Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:32:56 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33778 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:55:46 pm »

   
VÀ ĐI ĐẾN SA LẦY

        Từ sáng sớm ngày 24 tháng 12, từng tốp máy bay khu trục của giặc Pháp bay lượn lồng lộn khắp bầu trời ngoại thành Hà Nội, xả từng tràng liên thanh, trút hàng loạt bom xuống các làng mạc. Tiếng nổ rung đất. Khói lửa ngút trời. Chúng muốn phá hủy các kho tàng căn cứ hậu phương của mặt trận và uy hiếp tinh thần nhân dân ta. Pháo binh, súng cối của giặc bắn rải rác về hướng Bạch Mai, Ngã Tư Sở. Nhưng sớm hôm đó, bầu trời Hà Nội vẫn trong sáng. Nắng vàng óng ả trên đường nhựa, lấp lánh hai bên đường phố. Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận trực tiếp tới các đơn vị cơ sở nắm tình hình, động viên bộ đội và nhân dân. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tới thăm một số đơn vị ở phía Ngã Tư Sở và Ô Chợ Dừa. Vừa tới Ngã Tư Sở thì 2 máy bay phóng pháo của địch bay đến, đồng chí chỉ vào một hố chiến đấu ở gần đó và nói: "Đồng chí Vũ! Ta nấp vào đây một tí xem chúng nó làm gì nào". Máy bay của địch sà xuống thấp. Tiếng rú, tiếng nổ inh tai. Tiếp theo là hàng tràng đạn súng máy cày bụi mặt đường. Hai chiếc máy bay bắn thêm vài loạt nữa rồi tếch đi hướng khác. Trên đường đi Ô Chợ Dừa, thỉnh thoảng có những viên đạn pháo lạc lõng của giặc Pháp, khi thì nổ trên mặt đường, khi thì nổ dưới ruộng rau muống.

        Ngay buổi chiều hôm đó, tại Vạn Phúc, Hà Đông, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội trực tiếp nhận chỉ thị mới của Bộ Tổng chỉ huy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp phân tích sâu sắc tình hình địch và dự kiến những điều có thể sẽ xảy ra. Do đó Bộ Tổng chỉ huy quyết định sáp nhập Khu XI với Khu II (Khu II gồm 8 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Sau khi sáp nhập với Khu XI thì Khu II có thêm thành phố Hà Nội và quy định Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội là khu vực tiền phương của Khu II mới), lấy tên chung là Khu II. Và quyết định thành lập Bộ chỉ huy tiền phương, đồng chí Vương Thừa Vũ làm khu phó Khu II, đồng thời trực tiếp chỉ huy khu vực tiền phương gồm: Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây. Trần Độ làm chính trị ủy viên phó Khu II và tăng cường thêm đồng chí Đỗ Đức Kiên làm chính trị ủy viên tiền phương.

        Sau đó đồng chí Hoàng Văn Thái với thái độ niềm nở, nói:

        - Tổ chức mới như vậy thì các đồng chí Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội thấy thế nào?

        Bộ chỉ huy mặt trận đều nhất trí tán thành. Đồng chí Nguyễn Văn Trân cũng hoàn toàn đồng ý. Chính trị ủy viên phó Trần Độ nói vui:

        - Phấn khởi quá! Tôi xin giơ cả hai tay.

        Sở dĩ cả ba người đều nhanh chóng nhất trí, vì tổ chức như vậy thì địa bàn hoạt động sẽ có nhiều hơn. Và chính vì có những nhận định tình hình chính xác, những quyết định kịp thời của Bộ Tổng chỉ huy, phù hợp với tình hình phát triển, quân dân thủ đô Hà Nội càng tăng thêm quyết tâm chiến đấu, càng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng.

        Từ khi mặt trận Hà Nội đã bố trí hình thành thuật "trùng độc chiến", quân địch càng lâm vào thế bị động lúng túng. Chúng tập trung lực lượng đánh ra các cửa Ô thì bị quân ta ở Liên khu I đánh thúc sau lưng. Chúng quay vào đánh Liên khu I thì bị lực lượng của ta ở các cửa Ô đánh kẹp lại. Nếu địch vữa đánh trở vào, vừa đánh trở ra thì lực lượng phân tán mỏng yếu. Giặc Pháp hy vọng trong chớp nhoáng tiêu diệt xong lực lượng của ta, nếu không cũng đánh bật được hết quân ta ra khỏi Hà Nội. Nhưng, mộng ấy đã hoàn toàn bị tan vỡ. Tinh thần chiến đấu dũng cảm với chiến thuật độc đáo đầy sáng tạo của quân đội cách mạng, của đường lối chiến tranh nhân dân đã chiến thắng những bộ óc ỷ lại vào sức mạnh vũ khí của bộ tham mưu quân đội xâm lược Pháp. Ở Hà Nội, quân ta lại được bổ sung thêm lực lượng, như vậy khả năng giam chân địch có thể dài thêm nữa. Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho các đơn vị tăng cường củng cố hầm hố, chướng ngại vật, tổ chức lực lượng tiếp tục tập kích, phục kích, quấy rối tiêu hao địch, làm cho chúng đứng ngồi không yên. Bộ chỉ huy còn ra lệnh chođại đội 134 thuộc tiểu đoàn 56 bí mật lọt vào hoạt động du kích ở khu vực phố Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương và trên dọc đường phố Huế tới phía nam hồ Hoàn Kiếm. Tiểu đoàn 145 cho một bộ phận nhỏ phân tán vào hoạt động du kích ở khu vực phố Chùa Một Cột và phía tây thành Hà Nội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 10:46:44 pm »


        Đúng như ta dự đoán, 5 giờ sáng ngày 24 tháng 12, bộ binh cơ giới địch từ trong thành tấn công vào Liên khu I. Quân ta chặn địch từng bước, suốt 5 tiếng đồng hồ địch mới tiến được vài trăm thước đến phố Hàng Hòm, chiếm được nhà A-di-a (Asia) đầu phố Hàng Trống. Sáu giờ chiều, địch cho một bộ phận từ nhà Gian-đa (Nay là số 66 phố Nguyễn Thái Học) tấn công thúc ra ngoài Liên khu III. Tiểu đội tuyên truyền cùng tự vệ phố Hàng Bột đã anh dũng chặn địch. Bốn chiến sĩ bố trí ở một nhà gác hai tầng chiến đấu cho đến khi cả 4 người cùng bị trọng thương. Có người bị thương hai ba lần nhưng vẫn không rời trận địa. Họ chiến đấu đến viên đạn và quả lựu đạn cuối cùng rồi khoác chặt tay nhau hát vang bài "Tiến quân ca" cho đến khi nhắm mắt. Một tiểu đội khác đã chiến đấu đến khi chỉ còn 2 người, nhưng quân địch vẫn không thể nào tiến được và phải rút lui về vị trí cũ. Nhằm lúc địch đối phó lúng túng, đại đội 134 bắt đầu làm nhiệm vụ vào hoạt động sau lưng địch. Từ chiều, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn cùng tự vệ Hà Nội đã chuẩn bị xong mọi việc. Chú bé liên lạc đeo lủng lẳng bên hông những chiếc pháo hiệu làm bằng thuốc đen nhồi trong ống nứa tép dài hơn hai gang tay, bên ngoài có quấn giấy bỏ, giấy vàng. Tám giờ tối, đại đội 134 vượt qua nghĩa địa phía bắc Đông Dương học xá, tiến vào Chùa Liên rồi chia làm hai toán. Một trung đội đánh vào nhà Diêm. Hai trung đội đánh vào nhà quét vôi đỏ ở ngã tư Ô Cầu Dền do đại đội trưởng Vũ Công Định trực tiếp chỉ huy. Các đơn vị len lỏi tiến sát vị trí địch, sẵn sàng chờ lệnh. Nhưng đến giờ phát hoả, đại đội trưởng ra lệnh thì chú liên lạc đã đánh rơi mất pháo hiệu. Trong đêm tối các chiến sĩ bố trí rải rác khuất ở các góc tường, ngõ hẻm nóng lòng chờ pháo hiệu. Các chiến sĩ rì rầm, chạy đi chạy lại. Phương tiện chỉ huy khác không có, đại đội trưởng Vũ Công Định đang lúng túng băn khoăn thì quân địch mở máy cơ giới soi đèn pha sáng rực chiếu vào phía bộ đội bố trí. Lập tức các chiến sĩ ta nổ súng bắn vào vị trí địch. Một số chiến sĩ hô xung phong ầm ĩ thay cho pháo hiệu. Thấy vậy, xung kích lao lên phá cửa xung phong vào vị trí địch, giết được 11 tên. Bên ta bị thương 3, trong đó có 1 chính trị viên trung đội.

        Sáng hôm sau, 25 tháng 12, giặc Pháp đem quân xuống đánh trả thù hòng tiêu diệt đại đội 134. Nhưng chúng đã bị tự vệ đường Ngô Đại Hành và Đại Cồ Việt chặn đánh từng bước, bắn tỉa tiêu hao, còn đại đội 134 ngay từ ban đêm đã chuyển sang làng Thanh Nhàn, về phía đông, cách nơi giặc Pháp tấn công gần một cây số. Đại đội tấp nập chuẩn bị đợi lệnh lần thứ hai xuất phát vào hoạt động sau lưng địch ở các khu vực cũ. Theo hướng dẫn của cấp trên, vào phố, tới đâu thấy có khẩu hiệu: Hồ Chí Minh muôn thuở (tránh nhầm lẫn với khẩu hiệu của nhân dân thường viết: Hồ Chí Minh muôn năm) và trên tường vẽ một khoanh tròn nhỏ, giữa có chữ thập, từ khoanh tròn đó chiếu thẳng xuống đất, lật viên gạch lên sẽ nhận được lá thư mật để bắt liên lạc với tự vệ bí mật ở lại trong lòng địch. Đại đội 134 có nhiệm vụ cùng tự vệ bí mật hoạt động du kích quấy rối sau lưng địch, cố gắng bắt liên lạc với Liên khu I.

        Để thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh vào, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho các liên khu tiếp tục tập kích tiêu hao quấy rối địch. Đêm hôm ấy, bầu trời Hà Nội lại rực lên ánh lửa. Súng nổ giòn giã suốt năm canh. Các toán nhỏ của tiểu đoàn 101 đánh thúc trở ra làm cho quân địch càng thêm nhức nhối, lo âu. Một tiểu đội Vệ quốc quân cùng anh em tự vệ khu phố chia làm hai toán biệt kích vào nhà Moóc-li-e. Khoảng 11 giờ 30 đêm, bất ngờ tiếng lựu đạn nổ giòn tan, tiếng hét xung phong vang dậy phía Bờ hồ Hoàn Kiếm. Quân địch hốt hoảng rút xuống hầm cố thủ. Quân ta hoàn toàn làm chủ mặt đất nhà Moóc-li-e, treo cờ đỏ sao vàng lên, đốt phá kho tàng và xe gíp của địch. Tiếng nổ lốp bốp, lửa cháy sáng rực, đến 6 giờ sáng hôm sau mới tắt. Lúc đó trên đỉnh Tháp Rùa, giữa hồ Hoàn Kiếm cũng có một lá quốc kỳ Việt Nam phấp phới bay. Phía Cửa Đông, Cửa Bắc, cầu Long Biên, tiếng súng của Liên khu I vẫn giòn giã thúc vào sau lưng địch, làm chúng phải bận tâm lo lắng, bối rối. Thuật "trùng độc chiến" lúc đó càng tăng thêm nguyhiểm đối với kẻ địch. Trong khi đó tiểu đoàn 145 phái các tổ nhỏ biệt kích vào các vị trí phía tây và tây bắc Hà Nội. Một tổ "du kích tự động" (Tên đặt hồi ấy cho các tổ du kích vào hoạt động sau lưng địch) 12 giờ đêm đột nhập phố Chùa Một Cột phá hủy một xe gíp của dịch, nổ súng gây rối loạn các đường phố. Một bộ phận đột nhập tiêu hao địch ở nhà Đúc Tiền. Tiểu đoàn 523 cho một trung đội cùng với tự vệ phố Hàng Bột tập kích nhà Gian-đa. Quân ta bí mật lọt vào giữa vị trí, từ trong đánh ra phá hủy 2 xe tăng, giết chết 8 lính Pháp, làm bị thương hơn 20 tên. Địch ở nhà dầu Shell Khâm Thiên cũng bị tự vệ tập kích và bị thiệt hại nặng. Các cuộc biệt kích, tập kích từ bên ngoài ép vào, từ bên trong thúc ra như ngàn vạn con ong vàng nay châm ngòi vào nơi này, mai đốt chỗ khác vào một xác thịt nặng nề, đã làm cho kẻ địch đau đớn, nhức nhối, chúng đã hoang mang càng thêm hoang mang. Tướng tá Pháp ở Hà Nội phải vắt óc suy nghĩ: Đánh trở ra, hay đánh trở vào? Nhưng có lẽ trận tấn công xuống đường Đại Cồ Việt ngày 25 tháng 12 thất bại đã làm cho chúng càng thêm cay cú.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 10:49:34 pm »


        Ngày 26 tháng 12, chúng mở một cuộc tấn công khác xuống Ô Cầu Dền để lấy lại tinh thần binh lính địch, đồng thời cũng nhằm quét sạch các lực lượng tự vệ bí mật của ta trên đường phố Huế và khu vực nhà Diêm. Hôm ấy, chính trị ủy viên phó Khu II Trần Độ và đồng chí Nguyễn Văn Trân tới uý lạo các đơn vị chiến đấu ở đây. Đồng chí Trân thay mặt Đảng ủy mặt trận tới từng ụ súng, từng chiến hào... thăm hỏi các chiến sĩ. Trần Độ bất ngờ gặp lại Minh, chiến sĩ phục vụ mình trước kia. Minh reo lên:

        - Ô! Cậu ơi! Thế cậu vẫn sống à?

        Nghe Trần Độ kể lại, lúc đó tâm trạng vừa vui mừng vừa ngạc nhiên, chưa kịp trả lời. Minh đã nói:

        - Cậu ạ, bây giờ cậu không phải lo cho cháu nữa, cháu đã đi chiến đấu, đã đích mắt trông thấy Tây chết và cắm đầu chạy khi bị quân ta đánh lại...

        Hai người chưa kịp nói gì thêm thì một đoàn mấy bay địch bay tới trút bom xuống đường phố. Minh trở về vị trí chiến đấu. Xe tăng, xe bọc sắt của địch vừa tiến vừa bắn phá, phá hủy ụ đất, bờ tường phía ta bố trí. Tiến gần tới Ô Cầu Dền, trước mặt địch, trên đường bày la liệt nhưng nồi đất úp, có "trang điểm" thêm những lớp rơm rạ rải mỏng, rồi đến những ụ đất khổng lồ chắn ngang giữa đường.

        - Mìn! Mìn! - Bọn Pháp kêu to rồi dừng lại. Chúng chúc mũi súng bắn bừa bãi vào nồi đất. Bắn chán không thấy mìn nổ, chúng sai bọn Việt gian, thổ phỉ tiến lên lật nồi đất ra xem, lúc đó các chiến sĩ tự vệ của ta bố trí ở hai bên đường phố và ở các ụ đất trước mặt mới nổ súng tỉa từng tên. Mấy tên giặc chết gục đầu ngay xuống nồi đất. Chúng cho xe tăng tiến lên gầm rú ra oai. Chiến sĩ bắn badôca của ta vẫn yên lặng chờ địch đến gần. Toàn mặt trận chỉ có một khẩu badôca với 5 viênđạn. Trước lúc bắn vì sợ mất súng, chiến sĩ ta buộc dây vào súng dòng về cho tới một chiến sĩ khác nằm sau người bắn hơn 100 thước, đề phòng nếu người bắn bị hy sinh thì người sau kẻo dây thừng lấy súng để giặc khỏi cướp mất.

        Xe tăng địch vẫn lùi lũi tiến lên. Lập tức một phát đạn badôca của ta lao tới. Nhưng viên đạn thứ nhất ấy đã lao vút qua xe tăng địch nổ ở một chỗ khác. Xe tăng địch rú ga định chạy lùi. Bất ngờ viên đạn badôca thứ hai lao ra nổ xé trời, chuyển đất. Giữa đường toé lên một khối lửa khổng lồ. Chiếc xe thứ nhất của địch bốc cháy. Quân địch lộn xộn, nhớn nhác. Phát đạn badôca thứ ba bắn tiếp theo làm đứt xích một xe bọc sắt nữa. Giặc Pháp xô nhau rút chạy về phía Chùa Vua để lại hơn 10 xác chết. Như vậy, một khẩu badôca với 5 viên đạn đã bắn 3, hạ 1 xe tăng và 1 xe bọc sắt của địch. Đấy cũng là những phát đạn badôca đầu tiên của mặt trận Hà Nội.

        Từ đó, giặc Pháp cứ khiếp sợ mãi những nồi đất, ụ đất, tiếng súng bắn tỉa và tiếng nổ rầm trời ở Ô Cầu Dền. Hàng tháng sau quân địch vẫn không dám tiến xuống đó nữa. Mãi đến ngày 15-16 tháng 1 năm 1947, khi địch tấn công xuống Bạch Mai (ngã tư Trung Hiền), chúng phải tiến vòng đường Vĩnh Tuy và Ngã Tư Vọng đánh quặt vào.

        Cũng ngày 26 tháng 12, tại Ngọc Hà, 3 em bé nấp ở hố, không chịu lui. Khi xe thiết giáp của địch chạy qua, 3 em đã ném từng chùm lựu đạn, chai cháy đánh hỏng 2 xe thiết giáp của địch. Tại phố Hàng Bột, 2 tên Phápphóng xe gíp gặp 2 em nhỏ, chúng hãm xe lại, ra hiệu gọi. Biết chúng tưởng lầm mình là tay sai của chúng, 2 em vẫn thản nhiên như thường và tươi cười chạy đến. Chúng chưa kịp hỏi han câu nào, một em đã ném ngay quả lựu đạn trúng giữa xe. Hai tên giặc chết ngay tại chỗ và xe bị hư hỏng. Hai em đoạt súng mang về cho bộ đội. Cũng ngày hôm ấy đã để lại trong lòng mọi người một hình ảnh không bao giờ phai nhạt: "Một em bé bị giặc bắt đêm trước trong khi em bí mật leo lên cắm lá quốc kỳ Việt Nam trên nóc Bắc Bộ phủ. Em bị giặc Pháp xẻo thịt tra hỏi. Em nhất định không cung khai. Em chết đi mang 14 tuổi trên đầu. Những đội viên tuyên truyền xung phong Hà Nội không bao giờ lùi bước. Họ vững lòng tin vào thắng lợi ngày mai. Họ sẽ mãi mãi là thiếu niên Hà Nội anh hùng...". (Báo Thủ đô, số 11, ngày 14-1-1947)

        Đêm hôm ấy, quân ta lại tập kích, biệt kích vào các vị trí địch ở Phà Đen, Bách Thảo và phố Mai Hắc Đế, v. v…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 10:53:42 pm »


        Ở phía nam Hà Nội, đại đội 134 được lệnh bắt đầu xuất phát vào hoạt động sau lưng địch. . . Chập tối, các chiến sĩ vượt qua đê Bình Lao, đi thấp thoáng qua bãi tha ma, tiến sang phố Huế, phố Lê Bình. Do ham tiêu diệt sinh lực địch, đại đội lại phái một trung đội biệt kích vào Trường học Duy Tân (Khu vực số nhà 364, phố Huế) định cướp súng máy của dịch. Bị lộ, trận tập kích của ta không kết quả. Súng máy, súng cối và pháo binh của địch bắn từng loạt trên bãi tha ma, đường phố Huế, phố Lê Bình. Đêm tối nhập nhoạng, các chiến sĩ phải len lỏi qua các ngõ hẻm đi theo đường đục từ nhà nọ sang nhà kia. Mặc dầu có nhiều chiến sĩ là người Hà Nội nhưng họ đã bị lạc quanh co ở phố Lê Bình, tìm bắt liên lạc với tự vệ bí mật, đến gần sáng vẫn không gặp. Đại đội bắt đầu bố trí phân tán thành từng tổ vào các nhà gác, một mặt chuẩn bị đề phòng địch bao vây tấn công, mặt khác chuẩn bị kế hoạch hoạt động du kích trong mấy ngày tới. Suốt đêm súng cối của địch vẫn bắn rải rác vào các phố Lê Bình, Minh Khai. "Có lẽ đã bị lộ", mọi người đều nghĩ vậy và chuẩn bị đánh lại một trận tấn công lớn của địch vào sáng hôm sau. Nhưng, sự thật thì giặc Pháp vẫn chưa gỡ khỏi nước cờ bí. "Đánh trở vào, hay đánh trở ra?". Trước mặt, sau lưng đều bị tấn công, quấy rối như kim châm, kiến đốt. Nay có một lực lượng tiếp tục tiến sâu vào nội thành hoạt động du kích như vậy không khác gì để bàn ong vàng bay đuổi theo khắp chốn, khắp nơi bất ngờ châm đốt lúc nào không biết, giặc Pháp quyết định tung lực lượng đánh thúc ra ngoài, hòng tiêu diệt hoặc xua đuổi đại đội 134. Nhưng vẫn chưa yên tâm, giặc Pháp lại mở một cuộc tấn công vào Liên khu I để sau lưng được an toàn.

        Như vậy rõ ràng chúng vẫn bị phân tán lực lượng. Cánh quân của địch tấn công vào Liên khu I phải dừng lại phía bắc Bờ hồ Hoàn Kiếm, 2 Ô tô vận tải bị phá huỷ, 1 xe tăng bị đánh hỏng, hơn 50 tên địch bỏ xác tại trận. Cuối cùng chúng phải rút lui, và từ đó giặc Phápbắt đầu khiếp sợ chiến luỹ phía nam Liên khu I, không khác gì chúng khiếp sợ nồi đất, ụ đất ở Ô Cầu Dền. Giặc Pháp còn hy vọng ở cánh quân đánh thúc ra ngoài. Từ 6 giờ sáng, máy bay thám thính của địch đã bay lượn trên các phố Lê Bình, Minh Khai. Tiếp đó, 2 máy bay khu trục đến bắn phá từng mục tiêu chúng khả nghi. Khói lửa bốc lên ngùn ngụt tràn ngập phố Lê Bình. Xe tăng, xe bọc sắt của địch bố trí chẹn các đường phố, đồng thời bắn phá yểm hộ cho bộ binh đi sục sạo từng căn nhà. Bầy chó "béc-giê" xông xáo đánh hơi mọi ngõ ngách, xó xỉnh. Đợi địch tiến sát cửa, các chiến sĩ ném ra hàng loạt lựu đạn hất bọn chúng bật lùi trở lại. Hai anh em Nguyễn Đình Nhôi và Dục đã luồn về sau, xông ra phá hủy 1 xe tăng của chúng. Giặc Pháp tăng thêm quân tấn công từ nhiều hướng tới khép chặt vòng vây hơn nữa. Đến 12 giờ trưa, địch đánh chiếm được tầng dưới và một số nhà thấp xung quanh bao vây trung đội do đồng chí Nhâm chỉ huy. Hơn 20 tên lính lê dương xung phong vào sân, bếp, nhà dưới. Một tên lê dương mặt đầy râu, kẹp khẩu Thôm-sơn, tiến lên cầu thang gác. Đồng chí Nhâm ném xuống một quả lựu đạn, nhưng không nổ. Tiểu đội trưởng H. đã nhanh tay ném tiếp một quả "bảo toàn"xuống nền nhà dưới (Đầu đạn pháo 57mm, bộ đội ta lấy được của địch đem về làm thêm mỗi quả một cái cán tre dài chừng 2 mét làm tay cầm để lao, phóng cho dễ) . Một tiếng nổ dậy đất. Quân địch chết ngổn ngang. Ở những ổ đề kháng bên cạnh, các chiến sĩ cũng dùng quả "bảo toàn" phóng xuống đánh lui các đợt xung phong của địch. Một toán lính lê dương khác mon men đến gần cửa, định phun ét-xăng đốt nhà, lập tức một quả "bảo toàn" nữa lại được ném xuống, nổ như sét đánh. Mấy tên giặc tan thây tung toé ở sân. Chúng dùng xe tăng húc đổ tường nhà nhỏ phía sau, định bất ngờ thúc vào sườn quân ta. Từ trên tầng gác, từng chùm lựu đạn, chai cháy rơi xuống. Chiếc xe tăng phải lùi ra xa. Giặc Pháp giở trò dã man quỷ quyệt hơn, chúng chiếm gác hai của một nhà đối diện, phun ét-xăng cờ-rếp qua cửa sổ vào tầng gác của quân ta bố trí. Lửa cháy lem lém, khói đen đặc nghịt ùn ùn xông vào nhà sặc sụa. Không chịu nổi, nhưng mặt khác cũng là để bảo toàn lực lượng, các chiến sĩ đã ra phía sau, lợi dụng khói đen mù mịt nhảy qua cửa sổ từ trên nhà gác hai tầng xuống một giàn nho của nhà bên cạnh, thoăn thoắt luồn qua phố Bà Triệu. Đến 2 giờ chiều, quân địch xung phong vào các ổ đề kháng của ta thì ở đó không có một bóng dáng chiến sĩ nào nữa. Quân giặc bực tức, đập phá lung tung rồi rút lui. Chập tối, đại đội 134 luồn trở lại phố Lê Bình. Ngay trong đêm, đại đội cử một trung đội tập kích quân địch đóng ở Trường học Duy Tân (phố Huế), đốt cháy 1 xe gíp, phá hủy kho tàng của địch, gây nhiều tiếng nổ và đám cháy trong thành phố. Quân địch vô cùng bực tức nhưng đành chịu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 10:56:48 pm »


        Để hỗ trợ cho toán quân chiến đấu với ta ở phố Lê Bình, giặc Pháp cho hơn trăm bộ binh, có 3 xe bọc sắt yểm hộ, từ Đồn Thủy theo đường bờ sông tiến đánh xuống Vĩnh Tuy. Cũng như lần trước, giặc Pháp lại bị quân ta xuất kích đánh ngang sườn xung phong đuổi địch về Đồn Thủy tiêu diệt một số bộ binh, bắt sang 3 tên thổ phỉ, Việt gian.

        Thật là kỳ diệu, quân và dân Hà Nội đã dồn giặc Pháp vào thế lúng túng, sa lầy và phân tán lực lượng chúng: đánh vào Liên khu I, bị Liên khu I chặn đứng ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm; đánh ra Liên khu II, bị Liên khu II giáng cho những đòn chí tử ở Ô Cầu Dền, phố Lê Bình và Vĩnh Tuy... Những tấm gương anh hùng của các chiến sĩ Vệ quốc quân, tự vệ và phụ nữ, thiếu niên... đã làm cho kẻ địch khiếp sợ, chùn bước. Ngày 28 và 29 tháng 12, giặc Pháp hoàn toàn không có một đợt tấn công nào.

        Để tiếp tục giáo dục bộ đội và nhân dân, báo "Tin tức" (Cơ quan tuyên truyền kháng chiến của ủy ban kháng chiến Liên khu II, Hoàng Diệu) đã đăng bài xã luận: "Phải kháng chiến ở ngay sau lưng địch. Với chiến thuật du kích, chúng ta thanh đông, kích tây, nhằm đúng chỗ tim óc quân địch mà bất thình lình đánh những đòn chí tử làm cho quân địch không biết chỗ nào mà phòng. Chúng ta không cần nhiều người, chỉ cần những tiểu tổ du kích cảm tử. Ban đêm luôn luôn hoạt động để quấy rối địch, ban ngày có thể lén lút ở những nơi hầm bí mật, ở góc máng, hay ở trên mái nhà..." (Báo "Tin tức" số 5, ra ngày thứ bảy 28-12-1946).

        Báo "Thủ đô", báo "Tin tức”... còn đăng những bài: "Kinh nghiệm tránh đạn, kinh nghiệm phòng thủ máy bay oanh tạc, kinh nghiệm đánh chiến xa” v.v... Hàng ngày, báo chí được đưa tới tận tay các chiến sĩ đang bố trí chiến đấu ở các bờ tường, ụ súng, chiến hào. Có chiến sĩ làm thơ ngay tại trận tuyến gửi lên cho báo “Tin tức” nói lên ý chí sắt đá của mình:

                                      “Ầm súng nổ
                                      Ầm vang nổ!
                                      Bốn phương trời máu sắt!
                                      Trai thủ đô, vùng dậy tới sa trường.
                                      …
                                      Ầm súng nổ! Giục hy sinh chiến đấu
                                      Đây hiện thân của trai trẻ thời Trần,
                                      Vung cánh tay "Sát Thái giữ giang sơn,
                                      Thề quét sạch quân thù ra khỏi cõi.
                                      …
                                      Đây dân tộc Việt Nam bừng quật khởi.
                                      …
                                      Khiến quân thù đến táng đởm, vong thân,
                                      Ôi chiến sĩ - đây linh hồn đất nước.
                                      Quyết kháng chiến
                                      (Viết trong tiếng súng nổ)"


(Báo "Tin tức" số 5, ra ngày thứ bảy 28-12-1946).       

        Đêm 28 tháng 12 đồng chí An Giao tiểu đoàn trưởng tiêu đoàn 523 trực tiếp chí huy một bộ phận Vệ quốc đoàn cùng công nhân xe lửa tập kích nhà dầu Shell Khâm Thiên lần thứ 3. Quân ta hì hục đẩy một khẩu pháo 75mm vào gần sát vị trí địch, bất ngờ phát hoả. Vọng gác của địch sụp đổ. Vệ quốc quân và công nhân vun vút lao vào vị trí giặc. Đồng chí Quảng, công nhân xe lửa chiếm được chiếc ô tô mang đại liên ở sân nhà dầu dùng ngay súng lắp trên xe, bắn yểm hộ cho quân ta xung phong. Bọn giặc ở đây hoảng hốt, lên xe rút chạy về phía nhà ga. Cùng lúc đó, các tốp khác của ta cũng xung phong vào nhà Ngựa trắng (Sau là số 213 đến 215 đường Nam Bộ) và hiệu chè Phú Xuân (Sau là số 205 đường Nam Bộ) đánh giáp lá cà với quân địch. Bọn giặc ở ga Hàng Cỏ cho bộ binh và cơ giới hối hả xuống tiếp viện. Chúng vừa tiến vừa bắn đạn lửa bay chằng chịt trên đầu bộ đội ta. Hai công nhân vẫn tìm cách tháo khẩu súng máy trên chiếc xe vừa chiếm được.

        Đồng chí Quảng núp vào xe, khi dùng súng, khi dùng lựu đạn của địch đánh lui quân địch phản kích. Đồng chí Triệu hì hục tháo khẩu súng máy trên xe bọc sắt. Trên xe còn một hòm lựu đạn ta chưa chuyển đi kịp bị đạn lửa của địch bắn trúng. Lựu đạn nổ tung. Một công nhân hy sinh, một bị thương. Trận này, quân địch vừa chết vừa bị thương gần 20 tên. một xe bọc sắt bị cháy. Ta thu được một súng các-bin, một súng trường, một số đạn và lựu đạn.

        Phối hợp với các trận chiến đấu từ bên ngoài đánh vào, trong Liên khu I, tự vệ phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật luôn luôn đánh phục kích xe vận tải của địch từ nhà Bác Cổ (Nay là Viện Bảo tàng Lịch sử) chạy lên cầu Long Biên.

        Giữa trưa ngày 29 tháng 12, một xe gíp chở 4 tên Pháp đi qua phố Hàng Da. Đột nhiên có tiếng súng tù trong Rạp chiếu bóng Ô-lanh-pi-a (Nay là Rạp hát Hồng Hà) bắn ra. Tên cầm lái bị trúng đạn. Xe đâm nhào vào vỉa hè. Mấy tên giặc còn lại ngã văng xuống đường. Các chiến sĩ du kích của Liên khu I xuất hiện, nhảy lao ra bắt sống địch. Bọn giặc vùng dậy chui ngay vào Nhà thờ đạo Tin lành ở cạnh đấy, trốn thoát. Các chiến sĩ du kích ném lưu đạn phá hủy xe gíp rồi rút lui.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:02:17 pm »


        Cũng trong thời gian này, các chiến sĩ ở Liên khu I đã cùng đội du kích Hồng Hà (Du kích Hồng Hà gồm tự vệ các làng Tân Lập, Nghĩa An, Nghĩa Dũng và Phúc Xá) tìm đường bí mật qua cầu Long Biên hướng dẫn số nhân dân còn lại ở trong thành phố tiếp tục tản cư. Để đảm bảo an toàn cho nhân dân, ngay từ khi giặc Pháp bộc lộ rõ rệt triệu chứng xâm lược thủ đô, cho đến suốt quá trình chiến đấu, Đảng ủy mặt trận đã luôn luôn lo lắng chuẩn bị kế hoạch, bố trí, tổ chức tìm mọi biện pháp đưa đồng bào ra khỏi trung tâm Hà Nội. Đêm đầu tiên, khi tiếng súng xâm lược của giặc Pháp vừa nổ thì các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ cùng cơ quan chính quyền các khu phố đã tổ chức hướng dẫn hàng nghìn đồng bào vượt qua lửa đạn để tản cư. Sau vì địch kiểm soát chặt chẽ đường Yên Phụ và gầm cầu Long Biên, một đơn vị Vệ quốc đoàn phải quấy rối để cho địch bắn về hướng mình bố trí. Lợi dụng lúc đó, du kích dẫn đồng bào đi luồn dưới gầm cầu, men theo bờ sông đi ra ngoài thành phố. Sau này thường thường mỗi đêm chỉ đưa ra được một, hai trăm người. Đêm nào cũng có người chết hoặc bị thương. Nhiều lần địch chiếu đèn pha, bắn rải rác suốt đêm, đồng bào phải quay lại, nhưng dần dần, hàng vạn đồng bào đã vượt qua được vòng vây của giặc.

        Một thành phố trên 3 triệu dân, trong hoàn cảnh chiến sự nổ ra bất ngờ - giặc Pháp đánh úp thủ đô của chúng ta - hàng chục vạn đồng bào đã được đưa ra khỏi thảm họa bị quân cướp nước tàn sát đã man. Trong lòng Hà Nội chỉ còn chưa đầy 4 vạn người, mà hầu hết là những người đã tìm mọi cách trốn ở lại để được trực tiếp đánh giặc cứu nước, bảo vệ thủ đô. Ngoài ra đa số Hoa kiều và các ngoại kiều khác chuyên nghề buôn bán không thể dễ dàng tản cư về nông thôn, lên rừng núi như nhân dân ta được, như vậy công tác lãnh đạo nhân dân tản cư, sơ tán của Đảng ủy Hà Nội được sự giúp đỡ, chỉ đạo trực tiếp của Trung ương là một thắng lợi lớn trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của chúng ta. Đó cũng là để bảo vệ nguồn sinh lực to lớn của cuộc kháng chiến lâu dài. Đảng ủy mặt trận lãnh đạo các liên khu II, III và các xã ngoại thành Hà Nội huy động nhân lực, vật lực tiếp tế cho tiền tuyến. Hàng ngày từng đoàn xe bò, xe đạp gồng gánh vận chuyển lương thực, thực phẩm vào các kho, các trạm ở xung quanh Hà Nội, chủ yếu là hướng Hà Đông. Từ việc lớn đến việc nhỏ Đảng ủy đều trực tiếp lo lắng, mỗi người một việc, lăn lộn ngày đêm: Một hôm, đồng chí Nguyễn Văn Trân tới động viên và tổ chức quần chúng ở vùng Thanh Nhàn, Lương Yên, sau đó lên tiền tuyến thăm bộ đội, tới đê Bình Lao, giặc Pháp bố trí ở nhà gác hai tầng gần đó trông thấy. Chúng bắn súng máy bụi mù mặt đê. Lúc ấy một tốp các cô thiếu nữ đem cơm, nước, quà bánh tiếp tế lên tiền tuyến cũng vừa tới. Các cô đầu búi tó, nai nịt gọn gàng, lăn bò qua mặt đê thoăn thoắt. Hình ảnh đó đã làm cho đồng chí vô cùng xúc động và càng tăng thêm tin tưởng vào cuộc chiến đấu tự vệ của quân dân Hà Nội. Niềm tin tưởng ấy ngày càng sâu sắc, càng có nhiều thực tế chứng minh: mọi chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy đưa tới cơ sở đều được quần chúng khắp nơi tích cực thực hiện triệt để và sáng tạo. Chính vì uy tín của Đảng rất sâu sắc trong quần chúng, nên khi có một chỉ thị, mệnh lệnh của trên đưa xuống thì từ tiền tuyến đến hậu phương, từ các tầng lớp nhân dân đến các lực lượng vũ trang Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an, dân quân du kích, đều nhất nhất chấp hành. Riêng lực lượng vũ trang thì:

        "- Bộ đội có kỷ luật, tinh thần chiến đấu rất cao.
        - Các cấp dưới có tinh thần phục tùng cấp trên.
        - Toàn thể đều cố gắng nhẫn nại” (Trích trang 89, bút ký chiến sự lục, Khu II, Phòng lưu trữ, Văn phòng Bộ Quốc phòng).

        Ưu điểm trên phản ánh bản chất của những lực lượng vũ trang cách mạng, có chính Đảng vô sản lãnh đạo đồng thời cũng nói lên uy tín sâu sắc của Đảng trong lực lượng vũ trang.

        Với tinh thần tự giác chấp hành mệnh lệnh, sĩ khí chiến đấu của nhân dân và bộ đội rất cao như thế, nếu chúng ta có vũ khí đầy đủ, hoặc cũng những thứ đó, nhưng bảo đảm chất lượng tốt thì giặc Pháp còn phải chôn xác ở Hà Nội nhiều hơn. Nhưng hồi đó, trong nhiều trận chiến đấu, bom, mìn, lựu đạn không nổ, súng máy tắc hoặc bắn được vài phát đã hết đạn. Có khi quân giặc xung phong tới, chiến sĩ ta vừa đập kíp lựu đạn, lựu đạn nổ trên tay, giặc không chết mà mình hy sinh. Đánh vào vì trí giặc, giặc rút lên gác như ở Trường Bưởi và một số nơi khác, ta không có bom mìn để phá đổ nhà, phải tạm rút lui. Xe tăng địch tới, ta lao bom, bom không nổ. Có chiến sĩ xách súng trường đuổi theo xe tăng giặc, loay hoay không có phương tiện gì khác để phá huỷ, chiến sĩ ức phát khóc quay trở về vắt óc suy nghĩ tìm cách diệt xe tăng địch. Họ thề với nhau quyết không để cho những con "hổ đói" ấy thoát chết. Do thiếu thốn vũ khí đạn dược, nên cứ mỗi lần đi tập kích hoặc quấy rối, các đại đội lại phân phát cho các tiểu đội nào pháo ném, pháo bánh và pháo quả để làm tăng thêm tiếng nổ, làm giả ta có nhiều vũ khí. Trước giờ xuất kích, một em liên lạc đến đại đội nhận pháo. Người phát chỉ đưa cho em mấy quả pháo ném. Em phụng phịu hờn dỗi, rồi khóc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:04:32 pm »


        Đồng chí phát pháo nói:

        - Em giữ pháo bánh, lỡ trời mưa thì ướt hết cả pháo lẫn diêm, hỏng kế hoạch chiến đấu của đại đội.

        Em vừa khóc vừa trả lời:

        - Em đã chuẩn bị đem theo một cái thùng sắt tây rồi cơ mà. Bỏ pháo vào đấy không sợ ướt, lúc đốt lại kêu to.

        Để tiêu hao đạn dược của giặc, chiến sĩ lấy pháo buộc ngòi của từng chiếc vào từ đầu đến chân nén hương đem cắm ở một vài nơi xung quanh vị trí giặc. Đốt hương, hương cháy đến đâu, pháo nổ đến đấy. Suốt đêm, giặc bắn ra không biết bao nhiêu là đạn. Suốt 10 ngày chiến đấu các chiến sĩ vẫn ở liên miên ngoài mặt trận, lúc ngừng nổ súng thì nghỉ ngay tại chiến hào, ụ súng, góc tường, cửa sổ, thế nhưng mọi người vẫn lạc quan yêu đời. Cách một con đường, bên kia là giặc, bên này là ta, các chiến sĩ vẫn đánh đàn, ca hát. Những bài "Diệt phát xít”, "Quốc ca", "Chiến sĩ ca", v.v... được chiến sĩ ưa thích nhất. Lời ca hùng tráng như thúc giục lòng người đ i chiến đấu se sẽ ngân trong chiến hào và trên các vị trí tạm ngừng tiếng súng. Các chị cứu thương, tiếp tế cũng ra tận ụ súng, bờ tường hát động viên chiến sĩ. Nhân dân và bộ đội còn viết rất nhiều khẩu hiệu lên tường nhà, ngay tại chiến luỹ: "Hà Nội - Thăng Long xưa bấtdiệt!", "Hà Nội- mồ chôn giặc Pháp", "Hà Nội-Xta-lin-grát". Các chiến sĩ dạy nhau học mấy câu dịch vận bằng tiếng Pháp: "Đả đảo chủ nghĩa đế quốc?", "Chiến đấu cho ai?", "Các bạn hãy bồi hồi hương!"...

        Khói lửa kháng chiến đã rèn luyện quân và dân ta ngày một lớn mạnh. Các tiểu đoàn thu gọn lực lượng hình thành thuật "trùng độc chiến", trong đánh ra, ngoài đánh vào, ban ngày quân ta phục kích, đánh tỉa, ngăn chặn địch tấn công, ban đêm biệt kích, tập kích, tấn công, quấy rối tiêu hao tiêu diệt địch, khiến chúng ăn không ngon, ngủ không yên, đi lại thì lo sợ, chiếm đóng cũng không an toàn, tiến tới đâu, ở đó chỉ còn "vườn không nhà trống". Quân số vũ khí ngày càng hao hụt. Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Hà Nội lúng túng sa lầy Binh lính Pháp tinh thần dần dần sa sút. Trong khi đó, các mặt trận khác, được Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo, tích cực hoạt động để trợ lực cho mặt trận Hà Nội. Tại thị xã Bắc Giang, phía đông bắc Hà Nội 50 cây số, sau nhiều ngày đêm bị bao vây, lại bị quân dân ta luôn luôn đột phá tập kích, quân Pháp bị thiệt hại nặng, tan rã, nhất là từ khi viên quan ba chỉ huy tử trận ngày 19 tháng 12. Ngày 29 tháng 12, chúng cố mở một đường rút. Ngày 30 tháng 12, tàn quân Pháp đã rút khỏi Bắc Giang 7 cây số, lại bị quân ta chặn đánh làm chúng thiệt hại nặng. Tại Bắc Ninh cách Hà Nội hơn 30 cây số về phía đông bắc, quân Pháp định tiếp viện tới Bắc Giang bị ta chặn đứng lại ở Đáp Cầu. Quân ta bao vây và đã làm chúng bị thiệt hại nặng. Ngày 30 tháng 12, tàn quân Pháp đã thế cô. Chúng phải mở đường máu rút chạy khỏi Đáp Cầu. Phía Gia Lâm, quân du kích của ta luôn luôn quấy rối chặn đánh, giữ chân địch, cản trở không cho chúng lan rộng ra các nơi hoặc đưa quân sang Hà Nội. Báo “Nước Pháp buổi chiều” đưa tin: Ở Nam Bộ, chiến tranh du kích lại bắt đầu tái diễn và nhiều đồn canh của Pháp bị đột kích. Các cuộc phá hoại lại dữ dội hơn trước.

        Sự phối hợp chặt chẽ của các chiến trường đã giúp cho mặt trận Hà Nội giành nhiều thắng lợi bước đầu, làm cho bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp ở Đông Dương ngày càng lúng túng. Kế hoạch 24 tiếng đồng hồ, rồi kế hoạch một tuần lễ nuốt chửng Thủ đô Hà Nội của giặc Pháp đều hoàn toàn tan vỡ. Quân và dân Hà Nội đã kháng chiến được 10 ngày. Từ 19 đến 29 tháng 12 năm 1946, giặc Pháp đã bị tiêu diệt trên 500 tên, 7 xe tăng bị phá hủy, 9 xe tăng khác và 6 xe thiết giáp bị hư hỏng trong đó có 3 xe bị hỏng nặng, 14 xe vận tải và 6 xe gíp bị đốt cháy hoặc bị phá hoại không thể dùng được. Ta thu được rất nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Hồi đó, nếu quân ta biết tập trung lực lượng đánh địch có trọng điểm hoặc khi tấn công biết tập trung ưu thế hơn địch để tiêu diệt sinh lực chúng ở những nơi có thể hoặc ở những vị trí mấu chốt thì quân địch ở Hà Nội còn phải thiệt hại nhiều hơn nữa và các tướng tá cầm đầu quân xâm lược Pháp còn phải đau đầu nhức óc hơn nữa. Suốt 10 ngày, giặc Pháp vẫn loanh quanh trong thành phố Hà Nội, chưa một tên giặc nào đặt chân ra được đến cửa ô. Quân và dân Thủ đô Hà Nội không những không bị tiêu diệt mà nhân dân từ khắp bốn phương đã đổ về chi viện cho Hà Nội, nên lực lượng ở Hà Nội mỗi ngày một đông, kinh nghiệm kháng chiến ngày một nhiều, tinh thần chiến đấu ngày càng dày dạn. Cơ quan lãnh đạo và Chính phủ ta không những không bị “cất vó” như chúng tưởng, mà Trung ương Đảng và Chính phủ đã trở về căn cứ chỉ đạo kháng chiến một cách an toàn, đã lãnh đạo và huy động toàn dân đứng lên kháng chiến, với khẩu hiệu “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, “Quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng!”. Bọn thực dân xâm lược Pháp ở Hà Nội cũng như trên toàn quốc không những không thực hiện được mưu đồ đánh nhanh giải quyết nhanh, mà ngay từ đầu chúng đã vấp phải sức đề kháng hết sức mãnh liệt, lòng tự cường dân tộc, ý chí sắt đá, tinh thần quật khởi của nhân dân Thủ đô Hà Nội, của dân tộc Việt Nam anh hùng đã làm chúng phải đứng ngồi không yên, ngày càng sa lầy lúng túng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:05:51 pm »


        Mười ngày đầu kháng chiến ở Thủ đô Hà Nội và trên toàn quốc, không những ở Việt Nam giặc Pháp bị thua đau, mà ngay ở nước Pháp, Đảng Cộng sản Pháp đã lãnh đạo nhân dân Pháp, lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu ở Việt Nam, đòi chính phủ Pháp phải chấm dứt cuộc xâm lược tàn bạo ở Việt Nam. Trên thế giới, đế quốc Pháp ngày càng bị cô lập, nhân dân tiến bộ trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

        Sau 10 ngày chiến đấu thắng lợi, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội được lệnh về Bộ Tổng chỉ huy dự hội nghị sơ kết tình hình và nhận chỉ thị mới. Sau cuộc họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp siết chặt tay từng người, căn dặn thêm những điều cần thiết, đồng chí nói:

        - Trong khi chờ quân tăng viện, để bao vây khống chế Liên khu I có hiệu quả hơn, có nhiều khả năng địch sẽ mở những đợt tấn công lớn ra ngoại ô Hà Nội.

        Với thái độ bình tĩnh, khoan thai nhưng rất kiên quyết đồng chí nhấn mạnh:

        - Phải tiêu hao địch, nhưng phải luôn luôn chú ý bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài, phải chuẩn bị kế hoạch và lực lượng để mở rộng mặt trận.

        Ngày 29 tháng 12, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận cũng tiến hành hội nghị kiểm điểm tình hình và truyền đạt nhiệm vụ mới, sau đó chuẩn bị kế hoạch chấn chỉnh tổ chức chỉ huy, điều động lực lượng và phổ biến kinh nghiệm chiến đấu. Tờ báo Thủ đô vẫn tiếp tục đăng mục “Rút kinh nghiệm kháng chiến”, với những nội dung: “Đánh du kích trong lòng địch, cách giải quyết vấn đề nước, vấn đề ăn,v.v...”. Chỉ huy sở cơ bản (bộ phận nặng) của mặt trận di chuyển về Mễ Trì. Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận phân công nhau mỗi người đi một hướng để quán triệt nghị quyết của Đảng ủy xuống dưới, đồng thời trực tiếp động viên kiểm tra đôn đốc các đơn vị. Chính trị ủy viên Trần Độ đi phía Thuỵ Khuê, Quần Ngựa. Chỉ huy trưởng cùng các đồng chí ở trên Bộ Tổng chỉ huy đi Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Hàng Bột. Đồng chí Nguyễn Văn Trân và một số đồng chí khác đi Yên Duyên, Ô Cầu Dền, v.v...

        Mọi người đều chuẩn bị bước vào một giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:09:13 pm »


GIỮ TỪNG TẤC ĐẤT CỬA Ô

        Vào một ngày cuối năm, 30 tháng 12 năm 1946, mặt trời lên muộn. Gió nhẹ đưa hơi sương lành lạnh lan tràn khắp đường phố. Chỉ huy sở tiền phương nhận được tin tiểu đoàn 523 báo về: “Địch tấn công trên hai hướng: Hàng Bột và Khâm Thiên”. Máy bay trinh sát của địch bay lượn làm vẩn đục thêm bầu trời Hà Nội. Máy bay khu trục vút lên, sà xuống trút bom, đổ đạn xuống đường phố. Một màn khói đen dày đặc trùm lên xóm làng, phố xá phía tây nam Hà Nội. Từng loạt đạn pháo, súng cối của địch nổ tung toé trên ụ đất, bờ tường, chiến hào nơi quân ta bố trí. Khoảng 600 bộ binh, 50 xe cơ giới các loại của địch chia làm hai mũi tấn công quân ta. Đây là một trận chiến đấu vô cùng ác liệt. Mấy con quạ sắt hung ác, man rợ xả từng tràng liên thanh xuống, trúng vào cả quân của chúng lẫn quân ta. Nhà cửa đổ ầm ầm, gạch ngói rơi lả tả xuống hầm hố. Trong những hầm không nắp, có một số chiến sĩ bị thương. Ở Khâm Thiên, tiểu đội Vệ quốc đoàn phòng ngự ở đầu phố, 5 giờ 15 phút sáng đã chạm trán với địch. Ngay lúc đó, toán địch từ nhà dầu Shell tiến đánh xóm Mỹ Đức phía nam phố Khâm Thiên, phối hợp với cánh quân ở Sinh Từ, Văn Chương từ phía bắc đánh xuống. Từ ba mặt, quân địch tiến đánh phố Khâm Thiên. Hai trung đội Vệ quốc đoàn và một số công nhân xe lửa nằm trong vòng vây của giặc. Khâm Thiên bị bao vây. Hàng Bột bị cô lập. Nhưng quân và dân Hàng Bột đã ngoan cường giữ từng tấc đất. Suốt 5 tiếng đồng hồ, giặc Pháp chưa tới được ụ đất thứ hai. Chúng bèn tung thêm hai cánh quân hình thành thế bao vây Hàng Bột. Một cánh từ nhà Đúc Tiền đánh xuống Thịnh Hào, phía tây phố Hàng Bột chừng nửa cây số. Trung đội Vệ quốc đoàn ở Thịnh Hào, bất ngờ bị địch đánh úp sau lưng. Sau 20 phút cầm cự, trung đội này rút về bố trí ở ngã ba đường Giảng Võ, quân địch đánh thẳng xuống Ô Chợ Dừa, rồi từ cuối phố Hàng Bột đánh ngược lên. Toán quân từ Sinh Từ xuống Văn Chương cắt ngang phố Khâm Thiên cũng đánh về Ô Chợ Dừa. Hàng Bột bắt đầu nằm trong vòng vây của giặc. Đường phố vẫn chìm trong khói lửa. Hai chiếc máy bay khu trục của địch vẫn lồng lộn ngược xuôi, trút bom xuống làm từng dãy nhà sụp đổ; ụ đất, chiến hào, tường gạch vỡ lở tung toé, ngổn ngang. Xe tăng địch vừa tiến vừa bắn, dẫn bộ binh theo sau. Từ hai đầu phố, quân địch khép dần vòng vây. Nhưng quân ta quyết không ngồi yên, đã nhảy lên miệng hố, vật lộn với giặc, phá vòng vây vượt qua Thổ Quan rút về Nam Đồng. Trong phố Khâm Thiên, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn cùng anh em công nhân xe lửa chia nhau giữ từng căn nhà, từng ụ đất. Họ luôn nhắc nhở nhau: “Mỗi viên đạn là một quân thù”, “Ngắm trúng mới bắn”. Có nhiều chiến sĩ thấy địch tới nhưng nhất định không bắn, mà bí mật đợi chúng đến gần mới nhảy xổ ra cho chúng “xơi” mấy nhát lê, hoặc ăn vài lưỡi kiếm. Địch lùi ra cho pháo binh, súng cối, máy bay bắn phá, ném bom uy hiếp ta rồi lại tiếp tục xung phong. Nhưng vẫn không hiệu quả. Đến 2 giờ chiều, chúng lại giội bom, đốt phá gần hết hai dãy phố, rồi cùng với toán quân phía Hàng Bột lục tục rút lui.

        Trong cuộc chiến đấu giam chân địch ở Hà Nội, lần đầu tiên quân ta chống cự với một cuộc tấn công mạnh mẽ của địch và đông quân hơn hàng chục lần ở đường phố độc đạo, xung quanh trống trải. Lúc đó cán bộ và chiến sĩ của ta cho rằng: xe tăng và bộ binh địch không dám tiến vào làng, vì có thể bị rơm rạ, ao chuôm, ruộng nước cản trở. Mặt khác tính chất vững chắc, thế ỷ tựa, đứng chân của địa hình làng mạc, có phần nào không bằng trong thành phố, và cũng lần đầu tiên quân ta bố trí chiến đấu ở làng mạc, nên đều dàn mành mành và chỉ hướng về một phía. Lợi dụng sơ hở đó, quân địch đánh vòng bên sườn và sau lưng phá vỡ trận địa của ta, bao vây đường phố. Hồi đó, cán bộ ta chưa biết bố trí tác chiến liên hoàn, nên nơi nào bị tấn công, nơi ấy đơn độc chống cự. Phương tiện thông tin không có, chưa có kinh nghiệm đặt ra những ám, tín hiệu đơn giản, nên khi bị vây hoặc rút lui, ít báo được cho nhau biết. Tuy vậy, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, dân quân tự vệ và anh em công nhân đã chiến đấu vô cùng anh dũng, tiêu diệt gần 50 tên địch.

        Ngay buổi chiều hôm đó, đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy mặt trận trực tiếp tới tiểu đoàn 523, khu vực Khâm Thiên, Hàng Bột, nghiên cứu tình hình để phổ biến ngay những kinh nghiệm nóng hổi cho các đơn vị. Khi trở về phía Kim Liên, bọn địch ở phía bắc hồ Bảy Mẫu trông thấy. Chúng bắn trọng liên nổ đôm đốp trên đỉnh đầu đoàn cán bộ ta. Đồng chí Tổng chỉ huy tránh sát vào chân tường gạch, vôi trên tường rơi lả tả xuống lưng. Giữa lúc tình hình căng thẳng như thế, sự có mặt của đồng chí Tổng chỉ huy đã làm tăng thêm quyết tâm và niềm tin sắt đá của cán bộ cấp dưới. Mọi người tự nhủ:

        - Cấp trên sâu sát, tỉ mỉ như thế thì bản thân mình phải sâu sát tỉ mỉ hơn nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:13:05 pm »


        Bài học ngày 30 tháng 12 được phổ biến kịp thời. Hôm sau địch tấn công Kim Liên. Trung đội Vệ quốc đoàn ở đây đã dựa vào giao thông hào, hầm hố và nhà cửa, ven đường, khéo léo cơ động ngăn chặn địch suốt 11 tiếng đồng hồ, giết chết hơn 20 tên, phía ta có 4 chiến sĩ Vệ quốc đoàn, 2 tự vệ bị hy sinh. Các chiến sĩ lại có thêm kinh nghiệm chiến đấu phòng ngự ở địa hình đường phố độc đạo, xung quanh trống trải dễ cho địch bao vây, vu hồi. Bộ đội đã biết dựa vào chiến hào, giao thông hào để cơ động đánh địch từ nhiều hướng tới, tập trung hướng chính và có lực lượng dự bị.

        Hai hôm sau, quân địch không mở cuộc tấn công nào nữa. Trong khi địch dừng lại, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho Liên khu I tăng cường tấn công vào sau lưng địch ở các cửa ô, các tổ du kích luồn sâu vào nội thành, hoạt động quấy rối không cho địch nghỉ ngơi. Mặt khác, các đơn vị bên ngoài nghiên cứu rút kinh nghiệm hai trận đánh vừa qua, học tập chiến đấu phòng ngự cơ động ở địa hình làng mạc, trên cánh đồng ngoại thành. Trong khi học tập và chiến đấu sôi nổi, các chiến sĩ hân hoan truyền tay nhau đọc thư của Bộ chỉ huy mặt trận chúc mừng năm mới:

        …

        “- Giết được nhiều giặc.

        - Cướp được nhiều vũ khí.

        - Phá được nhiều chiến xa.

        - Luôn luôn khoẻ mạnh, hăng hái không lùi nửa bước để đoạt được thắng lợi cuối cùng trong cuộc trường kỳ kháng chiến”.

        Chiến sự phát triển, quân và dân Thủ đô tiếp tục nhiệm vụ ngăn chặn địch đánh ra vùng ngoại thành trên một phạm vi rộng từ Vĩnh Tuy đến Ô Cầu Dền, Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Kim Mã, Ngọc Hà, Thuỵ Khuê và Yên Phụ hình thành đường vòng cung dài hơn 10 cây số. Đó là một khó khăn, quân và dân Hà Nội làm thế nào để tiếp tục giam chân địch một thời gian nữa mà vẫn bảo toàn được lực lượng để chiến đấu lâu dài. Nhưng địch cũng có khó khăn. Nếu chúng tập trung quân để đánh ra một hướng thì không có quân giữ các cửa ô. Quân ta ở ngoài sẽ đánh ép vào, ở Liên khu I đánh thúc ra. Địch bắt đầu gặp mâu thuẫn giữa chiếm đóng và tấn công. Cùng một thời gian trong một ngày, địch không thể mở nhiều mũi, nhiều đợt tấn công về nhiều hướng được. Do đó, có thể hôm nay địch tập trung quân tấn công hướng này, ngày mai tập trung quân tấn công hướng khác hoặc nếu một ngày tấn công hai hướng thì lực lượng bị phân tán. Nhưng dù sao, hình thái bố trí phòng ngự bên ngoài của quân ta cũng không thể rải mành mành, mà phải tập trung giữ các trục đường giao thông. Từng tiểu đoàn phải có lực lượng cơ động để bảo đảm kịp thời tung ra khi cần thiết, tránh tư tưởng “dốc túi đánh một canh” phô trương lực lượng. Vì vậy ngày 2 tháng 1 năm 1947, Bộ chỉ huy ra thông tri: “Vì cần phải trường kỳ kháng chiến, nên ta phải bảo tồn lực lượng không nên tung ra quá nhiều mà hao tổn binh lực.

        Vậy binh lực mỗi tiểu đoàn phải chia làm 3 phần:

        1. Một phần làm bộ đội phòng ngự.

        2. Một phần làm bộ đội tấn công.

        3. Một phần làm bộ đội dự bị”1. Các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng đánh lại các cuộc tấn công quy mô lớn của địch.

        Ngày 2 tháng 1 năm 1947, sau khi phát hiện xe cộ, pháo binh của địch lục tục chuyển về phía tây bắc Hà Nội, máy bay thám thính bay lượn suốt ngày quan sát trên trục đường Hà Nội - Cầu Giấy, Hà Nội - Bưởi, từng tốp bộ binh địch thậm thà, thậm thụt có tính chất thăm dò lực lượng ta, Bộ chỉ huy mặt trận đã chỉ thị cho tiểu đoàn 145 sẵn sàng chiến đấu và cử cán bộ trực tiếp xuống cùng cán bộ tiểu đoàn bố trí kế hoạch tác chiến, động viên bộ đội. Nhân lúc địch tấn công, ta còn lợi dụng sự oanh tạc của máy bay, pháo binh chúng để phá hoại một số nơi mà ta chưa có điều kiện phá hoại. Bộ chỉ huy chỉ thị thêm cho tiểu đoàn 145:

        “1. Cho một tổ du kích ba người chiến đấu nghi binh ở Nhà bia Ô-men để địch bắn pháo, ném bom vào phá hủy nhà máy.

        2. Mỗi người mang theo hai quả lựu đạn và 15 ngày lương thực, nước uống, và có thêm cả bom 25 cân”2.

        Tiểu đoàn 145, ở hướng tây bắc Hà Nội, có 8 trung đội bố trí ở đường Thuỵ Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn còn 2 trung đội làm dự bị bố trí ở Đại Yên và Quần Ngựa. Trong đêm mồng 2 tháng 1 năm 1947, các chiến sĩ ra sức đào công sự ẩn nấp có nắp, đào từng đoạn chiến hào, giao thông hào để cơ động với khẩu hiệu: “Bám sát từng căn nhà, ngăn chặn địch từng bước. Tiêu hao địch, bảo toàn mình”. Rút kinh nghiệm trận đánh chặn đường ở phố Hàng Bột, Bộ chỉ huy mặt trận còn căn dặn tỉ mỉ: “Nếu bộ binh địch tiến trước thì ta bố trí từng tổ súng trường để tiêu diệt. Nếu xe tăng địch tiến trước, ta bố trí từng tổ dùng lựu đạn chùm, chai cháy, bom từ gác hai ném xuống. Quyết tử quân mang bom ba càng mai phục phá xe tăng. Bộ binh ta đánh quặt phía sau tiêu diệt bộ binh địch”.

------------
        1, 2. Trích trang 96, Bút ký chiến sự lục, Khu II, Phòng lưu trữ, Văn phòng Bộ Quốc phòng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM