Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:49:48 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 34121 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:59:18 am »


        Trải qua 30 năm chiến tranh, qua nhiều chiến trường, nhiều trận đánh, nhiều đối tượng tác chiến, từ chiến sĩ Vệ quốc đoàn, cán bộ sơ cấp, trung cấp, cao cấp, ông có nhiều suy nghĩ về chỉ huy đánh tiêu diệt địch, về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật.

        Theo ông, đánh tiêu diệt còn gọi là "cạo trọc", xóa sổ phiên hiệu đơn vị đối phương. Đánh tiêu diệt gọn cũng là một nghệ thuật, một phương án tác chiến, một cách đánh hiểm, đánh đau, đánh cho địch không kịp trở tay. Mặc dầu địch có nhiều đối tượng khác nhau, đánh nhiều trận ở các địa hình, thời tiết khác nhau, trang bị và cách đánh cũng khác nhau, mạnh hơn ta về hỏa lực, vì vậy đã đánh, thì phải chuẩn bị chu đáo về ta, về địch, về địa hình, thời tiết.

        Thượng tướng Nguyễn Chơn nói: Trong trận đánh phản công quân ngụy Sài Gòn, hỏa lực của Mỹ trong chiến dịch Nam Lào năm 1971, thì phương án tác chiến là đánh địch đang tấn công, ta phản công (địch tấn công ta về chiến dịch, chiến lược, ta phản công địch về chiến dịch, chiến lược). Khi địch bắt đầu dao động, ta tấn công ngay, nếu không tấn công, thì mất thời cơ tiêu diệt gọn quân địch. Do đó, tôi chỉ huy Sư đoàn 2 tiêu diệt trung đoàn 1 của sư đoàn 1 ngụy và 2 tiểu đoàn của trung đoàn 2 thuộc sư đoàn 1 ngụy, bắt trên 30 sĩ quan, gần 1.000 quân lính.

        Giải phóng Đà Nẵng ngày 29 tháng 3 năm 1975, tình thế chiến lược chung đã tạo thế rất có lợi cho ta. Mặc dầu hỏa lực địch còn mạnh, quân còn đông, nhưng quân địch bị dao động, ý chí thất bại thể hiện đã rõ, thì cách đánh của ta là tấn công trong hành tiến, chiếm Vùng 1 chiến thuật, hai sân bay, cảng hải quân, tòa thị chính, bán đảo Sơn Trà...

        Dù tình huống chiến dịch, chiến lược như thế nào đi nữa, người cầm quân xác định phải tấn công tiêu diệt gọn quân địch. Như vậy đánh tiêu diệt địch về phương án thì cách đánh ra sao? Ngay từ đầu, ta tiêu diệt sở chỉ huy trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn địch với 4 chia cắt: Một là, chia cắt bộ binh địch với không quân địch, chủ yếu là đánh địch đổ quân, địch ném bom; hai là, chia cắt bộ binh địch và pháo binh địch, chủ yếu kèm pháo và đánh pháo địch; ba là, chia cắt bộ binh địch và xe tăng địch, chủ yếu đánh xe tăng địch (về đánh xe tăng địch, ta có đơn vị chuyên trách); bốn là, chia cắt bộ binh địch và bộ binh địch, không cho chúng cụm lại.

        Còn trong đánh gần, quan trọng là người chỉ huy phải suy nghĩ, có phương án, cách đánh đúng mới giải quyết được, “1 tiêu diệt, 4 chia cắt”. Quan trọng là cài đội hình quân ta áp sát vào đội hình quân địch để tiêu diệt chúng. Cài đội hình rồi, khi ta nổ súng tấn công, địch không tiến được, không lùi được, không tháo chạy được, không co cụm được, không cho viện binh đến ứng cứu được (kể cả đường bộ, đường không). Như vậy, ta xác định áp sát đánh gần, thì hạn chế máy bay, pháo binh địch. Đánh gần thì hạn chế hỏa lực trên xe tăng và bộ binh địch (trung liên, đại liên). Đánh gần cũng là cách hạn chế pháo, kèm không quân địch. Tóm lại, đánh gần thì các loại hỏa lực địch bị vô hiệu hóa, hỏa lực ta các cỡ súng đều phát huy được.

        Chú trọng dân chủ quân sự

        Về ta, xây dựng cán bộ chỉ huy các cấp, chiến sĩ cũ và chiến sĩ mới có một tác phong anh dũng, sẵn sàng đánh giáp lá cà với địch khi xông trận. Đánh gần là phát huy yếu tố tinh thần của bộ đội ta và hạn chế cái mạnh của địch. Trước đây, phương châm của Sư đoàn 2 là "nắm thắt lưng địch mà đánh". Thể nghiệm trên chiến trường hàng chục năm qua, nhiều chiến dịch, nhiều đối tượng địch, nhiều trận đánh then chốt, thì ông phương án, cách đánh này rất tốt, làm cho cán bộ trên -dưới thống nhất, ăn ý với nhau. Do đó, trong chiến tranh, thời gian có gấp gáp bao nhiêu đi nữa, vẫn phải thực hiện dân chủ quân sự trước khi ra trận.

        Không chỉ bây giờ mới đặt vấn đề dân chủ quân sự. Trong chiến tranh, ta cũng đã thực hiện dân chủ quân sự một cách có hiệu quả. Thông thường, thực hiện quân sự dân chủ tốt bao nhiêu, thì quán triệt nhiệm vụ đầy đủ bấy nhiêu. Khi chiến đấu, để cấp trên, cấp dưới hoạt động thống nhất phải bắt nguồn từ quán triệt nhiệm vụ, hiểu nhiệm vụ đến nơi, đến chốn, ở quy mô một chiến dịch, một trận đánh then chốt cũng vậy. Đó cũng là tác phong chỉ huy ông rút ra được qua 16 năm chỉ huy đánh Mỹ từ cấp tiểu đoàn đến sư đoàn. Khi làm Tư lệnh Quân khu, chỉ huy tác chiến trên Mặt trận 579 làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn ở Cam-pu-chia, hay khi chỉ huy tập trung đánh từ một đến hai sư đoàn địch tăng cường trong một trận đánh, ông cũng tổ chức thực hiện dân chủ quân sự trên sa bàn. Yếu tố đánh tiêu diệt gọn phải chuẩn bị toàn diện, nhất là chuẩn bị về ta, chuẩn bị về địa hình, tổ chức hợp đồng và các công việc tổ chức khác, nhưng yếu tố dân chủ quân sự thì không bao giờ được bỏ qua. Quá trình chiến đấu quy mô càng ngày càng lớn ở chiến trường, tác chiến liên tục nhiều chiến dịch kế tiếp nhau, cán bộ phát triển, thay nhau liên tục; chiến sĩ sau một trận đánh, một chiến dịch lại bổ sung. Nhờ thực hiện dân chủ quân sự, cứ kèm 2 chiến sĩ cũ -1 chiến sĩ mới, hoặc 2 chiến sĩ mới -1 chiến sĩ cũ thì đều đánh thắng và đánh tiêu diệt gọn, xóa sổ nhiều trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn của địch và một số căn cứ lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 07:00:44 am »


        Ưu việt của đánh tiêu diệt

        Về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, đánh tiêu diệt là phải nghiêm túc chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên và muốn đánh tiêu diệt tốt, phải chống đánh xa, đánh ẩu, hay chỉ nặng về hỏa lực. Chỉ huy một đơn vị là xác định các yếu tố huấn luyện quân, nuôi quân, kỷ luật chiến trường phải nghiêm túc, nhất là cán bộ, chỉ huy càng cao, càng nghiêm minh, nêu gương trước cán bộ, chiến sĩ, hành động tiêu biểu cho cấp dưới noi theo.

        Đánh tiêu diệt tốt thì xây dựng được sự đoàn kết cán -binh, xây dựng được lòng tin cho bộ đội, chuẩn bị tư tưởng cho các chiến dịch sau, các trận đánh sau. Đánh tiêu diệt gọn thì thời gian chiến đấu ngắn; thương binh, tử sĩ của ta so với địch ít hơn. Đây cũng là quan điểm tiết kiệm xương máu chiến sĩ. Đánh tiêu diệt được thì số lượng đạn các loại sử dụng không nhiều, hiệu quả tiêu diệt cao. Đánh tiêu diệt tốt, sẽ làm chủ chiến trường, bắt tù binh, thu vũ khí, giải quyết thương binh, tử sĩ của ta tốt; ngược lại nếu không làm chủ chiến trường, thì thương binh, tử sĩ của ta có khi phải để lại trận địa.

        Đánh tiêu diệt tốt sẽ thuận lợi cho phát triển cán bộ, phát triển đảng viên, góp phần xây dựng truyền thống cho đơn vị, để lại dấu ấn tốt cho cán bộ, chiến sĩ tạo thành nề nếp, tác phong chiến đấu, nhất là các chiến dịch sau, các trận then chốt sau thắng lợi to hơn.

        Suy cho cùng để đạt hiệu quả đánh tiêu diệt địch về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật thì vai trò của người cán bộ, chỉ huy là yếu tố quyết định. Có khi nghị quyết, mệnh lệnh đúng, nhưng chỉ huy kém, không những không tiêu diệt được địch, mà gây tác hại xấu cho đơn vị mình. Qua thực tế 16 năm chỉ huy ở chiến trường Liên khu 5, khi ra trận, buộc lòng tôi phải thay một số cán bộ dưới quyền như trung đoàn trưởng, trung đoàn phó, vì họ không nghiêm túc và thiếu sáng tạo. Ví như, ngày 28 tháng 3 năm 1975, khi tôi chỉ huy Sư đoàn 2 hành tiến theo trục dường số một từ thị xã Tam Kỳ tiến về giải phóng Đà Nẵng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 không chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên là "đi lướt, bỏ qua các quận lỵ như Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn", mà sa vào đánh địch ở nơi đó, làm hạn chế bước tiến của Trung đoàn 38, trong khi đó giải phóng Đà Nẵng càng nhanh, càng tốt, là mục tiêu số 1. Đây cũng là qua thử thách để rèn luyện cán bộ, để cán bộ có đủ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng, vươn đến đỉnh cao hơn.

        Qua thực tiễn chiến tranh của một cán bộ từng trải ở chiến trường đã chỉ huy cấp chiến dịch, chiến thuật, ông đúc kết một số kinh nghiệm trên để góp phần xây dựng nhận thức chung cho những cán bộ chưa thật vững vàng trong xây dựng, huấn luyện chiến đấu. Phát huy truyền thống "Đã đi là đến, đã đánh là thắng", bản thân ông qua nhiều năm trường, trong đánh Pháp, đánh Mỹ ở nhiều cương vị khác nhau, đánh tiêu diệt với ông là một dấu ấn, một biểu tượng của người cán bộ, chỉ huy ở chiến trường, còn đánh gần là tác phong chỉ huy chiến đấu thường trực.

        Theo ông, cán bộ trẻ, chiến sĩ mới hiện nay đang huấn luyện, xây dựng làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, có thể tham khảo và đúc rút những kinh nghiệm này để áp dụng trên bãi tập và bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Đánh tiêu diệt, dù chiến tranh giải phóng, hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cũng là truyền thống, bản chất xuyên suốt của quân đội ta.

Thượng tá LÊ ANH DŨNG ghi       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 08:39:45 pm »

       
MẤY SUY NGHĨ VỀ CÁNH NAM

NGUYỄN CHƠN          

        Trước hết, hãy tìm lại những tính toán của tướng Ngô Quang Trưởng -tư lệnh vùng 1 chiến thuật và quân đoàn 1 nguy có nhiệm vụ tử thủ Đà Nẵng lúc đó. Qua tư liệu, ta biết rằng, sau khi Huế thất thủ, Trưởng vẫn tin tưởng ta chưa giải phóng được Đà Nẵng. Sự kiện Tết Mậu Thân 1968 càng củng cố cho nhận định của Trưởng về thời cuộc lúc đó. Và nhiều lần Trưởng đã nói với cấp dưới rằng: Trước sau gì, quân đoàn của y cũng sẽ tái chiếm được Huế. Dựa trên những dữ kiện nào để Trưởng tin tưởng quân nguy có thể tử thủ được Đà Nẵng?

        Để đánh vào Đà Nẵng, địch biết rằng ta sẽ tiến theo 3 hướng. Hướng bắc sẽ là hướng chủ yếu gồm lực lượng của Quân đoàn 2 đang sung sức sau khi giải phóng Huế. Ở hướng này, ta phải vượt qua chướng ngại lớn nhất là đèo Hải Vân, có Lăng Cô, đồn Nhất trên đỉnh đèo, các sườn dốc phía nam đèo... Chướng ngại này có lợi cho địch hơn cho ta, một người có thể chống được nhiều người. Hướng tây từ Thượng Đức, Đại Lộc là hướng tiến quân của Sư đoàn 304 -đơn vị đã chiến đấu quyết liệt chống lại các đợt phản kích của sư đoàn dù và các đơn vị khác của ngụy để bảo vệ vùng Thượng Đức mà ta mới mở ra cuối năm 1974 đang thời kỳ củng cố. Hướng nam là hướng tiến quân của các đơn vị thuộc Quân khu 5 sau khi giải phóng Tam Kỳ, gồm Sư đoàn 2, Lữ đoàn 52, các trung đoàn xe tăng, cao xạ, pháo tầm xa. Đường tiến quân trên hướng này phải qua các chướng ngại vật thiên nhiên là các sông Thu Bồn, Bà Rén, Vĩnh Điện. Nếu cầu trên các sông này bị đánh sập, thì đường tiến quân của ta sẽ gặp trở ngại, nhất là các đơn vị xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ. Trên thực tế, ngày 27 tháng 3, Ngô Quang Trưởng đã cho máy bay đánh sập các cầu Hương An, Bà Rén, Câu Lâu. Viên trung tướng Tư lệnh Quân đoàn 1 đánh giá rằng: Hướng nam là hướng an toàn nhất trong kế hoạch phòng thủ Đà Nẵng. Như tài liệu sau này ta thu được, ngày 18 tháng 3, tại dinh Độc Lập, Trưởng đã đề nghị Thiệu cho lập 3 cứ điểm phòng thủ tại Huế, Đà Nẵng, Chu Lai. Gợi lại chi tiết này để hiểu rõ quyết tâm tử thủ Đà Nẵng đến cùng của Ngô Quang Trưởng. Ý chí của Trưởng chỉ bị lung lay khi chiều 20 tháng 3, Trưởng nhận được bức điện của Cao Văn Viên -Tổng tham mưu trưởng quân ngụy truyền đạt mệnh lệnh của Thiệu rút lữ đoàn không quân số 1 về Sài Gòn, việc phòng thủ Đà Nẵng chỉ còn quân đoàn 1. Trưởng buộc phải tuyên bố. "Tôi sẽ chết với cố đô xưa. Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vào được Huế".

        Trong chiến dịch Xuân 1975, yếu tố bất ngờ là một trong những nguyên nhân làm suy sụp quân ngụy. Ở cánh Nam, quân ta đã tận dụng triệt để yếu tố bất ngờ. Ngày 27 tháng 3, với cương vị là Tư lệnh Sư đoàn 2 Quân khu 5, tôi được triệu tập về Sở chỉ huy cơ bản Quân khu ở Trà Nô, nhận lệnh đưa Sư đoàn tấn công giải phóng Đà Nẵng. Lúc đó ở Đà Nẵng, lực lượng địch còn rất đông, hơn 100 nghìn quân gồm sư đoàn 3 bộ binh, sư đoàn lính thủy đánh bộ, tàn quân các sư đoàn 1, 2; liên đoàn biệt động; cùng hàng chục tiểu đoàn bảo an, hàng trăm trung đội dân vệ, 5 nghìn cảnh sát, sư đoàn 1 không quân với 373 máy bay các loại, 7 tiểu đoàn pháo, các trung đoàn thiết giáp cùng lực lượng hải quân đóng ở quân cảng Đà Nẵng... Lúc đó, cánh quân phía Nam của ta đang ở vùng Tuần Dưỡng, Tam Kỳ, Chu Lai. Nếu cứ tuần tự tấn công đánh chiếm các quận lỵ trên dọc đường số 1, thời gian sẽ chậm và yếu tố bất ngờ sẽ mất. Những ngày đó, Ngô Quang Trưởng vẫn nghĩ rằng, ở hướng Nam quân ta không thể đánh nhanh được vì lực lượng không bằng hướng Bắc. Từ ngã ba Hương An, tôi ra lệnh cho Trung đoàn 38 lúc đó đang ở Tuần Dưỡng, là đơn vị đi đầu của Sư đoàn, bỏ qua quận lỵ Thăng Bình, theo quốc lộ 1 tiến thẳng ra Đà Nẵng. Anh Nguyễn Thí – Trung đoàn trưởng 38, vì không nắm rõ thời cơ, không nhạy bén trước tình hình, vẫn cho bộ đội đánh quận lỵ Thăng Bình, nên bị cách chức. Vì nếu bỏ qua các quận lỵ trên đường tiến quân, khắc phục được các chướng ngại vật thiên nhiên, thì hướng nam là hướng thuận lợi để đánh vào sở chỉ huy quân đoàn 1, sân bay Đà Nẵng, tòa thị chính nhanh nhất. Hướng nam với các trục giao thông thuận lợi quân ta còn có thể tiến quân về phía Non Nước, sân bay Nước Mặn, Sơn Trà, cảng Đà Nẵng.

        Mờ sáng ngày 28 tháng 3, Sư đoàn 2 chia làm hai cánh. Một cánh theo đường số 1 gồm Trung đoàn 38 và Trung đoàn Ba Gia; một cánh khác gồm Trung đoàn 31 và Trung đoàn 36 theo đường sắt tiến ra giải phóng Đà Nẵng. Đến 12 giờ trưa ngày 29 tháng 3, tôi cùng đơn vị đi đầu của Trung đoàn Ba Gia đã có mặt tại sân bay Đà Nẵng, lúc máy bay địch đang cất cánh đưa quân tháo chạy. Bộ đội ta nổ súng chiếm đường băng rồi từ sân bay đánh thẳng sang chiếm bộ tư lệnh quân đoàn 1, cùng với các lực lượng nội thành cắm cờ lên tòa thị chính Đà Nẵng.

        Như vậy vai trò của cánh Nam đối với chiến dịch giải phóng Đà Nẵng là gì? Đó là cánh quân binh chủng hợp thành tham gia một hướng của chiến dịch mà lúc đầu địch đánh giá là hướng thứ yếu, nhưng do ta chớp thời cơ, xử trí tình huống đúng, dựa vào một vùng đất có chiến tranh nhân dân phát triển, ba thứ quân triển khai đồng đều, nên đã nhanh chóng thọc sâu, đánh vào bên sườn, phía sau vùng 1 chiến thuật, nhanh chóng đánh trúng vào các mục tiêu chính, làm cho địch hoàn toàn bị động, không còn đủ sức tập trung lực lượng để đối phó với cánh Bắc – cánh mà địch chú ý nhất. Phải nói rằng, nếu không có chiến tranh nhân dân, quân ta ở cánh Nam không thể thực hiện đánh địch đòn bất ngờ này. Hàng trăm chiếc thuyền của đồng bào Duy Xuyên, Hội An đã chở cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Ba Gia vượt sông Thu Bồn. Từ Vĩnh Điện ra Đà Nẵng, bộ đội đã hành quân thần tốc bằng các phương tiện mà nhân dân có thể huy động được: xe đò, xe lam, xe tải... Nhân dân đã cung cấp từ tin tức về địch, lương thực, thực phẩm đến dẫn đường vào các mục tiêu. Tóm lại mùa Xuân năm 1975, trên đường tiến quân của cánh Nam chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, thế trận chiến tranh nhân dân đã đạt đến đỉnh cao rực rỡ, kết quả của hàng chục năm tích lũy trong thực tiễn chiến đấu và đúc kết kinh nghiệm, đóng góp một cách phong phú và sinh động cho quan điểm chiến tranh cách mạng của Đảng ta. Năm 1946, khi chưa đầy 20 tuổi, tôi đã vinh dự chiến đấu ở mặt trận Thái Phiên, chống lại quân đội Pháp đánh chiếm Đà Nẵng. Từ một chiến sĩ vệ quốc đoàn, gần 30 năm sau, trong gian khổ ác liệt của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tôi đã trở thành người chỉ huy một sư đoàn có nhiều truyền thống anh hùng, cùng đồng đội đánh một đòn trực tiếp vào Đà Nẵng, căn cứ quân sự lớn nhất, nhì của Mỹ và tay sai ở miền Nam. Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời cầm súng của tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 08:43:59 pm »

         
PHÒNG, TRÁNH BÃO, LŨ LÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN, CHỦ YẾU, CHIẾN LƯỢC

"Ông tha, mà bà chẳng tha.
Làm chi cũng lụt hăm ba tháng mười”.

        Đúng vào ngày 23 tháng 10 âm lịch năm Giáp Thìn (1964) ở huyện Trà My, khu vực đầu nguồn sông Tranh, khi đó tôi là trợ lý tác chiến Trung đoàn 1, đã chứng kiến trận lũ khủng khiếp trên vùng đất Quảng Nam: nước lũ cuốn trôi cả cơ quan Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn, đại đội 12,7 ly đóng quân bên sát mé đồi và cả hai làng đồng bào dân tộc.

        Lúc ấy, Ban chỉ huy Trung đoàn đóng ở trên cao, tôi ở cách suối vài trăm mét thấy lũ cuốn trôi nhà, trôi người, mà ứa nước mắt bất lực, vì không có phương tiện ứng cứu, vì lũ quét bất ngờ. Cảnh tượng ám ảnh suốt cả đời tôi là nước lũ mạnh, cuốn phăng cây cối, nhà cửa, đồng ruộng, đá sỏi xung quanh, tạo thành dòng sông lớn cuốn trôi toàn bộ hai làng đồng bào dân tộc ở bên dưới. Nhìn lên Trà Linh, đầu nguồn sông Tranh, tôi còn chứng kiến lũ làm trôi cả voi Những chú voi to như cái đình làng, bị cuốn trôi, đầu voi trồi lên ngụp xuống, vẫn thấy cái ngà trắng; dân bu bám trên các nóc nhà trôi trên sông kêu la, quơ tay kêu cứu trong tuyệt vọng. Khiếp đảm hơn, khi ngó lên thượng nguồn, tôi nghe nước chảy ầm ầm và bỗng dưng phát ra tiếng nổ long trời lở đất, hai quả núi cao ở hai bên lòng sông đổ sập vào nhau và bị lũ cuồn cuộn cuốn trôi hết hai phần ba.

        "Thủy, hỏa đạo tặc", từ xa xưa, ông cha chúng ta đã đúc kết lũ, lụt là giặc: Đánh giặc lũ cũng phải có cách, chứ không chủ quan khinh địch", "nước đến chân mới nhảy". Tôi cho rằng công tác phòng tránh là quan trọng nhất, nó là giải pháp vừa cơ bản, chủ yếu lâu dài, vừa là chiến lược không chỉ hôm nay, mà trong suốt quá trình trị thủy của dân tộc ta. Ngoài công tác đắp đê, hộ đê, chằng chống, di dời nhà cửa... ta phải mở hướng phòng tránh, ứng cứu cho hiệu quả, thiết thực.

        Thực tế cho thấy, hàng chục đảo ở Trường Sa bị sóng biển, gió gào vây quanh bốn phương, tám hướng, nếu bộ đội chúng ta không xây nhà vững chắc như lô cốt, thì làm sao hằng năm chống chọi lại nổi hàng chục trận mưa bão dữ dằn, áp thấp nhiệt đới phức tạp, không theo quy luật của thời tiết. Cần vận dụng, rút kinh nghiệm mô hình làm nhà ở phòng tránh bão, tránh xói lở ở Trường Sa để làm nhà trong đất liền. Nhà dân, hoặc các công trình, trụ sở, cơ quan Nhà nước ở các sườn núi cao, nhất là ở sát ven biển, ven sông có nguy cơ bão lũ đe dọa cao, cần phải xây dựng hợp lý, chống chọi được với sức gió cấp 10, 12 trở lên (tham khảo các mô hình xây nhà tránh bão lũ cho các hộ dân nghèo của các Viện quy hoạch đô thị). Theo tôi, cần đặt trạm báo bão ở Trường Sa vừa báo thông tin cho các thuyền, ghe đánh cá của ngư dân khu vực này phòng tránh bão, vừa làm nhiệm vụ cầu nối thông tin cho đất liền. Kinh nghiệm cho thấy bão Ở Trường Sa, thì vài ngày sau mới vào đến đất liền. Hễ đường đi của bão hướng về phía bắc Trường Sa, thì bão sẽ đổ vào địa bàn Quân khu 4 trở ra; hướng về phía nam Trường Sa, thì bão sẽ đổ vào địa bàn Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9.

        Ở những hướng trọng điểm của sức gió, sức nước, cần chú ý di dời nhà đi nơi khác, không thể bất chấp quy luật, "cố đấm ăn xôi" được. Thực tế Ở miền Trung, qua cơn lũ thế kỷ năm 1999, qua hai cơn bão số 1, số 6, nếu không rút kinh nghiệm xương máu "sống chung với bão, lũ”, thì hậu quả sẽ gấp nhiều lần. Công tác phòng, tránh là chính, địa phương, cơ sở phải chủ động "tự cứu lấy mình", không có tư tưởng ỷ lại cấp trên, chống tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác.

        Trường hợp bất trắc nếu bão lũ phong tỏa cả đường không, đường thủy, đường sắt, đường bộ (quốc lộ, tỉnh lộ), thì ta mở đường nào để cứu dân? Theo tôi, ta sẵn có lối ra tuyệt vời là đường Hồ Chí Minh chạy qua cả Quân khu 4 và Quân khu 5. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng, Nhà nước ta quyết tâm xây dựng đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong thời kỳ tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên con đường Trường Sơn lịch sử năm xưa. Đó không chỉ là con đường kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn kháng chiến, căn cứ năm xưa, mà còn là con đường ứng cứu bão lụt, thiên tai xảy ra. Từ hướng chính của con đường Hồ Chí Minh, ta có thể chủ động mở ra các tuyến nhánh rẽ về các địa phương thuộc Trung Trung Bộ -Quân khu 4, Quân khu 5 -để mở đường cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn. Lúc này các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, nhất là giao thông vận tải, công binh phải vào cuộc "xắn tay áo lên" làm nhiệm vụ ứng cứu một cách bài bản, có hiệu quả. Trong bão, khi các phương tiện ứng cứu án binh bất động, thì tôi thấy lãnh đạo, chỉ huy Bộ chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng đã nhạy bén dùng xe bọc thép lao đi trong cuồng phong bão, lũ để vừa kiểm tra công tác phòng tránh của các đơn vị trực thuộc, vừa dùng để chở các nạn nhân bị thương do bão gây ra một cách kịp thời, có hiệu quả. Trong cơn lũ thế kỷ năm 1999 ở Đại Lộc -Quảng Nam, khi ba bên bốn bề nước vây phủ, đường thủy, đường bộ đều bị phong tỏa, chỉ còn một con đường duy nhất là đường không do trực thăng của Sư đoàn B72 không quân thực hiện. Máy bay quần đảo trên bầu trời xám xịt, chỉ có các ngọn đồi cao được phát quang cây cối, sử dụng làm sân đỗ dã chiến mới có chỗ đáp xuống đưa hàng cứu trợ. Khi lũ, lụt bao vây, phong tỏa nhiều ngày, ở các vùng miền núi cao, ở các khu vực xa trung tâm, cần thiết lập bệnh viện dã chiến với đội ngũ y sĩ, bác sĩ cơ động để kịp thời cứu chữa nhân dân. Như vậy, phương án "bốn tại chỗ" cũng sẽ được ứng dụng có hiệu quả cho phòng tránh bão, lũ.

        Với các đơn vị quân đội, công tác chủ động phòng tránh bão, lũ lại có yêu cầu cao và quan trọng hơn. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, bộ đội còn có nhiệm vụ làm công tác dân vận, giúp dân khi có yêu cầu. Trong điều kiện thiên tai, bão, lũ, thì cứu dân là "mệnh lệnh trái tim" của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, của người lính Cụ Hồ. Nhiều năm qua, các đơn vị lực lượng vũ trang đã xả thân cứu dân trong bão, lũ đã có nhiều tấm gương hy sinh quên mình vì sự sống và tài sản của nhân dân trong vùng "rốn lũ', "mắt bão". Có phòng tránh tốt ở đơn vị mình, mới bảo đảm cho công tác xây dựng đơn vị, sẵn sàng chiến đấu cao, đồng thời, mới có thời gian huy động lực lượng và phương tiện cơ động đi ứng cứu giúp nhân dân và chính quyền các địa phương nơi đóng quân.

Thượng tá LÊ ANH DŨNG ghi        
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 08:48:05 pm »


NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG

Nhà văn THÁI BÁ LỢI       

        Đứng trên đèo Hải Vân nhìn xuống vịnh Đà Nẵng, tầm mắt ta hãy dừng lại ở bãi cát Xuân Thiều rồi dõi về phía nam vài cây số sẽ đến làng Phú Lộc, quê hương người chỉ huy Nguyễn Chơn. Làng nằm sát biển, nhưng dân làng phần đông sống bằng nghề làm ruộng, số khác dùng nghề đốn củi trên đèo Hải Vân làm kế sinh nhai thời ngọn đèo nổi tiếng còn là rừng đại ngàn. Tộc Nguyễn chiếm hai phần ba dân làng. Bây giờ trở về Phú Lộc thuộc phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng ta đi trên con đường làng được đổ bê tông, chạy sát hàng rào Trường Đại học Bách khoa, nhưng thời năm 1946 nó chỉ là một con đường nhỏ, cát ngập mắt cá chân. Năm ấy Pháp chiếm lại Đà Nẵng, cũng là năm Nguyễn Chơn nhập ngũ. Mỗi người lính bước vào quân đội đều theo những hoàn cảnh khác nhau.

        Cách chia tay gia đình lên đường của Nguyễn Chơn thì thật là hiếm có. Nhà văn Nguyễn Chí Trung đã tả lại buổi chia tay ấy:

        " …Chơn thưa với cha:

        - Cho con đi tòng quân, Pháp hắn trở lại rồi.

        Bà mẹ hỏi:

        - Tòng quân có chết không?

        Nguyễn Chơn cười:

        - Có sống, có chết.

        Ông cha nói:

        - Mi đi, hắn giết hết cả nhà. Giết y như giết cộng sản hồi trước.

        Ông gọi:

        - Cấp ơi, Nhã ơi, Khâm ơi, út ơi! Ra cả đây. Chởn ơi (tên khai sinh của Nguyễn Chơn) thôi mi giết hết cả mẹ, cả cha, cả em, rồi mi đi. Mi không giết, Tây đến, hắn biết mi đi đánh Tây, hắn cũng giết.

        Bên An Hải, trong Ngã Năm, dưới bến đò lửa cháy, những cột khói đen ùn ùn che lấp cả Sơn Trà. Ngoài khơi, tàu chiến Pháp đậu lô nhô, ca- nô máy cập vào Vũng Thùng.

        Tai nghe súng nổ cái đùng.

        Thôi rồi Tây chiêm vũng Thùng hôm qua...

        Câu ca ngày xưa, gieo qua mấy thế hệ, bén rễ vào gan vào óc, như vọng lên tím bầm từ mặt đất pha cát nghèo nàn những đôi chân trần đang đứng kia.

        Nguyễn Chơn cúi đầu thưa với cha:

        - Cha nạ, cho con đi thôi, không đi thì mất nước.

        Một con người không chắc gì đã nhận biết được hết  khát vọng của chính mình. Bởi thế, cho dù là cha mẹ, anh em máu mủ ruột rà, ở bên ngoài cái tâm hồn sống ấy, của riêng nó đơn nhất mà vô cùng, làm sao có thể nhận biết trọn vẹn.

        Nguyễn Chơn lại nói:

        - Xin cho con đi thôi. Cha đừng ép con ở lại với bọn giặc.

        Giữa tất cả những ngổn ngang bề bộn, lửa máu, nước mắt ròng ròng, cái giật mình đau đớn tiếng gọi tòng quân có thể đốt lên thành đuốc, sự bịn rịn đến não lòng, làm sao có thể diễn đạt cho những người thân nhận ra được khát vọng kết tủa trong tro, trong cát, trong muối đọng và biển sâu trong vô vàn những sườn núi đá chen đầy các cành hoa dại tỏa hương, trên đèo Mây, trên núi Chúa và trong tâm hồn của người thanh niên trai tráng.

        Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau không nói. Còn khát vọng, khát vọng lại chỉ có thể nói bằng một nỗi đau mà mỗi dân tộc từ thuở hoang sơ và mỗi con người đơn nhất và vô cùng đều có.

        Nguyễn Chơn đứng gần hơn về phía cha:

        - Cha tha lỗi cho con. Con đã quyết chí rồi.

        Chính trong giây phút ấy, may ra nỗi đau mới có thể lý giải được sự khôn cùng của khát vọng. Nguyễn Chơn chặt đứt ngón chân út của mình...".

        Một nhà làm phim tâm sự rằng nếu làm bộ phim về cuộc đời Tướng Nguyễn Chơn, cảnh quay dầu tiên sẽ là dấu bàn chân cụt ngón út in rõ trên nền đất quê hương. Nhưng trước ngày làm cái việc chứng tỏ quyết tâm mà cả gia đình không thể thay đổi được ý định của mình, Nguyễn Chơn đã đến với cuộc cách mạng khi vừa mới thành công.

        Anh tham gia thanh niên cứu quốc, tham gia bầu cử Quốc hội đầu tiên. Anh nhớ mãi câu:

        “A lô, a lô Tổng tuyển cử đến rồi
        Quốc dân đại hội ai thay đồng bào
        Trần Tống, Lê Hiến, Phan Thao
        Phan Bôi, Võ Sả, đồng bào ghi đi
        Phan Diêu, Huỳnh Huệ, Trần Tri
        Lâm Quang Thự, Trần Diễn nên ghi cho rành
        Nguyễn Thế Kỷ, Bà Phan Thanh
        Phan Bằng, Nguyễn Nhị ghi danh cho rồi.. . ".


        Anh cùng cử tri quê hương học thuộc lòng để đi bầu không sai. Thời ấy, chín mươi phần trăm dân ta mù chữ. Vậy mà kết quả bầu cử thu được đúng như ý nguyện của các nhà cách mạng dù cuộc bầu cử diễn ra trong tiếng súng khiêu khích ở phía nam và sự phá hoại của các thế lực thù địch khắp nước. Nguyễn Chơn tham gia diệt tề, góp sức vào công việc tiêu thổ chuẩn bị kháng chiến. Đó là những việc người anh hùng tương lai đã làm trước tháng 2 năm 1946. Chia tay gia đình với ngón chân út cụt còn rỉ máu, anh được phân về Tiểu đoàn 19 Quảng Nam. Nhà quân sự nổi tiếng Giáp Văn Cương lúc ấy làm Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của anh. Từ đó Nguyễn Chơn bước vào con đường chuyên nghiệp: bảo vệ Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 10:02:15 am »


        Những trận chiến đấu dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Giáp Văn Cương diễn ra ở phía bắc Đà Nẵng, vùng gần sân bay bây giờ. Khi Đà Nẵng thất thủ, Nguyễn Chơn cùng đơn vị hành quân lên đầu nguồn sông Trường Định. Địch từ Liên Chiểu, Nam Ô đánh lên. Quân ta phòng ngự ở Khe Sỏ, Bàu Bàng. Rồi sau đó theo lệnh của Mặt trận, Tiểu đoàn của anh vượt sông Cẩm Lệ ở bến Đò Xu về vùng La Tháp, Kiểm Lâm thuộc huyện Duy Xuyên.

        Trận phục kích quân Pháp trên đèo Hải Vân là trận đánh đáng nhớ trong những năm đầu Nguyễn Chơn phục vụ Tiểu đoàn 19. Trận đó xảy ra vào tháng 5 năm 1947. Đại đội trưởng Lạc, người dân tộc Tày giao cho Nguyễn Chơn nhiệm vụ khóa đuôi. Một đại đội lính Pháp trên những chiếc xe cam- nhông tiến từ Đà Nẵng ra. Các chiến sĩ trinh sát dùng dây dừa kéo từ vị trí quan sát về Sở chỉ huy Tiểu đoàn. Giật dây mấy cái báo tin xe địch xuống đèo mấy chiếc, lên đèo mấy chiếc. Chờ đoàn xe đến thật gần, bộ đội mới được lệnh nổ súng. Xe địch bị chặn lại. Nguyễn Chơn cùng đồng đội xung phong ra mặt đường, đốt xe thu chiến lợi phẩm. Anh thu một khẩu súng trường Anh, mỗi người lấy một cái xẻng và chụp lên đầu một chiếc mũ sắt. Súng chiến lợi phẩm quyết mang về đến đơn vị, nhưng mũ sắt và xẻng thì phải bỏ lại trên một ngọn đồi, vì có tin địch đang cho quân đánh bọc hậu.

        Trận ấy, Tiểu đoàn 19 diệt gọn một đại đội lính Pháp. Tên quan năm Rô- giê bị giết. Đoạn đường Tiểu đoàn phục kích có một cái cầu. Sau này anh em gọi là cầu Rô- giê và trận đánh đáng nhớ ấy cũng được gọi là trận Rô- giê.

        Tháng 4 năm 1949, anh được điều về Tiểu đội trinh sát thuộc Tiểu đoàn 39. Nhiệm vụ của anh là trinh sát thực địa đồn Thu Bồn. Các anh phải thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm nhưng thú vị. Trung đội trưởng trinh sát liên lạc được với một Lý trưởng ở Phường Rạnh (là cơ sở của ta, được cách mạng phân công làm lý trưởng, được Pháp giao cho việc tuyển người vào làm tạp vụ trong đồn). Anh Hoàng Đại Hải, quê gốc Huế, hằng ngày dẫn trinh sát mặc áo bà ba đóng giả dân đến xin lý trưởng vào đồn làm việc. Lý trưởng cấp giấy và phát búa, rựa để bổ củi. Đồn Thu Bồn do một đại đội Âu - Phi đóng, quanh đồn chưa có rào kẽm gai, lũy tre kín mít. Anh được giao điều tra chính xác vị trí hai khẩu cối 81 ly và độ cao dày của hàng rào tre. Trong mấy tuần lễ làm việc trong đồn địch, Nguyễn Chơn đã nghĩ ra cách tiếp cận các mục tiêu cần điều tra. Lưỡi búa bổ vào thanh củi, anh cố lái thế nào để củi văng gần hầm có đặt súng cối để anh có cớ chạy đến lượm củi về. Khi đến lượm củi, anh đã quan sát kỹ vị trí đặt súng, nhìn rõ những khẩu cối nước thép xanh rì. Khi điều nghiên hàng rào tre cũng vậy, anh cũng bổ sao cho củi văng đến tận hàng rào, để anh chạy đến lượm khi đó anh đứng sát vào rào lấy tầm cao 1,60m của anh để biết độ cao của hàng rào. Giờ nổ súng vào lúc 5 giờ chiều. Đại đội 2 Tiểu đoàn 19 được giao đánh trận này. Nguyễn Chơn ngoài nhiệm vụ đưa bộ đội tiếp cận mục tiêu, còn tham gia chiến đấu. Anh diệt 4 tên địch, trực tiếp thu hai khẩu cối 81 ly. Trận này, anh được Liên khu 5 tuyên dương công trạng. Bằng tuyên dương khi tập kết ra Bắc, anh gửi ở nhà người em cậu ruột ở Hải Phòng. Năm 1972 nhà cậu em bị bom phá hủy nên bằng tuyên dương không còn nữa.

        Bản lĩnh của người chỉ huy Nguyễn Chơn đã sớm bộc lộ khi còn là cán bộ cấp thấp. Anh nhớ rõ trận đánh đồn Ngũ Giáp thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cuối tháng 5 năm 1949 - một trận đánh nội ứng. Anh được phân công chỉ huy cánh cảm tử ngồi trên ba chiếc ghe, mỗi ghe chở bốn người. Đồn trưởng là một sĩ quan học bên Pháp, nhưng là người Việt và là cơ sở cách mạng. Nguyễn Chơn cùng với hai ghe xuôi từ phía thượng nguồn xuống còn phía hạ lưu hai ghe ngược lên. Bộ đội mặc bà ba, đội nón lá, vũ khí giấu trong những bó lá bổi. Đồn trưởng giơ mũ báo hiệu trên đường đang có xe chạy. Chờ xe địch chạy qua, hai ghe cập vào chân đồn. Đồn trưởng đã cho lính đánh bóng chuyền, súng dựng ở tận góc nhà. Địch bị đánh bất ngờ không kịp chống trả nên nhanh chóng đầu hàng. Trận đánh diễn ra gọn gàng, ta không thương vong. Tổ của anh thu 37 súng trường và một cối 60 ly. Lúc đó, Đại đội 2 tiếp ứng từ ngoài ùa vào vây lấy đồn. Trên đường, xe địch chở lính chạy qua mà không biết gì. Với chiến công này, lần thứ hai, Nguyễn Chơn được Tư lệnh Liên khu 5 tuyên dương công trạng.

        Trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, Nguyễn Chơn đã lăn lộn gần khắp chiến trường Khu 5, từng chiến đấu ở các tiểu đoàn 39, 96, 19 thuộc Trung đoàn 803. Làm nòng cốt cho dân công Phú Yên chuyển gạo cho chiến trường nam - bắc Tây Nguyên, từng hoạt động ở Hạ Lào và Đông Cam- pu- chia, chiến đấu trên đường 14, chiến đấu ở tây Khánh Hòa, đánh đồn Ma Phu, hoạt động ở địa bàn Sông Hinh, Phú Yên rồi Đắc Lắc, cùng Tiểu đoàn 39 chặn viện ở Cheo Reo. Cuối năm 1952 đầu năm 1953, Trung đoàn 803 mở chiến dịch hè Quảng Nam, đánh diệt đồn Xuân Đài, Chiêm Sơn. Những tháng trước khi có Hiệp định Giơ- ne- vơ, Nguyễn Chơn cùng đồng đội chiến đấu ngay trên mảnh đất quê hương Quảng Nam cho đến ngày tập kết ra Bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 10:05:27 am »


*

*       *

        Trên một con tàu Ba Lan rời bến cảng Quy Nhơn rẽ sóng ra hướng bắc, Nguyễn Chơn mới có đủ thì giờ để chiêm nghiệm lại những năm tháng chiến đấu đã qua. Từ một chiến sĩ trinh sát anh trở thành Đại đội phó. Cũng như sau này, những năm tháng đã qua anh đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, thường là ở những hướng chủ yếu, những tình huống khó khăn. Những chiến dịch hành quân dài ngày, mang vác nặng, những tháng dài cùng đồng đội lặn lội hoạt động trong lòng dân, dù ở đồng bằng hay vùng dân tộc ít người, anh đều có những kỷ niệm sâu nặng cùng nhân dân. Cũng như bao đứa con miền Nam trên đường ra Bắc, anh nghĩ hai năm nữa mình sẽ trở về.

        Nhưng hiện thực của cuộc chiến đấu không phải chỉ có thuận lợi. Anh sẽ trở về, nhưng phải chờ bốn năm nữa và phải trở về bằng con đường khác chứ không phải con đường mà Hiệp định Giơ- ne- vơ quy định.

        Nguyễn Chơn vào nhập học khóa 10 Trường Sĩ quan Lục quân. Anh có may mắn là đồng môn với những đồng đội trưởng thành trong cuộc trường kỳ kháng chiến từ khắp các chiến trường trong cả nước. Trường Sĩ quan Lục quân lúc đó tập trung những trí tuệ quân sự tiêu biểu của toàn quân do các đồng chí Lê Trọng Tấn làm Hiệu trưởng, Lê Quang Hòa làm Chính ủy. Hai người là những nhà quân sự nổi tiếng được toàn quân kính trọng. Trong suốt khóa học, Nguyễn Chơn được chọn tham gia duyệt binh hai lần.

        Trong một lần chuẩn bị duyệt binh mừng Quốc khánh, lần đầu tiên Nguyễn Chơn gặp Bác Hồ. Cũng như bao lần đến thăm đồng bào, chiến sĩ, Bác thường đến rất bất ngờ. Lúc đó sắp đến bữa ăn chiều. Bác từ dưới nhà bếp bước lên nhà ăn. Đầu tiên ai cũng ngỡ ngàng, sau vài phút định thần, tiếng reo vang cả vùng doanh trại: "Bác đến? Bác Hồ đến!...".

        Bác hỏi:

        - Các cháu tập duyệt binh có mệt không?

        Tiếng đáp lời Bác đều như được tập dượt từ trước:

        - Dạ, có mệt ạ.

        - Có vui không?

        - Dạ vui ạ.

        - Các cháu ăn có no không?

        - Dạ no ạ.

        Bác đưa tay lên:

        - Không đúng! Sức của các cháu mà ăn theo tiêu chuẩn Bác vừa kiểm tra thì chưa đủ no. Bác đã nói với chú Tấn tăng tiêu chuẩn gạo cho các cháu. Còn bây giờ các cháu ngồi vào bàn ăn theo đúng điều lệnh.

        Bộ đội đã ngồi ngay ngắn với bát đũa trước mặt. Bác ân cần dặn dò những việc cần phải làm cho đến ngày duyệt binh. Bác nói ngắn gọn rồi lệnh cho bộ đội cầm chén đũa. Lúc mọi người đang ăn cơm cũng là lúc Bác rời khỏi nhà ăn một cách nhẹ nhàng. ấn tượng về sự giản dị và thiết thực của Bác Hồ còn đọng lại trong lòng Nguyễn Chơn nhiều năm tháng sau này, theo anh trên các ngả đường  chiến đấu, nhắc nhở anh trong suy nghĩ cũng như trong thực hành.

        Ra trường, Nguyễn Chơn được điều về Sư đoàn 305, một đơn vị gồm những cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết. Những năm đó, ngoài nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên, các đợt diễn tập chiến thuật toàn quân bộ đội được điều động tham gia công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Sư đoàn của anh là một trong những đơn vị chủ lực của công trường.

        Ngày 17 tháng 7 năm 1956, Ngô Đình Diệm tuyên bố không có tổng tuyển cử ngày 20 tháng 7 năm 1956.

        Những đứa con miền Nam ra Bắc tập kết đã không thể về bằng con đường Hiệp định Giơ- ne- vơ, không thể về dưới ngọn cờ hòa bình. Nguyễn Chơn cũng như đồng đội của anh nóng lòng muốn trở về bằng bất cứ con đường nào. Nhưng cấp trên xác định phải chờ đợi, phải kiên nhẫn. Những tháng năm dài sống trong tâm trạng "ngày Bắc đêm Nam" vời vợi. Ban ngày học tập, huấn luyện, lao động chiếm hết mọi thời gian không còn khoảng trống cho suy tư, nhưng khi đêm đến, nằm thao thức nhớ về quê hương, nhớ về những kỷ niệm máu thịt, những khát vọng chưa làm xong, làm giấc ngủ của anh cứ chập chờn và anh tự hỏi chẳng lẽ cứ kéo dài mãi hoàn cảnh thế này...

        Đến giữa năm 1958, Nguyễn Chơn có lệnh tập trung về một đơn vị mới. Anh mang ba lô đến số nhà 83 Lý Nam Đế. Đơn vị cũ chỉ biết anh được cử đi học dài hạn ở Liên Xô. Những người được gọi về đơn vị này phải tuân thủ kỷ luật giữ bí mật nghiêm ngặt nhất: Không đi phép năm, không tiếp xúc với người quen, không thư từ ra ngoài. Sau thời gian học chính trị, Nguyễn Chơn cùng đồng đội chuyển lên Cồn Ngựa. Khu vực trường bắn quốc gia bây giờ, Đây là giai đoạn rèn luyện thể lực, chuẩn bị sức khỏe cho một chặng đường phía trước gian lao. Tập leo núi vác nặng, tập hành quân dài ngày, tập ban ngày, tập cả ban đêm. Đến tháng 11 năm 1958, đơn vị được cấp vũ khí, các loại súng đều của Mỹ hoặc Pháp sản xuất. Lại những ngày luyện tập cùng súng, số gạch trong ba lô tăng dần lên, đường đi ngày càng xa hơn. Những cán bộ như anh còn phải ôn lại những kiến thức quân sự, nghe những thông tin mới nhất về quê hương miền Nam, nơi quân thù đang đàn áp cách mạng khốc liệt nhất. Cấp trên chưa nói rõ nhiệm vụ, nhưng ai cũng thầm đoán được những thử thách phía trước đang chờ những người con đầu tiên trở lại quê hương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:04:59 pm »


        Đầu năm 1959, Nguyễn Chơn lên đường. Trước đó mấy ngày, đoàn quân trở về Nam được lệnh tập trung tại Câu lạc bộ Quân đội đón Bác Hồ đến thăm. Đây là lần thứ hai Nguyễn Chơn được gặp Bác. Trong hàng ngũ, bộ đội quân phục chỉnh tề hướng ra phía cửa chính chờ xe Bác đến. Không có chiếc xe nào vào cửa trước. Chỉ có một chiếc hồng thập tự đi từ cửa sau và đỗ lại bên hông nhà. Vài người quay lại nhìn thì thấy Bác từ chiếc xe đó đi vào phòng. Anh em ùa lại vây quanh Bác. Bác không ngồi trên ghế mà ngồi xuống sàn. Bộ đội ngồi quây quần bên Bác. Giọng Bác vẫn ấm áp như thường ngày, nhưng Bác nói chậm lại:

        - Các chú sắp lên đường về Nam, cho Bác gửi tới thăm  đồng bào, cô bác trong đó - Bác ngừng lại một lúc lấy khăn lau chấm lên khóe mắt còn tất cả như đàn con im lặng chờ  nghe từng lời của cha - Các chú vào trước, phấn đấu hoàn  thành xuất sắc nhiệm vụ, Bác sẽ vào sau...

        Hội trường Câu lạc bộ Quân đội đang chứng kiến những giây phút thiêng liêng hiếm có này. Bác không dặn dò gì thêm, chỉ gọi đồng chí cần vụ đi cùng mang kẹo ra để Bác cháu cùng ăn. Khó có lời nào tả hết được tình cảm của những người con miền Nam sắp lên đường trở về quê hương với Bác lúc đó. Bác muốn tạo một không khí thật đầm ấm, thật vui. Nguyễn Chơn sờ vào râu Bác, vạch áo Bác ra xoa xoa trên lưng Bác, cố gắng nhìn rõ, nhớ hết những đường nét, sắc màu trên thân thể người Cha già  dân tộc để sau này còn kể lại với đồng bào, đồng chí. Tấm lòng của anh cũng là tấm lòng của đồng bào miền Nam đối với Bác. Nước mắt anh chảy trên má lúc nào anh cũng không hay. Anh muốn những giây phút này kéo dài mãi mãi...

        Bác đứng dậy, ôm hôn từng người một, rồi Bác bước nhanh ra xe, Bác muốn đoàn quân lên đường có một buổi chia tay thật ý nghĩa.

        Mấy ngày sau Nguyễn Chơn lên đường.

        Ngày ấy chưa có đường dây 559, chưa có Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ngày ấy thế hệ các anh là những người đầu tiên trở về với cuộc chiến dấu ác liệt đang chờ. Nguyễn Chơn chợt nhớ lời đồng chí Nguyễn Chánh - Bí thư Khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5 ở Tam Quan khi các anh sắp tập kết ra Bắc: "Nếu kẻ thù không để cho chúng ta trở về dưới ngọn cờ hòa bình, thì chúng ta sẽ trở về bằng ngọn cờ Quyết chiến Quyết thắng".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:38:09 pm »


*

*      *

        Cánh rừng ấy nằm ở đầu nguồn sông A Vương. Mùa mưa đến, các con suối nhỏ thành những con sông hung dữ, còn các thung lũng chìm trong màn nước trắng xóa. Cả tháng không tìm đâu ra một ngày nắng. Đêm đến, phải đốt lửa mới ngủ được. Cánh rừng cách làng A Dinh của đồng bào Cơ Tu không xa. Đồng bào lạt muối đã bốn năm liền, phụ nữ sinh con không nuôi được, gặp hai người thì có một người phù thũng. Cả làng lâu lắm không ai mua được tấm vải. Vỏ cây lấy từ rừng về, đập cho mềm ra, làm khố cho đàn ông, làm váy cho đàn bà, ốm không có thuốc. Từ Ga Chị Thế - mật danh trạm đón tiếp những người trở về - giao liên đưa Nguyễn Chơn tới đây. Hơn một tháng trên con đường mòn cũ, gần như phải phát đường mà đi, chỉ với chiếc ba lô thời chống Pháp, mảnh dù Điện Biên Phủ, vũ khí chiến lợi phẩm, bộ bà ba trên người, các anh lặng lẽ tiến từng bước về phía nam. Càng xa hậu phương miền Bắc càng khó khăn, có lúc các anh chỉ được phát hai lon nếp mỗi ngày. Nguyễn Chơn thật sự xúc động khi được nghe câu nói: "Đây là đất miền Nam rồi, đất Quảng Nam".

        Đồng chí giao liên nói với anh:

        - Cơ quan này là Dì Hai, đồng chí ở lại đây.

        Nói xong, đồng chí giao liên quay lại Ga Chị Thế.

        Dì Hai là mật danh của tổ quân sự tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Chơn chưa thể hình dung được anh sẽ ở đây 6 năm với bao gian khổ khó khăn đang chờ. Một lon muối được chia ra 90 phần để dùng trong một tháng. Trong 6 năm đó, mỗi thứ đều tự xoay xở. Lúc đó địch đang mở chiến dịch "thượng du vận", một chiến dịch "tố cộng" ở miền núi rất gắt gao, nhằm đánh bật tận gốc các cơ sở cách mạng của ta. Việc đầu tiên là che lán và làm rẫy. Đồng chí Hồ Nghinh cũng đi làm rẫy. Làm rẫy cho mình và làm rẫy cho đồng bào để đến mùa thu hoạch dân tuất lúa hộ. Sáu năm hai bộ quần áo. Thu xếp ăn ở tạm ổn, tiếp đến là việc mời thanh niên đi làm cách mạng.

        Vùng tây Hòa Vang có nghề làm củi thước. Những người lên rừng làm củi là những thanh niên khỏe mạnh. Cơ quan Dì Hai lúc đó có 16 người, chia làm hai cánh vây số thanh niên làm củi lại. Lúc đầu, số thanh niên đi củi hốt hoảng, nhưng sau khi nghe giải thích, lại biết những người đang vây mình đều là đồng hương, đều là người "chín năm" đã trở về, anh em bình tĩnh trở lại. Nguyễn Chơn đứng trên một tảng đá nói:

        - Chúng tôi là lính Cụ Hồ đã trở về. Không thể nhìn quê mình sống quằn quại dưới ách thống trị của Mỹ- Diệm, anh em nào muốn cùng làm cách mạng với chúng tôi xin mời ở lại, anh em nào chưa thông, chưa muốn làm, có thể trở về.

        Phần lớn thanh niên tình nguyện ở lại. Sau 4 ngày học tập lại tiếp tục sàng lọc một lần nữa. Những ai có quyết tâm, có hoàn cảnh gia đình gắn bó với cách mạng, tập trung về một đơn vị. Những ai còn dùng dằng, chưa muốn đi làm cách mạng ngay, thì cho về, nhưng được dặn dò kỹ lưỡng, hẹn ngày gặp lại. Số thanh niên miền xuôi được mời cộng với số thanh niên miền núi ở căn cứ lập thành một đơn vị 45 người. Nguyễn Chơn được giao nhiệm vụ huấn luyện số anh em này. Sẵn có kiến thức trong những năm học ở Trường Sĩ quan Lục quân, anh truyền đạt lại cho những đồng đội mới những điều cần thiết làm hành trang cho những nhà cách mạng tương lai. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những sĩ quan ưu tú.

        Những điều mà anh truyền đạt phải được thực hành. Vậy là đơn vị của anh đánh trận Ga Lâu (thuộc vùng cao huyện Hiên) tháng 10 năm 1960.

        Từ tháng 9, Nguyễn Chơn dẫn bộ đội đi trinh sát. Địch có 4 tiểu đội, đóng trên một mỏm đồi, có công sự được thiết kế kiên cố. Anh bò vào hàng rào cuối cùng với anh em trinh sát. Sau khi trinh sát xong anh cùng cả đơn vị chuẩn bị chu đáo cho trận đánh trong một tháng. Một ngày tháng 10 trời mưa to, nước sông A Vương dâng cao, địch không qua được, ta cũng không qua được. Nguyễn Chơn chọn một cây chò lớn, cho ngã xuống làm cầu bắc qua sông. Anh em người Ca Tu giỏi đốn cây cũng phải mất 2 ngày mới hạ được cây chò nên địch hoàn toàn bị bất ngờ. Đồn Ga Lâu bị ta diệt gọn, thu toàn bộ vũ khí. Quân ta hy sinh ba, bị thương ba. Phải mất ba tháng sau địch mới chi viện được, vì mưa lớn, máy bay không hoạt động được những con đường mòn ta huy động đồng bào cắm chông dày đặc.

        Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu của quân đội ta, trận Ga Lâu đánh gọn, góp phần động viên bộ đội phấn khởi học tập, huấn luyện, sản xuất, chuẩn bị cho trận đánh viện tiếp theo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:39:52 pm »


*

*        *

        Cuối năm âm lịch 1960, cơ quan Dì Hai nhận được bức điện mật từ Hà Nội báo tin Trung ương gửi cho Quảng Nam một tàu hàng gồm: súng đạn, lương thực, một máy làm giấy và quà Tết. Tàu sẽ vào bãi Hố Chuối, dưới chân đèo Hải Vân, đón tàu từ đêm mồng một Tết.

        Nguyễn Chơn được cử phụ trách tổ đi đón tàu gồm 8 người. Các anh từ đầu nguồn sông A Vương, vượt qua sông Bung về Bà Nà - Núi Chúa. Bản đồ không có, cứ nhằm trên các đỉnh núi mà đi. Lương thực mang đi chỉ đủ ăn trên đường. Đoàn của Nguyễn Chơn đi lạc qua Lăng Cô, rồi từ đó men theo đường mòn trên đèo Hải Vân mà về Hố Chuối. Theo lời dặn của cấp trên ở căn cứ, Nguyễn Chơn đến bến Sủng Cọ, ở đó có hai phuy gạo, có thuốc men và bông băng cơ sở đã chuẩn bị từ trước. Nhưng khi đến nơi, tìm được nơi giấu gạo, thì bao ni lông bị chuột cắn, nước mưa thấm vào, gạo đã hỏng hết nên tám người không có gì ăn. Hằng đêm anh em thay nhau men theo đường xe lửa xuống đào trộm khoai lang, củ từ của dân, nhưng không lấy nhiều, phải lấy mỗi nơi một ít và không để lại dấu vết. Không có quang gánh, chỉ bỏ vào quần dài mang đi. Khi nấu ăn, lật ngược một hòn đá, đốt lửa mặt dưới, nấu xong úp trở lại đúng vào chỗ cũ để xóa hết các dấu tích. Cuối cùng thì năm người phải quay về, chỉ còn ba người ở lại. Ban ngày vào hang nằm, đêm đến ra ghềnh đá chờ tàu. Tín hiệu của tàu cập bến là đèn pin quay ba vòng từ phải sang trái, trong bờ đáp lại quay ba vòng từ trái sang phải. Những đêm chờ đợi ấy cứ lần lượt qua đi mà vẫn không thấy có ánh đèn pin mong đợi.

        Một buổi sáng từ ghềnh đá về hang, Nguyễn Chơn nhìn thấy có ba bóng người đang tới chỗ các anh đang ở. Anh đột ngột đến gần, hô lớn:

        - Dừng lại? Các anh đi đâu?

        Cả ba người bị bất ngờ, sững người trước sự xuất hiện của ba người lạ.

        - Bọn tôi vào núi tìm cây mức làm guốc - Một người trong bọn họ trả lời.

        Nguyễn Chơn nhận định được ngay đó là bọn mật thám đã đánh hơi được nơi các anh ở. Anh giữ ba tên này từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều mới cho về. Lập tức các anh chuyển chỗ ở trong đêm. Từ bên này suối qua bên kia suối. Đúng như dự đoán của anh, chín giờ sáng hôm sau, một trung đội địch từ đèo Hải Vân lội xuống chỗ ở cũ của các anh. Súng nổ râm ran cả giờ. Nguyễn Chơn nhắc nhở anh em giữ bí mật nghiêm ngặt hơn.

        Rồi đêm giao thừa trôi qua, rồi ba tháng nữa trôi qua, Con tàu mong đợi đó vẫn không đến. Nguyễn Chơn đưa anh em quay về căn cứ. Sau này gặp được Huỳnh Ba, quê thôn Xuân Dương, xã Hòa Hiệp, huyện Hòa Vang - người đi trên con tàu đó kể lại Nguyễn Chơn mới biết: tàu gặp gió mùa cấp 6, cấp 7 vào đêm giao thừa, tay lái bị gãy, không thể vào theo hướng Hải Vân được, thuyền trưởng Nguyễn Bất cho tàu ra khơi chờ biển lặng. Tàu bồng bềnh suốt đêm mồng một Tết, gãy tiếp tay lái phụ. Sáng mồng bốn, thuyền trôi gần đảo Lý Sơn. Theo nguyên tắc tuyệt đối giữ bí mật lúc đó, tất cả số hàng gồm 600kg vải, 400kg ni lông đi mưa, thuốc chống sốt rét, máy làm giấy và toàn bộ súng đạn đều phải thả xuống biển, không thể để lọt vào tay địch. Tất cả đoàn thủy thủ bị địch bắt vào 4 giờ chiều. Chúng đày đi Côn Đảo đến tháng 4 năm 1974 mới được thả.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM