Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:53:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33593 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:47:39 am »


        Mặc dầu chúng khoe khoang về khả năng hoạt động ở miền rừng núi, “có tiềm lực rất lớn, có thể thực hiện được mọi kiểu hành quân”, nhưng là một binh đoàn cơ động bằng đường không, vấn đề đổ quân nhanh hay chậm, tập trung hay phân tán, liên quan rất lớn đến điều kiện triển khai đội hình, đến sức chiến đấu của nó. Ở Plây Me, do địa hình phức tạp, chúng phải đổ quân “nhỏ giọt” từng đại đội xuống từng bãi cách xa nhau và bị địa hình chia cắt. Giữa các đợt đổ bộ có một khoảng cách thời gian nhất định. Ngay khi mới đổ quân, địch đã bị dồn vào thế phân tán, cô lập, xuống ít thì dễ bị tiêu diệt ngay, xuống nhiều nơi cùng một lúc để hình thành thế bao vây hợp kích thì từng nơi một dễ bị bao vây và từng bộ phận một bị tiêu diệt (như trường hợp tiểu đoàn 1 của Mỹ đổ xuống vùng Bắc Chư Pông). Không phải ngẫu nhiên mà có tên nghĩ quẩn đến việc đổ quân xuống ngọn cây để tránh bị tiêu diệt.

        Nếu trước khi đổ bộ chúng có thể phát dương mạnh mẽ hỏa lực để dọn bãi, cản đường tiếp cận của Quân giải phóng, thì khi xuống đất, ở tư thế vận động, hoặc khi Quân giải phóng đã bám sát được, sức chiến đấu của lực lượng xung kích của chúng không mạnh vì thiếu hỏa lực pháo binh chi viện và cơ giới dẫn đầu, lại thêm những khó khăn khi triển khai đội hình chiến đấu và vận động bằng đôi chân để tiếp cận mục tiêu. Không kể các đại đội “nhảy cóc”, bị đánh tan ngay, các lực lượng lớn cũng không đủ sức đương đầu với những cuộc tiến công mạnh mẽ của Quân giải phóng, “bị ghìm chặt dưới một lưới lửa dày đặc” (như bọn chúng đã phải thú nhận) và bị tiêu diệt nhanh chóng.

        Về chiến thuật, quân Mỹ tổ chức các cuộc đổ bộ nhỏ từng đại đội theo lối “cóc nhảy” để thăm dò và phát hiện mục tiêu. Khi đã xác định được mục tiêu công kích chúng mới tổ chức các gọng kìm lớn với lực lượng từng tiểu đoàn, tận dụng khả năng cơ động để chủ động và bất ngờ tập kích vào sườn hoặc sau lưng đội hình chiến đấu hay cơ quan hậu phương của Quân giải phóng. Chúng huênh hoang rằng chúng có khả năng đến nhanh, tiến công nhanh và rút lui nhanh. Nhưng thực tế thì khi tiến công nhanh không thành công, khi buộc phải chiến đấu trong một thời gian dài trên mặt đất thì sức chiến đấu của chúng càng kém, khả năng phòng ngự tồi, không chịu nổi những đòn tập kích sấm sét của Quân giải phóng. Một đơn vị Quân giải phóng, bằng 2 trận tập kích và 1 trận phục kích trong ba ngày liền, đã tiêu diệt toàn bộ 1 tiểu đoàn của Mỹ. Việc vận dụng chiến thuật bị thất bại còn là do trình độ non kém của bọn chỉ huy. Bọn này hèn nhát, thiếu kinh nghiệm, máy móc, rập khuôn theo điều lệnh, và tỏ ra rất lúng túng, hoang mang khi gặp những tình huống phức tạp, khi không được máy bay, pháo binh chi viện.

        Một điều làm cho bọn tướng tá Mỹ hết sức đau đầu là trong khi chúng đang gặp những khó khăn rất lớn về tiếp tế, hậu cần, thì sư đoàn này với trang bị “quá hiện đại”, với chiến thuật “đường không” đã ngốn một khối lượng vật chất khổng lồ, đòi hỏi nhiều sức phục vụ. Ở Plây Me, một lữ đoàn ra quân, một ngày tiêu thụ gần 600 tấn nhiên liệu, lương thực, đạn dược. Bọn lính “công tử” Mỹ không chịu đựng nổi những thiếu thốn về vật chất, và tinh thần vốn đã thấp kém càng sa sút nghiêm trọng khi tiếp tế bị cắt đứt.

        Là một đội quân xâm lược, điều yếu cơ bản nhất của quân Mỹ vẫn là tinh thần chiến đấu. Bọn Giôn-xơn, Mắc Na-ma-ra đã hết lời ca tụng tinh thần “tuyệt vời” của lính “không vận”, nhưng tại mặt trận Plây Me, tinh thần của sĩ quan và binh lính Mỹ rõ ràng là sa sút và bạc nhược một cách thảm hại. Đây mới là nguyên nhân chính của sự phá sản của mọi ý đồ và hành động chiến thuật “mới” của sư đoàn kỵ binh đường không số 1.

        Tóm lại, khả năng cơ động cao của máy bay lên thẳng, hỏa lực nhiều của không quân đã không tạo nên sức mạnh đáng kể và càng không bù đắp nổi nhược điểm về tinh thần chiến đấu cho sư đoàn “kỵ binh bay” của Mỹ trong trận thử lửa thực sự đầu tiên này.

        Qua đây, chúng ta càng hiểu thêm quân đội Mỹ, thấy và đánh giá đúng mức hơn những chỗ mạnh của địch mà ta có đủ khả năng hạn chế được, đồng thời cũng thấy rõ hơn những chỗ yếu rất cơ bản mà địch khó lòng khắc phục được và rất dễ bị khoét sâu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:48:29 am »


        Trước tình hình diễn biến và mấy nhận xét về địch như trên, chúng ta có thể rút ra mấy bài học kinh nghiệm sau đây:

        I. CHIẾN ĐẤU LIÊN TỤC

        Thắng lợi rực rỡ của các lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc chiến đấu liên tục ở mặt trận Plây Me trước hết và chủ yếu là thắng lợi của tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, mưu trí và bền bỉ của quân đội cách mạng, mà biểu hiện cụ thể là quyết tâm chiến đấu rất cao. Thật vậy, trước hỏa lực dày đặc của không quân, pháo binh và sức đột kích của đoàn xe bọc thép của địch, trong những tình huống chiến đấu vô cùng ác liệt, Quân giải phóng vẫn “vững như thành đồng”, luôn đứng vững trên tư thế tiến công và tiến công liên tục, siết chặt vòng vây, đánh hết trận này qua trận khác, nêu rất nhiều tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Một phân đội bộ binh trong trận phục kích ngày 19-10 đã xung phong tiêu diệt cả một đoàn xe tăng và xe bọc thép. Một tiểu đội chặn đánh gần một tiểu đoàn địch suốt mấy giờ liền. Có đơn vị đánh liền 6 trận. Chiến đấu càng ác liệt thì khí phách anh hùng của Quân giải phóng càng nổi bật. Đơn vị bao vây Plây Me, mặc dầu gặp nhiều khó khăn, chịu đựng hàng tấn bom đạn, vẫn kiên quyết “bóp cổ” địch, buộc chúng phải kêu cứu. Vì sao vậy? Đó là vì quân đội ta có một trình độ giác ngộ chính trị rất cao, căm thù giặc sâu sắc, có một niềm tin tất thắng mãnh liệt, nhận rõ nhiệm vụ cách mạng, thấu suốt nhiệm vụ chiến đấu của mình. Các đơn vị ở đây nhận rõ là khi đã tham gia chiến đấu là phải đánh to ngay, đánh liên tục, đánh cả Mỹ lẫn ngụy, trong những tình huống ác liệt. Chính vì thế mà anh em có quyết tâm chiến đấu rất cao, không lùi bước trước bom đạn, không sợ hy sinh, gian khổ, có gan dám đánh và quyết đánh thắng bất cứ kẻ địch nào, trong bất cứ tình huống nào. Có đơn vị chạm trán ngay với quân Mỹ trong một tình huống hết sức khẩn trương, đã đánh thắng trận đầu và chiến thắng liên tiếp. Trước kẻ địch ngoan cố, xảo quyệt, quân ta luôn luôn biểu thị tinh thần tích cực, chủ động tạo mọi thời cơ đánh địch, sáng tạo và vận dụng những hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu táo bạo đánh thắng địch, kiên trì, bền bỉ đánh địch đến cùng.

        Bài học ở đây rõ ràng vẫn là: trong việc xây dựng quân đội nói chung cũng như khi làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến đấu phải hết sức coi trọng xây dựng và chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, coi đó là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của quân đội nói chung và của mọi nhiệm vụ chiến đấu. Trong nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay, chúng ta phải đánh thắng một kẻ địch mạnh hơn ta về trang bị kỹ thuật, có nhiều âm mưu thâm độc, nhiều thủ đoạn tàn bạo. Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng phải tập trung xây dựng quyết tâm chiến đấu thật cao, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, quyết tâm tiêu diệt mọi kẻ địch trong mọi tình huống.

        Chiến đấu liên tục thì công tác chính trị cũng phải liên tục. Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong cuộc chiến đấu liên tục ở Plây Me được đặc biệt coi trọng trong suốt quá trình chiến đấu, ngay sau những trận thắng lớn. Vấn đề này rất cần thiết. Vì rằng trong thắng lợi ta vẫn có thể gặp một số khó khăn nhất định trong việc thu dọn chiến trường, nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu v.v… Kẻ địch bị thua sẽ điên cuồng giãy giụa. Quân viện trước khi bị tiêu diệt, chúng tổ chức viện tiếp (có khi lớn hơn). Đợt đổ bộ này không thành công, chúng đổ thêm đợt khác. Oanh tạc lần này chưa có kết quả, chúng tăng cường oanh tạc tiếp theo. Trong tình hình ấy, chỉ có liên tục làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, phát huy khí thế chiến thắng, khắc phục hiện tượng thỏa mãn và các hiện tượng tiêu cực khác thì mới có thể nhanh chóng khôi phục sức chiến đấu, liên tục chiến đấu, tranh thủ thời cơ giành những thắng lợi to lớn hơn nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:48:53 am »


        Cuộc chiến đấu ở Plây Me phát triển thắng lợi và liên tục còn là do quân ta đã tích cực tạo thời cơ và chủ động tranh thủ thời cơ đánh địch ngoài công sự, đánh liên tục bằng nhiều hình thức. Quán triệt tinh thần lấy yếu đánh mạnh, vận dụng linh hoạt phương châm đánh địch ngoài công sự, trước hết Quân giải phóng tạo thời cơ đánh viện bằng cách “đặt ngòi pháo” rất đúng chỗ (Plây Me), và đã tạo nên một phản ứng dây chuyền: viện, từ viện nhỏ đến viện to, hết ngụy đến Mỹ-ngụy, viện đường bộ, viện đường không, viện đi, viện về. Trong giai đoạn 2 của đợt hoạt động, bọn Mỹ khoác lác rằng chúng đang “truy lùng, phản kích” Quân giải phóng, nhưng thực ra đây chính là một phản ứng, một thời cơ do Quân giải phóng tạo ra trên cơ sở thắng lợi của giai đoạn 1 buộc địch phản kích tức là buộc chúng tự dẫn thân ra để chịu những đòn tiến công ác liệt. Tạo được những thời cơ rất thuận lợi như trên, Quân giải phóng đã tước bỏ nhiều chỗ mạnh của địch như công sự kiên cố, hỏa lực có chuẩn bị sẵn, khả năng ngăn chặn đối phương từ xa, khả năng ứng cứu lẫn nhau, khoét sâu những nhược điểm của địch về tinh thần chiến đấu khi thoát ly công sự, khi bị phân tán, khi chiến đấu trên địa hình không quen thuộc, phức tạp; về trình độ tổ chức chỉ huy tồi trong những tình huống phức tạp của bọn sĩ quan; về sức chịu đựng kém của quân đội Mỹ và tay sai trong chiến đấu liên tục, xa hậu phương; về khả năng tiếp tế, vận chuyển, hậu cần. Về phía mình, quân ta lại có điều kiện phát huy cao độ ưu thế về chính trị - tinh thần, có điều kiện phát huy rộng rãi sự phối hợp ba thứ quân của lực lượng vũ trang, phát huy tính mưu trí linh hoạt, phát huy sở trường đánh gần, đánh đêm, đánh liên tục.

        Tạo được thời cơ tốt, Quân giải phóng cũng đã chủ động tranh thủ nhiều thời cơ đánh địch. Đó là lúc địch kéo quân đi viện (trận phục kích ngày 23-10-1965), lúc tàn quân địch cụm lại (đêm 23-10-1965), lúc địch vừa tổ chức căn cứ hành quân, lúc địch “nhảy cóc”, nhất là lúc địch đổ quân liên tục, cụm lại và lúc chúng tháo chạy (tiểu đoàn 1 của Mỹ đổ quân lúc 9 giờ ngày 14-11-1965 bị đánh phủ đầu ngay, một đại đội bị tiêu diệt; mờ sáng ngày 15-11-1965, một đại đội khác bị tập kích và cũng bị tiêu diệt gọn sau 30 phút, mờ sáng ngày 16-11-1965 sở chỉ huy tiểu đoàn và đại đội súng cối bị tập kích và bị tiêu hao nặng và chiều ngày 17-11-1965, khi số còn lại của tiểu đoàn này rút chạy thì bị tiêu diệt nốt trong một trận phục kích ở Ia Đrăng).

        Không những tranh thủ thời cơ đánh từng trận mà Quân giải phóng còn tranh thủ thời cơ giữ vững thế liên tục tiến công trên chiến trường. Từng đơn vị cũng đã đánh nhiều trận nối tiếp nhau; trong từng trận có đơn vị đã đánh liên tục hết ngày đến đêm như trận tiêu diệt tiểu đoàn 1 nói trên. Tính chất liên tục ngày càng cao cả về chiến dịch cũng như chiến đấu, về thời gian và về trận đánh lại tăng thêm điều kiện thuận lợi tạo thời cơ và tranh thủ thời cơ đánh địch.

        Trong quá trình chiến đấu liên tục, Quân giải phóng còn khéo vận dụng nhiều hình thức chiến thuật thích hợp và nhanh chóng chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.

        Hình thức đánh điểm, vây điểm, diệt viện đã được áp dụng một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo với quyết tâm và bản lĩnh cao. Bằng hình thức cường tập, Quân giải phóng đã diệt đồn Chư Ho trong 6 phút, vây đồn Plây Me trong suốt 7 ngày đêm liền. Các hình thức phục kích vận động (trận phục kích ngày 23-11-1965), hình thức tập kích quân địch tạm dừng ngày, đêm và hình thức vận động tiến công vào quân địch đang đổ bộ, vừa tạm dừng, đang rút chạy đã được vận dụng rộng rãi và thành công lớn, đáng chú ý là hình thức tiến công vận động. Trong giai đoạn 2, quân Mỹ dựa vào sức cơ động cao, điều kiện địa hình, khả năng hỏa lực chi viện, đã cho đổ quân nhiều nơi, liên tục. Nhưng nhờ vận dụng linh hoạt, kiên quyết hình thức tiến công vận động, Quân giải phóng không bị động đối phó, vẫn nắm được lực lượng và cơ động đến tiến công vào những mục tiêu đã định.

        Trong quá trình chiến đấu, Quân giải phóng đã nhanh chóng chuyển từ hình thức chiến thuật này sang hình thức chiến thuật khác, từ phục kích chuyển sang tập kích, từ công kiên đến vận động, từ tiến công sang phòng ngự. Có đơn vị, ngày đánh phục kích, đêm tập kích. Có đơn vị trong ba ngày liền hết tập kích, phục kích đến tiến công vận động. Một tiểu đội đang làm nhiệm vụ bao vây đồn (tiến công) quay sang đánh phản kích (phòng ngự) một tiểu đoàn địch trong một tình huống hết sức khẩn trương, bất ngờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:49:14 am »


        Nhờ khéo vận dụng và kết hợp nhiều hình thức chiến thuật và nhanh chóng chuyển từ hình thức này sang hình thức khác nên mặc dù địch tìm mọi thủ đoạn đối phó, tình huống có lúc xảy ra ngoài dự kiến, Quân giải phóng vẫn giữ được quyền chủ động đánh địch trong mọi tình huống, khuếch trương được chiến quả, phát triển chiến đấu thuận lợi, liên tục, không bị động trước sự diễn biến phức tạp của chiến đấu, không phải dừng lại chuẩn bị lâu. Sự thành công của Quân giải phóng về mặt này đánh dấu một bước trưởng thành nhanh chóng về tư tưởng, về chiến thuật, kỹ thuật, thể lực, về trình độ lãnh đạo và tổ chức chỉ huy, về công tác bảo đảm hậu cần. Nó chứng tỏ Quân giải phóng có khả năng mở những đợt hoạt động liên tục, dài ngày, có thể chiến thắng bất cứ loại quân nào của Mỹ trong những tình huống rất khẩn trương và ác liệt.

        Kéo địch ra ngoài công sự, ra xa hậu phương, kìm chân địch, phân tán địch, chọn và nắm thời cơ đánh địch ở địa điểm và thời gian có lợi nhất, đánh liên tục, bằng nhiều hình thức chiến thuật rất linh hoạt, Quân giải phóng đã lần lượt tiêu diệt hết đại đội này, tiểu đoàn này đến đại đội khác, tiểu đoàn khác của cả Mỹ lẫn ngụy trong những trận đánh nhanh, gọn, liên tục.

        Quân giải phóng thành công trong việc tạo thời cơ và nắm thời cơ đánh địch và đánh liên tục vì có quyết tâm chiến đấu chính xác như xác định đúng mục đích, yêu cầu của đợt hoạt động, phương châm tác chiến, hình thức chiến thuật, cách sử dụng lực lượng, chọn mục tiêu, v.v... trên cơ sở đánh giá đúng đắn khả năng của mình, dự kiến đúng cách đối phó của địch, lợi dụng được điều kiện chiến trường và do kiên trì giữ vững quyết tâm, linh hoạt xử trí trong quá trình chiến đấu. Thành công ấy còn do sự nỗ lực chủ quan rất lớn của cán bộ và chiến sĩ đã nêu cao ý chí chiến đấu, dũng khí cách mạng, vượt qua bom đạn, khắc phục khó khăn, luôn xốc tới, bám địch mà đánh, đánh nạnh, đánh liên tục. Đó còn là do bộ đội có bản lĩnh chiến đấu cao, thường xuyên sẵn sàng chiến đấu, trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ giỏi, tổ chức chiến đấu khẩn trương chu đáo, chỉ huy kiên quyết, linh hoạt, khôi phục sức chiến đấu kịp thời.

        Thực tế chiến thắng Plây Me cho ta thấy rõ thêm một điều là muốn tiến hành những đợt hoạt động dài ngày, bộ đội phải có khả năng vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, kết hợp nhiều hình thức, hoặc nhanh chóng chuyển từ hình thức này sang hình thức khác. Khả năng ấy sẽ tạo điều kiện cho đợt hoạt động càng phát triển liên tục.

        Học tập kinh nghiệm của chiến thắng Plây Me, chúng ta cần ra sức phấn đấu xây dựng những đơn vị giỏi toàn diện. Trên cơ sở huấn luyện để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt, các lực lượng vũ trang của ta, chủ yếu là bộ đội chủ lực, phải có trình độ chiến thuật toàn diện và vững chắc: tiến công giỏi (chủ yếu là tiến công vận động), phòng ngự giỏi, đánh công sự vững chắc cũng giỏi, đánh địch dưới đất giỏi, đánh địch trên không cũng giỏi, đánh đêm, đánh ngày, đánh ở địa hình rừng núi hay đồng bằng đều giỏi. Phải có trình độ kỹ thuật điêu luyện: đánh giáp lá cà, nhất là ban đêm, đánh xe cơ giới, đánh máy bay, hành quân, ngụy trang, đào công sự; tạo điều kiện phát huy ưu thế về chính trị - tinh thần của ta, tránh được những chỗ mạnh về hỏa lực của không quân và pháo binh địch. Phải thành thạo cả động tác giải quyết chiến trường (tự cấp cứu, cấp cứu lẫn nhau, bắt tù binh, thu chiến lợi phẩm, rời khỏi trận địa). Bộ đội lại phải dẻo dai, bền bỉ, đủ sức đánh liên tục, nhiều trận liên tục, suốt một đợt hoạt động dài. Cán bộ chúng ta cần ra sức nâng cao trình độ lãnh đạo, năng lực tổ chức chỉ huy, rèn luyện tác phong chỉ huy, đi sâu vào các khâu giáo dục và lãnh đạo tư tưởng, tạo và nắm thời cơ đánh địch, nắm và sử dụng lực lượng, nhất là lực lượng dự bị, làm chủ chiến trường, giải quyết chiến trường sau chiến đấu, vấn đề quản lý lực lượng, khôi phục sức chiến đấu của đơn vị sau từng trận và từng đợt v.v…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:50:00 am »


        Ở Plây Me, tất cả các trận chiến đấu lớn, nhỏ, với mức độ khác nhau đều thắng lợi, góp phần vào thắng lợi chung của cả đợt. Một nguyên nhân trực tiếp của những trận thắng ấy là tinh thần chủ động hợp đồng của các phân đội. Ví dụ: một toán chiến sĩ của nhiều đơn vị đang đi công tác nghe súng nổ lập tức tự tổ chức thành đơn vị chiến đấu, vận động đến tiến công vào sườn quân địch trong khi một phân đội khác đánh địch ở trước mặt hình thành sự phối hợp tự động nhưng rất ăn khớp. Được tin tàn quân của tiểu đoàn 1 (Mỹ) tháo chạy, hai phân đội của hai đơn vị khác nhau vận động đuổi theo đánh địch. Phân đội này nổ súng, phấn đội kia lập tức phối hợp, tạo thế bao vây chặt chẽ và tiêu diệt gọn quân địch. Các chiến sĩ Quân giải phóng đã biết lấy việc tiêu diệt địch làm mục đích cao nhất của mọi hành động, lấy tiếng súng làm mệnh lệnh chiến đấu, gặp địch là đánh, thấy bạn chiến đấu là tự động phối hợp, tích cực chi viện. Có ý thức chủ động hợp đồng, tự động phối hợp như thế là do quân đội ta, một đội quân cách mạng, đã nhận rõ nhiệm vụ và mục đích chiến đấu của mình. Cán bộ nhất là cấp đại đội và chiến sĩ đã quán triệt ý định cấp trên, trên dưới nhất trí về tư tưởng chiến thuật, về cách đánh, có tinh thần đoàn kết chiến đấu cao. Trong kháng chiến trước đây, nhiều đơn vị đã có tác phong chiến đấu tốt đẹp: nghe tiếng súng là anh em có thể đoán được đơn vị bạn đang làm gì, tình huống thế nào, cấp trên muốn gì, họ tự giác, chủ động nhanh chóng hành động theo sự hiểu biết, sự “thông cảm” ấy. Thực tế ở Plây Me, cũng như nhiều trận khác ở miền Nam càng chứng tỏ rằng trong cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ địch mạnh hơn ta về trang bị kỹ thuật, lại ngoan cố, xảo quyệt, tình huống sẽ diễn ra nhanh chóng và phức tạp, nhất là trong tác chiến vận động. Việc nắm địch, nắm ta, tổ chức hợp đồng động tác, chỉ huy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có phát huy cao độ tinh thần tích cực chủ động, tính linh hoạt của cán bộ và chiến sĩ thì mới khắc phục được khó khăn và chiến thắng địch.

        Học tập kinh nghiệm của chiến thắng Plây Me, chúng ta cần không ngừng rèn luyện cho cán bộ và chiến sĩ tính linh hoạt, chủ động trên cơ sở quán triệt nhiệm vụ, thống nhất tư tưởng, khắc phục những hiện tượng máy móc, cứng nhắc, chờ đợi kế hoạch, chờ đợi mệnh lệnh. Đành rằng đánh nhau phải có kế hoạch, có mệnh lệnh, cán bộ các cấp phải làm tròn chức trách chỉ huy của mình, nhưng trong những tình huống phức tạp phải có gan hành động thích ứng với tình huống, lấy việc chi viện bạn, tiêu diệt địch, làm mục đích. Qua huấn luyện chiến đấu mà xây dựng sự nhất trí, ăn ý, thông cảm lẫn nhau giữa cấp trên và cấp dưới, giữa phân đội này và phân đội khác. Trong vấn đề này, đại đội giữ vai trò hết sức quan trọng. Có thể nói đại đội là đơn vị có điều kiện thực hành “tự động phối hợp” nhanh, gọn và có hiệu quả. Cần rèn luyện kỹ cả ba mặt: tư tưởng, tác phong và năng lực chiến đấu cho đại đội.

        Qua cuộc chiến đấu liên tục ở Plây Me, một vấn đề nữa được đặt ra là làm thế nào giành quyền làm chủ chiến trường. Khi một đơn vị quân Mỹ đổ bộ xuống bị tiêu diệt, chúng thường đối phó bằng cách đổ thêm quân, hòng đẩy lùi Quân giải phóng, giành quyền làm chủ chiến trường, thu nhặt bọn bị giết, bị thương, số còn sống sót, vớt vát một phần ảnh hưởng, hoặc dùng không quân đến bắn phá dữ dội quanh khu vực tác chiến để sát thương, ngăn cản Quân giải phóng thu dọn chiến trường. Vậy làm thế nào để giành quyền làm chủ chiến trường, thu dọn chiến trường tốt được? Theo kinh nghiệm của Quân giải phóng ở Plây Me, có ba vấn đề chính cần phải giải quyết:

        Một là, phải có tinh thần tiêu diệt địch cao, triệt để, cụ thể là mọi người phải nhận rõ tiêu diệt địch không phải chỉ là giết được nhiều địch - tất nhiên đây là một yêu cầu hết sức quan trọng - mà còn phải bắt được nhiều tù binh, thu được nhiều chiến lợi phẩm (vũ khí, đạn dược, lương thực...) để bồi dưỡng mình, tăng sức chiến đấu cho mình, làm giảm sức chiến đấu của địch. Có nhận thức đầy đủ như thế mới có quyết tâm, có biện pháp tích cực làm chủ chiến trường.

        Hai là, phải có biện pháp tổ chức chu đáo. Người chỉ huy phải có kế hoạch và có lực lượng dự bị sẵn sàng tung ra để giành quyền làm chủ chiến trường, phải tổ chức lực lượng thu dọn; chiến sĩ phải thành thạo động tác thu dọn chiến trường, đặc biệt, phải tổ chức phòng không chu đáo.

        Ba là, tổ chức chỉ huy phải linh hoạt; chọn thời cơ nổ súng, địa điểm tác chiến, cách đánh thích hợp, làm cho địch không đủ thời gian, đủ sức giành quyền làm chủ chiến trường với ta.

        Trong huấn luyện, kể cả diễn tập, chúng ta thường xem nhẹ, khi bỏ qua giai đoạn chiến đấu này, một phần do chưa thấy hết tính chất phức tạp, ý nghĩa thực tiễn của nó đối với kết quả của toàn bộ trận đánh, đó là mặt chủ yếu; một phần do có khó khăn trong việc thể hiện những tình huống thực trên bãi tập. Cần khắc phục thiếu sót ấy bằng cả hai biện pháp: thông về tư tưởng và có biện pháp tổ chức thích hợp trong huấn luyện, làm sao cho cán bộ, nhất là những cán bộ chưa qua chiến đấu, hình dung được phần nào tình hình thực tế lúc bấy giờ; cần chuẩn bị tinh thần và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ để có thể xử trí tình huống một cách khẩn trương nhưng tỉnh táo, chủ động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:51:02 am »


        II. CHỈ HUY TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG, KHẨN TRƯƠNG, GƯƠNG MẪU, MƯU TRÍ, LINH HOẠT

        Tích cực, chủ động, khẩn trương là một tác phong chỉ huy rất quan trọng trong hoàn cảnh chiến đấu với kẻ địch có phương tiện cơ động nhanh, có hỏa lực nhiều như sư đoàn kỵ binh đường không số 1. Nhiều cán bộ Quân giải phóng đã thể hiện rất tốt tác phong này. Ví dụ, có đơn vị đang hành quân, chưa nắm được địch thật cụ thể, cán bộ đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh quân Mỹ đổ bộ trong hoàn cảnh rất khẩn trương. Phát huy chiến thắng trận đầu, chỉ trong mấy ngày, đơn vị ấy đánh liền mấy trận và đều thắng lợi giòn giã. Một chính trị viên đại đội đang cùng đi công tác với một toán chiến sĩ của nhiều đơn vị thấy địch đổ bộ và nghe tiếng súng đơn vị bạn, đã nhanh chóng động viên chiến sĩ, tổ chức thành đơn vị chiến đấu, tham gia đánh địch ngay. Cũng tại vùng núi Chư Pông, đại đội “kỵ binh bay” của Mỹ vừa “nhảy cóc” xuống chưa đầy 10 phút đã bị đánh tan tác. Người chỉ huy, cơ quan chỉ huy phải phát huy cao độ tính tích cực, chủ động, khẩn trương trong việc nắm địch, tổ chức đánh địch, khôi phục sức chiến đấu, v.v... thì mới có thể đánh như thế, thắng như thế. Trong chiến đấu hiện đại đừng nói đến chậm 1 giờ mà chỉ cần chậm 1 giây, 1 phút là đủ bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch, có khi còn bị thiệt hại nữa.

        Học tập tác phong chỉ huy tích cực, chủ động, khẩn trương tốt của cán bộ trong chiến đấu, chúng ta cần nhận rõ ý nghĩa và nội dung của nó, phát huy những ưu điểm sẵn có và thường xuyên rèn luyện trong công tác hàng ngày, trong huấn luyện và chiến đấu, như tranh thủ thời gian xây dựng đơn vị trong khi đang công tác, chủ động kết hợp huấn luyện với chiến đấu, khẩn trương và nghiêm túc chấp hành mọi mệnh lệnh với tinh thần triệt để, sáng tạo “nghe một làm mười”. Cán bộ phải thường xuyên đi sát đơn vị, tìm hiểu tình hình, vì có nắm được tình hình, hiểu được nguyện vọng và thấy khả năng quần chúng mới có ý kiến xác đáng, mới mạnh dạn làm.

        Thái độ ỷ lại, do dự, dựa dẫm, “đợi trên chờ dưới”, quan liêu cách bức, tác phong chấp hành mệnh lệnh theo kiểu “mặc cả”, “cao su”, không có gan làm, không dám chịu trách nhiệm là hoàn toàn trái ngược với tác phong tích cực, chủ động, khẩn trương, hoàn toàn không phù hợp với bản chất cách mạng của quân đội ta, với tình hình và nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu hiện nay.

        Để đánh thắng kẻ địch tàn bạo, xảo quyệt, trong hoàn cảnh gay go, ác liệt, cán bộ Quân giải phóng đã tỏ ra rất gương mẫu, mưu trí và linh hoạt. Theo tường thuật của Đài phát thanh Giải phóng, chúng ta được biết chính trị viên phó Y suốt những chặng đường hành quân luôn tích cực động viên đơn vị, săn sóc, nhắc nhở từng người, có khi mang thêm hai, ba khẩu súng, khi dìu anh em ốm, góp phần bảo đảm đơn vị đi đến nơi đúng thời hạn, đủ quân số. Trung đội trưởng T, trong trận phục kích ngày 23-10-1965, khi được lệnh xung phong đã dẫn đầu toàn đơn vị xông vào đánh một đoàn xe bọc sắt của địch, vừa động viên, chỉ huy đơn vị, vừa tự mình dùng vũ khí tiêu diệt địch. Tiểu đội trưởng X cùng với tiểu đội kiên cường, dũng mãnh đánh trả mấy trăm tên địch ở Plây Me ngày 26-10-1965 là một biểu hiện tốt đẹp về tác phong gương mẫu của người cán bộ cách mạng. Vừa dũng cảm lại vừa mưu trí, linh hoạt, cán bộ Quân giải phóng đã nhiều lần dử địch lọt vào tròng, đánh cho chúng nhiều đòn bất ngờ. Lúc chúng tưởng sắp ăn to thì đúng là lúc rơi vào “ổ kiến lửa” như cuộc “đuổi bắt” của một đơn vị quân Mỹ trong đợt “nhảy cóc” từ 1-11-1965 đến 7-11-1965. Trên chiến trường rừng núi, trong thế “hổ về rừng”, Quân giải phóng đã vận dụng nhiều hình thức đánh địch rất thích hợp, cơ động mau lẹ, khi ẩn, khi hiện, thực thực hư hư, khiến cho địch tuy đông nhưng lại phải phân tán, bị động, ta ít nhưng luôn luôn giành chủ động, giành ưu thế trong từng trận, buộc địch phải hành động theo ý định của mình, phải đánh theo cách đánh của mình. Tác phong gương mẫu, mưu trí, linh hoạt của cán bộ các cấp đã có tác dụng cổ vũ, động viên chiến sĩ, làm tăng thêm tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ và chiến sĩ, tăng thêm lòng tin tưởng, thôi thúc anh em vượt mọi khó khăn, thử thách, đồng tâm hiệp lực làm tròn nhiệm vụ.

        Rèn luyện tác phong gương mẫu là cả một quá trình rèn luyện về tư tưởng, đạo đức và tác phong. Học tập tác phong tốt ấy chúng ta cần coi trọng rèn luyện và thể hiện thường xuyên trong công tác hàng ngày, trong hành quân, trong khi chuẩn bị chiến trường, khi gặp khó khăn, không phải đợi đến lúc mặt đối mặt với địch.

        Mặt khác, chúng ta cần tiếp tục kiên quyết khắc phục tác phong rập khuôn, máy móc, giản đơn trong huấn luyện, chiến đấu. Một số tình huống diễn tập, một số phương án tác chiến còn quá chân phương, địch thì ngờ nghệch, ta thì quá “thật thà”. Chúng ta cần ra sức học tập những kinh nghiệm vô cùng quý báu của ông cha ta đã dùng mưu đánh thắng địch, quán triệt đường lối quân sự của Đảng ta, cách đánh của ta, tìm hiểu kỹ kẻ địch, rèn luyện cho mình, cho cơ quan chỉ huy tác phong mưu trí, linh hoạt, sáng tạo và chắc thắng.

        *

        Trong cuộc chiến đấu đánh bại quân đội của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước ở miền Nam, quy mô của những cuộc chiến đấu ngày càng lớn, tính chất liên tục ngày càng cao, hoàn cảnh chiến đấu hết sức ác liệt. Học tập Quân giải phóng miền Nam, chúng ta phải rèn luyện toàn diện về tinh thần, tư tưởng, về chiến thuật, tổ chức chỉ huy trước hết là tinh thần quyết đánh thắng địch, dám đương đầu và vượt qua mọi thử thách, phát huy cao độ ưu thế chính trị tinh thần của ta, hạn chế và đánh bại điểm mạnh tạm thời về binh khí kỹ thuật của địch, sẵn sàng đánh và tiêu diệt bất cứ kẻ địch nào, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:52:45 am »


        HUẤN LUYỆN TÁC CHIẾN HIỆP ĐỒNG BINH CHỦNG1

        Tác chiến hiệp đồng binh chủng là sự phát triển tất yếu của quân đội ta, là quy luật khách quan của sự phát huy sức mạnh tổng hợp của mình khi bộ đội chủ lực đã có những tiến bộ về tổ chức và trang bị. Kinh nghiệm đánh thắng giặc Mỹ ở cả hai miền, kinh nghiệm huấn luyện đã chỉ rõ, để nhanh chóng nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng, chúng ta cần tập trung giải quyết tốt những vấn đề sau đây:

        NẮM VỮNG VÀ QUÁN TRIỆT NHỮNG QUAN ĐIỂM TÁC CHIẾN HIỆP ĐỒNG CỦA QUÂN ĐỘI TA TRONG QUÁ TRÌNH HUẤN LUYỆN

        Những quan điểm tác chiến hiệp đồng binh chủng của quân đội ta là biểu hiện cụ thể quan điểm giai cấp, quan điểm thực tiễn của sự quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng ta trong tác chiến. Nó là cơ sở để các lực lượng vũ trang ta xác định nội dung, nguyên tắc hành động của các binh chủng, quân chủng, và giải quyết những vấn đề cụ thể trong chiến đấu, nghiên cứu huấn luyện khi thực hiện các phương thức tác chiến cơ bản trên chiến trường. Nó còn là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống mọi ảnh hưởng của tư tưởng quân sự không vô sản, một chiều nhấn mạnh uy lực của vũ khí, trang bị, mọi hiện tượng giáo điều, bảo thủ trong quá trình huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng, chống ảnh hưởng của cách đánh hiệp đồng binh chủng theo trận địa thành tuyến không phù hợp với cách đánh độc đáo của Việt Nam ta.

        Về cụ thể, chúng ta cần quán triệt những quan điểm:

        Một là, phát huy cao độ tác dụng quyết định của con người có trình độ giác ngộ chính trị cao, có tinh thần chiến đấu dũng cảm, nắm vững và sử dụng thành thạo những vũ khí, trang bị hiện đại.

        Kinh nghiệm trên chiến trường miền Nam đã khẳng định một cách đanh thép rằng: con người là yếu tố quyết định làm cho các loại vũ khí, trang bị hiện đại có phát huy được cao độ tác dụng hay không, có phối hợp với nhau chặt chẽ hay không. Quân đội các nước đế quốc sùng bái vũ khí, kỹ thuật, coi vũ khí, kỹ thuật là yếu tố quyết định thắng lợi chiến tranh nên trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, chúng đã biến binh lính và sĩ quan thành kẻ nô lệ của vũ khí, điều lệnh. Vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ, tại sao binh lính và sĩ quan của quân đội xâm lược Mỹ nắm trong tay những vũ khí, phương tiện hiện đại bậc nhất của thế giới tư bản và được “cột” rất chặt về mặt tổ chức mà trong chiến đấu hiệp đồng lại hành động máy móc, thụ động, và nếu khi bị Quân giải phóng phá vỡ ở một khâu hiệp đồng nào là sức chiến đấu của chúng nhanh chóng bị rã rời. Hoàn toàn trái với quan điểm quân sự tư sản, quân đội ta coi tác chiến hiệp đồng binh chủng trước hết là sự phối hợp hoạt động có ý thức giữa người và người (cá nhân và đơn vị) trên cơ sở thống nhất về tư tưởng và hành động, trên tinh thần tích cực, chủ động tiến công tiêu diệt địch, tình đoàn kết chiến đấu, ý thức tổ chức, kỷ luật cao, tính tích cực, tính linh hoạt, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu. Cho nên, trong quá trình huấn luyện, chúng ta phải phát huy đầy đủ sức mạnh tuyệt đối về chính trị, tinh thần của ta, phát huy cao độ tính năng động chủ quan của từng cán bộ, chiến sĩ trong các binh chủng, quân chủng. Đó là yếu tố quyết định để phát huy ý thức trách nhiệm chính trị của từng người, từng binh chủng, quân chủng trong việc giải quyết những vấn đề huấn luyện tác chiến hiệp đồng của ta, sử dụng một cách linh hoạt và sáng tạo những vũ khí, trang bị hiện đại phù hợp với cách đánh của ta. Nếu trong quá trình huấn luyện, chúng ta chỉ loay hoay với những vấn đề kỹ thuật cụ thể, về tính năng, tác dụng, về uy lực của vũ khí, v.v... xem kỹ thuật là vấn đề trung tâm của tác chiến hiệp đồng, đi đến xem nhẹ chính trị, xem nhẹ quan điểm, tư tưởng và cách đánh của ta, xem nhẹ việc phát huy tính năng động chủ quan của cán bộ và chiến sĩ, thì không thể giải quyết được những nội dung cơ bản của tác chiến hiệp đồng.

        Trong thực tế huấn luyện, chúng ta đã và đang giải quyết thành công một số vấn đề mới về quán triệt tư tưởng tiến công, tiến công liên tục, ít đánh nhiều, đánh bất ngờ, hiệu suất chiến đấu cao trong việc sử dụng các loại vũ khí, trang bị vào các phương thức tác chiến, hình thức, chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu. Kinh nghiệm đó cho hay là: bản thân tính năng kỹ thuật của mọi vũ khí, phương tiện đều không thể tự nó đáp ứng được những yêu cầu về tư tưởng và cách đánh phong phú, độc đáo của quân đội ta. Mọi thứ vũ khí, phương tiện có được sử dụng đúng quan điểm của ta hay không, có được sử dụng thành thạo và linh hoạt trong các hình thức chiến thuật và mọi điều kiện của chiến trường hay không, có phát huy được đầy đủ tác dụng và phối hợp chặt chẽ với nhau hay không là do trình độ quán triệt tư tưởng quân sự của Đảng, quyết tâm sử dụng các binh chủng theo cách đánh của ta và trình độ nắm vững tư tưởng chỉ đạo tác chiến, tính mưu trí, kiên quyết và trình độ khoa học kỹ thuật của cán bộ và chiến sĩ quyết định. Rõ ràng vừa qua chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu trong huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng chính là vì cán bộ và chiến sĩ đã hiểu rõ yêu cầu chiến đấu luôn luôn phát triển, bám sát sự phát triển của địch và ta trên chiến trường, đã bền bỉ phấn đấu để làm chủ vũ khí, kỹ thuật, rèn luyện bản lĩnh chỉ huy, nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng của bộ đội lên quy mô ngày càng cao, đã đề cao ý thức tự lực, tự cường để giải quyết một cách sáng tạo các vấn đề kỹ thuật, chiến thuật, tổ chức, chỉ huy của tác chiến hiệp đồng theo cách đánh của ta. Chúng ta cần tránh khuynh hướng như chỉ thấy đánh nhỏ, đánh từng trận mà không thấy đánh lớn, đánh liên tục, chỉ muốn dùng vũ khí nhẹ mà ngại dùng vũ khí lớn, muốn tác chiến với bộ binh đơn thuần cho “gọn” mà không tích cực phát huy các binh chủng kỹ thuật đã có, cũng như chống mọi biểu hiện khác của tư tưởng ngại khó, giản đơn trong nghiên cứu huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng. Đồng thời cũng cần tránh khuynh hướng mê tín quá phương tiện, vũ khí hiện đại, muốn đánh công khai theo kiểu phô trương rầm rộ hoặc dốc túi đánh một canh.

---------------
       1. Bài đăng tạp chí Quân đội nhân dân, tháng 10 năm 1966.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:54:06 am »


        Hai là, tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta hiện nay phải hiểu ta còn yếu về trang bị, vũ khí, đánh với một kẻ địch mạnh về vật chất, kỹ thuật là đế quốc Mỹ.

        Thực tế này chi phối cách tác chiến hiệp đồng binh chủng. Nếu không nắm vững điều đó thì các binh chủng, quân chủng nghiên cứu cách đánh không đúng với tư tưởng quân sự của Đảng ta. Kẻ địch tuy mạnh hơn ta về vật chất, kỹ thuật, nhưng chúng lại có những điểm yếu rất cơ bản về chính trị và lúng túng, bế tắc về quân sự khi vào đánh ở chiến trường nước ta. Để đánh thắng địch, trong quá trình huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng, phải quán triệt một tư tưởng rất cơ bản của cách đánh là hết sức đề cao tính mưu trí và sáng tạo, hết sức khôn khéo tìm cách hạn chế những chỗ mạnh và khoét sâu những chỗ yếu của địch, khéo phát huy triệt để những chỗ mạnh của ta đánh vào những chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch, chủ động bắt quân địch đánh theo cách đánh của ta, không cho chúng đánh theo cách sở trường của chúng. Do đó trong huấn luyện, các binh chủng, quân chủng phải xem trọng việc phát huy sở trường đánh gần, đánh đêm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh liên tục, đánh lớn kết hợp với đánh vừa và đánh nhỏ một cách linh hoạt. Phải chú trọng phát huy triệt để yếu tố bí mật bất ngờ, nhằm nơi hiểm, nơi yếu của địch mà đánh, trường hợp gặp quân địch mạnh cũng phải tìm chỗ yếu trong chỗ mạnh của chúng mà đánh, vận dụng rộng rãi các thủ đoạn thọc sâu, chia cắt, bao vây, vu hồi, luôn luôn nắm vững nguyên tắc tập trung binh lực, hỏa lực một cách linh hoạt và hợp lý ở địa điểm quyết định và thời cơ quyết định trong chiến dịch và chiến đấu, bảo đảm cho ta có thể lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, phát huy mọi trang bị của ta để đánh thắng quân địch có trang bị hiện đại với hiệu suất chiến đấu cao. Đó là nội dung mà từng quân chủng, binh chủng phải giải quyết trong từng hình thức chiến thuật sở trường của ta cho phù hợp với điều kiện mời. Tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta phản đối khuynh hướng tác chiến lấy kỹ thuật chọi kỹ thuật, lối dàn binh bố trận công khai, như những hiện tượng: muốn đơn thuần dùng pháo chọi pháo, cơ giới chọi cơ giới, tính toán con số trên giấy tờ, nặng về đánh vỗ mặt, v.v...

        Ba là, quán triệt quan điểm của ta về địa vị, tác dụng cụ thể của tùng binh chủng, quân chủng trong tác chiến hiệp đồng, phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam.

        Địa vị, tác dụng của mỗi binh chủng, quân chủng trong tác chiến hiệp đồng của ta đã được xác định đúng đắn, xuất phát từ đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng ta, từ thực tế trưởng thành và phát triển của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, từ đặc điểm chiến trường Việt Nam và đặc điểm kẻ địch mà ta phải đánh thắng, từ kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh vũ trang lâu dài của ta. Chúng ta quyết không thể rập khuôn theo một công thức nào.

        Các binh chủng, quân chủng tác chiến theo chiến thuật hiệp đồng binh chủng. Chiến thuật hiệp đồng binh chủng của ta lấy bộ binh làm chủ, chứ không phải là chiến thuật bộ binh đơn thuần. Chiến thuật hiệp đồng binh chủng là kết quả của sự vận dụng tổng hợp tính chất, khả năng của mọi binh chủng, quân chủng cùng tham gia chiến đấu hay cũng có thể nói, đó là sự vận dụng tổng hợp chiến thuật của các binh chủng, quân chủng, trong đó chiến thuật của bộ binh giữ vai trò chủ đạo. Người chỉ huy binh chủng hợp thành, trong khi làm kế hoạch chiến đấu phải chiếu cố thích đáng đến tính năng kỹ thuật của binh chủng, không nên chỉ xuất phát đơn thuần từ khả năng của bộ binh. Nếu yêu cầu quá cao, không tính toán toàn diện đến khả năng, nhất là những khó khăn và đặc điểm của các binh chủng khác thì không thể đặt kế hoạch hợp đồng đúng đắn, kết quả sẽ là hợp đồng chuệch choạc, không phát huy được sức mạnh của các binh chủng, cũng tức là làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của chính mình.

        Ngược lại, đánh giá quá cao các binh chủng, quân chủng kỹ thuật, xem thường vai trò quyết định của bộ binh, xem thường khâu hợp đồng chủ yếu là bộ binh và pháo binh lại càng sai lầm.

        Những quan điểm trên đây đã chỉ rõ cách tác chiến hiệp đồng binh chủng của quân đội ta có nhiều điểm khác với cách tác chiến hiệp đồng của quân đội nhiều nước. Tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta phụ thuộc vào đường lối, tư tưởng quân sự và nghệ thuật quân sự của Đảng ta, vào con người và khả năng vật chất thực tế của ta, vào kinh nghiệm và truyền thống chiến đấu của ta, vào địa hình, thời tiết nước ta, vào đối tượng tác chiến của ta nên phải đánh theo cách đánh của Việt Nam ta. Ví dụ: xe tăng, pháo xe xích vẫn phải giữ yếu tố bí mật bất ngờ áp đảo địch; các binh chủng, quân chủng của ta cũng không thể luôn luôn hành động theo một kiểu cách nhất định mà phải linh hoạt trong thành phần hiệp đồng và lúc hiệp đồng về hướng, lúc hiệp đồng về thời gian, có trận lại hiệp đồng về khu vực, mục tiêu, v.v...

        Do đó, có thể rút ra một kết luận có tính chất nguyên tắc là, chúng ta phải đứng vững trên quan điểm thực tiễn của Đảng ta khi giải quyết mọi vấn đề nghiên cứu và huấn luyện tác chiến hiệp đồng. Chúng ta phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, hết sức đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, nghiên cứu giải quyết một cách sáng tạo mọi vấn đề tác chiến hiệp đồng theo cách đánh của ta, không nên lấy cách tác chiến hiệp đồng của sách vở nước ngoài rồi chế biến gia giảm thành cách tác chiến hiệp đồng của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:54:41 am »


        TIẾP TỤC NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ KỸ THUẬT, CHIẾN THUẬT CỦA CÁC BINH CHỦNG, QUÂN CHỦNG THEO CHIẾN THUẬT CỦA BỘ ĐỘI HỢP THÀNH VÀ TĂNG CƯỜNG HỢP LUYỆN Ở MỖI CẤP

        Thắng lợi tác chiến hiệp đồng binh chủng là do nhiều binh chủng, quân chủng cùng tham gia chiến đấu quyết định. Cho nên, cũng dễ hiểu là muốn tác chiến hiệp đồng thì trước hết phải huấn luyện thật tốt cho từng binh chủng, quân chủng, tạo cho từng binh chủng, quân chủng có khả năng chiến đấu thật vững chắc, đủ sức làm tròn chức năng của mình trong nhiệm vụ chiến đấu chung.

        Trong tác chiến hiệp đồng, hành động chiến đấu của các binh chủng liên quan rất chặt chẽ với nhau, “môi hở thì răng lạnh”, một bộ phận bị yếu là lập tức nhiều bộ phận khác đều chịu ảnh hưởng. Vì vậy, một yêu cầu có tính chất nguyên tắc trong huấn luyện tác chiến hiệp đồng là phải nâng trình độ các binh chủng, quân chủng lên một cách đồng đều. Càng tiến lên tác chiến với quy nô lớn thì yêu cầu này đòi hỏi càng cao. Theo phương hướng huấn luyện tích cực nhất, một mặt chúng ta phải có kế hoạch nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng giữa các binh chủng, quân chủng; mặt khác, từng binh chủng, quân chủng phải ra sức phấn đấu vươn lên, quyết không gây trở ngại cho các binh chủng, quân chủng khác trong chiến đấu hiệp đồng.

        Để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của các binh chủng, quân chủng, một vấn đề rất quan trọng hiện nay là cần phải xuất phát từ những tư tưởng chỉ đạo tác chiến, những quan điểm tác chiến hiệp đồng của quân đội ta, từ nhiệm vụ chiến đấu của quân đội ta và nhiệm vụ từng binh chủng, quân chủng, làm cho cán bộ và chiến sĩ nắm vững yêu cầu cách đánh của ta trong từng binh chủng, quân chủng để xoay quanh đó mà tập trung rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật. Ví dụ: yêu cầu đối với pháo binh là phải thực hiện cơ động nhanh chóng và bí mật, bắn chính xác, đồng thời tiết kiệm đạn mà hiệu suất lớn.

        Đối với mỗi binh chủng, những yêu cầu theo cách đánh của ta không thể đặt ra một cách tùy tiện, mà nó phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu nghiêm túc, dựa trên sự quán triệt tư tưởng chỉ đạo tác chiến, những quan điểm tác chiến hiệp đồng của quân đội ta cũng như nhiệm vụ và đặc điểm chiến đấu của ta hiện nay. Những yêu cầu cách đánh của ta được xác định đúng đắn trong từng binh chủng, quân chủng là phương hướng rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật của các binh chủng, quân chủng.

        Trên cơ sở xác định đúng đắn và làm quán triệt những yêu cầu cách đánh trong từng binh chủng, quân chủng, hiện nay cần phải chú trọng đẩy mạnh khâu huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật trong các binh chủng, quân chủng. Phải kiên quyết phấn đấu làm cho cán bộ và chiến sĩ trong mọi binh chủng, quân chủng đều thực sự làm chủ được vũ khí, phương tiện của mình, đạt trình độ cơ bản vững chắc và trình độ vận dụng thành thạo theo cách đánh của ta.

        Để đạt yêu cầu trên, cần giải quyết tốt mối quan hệ đúng đắn giữa huấn luyện cơ bản và ứng dụng trong huấn luyện kỹ thuật.

        Chúng ta phải chú ý đầy đủ đến mặt ứng dụng trong huấn luyện kỹ thuật, vì đó là yêu cầu của huấn luyện cần phải đạt tới, đặc biệt là trong hoàn cảnh huấn luyện thời chiến. Tuy nhiên, nếu vin vào hoàn cảnh huấn luyện thời chiến mà xem nhẹ huấn luyện cơ bản là không đúng, vì không có trình độ cơ bản vững chắc thì không có cơ sở để ứng dụng thành thạo. Lại cần thấy rằng, những cách đánh của ta đòi hỏi bộ đội có trình độ vận dụng kỹ thuật rất cao và linh hoạt.

        Trong huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng cũng phải kết hợp huấn luyện tắt với huấn luyện có hệ thống. Một mặt, trong thời gian huấn luyện tắt, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, chúng ta phải giải quyết thích đáng mối quan hệ giữa huấn luyện cơ bản và ứng dụng ngay trong từng nội dung huấn luyện và tổ chức, phương pháp huấn luyện. Sau đó, cần tận dụng mọi điều kiện và thời gian để không ngừng huấn luyện bổ sung một cách tương đối có hệ thống, củng cố và nâng cao không ngừng trình độ cơ bản của bộ đội trong chiến đấu. Cần làm cho việc kết hợp huấn luyện trong chiến đấu trở thành một nguyên tắc sinh hoạt tự nhiên của bộ đội: “giặc đến là đánh - giặc đi lại huấn luyện”, “đánh - huấn luyện - lại đánh...”. Chỉ có như vậy, trình độ tác chiến của bộ đội mới được nâng cao không ngừng và trở thành thiện chiến. Chống tư tưởng xem việc huấn luyện trong chiến đấu chỉ là vấn đề tranh thủ, làm cũng được, không cũng được, không có kế hoạch. Trong hoàn cảnh chiến tranh, nếu không tích cực kết hợp huấn luyện trong chiến đấu thì dần dần sẽ lạc hậu với thực tiễn chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:54:58 am »


        Muốn huấn luyện tốt về chiến thuật cho các binh chủng, quân chủng, trước hết cần đẩy mạnh việc nghiên cứu chiến thuật của từng binh chủng, quân chủng theo cách đánh của ta. Trên cơ sở quán triệt tư tưởng quân sự của Đảng và nắm vững yêu cầu cách đánh của ta, dựa vào kết quả đã đạt được trong những năm qua, chúng ta cần đề cao ý thức tự chủ, tự cường, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo để nghiên cứu cách đánh theo điều kiện thực tế và kinh nghiệm, truyền thống của ta, hoàn thiện chiến thuật của các binh chủng, quân chủng.

        Trong thực tế chấp hành nhiệm vụ chiến đấu, các binh chủng, quân chủng có tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng. Do đó, huấn luyện chiến thuật phải bảo đảm cho các đơn vị trong từng binh chủng, quân chủng có khả năng chiến đấu độc lập giỏi ở cấp mình cũng như trong tác chiến hiệp đồng với nhiều binh chủng, quân chủng. Phải chú trọng trước hết làm cho các phân đội bộ binh, pháo binh, phòng không, v.v... đánh độc lập giỏi và đánh hiệp đồng giỏi.

        Tác chiến hiệp đồng của ta lấy bộ binh làm chủ, vì vậy trong quá trình huấn luyện chiến thuật, các binh chủng phải hiểu chiến thuật bộ binh, nắm vững phương hướng lấy việc huấn luyện hiệp đồng với bộ binh làm chính, phục vụ đắc lực trước nhất cho bộ binh, phát huy sức mạnh tập thể các binh chủng nhằm mục đích tiêu diệt địch nhanh và gọn. Nhưng trong tác chiến hiệp đồng, không phải chỉ có một mối quan hệ duy nhất là quan hệ giữa các binh chủng với bộ binh. Ngoài mối quan hệ giữa bộ binh với các binh chủng, còn có mối quan hệ hiệp đồng chiến thuật giữa các binh chủng, quân chủng với nhau, như giữa công binh với xe tăng, công binh với pháo binh, pháo binh với xe tăng, pháo binh với cao xạ, pháo cao xạ với xe tăng, với không quân, không quân với xe tăng, với hải quân, v.v... Huấn luyện chiến thuật trong mỗi binh chủng, quân chủng không được bỏ qua việc giải quyết mối quan hệ này. Thực tiễn chiến đấu cho thấy rằng, nếu hiệp đồng về chiến thuật giữa các binh chủng đó không tốt thì cũng không thể có hiệp đồng tốt giữa các binh chủng với bộ binh.

        Từng binh chủng, quân chủng lại cần xuất phát từ nhiệm vụ chiến đấu của mình, tập trung huấn luyện thật tốt những hình thức chiến thuật cơ bản (tác chiến hiệp đồng và tác chiến độc lập) đã có quy định với từng đơn vị, bảo đảm học hình thức chiến thuật nào chắc hình thức chiến thuật ấy, cấp nào giỏi chiến thuật cấp ấy, đi từ huấn luyện tốt quan hệ tác chiến hiệp đồng trong từng binh chủng, quân chủng đến huấn luyện tốt tác chiến hiệp đồng giữa ba thứ quân và tác chiến hiệp đồng giữa các binh chủng, quân chủng.

        Trong quá trình huấn luyện, mọi binh chủng phải luôn luôn huấn luyện đơn vị cơ sở và huấn luyện chiến thuật của các cấp tiểu đoàn, trung đoàn... cho giỏi, đồng thời hết sức chú ý huấn luyện cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy. Các phân đội cơ sở là nơi trực tiếp chấp hành mọi ý định chiến thuật và nhiệm vụ chiến đấu của binh chủng. Cho nên, phải huấn luyện cho phân đội nhỏ có trình độ kỹ thuật, chiến thuật vững chắc, chính là cơ sở để rèn luyện chiến đấu hiệp đồng lớn hơn được tốt. Đồng thời phải huấn luyện cho thủ trưởng và cơ quan chỉ huy các cấp trong từng binh chủng, quân chủng, không chỉ nắm vững chiến thuật riêng của binh chủng mình, mà còn phải nắm vững chiến thuật của bộ đội hợp thành và một số nguyên tắc chiến thuật cần thiết của các binh chủng, quân chủng khác có liên quan. Cách đánh của ta đòi hỏi binh chủng này còn phải làm được một phần nhiệm vụ của binh chủng khác. Lại cần phải chú trọng đúng mức đến việc huấn luyện một số kỹ thuật, chiến thuật bộ binh cho cơ quan chỉ huy các cấp và các binh chủng, quân chủng để có thể bảo đảm chiến đấu tự vệ và tham gia chiến đấu trong tình huống cần thiết.

        Trên cơ sở huấn luyện tốt từng binh chủng, quân chủng, cần đẩy mạnh việc hợp luyện giữa các binh chủng và quân chủng. Hợp luyện là bước mà các binh chủng, quân chủng, vận dụng một cách tổng hợp kỹ thuật và chiến thuật riêng của mình để hiệp đồng tác chiến với các binh chủng khác theo chiến thuật của bộ đội hợp thành nhằm hoàn thành một nhiệm vụ chiến đấu nhất định. Nó là giai đoạn huấn luyện cần thiết để các binh chủng, quân chủng tiếp tục nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, giải quyết ăn khớp chặt chẽ về thời gian, địa điểm, mục tiêu hiệp đồng theo ý định tác chiến, tiếp tục hoàn thiện chiến thuật riêng của từng binh chủng và chiến thuật của bộ đội hợp thành.

        Trong giai đoạn hợp luyện, cần chú ý mấy vấn đề chính:

        Hợp luyện cần tiến hành theo nguyên tắc “nhiệm vụ chiến đấu như thế nào, đánh như thế nào thì hợp luyện như thế ấy”. Từng đơn vị cần tùy theo nhiệm vụ chiến đấu chiến trường hoạt động, các hình thức chiến thuật cơ bản sẽ sử dụng trong chiến đấu, khả năng có thể được cấp trên tăng cường, quy mô tác chiến, đối tượng tác chiến cụ thể... mà xác định nội dung và mức độ hợp luyện, tránh máy móc, rập khuôn. Chúng ta không đòi hỏi bất cứ đơn vị nào cũng hợp luyện đủ thành phần như nhau, mức độ như nhau. Việc hợp luyện trên địa hình nào, hợp luyện đến quy mô nào... đều xuất phát từ nhiệm vụ chiến đấu và điều kiện thực tế mà định.

        Sau khi đọc xong từng phần kỹ thuật, chiến thuật riêng của binh chủng, nhiều binh chủng đã chủ động liên hệ với bộ binh, với các binh chủng khác để tiến hành hợp luyện rộng rãi ở các cấp, ngay từ cấp phân đội dưới hình thức diễn tập bằng thực binh hoặc diễn tập thủ trưởng cơ quan, nhiều trường của các binh chủng và nghiệp vụ chuyên môn đã quan hệ chặt chẽ với học viện quân sự để hợp luyện cuối khóa. Đây là một kinh nghiệm huấn luyện tốt. Qua hợp luyện với nhau từ cấp phân đội, các binh chủng có điều kiện hiểu sâu chiến thuật của nhau, thông cảm những đặc điểm của nhau, từng bước kịp thời nhận rõ chỗ mạnh, chỗ yếu của mỗi binh chủng để giúp nhau phát huy và khắc phục ngay từ bước huấn luyện phân đội, xây dựng sự thống nhất về tư tưởng chiến thuật, thúc đẩy nhau tiến bộ, không ngừng tăng cường tình đoàn kết chiến đấu giữa các binh chủng, quân chủng. Nó đặt cơ sở chắc chắn cho việc hợp luyện ở cấp cao hơn trong tác chiến tập trung lớn hơn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM