Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:31:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn  (Đọc 39405 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:18:48 am »


Trong khi các lãnh tụ Tây Sơn có sự hiềm khích xung đột thì tình hình Bắc Hà cũng ngày càng rối nát thêm. Tháng Một năm Bính Ngọ, Trịnh Bồng đem quân vây chặt hoàng thành, mưu đồ phế bỏ Lê Chiêu Thống, lập vua khác. Nhưng Lê Chiêu Thống được Hoàng Phùng Cơ đem quân tới bảo vệ, âm mưu của Trịnh Bồng không thành. Lê Chiêu Thống viết thư triệu Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An về cứu giá.

Nguyễn Hữu Chỉnh vốn đã có ý muốn ở lại xưng hùng, xưng bá ở Bắc Hà ngay từ khi Nguyễn Huệ còn ở Thăng Long. Trong khi Nguyễn Hữu Chỉnh cùng Nguyễn Huệ đóng quân ở Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh đã có ý định chiếm giữ Nghệ An làm giang sơn riêng, nên mật tâu với Lê Chiêu Thống xin cho vào trấn thủ Nghệ An. Nhưng vì Nguyễn Nhạc đem quân ra Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh chưa hiểu sự tình sẽ như thế nào, nên việc này tạm thôi. Tuy nhiên, Nguyễn Huệ có thể đã thấy được tâm địa phản phúc ấy, nên khi rút quân về Nam, cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đều không báo cho Nguyễn Hữu Chỉnh biết, để mặc cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Bắc Hà. Khi thấy toàn quân Tây Sơn rút đi hết, Nguyễn Hữu Chỉnh hoang mang lo sợ, đành phải xuôi thuyền về Nam. Thấy Nguyễn Hữu Chỉnh chạy theo, Nguyễn Huệ không nỡ từ bỏ nhưng cũng không muốn cho con người phản phúc ấy theo về Phú Xuân, nên Nguyễn Huệ lưu Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Nghệ An. Được cơ hội đó, khi quân Tây Sơn đi khỏi Nguyễn Hữu Chỉnh liền mộ quân mưu đồ sự nghiệp riêng và cử người về Thăng Long xin với Lê Chiêu Thống cho làm trấn thủ Nghệ An. Đang bị Trịnh Bồng ức chế, mưu hại, Lê Chiêu Thống vội vàng viết thư gọi Chỉnh đem quân về cứu giá. Lấy danh nghĩa tôn phò vua Lê, Nguyễn Hữu Chỉnh truyền hịch cần vương. Chỉ trong khoảng mười ngày, Nguyễn Hữu Chỉnh đã mộ thêm được hàng vạn quân.

Cuối tháng Một năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An tiến quân về Thăng Long đánh tan các đạo quân của Trịnh Bồng, Trịnh Bồng phải rời khỏi Thăng Long, chạy lên vùng Kinh Bắc. Lê Chiêu Thống phong cho Nguyễn Hữu Chỉnh làm "Bình chương quân quốc trọng sự, đại tư đồ, tước Bằng trung công", cầm giữ tất cả quyền chính ở Bắc Hà.

Nguyễn Hữu Chỉnh đưa bè đảng chân tay vào giữ các chức ở trong triều, ngoài trấn và muốn nắm quyền làm chúa bên cạnh vua Lê như họ Trịnh thời xưa. Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng lộng hành, lấn lướt nhà vua, "quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước"1. Lê Chiêu Thống chán nản lo ngại. Triều thần văn võ đều thất vọng, lòng người thật là tan tác. "Bọn hào mục gian ác ở đâu thì tụ họp ở đấy rồi đi cướp bóc lẫn nhau. Ngoài thành vài dặm đều là hang ổ của bọn trộm cướp". Khắp nơi đều có phong trào nổi dậy chống đối Nguyễn Hữu Chỉnh.

Đường lối, chính sách của Nguyễn Hữu Chỉnh trái ngược hẳn với đường lối, chính sách của Nguyễn Huệ khi ở Bắc Hà làm cho nhân dân Bắc Hà phải khổ sở. Đã thế Nguyễn Hữu Chỉnh lại tỏ thái độ thù địch với phong trào Tây Sơn. Nguyễn Hữu Chỉnh dụ dỗ tướng Tây Sơn ở Nghệ An là Nguyễn Duệ theo về mình, mưu chiếm lấy Nghệ An, đắp lại lũy cũ Hoàng Sơn, lấy sông Gianh làm đường ranh giới phân chia Nam - Bắc như xưa.
____________________________________
1. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:19:05 am »


Tính chất phản động của Nguyễn Hữu Chỉnh đã bộc lộ rõ rệt, lãnh tụ Tây Sơn không thể không có biện pháp xử trí. Đầu năm 1787, cuộc xích mích giữa các lãnh tụ Tây Sơn dàn xếp xong, Nguyễn Huệ được rảnh tay để lo liệu công việc ngoài Bắc. Trước hết, Nguyễn Huệ cho Vũ Văn Nhậm đem quân ra chiếm giữ Nghệ An, lấy đó làm căn cứ tuyển mộ quân lính, thu thập lương thực, chuẩn bị tiến quân ra Thăng Long trị tội Nguyễn Hữu Chỉnh, thu phục lại Bắc Hà.

Thấy mất Nghệ An, tháng Tư năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Hữu Chỉnh cho Trần Công Xán, nhân danh vua Lê, vào Phú Xuân đòi Nguyễn Huệ trả lại đất Nghệ An. Trước những hành động chống đối của Nguyễn Hữu Chỉnh như vậy, Nguyễn Huệ quyết định cho quân tiến đánh Bắc Hà. Nguyễn Huệ cho Ngô Văn Sở đem thêm một cánh quân ra Nghệ An hợp lực với Vũ Văn Nhậm.

Tháng Một năm Đinh Mùi (1787), Vũ Văn Nhậm thống lĩnh hai vạn quân tiến ra Bắc. Từ Thanh Hóa trở ra, quân của Nguyễn Hữu Chỉnh thất bại liên tiếp. Nguyễn Hữu Chỉnh thân đem hơn ba vạn quân tới bờ sông Thanh Quyết để phòng thủ, chống lại Vũ Văn Nhậm, nhưng cũng bị đại bại. Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ còn vài trăm tàn quân chạy về Thăng Long. Tháng Chạp năm Đinh Mùi, Vũ Văn Nhậm tiến lên Thăng Long. Nguyễn Hữu Chỉnh đem Lê Chiêu Thống chạy sang vùng Kinh Bắc. Chỉ ít ngày sau, Nguyễn Hữu Chỉnh bị Vũ Văn Nhậm bắt sống và giết chết.

Nhưng nạn Nguyễn Hữu Chỉnh vừa qua thì nạn Vũ Văn Nhậm lại tới. Bắc Hà là cơ đồ đế vương sẵn có nền nếp từ hàng ngàn năm, nó rất dễ khêu gợi lòng tham của những kẻ kiêu ngạo, có binh quyền trong tay, mưu phú quý vinh hoa, xây dựng thành một giang sơn riêng biệt cho mình. Nguyễn Huệ khi ra Bắc diệt nhà Trịnh, vẫn giữ vững ý tôn phù, không xâm phạm của dân, không khuấy rối trong nước, không mưu đồ những quyền lợi riêng tây. Điều đó cũng là hiếm có đối với một người đã nắm cả vận mệnh Bắc Hà trong tay. Nhưng những người khác đương thời, khi có cái thế như Nguyễn Huệ, rất khó làm được như Nguyễn Huệ. Trước cái cơ đồ đế vương Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh đã đi vào con đường phản bội và Vũ Văn Nhậm cũng kế tiếp sa ngã theo.

Vũ Văn Nhậm vào Thăng Long tối hôm trước, thì ngày hôm sau cho quân lính ra đường phố cướp bóc của quý tài sản của nhân dân. Giết được Nguvễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm càng kiêu ngạo, lộng hành, tự ý đúc ấn chương riêng, chuyên quyền định đoạt mọi việc.

Vũ Văn Nhậm lại thẳng tay tàn sát nhân dân. Đã có lần, để đề phòng những người chống đối lẻn vào thành, Vũ Văn Nhậm cho lùng bắt tất cả những người ở trọ trong các phường, phố kinh thành đem giết hết. Tình hình Bắc Hà càng thêm rối loạn, nhân dân vô cùng oán thán.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:21:18 am »


Tin Vũ Văn Nhậm làm rối loạn Bắc Hà và đương âm mưu làm phản đưa về tới Phú Xuân, Nguyễn Huệ quyết định thân đem quân ra Bắc Hà trị tội Vũ Văn Nhậm.

Tháng Tư năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ đốc lĩnh bộ binh và kỵ binh lên đường ra Bắc, đi gấp hơn 10 ngày tới Thăng Long. Vũ Văn Nhậm bị giết chết ngay đêm hôm Nguyễn Huệ tới Thăng Long. Nguyễn Huệ trao quyền bính Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, cử một số tướng lĩnh Tây Sơn đi trấn thủ các trấn ở ngoài Bắc, trọng dụng các cựu thần nhà Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lan, v.v... phong quan tước cho họ và để họ ở lại ngoài Bắc giúp việc Ngô Văn Sở.

Tháng Năm năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ lại đem quân về Phú Xuân ngay. Nguyễn Huệ không thể ở lâu ngoài Bắc, vì tình hình trong Nam đương rối ren nghiêm trọng. Nguyễn Ánh đã đem quân về đánh phá miền Gia Định rất dữ dội. Nguyễn Lữ và Nguyễn Nhạc không đương đầu được với giặc. Quân Tây Sơn ở trong đó thất bại liên tiếp.

Nguyễn Huệ cần có mặt ở Phú Xuân để chuẩn bị đối phó với tình hình.

Biết Nguyễn Huệ bận lo công việc ngoài Bắc và thế lực quân Tây Sơn ở Gia Định không mạnh, nên từ đầu tháng Bảy năm Đinh Dậu (1787), Nguyễn Ánh rời khỏi đất Xiêm trở về quấy rối và đánh phá vùng Gia Định.

Những thất bại liên tiếp của quân Tây Sơn ở Gia Định như thế đã buộc Nguyễn Nhạc phải nhiều lần viết thư yêu cầu Nguyễn Huệ vào cứu viện. Trước nguy cơ mất miền Gia Định về tay Nguyễn Ánh, và trước những lời kêu cứu của anh, Nguyễn Huệ không thể không lo tính đến việc vào đánh cứu Gia Định. Giải quyết xong vấn đề Bắc Hà, Nguyễn Huệ cần phải về ngay Phú Xuân để tổ chức một lực lượng quân đội mạnh, chuẩn bị tiến đánh Nguyễn Ánh ở Gia Định.

Khi ở Thăng Long về, Nguyễn Huệ đã đem theo nhiều quân ở Bắc Hà vào Phú Xuân và cho quân sĩ tập luyện rất ráo riết. Ngay từ giữa năm 1788, nhân dân Phú Xuân và các vùng Quảng Trị, Quảng Bình ngày nay, đã thực hiện khẩu hiệu "tận suất vi binh" tức toàn dân tòng quân. Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Huệ đã có một đạo quân mạnh, sẵn sàng lên đường chiến đấu. Thủy quân của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân khi ấy có 120 thuyền chiến, lục quân có khoảng 300 voi chiến. Nguyễn Huệ cho đúc nhiều đại bác lớn để trang bị cho đạo quân này và cho đặt tám khẩu đại bác ở mặt trước Phú Xuân để bảo vệ kinh thành.

Nguyễn Huệ đã có một quân đội mạnh và sẵn sàng chiến đấu như vậy, mà tình hình Gia Định thì ngày càng khẩn trương. Tháng Tám năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Ánh đánh chiếm được thành Gia Định, chủ tướng quân Tây Sơn ở Gia Định là Phạm Văn Tham phải chạy vào Ba Xắc. Đất Gia Định có nguy cơ mất hết vào tay Nguyễn Ánh. Nhưng Nguyễn Huệ vẫn không thể quyết định tiến quân vào Nam đánh cứu Gia Định, vì ngoài Bắc lúc ấy lại đang bị nạn ngoại xâm đe dọa.

Khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc giết chết Vũ Văn Nhậm, bọn phản động Lê Chiêu Thống vẫn tiếp tục chống đối phong trào Tây Sơn. Chúng chia ra làm nhiều toán để mưu đồ đánh lại quân Tây Sơn của Ngô Văn Sở. Lê Chiêu Thống và một số tướng chân tay đóng quân ở Lạng Giang, Kinh Bắc. Mẹ Lê Chiêu Thống cùng một số chân tay đóng quân ở Cao Bằng. Em Lê Chiêu Thống là Lê Duy Chi cùng một số tù trưởng chiếm giữ Định Châu (Thái Nguyên). Tháng Năm âm lịch (1788), quân Tây Sơn cùng phiên mục Cao Bằng là Bế Nguyên Trù và người thổ dân Lạng Sơn là Quyền Trâm tiến lên đánh úp trấn doanh Cao Bằng. Mẹ Lê Chiêu Thống và bọn chân tay theo đường Thủy Khẩu chạy sang Long Châu cầu cứu nhà Thanh. Tháng Bảy âm lịch năm ấy, Lê Chiêu Thống từ Kinh Bắc cũng cho chân tay sang Quảng Tây van xin quân Thanh cứu viện. Bọn vua tôi nhà Thanh, nhân cơ hội đó, gấp rút chuẩn bị lực lượng để tiến sang xâm lược Việt Nam.

Tin bọn phản động Lê Chiêu Thống cầu viện quân Thanh và quân Thanh mưu đồ xâm lược Việt Nam đã đưa về Phú Xuân từ tháng Bảy năm Mậu Thân (1788). Trước nạn ngoại xâm đe dọa Bắc Hà như vậy, Nguyễn Huệ không thể tiến quân vào Gia Định để đánh Nguyễn Ánh.


Nguyễn Huệ phải chờ tình hình thật chín muồi mới quyết định phương hướng tiến quân: vào Nam hay ra Bắc? Nếu quân Thanh sang xâm lược thì trước nguy cơ mất nước, Nguyễn Huệ phải đem quân ra Bắc Hà đánh tan quân Thanh rồi sau sẽ tính việc đánh bọn phản động Nguyễn Ánh ở Gia Định. Đó là tất cả phương hướng chiến lược của Nguyễn Huệ ở cuối năm 1788.

Thực tế lịch sử đã ghi nhận rằng, đường lối chiến lược đó của Nguyễn Huệ là hoàn toàn đúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:22:43 am »


Câu hỏi 11: Hai mươi chín vạn quân Thanh do tên tướng nào chỉ huy, theo bốn đường tiến đánh nước ta vào thời gian nào?
Trả lời:


Sau khi thoát được sang Quảng Tây, vua tôi Lê Chiêu Thống vội đến cầu cứu tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh và viết thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị. Cả hai, mặc dầu có ý sợ quân Tây Sơn "một phen ra tay đã đánh đổ được cả triều đình 300 năm", vẫn tỏ thái độ sẵn sàng giúp vua Lê "phục tồn" để nhân đó "đặt thú binh giữ lấy An Nam", làm một việc mà được hai công. Tôn Sĩ Nghị đã dâng sớ lên vua Thanh Càn Long nói rõ ý định đó. Sau khi kiểm tra cẩn thận, vua Càn Long đã đồng ý, hạ lệnh điều động binh mã bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, tất cả 29 vạn người (bao gồm cả dân phu), do Tôn Sĩ Nghị làm tổng chỉ huy, chia làm 4 đạo tiến sang nước ta:

Đạo thứ nhất đi theo đường Lạng Sơn, do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy.

Đạo thứ hai đi theo đường Cao Bằng, do tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy.

Đạo thứ ba đi theo đường Tuyên Quang, do đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy.

Đạo thứ tư theo hướng Quảng Ninh, tiến vào đóng ở Hải Dương.

Ngoài ra, Càn Long dự định cử một đạo thủy quân vượt biển vào Thuận Hóa sẵn sàng phối hợp với bộ binh đánh từ phía bắc xuống. Tuy nhiên, Càn Long cũng rất thận trọng chỉ thị cho Tôn Sĩ Nghị: "Việc quân phải từ từ", nếu thuận thì đánh mạnh, lập "công to", nếu không thuận thì "làm ơn cho cả hai bên", "ta đóng đại binh để kiềm chế... rồi sẽ xử trí sau". Tôn Sĩ Nghị cũng nhân đó, ban bố một bản quân luật 8 điều, đề phòng mọi biến cố bất thường xảy ra trong chiến đấu.

Tháng 11 năm 1788, quân Thanh ồ ạt tiến vào nước ta. Tướng Tây Sơn đóng ở Lạng Sơn là Phan Khải Đức đầu hàng. Tin báo về Thăng Long, Ngô Văn Sở hội các tướng bàn cách đối phó. Một số đề nghị đánh ngay theo cách của Lê Lợi thời xưa. Trên cơ sở phân tích tương quan lực lượng của hai bên, thời xưa và thời nay, Ngô Thì Nhậm không tán thành chủ trương của Nguyễn Văn Dụng và đề nghị: tạm rút lui vào đóng giữ phòng tuyến Tam Điệp (Ba Dội - Ninh Bình) - Biện Sơn (Thanh Hóa) để cho quân Thanh vào Thăng Long rồi cho người cấp báo với Nguyễn Huệ đem quân ra tiêu diệt chúng, tựa như "cho chúng ngủ trọ một đêm rồi lại đuổi đi". Ngô Văn Sở đã tán thành đề nghị đó, một mặt hạ lệnh cho quân sĩ bí mật rút về Tam Điệp - Biện Sơn, một mặt cử Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa về Phú Xuân cáo cấp.

Được sự dẫn đường và nội ứng của tàn quân Lê Chiêu Thống ngày 17 tháng 12 năm 1788, quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị kéo vào chiếm đóng Thăng Long. Để phòng thủ Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị cho đạo quân của Sầm Nghi Đống đóng ở Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội), đạo quân của Ô Đại Kinh đóng ở Sơn Tây, lập nhiều đồn lũy liên tiếp ở Thanh Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi, Ngọc Hồi, Văn Điển..., còn mình thì đóng tại bản doanh ở cung Tây Long (bờ sông Hồng thuộc Hà Nội).

Làm chủ được Thăng Long và các xứ phía bắc, Tôn Sĩ Nghị hống hách, thả cho quân sĩ "mặc sức làm càn", "cướp bóc nhà giàu có", "hãm hiếp đàn bà, không còn kiêng sợ gì cả". Bấy giờ, theo sử cũ "luôn năm mất mùa đói kém, nhất là năm ấy lại càng quá lắm", "triều đình đốc thúc quân lương, các châu huyện đều không cung ứng. Nhà vua sai các quan chia nhau làm, đến nỗi dân chúng có người phải khóc lóc mà dâng nộp", "bao nhiêu lương tiền thu được của dân đều đem cung đốn cho họ hết sạch". Trước tình hình đó, chính bà Thái hậu cũng phải kêu lên "Thôi! Diệt vong đến nơi rồi!".

Trong lúc đó thì Lê Chiêu Thống một mặt trả thù, báo oán rất ti tiện, một mặt hàng ngày đến chầu chực ở bản doanh của Tôn Sĩ Nghị rất nhục nhã và bị chúng khinh bỉ. Nhân dân Thăng Long than thở: "Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế”.

Một số quan tướng nhà Lê sốt ruột, xin Tôn Sĩ Nghị xuất quân. Nghị kiêu ngạo trả lời: "Giặc còn gầy, ta hãy nuôi cho béo, để chúng tự đến dâng thịt cho ta" và từ ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 20 tháng 1 năm 1789) thả cho quân sĩ chơi bời, quậy phá đón xuân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2016, 10:44:04 am »


Câu hỏi 12: Trước khi tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, để làm sáng tỏ danh nghĩa đối với cả nước, sáng tỏ trách nhiệm của mình đối với nhân dân ở cả hai miền Nam - Bắc, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung. Sự kiện trong đại đó diễn ra như thế nào? Hãy trình bày kế hoạch tác chiến đối với năm đạo quân của Hoàng đế Quang Trung khi tiến đánh Thăng Long?
Trả lời:


Ngày 20 tháng Một năm Mậu Thân (tức ngày 17 tháng 12 năm 1788), Ngô Văn Sở đưa quân về tới Tam Điệp thì cũng ngay ngày hôm ấy Ngô Văn Sở cử đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa vào Phú Xuân cấp báo Nguyễn Huệ. Chỉ bốn ngày sau, tức 24 tháng Một năm Mậu Thân (ngày 21 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Văn Tuyết tới Phú Xuân. Nghe báo cáo đầy đủ tình hình, Nguyễn Huệ quyết định ngay ngày hôm sau 25 tháng Một năm Mậu Thân (tức ngày 22 tháng 12 năm 1788) xuất quân tiến ra Bắc.

Từ nhiều tháng trước, những đạo quân ở Phú Xuân của Nguyễn Huệ đã được huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đợi lệnh lên đường xuất trận để đối phó với mọi tình hình bất trắc xảy ra, dù là ở phía Nam hay ở phía Bắc. Nếu không có một sự chuẩn bị chu đáo, một tư thế sẵn sàng chiến đấu như thế, thì không có một đạo quân nào gồm trên dưới chục vạn người có thể ngày hôm trước được tin giặc đến mà lập tức ngày hôm sau đã xuất phát lên đường đi hàng ngàn dặm để đánh giặc.

Tình thế nước nhà lúc ấy, phía Bắc có giặc ngoài xâm lược, phía Nam có bọn phản động Nguyễn Ánh quấy rối, việc đại quân của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân tiến vào Nam hay tiến ra Bắc là một vấn đề quan trọng, quyết định vận mệnh của Tổ quốc, đòi hỏi người lãnh đạo chiến tranh, người tướng chỉ huy quân đội phải có một sự tính toán vững chắc, một nhận định tình hình thật sáng suốt và có chủ trương phương hướng thật đúng đắn.

Trong những tháng cuối năm 1788, Nguyễn Ánh đánh phá dữ dội ở miền Gia Định, Nguyễn Nhạc nhiều lần viết thư yêu cầu Nguyễn Huệ đưa quân vào Gia Định. Nguyễn Nhạc chỉ xin giữ một vùng Quy Nhơn, tự xưng là Tây vương, nhường mọi quyền bính trong cả nước và trong nghĩa quân Tây Sơn cho Nguyễn Huệ. Nhưng Nguyễn Huệ đã không đem quân vào Nam ngay, mặc dầu Nguyễn Huệ có đầy đủ điều kiện về quân sự để đánh tan bọn phản động Nguyễn Ánh, bởi vì ở ngoài Bắc, quân Thanh đang chuẩn bị tiến sang xâm lược. Mà đó là vấn đề quan trọng bậc nhất lúc ấy. Nếu Nguyễn Huệ đem đại quân vào Nam đánh Nguyễn Ánh thì khi quân Thanh sang xâm lược, Nguyễn Huệ sẽ không đối phó kịp thời. Nguyễn Huệ từ Gia Định quay trở ra để chống đánh quân Thanh sẽ gặp nhiều khó khăn. Trái lại, Nguyễn Huệ cũng không thể đem quân ra Bắc từ trước để chờ đánh quân Thanh. Bởi vì trách nhiệm của Nguyễn Huệ lúc này là trách nhiệm đối với cả nước. Nếu Nguyễn Huệ đem đại quân ra Bắc lâu ngày thì miền Nam có thể sơ hở, bọn phản động có thể đem quân ra quấy rối Quy Nhơn, Phú Xuân. Nếu Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc để đón đánh 29 vạn quân Thanh tại biên giới, thì thắng lợi chưa chắc đã nhanh chóng. Mà thắng lợi ở Bắc Hà không nhanh chóng thì lại càng là cơ hội tốt để bọn phản động Nguyễn Ánh đánh ra Quy Nhơn, Phú Xuân. Để xảy ra tình trạng cùng một lúc phải đương đầu với thù trong giặc ngoài ở cả hai mặt trận phía Bắc và phía Nam thì thật là nguy hiểm. Cho nên quân đội của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu từ lâu, mà đến bấy giờ Nguyễn Huệ mới hạ lệnh xuất quân là hợp thời, đúng lúc.

Mặt khác, trước khi tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ cho một tướng tin cẩn là Diệm cầm thư của ông vào Gia Định trao cho tướng chỉ huy quân Tây Sơn trong đó là Phạm Văn Tham. Trong thư, Nguyễn Huệ dặn dò phương hướng chiến lược và động viên quần thần ở Nam cố gắng chiến đấu, chờ ông giải quyết xong công việc Bắc Hà sẽ tiến đại quân vào Nam tiêu diệt Nguyễn Ánh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2016, 10:46:03 am »


Trước khi ra Bắc, để làm sáng tỏ danh nghĩa đối với cả nước, sáng tỏ trách nhiệm của mình đối với toàn dân ở cả hai miền Nam - Bắc, ông quyết định lên ngôi hoàng đế. Ngày 25 tháng Một năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang1, lấy niên hiệu Quang Trung, xóa bỏ niên hiệu Thái Đức mà trước đây Nguyễn Huệ vẫn cố giữ, mặc dù Nguyễn Nhạc đã xưng là Tây vương, đồng thời cũng xóa bỏ cả niên hiệu Chiêu Thống của nhà Lê ở Bắc Hà.

Trong bài chiếu lên ngôi của Nguyễn Huệ ban bố cho toàn dân Nam Bắc, có những đoạn như sau:

"Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mở mang núi rừng, giúp đỡ hoàng huynh2 rong ruổi việc nhung mã, gây dựng nước ở Tây Thổ, vỗ yên các nước Xiêm La, Cao Viên, đánh lấy Phú Xuân, tiến ra Thăng Long cốt ý quét sạch loạn lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa, rồi sau trả lại nước cho họ Lê, trả đất về đại huynh, trẫm sẽ dùng xiêm thêu hia đỏ ngao du hai nơi mà thôi. Nhưng việc đời run rủi, trẫm không theo được cái chí xưa đã định. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc ở nước, đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê chỉ trông mong vào trẫm. Về phần đại huynh có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây vương, mấy nghìn dặm đất phương Nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ tài đức không bằng người xưa, mà đất đai thì rộng, nhân dân thì nhiều, ngẫm nghĩ cách thống trị, lo ngay ngáy như dây cương mục chỉ huy sáu ngựa...”.

Những lời giản dị trong bài chiếu đã nói khá rõ những lý do lên ngôi vua của Nguyễn Huệ.

Sau khi làm lễ đăng quang, Nguyễn Huệ tự thống lĩnh tất cả quân thủy bộ tiến ra Bắc. Ngày 29 tháng Một năm Mậu Thân (tức ngày 26 tháng 12 năm 1788), đại quân tới Nghệ An. Nguyễn Huệ cho quân đóng lại ở Nghệ An hơn mười ngày. Một mặt Nguyễn Huệ cho người đem thư trá hàng ra Thăng Long đưa cho Tôn Sĩ Nghị khiến giặc tăng thêm kiêu ngạo, chủ quan, mất cảnh giác, không chú ý đề phòng. Một mặt Nguyễn Huệ hạ lệnh tuyển quân ở Thanh - Nghệ, trao cho đại tướng Hám hổ hầu đảm nhiệm. Cứ ba suất đinh lấy một người ra lính, trong mấy ngày được tới hàng vạn tân binh, tổng cộng toàn quân có được mười vạn người và một đội tượng binh lớn gồm vài trăm voi chiến.
_______________________________________
1. Lễ lên ngôi lập tại núi Bàn thuộc địa phận xã An Cựu, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên gần kinh thành Phú Xuân.
2. Chỉ Nguyễn Nhạc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2016, 10:47:28 am »


Nguyễn Huệ chia quân làm năm doanh: tiền quân, hậu quân, tả quân, hữu quân và trung quân; binh lính mới tuyển ở Nghệ An được đưa vào trung quân đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Huệ. Việc phiên chế quân đội này không có gì đặc biệt, tuy nhiên nó cũng cho thấy Nguyễn Huệ rất khéo dùng người, có tài tổ chức quân đội. Những người lính mới tuyển là những ngươi lính chưa được thao luyện, chưa quen chiến trận, nhưng họ được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của người anh hùng bách chiến bách thắng thì họ sẽ vững vàng tin tưởng, phấn khởi và phát huy được khả năng chiến đấu của họ.

Sau khi phiên chế xong đội ngũ, Nguyễn Huệ tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại trấn doanh Nghệ An. Trước toàn quân, Nguyễn Huệ tuyên bố:

"Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ; các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc - Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy, đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước"1.

Sau hôm duyệt binh, Nguyễn Huệ hạ lệnh tiến quân. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Nguyễn Huệ tiến tới núi Tam Điệp. Tại đây, Nguyễn Huệ khẳng định chủ trương tạm lui quân của các tướng lĩnh Bắc Hà là đúng, ông nói:

"Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoài thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay...”.

Rồi Nguyễn Huệ hạ lệnh đóng quân lại ở Tam Điệp một thời gian để tìm hiểu tình hình cụ thể của địch ở Bắc Hà, đồng thời truyền hịch kể tội quân Thanh xâm lược, gọi Tôn Sĩ Nghị là "tên ngông cuồng họ Tôn" và động viên nhân dân Bắc Hà đoàn kết, quyết tâm diệt giặc.
_____________________________________
1. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2016, 10:48:24 am »


Trong khi Nguyễn Huệ và quân đội Tây Sơn tích cực chuẩn bị phản công như vậy thì bọn quân Thanh cướp nước ở Thăng Long lại chỉ nghĩ đến nghỉ ngơi, cướp bóc, rất ngại chiến đấu, mà đám quân "cần vương" của Lê Chiêu Thống thì đói khát, hoang mang tan rã đến cao độ.

Từ biên ải tới Thăng Long, không gặp một sức kháng cự mạnh mẽ nào, Tôn Sĩ Nghị cho là quân Tây Sơn sợ hãi bỏ chạy, sinh chủ quan, kiêu căng, phá bỏ cả mọi điều quân luật đã đề ra, thả lỏng cho quân lính tự do, bừa bãi "mặc cho quân lính các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang không có kỷ luật gì cả. Có kẻ đi ra khỏi thành đến hơn mười dặm để kiếm củi đun, có kẻ đi tới các chợ búa dân gian để buôn bán, hàng ngày sớm đi tối về, xem như việc bình thường. Bọn tướng tá cũng ngày ngày chơi bời tiệc tùng không hề để ý gì đến việc quân”. Quân Thanh thường hoành hành cướp bóc, nạn cướp chợ, hãm hiếp không ngày nào không có. Tôn Sĩ Nghị lại cho quân đi lùng bắt những người trước đây đã làm việc với Tây Sơn. Hàng ngày, số người này bị bắt và bị giết có tới ba, bốn mươi người. Trong khoảng hơn một tháng trời, con số bị giết lên tới hàng ngàn người. Nhân dân Bắc Hà thật là khổ sở và vô cùng oán ghét quân Thanh.

Trong khi ở Bắc Hà quân Thanh cướp nước tàn bạo như vậy, quần chúng nhân dân khổ sở như vậy, bọn phản động Lê Chiêu Thống có những hành động đê hèn nhục nhã, thì bọn phản động Nguyễn Ánh ở Gia Định cũng có những hành động đê hèn nhục nhã không kém. Chúng cũng cầu mong quân xâm lược nước ngoài vào cướp nước, vào giày xéo lên Tổ quốc, chém giết đồng bào của chúng. Được tin quân Thanh tiến sang cướp nước ở phía Bắc, Nguyễn Ánh mừng rỡ, vội vàng cho lũ chân tay là bọn Phan Văn Trọng, Lâm Đề mang thư sang triều đình nhà Thanh tỏ lòng hoan nghênh, thán phục và đem 50 vạn cân gạo để giúp lương cho quân Thanh đánh chiếm Bắc Hà. Nhưng không may cho bọn phản động Nguyễn Ánh, hành động nhục nhã của chúng đã không đi đến kết quả nào. Các thuyền gạo của chúng ra tới biển, gặp bão, bị đắm, cả gạo và người đều làm mồi cho cá biển.

Trong lúc tình hình Bắc Hà hỗn loạn, do quân Thanh xâm lược và bọn phản động Chiêu Thống gây nên, một vài cựu thần nhà Lê đã trông thấy nguy cơ có thể bị tiêu diệt, lấy làm lo lắng và muốn có những hành động quân sự kịp thời. Ngô Tưởng Đào dâng sớ yêu cầu kịp thời tiến đánh quân Ngô Văn Sở ở Tam Điệp.

Tôn Sĩ Nghị khoác lác, từ chối: "Việc gì mà phải vội vã như vậy?... Giặc còn gầy, ta hãy nuôi cho béo, để chúng tự đến dâng thịt...”

Tuy nói ngông nghênh như vậy, nhưng thấy mọi người thúc giục, Tôn Sĩ Nghị cũng không dám để việc quân trễ tràng lắm. Hắn liền quyết định sang xuân, mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), sẽ xuất quân và bắt đầu bố trí canh gác đề phòng. Ngoài các đạo quân lớn vẫn đóng tại các vị trí cũ, Tôn Sĩ Nghị bắt đầu đặt thêm đồn canh phòng. Từ Thăng Long về phía nam chừng 60 dặm, Tôn Sĩ Nghị chia quân đóng giữ một số nơi, đắp lũy đất lập đồn để canh gác. Những đồn mới lập ấy gồm có: một đồn ở làng Ngọc Hồi huyện Thanh Trì, một đồn ở làng Hà Hồi huyện Thường Tín, một đồn ở làng Nhật Tảo huyện Duy Tiên và một đồn ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết huyện Thanh Liêm.

Nhưng kế hoạch bố trí mới của Tôn Sĩ Nghị lại chỉ là kế hoạch phòng thủ thụ động, ngồi chờ người đến đánh để đỡ, vì vậy bọn thần tử nhà Lê vẫn lo sợ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2016, 10:51:51 am »


Bọn vua tôi nhà Lê cũng thấy nhận định tình hình sẽ rất bi đát một khi quân Tây Sơn tiến đánh nhưng không có cách nào khác hơn là đến cầu khẩn với Tôn Sĩ Nghị để Tôn Sĩ Nghị xuất quân mà thôi.

Thấy tình hình như vậy, Tôn Sĩ Nghị cũng giật mình và cũng tự cảm thấy mình đã sai lầm. Nhưng thời cơ đã lỡ, quân luật đã trễ tràng, binh lính đã uể oải, bản thân Tôn Sĩ Nghị cũng thấy khó khăn lúng túng không biết xoay xở như thế nào, chỉ còn biết mắng nhiếc bọn bù nhìn và đùn cho bọn bù nhìn xuất quân trước.

"… Trước đây tới đón chào ta ở Lạng Sơn, sao không nói cho rõ? Bấy giờ nhân khi ta thắng, đè bẹp ngay chúng đang lúc khốn đốn, há chẳng dễ dàng hơn hay sao? Nay đã bỏ là cơ hội ấy, để chúng có thì giờ thong thả mà bày mưu đặt chước, cách trị chúng cần phải tính toán cho chu đáo không thể hấp tấp. Vả lại đã định đến sang xuân, vào ngày mồng 6 thì sẽ xuất quân, như vậy cũng không còn xa gì nữa. Nếu muốn đi gấp thì cho phép vua tôi nhà ngươi đem một đạo quân đi trước cũng được"1.

Trước sự tình như thế, bọn vua tôi Lê Chiêu Thống không còn biết nói gì nữa. Nhưng khổ cho chúng là cắt cử ai đem quân đi trước bây giờ và đi trước thì đánh chác ra làm sao. Bọn triều thần ở Thăng Long sợ chết, không tên nào dám đi, đành phải dùng lệnh vua điều động viên trấn thủ Sơn Tây, không phải là đi đánh quân Tây Sơn ở Tam Điệp mà là đem quân bản bộ ở Sơn Tây xuống đóng ở Gián Khẩu, lập thành một đồn tiền tiêu án ngữ đường tiến ra Thăng Long của quân đội Tây Sơn2.

Sự điều động quân Lê từ Sơn Tây xuống Gián Khẩu như thế không phải để chủ động tiến công quân đội Tây Sơn mà chỉ có nghĩa là đi làm bia đỡ đạn, chịu chết trước để cho quân Thanh yên tĩnh, nghỉ ngơi cho đến ngày 6 tháng Giêng. Nhưng tình hình khẩn trương đã không cho phép Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh được yên tĩnh nghỉ ngơi. Ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 18 tháng 1 năm 1789), thám tử của quân Thanh từ các nơi chạy ngựa về Thăng Long báo với Tôn Sĩ Nghị là quân Tây Sơn đang tuyển thêm lính ở Thanh Hóa, Nghệ An và chuẩn bị tiến đánh Bắc Hà. Tôn Sĩ Nghị vội vàng cho quân đi đóng giữ ở tất cả các nơi hiểm yếu trên khắp bốn ngả đường, còn đại quân thì sáng chiều tập dượt để chuẩn bị tác chiến. Tôn Sĩ Nghị lại cử đề đốc Hứa Thế Hanh trực tiếp chỉ huy mặt trận phía nam kinh thành Thăng Long và tăng cường quân lực cho các đồn quân đã có ở mặt trận này, từ Ngọc Hồi đến bờ bắc sông Nguyệt Quyết.

Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh có chuẩn bị đề phòng thì cũng đã muộn quá rồi. Nguyễn Huệ và đại quân Tây Sơn đã tới Tam Điệp từ ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân và Nguyễn Huệ đang nghiên cứu kỹ tình hình địch, để đánh cho địch một trận thật bất ngờ, quyết thắng. Biết địch dự định ngày 6 tháng Giêng sẽ từ Thăng Long xuất quân, Nguyễn Huệ quyết định quân đội Tây Sơn sẽ đánh tan quân Thanh và tiến vào Thăng Long trước ngày mồng 6 tháng Giêng ấy. Biết quân Thanh chỉ lập một mặt trận chính là mặt trận phía nam thành Thăng Long và tập trung quân chủ lực ở đấy, đặc biệt là ở hai đồn quân kiên cố nhất là Hà Hồi và Ngọc Hồi, còn đại quân của Tôn Sĩ Nghị đóng ở hai bờ sông Hồng và mấy vạn quân Điền Châu, Triều Châu của Sầm Nghi Đống đóng ở Khương Thượng, phía tây nam thành Thăng Long, đều chỉ ở tư thế đợi chờ, đợi chờ tin tức của mặt trận phía nam và đợi chờ ngày xuất quân, ở phía bắc thành Thăng Long có một nhóm quân cần vương của Lê Chiêu Thống do Lê Duy Chi chỉ huy là một lực lượng không đáng kể một khi quân Thanh đã thất bại.
________________________________________
1, 2. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 16 Tháng Mười, 2016, 10:24:21 pm »


Nắm được kế hoạch và cách bố trí lực lượng của địch, Nguyễn Huệ chia quân làm năm đạo để tiến đánh quân Thanh với những nhiệm vụ cụ thể cho từng đạo quân như sau:

Đạo quân thứ nhất là đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, có Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân làm tiên phong và Hám hổ hầu đi hậu quân đốc chiến. Đạo quân này gồm có cả bộ binh, tượng binh, kỵ binh, làm nhiệm vụ đánh vào mặt trận chính của quân Thanh trên đường phía nam kinh thành Thăng Long.

Đạo quân thứ hai đi đường thủy do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, tiến vào sông Lục Đầu, tiêu diệt quân cần vương của Lê Chiêu Thống ở Hải Dương, rồi tiến lên uy hiếp cạnh sườn phía đông của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Hồng, làm tiếp ứng cho đạo quân chủ lực và các đạo quân khác đánh vào Thăng Long.

Đạo quân thứ ba do đại đô đốc Lộc chỉ huy, cũng đi đường thủy cùng với đạo quân thứ hai. Khi vào đến sông Lục Đầu thì đạo quân thứ ba này sẽ đi gấp lên các hạt Phượng Nhân, Lạng Giang, Yên Thế để chặn đường chạy về của quân Thanh.

Đạo quân thứ tư do đại đô đốc Bảo chỉ huy, gồm tượng binh và kỵ binh, có nhiệm vụ đi theo đường Sơn Minh (huyện Ứng Hòa, Hà Tây ngày nay) ra làng Đại Áng, ở phía tây nam đồn Ngọc Hồi, để phối hợp với đạo quân chủ lực tiến công đồn này, vừa là vị trí quan trọng nhất của mặt trận phía nam kinh thành Thăng Long, vừa là bản doanh của viên tướng chỉ huy mặt trận là đề đốc Hứa Thế Hanh.

Đạo quân thứ năm cũng gồm tượng binh và kỵ binh do đô đốc Long chỉ huy. Đạo quân này có nhiệm vụ đánh bất ngờ vào Thăng Long, tiến vào Thăng Long trước tất cả các đạo quân khác, làm cho toàn bộ quân địch ở tất cả các mặt trận xung quanh Thăng Long đều hoang mang tan rã mau chóng. Đạo quân thứ năm sẽ đi theo đường huyện Chương Đức (tức huyện Chương Mỹ, Hà Tây ngày nay) tiến theo hướng Sơn Tây nhưng rẽ quặt sang làng Nhân Mục, rồi tạt ngang sang tập kích đồn quân Điền Châu, Triều Châu của Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng, liền sát kinh thành Thăng Long về phía tây nam. Tiêu diệt xong đồn Khương Thượng, đạo quân thứ năm của đô đốc Long sẽ theo cửa tây, tiến ngay vào Thăng Long, một mặt chiếm đóng kinh thành, một mặt tiếp tục tiến công vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Tây Long phía đông kinh thành Thăng Long và chặn bắt tàn quân Thanh từ phía Ngọc Hồi và các đồn khác ở mặt trận phía nam chạy về Thăng Long.

Sau khi phân phối đội ngũ và trao nhiệm vụ cho các đạo quân, Nguyễn Huệ hạ lệnh ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 25 tháng 1 năm 1789) sẽ xuất quân đến đánh các đồn tiền tiêu của giặc. Ngày hôm ấy, trước khi lên đường, Nguyễn Huệ cho làm tiệc khao quân và nói với tướng sĩ rằng:

"Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến mồng 7 tháng Giêng vào thành Thăng Long, sẽ mở tiệc lớn. Các người hãy ghi lấy lời ta nói xem có đúng thế không... ".

Rồi sau đó, lễ "thệ sư" được tổ chức trong không khí hồ hởi quyết chiến của toàn quân, giữa đêm giao thừa, Quang Trung đã đọc vang lời hịch:

      Đánh cho để dài tóc
      Đánh cho để đen răng
      Đánh cho nó chích luân bất phản
      Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
      Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.


Hoàng đế Quang Trung vừa dứt lời, chư quân dạ ran như sấm, rung động cả hang núi, trời đất đổi màu, rồi chiêng trống đồng thời khua vang, quân lính gấp rút lên đường ra Bắc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM