Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:09:12 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 34263 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:43:11 pm »


*

*        *

        Đầu năm 1964, Trung đoàn 1 được thành lập tách ra khỏi Tỉnh đội Quảng Nam. Thành phần của Trung đoàn gồm 3 tiểu đoàn 90, 60, 40, đó là những đơn vị đã có thành tích trong những trận chiến đấu chống chiến tranh đặc biệt trước khi về đội hình trung đoàn.

        Trong những năm trước khi Trung đoàn 1 được thành lập, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang còn non trẻ tại chiến trường Khu 5 là phá ấp chiến lược do địch dựng lên đối phó với phong trào đồng khởi đang lên như triều dâng của quân và dân toàn miền Nam. Chủ lực của ta lúc đó chỉ có đại đội, tiểu đoàn, khi địch đánh vào căn cứ Đỗ Xá – cơ quan của Khu ủy và Quân khu 1963, quân ta chỉ đánh được nhỏ lẻ.

        Vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Ta giải phóng vùng Sơn - Cẩm - Hà thuộc huyện Tiên Phước, sau đó vài tháng, Trà My được giải phóng. Vùng Dương Yên, Kỳ Sanh, Kỳ Trà thuộc Tam Kỳ đến vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình lần lượt giành chính quyền về tay nhân dân. Đồng bằng giải phóng, vấn đề lương thực cho bộ đội được giải quyết. Không phải chỉ có thóc mà khoai khô, sắn khô cũng nhập kho dự trữ.

        Một công việc quan trọng và thú vị của quân ta lúc này là biến các ấp chiến lược của địch thành làng chiến đấu. Hình như địch đã dành sẵn cho ta nhiều thứ: Súng đạn, máy thông tin, các đồ quân dụng khác đều có trong ấp chiến lược để bổ sung cho quân ta. Năm 1965 là năm thanh niên từ các vùng giải phóng tòng quân lên căn cứ đông nhất, đủ quân số để xây dựng các đơn vị tác chiến lớn hơn.

        Nguyễn Chơn được điều về bộ phận tác chiến Trung đoàn 1.

        Trận đánh đồn Việt An do một tiểu đoàn bảo an ngụy đóng mở màn cho chặng đường trưởng thành của bộ đội ta trên đường đánh tập trung, đánh bằng các đơn vị chiến thuật.

        Địch đóng trên một dải đồi cao, có công sự vững chắc được chuẩn bị từ trước. Tiểu đoàn 40 - đơn vị được giao nhiệm vụ đánh Việt An, không có ĐKZ, không có hỏa lực mạnh, chỉ có hai khẩu cối 82 ly với 30 quả đạn. Cái khó của trận đánh này là xác định thật chính xác vị trí chỉ huy trận địa pháo của địch để đánh một đòn là diệt gọn gàng. Nguyễn Chơn chuẩn bị cho trận đánh cùng cán bộ chủ chốt và trinh sát trung đoàn. Khi mọi người đã rút về, anh cùng đồng chí Tuấn với bi đông nước và gói gạo rang nằm lại ở hàng rào thứ ba trong những ngày Tết. Anh ở lại xác định chắc chắn từng lô cốt, từng cụm hỏa lực, đặc biệt là sở chỉ huy và trận địa pháo lấp sau một lùm chuối lớn mà ban đêm không thể phát hiện ra được. Vào lúc đón giao thừa, địch bắn các loại cối, pháo, súng bộ binh để đón năm mới. Nhờ ánh sáng của các loại đạn này, anh quan sát rõ được cứ điểm địch Việt An, có sáu lớp rào, giữa các lớp rào có gài mìn.

        Trận đánh diễn ra đúng ý định của ta. Ta làm chủ trận địa, bắt gọn tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Nhiều cán bộ đã phát biểu trong đợt rút kinh nghiệm: Trận này đánh gọn là nhờ nắm chắc địch, nhờ sự chuẩn bị chu đáo, trong đó công của cán bộ tác chiến cùng các chiến sĩ trinh sát.

        Sau chiến thắng Việt An, bộ đội ta triển khai đánh diệt viện. Trận địa được chuẩn  bị từ phía Hương An, phía cầu Ông Triệu lên. Sau năm, sáu ngày, địch không có động tĩnh gì, bộ đội vẫn ém quân tại chỗ còn cán bộ quân khu rút về thôn Lục Ngạn phía tây bắc Việt An tham dự lớp tập huấn chiến thuật, rút kinh nghiệm đợt hoạt động vừa qua.

        Đồng chí Chu Huy Mân (Hai Mạnh) chủ trì lớp tập huấn. Cán bộ các cấp đang say sưa thảo luận, bàn cãi, rút kinh nghiệm, tự tìm ra những sai sót của mình và tự tìm cách khắc phục, thì trinh sát báo tin địch đang tập trung quân tại Tuần Dưỡng, chuẩn bị phản kích. Đồng chí Hai Mạnh tuyên bố trước hàng quân:

        - Ai bảo đảm về đơn vị nắm bộ đội đánh thắng, thì không phải học nữa. Học cũng chỉ để đánh thắng.

        Nguyễn Chơn là người đầu tiên giơ tay xin về đơn vị. Lúc này anh được đề bạt làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90. Địch hành quân theo đội hình chiến đoàn có thiết giáp M.113 phối thuộc. Đây là một trận vận động phục kích trên đường 16 ở ngã ba Minh Huy. Tiểu đoàn 90 được giao nhiệm vụ bao vây một tiểu đoàn ngụy, vừa nổ súng vừa tiếp cận mục tiêu trong lúc bọn địch vừa mới đến chưa thiết lập được công sự. Trận này Tiểu đoàn của Nguyễn Chơn cùng Tiểu đoàn 40 tấn công tiêu diệt hai tiểu đoàn địch. Riêng bộ đội dưới quyền chỉ huy của anh bắt bốn xe M.113 đang nổ máy. Bọn địch còn sống sót chạy ra cầu Rù Rì. Ở đây Tiểu đoàn 60 bao vây không chặt, nên một số tên địch chạy thoát, do đó ta không tiêu diệt gọn chiến đoàn địch. Trận này Nguyễn Chơn được tặng Huân chương Quân công hạng Ba.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:59:13 pm »


        Sau trận Minh Huy, thế trận ở khu chiến này đổi khác. Địch dè dặt hơn trong mỗi lần muốn phản kích, chúng đổi hướng về phía Quế Sơn, Hương An, không đi về hướng đường 16 nữa. Vì vậy, ta phải bố trí đội hình tụt xuống  gần quốc lộ 1 hơn. Trung đoàn kết thúc năm 1964 bằng  hai chiến thắng Đồng Dương 1 và Đồng Dương 2, góp  phần làm phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của  Mỹ - ngụy.

        Năm 1965 là một năm đặc biệt trong cuộc đời chiến đấu của Nguyễn Chơn. Anh tham gia hàng chục trận đánh, trong đó có những trận đánh nổi tiếng.

        Từ Quảng Nam, Trung đoàn 1 được lệnh vào bắc Quảng Ngãi. Ở đây, Nguyễn Chơn đánh trận Ba Gia nổi tiếng và từ đó Trung đoàn 1 được mang tên Trung đoàn Ba Gia. Thừa thắng quân ta tiến giải phóng Trà Bồng. Vùng Sơn Mỹ, Sơn Quang thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi được mở ra, nối vùng giải phóng ra tận biển.

        Tháng 8, Trung đoàn Ba Gia đánh trận Vạn Tường thắng Mỹ giòn giã. Tiểu đoàn 90 của Nguyễn Chơn làm dự bị, không trực tiếp giáp mặt quân Mỹ ở trận này. Một thời kỳ mới của cuộc kháng chiến bắt đầu. Từ đây, quân đội Mỹ trực tiếp tác chiến trên chiến trường, không còn vai trò cố vấn, không còn cái vỏ bọc giúp đỡ chính quyền Sài Gòn chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Mục đích chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ phơi bày rõ  ràng trước nhân loại.

        Từ Quảng Ngãi, Trung đoàn 1 hành quân ra Quảng Nam. Lúc này, quân Mỹ đã đóng quân đông kín căn cứ Chu lai. Tiểu đòan 90 của Nguyễn Chơn đánh trận phục kích quân Mỹ ở nam chợ Cẩm Khê. Một trận đánh thật ác liệt. Ta có một tiểu đoàn, Mỹ cũng có 1 tiểu đoàn. Không như những trận đánh ngụy trước đó, vì mật độ hỏa lực cả không quân và pháo binh của địch tăng gấp nhiều lần. Tuy địch bị phục kích đúng theo ý đồ của ta, nhưng thương vong của hai bên đều lớn. Quân ta bị tổn thất do bị pháo chụp đánh vào đội hình đang vận động. Quân Mỹ thì bị hỏa lực bộ binh của ta đánh quyết liệt khi hai bên đã áp sát nhau. Tiểu đoàn quân Mỹ thương vong trên một trăm, phải dùng trên 50 lượt trực thăng chở xác. Nguyễn Chơn hiểu rằng cuộc chiến tranh sẽ ngày càng ác liệt hơn.

        Ngày 20 tháng 10 năm 1965, Sư đoàn bộ binh 2, đơn vị chiến thuật đầu tiên của Quân khu 5 được thành lập. Tháng 11 , để thiết thực lấy thành tích nhân ngày thành lập Sư đoàn, Trung đoàn Ba Gia đánh một trận lớn ở Hiệp Đức. Tiểu đoàn 90 của Nguyễn Chơn tấn công tiêu diệt một đại đội bảo an ở Đồi Sơn, Tiểu đoàn 60 đánh quận lỵ. Tiểu đoàn 40 làm dự bị. Trung đoàn làm chủ các cứ điểm và các ấp chiến lược, giải phóng quận Hiệp Đức, bắt hàng trăm tù binh; thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng của địch bổ sung cho ta. Với chiến thắng này khí thế cách mạng của nhân dân trong vùng được củng cố và phát huy.

        Trong một năm, Nguyễn Chơn được khen tặng hai Huân chương Quân công hạng Ba cho các trận Ba Gia và Minh Huy; hai Huân chương chiến công hạng Nhất cho các trận Đồng Dương và Hiệp Đức. Tiểu đoàn 90 do anh chỉ huy - một đơn vị có truyền thống từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã trưởng thành nhanh chóng, có phong cách chiến đấu độc đáo, nhất là trong đánh vận động. Bước đầu xây dựng truyền thống cho Tiểu đoàn là luôn luôn tìm ra cách đánh tốt, luôn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với hiệu suất chiến đấu cao nhất, thương vong bên ta thấp nhất, tiêu hao đạn dược ít nhất. Tiểu đoàn 90 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1983.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 07:02:31 pm »


*

*        *

        Nguyễn Chơn được đề bạt làm Trung đoàn phó Trung đoàn Ba Gia vào đầu năm 1966, khi chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam lên tới đỉnh cao. Các sắc lính Mỹ, lính nguy, lính chư hầu có mặt trên chiến trường miền Nam để đối phó với quân ta đã vượt con số triệu. Ở hậu phương lớn miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại đang ở giai đoạn ác liệt nhất. Đế quốc Mỹ huy động phần lớn lực lượng không quân chiến thuật, một phần lực lượng không quân chiến lược hòng đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, âm mưu cắt đứt toàn bộ tuyến đường tiếp tế cho tiền tuyến miền Nam. Các màu da của hàng triệu thanh niên từ Mỹ, úc, Tân Tây Lan, Nam Triều Tiên, Thái Lan... đến Việt Nam để phục vụ cho mục đích xâm lược của một cường quốc tự xưng là đại diện cho thế giới văn minh. Ở chiến trường Quân khu 5, quân ngụy thường được bố trí ở vòng trong, quân Mỹ ở vòng ngoài, quân chư hầu Nam Triều Tiên đóng xen kẽ giữa quân Mỹ và quân ngụy.

        Trong thời gian này, cùng với Trung đoàn Ba Gia, cùng với Sư đoàn 2, Nguyễn Chơn lặn lội trên các địa bàn tác chiến quen thuộc. Mức độ ác liệt của cuộc chiến tranh đã lên đến cực điểm. Cả một vùng trù phú hai bờ sông Thu Bồn thành vùng trắng. Đứng trên một điểm cao, nhìn ra tận biển mà không vướng một chướng ngại nào, không thấy một mảng xanh nào. Xóm làng đã thành bình địa. Bom pháo quân Mỹ dội xuống những vùng đất yên lành, đào lên, quật xuống hàng chục lần. Những người đã khuất dưới mồ cũng chung số phận với đất đai. Địch chủ trương lập lại ấp chiến lược bằng hình thức lập các khu đồn có cấu trúc kiên cố gần như một cứ điểm tác chiến. Các chiến sĩ trinh sát đi nắm địch không còn được ở trong nhà dân, trong làng chiến đấu mà phải đào hầm bí mật ven sông. Quân địch với bom nhiều, pháo nhiều, quân đông đang hy vọng giành lại thế chủ động chiến trường.

        Sau những trận đánh Mỹ ở tây Sơn Tịnh, đánh biệt kích ngụy ở Gò Viên, Minh Long, Núi Bà, từ Sơn Thắng, Sơn Tịnh ở Quảng Ngãi, Trung đoàn Ba Gia được điều ra đánh Cấm Dơi ở Quảng Nam. Bước chân của các chiến sĩ giải phóng đặt trên đất quê hương vào những năm này dẫm trên sự đổ nát, đến đâu cũng nghe những câu chuyện đau thương ở Sơn Mỹ, Ở Thủy Bồ, Ở Quang Thạnh...

        Nguyễn Chơn nhớ lại trận đánh quân chư hầu Nam Triều Tiên tại Quang Thạnh như một bài học về sự quyết đoán. Cứ điểm đồi Quang Thanh thuộc xã Sơn Kim, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, cách đường số 1 và đường sắt về phía tây 2 km, do tiểu đoàn 3 thuộc lữ đoàn Rồng Xanh và một đại đội lữ đoàn Mãnh Hổ, Nam Hàn chốt giữ. Quân số địch khoảng 500 tên. Trong cứ điểm có ba khẩu cối 106,7 ly, một khẩu cối 81 ly, năm khẩu cối 60 ly và 7 khẩu đại liên. Cứ điểm địch nằm trên một đồi tranh, cây cối lúp xúp, đỉnh đồi có nhiều tảng đá lớn, xung quanh có hào ấp chiến lược rộng 2,5m, sâu 1,8m. Hàng rào nhiều lớp, rào đơn và rào lồng bu chồng lên nhau cao 1,8m, rộng 6m.  Khoảng cách giữa các hàng rào là 5m, giữa các lớp rào có bố trí mìn sáng, mìn ba chấu. Các hố chiến đấu cá nhân có hào giao thông nối liền nhau. Nhà ở sâu dưới lòng đất l,5m có bao cát chất xung quanh. Địch lợi dụng các tảng đá lớn có hang xây thêm bao cát làm sở chỉ huy và đặt máy thông tin.

        Ngày 14 tháng 2 năm 1967, Trung đoàn Ba Gia được lệnh hành quân chiếm lĩnh. Tiểu đoàn 40 trên hướng chủ yếu do nhầm lộ tiêu đi lạc gần đến ga Đại Lộc mới biết, để tổ chức quay lại. Trên hướng quan trọng, Tiểu đoàn 60 đã triển khai chiếm lĩnh, tổ công binh vào liên kết bộc phá, vấp mìn, địch báo động, dùng các loại hỏa khí trong cứ điểm bắn ra, cho quân ra lôi bộc phá khỏi hàng rào. Pháo từ các trận địa Cầu Cháy, Châu ổ, Sơn Tịnh bắn mạnh vào xung quanh cứ điểm. Máy bay C130 thả đèn sáng sáu giờ liền. Tiểu đoàn 60 và phân đội mở cửa có thương vong, lúc đó chưa nắm chắc số lượng.

        Trận đánh tưởng chừng không thực hiện được, nhưng Ban chỉ huy Trung đoàn vẫn giữ vững quyết tâm, cử cán bộ tác chiến đưa Tiểu đoàn 40 về vị trí, xốc lại lực lượng, bổ sung bộc phá cho hướng Tiểu đoàn 60 để tiếp tục thực hiện trận đánh theo mệnh lệnh.

        Gần 4 giờ sáng ngày 15 tháng 2, Trung đoàn chiếm lĩnh xong. Địch tưởng ta không đánh nữa, cho lính vào hầm ngủ, dùng bạt che các khẩu pháo lại. Lúc đó, quân ta bất ngờ nổ súng. Các trận địa hỏa lực phát huy hiệu lực, các hướng tiến hành mở cửa, đánh chiếm đầu cầu. Quân địch mất hai phút sau mới kịp phản ứng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 07:04:49 pm »


        Trên hướng chủ yếu, Tiểu đoàn 40 xung phong vào đến chiến hào 1, bị địch ngăn chặn phải dừng lại. Tiểu đoàn 60 ở hướng quan trọng, chiếm được đầu cầu, đánh chiếm chiến hào 1, phát triển sang chiến hào 2, do hướng chủ yếu không vào được cũng dừng lại. Trung đoàn đưa một đại đội dự bị tăng cường cho hướng chủ yếu, nhưng cũng không đột phá nổi.

        Sau khi hội ý, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn cử Trung đoàn phó Nguyễn Chơn xuống trận địa trực tiếp nắm tình hình, xốc lại lực lượng, tổ chức cho đội dự bị là Tiểu đoàn 90 thiếu, mở một cửa đột phá mới. Kết hợp tốt giữa hỏa lực chi viện và hỏa lực đi cùng, quân ta đã xung phong đánh vào trong, bắt được liên lạc với Tiểu đoàn 60. Địch bị bất ngờ, đối phó lúng túng. Các cánh quân của ta hợp đồng xung phong vào trung tâm. Quân địch hốt hoảng bỏ chạy, chỉ còn lại một bộ phận nhỏ chống cự yếu ớt. Quân ta tổ chức truy lùng, thu chiến lợi phẩm. Đến 6 giờ 30 phút, trời sáng, máy bay địch đến ném bom vào cứ điểm và cho quân phản kích, nhưng quân ta, sau khi giải quyết thương binh, tử sĩ đã tổ chức lui quân theo kế hoạch.

        Trận đánh giành thắng lợi, diệt gần hết một tiểu đoàn và một đại đội thuộc lữ đoàn Rồng Xanh, hạ được uy thế hung hăng của một đội quân man rợ, gây nhiều nợ máu với nhân dân hai huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Địch buộc phải co lại, rút bỏ một số chất điểm ở Khánh Mỹ, Hòn Ngang, Hòn Dọc.

         Tuy gặp khó khăn từ đầu do bị lộ, nhưng quân ta đã kiên trì khắc phục, tạo yếu tố bất ngờ mới, thực hiện quyết tâm kẻ thù nào cũng đánh thắng.

        Đầu tháng 10 năm 1967, lữ đoàn dù Mỹ 101 mở cuộc càn vào khu vực Sơn - Cẩm - Hà thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm này, mùa mưa đến sớm. Một số đơn vị của chúng lùng sục đánh phá phía bắc đường 16, nam sông Trầu. Thời gian này Trung đoàn Ba Gia đứng chân ở đèo Răm. Sau khi đánh giá và nhận định tình hình địch, Trung đoàn chủ trương khắc phục mọi khó khăn, tạo điều kiện đánh một số trận phía nam sông Trầu, làm địch bị bất ngờ. Tiểu đoàn 90 được tăng cường hai khẩu cối 82 ly và Đại đội trọng liên 12,8 ly nhận nhiệm vụ này.

        Nguyễn Chơn lúc này là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 trực tiếp cùng Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xăng nghiên cứu bến vượt sông Trầu. Con sông tuy nhỏ, nhưng nước chảy xiết, chưa biết khắc phục vào hướng nào, thì phát hiện một cây lớn. Theo kinh nghiệm trận đánh Ga Lâu trên sông A Vương, Nguyễn Chơn cho lệnh chặt cây từ phía bắc đổ sang phía nam sông, làm cầu cho bộ đội qua.

        Lúc 23 giờ, Tiểu đoàn 90 đã tổ chức bí mật vượt sông Trầu an toàn, chỉ còn lại đại đội 12,8 ly không qua được, vì nước lên cao cuốn trôi cây cầu, nên phải bố trí phía bắc sông. Tiểu đoàn vào chiếm lĩnh phía tây Bàn Cờ - Núi Tráp, làm công sự và tổ chức hợp đồng, xác định phương án tác chiến. 8 giờ sáng ngày 8 tháng 10, trinh sát tiểu đoàn phát hiện một đại đội Mỹ lên đốt nhà dân ở Gò Đu và bắn pháo theo dọc đường 16. Đến 10 giờ, đài quan sát ở đèo Răm phát hiện một đại đội Mỹ từ Gò Đu kéo lên. Địch rất chủ quan, đội hình đi dày đặc, tiến công uể oải. Bộ đội bí mật tiếp cận hình thành thế bao vây, quân địch không hề hay biết. 12 giờ, Đại đội 1 tiến công vào đội hình địch. Bị bất ngờ, địch luống cuống chỉ biết lợi dụng các bờ ruộng bậc thang để chống trả. Nguyễn Chơn chỉ thị cho Tiểu đoàn trưởng dùng hỏa lực đánh mạnh vào đội hình và cho vu hồi từ phía sau. Đại đội 3 nhanh chóng vận động cách địch 5 đến 7m đồng loạt xung phong, diệt ngay khẩu đại liên. Toàn Tiểu đoàn hợp đồng nhịp nhàng tiêu diệt đại đội Mỹ không còn một tên, thu 54 súng nhiều đồ dùng quân sự và nhanh chóng lui quân để tránh phi pháo địch. Đêm hôm đó, nước sông Trầu vẫn còn lớn, bộ đội phải trùm ni lông ngồi chờ đến 5 giờ sáng hôm sau mới qua sông về hậu cứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:22:35 am »


        Cuối năm 1967, một tổn thất lớn đến với Sư đoàn 2. Để chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đoàn cán bộ chủ chốt gồm Bộ chỉ huy Sư đoàn, cán bộ đầu ngành của ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cùng Ban chỉ huy ba trung đoàn được triệu tập về để khảo sát thực địa. Trên dãy Động Mông - Đá Hàm dựa lưng vào núi Hòn Tàu, Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ ra lệnh mọi người phải về đúng vị trí đã được phân công để có thể quan sát rõ cứ điểm Cấm Dơi và quận lỵ Quế Sơn - mục tiêu của Sư đoàn trong chiến dịch tới. Đoàn cán bộ cùng các trợ lý, các trinh sát vừa nghiên cứu bản đồ vừa quan sát thực địa suốt buổi sáng. Hai giờ chiều có một máy bay trinh sát Mỹ bay tới. Chiếc máy bay quần nhiều vòng quanh dải Động Mông - Đá Hàm, rồi nó thu hẹp vòng lại. Vài phút sau, từ phía đông, 4 máy bay lên thẳng vũ trang HU1A ào tới. Chúng dàn hàng ngang, bắn trung liên uy hiếp, để đổ quân bắt sống cả đoàn cán bộ. Sư đoàn trưởng Trữ ra lệnh chiến đấu. Hỏa lực mạnh nhất của quân ta chỉ có tiểu liên AK của các đồng chí cảnh vệ, còn lại chỉ là súng ngắn. Trận chiến đấu không ngang sức đó kéo dài hai tiếng đồng hồ. Quân Mỹ dùng hỏa lực cày nát ngọn đồi. Quân ta chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Tổn thất đến với Sư đoàn 2 thật quá lớn. Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Minh Đức, cùng các cán bộ chủ chốt của ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, Trung đoàn trưởng các trung đoàn 31, 21, cùng Ban chỉ huy Trung đoàn hy sinh. Các chiến sĩ cảnh vệ, trinh sát chiến đấu ngoan cường để bảo vệ các thủ trưởng thân yêu của mình, phần lớn đã ngã xuống trên dải núi này. Ngày nay, những người đến Quế Sơn, một địa danh với nhiều chiến công nổi tiếng, từ thị trấn huyện lỵ nhìn dãy Động Mông - Đá Hàm đã phủ cây xanh, ít ai biết được ở đó có một trận đánh bi hùng của Sư đoàn trước ngày mở màn chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

        Nguyễn Chơn thoát chết là do một sự tình cờ. Buổi sáng, anh còn làm việc với Sư đoàn trưởng Trữ. Đầu giờ chiều, anh được phân công đi chuẩn bị một hướng khác - nơi dự kiến địch sẽ đổ quân phản kích. Sư đoàn trưởng rút ra 200 đồng tiền Sài Gòn để anh mua thuốc hút và nói: "Ông về cũng được". Anh dừng chân ở Sơn Long đang ăn bánh tráng thịt heo ở một gia đình cơ sở, thì thấy trực thăng Mỹ bay về hướng dãy Động Mông - Đá Hàm. Đứng nhìn những chiếc máy bay nhào xuống nhả đạn trên đỉnh đồi, nghe những loạt đạn AK bắn trả, anh là người đầu tiên cảm nhận được sâu sắc tổn thất lớn lao mà Sư đoàn phải gánh chịu.

        Nhưng Nguyễn Chơn đã biến những nỗi đau của mình thành hành động. Hai ngày 8 và 9 tháng 1 năm 1968, anh đã chỉ huy Trung đoàn Ba Gia đánh một trận tiêu diệt xuất sắc tại An Sơn, trong thung lũng Hiệp Đức, loại khỏi vòng chiến đấu 500 tên Mỹ, bắt hơn chục tên, bắn cháy 4 máy bay, thu nhiều vũ khí và phương tiện thông tin.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sư đoàn 2 đứng chân ở vùng ven Đà Nẵng. Trung đoàn Ba Gia đánh chiếm Lỗ Giáng, diệt bọn Mỹ ra phản kích. Địch từ các gò mả trống trải tiến vào. Quân ta dựa vào các bờ tre chiến đấu quyết liệt. Trận này, ta bắt được 7 tù binh Mỹ ngay tại cửa ngõ Đà Nẵng. Khi các đơn vị đánh chiếm thành phố gặp khó khăn, Sư đoàn được lệnh rút khỏi khu chiến, bảo toàn lực lượng. Đó là một quyết định táo bạo, đầy trách nhiệm của Thường vụ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Ở chiến dịch này, Nguyễn Chơn có một kỷ niệm không thể quên. Lúc Trung đoàn anh tiến ra Non Nước - Ngũ Hành Sơn, trúng ngay vào làn hỏa lực của pháo binh Mỹ. Đạn pháo nổ tứ phía, không tìm ra hầm, một cái mương nước cũng không có. Đồng chí cần vụ tên là Đỉnh đã nằm chồng lên người anh, trên lưng còn mang cả ba lô. Nguyễn Chơn không bị một mảnh pháo nào. Sau này, do biến động của chiến dịch, Đỉnh chuyển công tác khác. Nguyễn Chơn đến tận bây giờ còn băn khoăn không biết Đỉnh còn sống, hay đã hy sinh.

        Sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Trung đoàn Ba Gia được lệnh chuẩn bị giải phóng quận ly Khâm Đức. Quận lỵ này nằm ở phía tây tỉnh Quảng Tín (Quảng Nam), cách Tam Kỳ hơn 90km, trên đường 14 nối với Kon Tum, trong một thung lũng dài 3km, rộng 1,5km. Phía bắc và tây bắc có những dãy núi cao, phía nam giáp sông Nước Chè, phía đông giáp sông Nước Mỹ, phía tây là những dãy núi Trường Sơn Nam ngút ngàn. Địch chọn Khâm Đức làm trung tâm huấn luyện biệt kích và làm bàn đạp đánh phá cơ sở cách mạng ở miền núi, chặn tuyến đường 14 từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Lực lượng địch có 7 đại đội, bố trí trên 10 cứ điểm kiên cố.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:25:30 am »


        Khi phát hiện ta sửa chữa đường 14, địch phán đoán quân giải phóng sẽ tấn công Khâm Đức để khai thông hành lang vận chuyển, giữa tháng 2 năm 1968, chúng đổ xuống Ngọc Tà Vát một đơn vị biệt kích ngụy, bổ sung thêm 2 khẩu 105 ly, 1 khẩu cối 106,7 ly, hình thành cứ điểm tiền tiêu phía tây nam nhằm ngăn chặn việc triển khai lực lượng của ta tiến vào Khâm Đức.

        Trung đoàn Ba Gia thiếu, được tăng cường 4 khẩu súng phun lửa, có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm tiền tiêu này. Nhiệm vụ thật là khẩn trương, mặc dù địa hình và địch tình nắm chưa chắc, Nguyễn Chơn cùng Ban chỉ huy Trung đoàn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, vừa tổ chức đài quan sát tại điểm cao 550 cách cứ điểm 1,5km theo dõi hành động địch, vừa cấp tốc tổ chức tiếp cận mục tiêu, nghiên cứu xác định phương án và cách đánh.

        Ở độ cao 540m, cách Khâm Đức 7 km về phía tây nam, Ngọc Tà Vát đã được xây dựng thành một cứ điểm từ thời Ngô Đình Diệm. Quân số địch ở đây khoảng 120 tên. Sau khi đổ quân chiếm lại cứ điểm, địch củng cố thêm và chia làm 3 khu. Khu A là trung tâm trên đỉnh cao, có hai tầng công sự và lô cốt. Tầng trong có bờ thành cao, có đường hầm dưới chân thành và hàng rào mái nhà. Phía ngoài là hào giao thông nối liền 5 lô cốt bao quanh khu A. Chính giữa là sở chỉ huy, điện đài, trận địa pháo và một trung đội Mỹ. Thấp hơn giữa bờ thành và chiến hào do 2 trung đội biệt kích ngụy trấn giữ. 5 lô cất bao quanh khu A đều có lỗ châu mai đặt đại liên, bao cát xếp theo hình bán nguyệt phía trước. Khu B phía tây bắc thấp hơn, xung quanh có 4 lô cốt, nhiều hố chiến đấu cá nhân, có hai lớp rào mái nhà, có sân bay trực thăng. Một trung đội biệt kích ngụy có cối 61 ly đóng ở đây. Khu C là khu gia đình ở phía đông nam, cũng có lô cốt, hàng rào do một trung đội biệt kích ngụy canh giữ. Xung quanh cứ điểm địch bố trí mìn clây- mo.

        Tuy lực lượng phòng thủ mạnh, đông quân và nhiều hỏa khí, nhưng Ngọc Tà Vát là cứ điểm độc lập, xa căn cứ Khâm Đức, nếu ta triệt cắt được trên không, thì địch rất khó chi viện bằng bộ binh, chỉ còn chi viện bằng hỏa lực pháo binh.

        Nguyễn Chơn cùng Ban chỉ huy Trung đoàn xác định cách đánh trận này là: "dùng hình thức mật tập của đặc công và một bộ phận bộ binh, sau đó, dùng một Tiểu đoàn bộ binh phát triển và làm chủ hoàn toàn căn cứ".

        Xác định xong cách đánh, Trung đoàn tổ chức tiến công trên ba hướng, bố trí trận địa hỏa lực gồm ĐKZ 75, cối 82 ly và trọng liên 12,7 ly chi viện cho các hướng, đồng thời sẵn sàng đánh viện binh địch đổ bộ đường không.

        Đêm ngày 8 tháng 5, bộ đội hành quân vào vị trí tập kết. Cùng trong đêm, các mũi trưởng đặc công và cán bộ Tiểu đoàn 40 xác định xong mục tiêu và các hướng đột kích cụ thể.

        16 giờ 30 phút ngày 9 tháng 5, sau khi đi trinh sát lần cuối về Nguyễn Chơn đưa các đại đội trưởng hỏa lực cùng Chủ nhiệm pháo đi xác định lại trận địa thì gặp một toán địch nống ra. Chúng gọi cối 106,7 ly bắn vào đội hình làm cả ba đồng chí Đại đội trưởng bị thương. Anh xác định đây là tình cờ gặp địch lùng sục, chưa hẳn bị lộ, nên vẫn giữ vững quyết tâm tổ chức bộ đội hành quân chiếm lĩnh.

        23 giờ, các đơn vị vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát. 1 giờ ngày 10 tháng 5, hỏa lực chuẩn bị xong phần tử bắn, nhưng không được đào công sự, phải chờ cho đến lúc nổ súng. Lúc này, các mũi đặc công đã lọt vào hàng rào cuối cùng, nhưng trăng sáng nên phải tiềm nhập rất cẩn thận. 1 giờ 20 phút, Trung đoàn trưởng ra lệnh tiếp cận. 2 giờ, các hướng đã vào đúng vị trí, chờ lệnh. Lúc này, mũi 1 đưa hỏa lực B41 và súng phun lửa vào, thì vấp mìn sáng. Bọn địch trong vọng gác bắn ra, đúng lúc này Nguyễn Chơn phát lệnh nổ súng. 

        Mũi 2 rất nhanh chiếm ngay lô cốt đông nam, diệt hai hỏa điểm, chiếm bờ thành, dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào. Sau 5 phút đã chiếm được khu điện đài, thu máy thông tin 50W, rồi tiến về phía bắc. Một tổ vòng qua phía đông chiếm trận địa pháo 105 ly và cối 106,7 ly. Do kho đạn địch bốc cháy, tổ này phải đi vòng mới bắt được liên lạc với mũi trưởng. Sau 8 phút chiến đấu, bộ đội ta làm chủ khu A, Trung đoàn kịp thời biểu dương và ra lệnh tiếp tục tảo trừ.

        Mũi 1 do vấp mìn địch, thiếu chủ động, nên hai phút sau mới dùng B40, B41 diệt các lô cốt phía tây nam khu B. Địch dùng hỏa lực bắn trả mãnh liệt, làm mũi này dừng lại. Đồng chí mũi trưởng quay ra gọi bộ binh vào, nhưng không liên lạc được với đại đội bộ binh, nên mũi này phải dừng ở lô cốt. Địch ở khu B dùng hỏa lực khống chế qua khu A làm bộ đội thương vong nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:28:20 am »


        Tiểu đoàn 40 (thiếu) đi theo đường cái dùng bộc phá mở rào. Đại đội 3 đã nghe tiếng đặc công gọi, nhưng bờ thành cao, bộ đội trèo lên lại bị tụt xuống, phải tổ chức kiệu nhau vụt qua, phát triển dọc chiến hào, chiếm được lô cốt phía tây khu A, dùng hỏa lực chi viện cho khu B. Sau 30 phút, khu A và khu C do ta làm chủ. Chỉ huy Tiểu đoàn 40 hội ý với chỉ huy đặc công phương án đánh qua khu B.

        2 giờ 50 phút, Đại đội 1 được lệnh đánh vào cổng chính, bị hỏa lực địch phục hồi ngăn chặn. Nguyễn Chơn lệnh cho cán bộ tác chiến Trung đoàn xuống tổ chức chiến đấu. Lúc này máy bay C130 đã lên thả đèn sáng và bắn đại liên cực nhanh xuống trận địa. Pháo ở Khâm Đức bắn vào điểm cao 550, vào trận địa hỏa lực của ta, vào phía nam khu A. Một số cán bộ bị thương không có người thay thế, nên Đại đội 1 và Đại đội trợ chiến phải dừng lại. Trung đoàn chỉ thị Tiểu đoàn 40 kiên quyết trụ lại, củng cố công sự, sẵn sàng đánh địch phản kích. 7 giờ sáng, địch tập trung súng cối từ phía đông khu C và phía bắc đánh sang. Do công sự còn sơ sài, nên một vài chốt bị địch đánh bật. Nguyễn Chơn chỉ thị Tiểu đoàn 40 cử cán bộ xuống trực tiếp chỉ huy, quyết giữ cho bằng được các vị trí còn lại.

        8 giờ, một tốp máy bay trực thăng CH47 lên. Trọng liên 12,7 ly của ta bắn mãnh liệt, nhưng một chiếc vẫn đáp được xuống, rồi lập tức lên ngay. Phân đội ĐKZ chuẩn bị sẵn phần tử, chiếc thứ 2 vừa hạ xuống, liền bị bắn cháy. Số còn lại quần lượn nhiều vòng mới dám hạ cánh. ĐKZ kết hợp với súng 12,7 ly hạ chiếc thứ 2. Sau đó, địch không dám hạ nữa, chỉ dùng pháo mặt đất và máy bay phản lực đánh phá.

        Đến 14 giờ, theo tin của địch, chúng chỉ còn khoảng 70 tên đang tập trung ở đông bắc cứ điểm. Chúng có thể dàn ra để tránh hỏa lực của ta và chờ viện binh, hoặc chuẩn bị phản kích, hoặc rút chạy. Theo dõi trực tiếp, Nguyễn Chơn phán đoán địch chuẩn bị rút chạy. Anh ra lệnh cho hỏa lực bắn vào khu địch trụ lại. Khi bộ đội xung phong, thì địch tháo chạy. Quân ta vào cứ điểm, lợi dụng công sự của chúng tổ chức chốt lại, thu chiến lợi phẩm, giải quyết hậu quả trận đánh. Khi địch tháo chạy, thì máy bay B52 thả bom xuống khu chiến. Cũng theo tin của địch, bọn tháo chạy hầu như bị B52 đánh trúng.

        Kết quả trận đánh này, ta diệt đại đội biệt kích và trung đội pháo ngụy, đánh thiệt hại trung đội bộ binh Mỹ, bắn cháy 2 trực thăng CH47, thu 2 pháo 105 ly, 1 cối 106,7 ly, nhiều vũ khí, đồ dùng quân sự khác. Bộ đội ta tháo Pháo kéo ra khỏi trận địa cất giấu.

        Trận mở đầu đánh thắng gây khí thế phấn khởi, tin tưởng, tạo thế cho chiến dịch phát triển nhanh chóng tiêu diệt địch và giải phóng Khâm Đức.

        Năm 1968 ác liệt trôi qua - một năm chiến đấu liên tục thương vong cao. Tiểu đội chỉ còn 3 - 4 người, trung đội còn 14 - 15 người, quân số bổ sung không kịp, Trung đoàn chỉ còn 1.000 người, trong khi yêu cầu 2.000 người, Sư đoàn còn 6.000 người, mà muốn triển khai đủ đội hình, phải cần 10.000 người. Đây là giai đoạn bộ đội ta gặp 4 chữ "đ": đạn thiếu, địch đông, đói triền miên, đau bệnh nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 10:19:18 am »


*

*        *

        Ai đã ở chiến trường Quân khu 5 trong thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sẽ không thể nào quên được năm 1969 - một năm giằng co quyết liệt giữa ta và địch trên chiến trường, cả về chiến dịch và chiến thuật. Những khó khăn của năm 1968 để lại cộng với việc địch tiếp tục thực hiện chủ trương "quét và giữ", đánh phá quyết liệt vào cơ sở cách mạng ở thôn, xã bằng biện pháp "bình định nông thôn". Địch tăng cường hỏa lực các loại trên chiến trường, quân Mỹ và chư hầu còn đông, nhưng địch đang chuẩn bị thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" vừa nói lên sự thất bại của chiến lược "Chiến tranh cục bộ", vừa gây bất ngờ cho ta.

        Quảng Nam và Quảng Đà là địa bàn hoạt động của Sư đoàn 2 trong năm 1969. Ở đây, địch tập trung 38 tiểu đoàn, trong đó có 23 tiểu đoàn quân Mỹ, 4 tiểu đoàn lính đánh thuê Nam Triều Tiên, gần 300 đại bác, chưa kể pháo hạm. Hai sân bay lớn Chu Lai và Đà Nẵng lúc nào cũng túc trực sẵn hàng trăm máy bay.

        Từ đèo Hải Vân đến Dốc Sỏi, từ sông Thu Bồn đến sông Cẩm Lệ, địch tập trung quân đánh phá ác liệt, cày ủi từ làng này sang làng khác thành một vùng trắng. Cả một vùng quê Gò Nổi trù phú, chỉ còn lại hố bom, hố pháo. Địch càn đi quét lại bằng bộ binh, máy bay B52 rải thảm, B57 nhằm tọa độ nghi ngờ mà trút bom xuống. Vùng dâu tằm với những tên đất, tên người nổi tiếng: Bảo An, Giáng La, Kỳ Lam, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp... giờ chỉ còn đất trộn với mảnh bom nên chỉ có cỏ lách mọc được. Địch còn dùng chiến thuật "Mỹ lết" chia quân phân tán đến trung đội đi phục kích trên các trục đường xuống đồng bằng của quân ta. Chúng liên tục hành quân càn quét ra vùng xa các căn cứ như Đại Lộc, Hiệp Đức, vào sâu vùng căn cứ của ta lên tận Thạnh Mỹ, Làng Rô, Bà Huỳnh, Bà Xá, Nước Oa, Trà My.

        Địch gây cho ta không ít khó khăn, nhất là trong bảo đảm hậu cần gạo, đạn. Có thời gian, số quân thương vong do đi cõng gạo nhiều hơn cả thương vong trong chiến đấu. Sư đoàn 2 phải phân tán để giữ thế chiến trường. Đội hình Sư đoàn (thiếu) hoạt động trên địa bàn Mặt trận Quảng Đà, Trung đoàn 31 hoạt động ở vùng Tiên Phước (Quảng Nam). Trong năm 1969, các trận đánh thắng ở An Hoà, núi Đá Đen, Bàn Cờ, Lộc Sơn, Lộc Thành, La Tháp... của Sư đoàn đã diệt và làm bị thương gần vạn tên địch, bắn cháy và phá hủy 200 máy bay, 50 xe tăng và xe bọc thép, gần 100 pháo, nhưng không có một trận đánh tập trung nào cấp trung đoàn. Phần lớn là những trận đánh đặc công, chống càn, tập kích nhỏ. Điều đó nói lên địch đã phần nào đạt được ý đồ của chúng, gây khó khăn cho các đơn vị lớn của ta trong đánh tập trung, đánh tiêu diệt.

        Để giải quyết hai nhiệm vụ giữ thế chiến trường và khắc phục khó khăn thiếu lương thực, Sư đoàn 2 phải phân tán. Trung đoàn Ba Gia lên tây Quảng Đà củng cố nâng cao sức chiến đấu, Trung đoàn 31 hoạt động ở vùng Quế Sơn, Thăng Bình (Quảng Nam), Trung đoàn 21 vào Quảng Ngãi thay thế Sư đoàn 3 về Bình Định.

        Trong những tháng ngày gian khổ, khó khăn nối khó khăn đó, cùng với quân dân cả nước, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 vô cùng đau xót khi nghe tin Bác Hồ đi xa. Tháng 9 đất trời vùng nam đèo Hải Vân mưa tầm tã. Những trận đánh vùng giáp ranh Đại Lộc, Quế Sơn mỗi ngày một ác liệt Bộ đội khoác áo mưa, băng tang đeo trên cánh tay, lặng lẽ hành quân trong mưa đêm, tiến về các mục tiêu được giao. Những trận chiến đấu biến đau thương thành hành động trong tháng 9 đã nói lên tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hướng về vị Cha già dân tộc, trong đó có cả sự ân hận chưa làm tròn nhiệm vụ đánh thắng đế quốc Mỹ để rước Bác về thăm đồng bào quê hương miền Nam.

        Nạn thiếu đói từ năm 1969 kéo sang năm 1970. Có thể nói, trong cả cuộc chiến đấu, chưa lúc nào bộ đội đói gạo lại nặng nề bằng lúc này. Bộ Tư lệnh Sư đoàn đến bữa cũng chỉ có cháo loãng nấu với môn dóc, môn thục – hai thứ rau rừng còn kiếm được. Thời đó đã có những nghị quyết khác thường. Chi bộ cơ quan Sư đoàn khai hội và ra quyết nghị: các đồng chí trong Bộ Tư lệnh phải ăn 1 lon gạo/ngày. Nghị quyết buộc các đồng chí lãnh đạo phải chấp hành, nhưng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh xin chấp hành một nửa nghị quyết. Nửa lon gạo còn lại gửi cho thương binh, bệnh binh ở Bệnh xá Sư đoàn.

        Chiến dịch hè năm 1970, trên hướng chiến trường Quảng Ngãi, Trung đoàn 21 đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn cơ động của sư đoàn 2 ngụy, diệt trên 500 tên. Ở chiến trường Quảng Nam, Trung đoàn Ba Gia, sau thời gian củng cố ở phía tây về cùng với Trung đoàn 31 hoạt động vùng Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Tam Kỳ tiêu diệt hơn 1.500 tên địch, đánh thiệt hại nặng trung đoàn 51 ngụy: cả hai hướng của Sư đoàn chỉ thực hiện được nhiệm vụ diệt một bộ phận, kéo lực lượng cơ động của địch hỗ trợ cho địa phương đánh phá bọn "bình định nông thôn" để nhân dân giành quyền làm chủ và trở về làng cũ. Nhưng, do địch hoạt động tích cực, những khó khăn về quân số, đạn dược, thuốc men, nhất là lương thực của ta chưa khắc phục được, nên đã hạn chế việc hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 10:24:56 am »


         Ngày 10 tháng 6 năm 1970, Bộ Tư lệnh Sư đoàn nhận được lệnh hành quân ra bắc đường 9 thuộc huyện Mường Phin, tỉnh Khăm Muộn, nước Lào nhận nhiệm vụ mới. Một nhiệm vụ thật đột ngột và khó tin. Sư đoàn 2 là đơn vị chủ lực của Quân khu 5, mà địch ở địa bàn Quân khu còn dày đặc, làm sao có thể ra tận Nam Lào. Bộ Tư lệnh Sư đoàn lúc đầu tưởng cơ yếu dịch nhầm, bèn gọi điện cho đồng chí Tư lệnh Quân khu. Từ đầu dây bên kia, Tư lệnh trả lời dứt khoát: "Đó là mệnh lệnh, hãy nghiêm chỉnh chấp hành, không hỏi lại".

        Sau những đợt sinh hoạt quán triệt mệnh lệnh của cấp trên, nghị quyết của Đảng ủy Sư đoàn, ngày 20 tháng 6, Sư đoàn kiểm tra sự chuẩn bị hành quân của từng đơn vị. Trung đoàn 21 vẫn đứng chân tại Quảng Ngãi, Quân khu bổ sung Trung đoàn 141 - một đơn vị của Sư đoàn 312 nổi tiếng vào đội hình Sư đoàn 2. Trung đoàn 141 là một đơn vị có bề dày lịch sử vẻ vang, là đơn vị đánh trận Him Lam mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ với Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Trung đoàn vào Mặt trận Quảng Đà đã được hơn một năm và là một năm đầy thử thách ác liệt.

        Bằng các biện pháp nghi binh như các đài 15W vẫn làm việc đúng phiên tại địa điểm cũ để địch nghĩ rằng Sư đoàn 2 vẫn ở chiến trường, ngày 22 tháng 6, Sư đoàn bắt đầu hành quân.

        Sư đoàn phó Nguyễn Chơn cùng Phó chính ủy Bùi Tùng được Bộ Tư lệnh Sư đoàn phân công đi sau cùng để bảo đảm cho đội hình hành quân không bị rơi rớt lại. Bộ đội đến Binh trạm 61, thì được lệnh bàn giao toàn bộ vũ khí nặng và đạn dược cho Binh trạm. Bộ đội chỉ mang 1/3 số lượng tiểu liên để sẵn sàng chiến đấu trên đường. Ra đến đường dây 559, bộ đội được cung cấp lương thực, thực phẩm đầy đủ. Sau hơn một tháng hành quân, ngày đi, đêm nghỉ, bộ đội càng đi, sức khoẻ càng lên. Số người suy dinh dưỡng nặng giảm dần, bệnh sốt rét cũng bị đẩy lùi. Giữa tháng 8 năm 1970, Sư đoàn đến vị trí tập kết do Bộ Quốc phòng quy định.

        Được đóng quân gần hậu phương lớn miền Bắc, Sư đoàn có điều kiện tập trung củng cố và xây dựng. Bộ đội được ăn no, mặc ấm, có thuốc men đầy đủ, có sách báo để đọc. Nền nếp chính quy được Bộ Tư lệnh Sư đoàn đưa lên hàng đầu để rèn luyện bộ đội. Việc cần thiết là xây dựng doanh trại. Cây của rừng Lào cộng với khả năng tiềm tàng  của cán bộ, chiến sĩ, chỉ trong hai tuần lễ lao động, Sư đoàn cản bản xây dựng xong nhà ở tạm cho bộ đội. Những căn nhà nửa chìm nửa nổi, có hầm sâu lút đầu đề phòng máy bay ném bom. Từ nhà này sang nhà khác đều có hào giao thông để sẵn sàng chiến đấu nếu bị biệt kích địch tấn công bất ngờ. Nhà được bố trí từng dãy theo đội hình trung đội, đại đội, tiểu đoàn. Trong nhà có giá ba lô, giá súng, có bàn ghế sinh hoạt, hội họp, có sạp nước để không phải ngủ võng. Nhà bếp, nhà ăn tươm tất, có đơn vị còn có sân bóng chuyền, có giàn phong lan...

                 Tháng 9, Sư đoàn được bổ sung quân số. Lớp chiến sĩ mới này có trình độ học vấn cao, phần lớn tốt nghiệp phổ thông cấp ba, có một số là sinh viên của các trường đại học, cao đẳng tình nguyện nhập ngũ. Tiểu đoàn đã đủ 500 đến 600 quân, Trung đoàn có trên 2.000 quân, vũ khí được trang bị mới, có nhiều loại hiện đại, phù hợp với điều kiện chiến trường.

        Đúng lúc đó, Nguyễn Chơn cùng một số cán bộ chủ chốt của Sư đoàn được lệnh lên đường ra Bắc tập kết, dự lớp tập huấn do Bộ Tổng Tham mưu triệu tập. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp khai mạc và chủ trì lớp tập huấn. Đợt tập huấn này nhằm quán triệt tư tưởng phải đánh lớn, thắng to, yêu cầu phải tiêu diệt trung đoàn, chiến đoàn, sư đoàn địch. Đánh thắng tất cả các đối tượng, các binh chủng địch. Bộ đội phải đạt trình độ tấn công giỏi, phòng ngự kiên cường, phản công giỏi. Sau 15 ngày tập huấn, Nguyễn Chơn cùng đoàn cán bộ trở về Sư đoàn.

        Trong những ngày Nguyễn Chơn đi tập huấn, thì Sư đoàn trưởng Hoàng Anh Tuấn cùng các cán bộ ở lại từ cấp Đại đội trưởng trở lên đi nghiên cứu tình hình dọc tuyến đường 9 từ Bản Đông đến Sê Pôn, Tha Mé... Cán bộ phải nắm chắc địa hình cả khu vực từ các điểm cao, các đồi trọc, khe suối được thể hiện trên bản đồ toàn bộ khu chiến. Cán bộ pháo binh cùng trinh sát đo đạc phần tử xạ kích của pháo và chọn trận địa cho các loại hỏa lực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 10:28:34 am »


        Ngoài không khí phấn khởi chung trước triển vọng của nhiệm vụ mới, bắt đầu nảy sinh một số tư tưởng khác trong một số cán bộ, chiến sĩ. Những người quê miền Nam bắt đầu suy nghĩ không biết bao giờ Sư đoàn mới trở lại chiến trường, lo lắng đồng bào, người thân bị địch khủng bố, lo lắng quê hương đang bị địch đánh phá ác liệt, không biết ngày về, ai còn, ai mất. Cán bộ, chiến sĩ quê miền Bắc vào Nam chiến đấu đã lâu, có nguyện vọng muốn được về thăm gia đình. Những nguyện vọng đó thật chính đáng, nhưng trước yêu cầu của nhiệm vụ mới không thể giải quyết được. Đảng ủy Sư đoàn khai hội đánh giá tình hình, tổ chức đợt sinh hoạt tư tưởng trong toàn Sư đoàn. Vốn là những chiến sĩ trong một đơn vị có truyền thống chiến đấu kiên cường, chịu đựng gian khổ và luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho, sau đợt sinh hoạt nghiêm túc và thẳng thắn, khí thế Sư đoàn tiến bộ rõ rệt. Tư tưởng ổn định, sinh hoạt ở các đơn vị đi vào nề nếp.

         Tháng 12 năm 1970, đồng chí Hoàng Anh Tuấn – Sư đoàn trưởng về làm Tham mưu trưởng Quân khu 5, Nguyễn Chơn được đề bạt Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Trung đoàn 31 hành quân trở lại chiến trường Tây Nguyên. Theo lệnh của Bộ Quốc phòng, đoàn cán bộ từ cấp tiểu đoàn trưởng trở lên do Nguyễn Chơn dẫn đầu lên đường vào Tây Nguyên chuẩn bị chiến trường, để nếu địch không đổ quân xuống đường 9, thì chiến dịch sắp tới của Sư đoàn là Tây Nguyên.  Sư đoàn 2 thiếu Trung đoàn 31, tiếp tục ở lại Nam Lào huấn luyện chờ lệnh mới.

         Trong lúc Nguyễn Chơn cùng đoàn chuẩn bị chiến trường rong ruổi trên đường vào Tây Nguyên, thì đế quốc Mỹ thực hành cuộc phiêu lưu mới đánh sang đường 9 - Nam Lào. Mật danh chiến dịch này lấy tên là "Chen La 2" để nối tiếp với chiến dịch "Chen La l" mà quân ngụy Sài Gòn thực hành ở Cam- pu- chia năm 1970, đánh chiếm cảng Xi- ha- núc Vin. Cả hai chiến dịch "Chen La" nhằm mục đích cắt đứt hành lang chiến lược, bịt các con đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam trên đất Cam- pu- chia và Lào, thực hiện chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh". Ngoài ra, cuộc hành quân này còn có mục đích đưa quân ngụy ra  thực nghiệm đọ sức với chủ lực ta từ miền Bắc vào. Trước mắt, đánh chiếm các bàn đạp Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo vào đầu tháng 2 năm 1970, sau đó chiếm các mục tiêu Bản Đông, Sê Pôn lập tuyến ngăn chặn cắt đôi Đông Dương. Nếu chiến dịch phát triển thuận lợi, từ tháng 3, địch sẽ chuyển xuống phía nam đánh phá kho tàng của ta trên dọc tuyến đường 559 ở các khu vực từ Mường Nọng qua A Túc, A Sầu đến A Lưới.

        Mỹ - nguy tập trung một lực lượng lớn gồm các lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng cơ động của quân đoàn 1, quân khu 1. Địch tăng cường một bộ phận bộ binh và thiết giáp Mỹ phối hợp tác chiến. Quân mặt đất, cả Mỹ lẫn ngụy được chi viện tối đa hỏa lực không quân và pháo binh Mỹ. Lực lượng lúc cao nhất, chúng sử dụng cho chiến dịch này lên tới 55.000 quân (có 15.000 quân Mỹ) gồm 12 trung đoàn, 3 lữ đoàn quân Mỹ, 578 xe tăng và thiết giáp 318 đại bác từ 105 ly trở lên. Trên 1.000 máy bay các loại Ngoài ra, còn có 9 tiểu đoàn quân ngụy Lào phối hợp hoạt động ở phía tây đường 9 - Mường Noọng.

        Đoán trước ý đồ của địch, Bộ Tổng Tư lệnh triển khai các binh đoàn mạnh để đón đánh địch. Binh đoàn 70 gồm các sư đoàn chủ lực 308, 304, 320, lực lượng của Bộ Tư lệnh 559, Sư đoàn 324 và Sư đoàn 2 Quân khu 5 cùng các trung đoàn độc lập, các đơn vị công binh. Bộ Tư lệnh Mặt trận được thành lập, do các đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Lê Quang Đạo làm Chính ủy, nhằm thực hiện nghiêm chỉnh quyết tâm của Trung ương Đảng là Tập trung lực lượng tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy, bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào, Cam- pu- chia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai

        Sư đoàn 2 hiện có trong đội hình Trung đoàn Ba Gia và Trung đoàn 141, được tăng cường thêm Trung đoàn 64 của sư đoàn 312. Nhiệm vụ đầu tiên là kiên quyết ngăn chặn nếu  địch ngoan cố đổ bộ xuống Sê Pôn, không cho chúng nối liền Bản Đông với Tà Khống. Một cánh quân khác ( Trung đoàn 141) cho một Tiểu đoàn chốt vùng Pha Lan - Mường Noọng trước khi quân ngụy Sài Gòn càn sang đường 9, sẵn sàng đánh tan địch ở khu vực này, hai tiểu đòan còn lại cơ động về phía bắc điểm cao 1180 sẵn sàng đánh quân ngụy Lào đến phối hợp với quân ngụy Sài Gòn. Sư đoàn nằm trong đội hình chiến dịch lớn, tác chiến hợp đồng binh chủng, nhiều Sư đoàn được các đơn vị pháo binh, cao xạ, thiết giáp chi viện tối đa.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM