Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:47:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Từ mặt trận Hà Nội đến các chiến trường  (Đọc 33603 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #160 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:55:25 am »


        TĂNG CƯỜNG RÈN LUYỆN CÁN BỘ CHỈ HUY VÀ CƠ QUAN CHỈ HUY CÁC CẤP CỦA ĐƠN VỊ HỢP THÀNH

        Là đầu não, trung tâm tổ chức, chỉ huy của tác chiến hiệp đồng trong chiến dịch và chiến đấu, cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy các đơn vị bộ binh giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong tác chiến hiệp đồng binh chủng.

        Trên cơ sở trình độ và kinh nghiệm hiện có, chúng ta phải tích cực phấn đấu để mau chóng nâng cao trình độ cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy lên mức có thể tổ chức, chỉ huy thành thạo việc tác chiến hiệp đồng ở cấp mình trong mọi hình thức chiến thuật và mọi tình huống chiến đấu phức tạp. Trong rèn luyện cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy các cấp, chúng ta cần chú trọng cấp tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn. Chỉ có làm cho cán bộ và cơ quan chỉ huy thành thạo chỉ huy đơn vị mình trong mọi tình huống thì mới đẩy mạnh được tác chiến tập trung lớn và bảo đảm tác chiến lớn thắng lợi.

        Trong rèn luyện cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy các đơn vị hợp thành, cần chú ý giải quyết tốt những vấn đề sau:

        Trước hết, cần làm cho cán bộ và cơ quan chỉ huy các cấp thấu suốt nhiệm vụ chiến đấu và yêu cầu chiến đấu của bộ đội chủ lực trong giai đoạn hiện nay để phát huy cao độ trách nhiệm chính trị, ra sức phấn đấu nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy tác chiến hiệp đồng. Tạo được một chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ đối với vấn đề này là điều kiện rất quan trọng để giải quyết mọi vấn đề khác trong huấn luyện cán bộ và cơ quan chỉ huy.

        Phải tích cực huấn luyện cho cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy các cấp nắm vững và chỉ huy chặt chẽ mọi lực lượng có trong biên chế và được tăng cường ở cấp mình. Muốn vậy thì vấn đề mấu chốt vẫn là phải bằng mọi biện pháp, ra sức bồi dưỡng cho cán bộ chỉ huy và cơ quan các cấp. Cán bộ binh chủng kỹ thuật phải nắm vững chiến thuật binh chủng hợp thành, và cán bộ binh chủng hợp thành phải nắm vững về cơ bản chiến thuật, kỹ thuật của các binh chủng khác như pháo binh, xe tăng, công binh, hóa học, pháo cao xạ, v.v... Thực tiễn chiến đấu đã chỉ rõ, không có hiểu biết nhất định về các binh chủng thì người chỉ huy và cơ quan chỉ huy không tài nào chỉ huy chặt chẽ và phát huy triệt để sức mạnh của các binh chủng trong chiến đấu. Cho nên, một mặt cần động viên cán bộ bộ binh tích cực tranh thủ tự học để nâng cao hiểu biết các binh chủng; mặt khác phải xác định rõ nội dung, yêu cầu học tập binh chủng của từng cấp cho phù hợp với nhiệm vụ chiến đấu và tình hình cán bộ từng đơn vị, và phải dành thời gian thích đáng và có biện pháp tổ chức chặt chẽ đối với nội dung học tập binh chủng. Cán bộ chỉ huy các binh chủng có trách nhiệm chủ động tạo điều kiện cho cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy binh chủng hợp thành hiểu biết binh chủng.

        Trong điều kiện tác chiến với quân địch có ưu thế về không quân và phương tiện cơ động như đế quốc Mỹ, việc bộ đội chủ lực thành thạo tác chiến với nhiều hình thức chiến thuật là điều kiện rất quan trọng để giữ vững và phát triển thế chủ động tiến công trong chiến dịch và chiến đấu. Vì vậy, cần huấn luyện cho cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy giỏi tổ chức, chỉ huy bộ đội chiến đấu hiệp đồng theo nhiều hình thức chiến thuật sở trường của ta. Phải làm cho cán bộ chỉ huy và cơ quan chỉ huy của ta giỏi, không chỉ giỏi chỉ huy từng hình thức chiến thuật riêng lẻ mà còn phải giỏi vận dụng kết hợp linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật trong một trận đánh lớn, trong một chiến dịch; không chỉ giỏi chỉ huy đánh đêm mà còn phải giỏi chiến đấu ban ngày, đánh địch cả dưới đất và trên không, chiến đấu liên tục ngày đêm, dưới hỏa lực máy bay, pháo binh ác liệt và cả vũ khí hóa học của địch.

        Muốn vậy, xuất phát từ nhiệm vụ chiến đấu của từng đơn vị, chúng ta cần chú ý nâng cao các mặt:

        - Năng lực tổ chức, chỉ huy bộ đội hành quân chiến đấu đường dài; năng lực tổ chức, chỉ huy bộ đội hợp thành cơ động xa, nhanh chóng, bí mật bất ngờ tiến công tiêu diệt địch.

        - Năng lực tổ chức nắm vững địch, điều động địch, chủ động tạo thời cơ và nắm vững thời cơ để đánh địch, nhất là trong tình hình địch luôn luôn biến động.

        - Năng lực tổ chức nắm vững bộ đội và chỉ huy bộ đội hợp thành hiệp đồng chặt chẽ, nhất là trong đánh vận động; năng lực chỉ huy bộ đội làm chủ chiến trường, giải quyết chiến trường.

        - Năng lực tổ chức, chỉ huy bộ đội đánh liên tục mà chủ yếu là vấn đề biết nhanh chóng thu quân, nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng, chỉ huy đánh tiếp những trận đánh mới.

        Ngoài những vấn đề trên, cơ quan chỉ huy các cấp phải tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức nắm tình hình, trình độ phân tích, tổng hợp tình hình, chủ động đề xuất ý kiến chính xác trong mọi tình huống. Cơ quan chỉ huy muốn giúp thủ trưởng chỉ huy bộ đội chiến đấu hiệp đồng tốt thì bản thân mình phải hiệp đồng tốt trong nội bộ cơ quan.

        Đi đôi với nâng cao năng lực chỉ huy, cần hết sức chú trọng rèn luyện tác phong chỉ huy, tác phong chiến đấu cho cán bộ và cơ quan chỉ huy. Cần qua thực tiễn chiến đấu và huấn luyện mà tiếp tục bồi dưỡng thật tốt các tác phong: tích cực, chủ động, kiên quyết, linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, sâu sát, tỉ mỉ, tính chuẩn xác và tính kế hoạch.

        Cần tận dụng mọi thời gian, vận dụng mọi hình thức và phương pháp để bồi dưỡng cán bộ và cơ quan chỉ huy, nhưng quan trọng nhất là phải rèn luyện trong thực tiễn chiến đấu và huấn luyện, đặc biệt là trong hợp luyện, luyện tập liên tục tổng hợp sát với yêu cầu chiến đấu. Phải đặc biệt coi trọng và tổ chức tốt hơn nữa việc học tập kinh nghiệm của Quân giải phóng miền Nam và kinh nghiệm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #161 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:55:52 am »


        RÈN LUYỆN TINH THẦN TÍCH CỰC, CHỦ ĐỘNG VÀ TINH THẦN KỶ LUẬT CAO TRONG QUÁ TRÌNH HUẤN LUYỆN

        Để bảo đảm mọi lực lượng hiệp đồng chặt chẽ trong tác chiến tập trung với quy mô lớn, đánh liên tục cao, chiến đấu diễn ra ngày càng khẩn trương và ác liệt, thì việc đề cao ý thức chủ động hiệp đồng và tinh thần kỷ luật nghiêm minh là một vấn đề đặc biệt quan trọng. Trong điều kiện tác chiến với một kẻ địch có nhiều phương tiện cơ động hiện đại và có không quân mạnh như đế quốc Mỹ, nếu không tuân thủ một quy định nhỏ để địch phát hiện, hoặc chỉ một giây phút chểnh mảng của một chiến sĩ quan sát hoặc một sự chậm trễ nhỏ của cán bộ trong việc chấp hành mệnh lệnh... thì có thể phá vỡ hiệp đồng và gây nên những hậu quả tai hại rất lớn. Vì vậy, việc tăng cường kỷ luật trong tác chiến tập trung là hết sức quan trọng.

        Sự hiệp đồng chiến đấu của quân đội ta trước hết phải dựa trên tính tích cực, chủ động của từng cán bộ và chiến sĩ trong mọi quân chủng, binh chủng. Tính tích cực, chủ động hiệp đồng biểu hiện ở chỗ mọi người đều biết lấy việc tiêu diệt địch làm lợi ích cao nhất, làm xong nhiệm vụ mình nhưng thấy bạn còn đánh là chủ động phối hợp, lấy tiếng súng làm mệnh lệnh hiệp đồng, dám nhận nhiệm vụ khó khăn nhất, nhường thuận lợi cho bạn, phát huy tinh thần thi đua cách mạng cùng giúp nhau tiêu diệt địch. Tính tích cực, chủ động hiệp đồng của quân đội ta chính là một biểu hiện của tính kỷ luật tự giác. Nó bắt nguồn từ sự giác ngộ giai cấp, ý thức căm thù địch, tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, tình hữu ái giai cấp, từ sự thấm nhuần sâu sắc tư tưởng quân sự của Đảng ta. Cho nên, để đề cao tính tích cực, chủ động hiệp đồng, chúng ta phải luôn luôn nắm vững việc lấy nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao ý chí chiến đấu, nâng cao sự quán triệt tư tưởng quân sự của Đảng làm vấn đề cơ bản nhất. Phải xây dựng cho từng cán bộ, chiến sĩ, đơn vị luôn luôn phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình theo lời dạy của Bác: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chúng ta cần làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, đơn vị thấy rõ địa vị quan trọng của mình trong guồng máy chung, xác định rõ quan hệ giữa cá nhân, đơn vị với toàn trận đánh. Trên cơ sở đó, ai ai cũng phát huy tinh thần quyết chiến quyết thắng, chấp hành bằng được nhiệm vụ trong bất cứ tình huống gay go nào. Tự giác hoàn thành nhiệm vụ của mình là yêu cầu hàng đầu của kỷ luật hiệp đồng.

        Phải xây dựng cho bộ đội có tinh thần chấp hành mệnh lệnh thật nghiêm túc. Mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên là thể hiện ý chí của Đảng. Cán bộ, chiến sĩ chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc hay không là thước đo lòng trung thành với Đảng. Trong tác chiến hiện đại, tình huống chiến đấu biến hóa rất nhanh và phức tạp, thời cơ chiến đấu xuất hiện và biến đi cũng rất nhanh, kẻ thù lại luôn luôn tận dụng mọi sơ hở của ta để đánh ta..., cho nên chỉ một sự chậm trễ, trù trừ, co giãn trong chấp hành mệnh lệnh đều có thể gây nên những hậu quả lớn. Chúng ta phải xây dựng cho bộ đội thành tập quán trong chiến đấu: hễ nhận mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên là tuyệt đối phục tùng và chấp hành khẩn trương, sáng tạo, triệt để. Sau khi nhận lệnh, chỉ được bàn để tìm biện pháp chấp hành cho nhanh, cho tốt, đúng thời gian, đúng yêu cầu. Đối với mệnh lệnh, chỉ thị trong chiến đấu, phải xây dựng cho mọi người có tinh thần dũng cảm phụ trách, có gan làm, dám chịu trách nhiệm, dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy cũng kiên quyết tìm cách thực hiện cho bằng được. Cần triệt để chống thái độ chấp hành mệnh lệnh theo kiểu “dây dưa”, “mặc cả”, “tùy tiện”... là những tác phong xấu rất có hại trong tác chiến hiệp đồng.

        Nâng cao kỷ luật tác chiến hiệp đồng của bộ đội ta cho phù hợp với yêu cầu tác chiến là một yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải rèn luyện công phu và gian khổ. Trên cơ sở nâng cao giác ngộ chính trị mà nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chiến đấu của mình trong tác chiến hiệp đồng.

        *

        Tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta phải theo cách đánh của ta, cách đánh độc đáo của Việt Nam. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy rằng, muốn giải quyết tốt việc nghiên cứu và huấn luyện tác chiến hiệp đồng binh chủng thì vấn đề quan trọng hàng đầu là phải luôn lấy tư tưởng quân sự của Đảng ta làm kim chỉ nam, lấy kinh nghiệm chiến đấu của ta làm cơ sở, lấy điều kiện thực tế về mọi mặt của nước ta làm căn cứ, đề cao ý thức tự chủ, tự cường để giải quyết mọi vấn đề một cách sáng tạo, tuyệt đối không được ỷ lại, bắt chước một cách thiếu suy nghĩ. Ra sức phát huy những thuận lợi sẵn có, kiên quyết dựa vào trí sáng tạo vô bờ bến của đông đảo cán bộ và chiến sĩ các binh chủng, quân chủng đoàn kết một lòng thì nhất định mọi vấn đề sẽ được giải quyết tốt đẹp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #162 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 04:57:32 am »


       MẤY Ý KIẾN VỀ CHIẾN THUẬT HIỆP ĐỒNG BINH CHỦNG CỦA QUÂN ĐỘI TA1

        Phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng nói chung, chiến đấu hiệp đồng binh chủng nói riêng, là vấn đề đã được nghiên cứu nhiều. Về mặt thực hành chiến đấu, quân đội ta cũng đã trải qua chiến đấu hiệp đồng binh chủng theo nhiều quy mô, với tính chất, đặc điểm và đối tượng tác chiến khác nhau. Nhưng trước sự phát triển về nhiều mặt và trên nhiều lĩnh vực, tác chiến hiệp đồng binh chủng vẫn luôn luôn là một vấn đề mới.

        Đối với quân đội ta, tác chiến hiệp đồng binh chủng rõ ràng đang ngày càng trở thành phương thức tác chiến chủ yếu. Vì thế, nhiều nội dung của vấn đề đang được đặt ra, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu giải quyết kịp thời.

        Xuất phát từ đường lối quân sự của Đảng ta, từ thực tiễn cuộc chiến tranh nhân dân của ta, tôi muốn phát biểu một số ý kiến về chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta, tất nhiên còn chưa đầy đủ và chưa có hệ thống, nhằm góp phần vào công tác nghiên cứu chung.

        I. MẤY QUAN ĐIỂM CẦN THỐNG NHẤT KHI NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ CHIẾN THUẬT HIỆP ĐỒNG BINH CHỦNG CỦA QUÂN ĐỘI TA

        Trận chiến đấu là hiện tượng cơ sở của chiến tranh, là đối tượng nghiên cứu của chiến thuật.

        Trận chiến đấu không diễn ra một cách ngẫu nhiên mà bao giờ cũng diễn ra theo những quy luật nhất định, trong đó có những quy luật chung nhất đồng thời cũng có những quy luật riêng, hình thành từ những điều kiện khách quan và chủ quan cụ thể của hai bên đối chiến.

        Quy luật xuyên suốt trong mọi hoạt động tác chiến của ta là quy luật của cuộc chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. “Chiến tranh nhân dân ở nước ta đã phát triển trong điều kiện lịch sử chính trị và xã hội Việt Nam và đã đạt đến một trình độ rất cao với một nội dung sáng tạo hết sức phong phú. Chiến tranh nhân dân ở nước ta phát triển theo các quy luật chung của chiến tranh cách mạng nhưng đồng thời cũng theo những quy luật riêng biệt của xã hội Việt Nam, của chiến trường Việt Nam”2. Quy luật đó tạo nên những nhân tố có ảnh hưởng quyết định tới trận chiến đấu mà quân đội ta tiến hành:

        - Dù trong điều kiện nào, trận chiến đấu cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dựa được vào sức mạnh chiến đấu của toàn dân (với nòng cốt là các lực lượng vũ trang gồm ba thứ quân), khiến quân đội ta có ưu thế về nhiều mặt so với địch, có thể phát huy được sức mạnh của mình, khắc phục được những khó khăn, nhược điểm về cơ sở vật chất kỹ thuật.

        - Dù trong điều kiện nào, trận chiến đấu cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dựa vào thế trận chiến lược, chiến dịch của chiến tranh nhân dân rộng khắp. Thế trận đó sẽ nhân sức mạnh của quân đội ta lên gấp bội và hãm địch vào thế mạnh hóa yếu, nhiều hóa ít, đặc biệt là luôn luôn hãm địch vào thế bị chia cắt, phân tán và bộc lộ nhiều chỗ sơ hở, nhiều chỗ yếu.

        - Trận chiến đấu của quân đội ta luôn luôn có khả năng thực hiện được lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy mặt mạnh của mình đánh vào mặt yếu của địch, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không cho địch đánh theo cách đánh sở trường của chúng.

        - Trận chiến đấu của quân đội ta luôn luôn có khả năng phát huy sức mạnh của mọi người, mọi đơn vị, mọi quân chủng, binh chủng, mọi trang bị vũ khí từ thô sơ đến hiện đại thành một sức mạnh tổng hợp.

        - Trận chiến đấu của quân đội ta luôn luôn được tiến hành một cách sáng tạo, phong phú và không ngừng phát triển, hoàn chỉnh trên cơ sở quan điểm lý luận, nguyên tắc chiến thuật đúng đắn, khoa học, bắt nguồn từ đường lối quân sự Mác-xít Lê-nin-nít của Đảng ta.

        Do tác động của những nhân tố nói trên mà trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng của ta, kể cả khi còn ở trình độ sơ khai, đã luôn luôn phản ánh quy luật chung nhất của chiến đấu hiệp đồng binh chủng, đồng thời lại có những sáng tạo độc đáo của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

---------------------
       1. Bài viết cho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 10-1972.

        2. Võ Nguyên Giáp, Mấy vấn để về đường lối quân sự của Đảng ta, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.267.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #163 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:00:34 am »


        Đó là nói về phía ta, còn về phía địch thì những thủ đoạn tác chiến của chúng dĩ nhiên cũng có những tác động trực tiếp đối với trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng của quân đội ta. Như chúng ta đã biết, trong ba mươi năm qua chúng ta đã phải chiến đấu với những kẻ địch mạnh, được trang bị hiện đại và có số lượng lớn, đặc biệt là đế quốc Mỹ - tên đế quốc đầu sỏ mạnh nhất trong phe đế quốc. Chúng đều là những kẻ có sở trường chiến đấu hiệp đồng binh chủng theo cách đánh cổ điển, tiêu biểu nhất của nghệ thuật quân sự tư sản, của nghệ thuật quân sự xâm lược.

        Về mặt quan điểm và hành động, chiến đấu hiệp đồng binh chủng của địch thường nổi lên những điểm sau:

        - Tận dụng ưu thế trang bị vũ khí hiện đại, nhất là ưu thế hỏa lực không quân, hải quân, pháo binh và ưu thế khả năng cơ động bằng cơ giới ở trên bộ và cơ động bằng máy bay lên thẳng. Có thể nói cái lõi trong chiến thuật của địch là nguyên tắc, hình thức và thủ đoạn sử dụng ồ ạt sức mạnh của hỏa lực và cơ động để nhanh chóng đè bẹp đối phương, kết thúc trận đánh.

        - Cố gắng phân tuyến với ta để tự do sử dụng sức mạnh hỏa lực. Tránh bị xen kẽ và đánh kéo dài.

        - Khi tiến công hoặc phản kích thường áp dụng đội hình song song. Cố gắng tạo điều kiện và tranh thủ điều kiện để thọc sâu, vu hồi bao vây chia cắt ta bằng những mũi thọc sâu của các đơn vị bộ binh cơ giới, đổ bộ đường không.

        - Khi phòng ngự, kết hợp phòng thủ cố định bằng các điểm tựa, cứ điểm, cụm cứ điểm vòng tròn với cơ động lực lượng, phát hiện và đánh chặn ta từ xa.

        Tuy vậy như thực tiễn hai cuộc kháng chiến, nhất là thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã cho thấy, mặc dầu kẻ địch đã giở ra mọi thủ đoạn, phương tiện chiến đấu hiện đại nhất, chúng vẫn không sao khắc phục được những chỗ yếu, giải quyết được những mâu thuẫn trong chiến thuật của chúng khi chúng vấp phải thế trận và cách đánh của chiến tranh nhân dân.

        Những chỗ yếu và mâu thuẫn đó là:

        - Muốn tập trung nhưng luôn luôn phải dàn mỏng lực lượng.

        - Luôn luôn ở trong thế bị bao vây chia cắt về chiến lược, chiến dịch nên về chiến thuật không tự do phát huy được sức mạnh của vũ khí trang bị hiện đại và khả năng cơ động lực lượng bằng cơ giới.

        - Khi phòng ngự hay tiến công thường bộc lộ nhiều nhược điểm như hở sườn, hở sau lưng, khó xoay trở khi bị tiến công, đặc biệt là bộc lộ những nhược điểm của quân đội trang bị hiện đại như: hậu phương cồng kềnh nặng nề; phụ thuộc vào địa hình, thời tiết, hệ thống đường cơ động... Chúng thường dễ bị tiến công vào đúng những chỗ yếu và cũng là chỗ nguy hiểm nhất đối với chúng...

        Những điểm phân tích về ta, về địch nói trên tuy còn sơ lược, chưa đầy đủ song cũng là những căn cứ khách quan giúp ta xác định được những quan điểm cần phải thống nhất khi nghiên cứu về vấn đề chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta.

        Một mặt, chúng ta không những không được xem nhẹ mà phải hết sức chú ý nghiên cứu vận dụng các quy luật chung của tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện chủ yếu; tốc độ mau lẹ trong triển khai bố trí, di chuyển lực lượng và trong diễn biến của các bước chiến đấu; tình huống chiến đấu phức tạp và thay đổi nhanh chóng; cả hai bên đều cố gắng tạo ưu thế lực lượng, phương tiện ở hướng lựa chọn có ý nghĩa quyết định nhất; đội hình bố trí thường hình thành nhiều thê đội có chiều sâu, có lực lượng dự bị cơ động mạnh để bảo đảm tính vững chắc và liên tục trong tiến công với tốc độ cao; vị trí của hỏa lực ngày càng được đề cao; thủ đoạn cơ động, phương tiện cơ động được chú ý đặc biệt để phát huy hiệu quả của hỏa lực và để tạo ưu thế về thời cơ phá vỡ thế bố trí của đối phương...

        Nhưng mặt khác, chúng ta cũng không được phép thoát ly những điều kiện cụ thể của đất nước ta, chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta nhất thiết phải tuân theo quy luật của chiến tranh nhân dân trên đất nước ta. Khi nghiên cứu vận dụng chiến thuật hiệp đồng binh chủng chúng ta phải triệt để tận dụng và phát huy những nhân tố thuận lợi của chiến tranh nhân dân để khắc phục những khó khăn về điều kiện vật chất của mình cũng như để hạn chế chỗ mạnh và khoét sâu mọi mâu thuẫn, sơ hở của địch, nhằm làm cho mỗi trận chiến đấu có hiệu suất cao nhất. Chúng ta phải luôn luôn nắm vững yếu tố con người làm chủ vũ khí, yếu tố chất lượng, cách đánh, sự kết hợp giữa thế và lực trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu... Chúng ta phải luôn luôn nắm vững các tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Đảng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #164 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:00:50 am »


        Nói một cách cụ thể:

        - Chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta phải là chiến thuật quán triệt tư tưởng tiến công, chủ yếu là chiến thuật tiến công, tiến công kiên quyết, chủ động, liên tục; phòng ngự tích cực, vững chắc, kiên cường, phòng ngự là để tạo thời cơ tiến công.

        - Chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta là chiến thuật biết dùng sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng tinh thần và vật chất, biết phát huy trình độ giác ngộ chính trị và tinh thần chiến đấu cao, kỹ thuật giỏi, làm chủ mọi trang bị vũ khí từ đơn giản đến hiện đại trong điều kiện chưa đồng bộ, chưa cân đối để đánh bại mọi thủ đoạn và hành động tác chiến của kẻ địch mạnh hơn về số lượng quân đội tập trung và trang bị kỹ thuật.

        - Chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta phải là chiến thuật mưu trí linh hoạt trong vận dụng mọi hình thức chiến thuật, mọi thủ đoạn chiến đấu nhằm buộc địch phải đánh theo ý muốn của ta, không cho địch phát huy chỗ mạnh và sở trường của chúng.

        Có thể nói, đó là những quan điểm chỉ đạo toát lên bản chất của chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta. Không nắm vững những quan điểm đó, bắt chước kinh nghiệm nước ngoài một cách máy móc rập khuôn thì khó tránh được “lai căng” trong nhận thức và hành động, tất nhiên cũng khó giành được thắng lợi trong chiến đấu.

        Chúng ta phải quán triệt các quan điểm nói trên trong mọi mặt hoạt động - từ nghiên cứu lý luận, nguyên tắc đến chuẩn bị và thực hành chiến đấu - như một thể thống nhất, không được coi nhẹ điểm nào. Tuy nhiên, trong phạm vi có hạn của bài này, tôi chỉ phát biểu về một vấn đề thường được trao đổi ý kiến nhiều trong những năm qua. Đó là vấn đề quán triệt các quan điểm nói trên trong việc nghiên cứu, vận dụng các hình thức chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta.

        Theo cách nghiên cứu sắp xếp tổng hợp của lý luận quân sự, xét về loại hình của hình thức chiến thuật thì có hai loại hình cơ bản là tiến công và phòng ngự. Quán triệt tư tưởng tiến công, trước nay quân đội ta vẫn lấy tiến công làm hình thức chiến thuật chủ yếu, đồng thời cũng coi phòng ngự là hình thức chiến thuật không thể thiếu được. Đó là điều đã rõ ràng, không phải bàn cãi.

        Thế nhưng, vấn đề là ở chỗ phải chăng chúng ta chỉ có một hình thức chiến thuật tiến công hoặc một hình thức phòng ngự? Phải chăng trong điều kiện chiến tranh hiện nay, quân đội hai bên đều đánh theo kiểu chính quy hiện đại thì có thể “xếp gọn” mọi hình thức chiến thuật phong phú mà ta đã có vào một hình thức chiến thuật tiến công hay phòng ngự nào đó, như có đồng chí đã nghĩ?

        Cả về lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng nghĩ như vậy là không đúng.

        Như chúng ta đều biết, chiến tranh là một hiện tượng luôn luôn biến hóa, phát triển. Trong chiến đấu, cả hai bên đối chiến đều cố gắng dùng mọi thủ đoạn để tiêu diệt đối phương. Tình huống trên chiến trường thường diễn biến hết sức phức tạp. Các yếu tố địa hình, thời tiết, trang bị vũ khí... không phải lúc nào và ở đâu cũng giống nhau. Vì vậy muốn giành được thắng lợi thì không thể chỉ có một mà phải có nhiều hình thức tiến công hay phòng ngự khác nhau phù hợp với các điều kiện khách quan khác nhau. Hơn nữa, trong điều kiện chiến đấu với kẻ địch xâm lược, thế chiến tranh nhân dân rộng khắp trên đất nước ta chẳng những không bó tay trong khuôn khổ một hình thức chiến thuật nào mà luôn luôn mở ra những thuận lợi cho ta vận dụng mọi hình thức chiến thuật đánh địch phù hợp với thực tế nhất và có hiệu quả nhất.

        Trong chiến tranh xâm lược nước ta, khi quân địch chiếm giữ các thành phố, thị xã, thị trấn, các trục đường giao thông quan trọng, chúng thường tổ chức các trận địa phòng ngự kiên cố (xây dựng các đồn bốt, cứ điểm, cụm cứ điểm) để chống lại các cuộc tiến công của ta.

        Muốn tiến công quân địch trong điều kiện đó, quân đội ta đã dùng các hình thức tiến công thích hợp như: chiến thuật tiến công địch trong công sự vững chắc; chiến thuật tập kích bí mật, bất ngờ; chiến thuật vây điểm diệt viện, v.v... Trong điều kiện địch phòng ngự thành các cụm cứ điểm, các căn cứ lớn, bố phòng rộng, hỏa lực mạnh mà ta chưa đủ lực lượng, phương tiện vũ khí để tiêu diệt ngay một lúc thì phải có chiến thuật tiến công thích hợp: chiến thuật “bao vây đánh lấn” (tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954), vây lấn tiến tới tiêu diệt toàn bộ vị trí như Bu Prăng, Đức Lập năm 1970... Hoặc ta đã tập trung sức mạnh đánh bằng hiệp đồng binh chủng tiến công tiêu diệt các vị trí lớn của địch như Làng Vây (năm 1968), Đắc Tô, Tân Cảnh (năm 1972), v.v... Ngoài các hình thức chiến thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự kiên cố, để đánh địch ở dã ngoại có trang bị vũ khí hiện đại nhất là có khả năng cơ động lực lượng lớn, có hỏa lực máy bay, pháo binh mạnh đi tiến công, hoặc hành quân giải tỏa, hoặc phản kích lại ta, chúng ta đã dùng các hình thức chiến thuật có hiệu lực như: vận động tiến công kết hợp chốt, bao vây tiến công liên tục, phục kích đánh quân đổ bộ đường không, v.v..., với các quy mô nhỏ, vừa và lớn bằng hiệp đồng binh chủng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #165 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:01:09 am »


        Như vậy là trong cuộc kháng chiến chống Pháp trước đây và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày nay, quân đội ta đã có cả một hệ thống chiến thuật tiến công phong phú, đã tác chiến hiệp đồng binh chủng theo nhiều quy mô nhỏ, vừa và lớn, dưới nhiều hình thức như phục kích, tập kích, đánh công sự vững chắc bao vây đánh lấn, bao vây tiến công liên tục, vận động tiến công kết hợp chốt, v.v… Mỗi hình thức chiến thuật tiến công đều có hiệu quả rõ rệt và góp phần thắng lợi trong từng giai đoạn chiến tranh.

        Trong thời gian tới, dù địch có những âm mưu và thủ đoạn chiến tranh mới thì hình thái triển khai và bố trí của chúng cũng vẫn không thể thoát ra khỏi những quy luật của chiến tranh xâm lược. Vì vậy, những hình thức chiến thuật tiến công phong phú nói trên của quân đội ta chẳng những không hề “lỗi thời” mà vẫn phát huy được tác dụng tích cực của chúng. Nếu địch vận động hoặc tạm dừng, ta vẫn có thể dùng các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, vận động tiến công kết hợp chốt, vận động bao vây tiến công liên tục. Nếu địch co lại trong công sự vững chắc, ta vẫn có thể dùng hình thức bao vây đánh lấn ngắn ngày, dài ngày hoặc tiến công ngay bằng hiệp đồng binh chủng. Ta lại có thể dùng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đánh địch phòng ngự trong căn cứ, hoặc kết hợp với nổi dậy của quần chúng đánh địch trong các thành phố, thị xã, thị trấn và vùng nông thôn.

        Rõ ràng trong tình hình hiện nay, ta không thể xem nhẹ hoặc bỏ hẳn các hình thức chiến thuật tiến công đã có mà còn phải làm cho chúng phong phú hơn lên, làm cho cách đánh hiệp đồng binh chủng trong các hình thức chiến thuật đó trở thành phổ biến và dần dần nâng cao từng bước. Đi đôi với việc nghiên cứu học tập đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn trong những trận tiến công lớn, chúng ta vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển các hình thức chiến thuật đã có để thực hiện đánh tiêu diệt lớn bằng hiệp đồng binh chủng. Điều quan trọng là phải biết sử dụng các hình thức chiến thuật tiến công sao cho phù hợp với tình hình từng nơi, từng lúc - tức là biết vận dụng linh hoạt hoặc thay đổi linh hoạt từng hình thức để tiêu diệt địch nhiều hơn và nhanh hơn, buộc chúng lâm vào thế bị động lúng túng, không phát huy được sở trường đánh chính diện có hỏa lực mạnh yểm trợ mà trước nay chúng thường sử dụng.

        Trong những năm quan quân đội ta đều luôn luôn lấy chiến thuật tiến công làm chiến thuật chủ yếu, và chiến thuật tiến công cũng xuất hiện một cách phổ biến. Tuy nhiên, giữa các trận chiến đấu tiến công vẫn có những trận phòng ngự. Từ những trận phòng ngự có tính chất thô sơ đơn giản hồi đầu kháng chiến chống Pháp đến các trận phòng ngự trong chiến dịch tiến công ở Điện Biên Phủ, hầu hết đều nhằm giữ vững những mục tiêu nhất định trong một thời gian nhất định, bảo đảm cho các trận chiến đấu tiến công diễn ra ở các mục tiêu khác, hoặc để giữ vững bàn đạp tiến công và sau đó chuyển sang chiến đấu tiến công. Hình thức phòng ngự còn đơn giản trong kháng chiến chống Pháp phát triển dần dần và đến kháng chiến chống Mỹ, suốt từ năm 1965 đến năm 1971, đã được vận dụng kết hợp với chiến đấu tiến công một cách sáng tạo: đó là hình thức vận động tiến công kết hợp chốt, trong đó chốt là thành phần phòng ngự có tính chất lâm thời. Chiến đấu phòng ngự đơn giản trên một chốt đã phát triển dần dần thành phòng ngự trên một số chốt liên hoàn với nhau gọi là cụm chốt. Và trong chiến dịch kết thúc cuộc tiến công chiến lược 1972, hình thức chiến thuật phòng ngự chốt, cụm chốt liên hoàn đã trở thành hình thức chiến thuật cần thiết để giữ vững những mục tiêu quan trọng. Dựa vào công sự vững chắc, bộ đội ta đã tiêu diệt địch trước trận địa bằng phản kích kiên quyết và liên tục (trận Tầu Ô trên đường 13...) rồi chuyển sang chiến đấu tiến công hoặc tạo điều kiện cho nơi khác tiến công. Thực tiễn, trên khắp các chiến trường đã chứng minh tác dụng ưu việt của hình thức chiến thuật phòng ngự chốt, cụm chốt liên hoàn, đồng thời cũng chứng minh rằng: chỉ có quán triệt tư tưởng tiến công, quán triệt tư tưởng phòng ngự tích cực thì chiến đấu phòng ngự mới thu được thắng lợi lớn, giữ vững vùng giải phóng, giữ vững các địa bàn quan trọng, các bàn đạp để tiến công.

        Qua thực tiễn chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong hơn 30 năm qua với những kẻ địch mạnh, có ưu thế so với ta về trang bị vũ khí hiện đại, chúng ta thấy nổi lên những điểm đáng chú ý:

        - Các quan điểm chiến thuật của ta rất đúng đắn và rất khoa học, tỏ ra hơn hẳn các quan điểm chiến thuật của địch. Điều đó đã được chứng minh rõ rệt qua thắng lợi của ta trong tất cả mọi điều kiện, tình huống chiến đấu (đương nhiên sự đúng đắn, khoa học, ưu việt của chiến thuật chỉ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến đấu thắng lợi). Sự hơn hẳn về chiến thuật của ta so với địch, nếu đi vào cụ thể, còn thể hiện ở chỗ nó nhận thức và giải đáp đúng đắn, sáng tạo những vấn đề do thực tiễn chiến đấu hiện đang đặt ra. Những vấn đề được xem là lớn nhất trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng hiện đại như phát huy sức mạnh tổng hợp của các quân chủng, binh chủng; tận dụng tính năng, tác dụng của vũ khí trang bị hiện đại; nâng cao tính linh hoạt, cơ động và hiệu quả trong chiến thuật, v.v... đã được chúng ta giải quyết rất thành công và rất sáng tạo. Rõ ràng các đơn vị hợp thành của ta có sức mạnh lớn hơn của địch; các binh chủng như pháo binh, xe tăng, cơ giới của ta có uy lực thực tế đối với chiến đấu cao hơn so với địch mặc dù số lượng của ta còn kém so với địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #166 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:01:43 am »


        - Thực tiễn chiến đấu hiệp đồng binh chủng của chúng ta còn chứng minh rõ hơn bao giờ hết tác dụng và vai trò của con người, với chất lượng tổng hợp về chính trị tinh thần, bản lĩnh quân sự, tri thức khoa học, luôn luôn là nhân tố quyết định thắng lợi trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Chính do dựa vào con người, do phát huy tính năng động chủ quan của con người mà chúng ta đã thắng kẻ địch có trang bị vũ khí hiện đại nhất là đế quốc Mỹ. Rõ ràng khi đã phát huy được vai trò của con người cán bộ và chiến sĩ thì chiến thuật hiệp đồng binh chủng sẽ là chiến thuật có khả năng và sức mạnh cao nhất, sẽ phát triển rất nhanh và rất phong phú, sáng tạo.

        - Thực tiễn chiến đấu hiệp đồng binh chủng của ta cũng cho thấy sự đúng đắn của những tư tưởng quan điểm chiến thuật cơ bản như lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy mặt mạnh của ta đánh vào mặt yếu của địch... Chỗ mạnh nhất của địch là hiệp đồng binh chủng trong tác chiến chiến dịch, chiến thuật nói chung đều bị hành động phối hợp chiến trường của các lực lượng vũ trang ta trong thế chiến tranh nhân dân phá vỡ. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta phát huy tác dụng và có hiệu lực thực tế lớn nhất. Thực tiễn đó đã chỉ ra cho chúng ta thấy phương hướng giải quyết các vấn đề do chiến đấu hiện đại đặt ra thích hợp nhất với thực tiễn Việt Nam, với quan điểm, nghệ thuật quân sự Việt Nam chính là phương hướng mà chúng ta đã thực hiện trong mấy chục năm chiến đấu vừa qua. Ở đây cần chú ý là không phải chỉ vì ta kém địch về trang bị vũ khí, về số lượng quân tập trung nên ta mới chủ trương lấy ít thắng nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông mà ngay cả khi có ưu thế hơn địch, chúng ta vẫn không hề coi nhẹ cách đánh có hiệu quả chiến đấu cao nhất trong sử dụng lực lượng và phương tiện chiến đấu. Đó luôn luôn là phương hướng chủ yếu của ta trong thực tiễn chiến đấu hiệp đồng binh chủng.

        - Thực tiễn chiến đấu hiệp đồng binh chủng của ta cũng cho thấy: ngay trong điều kiện chiến tranh có sử dụng các binh chủng, quân chủng kỹ thuật hiện đại, nhân dân ta, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và du kích vẫn cần thiết và có thể phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực. Tác chiến hiệp đồng binh chủng cũng là một phương thức tác chiến mà các lực lượng vũ trang quần chúng có thể và có khả năng vận dụng trong chiến đấu độc lập cũng như trong khi phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực.

        Kinh nghiệm hiệp đồng chiến đấu của quân và dân ta trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc và trong cuộc chiến tranh giải phóng ở miền Nam đã chứng tỏ bộ đội địa phương, dân quân tự vệ có nhiều khả năng phát huy sức mạnh chiến đấu của mình khi được tăng cường về khả năng vật chất, kỹ thuật và trình độ kiến thức khoa học. Kinh nghiệm thực tiễn này đã bác bỏ luận điểm sai lầm, muốn phủ định khả năng và vai trò trực tiếp tham gia chiến đấu của nhân dân, của các lực lượng dân quân trong điều kiện hiện đại.

        Rồi đây, tình hình mọi mặt của ta về quân sự thay đổi, kẻ địch cụ thể cùng với cách đánh và trang bị của chúng thay đổi thì chiến thuật của ta tất nhiên cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp. Nhưng dù thế nào thì quy luật của chiến tranh nhân dân trên đất nước ta, đặc điểm của nền nghệ thuật quân sự nói chung cũng như chiến thuật hiệp đồng binh chủng nói riêng của ta vẫn tồn tại và tác động thường xuyên đến chiến thuật của quân đội ta. Đặc biệt là tính chất khoa học, sáng tạo, luôn luôn phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn chiến đấu của các lực lượng vũ trang chúng ta, sẽ vẫn là một trong những đặc điểm nổi bật. Nếu hiện nay chúng ta có thái độ khách quan, sáng tạo, không bó mình trong những kinh nghiệm cũ, những kinh nghiệm có tính chất cục bộ tạm thời, mặt khác lại không bị mê hoặc bởi những “cái mới”, thiếu suy nghĩ, phân tích hời hợt tác động của trang bị vũ khí hiện đại tới chiến thuật... thì sau này đó vẫn là bài học cần được chú ý trong khi nghiên cứu phương hướng phát triển chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta. “Nắm vữug quan điểm kế thừa biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta phải ra sức giữ gìn và phát huy mọi vốn quý của quá trình xây dựng và tác chiến đã qua, căn cứ vào yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, quân sự trước mắt và lâu dài, mà suy nghĩ về phương hướng xây dựng và tác chiến sắp tới, không ngừng đưa sức chiến đấu của quân đội ta lên một trình độ mới cao hơn nữa... không nên thỏa mãn dừng lại mà không thấy hết nhũng yêu cầu mới, đòi hỏi mới đang đặt ra. Đồng thời cũng không thể thoát ly thực tế, đặt ra những yêu cầu mà tình hình chung của đất nước chưa cho phép”1

----------------
        1. Văn Tiến Dũng, Về vấn đề xây dựng và tác chiến của quân đội ta, tạp chí Quân đội nhân dân, số 8 năm 1974.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #167 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:02:21 am »


        II. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CHIẾN THUẬT HIỆP ĐỒNG BINH CHỦNG CỦA QUÂN ĐỘI TA

        Từ quan điểm lý luận chiến thuật và thực tiễn chiến đấu đã nêu ở trên, chúng ta thấy phương pháp và hình thức chiến thuật của quân đội ta rõ ràng không giống với phương pháp và hình thức chiến thuật của nhiều nước khác. Vì vậy khi đề cập tới các vấn đề về phương pháp và hình thức chiến thuật hiệp đồng binh chủng, chúng ta không thể giải quyết theo những tiêu chuẩn, những công thức có thể là rất thích hợp, rất hay với nước ngoài song lại không thích hợp với tình hình thực tiễn của ta, không đúng với quan điểm của ta. Chúng ta phải xuất phát từ thực tiễn chiến đấu và quan điểm lý luận của ta để tìm ra những đặc điểm nổi bật trong chiến thuật hiệp đồng binh chủng của quân đội ta. Đó là các đặc điểm sau:

        1. Đánh địch từ nhiều hướng, bằng nhiều mũi.

        Từ xưa đến nay, bọn đế quốc xâm lược trên đất nước ta đều không có điều kiện và khả năng triển khai lực lượng quy mô quá lớn với hình thức tác chiến thành chiến tuyến trong tiến công cũng như phòng ngự. Chúng buộc phải hành quân theo các trục đường, dù chúng tiến công trên nhiều hướng. Về phòng ngự, chúng cũng chiếm giữ các trục đường giao thông, các điểm cao có giá trị về chiến lược, chiến thuật, xây dựng thành các cứ điểm, cụm cứ điểm. Nói chung, kẻ địch thường đóng thành từng mục tiêu kể cả các cuộc hành quân cũng là mục tiêu. Bởi lẽ đó nên về mặt chiến thuật, ta không thể và cũng không cần tiến công một hướng vỗ mặt theo kiểu chiến tuyến mà phải đánh bằng nhiều hướng, nhiều mũi. Phương pháp tác chiến của ta là tiến công tiêu diệt mục tiêu.

        Đặc điểm chiến thuật này còn bắt nguồn từ đặc điểm của hình thái chiến tranh nhân dân của ta luôn luôn ở thế bao vây, chia cắt địch và tạo ra cho ta khả năng triển khai, cơ động lực lượng chiến đấu ở khắp nơi mà ta lựa chọn, nhằm hình thành thế mạnh hơn địch để tiêu diệt địch.

        Đánh địch từ nhiều hướng, bằng nhiều mũi cũng là phương pháp chiến thuật thích hợp nhất để khoét sâu những nhược điểm của phương pháp bố trí phòng ngự của địch. Phương pháp phòng ngự cứ điểm, cụm cứ điểm của địch có nhiều khe hở lớn, cho phép ta hình thành thế bao vây, chia cắt tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm của địch mà không cần phải qua quá trình cơ động phức tạp trong đội hình chúng.

        Trong điều kiện địch có ưu thế so với ta về trang bị vũ khí thì đó cũng là phương pháp chiến thuật thích hợp nhất để ta phát huy được cao độ tính năng tác dụng của phương tiện vũ khí của ta đồng thời hạn chế ưu thế về số lượng của địch. Nếu chỉ đánh địch từ một hướng vỗ mặt theo kiểu chiến tuyến thì dù ta khéo triển khai lực lượng đến đâu cũng dễ bị địch phát hiện và dùng ưu thế về vũ khí để ngăn chặn hoặc áp đảo. Ngược lại nếu đánh địch cả phía trước lẫn phía sau, cả bên trái lẫn bên phải, đánh từ những hướng mà địch không dự kiến được thì dù có ưu thế, địch vẫn phải phân tán lực lượng, dàn mỏng lực lượng ra để đối phó. Chỉ có chiến đấu hiệp đồng binh chủng như vậy thì ta mới phá được thế bố trí của địch ngay từ đầu, mới nhanh chóng làm rối loạn cách thức chiến đấu, phương pháp chỉ huy hiệp đồng binh chủng của địch, buộc địch không thể phát huy được sở trường hiệp đồng binh chủng của chúng.

        Sau này dù quân đội ta có trình độ trang bị tiên tiến đi nữa thì căn cứ vào quy luật chiến tranh xâm lược của địch, vào quy luật chiến tranh nhân dân của ta, đặc điểm xen kẽ, không phân biệt tuyến trước tuyến sau trong từng trận chiến đấu cũng vẫn có khả năng tồn tại. Qua dự kiến này, chúng ta thấy phương pháp chiến thuật hiệp đồng binh chủng đánh từ nhiều hướng, bằng nhiều mũi của ta hiện nay là bắt nguồn từ sự nhận thức đúng đắn, khoa học của ta về đặc điểm chiến đấu trong điều kiện có trang bị vũ khí phương tiện hiện đại trên đất nước ta.

        Tất nhiên phương pháp chiến thuật đó đặt ra nhiều vấn đề phức tạp về hiệp đồng giữa các hướng, các mũi, các binh chủng... nhất là hiệp đồng giữa pháo binh tầm xa với các hướng tiến công đối diện giữa bộ binh và xe tăng, thiết giáp. Việc chuẩn bị và cơ động chiến đấu của các mũi, các hướng cũng sẽ có những khó khăn nhất định và đòi hỏi rất cao về nghệ thuật chỉ huy, về nghệ thuật phối hợp, đặc biệt là về tinh thần dũng cảm, táo bạo, về bản lĩnh chiến đấu điêu luyện, về tổ chức lực lượng gọn nhẹ, hợp lý. Có như vậy mới có thể cơ động thọc sâu vào những chỗ sơ hở trong bố trí các cụm cứ điểm phòng ngự của địch, mới không cho địch phát hiện và phán đoán được ý định tác chiến của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #168 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:02:47 am »


        2. Hiệp đồng trực tiếp vào từng mục tiêu trong phạm vi hẹp, chính diện nhỏ, chiều sâu nông.

        Mỗi trận đánh của quân đội ta trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng, có tập trung lực lượng, phương tiện vũ khí ở quy mô vừa và tương đối lớn nhằm tiêu diệt một căn cứ hoặc cụm cứ điểm của địch, sẽ diễn ra trong suốt quá trình của trận đánh từ khi bắt đầu nổ súng cho đến khi kết thúc trận đánh. Qua thực tế chiến đấu, ta thường không hiệp đồng trên chính diện rộng, không hiệp đồng theo trình tự từ chiến hào này đến chiến hào khác, hết dải này đến dải khác theo kiểu phân tuyến. Vì tạo thế trận xen kẽ với địch, không phân tuyến, nên chúng ta hiệp đồng chiến đấu theo cách đánh tiêu diệt từng mục tiêu, từng cứ điểm, cụm cứ điểm của địch, phạm vi hiệp đồng tác chiến thường hẹp và chiều sâu nông.

        Về không gian trong toàn bộ một căn cứ, một cụm cứ điểm, một khu vực địch chiếm đóng thường bao gồm nhiều mục tiêu, trong đó có những mục tiêu hiểm yếu nhất, quan trọng nhất đối với sự sống còn của căn cứ, cụm cứ điểm của địch. Về thời gian, trong quá trình trận đánh cũng có những thời điểm quan trọng khác nhau, có thời điểm then chốt mà nếu ta biết nắm lấy để tập trung sức mạnh thì sẽ nhanh chóng tiêu diệt được hoàn toàn quân địch. Bởi lẽ đó chiến thuật hiệp đồng binh chủng của ta kiên quyết bác bỏ phương pháp dàn đều lực lượng, sử dụng các phương tiện vũ khí kỹ thuật không có trọng điểm. Ta phải kiên quyết hình thành trung tâm hiệp đồng binh chủng vào từng mục tiêu quan trọng, then chốt nhất ở thời điểm quyết định nhất của trận đánh. Phương pháp chiến thuật đó cho phép ta tạo ra được sức mạnh tổng hợp lớn nhất vào nơi hiểm yếu nhất của địch. Thực tiễn đánh Mỹ vừa qua đã chứng tỏ đó là phương pháp tác chiến hiệp đồng có hiệu lực lớn, mang lại kết quả chiến đấu cao và địch cũng rất khó phán đoán quy luật để tổ chức đối phó. Hiệp đồng như vậy cho phép ta kết hợp vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu. Vì nếu hình thành trung tâm hiệp đồng binh chủng vào từng mục tiêu then chốt có chính diện hẹp, chiều sâu nông thì đối với các mục tiêu khác ta lại có thể sử dụng hình thức chiến thuật và thủ đoạn tác chiến khác.

        Cũng xuất phát từ đặc điểm trên, khi thực hành chiến đấu hiệp đồng binh chủng, ta phải tổ chức hiệp đồng tỉ mỉ, chu đáo và chắc chắn để nhanh chóng tiêu diệt được địch trong mục tiêu đã định, bảo đảm thắng lợi hoàn toàn của toàn bộ trận đánh. Dù mục tiêu đó lớn hay nhỏ, là cụm cứ điểm hay cứ điểm, là căn cứ lớn hay khu vực phòng thủ lớn của địch thì ta vẫn phải hiệp đồng vào từng mục tiêu đi đến hiệp đồng trong toàn bộ trận đánh. Thực tế chiến đấu hiệp đồng binh chủng của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp trước đây và trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày nay đã diễn ra một kiểu cách tác chiến hiệp đồng phổ biến là “hiệp đồng trực tiếp gần vào từng mục tiêu”.

        Tóm lại các binh chủng của ta thường phải triển khai hiệp đồng chiến đấu ở cự ly gần vào mục tiêu có hiệu quả nhất: vừa bảo đảm tiết kiệm đạn dược, khí tài, vừa nhanh chóng, bất ngờ đè bẹp địch. Vừa qua, cách hiệp đồng này không những chỉ diễn ra trong chiến thuật mà còn diễn ra cả trong chiến dịch nữa. Nó quán triệt sâu sắc nguyên tắc “đánh gần”, một trong những nguyên tắc đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang ta giành thắng lợi trong các trận đánh địch đang vận động cũng như đánh địch trong công sự. Nhất là đánh địch trong công sự vững chắc thì nguyên tắc này đã tỏ ra có hiệu quả lớn: tiêu thụ ít đạn dược, giảm thương vong mà lại thắng giòn giã.

        Nhưng nói như vậy không có nghĩa là ta phủ nhận cách đánh xa hoặc bố trí từ xa. Trong tình hình cụ thể nào đó, nếu có thời cơ hoặc điều kiện thực tế nào đó cho phép thì ta vẫn phải vận động từ xa đến đánh địch; xe tăng, thiết giáp của ta vẫn phải cơ động từ xa đến để thọc sâu, vu hồi bao vây chia cắt địch; pháo binh của ta vẫn phải bố trí xa để hiệp đồng...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #169 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:03:23 am »


        3. Thời gian thực hiện hiệp đồng binh chủng trong trận đánh thường ngắn.

        Đặc điểm này có liên quan mật thiết với hai đặc điểm trên. Vì khi phương pháp chiến thuật hiệp đồng binh chủng là đánh theo nhiều hướng bằng nhiều mũi vào một mục tiêu, khi trung tâm hiệp đồng binh chủng được tập trung vào từng mục tiêu có chính diện hẹp, chiều sâu nông thì thời gian tập trung nỗ lục cao nhất để tiêu diệt địch cũng không cần thiết phải kéo dài.

        Phương pháp chiến thuật này đã được thực tiễn chiến đấu hiệp đồng binh chủng của ta chứng minh là một phương pháp có hiệu quả thực tế cao. Không những nó giúp ta nâng cao được nhịp độ tiến công, tiêu diệt được địch, khiến địch vô cùng khiếp sợ mà còn cho phép ta tiết kiệm được đạn dược và thời gian. Thế nhưng nó lại đòi hỏi rất cao về trình độ hiệp đồng của các binh chủng, về trình độ tổ chức và chỉ huy của cơ quan tham mưu và người chỉ huy, về sự chuẩn bị sẵn sàng hiệp đồng của từng đơn vị, từng binh chủng và toàn đơn vị hợp thành. Nó đòi hỏi rất cao về khả năng lựa chọn, xác định thời cơ và thời gian hiệp đồng, về năng lực phát huy kết quả của những đòn tập trung mãnh liệt của toàn thể đơn vị, của các binh chủng. Những yêu cầu này là một thể hoàn chỉnh không thể thiếu hoặc yếu về một mặt nào. Tất cả các binh chủng có luôn luôn sẵn sàng hiệp đồng thì khi có thời cơ nổ súng mới nhanh chóng thực hiện được kế hoạch, quy định hiệp đồng đã đề ra cũng như mới nhanh chóng lợi dụng được kết quả chiến đấu đã đạt được để nâng cao tốc độ chiến đấu, giành thắng lợi hoàn toàn cho toàn bộ trận đánh.

        Kinh nghiệm chiến đấu hiệp đồng binh chủng của ta cho thấy trong các yêu cầu trên thì yêu cầu về khả năng xác định đúng đắn, chính xác thời cơ và thời gian tập trung sức mạnh lớn nhất để đánh vào những mục tiêu đã lựa chọn là rất quan trọng. Có khi chỉ cần qua phút đầu nổ súng là đã có thể thấy trước được kết quả của toàn trận đánh như thế nào. Muốn đạt được yêu cầu đó đòi hỏi người chỉ huy phải nắm và phân tích đúng tình hình địch, theo dõi sát diễn biến chiến đấu, nhạy bén và quyết đoán trong khi hạ quyết tâm. Chỉ cần trù trừ, do dự một chút, chậm chạp một chút là có thể để lỡ thời cơ, và như vậy việc tập trung sức mạnh hiệp đồng sẽ phải kéo dài, tất sẽ không thể nhanh chóng giành được thắng lợi quyết định khi đã tung lực lượng, phương tiện quyết định của mình ra. Hơn nữa cơ sở vật chất của ta lại chỉ có hạn, không thể trận nào cũng đánh liên tục kéo dài; còn kẻ địch thì có phương tiện hiện đại, cơ động nhanh để ứng cứu, có hỏa lực mạnh của không quân, pháo binh chi viện, nếu ta kéo dài trận đánh thì địch có thể nhanh chóng đến cứu viện và gây cho ta nhiều khó khăn.

        4. Luôn luôn giữ vững và tăng cường sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị hợp thành, đồng thời phát huy cao độ sức mạnh của những binh chủng chủ yếu.

        Như quan điểm cơ bản về tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta đã nêu ở trên, phương pháp chiến thuật của ta bao giờ cũng dựa trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị hợp thành và sức mạnh của từng đơn vị binh chủng để giải quyết các yêu cầu chiến đấu trong cả quá trình một trận đánh. Vị trí, chức năng của các quân chủng, binh chủng trong quân đội ta đã được xác định rõ ràng, đúng đắn. Những binh chủng có vị trí chủ yếu trong chiến đấu tiêu diệt địch như bộ binh, pháo binh, xe tăng, thiết giáp cũng đã được chúng ta luôn luôn chú trọng nghiên cứu và tìm ra những phương pháp chiến thuật hiệp đồng binh chủng thích hợp nhất để phát huy đến cao độ uy lực của chúng trong quá trình đột phá, tiêu diệt địch và làm chủ chiến trường, nhất là trong khi tập trung sự nỗ lực cao nhất của đơn vị vào lúc và nơi quyết định của trận đánh.

        Phương pháp chiến thuật hiệp đồng binh chủng của ta đã lấy hiệp đồng giữa bộ binh, xe tăng, thiết giáp (nếu có) với pháo binh làm nội dung chủ yếu. Trung tâm của hiệp đồng binh chủng là phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn đơn vị hợp thành bảo đảm cho bộ binh, xe tăng, thiết giáp phát huy cao độ sức mạnh và tốc độ đột kích, tiêu diệt địch, chiếm lĩnh mục tiêu; bảo đảm pháo binh gồm pháo đi cùng và pháo chi viện phát huy được vai trò hỏa lực chủ yếu chi viện cho đột phá và tiêu diệt địch ở những mục tiêu lựa chọn.

        Phương pháp chiến thuật này đòi hỏi các binh chủng phải có chiến thuật phù hợp với yêu cầu phát huy tác dụng của mình trong khi thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phục vụ cho trung tâm hiệp đồng binh chủng bảo đảm hiệp đồng đúng lúc vào mục tiêu đã đề ra.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM