Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:10:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33783 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:15:59 pm »


        Ngày 3 tháng 1 năm 1947, địch huy động trên 700 quân, 7 xe tăng, 10 xe bọc sắt, 70 ô tô vận tải và xe gíp, 2 máy bay khu trục, 1 máy bay thám thính, chia làm nhiều mũi tấn công ta ở hướng tây bắc Hà Nội như ta đã phán đoán.

        Cánh quân thứ nhất có xe tăng và xe bọc sắt yểm hộ tiến theo đường Thuỵ Khuê. Từ 6 giờ sáng, chúng đã tiến đánh nhà máy xe điện. Bộ binh địch men theo hè phố tiến trước. Các tổ súng trường của ta bất ngờ nổ súng, bọn địch gục ngay tại chỗ. Cơ giới địch dừng lại, không dám tiến. Một lát sau, bộ binh địch lại vọt lên. Quân ta lại nổ súng. Giằng co suốt 4 tiếng đồng hồ, chúng vẫn chưa chiếm được nhà máy xe điện. Giặc Pháp bắt đầu thay đổi đội hình, cho xe tăng tiến trước, bộ binh lủi theo sau. Khi xe tăng tới gần chiến hào của ta, một chiến sĩ ôm bom ba càng lao cả người, cả bom vào xe tăng địch. Bom không nổ, đồng chí đó anh dũng hy sinh. Các chiến sĩ khác vẫn không hề nao núng. Lập tức một chiến sĩ quyết tử khác ôm bom lao tiếp lên, quả bom này cũng không nổ. Xe tăng địch vượt qua chiến hào. Bộ binh địch sục đến. Các tiểu đội trưởng, trung đội trưởng xông lên vật lộn với giặc. Nhưng hết vũ khí đánh xe tăng, quân ta ngăn chặn địch từng bước tới nhà máy thuộc da.

        Cánh quân thứ hai tiến theo đường Hoàng Hoa Thám bị các tổ súng trường của ta bắn tỉa tiêu diệt hơn một chục tên. Bọn chúng tiến hết sức dè dặt.

        Cánh quân thứ ba ỷ vào máy bay đã oanh tạc 2 dãy phố, 4 xe tăng, 2 xe bọc sắt dẫn 2 đại đội bộ binh của chúng hùng hổ tiến vào đường Đội Cấn. Đột nhiên, từng chùm lựu đạn, chai cháy, bom của quân ta từ trên tầng gác ném xuống. Cơ giới địch dừng lại, lập tức các chiến sĩ quyết tử ở các ngõ hẻm, căn nhà xông ra lao bom ba càng vào xe tăng địch. Bộ binh ta xuất kích đánh ngang sườn bộ binh địch. Trận địa ran tiếng súng. Trong chớp nhoáng, 1 xe tăng địch bị đứt xích, 2 xe vận tải bị phá hủy, 1 trung đội bộ binh địch bị tiêu diệt. Quân địch hỗn loạn xô đẩy nhau chạy lui, chúng gọi máy bay, pháo binh oanh tạc, khói lửa mù mịt nơi quân ta bố trí. Sau khi chấn chỉnh lực lượng, quân địch đổi đội hình cho bộ binh sục sạo trước. Các chiến sĩ ta bình tĩnh bắn tỉa, ném lựu đạn. Những tên giặc “xấu số” này gục ngay tại chỗ. Cuộc chiến đấu kéo dài 7 tiếng đồng hồ, quân địch không tiến thêm được một bước. Quá 12 giờ trưa, máy bay, pháo binh địch lại tiếp tục bắn phá. Nhà cửa hai dãy phố đổ vỡ ngổn ngang. Sau đó, ta phát hiện địch cho một toán quân theo phố Sơn Tây đánh vu hồi vào Vạn Phúc, quặt vào phía nam Nhà thờ Liễu Giai, hình thành thế bao vây phía cuối phố Đội Cấn, nên ta tiếp tục chặn địch hơn 2 tiếng đồng hồ nữa rồi rút về phòng ngự tại một địa điểm cách Nhà thờ Liễu Giai 500 thước về phía tây bắc. Như vậy, suốt trong ngày 3 tháng 1, quân địch phải huy động gần một ngàn quân, chật vật lắm mới tiến được hơn một cây số, trên 100 tên địch chết và bị thương, 1 xe tăng bị phá hủy, 1 xe bọc sắt bị hư hỏng nặng, 2 xe vận tải bị đốt cháy. Ta thu được 2 súng ngắn, 7 súng trường và một số tiểu liên.

        Buổi sáng, quân ta chiến đấu quyết liệt, thu nhiều thắng lợi ở phía tây bắc Hà Nội. Quân địch cho rằng ta sẽ chủ quan. Ngay buổi chiều ngày 3 tháng 1, chúng cho khoảng 150 tên, có 2 xe tăng, 2 xe bọc sắt và 10 ô tô vận tải bất ngờ từ Lò Lợn đánh xuống Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy hòng tiêu diệt đơn vị Vệ quốc đoàn ở đây, bắt đồng bào, cướp thóc lúa, lợn gà của dân. Được nhân dân báo tin có địch tấn công, trung đội Vệ quốc đoàn ở đây cấp tốc đi bố trí làm hai cánh, dọc con đường từ Lò Lợn xuống và ngăn chặn đường hướng Phà Đen lên. Trong một cái miếu ở chân đê, đồng chí trung đội trưởng đang báo cáo tình hình với Chỉ huy trưởng mặt trận và nghe kinh nghiệm của các trận đánh vừa qua thì tiếng cơ giới của địch mỗi lúc một gần. Mọi người vẫn bình tĩnh chờ địch lọt hẳn vào trận địa mới nổ súng. Không thấy gì khả nghi, cơ giới của địch tiến rất nhanh ập ngay tới nơi. Đồng chí trung đội trưởng bắn súng lệnh, hô “xung phong!”. Súng máy của ta bắn rập vào toán đi đầu. Đồng chí quân giới nói tiếng Khu 4 gọi to: “Đồng chí Vũ, sao lại cùng xung phong với các chiến sĩ như thế. Đồng chí hãy ở lại đây”. Trong phút chốc, cuộc chiến đấu giáp lá cà đã diễn ra rất ác liệt. Một cán bộ đại đội bắn súng ngắn Côn-bát giết được 8 tên. Quân địch bị đánh lại bất ngờ, đội ngũ rối loạn, quay đầu rút chạy. Một xe tăng địch dừng lại. Chiến sĩ ta tưởng xe tăng địch hỏng xông đến định bắt sống tên lái xe. Đột nhiên chúng bắn tiểu liên, ném lựu đạn ra mặt đường rồi phóng chạy. Quân ta lại đuổi. Xe tăng địch chạy sau bắn yểm hộ cho bộ binh chạy trước, vì chúng thấy từ khi nổ súng, đơn vị này hoàn toàn không có vũ khí chống tăng. Chiến sĩ ta vô cùng căm uất, đuổi sát xe tăng mà đành chịu. Suốt dọc đường, xác địch chết rải rác hàng chục tên. Ta truy kích tới gần vị trí Lò Lợn. Một ngày ta thắng hai trận lớn. Từ cán bộ đến chiến sĩ vui mừng quên cả ăn, đến khuya mới thấy đói.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:36:19 pm »


        Chiến thắng giòn giã này đã làm quân ta tăng thêm sĩ khí và củng cố lòng tin tưởng vào khả năng của mình hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu tiêu hao địch ở các cửa ô, và làm cho mọi người thấy rằng: mặc dầu ở địa hình không có lợi cho ta bố trí phòng thủ, tiện cho địch dùng cơ giới bao vây vu hồi, nhưng ta vẫn có khả năng đánh lại các cuộc tấn công của địch. Trận phía tây bắc Hà Nội, nếu ta biết tổ chức phòng ngự có trọng điểm, tập trung lực lượng, cơ động mạnh hơn để phản kích, biết chấn chỉnh tổ chức lực lượng sau mỗi đợt chiến đấu để đánh liên tục thì quân địch còn tổn thất nhiều hơn nữa.

        Sau trận này, Chính trị ủy viên Trần Độ tới động viên tiểu đoàn 145, ra tận chiến hào thăm hỏi chiến sĩ. Một chiến sĩ kéo người chỉ huy vào góc tường, chỉ ngón tay qua lỗ châu mai và nói:

        - Chỗ kia là ụ súng của địch! Tôi có một mẹo làm tiêu hao đạn dược của nó, mà tôi không tốn một viên đạn.

        Nói xong, chiến sĩ đó thực hành luôn. Trước tiên anh để một cái thùng to ở mép đường rồi lăn thật mạnh. Cái thùng lăn bon bon qua mặt đường. Phía xa quân địch nhìn thấy, chúng bắn súng máy bụi tung mặt đường. Khi chúng ngừng bắn, anh chạy vút sang bên kia. Quân địch lại bắn. Một lát anh lăn cái thùng trở lại. Quân địch lại bắn, anh cười đắc chí, rồi chạy vút trở về... Cứ như thế ba, bốn lần. Giặc Pháp đổ ra không biết bao nhiêu là đạn. Hôm sau bọn địch vác gỗ làm công sự. Các chiến sĩ đưa súng các-bin cho Chính trị ủy viên Trần Độ thi đua với chiến sĩ bắn tỉa từng tên địch.

        Bị thua đau, ngày 4 tháng 1 năm 1947, quân địch không tấn công. Nhưng qua những triệu chứng hành động mà quân địch tiến hành do thám ta, Bộ chỉ huy mặt trận phán đoán: Địch chuẩn bị tấn công đánh chiếm làng Giảng Vũ, cách vị trí địch ở nhà Đúc Tiền gần 3 cây số. Giảng Vũ nằm ven đê La Thành, giữa Ô Cầu Giấy và Ô Chợ Dừa. Chiếm được Giảng Vũ, địch chẹn được con đường gần nhất giữa hai cửa ô này. Mặt khác, từ Giảng Vũ băng qua cánh đồng chừng một cây số là tới pháo đài Láng. Mất Giảng Vũ, pháo đài Láng bị uy hiếp nghiêm trọng. Do đó, Bộ chỉ huy mặt trận cấp tốc ra mệnh lệnh cho Liên khu II: “Cho ngay một trung đội chia làm hai tới đóng tại lô cốt trên đê Giảng Vũ” 1. Và điều thêm lực lượng mới về đó chiếm giữ.

        Vào cuối mùa đông, gió Bắc tràn qua các phố. Sau những ngày hoạt động du kích trong lòng địch, đại đội 134, thuộc tiêu đoàn 56 tạm biệt các phố Huế, Minh Khai, Lê Bình... lách qua các vị trí giặc ở khu nhà rượu rút ra ngoại thành để vòng lên Kim Mã tiếp tục hoạt động ở vùng tây bắc Hà Nội. Tại đây đại đội tiếp nhận một tiểu đội nữ cứu thương của thành Hà Nội. Những người con gái trồng hoa vùng Ngọc Hà, đã cùng bao thanh niên ưu tú khác, tay không tấc sắt tham gia chiến đấu chặn đứng quân thù đánh ra mặt tây bắc Hà Nội.

        Chiều ngày 4 tháng 1, đại đội nhận được mệnh lệnh: Cấp tốc tới Giảng Vũ cùng một trung đội của tiểu đoàn 145 phòng giữ khu vực đó. Nửa đêm, khi sương đã xuống nhiều, trời lạnh đại đội 134 mới bàn giao xong mặt trận Kim Mã cho đơn vị bạn và trở về Giảng Vũ. Trong khi đó, ở phía đông bắc Hà Nội, pháo binh 75mm và 25mm của ta vẫn nổ giòn giã, yểm hộ cho một đơn vị bộ binh tấn công quân địch ở Cầu Đuống. Suốt ngày 5 tháng 1 quân ta ở làng Giảng Vũ vừa chuẩn bị vừa sẵn sàng chờ đợi đánh lại các đợt tấn công của địch, nhưng Giảng Vũ vẫn im ắng không một tiếng súng. Khoảng 4 giờ chiều, giặc Pháp cho chừng 200 bộ binh, hơn 20 xe cơ giới các loại từ nhà máy xe điện Thuỵ Khuê, nhà máy thuộc da tấn công đánh chiếm nhà dầu Tam Đa2 trên trục đường Hà Nội đi Bưởi. Chúng tiến quân dè dặt, suốt hai tiếng đồng hồ mới nhích đi được vài trăm thước, và cũng đã bị quân ta bắn tỉa chết 12 tên. Có lẽ đây là một trận giặc pháp tấn công lấn dần chiếm địa hình có lợi hoặc cũng có thể là một cuộc nghi binh phục vụ cho ý định bất ngờ tấn công làng Giảng Vũ. Đại đội 134 tiến quân chiếm lĩnh trận địa Giảng Vũ xong thì trời đã gần sáng. Chi uỷ và ban chỉ huy đại đội nhận định: chiều ngang làng Giảng Vũ rất mỏng, địa hình bất lợi cho ta, đường tiến quân của địch thuận lợi cho cả cơ giới lẫn bộ binh, ta phải tích cực khắc phục địa hình chuẩn bị đề phòng địch bất ngờ tấn công. Phải động viên tinh thần chiến đấu quả cảm của đảng viên và chiến sĩ, quyết tiêu diệt quân thù.

---------------------
        1. Trích mệnh lệnh trang 103, Bút ký chiến sự lục, Khu II, Phòng lưu trữ, Văn phòng Bộ Quốc phòng.

        2. Số 254B phố Thuỵ Khuê.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:36:48 pm »


        Sáng ngày 6 tháng 1 năm 1947 bầu trời Giảng Vũ mù mịt, mưa rơi lâm râm trùm xuống xóm làng, gió heo may thổi qua các ngõ. Từ những mái rạ, khói xanh toả lên như những buổi sớm mai thường lệ. Bỗng, từ phía đầu làng có tiếng súng nổ, tiếng hò hét, tiếng gọi nhau ơi ới: “Tây đến! Tây mặc quần áo giả đồng bào! Tây tấn công! quay trở lại đi!”. Ngay lập tức đại đội 134 lao ra bờ tre bố trí chiến đấu. Nhưng giặc Pháp đã ập vào làng. Tiểu đội nữ cứu thương cũng dùng lựu đạn dao găm, mã tấu xông ra đánh giáp lá cà với giặc. Đồng chí Thập, một “chiến sĩ nấu ăn” bỏ cả nồi niêu cầm dao thái thịt nhảy ra đâm chém vật lộn với giặc. Q. là liên lạc viên của đơn vị đang tuổi vỡ tiếng vốn dĩ hiền lành. Hàng ngày anh em vẫn gọi là “Q. tồ”. Nhưng khi giặc đến, Q. nhanh như cắt dùng lựu đạn giết chết mấy tên địch xông vào bắt mình. Quân giặc bị đánh bật ra khỏi bờ tre. Chúng bắt đầu kêu gào pháo binh, súng cối của chúng bắn yểm hộ. Bọn địch để lại một bộ phận nhỏ nổ súng ở chính diện thu hút lực lượng ta. Còn phần lớn lực lượng chia làm hai mũi đánh thúc vào bên sườn và phía sau làng Giảng Vũ. Xe tăng, xe bọc sắt của địch tiến đến rìa làng gầm rú ra oai, bắn yểm hộ cho bộ binh tiếp tục đến. Đạn lửa cửa giặc lao vun vút vào những mái nhà êm ấm của đồng bào. Xóm làng Giảng Vũ bốc cháy. Khói lửa rực lên nghi ngút cả vòm trời. Những người dân còn ở lại đây đã tay dao, tay búa cùng bộ đội xông ra vật lộn với giặc. Ba lần giặc Pháp vào làng, ba lần để lại hàng chục xác chết. Số sống sót quay đầu rút chạy. Các chiến sĩ quyết tử dùng bom ba càng xông lên đánh xe tăng, xe thiết giáp của địch. Các chị em phụ nữ cứu thương bò chỗ này, lăn chỗ khác cõng thương binh đưa vào giữa làng. Chị em cấp dưỡng chiến đấu như những chiến sĩ xung kích. Trong vòng vây của giặc, vừa chiến đấu các chiến sĩ vừa nghe tiếng hát bài “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ ca” từ loa phóng thanh của các tổ tuyên truyền vọng lại, ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc anh hùng. Tiếng hát vẫn vang qua khói lửa. Nhưng, những người con anh dũng đang chiến đấu trong làng Giảng Vũ mỗi lúc một vắng dần. Có đồng chí trước khi vĩnh biệt cuộc sống chiến đấu đã nhắn nhủ với bạn rằng: “Quyết chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam độc lập”. Đến gần trưa, cả tiểu đội nữ cứu thương chỉ còn một người con gái làng Lai Xá, Hà Đông. Lúc đó rải rác khắp làng Giảng Vũ đã có tới trên 50 xác những tên lính Pháp mù quáng và tàn bạo chết thê thảm trước những mũi súng, lưỡi dao căm hờn của bộ đội và nhân dân. Trong khi đó một trung đội của tiểu đoàn 145 bố trí ở làng Ngọc Khánh cách Giảng Vũ 500 thước về phía tây bắc, bị địch khống chế mạnh không thể nào tiếp viện cho Giảng Vũ được.


        Vũ Công Định, đại đội trưởng đại đội 134, bị thương gãy đùi. Anh giữ trong người mấy quả lựu đạn, một khẩu súng ngắn, một khẩu tiểu liên “Sten”. Vũ Công Định hạ lệnh cho đại đội dưới quyền chỉ huy của chính trị viên Lê Trí Thực phá vây rút lui về phía nam để bảo toàn lực lượng. Chính trị viên và các chiến sĩ vì căm thù quân giặc và tình thương yêu đồng chí nên không nghe lời anh, đòi cáng anh cùng rút theo đơn vị. Anh quyết không bằng lòng, bám chặt vị trí chiến đấu. Vì phải bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài nên không thể trù trừ được, Lê Trí Thực và các chiến sĩ vô cùng xúc động chia tay anh, rồi nhanh chóng phá vây rời khỏi làng Giảng Vũ. Quân địch phát hiện ta rút, chúng cho xe tăng, xe bọc sắt đuổi theo... Vũ Công Định cố lê ra bắn cản địch lại. Bọn giặc xông tới định bắt sống anh. Giữa lúc đó, anh thấy người con gái làng Lai Xá ở lại cùng anh chiến đấu. Gần chục tên giặc nữa phải chết gục trước mũi súng của hai người, và tiếng lựu đạn cuối cùng đã làm tan xác những tên giặc man rợ định xông đến bắt họ. Vũ Công Định và người con gái làng Lai Xá, người nữ cứu thương cuối cùng của đại đội 134, đã anh dũng vĩnh biệt xóm làng Giảng Vũ.

        Phía cuối làng, Lê Trí Thực và các chiến sĩ vẫn bị giặc Pháp đuổi theo bắn rất rát, lại bị bọn phản động núp dưới lá cờ Thiên Chúa giáo và cờ ngoại quốc ở gác chuông Nhà thờ Nam Đồng bắn chặn trước mặt, thương vong mỗi lúc một tăng thêm. Không thể để đơn vị tổn thất hơn nữa được, Lê Trí Thực hạ lệnh cho trung đội trưởng trung đội cũng đang bị thương ở đùi tiếp tục chỉ huy bộ đội rút lui. Anh dừng lại ở một cái cổng, nổ súng bắn cản bước tiến của địch. Cũng như Vũ Công Định, anh chiến đấu đến khi hết đạn. Khi quân địch xông tới định bắt sống anh, anh rút quả lựu đạn cuối cùng, một tiếng nổ bất ngờ như tiếng thét căm hờn. Mấy con quỷ khát máu gục xuống vũng bùn và từ giờ phút ấy, chính trị viên Lê Trí Thực cũng không còn nữa. Lực lượng còn lại của đại đội 134 rút lui an toàn về vị trí phòng ngự mới phía nam làng Giảng Vũ. Buổi chiều hôm đó, Bộ chỉ huy mặt trận chỉ thị cho Liên khu II chuẩn bị lực lượng, ngay trong đêm, tiến vào tập kích địch, chiếm lại Giảng Vũ. Nhưng giữa lúc trời chiều xám nghịt, sắp nhường lại cho một đêm tối mịt mùng, mưa nặng hạt, gió rét thấu xương thì giặc Pháp lục tục kéo nhau cuốn xéo khỏi Giảng Vũ trở về nhà Đúc tiền, nơi chúng hùng hổ ra đi với ý định thâm độc tiến hành một cuộc tàn sát đẫm máu. Khi chúng trở về thì lếch thếch, tả tơi với hàng chục cáng thương đầy xác chết. Trong lòng binh lính nặng trĩu một nỗi lo âu và run sợ trước tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân xóm làng Giảng Vũ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:37:09 pm »


        Để tưởng niệm chiến công anh dũng của những người con bất khuất, Bộ Tổng chỉ huy đã truy tặng Vũ Công Định, Lê Trí Thực và một số chiến sĩ Huân chương Chiến công, và Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ hai đã nêu gương tinh thần chiến đấu kiên cường của đại đội 134.

        Qua trận Giảng Vũ, bộ đội ta trưởng thành thêm một bước. Cán bộ, chiến sĩ có thêm kinh nghiệm. Hồi đó, mặc dầu chúng ta chưa biết bố trí phòng ngự chiến đấu liên hoàn, chưa biết tổ chức chiến hào, giao thông hào để cơ động, và chưa có công sự kiên cố để tránh pháo binh, súng cối địch oanh tạc, chưa biết tác chiến hợp đồng giữa các đơn vị... nhưng, với tinh thần chiến đấu vô cùng quả cảm của quân và dân ta, giặc Pháp đã bị tổn thất nặng nề.

        Như vậy, sau thời gian chuẩn bị, từ ngày 30 tháng 12 năm 1946 đến ngày 6 tháng 1 năm 1947, giặc Pháp đã mở 6 đợt tấn công ra các cửa ô ngoại thành. Hơn một tuần lễ quân ta chiến đấu giành đi, giật lại, giữ từng tấc đất cửa ô, đã tiêu diệt trên 300 tên địch. Giặc Pháp không những không tiến thêm được bước nào, mà còn bị đánh tan hoang, quan quân xô đẩy nhau rút chạy như trận buổi chiều trên đường Lò Lợn đi Vĩnh Tuy, bị chặn đánh quyết liệt như trận đường Đại Cồ Việt, bị phản kích bất ngờ vào sau đội hình tấn công, xe tăng giảm hiệu lực, bộ binh tan tác như trận phố Đội Cấn. Từ đó quân ta trưởng thành rõ rệt, ở làng mạc từ phòng ngự đơn giản, rải quân mành mành trong các hố chiến đấu đơn độc đã tiến tới có chiến hào, giao thông hào liên kết với nhau để cơ động. Từ chỉ biết phòng ngự phía trước mặt, tiến tới biết đề phòng bên sườn và phía sau, biết tổ chức lực lượng dự bị. Sau những trận ấy, quân và dân Hà Nội tự đặt ra những ngôn ngữ chiến thuật, có nội dung thích hợp với trình độ và nhiệm vụ lúc đó. “Ba lan thuật” tức là thuật làn sóng, hình dung như một tảng đất ném xuống nước, sóng dàn ra đập tới bờ rồi lại xô vào giữa. Địch tiến ra ta chặn địch từng bước, địch lui ta lại tiến vào bám sát địch. Địch đánh ta không rút lui một đợt dài. Địch lui ta cũng không rời một bước chân. Dần dần lợi dụng sơ hở của địch, quân ta phát triển tới thuật “xoáy trôn ốc” đã làm cho quân địch nhiều phen tan xác. Địch tấn công, ta ngăn chặn địch từng bước, cơ động chủ lực đánh quặt vào sau lưng chúng. Địch tiến ra chiếm đóng thêm vị trí mới, ta luồn vào hoạt động du kích sau lưng chúng.

        Thật vậy, sau 19 ngày thử lửa, vòng vây bên ngoài đã ngăn chặn địch từng bước, luôn luôn chủ động biệt kích, tập kích, đánh tỉa, tiêu hao sinh lực địch. Bên trong, Liên khu I đã anh dũng chiến đấu, kiên cường chịu đựng, và đã đánh thúc phía sau, làm cho quân địch sa lầy lúng túng, đứng ngồi không yên. Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã chiến đấu gần 100 trận, tiêu diệt gần 1.000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới của chúng. Quân và dân Thủ đô Hà Nội lớn lên về mọi mặt. Ngày 6 tháng 1 năm 1947, Đảng ủy mặt trận nhận được điện của Liên khu I gửi ra đề nghị: “Thống nhất các lực lượng vũ trang, thành lập một trung đoàn chính quy của Quân đội quốc gia Việt Nam, lấy tên là “Trung đoàn Liên khu I”, thành lập Ban chỉ huy trung đoàn Liên khu I và các cơ quan các ngành thuộc liên khu Bộ”. Được Trung ương và Bộ Tổng chỉ huy chuẩn y, Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận điện cho Liên khu I, chỉ dẫn thêm về lãnh đạo của Đảng đối với bộ đội và nhân dân, công tác ngoại giao với lãnh sự các nước còn ở trong Liên khu I. Ngày 7 tháng 1 năm 1947 là một ngày kỷ niệm sâu sắc của quân dân Hà Nội. Với hoàn cảnh chiến đấu vô cùng gian khổ và hiểm nghèo trong lòng địch, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã lớn nhanh như Phù Đổng Thiên Vương. Trung đoàn Liên khu I chính thức thành lập, lấy tiểu đoàn Vệ quốc đoàn 101 làm nòng cốt, cả thảy trên một ngàn người cả trẻ em, phụ nữ và ông già cũng tình nguyện xin nhập ngũ. Để lãnh đạo trung đoàn chiến đấu, Đảng ủy trung đoàn được thành lập do đồng chí Lê Trung Toản làm bí thư. Ở mỗi tiểu đoàn có một chi bộ Đảng. Sau đó, Đảng ủy trung đoàn Liên khu I ra nghị quyết: phát triển đảng số lên gấp đôi, làm cho các đơn vị càng tăng thêm lòng tin tưởng vô bờ bến vào sự lãnh đạo của Đảng, do đó, càng chiến đấu ngoan cường như những đội “xích vệ” của thành phố Xta-lin-grát. Từ đó, quân và dân Hà Nội chuẩn bị lập chiến công mới, nhưng cũng sẵn sàng bước vào những thử thách mới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:39:28 pm »


        Sau trận Giảng Vũ, mặt trận gần như không có trận đánh nào quyết liệt. Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Hà Nội vắt óc suy nghĩ, tìm quỷ kế mới để tấn công ta. Bên ta tranh thủ hoạt động du kích tiêu hao địch và rút kinh nghiệm những ngày chiến đấu vừa qua. Bộ Tổng chỉ huy phổ biến những nhận định tình hình và chủ trương cho Bộ chỉ huy mặt trận. Liền sau đó, Bộ chỉ huy mặt trận ra thông tri cho các đơn vị: “Hiện nay địch không hoạt động mấy là chúng dành thời gian chờ quân tiếp viện, rồi sẽ mở những cuộc tấn công từng hướng, trong thúc ra, ngoài đánh ập vào... Các cấp chỉ huy phải thực hiện ngay chiến thuật du kích để tiêu hao chúng, đừng để cho bộ đội ta mắc vào “hoãn binh chi kế”1. Ngoài ra còn có những thông tri hướng dẫn tỉ mỉ cho các tiểu đoàn ở ngoài hoạt động phối hợp chặt chẽ với Liên khu I: “Phải lựa chọn một số đội viên chiến đấu (Vệ quốc đoàn và tự vệ) bình tĩnh, can đảm, nhanh nhẹn, chia ra làm từng tổ du kích năm, bảy người (một tổ phải có ba hay hai anh em tự vệ thuộc đường lối trong khu phố) mang theo ba ngày lương thực, ba súng trường còn toàn dùng lựu đạn và đao kiếm, đi vào từng khu phố, chia nhau chiếm các nhà, nhưng phải có liên lạc mật thiết..., phải chỉ định khu vực hoạt động của từng tổ một. Mỗi khi quân địch đi qua là phải săn giết. Lúc địch mang xe tăng đến vây thì các đội viên phải tìm chỗ kín ẩn nấp để khỏi tổn thương. Nhưng mỗi khi có bộ binh hay Việt gian, thổ phỉ tới thì lại phải tìm cách tiêu diệt chúng”2. Để chuẩn bị đối phó với các đợt tấn công mới của giặc Pháp, sau khi được Bộ Tổng chỉ huy đồng ý, Bộ chỉ huy mặt trận điều động tiểu đoàn 45 và 64 (thuộc trung đoàn 9 và 13) ở Hà Đông và Sơn Tây tăng cường cho Hà Nội. Giai đoạn này, trừ trung đoàn Liên khu I thì bên ngoài ta có 7 tiểu đoàn, luân phiên nhau chiến đấu, nghỉ ngơi và luyện tập: “Tập đánh du kích, tập xung phong, tập báo động, tập phòng không”3. Ngoài việc tự rèn luyện mình, các tiểu đoàn còn cử cán bộ về các xã ngoại thành huấn luyện quân sự, truyền đạt kinh nghiệm chiến đấu cho dân quân tự vệ. Liên khu I tranh thủ huấn luyện cho những thanh niên mới nhập ngũ, mở các lớp ngắn ngày đào tạo tiểu đội trưởng, bồi dưỡng chính trị viên trung đội, mở lớp học Điều lệ Đảng cho đảng viên mới. Mọi việc tác chiến, huấn luyện, tổ chức, v.v... đã bắt đầu đi vào nền nếp.

        Song song với công tác tổ chức và huấn luyện, các tổ du kích của các liên khu tăng cường hoạt động, luồn từ nhà này qua nhà khác, bắn tỉa những tốp giặc đi lại ngoài đường, hoặc bò tới sát vị trí của chúng, thình lình bắn tỉa những tên lính gác, lính tuần tra, phục kích ở những đoạn đường mà bộ binh, cơ giới, xe lửa của địch hay đi lại, đánh địch bằng mọi hình thức, làm cho chúng không thể nghỉ ngơi an toàn. Ngoài ra, Bộ chỉ huy mặt trận tiếp tục tung một lực lượng vào hoạt động suốt dọc đường phố Bạch Mai, phố Huế cắt đứt giao thông liên lạc của địch, quấy rối, nghi binh, phá hoại làm cho quân địch phải nơm nớp lo sợ. Phóng viên hãng thông tấn AFP đã viết một bài phóng sự với đầu đề “Cuộc chiến tranh kỳ dị ở Hà Nội”. Bài này tờ báo “Chiến thắng” của Liên khu I đã đăng lại toàn văn: “Tôi thấy những người Pháp chết như thế nào dưới súng đạn Việt Nam ở hậu tuyến Hà Nội hay ở những trận kỳ dị ngay giữa trung tâm thành phố, ở một góc đường hay dưới những làn đạn tiểu liên bắn theo dọc đại lộ. Trong cuộc chiến tranh kỳ dị này người ta có thể chết một cách dễ dàng và bất kỳ nơi nào, lúc nào mà người ta không thể biết được”.

        “Chúng tôi, một nhóm nhà báo lần mò tới đường Hàng Lọng, một vùng đã bị càn quét. Chúng tôi gặp một đại uý, ông chỉ cho xem một lô cốt vừa làm xong, có tin một người lính Pháp vừa bị bắn chết, ông ra lệnh cho xe thiết giáp tới chở xác. Chiếc xe đó tiến tới gần lô cốt, không sự gì xảy ra. Nhưng khi mấy người lính xuống vực xác lên xe thì... một loạt tiểu liên không biết từ đâu nổ ra. Một người lính Pháp khác bị bắn nát sọ. Thành ra mang xe đi định lấy một xác về lại hoá hai”. Phóng viên này đã nói lên một phần sự thật.

----------------------
        1, 2. Trích Thông tri ngày 8 tháng 1 năm 1947, trang 105, Bút ký chiến sự lục, Khu II, Phòng lưu trữ, Văn phòng Bộ Quốc phòng.

        3. Trích thông tri ngày 9 tháng 1 năm 1947, trang 106, Bút ký chiến sự lục, Khu II, Phòng lưu trữ, Văn phòng Bộ Quốc phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:39:49 pm »

        Chiến thuật du kích của ta đã làm cho giặc Pháp sa lầy, lúng túng như bị vướng vào giữa giàn gai mây, càng giãy giụa, gai mây càng bám chặt. Tình hình ấy làm cho bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp ở Hà Nội ngày đêm lo sợ, nóng lòng chờ quân tiếp viện từ chính quốc đưa sang.

        Trong khi đó quân và dân Thủ đô Hà Nội ngày càng dày dạn và trưởng thành. Đến ngày 13 tháng 1 năm 1947, một tin mừng nữa theo làn sóng điện đến với Liên khu I. Bộ chỉ huy mặt trận báo tin: Hội nghị quân sự toàn quốc họp ngày 12 tháng 1 năm 1947 quyết định tặng “Trung đoàn Liên khu I” danh hiệu “Trung đoàn Thủ Đô”.

        Trung đoàn Thủ Đô ra đời, sức chiến đấu của Liên khu I càng mạnh mẽ hơn. Đó là một thắng lợi đặc biệt. Đội quân mới sơ sinh chiến đấu trong lòng giặc, không những không bị tiêu diệt mà còn lớn lên nhanh chóng, chính bản thân các chiến sĩ cũng không lường trước được. Trong thời gian này, Liên khu I bắt đầu gặp nhiều khó khăn về thực phẩm. Đồng chí Hoàn có điện vào: “Trung đoàn đừng ăn đỗ xanh, lấy đỗ xanh ngâm thành giá để bộ đội ăn thay rau tươi. Những ngày mới nổ súng, ta dùng bao tải đựng đường xây đắp “ba-ri-cát”, bây giờ tìm những bao đường ấy, lấy cho bộ đội ăn để bảo đảm sức khoẻ”. Bức điện tuy ngắn ngủi nhưng đã bao hàm sự quan tâm săn sóc của Trung ương Đảng đối với quân và dân Liên khu I, chứa đựng một lòng yêu thương sâu sắc của tình đồng chí trong đại gia đình cách mạng. Những điều đó cũng ảnh hưởng sâu sắc tới các cán bộ trực tiếp chỉ huy mặt trận.

        Có những đêm, trời tối mịt mùng, gió bấc rét thấu xương, đồng chí Trần Quốc Hoàn, đồng chí Nguyễn Văn Trân cùng các đồng chí trong Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội vượt qua đê Yên Phụ ra bờ sông phía bắc Hà Nội, đứng nhìn hồi lâu về trung tâm Thủ đô yêu dấu. Ở đấy có Liên khu I quật cường và anh dũng. Nước sông Hồng vẫn cuồn cuộn chảy, các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân cùng với Bộ chỉ huy mặt trận đứng trên bãi cát bờ sông bàn bạc với nhau tìm thêm một cách khắc phục nữa là dùng bè chuối để thả gạo, thả rau trôi xuôi, rồi điện cho quân dân Liên khu I ra vớt. Sau đó, ý định này được anh em dân quân tự vệ ngoại thành tích cực thực hiện để tiếp tế cho Liên khu I. Ở Lãng Bạc có một tiểu đội nữ giao thông, những người con gái lao động ở phía tây bắc Hà Nội mang sẵn trong người một dòng máu của anh hùng Trưng nữ thuở xưa, quyết chống quân xâm lược, bất chấp mọi gian nan, ngày ngày đánh giặc, đêm đêm đeo bao gạo, tay nải, ba lô rau tươi... luồn qua gầm cầu Long Biên, tiếp tế cho Liên khu I, mặc dầu giặc Pháp rào dây thép gai ở chân cầu, xích chó để gác thay cho lính, bắn súng máy, súng cối để uy hiếp, chiếu đèn pha để kiểm soát. Đêm đêm chị em vẫn vượt qua muôn vàn nguy hiểm chuyển tới quân dân trong liên khu hàng chục tấn gạo và thực phẩm, hàng trăm bức thư tâm tình và những tặng phẩm của nhân dân từ những vùng hậu phương xa xôi. Tuy vậy, tình hình lương thực ở Liên khu I ngày vẫn gặp nhiều khó khăn. Từ các nơi dồn về mấy phố phường nhỏ hẹp trên một vạn người, chưa nói đến gạo ăn mà nước uống cũng thiếu. Các giếng nước đều cạn. Đứng trước tình hình như vậy, mặt khác căn cứ vào mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Liên khu I, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Trân - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến thành phố Hà Nội, đại diện cho chính quyền và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội, cùng với đồng chí Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tới Ô Chợ Dừa gặp các viên lãnh sự Trung Hoa (Tưởng Giới Thạch), lãnh sự Anh, Mỹ để điều đình việc hai bên Việt, Pháp tạm ngừng bắn vào ngày 15 tháng 1 để các ngoại kiều và nhân dân Việt Nam còn ở lại trong thành phố được công khai rút ra ngoài. Sau đó đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Bộ chỉ huy mặt trận điện vào Liên khu I: “Giặc Pháp âm mưu tiêu diệt chúng ta trong 24 tiếng đồng hồ. Nhưng, ngược lại, chúng ta đã tiêu hao giặc và giam chân chúng ở Hà Nội được gần một tháng, như vậy là chúng ta đã thắng lợi. Nay chỉ cần để lại 500 người. Còn tất cả rút ra hết để giải quyết khó khăn về tiếp tế và nước uống”. Nhận được điện, Đảng ủy Liên khu I đã có chủ trương lãnh đạo bộ đội và nhân dân chọn người ở lại, thành lập đội quyết tử. Ngày 13 tháng 1 năm 1947, đội quyết tử của Trung đoàn Thủ Đô được thành lập, ngày 14 tháng 1 năm 1947 làm lễ tuyên thệ tại Rạp hát Tố Như1 phố Hàng Bạc. Đảng ủy Liên khu I quyết định đưa 3.500 thanh niên, tự vệ cùng với nhân dân rút ra khỏi Liên khu I. Ngay đêm hôm đó đã có một số đi theo gầm cầu Long Biên vượt ra.

-----------------
        1. Nay là Rạp Chuông Vàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:44:36 pm »


        Ngày hôm sau, 15 tháng 1, hơn 6.000 đồng bào và ngoại kiều tản cư công khai theo đường Hàng Đậu lên Yên Phụ. Hàng ngàn chiến sĩ Liên khu I được chỉ định trước đã cải trang đi lẫn vào nhân dân để ra ngoài. Rời Thủ đô yêu dấu, rời tiền tuyến sôi nổi và anh dũng, nhiều chiến sĩ dùng dằng lưu luyến không muốn đi. 3.500 thanh niên tự vệ ra ngoài thành lập một tiểu đoàn sau này mang danh hiệu: “Tiểu đoàn Bình Ca”. Còn lại, một số được cử đi học lớp quân chính Vị Thuỷ, một số vào Trường du kích Hoàng Diệu, một số vào các cơ quan quốc phòng hoặc trở về công tác cũ. Trung đoàn Thủ Đô nhận mệnh lệnh kiện toàn tổ chức sẵn sàng chiến dấu với những hoàn cảnh gay go quyết liệt hơn. Nhưng do lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân, mặt khác cũng do kiểm tra không chặt chẽ, nên một số anh chị em đã lẩn tránh tìm mọi cách để được ở lại Liên khu I. Lúc đó số người của Trung đoàn Thủ Đô không phải là 500, mà vẫn còn 1.200 người trong đó có hơn 200 phụ nữ, hơn 100 thiếu nhi. Khó khăn về tiếp tế đối với Liên khu I đã giải quyết được nhiều nhưng chưa phải là đã hết.

        Trong giai đoạn giặc Pháp ở Hà Nội dừng lại củng cố chờ quân tiếp viện, thì mâu thuẫn giữa rải quân ra chiếm đóng giữ đất với tập trung quân để tấn công, đối với chúng ngày càng nổi bật. Trước tình hình đó trong Bộ chỉ huy mặt trận đã nảy ra ý kiến phản công tiêu diệt sinh lực địch, chiếm lại một phần thành phố Hà Nội với kế hoạch: “Tấn công kiềm chế địch ở các hướng Ô Cầu Dền, Kim Liên, Ô Chợ Dừa, Đội Cấn. Còn phần lớn chủ lực tập trung đánh dồn dập vào Phà Đen, Đồn Thuỷ, xong phát triển tạt ngang sang Trại Vệ quốc đoàn Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đấu Xảo”. Sau khi đối chiếu với phương châm chỉ đạo tác chiến của Trung ương và tính toán lực lượng thì thấy: tuy bộ đội ta đã lớn mạnh về mọi mặt, nhưng về quân số và binh khí kỹ thuật của địch vẫn còn mạnh hơn ta gấp bội; về hệ thống phòng ngự, chúng đã được củng cố, tổ chức chu đáo hơn trước. Sức ta chưa đủ để phản công chiếm lại Hà Nội, nên Bộ chỉ huy vẫn giữ quyết tâm: “tiếp tục chiến đấu giam chân địch...”. Bộ chỉ huy giao nhiệm vụ cho các đơn vị:

        - Tiểu đoàn 145, do đồng chí Trắc Vi Nam chỉ huy, phụ trách khu vực Phúc Xá sát sông Hồng cho tới Bưởi, Đội Cấn, giáp đường đi Sơn Tây.

        - Tiểu đoàn 523, do đồng chí An Giao chỉ huy, phụ trách từ đường Sơn Tây đến đê La Thành, gồm cả đường đi Hà Đông giáp Kim Liên.

        - Tiểu đoàn 64, do đồng chí Quốc Linh chỉ huy, phụ trách vùng Kim Liên (con đường số 1 đi Nam Định) tới Việt Nam học xá1.

        - Tiểu đoàn 212, do đồng chí Hồng Kỳ chỉ huy, phụ trách từ Việt Nam học xá, qua chợ Mơ đến Vĩnh Tuy.

        - Tiểu đoàn 77 do đồng chí Hoàng Kiện chỉ huy, làm đội dự bị của Liên khu II, bố trí ở phía sau, giữa hai tiểu đoàn 64 và 212.

        - Tiểu đoàn 56, do đồng chí Anh Đệ chỉ huy, làm đội dự bị của Liên khu III, bố trí ở Trường bay Bạch Mai sau tiểu đoàn 523.

        Chỉ huy sở cơ bản của mặt trận từ Mễ Trì chuyển về Tây Mỗ. Toàn mặt trận nội, ngoại tuyến đều ra sức, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với những tình huống gay go quyết liệt hơn.

        Nhưng ngày 15 tháng 1, chẳng kể gì đến những điều giữa hai bên đã thoả thuận, giặc Pháp đã lợi dụng giữa lúc các ngoại kiều và đồng bào trong Liên khu I rút ra ngoài, chúng bất ngờ mở một cuộc tấn công quy mô lớn về phía nam Hà Nội. Khắp mặt trận, cuộc chiến đấu ác liệt lại bắt đầu lần lượt tiếp diễn...

        “Tránh mạnh, đánh yếu, bảo toàn chủ lực...”.

        Thủ đô kháng chiến đã được gần một tháng. Đồng chí Tổng chỉ huy biểu dương chiến công đặc sắc của quân và dân Hà Nội. Gần một tháng giặc Pháp bị “mắc nghẽn”, “sống dở”, “chết dở”, “sa lầy”, lúng túng với một cuộc “chiến tranh kỳ dị”... Phía ta, Trung ương Đảng và Chính phủ đã về căn cứ địa để lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Kho tàng, công xưởng đã chuyển về chiến khu. Hậu phương đã nhất tề đứng lên động viên toàn diện chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Hồi đó cũng như bây giờ giặc Pháp không sao giải thích nổi: “Vì sao chúng đã sa lầy”, mà chúng chỉ biết gọi đó là cuộc “Chiến tranh kỳ dị!”.

------------------------
        1. Nay là Trường đại học Bách khoa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:45:00 pm »


        Bước sang giai đoạn mới, quân và dân Thủ đô Hà Nội sẵn sàng chịu đựng những thử thách gay go quyết liệt hơn.

        - Tránh mạnh, đánh yếu, chặn địch từng bước, nhưng vẫn phải tiếp tục giam chân địch.

        - Tiêu hao địch nhưng vẫn phải bảo toàn lực lượng.

        “Bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài”, đó là phương châm chỉ đạo của Đảng mà đồng chí Tổng chỉ huy luôn luôn nhắc nhở quân và dân Thủ đô Hà Nội. Sau những chiến thắng đầu tiên ta đã làm cho giặc Pháp phải giật mình kinh hoảng, quân và dân Thủ đô Hà Nội vẫn muốn dốc hết sức mình quật cho chúng những đòn quyết định. Nói đến việc tránh đem chủ lực của ta đương đầu với chủ lực của địch, nhiều cán bộ chiến sĩ không bằng lòng, cho là rụt rè, e ngại. Nói đến việc tránh mạnh đánh yếu, chặn địch từng bước thì trong lòng nhiều người cũng còn áy náy băn khoăn. Nhưng lúc đó nếu đem chủ lực của ta đương đầu với chủ lực của địch theo kiểu “chọi trâu” là một điều hoàn toàn không có lợi, là mắc phải âm mưu của chúng.

        Thử thách mới sắp đến! Để bảo toàn lực lượng phục vụ cho chiến đấu lâu dài, Bộ chỉ huy tiếp tục chỉ thị cho các đơn vị triệt để dùng thuật “tị thực kích hư”, tránh không đương đầu với địch mạnh ở trước mặt mà rẽ sang hai bên nhằm chỗ yếu đánh vào bên sườn và sau lưng địch. Thực hiện thuật “ba lan”, thuật “xoáy trôn ốc”, thuật “nghi binh” làm cho địch phải dùng nhiều sức lực đánh vào chỗ không người.

        Ngày 15 tháng 1 lại một lần nữa đế quốc Pháp vỗ trắng chữ ký của mình, lợi dụng lúc ta ngừng bắn để đồng bào trong Liên khu I rút theo phía bắc ra ngoài thành phố thì chừng trên 1.000 quân Pháp cùng khoảng 150 cơ giới các loại tấn công về phía nam Hà Nội với âm mưu tiêu diệt chủ lực của ta, mở rộng phạm vi chiếm đóng.

        Khác với mọi lần, lần này khi mặt trời đã lên cao, ánh nắng sớm mai lung linh trên những ngọn tre ở làng mạc ngoại thành, anh chị em dân quân tự vệ Thanh Nhàn và Lương Yên đã cùng bộ đội nổ súng chặn địch tấn công. Trong phút chốc, trên 20 tên giặc bị tiêu diệt, quân ta thu được 4 súng trường. Bên ta chỉ có một vài Vệ quốc quân và dân quân bị thương nhẹ. Hai toán địch bị đánh phủ đầu bất ngờ, chúng vội vã rút lui về hướng Lò Lợn và Ô Đống Mác. Trên trời chiếc máy bay “bà già” “bành bạch” nghiêng ngả chỉ điểm cho pháo binh, súng cối bắn đổ hồi xuống hai bên bờ để yểm hộ cho bộ binh địch tiếp tục lò dò tiến lên nổ súng. Nhưng đến 9 giờ địch vẫn bị chặn lại ở Thanh Nhàn và Lương Yên. Lúc này số thương vong của ta đã tăng thêm. Giặc Pháp cho một ca nô chở một trung đội từ Phà Đen xuôi dòng sông Hồng bất ngờ đổ bộ vào ngay sườn ngã ba Vĩnh Tuy. Quân ta ở Thanh Nhàn chống cự với địch từng bước. Đến 11 giờ trưa hai cánh quân của chúng siết chặt vòng vây xung phong lên Vĩnh Tuy thì ở đó chỉ còn lại những hầm hố nham nhở, còn quân ta đã rời khỏi Vĩnh Tuy từ lúc nào mà địch không rõ. Giặc Pháp tập trung quân ở Vĩnh Tuy lòng đầy hậm hực, lập tức chúng tiến quân định bao vây cất vó cơ quan chỉ huy tiểu đoàn 212 ở ngã tư Trung Hiền. Địch chia làm hai toán, một toán qua Mai Động, Hoàng Mai chiếm trại Hàn Lâm, một toán qua Quỳnh Lôi đánh vào ngã tư Trung Hiền, phối hợp với một cánh quân từ Ngã Tư Vọng đánh tạt từ phía tây vào sau lưng quân ta. Ba mặt hợp vây, giặc Pháp tưởng như sẽ “cất vó” được quân ta. Nhưng một đại đội của ta ở Tương Mai, Hoàng Mai, Quỳnh Lôi bám chặt ria làng ngăn chặn tiêu diệt hơn 40 tên giặc. Bên ta 20 Vệ quốc quân và tự vệ bị thương vong. Các chiến sĩ ngoan cường chặn địch bảo vệ cho chỉ huy sở của tiểu đoàn 212 rời an toàn về Yên Duyên phía nam ngã tư Trung Hiền 2.500 thước. Bốn giờ chiều, khi quân địch xung phong lần cuối cùng vào các làng mạc xung quanh ngã tư Trung Hiền thì ở đó chỉ còn lẻ tẻ một vài tự vệ chống cự nghi binh. Chủ lực của ta đã rời khỏi khu vực đó từ lâu. Một lần nữa giặc Pháp lại dồn sức lực xung phong vào chỗ trống. Trời về chiều, binh lính Pháp bắt đầu lo sợ, hấp tấp khênh những tên chết và bị thương ở rải rác khắp nẻo đường, khắp cánh đồng tập trung về ngã tư Trung Hiền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:45:29 pm »


        Phía Ngã Tư Vọng, giặc Pháp cũng vấp phải sự chống cự vô cùng quả cảm của quân ta. Hơn 100 xe cơ giới các loại cùng bộ binh từ Ô Cầu Dền theo đường Đại Cồ Việt qua Kim Liên tấn công xuống nhà thương Vọng. Ở đấy, ta có một đại đội thuộc tiểu đoàn 64 ngăn chặn địch.. Khẩu súng máy Hốt-kít đặt ở góc nhà thương Vọng bắn quét vào bộ binh địch. Chúng phải dừng lại suốt 3 tiếng đồng hồ. Đến 9 giờ, chúng cho xe tăng, xe bọc sắt đi hai bên đường, thổ phỉ, Việt gian rồi đến lính Pháp đi giữa. Súng trường, súng máy của ta bắn vào thành xe tăng vô hiệu quả, nhưng chúng ta cũng không có một thứ súng nào khác để bắn xe tăng. Tới nhà thương Vọng, bọn Việt gian và thổ phỉ trá hàng. Quân ta thiếu cảnh giác, tưởng thật, có bộ phận rời vị trí ra tiếp nhận. Thình lình chúng trở súng bắn trả lại. Bộ binh địch ở phía sau xung phong ập tới. Từ giờ phút ấy ở nhà thương Vọng, ta và địch vật lộn, đâm chém, giành nhau từng căn nhà, từng bức tường. Có chiến sĩ vung mã tấu chém lia lịa làm cho địch không kịp bắn. Có chiến sĩ bị địch xúm lại vật ngã, đồng chí đó đã rút kíp lựu đạn giết năm, bảy tên giặc một lúc và mình cũng hy sinh. Xe tăng, xe bọc sắt của địch gầm rú, bắn phá dữ đội. Bộ binh địch xung phong liên tiếp, nhưng vẫn chưa chiếm được nhà thương Vọng. Chúng lại tập trung chừng 300 quân từ Trung Phụng, phía tây bắc Kim Liên, băng qua cánh đồng rồi chia làm hai toán: một toán đánh xuống Khương Thượng, cản đường tiếp viện của ta, một toán qua xóm Trại, Phương Liên đánh vào sườn phía tây nhà thương Vọng. Từ ba mặt, giặc Pháp liên tiếp xung phong vào nhà thương Vọng. Mặc dầu đã có hơn 30 cán bộ, chiến sĩ thương vong, các chiến sĩ ở đây vẫn không hề nao núng. Xe tăng địch húc vào tường. Một chiến sĩ ôm bom ba càng từ trong nhà lao vút ra. Thình lình một tiếng nổ dữ đội. Xe tăng của địch bốc cháy. Bộ binh địch lại xô nhau lùi ra. Các chiến sĩ khác ở trên tầng gác ném lựu đạn, bắn súng trường làm bọn chúng chết ngổn ngang. Đánh mãi vẫn không chiếm được, hàng chục tên địch phải bỏ xác tại nhà thương Vọng. Quân địch để lại một bộ phận tiếp tục bao vây tấn công, còn phần lớn lực lượng tiến xuống gần Ngã Tư Vọng chia làm hai toán. Một toán đánh tạt sang ngã tư Trung Hiền phối hợp với cánh quân ở Vĩnh Tuy vào, rồi tiến lên chạm trán với quân ta ở Việt Nam học xá. Cuộc chiến đấu ở đó cũng không kém phần quyết liệt như ở nhà thương Vọng. Một toán đánh vào phía đông Trường bay Bạch Mai phối hợp với cánh quân từ phía tây nhà thương Vọng tạt xuống. Hai trung đội thuộc tiểu đoàn 523 chặn địch từng bước, tới Khương Trung giặc Pháp bị ta bắn chết hơn 20 tên. Chúng phải lui về Trường bay Bạch Mai. Ở nhà thương Vọng và nhà vô tuyến điện, quân ta vẫn ngoan cường cố thủ. Để bảo toàn lực lượng, lúc trời vừa tối nhập nhoạng, các chiến sĩ ta ở nhà thương Vọng và nhà vô tuyến điện vượt khỏi vòng vây của địch, rút lui an toàn.

        Một ngày “đấm vào không khí” vừa hao tổn sức lực, vừa chán nản, giặc Pháp dừng lại thu dọn hàng trăm xác lính chết rải rác khắp chiến trường.

        Ngay trong đêm 15 tháng 1, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho các tiểu đoàn 523, 56 và 212 dùng những bộ phận ban ngày chưa phải chiến đấu vòng vào sau lưng địch, tấn công Ô Chợ Dừa, ga Hàng Cỏ, Ô Cầu Dền, phố Mai Hắc Đế. Tiểu đoàn 145 tấn công về phía thuỵ Khuê, Ngọc Hà. Vào khoảng gần nửa đêm, Hà Nội lại vang rền tiếng súng. Thỉnh thoảng có một tiếng bom nổ dữ đội, bốc lên từng đám cháy đỏ rực thành phố.

        Ngày 16 tháng 1, chỉ có một toán địch từ Ô Chợ Dừa định tiến thẳng nối liền với toán quân ở Ngã Tư Sở. Nhưng tới gò Đống Đa bị chặn lại quyết liệt, quân địch phải đi vòng đường cánh đồng để bắt liên lạc với bọn ở Ngã Tư Sở.

        Hai ngày giặc Pháp tập trung sức lực định tiêu diệt chủ lực ta thì hai ngày giặc Pháp phải “hao binh, tổn tướng” xung phong vào chỗ không người, với kết quả là gần 200 tên vừa chết vừa bị thương, 2 xe tăng và 3 ô tô vận tải bị phá hủy. Bất cứ tấn công một mục tiêu nào, giặc Pháp đều vu hồi từ hai, ba mặt và khi điều kiện có thể thì chúng tránh hành binh theo đường cái (vì trên đường cái lớn ta phá hoại, đắp ụ thành chướng ngại vật) mà tiến vòng hoặc băng qua cánh đồng đánh vào bên sườn hoặc sau lưng quân ta. Nhưng lần này quân ta đã có nhiều tiến bộ về bố trí cố thủ, ngoan cường chặn địch như ở nhà thương Vọng, Việt Nam học xá, gò Đống Đa, và đã khéo léo chiến đấu cơ động, nghi binh để chủ lực của ta tránh đương đầu với chủ lực địch nhằm chỗ yếu, chỗ sơ hở để tiêu hao, tiêu diệt chúng. Nhưng nếu ngay trong đêm, khi quân địch vừa tạm dừng lại, ta biết tổ chức tập trung lực lượng mạnh tập kích bất ngờ, có trọng điểm vào những toán địch hoặc cơ quan chỉ huy của chúng đang chủ quan sơ hở thì cũng có thể tiêu diệt sinh lực địch được nhiều hơn nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:45:52 pm »


        Phối hợp với tuyến ngoài, Liên khu I đã phản công đánh bật địch ra khỏi chùa Ấn Độ, phố Hàng Khoai, sân vận động Hoa kiều... Tại khu Đông Thành, đồng chí Liễu đã cùng đơn vị của mình dùng súng trường “rơ-manh-tông” và một khẩu trung liên bắn rơi một máy bay khu trục của địch. Trong lòng Hà Nội luôn luôn có tiếng súng nổ, buộc kẻ địch phải chia sẻ một phần máy bay và một số bộ binh, cơ giới để đối phó với Liên khu I ở phía sau lưng một cách chật vật.

        Giữa những ngày ấy, có một buổi trưa đồng chí Trần Quốc Hoàn cùng Bộ chỉ huy mặt trận lại ra bờ sông Hồng phía bắc Hà Nội đứng nhìn vào Liên khu I, bàn bạc về tình hình khó khăn thiếu thốn ở trong ấy. Đồng chí Trần Hoàn nói: “Tôi dự định sẽ vào thăm Liên khu I”. Thấy các đồng chí trong Bộ chỉ huy cũng muốn vào, đồng chí Hoàn tỏ vẻ ngần ngại, nói tiếp:

        - Đồng chí Vương Thừa Vũ phải ở ngoài. Trong lúc tình thế đang quyết liệt, cả mấy người cùng vào lỡ xảy ra việc gì thì làm thế nào. Hơn nữa còn mấy tiểu đoàn ở tuyến ngoài mà chỉ huy đi cả thì không được.

        Mọi người đứng yên lặng tỏ vẻ lo lắng băn khoăn, nhưng vẫn muốn được vào thăm Liên khu I.

        Hôm ấy, Bộ chỉ huy mặt trận được tin: giặc Pháp đã đánh hơi thấy ta có một khẩu pháo 37mm và một khẩu pháo 75mm ở Thủ Khối mới chuyển sang Nam Dư Thượng, Nam Dư Hạ và chỉ huy sở của tiểu đoàn 212 cũng ở đó, chúng chuẩn bị “cất vó” quân ta. Bộ chỉ huy mặt trận cấp tốc phổ biến tình hình cho đơn vị và bố trí kế hoạch đánh lại chúng. Tình hình vẫn không có gì thay đổi, tướng tá Pháp mừng thầm ra lệnh: xuất quân! Ban đêm trời tối mịt mùng, 2 ca nô của giặc chở đầy quân lặng lẽ xuôi dòng sông Hồng. Hai giờ 30 phút sáng, giữa lúc dân làng đang ngủ say, thôn xóm mờ mờ trong đêm, 2 ca nô của địch bắt đầu nã pháo, xả súng máy vào xóm bờ sông, rồi vội vã cập bến định cho quân đổ bộ lên bờ cướp không 2 khẩu pháo của ta. Nhưng “vỏ quít dày gặp móng tay nhọn”. Một trung đội bộ binh của ta đã đào sẵn giao thông hào, chiến hào, bố trí sẵn súng máy, suốt đêm thao thức chờ đợi, trừng trị cho quân ăn cướp một đòn đích đáng. Các chiến sĩ vẫn bình tĩnh im lặng làm như trên bờ không có người. Ca nô của địch lừ lừ vào sát bờ, đột nhiên súng máy của ta nhả đạn như trút vào đầu giặc. Quân địch nhốn nháo, đứa nhảy xuống sông, đứa chết, đứa bị thương, kêu la inh ỏi trong chiếc “quan tài” nổi dập dềnh dưới mặt sông rồi chìm nghỉm. Chiếc ca nô khác vội vã rút chạy. Tuy nhiên, tướng tá Pháp vẫn còn hy vọng ở cánh quân tiến theo bờ đê với nhiều thủ đoạn nham hiểm may ra có thể “làm ăn” được chăng? Bọn thực dân xâm lược cáo già ngoài lối đánh ỷ lại vào sức mạnh của vũ khí chúng còn dùng những mưu gian chước quỷ để đối phó với ta. Chúng cho một số Việt gian và thổ phỉ mặc quần áo giả làm chiến sĩ Vệ quốc quân đem súng máy vào làng Nam Dư Thượng bố trí sẵn. Quân ta không biết, vì trước đó hơn 1 giờ ta cũng có một bộ phận đánh ca nô địch ở bờ sông rút về. Trời sáng, địch xung phong vào Nam Dư Thượng. Quân ta đang tập trung ngăn chặn địch ở phía trước, đột nhiên có súng máy bắn vào sau lưng. Biết ngay là giặc, quân ta bình tĩnh đợi chúng tới gần, lập tức nhảy lên đánh giáp lá cà. Tiếng thét của chiến sĩ ta vang khắp xóm làng. Bọn địch khiếp sợ. Sau 1 giờ vật lộn quyết liệt với giặc, hơn 20 tên địch bị diệt, bên ta hơn 10 chiến sĩ bị thương vong. Quân địch phải dãn ra. Ta phá vòng vây rút về Yên Duyên. Xe tăng, bộ binh địch đuổi theo, tiếp tục tấn công xuống Nam Dư Hạ. Chúng vừa bắn vừa tiến. Một vài chiến sĩ ta đã bị thương nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, đợi xe tăng địch đến gần, bất ngờ các chiến sĩ pháo binh ngắm qua nòng pháo bắn đổ một xe tăng địch. Súng máy của ta quét ngang sườn. Bọn địch nằm lại bắn lung tung, thu dọn xác chết rồi lục tục rút lui về Vĩnh Tuy mang theo hơn 30 tên vừa chết vừa bị thương. Thật là kẻ cướp có đi mà không về! Rất tiếc là đơn vị này không có bom mìn chôn trên đê phá hủy xe tăng địch vì đường đê cao và chật hẹp, một chiếc xe đổ là cả đoàn xe phải dừng lại.

        Để mừng một tháng kháng chiến thắng lợi của quân dân Thủ đô, phía tây bắc Hà Nội pháo binh của ta lập thêm một chiến công mới. Sau một đêm lặn lội, các pháo thủ cùng anh em dân quân đã khiêng, vác khẩu pháo 75mm vượt sông Hồng sang bố trí ở địa phận Nghi Tàm. Khoảng 2 giờ chiều ngày 19 tháng 1, khẩu pháo “ẩn hiện, bất ngờ” ấy nổ hơn 20 phát đạn vào Trường Bưởi. Trận tập kích táo bạo bằng hoả lực giữa ban ngày đã làm cho giặc Pháp bị thiệt hại nặng và thêm một mối lo sợ mới.

        Ban đêm, trong và ngoài Hà Nội tiếng súng lại nổ ran. Có nơi chỉ có một, hai chiến sĩ bỏ pháo vào thùng sắt rồi đốt rải rác suốt đêm. Địch cho là ta nghi binh quấy rối. Chúng ngủ yên không buồn bắn trả lại. Các chiến sĩ bí mật bò lọt vào giữa vị trí giặc ném lựu đạn, tẩm ét-xăng vào chăn đốt cháy vị trí rồi rút lui. Ở nội thành, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đỉnh Tháp Rùa và trên nóc nhà một số vị trí của địch ở Hàng Gai, Hàng Trống. Ở ngoại thành, cờ đỏ phấp phới trên ngọn tre, thành cầu, ụ đất chướng ngại vật. Cả Hà Nội tưng bừng kỷ niệm một tháng kháng chiến thắng lợi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM