Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 04:19:43 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33751 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:55:00 pm »


        Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn thực hiện nguyên tắc trên. Quân đội ta vốn có nhiều kinh nghiệm phong phú, sáng tạo trong việc huấn luyện chiến sĩ, phân đội nhỏ tinh nhuệ. Quân đội ta cũng có nhiều phân đội nhỏ đánh giỏi, thắng lớn cả trong tác chiến độc lập lẫn tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng, vì chúng ta đã quán triệt quan điểm, nguyên tắc huấn luyện chiến sĩ, phân đội nhỏ đánh giỏi làm cơ sở cho huấn luyện bộ đội tập trung đánh lớn. Qua 10 năm đánh Mỹ, nguyên tắc này càng sáng tỏ và bất di bất dịch. Huấn luyện như vậy là ta đã nghiêm chỉnh chấp hành tinh thần chỉ thị của Quân ủy Trung ương: Huấn luyện bộ đội phải đánh được trên các chiến trường và trong mọi tình huống, biết đánh trận địa, biết đánh vận động, biết đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn, đánh hiệp đồng binh chủng.

        Cán bộ cao cấp, trung cấp chúng ta phải nhận thức cho đúng vấn đề này để thấy rõ trách nhiệm của mình mà quan tâm rèn luyện tốt chiến sĩ và phân đội nhỏ nhằm nâng cao sức chiến đấu cho bộ đội tập trung đánh lớn.

        3. Huấn luyện cấp nào đánh giỏi chiến thuật theo biên chế tổ chức của cấp ấy, làm cơ sở cho hiệp dộng chiến thuật của cấp trên trực tiếp.

        Trong thực tế 10 năm đánh Mỹ, đến giai đoạn tác chiến hiệp đồng quy mô lớn, trên chiến trường miền Nam vẫn có rất nhiều mục tiêu nhỏ. Trong chiến đấu, ta vẫn gặp những mục tiêu địch là một tháp canh, một lô cốt, một cụm hỏa điểm với lực lượng một tiểu đội địch. Đó thường là đối tượng tác chiến của tiểu đội, trung đội ta. Một đội tuần tra của địch đi trên đường cũng là đối tượng đánh phục kích của tiểu đội, trung đội. Một đội cảnh giới của địch cũng là đối tượng đánh tập kích của tiểu đội, trung đội. Những mục tiêu nói trên nếu lớn hơn, số lượng địch nhiều hơn là đối tượng tác chiến của đơn vị lớn hơn như đại đội, tiểu đoàn... Vậy đối với mục tiêu nhỏ, ta có nên đem đơn vị lớn đi đánh không? Ví dụ: mục tiêu địch có một tiểu đội ta có cần đem một đại đội (đủ biên chế, trang bị) đi đánh không? Mục tiêu địch có một trung đội, ta có cần đem hết cả tiểu đoàn, trung đoàn đi đánh không? Trong chiến đấu, có trận và có lúc ta phải tập trung lực lượng lớn để đánh diệt một đơn vị nhỏ của địch, nhưng thông thường thì không như vậy.

        Trong tác chiến phòng ngự trận địa, một tiểu đội của ta có lúc đảm nhiệm tổ chức một trận địa cảnh giới phía trước hay bên sườn. Cũng có lúc tổ chức một trận địa chặn đánh địch ở phía trước trận địa chính để đánh tiêu hao lực lượng địch, buộc địch triển khai lực lượng sớm, bộc lộ ý định tiến công của chúng. Hoặc cũng có lúc chốt chặn địch buộc chúng phải đi vào hướng khác có lợi cho ta tiêu diệt. Như vậy tiểu đội của ta cũng cần phải giỏi về tổ chức trận địa phòng ngự và đánh phản kích. Trong thực tế chiến đấu, có lúc một tiểu đội của ta phòng ngự trận địa chốt chặn một tiểu đoàn địch, đánh bại nhiều đợt tiến công của địch, làm cho chúng không thể chiến được trận địa của ta. (Trận Tích Tường, Như Lệ (Quảng Trị) trong chiến dịch 1972, một tiểu đội của ta dùng lực lượng còn lại của mình tổ chức đánh phản kích, đã đánh lùi một đại đội địch tiến công chiếm chốt của ta).

        Thực tế chiến trường chứng minh rất rõ ràng, về phía bộ đội ta, lực lượng của một tiểu đội cũng có thể phản kích thắng lợi. Như vậy, nếu nói rằng tiểu đội không có chiến thuật là không đúng.

        Chiến thuật của cấp trên hình thành trên cơ sở tổng hợp chiến thuật của cấp dưới. Chiến thuật của cấp dưới nằm trong hình thái chiến thuật của cấp trên. Chiến thuật của cấp dưới và chiến thuật của cấp trên phải nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ, ăn khớp. Ý định chiến thuật của cấp dưới phải phục tùng ý định chiến thuật của cấp trên. Tuy vậy, chiến thuật của cấp dưới vẫn có phạm vi độc lập nhất định, vì nó tiếp xúc với nhiều tình huống rất cụ thể. Nó phải xử trí và tổ chức rất cụ thể trong phạm vi nhiệm vụ của cấp trên giao cho. Do đó, nếu chiến thuật cấp dưới không giỏi thì làm sao cấp dưới thông cảm và ăn ý với chiến thuật của cấp trên, làm sao cấp dưới có thể phát huy được tính chủ động và sáng tạo, nhanh chóng giải quyết được những tình huống cụ thể để bổ khuyết cho chiến thuật của cấp trên thêm hoàn thiện và thắng lợi.

        Biên chế tổ chức đơn vị chiến đấu của quân đội ta, thấp là tiểu đội cao là sư đoàn. Công tác giáo dục huấn luyện của ta phải bảo đảm cho mỗi cấp từ tiểu đội đến sư đoàn đánh giỏi chiến thuật của cấp mình. Ngoài ra từng người, từng tổ, cũng phải có chiến thuật của mình và cũng phải rèn luyện thật tinh nhuệ. Đây là vấn đề nguyên tắc, ta không có lý do gì chỉ tập trung huấn luyện chiến thuật cấp này mà bỏ lỏng không huấn luyện chiến thuật cấp kia.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2016, 12:58:59 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:55:41 pm »


        Trong trường hợp phải xây dựng lực lượng gấp rút, huấn luyện thời gian rất ngắn, ta phải thực hiện phương pháp huấn luyện tắt kết hợp với huấn luyện có hệ thống. Huấn luyện phải đi sâu vào những nội dung cần thiết trước mắt để đơn vị kịp thời đi chiến đấu được ngay. Người cán bộ phải có trình độ toàn diện: toàn diện về mọi mặt và toàn diện cả về mặt chiến thuật để có thể chủ động xử trí trong mọi tình huống, tự tổ chức được lực lượng, tổ chức chiến đấu và chỉ huy chiến đấu giỏi. Như vậy mới là người cán bộ có bản lĩnh. Trong huấn luyện, không nên để cán bộ chỉ biết từng việc, chỉ lệ thuộc vào cấp trên, chỉ biết làm nhiệm vụ một mũi trong đội hình chiến thuật cấp trên. Phải huấn luyện cho cán bộ luôn luôn có nhận thức đúng với yêu cầu của nhiệm vụ, có lúc phải tập trung đánh lớn, có lúc thì yêu cầu đánh vừa, có trường hợp phải yêu cầu đánh nhỏ, khi yêu cầu phối hợp hiệp đồng quy mô lớn, lúc lại yêu cầu đánh độc lập đơn vị nhỏ. Nếu chúng ta không huấn luyện cán bộ, bộ đội cho giỏi theo hướng đó thì không thể đáp ứng được nhiệm vụ tác chiến của từng đơn vị, cán bộ các cấp không thể chủ động làm được nhiệm vụ độc lập, không tự khắc phục được khó khăn, không biết tự tổ chức lực lượng và hỏa lực của bản thân để giải quyết chiến đấu.

        Có đồng chí băn khoăn: nguyên tắc là huấn luyện cấp nào giỏi chiến thuật cấp ấy, vậy chiến thuật của cấp trên thì sao? Xin hỏi lại: khi huấn luyện chiến thuật tiểu đoàn, các đại đội không nằm trong đội hình tiểu đoàn thì nằm ở đâu? Khi huấn luyện trung đoàn, nếu các tiểu đoàn không nằm trong đội hình trung đoàn thì sao thành chiến thuật của trung đoàn được? Ví dụ: tiểu đoàn đánh phục kích thì có đại đội làm nhiệm vụ chặn đầu, có đại đội khóa đuôi, có đại đội đánh ở giữa. Vậy các đại đội đó rõ ràng nằm ở trong đội hình chiến thuật của cấp tiểu đoàn. Nhưng cũng không phải vì thế mà cho rằng “đại đội chặn đầu” hay “đại đội khóa đuôi” là chiến thuật hoàn chỉnh của đại đội được. Cũng không thể chỉ huấn luyện cho đại đội biết một nhiệm vụ khóa đuôi mà không huấn luyện hoàn chỉnh chiến thuật phục kích cho đại đội. Đã gọi là chiến thuật phục kích của đại đội thì cán bộ đại đội phải biết nghiên cứu địa hình, phán đoán quy luật hành quân của địch, bố trí bộ phận chặn đầu, bộ phận khóa đuôi, các trung đội đánh giữa, đặt tín hiệu, ám hiệu, tổ chức chỉ huy, quyết định thời cơ nổ súng và xuất kích, v.v... Huấn luyện như vậy mới gọi là chiến thuật hoàn chỉnh của đại đội.

        Qua thực tế mấy chục năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng ta đã có nhiều sư đoàn đánh giỏi trong hoàn cảnh phải tác chiến liên miên, thời gian huấn luyện quy mô lớn rất hạn chế. Đó chính là vì ta đã huấn luyện đơn vị cơ sở giỏi, huấn luyện cho từng cấp đều đánh giỏi chiến thuật cấp mình, trên cơ sở đó huấn luyện hiệp đồng chiến thuật của cấp trên, đưa đơn vị tiến lên từng bước một cách vững chắc.

        4. Huấn luyện đánh giỏi hiệp đồng xung lực với hỏa lực theo biên chế trang bị cơ bản của đơn vị, lấy đó là cơ sở để huấn luyện đánh giỏi hiệp đồng binh chủng khi được tăng cường.

        Ta lấy ví dụ: một tiểu đội có đủ quân số, có tiểu đội trưởng, tiểu đội phó, có đủ chiến sĩ. Trang bị của tiểu đội có súng trường, tiểu liên, súng chống tăng, v.v... Súng trường có tầm bắn xa, tiểu liên có tốc độ bắn nhanh, súng chống tăng có sức xuyên mạnh, v.v...

        Với một tiểu đội đầy đủ như vậy, cần có một tiểu đội trưởng biết quản lý tiểu đội, hiểu được tâm tư tình cảm, sở trường sở đoản của từng chiến sĩ. Trong quá trình giáo dục, huấn luyện, phải tìm cách phát huy hết mọi sở trường, bổ khuyết những sở đoản của từng người làm cho toàn tiểu đội thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, hiệp đồng ăn ý với nhau giữa ba người trong tổ, giữa ba tổ trong tiểu đội. Như vậy trong chiến đấu, tiểu đội trưởng phải nắm hàng chục chiến sĩ, hàng chục khẩu súng các loại. Nếu không biết tổ chức, không biết chỉ huy thì các chiến sĩ sẽ tiến lung tung và bắn lung tung, chiến đấu sẽ không có hiệu lực hoặc rất ít hiệu lực, có khi lại tự gây thương vong nữa. Trong chiến đấu, người tiểu đội trưởng phải giỏi chiến thuật, giỏi tổ chức lực lượng, giỏi tổ chức hỏa lực của tiểu đội Ví dụ, khi chỉ huy tiểu đội đánh mục tiêu có công sự, người tiểu đội trưởng phải biết tổ chức cho tổ nào dùng hỏa lực gì để tiến công, tổ nào dùng hỏa lực gì để kiềm chế và bịt hỏa điểm của địch, tổ nào dùng hỏa lực gì để đánh thọc sâu, tổ nào dùng hỏa lực gì làm nhiệm vụ nghi binh thu hút địch về hướng đó. Trong khi phát triển tiến công, gặp khó khăn thì phải biết cách xử trí, điều tổ này lên, tập trung hỏa lực vào một hướng nào để dứt điểm, v.v...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2016, 12:59:39 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:00:21 am »


        Biên chế của trung đội có các tiểu đội, biên chế đại đội có các trung đội, có hỏa lực súng máy, súng cối, súng chống tăng. Người chỉ huy trung đội, đại đội phải biết tổ chức lực lượng, tổ chức hỏa lực, vận dụng tốt các hình thức chiến thuật. Khi tổ chức chiến đấu, phải tùy theo nhiệm vụ chiến đấu và đối tượng chiến đấu cụ thể mà xác định cần dùng hỏa lực gì, cần bao nhiêu, cần tập trung hỏa lực nào vào hướng này hay mục tiêu kia để dứt điểm. Trong chiến đấu, tình huống diễn biến, có những mục tiêu xuất hiện bất ngờ, hoặc đơn vị gặp khó khăn không phát triển được; lúc đó cán bộ chỉ huy phải lập tức tổ chức và chỉ huy đơn vị tiến công, điều hỏa lực tới chi viện hiệp đồng nhịp nhàng giữa hỏa lực và xung lực.

        Nói tóm lại, cán bộ chỉ huy phải giỏi tổ chức lực lượng theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, phải biết sử dụng thành thạo hỏa lực của đơn vị đúng với tính năng chiến thuật,đúng mức, đúng mục tiêu, đúng thời cơ của từng loại vũ khí, phải giỏi tổ chức hiệp đồng các loại hỏa khí đó thành một sức mạnh tổng hợp, không bỏ quên, bỏ sót một loại nào, không sử dụng tùy tiện làm hạn chế lẫn nhau. Người cán bộ chỉ huy phải luôn luôn tìm mưu này kế kia để tiêu diệt địch, không trông chờ, không ỷ lại vào trên, chẳng hạn gặp một hỏa điểm cũng yêu cầu pháo, một tốp bộ binh địch cũng gọi pháo, gặp khó khăn thì phải có xe tăng, khi vấp váp thì yêu cầu cấp trên chi viện. Đó là thói quen có hại. Muốn bỏ thói quen đó, phải huấn luyện đơn vị nào cũng biết tận dụng vũ khí trong biên chế của mình để tiêu diệt địch, tiến lên hoàn thành nhiệm vụ. Đây là vấn đề cơ bản nhất, làm cơ sở cho việc huấn luyện tác chiến hiệp đồng với các loại trang bị vũ khí được tăng cường.

        Cán bộ có được huấn luyện giỏi và về tổ chức, có thạo về sử dụng hỏa lực của bản thân đơn vị thì khi được phối thuộc, tăng thêm đơn vị, sẽ không bỡ ngỡ về tổ chức và chỉ huy. Có quen tổ chức sử dụng hỏa lực của đơn vị được trang bị thì khi được tăng cường hỏa lực của cấp trên hoặc binh chủng khác mới có cơ sở để biết cách tổ chức hiệp đồng tốt. Cán bộ các cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn cũng vậy, không giỏi sử dụng hỏa lực của bản thân đơn vị thì khi được tăng cường càng nhiều bao nhiêu càng làm cho cán bộ khó khăn, lúng túng bấy nhiêu.

        Vì vậy có chú trọng huấn luyện sử dụng vũ khí, trang bị trong biên chế cho thành thạo thì mới nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy của cán bộ. Trong chương trình học tập của cán bộ các cấp, phải có nội dung học tập một phần chương trình cấp trên kể cả học tập sử dụng một số vũ khí trang bị của cấp trên, hiểu biết một số tính năng chiến thuật của các binh chủng và cố tạo điều kiện để hợp luyện được với các binh chủng của cấp trên từ một đến hai cấp. Hơn nữa, chúng ta phải thấy rằng trong thực tế chiến đấu không phải lúc nào các đơn vị cũng đều có đầy đủ tổ chức biên chế, có đầy đủ vũ khí tăng cường và hỏa lực chi viện. Có thể hoặc do bị thương vong nên quân số xộc xệch, trang bị thiếu hụt, hoặc có khi phải đảm nhiệm một nhiệm vụ độc lập nào đó, xa sự chi viện của cấp trên. Do đó cũng cần phải chú ý thích đáng đến việc huấn luyện cho bộ đội ta có thể tác chiến thành thạo ngay cả trong trường hợp biên chế trang bị không đầy đủ.

        5. Xây dựng quyết tâm chiến đấu cao là quá trình rèn luyện kỹ thuật và chiến thuật thành thạo. Kỹ thuật, chiến thuật giỏi là cơ sở và điều kiện để xây dựng quyết tâm chiến đấu cao.

        Quyết tâm chiến đấu là lòng tin chiến đấu thắng lợi. Xây dựng quyết tâm tức là xây dựng lòng tin cho cán bộ và chiến sĩ. Một người đã từng thành thạo công việc nào đó khi được giao công việc ấy, thường rất tự tin rằng mình sẽ làm được tất. Người nông dân thạo cày cất, người thợ mộc thạo dùng cưa, dùng đục... rất tự tin ở nghề nghiệp của họ, không có tình trạng lúng túng, vừa làm vừa sợ hỏng. Cũng như một người giỏi võ lại có vũ khí trong tay thì đi đêm sẽ không sợ kẻ gian, mà tự tin sẽ đánh được kẻ gian ám hại.

        Bản lĩnh chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ gồm hai mặt: chính trị tư tưởng và nghệ thuật chiến đấu. Đi đôi với việc giáo dục chính trị, quán triệt tình hình và nhiệm vụ, xây dựng trách nhiệm chính trị và ý chí chiến đấu, việc trau dồi nghệ thuật chiến đấu cho cán bộ và chiến sĩ là một việc rất quan trọng. Có thể nghệ thuật chiến đấu cao thì quyết tâm chính trị mới thực sự có cơ sở vững chắc. Nghệ thuật chiến đấu của cán bộ và chiến sĩ là kỹ thuật, chiến thuật, công tác chuyên môn nghiệp vụ và nghệ thuật chỉ huy. Vì vậy, quá trình rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật chính làm quá trình xây dựng quyết tâm chiến đấu cao cho cán bộ và chiến sĩ. Cán bộ quân sự cần thấy rõ đó là trách nhiệm của mình để trong khi rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật đem hết sức mình rèn luyện cho đơn vị thật giỏi, thật tinh nhuệ. Cán bộ phải hết sức nghiêm cách, không được tha thứ hoặc bỏ qua bất cứ một hành động sai nhỏ nào. Cán bộ quân sự phải thông qua huấn luyện quân sự mà gắn chặt chính trị tư tưởng với kỹ thuật, chiến thuật. Phải làm cho kỹ thuật và chiến thuật toát ra được tính tư tưởng và tính chiến đấu, làm cho cán bộ và chiến sĩ dũng cảm, tinh khôn, mưu mẹo, có bản lĩnh chiến đấu cao. Như vậy, dù đứng trước kẻ thù nào, gặp tình huống nào, cán bộ và chiến sĩ ta cũng đều có lòng tin tất thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:00:50 am »


       6. Rèn luyện cán bộ và cơ quan các cấp trong khi huấn luyện bộ đội.

        Năng lực tổ chức chỉ huy của cán bộ và cơ quan các cấp trước khi được kiểm nghiệm trên chiến trường, thì bước đầu phải được cùng đơn vị mình rèn luyện và kiểm nghiệm trên bãi tập. Đó là bước rất quan trọng.

        Dù cán bộ và cơ quan có năng lực đến đâu cũng phải qua bước huấn luyện cơ bản. Trong bước này, phải tập những tình huống cơ bản về địch, ta, tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ huy, xử trí tình huống cơ bản... Trên cơ sở đó dần dần nâng lên rèn luyện theo tình huống phức tạp gần sát với thực tế chiến đấu. Trong công tác chuẩn bị rèn luyện bộ đội, có cán bộ và cơ quan cùng rèn luyện, phải xây dựng thành phương án và kế hoạch tác chiến, chuẩn bị mọi công tác bảo đảm và tổ chức chỉ huy, v.v... như một cuộc chiến đấu thật. Khi thực hành rèn luyện, cán bộ chỉ huy phải vận dụng thay đổi các hình thức chiến thuật, trong một khoảng thời gian ngắn phải xoay chuyển cách đánh, tổ chức chiến đấu, tổ chức chỉ huy cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Cán bộ và cơ quan các cấp phải thành thạo về chức trách nghiệp vụ và tổ chức chỉ huy thì mới bảo đảm cho mọi khâu rèn luyện ăn khớp với nhau. Rèn luyện cán bộ và cơ quan khi bộ đội tập luyện là một dịp tốt, vì có bộ đội thực trên địa hình thực, các cấp cán bộ lúc đó nằm ở vị trí chỉ huy của mình phải thực sự điều khiển bộ đội. Qua rèn luyện, trực tiếp hoạt động và chỉ huy đơn vị, cán bộ sẽ thấy mình tổ chức như thế đã được chưa, thông tin có bảo đảm không, chỉ huy chỗ nào đúng, chỗ nào sai, chỗ nào kín, chỗ nào hở, bộ đội bộc lộ ra những điểm nào mạnh, điểm nào yếu, v.v... Qua hoạt động thực tế, cán bộ và chiến sĩ sẽ thấy được sở trường, sở đoản của nhau để dần dần bổ khuyết cho nhau, đi đến thống nhất tư tưởng và hành động, trên dưới ăn ý với nhau. Cơ quan các cấp cũng sẽ thấy chỗ nào ăn khớp, chỗ nào không ăn khớp trong nội bộ cơ quan, trong việc tổ chức hiệp đồng giữa các binh chủng và công tác bảo đảm cho trận chiến đấu. Cán bộ và cơ quan có luôn luôn tự đặt mình vào trong cuộc rèn luyện bộ đội thì mới thành thạo và không ngừng nâng cao được trình độ tổ chức chỉ huy, trình độ nghiệp vụ đơn vị trên dưới mới ăn khớp và nhất trí. Vừa qua, có cán bộ và cơ quan chỉ phóng ra một phương án, chương trình, kế hoạch và yêu cầu nội dung rèn luyện bộ đội, sau đó đứng làm quan sát viên xem bộ đội tập rồi nhận xét chung chung, hoặc bỏ mặc bộ đội huấn luyện còn mình thì ở nhà họp hành, nghỉ ngơi... Tình trạng đó không được khắc phục dứt khoát đơn vị không thể trưởng thành. Thực tế chiến đấu vừa qua đã chứng minh rất rõ, đơn vị nào cán bộ và cơ quan lười biếng không tập luyện hoặc ít tập luyện cùng bộ đội thì khi chiến đấu sẽ lúng túng, gặp khó khăn. Và mặc dầu bộ đội chiến đấu rất dũng cảm, song thắng lợi bị hạn chế, chẳng những thế còn bị tổn thất nữa.

        Vì vậy, để đánh tập trung, đánh lớn, đánh hiệp đồng binh chủng thì cán bộ và cơ quan càng phải học tập nhiều hơn. Cán bộ và cơ quan phải tập chỉ huy có phương tiện thông tin, tập chỉ huy có bộ đội thật tại bãi tập, theo tình huống gần sát với chiến đấu. Mỗi khi bộ đội luyện tập, cơ quan và cán bộ chỉ huy phải tranh thủ đặt mình vào cuộc luyện tập để triển khai công tác cơ quan và tổ chức chỉ huy. Ví dụ: một tiểu đoàn tập chiến thuật thì cơ quan và cán bộ trung đoàn phải tranh thủ triển khai luyện tập công tác cơ quan và tổ chức chỉ huy thực hành điều khiển và bảo đảm cho trận đánh, cho đợt chiến đấu nhiều trận liên tục. Một trung đoàn luyện tập chiến thuật thì một phần cơ quan sư đoàn và cán bộ chỉ huy sư đoàn cần tranh thủ triển khai luyện tập.

        Đó chính là biện pháp rèn luyện, nâng cao sức chiến đấu của bộ đội, cán bộ chỉ huy và cơ quan một cách thực tế và nhanh chóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:02:19 am »


        Ý NGHĨA QUAN TRỌNG VÀ MỘT SỐ ĐIỂM CẦN NẮM VỮNG TRONG TỔ CHỨC, PHƯƠNG PHÁP HUẤN LUYỆN

        1. Tổ chức và phương pháp huấn luyện là một khâu rất quan trọng để biến quan điểm, tư tưởng và nội dung quân sự của ta trở thành sức mạnh thực sự.


        Có nội dung huấn luyện đúng lại phải có tổ chức và phương pháp huấn luyện đúng mới bảo đảm cho bộ đội biến nội dung đó thành động tác kỹ thuật, chiến thuật cụ thể. Cũng như có lý luận cách mạng đúng đồng thời lại phải có phương pháp cách mạng thích hợp thì mới đưa cách mạng mau chóng đến thắng lợi. Tổ chức, phương pháp không có tính chất quyết định như quan điểm, tư tưởng, nhưng phương pháp đúng hay không đúng có thể có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đối với việc tiếp thu và quán triệt quan điểm, tư tưởng.

        Khi nội dung huấn luyện đã được xác định thì sau đó tổ chức và phương pháp là vấn đề hàng đầu, bảo đảm cho cán bộ và chiến sĩ tiếp thu tốt và biến quan điểm, tư tưởng quân sự, nội dung huấn luyện thành hành động thực tế để đánh thắng địch trên chiến trường.

        Không thể có tổ chức và phương pháp huấn luyện nào tách rời quan điểm, tư tưởng. Nội dung huấn luyện quân sự của quân đội ta được xây dựng trên cơ sở đường lối quân sự của Đảng, chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân... Vì vậy tổ chức và phương pháp huấn luyện cũng phải thể hiện đầy đủ tính chất cách mạng, tính chất nhân dân.

        Mục đích của giáo dục, huấn luyện là xây dựng cho người chiến sĩ của ta làm chủ được kỹ thuật, chiến thuật, trang bị, vũ khí... Trang bị, vũ khí dù hiện đại đến đâu cũng chỉ phát huy được đầy đủ sức mạnh khi người sử dụng nó thực sự làm chủ được nó.

        Biết bao chiến công kỳ diệu của các binh chủng kỹ thuật trên các chiến trường đã chứng minh sức mạnh vô địch của con người làm chủ trang bị, vũ khí, làm chủ khoa học kỹ thuật và từ đó cũng làm chủ được mọi tình thế, lúc bình thường cũng như lúc hiểm nghèo. Sức mạnh vô địch đó được xây dựng trên cơ sở giác ngộ chính trị và tinh thần chiến đấu cao, đi đôi với trình độ chiến thuật, kỹ thuật điêu luyện. Hai mặt có quan hệ hữu cơ với nhau trong một thể thống nhất, là cơ sở cho con người làm chủ trang bị, vũ khí, làm chủ khoa học kỹ thuật. Vì vậy, trong giáo dục, huấn luyện, ta coi giáo dục chính trị, tư tưởng là cơ sở, phải giáo dục một cách thường xuyên, đồng thời cũng hết sức coi trọng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và khoa học kỹ thuật đạt tới trình độ thành thạo.

        Giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự phải kết hợp chặt chẽ với nhau và đều nhằm mục đích hoàn thành mọi nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, sản xuất và công tác. Ngoài việc giáo dục chính trị, quán triệt tình hình nhiệm vụ, lãnh đạo tư tưởng thường xuyên, công tác chính trị còn phải đi sâu vào giải quyết cụ thể các vấn đề nhận thức, tư tưởng, tâm lý... theo yêu cầu của chiến thuật, kỹ thuật. Quá trình huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật đồng thời là quá trình giáo dục tư tưởng, xây dựng quyết tâm, xây dựng lòng tin mà người cán bộ quân sự và chính trị đều phải tiến hành. Như vậy, người làm công tác chính trị có hiểu nội dung quân sự thì công tác lãnh đạo, giáo dục mới cụ thể, thiết thực. Ngược lại, người chỉ huy quân sự có biết làm công tác chính trị trong quá trình huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật thì công tác huấn luyện mới có sức sống và đạt kết quả cao.

        Tin tưởng, mưu trí và sáng tạo là những đức tính không thể thiếu của mỗi cán bộ và chiến sĩ, cần được xây dựng và bồi dưỡng thường xuyên trong quá trình huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật. Xây dựng và bồi dưỡng được những đức tính đó thông qua nội dung quân sự thực ra không phải đơn giản. Người dạy và người học phải tốn công sức tìm tòi, nghiên cứu và rèn luyện, nhất là phải qua thực tế khảo nghiệm dần dần từng bước mới thu được kết quả tốt.

        Các đồng chí bộ đội tinh nhuệ vừa qua làm được những việc phi thường, chiến đấu với hiệu suất rất cao, hiệu quả rất lớn. Đó là vì các đồng chí đã có phương pháp huấn luyện rất cụ thể, rất sát với yêu cầu chiến đấu và phát huy được cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ, tin tưởng vững chắc ở trình độ kỹ thuật, chiến thuật điêu luyện của mình. Nếu trong huấn luyện, không dày công luyện tập thành thục từ kỹ thuật ngụy trang ở các loại địa hình khác nhau, các động tác chui luồn vật cản trở, kỹ thuật dò gỡ mìn cho đến các thủ đoạn khắc phục ánh sáng, cách đối phó với quân địch canh gác, tuần tra, luyện từ nhịp thở cho đến các cách chống ho hắng để tránh gây ra tiếng động, v.v... thì làm sao có thể thiên biến vạn hóa lọt vào ngay giữa lòng địch để tiêu diệt.

        Huấn luyện con người làm chủ kỹ thuật, chiến thuật là phải như vậy. Đó là yêu cầu cao mà tổ chức và phương pháp huấn luyện phải đáp ứng trong toàn bộ quá trình huấn luyện ở bất cứ một khoa mục nào, một động tác cơ bản nào.

        Ta rất coi trọng binh khí kỹ thuật, tận dụng sức mạnh của binh khí và phải làm chủ nó. Nhưng nếu phương pháp huấn luyện không đúng thì dễ dẫn tới buộc mình vào binh khí, sùng bái và ỷ lại nó; khi gặp khó khăn cứ giải quyết bằng cách tăng cường binh khí kỹ thuật là xong, không chịu khó suy nghĩ tìm ra cách đánh và cách lãnh đạo, v.v... Như vậy là sai trái về quan điểm và không đúng về phương pháp huấn luyện.

        Tất nhiên có xe tăng, có pháo binh thì ta phải tìm phương pháp huấn luyện để phát huy cao độ sức mạnh của xe tăng, pháo binh. Ngược lại, nếu có ít hoặc không có xe tăng, pháo binh, ta vẫn phải nghiên cứu tìm cách đánh tốt nhất, không thể vin cớ không có xe tăng hoặc thiếu pháo nên không đánh được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:02:48 am »


        2. Thực hiện dân chủ trong huấn luyện.

        Thực hiện dân chủ trong huấn luyện là truyền thống tốt đẹp của quân đội ta từ trước tới nay. Nhờ phát huy dân chủ trong huấn luyện, ta đã luôn luôn phát huy được tính sáng tạo của cán bộ và chiến sĩ, khai thác được nhiều kinh nghiệm quý giá, bổ sung và nâng cao không ngừng nội dung huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật. Chúng ta đã dựa trên cơ sở tự nguyện, tự giác rèn luyện với lòng yêu nước thiết tha bảo vệ Tổ quốc để phát huy dân chủ. Nhờ phát huy dân chủ nên thực hành huấn luyện có chất lượng cao, quần chúng tự giác tiếp thu và tích cực rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo. Giảng dạy có dẫn dắt, khêu gợi nhằm phát huy tính độc lập suy nghĩ của người học; khi học có thảo luận và kết luận rồi rèn luyện một cách thực sự; thường xuyên tiến hành bình dạy và bình học, đó là những hình thức thực hiện dân chủ ta thường áp dụng và thu được kết quả tốt từ trước tới nay.

        Vậy trong điều kiện xây dựng quân đội chính quy hiện đại ngày nay, phát huy dân chủ có gì đối lập với thực hành huấn luyện tập trung thống nhất theo thể thức chính quy, tức là nhất nhất đều làm theo đúng điều lệnh, chế độ và quy định hay không?

        Trước hết, cần xác định các điều lệnh, chế độ và quy định đã ban hành là pháp lệnh của quân đội mà mọi quân nhân đều có nghĩa vụ chấp hành. Dưới ánh sáng đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, mọi điều lệnh, chế độ và quy định đều được đúc kết từ thực tiễn sinh hoạt, công tác và chiến đấu mà biên soạn ra. Điều lệnh xác định những nguyên tắc và những điều cụ thể có tính chuẩn mực và phổ biến nhằm xây dựng thống nhất nền nếp trật tự, kỷ luật, nền nếp sinh hoạt và công tác, những nguyên tắc và thủ đoạn tác chiến, cách thức chỉ huy, v.v... bảo đảm sự nhất trí về tư tưởng, nhận thức và sự thống nhất hành động trong quân đội. Tập trung, thống nhất là yêu cầu không thể thiếu đối với một quân đội chính quy, hiện đại, tác chiến hiệp đồng binh chủng. Đó là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của quân đội. Vì vậy, việc giáo dục và huấn luyện những nội dung đó phải tiến hành dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất từ trên xuống. Ngay cả khi thời kỳ chiến tranh, dù gặp khó khăn này khác, chúng ta cũng phải hết sức tránh những hành động tản mạn, tùy tiện trong huấn luyện như: tự ý thay đổi các quy định, quy tắc chương trình huấn luyện; thích thì học, không thích thì thôi; mỗi nơi làm theo một kiểu... Đó là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn khi tác chiến tập trung, hiệp đồng binh chủng với quy mô lớn.

        Nhưng tập trung thống nhất hoàn toàn không có nghĩa là hạn chế và loại trừ phát huy dân chủ. Ngược lại, có phát huy dân chủ, đề cao tự giác của mọi người thì mới thực hiện được tập trung, thống nhất cao độ, tức là đạt tới sự nhất trí hoàn toàn từ trên xuống dưới về các vấn đề một cách thoải mái, thông suốt. Chất lượng huấn luyện cũng vì vậy mà được nâng cao.

        Chúng ta nên tránh hiện tượng muốn thống nhất một chiều, đi đến gò bó và miễn cưỡng trong dạy và học. Chẳng hạn, trong nhiều buổi tập bài chiến thuật hoặc diễn tập, thủ trưởng và cơ quan, giảng viên hoặc người chỉ đạo thấy người tập chưa thật tán thành phương án chỉ đạo đưa ra thì cố đạo diễn bằng những tình huống bổ sung hoặc các số liệu vô lý để gò người tập nhất thiết phải hạ quyết tâm và xử trí theo đúng phương án đã chuẩn bị. Còn người tập thì tìm cách làm bài cho ăn khớp với phương án của giảng viên hoặc người chỉ đạo diễn tập, nhưng tư tưởng vẫn không thông suốt, đợi lúc ra chiến đấu sẽ đánh theo phương án khác của mình. Đó là cách dạy và học không tốt, dễ đi tới học và làm không nhất trí, huấn luyện và tác chiến không nhất trí. Dĩ nhiên, ta không phủ nhận giá trị của phương án đã chuẩn bị, vì nó thường được lựa chọn trong những phương án tốt. Song không nên vội vàng tự cho đó là phương án duy nhất đúng, vả lại, dù cho đó là phương án tốt nhất đi nữa thì cũng không nên nôn nóng gò ép người tập phải công nhận một cách thụ động. Trước sau, người dạy vẫn phải kiên trì để người học độc lập suy nghĩ và tiếp thu một cách tự giác. Điều quan trọng bậc nhất là phải đạt được sự nhất trí về quan điểm, nguyên tắc. Còn như muốn nhất trí hoàn toàn cả về từng điểm cụ thể, chi tiết thì quả là khó. Trong thực tế chiến đấu cũng vậy. Chúng ta đã đánh hàng ngàn hàng vạn trận, có rất nhiều trận đã nhất trí về tư tưởng và nguyên tắc, nhưng về từng chi tiết cụ thể thì khó thấy được trận nào hoàn toàn giống trận nào. Các trận chiến đấu đã diễn ra muôn hình muôn vẻ do sức sáng tạo vô cùng phong phú của tập thể quần chúng.

        Tóm lại, chúng ta không nên vì huấn luyện theo thể thức tập trung thống nhất mà coi nhẹ phát huy dân chủ, hạn chế tính mưu trí, sáng tạo của quần chúng. Ngược lại, cũng không vì phát huy dân chủ mà thiếu tập trung, thống nhất đi đến tản mạn, tùy tiện. Tập trung thống nhất và phát huy dân chủ phải được thể hiện đầy đủ qua tổ chức và phương pháp huấn luyện trên giảng đường và bãi tập. Mỗi người, mỗi bộ phận luyện tập cần được hạ quyết tâm và xử trí theo sự suy nghĩ độc lập của mình, dĩ nhiên là phù hợp với ý định tác chiến và quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng. Các mặt công tác bảo đảm chiến đấu, bảo đảm vật chất của các ngành chuyên môn cũng phải căn cứ vào ý định và kế hoạch tác chiến thống nhất để luyện tập phần chuyên môn của mình, đạt tới thống nhất về tư tưởng, quan điểm, nguyện tắc và hành động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:03:32 am »


        3. Tổ chức, phương pháp huấn luyện phải dựa vào tinh thần tự giác, say mê dạy và học.

        Huấn luyện là để chiến đấu và chiến thắng. Vì vậy quyết tâm chiến đấu trước hết phải là quyết tâm rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu. Người dạy phải dạy đến nơi đến chốn, người học phải học và rèn bằng được với tinh thần hoàn toàn say mê tự giác. Dạy và học là nghĩa vụ, chức trách của mỗi cán bộ chỉ huy, mỗi cán bộ cơ quan và mỗi chiến sĩ. Trong những năm chiến tranh, tuy gặp nhiều khó khăn phức tạp, nhưng đã có biết bao đồng chí chúng ta nhận rõ trách nhiệm của mình, say mê với chức trách huấn luyện, không quản hy sinh, công sức để bám sát chiến trường và bãi tập, ngày đêm lăn lộn với bộ đội, phát huy được biết bao sáng kiến về tổ chức và phương pháp huấn luyện. Tất cả đều mong sao huấn luyện được tốt, chất lượng cao, nhằm mục đích chiến đấu thắng lợi với hiệu suất cao nhất, ít hao tổn xương máu nhất. Vì tình thương yêu binh sĩ thực sự, cán bộ ta đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, thực hành huấn luyện sâu sát, tỉ mỉ, chu đáo, nghiêm túc, không hạ thấp yêu cầu, không cắt xén chương trình, cũng không chạy theo thành tích giả tạo.

        Những người học cũng học tập, rèn luyện với tinh thần hoàn toàn tự nguyện, tự giác suy nghĩ, khổ luyện thành tài. Do yêu cầu khẩn trương của thời chiến, những thanh niên vừa rời ghế nhà trường và xa gia đình vào bộ đội đã bước ngay vào cuộc rèn luyện khá gian khổ. Chỉ một cuộc luyện tập hành quân đường dài, mang vác nặng cũng thay đổi nếp sống thông thường của anh em. Vì vậy, mỗi người phải có tinh thần tự nguyện, tự giác rèn luyện, tự mình khắc phục những khó khăn chưa quen lúc ban đầu đấu tranh với sự mỏi mệt, thiếu thốn, ăn ngủ thất thường, chịu nắng, chịu mưa, rèn từ đôi vai đến đôi chân. Nếu không có quyết tâm cao, tự nguyện tự giác rèn luyện thì không thắng nổi. Vì vậy, một mặt cán bộ phải kiên trì giáo dục động viên, thông cảm với những khó khăn của chiến sĩ, mặt khác lại phải có tổ chức và phương pháp huấn luyện tốt bảo đảm giúp đỡ cho các chiến sĩ trẻ vượt qua được các thử thách ban đầu và tự nguyện, tự giác dần dần ghép mình vào tổ chức nghiêm minh của quân đội cách mạng.

        4. Tổ chức, phương pháp huấn luyện phải sát với thực tế chiến đấu, tranh thủ huấn luyện giữa hai đợt chiến đấu.

        Trong thời chiến, chúng ta có rất nhiều điều kiện đưa tổ chức, phương pháp huấn luyện sát gần với thực tế chiến đấu, sát với nhiệm vụ, sát với đặc điểm của từng chiến trường (về địch, ta, địa hình, thời tiết, dân cư) mà đơn vị sắp nhận nhiệm vụ.

        Thực tiễn chiến đấu là thước đo chất lượng huấn luyện, giúp ta kiểm tra cụ thể nội dung, tổ chức và phương pháp huấn luyện.

        Thực tiễn chiến đấu vô cùng phong phú, luôn luôn phát triển không ngừng nên tổ chức và phương pháp huấn luyện cũng cần được luôn luôn nâng cao, cải tiến. Cần tránh những hiện tượng rập khuôn, máy móc hoặc tùy tiện, lỏng lẻo như:

        - Trong huấn luyện chiến thuật, bước vào tình huống có địch trước mắt rồi mà vẫn máy móc làm đúng bảy bước thao trường, vẫn chỉnh đốn trang bị, vẫn quay lưng về hướng địch...

        - Đã tiến vào cách ụ súng địch 5 - 6 mét mà vẫn máy móc nằm lại báo cáo và xin chỉ thị cấp trên làm cho chiến sĩ mất cả ý thức tiến công;

        - Một người tập ngắm súng lại có mấy người ngồi bó gối ở bên cạnh để kiểm tra, rất lãng phí thời gian và mất nghiêm túc;

        - Trong huấn luyện và diễn tập chiến thuật, dùng hệ thống đạo diễn cầm cờ quyết định tình huống cho cán bộ xử trí, biến đạo diễn thành người chỉ huy chứ không phải là cán bộ tập luyện chỉ huy bộ đội. Đành rằng, trong thực tế có khi ta dùng tình huống chiến thuật, có khi dùng gợi ý hoặc ra mệnh lệnh để uốn nắn cho người chỉ huy. Nhưng dù sao cũng nhất thiết phải tìm mọi cách buộc người chỉ huy phải động não, sáng tạo, mưu trí trong việc xử trí các tình huống;
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:04:20 am »


        - Ngoài ra, khi tập đội ngũ tay không hoặc khi nghỉ, có những cán bộ không cho chiến sĩ giá súng mà chỉ đặt súng xuống đất hoặc bãi cỏ ướt, khi bộ đội nghỉ không có người canh gác vũ khí, hàng ngũ lộn xộn, mất trật tự ở bãi tập, v.v...

        Huấn luyện như trên dễ gây cho cán bộ và chiến sĩ tác phong đại khái, thiếu ý thức địch tình, mất chủ động, mất cảnh giác... và khó tránh được tổn thất trong chiến đấu.

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đối phương của chúng ta là một đội quân xâm lược có tiềm lực lớn, lại đầu óc thực dụng, xảo quyệt, có điều kiện bổ sung, thay đổi phương tiện, thay đổi cách đánh rất nhanh. Đứng trước một kẻ địch như vậy, chúng ta cũng phải bổ sung lực lượng, cũng phải cải tiến phương tiện, trang bị cho phù hợp với yêu cầu mới, cách đánh mới. Tình hình trên đây đòi hỏi công tác huấn luyện phải hết sức nhạy bén với những cái mới xuất hiện trên chiến trường. Muốn vậy, công tác huấn luyện phải thường xuyên bám sát tình hình và nhiệm vụ mới, phải nắm vững đặc điểm chung và riêng của từng chiến trường, từng đơn vị trong từng thời kỳ, từng giai đoạn của chiến tranh để xác định đúng đắn nhiệm vụ, yêu cầu huấn luyện, phải bám sát chiến trường để thu thập kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, nâng cao nội dung huấn luyện, thực hiện “rút tỉa từ chiến trường, trả lại chiến trường”.

        Hai công việc trên phải gắn liền với nhau: không nắm vững tình hình và nhiệm vụ mới, huấn luyện sẽ không có phương hướng; không hiểu thực tiễn chiến trường sẽ không có nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện phù hợp. Những kỹ thuật, chiến thuật ta đã huấn luyện cho bộ đội nói chung đều có giá trị thực tiễn, chính vì ta đã nắm chắc phương hướng tổ chức huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ, theo kinh nghiệm của chiến trường. Trong mấy năm chống Mỹ, cứu nước vừa qua, từ cơ quan chỉ đạo đến các đơn vị chiến đấu, các binh chủng, quân chủng đều bỏ ra nhiều công sức để huấn luyện bộ đội sát với thực tế chiến đấu. Chẳng hạn: thường xuyên phái cán bộ đi chiến trường để theo dõi chiến đấu, sơ kết, tổng kết kinh nghiệm, kịp thời bổ sung chỉnh lý nội dung huấn luyện, cải tiến tổ chức, phương pháp huấn luyện cho phù hợp với yêu cầu mới. Nhờ đó, trong quá trình huấn luyện, ta đã hạn chế được những hiện tượng giả tạo, hình thức, giáo điều hoặc bảo thủ. Có thể lấy một số dẫn chứng, chẳng hạn: rèn luyện hành quân đường dài mang vác nặng kết hợp với chiến đấu liên tục là một trong những phương pháp huấn luyện tổng hợp để rèn luyện bộ đội về mọi mặt tư tưởng, quyết tâm, ý chí chiến đấu, chiến thuật, kỹ thuật, thể lực, tổ chức chỉ huy, tác phong sinh hoạt, ý thức tổ chức kỷ luật, v.v... Các hình thức luyện tập chiến thuật theo phương án chiến đấu, theo các chiến lệ, các cuộc diễn tập nghiên cứu chuyên đề, phổ biến và học tập những kinh nghiệm chiến đấu mới, v.v... đều là những tổ chức và phương pháp huấn luyện thiết thực, có tác dụng gắn liền huấn luyện với chiến đấu, rút ngắn khoảng cách giữa chiến trường và thao trường. Song, công tác huấn luyện thường chỉ làm được tốt và thường xuyên khi ở hậu phương, khi bộ đội ở xa địch, còn việc tranh thủ huấn luyện xen kẽ giữa hai trận đánh hoặc hai đợt chiến đấu ở chiến trường thì không phải đơn vị nào cũng làm được tốt.

        Trong điều kiện chiến trường phân tán, đi lại khó khăn, bom đạn ác liệt, mọi đơn vị đều bận vào việc chiến đấu trước mắt, ta càng phải thường xuyên tăng cường phổ biến trao đổi kinh nghiệm từ trên xuống dưới, giữa các đơn vị và các chiến trường. Vừa qua, mặc dầu có nhiều khó khăn nhưng ở các chiến trường, nhiều đơn vị đều làm tốt công tác huấn luyện trong chiến đấu. Vì chiến dịch không phải chỉ diễn ra trong vòng một - hai tháng mà có khi kéo dài hàng mười tháng nên phải có quân số bổ sung liên tục, có trang bị vũ khí mới, có cán bộ lên cấp thay thế, v.v... Nếu không tranh thủ huấn luyện trong chiến đấu thì chất lượng bộ đội nhất định giảm sút, không thực hiện được càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn. Vừa qua, trong điều kiện chiến đấu khẩn trương, các chiến trường, các đơn vị đã cố gắng liên tiếp mở nhiều lớp tập huấn ngắn ngày từ tiểu đội trưởng trở lên đến cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Các lớp bồi dưỡng xạ thủ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cũng được mở liên tục ngay tại mặt trận, tại chiến hào, tại sở chỉ huy. Vì thế chất lượng bộ đội thường xuyên được giữ vững và nâng cao không ngừng. Cho nên, để đáp ứng yêu cầu của thực tế chiến đấu, việc tranh thủ huấn luyện bổ sung tại trận là rất cần thiết, rất quan trọng. Chính đó là cơ sở thực tế để bộ đội chiến đấu liên tục dài ngày thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:04:45 am »


        5. Huấn luyện phải bảo đảm sẵn sàng chiến đấu.

        Sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của quân đội trong thời bình cũng như trong thời chiến, là nội dung phải giáo dục huấn luyện thường xuyên, tuy mức độ có lúc khác nhau.

        Với các loại binh khí, khí tài kỹ thuật ngày càng phát triển, dựa vào sức mạnh hỏa lực và khả năng cơ động, vận chuyển nhanh, kẻ địch ngày càng có nhiều khả năng tập kích bất ngờ trên không và mặt đất. So sánh với cuộc kháng chiến chống Pháp thì tình hình hiện nay rõ ràng khác xưa nhiều lắm. Với ưu thế cơ động vận chuyển đường không, quân Mỹ có thể mở những cuộc hành quân chớp nhoáng vào hậu phương ta. Chúng có thể đổ quân bất ngờ từ trên không xuống, đánh phá cơ quan, kho tàng hậu phương ta; chúng cũng có thể mở những cuộc tập kích bất ngờ ồ ạt bằng không quân đánh vào hậu phương ta, v.v…

        Vì vậy, tinh thần sẵn sàng chiến đấu của bộ đội phải rất cao. Dù ở sát gần chiến trường hay ở hậu phương xa dù nhiệm vụ tác chiến khác nhau, mọi đơn vị đều phải có kế hoạch sẵn sàng chiến đấu tại chỗ để đánh thắng địch tập kích bất ngờ từ trên không xuống, hoặc từ mặt đất và mặt biển tới, sẵn sàng có lệnh là cơ động được ngay và chiến đấu tốt.

        Để thực hiện hai yêu cầu trên, ngoài việc bố trí nội dung huấn luyện, việc xác định tổ chức, phương pháp huấn luyện cũng rất quan trọng.

        Để có thể sẵn sàng chiến đấu tại chỗ, các đơn vị phải căn cứ vào phương án chiến đấu tại chỗ để tiến hành huấn luyện cho bộ đội. Phải cùng với các cơ quan có liên quan tiến hành giáo dục và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu về mọi mặt (trật tự, sinh hoạt, công tác, huấn luyện, bảo đảm chiến đấu, v.v...). Đồng thời, thường xuyên tổ chức báo động theo các cấp khác nhau và tập hành quân di chuyển cũng là một phương pháp huấn luyện để tập dượt và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.

        Thực hiện huấn luyện tốt và sẵn sàng cơ động đi chiến đấu tốt là một nghệ thuật huấn luyện đối với cán bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu các cấp. Trong thời chiến, cần khéo kết hợp huấn luyện có hệ thống với huấn luyện tắt, huấn luyện toàn diện với huấn luyện trọng điểm, huấn luyện cơ bản với huấn luyện ứng dụng.

        Tổ chức, phương pháp huấn luyện giỏi thì bộ đội sẵn sàng chiến đấu cao, bản lĩnh chiến đấu giỏi. Bất cứ lúc nào có lệnh là bộ đội chiến đấu, cơ động được ngay, bất cứ lúc nào có địch là đánh được ngay.

        Sẵn sàng chiến đấu hiện nay không chỉ là yêu cầu đối với đơn vị chiến đấu mà từ các cơ quan chỉ huy, cơ quan hậu phương chiến dịch, chiến lược cho đến các phân dội trực thuộc, các kho trạm cũng đều phải có tổ chức, có kế hoạch rèn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Vì vậy phải huấn luyện chiến đấu tự vệ, huấn luyện một số chiến thuật bộ binh cần thiết cho các cơ quan và phân đội hậu phương cũng như các binh chủng chuyên môn kỹ thuật.

        Không chỉ riêng khi ở khu vực trú quân mà trong mọi hoạt động, khi hành quân, vận chuyển tiếp tế trên đường hoặc ngay trong khi đang huấn luyện, v.v... cũng đều phải sẵn sàng chiến đấu cao. Cần giáo dục và huấn luyện một cách thực sự, bảo đảm cho các bộ phận phục vụ ở phía sau như cấp dưỡng, tiếp tế, tải thương, quân y, thông tin, kho trạm, v.v... luôn luôn sẵn sàng chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:05:11 am »


        6. Tổ chức, phương pháp huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giáo dục xây dựng tư tưởng, tác phong với rèn luyện chiến thuật, kỹ thuật.

        Mục đích của huấn luyện quân sự là giáo dục và huấn luyện cán bộ và chiến sĩ làm chủ kỹ thuật, chiến thuật. Vì thế người làm công tác huấn luyện không thể chỉ truyền đạt kiến thức quân sự đơn thuần mà phải biết khéo léo tiến hành việc xây dựng tư tưởng, ý chí chiến đấu, tinh thần hy sinh dũng cảm, tính mưu trí sáng tạo cho cán bộ và chiến sĩ trong quá trình huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, chuyên môn, nghiệp vụ. Như vậy hoạt động của cán bộ và chiến sĩ mới là hoạt động sáng tạo, có ý thức. Ngoài việc xây dựng ý chí, quyết tâm, còn phải đi sâu vào từng vấn đề huấn luyện để xây dựng tư tưởng tích cực tiến công địch, tư tưởng đánh tiêu diệt, v.v... Khi huấn luyện chiến thuật, vấn đề rất quan trọng là phải thống nhất tư tưởng chiến thuật trong từng đơn vị từ trên xuống dưới. Không thống nhất tư tưởng chiến thuật thì khó thống nhất hành động, nhất là trong những tình huống khó khăn phức tạp của chiến đấu.

        Muốn cán bộ và chiến sĩ quán triệt tư tưởng, nguyên tắc chiến thuật thì phải thông qua thực tiễn huấn luyện, giáo dục đi lại nhiều lần, thậm chí phải đấu tranh để phát huy nhân tố tích cực, khắc phục nhân tố tiêu cực. Người làm công tác giáo dục tư tưởng trong huấn luyện quân sự không thể chỉ bằng lòng với những khẩu hiệu hô hào, kêu gọi chung chung. Trên cơ sở giáo dục tổng quát, phải đi sâu vào từng nội dung, tổ chức và phương pháp huấn quyện để tìm cách giải quyết tư tưởng triệt để, xây dựng được lòng tin thực sự ở chiến thuật.

        Đi đôi với giáo dục tư tưởng, phải biết kết hợp xây dựng tác phong khẩn trương, hoạt bát, tính tổ chức kỷ luật trong quá trình huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật. Không phải chỉ trong sinh hoạt, công tác mà huấn luyện cũng là một cơ hội rất tốt để rèn luyện cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thực sự có tác phong chiến đấu tốt và tính tổ chức kỷ luật cao, biến thành thói quen gần như bản năng con người.

        Kỹ thuật, chiến thuật là hai vấn đề khác nhau, nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Kỹ thuật là cơ sở của chiến thuật, phải đáp ứng yêu cầu của chiến thuật. Ngược lại, chiến thuật phải dựa trên cơ sở kỹ thuật mà phát triển. Trong huấn luyện quân sự, ta phải nắm vững nguyên tắc “có gì đánh nấy, trang bị như thế nào huấn luyện như thế ấy”, phải huấn luyện và đánh theo kiểu của ta, của Việt Nam. Vũ khí có thể thô sơ hay hiện đại, nhưng vấn đề quan trọng là biết sử dụng như thế nào để phát huy tính năng, tác dụng của nó với hiệu suất cao nhất. Thực tiễn đã chứng minh: cùng một loại máy bay, cùng một loại pháo nhưng quân đội mỗi nước sử dụng theo một kiểu cách khác nhau. Ngay trong một đơn vị, trong một trận, mỗi lúc, mỗi nơi cũng có cách sử dụng khác nhau. Đó là do cách đánh, tức là do chiến thuật quyết định, chưa kể yếu tố tinh thần của người dùng nó. Vì vậy, huấn luyện kỹ thuật không thể tách rời chiến thuật mà phải gắn liền với chiến thuật và phục vụ đắc lực cho chiến thuật. Cũng không thể nóng vội muốn học ứng dụng ngay, muốn đưa ngay kỹ thuật vào phục vụ chiến thuật mà coi nhẹ huấn luyện cơ bản. Huấn luyện như vậy dĩ nhiên cũng đạt được kết quả nhất định, nhưng không vững chắc và không toàn diện vì chỉ hạn chế trong những điều kiện, tình huống nhất định nào đó mà thôi. Trong quá trình huấn luyện kỹ thuật, phải nói rõ cho người học biết mục đích sử dụng kỹ thuật nhằm phục vụ ý định chiến thuật gì, tình huống địch và địa hình ra sao, v.v...

        Cũng cần tránh hiện tượng khi huấn luyện kỹ thuật thì không chú ý đến chiến thuật, ngược lại khi huấn luyện chiến thuật thì không chú ý củng cố nâng cao kỹ thuật. Huấn luyện chiến thuật và kỹ thuật tách rời nhau thì chắc chắn chất lượng huấn luyện kỹ thuật cũng như chiến thuật đều không thể tốt. Đây là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết đúng đắn trong phương pháp huấn luyện.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM