Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:56:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 34130 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 04:02:57 pm »


        Để chỉ huy trận đánh và cũng để tránh phi pháo của địch, Nguyễn Chơn quyết định đặt sở chỉ huy ở một nơi bất ngờ nhất: Đó là một cái hang nhỏ, thường gọi là hang Bà Già. Hàng trăm khẩu pháo, cối lớn, nhỏ thi nhau trút bão lửa lên đầu thù trong đó có cả loại đại pháo 130 ly lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Khu 5. Cả căn cứ chìm trong cảnh "cá chạy đá bay", khói bụi mịt mù. 7 trận địa pháo của địch từ núi Quế đến Tuần Dưỡng đều bị pháo binh Sư đoàn 2 và Quân khu bắn kiềm chế, không hoạt động được. Lợi dụng lúc địch đang phải tránh pháo, các mũi tấn công trực diện của Trung đoàn 31 và Trung đoàn 38 tiến đến sát hàng rào cứ điểm.

        1 giờ 15 phút ngày 19 tháng 8, ngay sau khi vừa dứt tiếng pháo, các mũi tấn công lập tức ào lên đánh chiếm các mục tiêu đã được phân công. Ở hướng tây căn cứ, 2 cánh quân của Trung đoàn 38 bị xe tăng và bộ binh địch xông ra phản kích ác liệt. Các chiến sĩ Trung đoàn 38 phải chiến đấu giành giật với quân địch từng mỏm đá, từng mép công sự. Đến gần sáng thì quân địch ở đây bị đẩy lùi sau khi bị diệt 2 xe tăng và một số lớn bộ binh. Ở hai hướng đông bắc và đông nam, các chiến sĩ Trung đoàn 31 sau khi bị trúng pháo địch trên các đường hành tiến, đã xốc lại đội hình đẩy mạnh các đợt tấn công vào bên trong căn cứ, tiêu diệt một số vị trí phòng thủ vòng ngoài của địch.

        8 giờ ngày 19 tháng 8, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn nhận được điện của quân báo Sư đoàn báo cáo: sư đoàn 3 bộ binh ngụy đã tập trung 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp từ Núi Quế đang tiến theo đường 105 lên cứu nguy cho Cấm Dơi. Do đã dự kiến trước tình huống này, nên Nguyễn Chơn đã cho thuê đội dự bị của Trung đoàn 9 vào cuộc, chặn đánh quân tăng viện của địch dọc theo đường 105. Với lối đánh gần, áp sát đội hình địch mà đánh, các chiến sĩ Trung đoàn 9 đã vô hiệu hóa pháo binh địch, tiêu diệt phần lớn bộ binh và xe tăng đi kèm.

        13 giờ ngày 19 tháng 8, cánh quân tăng viện của địch bị đánh thiệt hại nặng, phải lui về núi Quế. Trong lúc đó, các mũi tấn công ở cứ điểm Cấm Dơi đã bước vào giai đoạn quyết định. Pháo tầm xa 130 ly và các loại pháo, cối, ĐKZ... bắn cấp tập lần cuối cùng vào cứ điểm. Sau 20 phút dùng pháo bắn phá các công sự, hầm ngầm, các chiến sĩ công binh đã dùng mìn thổi, bộc phá mở các lớp rào để bộ binh xung phong chiếm mục tiêu. Các chiến sĩ bộ binh sử dụng tên lửa B72 điều khiển từ xa tìm diệt từng xe tăng địch. Bộ binh ngụy lần đầu tiên chạm phải hỏa lực mới của quân giải phóng đã thất kinh hồn vía, phải rút dần xuống các hầm ngầm để cố thủ. Lúc này, pháo địch từ hạm đội 7 đang bắn cấp tập vào khu chiến, sau đó, các loại máy bay B52, phản lực ào lên thả bom như trút xuống trận địa. Lợi dụng lúc máy bay đang bắn phá ác liệt, một chiếc trực thăng địch bất ngờ hạ cánh xuống trung tâm căn cứ, nơi có một pháo hiệu màu đỏ được bắn ra. Khi vừa nghe tiếng cánh quạt của trực thăng bộ đội cao xạ liền vọt lên khỏi công sự, quay nòng pháo bắn theo, nhưng không còn kịp nữa: chiếc trực thăng đã bay vọt lên cao cùng đại tá Tôn Thất Lữ - Trung đoàn trưởng trung đoàn 5 ngụy rút chạy. Sau khi Tôn Thất Lữ trốn chạy, trung đoàn 5 ngụy như rắn mất đầu, chỉ chống cự yếu ớt rồi tìm cách tháo chạy về hướng Hương An; một số khác buông súng đầu hàng.

        Đến 16 giờ ngày 19 tháng 8, các mũi tấn công đã hoàn thành nhiệm vụ. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay giữa trung tâm cứ điểm. Từ trên hang Bà Già, Nguyễn chơn quan sát thấy địch đang chạy ra cánh đồng phía đông căn cứ, anh liền lệnh cho 2 trung đoàn 31, 38 cắt một bộ phận đuổi theo, bộ phận còn lại phối hợp đánh vào chi khu quận ly Quế Sơn. Lực lượng địch ở đây còn một tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn 6, một tiểu đoàn pháo binh, hai đại đội bảo an, nhưng trước sự sụp đổ của căn cứ lớn Cấm Dơi và trước sức tấn công dũng mãnh của bộ đội hai trung đoàn 31 và 38, bọn chúng chỉ chống trả được khoảng 30 phút, thì cũng tìm cách tháo chạy thoát thân về hướng chợ Đàn. Đoàn xe 25 chiếc chở tàn quân trung đoàn 6 ngụy, đã bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 9 phục sẵn xung phong diệt gọn, bắt nhiều sĩ quan, binh lính, trong đó có 1 thiếu tá pháo binh.

        Sau khi chiếm lĩnh chi khu quận ly Quế Sơn, tất cả các đơn vị thuộc Sư đoàn được lệnh đuổi theo truy sát địch. Nguyễn Chơn trực tiếp điện thoại cho một số Tiểu đoàn trưởng với một mệnh lệnh ngắn gọn: "Không để địch sống”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 04:06:11 pm »


        Lúc này địch đang ồ ạt chạy bằng tất cả các loại phương tiện: xe GMC, xe bọc thép M.113, xe tăng M41, M48 và đông nhất là chạy bộ. Địch chạy túa ra trên các cánh đồng dọc theo đường 105. Các đơn vị của Trung đoàn 31, Trung đoàn 38 từ phía tây đánh tràn xuống, mỗi lúc một áp sát vào đội hình địch. Mọi việc diễn ra đúng như tiên liệu của Nguyễn Chơn. Do bị ép chặt từ phía tây, địch chỉ còn con đường duy nhất là tháo chạy về hướng đông, nơi Trung đoàn 9 đang phục sẵn. Đáng tiếc là do thiếu kinh nghiệm chiến đấu trong đội hình lớn, nên khi phát hiện quân địch đang xông thẳng vào đội hình mai phục, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 tưởng rằng quân địch đang tổ chức tấn công, nên chỉ ra lệnh cho bộ đội bám vào công sự mà chống trả, chứ không ra lệnh xuất kích tiêu diệt địch. Quân địch chỉ chờ có vậy liền ào qua tháo chạy về hướng đông. Sự phán đoán thiếu chính xác này đã làm cho trận đánh Cấm Dơi - Quế Sơn không thực hiện được thắng lợi trọn vẹn như mong muốn, làm Nguyễn Chơn đau xót vô cùng.

        Diễn biến cuối cùng của trận đánh: Phối hợp nhịp nhàng với tiếng súng truy kích của Sư đoàn 711 dọc theo đường 105, các lực lượng địa phương của Tỉnh đội Quảng Nam và Huyện đội Quế Sơn đã xuất kích, tiêu diệt và bắt tàn quân địch đang chạy toán loạn trên đoạn đường từ chợ Đụn vào đến cầu ông Triệu, phía tây huyện Thăng Bình.

        18 giờ ngày 19 tháng 8, trận đánh tiêu diệt cứ điểm Cấm Dơi, chi khu quận ly Quế Sơn và truy kích tàn quân địch kết thúc. Qua 2 ngày chiến đấu, Sư đoàn 711 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 quân địch, tiêu diệt 7 tiểu đoàn gồm bộ binh, pháo binh, thiết giáp..., thu trên 500 súng, nhiều quân trang, quân dụng, phá hủy 40 khẩu pháo, 70 xe quân sự các loại, thu 30 xe còn mới nguyên, trong đó có 12 xe M.113. Lực lượng địa phương quân cũng phối hợp đón lõng, tiêu diệt hơn 1.000 quân địch, bắt 450 tên.

        Thung lũng Quế Sơn sau 18 năm bị kẻ thù chiếm đóng đã được giải phóng. Gần 2 vạn đồng bào thoát khỏi ách kìm kẹp của Mỹ - ngụy, nổi dậy phá banh các ấp chiến lược, trở về quê cũ làm ăn sinh sống. Người anh hùng say mê đánh giặc Nguyễn Chơn - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 711 và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã mang lại cho nhân dân Quế Sơn một ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thật tuyệt vời.

        Trong cuộc họp tổng kết chiến dịch, Nguyễn Chơn mới giải thích lý do vì sao lại cho điều tra lý lịch tên sĩ quan chỉ huy nguy, anh nói: Bản chất bọn sĩ quan ngụy là rất sợ pháo, mà bản thân tên chỉ huy lại là một sĩ quan pháo binh, hiểu rất rõ tác dụng của hỏa lực pháo, nên khi thấy ta sử dụng đại pháo 130 ly lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Quảng Nam, y rất hoảng sợ, từ đó không còn tự tin để chỉ huy chiến đấu, do đó, dễ bị ta tiêu diệt.

        Đến lúc ấy, Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn mới hiểu được ý định của anh, càng khâm phục anh không những là một nhà cầm quân tài giỏi, mà còn là một nhà tâm lý xuất sắc.

        Chiến thắng Cấm Dơi - Quế Sơn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang Quân khu 5, đồng thời khẳng định tài lãnh đạo, chỉ huy của Nguyễn Chơn trong những trận đánh lớn, diễn ra trên một địa bàn rộng, với những điều kiện ban đầu không thuận lợi. Bình luận về trận đánh này, Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 21 tháng 8 năm 1972 đã thú nhận: "Mất Quế Sơn, một chi khu quận ly có căn cứ Cấm Dơi được phòng ngư mạnh vào bậc nhất Việt Nam, chứng tỏ quân đội Việt Nam cộng hòa không đủ sức đương đầu với cộng sản ở miền Nam Việt Nam...".

        Kết thúc chiến dịch, Sư đoàn tổ chức khao quân. Sau buổi liên hoan, đêm về ngồi tâm sự bên nhau trong sở chỉ huy cơ bản, Nguyễn Huy Chương nói với Nguyễn Chơn:

        - Anh Chơn nè, trong số chiến lợi phẩm mà tụi mình thu được sau trận đánh, có một số lượng lớn tiền và vàng, tôi đã lập biên bản nộp hết lên trên, chỉ xin giữ lại một số tiền mặt để mua 4 con bò khao quân và ba trăm ngàn để trả nợ tiền thuốc lá cho anh.

        - Nhiều dữ rứa à? - Nguyễn Chơn giật mình khi nghe số tiền quá lớn mà Sư đoàn phải bỏ ra để trả nợ tiền thuốc lá cho mình.

        - Thực ra thì không phải chỉ mình anh hút, mà là cả Bộ Tư lệnh cùng hút trong suốt thời gian hội họp bàn chiến dịch - Nguyễn Huy Chương cười nói tiếp - Theo tính nhẩm của tôi, thì mỗi bao anh chỉ hút được có 2 điếu, còn 18 cán bộ Sư đoàn trong giao ban đã hút hết 18 điếu rồi.

        - Nhưng mà cũng tốn quá... Nguyễn Chơn suy nghĩ rồi nói: Hay là tôi bỏ thuốc quách, anh Chương hè?

        Việc gì phải bỏ, anh xứng đáng được hưởng nhiều hơn thế, chừng đó ăn thua gì so với công lao của anh - Nguyễn Huy Chương nói một cách chân thành.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:40:13 am »


        Nguyễn Chơn trầm ngâm suy nghĩ. Anh có một cá tính mà ai cũng biết, đó là không muốn làm phiền người khác, nhất là làm phiền đơn vị. Trong cuộc sống, chiến đấu hằng ngày anh thường nhường phần thuận lợi, dễ dàng cho người khác, chỉ nhận về phần mình những điều khó khăn, gay cấn. Vậy mà lần này... Nguyễn Chơn lắc đầu, chép miệng rồi đứng dậy bước ra khỏi sở chỉ huy, đến bên các chiến sĩ vệ binh đang ngồi gần đó.

        - Nè, mình có cái này cho các cậu đây...

        - A, thủ trưởng cho quà... - Các chiến sĩ vệ binh reo lên.

        Nguyễn Chơn rút từ trong túi ra một bao thuốc lá và một cái hộp quẹt. Anh đưa cái hộp quẹt cho đồng chí Tiểu đội trưởng:

        - Cái này cho cậu, còn cái này mời anh em. Anh lại đưa bao thuốc lá ra. Từ nay, mình sẽ không hút thuốc nữa! - Nguyễn Chơn trịnh trọng tuyên bố.

        - Sao thế thủ trưởng? Sao phải bỏ thuốc lá, thủ trưởng? -

        Các chiến sĩ vệ binh nhao nhao.

        - Không có gì, đơn giản là mình không muốn hút nữa... - Nguyễn Chơn nhẹ nhàng trả lời, rồi lặng lẽ quay vào sở chỉ huy .

        Từ đó về sau, không bao giờ Nguyễn Chơn đụng tay đến một điếu thuốc lá. Câu chuyện này cứ làm Nguyễn Huy Chương day dứt mãi, nhưng dù sao anh cũng  thầm nể phục ý chí mãnh liệt của Nguyễn Chơn. "Thắng vạn quân không bằng thắng chính mình". - Đó là câu nói nổ tiếng của Na- pô- lê- ông.

        Đập tan cánh cửa thép tây nam Đà Nẵng

        Mùa hè năm 1974, từ miền Bắc, Nguyễn Chơn trở lại chiến trường Khu 5. Anh vừa được triệu tập ra thủ đô Hà Nội dự một lớp tập huấn do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức. Nhưng sau khi ra đến nơi, được kiểm tra sức khỏe, được đưa đi nghỉ ở Bãi Cháy để chuẩn bị bước vào khóa học thì anh lại nhận được lệnh trở về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, anh được gặp đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng - người thầy mà anh hết lòng yêu kính từ khi còn học ở Trường sĩ quan Lục quân. Thầy trò gặp nhau, chưa hết nỗi vui mừng, thì thầy đã nói:

        - Cậu về lại Khu 5, chuẩn bị đánh Nông Sơn – Trung Phước, phối hợp với Sư đoàn 304 đánh Thượng Đức. 

        Lời của thầy cũng là mệnh lệnh của thượng cấp, Nguyễn Chơn chỉ kịp chúc sức khỏe thầy rồi vội vàng từ biệt để lên đường về Nam.

        Từ Bộ Tư lệnh Quân khu 5, anh trở về với Sư đoàn 2 thân yêu sau một thời gian dài xa cách, được gặp lại bao đồng đội, chiến sĩ tình thân như anh em ruột thịt. Anh siết chặt tay Nguyễn Huy Chương - người bạn chiến đấu gắn bó với anh như hình với bóng từ Sư đoàn 2 qua Sư đoàn 711, rồi bây giờ cả hai cùng trở lại Sư đoàn 2. Sau cuộc họp Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Nguyễn Huy Chương đến gặp anh, hỏi hăm tình hình sức khỏe và tin tức gia đình ở miền Bắc. Hai người bạn thân thiết lại có dịp ngồi bên nhau tâm sự.  Nguyễn Huy Chương nói với anh:

        - Tuy Hiệp định Pa- ri đã ký rồi, nhưng chiến tranh  chưa biết khi nào mới kết thúc. Anh năm nay cũng đã ngoài 40 tuổi rồi, có lẽ cũng đã đến lúc phải nghĩ đến chuyện vợ con. Trong Sư đoàn ta hiện nay có rất nhiều cô trẻ đẹp, anh coi có đám nào ưng ý, tôi sẽ đứng ra lo liệu cho. Hoặc là ở ngoài Sư đoàn cũng được...

        - Cảm ơn anh đã lo lắng cho tôi - giọng Nguyễn Chơn hơi xúc động - Nhưng mà tôi nghĩ, đời chiến binh của chúng ta, sống chết chưa biết lúc nào. Nếu lập gia đình, lỡ có chuyện gì, thì chỉ làm cho người phụ nữ thêm đau khổ. Vì vậy, tôi định khi nào kết thúc chiến tranh, mà may mắn tôi còn sống, thì lúc ấy mới tính đến chuyện vợ con...

        Nguyễn Huy Chương im lặng, chẳng biết nói gì hơn. Từng sống với nhau nhiều năm, anh biết tính Nguyễn Chơn rất kiên quyết, đã nói là làm, không khi nào thay đổi quyết định đã nói ra. Thấy Nguyễn Huy Chương im lặng, Nguyễn Chơn sợ bạn buồn, liền pha trò:

        - Anh yên tâm, đến lúc ấy thế nào tôi cũng nhờ anh đứng ra làm ông mai...Cả hai người cùng cười vang. Nguyễn Chơn nói thêm:

        - Về chuyện ký hiệp định, tôi nghĩ ký là ký vậy thôi, chứ thật ra đối với bọn xâm lược, thì dù cho có ký mười cái như Hiệp định Pa- ri, thì cũng chỉ là giấy lộn. Cho nên, là người lính, chúng ta có nhiệm vụ phải đánh gục kẻ thù trên mặt trận, thì mới mong bảo vệ được Tổ quốc, giải phóng được quê hương...

        Nguyễn Huy Chương rất tâm đắc với nhận định của Nguyễn Chơn. Nhận định ấy chứng tỏ Nguyễn Chơn là một cán bộ quân sự có ý thức chính trị cao, quan điểm chính trị kiên định, vững vàng, quyết tâm xuyên suất, không mơ hồ trước các thủ đoạn lừa bịp của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:42:18 am »


        Vào thời điểm này, vùng giải phóng Khu 5 đã được mở rộng, nối liền từ vùng đồng bằng và vùng rừng núi Trị Thiên vào đến nam Trung Bộ, bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, ngoài một số thị thành, quân nguy còn chiếm giữ một số cứ điểm chiến lược cắm sâu vào vùng giải phóng, từ đó nống ra càn quét lấn chiếm, gây nhiều tổn thất cho các lực lượng cách mạng. Nông Sơn - Trung Phước là một cứ điểm như vậy.

        Để khai thông hành lang an toàn ở miền Tây hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, đập tan "cánh cửa thép" phòng ngự phía tây nam Đà Nẵng gồm các cứ điểm liên hoàn Nông Sơn - Trung Phước, An Hòa - Đức Dục - Thượng Đức, Sư đoàn 2 được giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt địch trong cứ điểm Nông Sơn - Trung Phước, đánh và tiêu diệt cứ điểm chi khu quân sự Thượng Đức.

        Nông Sơn là một ngọn núi nằm ở bờ bắc sông Thu Bồn, cao độ 298m, cách khu công nghiệp An Hòa - Đức Dục 11 cây số về phía tây, cách núi Cà Tang và ấp chiến lược Khánh Bình khoảng 2 cây số. Trong lòng núi có mỏ than, thường gọi là mỏ than Nông Sơn, được khai thác từ thời Pháp thuộc. Sau năm 1954, Nông Sơn được địch xây dựng thành một cứ điểm phòng thủ kiên cố, kết hợp với Trung Phước nằm bên bờ nam sông Thu Bồn thành một tuyến phòng thủ quan trọng bảo vệ phía tây nam Đà Nẵng.  Cứ điểm Nông Sơn rộng khoảng 2 héc- ta, được xây dựng vững chắc với 9 lớp rào, 41 lô cốt, nhiều hầm ngầm nối thông với các công sự kiên cố bằng hệ thống hào giao thông chằng chịt trong cứ điểm. Dựa vào địa thế hiểm trở của cứ điểm, địch thường huênh hoang tuyên bố. "Khi nào nước sông Thu Bồn chảy ngược, thì Việt cộng mới chiếm được  Nông Sơn?".

        Trấn giữ Nông Sơn là tiểu đoàn biệt động biên phòng  số 78 có một trận địa pháo 105 ly. Chung quanh Nông Sơn còn có 11 điểm ngoại vi như Khương Quế, Phường Rạnh,  Trung Phước, thôn 7 Sơn Thọ, thôn 4 Sơn Phúc, Khương  Bình, Ninh Hòa..., mỗi cứ điểm có 1 hoặc 2 trung đội bảo an, dân vệ chốt giữ. Riêng cứ điểm Cà Tang cao 462m ở phía tây do 1 trung đội biệt động quân của tiểu đoàn 78 thay nhau chốt giữ. Ngoài ra, sư đoàn 3 bộ binh ngụy và các liên đoàn biệt động quân đóng chung quanh Đà Nẵng sẵn sàng ứng cứu cho Nông Sơn khi cần thiết. Dự kiến khi có chiến sự, địch có khả năng điều đến khu vực này từ 4 đến 6 trung đoàn. Bên cạnh đó còn có sự chi viện hỏa lực tối đa của các trận địa pháo ở Quế Sơn, Ái Nghĩa... và các loại máy bay túc trực ở sân bay Đà Nẵng.

        Để giúp Sư đoàn 2 hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tăng cường cho Sư đoàn: Trung đoàn 36 bộ binh, 2 đại đội pháo 85 ly nòng dài, 1 đại đội lựu pháo 122 ly, 1 đại đội lựu pháo 105 ly, 1 đại đội cối 160 ly, 1 đại đội tên lửa có điều khiển B72, 1 tiểu đoàn cao xạ 37 ly, 3 xe tăng PT85.

        Qua nghiên cứu thực địa và tình hình địch, ta trong khu chiến, Nguyễn Chơn quyết định trận đánh sẽ được tiến hành theo 2 bước. Bước 1, dùng một lực lượng nhỏ bí mật tập kích các chốt điểm vòng ngoài do bọn bảo an chốt giữ, giải phóng khu vực Trung Phước trước, hình thành thế bao vây diệt địch, không cho tiểu đoàn 78 chạy thoát, đồng thời sẵn sàng đánh quân phản kích địch từ An Hòa kéo lên. Bước 2, tiến hành vây ép, tấn, phá, triệt, diệt, giải quyết gọn tiểu đoàn 78 ngay trong cứ điểm bằng một trận hiệp đồng binh chủng.

        Theo lệnh của Nguyễn Chơn, đêm 16 tháng 7 năm 1974, tất cả các đơn vị trực thuộc và phối thuộc chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 2 bí mật hành quân tiếp cận các mục tiêu đã được phân công trước. Các trận địa pháo được đưa lên chiếm lĩnh các điểm cao từ 4 đến 4,5 cây số.

        Theo kế hoạch, các trận đánh bước 1 sẽ diễn ra trong đêm 17 rạng ngày 18 tháng 7, nhưng vào chiều ngày 17 đã xảy ra một tình huống bất ngờ ngoài dự kiến. Tại Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tư lệnh Sư đoàn, Nguyễn Chơn nhận được điện của quân báo Sư đoàn từ đài quan sát báo về:

        - Báo cáo Tư lệnh: 12 chiếc trực thăng vừa hạ cánh đổ 100 quân xuống Nông Sơn.

        Ít phút sau, có tiếng địch nói lóng trên máy PRC25:

        - Con cái họ đã đến nơi đầy đủ, an toàn.

        Đến khoảng 3 giờ chiều thì tổng số quân địch đổ xuống Nông Sơn lên đến 1 tiểu đoàn, khoảng hơn 400 tên. Tình hình diễn biến bất ngờ, phức tạp, Nguyễn Chơn cho trinh sát Sư đoàn bám sát, theo dõi chặt chẽ các hoạt động của địch để có đối sách thích hợp, đồng thời khẩn cấp triệu tập cuộc họp Bộ Tư lệnh Sư đoàn để phân tích, đánh giá tình huống vừa xảy ra. Anh nói:

        - Tôi báo cáo tình hình để Thường vụ Đảng ủy nghiên cứu: Theo quân báo vừa báo cáo, đến giờ này địch đã đổ thêm 1 tiểu đoàn quân xuống cứ điểm Nông Sơn. Hiện chúng ta chưa nắm được ý đồ đổ quân của địch và diễn biến sắp tới của chúng. Đề nghị các đồng chí xem xét, đánh giá việc này và cho ý kiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:44:30 am »


        Cuộc họp đang thảo luận sôi nổi, thì bộ phận thông tin Sư đoàn vào báo cáo có điện thoại của Tư lệnh Quân khu gọi xuống gặp Sư đoàn trưởng. Nguyễn Chơn cầm máy. Từ đầu dây bên kia, vang lên giọng nói của đồng chí Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân:

        - Địch đổ xuống Nông Sơn 1 tiểu đoàn, như vậy, quân số của địch tại đây đã tăng gấp đôi. Sư đoàn định sẽ xử trí như thế nào, báo cáo ngay về Bộ Tư lệnh Quân khu để có ý kiến.

        - Báo cáo Tư lệnh, hiện chúng tôi đang họp Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Sư đoàn để xem xét việc này. Đề nghị Tư lệnh cho chúng tôi thêm 10 phút để hội ý với Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn. Sau 10 phút, tôi sẽ báo cáo ngay với Tư lệnh.

        - Đồng ý. Đề nghị các đồng chí xem xét thật kỹ rồi báo cáo ngay cho tôi biết.

        Nguyễn Chơn trở lại cuộc họp, phát biểu ý kiến của mình:

        - Theo tôi, tình hình diễn biến của địch có thể có 2 tình huống. Một là, ta bị lộ, địch tăng quân đối phó. Hai là, địch thay quân. Khả năng bị lộ là rất ít, bởi nếu bị lộ, thì địch sẽ đổ quân kết hợp với phi pháo tấn công vào những nơi nghi ngờ, chứ không đổ quân rồi nằm im trong căn cứ. Như vậy, khả năng rõ nhất là địch thay quân. Đêm nay,trong căn cứ sẽ có hơn 1.000 tên. Nhà ở chưa làm thêm, công sự chưa đào kịp, bọn lính mới đến mệt mỏi, chưa nhận vị trí chiến đấu, bọn lính cũ, thì ỷ lại, có tư tưởng xả hơi, thế nào đêm nay cũng kéo vào các ấp lùng sục quậy phá, bắt heo, gà ăn thịt. Đây là thời cơ tốt nhất để Sư đoàn ta hạ quyết tâm tiêu diệt địch? - Anh vung tay chém mạnh xuống một góc bàn.

        Cả cuộc họp đều nhất trí với ý kiến của Nguyễn Chơn, đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu cho đánh. Nguyễn Chơn cầm máy báo cáo quyết tâm của Sư đoàn với Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân, trong lúc Nguyễn Huy Chương báo cáo với Bí thư Khu ủy Võ Chí Công. Cả Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đều đồng ý với quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Nông Sơn của Sư đoàn. Trước khi gác máy, Tư lệnh Quân khu nói thêm:

        - Trước đây, chỉ chuẩn bị đánh với 1 tiểu đoàn, nay phải đánh với 2 tiểu đoàn, việc ấy có khác nhau đấy...

        - Báo cáo Tư lệnh, cũng có khác thật.   

        - Khác như thế nào?

        - Khác ở chỗ là trước đây 1 hầm chỉ có 1 tên địch, nay 1 hầm có đến 2 tên địch. Trước đây, 1 quả lựu đạn chỉ diệt được 1 tên địch, còn nay, 1 quả lựu đạn lại diệt được 2 tên địch. - Nguyễn Chơn trả lời.

        - Chúc Sư đoàn 2 đánh nhanh, thắng lớn - Tiếng Tư lệnh Quân khu 5 cười vang trong máy.

        0 giờ 15 phút ngày 18 tháng 7, một bộ phận công binh Sư đoàn nổ súng đánh địch trên chốt Cà Tang, làm hiệu lệnh tấn công cho toàn mặt trận. Cùng lúc, công binh Trung đoàn 1 được lệnh tháo chiếc cầu sắt trên đường 104, cắt đứt đường chuyển quân bằng xe cơ giới của địch. Để chặn các xuồng máy, ca nô của địch chắc chắn sẽ tháo chạy về phía hạ lưu, Nguyễn Chơn cho bộ đội công binh dùng dây kẽm gai bện thành những sợi dây cáp dài căng ngang qua sông Thu Bồn, đồng thời bố trí các khẩu đại liên ở bờ nam sẵn sàng nhả đạn vào ca nô địch. Đây là một sáng kiến độc đáo của anh được rút ra từ những bài học lịch sử trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo.

        Sau hiệu lệnh tấn công được phát ra từ đỉnh Cà Tang, các chiến sĩ Trung đoàn 1, Trung đoàn 36 (thiếu) đồng loạt nổ súng tấn công vào các cứ điểm ngoại vi của địch ở Khương Quế, Trung Phước, Khương Nam 1, Khương Nam 2, các ấp chiến lược 1, 2, 3, 4, Khương Bình, Đồi Tranh (thôn 4 Sơn Phúc), Hội đồng Sơn Thọ... Cùng lúc đó, bộ đội pháo binh Sư đoàn thực hiện bắn chế áp vào các trận địa pháo địch ở An Hòa, Đức Dục, Nam Phước, Mậu Chánh..., không cho chúng có thời gian phản pháo. Trên một khu vực rộng hàng chục cây số vuông, tiếng súng bộ binh và tiếng pháo, cối các loại nổ vang trời đất, làm rung chuyển cả 2 bờ sông Thu Bồn và dãy Cà Tang, Thạch Bích. Trước sức tấn công ào ạt, mạnh mẽ của các đơn vị thuộc Sư đoàn 2, các cứ điểm địch lần lượt bị tiêu diệt.

        6 giờ ngày 18 tháng 7, toàn bộ hệ thống chốt điểm ngoại vi của địch đã bị quét sạch. 35 trung đội bảo an, 3 phân cục cảnh sát, 6 mâm tề ngụy bị tiêu diệt hoặc bắt, 6 xã vùng tây Quế Sơn được giải phóng. Đặc biệt, Ở hướng sông Thu Bồn, hàng chục ca nô, xuồng máy của địch khi tháo chạy đã vướng dây cáp vào chân vịt đứng nguyên tại chỗ, bị một đại đội công binh Trung đoàn 1 dùng đại liên đặt ở bờ nam bắn chìm xuống sông, diệt và bắt hơn 100 quân ngụy. Đây là một cách đánh tuyệt vời, thể hiện sự thông minh của Nguyễn Chơn trong việc vận dụng truyền thống lịch sử của ông cha vào chiến tranh hiện đại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:46:57 am »


        Đòn tiến công bất ngờ tiêu diệt các chốt điểm ngoại vi quanh cứ điểm Nông Sơn đã làm cho bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy giật mình kinh hoàng. Ngay khi trời vừa sáng, một tốp máy bay trực thăng HU1A đã bay lên quần lượn quan sát trận địa. Bộ đội cao xạ 12,7 ly của Trung đoàn 1 đang chốt ở núi Khương Quế đã tung lưới lửa lên bầu trời, không cho máy bay địch được tự do bay lượn. Tuy vậy tốp máy bay này vẫn ngoan cố lượn vòng thám thính, mãi đến khi bị bắn rơi 1 chiếc, chúng mới chịu quay trở về căn cứ.

        Trong lúc các đơn vị bạn diệt địch ở vòng ngoài, thì đại bộ phận Trung đoàn 31 đã luồn sâu, áp sát đội hình vào cứ điểm Nông Sơn. Gần sáng, địch từ trong cứ điểm tung quân ra phản kích, định chiếm lại các chốt điểm lân cận, nhưng bị các chiến sĩ Trung đoàn 31 đánh bật trở lại. Sau khi đẩy lui quân địch vào bên trong căn cứ, bộ đội Trung đoàn 31 tiếp tục xây dựng thế trận vây lấn, tấn phá.

        8 giờ ngày 18 tháng 7, ánh nắng mặt trời bắt đầu xua tan những đám sương mù đang bao phủ đỉnh Nông Sơn. Những mục tiêu trong cứ điểm hiện rõ dần trong ống nhòm của bộ phận trinh sát pháo binh. Các trận địa pháo đã đến giờ khai hỏa. Hàng loạt quả đạn pháo từ trên các điểm cao gần đó thi nhau phóng vào căn cứ. Hàng loạt tiếng nổ như sấm sét vang rền cả cứ điểm. Ba trận địa pháo gồm 6 khẩu 85 ly được giao nhiệm vụ trong 1 ngày mỗi khẩu phải diệt 5 lô cốt ở tầng 1 và tầng 2. Đến 18 giờ ngày 18 tháng 7, hầu hết các lô cốt địch trong căn cứ đã bị pháo phá hủy.

        Sau 2 đợt bắn chế áp, các trận địa pháo chuyển sang bắn phá hoại. Với khẩu hiệu "đưa pháo lên cao, vào gần, bắn thẳng", các trận địa pháo nòng dài 85 ly được kéo lên các mỏm núi ở phía nam Nông Sơn từ hai ngày trước đã hạ nòng bắn thẳng vào từng lô cốt, công sự địch. Mỗi lô cốt bắn từ 4 đến 6 quả, khi nào xác định đã bị phá hủy hoàn toàn, thì mới chuyển sang lô cốt khác. Khói bụi bay mù mịt, một số quân ngụy chịu không nổi đã phải bò ra ngoài công sự để thở.

        Thấy tình thế ở Nông Sơn càng lúc càng nguy ngập, nguy cơ mất tuyến phòng thủ phía tây nam Đà Nẵng đã lộ khá rõ, Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh quân đoàn 1 – quân khu 1 ngụy lệnh cho sư đoàn 3 gấp rút đưa quân từ Sũng Mây lên An Hòa để giải nguy cho Nông Sơn, đồng thời lệnh cho không quân tập trung bắn phá vòng ngoài để yểm trợ cho quân ngụy bên trong căn cứ cố thủ chờ viện binh.

        Được lệnh Ngô Quang Trưởng, các phi đoàn không quân ngụy ở sân bay Đà Nẵng lập tức xuất phát. Hàng chục tốp máy bay phản lực, trực thăng thay nhau ném bom, phóng rốc- két vào các vị trí bộ đội đang chiếm giữ. Dưới sức nóng của bom và nắng mặt trời, những trảng cỏ tranh quanh cứ điểm bốc cháy. Cả Nông Sơn thành một chảo lửa khổng lồ, nhiều chiến sĩ Trung đoàn 31 bị ngất vì nóng và nắng, Sư đoàn phải điều quân đưa nước lên cấp cứu.

        Để giải tỏa áp lực của không quân địch, Nguyễn Chơn lệnh cho bộ đội Tiểu đoàn cao xạ 37 ly phối hợp với các trận địa phòng không Sư đoàn di chuyển đến các điểm cao, kiên quyết bắn rơi các máy bay địch, không cho chúng được tự do hoành hành. Sau khi xốc lại đội hình, các chiến sĩ cao xạ phòng không đã bắn rơi 1 phản lực, 3 trực thăng HU1A, buộc chúng phải bay tản ra xa. Tình hình lập tức được cải thiện, các chiến sĩ Trung đoàn 31 liền rê đội hình đến sát hàng rào cuối cùng.

        Đến 16 giờ ngày 18 tháng 7, đứng trên đài quan sát của Sở chỉ huy Sư đoàn, Nguyễn Chơn dùng ống nhòm quan sát cả trận địa. Anh thấy hầu hết các lô cốt, công sự của địch đã bị pháo phá hủy. Bộ phận trinh sát báo cáo với anh rằng đã xác định được 38/41 lô cốt đã bị sập, không còn khả năng sử dụng. Trao đổi điện đàm với Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31, anh nhận thấy thời cơ tiêu diệt dứt điểm căn cứ Nông Sơn đã xuất hiện, liền lệnh cho pháo binh bắn cấp tập lần cuối cùng, dọn đường cho bộ binh xung phong.

        16 giờ 30 phút ngày 18 tháng 7, sau khi vừa dứt tiếng pháo, các mũi xung kích của Trung đoàn 31 từ các hướng đồng loạt bật dậy xung phong thẳng vào cứ điểm. Tuy bị thiệt hại nặng sau các đợt bắn sát thương của pháo binh quân giải phóng, nhưng sức chống cự của địch vẫn còn khá mạnh. Ở hướng chủ yếu, các chiến sĩ Trung đoàn 31 phải giành giật với địch từng đoạn hào giao thông. Ở hướng bắc căn cứ, bộ đội phải đánh giáp lá cà với địch, giải quyết từng tên một. Từ đường chính, phân đội thọc sâu thực hiện đánh tiêu diệt địch.

        Đến 17 giờ ngày 18 tháng 7, căn cứ Nông Sơn đã bị các chiến sĩ Trung đoàn 31 tràn ngập. Trong giờ phút tuyệt vọng cuối cùng, chỉ huy địch đã cho nổ quả mìn tự hủy gồm hàng tấn thuốc nổ đã chuẩn bị từ trước. Một cột khói bốc cao hàng chục mét sau một tiếng nổ long trời lở đất. Cả căn cứ chìm trong cát bụi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:48:49 am »


        Nguyễn Chơn đứng trên đài quan sát của Sở chỉ huy sư đoàn đưa mắt ngắm nhìn lá cờ quyết chiến quyết thắng vang dòng chữ "Đoàn dũng cảm đánh hăng, vây lấn điểm cao tiêu diệt gọn, dứt điểm nhanh, tấn công liên tục", do đồng chí Đoàn Khuê - Phó chính ủy Quân khu 5 trực tiếp trao cho Trung đoàn 31 đang phần phật tung bay trên điểm cao Nông Sơn lồng lộng gió rừng - nơi đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của 2 tiểu đoàn địch. Đó là tiểu đoàn 78 biệt động biên phòng và tiểu đoàn 3 trung đoàn 56 bộ binh ngụy. Chung quanh Nguyễn Chơn, khói bụi vẫn còn mịt mờ. Anh cùng Chính ủy Nguyễn Huy Chương đi kiểm tra trận địa. Chiều dần buông trên khu chiến. Trời Nông Sơn cũng dần xanh thẳm trở lại sau một ngày rừng rực đạn bom.

        Sau khi mất cứ điểm Nông Sơn, Ngô Quang Trưởng vội vàng tung các đơn vị thuộc sư đoàn 3 bộ binh và liên đoàn 12 biệt động quân vào khu chiến với ý đồ chiếm lại các vị trí xung yếu đã mất. Nhưng ý đồ này đã được Nguyễn Chơn dự liệu trước. Anh đã bố trí các trung đoàn 1, 31, 36 phục sẵn trên các trục tiến quân của địch, bắt đầu tấn công theo phương án diệt viện đã được chuẩn bị sẵn.

        Trong các ngày từ 20 đến 30 tháng 7, các đơn vị của Sư đoàn 2 liên tục tiến công địch trên dải Dương Côi, Văn Chỉ, Kỳ Vĩ , Khương Quế, điểm cao 238. Từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 4 tháng 8, tiếp tục đánh chiếm lại các điểm cao Hòn Chiêng, núi Giai, Lạc Sơn, đồi 85, đồi 50, buộc địch phải tháo chạy khỏi Việt An, Chóp Chài, Gò Mè...

        Trong lúc đó, các đơn vị thuộc Sư đoàn 304 bước vào giai đoạn dứt điểm. Ngày 7 tháng 8, chi khu quân sự Thượng Đức bị tiêu diệt. Ngày 14 tháng 8, quân ngụy mất luôn cả Ba Khe, Bàn Tân, Lâm Phụng, phải lùi về sát ái Nghĩa. Ngay sau khi chi khu quân sự Thượng Đức thất thủ, Ngô Quang Trưởng cho đánh bom hủy diệt toàn bộ căn cứ, trong đó có cả quân ngụy còn sống sót.

        Cụm cứ điểm phòng ngư liên hoàn Nông Sơn – Trung Phước - Thượng Đức bị tiêu diệt, cánh cửa bảo vệ Đà Nẵng phía tây nam đã bị Sư đoàn 2 và Sư đoàn 304 mở toang. Hơn bao giờ hết, Đà Nẵng đã ở thật gần trong tầm đạn của các sư đoàn quân giải phóng.

        Trong chiến dịch này, các chiến sĩ Sư đoàn 2 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.000 quân ngụy, trong đó có 1.214 tên bị bắt, diệt gọn 3 tiểu đoàn, đánh quỵ 2 trung đoàn, phá hủy 39 đại bác, 37 xe quân sự, bắn rơi 13 máy bay, thu hơn 1.000 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng, giải phóng vùng tây Quế Sơn, nối liền với vùng giải phóng Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước Ở phía nam, Duy Xuyên, Đại Lộc ở phía bắc thành một vùng giải phóng liên hoàn rộng lớn

        Tiến về Đà Nẵng: Khúc khải hoàn ca cho người trở lại

        Những ngày cuối tháng 3 năm 1975 lịch sử, cả nước như sôi lên cùng với những tin tức chiến thắng từ khắp nơi dồn dập bay về.

        Tại Tây Nguyên, sau khi đánh chiếm Buôn Ma Thuột, tiêu diệt sư đoàn 23 bộ binh ngụy, quân và dân Tây Nguyên lại tiếp tục tiêu diệt quân đoàn 2 ngụy gồm 4 liên đoàn biệt động quân, 1 tiểu đoàn bộ binh, 3 trung đoàn thiết giáp 1 sư đoàn không quân số cùng toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch trên các tỉnh Tây Nguyên. Đoàn quân bại trận rút chạy theo đường số 7, bị các lực lượng vũ trang quân giải phóng Tây Nguyên truy kích diệt gần hết. Cả núi rừng Tây Nguyên mênh mông đã sạch bóng quân thù.

        Tại Trị Thiên, sau khi giải phóng tỉnh Quảng Trị, các chiến sĩ Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên vượt sông Mỹ Chánh, đánh dọc theo đường số 1 từ Bắc Sơn đến Bạch Thạnh, diệt sư đoàn 1 ngụy, đánh quụ sư đoàn lính thủy đánh bộ, giải phóng tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế.

        Trên khắp chiến trường miền Nam, các lực lượng vũ trang cách mạng đang tiến công với thế áp đảo. Hàng loạt tuyến phòng ngự của quân ngụy bị chọc thủng, hàng loạt cứ điểm chiến lược lần lượt rơi vào tay quân giải phóng. Giờ cáo chung của chế độ Sài Gòn đã gần kề.

        Từ thị xã Tam Kỳ, tỉnh lỵ Quảng Tín ngụy, vừa được Sư đoàn 2 Quân khu 5 giải phóng vào trưa ngày 24 tháng 3, Nguyễn Chơn nhận được lệnh về Trà Nô, nơi đặt Sở chỉ huy cơ bản của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 để nhận một mệnh lệnh khẩn cấp.

        Cùng các chiến sĩ thông tin và vệ binh, anh lên một chiếc com- măng- ca, giục tài xế phóng như bay trên những con đường xuyên rừng đầy hang hốc và những hố bom chằng chịt. Lòng anh đang dậy lên bao niềm vui khó tả. Với một người lính suốt đời xông pha trận mạc như anh, không có niềm vui nào bằng niềm vui được lao vào những trận đánh lớn và giành lấy thắng lợi. Anh có linh tính lần này anh sẽ được giao nhiệm vụ chỉ huy Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 52 tiến về giải phóng Đà Nẵng - niềm khao khát cháy bỏng của cả đời anh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 02:01:18 am »


        Đã 29 năm trôi qua, tính từ năm 1946 là năm anh vào bộ đội, trở thành một chiến sĩ của Tiểu đoàn 19 thuộc Trung đoàn 96 làm nhiệm vụ tiếp phòng quân, chiến đấu để bảo vệ thành phố Đà Nẵng trong 2 tháng trời cho đến lúc phải rút lui theo lệnh cấp trên. Mới đó mà đã 29 năm, gần một nửa đời người? Mới ngày nào anh còn là một chiến sĩ, mà bây giờ đã là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chỉ huy một cánh quân tiến về giải phóng quê hương!

        Đang theo đuổi những ý nghĩ về trận đánh sắp tới, Nguyễn Chơn bỗng bật cười khi nghe một chiến sĩ vệ binh pha trò:

        - Suýt chút nữa thì tụi em không còn cơ hội để bảo vệ thủ trưởng?

        - Thủ trưởng liều thật, dám đem sinh mạng chính trị ra để bảo đảm thắng lợi! - Một chiến sĩ khác chen vào. 

        Nguyễn Chơn bất chợt nhớ lại trận đánh Tiên Phước - Phước Lâm - Suối Đá mới diễn ra cách đây khoảng mươi ngày. Hôm ấy trong Hội nghị cán bộ Quân khu bàn về phương án tác chiến trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1975, khi bàn về thời gian dứt điểm cụm phòng thủ Tiên Phước - phước Lâm - Suối Đá, mọi người đều đề nghị từ 5 đến 7 ngày, riêng Nguyễn Chơn lại đề nghị Quân khu cho Sư đoàn 2 đánh trong vòng 24 giờ! Đề nghị của anh làm cả Hội nghị sửng sốt. Nhiều ý kiến phản đối, cho rằng anh chủ quan, khinh địch.

        Sau bữa cơm trưa, Tư lệnh Chu Huy Mân gặp riêng anh, hỏi nhỏ:

        - Phương án đánh nhanh của cậu, tớ ưng rồi, nhưng có chắc thắng không, để chiều tớ kết luận.

        Anh trả lời:

        - Báo cáo Tư lệnh, nếu như đánh không thắng, không bảo đảm thời gian, tôi xin chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của Quân khu...

        Cuộc họp buổi chiều tiếp tục căng thẳng. Một số đồng chí Khu ủy Khu 5 và một số cán bộ quân sự vẫn kiên trì bảo vệ ý kiến đánh 7 ngày, không đồng tình với đề nghị của Nguyễn Chơn và cho rằng thời gian anh đưa ra không đủ để giải quyết chiến trường, nếu không dứt điểm được, sẽ gây ra thương vong cao, làm mất sức chiến đấu, ảnh hưởng đến chiến dịch. Đến phiên mình phát biểu, Nguyễn Chơn nói:

        - Thưa hội nghị, hiện tại trong khu chiến, địch tuy đông, nhưng không mạnh. Nếu ta có cách đánh tốt, địch sẽ bỏ chạy. Hơn nữa, hiện nay Sư đoàn 2 đang sung sức, lại được tăng cường các đơn vị pháo binh, cao xạ, tăng - thiết giáp và các phương tiện kỹ thuật khác, không lý do gì không đánh nhanh, diệt gọn để tiết kiệm xương máu, đạn dược...

        Ngừng một lúc để hội nghị bớt bàn cãi, Nguyễn Chơn mới nghiêm nghị nói:

        - Xin Bộ Tư lệnh Quân khu chấp nhận đề nghị của Sư đoàn 2. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, dù cho Chơn này có chết đi, thì cũng cứ đào mồ lên gông lại mà kiểm điểm!

        Những lời nói nghiêm túc và tâm huyết của anh đã thuyết phục tất cả những người có mặt trong hội nghị. Phương án của anh được Tư lệnh Chu Huy Mân phê chuẩn. Kết quả sau đó, toàn bộ cụm cứ điểm Tiên Phước - Phước Lâm - Suối Đá, được phòng thủ chặt chẽ bởi 1 trung đoàn bộ binh, 1 liên đoàn biệt động, các đơn vị pháo binh, tăng - thiết giáp và hàng chục đại đội bảo an đã bị các đơn vị của Sư đoàn 2 tiêu diệt gọn chỉ trong vòng 16 giờ, về trước thời hạn cam kết của Nguyễn Chơn! Trong trận này, Sư đoàn 2 đạt được chiến thắng lớn là nhờ có phương án tác chiến đúng, cách đánh hiểm, bất ngờ, làm cho địch ngay từ đầu đã bị tan rã về tổ chức, tinh thần hoang mang dao động tột độ, dẫn đến thất bại hoàn toàn.

        - Thủ trưởng tài thật, làm mấy ông ở Bộ Tư lệnh Quân khu rất tin tưởng . - Một chiến sĩ nói .

        - Có gì đâu - Nguyễn Chơn cười - Chẳng qua là trước đó mình đã bỏ ra gần cả tháng để nghiên cứu chiến trường, nên mới dám hứa chắc như vậy, chứ đâu có dám hứa liều...

        Chiếc xe lại tiếp tục chồm lên lao về phía trước, vượt qua những đoạn đường đầy ổ gà to như cái nong phơi lúa. Tình hình đúng như Nguyễn Chơn dự đoán, trong cuộc họp khẩn cấp của Bộ Tư lệnh Quân khu, anh được giao nhiệm vụ chỉ huy Sư đoàn 2 và Lữ đoàn 52 tiến về giải phóng Đà Nẵng - căn cứ liên hợp quân sự khổng lồ lớn nhất miền Trung.

        Thời gian lúc này rất gấp, thời gian chính là lực lượng. nếu để cơ hội trôi qua, thì có khi phải tốn cả mấy sư đoàn cũng chưa chắc tạo lại được. Tình hình thay đổi sau từng giờ, Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Đà Nẵng đã được thành lập, do Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân làm Chính ủy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 02:03:20 am »


        Từ đèo Le về Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn không có đường ô tô, phải đi bộ. Qua khỏi Sơn Thượng một đoạn, Nguyễn Chơn chỉ vào một ngọn đồi nằm bên kia con suối nhỏ chảy từ đèo Le xuống, nói với Lê Minh Châu, cán bộ tác huấn Quân khu:

        - Cậu biết không, chính cái hồi đó, năm 1967, anh Thạch, anh Đạo, anh Sáng, anh Phong và một số anh nữa trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 hồi ấy đã hy sinh khi bị máy bay Mỹ phát hiện. Riêng cậu Xuất, bị thương, lăn được mấy vòng thoát chết, nhưng rồi sau đó cũng hy sinh trong trận Đường 9 - Nam Lào. Chiến tranh ác liệt quá - giọng anh chợt trở nên bùi ngùi - sự mất mát quá lớn, chiến tranh phải suy nghĩ chiến đấu như thế nào để không phụ lòng mong mỏi của các anh...

        Lê Minh Châu bóp chặt tay anh như muốn chia sẽ cùng anh bao nhiêu tình thương, nỗi nhớ về biết bao đồng đội đã ngã xuống trong suốt cuộc chiến tranh dằng dặt mấy mươi năm. Khi qua thung lũng Quế Sơn, anh chỉ tay về ngọn đồi Cấm Dơi, nói với Lê Minh Châu:

        - Tuy nó thấp thế, mà hồi ấy cũng phải chật vật lắm mới chiếm được. Trong trận này, có cậu dùng B72 bắn cháy trên 10 chiếc xe tăng cơ đấy.

        Vui chuyện đường dài, một lúc sau Lê Minh Châu hỏi anh:

        - Sắp tới đánh về Đà Nẵng, Sư đoàn mình được phân công ra sao, anh?

        Nguyễn Chơn trầm ngâm giây lát rồi chậm rãi nói:

        - Chung nhất là đột phá, tiến công trong hành tiến. Mười một mục tiêu, trong đó Sư đoàn 2 được giao 4 mục tiêu chính là Sở chỉ huy quân đoàn 1, sân bay Đà Nẵng, tòa thị chính và căn cứ hải quân. Đây là mục tiêu chủ yếu trước các đơn vị khác.

        Trên đường về Sở chỉ huy Sư đoàn, Nguyễn Chơn nhận được điện trực tiếp của đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy Khu 5. Đồng chí Võ Chí Công dặn Nguyễn Chơn:

        - Thành phố Đà Nẵng là một thành phố của Quân khu 5, cho nên Sư đoàn 2 phải quyết tâm đánh chiếm cho được các mục tiêu chủ yếu trước các đơn vị khác.

        Về đến Sở chỉ huy, Nguyễn Chơn lệnh cho Trung đoàn Ba Gia tiến theo đường số 1 đánh chiếm sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy. Trung đoàn 38 đến Vĩnh Điện tiến theo đường Tứ Câu đánh chiếm Non Nước, sân bay Nước Mặn, tiếp tục phát triển đánh chiếm Sơn Trà. Lữ đoàn 52 và Trung đoàn 31 tiến theo đường sắt, làm dự bị cho Sư đoàn. Thời gian là lực lượng, tất cả các đơn vị được lệnh tiến càng nhanh càng tốt, không để vướng chân vào các Ổ kháng cự dọc đường.

        Vào giờ phút đó, Nguyễn Chơn đã đưa ra một mệnh lệnh hết sức táo bạo: Không sử dụng mật mã trên vô tuyến nữa. Nhận được lệnh, Trung đội trưởng thông tin lập tức đến gặp Nguyễn Chơn:

        - Báo cáo thủ trưởng, không thể làm như vậy được, vì đó là sai phạm lớn nhất trong nguyên tắc bảo mật thông tin. Nếu xảy ra chuyện gì, kỷ luật sẽ rất nặng...

        - Chấp hành đi, có chuyện gì Chơn chịu - Nguyễn Chơn thân mật vỗ vai người sĩ quan thân tín - Cậu hãy tin rằng, bây giờ nếu địch biết rõ quân ta đang tiến tới đâu, thì chúng sẽ càng thêm hoảng loạn, sẽ càng tan rã nhanh hơn.

        Ngay trong đêm 27 tháng 3, các cánh quân của Sư đoàn 2 thần tốc tiến về Đà Nẵng trên 2 trục song song là quốc lộ 1 và tuyến đường sắt. Trước đó, Nguyễn Chơn. Đã ra lệnh cắt chức Nguyễn Văn Thí - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 vì không chấp hành nghiêm mệnh lệnh tiến công, cho quân đánh chiếm chi khu quận ly Thăng Bình, làm chậm tốc độ hành quân chung của Sư đoàn đến mấy tiếng đồng hồ. Anh đưa Trung đoàn phó Vũ Xuân Thủy lên nắm chỉ huy Trung đoàn, rút Nguyễn Văn Thí về Bộ Tư lệnh Sư đoàn để tự suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Anh nói với Nguyễn Văn Thí:

        - Người chỉ huy phải biết quyết đoán. Lúc thời cơ đến, phải biết cách xử trí linh hoạt, sáng tạo và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong chiến đấu, trễ một giờ, đôi lúc phải trả giá bằng biết bao sinh mạng của chiến sĩ; trễ hai giờ, đôi khi làm mất luôn cơ hội chiến thắng...

        Tuy nói vậy, nhưng chỉ mấy ngày sau khi giải phóng Đà Nẵng, anh tạo cơ hội cho Nguyễn Văn Thí lập công chuộc tội bằng cách cho chỉ huy một cánh quân của Sư đoàn phối hợp với bộ đội hải quân ra giải phóng quần đảo Trường Sa.

        Sáng ngày 28 tháng 3, toàn bộ đội hình Sư đoàn đã có mặt ở bờ nam sông Bà Rén. Do cầu bị địch dùng bom đánh sập, cánh quân tiến theo đường số 1 phải nhờ vào ghe, thuyền của ngư dân để vượt qua sông. Gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ của 2 trung đoàn mang vác cồng kềnh, lần lượt được dân đưa qua sông an toàn trong suốt buổi chiều và cả đêm 28.

        Mờ sáng ngày 29 tháng 3, cả đội hình Sư đoàn đã ra đến Vĩnh Điện - cửa ngõ dẫn vào thành phố Đà Nẵng. Trung đoàn 38 được lệnh đánh chiếm Vĩnh Điện để Trung đoàn  Ba Gia vượt lên phía trước đánh vào cơ quan đầu não địch ở Đà Nẵng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 02:05:47 am »


        Tình hình Đà Nẵng lúc này rất rối loạn. Địch tập trung về đây hơn 75.000 quân gồm sư đoàn 3 bộ binh, 2 lữ đoàn lính thủy đánh bộ, 15 tiểu đoàn bảo an, 240 trung đội dân vệ, 24.000 phòng vệ dân sự vũ trang, 5.000 cảnh sát, 7 tiểu đoàn pháo binh với tổng cộng 114 khẩu đại pháo, thiết đoàn kỵ binh số 11 với 70 xe tăng hạng nặng, sư đoàn không quân số 1 với các thiết bị kỹ thuật và 373 máy bay các loại. Ngoài ra còn có hơn 6.000 tàn quân từ Trị Thiên, Quảng Nam dồn về và hàng vạn nhân viên hành chính các cấp. Dựa vào lực lượng này, Ngô Quang Trưởng đã cho thiết lập một tuyến phòng thủ kéo dài từ Hải Vân đến Hòa Cầm lên Sơn Gà, Ái Nghĩa do lính thủy đánh bộ chốt giữ. Tuyến phòng thủ thứ hai từ Hòa Cầm vòng xuống Đò Xu, Cẩm Lệ kéo dài sang Non Nước, Mỹ Khê do sư đoàn 3 chốt giữ. Xen kẽ với lực lượng chính quy là các đơn vị bảo an, dân vệ có nhiệm vụ ngăn chặn các đợt đột nhập bí mật của bộ đội vào thành phố.

        Với mật độ bố phòng dày đặc như vậy, Ngô Quang Trưởng huênh hoang tuyên bố. "Sẽ tử thủ bảo vệ Đà Nẵng, không để Đà Nẵng rơi vào tay Cộng sản". Trên thực tế, quân ngụy tuy còn đông, nhưng đã rệu rã về ý chí và đội ngũ, không còn tinh thần chiến đấu. Trừ các đơn vị chính quy, số còn lại phần lớn đều được lắp ghép một cách vội vã, thiếu tổ chức, nên chỉ vừa nhìn thấy bộ đội là vứt súng bỏ chạy. Tình hình đó đã tác động rất lớn đến tâm lý, tinh thần chiến đấu của các lực lượng chính quy ngụy.

        5 giờ 50 phút sáng ngày 29 tháng 3, qua cửa mở Vĩnh Điện, các đơn vị của Sư đoàn 2 đã tận dụng mọi phương tiện có được như xe đò, xe lam, xe tải... Ồ ạt tiến về Đà Năng theo hai hướng Hòa Cầm và Hội An - Non Nước.

        Nguyễn Chơn mặc bộ bà ba xanh quen thuộc, trên tay cầm bản đồ tác chiến, cùng tổ trinh sát đi trước đội hình Trung đoàn 1 tiến về Hòa Cầm. Anh đưa ra một mệnh lệnh ngắn gọn cho các Trung đoàn trưởng: "Trước 12 giờ trưa nay, phải chiếm xong các mục tiêu quy định".

        Với truyền thống "Nhanh như Chóp Nón, gọn như Ba Gia", đến ngã tư Hòa Cầm, một bộ phận Trung đoàn 1 nhanh chóng đập tan tuyến phòng thủ do 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ chốt giữ, sử dụng ngay mấy chiếc M.113 vừa tịch thu được rẽ về phía Cẩm Lệ đánh thẳng vào sân bay, sau đó tiếp tục phát triển đánh vào sở chỉ huy Quân đoàn 1. Một bộ phận khác tiến thẳng theo đường số 1 xuống ngã ba Huế đánh vào tòa thị chính.

        Ở hướng đông, Trung đoàn 38 sau khi chiếm xong Vĩnh Điện đã theo đường Vĩnh Điện - Hội An tiến ra Đà Nẵng. Đến ngã ba Bồ Mưng, thì được xe của nhân dân ra đón. Trung đoàn ra đến Non Nước, thì gặp phải một bộ phận tàn quân lính thủy đánh bộ cụm lại chống cự. Trung đoàn để lại một tiểu đoàn bao vây diệt địch, còn đại bộ phận tiến thẳng ra đánh chiếm bán đảo Sơn Trà.

        Cả đội hình Sư đoàn tiến như chẻ tre, tin thắng lợi báo về tới tấp. Nhận thấy tình hình phát triển thuận lợi, Nguyễn Chơn cho Trung đoàn 31 ở lại khu vực Cầu Đỏ, Trung đoàn 36 ở lại khu vực quận ly Hòa Vang làm nhiệm vụ tảo trừ tàn quân địch.

        Đúng 12 giờ kém 15 phút, lá cờ chiến thắng của Trung đoàn 1 tung bay trên cột cờ Bộ tư lệnh quân đoàn 1 ngụy. Cơ quan đầu não của địch trên dãy đất miền Trung đã bị Sư đoàn 2 Quân khu 5 xóa sổ. Nguyễn Chơn bước vào phòng làm việc của Ngô Quang Trưởng - viên tướng 3 sao được quan thầy Mỹ đánh giá là ưu tú nhất trong số các tướng lĩnh của quân đội ngụy. Trong phòng mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn. Hình như chủ nhân của nó không kịp thời gian để mang đi hoặc thiêu hủy những thứ cần thiết.

        Bốn lá cờ gồm 1 lá mang ngày thành lập quân đoàn, 1 lá do Mỹ tặng, 1 lá có hàng chữ "Chiến thắng Mậu Thân 1968", 1 lá khác có hàng chữ "Chiến thắng Quảng Trị 1972". Trên tấm bản đồ tác chiến, các mũi tên biểu thị các mũi tiến công của Sư đoàn 2 đang dừng lại ở đoạn giữa Tuần Dưỡng và Hà Lam. "Vậy là y đã chuồn ngay từ tối 28". Nguyễn Chơn nghĩ bụng. Trong hộc bàn, còn cả 1 khẩu súng ngắn và con dấu của Bộ tư lệnh quân đoàn 1, quân khu 1. Nguyễn Chơn cho đồng chí Suyền - trợ lý tham mưu quay vào Thanh Quýt báo cáo với đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy Khu 5 việc đã chiếm được sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy. Đồng chí Võ Chí Công nửa tin, nửa ngờ vì chiến công quá thần tốc của Sư đoàn 2, hỏi lại:

        - Các cậu có chắc đó là tòa nhà của quân đoàn 1 không? Ở Đà Nẵng có nhiều tòa nhà rất giống nhau...

        Báo cáo Bí thư chắc chắn ạ. Vừa nói, đồng chí Suyền vừa rút con dấu của Ngô Quang Trưởng ra. Đến lúc ấy đồng chí Bí thư Khu ủy Khu 5 mới tin rằng Sư đoàn 2 đã đánh chiếm được mục tiêu quan trọng nhất của chiến dịch.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM