Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:02:09 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn  (Đọc 39402 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:17:34 pm »


*
* *

Sau khi đã bàn bạc phối hợp với nhau và chuẩn bị các mặt, tối 18 tháng 1 năm 1785 (ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn), quân Xiêm - Nguyễn bắt đầu rời khỏi khu căn cứ Trà Tân tiến thẳng đến Mỹ Tho.

Chiêu Tảng, Chiêu Sương huy động tất cả chiến thuyền lớn nhỏ, toàn bộ lực lượng thủy binh và một bộ phận bộ binh vào cuộc tiến công này. Một bộ phận bộ binh còn lại do Sa Uyển chỉ huy vẫn đóng ở Đông Khẩn (Sa Đéc) để bảo vệ vùng đất chúng đã kiểm soát được thuộc hữu ngạn Tiền Giang. Chiêu Tăng trực tiếp chỉ huy cuộc tiến công.

Quân bản bộ của Nguyễn Ánh do tổng nhung chưởng cơ Lê Văn Quân chỉ huy cũng tham gia cuộc tiến công dưới quyền điều khiển chung của chủ soái quân Xiêm là Chiêu Tăng. Số quân của Nguyễn Ánh lúc bấy giờ có khoảng ba, bốn nghìn, bị Chiêu Tăng đẩy đi trước mở đường. Nguyễn Ánh tham dự cuộc hành quân với tinh thần lo lắng, hoài nghi và tâm lý thất bại. Nguyễn Ánh cố đi sau với một số bầy tôi thân cận như hộ bộ Trần Phúc Giai, cai cơ Nguyễn Văn Bình, thái giám Lê Văn Duyệt để phòng khi lâm nguy còn kịp tháo chạy.

Khoảng đầu canh năm ngày 19 tháng 1 năm 1785 đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn ở Rạch Gầm - Xoài Mút. Từ Trà Tân, chiến thuyền của địch theo sông Trà Luật (một nhánh Tiền Giang chạy theo bờ phía bắc cù lao Trà Luật tức cù lao Năm Thôn) và Tiền Giang ra sông Mỹ Tho. Từ đây dòng sông mở rộng và quang đãng, đoàn thuyền địch trên 300 chiếc lớn nhỏ, xếp thành đội hình tiến nhanh về phía Mỹ Tho. Khi đoàn thuyền đã vào hết trong khúc sông được chọn làm trận địa quyết chiến, nghĩa là tiền quân địch đã đến cửa sông Xoài Mút và hậu quân đã qua cửa Rạch Gầm, Nguyễn Huệ ra lệnh công kích.

Mở đầu trận đánh, hai đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm, Xoài Mút bất ngờ lao ra, chặn đánh hai đầu, dồn quân địch vào vòng vây đã bố trí sẵn. Đồng thời, đại bác của quân Tây Sơn từ hai bên bờ sông và trên cù lao Thới Sơn bắn xối xả vào khúc giữa đoàn thuyền địch lúc bấy giờ đang bị ùn lại. Mạc Tử Sinh (một viên tướng của Nguyễn Ánh), lúc đó ở Long Hồ (Vĩnh Long) cũng nghe tiếng súng đại bác nổ liên hồi và dữ dội. Lúc đầu, viên tham tướng được Nguyễn Ánh giao cho nhiệm vụ chuẩn bị đường chạy trốn, tưởng là đại bác của quân Xiêm - Nguyễn đang tiến công thuyền chiến Tây Sơn. Nhưng chỉ một lát sau, hắn đã thấy một viên võ quan và nhiều binh lính bị thương vì trúng đạn chạy về Long Hồ. Hắn lo lắng thăm hỏi tin tức Nguyễn Ánh để kịp tháo chạy.

Bị chặn đầu, khóa đuôi và bị hỏa lực quân Tây Sơn áp đảo từ đầu, quân địch hết sức hốt hoảng và đội hình bị rối loạn. Ngay sau đó, những đội thuyền chiến của quân Tây Sơn từ các vị trí mai phục xông thẳng vào đội hình đang rối loạn của địch, chia nhỏ đoàn thuyền chúng ra từng mảng mà tiêu diệt. Chiến thuyền quân Tây Sơn từ Mỹ Tho cũng kịp thời đến tiếp ứng. Quân Tây Sơn, thủy bộ phối hợp với nhau, khép chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch hết mảng này đến mảng khác. Dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn lao vào cuộc chiến đấu quyết định với một tinh thần rất dũng cảm và tác phong rất mãnh liệt. Một viên tướng quân Nguyễn thoát chết chạy về Long Hồ kể cho Mạc Tử Sinh biết: "Nguyễn Huệ đốc chiến ở phía sau, ra lệnh liều chết đánh, quân sĩ nào không quyết chiến thì chém ngay để làm răn. Vì thế các tướng sĩ đều liều chết, không nghĩ gì đến tính mệnh,... tiến công rất là mãnh liệt".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:18:00 pm »


Quân địch bị hãm vào một tình thế hiểm nghèo: bị bao vây, bị chia cắt, đội hình tan vỡ, quân lính khiếp sợ. Lúc đầu, đôi nơi quân địch còn tổ chức chống cự, phóng hỏa đốt cháy thuyền chiến Tây Sơn. Nhưng những hành động kháng cự đó nhanh chóng bị đập tan trước sức tiến công ào ạt của quân Tây Sơn.

Hàng loạt thuyền chiến của địch lần lượt bị đánh đắm vì trúng đạn đại bác hoặc vì quân Tây Sơn xông lên tiêu diệt. Vô số quân địch bị giết chết tại trận: kẻ bị trúng đạn trúng tên; kẻ thì bị gươm giáo đâm chém hay bị chết đuối giữa sông nước. Một số quân địch cố bơi vào bờ để tìm đường tháo chạy. Nhưng ở đấy, những đơn vị bộ binh Tây Sơn đã được bố trí sẵn để chờ chúng.

Trận đánh kết thúc rất nhanh, gọn và đạt kết quả hết sức to lớn, oanh liệt.

Toàn bộ thuyền chiến địch - trên 300 chiếc đều bị đánh đắm và phá hủy. Quân Xiêm bị thua to, bỏ chạychết gần hết. Chiêu Tăng, Chiêu Sương cùng với một số tàn quân trốn được lên bờ bắc sông Mỹ Tho. Chúng phải liều chết đánh phá để mở đường tháo chạy lên Quang Hóa rồi qua đất Chân Lạp về Xiêm. Số tàn quân sống sót chạy theo Chiêu Tăng, Chiêu Sương có khoảng vài nghìn người. Đến tháng 3 năm 1785, bọn này mới về tới Vọng Các. Một bộ phận tàn quân địch bị thua trận ở phía sau, có lẽ thuộc hậu quân, bỏ chạy tán loạn ra các ngả. Chúng cướp được một số thuyền nhỏ của dân, theo đường thủy vượt biển về nước.

Khi các nhóm tàn quân Xiêm chạy tán loạn theo các ngả đã dần dần tụ tập lại, Chiêu Tăng kiểm quân số thì thấy: "Lúc xuất quân, quân thủy, bộ tất cả gồm 5 vạn quân, nay chỉ còn hơn 1 vạn".

Còn quân bản bộ của Nguyễn Ánh thì, bộ sử chính thức của triều Nguyễn, bộ Đại Nam thực lục chính biên, cũng đã ghi chép: "Lê Văn Quân và các quân cũng đều tan vỡ, bỏ chạy”. Đại bộ phận quân Nguyễn bị tiêu diệt. Viên cai cơ chỉ huy quân thủy là Nguyễn Văn Oai bị chết tại trận. Viên tướng tiền quân là Dũng hầu (chưa rõ tên) theo gót Chiêu Tăng trốn sang Chân Lạp. Chủ tướng quân Nguyễn là Lê Văn Quân thì quân lính tan tác mỗi người một ngả, phải vừa trốn tránh vừa thu nhặt tàn quân, đến giữa năm sau (tháng 6 năm 1786) mới đem được 600 quân sang Xiêm gặp Nguyễn Ánh. Những viên tướng khác như Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội... mỗi người cũng chỉ còn được dăm chục tàn quân.

Riêng Nguyễn Ánh đã chuẩn bị cho cuộc chạy trốn trước khi bắt đầu cuộc tiến công của quân Xiêm - Nguyễn. Vừa thấy "thế giặc mãnh liệt, không thể chống nổi", Nguyễn Ánh đã vội bỏ mặc quân lính, rút chạy về phía sau. Nguyễn Ánh cùng một số tướng tá và tùy tùng hơn 10 người, theo sông Trà Luật ra Tiền Giang rồi tìm đường sang Trấn Giang. Tại Long Hồ, Mạc Tử Sinh cũng chỉ còn 3 chiếc thuyền để đón Nguyễn Ánh sang Hà Tiên. Bọn tàn quân dần dần nhóm họp lại, chạy theo Nguyễn Ánh có hơn 200 người và 5 chiếc thuyền. Bọn chúng bị quân Tây Sơn truy lùng nên phải chạy ra đảo Thổ Châu, Cổ Cốt rồi lại trốn sang Xiêm. Trên đường chạy trốn, bọn chúng hết sạch cả lương thực. Nguyễn Văn Thành có lần đi ăn cướp đã bị thuyền buôn đánh lại và bị trọng thương. Nguyễn Ánh cũng phải ăn cơm ngô và có lúc mệt mỏi, kiệt sức quá phải nhờ người tùy tùng cõng chạy.

Số quân bản bộ của Nguyễn Ánh có khoảng 3 - 4 nghìn thì chỉ còn hơn 800 tên chạy thoát sang Xiêm, trong đó có 200 tên chạy trốn theo Nguyễn Ánh và 600 tên chạy theo Lê Văn Quân. Trong bức thư gửi cho giáo sĩ Li-ô sáu ngày sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Ánh phải đau xót thừa nhận một thực tế: “Chúng tôi vừa bị thua trận, tất cả quân lính đều bị tan vỡ". Từ đấy, Nguyễn Ánh và bọn tàn quân phải sống cuộc đời lưu vong khốn khổ, nhục nhã trên đất Xiêm. Bọn chúng phải đi khai hoang, đốn củi và có khi phải đi đánh thuế cho vua Xiêm để làm kế sinh sống và nương tựa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:18:30 pm »


*
* *

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất và lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Trận đánh diễn ra trên một đoạn sông Mỹ Tho vào lúc trời còn chưa sáng, ánh lửa đom đóm còn lập lòe trên những cây bần ven sông nhô ra mặt nước như một câu ca dao dân gian đã diễn tả:

Bần gie lửa đóm sáng ngời,
Rạch Gầm soi dấu muôn đời uy linh.


Và trận đánh kết thúc rất nhanh chóng trong ngày hôm đó, ngày 19 tháng 1 năm 1785. Chỉ trong gần một ngày, khoảng 2 vạn quân Tây Sơn đã giao chiến và đánh tan tành hơn 5 vạn quân Xiêm - Nguyễn, tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn.

Với chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, quân Tây Sơn đã giành được thắng lợi quyết định, quét sạch quân xâm lược ra khỏi đất Gia Định, thu hồi những vùng đất bị chiếm đóng và làm tiêu tan tham vọng của vua Xiêm đối với phần lãnh thổ cực Nam của nước ta.

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút còn giáng một đòn đích đáng, vạch trần chân tướng phản bội của Nguyễn Ánh đập tan lực lượng quân sự và ảnh hưởng chính trị của bè lũ phong kiến phản động này.

Cuộc kháng chiến chống Xiêm thắng lợi mà khâu quyết định là trận Rạch Gầm - Xoài Mút đã đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một trình độ mới. Từ đấy, phong trào Tây Sơn làm chủ toàn bộ đất Đàng Trong và có điều kiện tiến ra Đàng Ngoài lật đổ nền thống trị của tập đoàn phong kiến phản động vua Lê chúa Trịnh, làm nhiệm vụ lập lại nền thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc. Cũng từ đấy, phong trào Tây Sơn trở thành phong trào quật khởi của cả dân tộc, kết hợp chặt chẽ trong mục tiêu, tinh thần đấu tranh và tổ chức lực lượng, tính chất ác liệt của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Đó là một nét đặc sắc tạo nên nguồn sức mạnh kỳ diệu cho phong trào Tây Sơn trong cuộc chiến đấu liên tục chống thù trong giặc ngoài, lập nên một chuỗi chiến công bất diệt trong lịch sử dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:19:36 pm »


Câu hỏi 8: Trình bày kế hoạch tiến công quân Trịnh của Nguyễn Huệ, chiến dịch giải phóng Phú Xuân và các trận đánh từ đèo Hải Vân đến sông Gianh?
Trả lời:


Năm 1785, sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm và bè lũ Nguyễn Ánh, nghĩa quân Tây Sơn được rảnh tay ở phía Nam để đối phó với phía Bắc. Từ năm 1775 đến bấy giờ trải qua 10 năm ròng rã, nghĩa quân Tây Sơn phải chịu để cho quân Trịnh làm chủ Thuận Hóa và chiếm đóng từ đèo Hải Vân trở ra, vì nghĩa quân ở cái thế không thể cùng một lúc đương đầu với cả hai tập đoàn phong kiến thống trị: bọn chúa Nguyễn ở miền Nam và bọn chúa Trịnh ở miền Bắc. Nhưng đến lúc này, tình thế đã đổi khác, miền Nam đã tương đối ổn định, tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn đã tan rã mà ở miền Bắc thì tình hình rối ren đến cực độ, bọn chúa Trịnh đã suy yếu. Đó là thời cơ thuận lợi để nghĩa quân Tây Sơn tiến hành tiêu diệt tập đoàn phong kiến nhà Trịnh.

Đầu năm 1786, Nguyễn Huệ đề xuất việc tiến đánh Bắc Hà, nhưng Nguyễn Nhạc ngần ngại. Tháng Tư năm Bính Ngọ (1786), tướng Trịnh - Phạm Ngô Cầu ở Phú Xuân cho sứ giả Nguyễn Phu Như vào Quy Nhơn, mượn tiếng trao đổi về vấn đề biên giới, để dò xét tình hình nghĩa quân Tây Sơn. Tới Quy Nhơn, Nguyễn Phu Như lại khuyên các lãnh tụ Tây Sơn nên tiến đánh Phú Xuân và vạch rõ rằng:

"Hai xứ Thanh - Nghệ và cả bốn trấn hiện đang bị đói lớn, dân chúng đều ta oán kêu khổ, dân tới lính chẳng ưa gì nhau, tình thế không thể lâu bền, nếu lấy được Thuận Hóa thì việc dẹp yên thiên hạ không khó gì nữa".

Một tướng giỏi của Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh theo về Tây Sơn từ năm 1782, cũng nhận định như Nguyễn Phu Như. Mà Nguyễn Phu Như có thái độ phản lại nhà Trịnh cũng chính vì Nguyễn Phu Như là bạn cũ của Nguyễn Hữu Chỉnh. Thấy mọi người đều nhất trí, Nguyễn Nhạc liền quyết định tiến đánh Phú Xuân và cử Nguyễn Huệ làm thống lĩnh các quân thủy bộ, Vũ Văn Nhậm làm tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân đô đốc và Nguyễn Lữ chỉ huy đội dự bị thủy quân.

Việc đánh Phú Xuân thật ra không đơn giản. Lực lượng quân đội Trịnh ở đây khá hùng hậu. Suốt từ sông Gianh tới đèo Hải Vân, không kể quân địa phương, riêng quân đội Trịnh từ Bắc Hà đưa vào cũng có trên ba vạn người, mà số quân đồn trú ở thành Phú Xuân cũng có tới vài vạn. Quân số đó của nhà Trịnh đông hơn hẳn quân số của Nguyễn Ánh ở năm phát triển nhất là năm 1781 và cũng đông hơn hẳn liên quân Xiêm - Nguyễn hồi đầu năm 1785.

Cách bố trí phòng thủ tại đây cũng rất kiên cố. Từ sông Gianh tới đèo Hải Vân, trên một địa thế hẹp ngang và chạy dài, không chỗ nào là không có quân Trịnh đóng giữ. Khi có chiến tranh, các đồn quân Trịnh có thể nhanh chóng tiếp viện, ứng cứu cho nhau. Quân Trịnh ở Bắc Hà lúc nào cũng có thể từ Nghệ An, Thanh Hóa, Thăng Long tiến vào cứu nguy cho Thuận Hóa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:20:04 pm »


Về phía nghĩa quân Tây Sơn, quân số không phải là đông hơn hẳn quân Trịnh ở Thuận Hóa để có thể áp đảo địch một cách dễ dàng. Tiến công Thuận Hóa, không thể đánh thẳng ngay vào Phú Xuân như những lần đánh Gia Định, vì quân Trịnh ở hai phía sông Gianh và Hải Vân có thể dồn về ứng cứu dễ dàng. Cũng không thể đánh dần từng bước từ đèo Hải Vân đánh ra, vì như thế nhất định sẽ bị quân Trịnh ở Phú Xuân chặn đứng lại.

Tuy nhiên Thuận Hóa lúc ấy vẫn có những nhược điểm cản bản có thể làm tê liệt ưu thế của nó. Đã từ lâu, đất Thuận Hóa không có chinh chiến, quân Thuận Hóa ít chiến đấu, quân đông, đồn trại nhiều, nhưng phòng thủ không cẩn mật. Tướng lĩnh tham nhũng tàn bạo, nhân dân oán ghét. Đó là những điều kiện thất bại của Thuận Hóa một khi bị tiến công.

Nắm vững tình hình chung và triệt để lợi dụng thời tiết thuận lợi của mùa hè, gió nồm thổi mạnh có thể đưa thủy quân tiến nhanh lên đánh phá các cứ điểm ở xa, Nguyễn Huệ quyết định một kế hoạch tiến công bất ngờ và chớp nhoáng ở tất cả các cứ điểm, từ Hải Vân đánh lên, từ sông Gianh đánh xuống, từ cạnh sườn đánh vào Phú Xuân, làm cho quân Trịnh ở khắp nơi trên đất Thuận Hóa không kịp trở tay và không thể ứng cứu được cho nhau.

Để thực hiện kế hoạch đó, Nguyễn Huệ chia quân tiến đánh theo ba đường:

- Một đạo thủy quân tiến đánh Phú Xuân.

- Một đạo thủy quân khác tiến thẳng lên sông Gianh. Tới đây, đạo quân này chia làm hai: một cánh đóng án ngữ ở sông Gianh, đề phòng quân Trịnh ở Bắc Hà tiến vào cứu viện; một cánh đánh xuống các đồn quân Trịnh ở Bố Chính, Leo Heo, lũy Đồng Hới vẫn hợp quân với bộ binh từ Phú Xuân tiến ra để cùng đánh Dinh Cát.

- Tất cả bộ binh tập trung tiến đánh đèo Hải Vân, giải quyết xong đèo Hải Vân, tiến lên phối hợp với đạo thủy quân thứ nhất đánh thành Phú Xuân, giải quyết xong Phú Xuân sẽ tiến đánh đồn Dinh Cát và nếu cần, sẽ tiến lên phía sông Gianh, tiếp viện cho đạo thủy quân thứ hai cùng đánh lũy Đồng Hới và các đồn chung quanh.

Biết Phạm Ngô Cầu, chủ tướng Trịnh ở Phú Xuân là người rất mê tín dị đoan và để làm tê liệt sự cảnh giác của chúng, Nguyễn Huệ cho thuyền đưa một nghĩa quân Hoa kiều tới Phú Xuân trước, giả làm "thầy Tàu" xem tướng số. "Thầy Tàu" vào ra mắt tạo quận công Phạm Ngô Cầu, thường gọi là Quận Tạo, để nói họa phúc và khuyên Phạm Ngô Cầu làm chay, cầu trời phật để tai qua nạn khỏi. Khi Phạm Ngô Cầu chuẩn bị tổ chức đàn chay cầu phúc, thì nghĩa quân Tây Sơn ở Quy Nhơn bắt đầu lên đường đánh Phú Xuân. Ngày 28 tháng Tư năm Bính Ngọ (tức ngày 25 tháng 5 năm 1786) các đạo quân thủy bộ, dưới sự chỉ huy của danh tướng Nguyễn Huệ, được lệnh xuất phát.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:20:26 pm »


Nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh đèo Hải Vân.

Hải Vân là một rặng núi thuộc dãy Trường Sơn, chạy ngang ra biển, làm thành một ranh giới thiên nhiên giữa hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam (ngày nay là tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng). Rặng núi này gồm nhiều ngọn núi cao và hiểm trở. Từ ngang lưng rặng núi trở lên, lúc nào cũng có mây mù bao phủ, vì thế xưa gọi là Hải Vân sơn. Chỗ gần biển là một quả núi thấp hơn, người xưa mở lối đi qua rặng núi, nên gọi là đèo Hải Vân. Đèo này tuy thấp so với các ngọn núi của rặng Hải Vân nhưng cũng vẫn là cao lắm. Đứng dưới chân đèo nhìn lên mây phủ mịt mù, không thấy đỉnh đèo. Càng đi lên, đường đèo càng quanh co, mây mù càng dày đặc. Từ Quy Nhơn Quảng Nam ra Thừa Thiên, đi đường bộ nhất thiết phải qua đèo Hải Vân. Đã là đường độc đạo, đường đèo lại dốc cao, quanh co, lắm khe nhiều suối, đèo Hải Vân có một phía sườn núi chạy ra biển, nhưng từ mặt biển không có đường đi lên đèo và quãng biển ở chân núi ấy gọi là hang Giơi, thường thường sóng to, gió lớn, ghe thuyền ít khi dám qua lại chỗ đó.

Đèo Hải Vân rõ ràng là một vị trí xung yếu. Nhà Trịnh, sau khi chiếm được Phú Xuân, đã cho làm tại đỉnh đèo Hải Vân một dãy lũy kiên cố để chống giữ với những bất trắc ở phía Nam. Vì có dãy lũy này nên đèo Hải Vân thời ấy, người ta cũng còn gọi là đỉnh Lũy.

Trung tuần tháng Năm năm Bính Ngọ (1786), đạo quân chủ lực Tây Sơn tiến tới đèo Hải Vân. Bị đánh bất ngờ, quân Trịnh ở đây không kịp trở tay và đã tan vỡ nhanh chóng trước sức tiến công mạnh mẽ của quân chủ lực Tây Sơn. Chủ tướng Trịnh là Hoàng Nghĩa Hồ tử trận.

Lấy xong đèo Hải Vân, Nguyễn Huệ lập tức cho quân tiến nhanh đánh phá Phú Xuân.

Để làm kế ly gián các tướng lĩnh địch ở Phú Xuân, trước khi rời đèo Hải Vân, tiến quân ra Phú Xuân, Nguyễn Huệ hạ lệnh cho Nguyễn Hữu Chỉnh lấy tình quen cũ viết thư dụ hàng phó tướng Trịnh ở Phú Xuân là Hoàng Đình Thể và cho người phi ngựa đem ra Phú Xuân, nhưng trao thư cho Phạm Ngô Cầu mà không trao cho Hoàng Đình Thể, khiến địch hoang mang chia rẽ, nghi ngờ lẫn nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:20:55 pm »


Tiến công hạ thành Phú Xuân.

Trong khi quân thủy bộ Tây Sơn đương ào ạt tiến về phú Xuân thì Phạm Ngô Cầu, chủ tướng thành Phú Xuân vẫn mải mê với đàn chay cầu phúc, tổ chức rất lớn, bảy ngày bảy đêm liền tại chùa Thiên Mụ. Hầu hết các tướng lĩnh và quân lính nhà Trịnh ở thành Phú Xuân đều phải tới đàn chay chầu chực, phục dịch suốt ngày đêm, rất vất vả, mệt mỏi.

Một vài tàn binh Trịnh ở đèo Hải Vân chạy về tới Phú Xuân báo cho Phạm Ngô Cầu là đèo Hải Vân đã bị chiếm đóng, tướng Hoàng Nghĩa Hồ đã tử trận, quân Trịnh ở Hải Vân đã bị tiêu diệt và quân đội Tây Sơn đương rầm rộ tiến lên, sắp tới Phú Xuân thì Phạm Ngô Cầu vẫn còn ở trong chùa Thiên Mụ để cầu cho tai qua nạn khỏi. Nghe tin quân Tây Sơn sắp tới, Phạm Ngô Cầu hoảng sợ, biết việc làm chay là mắc mưu thám tử Tây Sơn, vội chạy về thành trù tính mưu kế đối phó. Nhưng quân sĩ mỏi mệt về đàn chay và khiếp sợ trước thanh thế dũng mãnh của quân đội Tây Sơn, nên hết thảy đều không còn tinh thần chiến đấu.

Đang lúc bối rối, Phạm Ngô Cầu lại nhận được thư của Nguyễn Hữu Chỉnh gửi cho Hoàng Đình Thể, lòng càng hoang mang. Phạm Ngô Cầu ngờ Hoàng Đình Thể có ý muốn hàng Tây Sơn và lo sợ Hoàng Đình Thể sẽ hại mình để lấy công với Tây Sơn, nên Phạm Ngô Cầu cũng muốn hàng. Cầu dìm bức thư của Chỉnh gửi cho Thể.

Đúng lúc ấy, quân thủy bộ Tây Sơn đều đã tới sát Phú Xuân. Đạo thủy quân do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tới cửa biên gần thành Phú Xuân thì gặp một tàu Bồ Đào Nha đậu tại bên. Tàu này có quan hệ chặt chẽ với Phú Xuân, nên thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu có ý muốn ủng hộ Phạm Ngô Cầu, chống nghĩa quân Tây Sơn. Nghĩa quân Tây Sơn liền bao vây và đốt phá tàu Bồ Đào Nha. Thuyền trưởng và các sĩ quan Bồ Đào Nha đều bị quăng xuống biển. Các thủy thủ tàu Bồ Đào Nha được thu dùng và phân phối vào các đội thủy quân Tây Sơn. Chiếc tàu bị cháy, được phá ra từng mảnh để làm cầu phao.

Sau trận đánh tàu Bồ Đào Nha, thủy quân Tây Sơn theo sông Huế tiến vào Phú Xuân thì bộ binh Tây Sơn cũng đã tới nơi, đang bao vây thành.

Trong thành, các tướng Trịnh hội bàn xem nên hàng hay nên đánh. Phạm Ngô Cầu và một số tướng lĩnh muốn treo cờ bạc (tức cờ trắng) xin hàng và dâng thành cho nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng phó tướng Hoàng Đình Thể và một số tướng lĩnh khác muốn phất cờ điều quyết chiến, Phạm Ngô Cầu đành phải để Hoàng Đình Thể chỉ huy cuộc chiến đấu, còn mình ở lại trong thành, mượn tiếng làm nhiệm vụ "giữ thành" để tùy nghi xử trí có lợi cho số phận của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:21:16 pm »


Hoàng Đình Thể đem quân lên mặt thành, tập trung pháo bắn xuống rất dữ dội. Bộ binh Tây Sơn giãn vòng vây lùi ra xa chân thành. Bộ binh ở phía trước thành phải lùi xuống thuyền chiến tập trung bên bờ sông Huế. Thuyền chiến Tây Sơn bắn đại bác lên thành để phá hỏa lực của địch. Nhưng từ mặt thành tới mặt nước, cao hơn hai trượng, đại bác của Tây Sơn bắn không tới. Quân Trịnh trên thành vẫn bắn xuống như mưa, một thuyền chiến Tây Sơn bị bắn chìm. Nguyễn Huệ hạ lệnh tạm ngừng chiến, cho quân nghỉ ngơi, tìm cách đánh thích hợp, đến đêm sẽ tiếp tục tấn công. Thành Phú Xuân ở gần cửa biển, sông Huế chạy quanh thành chịu ảnh hưởng của thủy triều, mực nước luôn luôn thay đổi, ban ngày thì xuống thấp, đêm tối lại dâng cao. Bây giờ là tháng 5, đang mùa nước lũ, nước triều thường dâng lên rất cao. Nắm vững quy luật con nước và địa thế thành Phú Xuân, Nguyễn Huệ quyết định đánh thành về đêm, khi thủy triều dâng cao, khoảng cách giữa mặt thành và mặt nước được rút ngắn, vừa tầm bắn của đại bác trên thuyền chiến Tây Sơn để phá hỏa lực của quân Trịnh trên mặt thành. Quả nhiên, tối đêm nước triều dâng lên và đêm càng khuya, nước dâng càng cao, tràn ngập cả chân thành Phú Xuân. Giành được lợi thế chắc chắn, Nguyễn Huệ hạ lệnh tiến công. Các thuyền chiến Tây Sơn tiến sát chân thành. Bộ binh Tây Sơn xông lên vây chặt các cửa thành. Thủy binh Tây Sơn từ các thuyền chiến bắn lên mặt thành rất mãnh liệt, pháo binh của Hoàng Đình Thể lần này mất tác dụng, không dám lên mặt thành chiến đấu, vì lưới đạn dày đặc của thủy quân Tây Sơn bắn lên. Hoàng Đình Thể đành phải cùng bọn thuộc tướng Vũ Tá Kiên và hai con đem quân mở cửa thành ra ngoài nghênh chiến.

Hai bên đánh nhau được hơn một trống canh thì quân của Hoàng Đình Thể hết thuốc đạn. Hoàng Đình Thể cho người vào thành lấy thêm thuốc đạn. Nhưng Phạm Ngô Cầu sai đóng cửa thành, không cho. Thấy nguy cơ mất thành, Phạm Ngô Cầu vội kéo cờ trắng xin hàng. Trông lên cờ trắng trên thành, quân Tây Sơn khí thế càng hăng, đánh càng rát. Nhìn về cờ trắng trên thành, Hoàng Đình Thể thấy tình thế không thể cứu vãn được, đành chiến đấu một cách tuyệt vọng. Nghĩa quân Tây Sơn dồn lại, siết chặt vòng vây không cho quân Hoàng Đình Thể trốn thoát. Vũ Tá Kiên và hai con Hoàng Đình Thể bị chết ngay trong vòng vây. Quân Hoàng Đình Thể hoàn toàn tan rã. Hoàng Đình Thể phải tự tử trên mình voi.

Tiêu diệt xong quân Hoàng Đình Thể, nghĩa quân Tây Sơn tiến lên phá cổng thành, xông vào. Quân Trịnh ở trong thành Phú Xuân không chống cự nổi, bị chém giết rất nhiều. Đốc thị Vũ Trọng Đang chỉ huy quân Trịnh chiến đấu ở trong thành bị chết tại trận. Phạm Ngô Cầu chủ tướng thành Phú Xuân, tự trói mình, xe quan tài ra xin hàng.

Thế là trong một đêm chiến đấu với quân đội Tây Sơn, hơn hai vạn quân Trịnh ở thành Phú Xuân đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Có vài trăm quân Trịnh trốn thoát được ra ngoài thành, nhưng bị nhân dân địa phương, vốn oán hờn nhà Trịnh từ trước, đón bắt giết hết. Chỉ có một tên lính duy nhất sống sót, chạy trốn về báo tin cho quân Trịnh ở đồn Dinh Cát biết.

Trận đánh hạ thành Phú Xuân đã diễn ra trong đêm 20 tháng Năm năm Bính Ngọ (tức ngày 15 tháng 6 năm 1786) và đã hoàn thành rất nhanh chóng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 10:21:41 pm »


Các trận đánh từ sông Gianh trở vào.

Trong khi Nguyễn Huệ đánh thành Phú Xuân thì đạo thủy quân của Nguyễn Lữ cũng tiến tới cửa sông Gianh. Thực hiện kế hoạch của Nguyễn Huệ đã định từ trước, Nguyễn Lữ chia quân làm nhiều toán. Một toán đóng án ngữ trên dải sông Gianh, đề phòng quân Trịnh từ ngoài Bắc vào cứu viện. Một toán từ sông Gianh tiến xuống đánh chiếm đồn Bố Chính, tức Dinh Ngói (thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Bình ngày nay) và đóng tại đó làm nhiệm vụ đón bắt tàn binh Trịnh từ các đồn phía trong chạy trốn ra Bắc. Một toán tương đối mạnh quay xuống làm nhiệm vụ tiến công lũy Đồng Hới.

Từ sông Gianh tới Dinh Cát, quân Trịnh có rất nhiều đồn lũy doanh trại đóng giữ, nhưng quân đội Tây Sơn đã không phải giao tranh một trận nào. Quân đội Tây Sơn, thủy quân cũng như bộ binh, đi tới đâu, quân Trịnh bỏ thành chạy trốn đến đấy.

Toán thủy quân đánh chiếm dinh Bố Chính đã hoàn thành nhiệm vụ một cách dễ dàng. Toán thủy quân tiến xuống đánh lũy Đồng Hới, chưa tới nơi, quân Trịnh ở đồn Leo Heo, một đồn phía trước lũy Đồng Hói, trông thấy bóng thuyền chiến Tây Sơn đã vội bỏ đồn mà chạy, định tìm đường trốn về Bắc, nhưng cả tướng và quân chạy gần tới dinh Bố Chính thì bị nhân dân địa phương bắt gọn đem nộp cho quân Tây Sơn đóng ở dinh Bố Chính.

Lũy Đồng Hới, cũng gọi là lũy Thầy, là một hệ thống gồm có nhiều lũy kiên cố, như lũy Sa Phụ, lũy Trấn Ninh, lũy Đồng Hới, lũy Đâu Mâu và quá về phía nam, còn có lũy Trường Dục làm hậu thuẫn. Hệ thống lũy Đồng Hới này trước đây đã giúp cho quân Nguyễn chống nhau được với quân Trịnh, phá tan nhiều cuộc tiến công lớn mạnh của quân Trịnh trong hơn một trăm năm. Nhưng nay trước thanh thế lớn mạnh của quân đội Tây Sơn, tất cả hệ thống đồn lũy kiên cố ấy trở thành vô dụng. Sợ bị quân Tây Sơn tấn công ở hai mặt, thủy quân ở trên đánh xuống, bộ binh ở dưới đánh lên, nên khi thấy bóng chiến thuyền Tây Sơn, tướng giữ lũy Đồng Hới là Vị phái hầu và viên hiệp trấn là Ninh Tốn vội đem quân chạy trốn. Họ chạy theo đường núi, nên trốn thoát về Bắc. Ngày 21 tháng 6 năm 1786 (tức 26 tháng Năm năm Bính Ngọ), thủy quân Tây Sơn tiến vào chiếm giữ lũy Đồng Hới.

Trong khi thủy quân của Nguyễn Lữ hoạt động ở vùng sông Gianh - Đồng Hới, thì một toán bộ binh Tây Sơn đã được lệnh từ Phú Xuân tiến lên đánh chiếm đồn Dinh Cát (cách tỉnh lỵ Quảng Trị ngày nay khoảng 2 đến 3 kilômét về phía bắc). Dinh Cát là một đồn quân tương đối quan trọng, do một viên tướng là con rể chúa Trịnh đóng giữ. Ngày 22 tháng 6 năm 1786, bộ binh Tây Sơn tiến tới Dinh Cát thì đồn lũy đã bỏ trống. Vốn là ngay sau khi một tàn binh ở Phú Xuân chạy về báo tin Phú Xuân thất thủ, các tướng sĩ đồn Dinh Cát đã vội vàng bỏ đồn, mạnh ai nấy chạy, tìm đường trốn ra Bắc. Bọn quân tướng đồn Dinh Cát chạy về gần tới Bố Chính thì bị nhân dân địa phương ngăn giữ, nhưng chúng không chịu hàng. Nhân dân chạy báo quân Tây Sơn ở dinh Bố Chính. Quân Tây Sơn ở dinh Bố Chính cho một bộ phận đi vây bắt quân Trịnh: 200 tướng sĩ nhà Trịnh cùng ba voi chiến và viên chủ tướng, con rể chúa Trịnh, đều bị bắt.

Thế là chỉ trong thời gian chưa đầy mười ngày, quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, đã làm chủ cả một khu vực rộng lớn, từ đèo Hải Vân ra tới bờ sông Gianh. Tất cả những mục tiêu quan trọng của quân Trịnh đều lọt vào tay quân đội Tây Sơn. Hơn ba vạn quân cùng toàn bộ tướng lĩnh cao cấp của nhà Trịnh tại đây đều bị tiêu diệt. Cuộc tiến công Thuận Hóa của quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy tài tình của anh hùng Nguyễn Huệ đã kết thúc thắng lợi rực rỡ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 12 Tháng Mười, 2016, 08:21:24 pm »


Câu hỏi 9: Trình bày quá trình tiến quân ra Thăng Long lật đổ nhà Trịnh của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy thiên tài của Nguyễn Huệ?
Trả lời:


Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng khu vực Thuận Hóa rộng lớn, từ đèo Hải Vân tới sông Gianh, Nguyễn Huệ một mặt cho sửa sang lại các đồn lũy ở địa giới La Hà, miền sông Gianh, đề phòng quân Trịnh từ Bắc Hà vào phản công, một mặt họp bàn với các tướng sĩ xem nên tiếp tục tiến công hay nên củng cố địa giới La Hà phân chia Nam Bắc như cũ, hay nên mở rộng chiến quả, tiến đánh Thăng Long.

Toàn thể tướng sĩ đều muốn nhân đà thắng lợi, tiến thẳng ra Bắc Hà, lật đổ nhà Trịnh, vĩnh viễn xóa bỏ ranh giới phân chia Nam Bắc, lập lại nền thống nhất của Tổ quốc. Nguyễn Hữu Chỉnh, vốn có tham vọng trở lại Bắc Hà để xưng hùng xưng bá nên đã tình nguyện đi tiên phong, mở đường cho nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc Hà.

Thấy rõ quyết tâm tiến công của toàn quân và nắm vững tình hình suy yếu của Bắc Hà, Nguyễn Huệ cho người về Quy Nhơn báo với Nguyễn Nhạc ý định của mình và hạ lệnh chuẩn bị tiến quân ra Bắc, tuyển thêm quân, sửa chữa gấp cầu đường từ Phú Xuân trở ra. Nhân dân khắp vùng Thuận Hóa nô nức tòng quân. Tất cả thanh niên từ 15 tuổi trở lên đều nhập ngũ. Phụ lão, phụ nữ các địa phương nhiệt liệt tham gia các công việc sửa sang đường sá, cầu cống, xay thóc, giã gạo, chuẩn bị lương thực cho cuộc hành quân ra Bắc sắp tới.

Tiến công Bắc Hà, đối với nghĩa quân Tây Sơn, thật ra có nhiều khó khăn hơn tiến công Thuận Hóa và tiến công Gia Định trước đây. Bắc Hà đất rộng, người đông. Tình hình chính trị và quân sự ở Bắc Hà cũng rất khác với tình hình Thuận Hóa và Gia Định. Ở Gia Định, chỉ có một tập đoàn phong kiến là bọn chúa Nguyễn, ngày càng suy yếu và mất lòng dân, cho nên nghĩa quân Tây Sơn, mỗi lần tiến công Gia Định, chỉ cần đập tan lực lượng vũ trang của chúng là chúng phải chạy dài ra khỏi Gia Định ngay. Trái lại, Bắc Hà có hai tập đoàn phong kiến thống trị: vừa vua Lê vừa chúa Trịnh. Về vua Lê, tuy chỉ là bù nhìn, nhưng còn được nhân dân ủng hộ, vì được coi là triều đại chính thống. Còn chúa Trịnh, tuy bị nhân dân oán ghét, nhưng chúng vẫn còn thực lực. Trong trường hợp bị tiến công, cả hai tập đoàn vua Lê chúa Trịnh có thể dựa vào nhau, kêu gọi nhân dân Bắc Hà chống lại nghĩa quân Tây Sơn, sẽ gây nhiều khó khăn cho việc tiến quân ra Bắc Hà của Nguyễn Huệ. Nếu như tiến quân ra Bắc, chỉ tiêu diệt được một tập đoàn vua Lê, mà tập đoàn chúa Trịnh vẫn tồn tại, vẫn tiếp tục kháng cự thì nhiệm vụ đánh ra Bắc có thể coi như không hoàn thành. Trái lại, nếu chỉ đánh đổ được tập đoàn chúa Trịnh, mà tập đoàn vua Lê vẫn tồn tại, vẫn đối lập với nghĩa quân Tây Sơn, dựa vào tầng lớp sĩ phu kêu gọi nhân dân cần vương cứu giá thì nghĩa quân Tây Sơn cũng chưa dễ đã chiếm đóng được Bắc Hà hoặc ổn định được tình hình Bắc Hà cũng rất khó khăn. Nhân dân Bắc Hà đã là thần dân của vua Lê chúa Trịnh từ mấy trăm năm, nghĩa quân Tây Sơn từ miền trong xa xôi tiến ra mà làm lay chuyển được lòng "phò vua, luyến chúa" của người Bắc Hà, không phải là một việc dễ dàng. Về quân sự, quân đội Trịnh ở Bắc Hà còn đông hơn nhiều so với Thuận Hóa, vì Bắc Hà là nơi tập trung đại bộ phận lực lượng vũ trang của tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Tiêu diệt một lực lượng vũ trang quan trọng như thế, tại ngay căn cứ của họ, nếu không có chiến lược, chiến thuật thật đúng đắn, sắc bén thì không thể thành công. Hình thế chiến trường Bắc Hà cũng khác với Thuận Hóa và Gia Định. Bắc Hà đất rộng, nhiều cứ điểm quân Trịnh ở sâu trong nội địa, quân đội Tây Sơn không thể vận động nhanh chóng tới được. Khác với thành Gia Định, Thăng Long ở vào trung tâm Bắc Hà, sâu trong nội địa, quân đội Tây Sơn không thể mở trận tiến công đầu tiên vào ngay Thăng Long. Với hình thế chiến trường Bắc Hà như vậy, không thể tiến công cùng một lúc nhiều cứ điểm như khi đánh Thuận Hóa, cũng không thể với trận đầu tiên đánh thẳng ngay vào Thăng Long, trung tâm chính trị, quân sự của Bắc Hà như khi tiến công Gia Định. Nếu nghĩa quân Tây Sơn tiến công Bắc Hà theo lối tiến dần từng bước, từ sông Gianh lần lượt đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam, v.v... thì cuộc tiến công không thể tiến hành nhanh chóng. Mà cuộc tiến công không tiến hành được nhanh chóng thì mục đích của nó chưa chắc đã đạt được. Muốn tiến công Bắc Hà trong những điều kiện chính trị, quân sự cụ thể của nó lúc bấy giờ, không thể áp dụng những chiến lược, chiến thuật đánh Thuận Hóa và Gia Định trước đây, mà phải có những chiến lược, chiến thuật thích hợp với hoàn cảnh Bắc Hà và cũng nhằm đạt tới mục đích đánh nhanh, thắng nhanh như những khi tiến công Gia Định, Thuận Hóa. Tiến ra Bắc Hà lúc này, đánh chậrn thì không phải là chỉ có thắng chậm, mà có thể là không thắng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM