn vào sự sụp đổ của toàn bộ tập đoàn cứ điểm mà chúng khoe là “không thể công phá nổi” của cái gọi là “Véc-đoong ở châu Á” này.

Khi trận đánh vĩ đại đã lùi vào quá khứ, đủ thời gian cho những ký giả, các nhà chính khách phương Tây suy ngẫm tương đối khách quan, thì có người nhận xét rằng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên hết và trước hết là những chiến thắng về tổ chức tiếp vận của Việt Minh”. Đó là ký giả Béc-na Phôn, viết trong cuốn “Việt Minh 1945-1960”. Chúng ta nên nhớ rằng ông ta là một nhà báo Mỹ, kẻ từng hù dọa ta ở hội nghị Pa-ri rằng: Tiềm lực quân sự Mỹ như một xe hủ lô cán đường, khi nó lăn qua, trên mặt đất không còn dấu hiệu của sự sống nữa!

Lại còn một chính khách quen thuộc khác, Na-va, đã công nhận: “Bộ chỉ huy Việt Minh đã phác họa thật hay về công việc tiếp vận của họ. Chúng ta phải thừa nhận sự cố gắng lớn lao của nhân dân họ chi viện cho quân đội họ và khâm phục khả năng của Bộ chỉ huy và Chính phủ đối phương đã biết cách đạt hiệu quả đó”.

Tất nhiên, các chính khách và tướng lĩnh phương Tây, nhiều người chưa thể thấy được đầy đủ những nguyên nhân thắng lợi của công tác tiếp vận của chúng ta là bắt nguồn từ chiến tranh nhân dân và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài giỏi của Đảng ta, đã xây dựng hậu phương thường xuyên vững chắc mà chính từ hậu phương vững chắc này đã huy động được sức mạnh của toàn dân chi viện cho tiền tuyến, trong đó có đông đảo lực lượng nông dân, sau thắng lợi của cuộc cải cách ruộng đất, đã hồ hởi xung phong trên các nẻo đường tiếp vận, cùng với những người nông dân mặc áo lính ở các chiến hào, đã góp sức làm nên chiến thắng này.

Chính những kinh nghiệm quý báu về xây dựng hậu phương và tổ chức tiếp vận ở chiến dịch Điện Biên Phủ đã giúp chúng ta thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tiếp vận cho chiến trường miền Nam trên con đường mang tên Bác kính yêu, suốt 16 năm chống đế quốc Mỹ, từ năm 1959, bắt đầu mở đường mòn Hồ Chí Minh cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #106 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 10:27:07 pm »


TÌNH NGHĨA SÂU ĐẬM TRÊN TUYẾN VẬN TẢI CHIẾN DỊCH
Thiếu tướng ĐẶNG HUYỀN PHƯƠNG
Nguyên Phó Chủ nhiệm, TMT Tổng cục Hậu cần
Nguyên Đại đội trưởng xe ô tô vận tải, Cục Vận tải tiền phương

Những ai đã từng tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ - kể cả chiến đấu ở tuyến trước và phục vụ ở tuyến sau - ắt sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm sâu sắc, những hình ảnh đẹp đẽ về tình nghĩa quân dân, tình nghĩa đồng đội đã cùng nhau dồn sức, quyết chí, quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng, vượt mọi khó khăn gian khổ ác liệt trong bom đạn để góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Là người được trên giao nhiệm vụ phụ trách một đơn vị vận tải cơ giới phục vụ chiến dịch nên trong tôi đã lưu lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, tình nghĩa trên trận tuyến này. Vận tải là một trong những mặt công tác khó khăn, vất vả, gian khổ, nguy hiỂm nhất của hậu cần lúc đó. Suốt đêm ròng rã căng thẳng, vừa phải đối phó với mọi thủ đoạn đánh phá ác liệt của địch, vừa phải khắc phục mọi sự cố trên đường. Máy bay địch thường xuyên lùng sục bắn phá, ném bom, xả đạn mà đường thì nhỏ hẹp, đèo cao, suối sâu, cua gấp, tầm nhìn của lái xe thì rất hạn chế, do ánh sáng bằng đèn gầm (chỉ có một đèn lắp dưới gầm xe phía trước, ánh sáng không hắt lên trên để máy bay địch không phát hiện được). Vì vậy độ chiếu sáng ra phía trước trên mặt đường chỉ được vài ba chục mét, nên lái và phụ xe phải tập trung mọi nỗ lực (cả tinh thần, tư tưởng và kỹ thuật) để bảo đảm an toàn cho xe, vừa tránh được bom đạn, vừa vượt qua được những đoạn đường chật hẹp, bị sụt lở, lầy lội... Khi trời vừa hửng sáng chúng tôi liền phải tìm chỗ giấu xe, giấu hàng và ngụy trang kín đáo rồi mới yên tâm ngả lưng chợp mắt giây lát, lại vội vàng phải dậy chuẩn bị xe để tối còn đi tiếp lên tuyến trước.

Có biết bao kỷ niệm sâu sắc về Điện Biên Phủ, tuy đã hơn 50 năm rồi nhưng vẫn lưu lại trong ký ức tôi. Trong một bài viết không thể kể hết được nên tôi chỉ xin được hồi tưởng lại hai câu chuyện tình nghĩa rất sâu đậm về quan hệ quân dân, quan hệ cấp trên cấp dưới mà tôi được trực tiếp tiếp xúc và xử lý.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #107 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 10:28:34 pm »


Cuộc liên hoan bất ngờ chiều hôm ấy

Suốt cả đêm căng thẳng, mệt mỏi, chúng tôi phải tranh chấp từng đoạn đường với con “đầm già” (loại máy bay trinh sát cánh quạt của Pháp hồi đó mà cánh lính ta hay gọi thế). Hễ nó lượn khuất sang bên kia đèo, thì chúng tôi lại tranh thủ vù ga chạy được một đoạn, nếu nó lượn vòng lại thì xe phải tắt máy, tắt đèn, đứng chờ nó lượn sang vòng khác mới đi tiếp. Khi gặp đoạn đường bị bom đạn làm sụp lở hoặc đường đèo quá hẹp, chúng tôi phải chờ cho xe bên kia đèo sang hết, xe mình mới đi tiếp được. Suốt đêm căng thẳng, vất vả mà cũng chỉ đi được khoảng năm chục km trên tuvến đường trọng điểm này.

Chuyến xe ấy, đơn vị chúng tôi vận chuyển xăng, vì vậy khi trời hửng sáng, xe đến chỗ giấu, lại phải hạ 12-13 phuy xăng trên xe xuống phân tán cất giấu ở các hốc đá, ngách đất, bên bìa rừng và ngụy trang chu đáo cho xe và hàng, mới yên tâm nghỉ ngơi, chợp mắt, thư giãn được. Trong lúc mơ màng, tôi bỗng nghe có tiếng quát tháo ầm ĩ từ mấy chiếc xe giấu ngoài bìa rừng:

- Đoàn xe nào đây? Ai lái xe này? Ai chỉ huy?

Chỉ nghe tiếng quát tháo, không nghe tiếng trả lời đáp lại. Chắc anh em mình sợ nên không dám lên tiếng chăng? Tôi nghĩ vậy và nhỏm dậy nhìn về phía có tiếng quát. Đúng là ông Đinh Đức Thiện1 - Cục trưởng Cục Vận tải rồi. Ông đang đi về phía tôi, vừa đi vừa quát:

- Chúng nó đâu cả rồi, dậy ngụy trang lại mau hay để máy bay đến ném bom đốt trụi cả khu rừng này?

Chuyến này đến lượt đơn vị mình “ăn kỷ luật” đây. Tôi thầm nghĩ và tìm cách chống đỡ. Ông đi thẳng đến trước mặt tôi hỏi:

- Ai lái xe này?

Với cặp mắt ngờ ngợ nhìn tôi (chắc ông nhớ lại đã gặp tôi khi tôi về nhận công tác ở Cục Vận tải, hồi tháng 5-1950 chăng?).

Tôi trả lời ông:

- Báo cáo, tôi lái xe này ạ!

Ông có vẻ giận dữ, cau có nhìn tôi:

- Tinh thần yêu xe như con, quý xăng như máu để đâu mà ngụy trang xe thế này à? Đi từ xa đã nhìn rõ cả mấy bánh xe.

Tôi bình tĩnh chống chế:

- Máy bay trên trời nhìn xuống thì thấy thế nào được cả bánh xe như đồng chí đi bộ từ ngoài nhìn thẳng vào ạ.

Tôi tưởng lý lẽ của mình được ông chấp nhận, nhưng không ngờ lại làm ông giận dữ thêm, bực tức thêm. Ông quát tiếp:

- Lại còn cãi à! Có đi ngụy trang lại ngay không hay muốn ăn kỷ luật? Ai chỉ huy đơn vị này thì bảo nó đúng 13 giờ 30 phút chiều nay vào binh trạm, kiểm điểm và nhận kỷ luật.

Ông nói xong rồi bực bội bỏ đi ngay, khiến tôi không kịp báo cáo giải trình gì thêm nữa. Tôi biết ông từ hôm đầu tiên về Cục nhận công tác! Tính tình ông nóng nảy thế thôi nhưng ông là một cán bộ chỉ huy có trách nhiệm. Ông nhắc nhở như vậy là đúng, không thể ngụy trang sơ sài coi thường máy bay địch được.

Tiếng quát tháo ầm ĩ đã khiến anh em lái phụ xe của đơn vị cũng đã tỉnh dậy và chứng kiến cuộc đối thoại ngắn ngủi căng thẳng giữa tôi với ông - người vốn nổi tiếng nóng như lửa mà hầu hết lái xe đều biết đến...
_______________________________________
1. Sau này đồng chí là Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách hậu cần, kỹ thuật và công nghiệp quốc phòng. Mất 1987.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #108 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 10:29:34 pm »


Mọi người tự động đi ngụy trang lại xe, hàng. Cả đơn vị ái ngại cho tôi về việc chiều nay phải vào binh trạm, kiểm điểm và nhận kỷ luật.

Anh em đều đồng thanh:

- Nếu có kỷ luật thì chúng tôi cùng chịu.

Tôi vô cùng cảm động. Tình nghĩa đồng chí, đồng đội ngọt bùi, đắng cay cùng chia sẻ, thật ấm cúng và thiêng liêng! Tôi là chỉ huy đơn vị, nếu có khuyết điểm đến mức phải kỷ luật thì tôi sẵn sàng gánh chịu... Nghĩ vậy, tôi gật đầu thầm cảm ơn anh em rồi nhắc nhở mọi người lần sau phải cất giấu, ngụy trang xe và xăng chu đáo hơn.

Buổi chiều, cả đơn vị vừa tranh thủ kiểm tra sửa chữa xe chuẩn bị để tối đi tiếp, vừa bồn chồn chờ đợi tôi vào binh trạm để kiểm điểm, nhận kỷ luật.

Đúng 13 giờ 30 phút, tôi vào đến binh trạm bộ. Lúc này, tôi được biết thêm, đồng chí Cục trưởng và một số cán bộ của Cục đi kiểm tra công tác trên toàn tuyến, hôm nay đến tuyến binh trạm này. Cán bộ hậu cần, cán bộ vận tải các đơn vị đều về dự họp đông đủ. Chiều nay, đơn vị mình sẽ được “bêu danh” giữa chốn “ba quân” này đây! Tôi nghĩ vậy và lặng lẽ đi vào phòng họp. Không ngờ, vừa nhìn thấy tôi, ông lại quát tiếp:

- Cán bộ chỉ huy đâu mà lái xe phải đi họp thay?

- Báo cáo: Tôi là chỉ huy đơn vị vận tải mà sáng nay đồng chí đến kiểm tra đấy ạ!

Ông bị bất ngờ về câu trả lời trên, hỏi lại:

- Đồng chí là lái xe cơ mà?

- Vâng, vì chiều qua khi đoàn xe chuẩn bị lên đường thì nhận được thông báo đồng chí nào là chiến sĩ thi đua năm 1953 thì quay về Cục dự họp tổng kết. Vì đơn vị không có lái xe dự bị, nên tôi phải trực tiếp lái thay xe cho đồng chí chiến sĩ thi đua được về Cục họp ạ!

Ông nhìn kỹ tôi một lần nữa và hỏi:

- Ai để các đồng chí đói mà gầy gò, hốc hác, xanh xao thế này?

Nghe giọng nói và cử chỉ lúc này của ông, tôi biết ông đang xúc động. Thái độ ân cần của ông lúc này khác hẳn với sáng nay, khi ông đến kiểm tra đơn vị. Tôi trình bày:

- Báo cáo! Chúng tôi đã thức suốt đêm trên đường hàng tháng nay rồi. Ban đêm thì căng thẳng vì đường đèo dốc chật hẹp khó đi, trên trời thì máy bay địch thường xuyên gầm rú, lùng sục, mà đáng lo nhất là đơn vị chúng tôi chở xăng, nếu một xe nào trúng đạn thì có thể cháy cả đoàn xe. Ban ngày thì chỉ chợp mắt được một lúc lại dậy chuẩn bị tối đi tiếp, vả lại máy bay cứ vè vè trên đầu, nằm không yên, nên cả đơn vị vừa căng thẳng mệt mỏi, vừa thiếu ngủ hàng tháng nay ạ!

Ý kiến trình bày của tôi đã làm cho ông trầm hẳn đi, khuôn mặt lúc giãn ra lúc nhíu lại. Vốn tính tình nóng nảy mà lúc này ông chỉ ngồi yên nghe tôi báo cáo. Nghe xong, ông không còn nóng giận như hồi sáng mà chỉ ân cần dặn dò tôi phải chăm sóc sức khỏe anh em, chiến dịch còn dài ngày, nên nhắc nhở anh em phải ngụy trang xe và hàng chu đáo. Nói rồi ông lệnh cho chỉ huy binh trạm bắt con lợn to nhất trong chuồng, cho người khiêng ra đơn vị để bồi dưỡng cho anh em lái phụ xe.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #109 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2016, 10:29:58 pm »


Tôi thật sự ngạc nhiên và bất ngờ trước cử chỉ tình nghĩa đó của ông. Sáng nay, ông còn giận dữ quát tháo ầm ĩ mà bây giờ lại nhẹ nhàng bảo ban tôi và còn ra lệnh cho binh trạm bồi dưỡng cho đơn vị chúng tôi cả con lợn to nhất trong chuồng.

Một chỉ huy cấp trên thật đáng trân trọng, đối với công việc thì dứt khoát, nghiêm túc nhưng đối với quan hệ cấp trên - cấp dưới thì nhân ái, nghĩa tình.

Tôi vừa đi vừa miên man suy nghĩ cho đến khi về tới đơn vị. Lúc này, anh em đang chuẩn bị xe mà lòng thì sốt ruột đợi tôi đi họp về. Từ xa, đã nhìn thấy hai người khiêng một con lợn khá nặng đang vất vả đi sau tôi.

Chuyện gì lạ thế này? Cả đơn vị xì xào bàn tán về việc tôi vào binh trạm nhận kỷ luật mà sao bây giờ lại thấy tôi đi họp về có cả người khiêng lợn đi theo tôi? Anh em chạy lại vây quanh tôi và hồi hộp chờ đợi. Tôi thông báo:

- Chúng ta nhận “kỷ luật” con lợn.

Mọi người chưa hết ngạc nhiên, tôi nói tiếp:

- Giao cho các đồng chí quản lý, anh nuôi “kỷ luật” con lợn ngay chiều nay. Ai chuẩn bị xong xe rồi thì đến giúp anh nuôi một tay. Bây giờ đã 15 giờ 30 phút rồi, cần khẩn trương xử lý con lợn xong trước 17 giờ để còn kịp lên đường đi tiếp vào tuyến trước.

Ôi! Thật bất ngờ, cả đơn vị reo lên sung sướng. Tôi nhắc nhở và uốn nắn đôi lời:

- Này! Đừng có tưởng là cứ ngụy trang sơ sài để được nhận kỷ luật con lợn nữa đâu, đến lúc đó là kỷ luật con người đấy!

Có tiếng nói to đáp lại:

- Vâng! Lần sau chúng tôi ngụy trang tốt hơn để được nhận kỷ luật con lợn to hơn ạ!

Cả đơn vị cười xòa vui vẻ, mỗi người một việc khẩn trương chuẩn bị để tối lên đường vào tuyến trước.

Thế rồi, cuộc liên hoan chiều hôm ấy của đơn vị, với gần hai chục người - vừa chớp nhoáng, vừa bất ngờ. Tuy không có chuyện cụng ly cụng cốc và lẩu lung như ngày nay, chỉ có cá khô kho mặn, rau rừng như thường lệ và có thêm món thịt luộc với lòng lợn chấm nước muối, nhưng thật vô cùng xúc động, đầy ắp tình nghĩa đồng chí, đồng đội trên tuyến đường vận tải trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy. Mãi mãi vẫn sâu lắng trong tôi!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM