Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:38:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33595 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:48:10 pm »


        Hôm ấy, đồng chí Nguyễn Văn Trân và Trần Độ cùng các đoàn uý lạo binh sĩ đem quà bánh đi các đơn vị thăm hỏi bộ đội và thương binh. Tới Văn Điển, Trần Độ gặp một thương binh cụt một chân và hai tay. Chiến sĩ ấy vẫn tươi cười hồn nhiên kể lại:

        - Anh ạ, lúc ấy một quả moóc-chi-ê rơi trúng vào tổ chúng tôi. Một cậu hy sinh ngay. Còn tôi mê đi, tưởng chết... Nhưng cũng may... chỉ cụt thôi.

        Cũng thời gian này có một cô gái trẻ tuổi ở Hà Nội xung phong vào Vệ quốc đoàn làm cứu thương. Ngày ngày cô săn sóc đồng chí thương binh này. Năm tháng tận tuỵ chăm lo sức khoẻ cho người thanh niên đầy tinh thần hy sinh cao cả, dần dần cô cảm thương, rồi cô yêu mến sâu sắc... Đầu năm 1948, Trần Độ tới thăm Trường lục quân Trần Quốc Tuấn ở Việt Bắc, qua một nơi hẻo lánh thuộc tỉnh Thái Nguyên thì vô cùng đột ngột được gặp lại 2 người bạn chiến đấu, anh thương binh cụt ở Văn Điển và người nữ cứu thương Hà Nội năm xưa. Hai người cùng công tác ở hậu phương và đã sinh được một cháu chừng một tuổi.

        Ngày hôm sau, giặc Pháp huy động trên một ngàn quân cùng hàng trăm xe cơ giới có máy bay, pháo binh yểm hộ, tiến công về phía tây Hà Nội. Rút kinh nghiệm những trận chiến đấu trước, lần này quân và dân Hà Nội đã chiến đấu vô cùng kiên cường ở khu vực nhà Bơ-ri-gát Mô-bin1, làng Ngọc Khánh nhỏ bé, đánh bật các đợt xung phong của địch, cuối cùng lại khéo léo rút đi nơi khác. Hàng trăm tên giặc xông lên không tìm thấy một chiến sĩ của ta. Đến nỗi chúng phải kêu lên: “Ôi! Ma Việt Minh”. Ở Cầu Giấy, giặc Pháp bị đánh hỏng một xe tăng, hơn một chục tên bị diệt. Hơn một trăm tên giặc từ Ngã Tư Sở dẫn thân vào giữa ổ phục kích của một trung đội Vệ quốc quân ở Hoà Mục, bị tiêu diệt gần hết. Các pháo thủ pháo đài Láng đã dùng lựu đạn, súng trường chống cự với quân giặc gần một ngày để bảo vệ pháo. Pháo binh của ta ở Xuân Tảo đã anh dũng hạ thấp nòng pháo bắn tạt sườn bộ binh địch.

        Hàng ngàn tên giặc tấn công hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực ta. Nhưng ngược lại, chúng đã bị tiêu diệt hàng trăm tên, 2 xe tăng bị hỏng, 2 xe gíp bị phá hủy. Bên ta hy sinh 15 chiến sĩ, bị thương 21. Giặc Pháp đã tập trung ưu thế tuyệt đối hơn ta về bộ binh, xe tăng và máy bay nhưng vẫn không tiêu diệt nổi quân ta. Mỗi vị trí phòng ngự của ta, giặc Pháp đều từ ba, bốn mặt đánh lại. Có nơi chúng tập trung quân nhiều hơn ta gấp 8 lần, nhưng cũng đều bị chặn lại từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ. Đến khi quân giặc xung phong được vào làng thì ở đó chỉ còn “vườn không, nhà trống”. Quân ta đã luồn đi nơi khác từ lâu để bảo toàn chủ lực, để chuẩn bị trận chiến đấu mới. Thật là một cách đánh tuyệt vời và kỳ lạ! Tiêu hao lực lượng địch và bảo toàn lực lượng mình để chiến thắng. Nhưng ta vẫn còn một nhược điểm quan trọng là trừ mấy chai ét-xăng cơ-rếp và một ít lựu đạn ra, ta hoàn toàn không có một thứ vũ khí gì khác để chống xe tăng địch. Đường cái lớn và cánh đồng khô mênh mông liên tiếp, ụ đất và hào chống tăng giảm tác dụng. Tình hình thực tế lúc đó lại không cho phép chúng ta tập trung lực lượng về một hướng và cũng khó có khả năng chặn đứng địch lại, bẻ gãy hoàn toàn cuộc tấn công của chúng. Cho nên tư tưởng chỉ đạo của ta vẫn là “tránh mạnh, đánh yếu” phòng ngự ngăn chặn địch từng bước, tiêu hao địch, bảo toàn mình, vừa đánh vừa xây dựng lực lượng để kháng chiến lâu dài, giành thắng lợi cuối cùng cho công cuộc kháng chiến cứu nước chống thực dân xâm lược.

        Sau đợt tấn công này của địch, Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy mặt trận cùng nhất trí nhận định rằng: chắc chắn địch sẽ tiếp tục tập trung lực lượng tấn công đánh chiếm Nhật Tân để hoàn thành chiếm đóng con đường vòng cung ngoại thành Hà Nội, kiểm soát toàn bộ các ngã tư, các cửa ngõ của Hà Nội. Sau đó chúng sẽ tập trung quân tiêu diệt ta ở Liên khu I. Tình hình chiến đấu ở Liên khu I sẽ trở nên vô cùng ác liệt.

        Đêm 20 tháng 1, một đêm trời tối mờ mờ... Gió rét căm căm... Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo và Việt Hùng đi theo ven sông phía Phúc Xá, qua gầm cầu Long Biên vào thăm Liên khu I. Đồng chí Hoàn nói chuyện tình hình mặt trận bên ngoài, phân tích tình hình sắp tới với các cán bộ và chiến sĩ. Đồng chí thăm thương binh ở phố Hàng Buồm, Hàng Đường. Đêm hôm đó, đồng chí được trực tiếp nghe tiếng súng phối hợp của Liên khu I và tiếng súng của các tổ du kích lưu động đánh địch ở phía Nhà Tiền và Ngọc Hà. Lúc đồng chí trở ra, Trung đoàn Thủ Đô gửi tặng Bộ chỉ huy mặt trận một chiếc đồng hồ báo thức. Khi luồn qua gầm cầu Long Biên, địch chiếu đèn pha, bắn súng máy chẹn đường. Các đồng chí đang bò, lăn tránh đạn, đột nhiên chuông đồng hồ kêu vang lên. Đèn pha của địch quét sáng loáng gầm cầu, ánh bạc của đồng hồ phản chiếu loé lên. Quân địch tập trung súng máy, súng cối bắn vào phía các đồng chí. Trong giây lát các chiến sĩ du kích dẫn đường đã khéo léo đưa các đồng chí vượt qua luồng đạn nguy hiểm, đi vào lối an toàn. Nhưng tiếc thay, chiếc đồng hồ kỷ niệm ấy đã ở lại gầm cầu Long Biên.

------------------------
        1. Nay là khu vực khu tập thể Viện Chống lao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:49:33 pm »


*

*       *

        Thấm thoắt Tết âm lịch đã đến!

        Trải qua hơn một tháng trời thử thách, vượt gian nan thiếu thốn, chiến thắng hiểm nghèo để chiến đấu giam chân địch, lần đầu tiên quân và dân Thủ đô Hà Nội đón xuân mới trong không khí tưng bừng kháng chiến. Trên khắp các nẻo đường, từng tốp từng tốp, người mặc áo nâu, người mặc áo xanh công nhân hớn hở gồng gánh bánh chưng, bánh cốm, cam quýt và nhiều quà bánh khác ra tận chiến hào, ụ súng tặng các chiến sĩ Vệ quốc quân và dân quân tự vệ. Hàng trăm lá thư chúc Tết của các đoàn thể chính quyền gửi ra động viên tiền tuyến. Đội du kích Hồng Hà, những anh chị em công nhân, nông dân ở các làng Tân Lập, Nghĩa An, Nghĩa Dũng và Phúc Xá lại sửa soạn ra đi. Đêm 30 Tết, trời tối mịt mùng, gió rét thấu xương. Những anh chị em công nhân, nông dân kiên cường ấy lặng lẽ đi ven theo bờ sông Hồng, vượt qua gầm cầu Long Biên, chuyển quà và thư của Bộ Tổng chỉ huy, Bộ chỉ huy mặt trận và của đồng bào xung quanh Hà Nội vào Liên khu I. Bất ngờ, đội du kích vấp phải hàng rào dây thép gai chắn ngang. Tiếng ống bơ kêu loảng xoảng. Bầy chó xích ở gầm cầu sủa rống lên từng hồi. Địch rọi đèn pha loang loáng trên mặt sông, trên bãi cát. Chỗ nào có một gợn chấm đen, địch nổ vào đó hàng thúng đạn. Nhưng các chiến sĩ du kích đã khôn khéo bò lẩn tránh luồng đạn của địch và đến khi họ đã đi khá xa rồi, mà phía gầm cầu Long Biên vẫn nổ ran tiếng súng. Đón giao thừa, chúc mừng năm mới, đêm 30 rạng ngày 1 Tết, các đơn vị trong Liên khu I cũng như các đơn vị bám sát vòng quanh Hà Nội đều biệt kích, tập kích, quấy rối đốt phá kho tàng, vị trí của giặc. Tiếng súng, tiếng pháo rền vang khắp bầu trời Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên đỉnh Tháp Rùa, giữa hồ Hoàn Kiếm. Hà Nội lại một đêm không ngủ. Đồng bào, chiến sĩ chuyện trò ấm cúng trong gia đình kháng chiến: chuyện Tết chiến thắng oanh liệt của Quang Trung từ ngót hai trăm năm về trước, ngày nay gò Đống Đa còn ghi dấu anh hùng, tô điểm cho Hà Nội càng thêm rạng rỡ; chuyện chiến thắng vĩ đại Xta-lin-gtát của quân đội Xô-viết trong đại chiến thứ hai; chuyện vạn lý trường chinh vĩ đại của Quân giải phóng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đứng đầu là Mao Chủ tịch; chuyện tết của các chiến sĩ cộng sản ở trong nhà tù Hoả Lò - Hà Nội, Sơn La, Côn Đảo rồi đến chuyện gia đình, chuyện ước mơ về tương lai nước nhà độc lập cuộc đời ngày càng ấm no hạnh phúc... Các chị tiếp tế, cứu thương thức suốt đêm làm bánh, làm mứt, viết thiếp chúc Tết, làm những chiếc hoa bằng lụa, chuẩn bị liên hoan và làm quà tặng các chiến sĩ. Các chị không quên dành riêng những tấm bánh thơm ngon, những bông hoa tươi đẹp cho những chiến sĩ có nhiều chiến công oanh liệt và cho người thân yêu nhất.

        Sáng ngày mồng 1 Tết Nguyên đán, ở các căn nhà sụp đổ, trong hầm hố, chiến hào, các chiến sĩ đã trang hoàng xong bàn thờ Tổ quốc, một lá cờ đỏ sao vàng nho nhỏ và bức chân dung Hồ Chủ tịch. Ngoài ra họ không quên đốt thêm đèn nến trang nghiêm, hương trầm thơm ngát cho đượm không khí gia đình. Đó là cái Tết đầu tiên của cuộc kháng chiến lâu dài, và cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời các chiến sĩ ăn Tết ngay nơi tiền tuyến, xa gia đình, xa người thân thích nên họ không khỏi nhớ thương gia đình ruột thịt đang phải tản cư ở những nơi xa xôi nào đó. Nhưng cũng lần đầu tiên họ được hưởng cái không khí đầm ấm, đùm bọc lẫn nhau của những người đồng chí ra đi chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc. Chính trong giờ phút đầm ấm và thiêng liêng nhất ấy trên chiến địa, các chiến sĩ quây quần bên nhau lắng nghe thư của Bác:

        “Cùng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ Đô yêu quý. Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phỉ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến.

        Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.

        Chí kiên quyết dũng cảm, các em đã sẵn có, đây tôi chỉ nhắc lại một vài điều mà các em phải nhớ luôn luôn:

        1. Phải hết sức khôn khéo, nhanh chóng, bí mật, phải biết hoá chỉnh vi linh.

        2. Phải rút kinh nghiệm hàng ngày, hàng giờ. Phải đề phòng Việt gian, trinh thám.

        3. Phải hết sức cẩn thận. Phải luôn luôn có sáng kiến để lợi dụng thời cơ.

        4. Tuyệt đối đoàn kết.

        Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em.

        Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi các em lời chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH”       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:51:26 pm »


        Nghe thư Bác, các chiến sĩ cảm động sung sướng nhớ từng lời, từng chữ ân cần âu yếm của cha già đối với các con, của vị lãnh tụ lão thành cách mạng đối với các chiến sĩ. Khí thế chiến đấu bừng bừng ở các đơn vị.

        Tối mồng 1 Tết Đinh Hợi, Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô tổ chức một bữa tiệc long trọng, địa điểm tại một nhà ở phố Hàng Chiếu, có mời lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa và các đại biểu ngoại kiều tới dự với mục đích bóc trần luận điệu bịp bợm huênh hoang của giặc Pháp là Việt Minh ở Hà Nội đang lâm nguy khốn quẫn, chúng đã làm chủ tình thế ở Hà Nội v.v... Trong phòng tiệc, khăn trải bàn trắng xoá. Trên tường có trang hoàng những băng khẩu hiệu vải đỏ, chữ vàng ánh bằng giấy trang kim. Chính giữa có treo bức chân dung Hồ Chủ tịch. Trong bữa tiệc, đồng chí Bùi Nguyên Cát, thay mặt các cấp chỉ huy của Liên khu I, đứng lên nói:

        - Việc cầm súng kháng chiến của nhân dân và quân đội chúng tôi là chính nghĩa và chúng tôi nhất định sẽ được sự ủng hộ của nhân dân Pháp cũng như nhân dân thế giới. Chúng tôi quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho nền độc lập của dân tộc Việt Nam.

        Cuối cùng đồng chí chúc mừng sức khoẻ của các lãnh sự Anh, Mỹ và Trung Hoa nhân dịp năm mới.

        Bữa tiệc hôm ấy đã làm cho các đại biểu nước ngoài không khỏi ngạc nhiên và khâm phục. Viên lãnh sự Mỹ đã phải thốt lên với một giọng xiểm nịnh: “Kiên trì! Kiên trì! Các ông sẽ là người chiến thắng”.

        Viên lãnh sự Anh, lãnh sự Trung Hoa1 tỏ lời cảm ơn Trung đoàn Thủ Đô đã bảo vệ và giúp đỡ ngoại kiều. Lãnh sự Anh nói: “Thế giới sẽ biết đến sự tôn trọng luật pháp của nước Việt Nam”.

        Các đại biểu đều thấy Liên khu I không chết đói dần mòn như giặc Pháp xuyên tạc, ngược lại các chiến sĩ Thủ đô đã hiên ngang với bộ quân phục kháng chiến trên mũ có đính phù hiệu.

        Các chiến sĩ Thủ đô đã nói lên những lời đanh thép bằng những chiến công vẻ vang và đã lớn lên không ngừng trong khói lửa. Trung đoàn Thủ Đô còn ở trung tâm Hà Nội thì giặc Pháp còn lúng túng, chưa thể rảnh tay đánh ra hậu phương ta được.

        Bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp ở Hà Nội ngày đêm vò đầu bóp trán, tìm mọi mưu kế hòng tiêu diệt Trung đoàn Thủ Đô. Muốn vậy, trước tiên chúng sẽ tiến đánh Nhật Tân, Nhật Tảo ở ngoại thành về phía tây bắc Hà Nội, vừa để chiếm nốt con đường vòng cung, vừa để phá vỡ và chiếm đóng căn cứ xuất phát tiếp tế mọi mặt cho Trung đoàn Thủ Đô ở trong Liên khu I.

        Nắm chắc được âm mưu của địch, Bộ chỉ huy ra lệnh cho các đơn vị ở phía tây bắc Hà Nội bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu. Những đơn vị đóng lẻ đề phòng địch bao vây. Đồng thời Bộ chỉ huy cũng ra lệnh cho trung đội pháo binh 75mm ở Ba Đê vượt sông Đuống bí mật tiến về phía đông Hà Nội, dùng hoả lực bất ngờ tập kích sân bay Gia Lâm đỡ đòn cho hướng tây bắc và cũng là để giáng một đòn bất ngờ vào nơi địch chủ quan sơ hở.

        Suốt ngày 25 tháng 1, ở phía tây bắc Hà Nội đã diễn ra những trận đánh quyết liệt. Nhưng rất đáng tiếc là trước đó tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 145 đã không nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh rút quân ở Tứ Tổng ra bố trí ở Nhật Tân, nên đơn vị đó đã bị tổn thất nặng. Tiểu đoàn trưởng đã bị Bộ chỉ huy mặt trận thi hành kỷ luật. Tuy nhiên, các chiến sĩ ở Tứ Tổng đã chiến đấu rất anh dũng giành giật với địch từng bờ ao, gốc chuối, tiêu diệt gần 40 tên địch rồi ban đêm vượt Hồ Tây về khu vực Cáo Đỉnh. Đơn vị ở Xuân Tảo đã dùng thuật “chuyển thoái vi công” rút lui cho địch đuổi theo, đơn vị khác ở Khu Đông đã lao ra đánh tạt sườn, một bộ phận ở Cao Đỉnh đánh thẳng xuống. Hai mặt phối hợp phản kích dồn dập tiêu diệt trên 30 tên địch. Bên ta hy sinh 2, bị thương 5. Cuộc chiến đấu tiếp diễn nhiều nơi khác xung quanh khu vực Nhật Tân.

        Phía Gia Lâm, khoảng hơn 4 giờ chiều trung đội pháo binh của ta đã bố trí chiếm lĩnh xong trận địa bắn, cách sân bay của địch chừng 400 thước. Vừa lúc đó 2 chiếc máy bay khu trục kiểu “xpít-phai” vừa đi oanh tạc về, lần lượt hạ cánh xuống đường băng. Pháo binh của ta nhằm thẳng vào con quạ sắt hung ác đó, bắn 8 phát liền, chiếc thứ nhất bốc cháy. Ta quay súng bắn tiếp chiếc thứ hai. Sau 10 phát đạn nữa, chiếc thứ hai cũng gục xuống thảm hại. Khói đen ùn ùn bốc lên. Trận đánh Trường bay Gia Lâm, một trận đánh tiếp cận táo bạo bằng pháo binh của quân đội cách mạng đã làm cho giặc Pháp phải khiếp sợ. Đối với chúng, cả Hà Nội không ở đâu có thể nói là yên ổn hoàn toàn.

---------------
        1. Trung Hoa thời kỳ Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:53:17 pm »


        Tiến đánh Nhật Tân, giặc Pháp đã huy động lực lượng nhiều hơn ta gấp bốn lần, nhưng chúng đã bị tiêu diệt gần một phần ba. Quân ta lại trưởng thành dày dạn thêm một bước.

        Từ ngày 14 tháng 1 đến ngày 25 tháng 1 năm 1947, qua 12 ngày chuẩn bị và tấn công, giặc Pháp tiến thêm từ một đến hai cây số chiều sâu, chiếm con đường vòng cung ngoại thành. Chúng đã bị tiêu diệt hàng trăm tên, bị phá hủy và làm hư hỏng 5 xe tăng, 3 ô tô vận tải, 2 xe gíp và bị đánh đắm 1 ca nô. Trong Liên khu I, hàng chục lô cốt nhà cửa của địch bị sụp đổ, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt, cả thảy 5 máy bay của địch đã bị ta bắn hỏng. Hà Nội anh dũng kháng chiến được 1 tháng 6 ngày.

        Ngày 26 tháng 1, Đảng ủy mặt trận họp để nghe phổ biến nhận định tình hình của Bộ Tổng chỉ huy. Sau đó Đảng ủy mặt trận họp phân tích thêm:

        1. Địch sẽ củng cố vòng đai ngoại thành bảo vệ cho Hà Nội.

        2. Tập trung lực lượng tiêu diệt quân dân ta ở Liên khu I.

        3. Mở đường tấn công về phía nam, phối hợp với đường thủy từ Hải Phòng tới giải vây cho bọn ở Nam Định.

        Bộ Tổng chỉ huy còn phổ biến tình hình phối hợp của các chiến trường trên toàn quốc. Đặc biệt ở Bắc Bộ quân ta hoạt động mạnh ở Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, siết chặt vòng vây ở Nam Định... cũng là thiết thực chi viện cho nhiệm vụ tiếp tục giam chân địch ở Hà Nội một thời gian nữa.

        Dư luận của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới liên tiếp lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam, phản đối giặc Pháp khủng bố tàn sát một dân tộc chỉ muốn hoà bình, độc lập, tự chủ. Đảng Cộng sản Pháp đấu tranh với chính phủ phản động Pháp đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu ở Đông Dương, vận động binh lính, thanh niên Pháp đòi hồi hương và không đi lính để chúng không tăng cường được quân số sang Việt Nam, vận động giai cấp công nhân không vận chuyển đạn dược sang Việt Nam. Các báo chí tiến bộ trên thế giới cũng lên án “những kẻ sát nhân đã gây ra ở Đông Dương một đám cháy, nó có thể lan rộng ra khắp các đất đai hải ngoại thuộc Pháp” (báo Franc-Tireur) và bình luận: “Sự xung đột Việt - Pháp chứng tỏ một dự định xâm lược của bọn đế quốc ăn khớp với bọn phát xít còn sống sót để lập lại độc quyền về sự bóc lột thuộc địa... Dân tộc Việt Nam tranh đấu để chống lại sự xâm lược mới của đế quốc, ngăn cản những sự phá hoại của bọn thù nghịch chế độ dân chủ” (một tờ báo Trung Hoa thời đó). Ngoài ra một số báo chí của ta còn đăng lời phát biểu của ông Gin-nan, Chủ tịch liên đoàn Hồi giáo có bày tỏ thiện cảm của nhân dân Ấn Độ với cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam. Ông nói: “Tôi cầu chúc các bạn thực hiện được nguyện vọng của các bạn và giành được tự do”.

        Rõ ràng ngọn cờ đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam ngày càng được giương cao, càng được dư luận tiến bộ trên thế giới ủng hộ... Niềm tin sắt đá của quân dân Thủ đô Hà Nội càng được củng cố. Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về dân tộc Việt Nam.

        Để quán triệt nghị quyết của Đảng ủy, chuyển biến tư tưởng cho cán bộ và chiến sĩ, ngay sau đó Bộ chỉ huy mặt trận phổ biến kế hoạch tác chiến tới các đơn vị1. Một kế hoạch có nhiều bước tiến mới về tổ chức và tư tưởng chiến thuật. Tiếp đến ngày 29 tháng 1, Bộ chỉ huy ra lệnh cho tiểu đoàn 523 đưa một tổ quyết tử lên giữ Nhà thờ Giáp Bát và chuẩn bị đánh lại cuộc tấn công mới của địch. Ngày 2 tháng 2 năm 1947 giặc Pháp tấn công xuống Nam Dư Hạ, Khuyến Lương bị diệt 15 tên. Cánh quân tiến xuống Giáp Bát, Giáp Tứ bị diệt 49 tên. Cuộc tấn công hoàn toàn thất bại, giặc Pháp phải trở về vị trí cũ. Giặc Pháp chiếm thêm một thước đất Hà Nội, thêm một tên phải bỏ mạng. Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã kháng chiến giam chân địch hơn một tháng trời tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới các loại.

        Sự huênh hoang khoác lác của bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp ở Hà Nội đã thất bại nặng nề và thảm hại. Từ kế hoạch 24 tiếng đồng hồ chiếm xong Hà Nội đến một tuần lễ chiếm xong Hà Nội hoặc chiếm Hà Nội dễ như trở bàn tay. Nhưng nay đã trên 1.000 giờ, Hà Nội vẫn nắm chắc tay súng chĩa thẳng vào mặt quân thù, tự hào và anh dũng. Liên khu I vẫn giương cao ngọn cờ chiến thắng trong trung tâm Thủ đô Hà Nội. Tướng tá Pháp ở Hà Nội càng thêm cay cú và tràn ngập lo âu. Chúng bắt đầu tập trung quân chuẩn bị những đợt tấn công quy mô lớn để tiêu diệt lực lượng ta ở Liên khu I. Chúng tung Việt gian, thổ phỉ lẩn vào dân chúng ở các phố để điều tra phá hoại. Máy bay, pháo binh, súng cối của chúng trút hàng tấn bom đạn xuống các chiến hào, ụ đất, trận địa của Liên khu I. Trung tâm Hà Nội ngày đêm khói lửa mịt mùng. Bộ chỉ huy Pháp vẫn “chứng nào tật ấy” huênh hoang tuyên bố: “Việt Minh ở Hà Nội đang lâm vào vòng khốn quẫn, việc đánh chiếm tiêu diệt Việt Minh ở thành phố Hà Nội chỉ còn tính ngày tính giờ”(!).

----------------------
       1. Phụ lục - Trích kế hoạch tác chiến. Bút ký chiến sự lục, Khu II, trang 125, Phòng lưu trữ, Văn phòng Bộ Quốc phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:57:37 pm »


        Nhưng không, quân và dân Liên khu I sẵn sàng đánh lại quân xâm lược những đòn quyết liệt. Quân và dân Hà Nội sẵn sàng tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang và oanh liệt của Thủ đô anh hùng.

        Những chiến công kỳ diệu!

        Một chấm đỏ rực rỡ nổi lên chính giữa màu xanh hoen ố và quái gở. Đó là Liên khu I anh dũng và kiên cường chiến đấu trong lòng địch. Trước tấm bản đồ Hà Nội trải phẳng phiu trên mặt bàn, đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp chăm chú và cẩn thận vẽ thêm những nét mới, rồi phân tích về những dự kiến tình hình sắp tới sẽ diễn ra trong trung tâm Hà Nội. Trước tiên chúng có thể đánh chiếm nhà Xô-va1 (Sauvage) và Trường Ke2 (Quai) là hai vị trí của ta ở phía đông Liên khu I. Nếu Nhật Tân, Nhật Tảo là căn cứ xuất phát và bảo vệ đường dây tiếp tế, thì nhà Xô-va và Trường Ke là vị trí bảo vệ cửa ngõ của Trung đoàn Thủ Đô. Chiếm được hai vị trí này, giặc Pháp sẽ hoàn toàn khép chặt vòng vây đối với Liên khu I. Sau đó chúng sẽ tập trung lực lượng tấn công chia cắt Liên khu I ra từng mảng nhằm tiêu diệt toàn bộ Trung đoàn Thủ Đô, thẳng tay đàn áp đồng bào ta ở trong đó. Thật là nham hiểm và ngông cuồng. Chúng hí hửng tin rằng sẽ làm được như thế. Trung đoàn Thủ Đô ở Liên khu I sẽ không còn một chỗ nào dựa lưng để chống cự và tất nhiên sẽ không thể có một người lọt ra ngoài vòng vây dày đặc. Tiêu diệt quân chủ lực của ta, đó là một ước vọng mà từ khi nổ súng gây chiến ở Thủ đô Hà Nội đến nay, bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp vẫn chưa mảy may đạt được.

        Từ trước, đã nhiều lần quân địch thập thò tấn công nhà Xô-va. Nhưng mỗi lần pháo binh, súng cối bắn phá, xe tăng dẫn bộ binh từ nhà Bác Cổ lên đều bị bộ đội và tự vệ của ta ở phố Trần Quang Khải chặn đánh. Nhà Xô-va cao hai tầng, đường Trần Quang Khải chạy qua trước mặt. Phía trước có con đê nhỏ và thấp, và từ đê trũng hẳn xuống ra giáp sông Hồng. Địa thế dàn quân để tấn công rất hạn chế. Lợi dụng thế có lợi, các chiến sĩ Thủ đô đã giữ vững nhà Xô-va hơn một tháng trời, đánh lui hàng chục lần tấn công của giặc Pháp. Nhà Xô-va gạch ngói tung toé, tường cửa đổ nát. Các chiến sĩ vun đắp lại thành những ụ súng, bờ hào để chiến đấu phòng thủ.

        Đêm ngày 5 tháng 2 năm 1947, hai tiểu đội Vệ quốc quân ở nhà Xô-va và một tiểu đội ở Nha Thuế quan (ở sát nách bên phải nhà Xô-va) đi quấy rối địch ở nhà máy nước đá, Nha Giao thông công chính, nhà Bác Cổ gần sáng mới về. Các chiến sĩ mệt mỏi ngủ li bì nhưng đồng chí trung đội trưởng vẫn còn thao thức. Anh nghe thấy tiếng động cơ xe tăng địch tiến dần về phía quân ta. Địch tấn công! Trung đội trưởng phán đoán cả quyết như vậy, lập tức hô các chiến sĩ vùng dậy tiến vào vị trí chiến đấu. Vừa lúc đó đạn pháo binh, súng cối của địch dồn dập bắn tới. Chúng kiềm chế nhà Xô-va, tập trung 10 xe tăng, xe bọc sắt tấn công Nha Thuế quan bên cạnh. Các chiến sĩ bình tĩnh đợi địch đến gần, đột nhiên nổ súng. Mấy tên hùng hổ đi trước chết gục, bọn còn lại quay đầu chạy trở ra. Sau một giờ chiến đấu, quân địch cho một toán đánh vào sườn Nha Thuế quan. Súng ở xe tăng bắn dữ đội vào ụ súng của ta. Tiểu đội ta ở đấy rút về tập trung cố thủ nhà Xô-va. Địch chiếm Nha Thuế quan làm bàn đạp từ ba mặt tấn công tới. Nhà Xô-va khói lửa mù mịt. Giặc Pháp ào ạt xung phong tưởng chừng như sẽ chiếm được vị trí của quân ta trong phút chốc. Nhưng chúng gần tới ria tường, lựu đạn từ nhà Xô-va ném ra tới tấp. Tiểu liên, súng trường, súng máy bắn xả vào bộ binh địch. Những con quỷ độc kêu la ầm ĩ, bọn sống sót chạy toé ra ngoài nằm bắn trả lại. Suốt 2 tiếng đồng hồ và sau 4 lần xung phong, quân địch mới đặt chân được tới tầng dưới của nhà Xô-va. Ta rút lên gác dùng lựu đạn ném xuống. Giặc Pháp bắn mạnh vào cửa cầu thang yểm hộ cho đồng bọn lò mò leo lên. Nhưng tên nào thò lên, tên ấy bị bắn chết lăn lông lốc trở xuống. Chúng phun ét-xăng đốt cháy cầu thang, hòng bức quân ta đầu hàng. Lửa cháy bùng bùng, khói đen toả cuồn cuộn mù mịt. Nhân lúc ấy, một chiến sĩ nhảy từ trên tầng gác xuống đống gạch đổ tung toé ở phía sau, chạy về báo cáo với ban chỉ huy tiểu đoàn xin tiếp viện. Ngay sau đó, đồng chí tiểu đoàn phó tiểu đoàn 1033 chỉ huy một trung đội quyết tử luồn theo đường hầm qua phố Phan Thanh Giản đánh thốc vào sau lưng địch và cho một bộ phận ra phố Hàng Tre chặn đường rút lui của chúng. Bị đánh bất ngờ, giặc Pháp hoảng hốt tháo chạy, xéo bừa cả lên xác những tên chết và tên bị thương. Thừa thắng, quân ta xông ra ném lựu đạn, chai cháy phá hủy xe tăng, xe thiết giáp của địch. Trời vừa xẩm tối, chúng đã rút xa, để lại trên trận địa 25 xác chết... Từ đó, pháo binh của địch thỉnh thoảng lại bất ngờ hằn học đổ đạn vào nhà Xô-va.

--------------------
       1. Sau là Trường phổ thông Nguyễn Huệ.

        2. Sau là Trường Trần Nhật Duật.

        3. Trung đoàn Thủ Đô gồm có 3 tiểu đoàn: 101, 102 và 103.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:58:16 pm »


        Ngay đêm hôm ấy, đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp gửi lời khen ngợi tới đơn vị phòng thủ nhà Xô-va và các chiến sĩ Thủ đô anh dũng chiến đấu trong lòng địch.

        Bị thất bại trong trận đánh nhà Xô-va, ngày 7 tháng 2 năm 1947, địch tập trung quân đánh chiếm Trường Ke. Chúng dùng xe tăng bịt các ngả đường chặn quân tiếp viện của ta. Em Lai 12 tuổi làm liên lạc đã leo theo ống máng xuống đường về báo cáo với ban chỉ huy tiểu đoàn. Lúc trở về, quân giặc vây bắt em. Nhưng em Lai đã ném lựu đạn chết 3 tên, rồi nhanh như con sóc, em lần vào các căn nhà sụp đổ, leo theo ống máng trở về đơn vị. Trận này địch xung phong 8 lần đều bị đánh lui.

        Trong những ngày ở nhà Xô-va và Trường Ke, ta và địch đang đánh nhau dữ đội thì ở phía tây nam Liên khu I máy bay của địch giội bom tàn phá phố Hàng Thiếc, và chúng cho quân từ Cửa Đông tiến ra phố Hàng Nón đánh ngược lên nhưng đều thất bại. Ngày 9 tháng 2, giặc Pháp dùng badôca, lựu đạn hoả mù, ét-xăng bắn phá tiêu hủy từng toà nhà. Gạch ngói, xà ngang đổ lấp cả ụ súng, tường hào bị vỡ tung từng mảng. Các chiến sĩ tiểu đoàn 102 đã kiên cường giữ từng góc phố, từng căn nhà. Giặc Pháp 7 lần xông lên và 7 lần phải lùi trở lại. Đồng chí Minh là công an mới chuyển vào Trung đoàn Thủ Đô, lúc chiến đấu, bị khói lựu đạn địch làm mờ mắt, không nhìn thấy gì, nhưng đồng chí vẫn ở nguyên vị trí hướng về phía địch, lắng nghe thấy hơi có tiếng động chỗ nào đồng chí lại bắn xả vào đó. Kẻ địch khiếp sợ tưởng là ở đó chiến sĩ ta vẫn còn nhiều và đang chăm chú theo dõi từng bước đi của chúng. Chúng phải dừng lại không dám tiến. Đồng chí Trần Đan, đảng viên, một mình dùng lựu đạn cản sáu, bảy đợt xung phong của địch. Nhưng một tai nạn bất ngờ xảy ra. Giữa lúc quân địch đang xung phong, đồng chí đập kíp lựu đạn rồi vung tay lên. Một tiếng nổ ngang đầu thì ra lựu đạn nổ ngay trên tay, đồng chí Đan bị cụt mất bàn tay phải. Đồng chí tiếp tục dùng tay trái ném luôn quả lựu đạn khác đánh lui đợt xung phong của địch rồi tự băng bó cho mình. Với một tay trái, người đảng viên anh dũng Trần Đan vẫn giữ vững trận địa. Suốt 4 ngày đêm, ta và địch giành giật nhau từng thước đất chỉ cách nhau một con đường phố nhỏ hẹp chưa đầy 20 thước. Địch phun ét-xăng, bắn đạn lửa đốt phá dãy phố bên ta. Các chiến sĩ ta dùng chậu hứng ét-xăng. Ban đêm lẻn sang đốt phá lại dãy phố bên địch. Lửa khói mù mịt ngày đêm. Dãy nhà số chẵn phố Hàng Thiếc, Hàng Nón sụp đổ hàng loạt. Địch đã phải bỏ mạng gần 100 tên mà vẫn không thể nào tiến được. Trong khi đó ở phía nam, quân địch cũng bị ta chặn đánh quyết liệt ở phố Hàng Quạt, phố Cầu Gỗ. Giặc Pháp tấn công ba hướng đều bị thất bại. Vì chúng đã húc đầu vào những nơi mà quân ta đã chuẩn bị công sự chu đáo, hầm hố vững chắc, có đường cơ động bên trong dãy phố. Kẻ địch không có chỗ dàn quân, không thực hiện được bao vây, vu hồi. Xe tăng, xe bọc sắt khó hoạt động. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là quyết tâm phòng thủ của quân và dân Liên khu I rất cao. Sau đó, giặc Pháp chuyển hướng. Chúng tập trung trên 400 quân và hàng chục xe cơ giới các loại chuyển từ ba mặt bao vây tiến đánh chợ Đồng Xuân, với ý định sau đó sẽ thọc thẳng vào trung tâm chỉ huy Liên khu I. Chợ Đồng Xuân ở phía bắc Liên khu I, đông bắc thành phố Hà Nội. Chợ họp trong 5 nhà lớn thông suốt liền nhau, xung quanh chỉ có chung một tường bao bọc. Ngày 11, 12, 13 tháng 2, giặc Pháp cho máy bay ném bom bắn phá liên tiếp vào khu chợ Đồng Xuân và các phố Hàng Cót, Hàng Lược, Hàng Đường, v.v... Giặc Pháp cho rằng cơ quan đầu não của Liên khu I có thể ở phố Hàng Bạc, Mã Mây, Hàng Mắm, nên chúng đã trút hàng tấn bom xuống đấy. Pháo binh, súng cối của địch bắn rải rác suốt ngày đêm. Quân địch oanh tạc trong 3 ngày liền đã làm 74 Hoa kiều bị chết và hàng chục đồng bào ta bị tai nạn.

        Đoán trước âm mưu địch, Ban chỉ huy Trung đoàn Thủ Đô đã điều động về khu chợ Đồng Xuân và xung quanh đó hai đại đội để phòng thủ. Hai tiểu đội bố trí tại chợ, hai tiểu đội sau chợ. Phía bắc chợ, một trung đội bố trí ở phố Hàng Khoai, Hàng Rươi. Đông nam chợ, một trung đội ở phố Chợ Gạo, v.v... Ban chỉ huy tiểu đoàn 101 và một trung đội làm dự bị đóng ở phố Hàng Đường và phố Ngõ Gạch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:58:37 pm »


        Mờ sáng ngày 14 tháng 2, máy bay của địch lại tiếp tục ném bom bắn phá, pháo binh, súng cối của địch lại bắn liên tiếp vào chợ Đồng Xuân và các phố xung quanh. Chúng tiến ba mặt. Một cánh quân có 5 xe tăng dẫn đầu, từ cầu Long Biên đi theo đại lộ Trần Nhật Duật đánh vào phố Hàng Chiếu quặt từ phía đông nam lên.

        Phía đông bắc, đồng chí Nguyễn Văn Bật dùng liên thanh đặt trên tầng gác cao bắn xuyên táo giết chết hàng chục tên. Các chiến sĩ ta ở phố Hàng Khoai ném lựu đạn cản đường xung phong của địch. Bọn địch ở đây phải tách một bộ phận đánh vòng phía sau chợ Đồng Xuân. Xe tăng của chúng húc đổ tường dẫn quân xông vào trong chợ.

        Ở phố Hàng Lược, Hàng Mã bộ binh của địch cũng bị ta bắn cản lại. Chúng cho xe tăng tiến lên bắn uy hiếp, húc đổ tường phía trước phối hợp với toán quân phía sau đánh kẹp quân ta trong chợ. Phía đông nam, quân địch vẫn bị cản lại ở bên đường Trần Nhật Duật. Xe tăng địch tiến vào chợ. Quân ta không có vũ khí chống tăng liền núp vào các quầy hàng, bàn đá ở hai bên, lừa cho xe tăng địch đi qua, đợi bộ binh địch tới, nhanh chóng xông ra đánh giáp lá cà. Phút chốc, trong chợ diễn ra những cuộc vật lộn vô cùng ác liệt. Đồng chí Tưởng trước là công nhân sửa chữa ô tô, với cánh tay rắn chắc của mình, với ý chí kiên cường của người công nhân, đồng chí đã chiến đấu đến khi hết đạn rồi dùng dao thái thịt quần nhau với địch hết bàn này đến phản khác. Đồng chí hét vang, trút căm hờn vào lưỡi dao chém xả vào từng tên địch. Chạy đến chỗ này, lao đến chỗ khác, đồng chí đã giết chết gần một chục tên địch rồi mới chịu hy sinh. Từng tổ chiến đấu vật lộn với giặc ở từng khu vực, từng quầy hàng. Suốt 6 tiếng đồng hồ, các chiến sĩ ở chợ Đồng Xuân đã chiến đấu vô cùng oanh liệt. Gần chiều, giặc Pháp thúc quân tiến đánh phố Hàng Đường, Hàng Chiếu. Đến xẩm tối, chúng vẫn bị chặn lại ở đầu phố Hàng Đường và nửa bên kia phố Hàng Chiếu. Các chiến sĩ tiểu đoàn 101 đã tiêu diệt gần 200 tên địch. Bên ta hy sinh 12, bị thương 4 đồng chí. Thật là một chiến công lừng lẫy làm kẻ địch phải run sợ. Khí thế chiến đấu của các chiến sĩ Thủ đô bừng bừng sôi sục...

        Suốt một tuần lễ, giặc Pháp muốn chiếm thêm một đường phố, một ngôi nhà đều phải trả rất nhiều máu, tốn nhiều bom đạn. Xe tăng của chúng rất khó cơ động, vì thế chướng ngại vật và chai cháy của ta càng có hiệu quả. Bộ binh địch khó dàn quân, khó phát huy hoả lực khi tiến vào các đường phố nhỏ hẹp ở phía Liên khu I. Giặc Pháp phải chật vật mới tiến nhích thêm được một đoạn đường. Từ ngày 6 tháng 2 đến ngày 14 tháng 2, mặc dầu địa thế chiếm giữ của Liên khu I bị thu hẹp một phần, nhưng hàng trăm tên địch đã bị tiêu diệt. Phía bắc, địch tiến tới phố Hàng Chiếu. Phía tây, địch chiếm được dãy nhà số chẵn phố Hàng Thiếc. Phía nam, địch chiếm được phố Hàng Nón, Hàng Quạt. Phía đông, ca nô, tàu chiến của địch lùng sục tuần tiễu bắn phá liên tiếp vào Phúc Tân, Phúc Xá, Cầu Đất. Máy bay của địch vẫn thay nhau giội bom xuống các phố còn lại của Liên khu I. Pháo binh của địch tiếp tục bắn phá vào phố Hàng Bạc, Hàng Bè. Trung tâm Hà Nội, khói lửa suốt ngày đêm ngùn ngụt bốc cháy. Phố xá đổ nát hoang tàn. Quân địch huy động toàn bộ chủ lực chuẩn bị một đợt tấn công cuối cùng để tiêu diệt toàn bộ lực lượng ta ở Liên khu I.

        Trong thời gian trên, ở ngoại thành, giặc Pháp chỉ cho từng tốp nhỏ lẻ tẻ thọc ra thăm dò các làng mạc xung quanh vị trí chiếm đóng. Khi bị ta chặn đánh, chúng lại rút. Nhưng phạm vi chiến đấu của các tiểu đoàn đã xa Liên khu I và rộng hàng chục cây số nên cuộc chiến đấu ở ngoại thành dần dần ít tác dụng phối hợp trực tiếp đối với Liên khu I. Giặc Pháp có thể tăng viện quân từ Hải Phòng lên ngày càng nhiều. Mặt khác, ta không chủ trương tăng cường người và vũ khí ở ngoài vào Liên khu I nữa. Nhưng ở đó, đạn dược đã gần hết, trung bình mỗi người chỉ còn độ 20 viên, chai cháy và lựu đạn để chống xe tăng địch đã hết. Riêng về mặt lương thực thì ngày càng gay go. Gạo, muối nếu ăn hết sức dè sẻn cũng chỉ được 5 ngày nữa. Chỉ có một vài giếng mà hàng ngàn người ăn uống đều trông vào đó. Mặt khác, mùa đông các giếng nước cạn gần sát đáy. Hơn một ngàn chiến sĩ sống trong các ụ súng, chiến hào, toà nhà sụp đổ, sức chiến đấu và tinh thần chịu đựng rất cao, nhưng trong hoàn cảnh phạm vi chiếm giữ của ta thu hẹp dần lại, cuộc chiến đấu hàng ngày hàng giờ trở nên quyết liệt, vật chất vô cùng thiếu thốn, đó là một khó khăn lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:59:23 pm »


        Khoảng cuối tháng 12 năm 1946, khi Hà Nội mới chiến đấu được gần hai tuần lễ, Bộ Tổng chỉ huy có trực tiếp hỏi Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội:

        “Khả năng chiến đấu của Liên khu I như thế nào? Có thể giữ được bao lâu nữa?”.

        Bộ chỉ huy mặt trận báo cáo:

        “Liên khu I còn sung sức, khả năng tiếp tế lương thực còn làm được. Chỉ cần tổ chức chu đáo và chặt chẽ thì sẽ giữ được một thời gian nữa”.

        Bộ Tổng chỉ huy cho biết tình hình lúc đó:

        “Cơ quan chuyển ra hậu phương mới tạm ổn định, nhưng việc hậu phương huy động mọi mặt chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài thì còn bề bộn. Nhân dân các vùng chiến sự vẫn còn đang tấp nập tản cư, còn xao xuyến bỡ ngỡ...”. Bộ Tổng chỉ huy phân tích tình hình: “Nếu bộ đội ở Liên khu I rút ra sớm thì giặc Pháp sẽ rảnh tay tấn công thúc ra phá vỡ vòng vây bên ngoài. Chúng sẽ tràn về hậu phương nông thôn. Mặt trận mở rộng sớm, điều đó không có lợi cho việc huy động lực lượng chuẩn bị kháng chiến lâu dài của ta”.

        Từ ngày ấy đến nay, Liên khu I đã chiến đấu kiên cường trong lòng địch thêm được một tháng rưỡi nữa, đã thu hút được một bộ phận lực lượng quan trọng của giặc Pháp. Bọn xâm lược Pháp huênh hoang tuyên bố là chúng đã bao vây Liên khu I. Nhưng thực chất là Liên khu I đã chủ động ở lại giữ được chân giặc Pháp và tiêu hao chúng, cùng với các tiểu đoàn bao vây ở bên ngoài hình thành một thế “nội công ngoại kích” rất độc đáo.

        Giặc Pháp tiếp tục đưa quân từ Hải Phòng tăng viện lên Hà Nội cũng là để tập trung đánh phá Liên khu I rồi sau đó rảnh tay tấn công ra ngoài Hà Nội.

        Tình hình của mặt trận lúc ấy đã có nhiều thay đổi, tuyến chiếm đóng của địch mở rộng ra ngoại thành đã thu hẹp phạm vi chiếm đóng của quân ta ở Liên khu I. Súng cối 81mm của địch từ phía này có thể bắn vượt qua Liên khu I sang phía bên kia. Bộ Tổng chỉ huy nhận định: “Mặt trận Hà Nội đã làm tròn nhiệm vụ giam chân địch một thời gian dài để hậu phương kịp thời huy động lực lượng, đã tiêu diệt được một số địch. Đó là thắng lợi lớn”. Được sự chuẩn y của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội cho Trung đoàn Thủ Đô rời khỏi Liên khu I về căn cứ địa hậu phương. Nhận được lệnh, Trung đoàn Thủ Đô đánh điện ra: “Xin cố thủ”. Bộ Tổng chỉ huy phân tích thêm: “... Với tinh thần hy sinh cao cả của các cán bộ chiến sĩ, đơn vị có thể ở lại thêm một thời gian, tiêu diệt thêm một số địch. Nhưng xét về nhiệm vụ thu hút lực lượng địch, giữ chân địch, thì Trung đoàn Thủ Đô đã hoàn thành vẻ vang. Nay đã đến lúc trung đoàn phải vượt ra ngoài trở về hậu phương xây dựng lực lượng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài..., rời khỏi Liên khu I được toàn vẹn lại là một thắng lợi lớn nữa”.

        Ngày 15 tháng 2, giặc Pháp huênh hoang tuyên bố. “Việt Minh ở trong thành phố Hà Nội bị vòng vây của quân đội Pháp siết chặt. Họ chỉ đợi ngày giờ bị tiêu diệt!”.

        Ngược lại, khí thế chiến đấu của các chiến sĩ trung đoàn Thủ Đô vẫn bừng bừng sôi sục, không hề một chút lo lắng bi quan. Các chiến sĩ vẫn vui cười, ca hát, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, tiếp tục củng cố trận địa mới, sửa sang hầm hố, chiến hào, ụ súng sẵn sàng đánh trả cuộc tấn công cuối cùng của địch. Bài ca “Diệt phát xít” vẫn vang lên rộn rã. Lời ca của quân đội chiến thắng, tin tưởng vào sức chiến đấu kiên cường của mình, tin tưởng sự thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ đến với dân tộc Việt Nam anh hùng.

        Nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, Đảng ủy mặt trận Hà Nội đã họp ngay để nghiên cứu chấp hành nghiêm chỉnh. Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho đồng chí chỉ huy trưởng Liên khu II Phùng Thế Tài điều động các đơn vị của Liên khu II tấn công vào Ô Cầu Dền và đồng chí chỉ huy trưởng Liên khu III Lê Quân điều động các đơn vị của Liên khu III tấn công vào Hàng Bột, Ô Cầu Giấy, Kim Mã. Các đơn vị đều quấy rối, biệt kích, tập kích nghi binh vào các vị trí của địch ở ngoại thành để thu hút sự chú ý và đối phó của chúng ra ngoài. Mặt khác, bản thân Liên khu I cũng đánh mạnh, giữ hoạt động bình thường. Kế hoạch này, hồi đó gọi là “cường công mật rút”.

        Chín giờ tối ngày 15 tháng 2, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 145 đã tổ chức lực lượng tiến vào tập kích quân địch ở Đông Ngạc, Mai Dịch, Hoài Đức và tung các tổ du kích luồn vào sau lưng địch để tăng cường quấy rối, phá hoại, buộc chúng phải chú ý bảo vệ các vị trí đột xuất ở ngoại thành. Ngày 16 tháng 2, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho quân ta tiếp tục nổ súng trên toàn mặt trận thực hiện thu hút lực lượng của địch ra các mặt trận bên ngoài để ngày hôm sau trung đoàn Thủ Đô rời khỏi Liên khu I về căn cứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:59:51 pm »


        Lúc ấy, một khó khăn lớn đối với trung đoàn Thủ Đô là xung quanh Liên khu I, địch đóng vị trí dày đặc thành một vòng tròn trên dưới 4 cây số. Các đường lớn, đường nhỏ, các nơi có thể đi được đều bị ụ súng, vọng gác của địch kiểm soát phong toả. Ta dùng đường cống ngầm đi liên lạc với ngoài được 2 lần thì bị giặc Pháp phát hiện rào kín, canh gác cẩn mật.

        Để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, trung đoàn Thủ Đô sẽ vượt ra khỏi vành đai chiếm đóng của địch. Nhưng đi bằng đường nào? Tổ chức ra sao để bảo đảm đi được trên một ngàn người đủ cả nam, phụ, lão, ấu lại có cả người ốm, người bị thương? Tất cả những khó khăn phức tạp ấy, Đảng ủy trung đoàn Thủ Đô phải trực tiếp lãnh đạo giải quyết. Các chiến sĩ Thủ đô sẽ phải vượt qua thử thách lớn lao này.

        Sau khi được Bộ Tổng chỉ huy chuẩn y kế hoạch xuất phát theo đường giữa phố Nguyễn Siêu và cột Đồng Hồ qua bãi Phúc Xá, vượt sông Hồng, sông Đuống về Long Tựu (Đông Ngàn) thuộc tỉnh Phúc Yên rồi vòng trở về Sơn Tây, Bộ chỉ huy mặt trận cử cán bộ đi tổ chức chuẩn bị mượn thuyền của nhân dân và du kích dẫn đường. Mọi việc ở trong Liên khu I và công tác chuẩn bị ở ngoài đến trưa ngày 17 tháng 2 đều xong. Trong những ngày tình hình gay go quyết liệt ấy, lãnh sự của Tưởng Giới Thạch đề nghị ta giúp Hoa kiều một số gạo, ngô, và ngày 18 tháng 2 ta sẽ ngừng bắn để Hoa kiều rút hết ra khỏi thành phố Hà Nội. Đây là mưu mô thâm độc của bè lũ Quốc dân đảng phản động Tưởng Giới Thạch đã cấu kết với thực dân Pháp để dò xét xem ta có còn lương thực để chiến đấu cố thủ một thời gian nữa không, và, khi Hoa kiều đã rút hết ra ngoài, chúng sẽ tự do ném bom, bắn phá tấn công tiêu diệt hoàn toàn trung đoàn Thủ Đô. Nhưng “tương kế tựu kế” ta sẽ lợi dụng mưu mô của giặc để thực hiện kế hoạch của mình. Ngày 17 tháng 2, Ban chỉ huy trung đoàn Thủ Đô đồng ý giúp Hoa kiều 5 tạ gạo, 2 tạ ngô và ngày 18 tháng 2 ta sẽ ngừng bắn để Hoa kiều tản cư ra ngoài.

        Một sự kiện vô cùng đột ngột. Năm giờ chiều ngày 17 tháng 2 lệnh rút khỏi Hà Nội đến với các chiến sĩ trung đoàn Thủ Đô. Lúc đó, các chiến sĩ nơi còn đang đào hào đắp ụ, nơi đang chuẩn bị đi biệt kích, phục kích cướp súng giặc. Tin đến bất ngờ, các chiến sĩ bàng hoàng cảm động.

        - Ra đi ư?

        - Bao giờ trở lại?

        Còn một giờ nữa sẽ tạm biệt Thủ đô yêu dấu, các chiến sĩ lấy gạch non viết vội lên tường nhà:

        “Hà Nội thân yêu ơi, ta sẽ trở lại!”, “Hỡi quân xâm lăng, chúng bay sẽ thất bại!”.

        Ra đi, các chiến sĩ tin tưởng sắt đá vào thắng lợi cuối cùng, nhưng lòng không khỏi bùi ngùi lưu luyến.

        Hôm ấy, hình như trời tối sớm, mưa rơi lâm râm trùm lên khoảng trời Hà Nội. Gió heo may tràn qua khắp đường phố, giúp cho mọi hành động ban đêm càng thêm vẻ lặng lẽ bất ngờ.

        Trời sẩm tối, tiểu đoàn 103 xuất phát đầu tiên rồi đến tiểu đoàn 102. Còn tiểu đoàn 101 ra sau cùng, cử ra một trung đội bố trí phía chân cầu Long Biên đề phòng nếu bị lộ thì chiến đấu chặn địch bảo đảm cho trung đoàn vượt ra an toàn.

        Ra đi, trung đoàn Thủ Đô còn báo cho các lãnh sự ngoại quốc biết từ giờ phút đó Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà sẽ không có trách nhiệm bảo vệ họ nữa. Ta còn chuyển thư cho lãnh sự Trung Hoa gửi lời chào họ.

        Nửa đêm 17 tháng 2, trung đoàn Thủ Đô lặng lẽ vượt qua gầm cầu Long Biên, người lớn cõng trẻ nhỏ, người khoẻ dìu người yếu, các thương binh cũng được võng, cáng đưa ra. Trung đoàn còn mang theo đầy đủ máy chữ, máy in, dụng cụ sửa chữa vũ khí... Trong đêm mưa rét, các chiến sĩ chân bước đi, lòng không khỏi bồi hồi lưu luyến, thỉnh thoảng có chiến sĩ lại quay nhìn về Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:00:45 am »


        Bộ phận phá hoại nghi binh do đồng chí tham mưu trưởng trung đoàn chỉ huy khoảng 10 giờ đêm nổ súng quấy rối phía Cửa Đông, Hoàn Kiếm. Tổ phá hoại gài mìn, lựu đạn ở những nơi địch có thể tới, đốt từng bó hương cắm vào đống chăn đệm tẩm dầu xăng để sau mấy tiếng đồng hồ sẽ bùng lên ngọn lửa. Mười hai giờ đêm trong Liên khu I hoàn toàn vắng lặng. Người cuối cùng của trung đoàn Thủ Đô đã rời khỏi Hà Nội. Đoàn quân trùng trùng đi theo ven bờ sông, giặc Pháp vẫn hoàn toàn chưa biết. Chúng tin vào vòng vây dày đặc bốn bề tưởng chừng con chim cũng khó bay qua. Nhưng giữa dòng sông Hồng, trên bãi Phúc Xá, vẫn có tiểu đội tự vệ do đồng chí Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy suốt gần hai tháng trời sống trong hầm hố, vất vả đêm hôm bảo đảm giữ vững đường dây liên lạc, tiếp tế cho trung đoàn Thủ Đô. Đêm hôm đó, đồng chí Nại đã dẫn các chiến sĩ Thủ đô lách qua các vị trí, tránh các luồng đạn của địch, vượt qua mọi hiểm nghèo để ra đi an toàn. Nửa đêm về sáng, đồng bào và anh chị em du kích đã chèo, chống 20 chiếc thuyền tới bờ sông bãi Phúc Xá do một cán bộ được Bộ chỉ huy mặt trận cử đi phụ trách. Đêm khuya, trời rét ngọt, sóng nước rì rầm, từng chiếc thuyền lặng lẽ sang sông. Sau khi làm tròn nhiệm vụ đón bộ phận phá hoại và bảo vệ ra đi sau cùng, tiểu đội đồng chí Nại bố trí ở bãi dâu theo dõi địch. Trời vừa sáng, giặc Pháp phát hiện được. Chúng cho 2 xe tăng và một toán quân từ phía đầu cầu Gia Lâm theo bờ sông đi ngược lên phía bắc cùng một đoàn ca nô chở đầy quân xăm xăm chạy rẽ nước đuổi theo đoàn thuyền cuối cùng của ta.

        Lập tức, phía bãi dâu ở Phúc Xá có súng nổ ngang sườn ca nô địch. Chúng dừng lại cho một toán sục lên bãi dâu, còn một toán tiếp tục đuổi theo đoàn thuyền. Nhưng vẫn bị tiểu đội đồng chí Nại bắn ngang sườn, chúng phải tiến chậm và dè dặt. Đến khi chúng nổ súng thì các chiến sĩ ở đoàn thuyền cuối cùng vừa nhảy lên bờ chiếm lĩnh làng Cơ Xá (Bắc Biên) đánh trả lại.

        Trên bãi dâu giữa bãi Phúc Xá, tiếng súng nổ vẫn giòn. Tiểu đội của đồng chí Nại đã nổ súng kéo một bộ phận bọn giặc đuổi theo trung đoàn phải quay trở lại. Hai chiếc máy bay rít lên lao xuống mặt sông bắn đổ đạn vào bãi dâu. Quân địch xông lên, 7 du kích đã bí mật lẻn ra chỗ khác bất ngờ bắn vào ngang sườn chúng, rồi lại nhanh chóng lẩn đi. Xác giặc Pháp đã nằm rải rác khắp bãi dâu nhưng chúng vẫn chưa làm gì nổi các chiến sĩ du kích. Chủng toả quân vây tròn bốn mặt. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt. Có 7 người thì 2 người đã hy sinh. Đồng chí Nại chỉ huy 4 chiến sĩ chiến đấu cực kỳ anh dũng, thu hút lực lượng địch, đảm bảo cho trung đoàn rút lui an toàn đến phút cuối cùng. Giết thêm 17 tên địch nữa, 4 du kích hy sinh, còn một mình đồng chí Nại. Quân giặc không bắn, chúng tìm mọi cách để bắt sống đồng chí, hy vọng biết được lực lượng của ta có còn lại ở Liên khu I không? Đã rút đi bao nhiêu và rút đi đâu? Nhưng khi giặc Pháp xô tới túm lấy đồng chí thì thình lình một tiếng nổ vang. Quả lựu đạn cuối cùng của đồng chí đã giết thêm mấy tên giặc nữa. Đồng chí Nại, người du kích kiên cường và dũng cảm đã vĩnh biệt các chiến sĩ Thủ đô, vĩnh biệt bãi dâu Phúc Xá và sông Hồng Hà góp phần cho trung đoàn rời khỏi Liên khu I thắng lợi để bảo toàn chủ lực kháng chiến lâu dài.

        Thế là 7 chiến sĩ tự vệ hàng tháng trời ở trên bãi dâu 1 Phúc Xá, giữa dòng sông Hồng đã hy sinh. Các chiến sĩ đã đóng góp biết bao công lao với chiến thắng oanh liệt của Liên khu I, và cuộc rút quân thần kỳ của trung đoàn Thủ Đô.

        Phía Cơ Xá, cuộc chiến đấu kéo dài đến gần trưa. Giặc Pháp bị chết hơn 20 tên. Bên ta hy sinh 4, bị thương 6. Các chiến sĩ Vệ quốc quân đã khéo léo nghi binh rồi rút lui lên Văn Hoạch. Giặc Pháp tràn vào Cơ Xá, ở đấy chỉ còn cây cối đổ gãy, nhà cửa bị phá hủy tan hoang. Thôn xóm vắng teo, không một bóng người. Cảnh “vườn không nhà trống” lại đập vào mắt giặc Pháp. Đã thất vọng lại càng thêm chán nản, chúng uể oải, rời rạc kéo quân quay về Hà Nội.

        Mười hai giờ trưa ngày 18 tháng 2 năm 1947, trung đoàn Thủ Đô về tới Văn Hoạch, Long Tựu (Đông Ngàn) bên kia sông Đuống, thuộc địa phận Phúc Yên. Ngay hôm đó, các chiến sĩ Thủ đô được đọc thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy và đồng chí Nguyễn Văn Trân thay mặt Đảng ủy mặt trận gửi tới khen ngợi các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và rút quân thắng lợi. Đêm 18 tháng 2, trời vẫn mưa rét, đồng chí Nguyễn Văn Trân cùng một số cán bộ trong Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận đi ngược về phía bắc Hà Nội. Mọi người vui mừng trò chuyện không để ý gì đến đường trơn, gió rét. Các đồng chí hết lời khen ngợi chiến công oanh liệt của nhân dân và các chiến sĩ Thủ đô. Tới bờ sông, gió heo may vẫn thổi lồng lộng. Trời mưa nặng hạt. Các đồng chí đứng trên bờ đê, rồi ra tận mép nước, nhìn sang bên kia sông nóng lòng mong đợi được gặp mặt những người con của Thủ đô anh dũng. Sang sông, trung đoàn về tập trung tại Hạ Hội, Thương Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Sơn Tây.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM