Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:33:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33600 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #170 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:03:57 am »


        5. Hiệp đồng chiến thuật chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

        Đây là đặc điểm bắt nguồn từ quy luật của chiến tranh nhân dân ở nước ta, trong đó mọi hoạt động tác chiến và xây dựng của bộ đội chủ lực luôn luôn có sự phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân tự vệ. Mặt khác sự nghiệp xây dựng kinh tế phát triển, sự nghiệp củng cố quốc phòng được tăng cường thì bộ đội địa phương, dân quân tự vệ của ta cũng ngày càng được cải tiến về trang bị vũ khí, được nâng cao về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, kể cả trình độ sử dụng trang bị vũ khí hiện đại. Do đó, khả năng hiệp đồng chiến đấu gồm ba thứ quân trong một trận đánh sẽ ngày càng được tăng cường và phát triển hơn.

        Vừa qua, những xã ở trọng điểm nói chung đã có dân quân du kích, công binh, pháo binh, cao xạ, đặc công, v.v... Những xã ở ven biển lại có đơn vị làm nhiệm vụ rải mìn ở bãi cát ven biển, thả thủy lôi thay nhiệm vụ của hải quân, v.v... Hình thức tổ chức của một xã hay một xí nghiệp có đủ thành phần binh chủng là một thực tế khách quan tạo ra tính chất hợp thành của các lực lượng vũ trang địa phương và dân quân tự vệ, dù quy mô còn nhỏ bé. Cho nên tác chiến hiệp đồng binh chủng của các lực lượng vũ trang địa phương là vấn đề tất yếu phải đặt ra.

        Mặt khác các trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng của ta trên địa bàn đông dân, địa bàn có phong trào chiến tranh du kích phát triển cao, sẽ là hiện tượng tương đối phổ biến, phản ánh quy luật của chiến tranh nhân dân. Trong điều kiện đó, cả ba thứ quân đều phải nghiêm chỉnh thực hiện một trong những nguyên tắc lớn: nguyên tắc phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với nhau trong chiến đấu. Hiệp đồng giữa ba thứ quân trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng vừa là vấn đề thuộc về nguyên tắc vừa là vấn đề xuất phát từ khả năng và điều kiện thực tế của các lực lượng vũ trang ta. Nhưng ta phải thực hiện hiệp đồng binh chủng giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân tự vệ như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả thực tế lớn nhất?

        Muốn thực hiện chiến đấu hiệp đồng binh chủng giữa ba thứ quân, vấn đề đầu tiên đặt ra là phải hành động phù hợp với quy luật của chiến đấu hiệp đồng, nhất là những quy luật cơ bản như: thống nhất hành động theo mục tiêu, thời gian và địa điểm dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất; các đơn vị binh chủng tham gia chiến đấu hiệp đồng binh chủng trên cơ sở phát huy tác dụng, tính năng của đơn vị mình, binh chủng mình, đồng thời phải giúp đỡ khắc phục những nhược điểm của binh chủng, đơn vị bạn cũng như phải ra sức phát huy chỗ mạnh và kết quả hiệp đồng của binh chủng, của đơn vị bạn. Mỗi đơn vị, mỗi binh chủng đều có đặc điểm riêng nên chỉ có thể phát huy được tác dụng của nó trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng khi giao nhiệm vụ và có kế hoạch sử dụng đúng với đặc điểm, chức năng, tác dụng của nó.

        Khi sử dụng các binh chủng trong tác chiến hiệp đồng, chúng ta cần:

        - Sử dụng đúng tính năng của từng binh chủng.

        - Đánh đúng đối tượng.

        - Nhằm đúng thời cơ.

        - Đánh đúng mức.

        - Đánh có hiệu lực lớn nhất.

        Đây là những yêu cầu hết sức quan trọng, không được tùy tiện.

        Như chúng ta đã biết, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ có những mặt mạnh, mặt nhược điểm khác với bộ đội chủ lực. Vì vậy, việc phân công nhiệm vụ, quy định nguyên tắc, phương pháp hiệp đồng với bộ đội chủ lực phải thực tỉ mỉ, cụ thể, rõ ràng.

        Trước tiên, cần phải xác định đúng mục tiêu phù hợp với mỗi thứ quân. Do khả năng trang bị mạnh, tổ chức tập trung, thống nhất cao, trình độ chiến thuật, kỹ thuật được rèn luyện thuần thục, đồng bộ, nên bộ đội chủ lực bao giờ cũng là lực lượng chủ yếu của trận đánh, đảm đương đánh vào mục tiêu chủ yếu trong bố trí của địch. Còn những mục tiêu thứ yếu hoặc mục tiêu ở sâu trong lòng địch mà bộ đội chủ lực không có điều kiện chuẩn bị kỹ về địa hình, chưa thông thạo địa hình thì giao cho bộ đội địa phương, dân quân tự vệ là hợp lý hơn. Khi cần thiết, có thể có bộ phận phối hợp tác chiến ngay trong đội hình của bộ đội chủ lực. Nhưng cần cố gắng tránh phân công cho bộ đội địa phương, dân quân tự vệ một mục tiêu lớn quá sức. Như vậy tuyệt nhiên không phải vì đánh giá thấp khả năng của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ mà là để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trận đánh chủ yếu.

        Về quy định thời gian hiệp đồng thống nhất giữa ba thứ quân cũng không thể quan niệm cứng nhắc như đối với nội bộ các binh chủng, các đơn vị trong bộ đội chủ lực. Thời gian quy định thống nhất cho dân quân du kích có thể cùng lúc, hoặc trước hoặc sau khi đã nổ súng của các đơn vị bộ đội chủ lực.

        Về phương pháp chiến thuật trong hiệp đồng giữa ba thứ quân, bộ đội chủ lực cần phải đảm đương vai trò chủ động, tích cực của mình trong chi viện, hiệp đồng về hỏa lực và xung lực cho bộ đội địa phương, dân quân du kích. Đồng thời không nên đòi hỏi cao việc hiệp đồng của dân quân du kích đối với mình. Tất nhiên các lực lượng vũ trang địa phương sẽ luôn luôn tích cực và chủ động để hiệp đồng và phối hợp với bộ đội chủ lực, luôn luôn cố gắng phát huy khả năng, sở trường của mình để hiệp đồng đắc lực với bộ đội chủ lực.

        Khi phân công mục tiêu, kế hoạch hiệp đồng trên địa điểm gần nhau trong một khu vực mục tiêu, có thể xảy ra tình trạng cản trở lẫn nhau đến mức độ nào đó trong quá trình chiến đấu. Như vậy cần bàn bạc xác định rõ dứt khoát mấy vấn đề lớn như sau:

        - Thời gian tiến công của bộ đội chủ lực làm chuẩn.

        - Khu vực triển khai bố trí của từng thứ quân.

        - Thống nhất kế hoạch chi viện của chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương cùng kế hoạch tác chiến chung của trận đánh.

        Kinh nghiệm cho thấy, dù hiệp đồng trong một trận chiến đấu hoặc giữa các trận chiến đấu do ba thứ quân cùng đảm nhiệm hoặc đảm nhiệm riêng lẻ, biện pháp hàng đầu là sự nhất trí cho đến từng chi tiết của trận đánh giữa các đồng chí chỉ huy của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Sự thống nhất kế hoạch hiệp đồng càng chi tiết, cụ thể thì càng bảo đảm nâng cao hiệu lực thực tế của ba thứ quân, càng tránh được những va vấp, khó khăn trong quá trình chiến đấu. Các cán bộ chỉ huy của ba thứ quân, nhất là cán bộ pháo binh, xe tăng, thiết giáp, cao xạ, cần thống nhất với cán bộ các lực lượng vũ trang địa phương về mục tiêu, nhiệm vụ phân công hiệp đồng ngay trên thực địa, tại từng mục tiêu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #171 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:04:26 am »


        III. KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ CHỈ HUY TÁC CHIẾN HIỆP ĐỒNG BINH CHỦNG

        Ngày nay, trang bị của các lực lượng vũ trang ta, đặc biệt của quân đội nhân dân, đã dần dần được cải tiến; đồng thời nội dung và yêu cầu của chiến thuật hiệp đồng binh chủng cũng ngày càng đòi hỏi cao và phức tạp. Vì vậy mỗi cán bộ phải luôn luôn lo lắng trau dồi về mặt nhận thức quan điểm cũng như thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chỉ huy thì mới có thể đáp ứng được với những đòi hỏi đó.

        Trước hết là phải luôn luôn nâng cao nhiệt tình cách mạng mà biểu hiện cụ thể là có quyết tâm vững chắc, có tác phong dũng cảm, sâu sát và tỉ mỉ để giải quyết mọi khâu khó khăn nhất, trong chiến đấu hiệp đồng. Phải tận mắt nhìn thấy địch và ta, tận mắt nhìn thấy các mâu thuẫn giữa ta và địch, giữa địa hình với tính năng vũ khí, giữa tính chính quy trong hiệp đồng với trình độ, cách đánh của từng thứ quân, từng binh chủng thì mới tìm ra biện pháp khắc phục mâu thuẫn. Suy cho cùng, chỉ huy chiến đấu giỏi tức là giải quyết thắng lợi các mâu thuẫn xảy ra trong chiến đấu kịp thời.

        Thứ hai là phải luôn luôn nâng cao trình độ tinh thông chiến thuật hiệp đồng binh chủng và trình độ hiểu biết thành thạo kỹ thuật. Toàn bộ nội dung giải quyết những mâu thuẫn trong chiến đấu là tùy thuộc ở trình độ hiểu biết của cán bộ. Làm sao có thể quyết tâm chuẩn xác và sáng suốt xử trí nếu như không vận dụng được các thủ đoạn chiến thuật, không linh hoạt trong việc sử dụng các hình thức chiến thuật, không hiểu được những yêu cầu kỹ thuật của các binh chủng? Thiếu một trong những nội dung đó thì mặc dầu có đủ tinh thần dũng cảm, xông xáo, đi sát xuống dưới vẫn không làm thế nào để phát triển chiến đấu thắng lợi được. Tình hình biến chuyển nhanh chóng trong chiến đấu, những trục trặc khó khăn trong hiệp đồng sẽ làm cho cán bộ rối trí, lúng túng, dần dần tác động xấu đến quyết tâm chiến đấu, thậm chí làm cho ta không thể chỉ huy được nữa. Quá ỷ lại ở tinh thần chiến đấu vốn có của bộ đội, không chịu học tập nâng cao trình độ chỉ huy thì chỉ có thể đánh thắng trong những trận nhỏ, những trận phục kích tập kích chớp nhoáng ngày xưa trước một kẻ địch không phức tạp lắm, không thể giành được thắng lợi trong những trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn ngày nay.

        Đi đôi với việc học tập quan điểm, lý luận, nguyên tắc…, cán bộ phải tự mình rèn luyện thử thách trong các cuộc diễn tập huấn luyện, tập bài chiến thuật, chiến dịch để quen tính toán khả năng các binh chủng trong các điều kiện khác nhau, quen xử trí hiệp đồng chiến đấu trong các tình huống phức tạp, tự mình tìm ra khuyết điểm, nhược điểm để nâng cao trình độ điều khiển chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Cần bỏ hẳn tư tưởng chủ quan, tác phong bàn giấy, xem đầu bài mà không tập giải quyết đầu bài, duyệt phương án diễn tập huấn luyện rồi giao cho cơ quan thực hiện, ủy quyền người thay mình chỉ huy diễn tập, mà không tự mình nghiên cứu trực tiếp làm, tự mình vẽ lấy bản đồ, tự mình tính toán và tự mình chỉ huy hiệp đồng để tiến lên thành thạo “quen tay” trong chiến đấu thực sự.

        Cán bộ chỉ huy giỏi tính toán làm kế hoạch và xây dựng phương án tác chiến giỏi chưa hẳn đã là người cán bộ chỉ huy giỏi. Người cán bộ chỉ huy giỏi phải là người nuôi quân, luyện quân giỏi, tổ chức lực lượng giỏi và chỉ huy điều binh khiển tướng giỏi theo tình huống diễn biến, luôn luôn giữ được quyền chủ động từ đầu đến kết thúc trận đánh thắng lợi. Chiến đấu là sự vận động của trí tuệ và hành động của con người luôn luôn biến động. Người cán bộ chỉ huy không thể chỉ làm kế hoạch và xây dựng xong phương án tác chiến rồi ngồi chờ chiến thắng, mà phải luôn luôn điều khiển hành động chiến đấu theo tình huống diễn ra và sửa chữa bổ sung phương án cho phù hợp với thực tiễn khách quan thì mới giành được thắng lợi của trận chiến đấu.

        *

        Những vấn đề nêu trên về chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta chưa phải là toàn bộ các vấn đề thuộc về nội dung, nguyên tắc của chiến thuật hiệp đồng binh chủng cũng như những yêu cầu của nó đối với cán bộ chúng ta. Tuy nhiên chỉ trên những vấn đề đó chúng ta cũng thấy tính chất phức tạp của nó. Nhiệm vụ nghiên cứu học tập nâng cao nhận thức, bản lĩnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng quả không phải là đơn giản. Nó đòi hỏi chúng ta phải rất công phu, tích cực. Nó không cho phép chúng ta đơn giản hóa vấn đề một cách tùy tiện và cũng không được máy móc, giáo điều.

        Những trận chiến đấu thắng lợi vang dội trong đợt tiến công và nổi dậy đầu xuân năm 1972 đã chứng minh một cách rõ nét và cho phép chúng ta khẳng định tầm quan trọng của việc quán triệt và vận dụng các quan điểm và đặc điểm của chiến thuật hiệp đồng binh chủng Việt Nam.

        Trận đánh lớn vào căn cứ Đông Hà với quy mô sư đoàn được tăng cường mạnh mẽ xe tăng, pháo binh các cỡ, cũng chỉ có thể thành công khi biết rút kinh nghiệm tổ chức chiến đấu tạo bàn đạp bằng hình thức chốt, đập tan chỗ dựa xe tăng, thiết giáp của địch bằng cách phát huy uy lực pháo binh của ta, và cuối cùng tập trung sức mạnh hiệp đồng đột phá và chi viện cho binh đoàn đánh thọc sâu buộc địch phải tan vỡ, có bộ phận bị tiêu diệt, có bộ phận tháo chạy dẫn đến sự tan rã hoàn toàn của tuyến phòng thủ Quảng Trị năm 1972.

        Ngược lại, cũng chính trong đợt tiến công và nổi dậy năm 1972, trên một vài chiến trường, có lúc trong một số trận chiến đấu, khi mà sức mạnh hiệp đồng binh chủng của ta không dựa trên thế trận hiểm hóc, hoặc bị phân tán trên một chính diện quá rộng, hoặc thực hiện hiệp đồng chiến đấu không tỉ mỉ, không trực tiếp trong cự ly gần có hiệu quả thì tác dụng của chiến đấu hiệp đồng binh chủng bị giảm sút, thậm chí không còn tác dụng nữa.

        Quán triệt đường lối, quan điểm quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam xuất phát từ thực tiễn của ta, kết hợp giữa vận dụng kinh nghiệm, truyền thống của ta với nghiên cứu học tập chiến thuật hiệp đồng binh chủng hiện đại là con đường đúng đắn, cần thiết để chúng ta có thể giải đáp đúng những vấn đề đặt ra trong chiến thuật hiệp đồng binh chủng của ta hiện nay và sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #172 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:09:01 am »


        MỘT SỐ BÀI VĂN VẦN VỀ QUÂN SỰ1

        (Trích 24 trong số 56 bài văn vần)

        
Tổ quốc

        Đồi2 con danh gọi Vương Thừa Vũ
        Dâng “Mẹ” trái tim cả cuộc đời
        Hiếu, trung, trí, dũng nguyền giữ trọn
        Mãi mãi đi theo bước của Người.
        Chói lọi vầng hồng toả khắp nơi
        Vinh quang rộng mở bốn phương trời
        Ngọn cờ cách mạng giương cao mãi
        Hướng tới tương lai - “Mẹ” sáng ngời!
        Bác Hồ kính yêu
        Đoàn tụ xung quanh vị Cha già
        Kính dâng Người muôn triệu đoá hoa
        Bàn tay truyền cảm lòng rung động
        Hình ảnh yêu thương mãi chẳng nhoà.
        Con cháu trưởng thành Cha hả dạ
        Theo lời Người dạy phải nhìn xa.
        “Vua Hùng dựng nước công xây đắp
        Giữ lấy nước nhà Bác cháu ta”.
        9-1969.

      
Bản sắc riêng

        Đơn thuần sức mạnh chẳng được đâu
        Truyền thống tổ tiên phải thấm sâu
        Cách đánh cổ truyền nâng hiện đại
        Việt Nam thao lược có từ lâu
        Mỗi dân tộc có riêng bản sắc
        Ta với người phong cách khác nhau
        Biến Trúc thành Tùng đâu có được
        Bản sắc Việt Nam vẫn nhiệm mầu.

11-1977        

-------------
       1. Trích in theo cuốn: Tướng Vương Thừa Vũ, năm tháng và cuộc đời binh nghiệp (tác giả: Nguyễn Chu Phác, Trịnh Ngọc Nghi), Nhà xuất bản Hà Nội, 2001.

        2. Đồi: bí danh của Trung tướng Vương Thừa Vũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #173 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:13:50 am »



        Tác chiến bảo vệ khu vực
        “Độc lập, chủ quyền, gìn giữ mãi
        Bảo vệ nhân dân, lẫn đất đai”.

        1

        Đất đai ta hẹp lại dài
        Tầm tay vốn đã vươn ngoài biển Đông
        Bầu trời cao rộng mênh mông
        Kết thành một thể: hải, không, đất liền
        Bảo vệ độc lập chủ quyền
        Quốc phòng phải mạnh, giữ yên nước nhà.

        2

        Việt Nam Tổ quốc gấm hoa
        Non sông hùng vĩ tạo ra thế bền,
        Đồng bằng có thế hai bên
        “Tay ngai”, chỗ dựa ta nên tận dùng
        Núi rừng hiểm trở vô cùng,
        Đồi cao, làng mạc nối cùng với nhau,
        Đứng trên ngó trước nhìn sau,
        Tuỳ cơ lật cánh, chuyển mau kịp thời.

        3

        Quân thù ngấp nghé lâu nay,
        Bất ngờ tập kích máy bay điên cuồng
        Mưu toan chặn lối, cắt đường
        Cổ kia bóp nghẹt chiến trường nước ta,
        Rồi lục quân chúng dàn ra
        Ào ào các mũi tiến qua nhiều đường
        Đông, Tây, Nam, Bắc khôn lường
        Ta nên tổ chức chiến trường ra sao?
        Nhưng dù địch giở trò nào
        Bộ binh, thiết giáp phải vào tấn công
        Quyết tâm ta xác định xong
        Tổ chức khu vực hiệp đồng thế chung
        Sức đâu rải khắp cho cùng
        Phải có trọng điểm từng vùng tập trung
        Các điểm thành thế dựa lưng
        Chiều rộng vững chắc nối cùng chiều sâu.

        4

        Chiến tranh là của toàn dân
        Lực lượng tại chỗ dân quân vững vàng
        Đào hầm, xẻ hố, moi hang
        Chặn địch, không để chúng tràn được qua
        Chủ lực ta cách không xa
        Kịp thời cơ động đến mà phản công
        Thế này rắn thép, vững đồng
        Kẻ thù phá được cũng không dễ gì.

        5

        Sức mạnh do biết tập trung
        Thống nhất lãnh đạo từng vùng chỉ huy
        Điều hành nắm vững thời cơ
        Thông tin liên lạc không giờ phút lơi
        Hành động bám địch kịp thời
        Trinh sát tổ chức nơi nơi chu toàn
        Cho dù diễn biến muôn vàn
        Thống nhất tổ chức, vững vàng thế chung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #174 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:15:10 am »



        6

        Ta nên tổ chức cùng nhau
        Mặt trước cấy lúa, mặt sau trồng người1
        Cánh đồng mở rộng từng nơi
        Lúa thơm trĩu hạt để rồi nuôi quân
        Đường ngang ngõ tắt xa gần2
        Đồi cao khống chế nhiều tầng hầm sâu3
        Phương châm giữ nước bền lâu
        Kết hợp kinh tế với khâu quốc phòng.

        *

        Dân ta truyền thống anh hùng,
        Tinh thần cứu nước phải cùng lo toan.
        Cùng chung sức giữ biên cương,
        Liên minh chiến đấu kết đoàn nơi đây.
        Đông người, hiện đại vào đây
        Anh em Lào, Việt phanh thây quân thù.

5/1962 - 7/1978         
        Chú thích cho các phần ở trên (1, 2, 3, 4, 5, 6)

        (1) Địa hình Tổ quốc ta từ Hà Tuyên đến Cà Mau dài 1.650km. Bề ngang lại hẹp, có nơi 50-60km. Nếu chiến tranh xảy ra, những nơi này địch thường chú ý chia cắt chiến trường ta làm nhiều khúc.

        Muốn có địa bàn lục địa rộng rãi, giữ được quyền chủ động, phải xây dựng Hải quân mạnh làm chủ được hải phận, Không quân mạnh làm chủ được không phận, yêu cầu phải có công nghiệp quốc phòng mạnh. Xây dựng được như vậy, sẽ tạo ra thế vững mạnh mới để bảo vệ Tổ quốc.

        (2) Đồng bằng rộng lớn trên đất nước ta từ Bắc chí Nam, phần nhiều nằm ở phía Đông giáp biển. Đồi núi từ phía Tây duỗi ra ôm lấy các cánh đồng có “thế” như “tay ngai”.

        Những nơi này đều có tác động tích cực của con người, có tổ chức chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo thì đồng bằng của ta mỗi nơi có một thế bảo vệ Tổ quốc vững chắc. Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh... đều có “thế công, thế phòng” tốt để diệt địch nếu chúng đột nhập vào đây.

        Ngoài các hải đảo ra, sát mép biển lại có những dãy đồi núi nhô ra như hàng chân rết, tạo nên thế chiến thuật. Làng mạc ở đồng bằng dựa vào nhau thành thế liên hoàn từng vùng. Đây là một thế mạnh của đồng bằng, nếu biết tổ chức làng, xã chiến đấu tốt. Từ tay ngai đó ta tập trung lực lượng xuất kích sang hướng mà ta định phản công để tiêu diệt địch. Đặc điểm trên của đồng bằng nước ta lại hạn chế rất nhiều đặc điểm chiến đấu hiện đại của địch.

        (3) Chiến tranh hiện đại, địch có thể đổ quân từ biển, bằng máy bay lên thẳng, bằng cơ giới, có thể cùng một lúc tiến quân theo nhiều hướng, kể cả đổ bộ bằng máy bay sâu vào hậu phương ta, phối hợp các mũi tiến công bên ngoài. Vậy thế trận của ta chỉ có thể tổ chức liên hoàn vòng tròn từng khu vực (trọng điểm), liên hoàn nhiều trọng điểm lại thành thế chung. Nếu phòng thủ một hướng sẽ trở thành chiến tuyến hàng ngang dễ bị vu hồi bên sườn hoặc sau lưng.

        (4) Trong Hội nghị tổng kết diễn tập “Tác chiến bảo vệ khu vực” ở Quân khu Hữu Ngạn năm 1973, đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Không có gì nhanh bằng người đã sẵn sàng ở ngay tại chỗ”.

        Dân quân là lực lượng hùng hậu, lực lượng tác chiến tại chỗ nhanh nhất, kịp thời nhất. Do đó phải được xây dựng và trang bị mạnh. Bộ đội địa phương là lực lượng cơ động trong địa phương. Chủ lực của quân khu, của Bộ là lực lượng cơ động của chiến dịch và chiến lược. Như vậy đã tạo cho chiến tranh nhân dân một thế cơ động rất lớn, một lực lượng phản công và tấn công rất mạnh. Muốn có lực lượng phản công và tấn công mạnh phải kết hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động. Từ đó thế chiến tranh nhân dân của ta có thể kết hợp được ngay từ đầu phương thức tác chiến du kích với phương thức tác chiến chính quy. Muốn vậy phải tổ chức tốt làng xã chiến đấu, tổ chức trận địa có hầm hố chắc; tổ chức cho tốt lưới phòng không nhân dân đánh địch, cơ động và phòng tránh, nghi binh tốt để tránh bị tổn thất khi bị địch oanh tạc.

        (5) Trong khu vực tác chiến bao gồm nhiều lực lượng: kinh tế, chính trị, quân sự... Lực lượng quân sự có dân quân tự vệ, bộ đội địa phương, chủ lực các cấp, công an vũ trang... Nếu không có sự lãnh đạo chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, không có sự chỉ huy thống nhất của Bộ tư lệnh quân sự địa phương, thì không thể nào phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân.

        Phải tổ chức các mạng lưới thông tin liên lạc thông suốt, mạng lưới trinh sát cho chặt chẽ, có vậy mới giữ được quyền chủ động điều hành trong mọi tình huống chiến đấu.

        (6) Trong khi mở mang vùng kinh tế, phải gắn liền với “cấy người” lâu dài, xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ, đó là sự kết hợp cơ bản, chủ yếu nhất giữa kinh tế với quốc phòng.

        - Hệ thống mương máng sản xuất, đường sá, đê điều, thị tứ, thị trấn, thị xã, khu công nghiệp, nhà kiên cố v.v... phải có ý thức, ý đồ quân sự về chiến dịch, chiến thuật. Ví dụ mương máng dùng để tưới tiêu trong sản xuất, trong chiến đấu lại là hệ thống giao thông hào: đường sá dùng để vận chuyển cho kinh tế, khi dùng cho quân sự vẫn phù hợp với ý đồ chiến thuật của ta, không cho địch lợi dụng v.v...

        - Các đồi cao có ý nghĩa chiến lược, chiến thuật, cần phải tổ chức thành các điểm tựa, cụm điểm tựa, phối hợp với các điểm khác khống chế diện rộng bảo vệ vững chắc cho khu vực. Cần được cấu trúc nhiều tầng hầm công sự phòng thủ vững chắc, đồng thời làm bàn đạp khi phản kích, phản công, tấn công tiêu diệt địch.

------------
        1. Tư tưởng chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

        2. Xây dựng hệ thống đường sá theo yêu cầu của chiến dịch và chiến thuật trong chiến lược.

        3. Xây dựng hầm phải theo yêu cầu, ý đồ chiến dịch, chiến thuật. Ví dụ như nếu đường hầm để xuất kích, phản công thì ở tầng thấp. Nếu cố thủ thì ở tầng giữa. Nếu đánh địch đổ bộ đường không thì ở tầng cao, nói chung có được nhiều tầng càng tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #175 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:16:20 am »


       
Đánh tỉa

        Bắn tỉa! Hỡi người dũng sĩ ơi
        Súng chắc trong tay phải nắm “thời”
        Ta ít, địch nhiều cần tạo “thế”
        Bất ngờ, ẩn hiện khắp nơi nơi.
        Lịch sử những lần chống ngoại xâm
        Chín năm chống Pháp tiếng còn vang
        Mười năm chống Mỹ thêm ngời sáng
        Đánh tỉa - thành cách đánh Việt Nam
        Cách đánh “êm đòn” nhưng rất đau.
        Ví như đánh rắn, đánh dập đầu,
        Chỉ huy, đài điện, tên gian ác
        Những mục tiêu ấy cần diệt mau.
        Cách đánh tỉa
        Giặc kia rồi. Ta đời đây
        Chúng nhô đầu dậy, cho ngay phát đoàng.
        Bắn xong di chuyển chỗ nằm
        Ở lâu một chỗ nó nhằm thấy ta,
        Bắn gần kết hợp bắn xa
        Bắn thằng phía trước cùng là xuyên hông
        Chớ tuỳ tiện đánh tứ tung
        Phải có chiến thuật với cùng mưu cao
        Tổ ba, thế trận bước vào
        Thay nhau ta tỉa đổ nhào từng tên
        Xuyên rừng lội suối ngày đêm,
        Đánh tỉa là cách đánh êm ngấm đòn.

        DẪN CHỨNG:

        Trong kháng chiến chống Pháp, ở Điện Biên Phủ các đội bắn tỉa đã góp công lớn vào chiến thuật bao vây đánh lấn thắng lợi.

        Trong chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Tây Nam, nổi bật về thành tích bắn tỉa có những tập thể và cá nhân sau:

        1. Đội bắn tỉa của Bộ Tổng tham mưu: gồm 60 cán bộ và chiến sĩ, trong năm 1968-1969 tại đường 9, bằng súng bộ binh đã diệt: 307 tên Mỹ, 1 xe M.41, 1 xe M.113, 1 xe GMC, 2 máy bay.

        2. Lực lượng bắn tỉa của Quân khu 9: gồm 192 cán bộ và chiến sĩ, từ 20-3 đến 15-5-1978 tại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, bằng súng bộ binh đã diệt 1.594 tên địch.

        3. Huỳnh Văn Đảnh: từ 1958-1960 tại chiến trường miền Nam, bằng súng bộ binh, bắn 100 phát diệt 100 tên địch.

        4. Hà Văn Nhiều thuộc Bộ tư lệnh B5, từ 1966-1967 bằng súng bộ binh diệt 100 tên Mỹ, ngụy.

        5. Lương Văn Bình: thuộc Sư đoàn 4 từ 20-3 đến 15-5-1978 tại biên giới Tây Nam, bằng súng bộ binh diệt 41 tên địch.

        6. Bùi Văn Nội: thuộc tỉnh An Giang, từ 20-3 đến 15-5-1978 tại biên giới Tây Nam, bằng súng bộ binh, diệt 34 tên địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #176 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:20:00 am »


        
Tập kích

        Địch kia dừng nghỉ bên đường
        Chúng đi càn quét lại càng kiêu căng
        Đóng quân trú ở ngoài làng
        Công sự ẩn nấp còn đang bới đào
        Quây vùng đồi chặng thông hào
        Lơ thơ mấy cọc hàng rào ngả nghiêng.
        Canh phòng chúng chẳng có nghiêm
        Lim dim gà gật gió đêm ào ào.
        Bí mật trinh sát tiến vào,
        Bám địch tạo thế, cùng bao vây liền.
        Chủ lực vận động trước tiên,
        Triển khai bí mật sát bên quân thù.
        Nắm vững yếu tố bất ngờ
        Người người súng đạn đến giờ phải xong
        Bổ sung nhiệm vụ hiệp đồng
        Nằm im ém kỹ đợi cùng xông lên
        Tín hiệu tập kích dưới, trên
        Quy định chiến đấu phải nêu rõ rành
        Màu vàng, màu đỏ, màu xanh
        Ba phát pháo hiệu vút nhanh lên trời
        Đấy là lệnh đã ra rồi
        Bất thần nổ súng đồng thời úp ngay.

        *

        Liên tục diệt gọn từng nơi
        Gặp phản kích, ta thời chặn luôn,
        Không nên vỗ mặt, đánh dồn,
        Để địch co cụm lại càng1 khó thêm.
        Đột kích như lưỡi dao đâm
        Chỉ huy phải diệt, thông tin phải vằm
        Từng mũi diệt gọn lần lần
        Cuối cùng diệt sạch hết quân tạm dừng.
        Đánh xong thu gọn chiến trường
        Nhanh chóng tổ chức nhiều đường rút ra.
        Đây là kinh nghiệm gần xa
        Mong bài tập kích chúng ta cùng bàn.

4-1973        

        
Phục kích

        Tư tưởng trước hết Bất Thần
        Nổ súng chính xác đội quân chặn đầu
        Kịp thời vòng khoá đuôi sau,
        Xuyên Hông các mũi, Bao Vây trên đường
        Chia Cắt bọc đánh ngang sườn
        Tiêu diệt thật gọn, chiến trường thu nhanh.

        *

        Phục kích đánh địch trên đường,
        Chúng đi tiếp viện lại càng nghênh ngang.
        Xe người, xe đạn, thuốc thang
        Lương khô, thịt hộp kềnh càng nặng khung,
        Chúng đang ngạo nghễ ung dung
        Bất ngờ bị đánh, rối tung thần hồn
        Chặn Đầu khi địch vào tròng
        Nhắm tốp đi trước nổ giòn cho tin
        Bao vây gọn cả đội hình
        Phút đầu tiên đã bị ghìm tại nơi
        Khoá Đuôi: là phải kịp thời
        Quyết không cho địch tháo lui đội hình
        Bằng cách giăng lưới thực binh
        Kết hợp bắn quét, bãi mìn sát thương,
        Xuyên Hông: đánh cắt ngang sườn
        Xung phong đồng loạt mặt đường chiếm ngay
        Chiến trường phục kích lâu nay
        Xuyên hông là chỗ rất dày tù binh.
        Bao Vây, Chia Cắt: thật nhanh
        Không để địch cụm kết thành ổ, hang,
        Cũng đừng để chúng thoát thân.
        Phải quây địch lại, gọi hàng bắt ngay.
        Tiêu Diệt: những đứa trở tay
        Ngoan cố chống cự hoặc bày mưu gian
        Thấy ta đông, chúng trá hàng,
        Khi ta sơ hở thì dang cánh chuồn
        Điều này đã nhắc nhở luôn
        Đánh xong thu dọn chiến trường cho hay
        Vũ khí thu nhặt nhanh tay
        Thương binh vận chuyển xa ngay trận tiền.

6-1973        

-------------
       1. Ý nói: Không để địch cụm lại thành lực lượng lớn, ta khó đánh tiêu diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #177 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:24:28 am »


Đánh gặp gỡ
(tao ngộ chiến)

        Bất ngờ gặp địch trên đường,
        Là đánh “Tao ngộ” trên đường của ta
        Khi tình huống đó xảy ra
        Kinh nghiệm chiến đấu nhắc ta điều này
        Muốn giành chủ động được ngay
        Phải nhanh “ba trước”1 trở xoay ngoan cường
        - Một trước, quan trọng vô cùng
        Phát hiện địch trước để không bất ngờ
        - Hai trước, bộ đội đang chờ
        Dàn quân thế lợi bấy giờ cho mau
        - Ba trước, phát lệnh làm đầu
        Tấn công kiên quyết, thọc sâu, chặt sườn.
        “Tam tiên” phải nhớ tỏ tường
        Còn phải chú ý nhìn đường, tiến đâu.
        Quan sát nhìn trước, nhìn sau
        Mục tiêu then chốt, đánh đâu phải nhằm
        Báng súng, lựu đạn đánh gần
        Động tác kết hợp phải cần giỏi tay...
        Bất ngờ nhưng phải đánh đau
        Kịp thời tổ chức phủ đầu địch quân.

        8-1973

        Bao vây tấn công liên tục

        Quân thù gặp mạnh là tan
        Nhưng ta sơ hở nó tràn vào ngay
        Nhùng nhằng chỉ đánh không vây
        Đánh càng rầm rộ suốt ngày uổng công?
        Máy bay, tăng pháo, phòng không
        Pháo hoả chuẩn bị2 càng không hợp thời
        Ai ơi? Nhắc nhủ mấy lời
        Nghệ thuật đánh Mỹ mọi người nhớ không
        Ví như bắt cá quây vùng
        Lưới giăng, đón lõng3 rồi dùng lưới đơm
        Kịp thời úp chặt tay nơm,
        Vó te4 đặt khắp tóm ngon từng luồng,
        Ví như các tổ săn rừng
        Lùng săn thú dữ bắt cùng5 mới thôi,
        Giặc kia phân tán tạm thời
        Ta bao vây chặt xong rồi tấn công
        Chiến trường địa thế mênh mông
        Phải vây nhiều lớp, nhiều vòng gần xa.
        Đội hình địch thường tản ra,
        Ta đánh một trận quả là không xong
        Nên khi tổ chức tấn công
        Phải đánh liên tục mới mong diệt thù,
        Lùng nhùng co giãn cao su6
        Đó là biện pháp quân thù đang mong
        Kinh nghiệm thực tế chiến trường
        Bao vây liên tục, tấn công mới thành.
9-1977         
---------------
        1. “Ba trước” thường gọi là “Tam tiên”: Phát hiện quân địch trước, triển khai chiếm lĩnh trước, nổ súng tấn công trước.

        2. Trận nào, đối tượng nào cũng cứ dùng pháo hoả chuẩn bị 15-20 phút, dễ trở thành quy luật máy móc. Coi như đánh thức địch dậy. Mất yếu tố bất ngờ.

        3. Trong thế vây có những hướng khả năng địch sẽ rút chạy qua đó. Ta bố trí mai phục, hình thành từng vùng, dồn địch vào đó để bắt.

        4. Trong thế vây có những hưởng khả năng địch sẽ rút chạy qua đó. Ta bố trí mai phục, hình thành từng vùng, dồn địch vào đó để bắt.

        5. Ý nói: Bắt cho hết địch.

        6. Ý nói: quân địch co dãn, khi phân tán, lúc tập trung đàn hồi như cao su. Đó là chủ trương bảo toàn lực lượng của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #178 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:29:03 am »


Đánh địch đổ bộ đường không

        Quân địch hỗn hợp cuộc tấn công
        Mặt đất trên không chúng hiệp đồng
        Bắn phá nhiều nơi làm lạc hướng
        Chỗ kia đổ thực, nơi này không
        Mưu này lũ giặc ta hiểu rõ,
        Thủ đoạn bọc sườn đánh bên hông

        *

        Quan sát ta phải tinh thông mắt
        Cơ động nào bằng người tại chỗ,
        Địch ở trên trời tập trung đông
        Càng lợi cho ta lửa các tầm

        *

        Địch úp ta, địch sa vào bẫy,
        Vây kẹp lính địch bằng phản vây.
        Đánh cắt trên trời với mặt đất
        Quân vừa đổ xuống phải diệt ngay.

        *

        Thế trận ta bày phải cơ động
        Điều binh khiển tướng là quan trọng
        Bắn rớt máy bay, diệt cả bầy...
        Diệt hết bộ binh là xong trận.

5-1974         

Vận động tấn công kết hợp với chốt

        Chiến trường là chốn giao tranh
        Hai bên đọ sức để giành phần hơn
        Địch vào ta chặn phản công
        Khẩn trương vận động hiệp đồng triển khai;
        Hình thành tam giác trước sau
        Thế trận lúc đầu: Bộ, Pháo, Tăng, Thông.

        *

        Anh vận động mau chân lao tới
        “Chốt” xong rồi tôi đợi sẵn đây
        Địch vào Nam, Bắc, Đông, Tây
        Đầu chặn, đuôi cắt diệt ngay từng phần.
        Hướng giặc tiến vào dù mấy nẻo
        Tôi chốt đây giương bẫy1 chặn đường
        Vận động anh quật ngang sườn
        Bao vây, chia cắt, diệt thường gọn tay
        Đũa kia từng chiếc bẻ rời
        Nếu bẻ cả nắm sức người dễ đâu!
        Trận trước liên tiếp trận sau
        Tấn công liên tục đánh mau thắng giòn
        Chiến trường tổng kết rõ ràng
        “Vận động với chốt đều thường thành công”.

-----------------
        1. Đại tướng Văn Tiến Dũng nói ở Hội nghị tổng kết diễn tập khu vực tác chiến ở Quân khu Hữu Ngạn năm 1971: “Thế trận của chiến tranh nhân dân ta như giương sẵn chiếc bẫy, quân địch sa vào bẫy là bị tiêu diệt”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #179 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:33:04 am »


Đánh cứ điểm có công sự vững chắc

        Địch:
        Cứ điểm địch đóng nơi cao
        Công sự bát úp hàng rào kẽm gai
        Ống bơ, mìn sáng chúng cài
        Quân cù1 cơ động bên ngoài tuần tra
        Chúng đóng cố định là bị động
        Giành quyền chủ động ta tấn công
        Chọn cách phù hợp đánh sẽ thắng
        Đã thành quy luật ai nhớ không?

        Ta:

        Quyết tâm muốn diệt địch mau
        Đêm đêm trinh sát luồn sâu vào đồn
        Điều tra từng cách bố phòng
        Công sự, hoả điểm tỏ tường trước sau
        Quân sự dân chủ cùng nhau
        Cùng trên bàn cát góp câu luận bàn
        Thống nhất kế hoạch hợp đồng
        Chuẩn bị chu đáo, khẩn trương tiến hành.
        Luồn sâu đánh úp thật nhanh
        Hoặc là vây lấn hình thành cách hai;
        Hiệp đồng binh chủng đánh ngay
        Đó là ba cách đánh hay của mình
        Hiệp đồng binh chủng:
        Hiệp đồng nên nhớ điều này
        Triển khai chiếm lĩnh mở đầu tiến công
        Pháo binh dồn dập bắn xong
        Bộ, Tăng các mũi xung phong tức thời;
        Trận địa lửa khói mù trời
        Lực lượng dự bị kịp thời vào ngay
        Dứt điểm giải quyết nhanh tay
        Trước khi trời sáng thì hay hơn nhiều.

        Cách đánh:

        Vài kinh nghiệm nhỏ
        Trong khi đánh đồn
        Bí mật áp gần
        Dàn quân chu đáo,
        Nhằm nơi hiểm yếu
        Mãnh liệt đột nhiên
        Đòn mạnh đầu tiên
        Đập đầu quân địch
        Tập trung kiên quyết
        Mở cửa thật mau
        Nối gót theo nhau
        Thọc sâu chia cắt
        Bổ đầu khoét mắt
        Lòng giặc nở hoa2
        Kiềm mẹ, đánh con3
        Chia con diệt mẹ
        Ta nên nhớ “Thế”
        Diệt đồn trước đây
        Thường đánh kiểu này:
        Bốn cắt, một diệt4

        Điều chú ý:

        Tấn công một điểm, các mặt hợp đồng,
        Thuốc nổ, kéo, thang, sẵn sàng quyết đánh,
        Xông lên chớp nhoáng liên tục tiến công,
        Dùng tổ ba người, dùng phân đội nhỏ,
        Thời cơ nhận rõ, “bám lấy thắt lưng”,
        Lực lượng tập trung, không nên nhỏ giọt5
        Xung lực rời gót, hoả lực bám theo,
        Đánh mạnh, đánh nhanh, chia ra diệt gọn,
        Chiến trường thu dọn, tổ chức lui quân
        Chu đáo an toàn, là điều nên nhớ.

11-1963         

------------------
        1. Quân cù: Một bộ phận lực lượng của địch cơ động xung quanh cứ điểm.

        2. Lòng giặc nở hoa: thọc sâu tới trung tâm cứ điểm của địch, từ bên trong các mũi đánh toả ra. Có lúc ta gọi là “nở hoa trong lòng địch”.

        3. Kèm “mẹ”, đánh “con”: cứ điểm của địch thường tổ chức có một lô cốt “mẹ” và một số lô cốt “con” vây bọc xung quanh. Nên khi đánh diệt một lô cốt này thì phải kiềm chế lô cốt kia, hay khi đánh một cứ điểm này thì phải kiềm chế cứ điểm kia. Vì chúng có liên quan với nhau.

        4. Bốn cắt, một diệt: một diệt địch ở cứ điểm thì thường phải tiến hành: đánh viện binh địch để cắt địch bên ngoài với bên trong; kiềm chế pháo binh địch để cắt pháo binh với bộ binh; bắn máy bay địch để cắt địch trên không với địch ở mặt đất; đánh cắt xe tăng cơ giới địch với bộ binh địch. Một diệt tức là tiêu diệt chỉ huy và thông tin địch ở trong cứ điểm, tiến tới diệt toàn cứ điểm.

        5. Nhỏ giọt: trường hợp chiến đấu thuận lợi cần nhanh chóng quyết định dứt điểm. Hoặc khi chiến đấu gặp trục trặc khó khăn, cần tung lực lượng dự bị vào không nên đưa từng bộ phận nhỏ vào có tính chất vá víu, nhỏ giọt lấp chỗ trống, mà phải đưa vào với sức mạnh tập trung quyết định.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM