Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:59:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33602 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:10:26 am »


CHỈ THỊ

        Về việc chuẩn bị phá hoại cầu cống, đường sá…

        Xét tình thế nhiệm vụ, trong mỗi khu cần phải có một tiểu ban phá hoại, đặt trong tổ tác chiến của Bộ tham mưu khu.

        Tiểu ban phải:

        1. Nghiên cứu để đặt một kế hoạch phá hoại những đường nào cần phá, quãng đường nào cần phải phá ngay. Muốn như thế, các nhân viên trong tiểu ban trước hết phải nghiên cứu trên bản đồ chung. Rồi thân đến tận nơi để nhận xét địa thế. Những nơi ở ruộng khô, không nên phá mà chọn những nơi hai bên là ao hay hồ hoặc những nơi hai bên có cây cối rậm rạp có thể lợi dụng chiến đấu được. Nếu ở rừng núi thì chọn những nơi dưới thấp, trên cao, dưới suối, trên rừng hoặc những đường độc đạo ngoắt ngoéo. Mỗi nơi định phá, phải đặt kế hoạch rõ ràng như phá rộng bao nhiêu, đào sâu bao nhiêu, dài bao nhiêu.

        2. Giao nhiệm vụ rõ ràng. Nơi có bộ đội đóng thì đặt kế hoạch giao bộ đội phụ trách phối hợp với dân quân. Nơi không có bộ đội thì phải giao kế hoạch cho ủy ban bảo vệ, rồi ủy ban bảo vệ chia cho dân làng, như mỗi làng phụ trách một quãng dài bao nhiêu để lúc có lệnh phá là họ đã biết cách phá và nơi phá.

        3. Đi kiểm tra. Nhiệm vụ giao rồi phải đi kiểm tra xem nơi đó đã làm hay chưa, đồng thời phải đặt cho họ những phương tiện như tập trung các dụng cụ để lúc cần có thể làm được ngay hoặc sau khi ra lệnh phá hoại rồi, phải xem có đúng như ý định của tiểu ban không.

        Khi nào phá và ai ra lệnh phá? - Chỉ khi chiến sự đã bùng nổ và cần phải ngăn cản sự tiến quân của địch thì lúc đó mới được hạ lệnh phá hoại. Lệnh này sẽ do Bộ chỉ huy khu hạ xuống. Phải đặc biệt chú ý đến đường rút lui của các cơ quan. Trong những khu an toàn phải bảo vệ đường sá để sự giao thông khỏi bị ngừng trệ.

        Riêng về phá cầu cống phải liên lạc với các kỹ sư hoặc nhân viên công chính để họ giúp đỡ kế hoạch. Chỗ nào khó phá hoặc phá mất nhiều công thì phải dùng mìn. Những cầu dài 4 thước không nên phá.

        Phá đường sắt: nên tháo những đường ray mang vứt xuống sông hay ao, như thế đến khi cần thiết lại lấy lên dùng được. Những nơi đó nên cuốc nền đá rải ở đường và lật những khúc gỗ đặt dưới thanh “tà vẹt” (traverses). Nên chú ý phá hoại những nơi bẻ ghi thì có kết quả hơn.

        Chỉ thị này các khu phải triệt để thi hành.

        Hà Nội, ngày 9 tháng 12 năm 1946.

Tổng tham mưu trưởng         
HOÀNG VĂN THÁI           
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:18:10 pm »


MỆNH LỆNH CHUẨN BỊ

        (Gửi toàn thể Vệ quốc đoàn, dân quân, tự vệ và công an xung phong toàn thành)

        Mấy ngày nay, địch đã có một âm mưu khởi hấn.

        Chứng cớ là chúng đã chuẩn bị gấp về quân sự như đặt ổ súng ở các phố, các nhà tư nhân và vận chuyển lương thực, khí giới để tích trữ ở các nơi đó. Chúng chuyển quân đến các nơi như Nhà thương Đồn Thuỷ, Trường Bưởi, Hô-ten Mê-tơ-rô-pôn (Hotel Métropole), v.v...

        Gần đây, ngày 17 tháng 12 năm 1946, chúng đã vây bắn các tự vệ phố Hàng Bún. Ngày 18 tháng 12 năm 1946, chúng chiếm Sở Tài chính và đòi tước vũ khí của cả bộ đội ta. Hơn nữa, chúng hạ tối hậu thư cho Chính phủ ta hẹn tới ngày 20 tháng 12 năm 1946 sẽ tước hết quyền trị an.

        Những sự chuẩn bị ráo riết và hành động khiêu khích ấy là một triệu chứng chúng sắp đánh úp ta thực sự.

        Vì danh dự của Tổ quốc, vì quyền lợi của dân tộc, chúng ta quyết không chịu lùi bước.

        Vậy hạ lệnh cho toàn thể:

        Vệ quốc đoàn, dân quân, tự vệ và công an xung phong toàn thành từ giờ phút này phải chuẩn bị gấp để chờ lệnh. Bất kỳ lúc nào, nếu nhận được lệnh: Toàn thể bộ đội, dân quân cũng như tự vệ, công an phải anh dũng đánh lại địch theo như nhiệm vụ của từng đơn vị đã định trong kế hoạch.

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1946.                             
Chủ tịch ủy banChính trị ủy viên Khu trưởng kiêm kháng chiếnKhu XI         
Phó chủ tịch Khu XI Ủy ban kháng chiến Khu XI                     
NGUYỄN VĂN TRÂN, TRẦN ĐỘ, VƯƠNG THỪA VŨ                     

       

MỆNH LỆNH CHIẾN ĐẤU
(Mệnh lệnh của đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp)

        Gửi các đơn vị Vệ quốc quân, dân quân, tự vệ Trung, Nam, Bắc

        Tổ quốc lâm nguy.

        Giờ chiến đấu đã đến!

        Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội, Vệ quốc quân, dân quân, tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy.

        Phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước.

        Hy sinh đến giọt máu cuối cùng.

        Luôn luôn khăng khít với đồng bào.

        Cuộc kháng chiến sẽ trường kỳ và vô cùng gian khổ, nhưng chính nghĩa thuộc về ta, chúng ta nhất định thắng lợi.

        Tiêu diệt thực dân Pháp!

        Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

        Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

        Quyết chiến!

Ngày 19 tháng 1 năm 1946         
VÕ NGUYÊN GIÁP             
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:20:31 pm »


KẾ HOẠCH TÁC CHIẾN
(Trích)

        Chương trình đối phó với kế hoạch trên của địch

        1. Triệt để thực hiện thuật “nhà không vườn trống”.

        2. Tuyệt đối phá hoại nhà gác hai tầng và đường giao thông (cắt đường, đào hầm, đắp ụ).

        3. Triệt để áp dụng vận động chiến cho thật linh hoạt.

        I. Mấy điểm cần phải làm ngay

        1. Phải mắc liên lạc giữa các trung, đại đội, tiểu, trung đoàn với Bộ chỉ huy cho thật chặt chẽ ngay.

        2. Một người chiến đấu viên phải luôn luôn mang theo trong mình từ 2 đến 3 ngày lương khô.

        3. Một đội phải chọn lọc lấy ban trinh sát để làm tai mắt cho mình đi sục sạo các động tĩnh của địch (xích hầu).

        4. Đạn không được giữ cả hòm, để một chỗ, phải chia ra làm nhiều phần và giao cho người phụ trách vận chuyển cho thật nhanh.

        5. Bỏ hết những đồ kềnh càng, chỉ mang theo mỗi người một gói nhỏ rất nhẹ: chăn, quần áo, thuốc, lương khô, vũ khí, v.v... Còn bàn giấy của các tiểu đoàn cần đem đi những vật gì cần thiết như: máy chữ, giấy má quan hệ. Mang theo nhẹ nhàng bao nhiêu chuyển động sẽ được nhanh chóng bấy nhiêu.

        II. Mấy phép dùng binh1

        - Tập kích - Phục kích - Đánh chẹn đường, bố trí phục binh yểm hộ rút lui - Đánh quấy rối - Dương đông kích tây - Di động vị trí, v.v...

        III. Mấy điểm không nên đánh

        1. Không rõ được địch thì không nên đánh.

        2. Không đánh trận địa chiến với địch.

        3. Không đương đầu với hoả lực mạnh của địch.

        4. Không có kế hoạch rõ ràng, chắc chắn, không nên đánh.

        5. Không thủ hiểm ở một chỗ nào lâu.

        IV. Nhận mấy mục đích này để diệt địch

        1. Làm tiêu hao rất nhiều đạn dược của địch.

        2. Tiêu diệt lực lượng địch.

        3. Cướp súng đạn của địch để diệt địch.

-------------------------
        1. Phần này viết dài, giải thích tỉ mỉ về cách đánh. Ở đây chỉ nêu lên đầu đề.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:21:28 pm »


QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH  “HÀ NỘI 60 NGÀY KHÓI LỬA”

        Năm 1962, anh Vương Thừa Vũ đưa cho tôi cuốn “Bút ký chiến sự lục”, để nghiên cứu và giúp anh viết thành sách ký sự. Cuốn “Bút ký chiến sự lục” dày khoảng 600 trang, là loại nhật ký chiến đấu, ghi đầy đủ các trận chiến đấu trong ngày kèm theo sơ đồ, từ khi Hà Nội bắt đầu nổ súng cho đến khi trung đoàn Thủ Đô - Liên khu I rút khỏi Hà Nội.

        Anh Vương Thừa Vũ cho tôi về Hà Nội ở hẳn tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 17 Lý Nam Đế - nay là Điện ảnh Quân đội. Anh Lư Giang (Giám đốc), anh Cẩn (Phòng Quân sự) thu xếp cho tôi nơi ở và làm việc rất chu đáo. Hàng ngày tôi cùng anh em Nhà xuất bản sang số 8 Lý Nam Đế ăn cơm tập thể.

        Theo thư của anh Vương Thừa Vũ, tôi đi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh Hoàng Văn Thái, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Trần Độ và nhiều cán bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội năm 1946 để hỏi và ghi chép tỉ mỉ về viết sách. Theo sơ đồ địch bố trí ở các khu phố và nơi xảy ra các trận đánh, tôi đi đến tận nới nghiên cứu, đối chiếu địa danh với tài liệu, gặp cán bộ chỉ huy để viết từng trận cho chính xác. Có khi tôi phải ngồi hàng tuần trong Thư viện Quốc gia để đọc các tài liệu, báo chí của ta và của địch viết về cuộc chiến đấu của Hà Nội năm 1946 đối chiếu với “Bút ký chiến sự lục”. Cứ như thế hơn một năm thì hoàn thành sách. Anh Vương Thừa Vũ cho đánh máy thành nhiều bản gửi xin ý kiến cấp trên và các anh chỉ huy lãnh đạo mặt trận Hà Nội (1946). Từng anh ghi ý kiến vào bản thảo rồi gửi lại cho anh Vũ để bổ sung, sửa chữa. Riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho anh Hoàng (thư ký) gọi tôi đến. Sau lời động viên, Đại tướng nói: “Phải viết lại phần đầu, vì từ trước đến nay báo chí ta đều công bố Pháp nổ súng đánh úp ta trước. Nay sách nói ta giành chủ động nổ súng đánh trước thì phải xin ý kiến Bác Hồ và xin ý kiến Bộ Chính trị”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn nói thêm: “Đến thời điểm nào đó thì ta có thể công bố được, nay thì chưa công bố được. Cuộc chiến đấu ở Hà Nội mới được hơn 10 năm”.

        Anh Vương Thừa Vũ và tôi chấp hành ý kiến chỉ đạo đó về sửa chữa lại, đến cuối năm 1964 sách được xuất bản.

        Hơn 10 năm sau, năm 1976 Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho tái bản. Lần này có thuận lợi là anh Nguyễn Viết Nhâm - cán bộ của Nhà xuất bản là người đã từng chiến đấu ở Liên khu II tại các phố Mai Hắc Đế,Triệu Việt Vương... trực tiếp biên tập sách “Hà Nội 60 ngày khói lửa”. Anh giới thiệu với tôi đi gặp những cán bộ, chiến sĩ chiến đấu ở Hà Nội thời đó để bổ sung và anh Nhâm cũng đã giúp đỡ tôi sửa chữa bổ sung thêm.

        Năm mươi năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến - năm 1996 sách được tái bản lần thứ 3 do Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện. Năm nay, 2006 - như vậy là 60 năm sau kể từ “Bút ký chiến sự lục”, các anh chỉ huy lãnh đạo mặt trận Hà Nội cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1946 - nhiều người đã ra đi về cõi Vĩnh Hằng.

        Sách tái bản lần này như một nén hương thơm tưởng nhớ và biết ơn các anh cùng nhân dân đã ngã xuống mảnh đất Thủ đô Hà Nội, để Hà Nội có được như ngày nay.

Thiếu tướng. TS NGUYỄN CHU PHÁC       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:22:55 pm »


XÂY DỤNG LỰC LƯỢNG VÀ HUẤN LUYỆN QUÂN SỰ CHO CÁC CHIẾN TRƯỜNG
(Tuyển luận văn quân sự)

        ĐẶC ĐIỂM VÀ GIÁ TRỊ ĐỊA HÌNH NƯỚC TA VỚI VẤN ĐỀ QUÂN SỰ1

        Địa hình là sự vật khách quan vô tri vô giác. Địa hình không chỉ thay đổi từ trạng thái nọ sang trạng thái kia một cách nhanh chóng như các sự vật khác mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hành động trong lĩnh vực quân sự. Vì ngoài vũ khí là phương tiện để tiến hành chiến tranh thì địa hình là một nhân tố hết sức quan trọng. Nó là một trong những nguyên nhân thắng lợi hoặc thất bại của hoạt động quân sự. Trong chiến tranh, con người nhận thức được tính chất của địa hình, phân tích nhận định được giá trị của địa hình đối với ý định hoạt động quân sự, cải tạo địa hình, biến địa hình, địa vật thành cái phù hợp với ý định con người. Như vậy qua nhận thức, tác động của con người thì địa hình cũng trở nên có tác dụng tích cực.

        Bất cứ tiến công hay phòng ngự, yếu tố địa hình đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của chiến đấu. Nhất là phía phòng ngự, có thời gian chuẩn bị, có ý định phòng thủ đối với từng mục tiêu thì yếu tố địa hình càng trở nên quan trọng. Năm 1946 giặc Pháp một lần nữa xâm lược nước ta, bước đầu tiên chúng chiếm các cửa ngõ giao thông, các thành phố, nối liền các trục đường lớn rồi tỏa dần ra xâm chiếm cả nước. Như ở Bắc Bộ chúng chiếm Hải Phòng - Hà Nội - Nam Định, trục đường số 5, số 1, v.v… để khống chế khu tam giác đồng bằng hòng chiếm nguồn nhân lực vật lực của chúng ta. Nhưng dưới sự chỉ đạo tài tình của Đảng, chúng ta đã tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài, toàn dân và toàn diện nên đã chiến thắng kẻ địch. Năm 1952 giặc Pháp đánh chiếm Hòa Bình để cắt đứt liên lạc giữa Liên khu 4 và chiến khu Việt Bắc. Nhưng chúng ta đã phản công quyết liệt, đánh bại cuộc tiến công của chúng, bắt chúng phải rút khỏi Hòa Bình. Nhưng cuộc chiến tranh sau này nếu xảy ra, do tình hình xây dựng phát triển kinh tế của chúng ta có khác trước, trong tác chiến phòng ngự, căn cứ vào ý định chung của chiến lược chúng ta không dễ dàng từ bỏ các mục tiêu kinh tế, chính trị, các đường giao thông quan trọng, do đó vấn đề yểm hộ các địa hình quan trọng cũng khác trước, nên cần được nghiên cứu và có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng.

        Trong giai đoạn trước mắt, nếu kẻ địch tiến công chúng ta thì có thể về hỏa lực chúng vẫn tập trung mạnh hơn, nhất là trong điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân, vi trùng, hóa học thì sức tàn phá càng nguy hiểm hơn.

        Chúng ta chưa đủ phương tiện để phá hủy những thứ đó tận sào huyệt của địch, chưa đủ phương tiện hiện đại để phòng ngừa chắc chắn, thì lợi dụng yếu tố địa hình, địa vật và cải tạo địa hình, địa vật lại càng trở nên quan trọng. Trong huấn luyện, cần tránh chỉ nhấn mạnh một chiều điều kiện vũ khí hiện đại, vũ khí chống vũ khí mà coi nhẹ phần đặc điểm của ta là phải tích cực lợi dụng và cải tạo địa hình, biến địa hình trở thành sức mạnh vật chất giảm tác dụng phá hủy của vũ khí hiện đại của địch, lợi dụng những thế có lợi cho mình chuẩn bị sẵn để đánh bại tiến công của kẻ địch.

        Trong chiến dịch, chiến thuật, bên phòng ngự ít hơn bên tiến công về quân số, vũ khí. Nhưng bên phòng ngự nếu biết chiếm giữ ở địa hình lợi thế hơn, biết cải tạo địa hình địa vật phục vụ cho ý định quân sự cộng với yếu tố tinh thần chiến đấu đến cùng thì sẽ làm cho bên tiến công có hỏa lực mạnh cũng phải thiệt hại nặng, chậm bước tiến hoặc thất bại.

        Bờ biển, sông ngòi, đồi núi, làng mạc và đồng ruộng chỉ là những vật thể tự nhiên. Nhưng bên phòng ngự biết khéo léo lợi dụng và triệt để cải tạo thì địa hình, địa vật không phải là vật chết nữa mà sẽ trở nên sinh động, tích cực, trở thành sức mạnh vật chất bổ trợ cho tinh thần chiến đấu bền bỉ. Ngược lại nếu địa hình có tốt mà người chỉ huy chỉ nhấn mạnh mặt vũ khí, coi nhẹ mặt địa hình, không biết lợi dụng hoặc không tích cực cải tạo địa hình, địa vật thì có khi chính địa hình tốt ấy sẽ phản lại ý định quân sự hoặc không có lợi gì cho ý định hành động quân sự.

        Thí dụ: kẻ địch tiến công miền Bắc nước ta bằng đường biển, địch ở trên biển cơ động hơn, có hỏa lực tầm xa và mạnh hơn, đồng thời chúng dùng phương tiện trực thăng đổ quân sâu vào bên trong, sau lưng ta để phối hợp với quân từ biển tiến công lên. Nhưng đứng về mặt địa thế mà nói thì địch ở thế bị kẹt vào eo biển vịnh Bắc Bộ và đảo Hải Nam. Ta ở trên đất liền, nếu cải tạo bờ biển và tung thâm lục địa có công sự tốt là thế của ta vững chắc hơn.

        Địa hình ở đồng bằng là nơi địch dễ dàng đổ bộ tiến công từ đường biển lên, tiện phát huy uy lực của binh khí kỹ thuật hiện đại. Nhưng nếu ta biết tích cực cải tạo và lợi dụng triệt để thì sẽ biến làng mạc, sông ngòi thành những điểm chốt đề kháng cố thủ, ngăn chặn được địch, và dựa vào thế tổ chức trận địa sẵn mà phản kích, phản công tiêu diệt địch. Nghiên cứu địa hình quân sự nếu tách rời từng bộ phận thì dễ thấy bị cô lập, yếu thế. Nhưng nhìn bao quát, liên hệ phạm vi nhỏ trong phạm vi lớn thì phân tích mạnh yếu của địa hình càng rõ ràng hơn. Địa hình đất nước ta dài và hẹp, lại có nhiều sông ngòi chia cắt ra từng khu vực. Từ những đặc điểm đó của địa hình nên ảnh hưởng đến hành động quân sự của hai bên ta và địch, địch không thể tiến công chiến tuyến với diện rộng được, mà ta có phòng ngự cũng không thể nào phòng ngự theo chiến tuyến liên tục được, cho nên tác chiến ở từng khu vực, trên từng chiến trường vẫn là phổ biến. Mặt khác, xem xét địa hình cụ thể lại phải luôn luôn theo dõi sự biến đổi của địa hình trong giai đoạn kiến thiết kinh tế và theo dõi ảnh hưởng của thời tiết khí hậu từng mùa (mùa mưa, nước thủy triều, v.v.) đối với giá trị của địa hình vì nó quan hệ trực tiếp đến ý định hành động quân sự.

---------------------
       1. Bài đăng tạp chí Quân đội nhân dân, tháng 5 năm 1963.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Mười, 2016, 12:33:28 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:23:53 pm »


        QUÁN TRIỆT ĐƯỜNG LỐI, TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ CỦA ĐẢNG TRONG MỌI NỘI DUNG HUẤN LUYỆN

        Như đã khẳng định, đường lối, quan điểm, tư tưởng quân sự của Đảng là kim chỉ nam cho mọi hành động quân sự của các lực lượng vũ trang ta.

        Trong công tác huấn luyện, đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng trước hết phải thể hiện ở tư tưởng chỉ đạo tác chiến, ở những nội dung kỹ thuật, chiến thuật cụ thể, ở hành động chiến đấu của bộ đội, nghệ thuật chỉ huy của cán bộ.

        1. Quán triệt đầy đủ tư tưởng chiến lược tiến công, nâng cao tính khoa học và sáng tạo trong nội dung huấn luyện.

        Tư tưởng tiến công là cơ sở tư tưởng của chiến lược cách mạng và chiến tranh cách mạng Việt Nam. Nó xuất phát từ tính chất cách mạng triệt để trong đường lối chính trị và quân sự của Đảng ta. Nó xuyên suốt mọi hoạt động xây dựng và chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân ta, là cốt tủy của nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân.

        Tư tưởng chiến lược tiến công thể hiện ở hành động tích cực tiến công tiêu diệt địch một cách kiên quyết, liên tục và toàn diện, bằng mọi lực lượng, mọi vũ khí, mọi hình thức với mọi quy mô ở mọi nơi, mọi lúc. Tư tưởng tiến công phải được quán triệt nhuần nhuyễn trong mọi suy nghĩ, mọi hành động của các lực lượng vũ trang ta, trong các phương thức tác chiến, trong các hình thức tác chiến tiến công cũng như tác chiến phòng ngự.

        Tiến công và phòng ngự tuy là hai hình thức tổ chức chiến đấu cụ thể khác nhau, nhưng cả hai đều phải quán triệt tư tưởng tiến công, lấy tư tưởng tiến công làm tư tưởng chỉ đạo.

        Tác chiến phòng ngự có tư tưởng chỉ đạo riêng là: tích cục chiến đấu, kiên cường giữ vững trận địa, ngăn chặn địch kết hợp chặt chẽ với tích cực đánh phản kích tiêu hao, tiêu diệt sinh lục địch, đồng thời tạo điều kiện cho lục lượng cơ động thực hành phản công tiêu diệt địch. Tư tưởng chỉ đạo đó nói lên rất rõ tư tưởng tiến công trong hình thức tác chiến phòng ngự. Nếu quan niệm phòng ngự chỉ là ngăn chặn địch và đánh tiêu hao đơn thuần thì sẽ co mình vào thế bị động trong công sự trận địa. Như vậy, dù công sự trận địa có kiên cố đến mấy, không sớm thì muộn cũng bị cô lập và rơi vào tay địch. Cho nên, trong tác chiến phòng ngự, ta phải tích cực chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt nhiều lực lượng của địch mới giữ được trận địa, mới tạo thế cho lực lượng cơ động đến thực hành phản công tiêu diệt toàn bộ quân địch. Từ nội dung phán đoán về địch đến những nội dung cần xác định trong quyết tâm chiến đấu phòng ngự chốt giữ như: thế trận chiến đấu phòng ngự, thế trận phản kích và thế trận thực hành phản công, tổ chức chiến đấu, tổ chức hiệp đồng, các cách đánh, các thủ đoạn chiến đấu, v.v… đều phải thể hiện tư tưởng tích cực kiên cường giữ vững trận địa, tạo mọi thời cơ tích cực tiến công tiêu diệt quân địch.

        Tư tưởng tiến công còn phải được quán triệt trong các điều lệnh: nội vụ, đội ngũ, cảnh bị; trong kỹ thuật, chiến thuật và tác phong sinh hoạt của bộ đội. Huấn luyện là để chiến đấu. Nếu cán bộ không tự mình quán triệt và không truyền đạt cho chiến sĩ quán triệt tư tưởng tiến công tiêu diệt địch trong các nội dung kỹ thuật, chiến thuật, các tư thế, động tác, yếu lĩnh chiến đấu thì chẳng qua đó chỉ là những hành động máy móc, không có linh hồn mà thôi.

        Chúng ta chỉ cần nêu một vài dẫn chứng thực tế là có thể thấy rõ điều đó.

        Công tác giáo dục, rèn luyện bộ đội chấp hành điều lệnh có mục đích đưa toàn bộ hoạt động của bộ đội vào nền nếp thống nhất, nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, tính tập trung, tính khoa học nhằm đạt đến hành động kiên quyết và nhất trí, đến sự phối hợp chặt chẽ giữa mọi bộ phận của quân đội trong chiến đấu.

        Rèn luyện đội ngũ không phải là để phô trương hình thức, cũng không phải chỉ để duyệt binh. Mục đích cơ bản của nó là xây dựng cho mỗi chiến sĩ, mỗi đơn vị những động tác chiến đấu cơ bản nhất, rèn luyện tính tập trung thống nhất, ý thức tổ chức kỷ luật cao, tư thế nghiêm trang hùng mạnh, khẩn trương hoạt bát, tinh thần bền bỉ dẻo dai, v.v… Tất cả đều phải nhằm phục vụ chiến đấu, làm cơ sở cho tư tưởng tiến công tiêu diệt địch.

        Các kỹ thuật bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, đào công sự, v.v… lúc dùng vào nhiệm vụ này, lúc dùng vào nhiệm vụ khác, nên có thể vận dụng rất linh hoạt, nhưng về mặt tư tưởng thì nhất thiết đều phải thể hiện tư tưởng tiến công. Chẳng hạn, đào công sự chiến đấu mà không quán triệt tư tưởng tiến công thì khi đào hoặc chỉ huy đào chỉ đơn thuần coi đó là hầm hố ẩn nấp và người ngồi trong công sự chỉ biết nghĩ đến việc bảo tồn mình. Hầm hố chiến đấu phải bảo đảm ẩn nấp tốt nhưng cuối cùng vẫn phải bảo đảm tiêu diệt được địch và cơ động thuận tiện, lúc tập trung hướng này, lúc tập trung hướng khác, tạo điều kiện tiêu diệt địch trong tiến công và tiêu diệt địch, giữ vững trận địa trong phòng ngự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:24:18 pm »


        Huấn luyện khoa mục canh gác phải nhằm mục đích xây dựng cho chiến sĩ tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nhất: kiên cường, bình tĩnh, tinh khôn sắc sảo, tư thế đi đứng nghiêm trang hùng dũng, tác phong nhanh nhẹn dứt khoát, tai thính, mắt tinh, phát hiện địch kịp thời, xử trí đúng với mọi tình huống, phân biệt được người ngay với kẻ gian, chủ động tiến công tiêu diệt địch, bảo đảm an toàn cho đơn vị.

        Nội dung chiến thuật của cấp nào cũng phải quán triệt tinh thần chủ động tiến công, kiên quyết và táo bạo, tiến công địch bằng nhiều hình thức, trong mọi tình huống. Nếu không quán triệt đầy đủ tư tưởng tiến công thì có khi biết đánh mà không dám đánh, bỏ lỡ thời cơ hoặc không tạo được thời cơ để tiêu diệt địch.

        Nói tóm lại, nghệ thuật quân sự của ta phải thấm nhuần rất sâu sắc tư tưởng tiến công. Huấn luyện quân sự là công tác dạy và luyện cho bộ đội nắm vững nghệ thuật quân sự để đánh thắng địch trên chiến trường, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng. Do đó, bất cứ nội dung huấn luyện nào về chiến thuật, kỹ thuật, điều lệnh, v.v… cũng đều phải thấm nhuần tư tưởng tiến công. Tư tưởng tiến công là linh hồn của nội dung huấn luyện. Quá trình huấn luyện chính là quá trình xây dựng cho bộ đội quyết tâm và bản lĩnh tiến công tiêu diệt địch.

        Nâng cao tính khoa học trong nội dung huấn luyện trước hết là nhận thức đúng đắn thực tế khách quan về địch, về địa hình, thời tiết, bám sát thực tiễn chiến đấu trên cơ sở đó giải quyết đúng đắn các mối quan hệ, định ra các biện pháp tác chiến, các hình thức chiến thuật, cách tổ chức lực lượng thích hợp nhất, có lợi nhất, tạo nên sức chiến đấu mạnh hơn địch để tiêu diệt địch nhanh, gọn, giòn giã. Huấn luyện một cách khoa học tức là huấn luyện thế nào để người cán bộ, chiến sĩ biết rõ các điều kiện cụ thể về địch, ta, địa hình, định ra được cách đánh thích hợp, tận dụng được mọi yếu tố thuận lợi, tạo nên và phát huy được sức mạnh tổng hợp để đánh thắng địch. Người chiến sĩ phải có khả năng kết hợp chặt chẽ các yếu tố về tinh thần, kỹ thuật, vũ khí, địa hình, thời tiết trong điều kiện không gian, thời gian nhất định, trong mọi nhiệm vụ, mọi tình huống để chiến thắng kẻ địch. Người cán bộ phải biết căn cứ vào chủ trương nhiệm vụ và tình hình thực tế mà vận dụng cách đánh, cách tổ chức lực lượng và tổ chức đội hình chiến đấu, biết hành động mưu trí sáng tạo trong mọi tình huống, phát huy và tận dụng cao độ chỗ mạnh của đơn vị mình cũng như của đơn vị bạn để đánh vào chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch.

        Vừa qua, quân và dân miền Nam nước ta đã đánh thắng đội quân xâm lược của đế quốc Mỹ, đông quân, giàu tiền của, nhiều súng đạn và có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao. Thế tiến công của chiến tranh nhân dân ở miền Nam từ nhỏ bé, cục bộ tiến lên to lớn, toàn bộ, kết hợp nhiều mặt đấu tranh, trên nhiều địa bàn, nhiều hướng chiến lược. Tình hình đó đòi hỏi lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng có một năng lực tổ chức rất cao, rất khoa học mới góp phần cùng lực lượng chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh địch có hiệu quả nhất, giành thắng lợi cao nhất, còn mình thì tổn thất ít nhất.

        Kinh nghiệm của Quân giải phóng miền Nam đã chỉ rõ: muốn vậy mọi nội dung huấn luyện quân sự, từ động tác kỹ thuật đến chiến thuật, từ cá nhân đến đơn vị đều phải quán triệt đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng. Một chiến sĩ trước khi hành quân chiến đấu, trước giờ nổ súng, trước khi hoàn thành một nhiệm vụ, v.v… phải chuẩn bị những gì, chuẩn bị như thế nào, phải thành thạo động tác, phải suy nghĩ, phán đoán ra sao, phải giữ liên lạc với bạn, với cấp trên, phải độc lập xử trí tình huống như thế nào, v.v… nhất nhất đều phải làm được, làm đúng, biết làm gì trước, biết làm gì sau... Đối với cán bộ thì yêu cầu càng cao hơn. Đó là năng lực tổ chức nắm tình hình, nghiên cứu, phán đoán tình hình chính xác, khách quan, đề ra ý định tác chiến đúng, tổ chức thực hiện nhanh chóng, chính xác, không thừa người, không lãng phí súng đạn, không tốn thời gian. Đó là trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu qua các giai đoạn của chiến thuật, từ một trận đến nhiều trận liên tiếp. Tính tổ chức, tính khoa học trong nội dung huấn luyện trước hết phải biểu hiện ở ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết chủ động hiệp đồng, tác phong nghiêm túc, khách quan, tỉ mỉ, chuẩn xác trong khi xem xét, giải quyết mọi vấn đề. Nhiều đơn vị trong một thời gian ngắn đã liên tiếp đánh nhiều trận rất tài tình với những tình huống khá phức tạp. Nhiều đơn vị trong hoàn cảnh chiến đấu liên tục vẫn kết hợp tốt tác chiến với huấn luyện, huấn luyện thực sự ngay sát nách địch để bộ đội càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.

        Nâng cao tính khoa học trong nội dung huấn luyện là bảo đảm cho bộ đội hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, bảo đảm cho cán bộ quen nắm vững đơn vị mình, quen tổ chức, phát huy được cao độ sức mạnh của đơn vị mình để chiến thắng, để cấp nào cũng không bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt địch, cấp nào cũng có thể độc lập, chủ động, tích cực chiến đấu tốt và chiến đấu hiệp đồng giỏi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:24:53 pm »


        Một vấn đề quan trọng nữa trong nội dung huấn luyện là phải luôn luôn thể hiện tính sáng tạo của đường lối quân sự của Đảng ta. Trong việc xác định nội dung huấn luyện cho bộ đội, cần hết sức tránh hiện tượng sao chép một cách giáo điều, máy móc hoặc “cải biên” một cách tùy tiện, làm hạn chế kết quả huấn luyện. Dưới ánh sáng các nghị quyết của Đảng, chúng ta ngày càng nhận thức sâu sắc tính độc lập sáng tạo của đường lối quân sự, từng bước nắm và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa “xuất phát từ thực tế của ta” và “học tập bạn có chọn lọc”. Thực tế chiến tranh đã chứng minh, chỉ có nắm vững quan điểm, tư tưởng của Đảng ta, dựa hẳn vào thực tiễn của ta, biết kế thừa, phát huy những truyền thống quân sự tốt đẹp của dân tộc ta, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn sáng tạo, kiên quyết khắc phục tư tưởng chủ quan, bảo thủ, thì nội dung huấn luyện mới thể hiện đúng đắn đường lối quân sự của Đảng.

        Chính nhờ nắm vững đường lối quân sự của Đảng và biết phát huy tính sáng tạo nên các binh chủng, quân chủng kỹ thuật đã giải quyết được nhiều khó khăn trong nội dung huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật để đánh thắng địch. Từ thực tiễn chiến đấu, chúng ta đã tìm ra nhiều hình thức, phương thức tác chiến phong phú, độc đáo Việt Nam, đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc chiến đấu ngày càng phát triển đồng thời góp phần xứng đáng vào việc phát triển lý luận quân sự cách mạng.

        Chúng ta luôn luôn coi trọng và hết sức khiêm tốn học tập những kinh nghiệm rất quý báu của cách mạng thế giới, nhất là của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Nhưng cũng chỉ với tinh thần độc lập, sáng tạo rất cao, chúng ta mới tiếp thụ và vận dụng có kết quả những thành tựu khoa học, những công trình nghiên cứu của bạn.

        Quán triệt và thể hiện đầy đủ tư tưởng tiến công, tính khoa học và sáng tạo trong nội dung huấn luyện là một quá trình nâng cao nhận thức về đường lối, tư tưởng quân sự của Đảng. Đó cũng là quá trình đấu tranh khắc phục những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, bám sát và phát hiện những nhân tố mới trên chiến trường. Trong quá trình đó, công tác huấn luyện quân sự phải phát hiện được kinh nghiệm, đúc kết thành nội dung huấn luyện, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh xây dựng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống phát triển của chiến tranh.

        2. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đánh tiêu diệt.

        Đánh tiêu diệt là tư tưởng chỉ đạo tác chiến của quân đội ta. Đó là biểu hiện của tư tưởng triệt để cách mạng, là một yêu cầu quan trọng bậc nhất đối với các lực lượng vũ trang ta, nhất là đối với các đơn vị chủ lực. Không tiêu diệt gọn từng đơn vị của địch thì không làm tan rã được lực lượng quân sự của chúng. Không đánh tiêu diệt về chiến thuật, chiến dịch thì không làm chuyển biến được tình thế, không đánh bại được chiến lược quân sự của địch.

        Muốn đánh tiêu diệt thì phải đánh giá địch cho đúng, chọn chiến trường và chuẩn bị chiến trường cho tốt, tổ chức lực lượng và thế trận đủ sức mạnh, chuẩn bị vật chất đầy đủ, xác định cách đánh thích hợp. Nhất là trong tình hình địch có số quân đông, có hỏa lực mạnh thì tổ chức phối hợp chiến trường và hiệp đồng binh chủng phải chặt chẽ và chu đáo tổ chức chỉ huy phải thông suốt và điều rất quan trọng là các cán bộ chủ chốt phải trực tiếp chỉ huy trận đánh.

        Trong lịch sử chiến tranh giữ nước và chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, xưa và nay đều có rất nhiều trận đánh tiêu diệt xuất sắc.

        Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa qua, mặc dù quân địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần về vật chất, kỹ thuật, ta vẫn giáng cho chúng những đòn mãnh liệt, vẫn đánh nhiều trận tiêu diệt gọn bằng nhiều hình thức chiến thuật phong phú.

        Trong huấn luyện quân sự, ta phải quán triệt tư tưởng đánh tiêu diệt, từ tinh thần tư tưởng đến động tác của từng người chiến sĩ, từng cán bộ chỉ huy. Phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy: đi đôi với tiêu diệt sinh lực địch thì tiêu diệt cơ quan chỉ huy, phương tiện thông tin và phương tiện chiến tranh của địch là vô cùng quan trọng. Ngay từ khi chuẩn bị chiến đấu, làm kế hoạch tác chiến hoặc trong hội nghị quân sự dân chủ, mọi người đều phải nghĩ tới điều đó. Khi chiến đấu, mọi người phải tìm trăm phương ngàn kế tiêu diệt bằng được cơ quan chỉ huy và phương tiện chiến tranh của địch, vì có diệt được đầu não thì mới diệt gọn được đơn vị của địch.

        Tư tưởng đánh tiêu diệt, đặc biệt quan trọng là tiêu diệt cơ quan chỉ huy địch, cần được quán triệt ngay trong khi huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật từ phân đội nhỏ trở lên, tạo thành thói quen ăn sâu trong ý thức tư tưởng của bộ đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:25:28 pm »


        3. Phát huy yếu tố bí mật, bất ngờ.

        Lịch sử chống ngoại xâm ở nước ta, cả xưa lẫn nay đều chứng tỏ rằng dân tộc ta quả đã có truyền thống đánh giặc giữ nước vô cùng oanh liệt. Đi đôi với truyền thống “cả nước cùng chung sức” đánh giặc, dân tộc ta còn có tài thao lược, “mưu cao, mẹo giỏi”, nhờ đó mới đánh bại được những kẻ thù xâm lược phần lớn đều mạnh hơn mình nhiều lần.

        Khi nói về “mưu cao, mẹo giỏi”, tổ tiên ta đều nói đến “giữ bí mật, tạo bất ngờ” - một yếu tố hết sức quan trọng, một điểm nổi bật trong nghệ thuật đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Ngày nay cũng vậy, do có ý chí tiêu diệt địch mạnh mẽ, có đầu óc thông minh sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật cao và biết luôn luôn dựa vào dân, các lực lượng vũ trang ta đã luôn luôn hành động bí mật, bất ngờ để đánh thắng địch.

        Bí mật, bất ngờ là yếu tố vô cùng quan trọng để thực hiện cách đánh của ta. Chúng ta phải hết sức giữ bí mật về phương hướng, mục tiêu, thời gian, cách dùng lực lượng, quy mô đánh, cách đánh, v.v… để tạo bất ngờ, giành quyền chủ động đánh địch những đòn quyết liệt. Chúng ta hết sức giữ và giành bằng được yếu tố bí mật, bất ngờ trong mọi hành động lớn nhỏ, từ kỹ thuật đến chiến thuật, chiến dịch, từ động tác của người chiến sĩ đến hành động của các đơn vị lớn.

        Nếu cho rằng chúng ta có đủ sức mạnh, có nhiều trang bị vũ khí hiện đại nên không cần giữ bí mật, cứ dùng sức mạnh chọi với sức mạnh của địch, cứ đánh công khai đàng hoàng cũng thắng, thì đó là hoàn toàn sai lầm. Nên nhớ rằng ngoài sức mạnh về tinh thần bộ đội, ta có thể tập trung sức mạnh về trang bị vũ khí hơn địch trong từng trận, trên từng hướng, ở từng mục tiêu và trong từng thời gian. Nhưng nói chung trang bị của ta không mạnh hơn địch, nhất là về hỏa lực của không quân và hải quân. Vì thế, hạn chế đến mức tối đa sức mạnh vật chất của địch chính là nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy của chúng ta. Nếu giữ được bí mật, tạo được bất ngờ, giành được chủ động thì chúng ta có thể đánh những trận thắng lớn mà tổn thất của ta lại rất ít.

        Trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây cũng như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày nay, kẻ địch thua ta không phải vì chúng thiếu vũ khí, bom đạn. Còn ta thắng chúng cũng không phải vì ta có nhiều vũ khí, bom đạn hơn chúng mà chính vì ta có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, lại có nghệ thuật quân sự tài giỏi. Bất ngờ đánh địch về chiến lược cũng như về chiến thuật, chúng ta đã giành được những thắng lợi to lớn. Nhiều trận chúng ta thắng oanh liệt vì trong đó có một nguyên nhân là ta đã phát huy được yếu tố bí mật, bất ngờ. Từ thực tế đó, chúng ta càng thấy mọi nội dung huấn luyện đều phải đạt tới chỗ bảo đảm cho mọi quyết tâm, mọi việc làm, mọi động tác, mọi quy mô tác chiến đều phát huy được yếu tố bí mật, bất ngờ một cách linh hoạt, mưu trí và sáng tạo.

        4. Giành và giữ quyền chủ động.

        Quyền chủ động đây có nghĩa là quyền tự do hành động của bộ đội theo ý định của mình, phân biệt với thế bị động: nghĩa là bị bức vào trạng thái không tự do. Giữ vững quyền chủ động thì buộc được đối phương phải bị động theo ý định của ta.

        Trong lĩnh vực quân sự, có thể coi quyền chủ động như vận mệnh của bộ đội. Mất quyền chủ động thì sẽ sa vào trạng thái bị động và có thể dẫn tới thất bại. Một khi đã bị động mà để trạng thái đó kéo dài thì lại càng lúng túng. Muốn chuyển biến tình hình, khôi phục lại quyền chủ động, thì phải có ý chí rất kiên quyết, có nghệ thuật tổ chức giỏi và có thể chịu một số tổn thất nhất định. Vì vậy, giữ quyền chủ động cho bộ đội là điều vô cùng quan trọng. Xưa nay trong chiến tranh, hai bên đối chiến đều thường phải ra sức giành và giữ quân chủ động cũng như hết sức tránh thế bị động.

        Nhưng giữ quyền chủ động không có nghĩa là tùy tiện, muốn đánh thì đánh, không muốn đánh thì thôi. Đó là vô kỷ luật trong chiến đấu. Giữ vững chủ động lại càng không có nghĩa là lấy nó làm cái cớ để che giấu tư tưởng không dám đánh, thoái thác nhiệm vụ. Đó là dao động chứ không phải chủ động. Giữ quyền chủ động có nội dung rất rộng, bao gồm nhiều vấn đề, nhiều mức độ. Có chủ động chiến thuật, chiến dịch và cũng có chủ động chiến lược. Bài này không bàn về những vấn đề rộng lớn như vậy mà chỉ thu hẹp trong một vài điểm cụ thể, nhằm nhắc nhở các đơn vị chú ý vận dụng trong khi huấn luyện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 11:26:01 pm »


        - Giữ quyền chủ động trong hành quân, trú quân.

        Giữ quyền chủ động trong hành quân có nghĩa là bảo đảm cho bộ đội không bị những bất trắc xảy ra dọc đường, đưa toàn bộ lực lượng tới đích an toàn. Muốn vậy, ta phải tổ chức các đội, các tổ cảnh giới hành quân ở phía trước, bên sườn và phía sau, tổ chức theo dõi nắm chắc địch trên không và dưới đất. Tổ chức đội hình hành quân chặt chẽ, quy định tín hiệu, ám hiệu (mật hiệu) truyền tin, truyền lệnh cho thật nhanh và chính xác. Cán bộ đi trong đội hình theo vị trí chỉ huy của từng cấp. Kỷ luật hành quân phải thật nghiêm, không để người chạy ra chạy vào hàng quân lộn xộn. Giờ đi, giờ nghỉ phải thống nhất. Ở chỗ nghỉ dài, phải chọn nơi địa hình bảo đảm phòng không, phòng pháo tốt. Dù nghỉ ngắn hay nghỉ dài đều phải bố trí cảnh giới. Khi xảy ra tình huống bất trắc thì mọi người phải hết sức bình tĩnh, trật tự, nghe mệnh lệnh và làm theo mệnh lệnh của người chỉ huy...

        Tất cả những điều trên đều là những nội dung cần huấn luyện kỹ, nhằm mục đích giữ quyền chủ động trong hành quân chiến đấu. Huấn luyện hành quân mà để bộ đội kéo lê thê dọc đường, không thành đội hình, cán bộ không nắm chiến sĩ... nhất định sẽ nát về tổ chức và lỏng lẻo về tư tưởng. Huấn luyện như vậy sẽ tạo thành thói quen vô kỷ luật trong chiến đấu, khi gặp tình huống bất trắc dễ sa vào thế bị động, nguy hiểm.

        Huấn luyện trú quân ở rừng núi hay đồng bằng, làng mạc, ở xa hay ở gần địch đều phải thực hiện các yêu cầu: phái trinh sát đi nắm địch ở xung quanh nơi đóng quân, nếu có cơ sở nhân dân thì liên hệ với chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích, xác định khu vực trú quân nhanh chóng, xem xét địa hình xung quanh, liên quan đến nơi trú quân. Ở những điểm quan trọng, phái cảnh giới chiếm giữ địa hình khống chế. Bố trí lực lượng trú quân thành thế trận, không tập trung vào một nơi, nhưng không quá phân tán; vạch kế hoạch tác chiến, tổ chức tuần tra canh gác, đặt tín hiệu, ám hiệu, tổ chức thông tin liên lạc, đào công sự chiến đấu, v.v… Tùy theo tính chất và thế địa hình, nếu cần thì phái ra một bộ phận lực lượng cảnh giới chiến đấu cách xa vị trí đóng quân. Huấn luyện tất cả những nội dung đó cũng đều nhằm mục đích giữ quyền chủ động khi trú quân.

        - Giữ quyền chủ động trong chiến đấu.

        Quyền chủ động trong chiến đấu có liên quan tới yếu tố bí mật, bất ngờ. Hai mặt đó không thể tách rời nhau, vì có giữ được bí mật và tạo được thế bất ngờ thì mới giành và giữ được quyền chủ động. Để giành quyền chủ động, còn phải phán đoán chính xác tình hình địch, chọn mục tiêu ở nơi bất ngờ nhất, nhằm chỗ địch sơ hở nhất, nơi trọng yếu nhất của địch để nhanh chóng hạ quyết tâm, xác định cách đánh và tổ chức lực lượng chiến đấu, tổ chức nghi binh thu hút địch, tổ chức các đội luồn vào đánh bên trong, kiềm chế pháo, bắn máy bay, diệt tăng, sử dụng lực lượng dự bị, dự kiến các diễn biến khác, v.v…

        Đó là nội dung cần vận dụng vào công tác huấn luyện hàng ngày nhằm mục đích giành quyền chủ động trong chiến đấu.

        5. Tạo hình thái tác chiến xen kẽ với địch.

        Thế chiến tranh nhân dân của ta không hình thành chiến tuyến, kể cả khi tiến công cũng như khi phòng ngự. Vì toàn dân ta đều đánh giặc: đánh ở mọi nơi, mọi lúc, đánh bằng mọi lực lượng, đánh ở bên trong và đánh ở bên ngoài, đánh sau lưng và đánh ở trước mặt địch, luôn luôn bám địch mà đánh, xen kẽ cài thế trong thế trận của địch mà đánh. Dù địch mạnh đến đâu cũng sa vào thế chiến tranh nhân dân của ta, đều đứng vào thế bị bao vây. Đó là hình thái đặc biệt của thế chiến tranh nhân dân của ta.

        Không những thế chiến tranh nhân dân rộng lớn mà ngay từng trận địa chốt giữ trọng điểm trong từng khu vực cũng không thể hình thành phân tuyến với địch, không thể tổ chức trận địa theo từng dải, từng tuyến hàng ngang triền miên. Quân số ta có hạn không sao rải ra khắp được, cơ sở vật chất ta có ít, lại chưa đủ khả năng làm chủ tuyệt đối trên không và làm chủ mặt biển, vả lại địa hình đất nước ta dài và hẹp, lại bị đồi núi, sông ngòi chia cắt thành nhiều khu vực nhỏ. Còn kẻ địch thì có tiềm lực quân sự mạnh, quân số tập trung đông, hỏa lực mạnh, có phương tiện cơ động nhanh, nhất là máy bay vận chuyển. Địch có thể khắc phục được địa hình phức tạp, làm thay đổi so sánh lực lượng và trạng thái trên chiến trường rất nhanh. Do tình hình thực tế ta và địch như vậy nên ta phải có kiểu cách tổ chức phòng ngự như thế nào cho thích hợp để thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vùng mới giải phóng, giữ được đất, giữ được dân, lại có đủ sức tiến công tiêu diệt được địch. Ta cần phải suy nghĩ giải quyết cho tốt nhiệm vụ này. Muốn vậy, ta phải xây dựng lực lượng tại chỗ kết hợp với lực lượng cơ động mạnh, thống nhất tổ chức và thống nhất chỉ huy. Đó là nội dung đồng thời là quan điểm tổ chức phòng ngự trận địa chốt, cụm chốt liên hoàn của ta để tác chiến bảo vệ khu vực, bảo vệ vùng mới giải phóng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM