Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 04:11:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 34279 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 07:09:30 am »

           
THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN CHƠN NHỮNG ĐIỀU TÔI TÂM ĐẮC

Đại tá QUÁCH TỰ HẤP                                    
(Nguyên Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Mặt  trận 579 Quân khu 5)        

        Đầu năm 1961, tôi là Trưởng đoàn Đoàn 400 chi viện cho miền Nam vượt Trường Sơn vào địa bàn Khu 5 để hình thành Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Trong đoàn có đồng chí Nguyễn Đôn - ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4, đồng chí Võ Thứ - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324. Khi tới A Vương (Quảng Nam) thì đoàn đi về căn cứ, tôi ở lại tìm hiểu tình hình. Nghe nói ở Ban quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng có Nguyễn Chơn - một trợ lý tác chiến rất năng nổ, xốc vác, nhưng chưa có dịp tiếp xúc. Một hôm có dịp về Ban quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng làm việc tôi mới có dịp gặp với Nguyễn Chơn. Nguyễn Chơn có tướng mạo thấp, cặp mắt kiên nghị và rất quyết đoán. Khi tôi hỏi: "Đồng chí có cần thứ gì không?". Nguyễn Chơn thưa: "Báo cáo, tôi cần súng, đạn". "Được, có ngay đây, đồng chí!", miệng nói, tay tôi xách khẩu trung liên, mấy khẩu súng trường và một số đạn giao cho. Nguyễn Chơn mắt sáng rỡ, miệng nói cảm ơn, rồi vội mang súng đi ngay. Tôi nhìn theo và thầm nghĩ đồng chí trợ lý tác chiến này có khiếu quân sự, nói năng ngắn gọn, tập trung vào vấn đề; rồi tôi đặt vấn đề để tổ chức đưa Nguyễn Chơn về Trung đoàn 1 chủ lực để có điều kiện phát triển.

        Đúng như dự định, năm 1963, khi vài đồng chí chỉ huy muốn giữ Nguyễn Chơn làm cán bộ tác chiến của Tỉnh đội, thì tôi quyết định đưa sang phụ trách tác chiến Trung đoàn 1. Hồi ấy, đồng bào dân tộc Ca Tu ở A Vương rất thích Nguyễn Chơn. Đồng bào thường sợ voi 1 ngà, cọp 1 mắt; khi nhìn Nguyễn Chơn có một bàn chân 4 ngón, khi gặp địch đánh đâu thắng đó, họ vừa nể sợ, vừa khâm phục.

        Trong trận A Trao dưới chân A Vương, Nguyễn Chơn đã biết vận dụng vũ khí thô sơ, vũ khí chất nổ đánh tiêu diệt 1 đại đội bảo an. Khi địch ở trung tâm lên tiếp viện địch đánh chiếm lại mục tiêu, thì Nguyễn Chơn lại cho bộ đội phục kích, dùng hỏa lực đánh chặn buộc địch phải dừng lại và nếu chúng tản ra là bị sa hố chông ngay.

        Các năm 1967- 1968 , khi tôi là Trưởng phòng Tác chiến Quân khu, thì Nguyễn Chơn là Sư trưởng Sư đoàn 2; khi về họp Quân khu ở tây Trà My, anh hay ghé thăm tôi. Quý người chỉ huy đánh giặc giỏi, tôi thường tự mình ra ngoài suối thả lưới bắt cá nướng mời anh cùng ăn.

        Năm 1983, anh Chơn có lệnh của cấp trên điều động về làm Tư lệnh Quân khu 5. Anh Trần Bá Khuê, người tiền nhiệm muốn bàn giao gấp. Khi làm phái viên Quân khu phụ trách nhiệm vụ quốc tế giúp bạn tại Mặt trận 579 về, tôi gặp anh Chơn báo cáo tình hình: ở Cam- pu- chia, Pôn Pốt không phải là giặc cỏ, nó thọc vô sâu địa bàn đóng quân của mình. có đường ô tô, bắc cầu cho xe cơ giới đi. Tôi xin đề nghi trước khi nhận bàn giao, anh nên sang Cam-pu-chia cùng tôi để thị sát chiến trường. Anh Chơn gật đầu, tỏ vẻ ưng ý.

        Sau khi bàn bạc thống nhất với đồng chí Nguyễn Huy Chương - Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu, anh Chơn liền qua Mặt trận 579. Khi trinh sát Quân khu được lệnh đi kiểm tra thì thấy đúng là có con đường quân sự 30 cây số mới làm giữa biên giới Cam- pu- chia và Thái Lan, có cây cầu bắc qua suối lớn, xe tăng, xe thiết giáp qua được. Rõ là Pôn Pốt không thể là quân thổ phỉ được. Quân ta quần nhau với chúng ở Ngã Ba Biên, thấy chúng có cả cao xạ và xe ô tô. Nhờ nắm chắc tình hình địch, anh Chơn đặt vấn đề đánh ngay điểm cao 547. Mặc dù có nhiều bất lợi về địa hình, về tư tưởng, nhất là về nước uống cho bộ đội nhưng nhờ có nhiều kế sách và quyết tâm san bằng điểm cao địch từng khống chế, nên trong trận đánh trên, ta giành thắng lợi lớn.

        So với Nguyễn Chơn, tôi lớn tuổi hơn, lại nhập ngũ trước, từng là chỉ huy cấp trên, nhưng anh có tài đánh giặc giỏi, chỉ huy tốt nên trưởng thành nhanh. Năm 1984, tôi là Đại tá, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Mặt trận 579 Quân khu 5, thì anh là Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 5. Trong một buổi họp có đông đủ các thành phần, thấy Nguyễn Chơn đi vào, tôi giơ tay chào và báo cáo theo đúng điều lệnh, thì anh đưa tay khoát xuống: "Thôi, thôi ông Hấp ơi?" và đến bắt tay tôi siết chặt, anh nói "Cám ơn! Cám ơn?".

        Khi mới gặp, nhiều người chưa biết sẽ ngỡ anh là người khô khan, cục mịch, nhưng nếu được ở lâu cùng mới biết anh là người sống có tình nghĩa với đồng bào, đồng chí, đồng đội, nhất là những người từng vào sinh ra tử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 07:12:30 am »


        Sau khi nghỉ hưu sớm, năm 1990, tôi cưỡi xe đạp .đi khắp Đông Dương, lúc ra Hà Nội, ghé vào thăm Nguyễn Chơn, lúc ấy anh là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh ân cần hỏi han sức khỏe, đời sống gia đình và mời tôi ăn cơm thân tình với các món truyền thống xứ Quảng. Tháng 5 năm 2006, tôi vào nằm chữa bệnh tim mạch và vết thương cũ tái phát ở Bệnh viện Quân y 17 một tháng. Bất ngờ, anh Chơn mặc thường phục đến thăm, ngồi nói chuyện chiến trường xưa. Biết tôi hay đi lại bằng phương tiện tự túc, nằm viện ít có người nhà đến thăm vì đi lại chi phí rất tốn kém, lần nào gặp nhau, anh cũng tình cảm rút tiền túi hỗ trợ: "Ông cầm một ít để bồi dưỡng sức khỏe tuổi già".

        Với tôi, anh Nguyễn Chơn không chỉ là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mà còn là một vị tướng với nhiều huyền thoại về tính cách, về sở trường đánh giặc, về chuyện lập gia đình... Anh là một nông dân xứ Quảng Nam - Đà Nẵng thứ thiệt khi đến với cách mạng, anh tự chặt một ngón chân để thể hiện quyết tâm tình nguyện gia nhập bộ đội. Cuộc đời của Nguyễn Chơn là cuộc đời nung nấu khát vọng tìm nhiều cách đánh hay, đánh giỏi, ít tiêu hao lực lượng, phương tiện vũ khí để tiêu diệt các loại kẻ thù, bảo vệ quê hương, làng mạc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc, say mê đánh giặc, "đã đi là đến, đã đánh là thắng", không có trận thua, chỉ có thắng nhỏ, thắng vừa và thắng lớn. Hun đúc truyền thống của quê hương "vành đai diệt Mỹ", "trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ", anh là người có chí hướng cháy bỏng "không cho chúng nó thoát", quyết tâm tìm mọi cách hay nhất, hiệu quả nhất để " tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt", trả thù cho đồng đội, đồng bào, bắt kẻ thù phải đền tội ác. Có nhiều phương án, có phương châm, trong đó phương châm nắm thắt lưng địch mà đánh" bắt nguồn từ chiến trường Khu 5, từ những cách bám sát lưng địch, len lỏi vào nắm tình hình địch, "nhìn tận mắt, sờ tận tay" sâu sát trận địa, sâu sát chiến trường của anh đã trở thành bài học xương máu cho nhiều đơn vị, nhiều thế hệ chỉ huy đánh giặc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

        Về đời tư, anh cũng rất khác người anh đi qua nhiều địa phương, gặp nhiều người đẹp qua nhiều hình thức tiếp cận (tổ chức bố trí; bạn bè, đồng chí, đồng đội sắp xếp gặp gỡ mai mối; cấp trên đứng ra xe  duyên; đối tượng có nhã ý tình nguyện sẵn lòng kết tóc xe tơ...) nhưng anh vẫn vô tư, không vướng víu trong mắt một "bóng hồng" trong khi bản thân là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là sĩ quan trẻ, đánh giặc giỏi nổi tiếng cả nước. Đến khi gặp Trần Thị Lý - "gái Quảng Bình khí phách đọ Trường Sơn" cũng là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thì trái tim vị tướng anh hùng, tuổi ngoài bốn mươi, từng chỉ huy đơn vị Sư đoàn 2 hai lần anh hùng, mới rung lên nhịp đập thương yêu thật sự.

        Nguyễn Chơn là người lính thực thụ, trưởng thành từ cơ sở lên, từ chiến sĩ Vệ quốc đoàn lên các cấp theo thứ bậc từ Tiểu đội trưởng đến Sư đoàn trưởng, Tư lệnh Quân đoàn, Tư lệnh Quân khu, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, qua các chiến trường Đông Dương, từ chống Pháp, chống Mỹ đến chống các quân xâm lược, từ giải phóng dân tộc đến bảo vệ Tổ quốc. Về thực tế, một cán bộ trưởng thành như thế rất hiếm.

        Nguyễn Chơn còn là người chỉ huy luôn phòng ngừa địch, nắm sát sườn địch và đặc biệt là tư tưởng xuyên suốt không sợ địch, đánh để tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Ở trận Nông Sơn, anh chỉ huy đánh 1 tiểu đoàn biệt động quân ngụy, địch tăng cường thêm 1 tiểu đoàn biệt động nữa. Tình huống có vẻ bất lợi vì không ngang sức. Có người trong Ban chỉ huy lo sốt vó, thậm chí muốn rút lui để bảo toàn lực lượng, nhưng anh bình tĩnh, lạc quan theo kiểu "mía ngon, đánh cả cụm" và với sự bài binh bố trận tài giỏi của mình, trận này, đơn vị của anh Chơn thắng đậm.

        Nguyễn Chơn là người chỉ huy táo bạo, quyết đoán, càng trong gian nan, thử thách, có lúc ngặt nghèo, ngỡ không có đường ra, thì nảy sinh nhiều cách nhìn mới mẻ, sáng suốt, cách nghĩ linh hoạt, thông minh phù hợp với thực tế trận đánh. Khi chỉ huy đánh điểm cao 547, các đơn vị sợ nhất là thiếu nước. Mùa khô chiến trường Cam- pu- chia rất khắc nghiệt: rừng cháy, nước cạn. Muốn lấy nước, gần nhất phải đi lấy nước cách 30 cây số. Do đó, anh đã huy động mọi nguồn lực để có nguồn nước dồi dào, giải quyết triệt để tư tưởng "chết vì khát nước". Tôi nhớ, anh chỉ đạo cho ngành hậu cần Mặt trận về bên Quân khu 5 huy  động các thùng chứa. Còn ở tại chỗ, anh chỉ đạo vận chuyển 50 thuyền nhôm lên, đào sâu đất dưới chân điểm cao, đưa xe tải chở nước từ xã Em (xa mấy chục cây sô) đổ vào hồ chứa 250 khối nước. Nước lúc này có giá trị như đạn, mỗi tiểu đội, cử hẳn một chiến sĩ mang nước, mỗi người đều có một ruột nghé bọc ni- lông chứa nước. Trận đánh điểm cao 547 thắng lợi lớn, do anh chỉ huy, trong đó có "sách lược" huy động nước, chứa nước nhạy bén, tài tình, giải quyết tư tưởng "sợ chết do thiếu nước" của bộ đội.

LÊ ANH DŨNG ghi         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:59:24 am »

     
ĐÔNG BẮC CAM-PU-CHIA NHỮNG NĂM ẤY

Đại tá NGUYỄN ĐÌNH NGẬT        

        Tôi còn nhớ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng, ngày 10 tháng 5 năm 1975, Sư đoàn 2 về đứng chân ở Tuần Dưỡng để làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia nạo vét sông Bà Rén khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam, xây dựng doanh trại, sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện. Giữa năm 1977, anh Nguyễn Chơn - Sư đoàn trưởng được cử đi học ở Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng) sau đó về nhận công tác ở Quân đoàn 2.

        Sau 6 năm xa Quân khu, đến cuối năm 1983 anh mới được trở lại với cương vị Tư lệnh Quân khu, thay đồng chí Trung tướng Đoàn Khuê làm Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Mặt trận 719.

        Địa bàn Quân khu không phải lạ, các đơn vị trong Quân khu anh quá quen, song vấn đề lớn nhất là nhiệm vụ giúp bạn ở Đông Bắc Cam- pu- chia, đặt trên vai anh một gánh nặng.

        Có lẽ chính vì vậy, nên sau khi bàn giao công tác xong, trước Tết Giáp Tý (1983), anh dẫn đoàn cán bộ các cơ quan Quân khu và cả Sư đoàn 2, đi nghiên cứu chiến trường chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1983- 1984 ở Đông Bắc Cam- pu- chia.

        Khi về làm Tư lệnh Quân khu, anh Chơn đi chuẩn bị chiến trường và trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch. Lúc này Sư đoàn 2 do đồng chí Trương Hồng Anh làm Sư trưởng - người chiến sĩ trinh sát cho anh Chơn hồi những năm anh làm Tiểu đoàn trưởng, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Ba Gia, còn tôi là Phó sư đoàn trưởng chính trị (cơ chế lúc này không gọi là Chính ủy). Cả hai anh em tôi và toàn Sư đoàn lúc đó có một cái gì đó tạo sự phấn khởi và niềm tin rất lớn. Trương Hồng Anh ôm tôi vui vẻ tình cảm nói: "Sư đoàn ta có thời cơ lập công rồi!'. Tôi cũng rất đỗi vui mừng có một Sư đoàn trưởng trẻ trung sôi nổi. Kéo Trương Hồng Anh vào ngồi ghế, tôi nói luôn: "Anh Chơn về với Sư đoàn mình, thì có gì mà phải nói nữa. Khuôn nào, thì nồi đó. Hễ nhấc máy điện thoại lên, chưa a lô cũng đã hiểu nhau và tin nhau rồi, có điều này tôi suy nghĩ và đã kết luận được". Trương Hồng Anh hỏi ngay: "Anh nói điều gì?". Tôi chậm rãi nói: "Tư lệnh Quân khu trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch ở Quân khu 5 đã là phong cách chỉ huy của Tư lệnh Quân khu qua các thời kỳ đã tạo truyền thống tốt đẹp cho chúng ta, anh Nguyễn Chánh trong chống Pháp, anh Chu Huy Mân trong chống Mỹ, anh Đoàn Khuê đầu năm 1979, bây giờ anh Nguyễn Chơn, chân ướt chân ráo mới nhận chức Tư lệnh Quân khu là nhảy lên chiến trường trực tiếp làm tư lệnh chiến dịch mùa khô 1983- 1984". Trương Hồng Anh ôm chặt tôi cười sang sảng: "Chính ủy đi mấy đường cơ bổn sâu sắc quá".

        Vì lo nhiệm vụ Tư lệnh chiến dịch, nên anh Chơn chưa có dịp đến thăm Sư đoàn, nhất là Trung đoàn 1 (Ba Gia) nơi anh có nhiều kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp. Hôm anh đi nghiên cứu chiến trường về, ghé qua Sư đoàn bộ rồi đi ngay.

        Sau 5 năm giúp bạn, lần này Quân khu có quyết tâm lớn, tập trung lực lượng mở chiến dịch C84. Sau một thời gian chuẩn bị, ăn Tết cổ truyền xong, ngày 9 tháng 2 năm 1984, Sư đoàn lên đường hành quân chiến dịch. Qua 4 ngày vượt nhiều rừng khộp, nắng đốt cháy da, toàn bộ đội hình đã đến xã Em, đến đây bộ đội khẩn trương chuẩn bị vị trí tạm dừng, cán bộ Sư đoàn đi nhận nhiệm vụ ở cấp trên.

        Lần đầu tiên ở Đông Bắc Cam-pu-chia, ta mở chiến dịch lớn để tiêu diệt căn cứ 547 của 2 sư đoàn 612 - 616 quân Pôn Pốt, nằm trên tuyến biên giới Thái Lan - Cam-pu-chia, phá tan cửa khẩu 1003, cắt đứt đường tiếp tế của chúng từ Thái Lan về nội địa. Tôi nhớ mãi một kỷ niệm về anh Nguyễn Chơn, đó là hôm làm công tác tổ chức giao nhiệm vụ thông qua phương án chiến dịch với Bộ Tư lệnh MT719 tại xã Em, cơ quan tham mưu đắp sa bàn rất đẹp, rộng chừng 40m2 sắp các mũi tiến công của ta, mũi tên nào cũng rất sắc nét. Thành phần tham dự đầy đủ. Bộ Tư lệnh Mặt trận 719 có đồng chí Đoàn Khuê - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng và cơ quan tham mưu, chính trị dự. Anh Nguyễn Chơn - Tư lệnh Quân khu, trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch, trình bày phương án chiến dịch - tay phải cầm cây chỉ trên sa bàn, tay trái cầm tập văn kiện. dày, nhưng hình như anh không xem tài liệu mà cứ nói chắc nịch mạch lạc từ đầu chí cuối từ tình hình nhiệm vụ chung, đến nhiệm vụ của Sư đoàn 307, Sư đoàn 2 và các binh chủng, đâu vào đó.

        Chưa thảo luận nhưng ai nấy đều thấy phương án chiến dịch thể hiện rất rõ tư tưởng quân sự của Đảng, nghệ thuật chiến dịch cao. Thế của chiến dịch rất vững chắc, nhất là có mũi vu hồi sâu phía sau tạo thành thế bao vây khép kín. Vấn đề này cũng dễ hiểu, vì ai cũng biết anh Chơn: Vu hồi, thọc sâu, bao vây, đón lõng, lật cánh, nới vây bao giờ cũng dùng nhiều đòn hiểm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 12:03:11 pm »


        Sau đó, đồng chí Đoàn Khuê - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Mặt trận 719 đi quanh nửa vòng sa bàn, cúi xuống nhẹ nhàng nhặt lấy mũi tên cánh quân vu hồi qua đất Thái Lan, rồi về lại chỗ cũ, vui vẻ nói: "Vốn là vấn đề nhạy cảm của chính trị, ta hãy bàn cách khác, chứ không nên có mũi tên này sang đất Thái Lan". Nói xong, đồng chí ngồi xuống và bỏ mũi tên ấy trước mặt mình.

        Lúc này, mọi cán bộ đều nhìn anh Chơn, vừa xem thái độ vừa chờ ý kiến xử lý. Suy nghĩ một phút, anh Chơn phát biểu: "Đây là lệnh cấp trên, ta nghiêm túc chấp hành, nhưng không thể thiếu mũi vu hồi, Trung đoàn 94 vẫn vòng phía sau, đi sát vào biên giới Thái Lan - Cam- pu- chia, bảo đảm cắt đứt phía sau không cho địch chạy thoát". Ai nấy đều nhất trí với phương án của anh Chơn. Khi làm công tác giao nhiệm vụ xong, đồng chí Nguyễn Tấn (Tấn Re) - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94 bắt tay anh Chơn phát biểu: "Báo cáo Tư lệnh, Trung đoàn 94 của tôi không hoàn thành nhiệm vụ vu hồi, thì tôi không về nữa". Mọi người ồ lên cười nói đùa: "Tấn Re không về thì Tấn Re" ở lại, còn anh Chơn thì nắm chặt tay Tấn với lòng tin tưởng.

        Sau khi làm công tác giao nhiệm vụ xong anh Chơn nói với tôi và Trương Hồng Anh: "Chiến dịch này, anh Nguyễn Hữu Quang - Sư đoàn trưởng, anh Nguyễn Nghĩa - Phó sư đoàn trưởng Chính trị Sư đoàn 315 cùng đi với Sư đoàn 2". Đối với hai anh em chúng tôi, anh cũng nói rõ luôn: "Chiến dịch sau, Sư đoàn 315 đảm nhận nhiệm vụ chủ yếu ở khu vực Ngã Ba Biên (Thái Lan - Cam- pu- chia - Lào) nên chiến dịch này đi với Sư đoàn 2 để rút kinh nghiệm thực tế về công tác chỉ huy lãnh đạo và các mặt bảo đảm".

        Tối đến, anh em tôi trao đổi với nhau, xác định rõ mình phải làm sao có kinh nghiệm tốt và mặt khác phải tranh thủ ý kiến của các anh Sư đoàn 315. Rồi tôi và Trương Hồng Anh càng hiểu anh Chơn hơn, đây là một cách bồi dưỡng cán bộ của anh vì anh là người luôn luôn tâm huyết với thắng lợi của chiến trường, như những năm chống Mỹ, chưa đánh xong trận này, đã lo cho chiến thắng trận sau.

        Khi nhận nhiệm vụ ở Mặt trận về, Đảng ủy Sư đoàn họp xác định lại quyết tâm, sau đó tổ chức giao nhiệm vụ cho các đơn vị trên sa bàn. Chiến dịch này, Sư đoàn 2 được tăng cường Trung đoàn 143 do anh Nguyễn Văn Điệu làm Trung đoàn trưởng và Tiểu đoàn 3 tăng - thiết giáp do đồng chí Nguyễn Trọng Đồng chỉ huy, nhưng với nhiệm vụ quan trọng nên đồng chí Phạm Viết Thường - Trung đoàn trưởng 574 cũng đi theo.

        Không những vì nhiệm vụ của Sư đoàn rất nặng, đảm nhận nhiệm vụ tấn công hướng nam tiêu diệt hai sư đoàn 612 và 616 của quân Pôn Pốt và một mũi bao vây, đón lõng hướng tây nam. Là người đã gắn bó với Sư đoàn từ khi mới thành lập cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nên anh Chơn thường xuyên đi sát giúp đỡ. Tôi còn nhớ trong buổi giao nhiệm vụ cho các đơn vị, anh Chơn đã phát biểu những vấn đề quan trọng, kết thúc cuộc họp cũng là buổi sinh hoạt chính trị, Sư đoàn phát động phong trào thi đua "Quyết chiến thắng quân Pôn Pốt, bảo đảm hiệu quả chiến dịch cao". Tôi đọc thư kêu gọi của Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu gửi cho cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch C84, do anh Chơn ký. Khi đọc đến câu "Thay mặt Thường vụ Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu, 4 chữ sau tôi đọc thật to: "Thiếu tướng Nguyễn Chơn", tất cả vỗ tay rầm rộ, khí thế sôi nổi, ai nấy đều reo cười. Sau này, đồng chí Nguyễn Văn Điệu gặp tôi ở đâu, cũng vui vẻ nói: Cả Quân khu này chỉ có anh Ngật mới dám "hét" tên anh Chơn to như thế.

        Đáng lẽ sau khi làm công tác tổ chức giao nhiệm vụ, là bước vào chiến đấu, nhưng lại có vấn đề nhạy cảm chính trị, ngoại giao nên có lệnh phải chờ.

        Được lệnh này, một số cán bộ tưởng có dịp nghỉ ngơi, song anh Chơn nhận thấy đây là thời cơ huấn luyện bộ đội bồi dưỡng cán bộ - một vấn đề quan trọng mà anh Chơn đã có kinh nghiệm từ sau Ba Gia - Vạn Tường (1965), sau Đường 9 - Nam Lào (1971) và nhất là sau khi có phương án tác chiến nên anh Chơn chỉ đạo các đơn vị tranh thủ huấn luyện bộ đội đạt 3 yêu cầu:

        - Trước hết cấp ủy, cán bộ có quyết tâm huấn luyện cao, coi đây là thể hiện quyết tâm chiến đấu.

        - Huấn luyện sát với phương án tác chiến của đơn vị.

        - Huấn luyện tại chiến trường nên phải có phương pháp tốt huấn luyện cả cán bộ và chiến sĩ khắc phục được những mặt yếu cả kỹ thuật và chiến thuật.

        Bởi vậy, Sư đoàn tôi phải cử đồng chí Trần Hùng - Tham mưu trưởng Sư đoàn (sau này là Thiếu tướng - Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng) về nước lấy một số phương tiện, học cụ sang cho bộ đội học tập.

        Đi đôi với khẩn trương huấn luyện là vấn đề chuẩn bị phương tiện đựng nước uống cho bộ đội. Rút kinh nghiệm các năm trước, trong chiến dịch này, anh Chơn chỉ đạo rất cụ thể và chu đáo. Sư đoàn tôi ngoài việc đã được bổ sung hàng nghìn bi đông loại 5 lít, hàng trăm chiếc can loại 20 lít cho bộ đội mang theo người, còn có lực lượng tiếp nước bằng các thùng 20 lít, 4m3, phuy 100 lít, 200 lít, téc cao su, khoang thuyền nhôm 3m3. sư đoàn tôi Cử đồng chí Đỗ Quang Dự - Phó chủ nhiệm Hậu cần (sau này là Đại tá, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu) trực tiếp chỉ huy bộ phận này. Khi đoàn xe vượt qua khu vực Cam Tuất bị quân Pôn Pốt đánh mìn, đồng chí Dự cũng bị thương nhẹ. Chiến đấu ở Cam- pu- chia, bộ đội ta đã rõ đối tượng quân Pôn Pốt, nhưng do địa hình khắc nghiệt, nên chỉ sợ mìn và rất sợ khát nước. Có sự chuẩn bị chu đáo như vậy, nên giới cán bộ chính trị đã nói với nhau: "Tư tưởng sợ khát nước của bộ đội đã được anh Chơn giải quyết thông suốt rồi?".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 12:07:17 pm »


        Qua bao ngày chờ đợi, nay có lệnh tấn công, sáng 22 tháng 3 năm 1984, Sư đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa. Vừa đường xa, vừa khó đi, sau 2 ngày hành quân mới đến nơi quy định. Tối 24 tháng 3, bộ binh và các binh chủng vào chiếm lĩnh trận địa, các mũi, các hướng đều thuận lợi, riêng Tiểu đoàn tăng - thiết giáp đến 2 giờ ngày 25 tháng 3 chưa tiến vào được, vì sợ lộ nên khi chuẩn bị đường cho xe tăng ta cưa cây, nhưng chưa hạ ngã, nay cưa tiếp phần còn lại và có chỗ đường hẹp phải mở rộng cho xe tăng qua lọt, lúc này anh Chơn cứ điện hỏi, có bảo đảm xe tăng vào đúng giờ không, Sư đoàn chúng tôi hiểu Tư lệnh Quân khu rất quan tâm đường cơ động của xe tăng, vì làm sao quên được chiến dịch Đắc Tô - Tân Cảnh (1972) khi anh Chơn là Sư đoàn trưởng, anh đã phát hiện đường bí mật cơ động xe tăng phía bắc đồn Plei- cần 5km bộ đội đã khắc phục khó khăn làm con đường dài 50km, lấy tên là đường 50K đưa tăng pháo vào hướng bất ngờ lợi hại, nên lần đầu tiên trên chiến trường ta đã diệt sư đoàn (thiếu) 22 ngụy, sư đoàn trưởng Lê Đình Đạt cùng một số sĩ quan tham mưu chết tại trận, sư đoàn phó Vi Văn Bình - cùng một số sĩ quan tham mưu sư đoàn bị bắt. Với quyết tâm giành thắng lợi cao, anh em công binh khắc phục mọi trở ngại, đã bảo đảm thông đường. 4 giờ, các xe tăng, xe bọc thép vào vị trí, toàn đội hình Sư đoàn hoàn thành chiếm lĩnh trận địa đúng theo mệnh lệnh.

        Trời sáng hẳn, Sư đoàn 307 nổ súng trước, hình thành thế bao vây chia cắt chiến dịch. 7 giờ, Sư đoàn 2 nổ súng tiến công. Qua 2 ngày chiến đấu, ta tiêu diệt hoàn toàn căn cứ 547. Đây là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược quan trọng, không những tiêu diệt sinh lực địch, thu toàn bộ vũ khí. Đây cũng là lần đầu tiên ta tiêu diệt căn cứ cửa khẩu nằm sát biên giới Thái Lan, làm chúng mất bàn đạp từ nước ngoài qua biên giới về nội địa hoạt động.

        Qua chiến dịch này, thêm một việc nữa làm tôi càng hiểu thêm anh Chơn. Đó là ngày 28 tháng 3 năm 1984, đồng chí Trương Hồng Anh, theo lệnh Mặt trận đi khảo sát chiến trường để làm phương án tác chiến tại chỗ. Khi trên đường về đơn vị, chiến xe GMC bị mìn địch, đồng chí Trương Hồng Anh bị thương. Được tin này, anh Chơn điện ngay cho tiền phương Bộ Quốc phòng xin máy bay lên thẳng từ Tân Sơn Nhất lên đưa đồng chí Trương Hồng Anh về Viện Quân y 15 ở Plei- cu điều trị. Sáng 29 tháng 3, máy bay lên thẳng đến, nhưng không xuống được bãi đáp, Sư đoàn báo cáo lên, anh động viên cố gắng đợi ngày mai. Nghe tiếng anh trong máy điện thoại, tôi nhận rõ sự quan tâm của anh với Trương Hồng Anh - một cậu bé 17 tuổi ở mảnh đất Bình Sơn đã có hơn 10 năm chiến đấu dưới sự dìu dắt của anh. Nên khi tổng kết chiến dịch, anh Lê An - Sư đoàn trưởng báo cáo kết quả tác chiến của Sư đoàn 307 xong, đến lượt tôi lên báo cáo kết quả của Sư đoàn 2, nhìn thấy tôi làm anh càng nhớ đến Trương Hồng Anh.

        Tiếp theo chiến dịch C84 là chiến dịch Ngã Ba Biên mùa khô 1984- 1985 mà anh đã chuẩn bị sẵn. Chiến dịch này ta đánh chiếm các căn cứ Pẹt úm, Pha- non Kan Tung, núi Cụt, tiêu diệt các sư đoàn 612, 980, 801, căn cứ hậu phương Sư đoàn 920, tiền phương Bộ tổng tham mưu quân Pôn Pốt, Trung ương FULRO và 1 bộ phận phỉ Lào, loại khỏi vòng chiến 1.294 tên địch, bắt 168 tên, thu 4.566 súng các loại. Các căn cứ địch trên tuyến biên giới Thái Lan - Cam- pu- chia trong phạm vi Quân khu ta phụ trách, bị quét sạch, cắt đứt hành lang vận chuyển bên ngoài vào nội địa. Bạn hình thành tuyến phòng thủ liên hoàn trên biên giới phía Đông Bắc. Mùa khô năm 1985- 1986, lực lượng và bạn mở chiến dịch truy quét nội địa, diệt các căn cứ lõm La Lay - Rừng Xanh, hậu cứ sư đoàn 920, hậu cứ vùng 105, làm cho lực lượng cách mạng của bạn ở Đông Bắc Cam- pu- chia chuyển sang thế và lực mới.

        Đến đây, nhiệm vụ giúp bạn ở Đông Bắc Cam- pu- chia có phần nhẹ hơn. Đồng chí Trung tướng Nguyễn Chơn có quyết định ra Bộ nhận nhiệm vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng, còn tôi chuyển về công tác ở Văn phòng Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu. Sáng ngày 28 tháng 7 năm 1987, trong buổi họp để bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh có đủ các anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu và thủ trưởng các cục, tôi ghi rất kỹ và nhớ rất rõ, anh Chơn báo cáo các mặt rất cụ thể, từ phương án phòng thủ, xây dựng lực lượng, công tác đảng, công tác chính trị, hậu cần, kinh tế, tài chính. Cuối cùng anh nói: "Đề nghị thống nhất bắt đầu từ ngày 6 tháng 8 năm 1987, đồng chí Phan Hoan chính thức làm việc với cương vị Tư lệnh Quân khu, với giọng nói chân thật, tình cảm như không muốn xa Quân khu 5, nơi mà đời lính của anh đã gắn bó với miền đất này từ ngày đầu chống Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 12:56:28 pm »


NHỮNG KỶ NIỆM SÂU SẮC VỚI VỊ TƯỚNG ANH HÙNG NGUYỄN CHƠN

NGUYỄN THÀNH                             
Nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy               
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng       

        Năm 1965, tôi là Bí thư Huyện ủy huyện Tiên Phước gặp Nguyễn Chơn lần đầu tiên ở thôn 1, xã Tiên Lộc khi anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90 ở Công trường 1 thuộc H21. Đây là vùng giải phóng, bộ đội đóng trong dân, được dân nuôi như con em mình. Hồi ấy, anh khoảng 35 tuổi, mặt mũi sáng sủa, cái nhìn thẳng thắn, cương nghị. Với bộ bà ba đen, mang khẩu súng ngắn, gậy cầm tay, ba lô sau lưng; là lính chính quy nhưng anh rất dễ gần với cán bộ địa phương. Với tác phong nhanh, gọn, cởi mở, hài hòa, chúng tôi làm việc rất ăn ý với nhau trong bàn bạc và thống nhất các phương án chiến đấu giải phóng tiếp một số xã thuộc huyện Tiên Phước như Tiên Phong, Tiên Thọ và một số thôn của Tiên Cảnh.

        Anh có tác phong sâu sát, gắn chặt với phong trào địa phương, nắm bắt tình hình tư tưởng, diễn  biến của địch, nắm chắc từng hàng rào, lô cốt, nơi bố trí lực lượng, vũ khí của địch, thậm chí sử dụng cả  cơ sở bên trong đi chuẩn bị chiến trường, nên trong chiến dịch đó, chúng tôi hoàn thành tốt các phương án đề ra, vùng giải phóng tiếp tục được rộng mở, thế và lực ngày càng nống ép sang cả quận lỵ Tiên Phước.

        Lần thứ hai, vào năm 1969, tôi là ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phụ trách Trưởng ban đấu tranh chính trị và binh vận gặp anh Nguyễn Chơn - Tham mưu trưởng Trung đoàn 1 ở xã Tiên Thọ. Lúc đó chúng tôi chuẩn bị chiến dịch Xuân - Hè đánh khu vực phía bắc và phía tây Tam Kỳ. Hồi ấy một tiểu đoàn lính Mỹ đã vào Chu Lai, đóng quân ở Gò Gai thuộc Phước Hiệp. Hỏa lực của địch mạnh, nhưng bằng các tính toán, phán đoán và quyết định mạnh mẽ, kịp thời của anh, chiến dịch này, quân ta thắng lớn. Vì chỉ huy quá xông xáo, khi xáp trận, anh bị thương phải băng bó ở đầu. Họp mặt vui mừng thắng lợi ở thôn 9 xã Tiên Thọ, anh còn nói đùa: "Bọn địch, nghĩ cũng tội thiệt, hắn bắn, mà chừa cái mỏ ác ra, nên mình chỉ bị sơ sơ, "cái gáo" của mình ngó rứa mà cứng dữ đó nghe, không bể, vẫn còn ăn cơm, húp cháo được?".

        Lần thứ ba, vào năm 1972, tôi gặp lại anh Chơn khi anh là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, chuẩn bị đánh Cấm Dơi. Là lãnh đạo cơ quan dân chính, cùng đi chiến dịch với Sư đoàn 2, tôi có nhiệm vụ chỉ huy, đôn đốc lo hậu cần cung cấp nuôi dưỡng bộ đội về mọi mặt, nhất là gạo, muối. Sư đoàn 2 lúc ấy đóng ở địa bàn Quế Sơn, phụ trách cả khu chiến phía tây Quế Sơn. Trước khi mở chiến dịch, tôi cũng được họp trong Ban chỉ huy tiền phương. Chuẩn bị chiến trường, tôi và anh Hoàng - Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn, cùng anh Chơn đi hướng Huyện ủy Quế Sơn, kiểm tra chiến trường ở Cấm Dơi. Còn các anh Thạch - Sư đoàn trưởng, anh Đạo - Chính ủy cùng một vài chỉ huy Trung đoàn đi kiểm tra ở Động Mông - Đá Hàm. Khi tập trung lại ở một hòn núi cao, họ bị địch phát hiện cho một đoàn mấy chiếc trực thăng đến chà qua, xát lại; lực lượng yếu mất thế, các anh ấy hy sinh hết. Thật đau đớn vì gần như ta hy sinh toàn bộ đầu não chỉ huy Sư  đoàn. Tuy thế, chiến dịch đánh vào Cấm Dơi vẫn không bị lộ. Biến đau thương thành hành động cách mạng, anh Mão - Sư đoàn phó cùng anh Chơn chủ trì tập hợp củng cố lực lượng, quyết bám trụ, tiếp tục đánh Cấm Dơi, chứ không bỏ chiến trường.

               Nhiều lần, tôi và anh Chơn phối hợp công tác, hoặc hội họp, ăn, nghỉ gần nhau. Tính anh ăn uống đơn giản, không đòi hỏi cầu kỳ. Đặc biệt, anh là người có tay "sát cá',, hễ nơi nào có suối, anh cầm tay lưới, hoặc cần câu, thì y như rằng có cá để ăn và mời khách. Đu đưa trên cánh võng ở rừng, kể lại nhiều trận chết hụt, anh Chơn lại đùa: "Hình như bom đạn nó sợ, nên chừa bọn mình ra. Nhờ đồng bào che chở, hương hồn đồng chí, đồng đội phù hộ, nên cái số bọn mình hên, có khi bỏ vào cối giã, cũng không chết!".

        Về anh Nguyễn Chơn, còn biết bao điều chưa khám phá hết, ngẫm nghĩ, tôi thấy, anh Chơn là ông tướng nông dân, xuất thân từ nông dân mà ra và trở thành người chỉ huy trăm trận, trăm thắng. Anh là người chỉ huy gần gũi, sâu sát thân tình với anh em; chỉ huy với lính không phân biệt, cùng ăn, cùng ở chan hòa, gian khổ, sống chết có nhau. Với địa phương, anh chú trọng khâu đoàn kết quân dân, rất nghiêm khắc trong kỷ luật bộ đội, chú ý học hỏi, lắng nghe ý kiến địa phương về thời tiết, đất đai, sông núi, về đặc điểm tình hình từng loại địch, đồn bót, vũ khí, trang bị địch của địch.

        Khi đánh giặc, anh sâu sát chiến trường, trận địa, cùng bò với trinh sát để sờ tận tay, day tận trán địch. Phối hợp với địa phương chúng tôi, anh thường hỏi rất kỹ về địa hình, địa thế, chốt điểm. Anh không nghe cấp dưới báo cáo lại để ngồi duyệt phương án, mà trực tiếp đi kiểm tra thực tế để thực thi phương án; không chỉ huy trên sa bàn, mà chỉ huy ngay trận địa. Anh còn là người chỉ huy toàn tâm, toàn ý, tiếc xương máu chiến sĩ, nên công tác chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị trận đánh rất kỹ lưỡng, chặt chẽ. Nhờ vậy, chiến dịch nào, trận đánh nào anh chỉ huy, cũng đều chiến thắng, nói chính xác hơn là tất thắng.

        Với phụ nữ, anh là người đứng đắn, đứng đắn đến nghiêm khắc. Lúc thân tình tôi hỏi, anh chỉ cười cười, rồi nói: "Thôi đi ông Thành ơi! Vợ con chi cho mệt cái thân, để đầu óc thảnh thơi mà nghĩ cách đánh thằng giặc. Thắng giặc xong rồi, tha hồ mà lo chuyện vợ con. Trễ nãi chi!".

ANH LÊ ghi       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 01:02:22 pm »


VỚI TRUNG ĐOÀN NGÀY ẤY...

Nhà văn ANH THI       

        Ngày đầu làm quen với bộ quân phục màu xanh, làm quen với đồng đội, làm quen với đội ngũ chỉnh tề của Trung đội vệ binh trong cơ quan Trung đoàn bộ; rồi tiếp đến lại làm quen với các cấp lãnh đạo, chỉ huy tác chiến cao nhất của ba cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần và các cán bộ của Ban Tham mưu Trung đoàn, ký ức về màu phượng vĩ rực thắm trong tôi lại lan tỏa và góc trời tự nhiên của tuổi học trò phải nhường chỗ để bắt đầu với những kỷ niệm dồn dập của màu xanh áo lính.

        Núi rừng lại bắt đầu ủ ấm, nhen nhóm ở tâm hồn tuổi trẻ của tôi bằng âm vang lời ca "Giải phóng miền Nam" đầy xúc cảm, rộn ràng và thúc giục, nâng bổng tâm hồn tôi lên theo với giai điệu ngân vang và lâng lâng theo sóng lá của Trường Sơn được tạo ra từ những cơn gió của đại ngàn vô tận.

        Ngày đầu làm lính, mà lại là làm một anh lính vệ binh của Trung đội bảo vệ Trung đoàn bộ Trung đoàn Ba Gia, tôi có biết bao bỡ ngỡ, huống chi lại kèm theo những nhiệm vụ: đào công sự cho chỉ huy sở, đốn cây, chặt lá làm lán trại, che mái hầm... rồi lại gác xách ngày đêm, thay nhau bảo vệ cho bộ não chỉ huy của Trung đoàn được an toàn và bảo mật an ninh chặt chẽ cho các thủ trưởng họp bàn phương án tác chiến. Nhất là lúc các thủ trưởng và Ban Tham mưu lên sa bàn để chuẩn bị cho những trận tác chiến tiếp theo.

        Chuyện không đáng nói, nếu như những kỷ niệm của tôi với Trung đoàn bộ không có liên quan đến chữ "tâm" của vị chỉ huy, lãnh đạo cao nhất về quân sự là Trung tá Nguyễn Chơn và một số cán bộ tác chiến của Ban Tham mưu Trung đoàn bộ Trung đoàn Ba Gia lúc bấy giờ (1966).

        Sau những ngày chiến đấu và chiến thắng lớn vang dội với những địa danh Ba Gia, Vạn Tường, Đồng Dương, Vinh Huy, toàn đội hình Trung đoàn hành quân về hậu cứ, trên vùng rừng núi Ba Tơ - Quảng Ngãi để chỉnh huấn, chỉnh quân, chuẩn bị cho những chiến dịch khác tiếp theo.

        Giữa Trường Sơn, những cơn mưa rừng ào ào trút xuống xối xả... Tiếng thác nước ầm ầm dội vào vách đá đầy cuồng loạn của những cơn thủy quái tranh nhau cuồn cuộn, băng băng tràn về xuôi như một cuộc hành quân thần tốc của thiên nhiên đầy bí ẩn...

        Trong hỗn âm của những tiếng vặn mình từ những thân cây còn tươi, tiếng ngã đổ của những thân gỗ mục và gãy tiếng va đập của những cành cây, ngọn lá từ thân cổ thụ của rừng già, xen lẫn tiếng rít liên hồi của từng luồng gió đại ngàn nguyên thủy.

        Hôm ấy, nhận lệnh từ Trung đội trưởng vệ binh - Trần Đôi, chúng tôi gồm Tiểu đội trưởng Trần Văn Lịch, tôi và chiến sĩ Lê Văn Quả nhận nhiệm vụ đắp "sa bàn", theo sự chỉ đạo của các ban Tác chiến, Tham mưu Trung đoàn, do Trung úy Trần Như Tiếp chỉ đạo trực tiếp...

        Qua mấy ngày cặm cụi làm việc, đắp sa bàn ở từng chi tiết, tất cả tâm lực của người chỉ đạo và ba anh em vệ binh đã dồn hết vào "tác phẩm" mới mà "nguồn cảm hứng" do Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn cùng Ban Tham mưu và Trưởng ban Tác chiến Trần Như Tiếp cùng các chiến sĩ trinh sát đi thực địa, khảo sát chiến trường, mang về...

        Mọi việc đã diễn ra xuôi chèo mát mái và tưởng như kết quả đã hoàn toàn mỹ mãn, tưởng được nhận phần thưởng ngợi khen từ các cấp của cơ quan tham mưu. Không ngờ...!!!

        Vâng, đó là sự việc không ngờ bởi cái công việc ấy chưa hề quen thuộc đối với tôi - một người lính vẫn còn giữ nguyên màu mực, màu phấn, màu phượng vĩ và tiếng ve sầu để bắt đầu làm quen với công việc người lính. Sau khi về lán trại, nằm nghỉ trên võng, bỗng nghe tiếng gọi giật giọng và tiếng nói đầy giận dữ của Trung đội trưởng Trần Đôi:

        - Đồng chí Lịch, đồng chí Chữ! Hai đồng chí đảng viên cùng chiến sĩ của mình đã thực hiện nhiệm vụ tôi giao như thế nào, mà để tôi phải bị khiển trách trước thủ trưởng?

        Lúc đó, Trần Văn Lịch, do lớn ngang bằng tuổi Trần Đôi, nên có tiếng căng thẳng qua lại. Còn tôi, một tân binh gần như mới và cũng tuổi em út, nên đứng "trồng cây chuối" chịu trận lôi đình tỏ ý nhận lỗi của mình qua sự chẳng "khéo tay" để "bay" kỹ thuật đắp "sa bàn" chưa hề tiếp xúc đó...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 02:07:40 am »


        Trong lúc Trung đội trưởng Trần Đôi quá giận dữ, to tiếng, còn Trần Văn Lịch bướng bỉnh cãi lại, thì Trung đoàn trưởng Nguyễn Chơn đi ngang qua, dừng lại nghe, lên tiếng:

        - Đồng chí Đôi! Anh em có sai sót gì, thì ôn tồn chỉ bảo để họ biết mà rút kinh nghiệm. Đồng chí nóng nảy mạt sát chiến sĩ như thế, có đúng không? - Ngừng một lúc, nhìn vào người Trung đội trưởng chỉ huy trực tiếp của tôi, ông hạ giọng ôn tồn như khuyên nhủ:

        - Với cấp dưới, với chiến sĩ, đừng nên dùng cái quyền của người chỉ huy để lên gân cổ. Đồng chí hãy dùng lời nhẹ nhàng, êm thấm và thân tình như một người anh trong gia đình để xử sự thì có tốt hay không?

        Ông nhấn mạnh thêm:

        - Mà bản thân đồng chí phải xem lại mình đi? Cái sai sót về kỹ thuật này có liên quan đến đồng chí  không đấy? Trong lúc cấp dưới về báo cáo làm xong, đồng chí có đi kiểm tra lại chưa? Nếu chưa, thì đồng chí tự kiểm điểm lại mình đã? Lớn đầu, cao tuổi, kể cả thời gian trong quân ngũ đã lâu mà còn sai sót thì tuổi trẻ em út mới nhập vào đường đời, mà lại là đường cách mạng đầy gian khổ, hiểm nguy thế này, sao đồng chí  thông thấu hiểu và thông cảm cho đồng chí mình mà lại đao to, búa lớn, gây căng thẳng nặng nề như thế...

        Lần đầu tiên trong đời của một người lính cách mạng được gần gũi và nghe những lời phân giải đạt tình, thấu lý với cấp dưới để bênh vực cho chiến sĩ, từ cái "tâm" của một Trung đoàn trưởng tài năng và đức độ, tôi cảm thấy như mình được hưởng chút "tình" của lòng đức độ đó.

        Sau lần đó, tôi không còn làm lính của Trung đội vệ binh nữa. Cơ quan tham mưu và Ban Tác chiến của Trung đoàn điều động tôi sang làm công vụ cho cơ quan, rồi lại làm cần vụ cho Trung đoàn trưởng.

        Thường khi đi công tác khỏi cơ quan, ông và tôi cùng một vệ binh theo bảo vệ, lúc trưa hoặc tối xuống, phải chuẩn bị bữa ăn, chúng tôi phải lo cơm nước và lo chỗ ngủ, nghỉ cho ông. Những lúc đó, không bao giờ ông không đụng tay vào công việc mà người cần vụ có nhiệm vụ phải lo chu toàn cho mình.

        Đến khâu nấu cơm, ông mới giao trọn phần việc đó cho chúng tôi và xách lưới cùng lưỡi câu xuống suối đánh bắt và câu cá để cải thiện.

        Điều này rất hãn hữu ở ông - như một đam mê trong mưu lược quân sự đã chỉ huy trong từng trận chiến đấu giữ nước, chống quân xâm lược trong cuộc đời của ông. Và cứ mỗi lần xách ngư cụ ra đi như thế, đến hơn một giở sau trở về, là hăng-gô đầy cá.

        Chúng tôi đi làm cá, đến khâu kho cá, ông lại trực tiếp chăm sóc lửa và hướng dẫn cách kho, cách nấu nướng, chứ không lên võng nằm nghỉ.

        Trong những bữa ăn, hay dừng chân nghỉ tạm cho đỡ mệt ở những chặng đường dài hành quân, ông hay tâm sự và chuyện trò vui vẻ, gần gũi như chú cháu, anh em một nhà. Không có thái độ gì dù là nhỏ nhất để phân biệt giữa cấp trên và cấp dưới. Nhưng trong mệnh lệnh, ông rất khắt khe.

        Hình như đó là tính quyết đoán để dành cho chiến thắng tuyệt đối của người chỉ huy đầy mưu lược và tài ba trước kẻ thù đầy mưu mô xảo quyệt được trang bị những vũ khí hiện đại, tối tân. Tôi thường theo ông trên đường công tác để phục vụ và bảo vệ ông, nhưng nhiều lúc, ông vác súng giúp khi tôi không đủ sức để vượt lên những đỉnh dốc núi, đường dài. Bấy giờ, sự dẻo dai của tuổi trẻ ở tôi chẳng sánh kịp với ông. Sự giúp đỡ đó của ông, tôi cảm thấy xấu hổ.

        Như tiếng đồn lan xa... ông có tài mưu lược, dũng cảm, gan lì, sâu sát chu đáo, sáng tạo và... rất bình tĩnh. Chính vì sự hiện diện ở tính cách bình tĩnh đặc biệt đó, nên Thủ trưởng Trung đoàn của tôi đã ra quân là trăm trận trăm thắng.

        Đây là một trong rất nhiều lần tôi được biết và không bao giờ quên. Sau khi đánh ở Vạn Xuân và ở những địa danh khác của Nghĩa Hành - Quảng Ngãi, đơn vị tập kết về đỉnh núi Đông Trường Sơn để chỉnh huấn, chuẩn bị cho chiến dịch tiếp theo.

        Lúc đó, vào khoảng gần 10 giờ sáng, Trung đội vệ binh chúng tôi đang triển khai đào công sự hết sức khẩn trương. Trong lúc tất cả mọi người đều tập trung vào công việc nặng nhọc, thì giọng Trung đoàn trưởng nhẹ nhàng lên tiếng, điều quân:

        - Đồng chí Đôi đâu rồi? - Dạ, có tôi? - Trung đội trưởng Đôi lên tiếng và bước ra khỏi hầm, nhìn theo tay Trung đoàn trưởng.

        - Đồng chí nhanh nhanh dẫn một bộ phận chiến sĩ triển khai qua bên kia suối, theo tay tôi chỉ, truy lùng 6 tên biệt kích vừa rẽ vào khu rừng đó... Sau đó, chúng tôi được biết: Thủ trưởng đang tắm giữa suối, bên cạnh những tảng đá lô nhô lên cao khỏi đầu, khi ngóc đầu lên, thì phát hiện 6 tên lính không mời mà đến, cách ông gần 20m... Ở mé rừng bên trái, từ đầu dòng suối đi xuống. ông từ từ cúi đầu xuống, vừa đưa mắt theo dõi, vừa đưa tay nhẹ nhàng kéo chiếc áo đang phơi trên tảng đá về phía mình, rồi từ từ đi vòng về hướng mà 6 tên lính vừa lướt qua... Đồng thời vừa quan sát cho đến khi nó rẽ khuất vào trong rừng, ông liền rời khỏi dòng suối, leo dốc về điều vệ binh chúng tôi xuống truy lùng...

        Nếu không bình tĩnh, chắc rằng, lúc đó khó mà lường được việc gì sẽ xảy ra khi mà khoảng cách giữa ông và 6 nòng súng liên thanh đó chỉ cách có vài mét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 02:09:31 am »


CHUYỆN VỀ THỦ TRƯỞNG CỦA CHÚNG TÔI

LÊ THỊ DIỆU PHƯƠNG         
Nguyên chiến  sĩ Sư đoàn 2       

        Rất vinh dự và tự hào trong những năm cả nước cùng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi là một chiến sĩ của Sư đoàn bộ binh 2 - sư đoàn thép. Đơn vị, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ còn in đậm trong trái tim tôi trong những năm chống Pháp là mỗi khi bộ đội về đóng quân trong làng, người dân quê tôi từ già đến trẻ, ai ai cũng quý mến, thương yêu các anh. ấn tượng tết đẹp đó luôn hiển hiện trong tâm trí tôi từ thuở thiếu thời và tôi đã mơ lớn lên mình sẽ là một người lính Cụ Hồ - đi đến đâu dân thương, dân mến. Tôi nghe mọi người kể, lính Liên khu 5 là lính chủ lực, đi xa đánh lớn.

        Ngày tháng qua đi, vào những năm 1958- 1959  chế độ độc tài của anh em Diệm, Nhu lê máy chém khắp cả miền Nam, tàn sát những người yêu nước, cán bộ cách mạng và những người dân vô tội. Dân quê tôi bị bắt học "tố cộng", đêm đêm quỳ trước đèn sám hối và bị tàn sát dã man. Tôi đã chứng kiến và căm thù giặc sâu sắc. Bước sang tuổi 13, tôi theo các anh cơ sở để bắt đầu hoạt động cách mạng.

        Những năm 1965- 1966, Mỹ tràn vào Việt Nam, chiến tranh bắt đầu lan rộng, thanh niên nam nữ quê tôi đều đăng ký "Dũng sĩ diệt Mỹ", đăng ký phong trào "Ba sẵn sàng", lúc đó tôi là ủy viên Ban chấp hành Thanh niên Và là Đội trưởng Đội du kích xã.

        Hơn một tháng bị địch bắt giam tại Tổng nha cảnh sát ở Hội An, tôi được trả tự do. Ngày hôm sau, địa phương tổ chức đăng ký tòng quân Nguyễn Văn Trỗi đợt 1 Tôi đã đăng ký để làm gương cho anh em và nhân cơ hội này đi bộ đội luôn.

        Tôi nhập ngũ ngày 25 tháng 6 năm 1965, vào Trường tân binh Quảng Đà, được huấn luyện và học tập đến tháng 4 năm 1966. Thủ trưởng huấn luyện tập trung đơn vị tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của mọi người. Nhiều ý kiến khác nhau đã được đưa ra. Riêng cá nhân tôi đề nghị Thủ trưởng cho tôi vào bộ đội chủ lực. Anh hỏi lý do, tôi đã trả lời là để được đi xa và đánh lớn. Ngay sau đó, tôi được điều về Phòng Tham mưu Sư đoàn 2 (là Nông trường 2) lúc bấy giờ đang đóng quân tại thôn 5 xã Phước Hà - Tiên Phước - Quảng Nam.

        Tôi được phân công làm chị nuôi, chuyên việc phục vụ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và các thủ trưởng Bộ Tư lệnh Sư đoàn. Qua 8 năm công tác, tôi thường xuyên đi phục vụ chiến đấu (Bộ Tư lệnh Tiền  phương), đi chuẩn bị chiến trường cùng các anh cán bộ và thủ trưởng Sư đoàn.

        Nhờ vậy tôi hiểu rõ từng đặc điểm, cá tính của từng người và có cơ hội tiếp xúc với các cán bộ từ Đại đội trưởng trở lên của Sư đoàn. Nhờ có tài nấu ăn ngon, nên các đợt hội họp, tập huấn của Sư đoàn, tôi luôn có mặt. .

        Tôi đã gặp và ấn tượng nhiều người, nhưng sâu sắc nhất là Thủ trưởng Nguyễn Chơn - Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 2. Anh là người có cá tính đặc biệt không giống ai, rất vui tính, nhưng cũng nóng nảy cực kỳ, hay nói đùa, nói tiếu lâm (đó là sở trường của anh).

        Anh sống rất giản dị. Bất cứ ai khi gặp lần đầu đều khó nhận ra anh là cán bộ mà chỉ nhìn như một người nông dân thực thụ, đậm chất quê. Anh sống không cầu kỳ, với  bộ đồ bà ba màu đen hoặc nâu, đôi dép cao su đã mòn gót, quần đôi khi ống thấp, ống cao. Anh có vóc dáng thấp bé nhưng nhanh nhẹn, cách sống hòa đồng tình cảm với mọi người. ấn tượng nhất trong tôi là khi lần đầu gặp, anh xưng hô rất quê hương, gần gũi: "tau, mi". Anh thường vui vẻ kể chuyện, cởi mở với tất cả mọi người.

        Có lần, anh kể cho chúng tôi nghe về anh: "Hồi ở nhà, tau đi làm thợ mộc. Tau xin cha đi bộ đội, cha tau bảo mày nhát như cáy mà đi bộ đội chi. Tau tức quá cầm cái chàng thợ mộc chấn một ngón chân và nói với ông: Cha thấy tui có dũng cảm không".

        Anh quan tâm đến tất cả anh em, trong sinh hoạt "có gì ăn nấy" không cầu kỳ, quan cách. Thỉnh thoảng chị nuôi nấu cơm sống, canh mặn, anh vẫn ăn bình thường, không trách giận gì.

        Mỗi lần hành quân đi chiến dịch, bất cứ đi đến đâu có khe suối, ao hồ, là anh cất ba lô, xách cần đi câu cá. Anh có tài câu cá chình, khó mấy anh cũng câu được, rồi mang về mấy anh em cùng ăn, dù mỗi người chỉ được một miếng nhỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 25 Tháng Mười, 2016, 02:14:14 am »


        Hồi ở Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia), anh nổi tiếng đánh giặc, có thể nói đánh đâu thắng đó. Bởi anh có cái uy của người chỉ huy, khi giao nhiệm vụ cho các tiểu đoàn, anh thường kiểm tra kỹ từng ly từng tý, từ đội hình đến trận địa và chỉ đạo kịp thời lúc nào nên đánh, lúc nào nên rút. Nếu cấp dưới không chấp hành, anh kiểm điểm phê bình đến nơi đến chốn và được nhắc đi, nhắc lại. Nhờ vậy. địch nghe đến anh và Trung đoàn 1, là chúng hoang mang. Tôi còn nhớ vào những năm 1969- 1970, Sư đoàn tổ chức đánh càn ở địa phận Hiệp Đức - Quế Sơn, lúc đó Ban chỉ huy tiền phương đóng ở đèo Răm, xã Sơn Long - Quế Sơn; vừa tờ mờ sáng, địch cho máy bay các loại quần đảo khắp vùng, đánh bom, phóng rốc- két. Các cứ điểm pháo bắn cấp tập liên hồi, trên trời có hai chiếc máy bay hai thân quần lượn phát loa kêu gọi chiêu hồi, dưới đất thì xe tăng, xe bọc thép dàn hàng ngang tiến theo sau. Máy bay vừa phát loa: "Anh em Trung đoàn 1 hãy quay về với chính thể quốc gia" được mấy vòng, thì quân ngụy nghe đến Trung đoàn 1 liền hoang mang, không dám tiến lên, đứng tại chỗ rồi rút về quận lỵ Quế Sơn.

        Những năm 1969-1970, có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến, bộ đội đói, thiếu thốn đủ thứ, khi xong chiến dịch trở về hậu cứ, địch dàn ra bịt các đường vận chuyển lương thực, thực phẩm của ta, bộ đội ta phải ăn rau tàu bay, môn dóc, củ móng ngựa... thậm chỉ, kiếm được gì, ăn nấy. Sau đó, anh chỉ huy đánh địch để mở đường vận chuyển lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

        Tôi còn nhớ, một hôm đơn vị còn mấy lon bắp hột, bộ phận nuôi quân bàn phải hầm thật lâu cho bắp nở thật nhiều để sáng ra mới đủ cho các thủ trưởng Ban chỉ huy. Tôi chỉ múc một vá (muôi), định thêm tý nữa nhưng nhìn đi, nhìn lại thấy trong nồi ít quá sợ không đủ chia cho người khác, nên thôi. Tôi cứ áy náy, sáng mai, thủ trưởng cũng khổ như lính, cũng chỉ được một phần nên ăn ít đi.

        Sống gần người thủ trưởng như anh, cánh lính phục vụ như chúng tôi thấy an tâm. Chúng tôi nghĩ tính mạng của thủ trưởng cao quý biết bao mà cũng dám hy sinh gian khổ, chịu đói, chịu rét, thì chiến sĩ như mình có nghĩa lý gì đâu. Vì sự động viên đó, chúng tôi rất yên tâm và sẵn sàng hy sinh tất cả.

        Sống trong Sư đoàn bộ, được gần thủ trưởng bình dân quá nên trong nhóm con gái Sư đoàn bộ có cô y tá Nguyễn Thị Ngọc Duyên quê ở Hội An, Huỳnh Thị Minh Tâm quê ở Tam Kỳ, chị nuôi là tôi và mấy đồng chí nữ nghịch ngợm không kém.

        Trong 8 năm làm chị nuôi ở chiến trường tuy thật gian khổ, nhưng cũng rất vui, nhiều kỷ niệm. Có lúc thiếu lương thực, bị địch bao vây, tôi có rất nhiều sáng kiến như làm xì dầu từ xương heo, xương bò của đơn vị ăn bỏ ra, đem thui, rồi qua than hồng bỏ vào hầm lấy nước, sau đó rang một nắm gạo cháy, nấu lấy nước làm màu. Ban đầu, ai cũng tưởng xì dầu thật, nên không ai nói gì, sau việc bại lộ các anh trong đơn vị ngẫu hứng làm mấy câu thơ:

"Nước mắm cô Hồng, xì dầu cô Ca
ăn vào thắm thịt đỏ da
Đi gần nhớ ít, đi xa nhớ nhiều "

        Rồi từ đó lan nhanh đến cả Sư đoàn, mỗi khi gặp tôi, các anh lính lại nghêu ngao đọc mấy câu thơ trên. Nhờ hương vị tốt, nên món xì dầu của tôi được áp dụng cho các bếp ăn tập trung các đơn vị. Rồi từ đó các cánh lính suy ra đủ thứ trêu chọc hoài, bây giờ cũng còn lại dư âm cái thời chiến tranh ấy.

        Vào Xuân Mậu Thân năm 1968, Sư đoàn được lệnh đi đánh Đà Nẵng, ai nấy đều hừng hực khí thế, nhất là anh em miền Nam chúng tôi. Sư đoàn lên- đóng quân ở Gò Nổi, mỗi trung đoàn đi một cánh riêng. Tôi trở về hậu cứ rồi dẫn một tốp tiếp phẩm đơn vị xuống Điện Hồng mua thực phẩm. Mua xong, không lên được, may gặp Trung đoàn 1 về cùng bị mắc kẹt tại Gò Nổi. Vì thông thạo địa hình, nên chúng tôi dẫn Trung đoàn sang đánh bên Đại Lộc. Trở về căn cứ, tôi ở lại Trung đoàn 1 hai ngày và được các anh tại đây kể lại: nhân dân Điện Nam tốt quá, thấy bộ đội đóng quân trong làng, bà con đem cho đủ thứ. Khi thấy tôi bị thương, anh Chơn buột miệng đọc mấy câu thơ:

                           Đất Điện Nam ai đi không nhớ,
                           Người Điện Nam muôn thuở nào quên


        Sau chiến dịch cuối năm 1972, trở về hậu cứ, sau khi lo xong cơm nước cho thủ trưởng, tôi đi dạo và vô tình gặp anh, anh hỏi tôi đi đâu, tôi đang bực mình nói luôn:

        "Tôi gặp thủ trưởng để thưa kiện", anh hỏi tôi kiện điều gì tôi mới bảo: "Tôi về làm chị nuôi cho Sư đoàn, đến nay đã 5 lần thay Sư đoàn trưởng, sao không thay luôn cái chức chị nuôi của tôi". Anh cười và hỏi lại: "Thế, chừ mi thích vô chỗ mô?". Tôi bèn xin về Ban Quân nhu - Phòng Hậu cần. Anh liền bảo Trưởng phòng Hậu cần dẫn tôi về luôn. Tôi mừng và sung sướng quá, buột miệng làm luôn mấy câu thơ:

Từ nay hết chức chị nuôi
Tám năm khói lửa cùng vui một thời

        Sau hòa bình, những cựu chiến binh như tôi có thời gian rảnh rỗi hơn, nhàn hạ hơn, mỗi người tự lo tương lai, hạnh phúc cho mình. Một dịp, tôi trở lại thăm vị thủ trưởng có cá tính của chúng tôi. Anh vẫn như ngày nào, vẫn thích đùa và nghịch, nhưng rất nghiêm khắc với phụ nữ. Cái gì ra cái nấy, không bao giờ có tính lăng nhăng, tuy vui vẻ nhưng rất trong sáng. Anh em cán bộ trong Sư đoàn thấy anh cô đơn mãi mới bảo rằng: "Anh Chơn lấy vợ đi cho bọn em ăn kẹo, hút thuốc chứ?". Anh trả lời: "Tau mà gần đàn bà là phải tắm 2 bánh xà bông mới sạch". Chị em chúng tôi nghe vậy liền ào lên "Thủ trưởng Chơn lấy đàn ông làm vợ bây ơi, không chịu lấy đàn bà sợ lương không đủ mua xà phòng để tắm", rồi cả đám cùng cười.

        Sau này, con gái Sư đoàn mỗi đứa mỗi nơi, khi gặp lại ai cũng nhắc tới vị thủ trưởng cá tính và bảo nhau: "Đứa nào gặp thủ trưởng thì hỏi thủ trưởng có đủ xà bông để tắm hay không. Thiếu thì nói để con gái Sư đoàn mua góp lại cho thủ trưởng tắm".

        Chuyện về thủ trưởng chúng tôi có lẽ kể không bao giờ hết được. Tôi chỉ kể một vài kỷ niệm để mọi người cùng hiểu thêm về anh - vị thủ trưởng, vị Anh hùng đầy cá tính của chúng tôi.

        Những câu chuyện trên hoàn toàn là sự thật, không thêu dệt, không thêm bớt, bởi tôi là người trong cuộc:

Quân kỳ dẫn bước ta đi
Một sư đoàn thép sử ghi hai lần
Sư đoàn chiến đấu lập công

        Tôi là người lính nằm trong Sư đoàn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM