Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 02:04:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn  (Đọc 39626 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 08:39:31 pm »


Rõ ràng là cuộc chiến đấu quyết liệt của nông dân "được làm vua, thua làm giặc", "cả đời khốn khổ chua cay, ước sao chỉ được một ngày làm vua” đó, tuy chưa giành được thắng lợi, nhưng đã là hồi chuông báo động cuộc khủng hoảng của chế độ phong kiến Đàng Ngoài, là những biểu hiện nổi bật, toàn diện của cuộc khủng hoảng đó, cùng với sự đổ vỡ nghiêm trọng của nhà nước Lê - Trịnh, nó chuẩn bị mảnh đất thuận lợi cho thắng lợi to lớn của phong trào nông dân Tây Sơn sau này.

Tại Đàng Trong, ngay từ cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, các phong trào nông dân khởi nghĩa đã liên tiếp nổ ra. Năm 1695, nông dân và thương nhân Quảng Ngãi, Quy Nhơn khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Linh Vương và Quảng Phú. Năm 1697, đồng bào Thượng ở năm sách thuộc Quảng Nam nổi lên chống lại nhà Nguyễn. Năm 1708, đồng bào thiểu số miền Bà Rịa khởi nghĩa. Năm 1746, đồng bào Chàm ở Trấn Biên (miền Gia Định) khởi nghĩa do Dương Bao Lai và Diệp Mã Lăng lãnh đạo. Năm 1747, cũng tại Trấn Biên, lại nổ ra khởi nghĩa do một người Hoa kiều là Lý Văn Quang lãnh đạo.

Năm 1770, tại Hà Tiên nổ ra một cuộc khởi nghĩa vũ trang gồm ngót 1.000 người, có 15 chiến thuyền và do một người lính là Phạm Lam cùng mấy người Chà Và, Chân Lạp lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa quy mô khá lớn, được đông đảo quần chúng các dân tộc ủng hộ. Cũng năm 1770, tức là một năm trước ngày phong trào Tây Sơn xuất hiện, cũng tại Quảng Ngãi, Quy Nhơn, quê hương của phong trào Tây Sơn, đã bùng nổ một cuộc khởi nghĩa khá lớn của đồng bào Thượng. Nghĩa quân đánh phá miền Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Bọn chúa Nguyễn phải cho toàn bộ quân lính các đạo ở Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên cùng hợp lực đi đánh dẹp.

Cuộc khởi nghĩa lớn nhất được nhân dân truyền tụng là cuộc khởi nghĩa của "chàng Lía" ở Quy Nhơn (Bình Định). Vốn là một nông dân nghèo, tên là Đoan, anh phải đi ở cho địa chủ, nuôi sẵn chí căm thù, anh lại khỏe mạnh, giỏi võ, khí khái. Nạn đói xảy ra, anh trốn vào rừng, tụ tập dân nghèo khởi nghĩa, lấy Truông Mây làm căn cứ. Nghĩa quân đánh giết bọn cường hào, lấy của cải chia cho dân nghèo. Nghĩa quân bị đàn áp, Lía chết nhưng hình ảnh của anh mãi mãi khắc sâu vào lòng nhân dân:

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

Chế độ phong kiến Đàng Trong bước vào giai đoạn suy tàn, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại làm rung chuyển cả nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 12:23:19 pm »


Câu hỏi 3: Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bắt đầu từ năm nào? Hãy cho biết đôi nét về căn cứ Tây Sơn và những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa?
Trả lời:


Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở đất Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam vốn gồm hai vùng: vùng rừng núi gọi là Thượng đạo (nay thuộc tỉnh Gia Lai) và vùng đồng bằng gọi là Hạ đạo (nay thuộc tỉnh Bình Định), là nơi rừng núi rậm rạp thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sinh ra và lớn lên ở ấp Kiên Thành thuộc Hạ đạo Tây Sơn. Tổ tiên của ba người vốn gốc ở Nghệ An, tên là Hồ Phi Khang bị quân chúa Nguyễn bắt làm tù binh vào năm 1655, đưa vào Tây Sơn khai hoang lập ấp. Đến đời cha của ba người là Hồ Phi Phúc, mẹ là Nguyễn Thị Đồng, thì đã thành một gia đình trung nông khá.

Thuở nhỏ, anh em Nguyễn Nhạc được đi học và có thời gian theo học thầy giáo Hiến, một nho sĩ bất bình với quyền thần Trương Phúc Loan, trốn vào đây dạy học, nhờ đó được hiểu biết về tình hình triều đình của chúa Nguyễn. Giáo Hiến mang hoài bão, ý chí của mình truyền lại cho lớp môn sinh. Ông đã khám phá ra tài năng khác thường của anh em Tây Sơn nên hết lòng đầu tư cho sự nghiệp lớn sau này.

Hoài bão đó còn được cổ vũ thêm bằng sức mạnh của thần linh. Giáo Hiến cho là có sấm truyền: "Tây khởi nghĩa Bắc thụ công" - "Phụ nguyên phục thống". Rồi nói với anh em Nguyễn Huệ: "Các con là người của đất Tây Sơn, Tây Sơn khởi nghĩa sẽ lập nên sự nghiệp lớn ở miền Bắc và hết lòng giúp chúa Nguyễn để phục hồi nền nhất thống… Các con nên đổi thành họ Nguyễn để có danh nghĩa lập công". Do vậy, anh em Tây Sơn từ họ Hồ đổi thành họ Nguyễn.

Có tài liệu lại nói rằng, có một thuở, người dân Bình Đinh sinh con lấy họ mẹ là phổ biến để cắt nghĩa việc đổi thành họ Nguyễn của anh em Tây Sơn cùng họ với thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng.

Lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đều rất trẻ. Nguyễn Huệ khi ấy mới 19 tuổi. Nhưng họ đã nắm đúng thời cơ khởi nghĩa và đã chuẩn bị tốt cho cuộc khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 12:23:52 pm »


Quân thù của phong trào Tây Sơn cũng như các cuộc khởi nghĩa khác của nông dân Việt Nam thời ấy là bọn chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vua Lê, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nói rằng nửa cuối thế kỷ XVIII, cả hai tập đoàn ấy đều đã suy yếu hoặc suy yếu đến cực độ là nói suy yếu về mặt chính trị, kinh tế... nhưng về mặt quân sự thì các tập đoàn này vẫn còn duy trì một lực lượng mạnh, nếu so với những lực lượng quật khởi chống lại thì chúng vẫn mạnh hơn hẳn. Bởi đây là những lực lượng thống trị, lúc nào cũng có lực lượng vũ trang trong tay để tự vệ. Quân đội được tổ chức chặt chẽ, luyện tập thường xuyên, có kinh nghiệm chiến đấu, đủ sức đối phó với mọi phong trào nông dân khởi nghĩa nổ ra ở cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII cho đến trước ngày phong trào Tây Sơn khởi nghĩa. Những lực lượng quân sự ấy vẫn có thể là những trở lực lớn cho phong trào nông dân Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XVIII.

Quân số và trang bị của những lực lượng quân sự này có thể thay đổi ở từng thời kỳ, thời chiến khác, thời bình khác, nhưng đại thể thì con số không xê xích nhau nhiều lắm. Nhà Nguyễn lúc nào cũng có khoảng non 10 vạn lục quân. Thủy quân có khoảng 200 thuyền chiến. Mỗi thuyền chiến của nhà Nguyễn có từ 50 đến 60 mái chèo, và từ 3 đến 5 khẩu đại bác. Kỵ binh của nhà Nguyễn có khoảng từ 200 đến 300 ngựa chiến. Không thấy tài liệu nào nói nhà Nguyễn có tổ chức tượng binh.

Quân đội nhà Trịnh còn mạnh hơn quân đội nhà Nguyễn. Lục quân nhà Trịnh lúc nào cũng có trên 10 vạn người, có khi có tới ngót 20 vạn người. Thủy quân gồm có khoảng 500 thuyền chiến, trang bị của thuyền chiến Trịnh cũng tương tự như thuyền chiến Nguyễn. Quân đội Trịnh có một đội tượng binh lớn gồm từ 300 đến 500 voi chiến. Mỗi voi chiến có 6, 7 binh sĩ cầm vũ khí ngồi trên. Voi chiến của nhà Trịnh đôi khi mang cả đại bác nữa.

Cả hai quân đội Trịnh, Nguyễn đều dùng vũ khí đạn dược kiểu phương Tây, hoặc mua của ngoại quốc, hoặc dựng xưởng chế lấy, thuê người phương Tây trông nom như bọn chúa Nguyễn đã làm.

Trước những quân thù có lực lượng mạnh như vậy, ba anh em Tây Sơn quyết tâm tìm mọi biện pháp để tiến tới đấu tranh vũ trang với địch và nắm chắc phần thắng lợi, ít ra là những thắng lợi bước đầu về mình. Họ đã để một thời gian dài, khoảng từ 1771 đến 1773, để xây dựng căn cứ tuyên truyền khởi nghĩa và tổ chức lực lượng. Họ lấy ngay nơi họ sinh trưởng là vùng Tây Sơn, An Khê thuộc miền rừng núi Quy Nhơn làm căn cứ địa. Như trên đã trình bày, phong trào bùng nổ ở Quảng Nam đã là một điều thuận lợi, các lãnh tụ Tây Sơn lại chọn miền rừng núi Quy Nhơn làm căn cứ địa khiến cho phong trào càng có thêm nhiều điều kiện để phát triển. Phủ Quy Nhơn ở thế kỷ XVIII bao gồm ba tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai ngày nay. Vùng rừng núi Quy Nhơn gồm ba phần tư đất đai phủ Quy Nhơn và là một vòng đai siết chặt lấy phủ chính Quy Nhơn là dinh lũy của chính quyền phong kiến của phủ này. Chiếm giữ được vùng rừng núi và chưa cần đánh, phủ thành Quy Nhơn của nhà Nguyễn cũng đã trở thành cô lập, đợi ngày mất về tay nghĩa quân mà thôi. Nghĩa quân Tây Sơn lại đóng bản doanh tại An Khê, một cao nguyên rất bằng phẳng, cao 600 mét, rộng một chiều 50 kilômét, một chiều 35 kilômét. Đây là một địa điểm rất tốt cho việc bố trí doanh trại và tập luyện quân sự. Từ Quy Nhơn lên An Khê chỉ có một đường độc đạo vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, từ năm 1771 là năm nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu nhóm họp đến năm 1773 là năm nghĩa quân đánh chiếm phủ thành Quy Nhơn, quân đội nhà Nguyễn chưa một lần nào dám tiến công vào căn cứ địa An Khê. Con đường Quy Nhơn lên An Khê không những là con đường độc đạo nguy hiểm ở thế kỷ XVIII, mà ngay cho tới ngày nay, con đường ấy - tức con đường 19 - cũng đã nhiều lần là mồ chôn quân Pháp và quân Mỹ xâm lược. Từ vùng rừng núi tiến xuống chiếm nốt vùng đồng bằng Quy Nhơn, nghĩa quân Tây Sơn đã có một vị trí vô cùng xung yếu về mặt chiến lược, nó cắt đứt giang sơn nhà Nguyễn ra làm đôi khiến sự liên hệ tiếp tế cho nhau bị gián đoạn, đồng thời nó cũng chia tách quân đội nhà Nguyễn ra làm hai bộ phận rời nhau, làm cho lực lượng chiến đấu của họ bị giảm sút, khi một bộ phận nào đó bị nghĩa quân tiến công thì bộ phận khác muốn ứng cứu cũng rất khó khăn. Vùng rừng núi Quy Nhơn, đặc biệt là miền An Khê lại là nơi tập trung nhiều thành phần dân tộc, người Kinh có, người Chàm có, người Ba Na, người Gia Rai, người Xê Đăng đều có. Đó là một nguồn cung cấp nhân lực rất tốt cho phong trào. Miền An Khê lại là nơi đông đúc, giàu có nhất vùng rừng núi Quy Nhơn (tức vùng Bình Định - Kon Tum - Plây Cu ngày nay), cho nên đó cũng là nguồn cung cấp lương thực tốt nhất cho phong trào Tây Sơn trong thời kỳ đầu khởi nghĩa. Vùng rừng núi Quy Nhơn còn là nơi có sẵn voi lớn, ngựa hay, sẵn mỏ sắt, diêm tiêu, gỗ tốt cho nên đó cũng là nguồn cung cấp vật liệu và phương tiện chiến tranh rất phong phú cho nghĩa quân Tây Sơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 12:25:42 pm »


Người Quy Nhơn lại có truyền thống thượng võ. Cho đến thế kỷ XIX, người ta vẫn còn ca ngợi truyền thống đó:

"Ai vào Bình Định1 mà coi
Con gái cũng biết múa roi, đi quyền”.

Cùng với tinh thần sôi sục căm thù bọn phong kiến nhà Nguyễn của nhân dân Quy Nhơn, truyền thống tốt đẹp đó càng khiến họ nhiệt liệt hưởng ứng phong trào Tây Sơn và tham gia đông đảo vào đội quân khởi nghĩa.

Để phát động quần chúng vùng lên đánh đổ giai cấp thống trị, anh em Tây Sơn lợi dụng những mâu thuẫn rất sâu sắc trong nội bộ tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn làm mục tiêu tuyên truyền khởi nghĩa.

Năm 1765, chúa Nguyễn là Phúc Khoát chết. Trước kia Phúc Khoát đã lập người con duy nhất của chính phi lên làm thế tử để nối ngôi chúa, nhưng người đó chết sớm để lại một đứa con là Nguyễn Phúc Dương. Khi Nguyễn Phúc Khoát chết, hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ tuổi quá không lên cầm quyền chính được, đáng lẽ ngôi chúa phải thuộc về người con lớn tuổi hơn cả của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Luân và chính Nguyễn Phúc Khoát cũng đã có ý như vậy từ khi còn sống. Nhưng Nguyễn Phúc Khoát chết, quyền thần Trương Phúc Loan đã phế lập Nguyễn Phúc Luân, bắt Luân bỏ ngục, giết chết mọi người thân cận của Luân và đưa người con 11 tuổi của Nguyễn Phúc Khoát là Nguyễn Phúc Thuần lên làm chúa. Từ đấy, quyền thần Trương Phúc Loan ngày càng tham tàn, bạo ngược. Bọn quan lại và các tầng lớp trên của xã hội Đàng Trong lúc ấy đều oán ghét Trương Phúc Loan, thâm tâm muốn phù hoàng tôn Dương lên ngôi chúa, nhưng không có phương sách hoạt động. Nắm được tình hình đó, năm 1771, các lãnh tụ Tây Sơn nêu khẩu hiệu: "Đánh đổ Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Dương" để phất cờ khởi nghĩa. Trong một bài hịch xuất quân của nghĩa quân Tây Sơn sau này, phương hướng đấu tranh đầu tiên là đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan đã được nhắc lại rõ ràng:

      "Giận quốc phó2 ra lòng bội bạc, nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương
      Trước là ngăn cột đá giữa dòng, kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấm nghé,
      Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân ra chốn lầm than.
      Ví lòng trời còn nền nếp Phú Xuân, ắt dấu cũ lại cơ đồ Hữu Hạ... ".

___________________________________
1. Bình Định là tên nhà Nguyễn đặt cho Quy Nhơn từ đầu thế kỷ XIX.
2. Chỉ Trương Phúc Loan.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 12:26:28 pm »


Trong những ngày đầu khởi nghĩa, nghĩa quân Tây Sơn đã tự nhận mình là quân của hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương để chống lại quân của quốc phó Trương Phúc Loan cho nên người đương thời đã gọi:

      "Binh triều là binh quốc phó
      Binh ó là binh hoàng tôn".


Ó nghĩa là hò reo. Nghĩa quân đi tới đâu cũng la ó, hò reo, kêu gọi mọi người gia nhập nghĩa quân đấu tranh để ủng hộ hoàng tôn Dương.

Trong mấy năm đầu khởi nghĩa, những người lãnh đạo phong trào Tây Sơn đã không tự nhận mình là người lãnh đạo phong trào, chỉ xưng mình là những chủ trại bình thường và vẫn lấy danh nghĩa hoàng tôn Dương làm người cầm đầu nghĩa quân. Khẩu hiệu đấu tranh này thật là sát hợp tình hình và nó đã lôi cuốn được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia phong trào Tây Sơn ngay từ thời kỳ đầu.

Nhưng đối với quảng đại quần chúng nông dân thì khẩu hiệu đấu tranh ấy chưa đủ. Phải có một khẩu hiệu đấu tranh cụ thể hơn, sát hợp với quyền lợi trước mắt của người nông dân hơn nữa. Cho nên bên cạnh khẩu hiệu đấu tranh nói trên, những người lãnh đạo phong trào Tây Sơn đã đề ra khẩu hiệu "lấy của kẻ giàu, giúp người nghèo" và khẩu hiệu ấy đã được thực hiện ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính vì có khẩu hiệu sát hợp với quần chúng như thế mà phong trào Tây Sơn đã lôi cuốn được đông đảo nông dân tham gia và sớm có một lực lượng hùng hậu ngay từ những ngày đầu để đối phó với quân thù.

Những giáo sĩ phương Tây có mặt ở Việt Nam lúc ấy đã nói nhiều về những hành động "cướp của nhà giàu, giúp người nghèo" của nghĩa quân Tây Sơn.

Một giáo sĩ Tây Ban Nha là Đi-ê-gô đơ Giu-mi-la (Diégo de Jumilla) viết:

"Năm ngoái, 1773, khoảng đầu tháng 4, quân đội Đàng Trong bắt đầu tuần hành các nơi... Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, tới có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo, họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi... Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2016, 12:26:51 pm »


Những đường lối vận động cách mạng và những khẩu hiệu đấu tranh nói trên đã đoàn kết và tập hợp được mọi lực lượng để đánh địch. Ngay từ những ngày đầu cuộc khởi nghĩa, trong hàng ngũ nghĩa quân, người ta đã thấy có mặt hầu khắp các tầng lớp nhân dân và thành phần dân tộc của vùng Quy Nhơn, Quảng Nam. Bên cạnh quảng đại quần chúng nông dân là lực lượng cơ bản của phong trào, người ta thấy có những thổ hào như Nguyễn Thung, những đại phú như Huyền Khê. Bên cạnh người Việt, có người Thượng, người Chàm và các thương nhân Hoa kiều hoặc dân tộc Hán như các đạo quân Hòa nghĩa và Trung nghĩa của Lý Tài và Tập Đình. Một phong trào nông dân trong thời phong kiến mà có được nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần dân tộc tham gia như thế cũng là hiếm có. Với sự nhiệt liệt hưởng ứng của quảng đại quần chúng nhân dân, ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, lực lượng vũ trang của phong trào Tây Sơn đã có tới 3.000 người. Căn cứ địa Quy Nhơn lại có nhiều voi lớn, ngựa tốt. Đồng bào miền núi Quy Nhơn có truyền thống đua ngựa, quản tượng giỏi. Đồng bào cả miền Quy Nhơn, Kinh cũng như Thượng, đều có truyền thống thượng võ, giỏi roi, giỏi quyền, giỏi quân sự. Cho nên những đội quân đầu tiên của phong trào Tây Sơn đã là những đội quân thiện chiến và dũng cảm.

Tới đầu năm 1773, lực lượng vũ trang của nghĩa quân đã có tới hàng vạn người. Căn cứ địa của nghĩa quân đã bao gồm một khu vực rộng lớn của phủ Quy Nhơn: vùng núi An Khê và ba huyện Phù Ly, Bồng Sơn, Tuy Viễn. Trong thời kỳ đầu, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ chưa xuất hiện như những lãnh tụ của phong trào. Phần vì họ còn trẻ tuổi, phần vì muốn thực hiện chính sách đoàn kết các lực lượng, nghĩa quân Tây Sơn đã cử ba người có tính chất tiêu biểu nhất lúc bấy giờ đứng ra lãnh đạo phong trào: Nguyễn Nhạc, đại diện cho những người đề xướng phong trào; Huyền Khê, một người giàu có lớn và Nguyễn Thung, một thổ hào có thế lực ở phủ Quy Nhơn. Nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu xây dựng chính quyền của nông dân trong căn cứ địa, theo hình thức tổ chức riêng của mình. Nguyễn Nhạc làm chủ trại nhất, cầm chính quyền hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn. Nguyễn Thung làm chủ trại nhì, cầm chính quyền huyện Tuy Viễn. Huyền Khê làm chủ trại ba, chuyên trách việc quân lương.

Bên cạnh những người lãnh đạo, có mấy người tướng giúp việc là Lý Tài và Tập Đình, trực tiếp chỉ huy hai toán quân người Hoa kiều và người dân tộc Hán do họ chiêu mộ.

Quá trình tổ chức và xây dựng lực lượng của nghĩa quân Tây Sơn là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật đoàn kết nhân dân chung quanh mình, nghệ thuật tranh thủ tất cả các tầng lớp hoặc cá nhân có thể tranh thủ được, nghệ thuật chia rẽ đối phương đến cao độ là nguyên nhân chủ yếu khiến cho phong trào Tây Sơn lớn lên rất mạnh. Từ đây, nghĩa quân có thể mở những đợt tiến công đầu tiến vào quân địch và bách chiến bách thắng ở tất cả các chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:40:51 am »


Câu hỏi 4: Hãy trình bày diễn biến chiến thắng Phú Yên năm 1775 của nghĩa quân Tây Sơn?
Trả lời:


Đến giữa năm 1773, căn cứ địa đã được xây dựng vững chắc, những điều kiện vật chất và tinh thần để vũ trang tác chiến với địch đã có đầy đủ, nghĩa quân Tây Sơn bắt đầu tiến công địch. Trong một đêm, nghĩa quân hạ thành Quy Nhơn. Tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên bỏ cả vợ con, vứt cả ấn tín chạy trốn. Nghĩa quân Tây Sơn tiến công liên tiếp vào các phủ Quảng Ngãi, Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận và đã thu được thắng lợi to lớn trong buổi đầu. Trong vòng mấy tháng cuối năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ cả một dải đất đai chạy dài từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận. Lần đầu tiên, ngọn cờ bằng lụa đỏ chiến thắng của nghĩa quân Tây Sơn phấp phới bay trên các thành lũy, dinh thự của bọn vua quan phong kiến, gạt bỏ uy thế chính trị từ hàng bao đời của chúng tại những nơi đây. Tuy vậy, lực lượng nghĩa quân còn yếu, quân chưa nhiều (mặc dầu đã có được 26.000 người nhưng so với địch thì vẫn còn ít), vũ khí còn thiếu, kinh nghiệm xây dựng chính quyền chưa có, nên việc làm chủ và giữ gìn một vùng đất đai rộng lớn như vậy gặp rất nhiều khó khăn.

Đầu năm 1774, chúa Nguyễn cho quân tiến xuống Quảng Nam để tiến công nghĩa quân. Chủ tướng quân Nguyễn là Tôn Thất Thăng sợ thanh thế nghĩa quân, không dám đánh và bỏ trốn. Mùa hè năm 1774, chúa Nguyễn cử Tống Phúc Hiệp đem đại quân từ Gia Định theo hai đường thủy bộ tiến đánh nghĩa quân. Nghĩa quân Tây Sơn phải rút khỏi Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang để giữ vững từ Phú Yên trở ra Quảng Ngãi.

Với phạm vi đất đai như vậy, nghĩa quân Tây Sơn có thể củng CỐ căn cứ phát triển lực lượng, chuẩn bị cho những đợt tấn công mạnh mẽ hơn. Nhưng cũng trong lúc này, lợi dụng cơ hội chúa Nguyễn đang phải tập trung lực lượng để đối phó với nghĩa quân Tây Sơn, chúa Trịnh cử Hoàng Ngũ Phúc đem đại quân từ Bắc Hà tiến vào đánh chúa Nguyễn.

Mùa đông năm 1774, quân Trịnh vượt sông Gianh lần lượt đánh chiếm Bố Chính, Đồng Hới, tiến nhanh vào Thuận Hóa. Ngày 30 tháng 1 năm 1775, quân Trịnh hạ thành Phú Xuân, chúa Nguyễn là Phúc Thuần phải bỏ kinh thành chạy vào Quảng Nam. Tận dụng thời cơ, không để cho bọn chúa Nguyễn kịp nghỉ ngơi, nghĩa quân Tây Sơn theo hai đường thủy bộ tiến ra đánh Quảng Nam. Nguyễn Phúc Thuần vội chạy vào Gia Định, để cháu là Nguyễn Phúc Dương và một số tướng lĩnh ở lại hoạt động ở vùng Cu Đê thuộc Quảng Nam.

Tháng Hai năm Ất Mùi (1775), quân Trịnh tiến xuống Quảng Nam. Nghĩa quân Tây Sơn cũng tiến lên lùng bắt được bọn Nguyễn Phúc Dương. Tháng Tư âm lịch, quân Trịnh vượt qua đèo Hải Vân tiến đánh nghĩa quân Tây Sơn. Lần đầu tiên nghĩa quân Tây Sơn tiếp xúc với quân Trịnh đang đà thắng lợi. Nguyễn Nhạc cử Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, tiến đánh quân Trịnh ở Cẩm Sa thuộc Quảng Nam. Nhưng Tập Đình bị đại bại, bỏ trốn khỏi hàng ngũ nghĩa quân, tìm đường chạy về Trung Quốc. Nguyễn Nhạc và Lý Tài phải rút quân về Bản Tân (giáp giới Quảng Nam - Quảng Ngãi). Quân Trịnh vẫn tiến. Nguyễn Nhạc phải rút về Quy Nhơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:41:40 am »


Lợi dụng nghĩa quân Tây Sơn đang bị thất bại nặng nề trước sức tiến công của quân Trịnh, tháng Năm năm Ất Mùi (1775), tướng Nguyễn ở Bình Khang, Diên Khánh là Tống Phúc Hiệp đem toàn quân đánh chiếm Phú Yên, nghĩa quân Tây Sơn phải rời bỏ Phú Yên rút về Quy Nhơn.

Vì vậy, căn cứ địa của nghĩa quân bị thu hẹp lại trong phạm vi Quy Nhơn, Quảng Ngãi và lâm vào cái thế bị kẹp giữa hai gọng kìm. Quân Trịnh uy hiếp ở sườn phía bắc Quy Nhơn. Sườn phía nam Quy Nhơn bị quân Nguyễn của Tống Phúc Hiệp uy hiếp. Quân địch ở hai mặt tổng số có tới 5 - 6 vạn quân. Không gỡ khỏi cái thế bị bao vây này, nghĩa quân Tây Sơn có nguy cơ bị tiêu diệt nhanh chóng. Căn cứ địa Quy Nhơn chỉ thuận lợi cho nghĩa quân Tây Sơn trong trường hợp đối phó với một kẻ thù, chia cắt lực lượng của một kẻ thù ra làm nhiều bộ phận để tiến đánh dễ dàng. Nhưng trong trường hợp phải đối phó với cả hai kẻ thù, quân Trịnh từ phía bắc kéo xuống, quân Nguyễn từ phía nam tiến lên, cùng tập trung lực lượng tiến vào căn cứ địa thì nghĩa quân Tây Sơn ở vào cái thế thật nguy hiểm, không thể đương đầu nổi với cả hai kẻ thù một lúc.

Để đối phó với tình hình đó, nghĩa quân Tây Sơn đã có một chiến lược khôn khéo: dùng biện pháp ngoại giao để chặn tay một kẻ thù và chuẩn bị tiến công một kẻ thù. Trong hai kẻ thù lúc ấy, quân Trịnh của Hoàng Ngũ Phúc vẫn là đối thủ nguy hiểm nhất, cần phải hòa hoãn được với quân Trịnh, để tập trung lực lượng tiến công quân Nguyễn. Nguyễn Nhạc cho người tới thương thuyết với tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc xin nhận làm đội quân tiên phong của Trịnh để đánh Nguyễn. Quân Trịnh, sau một thời gian hành quân xa, từ Bắc vào và phải liên tục chiến đấu trong gần một năm trời, cũng có ý muốn nghỉ ngơi đôi chút rồi sẽ quyết định sau, nên Hoàng Ngũ Phúc đã nhận lời hòa hoãn với nghĩa quân Tây Sơn và nhân danh chúa Trịnh, phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Trưởng hiệu tráng tiết tướng quân. Nhưng tướng Trịnh vẫn không lui quân, vẫn đóng nguyên ở vị trí cũ, sát với căn cứ địa của nghĩa quân, với ý đồ: nếu nghĩa quân Tây Sơn đánh thắng quân Nguyễn, tiến sâu được vào Nam, thì quân Trịnh sẽ tiến theo sau, hòng chiếm lấy thành quả chiến thắng của nghĩa quân, thu phục đất đai mới mà không phải khó nhọc. Trái lại, nếu nghĩa quân Tây Sơn không thắng được quân Nguyễn, hoặc bị quân Nguyễn đánh bại thì khi ấy quân Trịnh sẽ tiến vào căn cứ địa Quảng Ngãi, Quy Nhơn, tiêu diệt nghĩa quân, trực tiếp đối phó với quân Nguyễn. Nghĩa quân Tây Sơn cũng thấy rõ những ý đồ thâm độc ấy của quân Trịnh. Nghĩa quân quyết định phải đánh chiếm được Phú Yên, đẩy lùi quân Nguyễn về phía nam, đồng thời lấy chiến thắng đó làm áp lực buộc quân Trịnh phải từ bỏ ý đồ xâm phạm vào căn cứ địa của nghĩa quân.

Nhưng việc đánh được quân Nguyễn của Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên không phải là dễ dàng. Tại đây Tống Phúc Hiệp có hai vạn quân. Tống Phúc Hiệp đóng bản doanh ở Phú Yên và lập hai cứ điểm phòng vệ cho Phú Yên, một ở Xuân Đài do bộ binh đóng giữ, một ở Vũng Lấm do thủy binh đồn trú. Đối với một lực lượng địch mạnh như vậy, nghĩa quân sẽ đánh như thế nào để thắng và ai sẽ đảm nhiệm sứ mạng quyết chiến với địch, bảo đảm thắng lợi cho nghĩa quân. Các tướng của nghĩa quân như Tập Đình thì đã bỏ trốn, Lý Tài thì bại trận liên tiếp, không còn tinh thần chiến đấu và cũng không có khả năng thực hiện thành công một trận quyết chiến như vậy. Bản thân Nguyễn Nhạc cũng không phải là một tướng tài có thể đảm đương cái nhiệm vụ quân sự nặng nề ấy.

Trước tình hình khó khăn này, Nguyễn Huệ đã xuất hiện như một vị cứu tinh, đứng ra gánh vác trọng trách quyết định vận mệnh sống còn của phong trào. Nguyễn Huệ lúc này mới 23 tuổi. Không ai ghi lại được những hoạt động của ông từ khi phong trào Tây Sơn mới bùng nổ và chỉ từ trận Phú Yên này, tên tuổi ông mới ghi trong sử sách của nhà Nguyễn. Nhưng chắc chắn rằng từ năm 1771 tới năm 1775, Nguyễn Huệ đã kinh qua chiến đấu nhiều, có nhiều kinh nghiệm và tỏ ra là một tướng lĩnh xuất sắc. Cho nên khi ông lĩnh trách nhiệm chỉ huy trận đánh Phú Yên, thì nghĩa quân đều tin tưởng và những tướng lĩnh cũ như Lý Tài, cũng phải chịu làm phó tướng giúp việc ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:42:00 am »


Để phát huy yếu tố bất ngờ, tạo điều kiện đánh thắng dễ dàng cho nghĩa quân, các lãnh tụ Tây Sơn cho người tới Phú Yên thương lượng với Tống Phúc Hiệp về việc lập hoàng tôn Dương làm chúa và nghĩa quân Tây Sơn hợp tác với quân Tống Phúc Hiệp cùng tiến đánh quân Trịnh. Cuộc thương lượng chưa đi tới kết quả thì Nguyễn Huệ bất ngờ đem quân tập kích Phú Yên. Cho đến nay những tài liệu đã sưu tầm được chưa cho biết rõ Nguyễn Huệ đã đánh Phú Yên như thế nào, phương châm, hình thức tác chiến ra sao để đạt được thắng lợi nhanh chóng. Nhưng cũng biết được rằng Nguyễn Huệ đã hạ thành Phú Yên rất mau lẹ. Quân Nguyễn trong thành Phú Yên ra ứng chiến bị tan rã trong chớp nhoáng. Tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền tử trận. Một tướng Nguyễn khác là cai cơ Nguyễn Khoa Kiên bị Nguyễn Huệ bắt sống. Chủ tướng Nguyễn là Tống Phúc Hiệp phải bỏ thành Phú Yên rút quân chạy. Được tin Phú Yên thất thủ, tướng Nguyễn trấn thủ ở Bình Khang là Bùi Công Kế đem quân theo đường núi tiến ra cứu viện cho Phú Yên. Nguyễn Huệ cho quân đón đánh và bắt sống Bùi Công Kế. Một tướng Nguyễn khác là Tống Văn Khôi đem quân từ Khánh Hòa tiến ra, cũng bị quân đội của Nguyễn Huệ đánh cho đại bại ở Tam Độc, Tống Văn Khôi chết tại trận.

Vậy là hai vạn quân của Tống Phúc Hiệp bị tan rã, Phú Yên lại thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Quân Nguyễn bị đẩy lùi xuống phía nam và từ đây mất hẳn khả năng tiến công nghĩa quân Tây Sơn.

Trong khi Nguyễn Huệ đánh Phú Yên thì tướng Trịnh - Hoàng Ngũ Phúc cũng thừa cơ tiến sâu thêm một bước vào gần căn cứ địa của nghĩa quân và đóng quân tại Chu Ổ. Nhưng chiến thắng vang dội của Nguyễn Huệ đã khiến quân Trịnh phải chùn bước. Theo yêu cầu của Nguyễn Nhạc, Hoàng Ngũ Phúc phải chịu nhân danh chúa Trịnh phong chức Tây Sơn hiệu Tiền phong tướng quân cho Nguyễn Huệ. Sau đó tự thấy không thể đàn áp được phong trào Tây Sơn và cũng không thể tiến sâu thêm vào Nam, Hoàng Ngũ Phúc bỏ đất Quảng Nam, lui về Phú Xuân, rồi không bao lâu, để một ít quân tướng ở lại giữ Phú Xuân, còn mình thì rút hẳn đại quân về Bắc Hà. Nghĩa quân Tây Sơn từ đây hoàn toàn rảnh tay không phải lo đối phó với một kẻ địch mạnh hơn hẳn mình lúc ấy là quân Trịnh.

Khi quân Trịnh rút khỏi Quảng Nam, dư đảng của nhà Nguyễn ở đây do Tôn Thất Quyền và Tôn Thất Xuân tập hợp lại, đã nổi dậy chiếm giữ Quảng Nam. Nguyễn Huệ lại từ Phú Yên trở về Quy Nhơn, điều quân lên đánh Quảng Nam. Cuộc nổi dậy của dư đảng nhà Nguyễn bị dẹp tan nhanh chóng. Quảng Nam lại thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn.

Như vậy là chiến thắng Phú Yên của nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vị anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ đã có một tác dụng vô cùng quan trọng, làm thay đổi hẳn cục diện, hoàn toàn có lợi cho nghĩa quân Tây Sơn. Chiến thắng Phú Yên đã gỡ cho nghĩa quân Tây Sơn ra khỏi cái thế bị kẹp trong hai gọng kìm của cả hai thế lực phản động Trịnh - Nguyễn, vĩnh viễn ngăn chặn bước tiến vào Nam của quân Trịnh, làm suy yếu hẳn lực lượng của nhà Nguyễn và mở đường cho sự phát triển rộng lớn ra toàn quốc của phong trào nông dân Tây Sơn. Từ đây cho tới khi ông mất, trải gần hai mươi năm ròng rã, Nguyễn Huệ đi tới đâu, lá cờ đỏ chiến thắng của ông đều giương cao đến đó. Cũng từ đây, Nguyễn Huệ trở thành linh hồn của phong trào Tây Sơn, người tổ chức nên mọi thắng lợi của phong trào Tây Sơn sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:43:10 am »


Câu hỏi 5: Trình bày trận tập kích quân Nguyễn ở Gia Định ngày 27 tháng 3 năm 1776 của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy?
Trả lời:


Chiến thắng Phú Yên của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã làm cả hai kẻ địch là quân Nguyễn và quân Trịnh đều bị đẩy lùi xa căn cứ Quy Nhơn của nghĩa quân. Được rảnh tay đối phó với nhà Trịnh ở phía Bắc, các lãnh tụ Tây Sơn quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt thế lực nhà Nguyễn ở miền Nam.

Từ khi chúa Nguyễn phải bỏ kinh thành Phú Xuân cho quân Trịnh chiếm đóng, đem tàn quân chạy vào Gia Định, và tướng Nguyễn là Tống Phúc Hiệp bị Nguyễn Huệ đánh bật khỏi Phú Yên, lực lượng quân sự của nhà Nguyễn đã suy yếu nhiều so với trước, nhưng chúng vẫn âm mưu phản công chiếm lại vị trí đã mất. Vào tới Gia Định, Nguyễn Phúc Thuần ra sức tăng cường lực lượng, tích cực tuyển mộ binh lính, tích trữ binh lương. Trong vài tháng, quân số của Nguyễn Phúc Thuần ở Gia Định có tới 25.000 người, Nguyễn Phúc Thuần lại được một người Hoa kiều làm tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ nhận đem quân phù trợ. Gia Định trở thành căn cứ của bọn chúa Nguyễn để chuẩn bị phản công mạnh vào nghĩa quân Tây Sơn.

Biết rõ Lý Tài, tướng Tây Sơn giữ thành Phú Yên đang bất mãn với các lãnh tụ Tây Sơn, vì chức đại tướng của hắn trước kia, nay thuộc về người anh hùng trẻ tuổi Nguyễn Huệ, Tống Phúc Hiệp liền cho người chiêu dụ Lý Tài. Quả nhiên Lý Tài đã đem thành Phú Yên và quân bản bộ của y đầu hàng Tống Phúc Hiệp, theo về với Nguyễn. Tống Phúc Hiệp lại tìm cách thu phục được Chu Văn Tiếp, một tướng lục lâm, phản động, chống Tây Sơn, từ miền núi Phú Yên đem hơn một nghìn quân theo về với Tống Phúc Hiệp. Do đấy, quân thế của nhà Nguyễn ở miền Bình Thuận, Phú Yên lại mạnh dần lên.

Trước tình hình đó, các lãnh tụ nghĩa quân Tây Sơn thấy cần phải hành động kịp thời, đập tan kế hoạch chuẩn bị phản công của bọn chúa Nguyễn tại Gia Định, kéo bớt lực lượng quân Nguyễn ở Phú Yên, Bình Thuận về Gia Định làm cho chúng mất khả năng phản công cũng như khả năng uy hiếp trực tiếp vào cạnh sườn căn cứ địa của nghĩa quân.

Các lãnh tụ Tây Sơn chủ trương đánh bất ngờ vào căn cứ Gia Định của địch, với mục đích tiêu diệt một phần sinh lực địch và thu hết quân lương của địch ở Gia Định. Trận tập kích đầu tiên này chưa có mục đích giải phóng đất đai và tiêu diệt toàn bộ quân Nguyễn, vì nghĩa quân lúc ấy chưa có khả năng thực tế để làm công việc đó.

Đầu năm 1776, các lãnh tụ Tây Sơn mộ thêm quân và Nguyễn Lữ được trao nhiệm vụ chỉ huy trận tập kích này. Ngày 27 tháng 3 năm 1776, tức ngày 8 tháng Hai năm Bính Thân, Nguyễn Lữ đem thủy quân tiến vào Gia Định.

Bị đánh bất ngờ, quân Nguyễn không kịp trở tay. Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ thành Gia Định, đem quân chạy ra Trấn Biên (vùng Biên Hòa ngày nay). Nguyễn Lữ vào thành Gia Định, kiểm định kho tàng, thu thập quân lương, chuẩn bị phương tiện vận tải để đưa về Quy Nhơn. Đồng thời, Nguyễn Lữ cho một bộ phận nghĩa quân tiến xuống phía nam tập kích dinh Long Hồ. Quân Nguyễn ở Long Hồ bị tiêu diệt. Tướng Nguyễn ở Long Hồ là Bùi Hữu Lễ bị nghĩa quân bắt sống tại trận.

Trước sức tiến công mạnh mẽ của nghĩa quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Thuần phải chạy về Bà Rịa. Tại đây, có lần bị nghĩa quân truy tìm ráo riết, Nguyễn Phúc Thuần phải chạy trốn vào nhà một giáo sĩ Tây Ban Nha là Đi-ê-gô đơ Giu-mi-la, nằm ẩn dưới gầm giường mới thoát nạn, vì nghĩa quân không xâm phạm tới nhà ở của các giáo sĩ.

Trước tình hình nguy khốn đó, Nguyễn Phúc Thuần vội phái Đỗ Thanh Nhân đi Mỹ Tho mộ quân cần vương, cho người đi cầu viện Mạc Thiên Tứ ở Cần Thơ đem quân lên giúp và triệu Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên đem quân về cứu chúa.

Đến tháng Năm âm lịch, Đỗ Thanh Nhân chiêu mộ được hơn 3.000 quân, gọi là quân Đông Sơn, tự xưng là Đông Sơn thượng tướng quân, từ Tam Phụ (thuộc Mỹ Tho) tiến quân về Gia Định. Trong khi ấy, Mạc Thiên Tứ đem quân từ Cần Thơ tiến lên. Tống Phúc Hiệp và Lý Tài cũng đang trên đường hành quân từ Phú Yên vào Nam và đã tới Trấn Biên, gần Gia Định.

Thấy quân cứu viện của địch ở các ngả đã kéo tới, Nguyễn Lữ hạ lệnh rút quân, đem theo hơn 200 thuyền lương lấy được ở Gia Định, đưa về Quy Nhơn. Tới đây, nhiệm vụ tiến đánh Gia Định của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy đã hoàn thành trọn vẹn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM