Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:07:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36590 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #150 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:51:26 am »


        Tại sở chỉ huy mặt trận, có đầy đủ các đại biểu chính quyền địa phương, tỉnh ủy, các nhà văn, v.v. Mọi người hớn hở, bàn tán, mong đợi giờ nổ súng. Anh Chu Huy Mân và tôi theo dõi tình hình chiếm lĩnh trận địa của bộ đội. Trung đoàn X đã triển khai chiếm lĩnh xong. Trung đoàn bạn chưa liên lạc được với các cơn vị của mình. Địch ra sục sạo chiếm mất đồi, nơi ta dự định bố trí pháo binh của mặt trận. Ngoài ra, không còn dùng pháo binh, súng cối bắn chặn đường tiến quân của trung đoàn bạn. Tình hình lộn xộn vẫn kéo dài. Trung đoàn bạn chưa nắm được quân, các đơn vị lạc lung tung, pháo, cối một nơi, bộ binh một nẻo. Anh Chu Huy Mân và tôi trao đổi với nhau, thấy rằng thực chất của vấn đề hiện tại là tư tưởng, là quyết tâm của cán bộ và chiến sĩ, cộng với trình độ tác chiến tập trung của bộ đội chưa được rèn luyện kỹ. Tình hình tuy có nhiều khó khăn thật, nhưng nếu từ trên xuống dưới có quyết tâm cao -  cũng còn khả năng khắc phục. Tuy nhiên căn cứ vào quá trình theo dõi từ khi chuẩn bị chiến đấu, cộng với tình hình hiện tại, anh Chu Huy Mân và tôi đều thấy quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ chưa vững chắc như vậy, còn có thể có nhiều khó khăn hơn nữa, nếu cứ tiếp tục tiến vào chiếm lĩnh, nổ súng, tác chiến ngay đêm nay thì không chắc giành được thắng lợi.

        Trong khi chúng tôi trao đổi, các đại biểu chính quyền, tỉnh ủy, văn nghệ sĩ chăm chú theo dõi ý kiến chúng tôi và hình như muốn chúng tôi đừng quyết định thôi đánh. Chúng tôi suy nghĩ rất nhiều đến sự háo hức mong lập công của đơn vị, đến sự động viên của các cơ quan dân, chính, đảng. Nhưng đánh thì không chắc thắng. Anh Chu Huy Mân và tôi đều nhất trí như vậy (Lúc này các đồng chí Chu Huy Mân và Vương Thừa Vũ được phân công chỉ huy một mặt trận độc lập -  BT). Đã không chắc thắng mà cứ quyết định đánh là phiêu lưu, mạo hiểm, là coi thường sinh mệnh quần chúng. Thấy chúng tôi bàn như vậy, các đồng chí địa phương đều tham gia ý kiến là nên xem xét lại và đề nghị cứ cho đánh. Các văn nghệ sĩ cũng mong cứ cho đánh để ca ngợi những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ, mặt khác cũng muốn xem một trận đánh lớn như thế nào. Nhưng không thể được, không vì hãnh diện cá nhân mà quyết định liều lĩnh, tổn hại đến xương máu chiến sĩ, ảnh hưởng đến vốn liếng của Đảng, đến thành bại của cách mạng, nhất là đây là trận đánh tập trung để xây dựng lực lượng, xây dựng truyền thống đơn vị.

        Chúng tôi quyết định hai trung đoàn và tất cả các đơn vị tham chiến lui quân, rời khỏi chiến trường trở về vị trí tập kết.

        Quyết định ấy truyền đi, mọi người trong sở chỉ huy đều bàng hoàng ngạc nhiên. Nhưng không thể nào quyết định khác, mặc dầu có những đơn vị vẫn tiếp tục đề nghị xin ở lại đánh Thất Khê. Có những cán bộ, chiến sĩ dùng dằng, lưỡng lự không muốn quay trở về, vì sợ ngượng ngùng với bà con xóm làng. Ra đi hứa hẹn như thế, bây giờ không đánh lại trở về.

        Trước tình hình đó, chúng tôi phải ra lệnh: "Kiên quyết lui khỏi chiến trường không được trù trừ do dự". Các đơn vị chấp hành triệt để, bảo đảm được lực lượng về vị trí tập kết. Hồi đó, cũng có cán bộ không bằng lòng, nhưng dần dần mọi người đều nhất trí. Nếu đêm hôm đó cứ đánh liều thì nhất định tổn thất lớn mà vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Trận đầu đánh tập trung không thắng sẽ gây nên khó khăn biết chừng nào cho việc xây dựng đơn vị. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm đối với việc lui quân hoàn toàn chính xác và rất kiên quyết ấy.

        Qua đó, ta thấy rằng người chỉ huy phải rèn luyện cho mình có bản lĩnh dám đánh, nhưng phải có gan dám rút. Đã thấy không có khả năng đánh thắng, lui có lợi hơn, khi khác đánh có lợi thì kiên quyết không đánh. Người chỉ huy không những có gan chủ động đánh mà còn phải có gan chủ động lui quân. Đã ra lệnh lui quân thì kiên quyết chỉ huy lui quân, bảo toàn lực lượng không một mảy may do dự, tiếc rẻ. Khi cần thiết dám hạ lệnh lui quân cũng là một yêu cầu đối với người chỉ huy, cũng là dũng cảm và mưu trí1 (Ý tác giả nói trong trường hợp hoạt động độc lập và được cấp trên giao quyền quyết định -  BT). Nhưng khi cần hạ lệnh đánh thì nhất định đánh đến cùng.

        Đánh hay lui là căn cứ vào tình hình cụ thể lúc đó, nhưng tất cả phải vì lợi ích của cách mạng, vì thắng lợi của cách mạng cao hơn hết, không được bơm to khó khăn, lấy cớ là bảo vệ lợi ích lâu dài của cách mạng để nguỵ trang cho tư tưởng bảo mạng rồi tuỳ tiện cho lui quân, coi như thế cũng là quyết tâm, coi như thế cũng là vì lợi ích của cách mạng thì không được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #151 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:17:40 am »

         
ĐỊA THẾ HIỂM TRỞ MỘT NGƯỜI CÓ THẾ CHỐNG ĐƯỢC VẠN NGƯỜI

        Những năm 1960 -  1961, quân nguỵ Sài Gòn được đế quốc Mỹ hà hơi tiếp sức ngày ngày hò hét Bắc tiến, đồng thời tung biệt kích đường không, đường biển, đường bộ ra Bắc quấy rối, phá hoại, móc nối với bọn phản động nội địa, điều tra nắm tình hình mọi mặt của ta.

        Hồi đó, tôi là quân khu trưởng Quân khu Hữu Ngạn, được Bộ giao nhiệm vụ cùng với một số cán bộ binh chủng, cơ quan như các đồng chí Doãn Tuế, Hồng Sơn, Ngô Hùng và một số đồng chí khác tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh phương án tác chiến phòng thủ của quân khu. Sau đó đi xem xét nghiên cứu bổ sung phương án tác chiến phòng thủ giúp Quân khu 4 và Quân khu Tả Ngạn, vì thời gian này các đồng chí thủ trưởng quân sự của quân khu bạn đi vắng.

        Như vậy là tôi lại có dịp đi khắp miền biên giới Việt -  Lào. Lúc đó nhân dân Lào chưa được giải phóng. Chúng tôi đi hầu hết bờ biển của miền Bắc, hải đảo và giới tuyến tạm thời ở Vĩnh Linh.

        Tôi nghĩ phải sâu sát dưới, phải thực tế xem xét tận nơi và lắng nghe ý kiến anh em. Từ thực tế ấy sẽ giúp cho tôi nhiều suy nghĩ đúng. Tuy đã ngoài 50 tuổi, với chiếc ô che nắng che mưa, đùm bánh mì hoặc khoai lang luộc, bi đông nước, tôi cùng cơ quan các ngành ngày này tháng khác leo đèo lội suối, đi nghiên cứu cụ thể khắp các bãi cát, sình lầy sú vẹt, cửa sông, cửa lạch, hải đảo, biển khơi...

        Lúc đó cán bộ ta, một số đã được học kinh nghiệm phòng ngự của một số nước anh em qua đại biến thế giới lần thứ hai, một số chưa được học tập mà chỉ có kinh nghiệm thực tế bản thân.

        Vì vậy quan điểm, tư tưởng tác chiến có những vấn đề cụ thể chưa được thống nhất.

        Khi đến các lữ đoàn, trung đoàn phòng thủ, anh em đều phàn nàn là bờ biển, biên giới dài mênh mông, nhiệm vụ rộng, nhưng quân ít, vũ khí, trang bị ít. Anh em đều có gợi ý nhờ tôi báo cáo Bộ, xin thêm quân, xin thêm trang bị và phân công nhiệm vụ hẹp lại. Tôi không trách anh em, vì đó là thực tế và quân có chừng ấy, trang bị có chừng ấy cũng là thực tế. Nhưng trước thực tế ấy quán triệt quan điểm quân sự của Đảng ta, với truyền thống nghệ thuật quân sự của tổ tiên ta thì nên suy nghĩ và giải quyết như thế nào cho đúng.

        Tôi cười vui và kể lại cho anh em nghe chuyện ngày xưa khi Nguyễn Trái đi qua sông Bạch Đằng, ông đã nhớ lại, tại đây Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nam Hán và quân Nguyên, giết Hoàng Thao và Toa Đô, Ô Mã Nhi. Nguyễn Trái đã tức cảnh làm hai câu thơ:

        “Quan hà bách nhị do thiên thiết
        Hào kiệt công danh thử địa tằng"


        tạm dịch:

        Non sông hiểm trở, hai người có thể chống lại được một trăm người là do trời định.
        Hào kiệt công danh cũng có từ đây.


        Và một câu ngạn ngữ của tổ tiên ta để lại:

        “Hiểm địa nhất phu địch vạn nhân"

        tạm dịch:

        Lợi dụng địa thế hiểm trở, một người có thể chống được vạn người.

        Tôi nói thêm cho anh em rõ, địa hình đất nước ta thật là đặc biệt, phía tây và phía bắc thì rừng núi hiểm trở, phía -  đông và đông nam thì sông ngòi luồng lạch chia cắt, ruộng nước mênh mông, từng quãng có dãy núi nhô ra sát mép biển. Chỉ địa hình ấy cũng đã giúp cho ta một thế trận, hiểm và mạnh biết chừng nào, nếu ta biết triệt để lợi dụng và cải tạo nó thì ít thành nhiều, yếu hoá mạnh, một người có thể chống lại trăm ngàn người.

        Tuy nhiên, có vấn đề vô cùng quan trọng khác, đó là thế chiến tranh nhân dân. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn dân. "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Phải tổ chức làng, bản, thôn, xóm thành pháo đài, phải thực hiện lời Bác Hồ dạy: "Mỗi người dân là một dũng sĩ...", thế trận của ta là bao gồm cả chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ... Riêng chủ lực cũng không phải chỗ nào cũng dàn quân ra. Phòng thủ kiểu đó thì bao nhiêu quân cũng thiếu, bao nhiêu vũ khí cũng không đủ. Vì vậy phải hình thành từng khu vực, có trọng điểm. Lấy điểm khống chế diện, lấy diện bảo vệ điểm, liên hoàn hỗ trợ cho nhau, liên hoàn hỗ trợ cho nhau, hiện đại kết hợp với thô sơ tự chế tạo mưu mẹo, nghi binh: v.v. Nhất định chúng ta sẽ hình thành được các khu vục phòng thủ vừng chắc trên toàn tuyến biên giới, ven biển và nội địa...

        Từ quan điểm trên đây, được các cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương nhất trí, các đơn vị phòng thủ của ta bổ sung phương án, tổ chức lại lực lượng, sắp xếp lại thế trận, thấy tự tin vững tâm hơn trước nhiều. Đó là thế trận tác chiến bảo vệ từng khu vực của chiến tranh nhân dân. Từ các đội thiếu niên nhi đồng đến các đội nam nữ dân quân, lão dân quân cũng sẵn sàng tham gia đánh giặc bảo vệ địa phương. Đó là sức mạnh tập thể xã hội chủ nghĩa ở các địa phương được quân sự hoá. Sau này, thực tế đã chứng minh biết bao nhiêu toán gián điệp, biệt kích, trinh sát của địch từ miền Nam tung ra địa bàn quân khu đã bị dân quân ta tóm gọn. Tàu biệt kích của địch ra đã bị dân quân đánh chìm. Máy bay do thám của địch bị bộ đội tiền tiêu ta bắn rơi, v.v.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #152 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:27:26 am »


        Tuy nhiên khi nghiên cứu bố trí thế trận cụ thể, chúng -  tôi cũng phải trao đổi nhiều vì một số cán bộ ta học tập kinh nghiệm của nước ngoài, nhưng không biết chọn lọc vận dụng vào thực tiễn con người, đất nước và điều kiện trang bị vật chất thực tế của ta, của đơn vị để tác chiến với một đối tượng mới.

        Thế trận dàn mành mành, hướng về một phía (!), bố trí phòng thủ như vậy thì dù nhiều cũng trở thành ít, mạnh thành yếu; dù có tuyến 1, tuyến 2, tuyến 3 đến tuyến thứ mấy chăng nữa cũng sẽ yếu.

        Cũng chừng ấy quân, chừng ấy trang bị vũ khí, chúng tôi bàn bạc với anh em xoay lại thế bố trí. Đó là thế chân vạc tam giác nhỏ trong tam giác lớn, đánh được địch từ các hướng tới. Trên trời, dưới biển, phía sau, bên sườn, địch từ hướng nào tới, ta vẫn giữ được thế chủ động, khi tập trung hướng này, lúc tập trung hướng khác, đánh dẻo dai liên tục. Các cụm điểm tựa liên hoàn hỗ trợ cho nhau, tích cực vận động tấn công đập vào sau lưng, bên sườn quần địch. Hết sức quán triệt tư tưởng chủ động tiến công trong tác chiến phòng thủ trong bố trí thế trận, trong sử dụng lực lượng, v.v.

        Để anh em cán bộ cơ sở dễ nhớ những điểm chính, tôi tóm lại những ý chính về cấu trúc và bố trí trận địa:

        -  Tam giác nhỏ trong tam giác lớn

        -  Chéo nhỏ trong chéo lớn

        -  Độc lập trong liên hoàn

        -  Chủ động trong bị động

        -  Điểm khống chế diện, diện bảo vệ điểm

        -  Nhiều tầng có chiều sâu

        -  Kết hợp: xa với gần, trong với ngoài, trước với sau, trên với dưới

        -  Hiểm hóc, bí mật, chéo sườn, thúc hông

        -  Cơ động rộng rãi, thoải mái, tập trung

        -  Thế cọp rình heo, thế mèo vồ chuột.

        Về cách đánh:

        -  Phát hiện địch từ xa, làm chậm bước tiến của địch

        -  Làm địch mệt mỏi tiêu hao, lừa địch vào thế bất lợi

        -  Địch động ta phải động hơn

        -  Cắm trà phá lưới, rút lẫy bẻ thói

        -  Bí mật bất ngờ, đột nhiên, mãnh liệt

        -  Giữ mẹ, dắt con, xoay tròn bốn phía

        -  Kết hợp dũng mưu, dùng nhiều lối đánh

        -  Vận động tấn công, thúc hông chặt sườn...

        Bài văn vần này, sau được anh em đơn vị hưởng ứng sửa chữa thành các đoạn ca dao ngắn. Để giúp cán bộ cơ sở bố trí cụ thể, phù hợp với cách đánh của ta, tôi thường cùng cán bộ tác chiến, kỹ thuật công trình đi xem xét từng vị trí cụ thể, nghiên cứu bố trí từng hỏa khí súng máy, súng ĐKZ, pháo chống tăng..., có một vấn đề cũng phải tranh luận khá chật vật. Một số anh em quan niệm bố trí hỏa khí trong phòng ngự làm sao phải bắn được nhiều hướng, bắn được xa, phát huy hết tính năng của hỏa khí. Vì vậy có trận địa pháo, anh em đặt nghênh ngang trên đỉnh núi. Tôi thường nói đùa là con gà ngồi trên mâm xôi. Có những khẩu súng chống tăng, khẩu súng máy đặt ngay ở mỏm đất cao nhất, ở cổng làng, ở ngã ba ngã tư đường cái. Tất nhiên tôi không bác bỏ hoàn toàn cách bố trì này. Nhưng bố trí theo kiểu Trương Phi vỗ ngực: "Bớ ta đây!...", như vậy không sớm thì muộn cũng sẽ bị diệt.

        Anh em giở lý ra là theo tính toán thì một phương tiện chống tăng, một phương tiện chống đổ bộ diệt được mấy tăng, mấy xuồng đổ bộ là hết đời... Vậy thì ta cũng phải có số lượng bao nhiêu vũ khí đó mới đủ sức đánh lại bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu phương tiện đổ bộ của địch. Nghe anh em trình bày tôi lo quá. Trệch rồi! lệch cả nhận thức lẫn quan điểm rồi!

        Tôi không bác bỏ cách tính toán của anh em, nhưng đối với ta, người không đông, công nghiệp quốc phòng còn nghèo, không thể đánh theo kiểu đó được. Ta phải đánh thắng kẻ địch có đông quân hơn ta, có nhiều vũ khí hiện đại hơn ta, có tầm bắn xa hơn vũ khí của ta. Ta chưa với tới địch thì nó đã với tới ta trước.

        Đối với ta nếu có nhiều vũ khí hiện đại để đánh địch thì càng tốt. Nhưng nếu không có đủ vũ khí này thì phải tìm trăm phương ngàn kế khác đánh địch. Diệt địch, nhưng phải giữ mình. Đánh giặc phải có hy sinh, nhưng tìm mọi cách tốt nhất cho quần chúng đỡ đổ xương máu, đỡ phải hy sinh. Hỏa khí của ta phải diệt được nhiều địch nhất, tuổi thọ phải kéo dài nhất chứ không phải diệt được 3 -  4 xe tăng địch thì hết đời. Vì vậy phải mưu mẹo, phải tinh khôn. Tuyệt đối không được đánh theo kiểu "đọ vàng với tư bản", không được bài binh bố trận theo kiểu bày hàng xén.

        Chính vì dân tộc ta có cách đánh truyền thống mưu trí, thông minh mà đã thắng nhiều đội quân xâm lược có số lượng đông hơn ta nhiều lần, có trang bị kỹ thuật hiện đại hơn ta nhiều lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #153 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:30:56 am »


        Sau khi giải thích cho anh em và bố trí thực tế tại trận địa, tôi cho xây dựng một công sự kiên cố. Công sự được xây dựng bằng bê tông cốt thép, có lỗ châu mai nhỏ để tăng sức đề kháng. Chúng tôi dùng lần lượt các loại hỏa khí bắn thử, thì rõ ràng là phát này chưa trúng thì phát sau sẽ tin; súng này bắn không vỡ thì loại khác sẽ phá tan...

        Rõ ràng là bê tông cốt thép, đạn to, súng lớn mà bố trí lộ liễu cũng không có tác dùng là bao, sớm muộn cũng bị diệt. Tôi cho anh em đi xem một khu chốt phòng thủ khác với tư cách là đối phương phán đoán xem trận địa và các hỏa khí của ta bố trí như thế nào? Có đồng chí ngồi ngay ở miệng lỗ châu mai mà không biết, phán đoán bố trí của ta sai trệch cả.

        Tôi kết luận: bí mật là cường độ mạnh nhất, trong chiến đấu đối phương cũng chủ quan phán đoán ta như vậy. Ta bố trí phòng thủ mưu mẹo, có chỉ huy thao lược linh hoạt nữa thì dù chúng có số lượng đông gấp hơn ta bao nhiêu lần cũng chỉ là nhưng bia thịt mà thôi; có vũ khí, trang bị hiện đại cũng sa vào bẫy của ta mà thôi.

        Mỗi lần bố trí phía ta xong tôi lại ra phía trước, đứng vào cương vị đối phương xem xét phán đoán ta, sau đó lại bổ sung phương án. Năm 1961, khi nghiên cứu ở khu giới tuyến tạm thời Vĩnh Linh, tôi đi suốt dọc bờ sông Bến Hải từ phía đông lên mạn đồi núi phía tây, với danh nghĩa là đoàn cán bộ nghiên cứu chống lụt của Trung ương về địa phương kiểm tra. Chúng tôi đi trên bờ, bọn nguỵ quân Sài Gòn có một tổ đi thuyền dưới sông, chửi đổng khiêu khích, vài tên đi xe đạp ở bờ sông bên kia...

        Ta với địch là đấu tranh giai cấp, là một mất một còn, nhưng lúc đó cán bộ cơ sở của ta chân phương quá, xây dựng biết bao nhiêu trụ sở, nhà ngói, lò vôi, lò gạch, v.v. Nhưng nhà là nhà, lò vôi là lò vôi, không biết xây thành thế trận, không dám xây thành ổ chiến đấu, làm sẵn lỗ châu mai khi cần chỉ việc đẩy hòn gạch ra là bắn được. Anh em sợ vi phạm hiệp nghị Giơ- ne- vơ. Tôi nói: đấu tranh giai cấp, kẻ thù thì nham hiểm, nếu ta ngây thơ như vậy thì bị diệt lúc nào không biết. Đây là một vấn đề cụ thể trong xây dựng kinh tế phải kết hợp với quốc phòng. Chúng tôi bàn với anh em, mọi việc xây dựng nhà cửa, đường sá, thuỷ lợi, v.v. đều phải kết hợp chặt chẽ với phương án tác chiến phòng thủ, phải hình thành các cụm chiến đấu liên hoàn...

        Xem xét bố trí xong, tôi muốn đứng ra phía trước quan sát lại trận địa của mình xem sao. Không có cách nào khác, tôi và vài cán bộ giúp việc phải đi bộ qua cầu Hiền Lương đến giữa sông nhìn về bờ Bắc... Mấy tên lính nguỵ từ bờ bên kia hối hả chạy ra cầu quát tháo:

        -  Đi đâu? đi đâu? các anh là ai? chỉ được đến giữa cầu thôi không được đi quá.

        Chúng giơ súng gạt chúng tôi trở lại. Một cán bộ đi theo tôi ra đôi co với chúng một lát, để chúng tôi có nhiều thì giờ xem xét nhìn lại phía trận địa của mình ở bờ Bắc. Tôi chợt nhìn ra cái mố cầu: ôi! đó có thể là một hỏa điểm bí mật nhô ra, bắn dọc ven sông nếu kẻ địch dùng thuyền, dùng xuồng đổ bộ lên bờ Bắc...

        Phải khẩn trương, bí mật, cải tạo ngay cái mồ cầu đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #154 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:34:29 am »

        
CÓ KẾ HOẠCH TỈ MỈ, NHƯNG PHẢI ỨNG PHÓ GIỎI MỚI GIÀNH ĐƯỢC THẮNG LỢI

        Khi chuẩn bị chiến đấu, kế hoạch phải chu đáo, tỉ mỉ, phải dự kiến đầy đủ những tình huống có thể xảy ra và tuỳ tình hình cụ thể mà chuẩn bị với mức độ khác nhau theo những tình huống đó. Trong kế hoạch phải hết sức mưu mẹo, linh hoạt, phải nghi binh đánh lừa địch.

        Mặc dù đã dự kiến đầy đủ như vậy, nhưng trong chiến đấu tình huống xảy ra cũng có khi đúng nhiều, có khi đúng ít, cũng có khi hoàn toàn không đúng với kế hoạch. Nói chung là tình huống diễn biến muôn màu muôn vẻ, vô cùng phức tạp. Lúc đó, nếu người chỉ huy cứ khăng khăng giữ kế hoạch cũ thì rất nguy hiểm, có thể lâm vào tình trạng bị động và sẽ đi từ bị động này đến bị động khác. Vì vậy bất cứ trường hợp nào, khi đã xuất trận yêu cầu người chỉ huy phải nắm chắc kế hoạch cơ bản đã chuẩn bị sân, nhưng lại phải ứng phó giỏi. Ta thường nói "tuỳ cơ ứng biến", tức là tuỳ tình hình địa hình, địch, ta lúc đó mà xử trí cho thích hợp. ứng phó giỏi không phải là bản năng bẩm sinh. Muốn ứng phó giỏi trước tiên phải có gan đánh địch, có quyết tâm diệt địch cao, từ đó sẽ tìm ra được nhiều cách xử trí. Có gan đánh lại phải có bản lĩnh nghệ thuật quân sự. Có bản lĩnh đánh thắng không phải chỉ cần học cho biết, cho thuộc những điều lệnh, nguyên tắc chiến đấu. Ví như một người học võ, không phải chỉ học thuộc bài để biểu diễn cho có thứ tự, cho đẹp mắt là giỏi, mà phải từ những động tác cơ bản, những bài cơ bản ấy nâng lên trình độ thục luyện, vận dụng trở thành “ngoại tài" để đánh gục đối thủ. Muốn vận dụng giỏi, muốn có "ngoại tài" thì cần ra sức luyện tập trong thực tế Có bản lĩnh rồi và có thực tế ấy sẽ nảy sinh ra mọi cách ứng phó giỏi. Dân gian ta có câu: "trăm hay không bằng tay quen" là như vậy? Cho nên phải rèn luyện và rèn luyện thật nhiều trong thực tế, hết sức tránh tự mình trói buộc mình vào sách vở, công thức. Từ sách vở, công thức phải tiến lên vận dụng nhiều, ứng phó giỏi.

        Sau đây là một số mẩu chuyện ứng phó của đơn vị và bản thân tôi:

        Trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, sau khi đại đoàn bố trí đánh phục kích trên đường số 4 bị trượt, địch từ Thất Khê lên chiếm quả đồi Khau Luông tấn công nhứ vào Đông Khê, rồi bất thình lình tạt sang phía tây với âm mưu của Lơ- pa- giơ là đi tắt đường mòn sang dãy đồi 477 để đón Sác- tông. Ta tấn công Khau Luông đêm hôm trước không thành, đang chuẩn bị kế hoạch tập kích Khau Luông lần thứ hai. Lúc đó, trên cho biết là địch sẽ đi sang phía tây. Tôi phát hiện một eo đá của dãy núi Cốc Xá rất hiểm trở, nếu để địch lọt qua eo này thì quân ta khó mà có đường đuổi đánh địch, và nếu để quân Lơ- pa- giơ gặp được quân Sác- tông hợp thành một lực lượng lớn thì ta khó mà tiêu diệt. Cho nên, đại đoàn lập tức điều tiểu đoàn 18 vượt qua các dãy núi đá ngay trong đêm để nhanh chóng chiếm giữ bằng được eo đó, nhằm chia cắt không cho Lơ- pa- giơ qua phía tây. Quả nhiên ta với địch tranh chấp eo này rất ác liệt, cuối cùng ta chiếm được eo, buộc Lơ- pa- giơ phải vón lại ở dây núi Cốc Xá và bị tiêu diệt.

        Trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952, trên giao nhiệm vụ trong một tuần phải giải quyết xong phân khu Nghĩa Lộ. Kế hoạch của đại đoàn định hai đêm sẽ tiêu diệt xong vị trí Pú Chạng và Nghĩa Lộ phố. Kế hoạch đề ra như vậy, nhưng khi tác chiến, chỉ sau ba giờ đồng hồ quân ta đã tiêu diệt xong vị trí Pú Chạng. Chúng tôi tính toán thời gian và lực lượng, thấy còn đủ sức để đánh luôn vị trí Nghĩa Lộ phố ngay trong đêm đó. Sự tính toán và cân nhắc này được báo cáo với đảng ủy đại đoàn, sau đó hạ quyết tâm chuyển sang đánh ngay vị trí Nghĩa Lộ phố và tới 5 giờ sáng thì hoàn toàn giải quyết xong. Như vậy trong một đêm đơn vị đã đánh hai cứ điểm, tiêu diệt và bắt sống gần 600 tên địch (bắt sống 412 tên).

        Trong chiến dịch mùa hè tiếp sau chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi nhận nhiệm vụ dùng một trung đoàn tăng cường thêm một tiểu đoàn hoạt động ở khu vực Bắc Ninh và -  Bắc Giang để thực hiện mục đích của chiến dịch là đánh tiêu diệt một bộ phận địch và tiêu hao rộng rãi giữ chân địch lại, làm áp lực cho hội nghị Giơ- ne- vơ. Với lực lượng nhỏ như vậy làm sao đạt được nhiệm vụ trên? Trung đoàn X nhận nhiệm vụ tiêu diệt vị trí Cầu Lồ. Còn tiểu đoàn tăng cường thì đại đoàn cho phân tán từng tổ nhỏ xuống các xã thuộc mấy tỉnh trên để dìu dắt dân quân du kích, tổ chức bao vây và đánh lấn các vị trí địch. Dân quân du kích đã bao vây, đánh lấn hơn 30 vị trí địch, tiêu hao, đánh tỉa địch ở mọi lúc, mọi nơi, gây cho chúng nhiều khó khăn: hết lương ăn, nước uống, bị khốn đốn trong các vị trí, đi đứng không yên. Thế mà chúng tôi đã tạo ra một màng lưới rộng khắp và mạnh mẽ giữa bộ đội chủ lực với dân quân du kích, kìm chân 4 binh đoàn của địch từ phía Phả Lại trong suốt một thời gian dài không nhúc nhích được một bước cho đến khi có lệnh đình chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #155 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:37:46 am »


        Tôi nêu thêm một vài thí dụ của các đồng chí chỉ huy khác.

        Tiểu đoàn X sau khi tấn công tiêu diệt cứ điểm được lệnh để một bộ phận nhỏ ở lại giữ vững cứ điểm, bảo đảm cho chủ lực làm nhiệm vụ khác. Theo kế hoạch chuẩn bị thì bộ phận nhỏ đó sẽ lợi dụng công sự, ụ súng của địch để chiến đấu, đồng thời cho một số binh lực ra bí mật bố trí ở một xóm nhỏ gần đấy nhằm khi địch tập trung tấn công chiếm lại cứ điểm, sẽ bất ngờ xuất kích đánh vào bên sườn và sau lưng chúng. Nhưng thực tế chiến sự lại diễn biến hoàn toàn khác với phương án đã chuẩn bị.

        Mờ sáng hôm sau, quân địch kéo đến, nhưng không đánh chiếm cứ điểm ngay mà trước tiên cho máy bay, đại bác oanh tạc dữ dội xóm nhỏ. Khoảng 8 giờ, chúng chia làm 3 mũi tiến vào đánh chiếm xóm nhỏ. Đơn vị ở đây buộc phải chiến đấu. Anh em chiến đấu rất dũng cảm, linh hoạt, chỉ dùng vài tổ chiến đấu đã ngăn chặn cánh chủ yếu của địch, số còn lại bí mật cơ động theo bờ tre, bờ mương, bất ngờ xuất kích tiêu diệt một bộ phận địch ở cánh thứ yếu. Bọn địch này chạy tán loạn, bọn địch ở các hướng kia cũng phải lui theo. Quân địch tập trung đông hơn, tấn công nhiều đợt nhưng đều bị đánh bật ra cánh đồng. Chúng chuyển hướng tập trung đột phá vào phía khác. Một bộ phận nhỏ của ta ở trong cứ điểm theo đường đã chuẩn bị sẵn, bí mật vận động ra đánh vào trận địa hỏa lực của chúng. Bị đánh một đòn bất ngờ, quân địch bỏ chạy ra xa. Chiều hôm đó, quân địch không tấn công nữa, chúng dàn quân bao vây lực lượng ta ở xóm nhỏ. Vừa chập tối, quân ta ở trong cứ điểm lại bí mật luồn ra đập vào sau lưng chúng. Nghe tiếng súng nổ, bộ phận ở xóm nhỏ trong vòng vây của địch đã nhanh chóng nổ súng phồi hợp, rồi bí mật luồn ra ngoài. Sau khi ra khỏi vòng vây, thấy địch sơ hở, chủ quan, mà thời gian ban đêm còn nhiều, các chiến sĩ ta "tiếc rẻ" đã quay lại đập cho chúng một đòn nữa rồi mới chịu rút. Ý định chiếm lại cứ điểm của địch không thành công. Lực lượng ta tuy nhỏ nhưng luôn luôn giành chủ động, tiêu diệt nhiều địch, làm tròn nhiệm vụ, chính vì cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đó đã có bản lĩnh chiến đấu cao và ứng phó giỏi.

        Ngược lại, một đơn vị nhỏ khác, sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, tiến quân về đồng bằng làm nhiệm vụ bao vây đánh lấn một cứ điểm. Trong khi quân ta đang tập trung bao vây bắn tỉa địch, không chú ý cảnh giới sau lưng, bên sườn thì bị một cánh quân của địch ở nơi khác bí mật vận động tới đánh vào sau lưng. Người chỉ huy đã lúng túng không biết xử trí ra sao, chống cự yếu ớt, rồi ra lệnh cho đơn vị rút. Bị quân địch từ trong đánh ra, ngoài đánh vào, đơn vị tuy rút lui được nhưng cũng bị tổn thất một số. Thế là không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn bị tổn thất, ảnh hưởng đến khí thế đang trên đà chiến thắng của bộ đội. Về nguyên nhân có thể do dự kiến phương án tác chiến và kế hoạch không chu đáo như tiến hành bao vây đánh lấn địch ở cứ điểm mà không tổ chức đánh máy bay, đánh địch trên trời đổ xuống, đánh địch tập kích từ sau lưng, v.v..; cũng có thể do tinh thần chiến đấu của người chỉ huy không vừng vàng trong lúc gay go, ác liệt. Nhưng dù thế nào chăng nữa, nguyên nhân trực tiếp nhìn thấy ngay vẫn là người chỉ huy kém linh hoạt ứng phó. Nếu người chỉ huy có bản lĩnh, ứng phó giỏi, các chiến sĩ thiện chiến thì phắc rằng tình hình sẽ khác, kẻ địch không dễ gì gây cho ta tổn thất.

        Tình huống diễn biến trong chiến đấu rất mau lẹ và vô cùng phức tạp. Người chỉ huy phải ứng phó giỏi để luôn luôn giành chủ động tạo bất ngờ để chiến thắng. Muốn ứng phó giỏi, cần phải rèn luyện thật nhiều trong mọi tình huống, với những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Rèn luyện trong hoàn cảnh càng khó khăn, phức tạp, trong tình huống càng ác liệt, khẩn trương, thì khi chiến đấu sẽ vững vàng, đủ minh mẫn để nhận xét tình hình, xử trì thích hợp. Tuyệt đối tránh chủ quan, thoả mãn, hoặc chỉ quyết tâm chiến thắng trên khẩu hiệu, mà không chịu trau dồi nâng cao bản lĩnh chiến đấu và trình độ chuẩn bị, tổ chức chu đáo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #156 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:40:41 am »


CÓ ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÁNH CÀNG TỐT, NẾU KHÔNG CÓ ĐỦ ĐIỀU KIỆN THÌ TỰ TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐÁNH THẮNG

        Quyết tâm đánh thắng giặc không phải chỉ là một khẩu hiệu chung chung theo ý muốn chủ quan. Thắng lợi của một trận chiến đấu là do tác động của nhiều điều kiện bên ngoài và sự nỗ lực chủ quan của những người tham gia trận đánh. Khi chuẩn bị một trận đánh (vị trí địch có công sự vững chắc, tập kích, phục kích, đánh quân đổ bộ đường không, bao vây tấn công liên tục quân địch, vận động tấn công kết hợp với chốt chặn địch, v.v.) hay là một đợt hoạt động, một chiến dịch, người chỉ huy phải xét kỹ tới toàn bộ những điều kiện cần có để giành thắng lợi. Trong thực tế chiến đấu, những điều kiện để đánh thắng rất ít khi có đầy đủ ngay từ khi nhận nhiệm vụ, rất ít trường hợp có đầy đủ như ý muốn người chỉ huy. Khi cấp trên giao nhiêm vụ cho cấp dưới là đã xét tới những điều kiện cơ bản để đánh thắng đã có và những điều kiện cơ bản, những điều kiện cụ thể còn thiếu hoặc chưa có nhưng cấp dưới có thể tạo ra. Có khi điều kiện thuận lợi có rất ít, trước mắt, nhìn bề ngoài thấy nhiều khó khăn lớn tưởng chừng như không khắc phục nổi. Nhưng sau khi suy nghĩ những điều kiện cơ bản để đánh thắng, vững lòng tin ở trí tuệ và sức mạnh của quần chúng, người chỉ huy cấp trên vẫn ra lệnh chiến đấu. Lúc ấy chính là lúc biểu hiện lòng trung thành, trí sáng suốt, tinh thần anh dũng quả cảm và tài năng của người chỉ huy cấp dưới. Lúc ấy chính là lúc cấp dưới phải vắt óc suy nghĩ, cùng quần chúng nỗ lực vượt bậc tạo ra những điều kiện chưa có hoác chưa đầy đủ để chấp hành không điều kiện mệnh lệnh của cấp tiên. Có chừng ấy người, có chừng ấy súng, lương thực, vật chất khác cũng chỉ có chừng ấy, nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi phải đánh và nhất định phải đánh thắng, không được trù trù do dự; trách nhiệm chính trị không cho phép chúng ta buông trôi thả lỏng, vin cớ này cớ khác để che đậy cho sự lười biếng, dao động sợ chết, thoái thác nhiệm vụ. Vượt qua mọi hiểm nghèo, khắc phục mọi khó khăn trong chiến đấu, người chỉ huy sê lớn lên rất nhanh chóng, sẽ cứng rắn thêm như thép được tôi luyện, như vàng được thử lửa. Trong điều kiện ta còn yếu hơn địch về trang bị kỹ thuật, còn nghèo hơn địch về vật chất, khí tài, để đánh thắng địch, yêu cầu sự nỗ lực chủ quan của các cấp và các lực lượng tham gia trận đánh phải rất cao. Cán bộ chỉ huy chúng ta lớn lên trong khó khăn, dày dạn trung gian lao, cứng rắn trong hiểm nghèo. Chính vì vậy mà người chỉ huy quân đội cách mạng trở nên trí dũng song toàn, biết bao nhiêu bài học hay, tấm gương tốt còn lưu truyền mãi mãi về sau. Tuy nhiên, trong vườn hoa rộng lớn vừa tươi đẹp vừa thơm ngát ấy cũng không tránh khỏi một vài bông hoa bị sâu đục hoặc chim rỉa. Cá biệt có cán bộ khi nhận nhiệm vụ đã vin lý do này lý do khác đưa ra muôn vàn khó khăn ghê gớm và vin cớ nọ cớ kia để thoái thác nhiệm vụ, bỏ dở công việc, làm không đến nơi đến chốn, làm sai làm hỏng, làm thiệt thời cho cách mạng. Thí dụ: Khi nhận nhiệm vụ tác chiến ở chiến trường rừng núi xa xôi thì vin cớ không có người dẫn đường sợ đi chậm, đi lạc, vin cớ thiếu gạo, thiếu đạn, sợ tiếp tế không kịp..., đặt điều kiện với cách mạng, mặc cả với cấp trên, yêu cầu cấp đủ cái này, giải quyết cái kia mới làm được nhiệm vụ, mới đánh hoặc mới đánh thắng. Nói như vậy không có ý nghĩa là không được phép nêu khó khăn, không được xin thêm điều này điều nọ, mà yêu cầu người chỉ huy khi nhận nhiệm vụ phải với tinh thần phấn khởi, lạc quan, tích cực cách mạng, thấy được thuận lợi để phát huy và thấy được khó khăn để cùng tập. thể bàn bạc tìm biện pháp khắc phục. Còn thắc mắc điều gì cứ. hỏi, cần xin thêm cái gì cứ nói, tìm mọi cách, tạo mọi điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ. Đó là thái độ đúng đắn thể hiện bản chất tư tưởng tốt đẹp của người chỉ huy. Trường hợp tự mình thấy không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ cũng cần nói rõ nhưng... khì đã nhận, dù khó khăn đến mấy, cửng kiên quyết khác phục, . tạo mọi điều kiện để đánh thắng. Dẫn chứng trong mục “quân lệnh như sơn” là một trong những bài học tốt về “tự tạo điều kiện để đánh thắng". Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã cùng nhau khắc phục những khó khăn vô cùng lớn lao. Thiếu gạo thì vừa hành quân vừa đánh giặc, vừa cử người đi các vùng rừng núi xa xôi cùng nhân dân giải quyết gạo cho bộ đội. Không biết đường đi thì tự tìm đường, nhờ dân dẫn đường, bắt địch dẫn đường. Thiếu đạn thì thực hiện khi cần mới bắn, đã bắn là trúng, lấy súng đạn của địch để trang bị cho mình, v.v. Đó chính là người chỉ huy biết tích cực tự tạo thêm điều kiện để đánh thắng.

        Vừa qua, có đơn vị nhận lệnh đi tác chiến trong khi số đạn còn rất ít, nhưng đơn vị cứ xuất phát, người chỉ huy tìm mọi cách đưa đạn chạy theo sau. Có đơn vị nhận nhiệm vụ đánh địch không biết đường đi, không có người dẫn đường, nhưng người chỉ huy đã biết quan sát đường đi của máy bay địch, nghe tiếng súng của địch để tìm đến mục tiêu tác chiến.

        Những bài học về tự tạo điều kiện để đánh và đánh thắng địch có rất nhiều. Trước kia và hiện nay đều có. Nhưng bài học mấu chốt vẫn là vấn đề tư tưởng "dám đánh", "dám nhận mới nhiệm vụ khó khăn nhất". Có nhiệt tình cách mạng, tư tưởng thông suốt, từ đó ta cùng quần chúng tìm ra muôn vàn biện pháp, tạo ra nhiều điều kiện để đánh thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #157 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:43:55 am »

     
LÚC KHÓ KHĂN CÓ TIẾNG NÓI CỦA CÁN BỘ, KHI GAY GO CÓ MẶT NGƯỜI CHỈ HUY

        Trong chiến đấu, nhất là lúc gặp tình huống gay go ác liệt cấp dưới và chiến sĩ thường chăm chú theo dõi tinh thần, thái độ và tác phong của người chỉ huy. Lúc đó, nếu người chỉ huy nhìn trước nhìn sau, mắt tròn mắt dẹt, hấp tấp vội vàng, đúng ta lúng túng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của cấp dưới. Cho nên yêu cầu người chỉ huy phải hết sức bình tĩnh, điềm đạm, suy nghĩ chín chắn nhưng khẩn trương, tháo vát, có quyết tâm rõ ràng, ra mệnh lệnh kiên quyết. Làm được như thế, đội ngũ sẽ được củng cố, quyết tâm sẽ vững chắc, tinh thần chiến đấu sẽ nâng cao, tác phong chiến đấu sẽ dũng mãnh, từ khó khăn có thể chuyển thành thuận lợi bại chuyển thành thắng.

        Lúc khó khăn, càng là cấp chỉ huy trực tiếp càng cần xông xáo, gương mẫu. Khi cần thiết phải thâm nhập xuống cấp dưới, đi đến nơi, giải quyết tại chỗ. Trường hợp do điều kiện nào đó không đi đến được, hoặc nếu bỏ vị trí chỉ huy mà đi không có lợi cho việc chỉ huy chung, thì nhất thiết người chỉ huy không được buông trôi thả lỏng, thoái thác trách nhiệm, mặc cho dưới hành động, nếu xảy ra sai sót thì đổ cho dưới. Dù hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa, người chỉ huy trực tiếp hoặc người có trách nhiệm với trận đánh nhất định phải có thái độ rõ ràng, phải có tiếng nói của mình với tinh thần phụ trách cao.

        Trong trận Tu Vũ, chiến dịch Hoà Bình năm 1951, khi quân ta đang chiếm lĩnh trận địa thì địch bắn ra rất dữ, làm cho cán bộ, chiến sĩ có người bị thương vong, vũ khí có một số bị hỏng. Trong cán bộ đã có ý kiến đề nghị rút không đánh hoặc hoan khi khác sẽ đánh, v.v. Giữa lúc ấy, đồng khí Song Hào với cương vị bí thư đảng ủy và chính ủy đại đoàn đã chỉ thị rõ ràng, phân tích cụ thể, củng cố quyết tâm cho các cán bộ chỉ huy và đảng ủy cấp dưới. Một lời nói tuy ngắn ngủi nhưng đã làm cho cấp dưới bình tĩnh, sáng suốt thêm và vững tin thêm. Một lời nói của người chỉ huy lúc ấy là vô cùng quý giá và rất quan trọng.

        Ngược lại, trong một trận đánh quyết liệt khác, có cán bộ chỉ huy cấp trên cùng đi với sở chỉ huy cấp dưới để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ huy được chặt chẽ và kịp thời. Thế nhưng, khi đơn vị gặp tình huống rất khó xử trí, nên rút hay nên đánh, cẩn tung đội dự bị ra chưa, chiếm giữ khu vực đã chiếm được hay rời khỏi trận địa, v.v. thì người chỉ huy ấy đã trốn trách nhiệm, giao phó cho dưới, không có thái độ dứt khoát, trả lời với dưới là: "tuỳ theo tình hình, liệu mà xử trí". Câu trả lời bâng quơ đó của cấp trên làm cho cấp dưới hiểu như thế nào và quyết tâm ra sao? Như vậy đã không giúp ích gì cho cấp dưới, sự có mặt của cấp trên cũng bằng thừa và chỉ làm rối bận thêm cho cấp dưới mà thôi. Đó là một thiếu sót rất lớn của người chỉ huy. Tổn thất của trận đánh, người chỉ huy cấp trên đi theo đó cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm. Đó chính là quan điểm quần chúng, quan điểm giai cấp, tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy trong quân đội cách mạng trước sinh mệnh của quần chúng, trước thành bại của sự nghiệp cách mạng.

        Dưới đây, tôi kể một mẩu chuyện nhỏ khác mà bản thân đã trải qua.

        Đầu tháng giêng năm 1947, tại mặt trận Hà Nội, sau khi phát hiện quân địch từ phía Lò Lợn chuẩn bị tấn công xuống Thanh Nhàn, Vĩnh Tuy hòng bất ngờ đánh úp tiêu diệt một đơn vị Vệ quốc đoàn của ta ở đây; thay mặt Bộ chỉ huy mặt trận1 (Lúc này đồng chí Vương Thừa Vũ là chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội -  khu 11), tôi cấp tốc đi xuống đơn vị ấy góp ý kiến chuẩn bị đánh địch, đồng thời phổ biến kinh nghiệm tác chiến của các đơn ví tây bắc Hà Nội. Đường vòng từ phía tây bắc xuống đông nam Hà Nội khá xa. Tôi đi bộ rất vội vã, đến nơi giữa lúc đơn vị đang dàn quân bố trí. Tôi cùng đồng chí trung đội trưởng ngồi trong miếu ở chân đê bàn bạc kế hoạch, bố trí lực lượng. Đang làm việc, chúng tôi nghe thấy tiếng cơ giới của địch mỗi lúc một gần. Bộ đội ta đã bố trí xong rồi. Không thấy gì khả nghi, cơ giới của địch tiến rất nhanh ập ngay tới nơi. Tôi và đồng chí trung đội trưởng rút súng lục bắn, ra lệnh nổ súng và hô "xung phong!”. Súng máy ta bắn vùi đầu toán địch đi trước. Tôi chạy lao lên mặt đê, chĩa súng bắn thẳng vào đầu những tên giặc đang chạy nhốn nháo. Đồng chí quân giới cùng đi với tôi, gọi to: “Đồng chí! Đồng chí hãy ở lại đây!”. Nhưng muộn rồi, tôi và đồng chí trung đội trưởng đang xông lên đánh giáp lá cà với địch. Các chiến sĩ vừa nghe súng lệnh, tiếng thét xung phong của chúng tôi thì đã thấy chúng tôi lao về phía địch. Lập tức các chiến sĩ từ các phía xông ra, hét vang trời quần nhau với địch. Khí thế của quân ta rất dũng mãnh, quân địch bị đánh rất bất ngờ, đội ngũ rối loạn, những tên sống sốt phải quay đầu tháo chạy. Quân ta truy kích tới gần vị trí Lò Lợn.

        Sau trận đánh, tôi suy nghĩ về bản thân mình xem hành động như thế có phải là anh hùng cá nhân không? Với tình huống ấy còn cách nào, thái độ nào nữa không? Thấy địch ập đến trước mặt, nếu người chỉ huy hoảng hốt rút chạy thì tình hình thực tế sẽ đưa đến tai họa như thế nào? Ở tình huống khẩn cấp ấy mà người chỉ huy cứ ở phía sau hô xung phong suông có ổn không? Trong khi cấp dưới, chiến sĩ đang chăm chú theo dõi thái độ của mình, đặt hết niềm tin vào người chỉ huy cấp trên, thấy mình như vậy anh em sẽ nghĩ sao? Liệu tất cả mọi người có dũng cảm xung phong không? Tôi không thể nào quả quyết rằng nếu lúc đó tôi cứ ngồi lại rồi hô anh em tiến thì mọi việc có được thuận lợi như thế không? Tình huống đó vạch cho tôi chỉ có một thái độ, một con đường là gương mẫu xung phong lao lên tiêu diệt địch và tôi cảm thấy rằng thái độ đó đã có tác dụng phần nào đối với cán bộ cấp dưới và các chiến sĩ trong trận đánh.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Mười, 2016, 11:49:37 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #158 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:50:29 am »


        Sau này có nhiều trận chiến đấu khác, tôi thường gặp trường hợp gần giống như vậy. Với tinh thần trách nhiệm của người chỉ huy, tôi cứ nói, cứ làm theo tình hình thực tế lúc đó thực ra trong thâm tâm tôi không hề nghĩ đến những chữ "gương mẫu”, "xung phong", "có mặt"... Mãi về sau, anh em ngồi "bù khú” với nhau kể lại chuyện cũ, tôi nói rõ: Cán bộ cấp dưới và chiến sĩ có khi để ý cả cử chỉ, thái độ rất nhỏ từ câu nói, nụ cười, đến cả cái nhếch mép của người chỉ huy cấp trên. Cử chỉ, thái độ ấy dù rất nhỏ nhưng đã có tác dụng rất lớn đối với mọi người xung quanh. Năm 1950, trong chiến dịch Biên Giới, giua lúc tình huống vô cùng khẩn cấp, đại đoàn đang xuất kích vận động tấn công tiêu diệt binh đoàn Lơ-pa-giơ và Sác-tông thì tôi bị chảy máu dạ dày, bụng đau quặn, người tái dần rồi ngã vật ra. Đồng chí Minh Tâm, bác sĩ, khuyên tôi nằm nghỉ để tiếp máu. Tôi sốt ruột vô cùng, đòi cáng đi theo đơn vị xuất kích. Điện thoại cũng kéo đi theo. Chuông điện thoại réo liên hồi. Tôi cầm ống nghe. Tiếng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp dõng dạc và ấm áp:

        -  Sao tiếng nói lại khàn khàn thế?

        Tôi trả lời:

        -  Tôi bị chảy máu dạ dày.

        Sau khi hỏi thăm sức khoẻ, căn dặn ân cần, đồng chí hỏi tình hình chiến sự và chỉ thị bổ sung một số điểm về nhiệm vụ.

        Tôi thấy khoẻ hẳn lên, tiếng nói của người chỉ huy cấp trên đến với tôi rất đúng lúc. Tôi ốm đau, đó là khó khăn của bản thân, nhưng cũng quan hệ tới đơn vị. Tiếng nói của đồng chí Đại tướng đã an ủi, khích lệ tôi rất lớn. Tôi muốn vùng dậy bám sát đơn vị, nhưng mệt quá, không dậy được. Tôi vẫn nằm, nhờ một đồng chí quay điện thoại để tôi nói chuyện với đồng chí đại đoàn phó về ý định tác chiến mà tôi vừa báo cáo với cấp trên. Tin tôi bị chảy máu dạ dày truyền đi rất nhanh qua các chiến sĩ thông tin, các cán bộ tham mưu. Nhưng lúc đó, mệnh lệnh của tôi vẫn truyền đi đều đặn tới các đơn vị. Các cán bộ cấp dưới vẫn nghe thấy tiếng nói của tôi. Lúc ấy, tôi cho rằng thái độ và việc làm như thế là tất nhiên đối với trách nhiệm của người chỉ huy. Thực ra cũng đúng như vậy. Về sau anh em kể lại, giữa lúc tình huống khẩn cấp như thế, được tin người chỉ huy trực tiếp của mình bị mệt, nếu gián đoạn chỉ huy thì không thể nào tránh khỏi sù xúc động lo lắng. Nhưng cũng giữa lúc ấy lại được nghe tiếng nói, được chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy thì niềm tin, sự phấn chấn, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ lại tăng lên rất nhiều. Về sau này, trong một vài chiến dịch khác, tôi lại gặp tình huống éo le như trên. Nhưng mọi việc giải quyết lại có kinh nghiệm hơn.

        Ngoài ra có những trường hợp, nếu chỉ dùng mệnh lệnh, dùng lời nói cũng chưa đủ bảo đảm công việc thành công chắc chắn, thì người chỉ huy phải trực tiếp đến tận nơi, bắt tay vào hành động thực sự.

        Thí dụ: Việc đi chuẩn bị chiến trường trong chiến dịch Tây Bắc. Muốn lọt vào tận sào huyệt địch để điều tra tình hình, cần phải vượt qua một chặng đường rừng rất gian khổ, phải đồi phó với địch rất căng thẳng và nguy hiểm. Là một đại đoàn trưởng trực tiếp nhận nhiệm vụ này, tôi cũng biết trước những khó khăn ấy. Nhưng tôi đã cùng đi với anh em, cũng leo núi cao, vượt suối lũ, lẩn tránh địch phục kích, cơm đùm cơm nắm, đi vào sâu tận sào huyệt địch. Tôi cũng cùng anh em nằm sát vị trí giặc suốt hai ngày liền để nghiên cứu nắm quy luật hoạt động của địch. Chính tinh thần, thái độ đó đã thúc đẩy cán bộ cán cấp trong đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường nghiên cứu địa hình, nghiên cứu địch đến nơi đến chốn, cấp trực tiếp chiến đấu càng nghiên cứu tỉ mỉ, cụ thể hơn, bò vào tận hàng rào dây thép gai của địch, xem xét từng mô đất, từng lùm cây, bố trí cụ thể từng khẩu súng, từng mũi đột kích, v.v. Sự có mặt của người chỉ huy trong những lúc khó khăn, nguy hiểm là rất quan trọng. Chuẩn bị chu đáo như vậy, tất nhiên khi tác chiến sẽ có nhiều thuận lợi, bảo đảm chiến thắng.

        Những trận đánh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sở chỉ huy đại đoàn chúng tôi thường ở cách mục tiêu tấn công không ngoài 2 ki- lô- mét, có trận cần thiết chúng tôi chia nhau xuống các sở chỉ huy trung đoàn. Sở chỉ huy trung đoàn chỉ cách mục tiêu 500 -  600 mét, tiểu đoàn đi sát với đại đội chủ công, đại đội đi ngay sau trung đội chủ công. Do đó, chúng tôi luôn luôn nắm chắc được tình hình và xử trí kịp thời.

        Vừa qua, trong chiến đấu với bọn giặc xâm lược, ỷ lại vào hỏa lực của máy bay là chính, có vùng chúng dùng nhiều hỏa lực của pháo mặt đất và pháo hạm, sở chỉ huy các cấp cần tuỳ theo tình hình cụ thể mà bố trí cho thích hợp. Nhưng bất cứ ở trường hợp nào, sở chỉ huy đặt ở đâu thì người chỉ huy cũng phải nắm được tình hình địch, tình hình ta, hiểu được diễn biến của chiến sự để có quyết tâm kịp thời và chính xác. Hết sức tránh vì quá chú ý đến an toàn mà đặt sở chỉ huy quá xa, chỉ huy cách bức, khoán trắng cho cấp dưới, sẽ không bảo đảm cuộc chiến đấu thu được thắng lợi toàn vẹn, có khi còn gặp nhiều khó khăn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #159 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2016, 11:52:06 am »


HÀNH QUÂN, TRÚ QUÂN VÀ THU QUÂN

        Hành quân, trú quân và thu quân là những giai đoạn rất quan trọng bảo đảm cho trận đánh thắng lợi toàn vẹn.

        Hành quân là giai đoạn chiến đấu cũng tức là giai đoạn của chiến thuật. Khi hành quân, tổ chức không chu đáo, đội hình không chặt chẽ, thu dung không gọn, động viên nhiệm vụ không triệt để sâu sắc, các tổ chức công tác chính trị hoạt động không tốt để cho đội hình kéo dài, lếch thếch rơi rớt dọc đường sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức chiến đấu của bộ đội và sẽ bị động lúng túng khi gặp địch phục kích hoặc đánh lén. Tóm lại, những việc trên có làm tốt, nhưng tổ chức chiến đấu trong khi hành quân không tốt, như không có trinh sát tung đi tướt, không có trinh sát sục sạo bên sườn, phía sau của ngay bản thân đội hình, vị trí chỉ huy các cấp không thích hợp, thông tin truyền lệnh không thông suốt, không có dự kiến tỉ mỉ, cụ thể phương án tác chiến dọc đường thì dễ bị địch dùng bộ binh, máy bay hoặc dùng hỏa lực tập kích bất ngờ. Lúc đó, đội hình hành quân sẽ bị rối loạn, lực lượng dễ bị tiêu hao, người chỉ huy khó chỉ huy, khó nắm quân. Đó cũng là mối lo lắng lớn đối với người cán bộ trong việc chỉ huy bộ đội hành quân chiến đấu.

        Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đại đoàn X đã cùng các đơn vị bạn tham gia nhiều chiến dịch. Lịch sử chiến đấu của đại đoàn là lịch sử của quá trình hành quán liên tục, đường dài vạn dặm. Đi để đánh, đánh xong lại đi, đi hết chiến trường này đến chiến trường khác. Ra đi trở lại, lại ra đi.

        Có những con đường đại đoàn đã đi qua không biết bao nhiêu lần. Đánh xong chiến dịch Biên Giới lại tiến về đánh ở trung du, xong trung du lại sang Đông Bắc, xong Đông Bắc xuống Hà Nam Ninh, rồi đi Tây Bắc, đi mặt trận phía tây đi biên giới. v.v. Có những chặng đường đi hàng chục đêm liền. Thí dụ: Cuộc hành quân của đại đoàn từ Đông Bắc xuống Hà Nam Ninh cũng đã đặt ra cho đại đoàn nhiều vấn đề mới mẻ trong việc tổ chức chỉ huy và lãnh đạo. Từ rừng núi xuống đồng bằng làm sao giữ được bí mật khỏi bị địch phát giác và không bị máy bay, pháo binh địch oanh tạc? Đường xa, đi đêm nhiều, bộ đội sẽ mệt mỏi rơi rớt nhiều, làm sao bảo đảm được quân số chiến đấu? Thời gian mở màn chiến dịch rất gấp rút, nhiệm vụ của đại đoàn rất nặng nề phải phối hợp với các đơn vị bạn, bảo đảm hành động ăn khớp.

        Sau khi nhận nhiệm vụ của cấp trên, đảng ủy đại đoàn nghiên cứu quán triệt và ra quyết nghị: “Tuyệt đối giữ bí mật, bảo đảm quân số cao nhất tham gia chiến đấu, chấp hành đúng thời gian mở màn chiến dịch...". Cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần tiến hành đặt kế hoạch hành quân tính toán cụ thể từng chặng đường đì, quy định thời gian xuất phát, tổ chức chỉ huy điều chỉnh xuống thuyền qua sông, v.v. Mỗi chặng đường đều tổ chức đội tiền trạm đi trước chuẩn bị địa điểm trú quân, tìm mọi cách bảo đảm cho đơn vị tới nơi vào địa điểm trật tự, tranh thủ nghỉ ngơi được ngay; tổ chức đội thu dung ở từng chặng đường để thu vét những anh em ốm yếu, đau chân tụt lại sau; từng chặng có nơi ăn nghỉ, khi cần phải tổ chức khiêng cáng anh em ốm yếu đến trạm điều trị. Phải tổ chức từng chặng đi cho phù hợp với sức khoẻ của từng loại, luôn luôn động viên anh em. Phải có người bảo vệ anh em được an toàn. Tổ chức thu dung tốt tức là tiếp tục hoàn thành giai đoạn hành quân tốt, nên yêu cầu người phụ trách công tác thu dung phải hết sức nhẫn nại tổ chức chu đáo và tích cực mọi biện pháp vén quân cho gọn.

        Trong khi hành quân, cán bộ các cấp phân công nhau mỗi người đi ở một vị trí thích hợp. Thí dụ: Cán bộ quân sự cấp trưởng đi đầu hàng quân, cấp phó đi đoạn giữa, chính trị viên đi sau đội hình, hoặc tuỳ tình hình có thể chuyển vị trí giữa cấp phó và chính trị viên, hoặc cấp trưởng và chính trị viên đi gần nhau để tiện trao đổi. Các cán bộ thay nhau chạy lên chạy xuống duy trì trật tự đội hình hành quân, luôn luôn đôn đốc động viên bộ đội, giúp đỡ anh em ốm yếu. Từng chặng nghỉ ngắn, cán bộ đi hỏi han săn sóc sức khoẻ của anh em, nhắc anh em đừng nằm xuống đất, giữ gìn súng đạn, ăn uống ra sao, v.v. Tất cả những tình cảm thắm thiết đó của cán bộ làm cho chiến sĩ rất cảm động, tình thương yêu gắn bó sâu sắc dù mệt nhưng cũng không muốn rời đơn vị, đã tụt lại nhưng cũng cố gắng đuổi theo kịp đơn vị để được đi làm nhiệm vụ.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM