Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:10:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn  (Đọc 39404 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 07:38:42 am »

Kèm theo tờ biểu gửi vua Càn Long nhà Thanh, vua Quang Trung còn có bức thư gửi cho Thang Hùng Nghiệp cuối thư có những lời rất đanh thép:

"Ôi, quân lính cốt hòa thuận không cốt đông, cốt tinh nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm dẻo, chứ không phải lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít. Ví bằng chút tình trước đây không được bày tỏ, Thiên triều không chịu khoan dung một chút, cứ muốn động binh để tranh chiến, thế là làm cho nước nhỏ không được phục sự nước lớn thì bây giờ Đại quốc (chỉ nhà Thanh) có dạy bảo gì, tôi cũng chỉ xin theo thôi (ý nói có muốn đánh nhau thì ta sẽ đánh cho mà coi).

Nay có một tờ hịch của Tôn Sĩ Nghị trong nói toàn là những lời lăng loàn, chọc tức, gây hấn, xin đính trình một thể…”

Những lời giả vờ cung thuận, nhưng đầy vẻ ngạo nghễ ấy của vua Quang Trung làm cho Thang Hùng Nghiệp rụng rời kinh hãi! Nhất là xem hết tờ biểu trên, Nghiệp tưởng chừng như nó có tính cách khiêu khích để cuốn nhà Thanh vào vòng khói đạn lần nữa.

Nghiệp nói với sứ giả nước Nam là Hô hổ hầu: "Bây giờ không phải là lúc quân hai bên đương đánh nhau, vậy sao lại thả toàn giọng tức giận? Muốn cầu phong tước, hay muốn lại gây binh tranh, mà nói những lời như thế?".

Vì giữ thể diện cho "Thiên triều", Nghiệp phải dìm bức thư ấy, không dám để lọt đến tay vua Càn Long.

Sau khi chiến thắng quân Thanh, cũng như hai lần trước ra Bắc, vua Quang Trung lại không quên rút quân vô Nam, giữ lấy căn cứ địa từ Thăng, Điện trở ra Bắc.

Vua Quang Trung nhóm họp và dặn bảo các tướng văn võ: "Việc binh ở Bắc giao cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân. Việc từ lệnh với nhà Thanh ủy cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Phàm việc, ta cho tùy tiện mà quyết định. Nay ta về Nam, nếu việc nào không quan trọng khẩn yếu thì không cần bẩm báo...".

Đây là lần thứ ba vua Quang Trung lại từ giã sông Nhị non Nùng giữa những tiếng khải hoàn vui vẻ, hùng tráng và oanh liệt.

Từ đấy Ngô Văn Sở làm tổng thống quân quốc cơ vụ, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích chủ việc từ lệnh để đối phó với Mãn Thanh.

Chính Ngô Thì Nhậm đã đóng vai sứ thần sang Thanh vận động với Phúc Khang An để nối lại tình thân thiện giữa hai nước.

Về phần nhà Thanh, trước Hùng Nghiệp, sau Khang An, họ đều chủ ý giảng hòa.

Sau khi lên thế chân Tôn Sĩ Nghị, Khang An tay cầm con ấn tổng đốc lưỡng Quảng, xoay ngay chính sách ngoại giao: năm mươi vạn quân lấy từ 9 tỉnh, qua tháng Tư mùa hạ năm Kỷ Dậu (1789), thảy đều bãi về. Cây cờ lớn đề chữ "Đề đốc cửu tỉnh binh mã" chỉ là hư trương thanh thế, chứ chính nó đã dẫn lối cho sứ bộ Tây Sơn vào "nói chuyện" với Khang An ở Quế Lâm rồi.

Khang An đã khéo dàn xếp ở ngoài, các thần (bầy tôi trong Nội các) Hòa Thân lại vận động ở trong, như: xin bãi binh, đừng gây sự ở ngoài biên thùy để khỏi làm lao phí trong nước, lại xin vua Thanh phong vua Quang Trung làm quốc vương để thay nhà Lê trị vì. Rồi lấy lịch sử làm chứng cớ, Hòa Thân nói với vua Càn Long: "Từ xưa đến giờ, Trung Quốc chưa bao giờ đắc chí ở cõi Nam cả. Chính Tống, Nguyên, Minh rút cục cũng đều thua hỏng: gương ấy không xa, hãy còn sờ sờ". Vì vậy, chẳng bao lâu, vua Thanh cũng phải vuốt bụng làm lành, niềm nở chìa tay đón lấy Tây Sơn, nhưng không quên "rửa mặt" bằng mấy điều kiện này:

Thứ nhất: để đền bù cái chết của đề trấn Hứa Thế Hanh, Tây Sơn phải lập cho cái đền thờ tại nước Nam mà xuân thu trí tế viên tướng tử trận ấy.

Thứ hai: quốc vương nước Nam, sang năm, nhân dịp bát tuần khánh thọ của vua Càn Long, phải thân sang triều cận.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 07:39:55 am »


*
*   *

Sau khi đã áp đảo được nhà Thanh về mọi phương diện, vua Quang Trung bề ngoài mềm dẻo chịu phong, được Mãn Thanh chính thức thừa nhận, hòa hoãn được việc ngoại giao, chuyên lo mọi việc kiến thiết nội bộ; đối với trong nước được dân chúng biết rõ sự mình lên cầm chính quyền là danh chính ngôn thuận, xứng đáng thay thế triều Lê. Ngày 26 tháng Bảy năm Kỷ Dậu (1789), được tin có chỉ dụ của vua Càn Long, phong vua Quang Trung làm An Nam quốc vương, vì không muốn phải ra Thăng Long mà muốn ép sứ giả nhà Thanh phải thân vào tận Thuận Hóa để làm lễ truyền phong, nên vua Quang Trung đã kiếm cớ này cớ khác để làm cho nhà Thanh buộc phải chấp nhận.

Khi thấy việc ngoại giao đã tiến triển tốt đẹp, vua Quang Trung liền đứng tên khác là Nguyễn Quang Bình vào một bức thư nhũn nhặn hơn, rồi sai cháu là Nguyễn Quang Hiển, bầy tôi là bọn Vũ Huy Tấn, Ngô Vi Quý và Nguyễn Đình Cừ sang Thanh để tăng cường mối quan hệ thân thiện giữa hai nước.

Đại lược bức thư ấy: "Tôi nổi lên từ Tây Sơn, lấy được đất Quảng Nam trước, đối với nhà Lê, vốn không phân biệt trên dưới.

Năm ngoái (1788), đã sai người sang gõ cửa Thượng quốc, giãi bày duyên cớ gây chuyện với nhà Lê, nhưng vì biên thần dìm thư, cho nên không đạt lên được.

Kịp khi quan quân Thượng quốc ra khỏi cửa ải để chực tiến đánh, thì tháng Giêng năm nay (1789), tôi trước đến đô thành nhà Lê, muốn hỏi Lê Duy Kỳ về cớ tại sao cầu viện. Chẳng dè quan quân Thượng quốc mới thoạt trông thấy, đã vội hăng hái giết bừa! Bọn thủ hạ tôi khốn nỗi bó tay chịu trói. Lại gặp cầu sông đứt gẫy đến nỗi quan quân có sự tổn thương!

Xiết đỗi sợ hãi, nhiều lần tôi phải sai người sang gõ cửa ải, tạ tội và xin đưa trả những quan quân còn sót lại. Còn người giết hại quan Đề trấn
(tức Hứa Thế Hanh) thì chính tôi đã mắt thấy phải trị tội rồi.

Đáng lẽ tôi phải thân đến cửa khuyết, giãi tình, tạ tội là phải; ngặt vì nước tôi vừa mới qua cơn binh lửa, dân tình chưa yên, nên phải kính sai cháu tôi là Nguyễn Quang Hiển theo biểu vào chầu...".


Sứ bộ của phe chiến thắng, lẽ tất nhiên phải được kẻ bại trận, dầu kẻ ấy vẫn tự mệnh là "thiên triều", là "Thượng quốc" tiếp đón niềm nở, long trọng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 07:42:12 am »


Chuyến Quang Hiển đi sang Thanh này cũng có Ngô Văn Sở cùng với Nguyễn Văn Danh và các vệ sĩ đi theo. Khi vua Thanh hay tin Sở cũng muốn tiến kinh với Hiển, thì truyền bảo Sở nên quay về vì vua Thanh nghĩ rằng bấy giờ nước Nam vừa mới tân tạo, mà Sở là một tay đắc lực nên cần để Sở lo việc trấn thủ trong nước. Đó là vua Thanh tỏ ý thể tất và săn sóc đến việc nước cho Tây Sơn.

Khi sứ bộ về, vua Thanh, để tỏ tình thân mật yêu quý, có gửi tặng vua Quang Trung một chuỗi trân châu. Sau đó trịnh trọng đem cái "sách phong An Nam quốc vương"; Thành Lâm, hậu bổ Quảng Tây, vâng mệnh vua Thanh, niềm nở sang Nam, lấy lòng khách chiến thắng.

Không muốn chịu phong ở Thăng Long, vua Quang Trung nói thác với sứ Thanh là Thành Lâm, khi Lâm mới đến cửa Nam Quan: "Thành Thăng Long đã tắt hết vượng khí; xin mời sứ giả vô Phú Xuân".

Thành Lâm cho thế là trái lệ, không chịu vào Thuận Hóa.

Vua Quang Trung cũng găng, không buồn ra Bắc để nhận tờ sách phong của một "Thiên triều", nên cứ thoái thác, như đã thấy ở mấy bức thư trên, là nhà vua đang se mình, dùng dằng lần lữa mãi.

Nhưng rồi việc ấy kết thúc bằng cách sai cháu ngoại là Phạm Công Trị mạo thay nhà vua đứng nhận phong.

Còn sắc và ấn thì ngày 12 tháng Chạp năm Canh Tuất (1790), Giả vương nước Nam khi sang Thanh, đi đến ải Nam Quan, có sai lũ bồi thần là Nguyễn Văn Danh và Ngô Văn Sở đem bọn vệ sĩ đến Chiêu Đức đài nhận lĩnh vào ngày 13 tháng ấy.

Thời bấy giờ ở Việt Nam nhân sâm còn rất hiếm, muốn người Thanh phải "cung cấp" nhân sâm, nhưng không muốn mang tiếng là đi xin, vua Quang Trung hành động rất khôn khéo: cho Nguyễn Hoành Khuông sang Thanh đem theo một bức thư; trong đó, nhà vua dặn sứ thần mua nhân sâm, vì Quốc thái (mẹ vua Quang Trung), tuổi đã 80, cần dùng nhân sâm để bổ dưỡng sức khỏe.

Nhà vua liệu trước rằng bức thư dặn mua sâm đó tất sẽ lọt đến bọn quan lại ở biên giới nhà Thanh trước. Một khi họ đã hay biết việc đó, lẽ tất nhiên họ phải tìm cách "lấy lòng" khách chiến thắng, thì thế nào họ chẳng phải dâng sâm đến tận nơi.

Quả nhiên, khi Phúc Khang An xem bức thư dặn mua sâm ấy, không lẽ làm lơ, nên phải kiếm ngay bốn lạng nhân sâm, giao Thang Hùng Nghiệp cắt người ruổi ngựa đưa sang tận Lạng Sơn để nhờ chuyển lên Quang Trung Hoàng đế.

Cũng việc này năm Canh Tuất (1790), vua Càn Long nhà Thanh nhận được tờ tấu của Tôn Vĩnh Thanh nói về việc vua Quang Trung dặn Nguyễn Hoành Khuông mua sâm, vua Thanh liền sai mở kho Thượng phương, tặng ngay một cân nhân sâm tốt nhất.

Thế là vua Quang Trung được vua tôi nhà Thanh hai lần biếu nhân sâm, một của rất quý đối với thời đại bấy giờ, theo như lời vua Thanh Càn Long đã nói trong tờ dụ khác:

"Nhân sâm không phải là của dễ kiếm được, thế mà Thiên triều ban cho như vậy, thật là cái ơn chan chứa ngoài lệ thường".

Nhận được nhân sâm rồi, vua Quang Trung sai viết biểu tạ vua Càn Long có những câu như:

      "Thần hữu mẫu, hữu thân, báo đáp ngưỡng bằng ư đại tạo
      Quân vi sư, vi phụ, sinh thành thâm ký ư long chiêm...”


Nghĩa là:
      "Tôi có mẹ già, báo đáp nhờ công gây dựng lớn,
      Ngài là sư phụ, sinh thành mong tắm móc mưa rào".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 07:42:57 am »


*
*   *

Mùa xuân Canh Tuất (1790), Phúc Khang An làm theo ý vua Thanh đã định trong tờ dụ gửi cho vua Quang Trung, giặc Quốc vương (Quang Trung) sửa soạn sang triều. Nhưng vua Quang Trung nói thác là có tang mẹ không tiện đi, xin sai con là Quang Thùy thay thế.

Cho thế là không nên. Khang An phái người sang Nam dỗ dành rằng: Cực chẳng đã, nếu Quốc vương không thân sang triều cận được, thì nên chọn lấy một người trạng mạo giống mình mà cho đi thay.

Sau khi được tin Quốc vương nước Nam (kỳ thực chỉ là Giả vương) sắp sang triều cận, triều Thanh nhộn nhịp lo sắp đặt mọi việc đón tiếp cho được chu đáo. Vua Thanh lại căn dặn Phúc Khang An lo cuộc hành trình cho vừa vặn, để Quốc vương đi đường được ung dung, không đến nỗi phải vất vả.

Về phần vua Quang Trung, vẫn nhớ mình là nước nhỏ cần phải mềm dẻo trong cuộc ngoại giao, nên nhà vua chọn Phạm Công Trị, cháu gọi vua bằng cậu, cho đội tên mình, đóng vai Giả vương, sang Thanh mừng thọ.

Phương châm ngoại giao đã ấn định. Việc phái Giả vương sang Thanh liền được thực hiện. Sứ bộ gồm có các quan văn võ cao cấp: Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc và Đỗ Văn Công... Ngoài các yếu nhân đó, còn có Nguyễn Quang Thùy, con trai thứ của vua Quang Trung, cùng đi với Giả vương. Sứ bộ gồm 150 người đem theo tờ biểu văn tạ ơn vua Thanh về việc tặng triều châu và hà bao do chuyến Nguyễn Quang Hiển sang sứ lần trước. Và đồng thời lại cử sang Thanh một ban văn thự nhạc công đem theo mười bài từ khúc chúc thọ (khánh chúc vạn thọ từ khúc, thập chương) để biểu diễn, hát mừng vua Thanh trong dịp bát tuần vạn thọ.

Mười bài chúc hỗ ấy là do Phan Huy Ích vâng mệnh vua Quang Trung làm ra, rồi sai viết vào bức kim tiên, đệ sang Thanh. Còn việc lựa lấy mười người nhạc công theo sang triều cận để biểu diễn mười bài chúc phúc ấy theo dịp phách giọng ca, là do chỉ dụ vua Thanh đã dặn từ trước.

Về sau, khi sứ bộ sang tới nơi, dự yến ở ngự điện, bộ Lễ nhà Thanh dẫn nhạc công nước Nam vào hát mừng. Vua Thanh đẹp lòng, khen ngợi, hậu thưởng cho tiền tệ; lại sai quan thái thường kén lấy 10 người hát tuồng (lê viên) ăn mặc theo lối nhạc công Nam: đội mão tú tài, vận áo cổ tràng (giao lĩnh y), đồng thời hòa tấu giữa những tiếng đàn, tiếng sênh, tiếng trống.

Vua Thanh lại vời nhạc công nước Nam vào trong cung cấm dạy những người "lê viên" ấy hát tiếng Nam, diễu khúc điệu; vài ngày tập quen.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 07:43:17 am »


Khi mở tiệc, người ta dẫn nhạc công Nam và Bắc chia đứng hai hàng, đối mặt mà hát; thể cách cùng phù hợp nhau.

Khi hay tin Quang Thùy cùng đi, vua Càn Long tưởng Thùy là Thế tử của Quốc vương nước Nam, nên có đặc cách ban chỉ: phong Quang Thùy làm Thế tử và hứa rằng khi Quang Thùy đến Nhiệt Hà, vào chầu, sẽ cấp sắc thư và ban áo mão.

Nhưng, sau thấy phái bộ ta nói Quang Toản mới chính là Thế tử, Quang Thùy chỉ là Vương tử thôi, vua Thanh bèn sai các thần đổi soạn sắc thư, phong Quang Toản làm "An Nam Quốc vương Thế tử”.

Tuy vậy, đối với Quang Thùy trong chuyến đi này, vua Thanh cũng muốn tỏ ý rất ân cần trọng đãi.

Dọc đường, Quang Thùy nhuốm bệnh. Hay tin ấy, vua Thanh lại thưởng cho Quang Thùy một cái như ý bằng ngọc và kèm thêm những lời chúc: "Để làm điềm tốt lành lớn, tức khắc ngày nay được qua khỏi, yên lành”.

Rồi vua Thanh lại dụ Phúc Khang An phải để Vương tử Quang Thùy về trước điều trị, phải phái người hộ tống Vương tử đến tận cửa ải giáp giới nước Nam.

Làm theo mệnh lệnh ấy, viên tổng đốc lưỡng Quảng bấy giờ phải cắt người đưa Quang Thùy- đến cửa Nam Quan để về nước, chữa chạy thuốc thang. Còn Giả vương và sứ bộ cứ việc thuận đường thẳng trẩy.

Giả vương và sứ bộ nước Nam được nhà Thanh đón tiếp cực kỳ long trọng. Từ châu Ninh Minh tỉnh Quảng Tây ra đi, phàm các thứ gạo, bột, rau, thịt hằng ngày đều do các nhà chuyên trách Mãn Thanh tiếp tế cung ứng, hoặc đi đường thủy, hoặc đi đường cạn. Dọc đường, yến tiệc đón tiếp Giả vương và sứ bộ nước Nam rất ưu đãi. Hễ có của ngon, vật lạ gì, vua Thanh lại sai chạy ngựa trạm đưa đến thết khách.

Khi Giả vương cùng Phúc Khang An mới khởi trình từ tỉnh Việt, vua Càn Long sai đưa tặng Giả vương bánh sữa quạt và đồ hương khí...

Vua Thanh lại dặn Phúc Khang An: trong khi đi đường hộ tống Quốc vương nước Nam, hễ được vua Thanh phê phán gì vào những tờ tấu của Khang An thì Khang An cũng nên đưa cả cho Quốc vương cùng xem khiến cho trong lòng Quốc vương khỏi ngờ vực. Ấy là chưa kể những quà vua Thanh đã đưa tặng Quốc vương như một đôi ngự dụng hà bao lớn, ba đôi hà bao nhỏ, sáu hộp hương khí và những lời khen phê vào biểu văn, nào "tình từ chân chí", nào "truân thiết thành khẩn".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 07:43:52 am »


*
*   *

Quốc vương nước Nam, khi ở trong nước, thường đeo cái đai da sắc đỏ. Vua Thanh muốn tỏ ý ưu đãi khách chiến thắng một cách khác thường, sai chế sẵn áo mão đúng kiểu để thưởng cấp cho Giả vương sau khi tới kinh. Ngoài đó ra, vua Càn Long lại định thưởng thêm cho chiếc "hoàng kim thinh đới" nữa.

"Hoàng kim thinh đới" là một thứ đai bằng da có cẩn hoặc nạm vàng. Theo như lời dụ của vua Thanh, thì thể chế Mãn triều bấy giờ chỉ những bực tông phiên (phiên thần họ đồng tông với nhà vua) mới được dùng thứ đai ấy. Thế mà nay ban nó cho Giả vương nước Nam thật là một thứ "sủng vinh khó gặp!".

Vua Thanh lại dặn: trong khi đi đường, Quốc vương nên cứ thắt cái đai đỏ (hồng đới), đợi khi tiến kinh, vào diện cận, bấy giờ sẽ thưởng chiếc đai vàng mà "Thiên triều" đã sắm sẵn cho kia.

Bấy giờ vua Thanh Càn Long mới in xong cuốn Ngự chế tập, Thạch cổ thi tự, liền gửi tặng Giả vương một tập.

Trong khi đi cùng Giả vương, Phúc Khang An không quên làm công việc như một nhà trinh thám: Phàm tình hình đi đường với Giả vương thế nào, Khang An đều tâu hết với vua Thanh. Chẳng những vậy, ba bức thư của Giả vương gửi về Thăng Long và các chỗ khác cũng đều bị Khang An sao lục rồi tiến trình lên vua Mãn Thanh. Giả vương cũng đã liệu trước tất có sự "kiểm duyệt thư tín" ấy, nên các thư tín gửi về nước đều không niêm cả.

Khi vua Càn Long xem lời tâu và bản sao lục của Khang An, có khen Quốc vương cẩn thận và biết việc. Lại khen trong thư Quốc vương phân xử việc nước thật là rạch rời có thứ tự, có đầu mối.

Sau khi nhận thấy việc "kiểm duyệt thư tín” ấy chẳng những khiếm nhã đối với vị thượng khách, mà lại làm bất tiện và ngăn trở đến việc riêng của khách nữa, nên vua Thanh có dụ Phúc Khang An "Quốc vương vào triều, chúc thọ, đi lại phải mất độ 8, 9 tháng. Tất phải có thư đi tin về để bàn bạc việc nước. Nếu hết thảy thư tín đều không niêm, chẳng hóa ra không phỉ là đạo tỏ tín nghĩa với người ngoài!".

Tức thì vua Thanh ra lệnh: "Từ rầy trở đi, các thư tín đi lại. Quốc vương không cần nệ theo cái thành lệ mà hết thảy phải không niêm nữa". Đó là một cách ưu đãi khác thường, vì theo thể chế nhà Thanh bấy giờ, phàm các ngoại phiên đệ trình văn báo đều không được niêm phong.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 07:44:20 am »


*
*   *


Phái bộ nước Nam, ngày mồng một tháng Bảy, đặt chân trên đất Từ Châu thuộc tỉnh Trực Lệ, Giả vương cùng các nhân viên tùy tòng, khi sắp tới kinh đô nhà Thanh, đã thấy Đức Minh, thị lang bộ Lễ, thân đón tiếp ở tận Lương hương.

Rồi Giả vương dùng trà do vua Thanh từ trước đã sai Kim Giản cắt trà phòng thị vệ theo Đức Minh đến chực sẵn để dâng tiến.

Để tỏ ý ưu đãi khác thường, vua Càn Long khi tiếp Giả vương ở hành cung Nhiệt Hà, cho làm lễ "bão kiến, thỉnh an" trong một bầu không khí cực êm đềm thân mật. Lễ đó, theo như lời dụ của vua Thanh, chỉ những ai trong bọn đại thần có nhiều huân lớn, công to mới được dùng.

Đến Nhiệt Hà, Giả vương được vua Thanh ân cần tiếp đãi và ban tặng bài thơ, đại ý nói: Năm trước phải đem binh sang Nam, là cốt khôi phục cho nhà Lê. Nhưng nhà Lê đã đến lúc không được trời tựa, nên phải phong cho họ Nguyễn (Tây Sơn), vì Nguyễn đã quy phục thật tình. Rồi tác giả bài thơ ấy trịnh trọng khuyên: "Phải nên giữ gìn lấy đất nước, đừng để họ khác nổi lên. Dặn con cháu phải nên dốc một lòng thần phục Đại Thanh...".

Ngày 20 tháng Tám năm Canh Tuất (1790), đoàn sứ bộ được vua Thanh ban chỉ khiến về nước. Giữa ngày ấy, sứ bộ ăn tiệc ở đền Chính đại Quang Minh với bao vẻ huy hoàng lộng lẫy. Rồi hai sứ thần là Phan Huy Ích và Vũ Huy Tấn được đặc cách vời đến bên cạnh vua Thanh, được ban thứ rượu "đề hồ" đựng trong chén bích ngọc do chính tay vua Càn Long rót mời.

Khi Giả vương vào bệ kiến xin từ biệt, vua Thanh muốn tỏ tình ân cần thân thiết, bèn mời vào bên giường ngự, lấy tay vỗ vai Giả vương, vỗ về với vẻ ôn tồn. Lại sai họa công vẽ một bức chân dung đưa tặng để làm kỷ niệm.

Sứ bộ ra đi từ cuối xuân Canh Tuất (1790) đến 29 tháng 11 năm ấy thì về nước. Những cuộc tiếp đón và tiễn đưa đã làm triều Thanh mất ngót một năm bận rộn. Sứ giả Mãn Thanh, do vua Càn Long sai phái, trong dịp có thượng khách này, tấp nập đi lại, náo nhiệt suốt dọc đường.

Do vậy, Đoàn Nguyễn Tuấn, một người trong sứ bộ hồi ấy, đã viết ở cuối cuốn Tinh sa kỷ hành của Phan Huy Ích, một tập thơ thuật lại chuyến đi sứ này, rằng: "Chuyến đi này được nhà vua (Thanh) đặc cách cho quan tổng đốc (Thanh) đi bạn tống. Thuyền, xe, cờ, quạt quáng cả tai mắt người ta. Đi tới đâu, quan lại phải đón tiếp đến đó. Mùa thu (năm Canh Tuất 1790) đến hành cung ở Nhiệt Hà, lại theo xa giá (vua Thanh) về Yên Kinh, đi Tây Uyển. Luôn luôn tiết yết hàng tuần, được ơn trời âu yếm ưu đãi khác thường. Trước giờ người mình đi sứ Tàu, chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như vậy...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 08:49:08 am »


Câu hỏi 16: Chủ tướng quân xâm lược Mãn Thanh, tổng đốc Tôn Sĩ Nghị đã từng nói: "Quân Nam đánh trận hay dùng sức voi". Hãy cho biết một số đặc điểm và tác dụng của voi chiến (tượng binh) thời Nguyễn Huệ - Quang Trung?
Trả lời:


Trước khi mở cuộc tiến công xâm lược Đại Việt, tướng giặc tổng đốc Tôn Sĩ Nghị đã ban bố trước toàn quân tám điều quân luật. Trong đó có hai điều nói rất cụ thể về cách đề phòng và chống lại voi chiến và hỏa hổ của quân đội Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Chúng cho voi chiến và hỏa hổ là "những lợi khí của quân Nam" không thể coi thường được.

Tại sao Tôn Sĩ Nghị đã khẳng định: "Quân Nam đánh trận hay dùng sức voi"1. Hẳn rằng, một viên tướng kiệt liệt của Thiên triều đã từng lão luyện việc biên thùy và được vua Càn Long hết lòng tin cẩn như Tôn Sĩ Nghị, trước khi dẫn đạo quân viễn chinh sang Đại Việt cũng đã tìm hiểu kỹ càng khả năng của đối phương và chắc y cũng hiểu biết được ít nhiều về sức mạnh lợi hại của quân đội Đại Việt trong lịch sử. Đúng là quân ta đã có truyền thống sử dụng voi chiến trong các cuộc chiến tranh chống sự xâm lược Bắc phương. Hai Bà Trưng từ những năm 40 - 42, rồi Bà Triệu năm 248 đã lẫm liệt, hiên ngang cưỡi voi chỉ huy các đạo nghĩa binh chống xâm lăng giành nền độc lập. Trong các cuộc chiến tranh chống Tống (thời Lý), chống Mông - Nguyên (thời Trần) và chống quân Minh (thời Hồ), tổ tiên ta đều sử dụng voi chiến đánh giặc. Sức mạnh hùng vĩ của đạo tượng binh trong quân Thiết Đột của phong trào yêu nước Lam Sơn đã làm giặc Minh lắm phen khiếp đảm và được Nguyễn Trãi ca ngợi trong Đại cáo bình Ngô rằng: "Voi uống nước nước sông phải cạn, gươm mài đá đá núi phải mòn”. Vậy là voi chiến đã xuất hiện sớm, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và trở thành một phương tiện chiến đấu hết sức lợi hại trong quân đội Đại Việt. Điều đó cũng đã được sử sách Trung Quốc nhắc đến nhiều lần.

Đến thế kỷ XVIII, trong điều kiện hỏa khí đã trở thành phổ biến, voi chiến vẫn được, sử dụng rộng rãi và trở thành một binh chủng đặc biệt trong quân đội nhà Trịnh, nhà Nguyễn. Tượng binh Tây Sơn nổi tiếng hùng mạnh, được các giáo sĩ Pháp đương thời chứng kiến và đánh giá cao trong các nhật ký của họ.

Voi chiến có thể vừa là phương tiện chiến đấu, vừa là vũ khí sát thương quân địch. Voi chuyên chở vũ khí, binh lính và lương thảo. Khi cận chiến, giáp lá cà, voi có thể dùng vòi, dùng chân diệt địch hoặc phá rào lũy, mở đường tiến cho bộ binh.

Nghĩa quân Tây Sơn rất chú trọng phát triển tượng binh. Căn cứ bước đầu của phong trào Tây Sơn thuộc miền rừng núi Tây Nguyên, là nơi có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi, phục vụ trong đời sống và cả trong chiến đấu chống giặc. Để có một voi chiến, người ta phải luyện tập dạy dỗ rất công phu, tập cho chúng nghe theo hiệu lệnh, quen với chiến trận, khói lửa và tên đạn. Trong nghĩa binh Tây Sơn có nhiều người không chỉ giỏi võ mà còn thạo cưỡi ngựa và quản tượng. Đoàn voi chiến của Tây Sơn nhanh chóng phát triển. Đó là voi Tây Nguyên với những người quản tượng đầy tài năng, thành thạo trong chiến đấu. Quân đội Tây Sơn trưởng thành cùng với quá trình chiến thắng trên bước đường tiêu diệt các thế lực phong kiến phản động. Số lượng voi chiến, cũng như đại bác thu được của quân Trịnh và quân Nguyễn ngày càng tăng. Ngay từ những năm đầu, khi tiến đánh Quy Nhơn, Đà Nẵng và Phú Yên, quân Tây Sơn đã giành được gần 100 voi chiến của chúa Nguyễn. Bấy giờ trong quân đội chúa Trịnh, lực lượng tượng binh có tới trên 500 voi chiến đấu. Theo các giáo sĩ Pháp đương thời thì năm 1627, quân Trịnh đã sử dụng 300 thớt voi trong cuộc hành quân đánh quân Nguyễn. Và đến năm 1642, khi tiến công quân chúa Nguyễn, nhà Trịnh đã sử dụng đến 173 con voi, trong đó có 130 voi chiến. Như thế có nghĩa, trên thực tế quân đội chúa Trịnh có một đạo tượng binh rất lớn. Theo sách Thanh vũ ký, sau khi giải phóng Thăng Long, quân Tây Sơn đã tiêu diệt lực lượng họ Trịnh và đưa về Phú Xuân toàn bộ số voi chiến thu được, chỉ để lại ở Bắc Hà 50 thớt voi mà thôi. Thế là trong tay Tây Sơn - Nguyễn Huệ có không ít voi chiến.

Cho đến nay, ta chưa biết đích xác số lượng voi chiến của Tây Sơn có bao nhiêu. Nhưng với số voi vốn có của nghĩa quân, cộng với số voi chiếm được của quân Nguyễn và quân Trịnh, Nguyễn Huệ đã có tới khoảng 500 voi chiến đấu. Mỗi voi chiến, ngoài quản tượng, có khoảng bốn năm chiến binh cầm vũ khí ngồi trên mình voi. Ngoài cung nỏ, giáo và lao, tượng binh Tây Sơn còn được trang bị các thứ hỏa khí như súng tay, hỏa hổ và đại bác.
_________________________________________
1. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 08:50:36 am »


Một nét nổi bật về phương pháp dụng binh của Nguyễn Huệ là ông sử dụng lực lượng tập trung với nhiều binh chủng kết hợp, cùng một lúc nhanh chóng tiến công quân địch từ nhiều hướng. Chính vì thế Nguyễn Huệ rất coi trọng và mạnh dạn sử dụng loại binh chủng đặc biệt này.

Trong cuộc hành quân thần tốc năm 1789, để tránh khó khăn phải vượt nhiều sông ngòi trên hướng đường bộ, Nguyễn Huệ cũng đã dùng thuyền vận tải một bộ phận voi chiến qua những chặng đường dài để kịp thời tập kết đúng thời gian ở Tam Điệp. Ngay trong đợt hành quân giải phóng Gia Định lần thứ ba (1783), Nguyễn Huệ đã mạnh dạn dùng thuyền bí mật vận chuyến cả một đội tượng binh để sử dụng hiệp đồng chiến đấu với bộ binh tại cứ điểm Đồng Tuyên, gây cho quân đội chúa Nguyễn bất ngờ và khiếp sợ. Có thể nói chuyển quân trong đó có cả tượng binh bằng thuyền là một điểm mới của phương thức hành quân chiến đấu của quân đội thời Tây Sơn.

Khi đại duyệt quân đội cũng như lúc ra trận, Nguyễn Huệ thường cưỡi voi để úy lạo quân sĩ và trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Trong số năm đạo quân cùng xuất phát từ Tam Điệp - Biện Sơn tiến công quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu đã có tới ba đạo Quang Trung sử dụng kết hợp giữa tượng binh với bộ binh và kỵ binh. Trên mỗi hướng tiến công đều có hàng trăm voi chiến tham gia. Voi chiến không chỉ chở trên mình các chiến binh, mà còn chở cả các phương tiện chiến đấu, các loại hỏa khí như hỏa hổ, đặc biệt là đại bác cỡ vừa và nhỏ. Như vậy là pháo tượng đã xuất hiện ở nước ta. Nhờ thế hỏa lực pháo binh cơ động thuận tiện hơn, càng tăng cường được ưu thế xung hỏa lực để cận chiến và giáp chiến có hiệu quả hơn. Trong chiến tranh, voi không chỉ là một phương tiện cơ động, một thứ vũ khí sát thương mà khi đã trang bị hỏa hổ và đại bác thì nó trở thành một phương tiện hỏa lực, có khả năng đột kích rất lớn.

Về phía quân Thanh, trước cuộc chiến tranh, chúng đã nghiên cứu kỹ cách đề phòng và chống đỡ tượng binh của ta. Chúng cho rằng: "Quân Nam đánh trận hay dùng sức voi”. Nhưng "voi không phải là con vật nội địa (ở Trung Quốc) từng tập quen, nên hễ gặp phải, trước tiên quân ta (tức quân Thanh) thế nào cũng tránh chạy. Không biết rằng, sức voi tuy khỏe, chung quy cũng là thân máu thịt, không thể đương được với súng ống của ta. Nếu thấy voi ra trận, xa thì bắn súng, gần thì dùng cung và đao, làm cho nó bị đau mà chạy trở lại, giày xéo lẫn nhau, quân ta nhân cơ hội ấy mà tiến lên chém giết, thế nào cũng thắng trận, không còn nghi ngờ gì nữa"1. Dẫu sao, quân Thanh vẫn coi voi chiến và hỏa hổ là những thứ đáng sợ nhất. Bởi thế, để đề phòng tượng binh Tây Sơn, quân Thanh đã bố trí một hệ thống chướng ngại gồm mương rãnh, rào gỗ, chiến lũy, chông sắt và địa lôi chung quanh đồn Ngọc Hồi. Ngoài ra chúng còn định dùng kỵ binh và pháo binh để chống lại voi chiến.
_________________________________
1. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 08:51:01 am »


Sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, tại Ngọc Hồi, Quang Trung đã sử dụng hơn 100 voi chiến. Khi được lệnh tiến công, đoàn tượng binh như những chiến xa trong chiến tranh hiện đại, bất chấp các thứ hỏa khí, vẫn hiên ngang tiến sát đồn giặc.

Trông thấy voi chiến, quân Thanh không khỏi hoảng sợ, vì thế từ trước viên tướng chỉ huy mặt trận phía nam này là đề đốc Hứa Thế Hanh đã căn dặn quân lính: "Dạy voi đánh trận là lối cũ của người Nam. Mẹo chống chế, chủ súy (tức Tôn Sĩ Nghị) đã có công văn rõ rồi" (Minh đô sử). Y ra lệnh tập trung pháo bắn voi, dùng hỏa đồng phun lửa để uy hiếp, ném địa lôi cản trở bước tiến của tượng binh ta. Hứa Thế Hanh lại tung đạo kỵ binh tinh nhuệ nhất của chúng ra nghênh chiến.

Mặc dầu đã tính toán đề phòng, nhưng cả chủ súy Tôn Sĩ Nghị lẫn đề đốc Hứa Thế Hanh đều không thể biết hết được sức mạnh của quân đội Tây Sơn, chưa lường trước được tính lợi hại của loại phương tiện chiến đấu đặc biệt này của Nguyễn Huệ, cho nên quân Thanh không thể nào cản phá được đội hình tiến công của quân Tây Sơn.

Thế của quân Tây Sơn "ào ào như nước triều dâng", áp đảo thế quân giặc. "Voi xông pha trong làn tên đạn, nhổ rào lũy tiến vào". Từ trên mình voi, quân Tây Sơn dùng đại bác và hỏa hổ phá hủy và thiêu cháy đồn trại giặc. Quân Thanh chết vô kể. Đề đốc Hứa Thế Hanh và tướng quân tả dực Thượng Duy Thăng đều bỏ mạng. Trong trận này, tượng binh Tây Sơn là lực lượng đột kích lợi hại nhất, tạo nên sức mạnh hiệp đồng chiến đấu có hiệu quả với bộ binh.

Tàn quân giặc lại sững sờ khủng khiếp khi chạy về Quỳnh Đô lại gặp phải đạo tượng binh của đô đốc Bảo.

Chúng bị bao vây ở Đầm Mực. Ở đấy, tượng binh Tây Sơn một lần nữa phát huy sức mạnh của mình: chặn đường giày xéo, quật chết hàng loạt địch. Tổng binh Trương Triều Long cùng toàn bộ quân giặc đang tháo chạy bị tiêu diệt.

Trong lúc Quang Trung và đô đốc Bảo đánh ở Ngọc Hồi - Đầm Mực thì đạo tượng binh và kỵ binh do đô đốc Long chỉ huy, phát huy sức cơ động, vượt qua một chặng đường hành quân dài, đầy khó khăn, đã bí mật tập kết đúng kế hoạch, rồi bất thần tiến công vào cụm quân giặc ở Khương Thượng - Nam Đồng. Voi chiến mang hỏa hổ và đại bác, cùng với kỵ binh xông vào đồn trại giặc, mặc sức tung hoành, đốt phá và tiêu diệt quân Thanh, rồi tiến thẳng vào trung tâm đầu não quân xâm lược tại cung Tây Long, nơi hành doanh của Tôn Sĩ Nghị. Chiến công của đạo tượng binh và kỵ binh trên hướng này đã góp phần quyết định làm rung chuyển và tan rã toàn bộ khối quân giặc đóng tại Thăng Long, khiến chúng hoảng loạn, không kịp trở tay đối phó. Tổng đốc họ Tôn "sợ mất mật", "bủn rủn chân tay", người không kịp mặc giáp, ngựa chẳng kịp đóng yên, may mà thoát chết.

Trưa ngày mồng 5, vua Quang Trung lẫm liệt hiên ngang trên voi chiến, với chiếc áo bào đã nhuộm đen khói súng, dẫn đầu đạo quân chủ lực tiến vào kinh thành giữa sự hân hoan chào đón của nhân dân.

Như vậy, voi chiến quả thật "là một lợi khí của quân Nam"; trong chiến công thần kỳ đầu xuân Kỷ Dậu (1789) có sự đóng góp to lớn của đạo tượng binh Tây Sơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM