Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:33:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33591 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:48:22 pm »


        6. Tăng cường huấn luyện chiến đấu cho dân quân tự vệ vùng ven biển.

        Để theo kịp tình hình ngày càng phát triển và để làm tròn nhiệm vụ phòng thủ và trị an, cần chú trọng huấn luyện chiến đấu cho dân quân tự vệ. Đó là một trong những nhiệm vụ trung tâm của dân quân tự vệ vùng ven biển. Công tác huấn luyện quân sự tiến hành trong hoàn cảnh sản xuất ngày càng được đẩy mạnh, yêu cầu chất lượng huấn luyện chiến đấu ngày càng cao, nhiệm vụ phòng thủ, trị an, sẵn sàng chiến đấu đòi hỏi hết sức khẩn trương, do đó cần nắm vững phương châm: “Dựa vào nhân dân, kết hợp huấn luyện với sản xuất, huấn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ của từng đối tượng, từng đơn vị, từng vùng thích hợp với trang bị, địa hình, tập quán từng nơi, lấy chất lượng huấn luyện làm chủ yếu...”.

        Miền ven biển có đặc điểm riêng về nhiều mặt, cho nên nội dung huấn luyện quân sự cần được vạch ra một cách thiết thực hợp với từng đối tượng.

        Ngay việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị ở mỗi vùng, cũng cần thích hợp với tính chất sản xuất và đặc điểm tình hình địa phương, thí dụ: Giao nhiệm vụ cho đơn vị đi biển lâu ngày khác với nhiệm vụ đi biển ngắn ngày, nhiệm vụ đơn vị làm ruộng khác với nhiệm vụ đơn vị vừa làm muối vừa đánh cá. Ngoài những vấn đề xây dựng và huấn luyện có tính chất chung và lâu dài thì dân quân tự vệ vùng ven biển cần căn cứ vào nhiệm vụ của mình để huấn luyện cho thích hợp. Nếu giao nhiệm vụ không thích hợp thì nội dung luyện tập sẽ không sát với nhiệm vụ thực tế, khi cần đến dân quân sẽ bỡ ngỡ không làm tròn nhiệm vụ. Nội dung huấn luyện dân quân tự vệ vùng ven biển có thể nghiên cứu từ thói quen sinh hoạt nghề nghiệp mà vận dụng sang các hình thức kỹ thuật, chiến thuật quân sự, kết hợp huấn luyện các hình thức tác chiến du kích với các hình thức tác chiến phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch ở mọi nơi, mọi lúc bằng mọi hình thức có thể đảm nhiệm được. Ví dụ: thông tin báo động có thể dùng hình thức “lên chiêu” của đồng bào đánh cá truyền tin cho nhau khi ra biển. Đội hình đánh cá thì vận dụng sang đội hình chiến đấu hợp vây trên mặt biển, v.v… Đối với các nguyên tắc động tác kỹ thuật, chiến thuật chung, cần vận dụng vào miền biển một cách linh hoạt như qua luyện tập cơ bản trên đất liền, rồi dần dần tiến tới học tập trên mặt nước, tập trên thuyền tròng trành với mục tiêu nhấp nhô theo sóng biển. Dân quân tự vệ nhiều xã đã tập nằm trên bờ ngắm mục tiêu nhấp nhô ngoài biển, hoặc tập bắn trên thuyền, người bắn và mục tiêu cùng nhấp nhô theo sóng biển. Có nơi tổ chức tập bắn, tập ném lựu đạn trên bãi biển, trong rừng phi lao, tập động tác chiến đấu trong bãi lầy sú vẹt. Cần coi trọng lối đánh du kích phối hợp với chủ lực để tiêu hao, tiêu diệt địch. Tuyệt đối không nên coi thường lưỡi mác, gậy tầm vông, không nên coi thường chông, mìn, cạm bẫy, đánh chim sẻ, đánh chặn đường, đánh quấy rối, v.v...

        Trong huấn luyện chiến đấu cho dân quân tự vệ cần ra sức nghiên cứu nâng cao chất lượng huấn luyện, cải tiến, bổ sung nội dung huấn luyện cho phù hợp với tình hình ngày càng phát triển. Chống hình thức phô trương, thiếu thiết thực, lấy thực tế chiến đấu trước mắt và lâu dài làm tiêu chuẩn.

        Về tổ chức và phương pháp huấn luyện, nhiều nơi đã biết kết hợp huấn luyện với sản xuất và đã dần dần đi vào nền nếp thường xuyên. Qua nhiệm vụ sản xuất mà hoàn thành công tác huấn luyện quân sự và ngược lại thực hiện tết nhiệm vụ huấn luyện quân sự để thúc đẩy sản xuất. Ở hai huyện Hậu Lộc và Hải Lộc, trong các hội nghị bàn về lãnh đạo sản xuất, thường được huyện ủy chú ý đề cập bàn việc lãnh đạo dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ngược lại, dân quân tự vệ được huấn luyện trở thành lực lượng có tổ chức, có kỷ luật chặt chẽ sẽ là nòng cốt trong lao động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Thực tế những việc làm vừa qua của dân quân tự vệ vùng ven biển đã chứng minh điều đó. Do kết hợp khéo léo giữa huấn luyện với sản xuất, nên nhiều xã vùng ven biển đã hoàn thành chương trình huấn luyện trước thời hạn, đạt chất lượng cao. Xã Hải Lý, một xã ở vùng ven biển, trong đại hội tập của huyện năm 196l đã đứng thứ hai trong 40 đơn vị của huyện và được nhận cờ thi đua của huyện. Sáu tháng đầu năm 1962, qua đợt kiểm tra của huyện đội, dân quân Hải Lý đứng thứ nhất trong số 11 đơn vị vùng ven biển về huấn luyện quân sự. Về sản xuất, cuối năm 1962 xã Hải Lý đã phấn đấu đạt thành tích tốt trong việc gieo mạ, làm phân, hoàn thành cấy trước Tết, đã được Bộ tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn trao tặng phẩm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:49:01 pm »


        Do đặc điểm vùng ven biển sinh hoạt nghề nghiệp phức tạp nên lại cần tránh khuynh hướng huấn luyện “có quy mô” mà phải coi trọng “đánh nhỏ ăn chắc”, “năng nhặt chặt bị”, tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tiến hành huấn luyện. Nếu đi biển lâu ngày thì dân quân có thể mang theo bia, bảng, học cụ để tranh thủ luyện tập một số động tác kỹ thuật chiến đấu trên thuyền. Những ngày biển động không đi đánh cá được thì có thể tập trung giải quyết những khoa mục cơ bản cần tập trên đất liền. Đối với những bộ phận chỉ đi đánh cá một thời gian ngắn lại về thì có thể tranh thủ luyện tập vào thời gian thuyền mảng vào bờ. Khi mọi việc phân phối vận chuyển cá đã làm xong thì người đội trưởng sản xuất hoặc chỉ huy cao nhất của dân quân tự vệ trong đội đó nhanh chóng tập trung anh em tranh thủ hướng dẫn luyện tập một số khoa mục, mỗi ngày tập một ít nâng cao dần dần trình độ kỹ thuật, chiến thuật.

        Ở những vùng làm muối cần dựa vào thời tiết để tranh thủ huấn luyện. Tuy nhiên những ngày nắng ráo, anh em làm muối vẫn cần có kế hoạch bố trí tranh thủ huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện, cần kết hợp vận dụng những kinh nghiệm chiến đấu cũ và kể chuyện truyền thống chiến đấu trong kháng chiến cho anh em nghe.

        Điều kiện sinh hoạt nghề nghiệp ở vùng ven biển khó tập trung thống nhất hạ khoa mục, do vậy vai trò của tiểu giáo viên càng trở nên cần thiết, cần chú ý tăng cường bồi dưỡng đầy đủ cho tiểu giáo viên, bảo đảm mỗi cơ sở sản xuất đều có người chỉ dẫn, huấn luyện. Trường hợp tiểu giáo viên thiếu, ở một số vùng đã biết tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng chí công an nhân dân vũ trang ven biển, hoặc có xã tranh thủ được sự giúp đỡ trực tiếp của bộ đội thường trực đóng quân ở gần địa phương bằng cách cử người đến đơn vị nhờ bồi dưỡng hoặc đơn vị cử giáo viên đến giúp đỡ bồi dưỡng cho những khoa mục quan trọng và có khi đơn vị trực tiếp cử giáo viên đến hạ khoa mục huấn luyện cho những nơi gặp khó khăn.

        Chính nhờ biết tận dụng mọi khả năng giúp đỡ của các đơn vị chủ lực nên nhiều xã đã hoàn thành chương trình huấn luyện, đạt chất lượng tốt và sát với yêu cầu thực tế chiến đấu hơn.

        Tóm lại, miền biển là tuyến phòng thủ đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc, yêu cầu cảnh giác sẵn sàng chiến đấu trong hoàn cảnh hiện nay hết sức khẩn trương. Việc tăng cường công tác huấn luyện quân sự có chất lượng cho dân quân tự vệ càng cần được coi trọng. Cần tránh huấn luyện hình thức, rập khuôn chạy theo số lượng mà phải luôn luôn căn cứ vào đặc điểm từng nơi, lấy yêu cầu của thực tế chiến đấu để rèn luyện cho từng đơn vị, từng vùng cho thích hợp với nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Tránh tham vọng huấn luyện “ăn to”, cần “đánh nhỏ ăn chắc”, “năng nhặt chặt bị”, rèn luyện cho dân quân tự vệ có bản lĩnh vững chắc để đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ trị an, sẵn sàng chiến đấu phòng thủ ven biển.

       7. Phải làm cho dân quân thực sự là nòng cốt trong sản xuất và chú ý đến việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân quân tự vệ vùng ven biển.

        Dân quân vùng ven biển tuy làm nhiều nghề, nhưng nghề nghiệp thường phụ thuộc vào thiên nhiên. Nắng ráo, biển lặng thì đi biển, làm muối. Mưa dầm, biển động thì ở nhà. Mức sống của nhân dân vùng ven biển có nơi khá, nhưng cũng có nơi còn thấp, công cụ canh tác, làm ăn của nhân dân vùng ven biển tuy đã chú ý cải tiến nhưng nói chung vẫn còn thô sơ. Chính vì vậy chúng ta cần phải quan tâm đến việc cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân vùng ven biển nói chung và dân quân tự vệ nói riêng.

        Ở những vùng làm ruộng, dân quân đi họp, đi huấn luyện có thể nhận làm khoán trước một số việc như cày bừa, tát nước, làm phân, tăng năng suất lao động dành thời gian đi học, đi họp mà vẫn bảo đảm đủ công điểm. Dân quân tự vệ vùng ven biển không thể làm khoán việc trước được, gặp ngày lặng biển mà đi họp không đi làm được là không có công điểm.

        Muốn khắc phục những khó khăn đó, các cấp ủy, các cán bộ quân sự địa phương, các cơ quan, xí nghiệp vùng ven biển cần chú ý lãnh đạo, giúp đỡ nhân dân đẩy mạnh sản xuất, cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong các hợp tác xã, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển nói chung và dân quân tự vệ nói riêng.

        Một mặt khác, bản thân dân quân tự vệ vùng ven biển, với đức tính dũng cảm, lòng kiên nhẫn sẵn có, với ý thức tập thể, tính tổ chức kỷ luật khá hơn, phải thực sự là nòng cốt, là đội xung kích trong sản xuất, trong cải tiến quản lý và cải tiến kỹ thuật của hợp tác xã.

        Ở một số xã, phong trào dân quân tự vệ gương mẫu đẩy mạnh sản xuất, thực hiện khẩu hiệu thi đua “Ba vừa” đang phát triển nhằm cải thiện đời sống cho nhân dân và dân quân tự vệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2016, 12:19:22 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:49:50 pm »


        Ba vừa là: Vừa lòng hợp tác xã, vừa lòng gia đình, vừa lòng dân quân tự vệ.

        Vừa lòng hợp tác xã là dân quân tự vệ phải lao động vượt mức chỉ tiêu sản xuất và công điểm cho hợp tác xã, đi đầu phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật.

        Vừa lòng gia đình là công việc học tập quân sự, tuần tra canh gác tốt mà vẫn đảm bảo công điểm thu hoạch cho gia đình.

        Vừa lòng dân quân tự vệ là sản xuất giỏi, công điểm nhiều mà tập luyện quân sự vẫn đạt loại giỏi, bảo đảm công tác tuần tra canh gác tốt.

        Làm được như vậy thì đời sống dân quân được bảo đảm, gia đình vui vẻ, hợp tác xã vừa lòng, an ninh trật tự được nghiêm mật, vùng ven biển càng thêm vững chắc. Qua phong trào “Ba vừa” đã xuất hiện nhiều chiến sĩ dân quân tự vệ trong lao động sản xuất đã làm gấp hai, gấp ba người khác, trong cải tiến kỹ thuật đã mạnh dạn phát huy nhiều sáng kiến đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống xã viên.

        Gia đình cụ Khiết ở Hải Tiến (Hải Hậu, Nam Định) có bảy người tham gia dân quân. Cụ Khiết là một lão dân quân, lại là chiến sĩ nông nghiệp với thành tích đạt 200 cân bột bình quân đầu người trong gia đình, về chăn nuôi đạt 52 cân thịt bình quân đầu người trong 9 tháng. Năm 1961 gia đình cụ có ba người là dân quân tiên tiến. Toàn tỉnh Nam Định có hàng trăm gia đình dân quân tiên tiến, trong đó có nhiều gia đình ở các xã vùng ven biển.

        Trong lao động sản xuất, các hợp tác xã cần chú ý lãnh đạo phong trào đoàn kết tương trợ giúp đỡ dân quân tự vệ hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương, làm cho anh em an tâm hăng hái đối với nhiệm vụ tập luyện quân sự, trị an bắt biệt kích, v.v... Ở Thanh Hóa có hợp tác xã đã khoán việc cho đội sản xuất hoàn thành công việc để giành được một số công điểm nhất định. Công việc đáng 10 người thì bố trí tám người làm cả việc cho 10 người, còn cử hai người đi bồi dưỡng quân sự, chính trị về làm tiểu giáo viên hướng dẫn cho anh em trong đội học tập. Thực tế ấy đã chỉ rõ, biết động viên giáo dục tốt thì tám người có thể lao động thay cho 10 người, năng suất cao, thu hoạch khá. Như vậy, mặc dù đi họp, đi dự lớp huấn luyện, anh em vẫn có một số công điểm bảo đảm cho đời sống gia đình.

        Bên cạnh những việc làm đó, ở nhiều xã vùng ven biển đã tổ chức cho dân quân đi khai hoang tăng gia trồng trọt, tăng thêm thu hoạch, gây quỹ dân quân. Có nơi hợp tác xã cho dân quân quản lý hồ ao để thả cá, có nơi còn dành tiền mua sắm chăn, màn, đèn pin cho dân quân làm công tác canh gác, tuần tra ban đêm. Sự săn sóc một cách thiết thực của nhân dân, cấp ủy Đảng, hợp tác xã đã có tác dụng khích lệ tinh thần hăng hái sản xuất, hoàn thành mọi nhiệm vụ phòng thủ, trị an vùng ven biển của dân quân tự vệ.

        Ngoài ra chúng ta lại cần chú ý giáo dục cho nhân dân vùng ven biển nói chung và dân quân tự vệ nói riêng, biết dành dụm, dè sẻn, ngày no đủ phải nghĩ đến ngày khó khăn, túng thiếu, biết tiết kiệm, chống lối sống phung phí, không có kế hoạch.

        Bên cạnh mặt thúc đẩy tinh thần tự lực giải quyết khó khăn trong dân quân tự vệ và trong các hợp tác xã, chúng ta cần chú ý đề nghị các cơ quan, xí nghiệp nông hải sản địa phương giúp đỡ nhân dân vùng ven biển phương tiện vật chất, công cụ cải tiến và những nguyên vật liệu cần thiết (như tơ, đay, gai, gỗ, tre, nứa, v.v…) để đẩy mạnh sản xuất.

        Trong phong trào kết nghĩa giữa các xí nghiệp, các đoàn tàu đánh cá với các huyện vùng ven biển, dân quân tự vệ của hai nơi đó cũng cần có sự kết nghĩa tương trợ lẫn nhau để đẩy mạnh sản xuất và xây dựng dân quân tự vệ ngày càng vững mạnh.

        Đặc biệt ở một số nơi vùng ven biển, các cán bộ địa phương cần chú ý giải quyết công việc cho nữ giới, mà đa số là vợ con của anh em dân quân tự vệ. Phụ nữ có công ăn việc làm, phần nào bớt khó khăn về đời sống chung cho nhân dân, trong đó có gia đình anh em dân quân, họ sẽ hăng hái phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ quân sự của mình.

        Đi đôi với việc cải thiện đời sống vật chất, cần chú trọng cải thiện đời sống tinh thần để dần dần nâng cao trình độ cho quần chúng nhân dân. Sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc, nhân dân vùng ven biển cần được hướng dẫn vào các tổ chức vui chơi giải trí lành mạnh nâng cao trình độ văn hóa, xã hội, mở mang trí tuệ, nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật.

        Ở xã Hải Lý (Nam Định) đã tổ chức các câu lạc bộ “quân đoàn” tức là câu lạc bộ của dân quân và đoàn thanh niên lao động thống nhất làm một. Các đại đội, trung đội cũng đều có câu lạc bộ “quân đoàn” như ở xã. Nhiều xã tổ chức đội văn nghệ, tổ chức ca hát, hò vè thu hút được đông đảo quần chúng tham gia. Ở Hải Lý còn tổ chức các đội bóng tròn, bóng chuyền, đội ca nhạc, chú trọng tổ chức giải trí, vui chơi lành mạnh cho thanh niên và dân quân. Các hoạt động câu lạc bộ còn nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về văn hóa, khoa học kỹ thuật, góp phần dần dần chiến thắng mê tín dị đoan, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phá tan những luận điệu lừa bịp xảo trá của bọn phản động.

        Trên cơ sở nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, nâng cao giác ngộ giai cấp cho nhân dân và dân quân tự vệ, chúng ta cần thúc đẩy phong trào sản xuất phát triển, quan tâm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng ven biển.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khả năng cách mạng to lớn và truyền thống đấu tranh bền bỉ và anh dũng của nhân dân vùng ven biển với thiên nhiên, với kẻ thù của giai cấp và dân tộc, dân quân tự vệ vùng ven biển đang phát triển lớn mạnh không ngừng. Nhân dân vùng ven biển đã và sẽ luôn luôn đoàn kết gắn bó xung quanh Đảng và Chính phủ, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, làm tròn nhiệm vụ phòng thủ, trị an bảo vệ Tổ quốc.

        Tuy nhiên vẫn còn một số nơi cơ sở chính trị còn yếu, tổ chức và lực lượng dân quân hoạt động chưa đều, phong trào chưa thật thường xuyên vững chắc. Đó là những chỗ sơ hở để cho bọn phản động lén lút hoạt động phá hoại, bọn biệt kích xâm nhập ẩn náu. Cho nên tăng cường xây dựng dân quân tự vệ vùng ven biển là một yêu cầu khẩn trương, cần được tiến hành thường xuyên và toàn diện. Khâu chủ yếu hiện nay là tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, coi trọng công tác giáo dục chính trị lãnh đạo tư tưởng, trên cơ sở đó ra sức củng cố tổ chức và huấn luyện chiến đấu cho dân quân tự vệ. Biến những làng mạc vùng ven biển thành những pháo đài kiên cố trên tuyến phòng thủ đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc, đó là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh quang của nhân dân và dân quân tự vệ miền ven biển.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:50:53 pm »


        MẤY KINH NGHIỆM HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG1

        Ta thường nói: “Văn ôn, võ luyện”.

        Thật vậy, trong thời chiến hay thời bình, quân đội muốn hùng mạnh thì phải huấn luyện giỏi.

        Luyện nhiều thành tài , đánh nhiều thành thiện chiến.

        Mục đích cao nhất của huấn luyện quân sự là làm cho các lực lượng vũ trang ta trong bất cứ tình hình nào cũng bảo đảm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chiến đấu.

        Vì vậy, huấn luyện quân sự phải quán triệt nhiệm vụ cách mạng và đường lối chính trị của Đảng.

        Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng hiện nay, các lực lượng vũ trang ta phải khẩn trương xây dựng với quy mô và tốc độ cao, có sức chiến đấu phát triển vượt bậc để trước mắt đấu tranh buộc kẻ địch phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, và về lâu dài có đủ sức mạnh đánh thắng bất cứ kẻ địch nào có quân số đông, có trang bị mạnh dám liều lĩnh gây chiến tranh xâm lược nước ta.

        Ngày nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh việc huấn luyện, xây dựng quân đội theo phương hướng chính quy hiện đại, có khả năng tác chiến tập trung hiệp đồng binh chủng, quân chủng với quy mô lớn phù hợp với yêu cầu phát triển của chiến tranh. Một quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại muốn có sức mạnh chiến đấu cao, thì từ cấp trên đến chiến sĩ, các đơn vị, các chiến trường đều phải thống nhất về quan điểm, tư tưởng quân sự, thống nhất về cách đánh, thống nhất về nền nếp chiến đấu và sinh hoạt, v.v...

        Tác chiến chính quy với trang bị vũ khí hiện đại đòi hỏi công tác huấn luyện phải cơ bản, hệ thống và toàn diện, đồng thời phải gắn liền với yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi kẻ địch đang tiếp tục ngoan cố gây ra những hành động chiến tranh, phá hoại hòa bình, phá hoại Hiệp định Pa-ri, thì chúng ta lại càng phải coi trọng nhiệm vụ huấn luyện nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao và chiến đấu thắng lợi trong mọi hoàn cảnh.

        Trong huấn luyện quân sự, để nâng cao sức mạnh chiến đấu, ngoài việc nắm vững nội dung huấn luyện, chúng ta còn phải nắm vững nguyên tắc, tổ chức và phương pháp huấn luyện.

        Nguyên tắc, tổ chức và phương pháp huấn luyện lực lượng vũ trang có một số điểm chung nhất mà thường quân đội nào cũng phải thực hiện, chẳng hạn: huấn luyện từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp... Nhưng do bản chất quân đội cách mạng khác hẳn với bản chất quân đội tư sản và đế quốc, nên nguyên tắc, tổ chức và phương pháp huấn luyện lại có những điểm khác nhau về căn bản.

        Trong các lực lượng vũ trang nhân dân ta, mọi nội dung huấn luyện cũng như mọi nguyên tắc, tổ chức và phương pháp huấn luyện quân sự đều được xác định trên cơ sở đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng ta.

        Các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã xây dựng và huấn luyện trong hoàn cảnh sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu liên tục. Chúng ta có những kinh nghiệm huấn luyện trong thời chiến về mọi mặt: chủ trương, phương hướng; chỉ đạo tổ chức thực hiện; nguyên tắc và phương pháp huấn luyện; huấn luyện bộ đội tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng; huấn luyện cán bộ và cơ quan, v.v… Nhiều kinh nghiệm được áp dụng một cách phổ biến và đã trở thành nguyên tắc, song cũng có những kinh nghiệm chưa được đúc kết thành lý luận hoàn chỉnh. Chúng ta cần cố gắng tiến tới tổng kết những kinh nghiệm đó để góp phần đẩy mạnh hơn nữa công tác huấn luyện quân sự trong giai đoạn cách mạng mới.

        Với phạm vi có hạn, bài này chỉ nêu lên một số kinh nghiệm bước đầu về chỉ đạo huấn luyện các lực lượng vũ trang ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua, kết hợp một phần với kinh nghiệm huấn luyện trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây. Sau này có điều kiện, chúng ta sẽ tổng kết lại một cách hoàn chỉnh, toàn diện và sâu sắc hơn. Trước mắt, các cơ quan, các quân chủng, binh chủng cần tiếp tục làm tốt công tác tổng kết kinh nghiệm từng mặt của mình, kể cả những kinh nghiệm cụ thể, để kịp thời vận dụng vào công tác huấn luyện trong thời gian tới.

----------------------
        1. Bài nói chuyện tại lớp tập huấn cán bộ huấn luyện toàn quân ngày 31 tháng 7 năm 1973.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:51:37 pm »


        I. QUÁN TRIỆT ĐƯỜNG LỐI, TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ CỦA ĐẢNG TRONG CÔNG TÁC HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ

        Đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng là kết quả vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác-Lênin về chiến tranh và quân đội vào điều kiện cụ thể của đất nước ta. Đó là sự kết hợp chặt chẽ lý luận tiên tiến của khoa học quân sự vô sản với truyền thống quân sự độc đáo của dân tộc ta, vận dụng đúng đắn vào thực tiễn đấu tranh của nhân dân ta trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử mới của thời đại ngày nay.

        Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã sớm nhận thức đúng và có cách giải quyết đúng về các vấn đề khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đảng ta đã lãnh đạo việc chuẩn bị khởi nghĩa và tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, đã lãnh đạo việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp xâm lược đến thắng lợi rực rỡ. Từ đó đến nay, Đảng ta vẫn không ngừng phát triển và hoàn chỉnh tư tưởng quân sự của Đảng trong quá trình lãnh đạo toàn dân ta và các lực lượng vũ trang ta tiến lên hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng. Nhờ đó, các lực lượng vũ trang ta đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua.

        Đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động chiến đấu và xây dựng, trong đó có công tác huấn luyện quân sự của các lực lượng vũ trang ta. Cũng như bất kỳ công tác nào khác, công tác huấn luyện quân sự phải luôn luôn quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng mới nâng cao được chất lượng chiến đấu, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Kinh nghiệm thực tế đã chứng minh rằng, nơi nào và lúc nào không nắm vững đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, thì nơi ấy và lúc ấy công tác huấn luyện quân sự chắc chắn là phạm khuyết điểm và không đạt được chất lượng cao.

        Dưới ánh sáng đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta và quân đội ta, học tập một cách sáng tạo và có chọn lọc kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, trải qua thực tiễn chiến đấu nhiều năm, chúng ta đã từng bước xây dựng được một nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, từ kỹ thuật, chiến thuật cho đến nghệ thuật chiến dịch... Chúng ta đã từng bước nghiên cứu về tác chiến hiệp đồng binh chủng và bước đầu nghiên cứu về tác chiến hiệp đồng quân chủng. Ngoài ra, chúng ta cũng đã xây dựng và dần dần hoàn chỉnh các điều lệnh, điều lệ của quân đội cho phù hợp với thực tiễn ngày càng phát triển. Quân đội ta đã có nhiều tiến bộ về nền nếp công tác, về tác phong chính quy, về tổ chức chỉ huy hiệp đồng cũng như về tổ chức và xây dựng các binh chủng, quân chủng hiện đại. Đó là một thành công rất lớn.

        Tuy nhiên, mặt khác lại phải thấy rằng quân đội ta đã xây dựng và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh kéo dài mấy chục năm liền. Các đơn vị bộ đội ta gần như phải thường xuyên hướng mọi cố gắng của mình vào việc giải quyết các vấn đề cấp bách mà chiến tranh đặt ra, phải thường xuyên tập trung mọi khả năng để đối phó với những kẻ địch xảo quyệt và hung bạo, luôn luôn thay đổi thủ đoạn tiến hành chiến tranh xâm lược. Các đơn vị bộ đội ta lại chiến đấu trên nhiều chiến trường cách xa nhau, mỗi chiến trường đều có những kinh nghiệm riêng. Bởi những lẽ đó nên tuy kinh nghiệm thì vô cùng phong phú song chúng ta chưa có điều kiện đúc kết lại một cách hoàn chỉnh, làm cơ sở cho việc huấn luyện thống nhất, lâu dài. Đội ngũ cán bộ của ta tuy có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng phần đông chưa được đào tạo một cách cơ bản, có hệ thống và toàn diện. Với hoàn cảnh và điều kiện trưởng thành như vậy, dĩ nhiên cán bộ ta không khỏi không có những nhận thức, tư tưởng chưa đầy đủ hoặc lệch lạc về mặt này hay mặt khác, làm hạn chế - thậm chí gây ra những khó khăn nhất định cho việc tiếp thụ và vận dụng đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng trong chiến đấu cũng như trong công tác huấn luyện quân sự.

        Trong quá trình xây dựng nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, những năm trước đây quân đội ta đã đạt được một số thành tích nghiên cứu đáng kể. Trải qua thử thách ở chiến trường, nhiều kết luận đã được chứng minh là có giá trị cao, chẳng những hiện nay mà sau này vẫn còn tiếp tục phát huy tác dụng. Đó là cái vốn rất quý mà chúng ta phải hết sức coi trọng. Nhưng, do thực tiễn chiến đấu luôn luôn phát triển nên không phải là kết luận nào cũng vẫn giữ nguyên giá trị như cũ. Có những kết luận đã trở thành lỗi thời, không thích hợp với tình hình mới nữa. Chúng ta không thể cứ chủ quan tự mãn với kết quả nghiên cứu của mình, khư khư giữ mãi những kết luận đã lỗi thời ấy mà phải mạnh dạn thay thế bằng những kết luận mới, thích hợp với thực tế hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:51:58 pm »


        Kinh nghiệm tiên tiến của các nước anh em có nhiều điểm mà chúng ta phải khiêm tốn học tập, tham khảo. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng không phải là kinh nghiệm nào cũng đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của ta hoặc thích hợp với điều kiện và hoàn cảnh chiến đấu của ta. Vì vậy, chúng ta phải có thái độ và phương pháp học tập đúng. Nghĩa là phải luôn luôn quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng ta, luôn luôn xuất phát từ thực tế của ta để nghiên cứu, học tập một cách có chọn lọc. Nếu chỉ tự ti, sùng bái một chiều, tiếp thụ mọi thứ một cách bị động, không phân biệt cái gì là thích hợp và cái gì là không thích hợp với ta thì nhất định sẽ sa vào chỗ thoát ly thực tế. Như vậy, rõ ràng việc học tập chẳng những không đạt được kết quả mong muốn mà còn đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực trong huấn luyện và chiến đấu.

        Tự ti, sùng bái một chiều đối với kinh nghiệm của bạn hoặc chủ quan tự mãn đối với kinh nghiệm của mình đều là những tư tưởng không đúng, đã từng tồn tại khá lâu trong cán bộ ta. Chúng thường biểu hiện ra nhiều khía cạnh khác nhau, cả trong nội dung lẫn phương pháp huấn luyện. Chẳng hạn: tách rời rèn luyện bộ đội với rèn luyện chỉ huy, huấn luyện với chiến đấu, tư tưởng với kỹ thuật và chiến thuật; lẫn lộn giữa nguyên tắc với phương pháp, giữa phổ biến với cá biệt, giữa cơ bản với ứng dụng, v.v...

        Với mục đích có hạn, bài này không bàn sâu vào mọi hiện tượng thiếu sót mà chỉ tập trung nói về một số nhận thức lệch lạc có tính chất phổ biến và kéo dài xung quanh một số vấn đề nguyên tắc huấn luyện, phải trải qua đấu tranh kiên trì nhiều lần và nhiều năm, nhất là phải trải qua thử thách ở chiến trường, cán bộ ta mới dần dần khắc phục được và đi tới thông suốt, nhất trí.

        - Trước hết, đó là những nhận thức lệch lạc xung quanh vấn đề “huấn luyện phân đội nhỏ và huấn luyện bộ đội tập trung đánh lớn, tác chiến hiệp đồng binh chủng”.

        Khi bắt đầu đánh Mỹ, có cán bộ cho rằng: các binh đoàn chủ lực cơ động là “quả đấm thép” nên chủ yếu là huấn luyện cho cấp trung đoàn và sư đoàn trở lên, còn phân đội nhỏ thì chỉ cần huấn luyện lướt qua là đủ, hoặc bỏ không cần huấn luyện cũng được. Lại có ý kiến cho rằng mục đích của huấn luyện chiến sĩ và phân đội nhỏ chủ yếu là để tác chiến phân tán lẻ tẻ, tới thời kỳ tập trung đánh lớn mà vẫn huấn luyện phân đội nhỏ là kéo lùi bộ đội trở lại thời kỳ đánh du kích. Nhận thức như vậy nên có đơn vị đã huấn luyện ngay chiến thuật cho cấp trung đoàn còn từ tiểu đoàn trở xuống thì chỉ huấn luyện nằm trong đội hình cấp trên. Thiếu sót đó làm cho cán bộ cơ sở và phân đội nhỏ không hiểu gì về chiến thuật của phân đội mình.

        Để uốn nắn tình hình, Bộ Tổng tham mưu đã ra mệnh lệnh huấn luyện, quy định các binh đoàn chủ lực phải huấn luyện chiến thuật từ tiểu đoàn, đại đội xuống tới từng chiến sĩ. Sau một thời gian đấu tranh liên tục, tình hình tuy có chuyển biến song vẫn còn chậm chạp.

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên một bước mới, đặt ra trước bộ đội ta yêu cầu mới là phải đánh lớn và đánh hiệp đồng binh chủng. Đó là yêu cầu tất yếu mà bộ đội ta phải nhanh chóng đáp ứng thì mới đánh thắng được kẻ thù. Nhưng một số cán bộ lại có xu hướng tiêu cực, muốn dừng lại ở phương thức đánh nhỏ. Vì các đồng chí đó cho rằng: Mỹ có nhiều máy bay, pháo binh, cơ giới, có hỏa lực mạnh và sức cơ động cao hơn ta. Bộ đội ta tập trung đánh lớn, đánh hiệp đồng binh chủng là “lấy mạnh chọi mạnh”, tất khó giành được thắng lợi. Vì vậy khi mới triển khai huấn luyện hiệp đồng binh chủng tuy các đơn vị cũng chấp hành mệnh lệnh huấn luyện của Bộ song vẫn có một số vướng mắc, chưa thông. Phải đến khi bước vào chiến đấu, thực tế chứng minh bộ đội ta chẳng những có thể đánh lớn, đánh hiệp đồng binh chủng mà còn đánh thắng nữa thì những vướng mắc trên mới được giải quyết.

        - Hai là, những nhận thức không đúng, chưa quán triệt nguyên tắc “Huấn luyện bộ đội thành thạo chiến thuật với biên chế, trang bị của bản thân đơn vị, trên cơ sở đó huấn luyện có binh khí kỹ thuật tăng cường theo yêu cầu và khả năng cho phép”.

        Vũ khí trang bị là cơ sở vật chất của sức chiến đấu, do đó huấn luyện quân sự phải dựa trên cơ sở trang bị, biên chế của các đơn vị làm chính. Đó là quan điểm thực tiễn trong huấn luyện, là sự thực hiện nguyên tắc “ta có gì đánh nấy, trang bị như thế nào, huấn luyện như thế ấy”. Nghĩa là phải huấn luyện cho bộ đội ta biết sử dụng thành thạo những vũ khí, trang bị trong biên chế, phải huấn luyện cho các đơn vị trong mọi điều kiện biên chế, dù được tăng cường hay không đều có thể tác chiến thắng lợi. Chính vì vậy nên Bộ Tổng tham mưu mới quy định cho các đơn vị phải huấn luyện bộ đội thành thạo chiến thuật theo biên chế, trang bị của bản thân đơn vị, trên cơ sở đó huấn luyện có binh khí kỹ thuật tăng cường, theo yêu cầu và khả năng cho phép.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:52:16 pm »


        Thế nhưng, do chưa quán triệt đầy đủ tinh thần trên nên cán bộ ta thường có xu hướng huấn luyện bộ đội theo biên chế có tăng cường binh khí kỹ thuật, chưa quan tâm đúng mức đến việc huấn luyện bộ đội theo biên chế trang bị của đơn vị. Kết quả, khi bước vào chiến đấu, hễ không được tăng cường là cán bộ gặp khó khăn, lúng túng, thậm chí không đánh được. Nhiều cán bộ ta còn ỷ lại vào hỏa lực cấp trên chi viện, khi gặp những tình huống phức tạp, khó xử trí thì ngại suy nghĩ, thiếu chủ động linh hoạt. Có cán bộ gặp một tình huống nhỏ cũng yêu cầu pháo binh chi viện, không có xe tăng và hỏa lực của trên thì trù trừ không xung phong, bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch.

        Qua thực tiễn chiến đấu, nhiều cán bộ mới thấy rõ quy định của trên là hoàn toàn đúng và đã yêu cầu phải nhấn mạnh điểm này trong huấn luyện. Tuy thế, đến nay không phải không còn cán bộ vẫn cho rằng đã huấn luyện chiến thuật thì bất luận cấp nào cũng phải được tăng cường xe tăng và pháo binh, nếu không vẫn cảm thấy thiếu sức mạnh và khó đánh. Rõ ràng, đó vẫn là hiện tượng chưa thật quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng trong công tác huấn luyện quân sự, cần tiếp tục đấu tranh khắc phục.

        - Ba là, những nhận thức không đúng, lẫn lộn giữa nguyên tắc và phương pháp, trong khi thực hiện nguyên tắc “huấn luyện cấp nào phải hoàn chỉnh chiến thuật của cấp ấy”.

        Biên chế tổ chức trong quân đội ta hiện nay có nhiều cấp, nhiều đơn vị - thấp là tiểu đội, cao là sư đoàn - mỗi cấp đều có vị trí nhiệm vụ chiến thuật của cấp mình. Mỗi cấp phải có đủ khả năng tự tổ chức, chỉ huy và vận dụng giỏi chiến thuật cấp mình để đánh thắng địch trong mọi tình huống khó khăn phức tạp. Có giỏi chiến thuật của cấp mình mới hiệp đồng tác chiến trong đội hình của cấp trên được. Chiến đấu độc lập hay chiến đấu trong đội hình của đơn vị lớn đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng, các cấp đều có quan hệ chiến đấu gắn bó chặt chẽ với nhau. Mối quan hệ ấy có được giữ vững trong các điều kiện và tình huống chiến đấu hay không, trước hết phải dựa trên cơ sở từng cấp có hoàn thành được nhiệm vụ bằng chiến thuật của cấp mình hay không. Cấp dưới phải giỏi chiến thuật cấp mình mới có cơ sở để hình thành chiến thuật của cấp trên.

        Tất nhiên, trong khi huấn luyện chiến thuật, lúc đầu cán bộ chưa thạo, bộ đội chưa quen, chúng ta có thể chia ra từng bước huấn luyện theo phương pháp huấn luyện đội ngũ chiến thuật. Tức là huấn luyện từ phân đoạn đến tổng hợp, từ chậm đến nhanh, hoặc huấn luyện theo từng yêu cầu chiến thuật cho thành thạo rồi tổng hợp lại thành chiến thuật của mỗi cấp, sau đó nâng lên ứng dụng vào các điều kiện và tình huống chiến đấu. Song, đó không phải là nguyên tắc mà chỉ là phương pháp huấn luyện.

        Do chưa nắm vững đâu là nguyên tắc, đâu là phương pháp nên nhiều cán bộ ta còn lẫn lộn giữa hai mặt ấy. Có cán bộ thắc mắc: trung đoàn là đơn vị chiến thuật cơ bản, ta xây dựng chiến thuật hoàn chỉnh cho các phân đội nhỏ là không thích hợp và không có tác dụng. Có đồng chí lại cho rằng huấn luyện từng bước trong đội hình cấp trên là đủ rồi, không cần xây dựng chiến thuật hoàn chỉnh cho các phân đội, nhất là từ cấp đại đội trở xuống nữa. Hiểu như thế là trái với nguyên tắc huấn luyện của ta. Chỉ huấn luyện cho từng cấp hành động trong đội hình cấp trên, chỉ bảo đảm cho từng cấp thành thạo từng nhiệm vụ chiến thuật trên một mũi, một hướng - nghĩa là chỉ biết hoàn thành một phần nhiệm vụ của đội hình chiến thuật - thì làm sao có thể xây dựng và rèn luyện tính chủ động, sáng tạo, toàn diện cho cán bộ cấp dưới, làm sao có thể tránh được máy móc hoặc đánh bừa, đánh ẩu trong chiến đấu?

        Huấn luyện như vậy rõ ràng không phù hợp với cách đánh của quân đội ta. Vì chúng ta không đánh theo kiểu dàn đội hình hàng ngang, các đơn vị tiến công chính diện trên một hướng song song theo đường phân ranh giới đã vạch sẵn trong đội hình cấp trên. Chúng ta đánh theo cách tiến công nhiều hướng, nhiều mũi, đánh từng mục tiêu, từng cụm địch, trong ngoài cùng đánh, phương châm tác chiến là đánh nhỏ, đánh vừa kết hợp với đánh lớn. Nếu mỗi cấp không xây dựng và không biết sử dụng thành thạo chiến thuật hoàn chỉnh của mình thì làm sao có thể thực hiện được cách đánh như thế?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:52:39 pm »


       Phải qua thuyết phục và đấu tranh nhiều lần, chúng ta mới dần dần giải quyết được những vướng mắc về vấn đề này, mặc dầu chúng vẫn còn tồn tại ít nhiều ở đơn vị này hay đơn vị khác. Nhờ đó, cho đến nay các đơn vị bộ binh của chúng ta đã xây dựng được nội dung chiến thuật hoàn chỉnh từ cấp tiểu đội trở lên và đã huấn luyện tốt chiến thuật cho từng chiến sĩ, từng tổ ba người, từng khẩu đội, v.v...

        Trong quân sự, không có phương tiện kiểm nghiệm nào chính xác hơn là thực tiễn chiến đấu trên chiến trường. Chỉ có trải qua thử thách thực tế, chúng ta mới ngày càng thấy rõ hơn tính chất đúng đắn của đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, thể hiện cụ thể trong nội dung, nguyên tắc cũng như tổ chức phương pháp huấn luyện. Và, cũng chính do chúng ta đã thường xuyên quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng, thường xuyên đấu tranh khắc phục những nhận thức tư tưởng sai trái nên công tác huấn luyện quân sự của các lực lượng vũ trang mới phát huy được tác dụng trong việc nâng cao sức chiến đấu mọi mặt cho bộ đội trong những năm qua.

        Đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng có nội dung rất rộng vận dụng được trong công tác huấn luyện quân sự quả không phải là đơn giản mà phải chịu khó suy nghĩ, nghiên cứu tìm tòi. Có vấn đề nói một lần cán bộ hiểu ngay, làm được ngay, nhưng có vấn đề phải trải qua thuyết phục đấu tranh kiên trì trong suốt quá trình huấn luyện quân sự.

        Muốn cho đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng mau chóng có hiệu lực thì phải quán triệt đầy đủ trong các lực lượng vũ trang, phải thống nhất từ trên xuống dưới. Xây dựng quân đội càng chính quy và hiện đại tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng càng mở rộng quy mô thì yêu cầu thống nhất càng phải cao. Đó là việc khó khăn nhưng phải kiên quyết làm cho bằng được. Có vậy lực lượng vũ trang mới mạnh, chiến đấu mới giành được thắng lợi lớn nhất, với tổn thất ít nhất.

        Trong quá trình chấp hành nhiệm vụ huấn luyện, các cấp dưới do tầm nhìn có hạn nên gặp khó khăn khi tiếp thụ vấn đề này hoặc vấn đề khác. Do đó, cấp trên phải tìm mọi cách thuyết phục để thống nhất nhận thức, còn cấp dưới thì phải nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị huấn luyện của trên và tiếp thụ sự hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ.

        Tuy nhiên để nhanh chóng thống nhất tư tưởng và hành động nhằm giành thắng lợi cho cách mạng, có những vấn đề mà cấp trên phải ra mệnh lệnh cho cấp dưới chấp hành, dù tư tưởng chưa thật thông suốt. Vì công tác quân sự có những điều không thể nói trước, nói hết ngay một lúc với mọi cấp cán bộ nên việc nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh là rất quan trọng. Mỗi cán bộ, mỗi đơn vị có liên hệ với tình hình thực tế huấn luyện, chiến đấu vừa qua mới nhận thức rõ được điều đó.

        Quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng trong huấn luyện quân sự không phải chỉ qua vài lần lên lớp là đủ. Muốn từ bài giảng và thực tế rèn luyện ở thao trường chuyển biến thành sức mạnh vật chất cụ thể ở chiến trường là cả một quá trình đấu tranh kiên quyết, gian khổ và kiên trì. Chỉ có thật kiên quyết và kiên trì mới thành công vững chắc được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:54:11 pm »


        MẤY VẤN ĐỀ QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC HUẤN LUYỆN CẦN NẮM VỮNG

        1. Huấn luyện cơ bản vững chắc làm cơ sở nâng cao trình độ ứng dụng.

        Bộ đội có được rèn luyện vững chắc những động tác cơ bản thì khi ứng dụng mới có gốc, có bản lĩnh vững chắc để vận dụng sáng tạo linh hoạt, và dù linh hoạt như thế nào vẫn thống nhất được với nhau theo những nguyên tắc nhất định. Song nếu huấn luyện bộ đội chỉ nặng về cơ bản mà không nâng lên trình độ ứng dụng thì khi chiến đấu hành động sẽ máy móc, cứng đờ. Dĩ nhiên, nếu không rèn luyện cơ bản mà chỉ rèn luyện ứng dụng ngay thì bộ đội dễ ứng dụng một cách tùy tiện, không thể nào thống nhất được. Hành động của bộ đội vì thế dễ bấp bênh không vững vàng, có khi đi chệch cả quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng và gây khó khăn, vấp váp trong chiến đấu.

        Ta hãy xem xét một vài ví dụ.

        Khoa mục đứng nghiêm, đứng nghỉ là động tác cơ bản trong điều lệnh đội ngũ nhằm rèn luyện lễ tiết, tác phong, ý thức tổ chức kỷ luật cho quân đội. Người chiến sĩ được rèn luyện cơ bản tốt thì tư thế đi đứng chắc nịch, nói năng rắn rỏi, dứt khoát, rõ ràng, làm đúng tác phong quân nhân.

        Khoa mục bắn súng gồm các động tác cơ bản như: thao tác, tư thế bắn, giương súng nạp đạn, quan sát mục tiêu, ước lượng cự ly lấy thước ngắm, lấy đường ngắm cơ bản, nín thở, bóp cò, v.v... Nếu không được rèn luyện từ cơ bản thì không thể ứng dụng bắn trong mọi trường hợp. Được rèn luyện thành thạo thì khi ứng dụng, người chiến sĩ sẽ rất bình tĩnh, nhanh chóng phối hợp tất cả những động tác yếu lĩnh đó để bắn trúng mục tiêu, không có tình trạng quên động tác này, sót yếu lĩnh kia.

        Động tác chiến đấu của từng người (chiến thuật từng người) là sự phối hợp một số kỹ thuật cơ bản như quan sát mục tiêu, các tư thế vận động trên các địa hình, lợi dụng địa hình, địa vật, cải tạo địa hình, ném lựu đạn, nắm thời cơ bắn súng, v.v... Toàn bộ các động tác đó được tổng hợp, vận dụng hết sức mưu trí, linh hoạt để tiêu diệt mục tiêu. Được rèn luyện thuần thục, vững chắc tất cả những kỹ thuật cơ bản đó thì khi chiến đấu người chiến sĩ mới vận dụng thành thạo, tinh khôn mưu mẹo được.

        Mỗi hình thức chiến thuật đều có những động tác cơ bản của nó. Vì vậy cần huấn luyện thành thạo từ việc chuẩn bị vật chất, chuẩn bị bộ đội, tổ chức đội hình, tổ chức hỏa lực, tổ chức chỉ huy đến việc điều khiển chiến đấu… theo tình huống cơ bản, theo biên chế tổ chức và trang bị của đơn vị. Sau khi huấn luyện cơ bản tốt sẽ nâng dần lên trình độ ứng dụng với những tình huống khác nhau như: có trang bị được tăng thêm thì tổ chức lực lượng đánh thế nào hoặc ngược lại, gặp trường hợp biên chế trang bị hao hụt thì đánh thế nào, v.v...

        Nếu so sánh chiến thuật phục kích với chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc thì từ việc chuẩn bị vật chất, tổ chức lực lượng, đội hình tiến công, tổ chức hỏa lực, vị trí chỉ huy cho đến việc điều khiển chiến đấu đều khác nhau. Mỗi chiến thuật đều có các giai đoạn cơ bản của nó, cần phải rèn luyện thành thục. Đánh phục kích địch đang hành quân trên đường thì phải nắm số lượng địch và hướng địch đi nắm quy luật, nghiên cứu địa hình có lợi cho phục kích, biết tổ chức bộ phận chặn đầu, bộ phận khóa đuôi và tập trung lực lượng đánh vào đoạn giữa, biết tổ chức hỏa lực, đặt tín hiệu, ám hiệu chỉ huy, v.v... bảo đảm bất thình lình nổ súng và xuất kích tiêu diệt địch theo tình huống cơ bản, trên cơ sở đó nâng dần lên trình độ ứng dụng với những tình huống phức tạp hơn. Vì vậy, cán bộ phải biết xử trí mưu mẹo, sáng tạo bằng các thủ đoạn như: độn thủy, độn thổ, phục ở nơi địa hình bất ngờ đối với địch, dụ địch vào nơi ta phục kích hoặc bố trí phục kích trên nhiều chặng đường để liên tiếp đánh quân địch, v.v...

        Đánh địch trong vị trí có công sự vững chắc cũng phải qua giai đoạn rèn luyện cơ bản như: chuẩn bị vật chất, chuẩn bị bộ đội, tổ chức đội hình, triển khai chiếm lĩnh trận địa, tổ chức hỏa lực chi viện, hiệp đồng chặt chẽ giữa xung lực và hỏa lực, mở cửa, hiệp đồng các mũi, các hướng đánh chiếm đầu cầu và phát triển chiến đấu vào bên trong, điều lực lượng dự bị vào đánh dứt điểm, làm chủ chiến trường, v.v... Cán bộ chỉ huy phải rèn luyện cho thật thạo những tình huống cơ bản nói trên để lấy đó làm cơ sở rèn luyện ứng dụng vào các tình huống diễn biến phức tạp khác như: địch mạnh hoặc yếu, lực lượng ta nhiều hoặc ít, hỏa lực ta mạnh hoặc yếu, đánh bằng nhiều mũi hay ít mũi, đánh nhanh hay đánh kéo dài, v.v...
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2016, 12:57:38 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:54:33 pm »


        Trong thời chiến, ta thường vận dụng nguyên tắc huấn luyện cơ bản kết hợp với huấn luyện tắt để kịp thời đáp ứng yêu cầu của từng chiến trường, từng thời gian nhất định (giai đoạn của chiến tranh). Nhưng dù yêu cầu cấp bách đến đâu cũng không thể bỏ qua những nội dung và động tác cơ bản nhất. Trong quá trình huấn luyện cơ bản, ta đã kết hợp các kiến thức cơ bản với các kiến thức thực tế của chiến trường, huấn luyện ứng dụng dần dần theo yêu cầu nhanh chóng làm cho bộ đội thích nghi với thực tế khu vực chiến trường mà đơn vị đó sẽ hoạt động. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của chiến trường cả về số lượng và chất lượng. Trong thời chiến mà huấn luyện quy mô, mục này mục khác thì chưa học được gì đã phải đi chiến đấu, tuy có số lượng đông mà không có chất lượng, càng nhiều quân càng lộn xộn, khó chỉ huy và tổn thất càng cao.

        Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ta có rất nhiều kinh nghiệm về huấn luyện cơ bản kết hợp với ứng dụng, như: địch tiêu diệt cứ điểm nào, ta lập ngay cứ điểm đó gần như thực, rồi cho bộ đội tập cả cơ bản và ứng dụng ngay tại đấy. Trong kháng chiến chống Mỹ, ta cũng thường huấn luyện bộ đội theo các phương án đã dự kiến, lấy đó làm cơ sở để vận dụng. Tùy theo yêu cầu của từng thứ quân, từng binh chủng, quân chủng, chúng ta đã huấn luyện những vấn đề cơ bản nhất cho bộ đội và đưa nhanh lên trình độ ứng dụng với thực tế chiến trường. Đây là kinh nghiệm lớn trong huấn luyện thời chiến của chúng ta. Nhưng dù huấn luyện trong thời bình hay trong thời chiến đều nhất thiết phải qua khâu huấn luyện cơ bản tốt mới có cơ sở để nâng lên trình độ ứng dụng trong chiến đấu.

        2. Huấn luyện chiến sĩ, phân đội nhỏ đánh giỏi làm cơ sở cho huấn luyện bộ đội tập trung đánh lớn.

        Một toà nhà sở dĩ cao đẹp, lộng lẫy là do tường nhà được xây dựng vững chắc. Tường vững chắc là dựa vào nền móng tốt. Nền móng mà không vững chắc thì tường chẳng bao lâu sẽ bị xiêu vẹo, rạn nứt và nhà cũng sụp đổ. Tường bền vững còn nhờ có những viên gạch được nung già lửa. Tường xây bằng nhiều gạch non chóng thối thì dễ bị đổ.

        Tổ chức quân đội ta cũng vậy. Sức mạnh của một đơn vị là sự tổng hợp sức mạnh của từng người mà tạo thành. Sức mạnh của một đơn vị lớn là sự tổng hợp sức mạnh của các phân đội nhỏ. Không thể có tiểu đội giỏi nếu bản lĩnh chiến đấu của từng chiến sĩ không cao. Tiểu đội không giỏi thì làm sao có trung đội, đại đội giỏi được. Đại đội là đơn vị cơ sở về chính trị và hành chính, quản lý cơ sở vật chất, về giáo dục huấn luyện và trực tiếp chiến đấu. Nếu đại đội không giỏi thì tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn không thể hoàn thành mọi nhiệm vụ công tác cũng như chiến đấu.

        Phân đội nhỏ được rèn luyện giỏi nhưng nếu không hợp luyện các phân đội nhỏ lại thành đơn vị lớn đánh giỏi thì sẽ không có sức mạnh lớn. Bộ đội chỉ phân tán đánh nhỏ, lẻ thì không tạo được sức mạnh lớn làm chuyển biến chiến trường, chuyển biến cục diện chiến tranh theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và chiến lược.

        Nhưng, nếu thấy yêu cầu đánh lớn mà chỉ tập trung huấn luyện các đơn vị lớn với quy mô rầm rộ, hình thức, bỏ qua giai đoạn huấn luyện chiến sĩ, huấn luyện phân đội nhỏ thì đó là quan điểm huấn luyện sai lầm, dễ gây cho bộ đội những tổn thất lớn, không thể hoàn thành nhiệm vụ. Huấn luyện phân đội nhỏ với huấn luyện tập trung quy mô lớn có quan hệ khăng khít với nhau, trước tiên là phải huấn luyện thật tốt chiến sĩ và phân đội nhỏ. Có vậy mới tạo nên những đơn vị mạnh, đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng giỏi. Nếu coi thường huấn luyện chiến sĩ, phân đội nhỏ thì sẽ gây nhiều thương vong trong chiến đấu. Những động tác nhỏ như một nhát xẻng đào công sự không đúng tư thế, công sự không đủ độ sâu, lợi dụng địa hình địa vật, vận động qua các loại địa hình không đúng tư thế, nằm mãi ở một vị trí bắn không di chuyển, không cơ động, không thay đổi vị trí bắn cũng dễ đưa đến thương vong. Nhiều thương vong nhỏ cộng lại thành thương vong lớn. Thương vong nhiều chiến sĩ, nhiều phân đội nhỏ góp lại thì không còn binh đoàn lớn để tác chiến. Chiến thuật không thực hiện được thì chiến dịch cũng hỏng, chiến dịch hỏng thì ảnh hưởng đến chiến lược.

        Song song với việc huấn luyện chiến sĩ và phân đội nhỏ tốt chúng ta phải coi trọng huấn luyện cán bộ và cơ quan vì đấy là trung tâm tổ chức chỉ huy hiệp đồng chiến thuật, chiến dịch của bộ đội tập trung đánh lớn. Chiến thuật của bộ đội tập trung đánh lớn có thực hiện được hay không, một mặt nhờ chiến thuật của phân đội nhỏ ở từng mũi, từng hướng, từng bộ phận có thực hiện giỏi hay không, mặt khác lại nhờ công tác tổ chức, chỉ huy hiệp đồng và bảo đảm mọi mặt của cán bộ chỉ huy và cơ quan các cấp, nhất là cán bộ và cơ quan chủ trì trực tiếp chỉ huy trận đánh, có giỏi và chu đáo hay không.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2016, 12:58:13 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM