Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:56:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 34281 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 06:11:05 am »

     
*

*        *

        Nguyễn Chơn được lệnh về Trà Nô - Sở chỉ huy cơ bản của Quân khu 5 nhận nhiệm vụ. Vào thời điểm này, không khí chiến trường thật là sôi động. Ngày 26 tháng 3, cố đô Huế được giải phóng. Bộ Tổng Tư lệnh thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch giải phóng Đà Nẵng do đồng chí Lê Trọng Tấn - Phó Tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 làm Chính ủy.

        Lúc này, tại Đà Nẵng, căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung đang tập hợp 75 nghìn quân ngụy gồm sư đoàn 3 và 2 lữ đoàn của sư đoàn lính thủy đánh bộ, 15 tiểu đoàn bảo an, 240 trung đội dân vệ, 24 nghìn phòng vệ dân sự có vũ trang, 5 nghìn cảnh sát, 7 tiểu đoàn pháo (114 khẩu), thiết đoàn kỵ binh 11 (70 xe tăng, xe bọc thép), sư đoàn không quân có 373 máy bay cộng  cùng hơn 6 nghìn tàn quân từ Trị Thiên vào, từ Quảng Tín ra.

        Chiều ngày 27 tháng 3, Nguyễn Chơn cùng một tổ thông tin,  mấy chiến sĩ trinh sát lên một chiếc com- măng- ca rời hậu cứ Trà Nô theo đường 16 đến bến phà Hiệp Đức. Xe qua phà đến chân đèo Răm thì dừng lại. Từ đây, không còn đường xe nữa. Chiều đang buông xuống, đêm đến gần. Sở chỉ huy Sư đoàn nhỏ bé đó vượt đèo Răm qua vùng Long - Khánh - Thạch, qua quận Quế Sơn và căn cứ Cấm Dơi bọn ngụy vừa tháo chạy buổi chiều, qua Núi Quế đến ngã ba Hương An. Theo mệnh lệnh tác chiến, Trung đoàn 38 từ Tuần Dưỡng bỏ qua quận Thăng Bình, theo đường số 1 tiến ra, theo sau Trung đoàn 38 là Trung đoàn Ba Gia, đơn vị sẽ đảm nhận nhiệm vụ chủ công đánh vào sân bay và sở chỉ huy quân đoàn 1, quân khu 1. Trung đoàn 31 và Trung đoàn 36 tiến công theo trục đường sắt. Tất cả các đơn vị nhằm hướng Đà Nẵng tiến ra càng nhanh càng tốt. Lúc này, thời gian là lực lượng.

        Trong cái đêm ở ngã ba Hương An ấy, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn đã giải quyết hai việc đáng nhớ:

        Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 Nguyễn Thí, do chưa nhận thức đúng tình hình khẩn trương phải tiến nhanh về Đà Nẵng, đã cho Trung đoàn 38 đánh chiếm quận ly Thăng Bình, làm đội hình tiến quân chậm mấy tiếng đồng hồ nên bị Nguyễn Chơn ra lệnh đình chỉ nhiệm vụ Trung đoàn trưởng; đồng thời cử Trung đoàn phó Trần Văn Thủy lên nắm Trung đoàn. Dù sau này Nguyễn Chơn biết do Trung đoàn không nhận được điện, nhưng anh vẫn không thay đổi quyết định. Anh nói với Nguyễn Thí rằng: người chỉ huy lúc thời cơ đến, phải biết quyết đoán, sáng tạo và chịu trách nhiệm trước thời cơ đã mở ra. Dù bị đình chỉ chức vụ, nhưng Nguyễn Thí vẫn luôn đi cạnh Trung đoàn trưởng mới, làm bất cứ việc gì được phân công để góp phần mình vào chiến thắng của đơn vị.

        Cũng tại đây, Nguyễn Chơn lệnh cho các chiến sĩ thông tin không cần dùng mật mã trên vô tuyến điện nữa. Trung đội trưởng thông tin báo cáo với Sư đoàn trưởng rằng làm như vậy không thể được, vì đó là sai phạm lớn nhất của nguyên tắc bảo mật và kỷ luật sẽ rất nặng.

        Nguyễn Chơn nói:

        - Chấp hành đi, có chuyện gì Chơn chịu. Bây giờ, nếu địch biết rõ quân ta đang tiến tới đâu, thì chúng sẽ tan rã nhanh hơn.

        Ngày 28 tháng 3, địch dùng máy bay ném bom sập cầu Bà Rén và 2 nhịp cầu Câu Lâu bắc qua sông Thu Bồn. Cánh quân tiến theo đường 1 phải vượt qua sông Bà rén ở phía đông cầu 200m, được du kích dẫn đường vòng qua thị trấn Nam Phước. Trung đoàn 38 có nhiệm vụ đánh chiếm Vĩnh Điện để Trung đoàn Ba Gia vượt lên phía trước đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Đà Nẵng.

        5 giờ sáng ngày 29 tháng 3, qua cửa mở Vĩnh Điện, bộ đội ta dùng tất cả các phương tiện có được như xe đò, xe lam, xe tải, ào ạt tiến ra Đà Nẵng. Trước đó, nhân dân hai bờ sông Thu Bồn đã huy động hàng trăm ghe, thuyền các loại chở bộ đội vượt sông sang Cẩm Hà, rồi từ đó vòng lại Vĩnh Điện tiến theo đường số 1.

        Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn mặc bộ bà ba, cùng tổ trinh sát đi trước đội hình. Đến Viêm Tây, Trung đoàn Ba Gia gặp một đại đội địch chốt chặn, xả đại liên vào đội hình Tiểu đoàn 60. Hơn chục chiến sĩ thương vong. Đó là những người hy sinh sau cùng ngay trước giờ giải phóng Đà Nẵng. Sau khi tổ chức bao vây và đánh vu hồi, đại đội địch này tan rã. Qua khỏi Viêm Tây, Trung đoàn Ba Gia được tăng cường một tiểu đoàn của Trung đoàn 31 hình thành hai mũi đánh chiếm sân bay và sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 06:11:58 am »


        Ở cánh phải, sau khi vượt sông Cẩm Lệ, đánh tan một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ ngụy, Tiểu đoàn 40 dùng ngay xe bọc thép M113 thu được của địch, nhanh chóng phát triển vào sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy. Đúng 12 giờ, Tiểu đoàn kéo cờ chiến thắng lên cột cờ trung tâm của sở chỉ huy địch; Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn có mặt tại phòng làm việc của trung tướng Ngô Quang Trưởng - tư lệnh quân đoàn 1, quân khu 1 ngụy cùng lúc với các chiến sĩ của mình. Trong phòng, mọi thứ vẫn còn nguyên. Nguyễn Chơn thu 4 lá cờ, một cờ ngày thành lập quân đoàn, một cờ do Mỹ tặng, một cờ chiến thắng Mậu Thân năm 1968 và một cờ chiến thắng Quảng Trị năm 1972. Trên tấm bản đồ tình huống có các ký hiệu biểu thị các mũi tấn công của quân ta dừng lại ở một điểm giữa Tuần Dưỡng và Hà Lam. Ngô Quang Trưởng bỏ lại cả súng ngắn và con dấu. Nguyễn Chơn lệnh cho đồng chí Suyền - trợ lý tham mưu quay vào Thanh Quýt báo cáo với đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 5 việc đã chiếm được sở chỉ huy quân đoàn 1. Đồng chí Bí thư cẩn thận hỏi lại là có đúng là toà nhà quân đoàn 1 không, vì Đà Nẵng có nhiều khu nhà giống nhau, đồng chí Suyền đưa con dấu ra, khẳng định là đúng.

        Ở hướng tấn công chủ yếu, sau khi vượt Cầu Đỏ, Tiểu đoàn 60 tiếp tục tiến theo đường số 1 đến ngã ba Huế đánh vào trung tâm thành phố. Tiểu đoàn 90 đánh vào sở chỉ huy sư đoàn không quân ngụy và sân bay Đà Nẵng. Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 31 cũng vừa bôn tập tới đánh vào phía tây sân bay. Đúng 12 giờ, hai tiểu đoàn đã bắt được liên lạc với nhau.

        Sau khi chiếm Vĩnh Điện, ra đến ngã ba Bồ Mưng gặp xe của nhân dân ra đón, theo kế hoạch, Trung đoàn rẽ về hướng Non Nước, đánh thẳng ra Sơn Trà. Tại đây, các đơn vị của Trung đoàn 97 Quảng Đà đã đánh lướt qua. Khi Trung đoàn 38 đến, bọn lính thủy đánh bộ từ trung tâm thành phố chạy qua cụm lại chống cự. Trung đoàn tổ chức Tiểu đoàn 4 bao vây số địch này, còn bộ đội tiếp tục phát triển về phía Sơn Trà.

        Sau khi vượt đèo Hải Vân, Quân đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm các tuyến Thuỷ Tú, Nam ô, cánh Phú Lộc. Trưa ngày 29 tháng 3, bộ phận đi đầu của Quân đoàn đến ngã ba Cai Lang. Sau khi xác định các mục tiêu trong thành phố đã được các đơn vị bạn chiếm, Quân đoàn vượt cầu Trịnh Minh Thế, tiến thẳng ra Sơn Trà. Cuộc hội quân của bộ phận đi đầu của Quân đoàn 2 với Trung đoàn 38 ở trung tâm bán đảo Sơn Trà vào lúc 15 giờ ngày 29 tháng 3. Đây là giờ giải phóng Đà Nẵng.

        Ở hướng tây, sau khi đánh chiếm Sơn Trà, Sư đoàn 304 đánh chiếm Gò Cà, Hoà Cầm theo đường 14 và bắt liên lạc với Trung đoàn Ba Gia ở sân bay Đà Nẵng lúc 13 giờ.

        Tại tòa thị chính, Trung đoàn 96 Quảng Đà cùng Tiểu đoàn đặc công 491, Tiểu đoàn biệt động Lê Độ cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc tòa thị chính .- biểu tượng cho quyền lực thành phố, rồi sau đó đánh chiếm quân vụ thị trấn và đài phát thanh.

        Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai của miền Nam Việt Nam, một khu liên hợp quân sự nổi tiếng được Mỹ xây dựng, có đủ các căn cứ hải, lục, không quân hiện đại, một trung tâm chỉ huy và điều hành cả khu vực miền Trung của ngụy quyền Sài Gòn đã thất thủ.  

        Trong những ngày tưng bừng mừng Đà Nẵng trở về trong lòng đất nước, Nguyễn Chơn vẫn phải khẩn trương giải quyết những công việc của người Sư đoàn trưởng một sư đoàn chủ lực đang đứng chân trên địa bàn thành phố, trong đó có việc truy lùng bọn phản động, chiêu hồi, tổ chức cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 38 và một bộ phận pháo binh Sư đoàn cùng bộ đội hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa.

        Rời cảng Đà Nẵng ra khơi, các chiến sĩ vừa ở trên rừng xuống gặp cơn lốc lớn trên biển. Gió xoáy mạnh, sóng nối nhau ép vào mũi tàu, phủ qua đài chỉ huy. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ say sóng, không ăn uống gì được. Nhưng phát huy truyền thống chiến đấu của Sư đoàn anh hùng, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Hải quân, trong tháng 4 đã cùng các đơn vị bạn lần lượt tấn công giải phóng các hòn đảo trên quần đảo Trường Sa.

        Trong những ngày chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra sôi động, Sư đoàn 2 được phân công đứng chân tại vùng Đà Nẵng làm dự bị cho chiến dịch, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh.

        Vào một ngày tháng 4, Nguyễn Chơn về làng Phú Lộc thăm nhà. Anh xa Đà Nẵng đã lâu nên trong ký ức của anh Đà Nẵng chỉ có những con phố nhỏ, cát vào tận hiên nhà. Hai con đường chạy dọc sông Hàn bên tả ngạn là trục chính của thành phố. Đà Nẵng vào những năm này phố xá nhiều hơn, cảng lớn, sân bay rộng bằng cả thành phố cũ và đã có nhiều khách sạn lớn, nhưng làng quê anh vẫn như xưa. Đường làng cát vẫn ngập mắt cá, vẫn những ngọn dừa, những hàng dương phất phơ trước gió biển. Cha anh dù tuổi đã lớn, nhưng còn khoẻ, xúc động ôm lấy con:

        - Có phải đây là thằng Chơn không?

        Cả nhà vây lấy anh. Những người ruột rà của anh đây, những Cấp, những Nhã, những Khâm, những út của anh đây. Còn cả họ hàng nội, ngoại. Cả thôn đến thăm anh. Nguyễn Chơn vui cái vui của gia đình, của quê hương vừa giải phóng được không lâu. Rồi anh lại phải chia tay mọi người để về đơn vị. Công việc bộn bề đang chờ anh.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười, 2016, 08:24:48 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:26:14 pm »

   
*

*        *

        Những năm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, người chỉ huy Nguyễn Chơn nhận cương vị chỉ huy lãnh đạo ở nhiều đơn vị khác nhau, nhưng đồng thời, đó là thời gian anh có điều kiện để học tập hoàn chỉnh những kiến thức mà anh đúc kết được trong thực tiễn chiến đấu. Những tháng ngày tưởng như bình lặng này, thực chất là cuộc chuẩn bị để anh, như bao lần khác đảm nhiệm những cương vị cao hơn, nhận những trách nhiệm nặng nề hơn.

        Sau giải phóng Đà Nẵng, Sư đoàn 2 về đóng quân ở Tuần Dưỡng - một căn cứ cũ của Mỹ và ngụy. Những ngày hoà bình đầu tiên bận rộn đủ đường. Đơn vị phải xây dựng doanh trại để từng bước chuyển bộ đội vào nền nếp chính quy, hiện đại. Cũng như những ngày lăn lộn trên chiến trường, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn bắt tay vào công việc không có ngày nghỉ, vẫn quyết đoán, cẩn trọng, sáng tạo, tin yêu đồng đội, lắng nghe được nỗi niềm của chiến sĩ và việc gì cũng phải làm đến nơi đến chốn.

        Tháng 4 năm 1976, Nguyễn Chơn ra Hà Nội để học cho xong chương trình văn hoá phổ thông, mà vì nhiệm vụ anh đã phải bỏ dở. Sau đó, anh vào học chính trị ở trường Đảng cao cấp Nguyễn ái Quốc Trung ương. Rồi từ biên giới Tây Nam, từ biên giới phía Bắc, những thế lực phản động thù địch với thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bắt đầu gây rối.

        Đầu năm 1979, trong một ngày, Nguyễn Chơn nhận được hai lệnh. Lệnh đầu bổ nhiệm anh giữ chức Phó Tư lệnh Quân đoàn 1 . Lệnh thứ hai điều anh về làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 2.

        Trong 4 năm 8 tháng ở Quân đoàn 2, với cương vị Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, rồi sau đó là Tư lệnh Quân đoàn, Nguyễn Chơn cùng với Quân đoàn tiếp nhận trang bị, vũ khí, khí tài tiên tiến. Ở đây, anh phải học tập ngày đêm để không ngừng nâng cao trình độ chỉ huy chiến tranh hiện đại.

        Năm 1983, Nguyễn Chọn được cử sang học tập tại Học viện Quân sự Cao cấp Liên Xô. Đây là một khoá tập huấn để nâng cao trình độ chỉ huy chiến lược và làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại. Hai vấn đề được đặt lên hàng đầu của khoá học này là công tác tham mưu và quản lý kỹ thuật.

        Tháng 10 năm 1983, Nguyễn Chơn lại được điều trở về quân khu 5, lúc đầu giữ chức vụ Phó tư lệnh, sau đó là Tư lệnh Quân khu và anh lại gắn bó với chiến trường này thêm 3 năm 7 tháng nữa.

        Lúc này, tình hình chiến trường Cam- pu- chia đang rất khẩn trương. Tư lệnh Quân khu Đoàn Khuê được điều vào Bộ Tư lệnh Tiền phương với cương vị Tư lệnh phó, Tham mưu trưởng nên không kịp bàn giao. Sở chỉ huy Quân khu 5 lúc ấy được đặt ở hai nơi: Đà Nẵng phía sau, Stung-treng phía trước. Tình hình hậu phương đang phức tạp, chuyện vượt biên trốn ra nước ngoài ngày nào cũng xảy ra. Trên địa bàn Tây Nguyên, lực lượng FULRO hoành hành, mặc dù là vùng rốn, là vùng căn cứ cách mạng, mà giờ cũng bị mất ổn định chính trị. Trước thực trạng đó, Nguyễn Chơn quyết định phải khẩn trương lên Mặt trận nắm tình hình tại chỗ. Anh nhận ra các trận đánh của quân ta không đạt được hiệu quả là do đánh từ xa, đánh vào chính diện và chủ yếu dựa vào hỏa lực, chỉ xua địch chạy, chứ không tiêu diệt được từng đơn vị địch. ở điểm cao 547, một sư đoàn của ta đánh hai lần đều thất bại, bỏ cả thương binh, liệt sĩ ở trận địa, vì địch cài nhiều mìn nên thương vong của ta do mìn quá lớn. Bọn địch này rất lạ, rất hiểu ta. Về ta, chủ yếu là các đơn vị cũ nhưng lại rất mới. Vì quân của Sư đoàn 2 có bảy mươi phần trăm là lính mới. Nhưng cái khó nhất là làm sao tập trung được ý chí, trí tuệ của nội bộ Quân khu, vì những lý do nào đó mà bị phân tán và đang còn khúc mắc. Nguyễn Chơn hiểu rằng, chỉ có đánh thắng mới giải quyết được cơ bản những việc này.

        Anh lại bắt tay cùng Bộ Tư lệnh Quân khu làm từ việc nhỏ trở lên. Anh đi đến các sư đoàn 315, 307, 2 đang tham chiến thực hiện lại dân chủ quân sự, cùng nhau bàn bạc giải quyết những vướng mắc, những khó khăn dù là nhỏ nhất một cách chu đáo. Cùng với thời gian, thành quả đã đến, đó là chiến thắng ở điểm cao 547 (tháng 4 năm 1984) và căn cứ Ba Biên giới (tháng 1 năm 1985).

        Tháng 5 năm 1987, Trung tướng Nguyễn Chơn được điều ra Bộ Tổng Tham mưu với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến. Rồi anh được phong hàm thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách phòng thủ. Trên mười năm công tác ở cơ quan chiến lược, Nguyễn Chơn lăn lộn đến với các đơn vị, các khu phòng thủ, các đảo xa. Với cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Chơn đến Trường Sa 7 lần. Các sáng kiến của anh trong việc củng cố các khu phòng thủ, các hải đảo độc đáo mà đơn giản, làm tăng thêm khả năng chiến đấu của quân đội và tiết kiệm ngân sách quốc phòng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:31:17 pm »

     
TRONG SƯƠNG MÙ AN SƠN

Nhà văn NGUYỄN MINH KHÔI        

        An Sơn là một thung lũng hẹp ở huyện Hiệp Đức. Chung quanh có núi đồi bao bọc, thỉnh thoảng có vài đỉnh cao nhô lên trông rất hùng vĩ. Phía tây An Sơn là núi Tráp, Gò Đu, núi Bàn Cờ. Phía đông nam là núi Liệt Kiểm, kéo dài lên phía tây nam một chút là núi Chia Gan. Phía Bắc có núi Chôm và các đèo qua Quế Sơn như đèo Răm, đèo Rập Cu. Con sông Trầu chảy qua An Sơn theo hướng từ tây sang đông, gần như song song với đường 16, tạo thành những cánh đồng nhỏ dọc theo ven đường, lúc bấy giờ mọc đầy lau sậy do bị bỏ hoang lâu ngày. Đây là vùng trắng, phi pháo địch tha hồ tự do oanh kích vì nhân dân địa phương đã bị xúc tát vào các khu đồn ở quận Quế Sơn và quận Hiệp Đức.

        Một thung lũng sương mù rất đẹp, nhưng cũng đầy bom đạn, chết chóc kể từ khi lữ đoàn bộ binh 196 thuộc sư đoàn A- mê- ri- cơn Mỹ đổ quân lên đóng ở Liệt Kiểm. Đây là một đỉnh núi cao, đứng ở đây có thể quan sát một vùng rộng lớn từ ngã ba Đồng Tranh đến quận ly Hiệp Đức, từ An Tráng qua Phước Tuy, Phước Hòa, từ sông Trầu đến tận Châu Sơn... Trên núi, ngoài bộ chỉ huy lữ đoàn còn có 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo 155 ly luôn luôn trực chiến. Dưới chân núi có từ 1 đến 2 đại đội thường xuyên dùng chiến thuật "Mỹ lết" nống ra càn quét khu vực An Sơn, An Cường, Cẩm Tú... Trong lúc đó, 1 tiểu đoàn khác đóng dã ngoại ở Sơn Bình, bên kia sông Tranh, vừa tảo thanh càn quét, vừa sẵn sàng ứng phó khi có lệnh. Yểm trợ cho các hoạt động của lữ đoàn 196 có các loại máy bay ném bom, cường kích, trực thăng; bộ phận trinh sát thuộc lữ đoàn không vận số 3 Mỹ đóng tại Cấm Dơi; các trận địa pháo 105, 155, 175 ly đóng tại Núi Quế, Cấm Dơi, Việt An... sẵn sàng chi viện tối đa hỏa lực phi pháo theo yêu cầu.

        Mùa đông năm 1967, để đánh lạc hướng nghi ngờ của địch, trong lúc chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân (T25) và để báo thù cho các đồng chí ở Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 hy sinh tại Động Mông - Đá Hàm. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định giao cho 2 sư đoàn chủ lực Quân khu mở một đợt hoạt động đánh Mỹ trên địa bàn từ Quế Sơn đến Hiệp Đức. Trung đoàn 1 (Trung đoàn Ba Gia) được giao nhiệm vụ diệt địch ở khu An Sơn, An Cường, Cẩm Tú, dưới chân núi Liệt Kiểm.

        Nguyễn Chơn lúc bấy giờ là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1. Trong đội hình Trung đoàn có 3 tiểu đoàn 40, 60 và 90, được tăng cường thêm hai khẩu cối 120 ly cùng một số phân đội trợ chiến. Phối hợp với Trung đoàn 1 còn có Trung đoàn 31 đang chiến đấu với lữ đoàn không vận số 3 trong thung lũng Quế Sơn.

        Sau khi nhận nhiệm vụ, Nguyễn Chơn lại đi nghiên cứu chiến trường. Lần nào cũng vậy, anh luôn coi trọng công tác trinh sát và nắm địa hình chiến đấu. Với anh, đó là yếu tố quyết định để giành thắng lợi. Lần này, anh chọn quyết chiến điểm là một khu vực gần sát căn cứ địch. Cách đánh cũng là một chiến thuật lạ: "đem mỡ treo miệng mèo".

        Sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị chiến trường, đêm 7 tháng 1 năm 1968, anh đưa cả đội hình Trung đoàn vào khu chiến. Ở ngã ba nhà máy xay dưới chân núi Liệt Kiểm, anh cho trung đội cao xạ đào công sự, đặt 2 khẩu 12,7 ly. Phía trước có một tiểu đội bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ. Các đơn vị còn lại rút ra vòng ngoài chờ lệnh.

        Sáng sớm ngày 8 tháng 1, theo thông lệ, một phi đội trực thăng Mỹ chuyển đồ tiếp tế lên Liệt Kiểm. Hai khẩu 12,7 ly của trung đội cao xạ của Trung đoàn 1 đồng loạt nhả đạn. Tuy chưa có chiếc nào bị thương, nhưng bọn Mỹ rất tức tối, liền cho một đại đội Mỹ từ Liệt Kiểm tiến xuống đồi Cây Si, vòng qua Cẩm Tú hướng về nhà máy xay. Nguyễn Chơn liền ra lệnh cho Tiểu đoàn 60 lập tức chuyển đội hình bám theo phía sau đội hình địch. Cùng lúc đó, một đại đội Mỹ khác từ núi Tráp cũng được lệnh kéo xuống vượt qua đường 16, tiến về nhà máy xay. Tiểu đoàn 90 liền được lệnh bám theo đại đội này. Từ phía Cầu Chìm, một đại đội lính Mỹ khác làm mũi thứ ba tiến về phía miếng mồi béo bở đang treo sẵn. Tiểu đoàn 40 lập tức bám theo sau. Như vậy là cả 3 đại đội của tiểu đoàn 3 lữ đoàn bộ binh 19 Mỹ đã bị 3 tiểu đoàn của Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5 bí mật bao vây. Có điều khác nhau là trong lúc bộ binh Mỹ di chuyển trên đường mòn, thì bộ đội ta lại vận động trong lau lách.

        Vào ngày mồng 8 tháng giêng ấy, thung lũng Hiệp Đức dày đặc mây mù, nên hàng chục các ống nhòm trên đỉnh Liệt Kiểm cũng trở nên vô hiệu. Các sĩ quan của Mỹ không thể nào phát hiện ra việc các tiểu đoàn của Trung đoàn 1 bám theo sau đội hình các đại đội Mỹ. Không còn nghi ngờ gì nữa, với một lực lượng hùng hậu như vậy, "bọn Việt cộng sẽ bị đè bẹp trong tích tắc?". Nhưng các sĩ quan tác chiến Mỹ không thể ngờ rằng sau lưng và hai bên sườn của đại đội bộ binh Mỹ là ba tiểu đoàn thiện chiến nhất  của Quân khu 5.

        Từ trên đài chỉ huy, Nguyễn Chơn nhận điện báo từ trận địa phòng không gọi về:

        - Báo cáo thủ trưởng: Mỹ, nó đông lắm!

        Nguyễn Chơn trả lời:

        - Yên trí, trên này thấy hết rồi. Cứ bắn cho thật chính xác vào

        - Nhưng quân Mỹ đông quá, tụi em sợ mất mấy khẩu 12,7 ly thì tiếc lắm, thủ trưởng ơi!

        - Cứ bình tĩnh - Nguyễn Chơn vừa nói vừa cười trong máy bộ đàm. Nếu mất súng, mình sẽ đền cho mấy cậu.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười, 2016, 08:45:40 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:46:04 pm »


        12 giờ 20 phút, khi thấy bọn Mỹ đã tiến gần đến nhà máy xay, Nguyễn Chơn liền ra lệnh cho đại đội cối 82 ly của Trung đoàn và trung đội cối của Tiểu đoàn 90 cùng các khẩu 12,7 ly tập trung hỏa lực bắn mạnh vào đội hình địch, đồng thời lệnh cho trận địa cối 120 ly bắn lên Liệt Kiểm để kiềm chế pháo địch.

        Bất ngờ chạm phải hỏa lực của ta, địch giạt ra bên ngoài để tổ chức phản công. Lúc này, Tiểu đoàn 90 đã chia làm 3 mũi tiến công vào đội hình địch. Mũi thứ nhất đánh dọc theo sông Trầu qua Khe Cạn, nơi quân địch đang co cụm lại để tránh hỏa lực. Mũi thứ hai vận động ra đánh địch ở cánh đồng trước cầu xi măng, gần ngã ba nhà máy xay. Mũi thứ ba đánh vào thôn An Sơn. Cùng lúc đó, Tiểu đoàn 40 từ thôn An Cường 3 xuất kích ra bắc sông Trầu chặn đường rút lui của địch.

        Nhận thấy đội hình địch đang có dấu hiệu rối loạn, Nguyễn Chơn liền ra lệnh cho các phân đội vệ binh, trinh sát của Trung đoàn đổ ra đánh dọc theo sông Trầu để khoét vào mạn sườn quân địch. Do những tên lính truyền tin bị diệt từ ban đầu, nên phi pháo hỏa lực địch bất lực, vì không phân biệt được ranh giới hai bên và cũng do chủ quan vì tưởng rằng sẽ giải quyết nhanh trận địa, nên lính Mỹ khi ra trận có nhiều tên không mặc quần dài, có tên lại ở trần, chỉ mang theo một số đạn vừa đủ, không có cơ số dự phòng. Sau khi bắn hết đạn, chúng chẳng biết làm sao đối phó, đành vứt súng nhảy xuống sông Trầu tìm cách lẩn trốn, nhưng hầu hết đều bị tiêu diệt.

        16 giờ 10 phút, tiểu đoàn 3 lữ đoàn 196 cơ bản bị Trung đoàn 1 loại khỏi vòng chiến đấu. Một đại đội bị thiệt hại nặng, hai đại đội bị diệt hoàn toàn. Xác lính Mỹ chết và số bị thương nằm ngổn ngang khắp khu chiến. Được sự cho phép của cấp trên, Nguyễn Chơn thông báo cho sở chỉ huy lữ đoàn 196 cho máy bay đến tải thương, nhưng có lẽ sương mù nhiều, nên đêm đó địch không đến lấy xác.

        Sau trận đánh, Nguyễn Chơn đi dọc theo trận địa. Mùi thuốc súng vẫn bay nồng trong không gian tương đối yên tĩnh của thung lũng sau một ngày rền vang tiếng bom đạn. Anh đến thăm trận địa phòng không, trò chuyện với các chiến sĩ:

        - Thế nào, các cậu có bị mất khẩu nào không?

        Các chiến sĩ đồng thanh:

        - Dạ không ạ. Nhưng lúc đầu, tụi em sợ giữ không nổi.

        - Cũng đúng thôi - Nguyễn Chơn cười - Nhưng nếu không có mấy khẩu cao xạ của các cậu, làm sao giữ được bọn  một chín sáu?

        Một chiến sĩ tán dương:

        - Dạ, thủ trưởng tài quá trời.

        - Thôi, các cậu củng cố công sự rồi tranh thủ nghỉ ngơi, Ngày mai còn đánh lớn lắm đấy.

        Do đã chuẩn bị trước, nên ngày hôm sau, khi bọn Mỹ cho các loại máy bay trực thăng, cường kích lên điên cuồng ném bom, bắn phá các thôn An Cường, Cẩm Tú và cho bắn cấp tập vào khu chiến, nhưng bộ đội đã chuẩn bị tinh thần sẵn nên không bị bất ngờ.

        Khoảng 8 giờ ngày 9 tháng 1, lữ đoàn 196 đưa tiểu đoàn thứ hai vào thung lũng An Sơn. Các cánh quân Mỹ tiến dọc hai bờ sông Trầu, đến cầu xi măng thì tỏa ra tiến vào An Cường 3 và Cẩm Tú, một mũi khác tiến vào nhà máy xay.

        8 giờ 40 phút, Nguyễn Chơn lệnh cho các tiểu đoàn 40, 60 xuất kích. Ngay lập tức, các đại đội 5, 6 của Tiểu đoàn 60, các đại đội 3, 4 của Tiểu đoàn 40 áp sát đội hình địch, nổ súng tiến công vào hai bên sườn và phía chính diện, buộc địch phải tháo lui khỏi Cẩm Tú. Một đại đội khác của Tiểu đoàn 60 từ An Cường 3 đánh tiêu diệt cánh quân Mỹ đang tiến vào khu vực này. Để chi viện hỏa lực cho các tiểu đoàn, đồng chí Phan Dương Tuyển - trợ lý tác chiến của Trung đoàn, chỉ huy một phân đội gồm vệ binh và trinh sát, bí mật vận động đến bắc sông Trầu dùng lựu đạn tiêu diệt các ổ đại liên địch, sau đó tiêu diệt cánh quân Mỹ đang tập trung ở Khe Cạn.

        14 giờ, toàn bộ quân Mỹ ở bắc sông Trầu đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Riêng cánh quân phía nam ở nhà máy xay còn khoảng một trung đội đang chạy về cụm lại ở hào giao thông ấp chiến lược An Sơn cũ. 16 giờ, Nguyễn Chơn lệnh cho Tiểu đoàn 90 dự bị, do Trung đoàn phó Thi trực tiếp chỉ huy vào cuộc. Sau 30 phút chiến đấu, các chiến sĩ Tiểu đoàn 90 đã cùng với các cánh quân khác tiêu diệt gọn các cánh quân Mỹ ở Cẩm Tú, An Cường. Kết thúc trận đánh thắng lợi.

        Sau 2 ngày quần nhau với giặc, các chiến sĩ Trung đoàn 1 dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Chơn đã tiêu diệt 2 đại đội và ban chỉ huy tiểu đoàn 3 lữ đoàn 196 bộ binh Mỹ, đánh thiệt hại nặng 4 đại đội khác, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 lính Mỹ, bắt 16 tên, băng bó và phóng thích hàng chục tên khác, bắn cháy 4 máy bay, thu 61 súng các loại, 18 máy truyền tin và nhiều quân trang quân dụng khác.

        Thể hiện tính nhân đạo của người Việt Nam, được sự đồng ý của cấp trên, Nguyễn Chơn bố trí địa điểm, cho phép máy bay Mỹ đến lấy xác đồng bọn và di chuyển thương bính. Ngày 10 tháng 1 năm 1968, hàng chục máy bay trực thăng Mỹ mang cờ hồng thập tự đã đáp xuống thung lũng An Sơn thực hiện công việc này. Thung lũng An Sơn dày đặc sương mù và khét lẹt mùi thuốc súng mãi mãi là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với lính Mỹ thuộc lữ đoàn 196 còn sống sót sau trận đánh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:48:40 pm »


THẮNG LỚN Ở ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO

Ở CÁC ĐIỂM CAO 723 VÀ 660

        Năm 1970, một niềm vui lớn đến với Nguyễn Chơn trong đời quân ngũ. Đó là việc anh vinh dự được cấp trên tin tưởng đề bạt làm Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 2 Quân khu 5. Đây là những ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Quân đội về những cống hiến, đóng góp xuất sắc của anh trong suốt quá trình cầm súng đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Nhận được vinh dự lớn lao này, Nguyễn Chơn càng cảm thấy mình phải phấn đấu rèn luyện, nỗ lực nhiều hơn để không phụ lòng tin yêu của lãnh đạo, đồng chí và đồng đội.

        Với ý thức đó, anh cùng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 bước vào trận Đường 9 - Nam Lào, cuộc đụng đầu lịch sử giữa các đơn vị thiện chiến của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và các sư đoàn được xem là tinh nhuệ nhất của quân đội Sài Gòn.

        Lúc bấy giờ là mùa xuân năm 1971 và chiến cuộc đã bước sang ngày thứ 24.

        Đây là cuộc quyết chiến chiến lược lớn nhất từ khi nổ ra chiến tranh chống Mỹ cho đến thời điểm đó. Địch gọi đây là "Chiến dịch Lam Sơn 719" với những mục tiêu đầy tham vọng là cắt đứt hành lang chiến lược Bắc - Nam, chặn đứng con đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường Trường Sơn, đồng thời thực hiện việc đưa quân ngụy ra đọ sức với quân giải phóng, tiến tới thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Ních- xơn. Về phía địch, gồm có sư đoàn dù, sư đoàn thủy quân lục chiến, liên đoàn biệt động quân, thời điểm cao nhất lên đến 55.000 tên, trong đó có 15.000 lính Mỹ đóng bên này biên giới, các lữ đoàn thiết giáp với 578 xe tăng và xe bọc thép các loại, 11 tiểu đoàn pháo binh ngụy, 5 tiểu đoàn pháo binh Mỹ với tổng cộng 318 khẩu đại pháo từ 105 ly trở lên và gần 1.000 máy bay các loại. Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam gồm có Binh đoàn B70 (gồm 3 sư đoàn chủ lực là 304, 308, 320, một số trung đoàn độc lập và các đơn vị binh chủng kỹ thuật), các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh 559, cùng với Sư đoàn 2 của Quân khu 5 và Sư đoàn 324 của Mặt trận B5. Khu chiến trải rộng hàng trăm cây số vuông dọc theo đường 9 và các khu vực lân cận thuộc huyện Sê Pôn tỉnh Sa- va- na- khét, Nam Lào.

        Ngày 8 tháng 2 năm 1971, tức 13 tháng giêng năm Tân Hợi, các đơn vị quân ngụy bắt đầu vượt biên giới Việt Lào. Các tướng lĩnh Mỹ đều đinh ninh rằng: "Đây sẽ là một đòn bất ngờ giáng xuống đầu Việt cộng..." Nhưng họ không ngờ rằng Việt Nam đã nắm được mọi tin tức tình báo liên quan đến chiến dịch và đã có sự chuẩn bị kỹ để đối phó. Ngay trong ngày đầu tiên, hàng chục tiểu đoàn ngụy bị chặn đánh tơi bời, hàng chục chiếc máy bay bị bắn rơi. Những ngày sau đó, tình hình càng bi đát hơn, tất cả các đơn vị lính ngụy đều bị tiến công trên toàn Mặt trận, không thể nào ứng cứu cho nhau. Chiến dịch Lam Sơn 719 bước đầu bị phá sản.

        Để cứu vãn tình thế, ngày 3 tháng 3 năm 1971, sư đoàn 1 bộ binh - sư đoàn "anh cả đỏ" của quân đội Sài Gòn - được địch đổ xuống các điểm cao 723, 748, 660... Nằm trên dãy Phú Rệp ở phía nam đường 9, cách thị trấn Lao Bảo khoảng 15 cây số về phía tây với nhiệm vụ là dùng các bàn đạp này tấn công tiến chiếm thị xã Sê Pôn, mục tiêu chính của chiến dịch Lam Sơn 719, từ đây sẽ tổ chức họp báo, khuếch trương chiến thắng. Các đơn vị của trung đoàn 1 sư đoàn 1 được đổ xuống điểm cao 723, trung đoàn 2 ở điểm cao 748 sau đó co về điểm cao 660, trung đoàn 3 ớ điểm cao 462.

        Để bẻ gãy kế hoạch tiến quân của địch, Sư đoàn 2 chủ lực Quân khu 5 được giao nhiệm vụ tiêu diệt địch ở điểm cao 723.

        Điểm cao 723 là một điểm cao đột xuất trên dãy Phú Rệp, có vị trí như một pháo đài tiền tiêu nằm giữa núi rừng trùng điệp, có khả năng khống chế đường số 9 và toàn bộ bờ nam sông Sê Pôn. Bên nào chiếm được 723, bên đó sẽ kiểm soát được một vùng rộng lớn dọc bờ nam sông Sê Pôn. Gần điểm cao 723 có trục đường 35, thường gọi là đường Koong Le, thuộc hệ thống đường vận tải chiến lược Hồ Chí Minh chạy qua. Cạnh đó có dốc Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng, nơi các đơn vị hành quân bộ vào nam đều phải vượt qua. Vì vậy, với bất cứ giá nào cũng không thể để điểm cao 723 rơi vào tay địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:52:18 pm »

          
        Khi Sư đoàn 2 được giao nhiệm vụ diệt địch ở điểm cao 723, thì Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn cùng đoàn cán bộ quân sự cấp trưởng của Sư đoàn đang vào Tây Nguyên. Nguyễn Chơn chưa kịp ăn hết bữa cơm trưa với đồng chí Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, thì đã vội vàng quay trở lại Nam Lào. Đồng chí Hoàng Minh Thảo cho đoàn công tác của Nguyễn Chơn 3 xe ô tô và 4 tài xế để đi cho nhanh, nhưng rồi tất cả đều bị cháy dọc đường, nên cả đoàn phải hành quân bộ trở lại Mặt trận. Khi vào các anh đi 35 ngày, nhưng khi trở ra chỉ có 18 ngày, trong đó có nhiều hôm phải đi suốt ngày đêm. Để động viên anh em quên bớt mệt nhọc, Nguyễn Chơn thường kể những câu chuyện hóm hỉnh trong lúc đi đường, đôi lúc anh pha trò:

        - Ta đi như thế này là quá chậm. Ngày xưa, để ra đến Thăng Long, Quang Trung chỉ đi có 3 ngày !

        Ra gần đến nơi, Nguyễn Chôn điện cho Nguyễn Huy Chương - Chính ủy Sư đoàn:

        - Anh Chương ơi, anh bắn cho tôi 4 tràng AK để tôi biết anh ở đâu mà tìm tới chơi.

        Từ đầu dây bên kia, có tiếng cười của Nguyễn Huy Chương:

        - Đồng ý, tôi sẽ bắn cho anh 4 tràng, nhưng phải bắn bằng 12,7 ly thì mới phân biệt được, sau đó anh sẽ bắn lại cho tôi 2 tràng để biết anh ở đâu mà cho con cái đến đón nhé?

        Vừa về đến nơi, Nguyễn Chơn liền tổ chức họp Bộ chỉ huy Sư đoàn, nghe báo cáo tình hình và phương án chiến đấu. Sau khi nghe các ban tham mưu, tác chiến trình bày phương án đánh, Nguyễn Chôn phân tích:

        - Tôi đã nghe các đồng chí trình bày các phương án đánh. Theo tôi, phương án này có nhiều điểm bất lợi. Thứ nhất, địch ở trên cao, ta ở dưới thấp. Nếu ta từ dưới thấp đánh lên như các đồng chí vừa trình bày sẽ nãy sinh nhiều tình huống phức tạp. Thứ hai, đánh theo phương án đó sẽ tốn nhiều thời gian, lực lượng và hiệu quả chắc chắn sẽ không cao. Vì vậy tôi xin đề xuất một phương án mới là:   Đánh theo nhiệm vụ của địch!

        Cả cuộc họp xôn xao. Thế nào là đánh theo nhiệm vụ của địch? Để đánh theo nhiệm vụ của địch phải đánh thế nào?

        Chờ cho không khí lắng xuống, Nguyễn Chơn mới trình bày:

        - Như các đồng chí đều biết, nhiệm vụ của trung đoàn 1 ngụy là chiếm Sê Pôn, vì vậy thế nào chúng cũng từ điểm cao 723 tiến xuống để thực hiện nhiệm vụ này. Do đó ta sẽ không đánh lên. Mà chờ cho chúng tiến xuống thấp rồi mới đánh.  Đây là điểm cốt yếu nhằm biến địch từ chỗ chiếm lợi thế về địa hình trở thành bất lợi, làm cho ta từ chỗ bất lợi thành có lợi. Sau đó ta sẽ dùng chiến thuật “vây, lấn, tấn phá, triệt, diệt”, đồng lọat tiến hành bao vây, đón  lõng cắt đứt đường bộ, đường không, hãm địch trong thế bị vây ép, liên tục bị tiến công và cuối cùng là bị tiêu diệt.

        Phương án của anh đã được hội nghị Đảng ủy Sư đoàn tán thành và được Bộ Tư Lệnh Mặt trận phê chuẩn. Đồng chí Lê Trọng Tấn – Tư lệnh Mặt Trận Đường 9 – Nam Lào điện xuống cho Sư đoàn: “ Đồng chí Chơn và Đồng chí Chương chú ý: đánh điểm cao 723 bằng đặc công, thì không đánh theo kiểu cũ, mà phải đánh dập đầu quân địch ngay từ loạt đạn đầu... .”

        Ngày 8 tháng 3, các tiểu đoàn công binh và đặc công của Sư đoàn 2 bí mật vượt sông Sê Pôn, lót sẵn ở phía đông bắc điểm cao 723. Ngày 10 tháng 3, vòng vây của Sư đoàn 2 quanh điểm cao 723 bắt đầu siết chặt. Lúc này Tiểu đoàn 60 Trung đoàn 1 đã đánh chiếm được toàn bộ điểm cao 680 và sườn tây 723, nhưng gặp tổn thất nặng do phi pháo địch. Đồng chí Hoàng Xuất - Trung đoàn phó Trung đoàn 1 đi cùng tiểu đoàn bị hy sinh, đồng chí Phan Dương Tuyến - Tham mưu trưởng Trung đoàn bị thương nặng. Trước tình hình đó, Nguyễn Chơn quyết định dùng cả hỏa lực và xung lực của Sư đoàn tăng cường sức ép lên trung đoàn 1 ngụy, đồng thời khống chế đường không, cắt hẳn tiếp tế của địch cho điểm cao 723. Liên tiếp trong ba ngày 13, 14 và 15, các loại pháo cối 81 ly, 160 ly, ĐKZ 75, D74... của Sư đoàn tập trung bắn phá làm hỏng 12 khẩu pháo 105 ly và hầu hết các công sự mới làm của địch. Các loại xạ kích khóa chặt đường không, không có một chiếc máy bay nào đáp được xuống điểm cao 723.
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Mười, 2016, 09:19:10 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:41:56 am »


        Ngày 15 tháng 3, trinh sát Sư đoàn phát hiện địch làm 6 cầu thang dây tại vách núi phía bắc điểm cao 723. Nhận được thông tin này, Nguyễn Chơn từ Trung đoàn 1 vội vã cắt rừng về Sở chỉ huy cơ bản của Sư đoàn đóng dưới chân dốc Nguyễn Chí Thanh ngay trong đêm. Về đến nơi, anh cho mở ngay cuộc họp Ban thường vụ Đảng ủy Sư đoàn, nhận định rằng: Thế nào địch cũng rút chạy khỏi điểm cao 723 theo đúng ý đồ chiến thuật của Sư đoàn. Đúng 1 giờ sáng ngày 16 tháng 3, sau khi rà soát mọi tình huống, anh thay mặt Sư đoàn hạ quyết tâm chậm lắm là ngày 17 tháng 3 phải tiêu diệt xong trung đoàn 1 ngụy. Anh ra lệnh cho Tiểu đoàn công binh 15 nới vây, tạo ra một "cửa mở" để cho địch chui vào, đồng thời giao nhiệm vụ tiêu diệt trung đoàn 1 ngụy cho Trung đoàn 1 của Sư đoàn.

        Mệnh lệnh của anh được đưa ra ngắn gọn, rõ ràng. Từ lúc đảm nhận cương vị chỉ huy Sư đoàn 2, anh thường nói rất ngắn. Vì theo anh phải để cho cấp chỉ huy Trung đoàn được chủ động trong việc điều động các đơn vị dưới quyền. Nếu mình nói dài, sẽ làm mất thời gian của anh em, mà trong chiến đấu, thời gian đôi khi chính là lực lượng... Anh thường tâm sự với Nguyễn Huy Chương - Chính ủy Sư đoàn, đồng thời là người bạn thân thiết đã cùng anh vào sinh ra tử như vậy.

        Mờ sáng ngày 16 tháng 3, đài quan sát pháo binh điện báo về Sư đoàn:

        - Báo cáo thủ trưởng, địch rút khỏi điểm cao 723 bằng cầu thang dây, đang hành quân về hướng tây bắc.

        Nguyễn Chơn trả lời:

        - Tốt, tiếp tục theo dõi và báo cáo.

        Sau đó anh gọi điện ra lệnh cho Trung đoàn 141 cắt một cánh quân đánh lên điểm cao 723, rồi từ đó đánh xuống để thúc địch chạy cho nhanh. Đúng như anh dự tính, khi cánh quân này lên đến nơi, thì bộ binh địch đã rút đi, chỉ còn lại 12 khẩu pháo đã bị bắn hỏng. Cánh quân này từ các sườn núi tiếp tục đánh thúc xuống, đẩy địch đi nhanh hơn. Trung đoàn 141 được lệnh đưa 2 tiểu đoàn dự bị bổ sung cho lực lượng đón lõng ở hướng đông. Trong lúc đó, pháo binh tiếp tục bắn chặn các ngả đường, dồn địch vào khu chiến đã chuẩn bị trước.

        Theo kế hoạch, pháo binh sẽ bắn 500 quả, nhưng vì khu chiến trải ra khá rộng, Nguyễn Chơn điện cho Tư lệnh pháo binh Mặt trận:

        - Anh Chung ơi, bắn cho "đồng hương" 1.000 quả được không?

        Tư lệnh pháo binh trả lời:

        - Được, miễn là các cậu "dọn dẹp" cho sạch sẽ.

        Nguyễn Chơn khẳng định:

        - Yên trí. Cá đã nằm trên thớt.

        Sau khi dứt pháo, các cánh quân của Trung đoàn 1 dũng mãnh xung phong đánh vào đội hình đang rối loạn của địch. Các chiến sĩ ta đang áp sát xé vụn đội hình địch ra từng mảng nhỏ để tiêu diệt. Trong lúc nguy cấp, từng tốp máy bay cường kích của địch liều mạng chui qua lưới lửa của bộ đội phòng không để chi viện cho bộ binh đang chiến đấu một cách tuyệt vọng dưới mặt đất. Cả cánh rừng bị bom na- pan đốt cháy, khu chiến nóng như một chảo lửa, rền vang tiếng bom đạn. Đến 11 giờ, các đơn vị còn lại của địch cụm lại bên sườn cao, tung hỏa mù phân tuyến, gọi máy bay đến thả bom chung quanh.

        Nhận thấy lực lượng tuy còn đông, nhưng tinh thần đã rệu rã, không còn ý chí chiến đấu, Nguyễn Chơn cho họp Bộ chỉ huy Sư đoàn, đề xuất ý kiến giao nhiệm vụ tiêu diệt trung đoàn 1 ngụy lại cho Trung đoàn 141 và một số đơn vị trợ chiến, còn lại rút Tiểu đoàn 60, Tiểu đoàn 90 của Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 48 và bộ phận hỏa lực của Sư đoàn xuống vây ép trung đoàn 2 ngụy tại điểm cao 660.

        Ý kiến táo bạo, bất ngờ của anh đã gây ra một cuộc tranh cãi trong Bộ chỉ huy Sư đoàn. Có người không đồng ý chất vấn:

        - Sao không chờ diệt xong 723 rồi hãy đưa quân sang vây ép điểm cao 660?

        Anh Chơn trả lời:

        - Sợ trễ mất thời cơ diệt địch.

        Lại có ý kiến:

        - Đánh như vậy có phiêu lưu quá không?

        - Không hề phiêu lưu - Nguyễn Chơn khẳng định.

        Có người lại hỏi:

        - Đánh như vậy có đúng với phương châm đánh chắc, thắng nhanh, diệt từng đơn vị như nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn đề ra không?

        - Hoàn toàn đúng - Nguyễn Chơn khẳng định tiếp và phân tích - Địch tuy còn đông, nhưng tan rã về tinh thần và rối loạn về chỉ huy. Diệt trung đoàn 1 ngụy hiện nay không cần nhiều lực lượng, mà điều quan trọng là biết cách tổ chức chỉ huy và chọn cách đánh hiệu quả. Dồn lực lượng đông tại điểm cao 723 hiện nay, không chỉ lãng phí về thời gian, quân số mà còn có thể gặp thương vong do phi pháo địch. Nếu ta bất ngờ điều lực lượng sang vây ép điểm cao 660, thì chẳng những tránh được thương vong không cần thiết, mà còn tạo ra thời cơ diệt địch ở cả hai nơi...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:44:27 am »

        Cuộc họp trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi do có một vài ý kiến không thống nhất. Để làm dịu bớt căng thẳng, Nguyễn Chơn đề nghị Đảng ủy Sư đoàn cho ý kiến quyết định.

        Bí thư Đảng ủy Nguyễn Huy Chương - Chính ủy Sư đoàn, sau một lúc cân nhắc, quyết định ủng hộ phương án tiến hành vây ép điểm cao 660 theo đề xuất của Sư đoàn trưởng. Ý đồ táo bạo này được báo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Lê Trọng Tấn - Tư lệnh Mặt trận. Cả hai đồng chí đều tán thành và nhắc nhở: Sư đoàn bằng mọi giá không để trung đoàn 2 ngụy ở điểm cao 660 có thời giờ tháo chạy.

        Được cấp trên phê duyệt, Nguyễn Chơn liền lệnh cho Trung đoàn 1 (thiếu Tiểu đoàn 40) tổ chức vận động sang điểm cao 660 vây ép trung đoàn 2 ngụy. Dưới cái nóng nung người của mùa hè Nam Lào, các chiến sĩ Trung đoàn 1 bí mật vượt qua những dốc núi dựng đứng, những ghềnh đá cheo leo, từ tây điểm cao 723 sang điểm cao 660. Cứ 15 phút một lần, máy bay B52 địch trút bom xuống khu vực quanh các điểm cao 723 và 660. Nguyễn Chơn hai lần bị dính bom, nhưng anh đã may mắn thoát chết, cùng đồng đội khẩn trương tiến về điểm cao 660.

        Trong lúc đó, tại điểm cao 723, cuộc chiến càng lúc càng quyết liệt. Từng tốp B52 đánh phá vòng ngoài, máy bay chiến thuật đánh phá vòng trong. Cả cánh rừng lớn rung lên, cháy khét dưới sức hủy diệt của bom Mỹ, cây cối, đất đai đổ sập ầm ầm như đang động đất. Nắm được quy luật tác xạ của máy bay Mỹ, các đơn vị bộ đội đã áp sát vào đội hình địch, khiến hàng nghìn tấn bom địch rơi vào khoảng không.

        14 giờ ngày 16 tháng 3, khi máy bay Mỹ tạm ngừng bắn phá, các chiến sĩ Trung đoàn 141, Tiểu đoàn 40 Trung đoàn 1, Tiểu đoàn đặc công 10, Tiểu đoàn công binh 15 Sư đoàn từ nhiều hướng bất ngờ ào lên trút đạn vào đội hình địch. 16 giờ 30 phút, viên đại tá trung đoàn trưởng trung đoàn 1 ngụy bị bắn chết tại trận, các tiểu đoàn 2, 3 cơ bản bị loại khỏi vòng chiến đấu, bọn tàn quân còn lại co cụm bên sườn núi, tổ chức chống trả qua đêm. Đến gần trưa ngày 17 tháng 3, sở chỉ huy trung đoàn 1 ngụy cùng lực lượng còn lại, đều bị tiêu diệt. Để che giấu thất bại, địch vội vàng cho hàng chục lượt chiếc máy bay lên ném bom xóa dấu vết trận chiến.

        11 giờ ngày 17 tháng 3, tin vui chiến thắng truyền đi khắp Sư đoàn, càng thôi thúc bước chân của các chiến sĩ Trung đoàn 1.

        Ngay đêm đó, các cánh quân của Trung đoàn đã đến vị trí tập kết, triển khai đội hình chiếm lĩnh trận địa.  Giữa rừng già tối om, các chiến sĩ lặng lẽ nối chân nhau dò dẫm tiến lên sườn dốc. ánh sáng phát ra từ miếng vải phát quang dán trên lưng người đi trước đã soi đường cho người đi sau. Cả đoàn quân chìm trong những bóng cây chập chờn ẩn hiện trong đêm tối. Lúc này, trên điểm cao 660, các đơn vị thuộc trung đoàn 2 ngụy đang chuẩn bị tháo chạy để tránh nguy cơ bị tiêu diệt theo lệnh của bộ chỉ huy chiến dịch ngụy.

        Đến đêm mới thấy được sự nhạy bén, tài tình của Nguyễn Chơn khi đề xuất phương án đưa quân sang vây ép điểm cao 660. Anh dường như đã nắm trước được ý đồ rút quân của địch. Anh nhận định: Do đã mất điểm cao 723, máy bay địch không thể chui qua lưới lửa phòng không của Sư đoàn để chuyển quân, vì vậy địch phải rút chạy theo đường bộ, men theo sườn đông để tuột xuống điểm cao rồi vượt qua đường ống dẫn dầu của đường 559 lên lại điểm cao 462 để máy bay trực thăng bốc đi.

        Từ nhận định đó, anh quyết định lệnh cho các đơn vị trực thuộc Trung đoàn 1 đến phục sẵn tại đường ống dẫn dầu. Đồng thời lệnh cho một số đơn vị khác đến phối hợp tác chiến.

        Trưa ngày 18 tháng 3, các đơn vị đi đầu của trung đoàn 2 ngụy đã đến vị trí đặt đường ống dẫn dầu. Ngay lập tức, các chiến sĩ Tiểu đoàn 60, Tiểu đoàn 90 nổ súng đánh địch. Bị đánh bất ngờ, địch chống cự yếu ớt rồi tháo chạy lên sườn đông các điểm cao 660, 651 và Phu- rơ- tan. Một cánh quân địch liều chết bảo vệ bộ chỉ huy trung đoàn 2 ngụy chạy lên điểm cao 462. Nguyễn Chơn liền ra lệnh tập trung hỏa lực Sư đoàn bắn sát thương quân địch ở các điểm cao, đồng thời lệnh cho Trung đoàn 1 tạo ra "một cửa mở" để nhử địch xuống thung lũng rồi tiêu diệt. Một số cánh quân khác được lệnh mai phục sẵn ở sông Sê Pôn đề phòng địch dùng máy bay trực thăng bất ngờ bốc chân.

        Mờ sáng ngày 19 tháng 3, trung đoàn 2 ngụy theo "cửa mở" rút chạy về hướng đông, nhưng bị chiến sĩ các tiểu đoàn 60, 90 Trung đoàn 1 phục sẵn đổ ra chặn đánh. Một bộ phận lớn bị tiêu diệt, số còn lại cụm về sườn đông điểm cao Phu- rơ- tan. Pháo binh Sư đoàn tiếp tục bắn truy sát vào đội hình địch, đặc biệt là vào bộ chỉ huy trung đoàn 2 ngụy đang co cụm ở điểm cao 462. Do không còn đường thoát, địch buộc phải tung hỏa mù phân tuyến, gọi máy bay đến oanh kích. Từ trưa ngày 19 cho đến hết ngày 20, máy bay địch lồng lộn bắn phá cày nát trận địa. Chung quanh các điểm cao Phu- rơ- tan và 462, khói lửa mịt mù, tiếng bom rền vang khắp trận địa.

        Nguyễn Chơn len lỏi giữa rừng cây cháy khét, theo dõi sát các diễn biến của trận đánh. Đời anh đã nhiều lần vào sinh ra tử, nhưng đây là lần đầu tiên phải chịu đựng sức ép khủng khiếp của bom Mỹ. Máy bay địch hoạt động 24/24,  hình như chúng sợ rằng nếu ngưng lại, dù chỉ một phút thôi, thì không cứu được đồng bọn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:47:27 am »


        Đêm 20 tháng 3, lợi dụng lúc máy bay cường kích hoạt động cực mạnh, địch cho hàng loạt máy bay lên thẳng đáp xuống điểm cao 462 để chuyển quân. Ngay lập tức, từ khắp các hướng, các chiến sĩ Trung đoàn 1 tập trung hỏa lực bắn tới tấp vào các tốp trực thăng đang quăng thang dây xuống cho đồng bọn leo lên. Hàng chục chiếc bị trúng đạn, có chiếc bị rơi còn dính tòn ten lính ngụy trên dây. Tuy vậy, do điểm cao khá rộng, nên cuối cùng địch cũng liều chết bốc được bọn chỉ huy trung đoàn 2 chạy thoát. Một cánh quân khác của tiểu đoàn 5 ngụy cũng được trực thăng bốc đi tại đường Na Va.

        Sáng ngày 21  tháng 3, có sự tăng cường của Tiểu đoàn 40 vừa tiêu diệt điểm cao 723 về, toàn bộ Trung đoàn 1 mở đợt tấn công dứt điểm vào các cánh quân còn lại của trung đoàn 2 nguy. Ngay sau đợt xung phong đầu tiên, bộ đội ta đã bắt được Nguyễn Khắc Huế - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 ngụy, viên thiếu tá vừa đặc cách thăng lên trung tá tại mặt trận do " đã anh dũng đổ quân chiếm Sê Pôn". Sau khi trung tá Huế bị bắt, đội hình địch càng thêm rối loạn, phần lớn đều bị tiêu diệt hay bắt sống. Trong số vừa bị bắt, có thêm thiếu tá Thuần - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 ngụy cùng nhiều sĩ quan cấp úy khác. Để đảm bảo cho đội hình Sư đoàn và tù binh địch thoát khỏi những đợt đánh bom hủy diệt của máy bay Mỹ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 60 là Trần Như Tiếp có sáng kiến buộc trung tá Huế dùng máy PRC25 gọi chỉ huy địch yêu cầu ngừng ném bom vì "con cái của chúng ta ở đây còn đông lắm?". Nhờ thế, máy bay Mỹ ngừng ném bom, đội hình Sư đoàn 2 được an toàn. Trận đánh tiêu diệt trung đoàn 2 ngụy hoàn toàn kết thúc khi ánh mặt trời dần khuất sau rặng Phu- rơ- tan.

        Trong bóng hoàng hôn yên ả, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn chầm chậm thả bước trên những sườn đồi còn ngổn ngang xác địch. Anh nhặt một mảnh vỡ văng ra từ thân chiếc máy bay đang còn bốc khói, mỉm cười khi nhìn thấy hàng chữ "U.S.A AIR FORCE" (Không lực Hoa Kỳ) bị cháy sém, chỉ còn lại một vệt đen mờ mờ trông rất thảm hại.

        Lúc đó có chiến sĩ báo cáo:

        - Báo cáo thủ trưởng, đây là kết quả tổng hợp hai trận đánh ở các điểm cao 723 và 660.

        - Đọc đi, tôi nghe đây - Nguyễn Chơn bảo:

        - Ở điểm cao 723, trung đoàn 1 sư đoàn 1 ngụy bị tiêu diệt gọn 4 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo, 3 đại đội phối thuộc và sở chỉ huy trung đoàn. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.700 tên, bắn rơi 50 máy bay các loại, thu hàng trăm vũ khí, trong đó có 12 đại bác, 19 cối hạng nặng, 3 xe ủi đất, 46 máy PRC25... Ở điểm cao 660, trung đoàn 2 sư đoàn 1 ngụy bị diệt gọn tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 và 2 đại đội của tiểu đoàn 5. Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.300 tên, bắn rơi 36 máy bay các loại, thu hàng trăm vũ khí, trong đó có 4 khẩu đại bác 105 ly, 50 máy PRC25...

        Nguyễn Chơn vui mừng nói:

        - Tốt quá, nhất định chuyến này Sư đoàn sẽ khao quân lớn...

        Đồng chí chiến sĩ báo cáo tiếp:

        - Báo cáo thủ trưởng, tù binh địch bị bắt quá đông, không biết phải xử lý như thế nào?

        Nguyễn Chơn nói tiếp:

        - Được rồi, chuyện này tôi sẽ bàn bạc với anh Chương để tìm cách giải quyết.

        Do số tù binh bị bắt quá đông, hậu cần Sư đoàn không đủ sức nuôi ăn, nên sau khi bàn với Chính ủy Nguyễn Huy Chương, Sư đoàn quyết định sẽ phát lương khô cho tù binh, sau đó sẽ cột tay chúng thành từng hàng rồi chỉ đường về Sê Pôn để tù binh tự tìm tới. Được khoảng hơn một buổi, thì có điện của Bộ Tổng Tư lệnh gọi về cho Sư đoàn. Nguyễn Huy Chương cầm máy.

        - Đồng chí Nguyễn Huy Chương trả lời cho Tổng hành dinh biết: theo Cục 2 báo cáo, thì đài VOA và đài Sài Gòn rêu rao là chúng đã chiếm được Sê Pôn và tổ chức họp báo ở đó, có đúng không?


        Nhận ra giọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Huy Chương lập tức khẳng định:

        - Thưa Đại tướng, đơn vị địch không có ở Sê Pôn.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi tiếp:

        - Nếu địch không có Ở Sê Pôn, thì đồng chí Chương phải cam kết với tôi là địch không có ở Sê Pôn và đồng chí phải chịu trách nhiệm trước Bộ Tổng về sự xác định này. - Đại tướng nói tiếp:

        - Thưa Đại tướng - Nguyễn Huy Chương quả quyết - đơn vị chiến đấu của địch, thì không có, mà chỉ có tù binh do bộ đội bắt hiện đang dẫn bộ về Sê Pôn để tránh máy bay B52 của Mỹ hủy diệt.

        - Tốt lắm! Chuyến này Sư đoàn 2 làm ăn rất tốt? - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cười trong máy - Cho tôi gửi lời thăm tất cả anh em...

        Lời động viên của Đại tướng Tổng Tư lệnh đã khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ toàn Sư đoàn thêm quyết tâm diệt giặc. Nguyễn Chơn cùng Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn mở Hội nghị tổng kết chiến dịch, cử Nguyễn Huy Chương trực tiếp ra Quảng Bình báo cáo với Bộ Tổng Tư lệnh và xin cho Sư đoàn 2 được mở tiếp chiến dịch hè đánh vào cao nguyên Bô- lô- ven và Pha Lan, Đồng Hến, giải phóng vùng Trung - Hạ Lào.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM