Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:21:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 34126 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:50:13 pm »


        - Tên sách: Những chặng đường chiến đấu
        - Tổ chức bản thảo: Thượng tá, nhà thơ Lê Anh Dũng
        - Nhà xuất bản: QĐND
        - Năm xuất bản: 2008
        - Số hóa: binhdana

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

        Khi thực dân Pháp chiếm lại Đà Nẵng (năm 1946) cũng là lúc Nguyễn Chơn gia nhập quân đội. Là một cán bộ chỉ huy chiến đấu, cuộc đời của Thượng tướng Nguyễn Chơn luôn gắn với chiến trường. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã trưởng thành từ chiến sĩ đến cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược; đảm đương nhiều chức vụ trong quân đội: cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, quân khu, rồi Thứ trưởng Bộ quốc phòng... Ở bất cứ cương vị nào, đảm trách công việc gì, ông đều đem hết sức lực, trí tuệ hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao. Trong ông luôn có tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, kính yêu Đảng và Bác Hồ vô hạn. Ông vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần. Trong suốt cuộc đời quân ngũ và ngay cả sau khi nghỉ hưu, Thượng tướng Nguyễn Chơn luôn hướng về Bác, học tập tấm gương đạo đức của Bác, tu dưỡng và rèn luyện để trở thành người có ích cho đời.

        Suốt chặng đường chiến đấu cho độc lập dân tộc, cũng như trong những năm nghiên cứu chỉ đạo về xây dựng lực lượng, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Thượng tướng Nguyễn Chơn luôn trăn trở miệt mài, tận tụy với công việc...

        Cuốn “Những chặng đường chiến đấu”  là tập hợp những bài viết ghi lại một cách chân thực những hồi ức, hồi ký của Thượng tướng Nguyễn Chơn và đồng chí, đồng đội, bạn bè về quá trình chiến đấu và công tác của ông; trong đó có những bài học kinh nghiệm, những đúc kết hết sức quý báu trong công tác chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo chiến đấu và nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân,thế trận chiến tranh nhân dân...

        Xin trân trọng giới thiệu cuốn "Những chặng dường chiến đấu” của Thượng tướng Nguyễn Chơn cùng bạn đọc.
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:48:14 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 12:02:05 am »


PHẦN THỨ NHẤT

ĐÔI DÒNG SUY NGẪM VÀ NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG CHIẾN ĐẤU

        ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM

        Trong những cuộc gặp gỡ, nhiều người đặt câu hỏi: “Điều gì tâm đắc nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi?" Bao giờ tôi cũng trả lời rằng: Có ba điều luôn làm tôi trăn trở, suy nghĩ. Một là, cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu vì một mục đích chung, cùng nhau chịu mọi gian khổ, khó khăn mà nhiều người đã hy sinh, còn tôi vẫn sống. Hai là, nếu không có Đảng, không có cách mạng thì tôi đã trở thành một con người khác, có thể lương thiện, có thể không, nhưng chắc chắn không phải là tôi bây giờ. Một điều nữa là khi Đảng, quân đội giao cho tôi chỉ huy lực lượng vũ trang, dù là một tiểu đội, hay cả quân đoàn, tôi đều phải tìm mọi cách đánh thật hiệu quả, tiêu diệt gọn, thời gian ngắn, tiết kiệm xương máu.

        Từ ngày nhập ngũ đến nay, sở thích của tôi là nghiên cứu phương pháp xây dựng lực lượng và cách đánh về chiến thuật, chiến dịch và chiến lược; như ở thời điểm hiện nay, tôi nghiên cứu mọi âm mưu "diễn biến hoà bình", "bạo loạn lật đổ" của các thế lực thù địch để tìm ra cách đánh kẻ thù xâm lược ở các tình huống phức tạp nhất, bất kỳ từ đâu đến, để bảo đảm cho Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta, qua nhiều thế hệ, mãi mãi không bị bất ngờ về chiến lược.

        Sức mạnh của quân đội ta là sự kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự từ ngàn xưa, trải qua các cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc với một ý chí không thay đổi là kẻ thù nào cũng đánh thắng.

        Đồng chí Chu Huy Mân trong những năm kháng chiến chống Mỹ, thường nói với chúng tôi: Không có ý chí trừu tượng, ý chí chung chung, đối với người chỉ huy và người chiến sĩ được nhân dân giao cho vũ khí, thì ý chí tiêu diệt quân xâm lược phải thể hiện tập trung ở cách đánh giặc giỏi.

        Muốn có được cách đánh hay cho một trận, một loạt trận, một chiến dịch, người chỉ huy phải thực hiện nhiều biện pháp quân sự, chính trị tại đơn vị mình. Trong  cuộc đời chiến đấu của tôi, tôi chiêm nghiệm những điều sau đây:

        Đầu tiên là phát huy dân chủ: bao gồm dân chủ chính trị, dân chủ kinh tế, dân chủ quân sự. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến vấn đề dân chủ quân sự.

        Mỗi chiến dịch, hay trong một trận đánh, dân chủ quân sự sẽ phát huy được tài trí của mọi thành viên tham gia chiến đấu từ người chiến sĩ đến người tư lệnh. Lấy Sư đoàn 2 bộ binh Quân khu 5 làm ví dụ. Trong những năm trưởng thành, Sư đoàn có truyền thống bao giờ cũng dành thời gian cho cấp dưới thảo luận dân chủ về cách đánh trên bản đồ, trên sa bàn. Qua dân chủ quân sự, những khó khăn của mỗi cấp được giải quyết trước khi hành quân chiến đấu; lòng tin của cấp dưới với cấp trên được củng cố. Nhưng, đó cũng chỉ là lý thuyết. Bước tiếp theo, rất quan trọng là làm thao trường phỏng theo địa hình, vị trí địch và tổ chức huấn luyện theo từng phân đoạn trên thao trường cả ngày lẫn đêm gần sát với phương án tác chiến. Dù thời gian khẩn trương đến mấy, cũng phải tạo ra thời gian cần thiết cho cấp dưới, từ chiến sĩ cũ, chiến sĩ mới tới cán bộ chỉ huy hiểu rõ nhiệm vụ của bản thân và đơn vị họ. Làm được như vậy thì khi chiến đấu, họ mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kinh nghiệm qua chiến tranh, đối tượng dù là Mỹ -nguy, chư hầu, cấp sư đoàn phải có trung đoàn chủ công, cấp trung đoàn thì có tiểu đoàn chủ công. Trong đội hình Sư đoàn 2 có Trung đoàn 31 giỏi đánh địch trong công sự vững chắc. Đơn vị này về tổ chức trang bị huấn luyện, cách đánh có nhiều điểm khác với các trung đoàn bạn. Các trung đoàn còn lại giỏi đánh địch ngoài công sự, chốt kết hợp cơ động, giỏi đánh từng đối tượng địch để bảo đảm cho Sư đoàn có sức mạnh tổng hợp. Do giải quyết tốt vấn đề dân chủ quân sự từ đơn vị cơ sở nên Sư đoàn 2 liên tiếp giành thắng lợi trong các trận: Trung đoàn 31 đánh địch trong công sự vững chắc ở Cấm Dơi (1972), Nông Sơn (1974), chốt kết hợp với cơ động ở Núi Ngang. Trung đoàn 1 (Ba Gia) trước ngày thành lập Sư đoàn đã đánh địch ngoài công sự một trận vang dội ở Ba Gia trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt"; các trận đánh điểm cao 723 ở Nam Lào (1971), sân bay Đắc Tô (1972) đều là những trận đánh tiêu diệt trung đoàn địch...

        Sau khi đã thảo luận dân chủ, các ý đồ chiến đấu sẽ trở thành mệnh lệnh. Cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị phải chấp hành nghiêm chỉnh, vì chấp hành mệnh lệnh tức là tôn trọng dân chủ quân sự.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Ba, 2020, 02:33:09 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 12:08:17 am »


        Tôi xin đưa ra một ví dụ trận đánh Cấm Dơi năm 1972 của Sư đoàn 711, lúc đó, tôi làm Sư đoàn trưởng. Sau hai ngày vây lấn, chiến đấu giằng co quyết liệt, giành giật từng mép rào, từng mỏm đá với hai trung đoàn ngụy, đến 15 giờ ngày 19 tháng 8, Trung đoàn 31 và Trung đoàn 38 của ta làm chủ căn cứ Cấm Dơi và giải phóng quận lỵ Quế Sơn. Tàn quân của trung đoàn 5 và trung đoàn 6 thuộc sư đoàn 2 ngụy bỏ chạy về hướng núi Quế. Theo phương án, khi có tình huống này xảy ra, Trung đoàn 9 -một đơn vị mới từ Vĩnh Linh vào, chưa tác chiến ở đội hình lớn, chưa quen chiến trường Quân khu 5, nên không được giao nhiệm vụ chủ công, mà chỉ dàn đội hình đón lõng, xuất kích bao vây để bắt toán địch trên đường bỏ chạy. Nhưng chỉ huy trưởng Trung đoàn 9 thấy địch chạy, tưởng địch tấn công, không cho bộ đội xuất kích nên địch thoát được. Tôi đã gọi Trung đoàn trưởng và Chính ủy đến và nói: "Nếu có quyền, tao sẽ lệnh cho bộ đội "đào hố chôn sống hai đứa bay". Sau này, nhiều đồng chí góp ý là tôi đã nóng tính. Thực ra, lúc ấy, tôi nghĩ đến việc quy chế dân chủ quân sự bị vi phạm; đã bàn bạc, thảo luận cặn kẽ, chân tình với nhau không phải một lần, mà nhiều lần. Bao nhiêu xương máu, công sức của hàng vạn người mới đánh được Cấm Dơi -Quế Sơn lùa địch ra ngoài công sự, vậy mà Trung đoàn 9 để chúng chạy thoát. Đây không chỉ là bài học kinh nghiệm xương máu về chấp hành mệnh lệnh mà còn là một bài học về tôn trọng dân chủ quân sự.

        Thứ hai là, xây dưng tác phong chỉ huy cho người chỉ huy các cấp bằng cả lý thuyết và hành động thực tế qua các trận đánh.

        Trước hết, trong đánh gần, phải có tác phong chỉ huy gần.  Đánh gần là đánh vào chỗ hiểm yếu của địch, đánh gần, ta phát huy được tất cả các loại vũ khí, kể cả lựu đạn, Đánh gần ta còn hạn chế tác dụng của pháo binh, xe tăng và không quân địch. Đánh gần, hiệu suất chiến đấu sẽ cao, đạn sử dụng ít, thương vong thấp, bắn chính xác, thời gian trận đánh ngắn. Nhìn chung, đánh gần, ta có lợi hơn địch.

        Đánh gần, đồng nghĩa với tiêu diệt gọn, làm chủ chiến trường, thu nhiều vũ khí trang bị, bắt nhiều tù binh, giải quyết chính sách tốt, có cán bộ mới, đảng viên mới, đoàn kết nội bộ, đoàn kết cán binh tốt, đã đánh tốt, thì các trận đánh sau đạt hiệu suất cao hơn.

        Đánh gần là một cách đánh độc đáo của quân đội ta, chính cách đánh này đã làm nên bao nhiêu chiến công lừng lẫy trong các chiến dịch quan trọng. Có những lúc chúng ta rời truyền thống quý báu này và đã thất bại. Do đó, người chỉ huy ở cấp phân đội phải ở cự ly thấy được cả địch và ta cơ động, thấy được điểm chạm của hỏa lực pháo cối của ta.

        Tiếp đó phải xây dựng tác phong chiến đấu của chiến sĩ trong đánh gần, ném lựu đạn vào địch, xung phong vào đội hình địch, biết tận dụng triệt để cách đánh vào bên sườn, vào phía sau đội hình địch. Trận Ba Gia là trận đánh gần, đánh bên sườn phía sau đội hình địch, trong 2 ngày 3 đêm tấn công liên tục, ta tiêu diệt gọn 4 tiểu đoàn địch, 3 tiểu đoàn của trung đoàn 51 ngụy và tiểu đoàn biệt động 39 ngụy. Trận An Sơn – Quế Sơn ta sử dụng phương pháp đánh gần, nên bắt được 16 tên Mỹ trong thời gian ngắn. Các trận đánh của Sư đoàn ở Nam Lào (1971) cũng sử dụng cách đánh gần, nên tiêu diệt được nhiều lính ngụy, bắt hơn 700 tù binh. Những trận đánh địch lấn chiếm năm 1973, những trận đánh quân Pôn Pốt ở chiến trường Tây Nam là những minh chứng, những bài học để lại dấu ấn lâu dài.

        Thứ ba là, phải đánh giá đúng địch, ta. Đây là bài học kinh nghiệm đặc biệt quan trọng.

        Đánh giá về ta ra quân chiến dịch đã là khó, nhưng đánh giá địch càng khó hơn. Nếu đánh giá cao về địch, cộng với đánh giá ta không đúng sẽ đề ra phương án tác chiến không kiên quyết, không táo bạo, không dám tập trung dứt điểm vì ngại thương vong cao, ngại địch mạnh, do đó, dễ có phương án phân tán binh lực của ta để đối phó với binh lực, hỏa lực địch. Ở đây, tôi xin nêu một ví dụ: Tháng 8 năm 1965, Mỹ ồ ạt đổ quân vào chiến trường Quân khu 5 và thực hiện ngay mục tiêu tìm diệt, đặc biệt là tìm đánh quân chủ lực của ta. Vào thời điểm đó, ta có khó khăn về quân số, đạn dược, thuốc men, lương thực. Trong cán bộ chỉ huy có xu hướng phân ra đánh bằng đội hình tiểu đoàn, trung đoàn, không mạnh dạn tập trung các sư đoàn trong các trận đánh, hoặc có tập trung sư đoàn, nhưng chỉ đánh cỡ trung đoàn, tiểu đoàn như các trận đánh đã diễn ra ở tây Sơn Tịnh các năm 1965-1966. Khi thời cơ thuận lợi do ta tạo ra, nhưng đánh giá địch chưa đúng mức, nên không dám phát triển chiến đấu một cách mạnh dạn. Từ "Chiến tranh cục bộ" chuyển qua "Việt Nam hoá chiến tranh", nhờ trình độ đánh giá địch ngày một chính xác hơn, nên các đơn vị tác chiến của ta đánh nhiều trận quy mô vừa và lớn đều giành thắng lợi, điển hình là các chiến dịch Nam Lào (1971), trận Tân Cảnh -Tây Nguyên (1972), các trận Cấm Dơi, Nông Sơn -Quảng Nam (1972, 1974).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 08:03:07 am »


        Trong chiến tranh, nên đánh giá địch cao hơn là đánh giá đúng địch. Nếu đánh giá địch thấp sẽ có tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác, dẫn đến đánh kéo dài không dứt điểm, thương vong cao, dẫn đến hiệu suất thấp cả chiến dịch lẫn chiến thuật. Trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, đánh giá địch lúc đầu không đúng, chủ yếu đánh giá thấp, nên các biện pháp tác chiến, cách đánh của ta không đúng, chiến đấu kéo dài, thương vong cao. Nhiều trận đánh không dứt điểm do đánh xa, đánh bằng hỏa lực, cả hỏa lực pháo, cối, ĐKZ, xe tăng, đánh chính diện, chiến thuật và cách đánh không rõ ràng, không hiểm, không bất ngờ.

        Không ai có thể đánh giá địch chính xác 100% được, nên để bổ sung cho cái nhìn tổng quát của người chỉ huy, thì phải đánh giá ta cho đúng. Đánh giá ta đúng là xác định thuận lợi và khó khăn ở mức độ nào. Nếu thuận lợi một, mà nói lên bốn, năm, sẽ sa vào tư duy chủ quan, lạc quan tếu. Nếu khó khăn một, mà cho đó là bốn, năm, thì sẽ làm giảm sút ý chí vươn lên, ý chí dám tìm biện pháp khắc phục của đơn vị. Đánh giá ta không đúng, cũng sẽ đưa đến những hậu quả như đánh giá địch sai.

        Theo tôi, đánh giá ta là đánh giá sức mạnh tổng hợp của các đơn vị tham chiến từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, hỏa lực các loại, đánh giá cho được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị. Đánh giá tư tưởng tấn công địch trong trận đánh sắp diễn ra rồi mới đến trang bị, đến truyền thống. Chú trọng đánh giá khả năng sáng tạo của người chỉ huy đến đâu. Đó là khả  năng điều địch, lừa địch, mê hoặc địch, làm địch phấn đoán ta không đúng, thật giả không phân biệt được. Đánh giá đúng các đơn vị chủ công và mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của nó. Cuối cùng phải đánh giá cách đánh đã bảo đảm có cách đánh tối ưu chưa? Các phương án đánh gần, đánh bên sườn, đánh phía sau đã phù hợp chưa?

        Đánh giá địch, ta là cả một nghệ thuật trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Quan điểm chung là cố gắng đánh giá sát địch. Không cao quá và cũng không thấp quá. Cụ thể, như sau năm 1965, do đánh giá địch thấp, đánh giá ta cao, nên đưa đến tổn thất lớn trong chiến đấu. Nếu chỉ đánh giá quân Mỹ là quân đông, trang bị hiện đại, cơ động nhanh, thì chưa đủ, vì Bộ chỉ huy của quân xâm lược cũng biết tận dụng lợi thế về sinh lực và trang bị, nên cách đánh của nó là đánh xa, đánh ban ngày, đánh mạnh vào mùa khô. Nếu ta theo cách đánh của địch là mắc mưu địch. Nhìn lại cuộc chiến tranh, đế quốc nào cũng hơn ta về trang bị, nhưng không phù hợp với địa hình Việt Nam, núi rừng hiểm trở hạn chế rất nhiều hiệu quả của bom, đạn, xe tăng. Nhờ đánh giá đúng những yếu tố này, ta mới có cách đối phó hiệu quả là tiến hành chiến tranh du kích căng địch ra đánh lẻ, đánh chia cắt, đánh tiêu hao, đánh ngày và đánh đêm làm cho địch sa lầy. Trong đánh giá địch, ta phải đánh giá ở nhiều mức độ khác nhau: ở cấp chiến lược đánh giá khác; cấp chiến dịch, chiến thuật phải đánh giá rõ dần, ngắn dần và cụ thể hơn.

        Thứ tư là người chỉ huy xây dựng, huấn luyện đơn vị cần quan tâm đến kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.

        Kỷ luật tốt thể hiện ở việc chấp hành mệnh lệnh, chấp hành hiệp đồng nghiêm, khi có khó khăn, bằng mọi cách khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Trong chiến đấu binh chủng hợp thành, sư đoàn nằm trong đội hình chiến dịch, trung đoàn trong đội hình chiến thuật càng đòi hỏi tính kỷ luật cao. Đặc biệt, trong các trận then chốt, then chốt quyết định, tính chất ác liệt cao, tấn công địch khi ta thoát ly khỏi công sự, thì kỷ luật càng phải nghiêm khắc. Nhưng cán bộ, chiến sĩ kỷ luật kém, tác chiến hợp đồng kém, chấp hành mệnh lệnh kém, khi gặp khó khăn, sẽ không hoàn thành nhiệm vụ; khi tình huống xấu xảy ra, khi có lệnh của cấp trên, sẽ tìm mọi cách để không chấp hành đến nơi, đến chốn. Mà những tình huống xấu vẫn thường xảy ra như số quân thiếu; thương vong nhiều; không kịp bổ sung đạn dược, lương thực, thuốc men; địch cơ động các nơi đến đông hơn, hỏa lực mạnh hơn, ác liệt hơn. Những lúc như vậy, ta càng cần siết chặt kỷ luật. Trong nhiều nguyên nhân làm các trận đánh không thành công, nguyên nhân kỷ luật yếu kém là hàng đầu.

        Thứ năm là, sự rèn luyện thường xuyên của cán bộ chỉ huy góp phần quyết định cho thắng lợi của một chiến dịch, một trận đánh.

        Muốn có một cán bộ chỉ huy vững vàng, một đơn vị tác chiến giỏi, phải trải qua một quá trình tổ chức, rèn luyện từ việc nhỏ đến việc lớn, cả trong thời bình, hay giữa các chiến dịch trong thời chiến. Trung đoàn 1 trước khi về làm nòng cốt thành lập Sư đoàn 2 đã chỉ huy các tiểu đoàn chiến đấu giỏi. Tiểu đoàn 90 đánh thắng xe tăng, xe bọc thép Mỹ tại thôn 8 (Kỳ Sanh); Tiểu đoàn 60 đánh phục kích tốt ở Tiên Yên (Kỳ Trà); Tiểu đoàn 40 đánh thắng trận Đức Phú. Trước khi xây dựng trung đoàn tác chiến tập trung, các cán bộ tiểu đoàn đã chỉ huy đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi trung đoàn tác chiến tập trung từ nền tảng đã có, các phân đội trong đội hình không lúng túng. Người chỉ huy cũng qua từng trận đánh đó để nâng cao trình độ tác chiến hợp đồng từ thấp đến cao.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 08:06:51 am »


        Trong chiến tranh, mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh có thời gian chuẩn bị chu đáo và có trường hợp không có thời gian chuẩn bị chu đáo. Muốn đạt yêu cầu đánh thắng giòn giã, cán bộ chỉ huy phải tạo ra thời gian chuẩn bị chiến đấu. Khâu này hết sức quan trọng, vì nếu có thời gian chuẩn bị chu đáo, thì thuận lợi mọi mặt; còn nếu không có thời gian chuẩn bị chu đáo, nhất là phải cơ động xa, tác chiến trong đội hình chiến dịch, sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù hoàn cảnh nào, người chỉ huy lấy chuẩn bị chu đáo làm tiêu chuẩn quan trọng. Chuẩn bị chu đáo gồm nhiều khâu thuộc về công tác tham mưu, chính trị, hậu cần như: chuẩn bị chiến trường, huấn luyện bộ đội, làm đường, làm cầu, triển khai công tác hậu cần, kỹ thuật, chuẩn bị tư tưởng, quyết tâm cho bộ đội. Những việc đó đều làm song song, vì vậy, yêu cầu người chỉ huy phải có kế hoạch tỉ mỉ, rõ ràng, chu đáo. Trong Ban chỉ huy phải phân công trách nhiệm rõ ràng, rành rọt. Có trường hợp do chiến trường xa, các cấp trưởng gồm cả tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, thông tin đi trước để chuẩn bị chiến trường, sau đó quay lại đón bộ đội trên đường hành quân. Tình huống này, có khi người chỉ huy phải xa đơn vị từ một đến hai tháng nên khi gặp lại đơn vị, trước tiên phải nghe tình hình chung và khẩn trương làm công tác tổ chức chiến đấu làm đường, làm phà cho bộ binh, xe tăng, pháo binh cơ động vào vị trí tập kết. Năm 1971, Sư đoàn 2 đánh địch ở Nam Lào xong, chưa kịp kiểm điểm rút kinh nghiệm, thì có lệnh hành quân vào giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven. Thời gian rất gấp, lại vào mùa khô, nắng như đổ lửa, hành quân dài ngày. Nhưng, do quán triệt rõ nhiệm vụ, lại có sẵn tác phong nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, nên mặc dù thời gian chuẩn bị ít (vừa hành quân vừa chuẩn bị), Sư đoàn vẫn đánh tốt, diệt hai trung đoàn địch, bắt hàng nghìn tù binh, làm chủ chiến trường, giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven. Từ vùng mới giải phóng trên đất bạn, Sư đoàn lại có lệnh về địa bàn Tây Nguyên. Cả Sư đoàn đi bộ, mang vác nặng, hành quân gần hai tháng. Đây là tình huống mà cán bộ đi trước nhận nhiệm vụ và chuẩn bị chiến trường xong, quay lại đón bộ đội và làm công tác tổ chức chiến đấu trên đường đi. Trong chiến dịch này, Sư đoàn gặp khó khăn, vì Tây Nguyên bắt đầu vào mùa mưa, lương thực thiếu, huy động trong đồng bào dân tộc không được bao nhiêu. Sư đoàn hạ quyết tâm tiêu diệt căn cứ sư đoàn 22 nguy ở Đắc Tô -Tân Cảnh để lấy gạo, lấy thuốc men. Quyết tâm này đã được thực hiện sau 24 giờ chiến đấu. Đây là kết quả của sự quyết đoán. Khi dứt điểm xong Tân Cảnh ta không chỉ thu được nhiều hơn kế hoạch 200 tấn gạo, mà còn thu được thuốc men, các phương tiện khác phục vụ cho chiến dịch tiếp theo.

        Thứ sáu là, người chỉ huy chiến dịch, hay chiến thuật nào cũng phải nắm nội dung then chốt của chiến tranh là đánh tiêu diệt gọn đơn vị địch, dù là đối tượng nào.

        Đây là truyền thống của quân đội ta. Các đơn vị trong quá trình trưởng thành đã phát huy tốt truyền thống đó. Muốn làm được như vậy, phải thực hiện đồng bộ các yếu tố đã nêu trên. Đây là nhiệm vụ chính trị của toàn đơn vị, là chức năng hàng đầu của cán bộ chỉ huy cấp chiến dịch, chiến thuật. Đánh tiêu diệt phải trở thành truyền thống của đơn vị cán bộ, chiến sĩ cũ, mới, lớp trước, lớp sau phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy. Trọng tâm của chỉ huy chiến đấu là chỉ huy tình huống. Giai đoạn này có tính quyết định một chiến dịch, hay một trận đánh. Sự đương đầu một bên là ta, một bên là quân dịch, sự điều hành lực lượng tấn công hay phòng ngự, rốt cuộc một bên chiến thắng, một bên thất bại thể hiện qua sự chỉ huy tình huống. Nó nói lên bản lĩnh, tài năng, trí tuệ của người chỉ huy, qua việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành một phần nhiệm vụ, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ. Muốn vậy, người chỉ huy cần nắm chắc nhiệm vụ cấp trên giao cho đơn vị mình, nắm chắc địch, ta, đặc biệt là địch. Ta triển khai, địch cũng triển khai. Tình huống đến rất nhanh, tình huống đi qua cũng rất nhanh. Tình huống có cái diễn ra ở cả hai bên, có khi trước lúc nổ súng, đặc biệt là sau khi nổ súng đòi hỏi người chỉ huy phải xử trí nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Xử trí không tốt có khi tình huống tốt trở thành xấu. Người ta thường nói khi ra trận, chỉ huy là linh hồn của trận đánh. Điều đó không sai. Vì nếu người chỉ huy xử trí đúng, thì thắng lợi đến rất nhanh còn xử trí không đúng, khó khăn sẽ đến và thất bại cũng đến rất nhanh. Có người nói có ý chí quyết tâm cao là chiến thắng, ý này đúng, mà không đủ.Thực tế trên chiến trường có trận ý chí quyết tâm rất  cao, quân số đủ, trang bị mạnh, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và cấp dưới không sai, vậy mà đánh không thắng. Nguyên nhân chính là do cán bộ chỉ huy có khuyết điểm, xử trí tình huống không đúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 08:10:36 am »


        Ngày 24 tháng 4 năm 1972, sau khi thắng trận Đắc Tô -Tân Cảnh, lúc này Tây Nguyên vào mùa mưa, xe ô tô chở đạn, chở gạo không đi lại được Địch ở Kon Tum hoang mang dao động đốt tài liệu chuyển người và nhân viên về phía sau. Sư đoàn 2 đề nghị, nhân lúc địch hoang mang, cho chuyển quân gấp phải tấn công ngay, chỉ sau 6-7 ngày chắc là thắng lợi lớn. Người chỉ huy chiến dịch chần chừ, đến gần cuối tháng 5 mới quyết định đánh địch ở Kon Tum, nên làm mất yếu tố bất ngờ, vì địch đã kịp tăng viện cho Kon Tum cả bộ binh, hỏa lực và không quân, lúc này mùa mưa đã đến nên ta cũng gặp khó khăn. Do đó, trận Kon Tum đánh không dứt điểm, thương vong cao. Về nguyên tắc, thì chiến dịch tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ cho chiến thuật làm được; ngược lại chiến thuật trong các trận đánh then chốt có tác động trực tiếp và thúc đẩy chiến dịch phát triển. Nhưng ở Kon Tum ta không tận dụng được!

        Thực tế, không phải địch mạnh, không phải ta không có thời cơ đánh vào Kon Tum và giành thắng lợi, mà do khi thời cơ đến, ta lại để tuột mất. Trong chiến dịch Xuân 1975, khi địch có dấu hiệu suy sụp và đạn pháo của địch ở Chu Lai cũng hết, Sư đoàn 2 báo cáo lên Quân khu đề nghị cho đánh giải phóng thị xã Tam Kỳ và các vùng đất từ Chu Lai đến Thăng Bình. Mặc dù chưa có điện dài qua 15W trả lời, nhưng Sư đoàn 2 vẫn triển khai đội hình chiến đấu tấn công vào các mục tiêu của địch, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng một vùng đất rộng lớn, đánh quỵ sư đoàn 2 của ngụy để từ đó tiến quân giải phóng Đà Nẵng, lúc này thành phố đang bị cô lập, do ở phía bắc và phía nam địch đang bị tấn công dồn dập.

        Người chỉ huy trận đánh tốt, có nghĩa phải đánh tiêu diệt gọn, xoá sổ phiên hiệu đơn vị đối phương, bắt hoặc tiêu diệt sở chỉ huy địch, thu toàn bộ trang bị của địch, làm chủ chiến trường, giải quyết chu đáo chính sách của ta, cả người và trang bị. Sư đoàn 2 từ ngày thành lập đến năm 1975 có nhiều trận đánh tốt với đối tượng là quân Mỹ, quân ngụy và các loại tay sai khác trong các chiến lược: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh... Tiêu biểu là trận Ba Gia (Quảng Ngãi), trận An Sơn -Quế Sơn (Quảng Nam), trận đánh điểm cao 723 (Nam Lào)... Có được kết quả đó là nhờ người chỉ huy Sư đoàn có kế hoạch, phương án tác chiến, dự kiến được các tình huống thuận lợi và khó khăn. Ngược lại, đánh không dứt điểm mục tiêu, thì ta bị tiêu hao cả về sinh lực và phương tiện, tiêu hao đạn dược lớn, thời gian đánh kéo dài. Cách đánh này không thể gọi là trận đánh tốt và cũng không đúng nhiệm vụ, chức năng của Sư đoàn chủ lực.

        Bộ đội chủ lực mở chiến dịch và các trận đánh then chốt phải dựa vào các khu vực phòng thủ của tỉnh, thành phố. Tác động qua lại giữa chủ lực và các khu phòng thủ tạo thuận lợi cho chủ lực tác chiến tập trung. Chủ lực đánh tốt tạo điều kiện cho các khu phòng thủ đánh tốt, đứng vững và phát triển. Nhiệm vụ của các khu phòng thủ là đánh căng địch ra, làm chúng sa lầy, chủ lực địch muốn tập trung cơ động lớn không dễ dàng, có khi chủ lực địch phải phân tán đối phó với các khu phòng thủ của tỉnh thành phố. Các nhà quân sự Pháp sau chiến tranh ở  Việt Nam (1946-1954), đã rút ra nhận xét là có 90% sinh lực và phương tiện bị diệt do chiến tranh du kích. Quân đội Mỹ sau hơn 10 năm chiến tranh với ta, cũng tổng kết 60% sinh lực, phương tiện bị diệt do chiến tranh du kích.

        Chủ lực ta tập trung tác chiến lớn, tiêu diệt lớn là nhờ các khu phòng thủ tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ. Các năm 1963, 1964, 1965, ta phá các ấp chiến lược của Mỹ -ngụy, rồi biến các ấp chiến lược ấy thành làng chiến đấu. Sư đoàn 2 liên tiếp đánh các trận Vạn Tường, Ba Gia, Việt An, Đồng Dương... các trận đánh này đều ở trung du và đồng bằng; chủ lực khi tác chiến dựa vào các làng chiến đấu, mà thực chất là các ấp chiến lược của địch, ta đã cải tạo.

        Nhiều năm, tôi đã trăn trở suy nghĩ về việc xác định cách đánh của người chỉ huy, dù đánh địch trong công sự, hay ngoài công sự. Cách đánh nào cũng phải làm cho địch bất ngờ, bị động đối phó, thường là đánh vào chỗ yếu của địch. Khi quân địch triển khai tấn công, hay bố trí phòng ngư, điểm yếu chính là phía sau và hai bên sườn. Khu vực này thường là sở chỉ huy, cơ quan bảo đảm hậu cần -kỹ thuật. Phía sau các căn cứ lớn thường là khu gia binh. Ở phía sau, các chướng ngại vật phòng thủ thường sơ hở, kế hoạch pháo binh, phòng không, không quân thường không được chú ý đúng mức. Ý chí quyết tâm chiến đấu chính là tinh thần dám đánh địch, còn biết đánh địch là nhằm vào chỗ sơ hở, chỗ yếu của địch mà tấn công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:07:37 pm »


        Trong trận Ba Gia, ta đánh vào sau đội hình và sườn đội hình địch; trận Tân Cảnh, ta đánh sư đoàn 22 thiếu của địch cả trong công sự, ngoài công sự và đánh sau đội hình địch; trận điểm cao 723, ta đưa địch xuống thấp, để ta đánh bên  sườn phía sau đội hình địch. Khi có dấu hiệu địch chuyển quân để xuống chiếm Sê Pôn, ta chỉ để lại vừa đủ lực lượng bao vây điểm cao 723, còn chuyển lực lượng chính bất ngờ vây ép điểm cao 660. Đòn tiến công này của ta làm rối loạn sự chỉ huy của địch. Do đó, ta không chỉ tạo thuận lợi cho việc vây ép điểm cao 660, mà còn có tác động mạnh đến sự tan rã của bọn địch ở điểm cao 723. Chỉ qua 2 ngày chiến đấu, Sư đoàn đã diệt 4 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo, sở chỉ huy trung đoàn 1, sư đoàn 1 ngụy.

        Có một cách đánh khác để đánh địch đóng quân ở các điểm cao, có tổ chức phòng ngự chu đáo, công sự vững chắc, đó là tổ chức trận địa pháo bắn thẳng. Bộ đội bí mật làm đường ô tô lên các điểm cao, xung quanh căn cứ địch từ 3 đến 4km. Pháo của ta từ đấy hạ nòng bắn thẳng phá hủy các công sự, chướng ngại vật cản, uy hiếp tinh thần quân địch, trước khi bộ binh tấn công. Với cách đánh này ta đã thu được thắng lợi ở các trận Nông Sơn – Trung Phước (1974), Tiên Phước -Phước Lâm (1975).

        Người chỉ huy luôn luôn sáng tạo tìm ra cách đánh phù hợp với tình huống, có trận phải nghi binh làm cho địch phán đoán sai lầm về ta. Ở trận Ngã Ba Biên (Cam-pu-chia) năm 1985, mục tiêu là 4 sư đoàn quân Pôn Pốt; muốn có hiệu quả cao, ta phải đánh vào sở chỉ huy, vào các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần - kỹ thuật địch. Trận này, ta bố trí lực lượng nghi binh lớn ở đông dãy núi Đăng Rếch. Mặc dù nghi binh, nhưng lại là đánh thật vào đội hình địch, ta sử dụng các binh chủng pháo binh, phòng không, xe tăng, công binh cỡ trung đoàn, lữ đoàn. Trong bảy ngày,  khi ta đánh, địch ở phía sau dồn ra phía trước làm công  trình chiến đấu, đối phó với ta ở chính diện. Lúc đó, ta bí  mật dùng 2 sư đoàn: Sư đoàn 2 xuất phát từ đất Lào, Sư  đoàn 315 xuất phát từ đất Cam-pu-chia; khoảng cách  giữa hai sư đoàn là 24 cây số, vòng sâu vào hậu phương địch 13 cây số, bao vây địch từ phía sau, rồi từ phía sau đánh ra phía trước. Trận này, ta đánh tan đội hình địch, bắt trên 500 tên, thu 4.900 súng các loại, 500 tấn đạn. Đây là phương án nghi binh nhưng lại đánh vào chỗ hiểm phía sau địch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên chiến trường Quân khu 5 có nhiều chiến thắng thể hiện rõ tính sáng tạo trong cách đánh. Tháng 4 năm 1965, trước khi được lệnh hành quân vào Quảng Ngãi đánh trận Ba Gia, Trung đoàn 1 đã tiêu diệt cứ điểm Việt An, phá vỡ phòng tuyến của địch ở tây Quảng Nam, liên tiếp đánh bại 5 cuộc hành quân giải toả dọc đường 16 của địch. Trong  chiến dịch này, mỗi lần địch xuất hiện, bộ đội ta đều bám sát chỉ nổ súng khi nào địch lọt vào tầm đạn tiểu liên. Quân địch hoảng hốt trước cách đánh áp sát của ta, bỏ dở cuộc giải toả, chịu thất bại. Sau này, khi báo cáo ở Trung ương Cục, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết cách đánh đó là " nắm thắt lưng địch mà đánh" . Tháng 10, năm 1967, tại  thung lũng Quế Sơn bão lụt lớn. Một đại đội Mỹ đi càn gặp lụt, không về đồn được. Được trinh sát báo cáo: quân Mỹ trùm áo mưa ngồi tránh bão, máy bay, pháo binh không chi viện được, Tiểu đoàn 90 Trung đoàn 1 có sáng kiến hạ một cây sung vừa to, vừa cao vắt qua sông Trầu làm cầu cho bộ đội vượt sông. Trận tập kích diễn ra nhanh gọn, diệt 1 đại đội quân Mỹ. Ta không có thương vong, thu 50 súng. Đây là trận đánh mang tính bất ngờ cao.

        Thời kỳ 1959-1960, quân giải phóng Khu 5 còn trong giai đoạn mới thành lập, quân số thiếu, trang bị không đủ và không đồng bộ, chỉ đủ sức đánh đại đội và tiểu đoàn địch. Tháng 3 năm 1960, tại vùng cao huyện Hiên (Quảng Nam) diễn ra trận đánh 45 chiến sĩ ta thắng một đại đội tăng cường địch có 175 tên, được trang bị cối, ĐKZ và đại liên đi cùng. Địa điểm được chọn phục kích đúng nơi địch hành quân lên dốc cao phải ngừng nghỉ trước khi xuống dốc. Do thiếu quân, nên ta huy động đồng bào các dân tộc ở các làng cắm khoảng 2 triệu cây chông đối diện với vị trí phục kích của ta, đề phòng khi ta nổ súng nếu địch tháo chạy sẽ bị sa vào bãi chông. Đúng như dự kiến, địch lên đỉnh dốc dừng nghỉ, đội hình ngắn lại. Khi ta nổ súng, quân địch chạy ngay vào bãi chông. Ta bắt 60 tù binh, thu toàn bộ vũ khí và các trang bị khác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:09:16 pm »


        Có một cách đánh thường gọi nôm na là "đơm đó". Trong chiến dịch giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven (1971), Sư đoàn 2 được giao nhiệm vụ tiêu diệt 2 trung đoàn địch. Đặc điểm của quân ngụy Lào là khi đánh với quân đội Việt Nam có pháo binh và xe tăng sẽ bỏ chạy. Ta chủ trương bố trí lực lượng đánh phía sau và bên sườn, đồng thời mở đường cho địch chạy về Pắc Xế. Trước khi tấn công, ta dùng một tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn công binh và trinh sát bí mật cắm một triệu cây chông trên hướng dự kiến địch tháo chạy. Khi ta tấn công trên ba hướng, 2 trung đoàn địch chạy khỏi cao nguyên Bô-lô-ven về Pắc Xế, lọt ngay vào bãi chông của ta. Ta bắt hàng trăm tù binh, thu nhiều vũ khí, làm chủ chiến trường.

        Mỗi đối tượng tác chiến, điểm mạnh, điểm yếu của chúng khác nhau, do đó, người chỉ huy phải chọn cách đánh phù hợp. Đánh bên sườn, đánh sau đội hình địch nếu thiếu quân phải tăng cường chông, quân địch hay chạy, thì phải bố trí quân đón lõng, đó là những cách đánh sáng tạo trong vô vàn cách đánh của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Dù cách đánh nào cũng phải thực hiện 4 cắt: Một là, cắt bộ binh với pháo binh; hai là, cắt bộ binh với xe tăng; ba là, cắt bộ binh với không quân; bốn là, cắt bộ binh với bộ binh và phải tiêu diệt được sở chỉ huy địch. Dù cách đánh nào cũng phải bảo đảm: khi ta nổ súng, địch lâm vào thế cô lập bị động không tấn công được, không co cụm được, không tháo chạy được, không chi viện cho nhau được...

        Những điều tôi muốn nói cuối cùng (sau hàng chục năm lăn lộn ở các chiến trường, đối mặt với các loại kẻ thù) chính là sự chân thành của người chỉ huy trước mọi tình huống. Tôi được đi học ở Trường sĩ quan Lục quân 18 tháng sau khi tập kết ra Bắc, rồi vào chiến trường 16 năm cho đến năm 1975, ngoài ra không được học thêm ở trường lớp nào. Sự trưởng thành của tôi, phần lớn nhờ vào thực tiễn. Chính thực tiễn của đất nước làm phong phú kinh nghiệm đời chiến đấu tôi và làm tôi từng bước trưởng  thành. So với các đồng chí khác, tôi cũng có nhiều điểm hạn chế. Tôi thường nghĩ, ngoài các yếu tố chủ quan, khách quan, thì môi trường rèn luyện là yếu tố quyết định cho sự trưởng thành của mỗi người. Xây dựng đất nước là một môi trường. Chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng là một môi trường. Môi trường của tôi tiếp xúc với hằng ngày là môi trường chiến đấu, là xương máu đồng đội, là sự hy sinh vô bờ bến của nhân dân, là những thành công và thất bại được đổi bằng cái giá không phải rẻ. Trong môi trường đó nếu biết rèn luyện, biết vượt qua thử thách, con người sẽ trở thành phi thường. Kinh nghiệm sẽ được tích luỹ, sẽ làm được nhiều việc, sẽ biết chọn cách đánh tốt hơn, đối tượng địch nào cũng sẽ đánh thắng. Nếu người chỉ huy đã thành thạo ở khâu chiến thuật, thì lên khâu chiến dịch không khó; càng lên cao, càng có nhiều sáng tạo, không để bị lúng túng. Vì vậy, đánh nhỏ, thắng nhỏ; đánh lớn, thắng lớn, được cấp trên tin tưởng, đồng cấp và cấp dưới tín nhiệm. Muốn làm được như vậy, lúc nào tôi cũng nghĩ mình tự giác rèn luyện. Trong phương pháp thực hành, tôi luôn thực hiện "ba không": không phiêu lưu, không cẩu thả, không đánh ẩu. Chỉ có như vậy mới thực sự tiết kiệm xương máu, tiết kiệm đạn dược. Lấy việc giữ gìn đoàn kết làm ví dụ. Tôi đến đơn vị nào, sau một thời gian ngắn, cũng đều trở thành trung tâm đoàn kết. Vậy thì đoàn kết là gì? Theo tôi, muốn có đoàn kết là phải đánh thắng. Để đạt được mục tiêu đó, tất nhiên phải làm nhiều việc. Phải phát huy dân chủ quân sự, phải bàn bạc chân tình, phải rút kinh nghiệm sau một trận chiến đấu. Khi rút kinh nghiệm cần ngắn gọn, với mục đích là bổ sung cho trận sau, có như vậy, mới thấy được khuyết điểm, nhưng quan trọng hơn là phải tìm ra biện pháp khắc phục để trận sau đánh tốt hơn. Lý luận phải gắn với thực tiễn, thực tiễn phải gắn với lý luận. Xây dựng cho được một tập thể có ý chí cao, dù tập thể đó là một trăm, hay vài chục nghìn người. Phải ăn giơ với nhau, trên nói dưới hiểu, dưới nói trên lắng nghe. Cái giơ đó là ý chí quyết tâm, phương án chiến đấu, chiến đấu rồi xây dựng, xây dựng để chiến đấu, trận sau phải thắng to hơn trận tước. Nói và làm là một. Tất cả những điều đó hàng chục nghìn người phải hiểu như nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:52:03 pm »


        Khi được lệnh từ Quân đoàn 2 về chỉ huy Quân khu 5, tôi biết có sự rạn nứt nội bộ từ Sở chỉ huy cơ bản ở Đà Nẵng với Sở chỉ huy tiền phương ở phía trước. Tôi nghĩ, muốn khôi phục đoàn kết là phải chiến thắng. Sự rạn nứt này phần lớn là do các chiến dịch trước đánh đấm trầy trật, không dứt điểm được mục tiêu, thương vong cao, không phát triển được cán bộ, đảng viên. Tôi lên ngay mặt trận, vừa sát các đơn vị, vừa suy nghĩ cách đánh để thắng một trận giòn giã. Tôi chọn căn cứ của quân Pôn Pốt trên điểm cao 547. Trước đó, Sư đoàn 307 của Quân khu 5 đã đánh nhiều lần, nhưng không thành công; có trận, bỏ lại cả liệt sĩ cả thương binh. Nguyên nhân chính là do công tác bảo đảm hậu cần chưa chu đáo. Ở một địa hình hầu hết là rừng khộp, khan hiếm nước về mùa khô, có trận bộ đội bị ngất vì thiếu nước, đi tìm nước vấp mìn bị thương vong, địch phục kích những nơi có nước... Tất cả vì thiếu nước mà mất sức chiến đấu. Trong tất cả các khâu chuẩn bị trận đánh như trinh sát địch, tập huấn bộ đội, cơ động lực lượng binh khí kỹ thuật chủ yếu bằng đường ô tô từ Plei-ku sang, bảo đảm đạn dược, lương thực, thực phẩm cho 25 ngày dự kiến chiến dịch, tôi đặc biệt chú ý triển khai đủ nước uống cho gần 15 nghìn cán bộ, chiến sĩ. Việc đó phải bắt đầu từ những tính toán nhỏ nhặt, cụ thể: Để có 5-6 lít nước cho mỗi người một ngày, thì phải có rất nhiều tính toán trong các tình huống khác nhau, sẽ được trình bày rõ trong phần nói về trận đánh điểm cao 547. Việc lớn là phải đánh thắng để khôi phục đoàn kết nội bộ, để tiết kiệm xương máu đồng đội, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị, do đó phải giải quyết từ việc nhỏ nhất là chuẩn bị dụng cụ đựng nước. Trong những ngày đó, tôi dồn hết tâm lực vào việc này. Theo tôi, người chỉ huy có lòng chân thành với chính mình, với nhiệm vụ mình được giao, thì phải giải quyết từ những việc nhỏ, thậm chí việc rất nhỏ. Ai cũng biết rằng việc lớn đúng, bắt nguồn từ việc nhỏ đúng.

        Nhiều người hỏi tôi nguyên nhân thắng lợi của cách mạng và sự trưởng thành của tôi? Câu trả lời của tôi vẫn là: Nhân dân. Nhiều người đã nói về điều này, nên nghe đã quen, nhưng đối với tôi, điều đó bao giờ cũng sinh động. Trong trận đánh mở màn cho chiến dịch Ba Gia tại Diên Niên, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 90 Trung đoàn 1. Theo phương án, một trung đội địa phương Sơn Tịnh cùng trung đội trinh sát - đặc công Trung đoàn đánh vào một trung đội dân vệ ở thôn Lộc Thọ, đánh theo cách của bộ đội địa phương để buộc địch kêu cứu tới tên đại úy Nguyễn Văn Ngọc - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1 trung đoàn 51 ngụy đóng ở Gò Cao. Tên Ngọc cho đó là bộ đội huyện đánh, nên chỉ cho một đại đội xuống giải toả. Ta bố trí một đại đội đánh chặn đại đội ngụy này lại, nhưng chỉ sử dụng một trung đội, chỉ dùng súng tiểu liên, không sử dụng trung liên, không sử dụng cối, dựa vào công sự, chờ địch tới gần mới nổ súng. Địch dồn cả đại đội mà không đánh được ta. Đại úy Ngọc liền điều hai đại đội còn lại cùng ban chỉ huy tiểu đoàn đi trên 8 chiếc xe GMC và một xe Jeép kéo xuống khu chiến, chỉ để lại một trung đội giữ Gò Cao.

        Từ đêm trước, Tiểu đoàn 90 đã bố trí ở xóm An Thành thuộc xã Tịnh Minh. Số quân Tiểu đoàn lúc ấy trên 600. Hành quân từ phía tây sang phía đông đường đi sát chân núi Tròn, vượt qua đường trên một băng vải trắng, hai đầu có du kích gác. Sáng ra, Đảng ủy xã huy động mấy đàn trâu đánh qua cánh đồng xoá hết dấu chân của bộ đội. Cả Tiểu đoàn ở hết trong nhà dân, đồng bào bẻ lá cho bộ  đội kết vòng nguỵ trang. Du kích gác cho bộ đội ngủ. Bộ đội ăn cơm theo từng gia đình, không đi ra ngoài. Làng xóm bên trong hết sức nhộn nhịp, nhưng bên ngoài thì yên lặng như tờ. Quân ta đóng quân ở ngay sát địch, mà địch không hề hay biết.

        Hỏa lực của địch ngày càng mạnh. Bộ phận chặn địch của ta kiên cường đánh theo kiểu du kích; địch tức tối dồn cả đội hình lên. Địch lọt hết vào vòng vây của ta. Đội hình tiến công chủ yếu của ta ở ngay phía sau và bên sườn địch.

        9 giờ, Tiểu đoàn ra lệnh xuất kích. Đường xuất kích phải qua một chiếc cầu khỉ, dân đã lót sẵn cho bộ đội. Địch hoàn toàn bị rối loạn, hai cố vấn Mỹ bị tiêu diệt ngay từ đầu, đội hình bị chia cắt từng mảng nhỏ, không có người  chỉ huy, không hiệp đồng được, địch tháo chạy. Các hướng đều bị lực lượng ta chặn đánh, nên địch phải chạy vào các thôn bên đường -nơi đặt sở chỉ huy Tiểu đoàn 90. Các bộ Phận cơ quan Tiểu đoàn, từ nuôi quân, thông tin, vệ binh, đến chiến sĩ vận tải cùng nhân dân xông ra bắt tù binh (ở thôn An Thành có cụ già bắt được 7 tù binh). Dân đưa hết tù binh xuống địa đạo cũ để tránh pháo, trong đó có đủ cả ban chỉ huy tiểu đoàn và 3 ban chỉ huy đại đội với 217 tên. (có cả tên Đại úy Ngọc). Chính nhân dân đã che chở cho cả một tiểu đoàn ta ém quân, cũng chính nhân dân đã bắt một tiểu đoàn ngụy. Có hiện thực nào sinh động hơn?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:56:57 am »


        Trong chiến dịch Xuân 1975, Sư đoàn 2 từ khu chiến Tiên Phước -Tam Kỳ, đánh ra Đà Nẵng trong một quỹ thời gian rất ngắn là hai ngày. Lúc đó, Sư đoàn có 4 trung đoàn bộ binh, có các trung đoàn pháo, xe tăng, cao xạ phối thuộc cùng nhiều cơ quan binh chủng khác. Trên đường tiến quân, các cầu lớn trên sông Thu Bồn, sông Bà Rén bị địch ném bom phá sập, nhưng quân ta vẫn hành quân với tốc độ nhanh. Vào ngày Đà Nẵng giải phóng, anh Lê Trọng Tấn, lúc đó là Tư lệnh chiến dịch Đà Nẵng, hỏi tôi: "Quân của cậu đông, không có cầu phà, không có phương tiện lội nước, phải vượt qua những sông lớn, làm sao cậu tiến quân nhanh như vậy. Ngoài Bộ, nhiều người không hình dung ra được?". Tôi trả lời anh Tấn rằng: Dựa hết vào dân. Từ việc cung cấp thuyền bè qua sông, xe cộ trên đường, hay dẫn đường vào các mục tiêu, đến việc bảo đảm lương ăn trong chiến đấu đều dựa vào dân. Từ người nông dân ngoại thành, đến ông lái xe đò, xe ôm trên đường, từ các chị tiểu thương ở chợ đến các em học sinh, ai giúp được việc gì, đều giúp. Bộ đội vào Đà Nẵng, ngoài vũ khí trên người, trong ba lô chỉ mang một bộ quân phục mới để mặc khi thành phố giải phóng, còn tất cả phải nhờ dân lo hết.

        Tôi nghĩ nếu kể về tình cảm nhân dân dành cho bộ đội, thì bất cứ chiến sĩ nào cũng có thể kể, kể mãi không hết được. Trong đời chiến đấu của tôi, điều tôi thường suy ngẫm là bản lĩnh của con người trước các thử thách, trước các bước ngoặt của đất nước. Lịch sử đất nước ta trong 50 năm qua, có các bước ngoặt lớn như: Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ, Hiệp định Pa-ri, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước... đó là những thời điểm cần đến những nội lực của con người. Có thể anh vượt qua mà trưởng thành, có thể anh không vượt qua rồi  ngã gục. Tôi trưởng thành từ một người lính, được tôi luyện trong môi trường quân đội, rèn luyện trong chiến đấu nên trong các bước ngoặt lớn của đất nước, tôi không bị lúng túng. Điều tâm niệm của tôi là tự mình phải rèn  luyện để khi đất nước qua mỗi bước ngoặt lịch sử thì cùng toàn Đảng, toàn dân tộc nhận diện để vượt qua, làm chủ và chiến thắng

        NGƯỜI CHỈ HUY VỚI ĐÁNH TIÊU DIỆT

        Trải qua các cương vị từ người chiến sĩ lên tới Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chơn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân có nhiều suy nghĩ tâm đắc về công tác chỉ huy đánh tiêu diệt địch về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật trong 30 năm chiến tranh giải phóng.

        Đánh cho địch không kịp trở tay

        Ông đã trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từng lao vào đồn địch, xông thẳng vào đội hình địch để tiêu diệt chúng trong công sự kiên cố vững chắc và ngoài công sự, cùng với đồng đội tiêu diệt nhiều đơn vị quân Pháp và Âu -Phi. Nổi bật ở chiến trường Khu 5 là trận đánh tiêu diệt tập đoàn phòng ngự của Pháp ở bắc Kon Tum; với trận An Khê, ta loại khỏi vòng chiến đấu, xóa phiên hiệu, xóa sổ đơn vị thiện chiến của quân Pháp.

           Năm 1964-1965, ông là Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 1 chủ công của Sư đoàn 2. Giai đoạn từ năm 1965 đến năm 1975, ông trực tiếp chỉ huy chiến đấu, chủ yếu là với quân đội Mỹ -ngụy Sài Gòn. Từ năm 1967 đến năm 1969, ông là Trung đoàn trưởng chỉ huy đánh và tiêu diệt quân Mỹ ở ngoại ô Đà Nẵng. Từ năm 1969 đến năm 1975 đảm nhiệm các chức vụ Sư đoàn phó và Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2 quân khu 5, ông tham gia chỉ huy chiến đấu ở Nam Lào (1971), giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven mở đường dây 559, rồi sau đó về chỉ huy đánh Đắc Tô -Tân Cảnh (1972) giải phóng bắc Tây Nguyên. Đối tượng tác chiến có khác nhau, chủ yếu là quân Mỹ -ngụy Sài Gòn, ngụy Lào, Thái Lan, Pôn Pốt, Nam Triều Tiên, nhưng Nguyễn Chơn nổi bật với thành tích trăm trận trăm thắng (thắng lớn, thắng vừa, thắng nhỏ, không có trận thua).

        Ở tuổi gần tám mươi, về nghỉ hưu tại phường Hòa Thuận (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), nhưng với tư duy quân sự sắc sảo, chiêm nghiệm chiến tranh cách mạng một cách có hệ thống, tâm trí ông như chưa hề nghỉ ngơi. Trong quá trình cung cấp tư liệu để chúng tôi biên soạn tập hồi ký đời mình, ông tâm sự:

        "Bản thân tôi nhờ tích lũy kinh nghiệm 9 năm là quân chủ lực cơ động Liên khu 5 đánh thực dân Pháp, trải qua 16 năm đánh Mỹ -ngụy, tuy học ở trường không nhiều, nhưng nhờ đúc rút kinh nghiệm, nên công tác chỉ huy ngày càng vững vàng hơn. Sau năm 1975, tôi lần lượt phát triển lên chỉ huy cấp chiến lược, chiến dịch, Tư lệnh Quân đoàn, Tư lệnh Quân khu, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhờ thế, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo tác chiến, có đóng góp vào nhiệm vụ xây dựng lực lượng, thiết kế, thiết bị chiến trường... để bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (đánh địch trong công sự, ngoài công sự). Công việc đã tạo cho tôi cótầm nhìn chiến lược, chiến dịch với các đối tượng tác chiến của quân và dân ta ".
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM