Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:14:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn  (Đọc 39411 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:22:02 pm »


Do vậy, Nguyễn Huệ đã định ra chủ trương và phương hướng tiến công Bắc Hà như sau:

1. Về chính trị: Cần phải phân hóa kẻ thù, xác định kẻ thù chính trước mắt là tập đoàn thống trị họ Trịnh. Cần nêu khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh" để tranh thủ sự đồng tình của các tầng lớp nhân dân Bắc Hà và triệt để cô lập bọn chúa Trịnh. Đồng thời, tập hợp mọi lực lượng chống đối nhà Trịnh ở Bắc Hà để tăng cường sức mạnh của nghĩa quân Tây Sơn một khi đại quân của Nguyễn Huệ tiến ra thực hiện quyết chiến với nhà Trịnh. Trong tình hình bị cô lập như vậy, nhà Trịnh không thể đương đầu được với sức tiến công của nghĩa quân Tây Sơn. Diệt được nhà Trịnh, tức là giải phóng nông dân Bắc Hà khỏi một ách phong kiến thống trị nặng nề nhất, tàn bạo nhất ở Bắc Hà, xóa bỏ được sự phân chia Nam Bắc, thực hiện thống nhất nước nhà. Như thế, nhiệm vụ tiến công Bắc Hà sẽ được hoàn thành tốt đẹp.

2. Về quân sự: Muốn thực hiện khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh", giải phóng nhân dân trong tình hình chính trị Bắc Hà phức tạp như vậy, thì về quân sự phải thực hiện chiến lược: đánh nhanh thắng nhanh. Trong điều kiện lúc ấy, quân đội Tây Sơn không thể đánh thẳng vào Thăng Long, không thể cùng một lúc đánh nhiều cứ điểm quan trọng, cũng không thể đánh dần từng bước. Muốn đánh nhanh thắng nhanh thì phải tiến công bất ngờ, đánh chiếm lấy một vị trí xung yếu ở gần Thăng Long làm bàn đạp đánh ra Thăng Long và cũng làm nơi thu hút đại bộ phận lực lượng địch để tiêu diệt. Bấy giờ là mùa hè, muốn đánh bất ngờ và muốn hành quân nhanh chóng trong điều kiện gió nồm đang thuận lợi thì phải dùng thủy quân và vị trí tiến công đầu tiên phải vừa ở gần biển, vừa tiện đường tiến lên Thăng Long. Vị Hoàng, thủ phủ trấn Sơn Nam, đã được Nguyễn Huệ chọn làm mục tiêu tiến công đầu tiên. Vị Hoàng là một vị trí chiến lược quan trọng trên đường từ Bắc vào Nam, đồng thời là một kho dự trữ lương thực rất lớn đủ bảo đảm lương thực cho mọi cuộc hành quân của chúa Trịnh, hoặc đánh vào Nam Hà, hoặc đánh phá các cuộc khởi nghĩa ở miền Nam và đông nam Bắc Hà. Vị Hoàng ở gần biển khiến thủy quân Tây Sơn có thể tiến ra đánh tập kích dễ dàng. Vị Hoàng lại tiện đường thủy bộ để nghĩa quân Tây Sơn có thể từ đó tiến nhanh lên đánh chiếm Thăng Long. Trong khi một bộ phận quân đội Tây Sơn tiến đánh Vị Hoàng, một bộ phận khác sẽ lần lượt chiếm đóng Nghệ An, Thanh Hóa. Khi nghĩa quân Tây Sơn từ Vị Hoàng tiến đánh Thăng Long, thì từ Vị Hoàng trở vào sông Gianh đã trở thành hậu phương an toàn của nghĩa quân, nối liền từ Vị Hoàng vào tới Phú Xuân, Quy Nhơn, Gia Định.

Trên cơ sở đó, Nguyễn Huệ quyết định chia quân làm ba đạo: một đạo ở lại cùng Nguyễn Lữ làm nhiệm vụ giữ Thuận Hóa, còn hai đạo tiến ra Bắc Hà.

Trong hai đạo quân này, một đạo làm nhiệm vụ tiền phong, do Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ huy gồm 400 thuyền chiến, theo đường biển tiến ra đánh chiếm Vị Hoàng, và đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, có Vũ Văn Nhậm làm phó tướng, sẽ theo hai đường thủy bộ cùng tiến, riêng thủy quân gồm hơn 1.000 thuyền chiến. Trong đạo quân chủ lực, có tượng binh đi cùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:22:42 pm »


Nhiệm vụ chiến lược và kế hoạch tiến công đã được Nguyễn Huệ trao cụ thể cho từng đạo quân.

Đạo quân tiền phong của Nguyễn Hữu Chỉnh có ba nhiệm vụ như sau:

1. Đánh úp Vị Hoàng. Sau khi đã chiếm đóng Vi Hoàng, không mở rộng chiến đấu mà ở lại Vị Hoàng làm nhiệm vụ chuẩn bị quân lương và thuyền bè chuyên chở để phục vụ toàn quân trong suốt cả thời gian tiến công Bắc Hà.

2. Khi tiến ra Bắc, đạo quân tiền phong sẽ cho những toán du binh nhỏ chừng vài trăm người đánh úp vào các đồn binh, các doanh trại quân Trịnh ở gần bờ biển, suốt dọc đường từ bờ Bắc sông Gianh tới Vị Hoàng, vừa tiêu hao sinh lực địch, vừa uy hiếp tinh thần địch làm cho quân tướng Trịnh ở Nghệ An, Thanh Hóa phải khiếp sợ, tạo điều kiện cho đại quân của Nguyễn Huệ tiến ra thu phục Nghệ An, Thanh Hóa được nhanh chóng.

3. Khi đã chiếm đóng Vị Hoàng, đạo quân tiền phong sẽ làm nhiệm vụ chính trị, nêu rõ khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh", cho một toán quân nhỏ bí mật vào Thăng Long bảo vệ hoàng cung và trao cho vua Lê tờ mật tấu tôn phù của Nguyễn Huệ để trấn tĩnh nhân tâm trong triều, một khi đại quân Tây Sơn tiến tới nơi; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân Bắc Hà hưởng ứng cuộc tiến quân ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn và tìm cách thu phục các toán nghĩa quân đang chống nhà Trịnh ở miền nam và đông nam Bắc Hà, định kế hoạch cùng họ phối hợp tác chiến.

Về đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, nhiệm vụ cơ kản của nó là thực hiện bằng được mục đích của toàn bộ cuộc tiến công: tiêu diệt lực lượng vũ trang của các tập đoàn phong kiến Bắc Hà, đánh đổ nhà Trịnh, thống nhất lãnh thổ và ổn định tình hình chiếm đóng Bắc Hà suốt từ bờ Bắc sông Gianh trở ra.

Để làm tròn nhiệm vụ cơ bản đó, đạo quân chủ lực Tây Sơn sẽ theo kế hoạch tiến hành từng bước như sau:

1. Đạo quân chủ lực sẽ theo hai đường thủy bộ tiến ra Nghệ An, Thanh Hóa, củng cố những vị trí mới chiếm đóng.

2. Khi được tin của đạo quân tiền phong báo về, đạo quân chủ lực sẽ lên đường ra Bắc, cùng đạo quân tiền phong nhanh chóng đánh tan đại bộ phận quân lực của nhà Trịnh đã tiến về gần Vị Hoàng để án ngữ đường tiến lên Thăng Long của nghĩa quân Tây Sơn.

3. Sau khi đã tiêu diệt đại bộ phận sinh lực địch ở gần Vị Hoàng, đạo quân chủ lực Tây Sơn sẽ tiến gấp lên Thăng Long, đánh đổ nhà Trịnh, hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ của cuộc tiến công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:23:15 pm »


Với nhiệm vụ và kế hoạch đã trao cho, đạo quân tiền phong của Nguyễn Hữu Chỉnh được lệnh xuất phát.

Theo kế hoạch đã định, dọc đường từ sông Gianh trở ra, đạo quân tiền phong Tây Sơn đã cho nhiều toán du binh lên bờ đánh phá các đồn trại quân Trịnh, dọn đường cho đạo quân chủ lực tiến lên chiếm đóng. Vốn sợ uy danh quân đội Tây Sơn, quân Trịnh ở các đồn trại này thấy bóng cờ Tây Sơn là bỏ chạy. Trước hết, đồn Dinh Cầu (ở phía nam Hà Tĩnh hiện nay) bị mất vào tay du binh Tây Sơn. Sau đó, các tướng Trịnh trấn thủ Nghệ An, Thanh Hóa là Bùi Thế Toại và Tạ Danh Thùy, nghe tin quân Tây Sơn tiến ra cũng đều bỏ thành chạy trốn.

Dọc đường tiến ra Bắc, đội quân tiền phong Nguyễn Hữu Chỉnh không gặp một cản trở gì nên đi rất nhanh. Sáng sớm ngày 11 tháng 7 năm 1786, đội quân Nguyễn Hữu Chỉnh gồm 400 thuyền chiến đã tới Vị Hoàng. Quân Trịnh đóng ở đây hoảng sợ, không ngờ quân Tây Sơn tiến ra Bắc nhanh như thế, vội vàng bỏ chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân vào thành Vị Hoàng thu được hơn trăm vạn hộc thóc trong kho và rất nhiều tiền bạc, khí giới, đạn dược. Chiếm xong Vị Hoàng, Nguyễn Hữu Chỉnh lập tức, một mặt "đốt lửa hiệu" báo cho quân chủ lực của Nguyễn Huệ ở Thanh - Nghệ biết, một mặt cho một viên tỳ tướng cùng một toán quân nhỏ bí mật tiến vào kinh thành Thăng Long.

Các tầng lớp nhân dân nô nức tới Vị Hoàng hoan nghênh quân đội Tây Sơn. Tình hình quân đội nhà Trịnh và tình hình Bắc Hà đều được nhân dân trình bày tường tận với quân đội Tây Sơn. Chỉ trong vòng mấy ngày, hơn 100 vạn hộc thóc trong kho Vị Hoàng đã được nhân dân địa phương đem ra xay giã và vận chuyển xuống các thuyền lương, chuẩn bị cho đại quân của Nguyễn Huệ tiến ra, đánh lên Thăng Long. Một số thuyền buôn của người Trung Quốc đậu ở bến Vị Hoàng cũng được trưng tập để vận chuyển quân lương. Những toán nghĩa quân Bắc Hà đang đánh nhau với tướng Trịnh là Đinh Tích Nhưỡng ở vùng Hải Dương nghe tin quân Tây Sơn đã tới Vị Hoàng, bỏ trận địa về Vị Hoàng gia nhập quân đội Tây Sơn.

Đại quân của Nguyễn Huệ, tuy chưa ra tới nơi, nhưng thanh thế quân Tây Sơn ở Bắc Hà cũng đã lớn mạnh lắm kể từ khi đội quân tiền phong Nguyễn Hữu Chỉnh đánh chiếm được Vị Hoàng. Kế hoạch cho đội tiền phong Nguyễn Hữu Chỉnh đi trước, đánh lấy Vị Hoàng làm bàn đạp tiến công lên Thăng Long đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nghĩa quân đánh chiếm Bắc Hà được mau chóng.

Được tin của đạo quân tiền phong từ Vị Hoàng báo về, Nguyễn Huệ liền dẫn toàn quân theo đường biển rầm rộ tiến ra Bắc, khí thế vô cùng mạnh mẽ. Gặp gió nam thổi mạnh, hơn 1.000 thuyền chiến Tây Sơn lướt sóng, đi "như bay", quân kỳ Tây Sơn đỏ rực cả mặt biển. Nhân dân Nghệ An nhìn theo đoàn thuyền chiến Tây Sơn hùng dũng xuất phát, cờ quạt rợp trời, đều tấm tắc: "Đây cũng là một việc không mấy đời đã có”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:24:46 pm »


Ngày 17 tháng 7 năm 1786 (tức ngày 22 tháng Sáu năm Bính Ngọ), Nguyễn Huệ cùng đại quân tới Vị Hoàng. Nguyễn Huệ hạ lệnh ngay cho đội quân tiền phong và đại quân phải lập tức chuẩn bị ngày hôm sau tiến đánh quân đội Trịnh đang tập trung ở miền Sơn Nam thượng để đối phó với nghĩa quân Tây Sơn.

Tình hình Bắc Hà lúc ấy vô cùng rối ren, lực lượng quân sự của nhà Trịnh đã suy yếu đến cực độ và tinh thần chiến bại trong quân đội nhà Trịnh đã bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết. Quân tướng nhà Trịnh khiếp sợ quân đội Tây Sơn ngay từ khi mất Thuận Hóa.

Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Xuân, không phải là triều đình Bắc Hà không biết. Biết, nhưng sợ, không dám động binh. Ngay từ ngày 24 tháng Năm năm Bính Ngọ (tức ngày 19 tháng 6 năm 1786), triều đình Lê - Trịnh đã được tin quân Tây Sơn tiến đánh tới sông Gianh. Chúa Trịnh có họp quần thần lại bàn việc cử binh cứu viện và cho quân đi tăng cường phòng thủ các thành trấn duyên hải. Nhưng chúa Trịnh không cử được binh vì không tướng nào chịu đi. Các tướng Trịnh cũng tự biết rằng đi đánh nhau với quân đội Tây Sơn, tức là đi vào chỗ chết, số phận mong manh như sợi tóc.

Ngày mồng 3 tháng Sáu năm Bính Ngọ (tức ngày 28 tháng 6 năm 1786), triều đình Bắc Hà lại nhận được tin của trấn thần Nghệ An cho chạy trạm về cáo cấp Phú Xuân thất thủ. Chúa tôi nhà Trịnh lại họp bàn lần nữa. Nhưng, xuất phát từ tinh thần chiến đấu bạc nhược đến cực độ, mọi người đều cho rằng:

"Thuận Hóa vốn không phải là bờ cõi của triều đình, tiền triều hao phí bao nhiêu của cải trong nước lấy được xứ ấy, rồi lại phải đem quân đóng giữ, rốt cuộc chẳng có ích gì. Ngày nay mất đi cũng là một cái may. Bây giờ chỉ nên bàn tính việc đóng đồn ở trấn Nghệ An và định rõ cương giới cũ mà thôi. Ta lấy sự mất Thuận Hóa làm may, ắt họ phải lấy sự lấy đất của ta làm điều đáng ngại. Như vậy hẳn là ta không phải lo gì nữa"1.

Thế là chúa tôi nhà Trịnh, ai nấy đều yên lòng làm theo lời bàn ấy. Trịnh Khải hạ lệnh cho Trịnh Tự Quyền làm thống tướng, đem quân lính 27 cơ vào ngay Nghệ An, giữ lấy đầu địa giới, đề phòng Tây Sơn tiến quân ra. Nhưng hơn 10 ngày sau khi nhận được lệnh, Trịnh Tự Quyền vẫn không thể chuẩn bị xuất quân được, vì quân lính chần chừ không muốn đi và không tin ở khả năng chỉ huy chiến đấu của Trịnh Tự Quyền, quân lính đòi thay người khác làm thống tướng. Tới khi Trịnh Tự Quyền xuất quân được thì quân vừa ra khỏi thành Thăng Long 30 dặm, tức mới đi được khoảng nửa ngày đường, triều đình Thăng Long đã được tin quân tiền phong Tây Sơn chiếm đóng Vị Hoàng. Trịnh Khải vội hạ lệnh cấp tốc cho Trịnh Tự Quyền đưa quân xuống chống giữ ở miền Kim Động (thuộc Hải Hưng), một mặt cho Đỗ Thế Dận, trấn thủ Sơn Nam, lập tức đem bộ binh tiến đóng ở bờ sông Phù Xa (một khúc hạ lưu sông Hồng, thuộc địa phận thôn Phù Xa, huyện Khoái Châu, tỉnh Hải Dương) và Đinh Tích Nhưỡng, đốc lãnh các quân thủy đạo, đang hành quân tại vùng Hải Dương, phải lập tức đưa toàn bộ thủy quân về giữ sông Cửa Luộc. Ba đạo quân này phải phối hợp chiến đấu để ngăn chặn bước tiến của nghĩa quân Tây Sơn và đây cũng là toàn bộ quân chủ lực của Bắc Hà để đối phó với Tây Sơn.
____________________________________________
1. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:25:23 pm »


Ngày 17 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ tới Vị Hoàng, lập tức ngày 18 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ xuất quân, tiến lên phố Hiến, thủ phủ trấn Sơn Nam thượng và là nơi tập trung các đạo quân chủ lực của nhà Trịnh. Chiều ngày 18, thuyền chiến Tây Sơn tiến vào trung tâm trận địa của quân Trịnh. Đinh Tích Nhưỡng đem thuyền chiến chặn ngang sông, dàn thành thế trận hình chữ “nhất" để chống nhau với quân Tây Sơn. Đỗ Thế Dận dàn bộ binh ra hai bên bờ sông để đánh vào hai bên sườn thủy quân Tây Sơn. Khoảng 6 giờ tối, cuộc chiến đấu bắt đầu.

Lúc ấy, gió đông nam đang thổi mạnh, Nguyễn Huệ cho năm thuyền chiến lớn, giương buồm thuận gió xung phong lên trước, đại quân từ từ tiến theo sau. Đinh Tích Nhưỡng hạ lệnh cho quân lính tập trung hỏa lực bắn tan đoàn thuyền chiến xung phong của Tây Sơn. Đạn súng và tên nỏ ở thuyền chiến quân Trịnh bắn ra như mưa. Một chiến thuyền xung phong của Tây Sơn bị bắn đắm. Nhưng các thuyền chiến khác vẫn theo chiều gió nối nhau ào ạt tiến lên. Tên, đạn của quân Trịnh bắn ra tới tấp nhưng không sao cản được. Quân Trịnh vô cùng hoảng sợ. Khi những thuyền chiến lớn ấy tới gần, quân Trịnh mới biết là thuyền không người, chân sào trên thuyền chỉ là những bù nhìn. Nhưng khi ấy, tên đạn của quân Đinh Tích Nhưỡng đã kiệt và đại đội thuyền chiến Tây Sơn cũng đã tiến sát thuyền chiến quân Đinh Tích Nhưỡng. Quân Tây Sơn vừa đánh trống vừa hò reo xung phong "thanh thế kinh thiên động địa". Thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng kêu la thảm thiết, tranh nhau bỏ thuyền mà chạy. Từ dưới thuyền chiến, quân Tây Sơn bắn đại bác lớn lên hai bên bờ sông, tiếng súng đại bác nổ như sấm, cây cổ thụ trên bờ sông bị đạn đại bác làm đổ gãy. Thấy đại bác của Tây Sơn bắn lên, quân Đỗ Thế Dận ở trên bờ khiếp sợ không dám đánh trả lại. Đánh tan thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng, nghĩa quân Tây Sơn thừa thắng kéo lên bờ, xông thẳng vào trận địa Đỗ Thế Dận, dùng hỏa hổ tung lửa đốt phá lan tràn. Bộ binh của Đỗ Thế Dận hoảng sợ, bỏ chạy hết. Chủ tướng Đỗ Thế Dận và viên đốc đồng Nguyễn Huy Bình cũng bỏ mặc quân lính, chạy thoát lấy thân. Từ phía Kim Động, 27 cơ binh của Trịnh Tự Quyền nghe thấy tiếng súng trận trên sông Cửa Luộc cũng vội vàng chạy trốn, không đánh mà tan.

Thế là các đạo quân chủ lực của chúa Trịnh đã hoàn toàn tan rã. Cuộc chiến đấu chỉ diễn ra trong một đêm, kết thúc vào lúc rạng sáng ngày 24 tháng Sáu năm Bính Ngọ (tức ngày 19 tháng 7 năm 1786). Nguyễn Huệ cùng đoàn quân chiến thắng, ngay sáng hôm ấy, rầm rộ tiến vào phố Hiến thủ phủ của trấn Sơn Nam thượng.

Tin thua trận tới tấp đưa về Thăng Long, triều đình hoảng sợ, văn võ triều thần cuống quít lo cất giấu của cải, đưa vợ con chạy trốn, không một ai dám đứng ra nhận lấy trách nhiệm chống nhau với quân Tây Sơn.

Chúa Trịnh đang rất lúng túng lại thấy tể tướng Bùi Huy Bích không có một mưu kế, sách lược nào để đối phó với tình hình, liền bãi chức tể tướng của Bùi Huy Bích và bắt ra trận đốc chiến. Thấy Bùi Huy Bích, một văn thần phải ra trận đốc chiến, lòng người càng mất tin tưởng, cả kinh thành xao xuyến, náo động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:28:35 pm »


Chúa Trịnh cùng triều thần bàn kế đối phó với nghĩa quân Tây Sơn. Trần Công Xán hiến kế:

"Giặc kéo quân vào sâu xứ lạ đó là điều mà trong binh pháp rất kỵ. Nên dử cho chúng tới gần nữa, rồi đánh một trận mà tiêu diệt cho hết, đó là cái thuật kỳ diệu trong phép dùng binh. Vả lại, kinh sư là cái gốc của thiên hạ, rời bỏ thì sẽ đi đâu? Chẳng những thế, nếu kiệu chúa lật đật ra ngoài thành, tất lòng người sẽ phải lìa tan, ấy là đem nước mà trao cho giặc vậy. Bây giờ chỉ nên xin thái phi và cả sáu cung hãy tạm lánh ra ngoài thành mà thôi"1.

Ý kiến của Trần Công Xán chứng tỏ y không hiểu binh pháp là gì, không biết mình, biết người, không biết sức mạnh của quân đội Tây Sơn như thế nào. Tuy vậy, ý kiến ấy đã làm vừa lòng chúa Trịnh. Nhưng lấy ai là người đứng ra bảo vệ kinh thành, đứng ra "đánh một trận mà tiêu diệt hết địch" như ý kiến Trần Công Xán. Trịnh Khải đành phải tìm đến những viên tướng già còn lại và lập tức sai người lên Sơn Tây gọi lão tướng Hoàng Phùng Cơ về triều cứu chúa.

Hoàng Phùng Cơ lúc ấy chỉ có vẻn vẹn 500 quân. Trịnh Khải phải bỏ ra năm nghìn lạng bạc để Hoàng Phùng Cơ mộ thêm quân và trong một ngày, mộ được hơn một nghìn lính cũ. Nhưng mặc dầu có thêm quân, bọn chúa tôi nhà Trịnh không một ai dám nghĩ đến việc xuất quân đón đánh quân đội Tây Sơn, mà chỉ nghĩ đến việc phòng thủ Thăng Long, ngồi chờ cho Tây Sơn đến đánh. Trịnh Khải và các tướng lĩnh bố trí kế hoạch phòng thủ Thăng Long như sau:

- Cho đội thủy quân Tứ Thị, là đội thủy quân duy nhất còn lại ở kinh thành, tới dàn thuyền chiến ở bên sông Thúy Ái2 để chặn giữ thủy quân Tây Sơn. Hai viên tiểu tướng già là Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yên được cắt cử ra quản lĩnh đội thủy quân này.

Cho đội bộ binh do Hoàng Phùng Cơ chỉ huy tới hồ Vạn Xuân để đối phó với bộ binh Tây Sơn; và khi cần thiết thì tiếp viện cho thủy quân ở bến Thúy Ái.

- Còn Trịnh Khải thì ngay từ ngày 25 tháng Sáu âm lịch (tức ngày 20 tháng 7 năm 1786), thân đốc xuất hết thảy bộ binh còn lại trong kinh thành và một đội tượng binh gồm hơn 100 con voi chiến ra quảng trường lầu Ngũ Long bày thành trận thế để chống giữ kinh thành. Quân của Trịnh Khải chia làm năm đạo: đạo Tả bộ giữ mặt Đông Long, đạo Hữu bộ giữ mặt Tây Hồ, đạo Tiền bộ giữ mặt cửa thành Tiền lâu, đạo Hậu bộ giữ mặt Hậu lâu cạnh bờ hồ Thủy Quân3, đạo trung quân gồm hai hiệu lính. Nhưng, kiệu và đội tượng binh đóng ngay tại quảng trường lầu Ngũ Long để bảo vệ Trịnh Khải.

Kế hoạch bố trí có vẻ chu đáo như vậy, nhưng tinh thần chiến đấu của quân tướng nhà Trịnh rất uể oải, quân luật rất lỏng lẻo. Đạo quân tiền tiêu của nhà Trịnh là những đội thủy quân đóng ở bến Thúy Ái thì lại chủ quan cho rằng quân đội Tây Sơn còn lâu mới tiến tới nơi, nên thường cột thuyền vào bến, lên bờ đi chơi tản mát.

Không ngờ rằng Nguyễn Huệ hạ xong Phố Hiến, trấn thành Sơn Nam, liền tiến quân ngay. Đang mùa hè, gió đông nam thổi mạnh, đại đội thuyền chiến Tây Sơn giương buồm thẳng tiến như bay lên phía kinh thành Thăng Long. Sáng ngày 26 tháng Sáu âm lịch (tức ngày 21 tháng 7 năm 1786), thủy quân Tây Sơn tới bến Nam Dư. Nguyễn Huệ cho một cánh quân đổ bộ lên bến Nam Dư, vòng lên đánh úp thủy quân Trịnh ở bến Thúy Ái. Khi cánh quân Tây Sơn này tới nơi, quân Trịnh ở bến Thúy Ái vẫn còn đi chơi tản mát trên bờ. Quân Tây Sơn một mặt nhảy xuống chiếm giữ hết các thuyền chiến của quân Trịnh, một mặt đánh bắt thủy binh Trịnh ở trên bờ. Bên Trịnh chỉ có hai viên tướng Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yên là còn ở dưới thuyền. Khi thấy quân Tây Sơn ập tới, Ngô Cảnh Hoàn và Nguyễn Trọng Yên vội cầm siêu đao ra đứng ở mũi thuyền để chống cự, nhưng đều bị quân Tây Sơn dùng súng lớn bắn chết ngay.
_______________________________________
1. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
2. Bến Thúy Ái là một bến sông Hồng, nay thuộc thôn Thúy Lĩnh, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
3. Hồ Thủy Quân khi xưa ở phía dưới hồ Hoàn Kiếm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:29:08 pm »


Tiêu diệt xong đạo thủy quân Trịnh ở bến Thúy Ái, cánh quân Tây Sơn này tiến ngay lên phía hồ Vạn Xuân, tập kích quân Hoàng Phùng Cơ. Quân Hoàng Phùng Cơ đang ăn cơm bị đánh bất ngờ, bỏ cả khí giới mà chạy. Quân Tây Sơn chia làm hai toán từ hai phía đánh ép lại, quân Hoàng Phùng Cơ không sao trốn thoát, thây chết ngổn ngang khắp trận địa. Quân của Hoàng Phùng Cơ nhảy cả xuống hồ Vạn Xuân, chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Một thuộc tướng của Hoàng Phùng Cơ là Mai Thế Pháp cố sức chống cự bị quân Tây Sơn đánh dồn ra tới tận bờ sông Nhị. Thế cùng, Mai Thế Pháp phải nhảy xuống sông mà chết. Hơn một nghìn năm trăm quân của Hoàng Phùng Cơ chỉ còn sống sót vài chục tên. Cùng với chủ tướng Hoàng Phùng Cơ và tám người con của Hoàng Phùng Cơ cố sức chống đỡ. Nhưng sáu người con Hoàng Phùng Cơ và mấy chục tên lính đều bị chết trận. Hoàng Phùng Cơ phải nhảy khỏi mình voi xuống đất, cùng hai người con sống sót, cố sức cướp lấy đường chạy thoát thân. Trong khi cánh quân Tây Sơn chiến đấu thắng lợi ở bên Thúy Ái và hồ Vạn Xuân thì đại đội thuyền chiến Tây Sơn vẫn tiến lên phía trước kinh thành Thăng Long, đổ bộ lên bến Tây Long, đánh thẳng vào trận địa của quân Trịnh Khải ở chung quanh lầu Ngũ Long.

Nghĩa quân Tây Sơn từ bến Tây Long ào ạt tiến vào. Quân tiền bộ của Trịnh nổ súng bắn ra. Quân Tây Sơn khom mình vừa tránh đạn vừa xung phong, tiến sát lầu Ngũ Long, bản doanh của Trịnh Khải. Trịnh Khải phải thân tự lên mình voi trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Nhưng mặc dầu Trịnh Khải hạ lệnh phản kích, quân sĩ Trịnh chỉ "nhìn nhau không dám tiến". Trong khi ấy, quân Tây Sơn ào ạt tiến vào chém giết và dùng hỏa hổ tung lửa hừng hực vào hàng ngũ quân Trịnh. Quân Trịnh hoàn toàn tan vỡ, vứt cả khí giới mà chạy thoát thân. Một toán tiền quân Tây Sơn, chừng vài chục người tiến thẳng vào chiếm đóng phủ chúa Trịnh. Trịnh Khải thấy bên mình chỉ còn hơn 100 con voi chiến, đành phải trút bỏ nhung phục "tụt xuống ngồi núp trong ngăn hòm da ở mé sau bành voi” rồi co đầu voi để chạy trốn về phủ, nhưng tới gần thì đã thấy cờ đỏ Tây Sơn phấp phới bay ngoài cửa phủ, Trịnh Khải vội chạy trốn theo đường đi Sơn Tây. Trong khi đại quân Tây Sơn tiến đánh lầu Ngũ Long thì toán quân của viên tỳ tướng Tây Sơn bí mật vào thành từ trước cũng chiếm giữ hoàng thành và trao mật tấu "tôn phù" của Nguyễn Huệ cho vua Lê.

Như thế là quân Tây Sơn đã làm chủ kinh thành Thăng Long và ngay ngày hôm ấy, 26 tháng Sáu năm Bính Ngọ (tức ngày 21 tháng 7 năm 1786), Nguyễn Huệ và đại quân tiến vào Thăng Long, đóng tại phủ chúa Trịnh.

Cuộc tiến công Bắc Hà tới đây đã kết thúc rất vẻ vang. Nguyễn Hữu Chỉnh đánh Vị Hoàng. Chỉ trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 11 đến ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ tiến vào Thăng Long, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ đã mau chóng lật đổ tập đoàn phong kiến họ Trịnh thống trị Bắc Hà 300 năm và chính quyền Bắc Hà từ sông Gianh trở ra đã thuộc về nghĩa quân Tây Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:13:16 am »


Câu hỏi 10: Cho biết tình hình đất nước ta từ sau khi nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh đổ nhà Trịnh ở Đàng Ngoài tới ngày quân Thanh xâm lược nước ta; hành động bán nước của Lê Chiêu Thống khi y cầu viện nhà Thanh?
Trả lời:


Quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến quân ra Phú Xuân và Thăng Long đánh đổ thế lực nhà Trịnh, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và chính quyền trong cả nước đều thống nhất trong tay nghĩa quân Tây Sơn.

Nhưng tình hình đất nước lúc này lại bước vào một thời kỳ khó khăn mới.

Người gây nên những tình hình khó khăn ấy chính là người lãnh tụ tối cao của phong trào Tây Sơn, người nắm toàn quyền định đoạt mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn. Người lãnh tụ tối cao của phong trào Tây Sơn, từ khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu cho tới ngày Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long diệt nhà Trịnh, không phải là Nguyễn Huệ, mà là Nguyễn Nhạc. Mặc dầu Nguyễn Huệ đã chiến thắng khắp đó đây, uy danh của Nguyễn Huệ đã lừng lẫy khắp nước, nhưng Nguyễn Huệ vẫn chỉ là một người tướng chịu quyền chi phối của Nguyễn Nhạc. Từ trước cho đến bấy giờ nhiệm vụ của Nguyễn Nhạc trao cho Nguyễn Huệ chỉ là nhiệm vụ đánh giặc. Đánh được giặc là nhiệm vụ hết, Nguyễn Huệ lại quay về đứng dưới trướng của Nguyễn Nhạc không có quyền hành gì khác. Vận mệnh của phong trào Tây Sơn cũng như cách xử lý mọi công việc sau mỗi lần chiến thắng là hoàn toàn do Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc đã sớm thỏa mãn với ngôi hoàng đế ngay từ sau những chiến thắng đầu tiên của quân Tây Sơn ở Gia Định. Nguyễn Nhạc lo sợ ngôi chí tôn của mình bị xâm phạm, không muốn uy quyền của mình bị chia sẻ, cả đối với anh em ruột thịt. Nhất là đối với Nguyễn Huệ, một người có tài đức vượt hẳn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc càng e ngại, không bao giờ muốn để Nguyễn Huệ rời khỏi cạnh mình, tách xa quyền khống chế của mình. Nhưng Nguyễn Nhạc ở cái thế phải để Nguyễn Huệ đi đánh địch. Vì chỉ Nguyễn Huệ đi đánh thì mới chắc thắng. Nhưng thắng xong phải về ngay. Chưa lần nào Nguyễn Nhạc chịu để Nguyễn Huệ ở lâu tại Gia Định, cứ sau mỗi lần chiến thắng, Nguyễn Huệ lại phải vội vàng đem quân về Quy Nhơn với Nguyễn Nhạc, khiến bọn chúa Nguyễn luôn luôn có điều kiện tổ chức phản công, đánh chiếm lại Gia Định rất dễ dàng. Nguyễn Nhạc cũng đã từng không tán thành đề nghị đánh Phú Xuân của Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc lại càng không bằng lòng với việc Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng Long, tiêu diệt nhà Trịnh. Nguyễn Nhạc không nhận thức được rằng việc Nguyễn Huệ đánh đuổi Nguyễn Ánh khỏi Gia Định và đánh đổ nhà Trịnh ở Bắc Hà là những sự nghiệp cách mạng lớn lao, phù hợp với lợi ích của giai cấp của dân tộc, tạo cơ sở cho phong trào Tây Sơn xây dựng một chính quyền vững mạnh và thống nhất trên cả nước. Thấy Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long, diệt được nhà Trịnh, Nguyễn Nhạc vội vàng đi mải ngày đêm ra Thăng Long để gọi Nguyễn Huệ về và hạ lệnh cho quân đội Tây Sơn rút hết khỏi Bắc Hà, bỏ mặc Bắc Hà cho bọn vua quan bất lực nhà Lê muốn làm thế nào thì làm.

Những sai lầm ấy của Nguyễn Nhạc đã gây nên tình hình rối ren ở Bắc Hà, dẫn tới việc quân Thanh sang xâm lược, tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh trở lại xâm chiếm Gia Định, đồng thời cũng gây nên tình hình chia rẽ xung đột trong nội bộ phong trào Tây Sơn trong một thời gian ngắn. Trước tình hình đó, nếu như Nguyễn Huệ không sớm thoát khỏi sự kiềm chế của Nguyễn Nhạc, thì bản thân Nguyễn Huệ cũng không thể phát triển được hết tài năng của mình trên mọi lĩnh vực, mà phong trào Tây Sơn và vận mệnh của Tổ quốc cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa từ sau năm 1786 trở đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:15:14 am »


*
*    *


Trước khi từ Phú Xuân tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã viết thư báo cho Nguyễn Nhạc biết. Nguyễn Nhạc không đồng ý, cho người cầm thư ra ngăn lại nhưng không kịp. Ngày 26 tháng Sáu năm Bính Ngọ (tức ngày 21 tháng 7 năm 1786), Nguyễn Huệ lại gửi thư báo tin thắng trận với Nguyễn Nhạc và hẹn đến thu đông, sau khi xếp đặt xong mọi việc ở Bắc Hà sẽ đem quân về Quy Nhơn. Ngày 14 tháng Bảy âm lịch (tức ngày 7 tháng 8 năm 1786), thư về đến Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc rất không bằng lòng và cũng rất lo ngại, tự nghĩ rằng: "... Nếu mình không thân hành ra Bắc bắt hắn phải về, ấy là thả hùm ra khỏi cũi, không bao giờ còn có thể nuôi dạy được nữa vậy"1.

Hoàng Lê nhất thống chí đã thuật lại việc Nguyễn Nhạc ra Bắc như sau:

"Thế rồi, luôn trong bữa đó2 vua Tây Sơn tự đem năm trăm tên lính thị vệ ra thẳng Phú Xuân. Tới nơi, lại lấy thêm hơn hai ngàn quân Phú Xuân đi gấp ra kinh sư. Đoàn quân tất tưởi kéo đi, dáng dấp tiều tụy, người ta không còn nhận ra đó là đám quan quân nào nữa".[/i]

Ngày 5 tháng Tám năm Bính Ngọ (tức ngày 26 tháng 8 năm 1786), Nguyễn Nhạc ra tới Thăng Long. Nguyễn Huệ trao lại quyền bính cho Nguyễn Nhạc, các tướng lĩnh và nghĩa quân Tây Sơn ở Bắc Hà lại thuộc quyền điều khiển trực tiếp của Nguyễn Nhạc, nhất thiết mọi việc đều phải tuân theo mệnh lệnh của Nguyễn Nhạc.

Ngày 17 tháng Tám năm Bính Ngọ, sau khi tới Thăng Long hơn 10 ngày, Nguyễn Nhạc bí mật hạ lệnh cho tất cả các quân thủy bộ Tây Sơn chuẩn bị lên đường, rút về Nam. Canh hai đêm hôm ấy, Nguyễn Nhạc cho người vào từ biệt Lê Chiêu Thống rồi lặng lẽ đem quân đi, bỏ mặc Bắc Hà cho bọn vua quan nhà Lê xoay xở.

Thấy nghĩa quân Tây Sơn bỏ đi, bọn vua tôi nhà Lê hoảng sợ, không biết lo liệu việc nước như thế nào. Lê Chiêu Thống đành phải: "Viết thư triệu hết những người thế gia và bày tôi cũ dấy quân vào bảo vệ hoàng thành. Vì thế hào mục các nơi chiếm giữ châu quận, chiêu tập binh mã đều mượn danh nghĩa "bảo vệ". Những hạng vô lại đánh giết lẫn nhau, trong nước thành ra rối loạn".

Tình hình Bắc Hà trở nên rối ren từ đây.
_________________________________
1. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê nhất thống chí.
2. Ngày 14 tháng Bảy năm Bính Ngọ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2016, 10:16:00 am »


Thấy quân đội Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà, bọn thân thuộc nhà Trịnh tranh nhau tiến về Thăng Long, giành lại ngôi chúa. Trịnh Lệ, con Trịnh Doanh, từ huyện Văn Giang đem quân lên đóng ở cung Tây Long, uy hiếp Lê Chiêu Thống phải trao quyền Chúa cho mình. Trong khi ấy, Trịnh Bồng, con Trịnh Giang, cũng đem quân từ huyện Chương Đức tiến về Thăng Long. Quân của Trịnh Lệ và quân của Trịnh Bồng đánh nhau ở địa phận làng Nhân Mục. Quân Trịnh Lệ tan vỡ, Trịnh Lệ phải chạy lên vùng Bắc, Trịnh Bồng vào thành Thăng Long. Lê Chiêu Thống phải tái lập ngôi Chúa cho nhà Trịnh và phong Trịnh Bồng làm "Nguyên soái tổng quốc chính Yến đô vương". Bọn tướng cũ như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Dương Trọng Tế, mượn cố tôn phò nhà chúa cũng từ các nơi đem quân về Thăng Long, tranh nhau quyền hành. Triều chính rối nát, bọn Trịnh Bồng và Đinh Tích Nhưỡng câu kết với nhau, bức hiếp nhân dân.

Về phần các lãnh tụ Tây Sơn, sau khi rút quân từ Bắc Hà về Nam, cũng sinh ra hiềm khích xung đột.

Nguyễn Huệ không theo Nguyễn Nhạc trở về Quy Nhơn mà ở lại Phú Xuân. Khi ấy thanh thế của Nguyễn Huệ rất lừng lẫy. Nhân dân Thuận, Quảng suy tôn Nguyễn Huệ làm Đức Chúa. Hay tin ấy, Nguyễn Nhạc hoảng sợ, hăm dọa trị tội Nguyễn Huệ. Trong tình hình như vậy và đứng trước lợi ích của phong trào, của Tổ quốc, Nguyễn Huệ thấy không thể chung theo những hành động của Nguyễn Nhạc đi ngược lại mục đích đấu tranh của nghĩa quân. Nguyễn Huệ phản đối sự hăm dọa của Nguyễn Nhạc và truyền hịch vạch rõ những sai trái của Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc quyết định đem quân đánh Nguyễn Huệ. Khi ấy Nguyễn Huệ có rất ít quân, vì đại bộ phận quân đội Tây Sơn thuộc quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ khi ra đánh Bắc Hà đã phải theo Nguyễn Nhạc về Quy Nhơn. Để đối phó với sự uy hiếp bằng quân sự của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ hạ lệnh tuyển quân suốt từ Phú Xuân trở ra sông Gianh, thanh niên từ 16 tuổi trở lên đều ra tòng quân. Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Huệ đã có một đạo quân gồm sáu vạn người.

Nguyễn Huệ tiến quân vào Quy Nhơn, vây hãm Nguyễn Nhạc ở trong thành trong vài tháng liền, để buộc Nguyễn Nhạc phải nhượng bộ, từ bỏ ý muốn kiềm chế Nguyễn Huệ mãi mãi. Nguyễn Nhạc phải báo tin gấp cho tướng Đặng Văn Trấn, trấn thủ Gia Định đem quân về cứu viện. Nguyễn Huệ cho quân chặn đánh Đặng Văn Trấn ở Tiên Châu (Phú Yên). Đặng Văn Trấn và toàn quân đều bị Nguyễn Huệ bắt sống. Sau khi tiêu diệt viện binh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cho đắp ụ đất cao ở ngoài thành Quy Nhơn và đặt đại bác bắn vào thành. Nguyễn Nhạc hoảng sợ, phải nhượng bộ, xin giảng hòa. Cuộc xung đột chấm dứt khoảng đầu năm 1787. Hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thỏa thuận lấy xứ Bản Tân làm địa giới, từ Thăng Hoa, Điện Bàn trở ra Bắc thuộc quyền Nguyễn Huệ, từ Quảng Nghĩa trở vào Nam thuộc quyền Nguyễn Nhạc. Tháng 3 năm 1787, Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Lữ làm Đông định vương và cử vào trấn thủ Gia Định, có thái bảo Phạm Văn Tham giúp việc.

Như thế là từ đây Nguyễn Huệ hoàn toàn thoát khỏi sư kiềm chế của Nguyễn Nhạc, mặc dầu Nguyễn Huệ vẫn thừa nhận Nguyễn Nhạc là hoàng đế trung ương và chịu nhận tước Bắc Bình vương của Nguyễn Nhạc phong cho.

Chính nhờ thoát khỏi sự kiềm chế của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã xếp đặt lại tốt mọi công việc từ Thuận Quảng trở ra, diệt trừ được tình trạng rối ren ở Bắc Hà và tiến tới đại phá 29 vạn quân Thanh xâm lược sau này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM