Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:09:38 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 34264 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:49:38 am »


        Trên cao nguyên Bô- lô-ven

        Cao nguyên Bô- lô- ven là một địa bàn chiến lược ở Hạ Lào, nằm trên độ cao 600m đến 1000m, nơi có con đường chiến lược vận tải 559 chạy qua trước khi đổ vào miền Trung Việt Nam. Do chiếm giữ một vị trí hết sức quan trọng, nên ở đây thường xảy ra những cuộc đụng độ ác liệt giữa quân tình nguyện Việt Nam và quân ngụy Lào để giành quyền kiểm soát cao nguyên. Đầu năm 1970, quân tình nguyện Việt Nam và các lực lượng vũ trang nhân dân Lào đã giải phóng thị xã A- tô- pơ, làm chủ cao nguyên một thời gian dài. Nhưng đến cuối năm 1970, thực hiện chiến lược "Đông Dương hóa chiến tranh", Mỹ đã sử dụng các đơn vị quân đội Thái Lan phối hợp với quân nguy Lào chiếm A- tô- pơ, giành quyền làm chủ.

        Trên cao nguyên Bô- lô- ven có Păk Xế, là một thị xã khá sầm uất. Cách Păk Xế khoảng 50 cây số về hướng đông là thị trấn Păk Soòng, nằm ở trung tâm cao nguyên, nơi có nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống cùng với các dân tộc khác như Lào, Pháp, Hoa... Nối Păk Soòng với Păk Xế là đường 13, hai bên có hai con suối lớn là Huội Chăn Xi ở phía bắc và Huội Băng Hiêng Ở phía nam, chạy gần như song song với đường 13. Giữa đoạn đường Păk Xế - Păk Soòng có 2 bản của người Lào là Y- tu và Bản Nhik. Với một địa hình như vậy, cả Păk Goòng, Y- tu và Bản Nhik đều tự nhiên trở thành một hệ thống lá chắn bảo vệ cho Păk Xế từ xa.

        Để giải phóng hoàn toàn và vững chắc cao nguyên Bô- lô- ven, bảo vệ và mở rộng đường vận tải chiến lược 559 trên đất Lào, Sư đoàn 2 (thiếu) của Nguyễn Huy Chương được Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ đánh tiêu diệt quân  nguy Lào trên cao nguyên này. Sau khi nhận được lệnh. Nguyễn Chơn liền tổ chức một đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường gấp rút lên đường, còn toàn bộ Sư đoàn (thiếu) sẽ hành quân theo sau.

        Để bảo đảm bí mật, thần tốc, đoàn cán bộ chỉ huy cũng như bộ đội được lệnh đi suốt đêm ngày, không được nấu ăn, chỉ dùng lương khô, cơm vắt ăn qua bữa. Vượt qua bao gian khổ, thiếu thốn dọc đường, 15 ngày sau, Nguyễn Chơn cùng đoàn cán bộ đến Bô- lô- ven. Anh lại lao vào nghiên cứu địa hình, trinh sát thực địa, chọn lựa khu chiến, vạch ra phương án đánh tối ưu để chủ động giành phần thắng.

        Qua công tác trinh sát, Nguyễn Chơn biết rằng trong khu chiến hiện có 2 BV, tương đương với 2 trung đoàn, là BV20 và BV43. Đồng thời qua tin tức tình báo, anh cũng biết rằng địch chuẩn bị điều thêm 3 tiểu đoàn quân Thái và 1 tiểu đoàn hỗn hợp Lào - Thái đến tăng cường cho Păk Xế. Tuy lực lượng đông, nhưng địch chỉ sử dụng 1 đại đội đóng giữ Păk Soòng, 2 đại đội đóng giữ tiểu khu, các đơn vị còn lại đều làm nhiệm vụ cơ động vòng ngoài.

        Vào thời điểm này, cao nguyên Bô- lô- ven đã bắt dầu vào mùa mưa, nhưng tiết trời vẫn còn hanh khô, nắng nóng. Đã hơn 1 giờ sáng, nhưng không khí trong lều chỉ huy vẫn còn oi bức, bên tấm bản đồ khu chiến được vẽ một cách vội vã, Nguyễn Chơn đang đi tới đi lui suy nghĩ. Anh dùng bút đỏ gạch một đường thẳng song song với đường 13 ở phía nam, rồi gạch thêm một đường nữa ở phía bắc. Cuối cùng, anh gạch một đường ngang nối hai đường thẳng song song lại với nhau, phía trước hai vòng đỏ ghi các chữ Y tu - Bản Nhik. "Chỉ có cách này mới trị được bọn ngụy Lào?" - Nguyễn Chơn thở ra một hơi dài khoan khoái, bưng lấy tô cháo nguội ngắt do người cần vụ mang lên từ lúc nửa khuya. Đã từng đánh nhau với quân ngụy Lào, anh biết rằng bọn chúng có một chiến thuật rất kỳ lạ là bỏ chạy khi đụng phải lực lượng mạnh của bộ đội Việt Nam. Chúng chạy không phải vì thua, mà là một thủ đoạn trong chiến đấu để đánh lạc hướng đối phương. Chúng chạy có tổ chức, chạy rồi tập hợp lại tại những địa điểm có quy định trước, sau đó mới quyết định tổ chức phản công hay rút lui tùy vào tình hình thực tế. Bởi vậy, một trận đánh dù chiếm ưu thế, nhưng để cho quân ngụy Lào bỏ chạy, thì chưa kể đó là một trận đánh thắng. Chính vì vậy Nguyễn Chơn đã chọn phương án "lùa vịt vô chuồng" bằng cách dùng đại bộ phận Trung đoàn 1 và các đơn vị trực thuộc như xe tăng, cao xạ, trinh sát, vận tải, đặc công, công binh... phục hai bên đường 13, cách đường 13 từ 3 đến 4 cây số trước Y- tu - Bản Nhik, cắm khoảng 2 triệu cây chông trên phía chính diện, hình thành nên thế trận bao vây từ ba mặt. Với phương án đó, bọn ngụy Lào sẽ bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan, muốn chạy cũng không được, muốn co cụm cũng không yên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:50:11 am »


        Sau khi các đơn vị đã vào vị trí chiến đấu, Nguyễn Chơn ra lệnh cho Trung đoàn 1 đánh trận mở màn. 1 giờ sáng ngày 16 tháng 5 năm 1971, chiến sĩ các tiểu đoàn 90, 40 trung đoàn 1 đồng loạt nổ súng tiến công thị xã Păk Soòng. Do bị đánh bất ngờ bởi một lực lượng áp đảo về quân số lẫn pháo binh, xe tăng, quân ngụy Lào ở Păk 8oòng và tiểu khu nhanh chóng bị tiêu diệt. Các đơn vị vòng ngoài "vội vàng" chạy về co cụm ở Y- tu - Bản Nhik. Trung đoàn 1 hoàn toàn làm chủ trận địa sau hơn 4 giờ tiến công diệt địch. Đòn phủ đầu đã thu được thắng lợi lớn. Păk Soòng được giải phóng, nhưng nhân dân trong thị xã còn dè dặt, chưa dám tiếp xúc với bộ đội. Nguyễn Chơn liền ra lệnh cho toàn Sư đoàn triệt để làm công tác dân dận: không được đụng vào tài sản của dân, dù chỉ là một con gà; nhiệt tình giúp đỡ dân từ việc nhỏ đến việc lớn...Chẳng bao lâu nhân dân trong toàn thị xã đã cảm nhận được đạo đức và tình cảm tốt đẹp của các anh "Tha hán Việt Nam, tha hán Hồ Chí Minh" (bộ đội Hồ Chí Minh), từ đó đã hết lòng ủng hộ cách mạng, ủng hộ quân tình nguyện Việt Nam.

        Mất Păk Soòng, Păk Xế rơi vào thế bị uy hiếp nặng nề. Để lập lại vành đai an toàn cho Păk Xế, Mỹ thúc ép chính quyền Thái Lan đưa quân sang phối hợp với quân ngụy Lào thực hiện việc "tái chiếm Păk Soòng" . Ngày 2 tháng 6, quân Thái Lan đưa 3 tiểu đoàn sang Păk Xế, phối hợp với 1 tiểu đoàn hỗn hợp Lào - Thái cùng các đơn vị quân ngụy Lào từ vòng ngoài Păk Soòng đưa quân về chiếm lại Păk Soòng. Đến Păk Xế, lực lượng này liền triển khai đội hình xuống Lào Ngâm, lấy I- Tu - Bản Nhik làm bàn đạp chuẩn bị tiến đánh Păk Soòng, lúc này đang ở trong tay các đơn vị của Sư đoàn 2.

        Thấy kế hoạch tiến quân của địch hoàn toàn phù hợp với ý đồ tác chiến mà mình đã vạch ra, Nguyễn Chơn liền điện xin Bộ Tư lệnh Mặt trận cho phép Sư đoàn 2 đánh chiếm Y- tu - Bản Nhik, nhằm mục đích tiêu diệt đại bộ phận quân ngụy Lào có mặt trong khu chiến dọc theo đường 13 từ Păk Soòng đến Y- tu - Bản Nhik. Được Bộ Tư lệnh đồng ý, anh lập tức cho các đơn vị trực thuộc triển khai đội hình chiến đấu theo đúng phương án tác chiến đã đề ra.

        Trong những cơn mưa dầm dề của mùa mưa ở Bô- lô- ven, các chiến sĩ Trung đoàn 1 đã tìm mọi cách khắc phục khó khăn, vượt qua 2 con suối Huội Chăm Pi và Huội Băng Hiên quá hung dữ, các chiến sĩ Tiểu đoàn 90 tưởng chừng không thể nào vượt qua dược, nhưng rồi học tập gương khắc phục khó khăn của chỉ huy Nguyễn Chơn trong trận đánh Ga Lâu năm nào, Trung đoàn trưởng Trần Quang Lập đã đi dọc theo suối, cuối cùng đã tìm được một cây cổ thụ để hạ xuống làm cầu cho bộ đội vượt qua.

        6 giờ sáng ngày 9 tháng 6, trong lúc các mũi tiến công của Trung đoàn 1 và các đơn vị phối thuộc đang vận động chiếm lĩnh trận địa, thì một bộ phận địch từ Y- tu bất ngờ tiến xuống Păk Cụt, với mục đích lập thêm một đầu cầu để tiến thêm một bước về phía Păk Soòng. Thêm một thuận lợi cho phương án tác chiến của Nguyễn Chơn, bởi vì khi đích thoát ly khỏi công sự, thì sẽ dễ bị ghìm chân và tiêu diệt hơn là cố thủ trong công sự. Trong lúc đó, lực lượng phòng thủ ở Y- tu sẽ ít đi, cuộc tiến công sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để giành chiến thắng.

        Để đánh lạc hướng chú ý của địch, Nguyễn Chơn lệnh cho Tiểu đoàn 1 quân tình nguyện Việt Nam, đơn vị phối thuộc với Sư đoàn 2, đưa một cánh quân ra chặn địch trước Păk Cụt. Cuộc giao tranh ở đây diễn ra thật ác liệt.

        Sau gần một ngày chiến đấu, 1 trung đội quân tình nguyện Việt Nam đã đẩy lùi tất cả các cuộc tấn công của quân địch, xác địch nằm chồng lên nhau trước mép công sự, nhưng trung đội của ta cũng bị thiệt hại, chỉ còn lại 3 chiến sĩ.

        Trong lúc địch đang tập trung theo dõi diễn biến trận đánh ở Păk Cụt, thì các mũi tiến công của Sư đoàn 2 đã bí mật áp sát mục tiêu. Tiểu đoàn 15 công binh cùng một số đơn vị trợ chiến bí mật cắm chông trên dải chính diện dài 4 cây số dọc theo 2 bên đường 13. Các đơn vị thuộc Trung đoàn 1 đưa quân vòng ra phía sau Y- tu - Bản Nhik, cách đường 13 từ 3 đến 4 cây số, hình thành thế bao vây đón lõng ở hai bên nam bắc đường 13. Các trận địa pháo, các đơn vị thiết giáp, Tiểu đoàn 1 phòng không, các Phân đội vệ binh, trinh sát... đều ở trong tư thế sẵn sàng nổ súng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 04:04:15 pm »


        16 giờ sáng ngày 10 tháng 6, trận địa cối 120 ly ở phía tây bắc bắt đầu khai hỏa. Mục tiêu là Bản Nhik. Ngay từ loạt đạn đầu ta đã bắn trúng vào sở chỉ huy địch. Đại tá Bu Thong - chỉ huy trưởng và một số sĩ quan tùy tùng chết ngay tại trận. Lực lượng phòng thủ Bản Nhik ở vào thế "rắn không đầu", bắt đầu rối loạn về mặt chỉ huy.

        Đến 18 giờ, mũi tấn công hướng tây bắc Bản Nhik ào lên đánh chiếm mục tiêu ngay sau khi cối chuyển làn. Ở hướng nam, các chiến sĩ vệ binh, trinh sát, thông tin... nổ súng ghìm chân địch trong lúc chờ đợi các chiến sĩ Tiểu đoàn 90. Ở hướng đông, mũi tấn công chính diện có một đại đội tăng thiết giáp phối thuộc bắt đầu tiến quân. Cùng lúc đó, Ở mặt trận Y- tu, các đơn vị thuộc Trung đoàn 1, Tiểu đoàn phòng không, Tiểu đoàn 1 quân tình nguyện Việt Nam, Tiểu đoàn 15 công binh đồng loạt nổ súng tiến công cứ điểm địch. Lợi dụng sương mù đang bao phủ khắp cứ điểm, bộ đội đột kích thẳng vào sở chỉ huy, bắn chết tên chỉ huy phó BV43. Đến 21 giờ, cứ điểm Y- tu bị tiêu diệt, phần lớn quân ngụy Lào bị chết tại trận hoặc bị bắt, số còn lại tháo chạy về Bản Nhik. 22 giờ, sau khi để lại một bộ phận làm nhiệm vụ tảo trừ, Nguyễn Chơn quyết định đưa đại bộ  phận các đơn vị bộ đội qua Bản Nhik, siết chặt vòng vây, quyết tâm tiêu diệt dứt điểm Bản Nhik.

        Vào lúc 0 giờ ngày 11  tháng 6, khi các đơn vị Sư đoàn 2 tạm dừng tấn công để ổn định đội hình, bọn chỉ huy ở Bản Nhik tưởng rằng bộ đội đã lui quân, nên đã điện báo về Păk Xế. "Việt cộng chỉ chiếm được Y- tu, không làm chi được Bản Nhik. Đề nghị tăng viện cho 1 tiểu đoàn để lấy lại Y- tu. Bọn chỉ huy địch đồng ý, nhưng thực tế không còn cơ hội để thực hiện quyết định này. Gần một đêm trôi qua yên tĩnh, cả mặt trận chìm trong đêm cao nguyên vắng lặng, không hề có bất cứ tiếng súng nào vang lên. Nhưng bất ngờ vào lúc 7 giờ sáng, khi quân địch trong Bản Nhik đang thong thả đón một ngày mới, thì từ khắp các hướng, tiếng cối 120 ly, 81 ly, ĐKZ 75, B40 , B41... bỗng nổ vang rền . Tiếp đó là tiếng AK, lựu đạn cùng với tiếng hô xung phong vang rền khắp nơi. Bản Nhik bị tấn công toàn diện, dữ dội, không sót một khu vực nào. Sau những phút đầu hoảng loạn, quân ngụy Lào cùng với quân Thái Lan dựa vào hệ thống công sự kiên cố tổ chức đánh trả quyết liệt.

        Nhưng trước tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của bộ đội ta, lực lượng địch dần dần bị tiêu diệt. 11 giờ ngày 11  tháng 6, các mũi tiến công của quân ta hoàn toàn làm chủ Bản Nhik. Tàn quân địch định tháo chạy về Păk Xế, nhưng bị rừng chông 2 triệu cây ngăn lại. Rừng chông nứa 2 triệu cây như một cánh quân lớn, bí mật đón lõng địch. Khi địch bị vây ép khắp các mặt phải chạy vào bãi chông, thì chông lập tức phát huy tác dụng, giúp các chiến sĩ Sư đoàn 2 thực hiện được cách đánh đơm đó tiêu diệt được một bộ phận quan trọng địch. Ở các nơi không có chông, thì lại có bộ đội phục sẵn. Địch gọi máy bay lên bắn phá giải vây, nhưng máy bay không qua được lưới lửa của bộ đội phòng không. Tàn quân địch không còn lối thoát, một số bị tiêu diệt, số còn lại buông súng đầu hàng.

        Sau gần 20 giờ chiến đấu liên tục, các chiến sĩ Sư đoàn 2 và các đơn vị phối thuộc đã diệt gọn BV20, 1 đại đội quân Thái Lan, đánh thiệt hại nặng BV46, bắt hơn 1.000 tù binh, bắn rơi 4 máy bay, bắn cháy 12 xe quân sự, phá hủy 5 đại bác 105 ly, thu hàng trăm súng các loại.

        Sau chiến thắng Nguyễn Chơn lại lặng lẽ đi quan sát chiến trường. Anh hiểu rằng, đằng sau những con số, anh và đồng đội vừa làm nên một chiến công mang tầm chiến lược, Đó là giải phóng hoàn toàn và vững chắc cao nguyên Bô- lô- ven, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào, bảo đảm an toàn cho đường vận tải chiến lược 559 được thông suốt để tiếp tục mang sức người, sức của từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, trong đó có Khu 5 thân yêu - nơi anh sẽ trở lại cùng đồng đội tiếp tục đánh giặc cho đến ngày toàn thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 04:05:00 pm »


        Bắc Tây Nguyên 24 giờ cho 7 ngày.

        Mùa xuân năm 1972. Từ bắc đường 9, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn được lệnh đưa Sư đoàn vào bắc Tây Nguyên nhận nhiệm vụ mới. Đường hành quân qua bao nhiêu núi cao, vực sâu, nhiều đoạn phải đi trong rừng già ẩm ướt đầy muỗi, vắt, nhưng cũng có những cung đường trống trải bị máy bay Mỹ ném bom. Vượt qua bao nguy hiểm, gian khổ, đầu tháng 4 năm 1972, Sư đoàn vào đến chiến trường bắc Tây Nguyên. Lần này Sư đoàn được giao nhiệm vụ tiêu diệt cụm cứ điểm bắc Tây Nguyên (Đăk Tô - Tân Cảnh), nếu có điều kiện thì giải phóng tỉnh Kon Tum.

        Cụm phòng ngư Đăk Tô - Tân Cảnh nằm trong hệ thống phòng ngự Kon Tum là một cụm phòng ngư mạnh dọc theo đường 14, cách Kon Tum 37 cây số về hướng bắc - tây bắc. Thị trấn Tân Cảnh nằm trên ngã ba quốc lộ 17 và 18. Cách Tân Cảnh theo đường 14 khoảng 3 cây số về hướng tây là quận ly Đăk Tô (Đăk Tô l). Cách Tân Cảnh theo đường 18 khoảng 4 cây số là căn cứ Phượng Hoàng (Đăk Tô 2). Cách Đăk Tô 2 khoảng 2 cây số là căn cứ Plei- cần, giữ vị trí đầu cầu của cụm phòng ngự.

        Trấn giữ Đăk Tô - Tân Cảnh là sư đoàn 22 bộ binh ngụy (thiếu), trong đó đóng giữ thị trấn Tân Cảnh là trung đoàn 42 và bộ chỉ huy tiền phương sư đoàn 22, đóng giữ Đăk Tô 1 và các ấp chiến lược chung quanh là 6 đại đội bảo an, đóng giữ Đăk Tô 2 là trung đoàn 47. Tổng quân số của địch trên cụm phòng ngự này gồm 13 tiểu đoàn bộ binh, 6 đại đội bảo an, 1 trung đoàn xe tăng M41, M48, 1 trung đoàn pháo binh. Ngoài ra, còn có lực lượng dự bị như sư đoàn dù, liên đoàn biệt động quân sẵn sàng tham chiến khi cần thiết. Yểm trợ hỏa lực cho sư đoàn 22 về đường không là sư đoàn 6 không quân ngụy và các phi đội không quân Mỹ đóng ở sân bay Plei- ku, về pháo binh là 2 trận địa pháo ở các điểm cao 1338 và 1001.

        Với lực lượng địch như vậy, Nguyễn Chơn hiểu rằng đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, vì lực lượng phòng ngự của địch là một lực lượng mạnh, bố trí ở điểm cao có công sự kiên cố, lại được chi viện tối đa bởi hỏa lực của phi pháo và xe tăng, thiết giáp. Tuy nhiên, với anh, kẻ địch càng mạnh, thì chiến thắng càng vẻ vang, cho nên anh thường nói: rất "mê" những trận đánh lớn, càng đánh lớn càng "mê". Vì vậy, anh được cấp trên và đồng đội tặng cho danh hiệu là "Người hùng say mê đánh giặc".

        Để giúp Sư đoàn 2 hoàn thành khó khăn này, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định tăng cường 3 trung đoàn 66, 24 và 28 cùng một số đơn vị xe tăng, pháo binh, đặc công, công binh... thuộc Mặt trận về phối thuộc tác chiến trong đội hình Sư đoàn. Đồng thời, Mặt trận B3 sử dụng Sư đoàn 320 cùng phối hợp trong đội hình chiến dịch nhằm các mục đích: chia cắt quân địch ở Kon Tum và Plei- ku, buộc địch phải phân tán lực lượng ra ứng phó trên khắp chiến trường bắc Tây Nguyên; cắt tuyến tiếp tế hậu cần của địch từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên; nhử một bộ phận quân địch ra khỏi Kon Tum để tiêu diệt, tạo điều kiện cho Sư đoàn 2 tấn công tiêu diệt.

        Trước đó, từ giữa tháng 2 năm 1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã cho mở 2 con đường cơ giới, trong đó có con đường chiến lược 50K dài 200 cây số từ tây sông Pô Cô sang phía đông quốc lộ 14 để đưa các loại xe cơ giới, xe tăng, pháo mặt đất, pháo phòng không... tham gia chiến dịch.

        Thực hiện nhiệm vụ hợp đồng tác chiến, những ngày cuối tháng 3, Trung đoàn 28 thuộc Mặt trận B3 đã cắt đường 14, hình thành chốt chặn ở Chư Thoai, cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Plei- ku đi Kon Tum. Tiếp đó một ngày tháng 4, Trung đoàn 95 thuộc Mặt trận B3 cắt đường 19, hình thành chốt chặn đông An Khê, cắt đứt đường tiếp tế từ Quy Nhơn lên Tây Nguyên. Cùng ngày, bộ phận chủ lực của Sư đoàn 320 đã nổ súng tấn công và đánh thiệt hại nặng lữ đoàn 2 dù, đơn vị có nhiệm vụ chốt giữ tuyến phòng ngư dự phòng dài 20 cây số từ Ngã Ba Biên đến Chư Gơ Tông. Trước tình hình đó, Ngô Du - tư lệnh quân đoàn 2 ngụy buộc phải đưa lữ đoàn 3 dù ra trấn giữ tuyến phòng ngự phía tây sông Pô Cô. Lữ đoàn này lại bị Sư đoàn 320 đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, buộc phải lui về giữ tuyến phòng ngự cơ bản từ Võ Định đến thị xã. Thừa thắng, một bộ phận Sư đoàn 320 vượt sông Pô Cô, cùng Trung đoàn 28 cắt đứt đường 14, đoạn giữa Kon Tum và Đăk Tô - Tân Cảnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 04:05:38 pm »


        Trong lúc đó, các đơn vị thuộc Sư đoàn 2 đã bí mật chiếm lĩnh trận địa và triển khai đội hình chiến đấu. Do thời gian chuẩn bị cập rập, không có cơ sở hậu cần tại chỗ, nên mọi nhu cầu đều phải dựa vào các kho Mặt trận B3, mà các kho trạm này lại đang thiếu hụt, nên cả Sư đoàn gặp rất nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm. Khẩu phần gạo chỉ còn 200 gam cho một ngày. Ngay cả muối cũng thiếu. Các đơn vị phục vụ thường phải nhường phần cho các đơn vị chiến đấu. Lúc đó Bộ Tư lệnh B3 quyết định cấp 200 tấn gạo cho Sư đoàn 2 để đủ sức chiến đấu, nhưng thực tế hoàn toàn không có, vì lượng gạo dự trữ trong kho của Mặt trận cũng đã cạn.

        Tình hình đó thôi thúc Nguyễn Chơn phải đánh gấp, một mặt để tiêu diệt địch theo nhiệm vụ, mặt khác để lấy lương thực cho bộ đội. Tuy vậy, anh biết rằng đánh vào một cụm phòng ngư do cả một sư đoàn địch trấn thủ là một việc không đơn giản, không thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà phải có một thời gian nhất định.

        Sau khi nghiên cứu chiến trường, Nguyễn Chơn vạch ra phương án đánh tiêu diệt Đăk Tô - Tân Cảnh bằng 2 bước: Bước 1, tìm cách đánh phá vào "4 điểm mạnh' của địch là công sự, xe tăng, pháo binh và không quân nhằm từng bước phá hủy, tiêu hao một phần sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, đập tan chỗ dựa tinh thần của quân ngụy. Hướng tấn công chủ yếu của bước 1 để nghi binh là các căn cứ ở hướng tây như Plei- cần, Đăk Mốt, nhưng thực chất là đánh vào sau lưng địch, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện bước 2 là bước dồn toàn bộ sức mạnh để tiến công dứt điểm cụm phòng ngự.

        Ngày 2 tháng 4, Nguyễn Chơn lệnh cho các đơn vị làm nhiệm vụ bước 1 bí mật chiếm lĩnh trận địa.

        Ngày 3 tháng 4, vào lúc 1 giờ sáng, một đơn vị đặc công Sư đoàn bất ngờ tập kích sở chỉ huy trung đoàn 47 ngụy tại Đăk Tô 2, phá hủy 2 đại bác, 2 xe tăng, diệt trên 80 tên. Cùng thời điểm đó, đặc công Trung đoàn 1 tập kích diệt gọn quân ngụy chốt giữ ấp Tam Bôi.

        Việc Đăk Tô 2 bị tập kích và ấp Tam Bôi bị tiêu diệt cùng với những tin tức tình báo về con đường 50K đang vươn dài đến bắc Tân Cảnh đã làm Lê Đức Đạt - chuẩn tướng sư đoàn 22 ngụy nhận ra nguy cơ bị tấn công bởi các đơn vị bộ đội chủ lực. Để đề phòng các cuộc tấn công của bộ đội và cũng để đẩy lùi sức ép của quân ta ra xa Tân Cảnh, ngày 9 tháng 4, Lê Đức Đạt cho trung đoàn 47 đổ quân xuống Ngọc Tụ và các điểm cao 810, 812, 750, cách Đăk Tô 2 khoảng 7 cây số về hướng tây bắc.

        Khu vực điểm cao này có tác dụng như một bức trường thành che chắn cho Tân Cảnh, nên không lọt khỏi tầm nhìn của Nguyễn Chơn. Anh nhận định rằng, nếu bị vây ép mạnh, thế nào địch cũng bung quân ra chiếm giữ dãy điểm cao này, cho nên từ trước khi địch đổ quân, anh đã lệnh cho Trung đoàn 1 và Trung đoàn 141 đến chiếm giữ các vị trí then chốt trên các điểm cao. Khi địch vừa đổ quân xuống, chưa kịp ổn định đội hình, thì ngay lập tức đã bị các chiến sĩ bộ binh Trung đoàn 1 nổ súng đánh phủ đầu Bộ phận chỉ huy tiểu đoàn 4 ngụy bị đánh tan tác. Tuy vậy do điểm cao có nhiều hang đá, nên địch đã dựa vào đó chống trả quyết liệt, đồng thời gọi máy bay đến đánh bom. Hàng chục chiếc máy bay phản lực và trực thăng ào lên quần lượn ném bom và rốc- két vào các vị trí mà bộ đội đang chiếm lĩnh. Trong lúc đó, B52 tập trung thả bom hủy diệt vòng ngoài.

        Dưới làn mưa bom, đạn của địch, Trung đoàn 1 xốc lại đội hình, quyết tâm tiêu diệt dứt điểm tiểu đoàn 4 ngụy đang co cụm ở phía bắc điểm cao. Các chiến sĩ phòng không dũng cảm bám đánh từng chiếc phi cơ địch, không cho chúng thực hiện ý đồ ném bom chi viện. Các chiến sĩ bộ binh vận động qua các hang đá, tiêu diệt từng bộ phận quân địch. Do bị thiệt hại nặng, cuối cùng bọn tàn quân địch ở phía bắc đành phải bỏ điểm cao tháo chạy thoát thân vào những cánh rừng già. Số quân ngụy thuộc tiểu đoàn 147 ở phía nam điểm cao không còn chỗ dựa cũng bỏ chạy theo. Hai tiểu đoàn 1 và 4 ngụy cơ bản bị tiêu diệt. Trong lúc đó, tại các điểm cao 810, 812, 750, các chiến sĩ Trung đoàn 141 đã chủ động đánh địch ngay từ đầu, tiêu diệt đại bộ phận tiểu đoàn 3 ngụy khi chúng vừa đổ quân xuống.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 04:06:17 pm »


        Mất dãy điểm cao ở hướng tây bắc, Đăk Tô - Tân Cảnh bị uy hiếp nghiêm trọng. Hai đường 14 và 19 vẫn bị cắt đứt dự trữ vật chất ngày càng cạn kiệt. Trong lúc đó tình hình chung ngày càng tồi tệ, sư đoàn 23 bị kẹt cứng trong nhiệm vụ bảo vệ Plei- ku và giải tỏa đường 14. Sư đoàn dù (thiếu) từ Sài Gòn ra cứu nguy, cũng bị đánh tan tác ở các điểm cao 1015, 1049, phải lùi về giữ nhiệm vụ phòng thủ Kon Tum. Trung đoàn còn lại của sư đoàn 22 là 40 cũng bị giam chân ở Hoài ân - Bình Định. Tuy trận tiến công của Sư đoàn 2 chưa nổ ra, nhưng cả 3 sư đoàn địch trên Mặt trận Tây Nguyên đều đã sa lầy vào những thế trận do Bộ Tư lệnh chiến dịch của ta cài sẵn. Trong tay Ngô Du và Giăng Pôn Van - tướng 3 sao Mỹ, cố vấn quân sự cho tư lệnh quân đoàn 2, không còn một đơn vị dự bị cỡ trung đoàn nào.

        Để cứu vãn tình thế, ngày 17 tháng 4, Ngô Du cho tiểu đoàn 9 dù đổ quân đánh chiếm lại Ngọc Tụ. Tiểu đoàn này lập tức bị các chiến sĩ Trung đoàn 1 bám đánh, phải rời khỏi Ngọc Tụ di chuyển xuống phía nam. Ngày 19 tháng 4, một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 42 ngụy nống ra chiếm dãy đồi tranh phía bắc Tân Cảnh, một vị trí có lợi cho việc phòng thủ. Ngày 22 tháng 4, Lê Đức Đạt sử dụng 1 cánh quân từ phía Diên Bình lên phối hợp với một cánh quân từ Tân Cảnh ra, tổ chức đánh chiếm lại dãy đồi tranh. Theo lệnh của Nguyễn Chơn, Trung đoàn 66 phối hợp cùng với Trung đoàn 141 bẻ gãy cuộc tấn công này, buộc địch phải rút về căn cứ. Thấy cánh quân lớn đã thất bại, tiểu đoàn 9 dù đang luẩn quẩn ở nam Ngọc Tụ cũng tìm cách trốn về căn cứ Plei- cần.

        Bước thứ nhất trong kế hoạch tác chiến của Nguyễn Chơn cơ bản đã kết thúc. Các lực lượng vòng ngoài của địch đã được "dọn dẹp" sạch sẽ. Vòng vây quanh cụm phòng ngự đang từ từ siết chặt, sự tồn tại của nó đang tính từng ngày.

        Theo kế hoạch của Bộ Tư lệnh chiến dịch, thời gian để tiêu diệt dứt điểm Đăk Tô - Tân Cảnh là 7 ngày. Nhưng sau khi nghiên cứu, Nguyễn Chơn đề ra một thời hạn là 24 giờ, với điều kiện là toàn bộ cơ số đạn sử dụng trong 7 ngày đó phải giao hết cho Sư đoàn 2 trước khi diễn ra trận đánh. Các đồng chí chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên hết sức bất ngờ, nhưng vốn tin tưởng vào tài trí, và sự mưu lược của Nguyễn Chơn, nên đề xuất của anh đã được chấp nhận.

        Vào thời điểm này, con đường cơ giới 50K đã hoàn thành, sẵn sàng đưa xe tăng và pháo binh vào tham chiến. Tuy vậy, để đánh lạc hướng địch, con đường được ngụy trang như chưa làm xong. Mọi công việc chuẩn bị cho một trận đánh lớn đã hoàn tất. Nguyễn Chơn theo sát các cánh quân đang bí mật bao vây cụm phòng ngư. Bước chân anh đi về như con thoi giữa Sở chỉ huy cơ bản và Đăk Tô 2 - Tân Cảnh... Anh chọn mũi tấn công quyết định là sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy. Đây là một cứ điểm nằm trong căn cứ Tân Cảnh, nhưng hơi lùi về phía đông, nơi có dãy Ngọc Linh cao hơn 2.000m nằm chắn phía sau như một bức trường thành thiên nhiên. Hệ thống phòng ngự của địch tại đây tương đối yếu hơn các nơi khác, vì địch đinh ninh rằng dãy Ngọc Linh quá cao, bộ đội chủ lực với xe tăng, đại bác... không thể nào vượt qua được, có chăng là các hoạt động lẻ tẻ của các đội công tác và du kích.

        Dựa vào sự sơ hở này, Nguyễn Chơn quyết định sử dụng Trung đoàn 66, một bộ phận xe tăng và Tiểu đoàn 37 đặc công mở ở đây một đột phá khẩu để tấn công vào yết hầu địch, từ đó phát triển ra các nơi khác. Sau lưng căn cứ này là khu gia binh gồm toàn bộ gia đình sĩ quan, binh sĩ địch, nên chúng chủ quan, lơi lỏng. Nguyễn Chơn chủ trương đưa đội hình tấn công chủ yếu của bộ binh, xe tăng đánh mạnh vào sau lưng địch, từ đó đánh thẳng ra phía trước, tiêu diệt toàn bộ căn cứ Tân Cảnh. Một khi Tân Cảnh bị tiêu diệt, thì quận lỵ Đăk Tô sẽ tự động tan rã.

        Một ngày trước khi nổ ra cuộc tấn công quyết định, Nguyễn Chơn nhận được điện thoại của Nguyễn Huy Chương - Chính ủy Sư đoàn, báo tin đã từ miền Bắc vào đến Sở chỉ huy cơ bản. Nguyễn Chơn trao đổi với Nguyễn Huy Chương một số công việc rồi thông báo:

        - Hôm bắm mình tống cân (Hăm bốn mình tấn công - nói lái theo kiểu Quảng Nam).

        - Hôm bắm mình làm ăn có tốt không? - Nguyễn Huy Chương hỏi lại.

        - Anh yên tâm, chắc ăn mười mươi. Nguyễn Chơn trả lời chắc nịch.

        Chiều 22 tháng 4, Mặt trận Đăk Tô - Tân Cảnh vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Không có dấu hiệu gì cho thấy là một cuộc tấn công quy mô lớn sắp diễn ra chỉ trong ít giờ tới. Lê Đức Đạt cùng đám sĩ quan chỉ huy sư đoàn 22, các cố vấn Mỹ vui vẻ nâng cốc uống mừng sự "vững chắc" của căn cứ. Trong lúc đó, chung quanh cụm phòng ngự, một cuộc điều quân lớn đang âm thầm diễn ra. Theo lệnh của Nguyễn Chơn, các đơn vị pháo binh bắt đầu kéo pháo vào trận địa, các đơn vị công binh áp sát các hàng rào, sẵn sàng mở cửa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 04:07:22 pm »


        Các trung đoàn bộ binh chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu. Ngoài Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 37 đặc công được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội xe tăng tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh, các trung đoàn còn lại gồm Trung đoàn 1 được giao nhiệm vụ tiêu diệt Đăk Tô 2, Trung đoàn 141 chặn cầu Diên Bình, Trung đoàn 28 đánh vào Võ Định, Trung đoàn 24 chốt giữ bờ tây sông Pô Cô để chặn đường rút lui của địch. Đội hình xe tăng được lệnh vượt qua sông Pô Cô, theo đường 50K tiến về Đăk Tô 1, cách 5 cây số thì dừng lại chờ lệnh mới. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ đến giờ G là khai hỏa.

        3 giờ 30 phút ngày 23 tháng 4, trong lúc quân địch đang còn ngủ say, thì các trận địa pháo bắt đầu dội lửa vào Tân Cảnh. Cả cứ điểm rung chuyển bởi hàng loạt tiếng nổ dữ dội của D74, ĐKZ 75, đại bác 85 ly, đại pháo 122 ly, tên lửa điều khiển từ xa... Trong lúc pháo binh tập trung bắn nát từng lô cốt địch, các chiến sĩ công binh sư đoàn dùng mìn DH10, DH20, bộc phá... cho nổ tung các lớp rào, các bãi mìn để mở đường cho xe tăng xung phong. Trong khói lửa mờ mịt, bộ đội Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công băng qua các cửa mở, đánh thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn 22. Trước đó, đội hình xe tăng đã băng qua Đăk Tô 1, chỉ sử dụng 2 chiếc bắn uy hiếp vào quận ly, còn tất cả tiến thẳng về Tân Cảnh. Lúc bộ đội công binh phá xong các lớp rào, thì cũng là lúc đội hình xe tăng vừa đến nơi, kịp thời cùng các chiến sĩ bộ binh xung phong vào căn cứ.

        4 giờ 30 phút ngày 23 tháng 4, đội hình xe tăng cùng bộ đội Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 66 hợp thành một lưỡi dao nhọn phóng xuyên qua khu gia binh, đánh thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn 22, sở chỉ huy trung đoàn 42 và trận địa pháo của địch. Ở phía tây bắc căn cứ, Tiểu đoàn 8 sau khi vượt qua cửa mở đã đánh thẳng vào khu cố vấn Mỹ, một bộ phận đánh dọc về phía tháp nước, phối hợp cùng Tiểu đoàn 7 hình thành 2 gọng kìm từ từ siết chặt vào bộ chỉ huy đầu não địch. Ở phía tây, các chiến sĩ đặc công phối hợp cùng với bộ đội xe tăng hình thành một quả đấm thép đấm mạnh vào mạn sườn địch.

        Trận đánh ở Tân Cảnh diễn ra quyết liệt. Bộ đội giành nhau với địch từng căn nhà, từng tuyến công sự. Địch dựa vào các hầm ngầm, dùng hơi ngạt, hơi cay bắn vào đội hình bộ đội nhằm ngăn chặn bước tiến, nhưng các chiến sĩ ta đã dùng khăn mặt, khẩu trang thấm nước bịt miệng, mũi, tiếp tục chiến đấu. Để tăng cường uy lực tấn công, Nguyễn Chơn quyết định tung lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 40 Trung đoàn 1 vào trận đánh.

        6 giờ 30 phút ngày 24 tháng 4, phần lớn các mục tiêu trong căn cứ đã được chiếm lĩnh, nhưng vì căn cứ quá rộng, các mũi tấn công lại phát triển nhanh, nên chưa phát hiện được hầm ngầm của bộ chỉ huy đầu não địch. Lợi dụng cảnh khói lửa mịt mù, Lê Đức Đạt cùng các sĩ quan thân cận liều chết chạy trốn khỏi căn cứ phía bắc. Qua sóng truyền tin, bộ phận điện đài kỹ thuật thu được bức điện của Lê Đức Đạt xin Ngô Du cho trực thăng đến cứu bộ chỉ huy sư đoàn 22 tại nghĩa trang thị trấn. Lập tức, Sư đoàn phó Dương Bá Lợi liền cắt một cánh quân thuộc Tiểu đoàn 40 rượt theo truy sát. Đến nghĩa trang, các chiến sĩ Tiểu đoàn 40 hình thành thế bao vây gọi hàng. Địch dựa vào mồ mả tổ chức chống cự, nhưng nhanh chóng bị tiêu diệt. Lê Đức Đạt cùng một số sĩ quan bị bắn chết tại chỗ khi cố tìm cách mở đường máu chạy ra khỏi nghĩa trang. Vi Văn Bình - đại tá sư đoàn phó cùng 6 trung tá, 2 thiếu tá và trên 100 sĩ quan, binh lính bị bắt. Không có người chỉ huy, số chỉ huy quân ngụy còn lại trong căn cứ như rắn mất đầu lần lượt kéo nhau ra hàng.

        9 giờ 15 phút ngày 24 tháng 4, lá cờ chiến thắng của Sư đoàn 2 tung bay trên cột cờ bộ tư lệnh sư đoàn 22 ngụy. căn cứ Tân Cảnh - mắt xích chủ yếu của cụm phòng ngự bắc Kon Tum đã bị xóa sổ. Cùng lúc với trận đánh ở Tân Cảnh, các chiến sĩ Trung đoàn 1 cùng với các chiến sĩ đặc công Sư đoàn 2 mở các đợt tấn công vào căn cứ Đăk Tô 2 do trung đoàn 47 ngụy đóng giữ. Trước đó, các trận địa pháo sau khi làm xong nhiệm vụ bắn mở đường vào Tân Cảnh đã quay nòng ra bắn vào Đăk Tô 2, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong chiếm lĩnh mục tiêu. Thấy hỏa lực và sức tiến công của quân ta quá mạnh, viên trung đoàn trưởng trung đoàn 47 dùng kế trá hàng để kéo dài thời gian củng cố lại hầm hào chiến đấu, nhưng âm mưu của y đã bị Nguyễn Chơn phát hiện khi anh đang đứng trên một điểm cao ở phía đông Tân Cảnh. Anh bàn với Chính ủy Lê Đình Yên tương kế tựu kế, chấp nhận cho địch trá hàng để thừa cơ tiêu diệt. Tưởng đã đánh lừa được đối phương, trung đoàn trưởng trung đoàn 47 cho quân củng cố lại công sự phòng ngư, chuẩn bị cố thủ lâu dài, nhưng bất ngờ từ 2 hướng đông và tây, bộ đội ta như từ đất chui lên, đồng loạt xung phong như vũ bão vào các lô cốt địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch chưa kịp tổ chức chống trả đã nhanh chóng bị tiêu diệt. Bộ chỉ huy trung đoàn 47 ngụy phải chui xuống hầm ngầm để cố thủ. Các mũi tấn công khép chặt vòng vây, quyết không cho địch tháo chạy. Trong lúc đó, tại khu sân bay dã chiến, các vị trí phòng thủ của địch lần lượt tan rã. Bốn xe tăng địch từ trong cứ điểm chạy ra khỏi căn cứ, thì gặp phải 4 chiếc xe tăng T54 vừa từ Tân Cảnh cơ động lên. Một cuộc rượt đuổi diễn ra chớp nhoáng tại bờ rào căn cứ, 2 xe tăng địch bị 4 chiếc T54 bắn cháy tại trận.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:49:37 pm »


        Đến đây, thì quân ngụy trong căn cứ bắt đầu tháo chạy tán loạn. Phần lớn chạy dọc sông Pô Cô với hy vọng sẽ chui xuống chiếc cầu bí mật dưới nước để chạy thoát sang bên kia sông, nhưng không ngờ chiếc cầu bị bộ đội ta phát hiện và phá sập. Quân ngụy mất phương hướng, chạy dồn về một thung lũng hẹp, bị bộ đội phục sẵn xông ra diệt và bắt gần hết, số còn lại buông súng đầu hàng. Riêng bọn chỉ huy ở trung tâm căn cứ vẫn ngoan cố không chịu quy hàng, bị bộ đội dùng một quả bộc phá 20 cân thả xuống hầm ngầm tiêu diệt.

        10 giờ ngày 24 tháng 4, căn cứ Đăk Tô 2 hoàn toàn bị tiêu diệt. Thừa thắng, Trung đoàn 141 phát triển tấn công chi khu quận ly Đăk Tô, nơi các mũi tiến công của bộ đội đã lướt qua trên đường tiến quân. 10 giờ 30 phút, Đăk Tô 1 bị tiêu diệt. Cụm phòng thủ liên hoàn Đăk Tô- Tân Cảnh đã bị Sư đoàn 2 chính thức xóa tên trên bản đồ quân sự.

        Trong trận đánh này, lần đầu tiên, Sư đoàn 2 diệt được một đơn vị cấp sư đoàn thiếu của địch, trong đó diệt gọn bộ chỉ huy sư đoàn 22, các trung đoàn 42, 47, trung đoàn 14 thiết giáp ngụy. Loại khỏi vòng chiến đấu hơn 3.000 quân địch, bắt 743 tù binh, bắn rơi 40 máy bay các loại, thu và phá hủy 56 xe quân sự, trong đó có 24 xe tăng; thu hơn 700 súng, trong đó có 8 khẩu pháo 105 và 155 ly. Đặc biệt, quân ta còn thu được 200 tấn gạo, nhiều thuốc Tây và quân trang quân dụng, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho bộ đội chiến đấu trong một thời gian dài. Điều quan trọng nhất là đã đập tan một hệ thống phòng ngự mạnh, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, mở thông đường ô tô của Đoàn 559 xuống đồng bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Tây Nguyên tiếp tục nổi dậy tiến công tiêu diệt quân thù.

        Sau trận đánh này, Nguyễn Chơn được cấp trên tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất. Đồng thời với chiến công này, tên anh đã được ghi vào danh sách rất ngắn những nhà cầm quân tài giỏi đã làm nên những chiến công vang dội cùng núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

        Trở lại Cấm Dơi

        Mùa thu năm 1972, từ chiến trường Tây Nguyên, Nguyễn Chơn được lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều ra làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 711 . Anh tạm chia tay với Sư đoàn 2, bàn giao quyền chỉ huy Sư đoàn lại cho Sư đoàn phó Dương Bá Lợi rồi lên đường về lại chiến trường Quảng Nam.

        Về đến Quế Sơn, vùng đất nổi tiếng với chiến khu Hường Hiệu - một thời Cần Vương chống Pháp, căn cứ Hòn Tàu suốt những năm dài đánh Mỹ, Nguyễn Chơn thấy lòng mình ấm lại với biết bao nghĩa tình quân dân thắm thiết mà nhân dân nơi đây đã dành cho anh vệ quốc năm xưa, anh giải phóng quân bây giờ. Những tên đất, tên đường như Núi Quế, Động Mông, Đá Hàm, đường 16, đường 105, đèo Le, đèo Răm, đèo Rập Cu... đã quá quen thuộc với anh khi còn chỉ huy Trung đoàn 1 quần nhau với lữ đoàn 196 bộ binh Mỹ trong trận An Sơn, Hiệp Đức ngày nào. Mới đó mà đã gần 5 năm. Nhanh thật. Hồi đó, anh mới 39 tuổi, bây giờ đã qua ngưỡng 44. " Thời gian trong đời một chiến binh chỉ có thể thống kê bằng những chiến thắng" - Nguyễn Chơn mỉm cười khi nhớ đến câu nói của một danh tướng.

        Khi anh về đến Bộ Tư lệnh Sư đoàn 711 thì các đơn vị đã hoàn thành xong 2 bước đầu của chiến dịch (bước 1 đánh bóc vỏ ngoại vi và bước 2 đánh địch phản kích). Anh được giao nhiệm vụ chỉ huy Sư đoàn hoàn thành bước 3 là đánh tiêu diệt căn cứ Cấm Dơi và chi khu quận ly Quế Sơn. Đây là những cứ điểm phòng ngự khá mạnh của địch ở phía tây nam Đà Nẵng, giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ Đà Nẵng  từ xa, trong đó Cấm Dơi là cứ điểm có hệ thống công sự 3 tầng duy nhất ở miền Trung. Tầng ngoài là công sự chiến đấu, tầng giữa là các lô cốt thông với nhà hầm, tầng trong cùng có nhiều hang đá có bố trí xe tăng án ngữ đường vào. Trên đỉnh Cấm Dơi có những tảng đá granit lớn, dựng đứng như một chiến lũy kiên cố. Địch lợi dụng địa hình này, đào những công sự ngầm dưới lòng đất, ăn thông từ ngoài vào trong, nên rất dễ cơ động trong chiến đấu. Đứng trên đỉnh Cấm Dơi, có thể quan sát một vùng rộng lớn từ đèo Răm, núi Hòn Tàu về đến núi Quế, cầu Hương An, cạnh đó là sông Ly Ly uốn khúc từ phía tây căn cứ xuôi về các xã vùng đông nhập với sông Bà Rén chảy ra Cửa Đại - Hội An. Đường 105 từ ngã ba Hương An nối quốc lộ 1 với đường 16 chạy ngang qua Cấm Dơi, Quế Sơn, nên địch có điều kiện sử dụng các loại xe quân sự để vận chuyển quân nhanh chóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:55:27 pm »


        Trấn giữ thung lũng Quế Sơn và căn cứ Cấm Dơi là 2 trung đoàn thuộc sư đoàn 2 bộ binh ngụy; trung đoàn 5 đóng ở Cấm Dơi còn trung đoàn 6 đóng chung quanh quận ly Quế Sơn. Hai nơi này chỉ cách nhau khoảng 2 cây số, nên rất dễ chi viện hỗ trợ cho nhau. Ngoài ra, trong khu vực này còn có một trung đoàn thiết giáp, 1 chi đoàn M.113 độc lập, tiểu đoàn 39 biệt động quân, 2 liên đoàn bảo an, 2 tổng đoàn dân vệ và hơn 2.000 tề ngụy bên trong các ấp chiến lược. Chi viện hỏa lực cho Cấm Dơi, Quế Sơn là 7 trận địa pháo từ Núi Quế đến Tuần Dưỡng với hàng chục khẩu đại pháo từ 105 đến 155 ly, các loại đại bác tầm xa từ các tàu chiến đấu ngoài biển, hàng trăm máy bay chiến đấu các loại túc trực ở 2 sân bay Đà Nẵng và Chu Lai sẵn sàng yểm trợ khi cần thiết.

        Trong khi đó, Sư đoàn 711 là một sư đoàn mới thành lập nhân kỷ niệm 54 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7.11.1917 - 7.11.1971) gồm các đơn vị: Trung đoàn 31 của Sư đoàn 2, Trung đoàn 38 của Sư đoàn 324, Trung đoàn 9 vừa từ đất lửa Vĩnh Linh vào cùng một số đơn vị trực thuộc như đặc công, pháo binh, trinh sát, cao xạ, công binh, thông tin... Một số đơn vị chưa có kinh nghiệm chiến đấu trong đội hình lớn. Để giúp Sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ, ngoài việc phối hợp với các tiểu đoàn 70, 71, 72 của Tỉnh đội Quảng Nam, các đại đội bộ binh và du kích của huyện Quế Sơn cùng chiến đấu, Bộ Tư lệnh Quân khu còn tăng cường cho Sư đoàn một số đơn vị pháo xe kéo 130 ly, hỏa tiễn chống tăng điều khiển từ xa B72. Đây là những vũ khí mới, lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường đồng bằng Khu 5.

        Vừa về đến nơi, Nguyễn Chơn liền họp Bộ Tư lệnh Sư đoàn, nghe các đơn vị báo cáo tình hình tác chiến và các bước chuẩn bị chiến dịch. Tại đây, anh gặp lại Nguyễn Huy Chương, người bạn chiến đấu thân thiết luôn có cơ duyên được sát cánh bên nhau trong một chiến hào đánh giặc được điều về trước làm Chính ủy Sư đoàn. Câu chuyện hàn huyên của hai anh tạm thời phải gác lại để lo cho nhiệm vụ chung trước mắt.

        Sau cuộc họp, anh quyết định đích thân đi trinh sát kiểm tra căn cứ Cấm Dơi để tìm cách đánh thích hợp. Đồng thời lệnh cho quân báo Sư đoàn phối hợp với quân báo Mặt trận A5 nắm cho được đặc điểm của tên chỉ huy cụm cứ điểm, chủ yếu là nắm cho được y từ đâu điều về và xuất thân từ loại binh chủng nào. Trưởng ban Tác chiến Sư đoàn lấy làm lạ, hỏi Nguyễn Chơn:

        - Sao lần này thủ trưởng lại cẩn thận đến độ cho điều tra cả lý lịch của chỉ huy ngụy?

        Nguyễn Chơn cười, làm ra vẻ bí mật:

        - Bí mật quân sự. Sau này, cậu sẽ biết...

        Trời Quế Sơn những đêm ấy không trăng, cả thung lũng chìm trong bóng tối dày đặc, thỉnh thoảng có những làn khói bay qua nghe lạnh buốt. Nguyễn Chơn cùng Chính ủy Nguyễn Huy Chương bò qua các lớp hàng rào, vào gần các lô cốt, nghe rõ tiếng bọn lính gác kháo nhau đủ thứ chuyện. Bộ phận trinh sát Sư đoàn sợ gặp nguy hiểm, đã phải nắm chân hai anh kéo ra, không cho bò vào sâu hơn. Qua 4 đêm trinh sát thực địa, Nguyễn Chơn xác định hệ thống phòng thủ Cấm Dơi được chia làm nhiều tầng, lớp, gồm nhiều công sự kiên cố, chung quanh có 12 lớp hàng rào kẽm gai loại bùng nhùng 3 khoanh. Từ hàng rào ngoài cùng vào đến hàng rào cuối cùng khoảng 120m, nơi hẹp nhất cũng gần 100m. Giữa các lớp hàng rào là mìn phát sáng, mìn clây- mo và 3 con đường chạy vòng quanh căn cứ để xe bọc thép M.113 và bộ binh đi tuần tra quan sát.

        Trở về sở chỉ huy, Nguyễn Chơn được bộ phận quân báo báo cáo: chỉ huy cụm cứ điểm Cấm Dơi nguyên là một trung tá pháo binh, vừa mới được chuyển qua làm sĩ quan chỉ huy tác chiến. Nguyễn Chơn ghi chi tiết "trung tá pháo  binh" vào sổ tay rồi tiếp tục làm việc.

        Ngày 14 tháng 8, Nguyễn Chơn cùng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 711 gồm Sư đoàn phó Trần Trọng Sơn, Tham mưu trưởng Hoàng Bình, Chính ủy Nguyễn Huy Chương, Phó Chính ủy Mai Thuận lên gặp Bộ Tư lệnh Quân khu báo cáo phương án đánh Cấm Dơi và chi khu quận ly Quế Sơn.

        Trong lúc Nguyễn Chơn đang trình bày về phương án đánh, những thuận lợi, khó khăn của chiến dịch, thì bộ phận cơ yếu mang vào bức điện của Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tổng Tư lệnh gởi cho đồng chí Chu Huy Mân – Tư lệnh Quân khu 5. Xem xong, đồng chí Chu Huy Mân tạm dừng cuộc họp 15 phút, rồi mời Nguyễn Chơn và Nguyễn Huy Chương xuống căn hầm sâu bên cạnh phòng họp để xem và trao đổi nội dung bức điện:

        "Gởi anh Hai Mạnh!

        Bộ đã nghiên cứu quyết tâm của Sư đoàn 711 tiêu diệt địch ở căn cứ Cấm Dơi và giải phóng quận ly Quế Sơn. Bộ thấy có mấy khó khăn gợi ý cho các đồng chí Quân khu 5 suy nghĩ:

        1. Các đơn vị ở chiến trường B1 đã dứt chiến, địch rảnh tay sẽ tập trung quân đối phó.

        2. Sư đoàn 3 ngụy ở Sũng Mây đã vào đóng ở Tuần Dưỡng và núi Quế, như vậy là địch đông.

        3. Cấm Dơi, Quế Sơn là căn cứ lớn có chi khu quận lỵ, hỏa lực địch mạnh, có công sự kiên cố, ta đánh đã chắc thắng chưa? Chưa chắc thắng, thì chưa nên đánh.

               VĂN"
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:58:53 pm »


        Sau khi Nguyễn Chơn và Nguyễn Huy Chương xem xong, đồng chí Chu Huy Mân thăm dò ý kiến 2 người:

        - Hai đồng chí thấy thế nào?

        Sau một lúc đắn đo, Nguyễn Chơn trả lời:

        - Thưa đồng chí Tư lệnh, cấp trên điện cho chúng ta nghiên cứu, đó là ý tứ chặt chẽ để bảo đảm chắc thắng, chứ đâu có lệnh cho chúng ta dừng trận đánh...

        Tư lệnh Quân khu 5 tỏ ra băn khoăn:

        - Nhưng ý của Bộ Tổng cũng đã rõ: Các đơn vị ở chiến trường Tây Nguyên và Trị Thiên đã dứt chiến, địch sẽ rảnh tay để đối phó ở các mặt trận khác. Sư đoàn 3 bộ binh ngụy cũng đã vào đóng ở Tuần Dưỡng và núi Quế, như vậy quân số của địch trong thung lũng Quế Sơn sẽ đông hơn. Trong điều kiện như vậy, liệu rằng chúng ta tấn công có nắm chắc phần thắng không?

        - Theo tôi, trận này đánh là chắc thắng - Nguyễn Chơn khẳng định - Đợt 1, bóc vỏ ngoại vi, đợt 2, đánh quân phản kích thắng lợi, hơn nữa anh Chương và các anh ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn đã điều tra Cấm Dơi rất kỹ, tôi về cũng đã tiến hành trinh sát thực địa thêm lần nữa. Sau đó, tôi và anh Chương cùng làm phương án tác chiến đưa ra thảo luận. Bộ Tư lệnh Sư đoàn thống nhất về cách đánh, cách phân công chỉ huy, nên cũng đã nhất trí với ý kiến này. Tôi đề nghị Quân khu cho Sư đoàn 711 đánh trận này.

        Đồng chí Chu Huy Mân suy nghĩ một lúc, rồi nói:

        - Sau một thời gian dài thực hiện bước 1 và bước 2, hiện  nay yếu tố bất ngờ không còn như trước, địch đã có sự  chuẩn bị để đối phó, nên ta cần thảo luận kỹ.

        - Thưa đồng chí Tư lệnh - Chính ủy Nguyễn Huy Chương nói một cách mạnh mẽ - Tôi cũng nhất trí với đề nghị của anh Chơn. Riêng tôi có ý kiến là hiện nay yếu tố bất ngờ không còn như trước, nhưng nếu đánh trận này,  chúng ta sẽ tạo ra một bất ngờ mới. Bởi vì quân ta đã tác chiến liên tục từ xuân đến hè, địch nghĩ là ta đã dứt chiến.  Đây là một yếu tố để giành thắng lợi; hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên ta có hỏa lực mới, cần phải phát huy tác dụng.  Đề nghị Tư lệnh cho anh em tụi tôi "làm ăn" trận này!

        Thấy hai cán bộ chỉ huy chủ chốt của Sư đoàn đều đồng  lòng xin đánh, Tư lệnh Quân khu 5 phát biểu:

        - Thôi được, thay mặt Bộ Tư lệnh Quân khu, tôi đồng ý với phương án chiến đấu của Sư đoàn 711 .

        Cả ba người quay lên phòng họp, cùng cơ quan Quân khu và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 711 thảo luận tiếp, nêu hết những thuận lợi, khó khăn, thống nhất quyết tâm đánh. Cuối buổi họp, đồng chí Chu Huy Mân đặt vấn đề với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 711:

        - Các đồng chí dự trù đánh mấy ngày thì dứt điểm Cấm Dơi - Quế Sơn?

        - Thưa Tư lệnh chúng tôi sẽ đánh trong 24 tiếng đồng hồ là bảo đảm kết thúc - Nguyễn Chơn nói một cách quả quyết

        - Tốt! Bây giờ các đồng chí về lo chuẩn bị mọi mặt, tính toán thời gian nổ súng và vận chuyển lương thực cho bộ đội ăn trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Phần Bộ Tư lệnh Quân khu sẽ phát điện nghi binh công khai trên sóng PRC25 để tạo điều kiện thuận lợi cho các đồng chí hành động. Chúc các đồng chí giành thắng lợi trọn vẹn? - Đồng chí Chu Huy Mân thân mật bắt tay từng người trong Bộ Tư lệnh Sư đoàn 711 .

        Mấy ngày sau, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 phát đi một mệnh lệnh ngắn gọn: "Các đơn vị dứt chiến, rút quân về hậu cứ làm lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Tám". Qua theo dõi, bộ phận trinh sát Sư đoàn biết được quân ngụy ở Quế Sơn đang kháo nhau: "Việt cộng rút quân về hậu cứ để mừng Cách mạng tháng Tám, bọn mình có thể yên tâm ăn no ngủ kỹ một thời gian dài...". Từ suy nghĩ đó, bọn địch đóng ở Cấm Dơi và chi khu quận ly Quế Sơn tỏ ra chủ quan và lơ là việc canh gác. Đây là điều kiện thuận lợi để Nguyễn Chơn đưa quân áp sát vào các vị tri chiến đấu.

        Theo phương án tác chiến đã được thông qua, Nguyễn Chơn giao cho Trung đoàn 31 nhiệm vụ chủ yếu đánh vào căn cứ Cấm Dơi bằng 2 mũi: một mũi từ đông nam đánh lên, một mũi từ đông bắc đánh vào. Trung đoàn 38 được giao nhiệm vụ tấn công vào căn cứ theo 3 mũi: 2 mũi từ hướng tây đánh xuống, 1 mũi thọc sâu chia cắt 2 khu vực 1 và 2 của căn cứ. Trung đoàn 9 được giao nhiệm vụ cắt đường 105 đoạn từ Phước Đức đến An Xuân, chặn đánh quân cứu viện của địch từ núi Quế kéo lên, diệt bọn bảo an, tề ngụy ở các ấp chiến lược trong khu chiến, tổ chức một mũi tấn công từ hướng đông lên để phối hợp cùng các trung đoàn 31, 38 nhanh chóng tiêu diệt Cấm Dơi và đón lõng khi địch ở Cấm Dơi - Quế Sơn tháo chạy.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM