Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:05:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33599 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:26:48 pm »


        Giặc Pháp còn tiến quân phối hợp với lính gác ở Nhà máy điện, Nhà máy nước Yên Phụ, Nhà in I-đeo hòng tiêu diệt công nhân và bộ đội ta. Tướng tá thực dân Pháp ở Hà Nội hí hửng cho rằng chúng đánh úp Chính phủ ta, xâm chiếm thủ đô dễ như trở bàn tay, chỉ 24 tiếng đồng hồ là nuốt chửng Hà Nội! Nhưng tiếng súng xâm lược của chúng vừa nổ, nhân dân Hà Nội vạn người như một đã nhất tề đứng lên kháng chiến. Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội ra lệnh cho các đơn vị Vệ quốc đoàn, công an, dân quân tự vệ lập tức đánh trả lại quân xâm lược trên toàn mặt trận. Khu vực Bắc Bộ phủ đã diễn ra những đợt chiến đấu vô cùng ác liệt kéo dài suốt một đêm, một ngày. Khi quân địch bắt đầu nổ súng, chiến sĩ ta nhanh chóng bấm điện trái bom 250kg theo đường ngầm đã đặt sẵn ở dưới nền nhà khách sạn Mê-tơ-rô-pôn (Ngay từ khi giặc Pháp ráo riết hành động mở đầu cuộc gây hấn xâm chiếm thủ đô thì tự vệ và Vệ quốc đoàn đã đào đường ngầm chôn bom, sẵn sàng đánh lại khi bị chúng tấn công), nhưng rất tiếc là bom cũ, hỏng kíp nên không nổ. Quân địch dùng sung máy bắn sang Bắc Bộ phủ rất dữ dội. Ta cũng dùng súng máy bắn trả lại và cho bộ binh xung phong sang khách sạn... Ngay khi đó, ở nhà máy điện Bờ hồ, trong chớp nhoáng, công nhân nhà máy đã cùng Vệ quốc đoàn quật cho bọn gây chiến ở đây không sống sót một tên. Bộ chỉ huy Pháp ở trong thành tung lực lượng cơ động đi các hướng hòng đè bẹp các lực lượng của ta trong chốc lát.

        Cánh quân thứ nhất chừng 300 lính lê dương, 8 xe tăng, 10 xe bọc sắt có pháo binh, súng cối yểm hộ, từ trong thành tiến ra khu vực Bờ hồ, hy vọng nhanh chóng bao vây, bắt sống, tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não của ta. Đoàn xe của địch tới ngã năm Cửa Nam, ta giật trái bom chôn ngầm dưới đất nhưng bom không nổ. Bộ binh cơ giới dịch vượt qua được Cửa Nam. Chúng hùng hổ tiến đến đầu phố Tràng Thi thì phải dừng lại, vì bị tủ chè, sập gụ, quầy hàng của nhân dân vứt chồng chất như núi ở giữa đường. Tự vệ từ trên mái nhà, trên tầng gác lao bom, ném lựu đạn, nã súng máy như đổ lửa xuống đầu địch. Bom nổ, một xe thiết giáp của địch bị tan tành. Quân địch chạy tán loạn lùi trở lại bắn phá, đồng thời chúng tách một bộ phận theo đường phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm để đánh vòng sau lưng ta. Nhưng toán quân này cũng bị chặn lại. Pháo binh, súng cối của chúng bắn phá rầm rầm vào hai dãy nhà bên đường phố. Hơn một giờ sau, quân địch mới tới Bắc Bộ phủ. Một xe tăng án ngữ ở cửa nhà băng (Nay là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam), một xe tăng trước cửa nhà Gô-đa (Nay là Mậu dịch Bách hoá tổng hợp), một xe tăng ở phía trước cửa Nhà hát lớn, còn một số xe tăng và xe bọc sắt khác yểm hộ cho bộ binh tiến. Một xe bọc sắt đến vườn hoa Chí Linh dừng lại, 3 tên lính Pháp nhảy xuống đặt súng máy trên nền đất cao định bắn vào Toà Thị chính (Nay là trụ sở ủy ban Hành chính thành phố), bị bộ đội ta trên gác bắn ra, 1 tên địch chết ngay tại chỗ, 2 tên khác rút chạy lên xe. Trong đêm 19 tháng 12, ở Bắc Bộ phủ, quân ta chiến đấu vô cùng anh dũng, quân địch không thể nào tiến vào được. Một quyết tử quân là cán bộ tiểu đội sắp được Bộ chỉ huy quyết định đề bạt lên trung đội trưởng đã ôm bom ba càng lao tới phá hủy ngay tức khắc chiếc xe tăng địch đi đầu. Chiếc xe khác đi vòng sang bên sườn bắn yểm hộ, đồng chí đã trở vào xin thêm bom. Nhanh như cắt, đồng chí lao cả người, cả bom vào xe tăng địch. Nhưng bom không nổ, đồng chí đã hy sinh. Tinh thần chiến đấu anh dũng ấy đã động viên các chiến sĩ ở Bắc Bộ phủ ngoan cường giờ từng cửa sổ, từng bức tường, quyết không cho địch đánh chiếm dễ dàng. Quân địch đành phải tập trung quân tấn công đánh chiếm Toà Thị chính, tạo thành thế bao vây phía tây bắc với Bắc Bộ phủ, chờ quân tiếp viện và chờ trời sáng sẽ tiếp tục tấn công ta. Tám giờ sáng ngày 20 tháng 12, địch lại nã trọng pháo, súng cối vào Bắc Bộ phủ, yểm hộ cho một cánh quân đánh thẳng chính diện, một cánh quân từ vườn hoa Chí Linh đánh tạt sang, một cánh quân khác tiến đánh nhà bưu điện hình thành mũi bao vây phía sau Bắc Bộ phủ, xe tăng địch lồng lên gầm rú nhằm vào cửa sổ, góc tường, ụ đất bắn phá hòng uy hiếp tinh thần chiến sĩ ta. Các chiến sĩ vẫn giữ bí mật không hò reo, không bắn trả lại. Chúng tưởng quân ta đã bị tê liệt. Nhưng vừa tới tầm lựu đạn, từ các góc tường, cửa sổ, hàng loạt bom, chai cháy, lựu đạn ném ra; súng trường, tiểu liên bắn xả vào bộ binh địch. Bọn sống sót còn lại xô đẩy nhau rút chạy. Cuộcchiến đấu kéo dài đến 11 giờ 30. Đạn dược gần hết, lựu đạn, chai cháy, bom ba càng cũng không còn nữa. Các chiến sĩ đề nghị chiến đấu đến người cuối cùng. Lê Gia Định, chính trị viên đại đội ra lệnh cho tất cả các chiến sĩ còn lại dìu thương binh theo giao thông hào rút về nhà bưu điện. Các chiến sĩ nói: "Sống cùng sống, chết cùng chết, cho chúng tôi ở lại đây chiến đấu với anh". Lê Gia Định giải thích: "Kháng chiến còn lâu dài, chúng ta không chủ trương cố thủ mấy ngôi nhà này. Chiến đấu như vậy là các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ. Các đồng chí phải rút để bảo toàn lực lượng, nhiệm vụ các đồng chí còn nặng nề. Các đồng chí hãy xứng đáng là những người chiến sĩ bảo vệ dinh Hồ Chủ tịch".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:29:41 pm »


        Giặc Pháp thấy quân ta bắn ra lẻ tẻ, chúng dùng xe tăng húc đổ hàng rào sắt, bộ binh ào ạt xung phong, chúng tiến vào cầu thang, đánh lên gác. Bỗng, một tiếng nổ rầm trời (Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, quân ta rút ra khỏi Bắc Bộ phủ. Quân địch ập vào. Để giữ trọn lời thề trước khi nổ súng: "Không cho địch nghênh ngang chiếm nhà Cha Hồ", Lê Gia Định đã nhanh nhẹn xông ra đập kíp làm nổ quả bom lớn). Mười tên giặc tan xác. Lê Gia Định cũng không còn nữa. Những tên giặc còn lại ù tai, hoa mắt chạy toé trở ra vô cùng khiếp đảm, run sợ trước tinh thần chiến đấu quật cường của chiến sĩ ta, những người con của một dân tộc anh hùng "quyết không chịu làm nô lệ" Bắc Bộ phủ lúc này chỉ còn là những căn phòng đổ nát, không người. Vì Bác và cơ quan Chính phủ đã rời khỏi đây từ lâu, làm việc bí mật ở nơi khác và đã về căn cứ chỉ đạo ngay từ khi quân địch sắp gây hấn. Giặc Pháp vừa run sợ trước tinh thần chiến đấu của quân dân ta, vừa thất vọng vì phải trả một giá rất đắt mà cuối cùng vẫn không thực hiện được cuồng vọng là đánh úp cơ quan lãnh đạo và lãnh tụ của ta. Chúng dè dặt, tiếp tục tấn công sang bưu điện. Ở đây có hơn 20 nam nữ công nhân viên, một tiểu đội Vệ quốc đoàn và một số chiến sĩ ở Bắc Bộ phủ rút về thành một lực lượng phòng thủ tương đối mạnh. quân địch tấn công đến chiều tối vẫn không chiếm được, đành phải rút về nhà băng Đông Dương để củng cố. Sau một đêm ngày giao chiến, giặc Pháp đã phải bỏ xác tại khu vực này 122 tên (số bị thương, chúng chuyển đi nên không rõ), 2 xe tăng, 1 xe gíp, 2 xe vận tải bị phá hủy và 2 xe tăng khác bị đứt xích; bên ta gần một trung đội Vệ quốc đoàn thuộc tiểu đoàn 101 đã anh dũng hy sinh. Các chiến sĩ Bắc Bộ phủ đã làm cho kẻ địch bắt đầu dè chừng chùn bước.

        Ngay giờ phút chiến đấu đầu tiên, những tên cáo già xâm lược đã lộ rõ bản chất yếu hèn đáng hổ thẹn và nhục nhã. Xanh-tơ-ni và Moóc-li-e đã từng hùng hổ và kiêu ngạo, nhưng khi bị một lực lượng nhỏ của ta đánh trả lại thì hai " vị tướng cướp" kia đã cuống quýt xô đẩy nhau, lôi kéo nhau rút chạy trước tiên, rời bỏ "biệt thự" mát mẻ và lịch sự ở sát Bờ hồ Hoàn Kiếm (Nay là Trụ sở báo Nhân dân). Súng máy của ta nhằm chúng bắn, nhưng súng máy bị tắc. Ta ném tiếp 4 quả lựu đạn, lựu đạn không nổ. Một chiến sĩ chạy lao theo ném tiếp quả lựu đạn thứ 5. Một tiếng nổ như sét đánh bên ria đường. Xanh-tơ-ni bị thương, rên la ầm ĩ. Mấy chiếc xe tăng, xe bọc sắt hối hả đến cứu chúng cũng vừa tới, tức tốc đưa hai tên "trùm thực dân" chạy vào thành, để mặc những tên lính đánh thuê nằm lại đợi giờ chết.

        Xanh-tơ-ni và Moóc-li-e vừa chết hụt ở Bờ hồ Hoàn Kiếm cắm đầu tháo chạy, vừa lọt vào thành tưởng đã yên thân, ngờ đâu, thình lình có tiếng lựu dạn, tiểu liên, rồi đến tiếng súng trường, súng máy nổ ran, lửa cháy nghi ngút ngay trong thành. Lính Pháp bị chết, bị thương, có tiếng kêu rống lên như bò bị chọc tiết. Những tên chỉ huy xâm lược kia lại một phen kinh hoảng: "Việt Minh đã tấn công được vào tận đây ư? ôi? Ghê sợ thật !". Một tên lính Pháp sau này bị ta bắt được đã thuật lại câu nói và sự luống cuống run sợ của Xanh-tơ-ni và Moóc-li-e như vậy.

        Sự thật thì hôm đó chỉ có ba đội viên tự vệ khu Đông thành thuộc Liên khu I đã bất ngờ giết lính gác, lọt vào thành dùng lựu đạn, chai cháy, đốt phá kho tàng của địch. Súng nổ, lửa cháy, bọn chúng chạy tán loạn bắn lẫn vào nhau. Đó là một cách đánh kỳ lạ mà bọn quân sự tư sản không thể nào nghĩ tới.

        Trong thành phố, khắp nơi đang diễn ra những trận kịch chiến quyết liệt giằng co từng tấc đất. Bộ phận của ta tiến vào phá hoại sân bay Gia Lâm bị lộ, phải rút. Bộ phận phá hoại cầu Long Biên cho bộc phá nổ ở chân cầu nhưng cầu không đổ. Các chiến sĩ nhanh chóng lật một số tấm ván ở mặt cầu, vừa lúc đó một đoàn cơ giới của địch từ Gia Lâm tiến sang tiếp viện cho Hà Nội đã rọi đèn pha rực sáng cả mặt cầu. Đồng thời, một cánh quân Pháp có chừng hơn 30 xe cơ giới từ trong thành tiến ra Cửa Bắc tiếp viện cho bọn ở cầu Long Biên và định bắt liên lạc với bọn ở Gia Lâm tiến sang. Các chiến sĩ phá cầu rút về Phúc Xá. Ngay lúc đó, ở đầu cầu Long Biên về phía Hà Nội súng nổ dữ dội, lửa cháy rực trời. Toán địch ở Gia Lâm tiến sang đến giữa cầu, thấy vậy dừng lại, mặc cho đồng đội của chúng đang bị quân ta chặn đánh ở phố Hàng Đậu. Như một con rắn độc khổng lồ, đoàn xe của địch từ trong thành chạy vội vã về phía đầu cầu Long Biên. Nhưng chiếc xe tăng đầu tiên vừa tới đầu phố Hồng Phúc thì bị tự vệ giật bom phá tan. Chiếc xe thứ hai bị đứt xích đứng lại. Các xe sau đang đà phóng nhanh không hãm kịp, trong đêm tối mù mịt, súng nổ dữ dội, bọn chúng càng thêm hốt hoảng, xe sau xô vào xe trước, đổ liểng xiểng. Bộ binh địch nhảy xuống, núp vào gầm xe, vào vỉa hè chống cự. Ngay lúc đó, Vệ quốc quân, tự vệ và nhân dân đã bố trí sẵn ở hai bên đường phố, nhảy ra đánh giáp lá cà với quân địch, đốt phá cơ giới làm chúng hoang mang quay đầu chạy về thành, bỏ lại trên 70 xác chết. 2 xe tăng bị phá huỷ, 2 xe tăng khác và 2 ô tô vận tải bị hư hỏng. Bên ta chỉ có 5 tự vệ bị thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:32:46 pm »

        Cánh quân cơ động thứ ba của địch từ trong thành qua Cửa Bắc tiến ra định phối hợp với lính gác ở Nhà máy điện, Nhà máy nước Yên Phụ, Nhà in I-đeo, tiêu diệt công nhân và bộ đội ta đang chiến đấu ở những nơi trên, nhưng dọc đường bị bàn ghế, cây cối ngổn ngang chắn lối, mặt khác lại bị tự vệ luôn luôn nổ súng ngăn chặn từng bước, nên hơn một giờ sau chúng mới tới. Và ở đấy công nhân đã phá hủy máy móc xong, cùng bộ đội rút về tổ chức ổ đề kháng cố thủ tại Nhà in I-đeo. Trong khi đó ở Yên Phụ, phía tây bắc Nhà máy điện chừng 800 mét, một trung đội Vệ quốc đoàn, có công an, tự vệ phối hợp, xung phong giết được 5 tên địch ở nhà tắm cuối đường Cổ Ngư, phá hủy một xe gíp làm cho bọn địch ở phía bắc Hà Nội càng thêm lúng túng. Bên ta 2 Vệ quốc quân và 1 công an hy sinh.

        Cánh quân cơ động thứ tư của địch từ trong thành, qua Cửa Nam, với ý định .nhanh chóng tiến ra chiếm ga Hàng Cỏ, bao vây tiêu diệt toàn bộ đại đội tự vệ của ta ở nhà Đấu Xảo (Nay là Nhà hát Nhân dân). Nhưng từ đầu phố Hàng Lọng, cơ giới của địch bị toa xe lửa đổ chắn ngang, không tiến được. Đội tự vệ ga Hàng Cỏ cùng tự vệ phố Hàng Lọng xuất kích đánh tạt sườn địch, tiêu diệt 15 tên lính Pháp, phá hủy 1 xe tăng, 2 ô tô vận tải và làm hư hỏng 1 xe tăng khác. Quân địch phải tìm đường vòng, mở một mũi tấn công đánh chiếm toà án, định tiêu diệt bộ đội ta bố trí ở Hoả Lò. Nhưng các chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở Hoả Lò đã phối hợp với một tiểu đội ở quân y viện (Nay là Bệnh viện C) tấn công tiêu diệt quân địch ở Viện Ra- đi-om, tránh được đòn tập kích bất ngờ của toán địch tấn công sau lưng. Cuộc chiến đấu ở khu vực này diễn ra giằng co, xen kẽ, phức tạp. Đến nửa đêm về sáng, quân địch mới đánh chiếm được những khu nhà xung quanh Đấu Xảo, hình thành ba mặt bao vây. Một mũi từ phố Trần Quốc Toản đánh quặt phía sau, một mũi từ ga Hàng Cỏ đánh thẳng vào phía trước, một mũi từ phố Quán Sứ chiếm khu nhà Tổng liên đoàn lao động đánh chéo sang. Mặc dầu đã hy sinh gần 20 người, đại đội tự vệ và một số công an vẫn bám chắc ụ súng, bờ tường đánh bật các đợt xung phong của địch, tiêu diệt hơn 30 tên. Đến 4 giờ sáng, anh em tự vệ khéo léo nghi binh rồi bí mật rút về phố Nguyễn Du. Mờ sáng, quân địch xung phong vào Đấu Xảo, ở đấy chỉ còn lại những vỏ đạn, gạch ngói đổ vỡ trong những căn phòng trống rỗng.

        Tiếng súng vẫn nổ ran. Các chị trong đại đội thông tin tuyên truyền, các em liên lạc vẫn truyền tin chiến thắng tới khắp các khu phố Hà Nội. Có những nơi, chiến sĩ ta vừa chiến đấu phòng thủ vừa hát bài quốc ca, bài "Diệt phát xít", bài "Chiến sĩ Việt Nam"... Tiếng hát hoà theo tiếng đàn của đội tuyên truyền gần như át tiếng súng. Lúc đầu có những cụ già, trẻ em đột nhiên thấy súng nổ dữ dội, giật mình tìm chỗ ẩn nấp tránh đạn. Sau thấy anh chị em tự vệ gọi loa báo tin chiến thắng, thấy nam nữ tự vệ rầm rập tiếp tục đào hào đắp ụ, chặt cây làm chướng ngại vật ngoài đường phố, các cụ và một số em cũng vùng dậy chạy ra tham gia mọi việc. Mỗi người, dù chỉ ném ra đường một kiện hàng, một chiếc ghế hoặc chặt được một cành cây ngả ra đường làm chướng ngại vật ngăn bước tiến của giặc Pháp, đều cảm thấy tự hào sung sướng. Không khí kháng chiến bừng bừng khắp các đường phố thủ đô Hà Nội.

        Các đơn vị Vệ quốc đoàn, dân quân tự vệ ở Liên khu II cũng liên tiếp đánh lại quân địch ở các vị trí hãng Pho (Ford), Đồn Thuỷ, Phà Đen. Đến 7 giờ sáng ngày 20 tháng 12, chừng 200 bộ binh địch cùng một số ô tô vận tải từ Đồn Thuỷ, theo phố Nguyễn Công Trứ tiến về phố Huế, tới khu nghĩa địa bị quân ta chặn đánh tiêu diệt 15 tên, phá hủy 1 ô tô vận tải. Đoàn xe của địch phải quay trở lại Đồn Thuỷ. Quân ta không một ai việc gì. Ở phố Hàng Bài, hàng loạt ổ chiến đấu bí mật của giặc Pháp trong các nhà Pháp kiều cũng bị tự vệ cùng nhân dân khu phố tiêu diệt. Trung đội bộ đội đóng ở trại Vệ quốc đoàn Trung ương (40 Hàng Bài) cử đồng chí Lưu (hoặc Liệu) là một chiến sĩ quê ở miền núi, làm nhiệm vụ giật bom ngầm dưới nền nhà của Rạp chiếu bóng Ma-giét-tích (Majestic) (Nay là Rạp chiếu bóng Tháng Tám) nhưng bom không nổ. Bực mình quá, đồng chí Lưu chui vào đường hầm, lấy súng trường gí sát vào tận kíp bom để bắn, mặc dầu đồng chí cũng biết rằng, nếu bom nổ thì mình cũng tan tành. Nhưng bom vẫn không nổ. Lập tức, một tiểu đội Vệ quốc đoàn vượt qua đường phố xung quanh, tạt sườn Rạp Ma-giét-tích, tiêu diệt địch, thu nhiều vũ khí đạn dược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:33:51 pm »


        Ở Liên khu III, quân ta chiến đấu quyết liệt với địch tại Trường Bưởi, đánh bật địch ở nhà bia O-men (Bière Hommel) (Nay là Nhà máy bia Hà Nội), tập kích cơ quan tình báo của địch ở phố Ông Ích Khiêm, bắt sống tên trung uý tình báo. Đặc biệt, nhân dân phố Hàng Bột nô nức xung phong đi theo anh em tự vệ phố, phối hợp với một đơn vị Vệ quốc đoàn, tiến đến bao vây quân dịch chiếm đóng nhà Đề-lê-vô (Déléveaur) (Từ số 3 đến số 9 phố Cát Linh). Quân ta vừa nổ súng tấn công uy hiếp, vừa gọi dịch vận. Quân địch ngoan cố không chịu hàng, chờ tiếp viện. Nhưng quân tiếp viện suốt đêm bị ta chặn đứng ở Văn Miếu, đầu phố Hàng Bột. Bọn địch ở nhà Đề-lê-vô hoàn toàn bị cô lập, tiếng súng chống cự của chúng mỗi lúc một thoi thóp...

    Tiếng súng kháng chiến ở thủ đô Hà Nội vừa nổ, Hà Nội lửa rực cháy thì nhân dân ngoại thành và các vùng cách xa Hà Nội hàng chục cây số cũng ào ra sân, ra đầu làng hướng về thủ đô. Các cấp lãnh đạo và chính quyền các địa phương đã cùng nhân dân rầm rập chuẩn bị suốt đêm để chi viện cho Hà Nội. Các đội dân quân tự vệ tập trung ở các đình, chùa, điếm canh đầu làng sẵn sàng giáo mác, chờ lệnh tiến vào chiến đấu để bảo vệ thủ đô yêu quý. Các đội nữ hoả đầu quân chuẩn bị gạo nước, giết lợn, giết gà, sẵn sàng tiếp tế lương thực cho tiền tuyến. Các đội uý lạo mặt trận gồm các chị và các cụ bà cũng tập trung chờ sáng để đem quà tặng bộ đội, thăm hỏi thương binh. Mọi người thao thức suốt đêm chờ tin chiến thắng. Hà Nội bị xâm lăng, Hà Nội đứng lên và cả nước cũng đứng lên bảo vệ Hà Nội.

        Giặc Pháp định dùng áp lực bắt ta phải nộp vũ khí, trao quyền trị an cho chúng. Nếu không, sau hành động khiêu khích quân sự thăm dò ta đêm 19 tháng 12, chúng sẽ bất ngờ tổng công kích, thực hiện kế hoạch chiếm xong Hà Nội trong vòng 24 giờ đồng hồ ngày 20 tháng 12, quân đội và cơ quan Chính phủ ta sẽ nằm gọn trong tay chúng. Chúng cho rằng một Nhà nước vừa mới ra đời, một lực lượng quân đội còn non trẻ không thể nào chống cự nổi với một đội quân xâm lược thiện chiến, trang bị tối tân.

        Nhưng mọi việc đều xảy ra ngược lại, tình hình đã không cho phép bọn thực dân Pháp muốn sao được vậy. Nhân dân ta vùng dậy kháng chiến, quật cho kẻ địch những đòn chí mạng, khiến chúng mất thế chủ động ban đầu. Bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp ở Hà Nội từ chỗ chủ quan khinh thường ta đi đến hoang mang lúng túng, điều quân cơ động đi tiếp viện, phá vây. Âm mưu bắt sống, tiêu diệt lãnh tụ và Trung ương Đảng ta hoàn toàn thất bại. Tinh thần binh lính địch thì hoang mang, không hiểu tình thế ra sao. Sĩ khí của quân dân ta thì bừng bừng sôi sục, tin tưởng thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về mình. Đêm kháng chiến đầu tiên ở Hà Nội, quân và dân ta đã tiêu diệt trên 300 tên địch (chưa kể số bị thương và chưa kể một số trận của tự vệ khu phố, của nhân dân đã tự động tiêu diệt các ổ chiến đấu bí mật của giặc Pháp ở nhà bọn phản động), phá hủy 5 xe tăng, 2 xe gíp, 7 xe vận tải, làm hư hỏng 5 xe tăng và xe bọc sắt khác. Ta thu được một số vũ khí, quân trang, quân dụng. Hồi ấy, nếu những loại vũ khí như bom, mìn, lựu đạn của ta tốt hơn (tức là đảm bảo nổ) và chúng ta biết sử dụng tập trung ưu thế binh lực có trọng điểm hơn nữa thì những trận chiến đấu đầu tiên của ta còn làm cho giặc Pháp phải thiệt hại đau đớn hơn nhiều. Thắng lợi đêm kháng chiến đầu tiên ở thủ đô Hà Nội không những là ở chỗ tiêu diệt được một số địch, phá hủy được một số cơ giới làm cho giặc Pháp từ chủ động chuyển thành bị động, mà thắng lợi to lớn hơn nữa là làm cho giặc Pháp bắt đầu dè chừng trước ý chí bất khuất của một dân tộc anh hùng ở thủ đô anh hùng, không cam tâm chịu khuất phục trước kẻ thù có sức mạnh hơn mình gấp bội. Tiếng súng kháng chiến ở thủ đô Hà Nội mở đầu cho cuộc kháng chiến lâu dài trên toàn quốc là thắng lợi đầu tiên của nhân dân ta.

        Phát huy thắng lợi đầu tiên, quân và dân thủ đô Hà Nội sẵn sàng đánh lại các đợt tấn công mới, với quy mô lớn hơn của giặc Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:36:51 pm »


QUÂN THÙ BẮT ĐẦU CHÙN BƯỚC...

        Tiếng súng chiến đấu tự vệ của quân và dân Hà Nội bắt đầu nổ. Ủy ban bảo vệ Hà Nội đổi tên thành Ủy ban kháng chiến để lãnh đạo và chỉ huy cuộc kháng chiến ở thủ đô.

        Cuộc chiến đấu vừa qua một đêm thì ngay ngày hôm sau: 20 tháng 12, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được truyền đi khắp thành phố, đến từng chiến sĩ trong các chiến hào. Những lời kêu gọi của Người thật vô cùng cảm động, thống thiết:

        “Hỡi đồng bào toàn quốc!

        Chúng ta muốn hoà bình., chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dânPháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.

        Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

        Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp đểcứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

        Hỡi anh em binh sĩ., tự vệ, dân quân!

        Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

        Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.

        Việt nam độc lập và thống nhất muôn năm!

        Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

        Ngày 19 tháng 12 năm 1946

        Hồ Chí Minh"

        Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã truyền sức mạnh, lòng tha thiết yêu Tổ quốc tới nhân dân và các chiến sĩ thủ đô. Chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ, đồng bào đọc đi đọc lại cho nhau nghe từng lời từng chữ trong những chiến hào, giao thông hào, góc tường, cửa sổ... Nhiều chiến sĩ và đồng bào vừa đọc, vừa rơi nước mắt vì cảm động.

        Buổi sáng hôm ấy, bình minh vừa hé lên, không khí giá lạnh tan dần, cả Hà Nội tiếng súng nổ thưa thớt, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận đã chia nhau mỗi người đi một nơi để truyền đạt lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, động viên các chiến sĩ và đồng bào, đồng thời xem xét mặt trận.

        Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn và một đồng chí trong Bộ chỉ huy mặt trận vào Ô Chợ Dừa, tới thăm một đại đội công nhân bố trí ở phố Khâm Thiên. Sở dĩ gọi là đại đội công nhân vì các chiến sĩ của đại đội này hầu hết là anh em công nhân xe lửa. Sau khi thăm hỏi tình hình chiến đấu và sức khoẻ của các chiến sĩ, đồng chí Hoàn tươi cười nói: "Các đồng chí ra đây, tôi đã đề nghị với đồng chí Tổng chỉ huy cùng tôi với anh Vương Thừa Vũ chụp chung với các đồng chí một kiểu ảnh làm kỷ niệm". Đồng chí Hoàng Văn Thái và Trần Độ, đi động viên các chiến sĩ ở pháo đài Láng. Trong lúc đang nói chuyện với các pháo thủ thì mấy chiếc máy bay của giặc Pháp bay đến lượn mấy vòng rồi bắn phá, ném bom, khói lửa mù mịt cả cánh đồng. Cũng từ hôm đó Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận ngày đêm đi sát tuyến chiến đấu, chỉ huy sở tiền phương trở thành lưu động. Do đó, Bộ chỉ huy mặt trận làm thêm một vị trí chỉ huy có hầm ẩn nấp ở phía tây làng Trung Phụng (tây bắc Kim Liên).

        Sau một đêm thử lửa, nhiều người vẫn cho rằng sáng ngày 20 tháng 12, giặc Pháp có thể mở những đợt tấn công quy mô lớn để lấy lại tinh thần binh lính của chúng và tiếp tục kế hoạch 24 giờ đồng hồ đánh chiếm Hà Nội.

        Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho các đơn vị sẵn sàng đánh lại địch, thực hiện thuật cang chiến" tức là đánh chẹn địch ở các đường phố, bố trí các trận địa phục kích tiêu diệt địch ở những địa hình hiểm yếu. Nhưng cả ngày 20 tháng 12, ngoài hai mũi tấn công hết sức dè dặt ra đường Hoàng Hoa Thám và phố Ngọc Hà, giặc Pháp không có một cuộc tấn công nào đáng kể. Cánh quân của địch tiến ra đường Hoàng Hoa Thám, gần một ngày rập rình ở vườn Bách Thảo rồi rút lui. Còn bọn địch tiến ra phố Ngọc Hà thấy tiếng súng của tự vệ bắn lẻ tẻ, chúng chủ quan đốc quân đuổi theo... Bất ngờ, chủ lực ta ở phố Đội Cấn xuất kích đánh thốc vào sau lưng chúng ở trại Ngọc Hà. Địch trở tay không kịp, hàng ngũ rối loạn, chạy tung toé khắp ngả, một số không chạy thoát bị ta tiêu diệt. Sau trận thất bại này, giặc Pháp càng thêm dè chừng và thận trọng. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ đã qua. Bọn tướng tá xâm lược bắt đầu vò đầu, bóp trán.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:39:48 pm »


        Về phía ta, sau ngày chiến đấu thắng lợi đầu tiên, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái trực tiếp tới gặp Bộ chỉ huy mặt trận để phổ biến nhận định và chỉ thị mới của Bộ Tổng chỉ huy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đặc biết nhấn mạnh: "Phải kiên quyết giam chân quân địch ở Hà Nội, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng ta để tạo điều kiện cho nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài". Trong khi đó ở bên ngoài, toàn mặt trận hầu như lắng xuống, chỉ lác đác nơi này nơi kia có tiếng súng nổ của quân ta bắn tỉa quân giặc. Quân địch sau một ngày thất bại đang chấn chỉnh lực lượng để mở những cuộc tấn công mới. Quân dân thủ đô thì với không khí bừng bừng chiến thắng, chuẩn bị để ngay đêm hôm ấy mở những đợt tập kích quân địch trên toàn mặt trận. Sau đó sẽ thực hiện đúng như kế hoạch đã định: Bốn tiểu đoàn thu gọn lực lượng ra các cửa ô, tiểu đoàn 101 vào Liên khu I; hình thành thuật "trùng độc chiến” để thực hiện tiêu hao và giam chân địch. Đồng chí Võ Nguyên Giáp còn căn dặn thêm: "Cần nhắc nhở các đơn vị, tuyệt đối không vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch, phải sẵn sàng chiến đấu trong điều kiện quyết liệt hơn, vì rằng sau khi thăm dò lực lượng ta, giặc Pháp có thể tấn công quy mô lớn hơn".

        Quả nhiên ngày 21 tháng 12, từ sáng sớm giặc Pháp đã cho máy bay đến ném bom, bắn phá vào khu vực nhà Bộ Quốc phòng (Nay là số 28 phố Hàng Bài), trại Vệ quốc đoàn Trung ương (Nay là số 40 phố Hàng Bài). Khói lửa bốc cháy mù mịt ở phố Hàng Bài. Xe tăng, xe bọc sắt của chúng từ phía nhà Gô-đa tiến đến bắn pháo vào phía trước Bộ Quốc phòng. Một mũi từ trụ sở cơ quan liên lạc Việt - Pháp (Nay là số 21 phố Bà Triệu) đánh thúc sau lưng nhà Bộ Quốc phòng. Có thời gian chuẩn bị trước. quân ta đã đào hầm, đục lỗ châu mai đủ các hướng, nên quân địch đánh phía nào cũng bị chặn lại. Chúng phải lui ra xa, dùng máy bay, pháo binh, súng cối bắn phá. Nhà cửa đổ sập. Hầm hố bị phá hủy một số. Đến 10 giờ 15 phút, quân ta rút sang trại Vệ quốc đoàn, lúc vượt qua đại lộ Lý Thường Kiệt bị một khẩu đại liên của địch ở đầu phố bất ngờ bắn quét mặt đường làm một số chiến sĩ bị thương vong. Nhân lúc đó xe tăng địch tiến tháng đến trước trại Vệ quốc đoàn, và một mũi khác cũng có xe tăng yểm hộ đánh chiếm các nhà Pháp kiều phía tây, hình thành thế bao vây trại Vệ quốc đoàn. Phía trước một xe tăng địch tiến sát vào vỉa hè giơ sườn về phía ta. Nhưng ta không có vũ khí bắn xe tăng. Các chiến sĩ ném hàng loạt lựu đạn, nhưng lựu đạn quả nổ quả không. Xe tăng địch húc qua cửa trước tiến vào sân bên trái. Quân ta cầm cự đến 12 giờ thì theo đường ngầm dưới đất qua đại lộ Trần Hưng Đạo bí mật rút sang nhà cố vấn Vĩnh Thuỵ nổ súng chống cự (Nay là số nhà 51 . đại lộ Trần Hưng Đạo. Năm 1925, ngày 6 tháng 1 . Khải Định chết. Ngày 18 tháng 1 năm 1926 con trai là Vĩnh Thụy từ Pháp về nối ngôi lấy hiệu là Bảo Đại rồi lại sang Pa-ri tiếp tục theo học. Năm 1932, Bảo Đại về nước chính thức làm tên vua bù nhìn tay sai cho đế quốc Pháp. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại nhận làm tay sai cho Nhật. Ngày 19 tháng 8 năm 1945 Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhân dân Việt Nam vùng dậy cướp chính quyền. Ngày 25 tháng 8 năm 1945 Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Sau do chính sách liên hiệp của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Bảo Đại được giữ chức "Cố vấn Chính phủ”. Ngày 16 tháng 3 năm 1946, Bảo Đại được cử đi giao thiệp với chính phủ Tưởng Giới Thạch. Tới Côn Minh, y đáp máy bay đi Trùng Khánh rồi chuồn thẳng... Cho đến 16 tháng 12 năm 1947, Bảo Đại lại trở về vịnh Hạ Long gặp Bô-la-e (Bollaert), mặc cả với nhau để y trở về tiếp tục làm tay sai cho bọn thực dân Pháp. Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền, Bảo Đại cùng số phận với đế quốc Pháp, bị đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diễm gạt ra khỏi miền Nam năm 1955). Quân địch tiếp tục tấn công theo. Quân ta bí mật theo đường ngầm luồn trở lại trại Vệ quốc đoàn, bất ngờ nổ súng đánh quặt vào sau lưng địch. Bị một đòn hiểm đột nhiên giáng vào sau gáy, giặc Pháp không tài nào chống đỡ nổi. Quân ta đốt cháy 3 ô tô vận tải. Xác giặc chết ngổn ngang trên những đống gạch ngói đổ vỡ.

        Bài học kinh nghiệm trận đánh Ngọc Hà còn nóng hổi. Nhưng giặc Pháp vẫn mù quáng chủ quan ỷ lại vào sức mạnh của vũ khí, nhắm mắt lao đầu vào cạm bẫy của ta. Quân và dân đường Yên Phụ bắn lẻ tẻ dụ địch tiến vào sâu rồi lợi dụng chướng ngại vật chặn chúng lại. Hai trung đội Vệ quốc đoàn và hàng trăm dân quân tự vệ bố trí sẵn ở gần đó, bất ngờ xuất hiện đánh quặt sau lưng địch, đốt phá cơ giới, tiêu diệt hàng chục tên giặc. Bên ta, 2 chiến sĩ bị thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:44:33 pm »


        Hiệp đầu thử sức, quân ta chiến thắng giòn giã. Bộ đội phòng không ở ngoại thành bắn rơi 2 máy bay của địch. Các chiến sĩ trong Liên khu I chặn đánh địch ở Bộ Giao thông công chính (Số 164, phố Trần Quang Khải), Nha Thủy lâm (Số 47, phố Hàng Dầu), phố Bắc Ninh, phố Hàng Vôi... làm cho quân địch thiệt hại nặng nề.

        Lối đánh du kích của toàn dân ta tham gia kháng chiến cứu nước đã diễn ra muôn hình muôn vẻ, làm cho quân xâm lược không những phải chùn bước mà còn nơm nớp lo sợ.

        Quân ta phát huy thắng lợi bước đầu, đồng thời làm lạc hướng phán đoán của địch trước khi thu gọn lực lượng chuyển sang hình thế mới, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho các đơn vị tập kích 8 mục tiêu và quấy rối địch trên toàn mặt trận. Ngay trong đêm 21 tháng 12, quân và dân phố Hàng Bột đã tiêu diệt một số địch và chiếm nhà Đề-lê-vô.

        Một trung đội Vệ quốc đoàn tập kích đầu Ô Yên Phụ, giết 1 lính Pháp, bắt sống 2 tên Việt gian. Một trung đội tập kích Nhà in I-đeo, gây tiếng nổ dữ dội và nhiều đám cháy. Quân địch phải huy động xe cơ giới từ trong thành và từ cầu Long Biên tiếp viện tới. Cũng 12 giờ đêm, một trung đội tự vệ do trung đội phó Hoàng Dũng chỉ huy đã đột nhập thành phía Cửa Bắc bất ngờ nổ súng trong lòng địch, giết chết 5 lính Pháp, thiêu hủy 1 xe tăng, 1 xe gíp, thu 2 súng máy. Một tiểu đội Vệ quốc đoàn ở phố Đội Cấn đột nhập trại Ngọc Hà, ném lựu đạn giết một số lính Pháp. Ngoài ra, quân và dân Hà Nội còn tập kích ở Toà Thị chính, nhà dầu Shell... và quấy rối nhiều nơi khác làm náo động cả Hà Nội. Lửa cháy, súng nổ từ chập tối đến sáng.

        Ngày 22 tháng 12, giặc Pháp cho một toán quân tiến vào phố Hàng Da, Hàng Điếu, Hà Trung có tính chất thăm dò thì bị tự vệ khu Đông thành và một bộ phận nhỏ của tiểu đoàn 101 chặn đánh diệt 10 tên (trong đó 1 thiếu uý), phá hủy 1 Ô tô vận tải. Giặc Pháp vội vã rút chạy vào thành. Sau đó, suốt ngày, toàn mặt trận im tiếng súng. Giặc Pháp củng cố lực lượng, bộ chỉ huy quân đội thực dân Pháp ở Hà Nội họp bàn kế hoạch, chuẩn bị những đợt tấn công mới, với hy vọng gia hạn một tuần lễ chiếm xong Hà Nội.

        Phía ta, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy luôn luôn ở sát mặt trận, truyền đạt nhận định và ra lệnh kịp thời cho Bộ chỉ huy mặt trận.

        Một trung đội Vệ quốc đoàn tập kích đầu Ô Yên Phụ, giết 1 lính Pháp, bắt sống 2 tên Việt gian. Một trung đội tập kích Nhà in I-đeo, gây tiếng nổ dữ dội và nhiều đám cháy. Quân địch phải huy động xe cơ giới từ trong thành và từ cầu Long Biên tiếp viện tới. Cũng 12 giờ đêm, một trung đội tự vệ do trung đội phó Hoàng Dũng chỉ huy đã đột nhập thành phía Cửa Bắc bất ngờ nổ súng trong lòng địch, giết chết 5 lính Pháp, thiêu hủy 1 xe tăng, 1 xe gíp, thu 2 súng máy. Một tiểu đội Vệ quốc đoàn ở phố Đội Cấn đột nhập trại Ngọc Hà, ném lựu đạn giết một số lính Pháp. Ngoài ra, quân và dân Hà Nội còn tập kích ở Toà Thị chính, nhà dầu Shell... và quấy rối nhiều nơi khác làm náo động cả Hà Nội. Lửa cháy, súng nổ từ chập tối đến sáng.

        Ngày 22 tháng 12, giặc Pháp cho một toán quân tiến vào phố Hàng Da, Hàng Điếu, Hà Trung có tính chất thăm dò thì bị tự vệ khu Đông thành và một bộ phận nhỏ của tiểu đoàn 101 chặn đánh diệt 10 tên (trong đó 1 thiếu uý), phá hủy 1 Ô tô vận tải. Giặc Pháp vội vã rút chạy vào thành. Sau đó, suốt ngày, toàn mặt trận im tiếng súng. Giặc Pháp củng cố lực lượng, bộ chỉ huy quân đội thực dân Pháp ở Hà Nội họp bàn kế hoạch, chuẩn bị những đợt tấn công mới, với hy vọng gia hạn một tuần lễ chiếm xong Hà Nội.

        Phía ta, Trung ương Đảng và Bộ Tổng chỉ huy luôn luôn ở sát mặt trận, truyền đạt nhận định và ra lệnh kịp thời cho Bộ chỉ huy mặt trận.

        Để tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho mặt trận Hà Nội và có thêm lực lượng tung vào hoạt động du kích trong lòng địch, giảm nhẹ sự o ép đối với Liên khu I, cũng sáng sớm ngày 22 tháng 12, Bộ chỉ huy mặt trận nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu điều thêm lực lượng mới bổ sung cho Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Anh Đệ - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 56 thuộc trung đoàn 13 dẫn 2 đại đội và tiểu đoàn bộ cấp tốc tiến về thủ đô. Bộ Tổng chỉ huy còn ra lệnh cho các mặt trận khác tích cực hoạt động để phối hợp chiến đấu với Hà Nội. Một đơn vị Vệ quốc đoàn và dân quân khép chặt vòng vây, uy hiếp thị xã Bắc Ninh. Giặc Pháp phải đem quân từ Gia Lâm lên tiếp viện, tới ga Yên Viên bị quân ta chặn đánh kịch liệt. Bắc Ninh hoàn toàn bị cô lập. Ở Lạng Sơn, từng tốp du kích liên tiếp đột nhập thành phố, đốt các kho tàng lương thực, phá các nguồn nước ăn, làm cho địch gặp nhiều khó khăn. Nhân lúc đó một đơn vị Vệ quốc đoàn đã cùng dân quân tấn công chiếm lại Bản Thi làm cho bộ chỉ huy Pháp ở Bắc Bộ phải tính đến việc tăng cường lực lượng cho Lạng Sơn. Ở Hải Dương, 8 giờ sáng ngày 22 tháng 12, địch huy động pháo binh, xe tăng, máy bay, tàu chiến yểm hộ cho trên một ngàn quân đổ bộ lên ga Phú Thái. Nhưng dân quân du kích vùng này đã chặn địch quyết liệt, bắt sống được nhiều lính Pháp và thổ phỉ, đánh lui mũi tấn công của địch. Trong khi đó, hàng ngàn Hoa kiều từ các nơi tập trung ở Hà Đông biểu tình phản đối quân đội thực dân Pháp gây chiến xâm lược nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Sau cuộc biểu tình, Hoa kiều tự động đem hàng tấn gạo, hàng trăm thước vải đến ủng hộ quân dân Hà Nội để làm quỹ kháng chiến. Cũng ngày 22 tháng 12, số đầu tiên của báo "Thủ đô", cơ quan tuyên truyền của ủy ban kháng chiến Khu XI ra đời, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân thủ đô Hà Nội. Mục kinh nghiệm chiến đấu đã đăng bài chỉ đạo các đơn vị tiết kiệm đạn dược và kiên quyết chiến đấu. Nhiều bài khác ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân thủ đô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:47:41 pm »


        Đêm 22 tháng 12 quân và dân Hà Nội lại tập kích 6 mục tiêu. Từ chập tối tới nửa đêm, tiếng súng nổ khắp thành phố Hà Nội. Tám giờ tối, một trung đội Vệ quốcđoàn cùng công an và tự vệ khu phố tập kích vào Trụ sở công an Quận 2 giết chết 7 lính Pháp, số còn lại hoảng sợ chạy tán loạn. Các chiến sĩ dũng cảm của ta đã đột nhập nhiều vị trí địch, treo cờ đỏ sao vàng, ném lựu đạn để nâng cao ý chí bất khuất của quân và dân thủ đô Hà Nội. Cùng giờ trên, một lực lượng tự vệ ở phía đông nam Liên khu I đột nhập đánh địch ở Bộ Giao thông công chính. Chúng bỏ chạy. Quân ta thiêu hủy toàn bộ vị trí. Khoảng 10 giờ đêm, quân ta tập kích nhà dầu Shell Khâm Thiên lần thứ 2, nhà Diêm (Nay là Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo) và một số mục tiêu khác.

        Cứ thêm một ngày một đêm chiến đấu, giặc Pháp càng thấy rõ tinh thần kháng chiến chống xâm lăng của quân, dân thủ đô Hà Nội ngày một dâng cao. Chúng bắt đầu ăn không ngon, ngủ không yên. Khắp Hà Nội, không một chỗ nào chúng được yên ổn. Ngày 23 tháng 12, giặc Pháp tiến công xuống Chợ Hôm. Chúng tiến rất chậm. Mỗi khi gặp ụ đất, chướng ngại vật của ta, xe tăng của chúng dừng lại từ xa bắn phá dữ dội, rồi đi vòng đường khác. Nhưng các chiến sĩ quyết tử đã len lỏi theo đường đục sẵn từ nhà nọ sang nhà kia nhằm khi xe tăng của giặc Pháp dừng lại, lập tức đồng chí Thành lao ra trước phóng bom ba càng phá hủy một chiếc ở ngã năm Hàng Kèn, một chiếc ở cửa chợ Hôm. Anh em tự vệ phố Huế và phố Bà Triệu luồn về phía sau bắn vào bộ binh địch giết chết hơn 30 tên. Lính Pháp bị bắt sống trong trận này nói rằng: "Sĩ quan Pháp đã phải xích chân lính vào ghế, xe tăng, thiết giáp vì họ quá sợ hãi bom ba càng và chai cháy của Việt Minh".

        Ở phố Hàng Mành, 2 xe thiết giáp của Pháp bị sa hố. Tự vệ xông ra đốt cháy. Sau chúng phải cho xe tăng đến kéo về. Một toán giặc khác từ phố Phủ Doãn tiến sang phố Hàng Bông, đến 12 giờ 10 phút lại một xe tăng khác bị sa hố, các đội viên tự vệ xông ra ném lựu đạn, chai cháy phá đứt xích.

        Các cuộc tấn công bắt đầu từ sáng sớm của giặc Pháp đều bị quân ta chặn đánh kịch liệt. Chúng đổi lối đánh, tấn công vào buổi chiều, với hy vọng ập đến giữa lúc quân ta chủ quan, phân tán không đề phòng để bất ngờ tiêu diệt chủ lực của ta. Khoảng 5 giờ chiều ngày hôm đó giặc Pháp cho một toán quân từ Đồn Thủy lặng lẽ tiến về phía Lò Lợn. Một số đồng bào còn ở lại phố Nguyễn Lai Thạch, Lê Quý Đôn, trèo lên tầng gác tìm cách báo hiệu cho bộ đội biết. Khi quân địch tới Lò Lợn, các chiến sĩ Vệ quốc đoàn ở đây bắn lẻ tẻ rồi rút lui. Giặc Pháp sục vào chiếm Lò Lợn, không gặp một ai. Chúng hùng hục tiến thẳng xuống Thanh Nhàn. Quân ta vẫn rút. Quân địch vẫn đuổi. Đồng bào thấy bộ đội không bắn lại phát súng nào mà cứ xách súng chạy, có cụ già phát cáu, văng tục. Có người giằng lấy súng của bộ đội và nói:

        - Chúng tôi già rồi, lại không có súng ống gì cả, chúng tôi mới phải tạm lánh đi nơi khác. Các anh là trai tráng. Các anh có súng. Các anh lại chạy như thế ư? Không đánh được thì đưa súng đây cho chúng tôi đánh.

        Nhiều bà con văng tục nói thậm tệ hơn nữa. Lúc đó, chiến sĩ ta dù có giải thích thế nào chăng nữa thì đồng bào vẫn giận dữ, bực dọc. Quân địch vẫn tiến ào ạt một mạch đến bờ đê Thanh Nhàn. Bất ngờ quân ta từ bờ đê xuất kích đánh ập vào cạnh sườn địch. Quân địch rối loạn hàng ngũ, đứa giơ tay hàng, đứa nhảy xuống hồ, những tên khác xô đẩy nhau rút chạy. Địch phải bỏ xác tại trận 15 tên. Trời nhập nhoạng tối, quân giặc chạy miết. Súng đạn và xác những tên bị thương không chạy được rải rác dọc đường. Quân ta tiếp tục đuổi và chiếm lại vị trí Lò Lợn. Bên ta 2 Vệ quốc đoàn và 1 tự vệ hy sinh. Lúc này nhân dân lại xô cả ra đường cùng bộ đội đuổi giặc. Tiếng hò la quát tháo ầm ĩ. Đồng bào vui sướng cười nói khen ngợi không hết lời: "Quân ta vũ khí kém nhưng lại có mưu cao", "Giỏi thật? Bộ đội Cụ Hồ giỏi quá!".

        Đêm 23 tháng 12, đêm cuối cùng các đơn vị hoàn thành thu gọn lực lượng và hình thành thuật "trùng độc chiến". Để đánh lại quân địch, một số đơn vị Vệ quốc đoàn và tự vệ tiếp tục tập kích các vị trí địch . Tại Nhà Tiền, khi đơn vị xung phong, chị L, nữ cứu thương thoăn thoắt lao lên trước, nhảy qua tường và hô lớn: "Anh em, theo tôi?". Các chiến sĩ vừa lao theo, vừa hô vang: "Xung phong, giết!". Bọn giặc hoảng hốt chạy tán loạn. Chị cùng anh em xông thẳng vào trại, vác ra 1 khẩu liên thanh F.M và 2 khẩu súng trường. Một bộ phận tự vệ đột nhập chùa Quán Sứ, đốt cháy 1 xe tăng địch. Ở nhiều nơi khác trong thành phố, súng nổ suốt đêm. Ở một số vị trí, lửa cháy bốc lên nghi ngút. Lợi dụng lúc đó các đơn vị thuộc tiểu đoàn 101 từ các hướng lặng lẽ bí mật rút vào Liên khu 1. Tiểu đoàn 77 về khu vực Ô Cầu Dền. Tiểu đoàn 523 về khu vực Ô Chợ Dừa. Tiểu đoàn 145 về Kim Mã, Yên Phụ. Tiểu đoàn 212 làm đội dự bị của mặt trận đóng ở khu vực trại Hàn Lâm, Quỳnh Mai. Tiểu đoàn 56 (thiếu 1 đại đội) theo lệnh mới về bố trí tại Việt Nam học xá, sau chuyển sang Ô Đống Mác, Thanh Nhàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:50:42 pm »


        Khi về các làng mạc ngoại thành để bám sát các cửa ô Hà Nội, tới đâu các chiến sĩ ta cũng thấy không khí kháng chiến bừng bừng sôi sục, tới đâu nhân dân cũng tổ chức đến thăm hỏi sức khoẻ và chúc mừng quân ta chiến thắng. Các chiến sĩ rất tự hào sung sướng vì họ đã cùng nhân dân Hà Nội chiến đấu quyết liệt làm cho kẻ địch phải dè chừng, hoảng sợ. Cao ủy Pháp Đác-giăng-li-ơ (D'Argenlieu) - tên cáo già thực dân - là một trong những tên đầu sỏ chủ mưu gây ra cuộc chiến tranh xâm lược nước ta đã bị chính phủ Pháp gọi về nước. Trước khi rời Sài Gòn, y đã phải thốt lên: "Tôi rất buồn vì những sự đã xảy ra ở Hà Nội và rất lấy làm tiếc không có mặt tại Đông Dương nữa(!). Tình hình tuy nghiêm trọng thật nhưng không đến nỗi tuyệt vọng(!) (Lời tuyên bố của Đác-giăng-ii-ơ tại Sài Gòn sáng ngày 23 tháng 12 năm 1946)".

        Từ ngày 20 đến 23 tháng 12, địch tấn công 12 trận nhằm mục đích tiêu diệt lực lượng ta, nhưng chúng ta đã chiến đấu quyết liệt bẻ gãy các mũi tấn công của chúng và còn quật trả lại chúng là trận tập kích và nhiều trận phục kích, bắn tỉa, quấy rối, làm chết, bị thương và bắt sống gần 200 tên địch, phá hủy 3 xe tăng, 1 xe gíp, 4 ô tô vận tải của chúng. Suốt mấy ngày giặc Pháp không những không tiêu diệt được lực lượng của ta mà còn bị tiêu hao sinh lực, loay hoay lúng túng trong nội thành. Quân ta giành chủ động chuyển sang giai đoạn chiến đấu giam chân địch.

        Đó là những thắng lợi bước đầu nhưng rất lớn lao. Nó càng chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch là vô cùng sáng suốt. Các lực lượng vũ trang, Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an đã đoàn kết nhất trí dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận. Tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của các chiến sĩ ngoài tiền tuyến đã khắc phục phần lớn nhược điểm của ta về trang bị và kỹ thuật. Tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ trai gái đều lao vào cuộc chiến đấu "sinh tử" quyết bảo vệ thủ đô, bảo vệ Tổ quốc. Ngoài 2.000 Vệ quốc quân, 8.000 dân quân tự vệ đang trực tiếp chiến đấu với giặc Pháp ở Hà Nội còn hàng chục vạn nhân dân xung quanh thủ đô Hà Nội sẵn sàng tiến ra mặt trận chiến đấu bảo vệ thủ đô. Các đơn vị Vệ quốc đoàn ngày một đông. Đại đội, trung đội cũng có quyền nhận nam nữ thanh niên, thiếu niên nhập ngũ. Ngoài lực lượng bảo vệ địa phương, nhân dân huyện Thanh Trì còn tự động tổ chức được thêm một tiểu đoàn dân quân tự vệ sẵn sàng ra đi bổ sung cho mặt trận. Khu Tả Thanh Oai trong ba ngày tổ chức được một đại đội tự vệ chiến đấu tự trang bị súng máy, súng bắn chim, dao găm, mã tấu sẵn sàng tiến về Hà Nội. Riêng ngày 20 và 21 tháng 12, nhân dân vùng này đã tự động góp được 150 tấn thóc, ủng hộ bộ đội. Nhân dân các vùng xung quanh Hà Nội tự động đào hàng chục cây số giao thông hào, hàng ngàn hố chiến đấu giúp đỡ bộ đội và dân quân tự vệ. Bà con Hà Nội tản cư về Cự Đà, Phúc Thuỷ, làng Tó, v.v. . . cũng nô nức cùng bà con nông dân địa phương giúp đỡ đại đội đồng chí Vũ Công Định đào trận địa phòng ngự. Các vùng xung quanh Hà Nội nơi nào giặc có thể đến ta đều thực hiện "tiêu thổ kháng chiến". Quân giặc có chân, có phương tiện cơ giới, nhưng không có đường đi. Tới chiếm đóng, giặc không cướp được lương thực, không có nhà ở. Nhân dân thực hiện khẩu hiệu: "Vườn không, nhà trống". Xung quanh Hà Nội, nhiều nhà gạch, nhà ngói kiên cố, đẹp mắt, đã được tự tay chủ nhân và nhân dân đập phá thiêu hủy thành đống gạch vụn. Hai khu nhà rượu và Trường học Văn Điển thật to lớn, nhưng chỉ trong hai ngày, nhân dân đã san thành đất bằng. Khi tản cư đi, nhân dân cất giấu hoặc mang theo thóc lúa, lợn gà và tất cả những thứ gì có thể ăn được. Nếu không đem đi được thì phá huỷ, có nơi đồng bào đã đổ lòng lợn, ruột bò, phân rác bẩn thỉu cho ngập giếng nước ăn, đã chặt trụi các cây cỏ hoa quả. Nếu giặc Pháp kẻo tới thì đó chỉ là những khu đất hoang tàn, gạch ngói đổ vỡ. Các trục đường xung quanh Hà Nội, nhân dân cùng bộ đội ngày đêm nhộn nhịp phá cầu, xẻ đường, đắp ụ.

        Cầu Tó, cầu Đơ (Hà Đông) sau một đêm phá hủy đã hoàn toàn gãy gục. Nhân dân địa phương còn rải hàng cây số rơm rạ trên mặt đường để ngăn cản bước tiến củacơ giới địch. Mấy chục cây số, dọc hai bờ đê sông Hồng, cứ trên dưới 20 mét lại có rơm, rạ hoặc cây ngô khô chất thành đống gần kín mặt đường, cao to, gấp hai, gấp ba chiếc ô tô vận tải. Nhân dân phá hủy hầu hết đường xe hoả từ Hà Nội đi các nơi, lật những thanh đường ray, thanh "tà-vẹt" cắm chi chít ngăn kín từng đoạn đường hiểm, kết hợp với ụ đất, hoặc hào sâu đào cắt ngang mặt đường để ngăn cơ giới của giặc. Trong ba ngày, những đường giao thông lớn đều đào nham nhở, ngổn ngang, và phần còn lại chỉ là những con đường mòn khúc khuỷu, vòng vèo bề ngang chỉ vừa đủ cho người đi bộ lách qua những ụ đất và những chướng ngại vật khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 09:52:36 pm »


        Các tỉnh xung quanh Hà Nội đều sôi sục căm hờn và tất cả mọi việc chuẩn bị đều hướng về chi viện cho Hà Nội, phối hợp với quân dân Hà Nội. Có hai em bé quê hương cách xa Hà Nội gần 30 cây số. Một em tên là Dân 12 tuổi, một em tên là Thanh 13 tuổi. Tiếng súng kháng chiến vừa bùng nổ, hai em gặp nhau bàn bạc: "Giặc Pháp nó lại cướp nước mình lần nữa. Ở Hà Nội đánh nhau to lắm. Chúng mình cứ ngồi yên ở đây ư?". Sau đó, hai em viết thư để lại cho cha mẹ rồi trốn nhà ra đi. Lá thư ấy được anh Tuyên, hồi đó phụ trách tuyên truyền xã, phát thanh khắp quê hương hai em cho mọi người cùng nghe. Trong thư có đoạn viết: "Thưa cha mẹ? Chúng con biết rằng chúng con còn bé lắm, chúng con đi ra trận, cha mẹ nhớ thương chúng con lắm. Nhưng chúng con không thể ở nhà được. Giặc Pháp lại cướp nước ta rồi? Chúng con sẽ ra mặt trận đánh nhau với bọn pháp. Thà chết còn hơn chịu làm nô lệ!”.

        Chập tối, hai em lặng lẽ sang đò sông Hồng băng qua đồng ruộng, tha ma, gò đống tìm đường tắt về Hà Nội. Trong người hai em không có một tấc sắt làm vũ khí mà chỉ có một chiếc bánh chưng để ăn bừa tối. Hai em đi suốt đêm, mờ sáng tới Hà Đông, rồi ra Hà Nội. Tới một đơn vị tự vệ, các em xin nhập ngũ. Một anh tự vệ nói vui:

        Em bé thế này thì làm được việc gì?

        Một em đỏ mặt trả lời rắn rỏi:

        - Các anh lớn, làm việc lớn. Chúng em bé, làm việc bé. Các anh cứ nhận chúng em vào đơn vị, xem chúng em có làm được việc gì không.

        Lúc ấy, các chị cũng nô nức xin vào bộ đội, cũng với “lý lẽ” tương tự như thế. Quân số các đơn vị mỗi ngày một đông, có tiểu đội tới 16 hoặc 20 người. Nhưng cũng không phải lo lắng gì đến ăn uống. Hàng ngày các chị ở các đội tiếp tế, đội hoả đầu quân và bà con dân làng phục vụ các đơn vị cứ áng chừng đầu người mà nấu cơm. Ví dụ khoảng 100 người thì cứ nấu thành một trăm mốt, trăm hai cho dư dật. Gạo, thịt, rau... đều do đồng bào làng này, xóm khác kĩu kịt gánh đến. Có gia đình thấy bộ đội về làng lập tức làm thịt ngay một con lợn khênh đến làm “tặng phẩm". Trên đường làng, người đi lại, vận chuyển rầm rập suốt đêm ngày. Anh em thương binh từ Hà Nội được chuyển về chữa chạy tại nhà thương Văn Điển, Thanh Liệt... Hàng ngày từng đoàn phụ lão, phụ nữ đem quà đến tận nơi thăm hỏi. Có nhiều cụ xin đượcđem thương binh về nhà nuôi. Tại các nhà thương, trạm xá việc cung cấp lương thực, phục vụ nấu nướng ăn uống đều do nhân dân địa phương đảm nhiệm.

        Trong những ngày đó, tù hàng binh Pháp được đưa về tạm trú ở đình làng Đại Từ, Thanh Liệt. Nhân dân căm phẫn đổ xô vào, định đánh bọn chúng cho hả giận. Bộ đội phải can ngăn giải thích mãi đồng bào mới chịu yên. Có cụ nói: "80 năm mất nước, làm thân trâu ngựa nay được Đảng và Hồ Chủ tịch lãnh đạo nhân dân đứng lên chặt xích, phá xiềng, phá kho chia thóc chia gạo cho đồng bào, chống bắt phu bắt lính, chống sưu cao thuế nặng, mất bao nhiêu xương máu, mới giành lại được chính quyền... thế mà giặc Pháp lại định cướp nước ta một lần nữa. Ai mà chịu được?". Đó cũng là lời nói của hàng triệu quần chúng cần lao thiết tha với Đảng, với chính quyền cách mạng, kiên quyết đứng lên đánh giặc cứu nước. Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, đấu tranh bất khuất. Truyền thống đó đã ngày một bền vừng qua mấy ngàn năm lịch sử. Từ khi được Đảng và Hồ Chủ tịch dẫn đường, truyền thống quý báu ấy đã được phát huy tới mức độ chưa từng có, đã biến thành sức mạnh vĩ đại để có thể với hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp phi thường. Với truyền thống đó, với sức mạnh đó, nhân dân ta, triệu người như một, đã anh dũng đứng lên kháng chiến quyết giành thắng lợi cuối cùng khi kẻ thù quay lại xâm lược nước ta, định cưỡi đầu cưỡi cổ dân ta lần nữa. Đảng và Hồ Chủ tịch đã đoàn kết được toàn dân, tranh thủ được sự ủng hộ và dưluận của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, cô lập kẻ thù cao độ. Mặc dầu về lực lượng quân đội, về trang bị vũ khí và trình độ kỹ thuật chiến thuật của quân đội ta còn yếu, nhưng bất cứ một ai đã tham gia kháng chiến, từ già đến trẻ đều sẵn sàng hy sinh tất cả cho thắng lợi của Tổ quốc và đều tin tưởng mãnh liệt rằng: "Kháng chiến nhất định thắng lợi!".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM