Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:45:34 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36739 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 09:37:01 am »


QUYẾT TÂM, DỨT KHOÁT, RÕ RÀNG

        Sau khi xem xét, suy nghĩ về địa hình, tình hình địch và tình hình ta, người chỉ huy hạ quyết tâm chiến đấu, ta thường gọi là lập phương án hoặc kế hoạch tác chiến.

        Những căn cứ và nội dung hạ quyết tâm chiến đấu tôi không nói ở đây, mà chỉ nêu một số kinh nghiệm của bản thân về hạ quyết tâm.

        Quyết tâm của người chỉ huy phải dứt khoát và mưu trí. Khi duyệt quyết tâm của cấp dưới cũng phải dứt khoát rõ ràng, có thái độ kiên quyết và tạo điều kiện giúp đỡ cấp dưới thực hiện quyết tâm.

        Sau khi đã suy nghĩ kỹ, người chỉ huy không được do dự, mập mờ ý định, mà phải báo cáo quyết tâm dứt khoát, rõ ràng với cấp ủy để cấp ủy phê chuẩn. Có quyết tâm dứt khoát để toàn bộ công tác lãnh đạo, giáo dục chính trị hướng vào đó, toàn bộ công tác tổ chức, chuẩn bị hướng vào đó, toàn bộ công tác đảm bảo vật chất hướng vào đó. Có quyết tâm dứt khoát để mọi người tích cực thực hiện cho bằng được quyết tâm ấy. Song song với quyết tâm chính, người chỉ huy cần có dự kiến các tình huống khác để chuẩn bị ứng phó, tránh bị động, lúng túng.

        Trong công Lác, tôi đã gạp một số trường hợp. Trong đó tôi thấy quyết tâm của cán bộ chỉ huy không dứt khoát. rõ ràng. Một cán bộ nhận nhiệm vụ đánh vị trí địch. Đồng chí trao nhiệm vụ cho một đơn vị tiêu diệt một trong hai cứ điểm; còn đơn vị kia bố trí ở khoảng giữa hai cứ điểm, với ý định khì đơn vị đánh gặp khó khăn, đơn vị này sẽ vận động tới tăng cường cùng giải quyết cho xong; hoặc nếu địch tiếp viện thì đánh viện; nếu địch không tiếp viện, có thời cơ thì đánh luôn cứ điểm thứ hai.

        Tôi hỏi:

        - Tại sao không bố trí đội hình thành thế trận hẳn hoi, kiên quyết tiêu diệt một cứ điểm, sau đó tập trung tiêu diệt nốt cứ điểm kia?

        Đồng chí trả lời:

        - Tất cả đánh một cứ điểm có thể sẽ thừa, lực lượng không sử dụng hết, vả lại đã tập trung nhiều pháo, cối vào đấy rồi!

        Tôi bảo:

        - Nếu đủ sức thì đồng thời tấn công cả hai cứ điểm trong một đêm.

        Đồng chí lắc đầu, sợ không đủ sức.

        Tôi bảo:

        -  Vậy thì phải bố trí làm sao tạo thời cơ tiêu diệt quân địch ở nơi khác viện đến.

        Đồng chí đáp:

        -  Chưa chắc địch viện đã đến.

        Theo tôi, nếu cứ giữ quyết tâm ấy thì có khi đánh điểm không xong, đánh viện cũng chẳng được, và cấp dưới rất khó chấp hành nhiệm vụ. Có đủ cơ sở rồi mà người chỉ huy hạ quyết tâm như thế là quyết tâm mập mờ, không rõ ràng. Nhưng khi chưa có đủ cơ sở mà người chỉ huy đã vội hạ quyết tâm cũng là sai lầm.

        Bất cứ một tình huống nào, người chỉ huy cũng cần suy nghĩ thật chín chắn, tìm mọi cách để hạ quyết tâm dứt khoát, rõ ràng, đồng thời dự kiến những tình huống khác để sẵn sàng ứng phó, chưa có thời cơ phải tạo ra thời cơ. chưa đủ điều kiện phải tạo ra điều kiện, chỉ có như thế mới giữ được thế chủ động và tạo điều kiện cho mình nắm được quyền chủ động. Đó là tiền đề tạo ra chiến thắng.

        Lại một trường hợp khác mà theo ý kiến tôi cũng là quyết tâm không rõ ràng. Một đơn vị nhận nhiệm vụ tạo thời cơ để tiêu diệt địch ở ngoài công sự. Đơn vị giao cho bộ đội địa phương tấn công tiêu diệt một cứ điểm, còn toàn đơn vị tập trung vào nhiệm vụ danh địch ngoài công sự.

        Theo tình hình cụ thể, địch có thể từ 3 hướng tiếp viện tới. Đơn vị hạ quyết tâm bố trí ở đoạn giữa để có thể đánh địch từ 3 hướng và có 3 phương án tác chiến 1, 2, 3 (phương án 1 có nhiều khả năng nhất). Dự kiến nhiều tình huống và đặt nhiều phương án tác chiến, như thế là cần thiết và phải làm. Nhưng bố trí lực lượng cụ thể thì lại không dứt khoát rõ ràng, quyết tâm còn mập mờ, do dự. Lực lượng bố trí ở đoạn rất chênh vênh, ngay với phương án 1 có đơn vị phải vận động 6 ki- lô- mét trên địa hình trống trải; đối với phương án 2 có đơn vị phải vận động 8 đến 10 ki- lô- mét cũng trên địa hình trống trải... Xem ra không có phương án nào là phương án "chắc ăn” cả, phương án nào cũng bấp bênh có thể thế này, có thể thế khác. Đáng lẽ, sau khi dự kiến tỉ mỉ về địch, người chỉ huy chọn lấy một phương án theo tình huống có thể xảy ra nhiều nhất và chắc thắng nhất để làm quyết tâm cơ bản, tạo mọi thời cơ nghi binh, dụ dịch, lôi kéo địch để buộc địch phải hành động theo ý muốn của mình; tập trung mọi điều kiện khả năng tổ chức, công tác bảo đảm, v.v. để kiên quyết đánh thắng địch theo phương án nào đó. Muốn vậy, phải tổ chức lực lượng ngăn chặn địch ở phía này, bao vây kiềm chế địch ở hướng kia, bố trí quân thích hợp với địa hình...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 05:03:28 pm »


        Đồng thời, người chỉ huy phải dự kiến những tình huống khác có thể xảy ra, có kế hoạch ứng phó đầy đủ, để khi quyết tâm cơ ban thay dối cũng không bị động, lúng túng. Nhưng không vì đó mà do dự với quyết tâm cơ bản, đi đến lững lờ về bố trí quân, mập mờ và nhập nhằng về tư tưởng. Nếu không kiên quyết tập trung "dứt điểm" từng nơi mà chỗ nào cũng muốn có quân, có hỏa lực, chỗ nào cũng muốn đánh mạnh ngay thì cuối cùng chỗ nào cũng yếu, chỗ nào đánh cũng lem nhem, nham nhở. Như vậy khó mà giành được thắng lợi toàn vẹn.

        Một yêu cầu khác đối với người chỉ huy là khi hạ quyết tâm phải chịu khó suy nghĩ, tìm mưu này kế khác để đánh được địch. Tôi nghĩ: "Đánh giặc phải mưu mẹo, nếu đánh theo lối thật thà, chất phác hoặc ngây ngô, khờ dại thì không những khó thắng mà có khi còn bị tổn thất nặng". Ta và địch ở trên chiến trường luôn luôn tìm mọi cách tiêu diệt lẫn nhau. Bản chất của kẻ thù là ngoan cố, xảo quyệt và tàn bạo. Muốn thắng địch, người chỉ huy phải tinh khôn vạch ra những kế hoạch hết sức mưu mẹo. Đặc biệt trong tình hình kẻ địch đông hơn ta hoặc mạnh hơn ta về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại thì kế hoạch tác chiến của người chỉ huy lại càng phải mưu mẹo: khéo nghi binh đánh lừa địch, làm chođịch không thê phán đoán được ý định tác chiến của ta, làm cho chúng luôn luôn bị động, đánh hụt, vấp đau.

        Vừa rồi, có một cán bộ đến gặp tôi, đề nghị tôi truyền đạt một vài "miếng võ hiểm” của người chỉ huy. Tôi định trao đổi với đồng chí ấy về vấn đề người chỉ huy đánh giặc phải mưu mẹo. Nhưng đó lại là việc mà đồng chí đã từng làm. Tôi được biết đồng chí đã chỉ huy rất dũng cảm, linh hoạt một đơn vị thuộc đại đoàn hoạt động trong lòng địch ở đồng bằng. Có khi ở giữa vòng vây của mấy binh đoàn cơ động của địch nhưng đơn vị đồng chí không những không bị tiêu hao mà còn giáng cho địch những đòn đau điếng. Đồng chí đã nghi binh chỗ này, quấy rối chỗ kia, để rồi tập trung lực lượng đập những đòn quyết định vào chỗ khác: khiến cho kẻ địch đang từ chủ động đi tấn công càn quét trở thành bị động đối phó cuống cuồng. Ngay chỉ trong một trận đánh vị trí địch có công sự vững chắc hay một trận tập kích, đồng chí cũng nghĩ mưu này mẹo khác, chứ không tự trói buộc mình vào sách vở mẫu mực một cách cứng đờ. Có trận tập kích, nếu so sánh về số lượng, ta ít hơn địch về quân số, vũ khí và cả về địa thế cũng không lợi bằng địch; ngoài ra kẻ địch có thể tiếp viện từ 2, 3 hướng đến ứng cứu và pháo binh 2, 3 nơi có thể bắn tới xung quanh mục tiêu. Mặc dầu chiến đấu trong điều kiện khó khăn như vậy, đồng chí vẫn tập trung được ưu thế về hỏa lực, xung lực ở đoạn "hiểm yếu nhất, ở thời cơ bất ngờ nhất, trong một thời gian nhất định", thọc được vào giữa đội hình địch, ngay từ đầu đã tiêu diệt sở chỉ huy, trận địa pháo của chúng và từ đó tỏa ra tiêu diệt toàn bộ quân đích. Khi lui quân đồng chí lại khéo nghi binh làm địch bị mắc lừa đánh nhầm vào nhau. Trận đánh thắng lợi rất đẹp.

        Tôi không kể kinh nghiệm của tôi, mà chỉ gợi lại một vài trận đánh trên và kết luận đó chính là một trong những "bí quyết" của người chỉ huy.

        Có lần tôi đến thăm một làng chiến đấu. Để giữ con đường vào làng, các đồng chí ở đây bố trí một khẩu súng máy ở ngay cổng chính, giữa làng đắp một lô cốt cao có ba lỗ châu mai. Thoáng xem cũng thấy bố trí khẩu súng máy như vậy thật thà, chân phương quá! Xây đắp lô cốt như vậy có vẻ ngây thơ, khờ dại quá! Nói cho đúng thì đó là không mưu mẹo, chưa quán triệt sâu sắc tư tưởng, quan điểm về cách đánh của ta. Đánh giặc theo kiểu vỗ ngực, khoa dao “bớ ta đây” như thế thì có khi chưa bắn được giặc, giặc đã diệt mình, hoặc có khi vừa nổ súng bắn được vài phát đã bị kẻ địch bắn trả lại làm ta tê liệt ngay. Dù những ụ súng to như đống rơm ấy có bằng xi măng cốt sắt, kẻ địch - bắn súng này chưa sập thì dùng súng khác, phát trước không đổ thì phát sau, mãi cũng đổ.

        Ta đã ít súng, tính năng vũ khí của ta có lúc lại kém hơn của địch mà bày ra như "bày hàng xén" thì nhất định chả mấy chốc "khánh kiệt gia tài". Vì súng ta chưa bắn tới địch, thì súng địch đã bắn tới ta. Vì ta có ít, địch có nhiều, ta bị hỏng một là thiệt thòi rất lớn, địch hỏng hai ba vẫn chưa ảnh hưởng lắm. Chính vì lẽ đó mà người chỉ huy càng phải suy nghĩ tìm mưu kế diệt địch. Có trường hợp cụ thể nào đó, ta có lực lượng nhiều hơn địch, tập trung vũ khí mạnh hơn địch, nhưng nếu người chỉ huy đánh giặc theo kiểu "vỗ ngực ta đây", ỷ lại vào vũ khí, ỷ lại vào quân đông, đánh giặc không theo đúng cách đánh của ta, không linh hoạt, mưu mẹo thì không những không thắng được địch mà có khi còn bị tổn thất nặng nề.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 05:05:22 pm »


        Làng mạc và núi rừng Việt Nam ta có nhiều địa hình địa vật phức tạp, hiểm hóc. Nếu người chỉ huy chịu khó tìm tòi suy nghĩ thì trong chiến đấu bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng có thể tạo thành thế bí mật, bất ngờ. Bí mật, bất ngờ có sức mạnh không gì sánh nổi. Có quyết tâm, mưu mẹo thì ta nhìn thấy địch mà địch không nhìn thấy ta; ta bắn được địch mà địch khó bắn được ta; ta ít súng, tính năng vũ khí của ta thấp hơn địch nhưng uy lực sát thương địch lại rất lớn, v.v. Làm được như thế, kẻ địch mạnh mấy rồi cũng trở thành yếu, ngoan cố mấy cũng phải thua.

        Năm 1946, chiến đấu với địch ở Thủ đô, bộ đội ta đã dùng nhiều mưu đánh giặc. Ta đóng ở Bắc Bộ phủ, địch ở khách sạn Mê- tơ- rô- pôn (khách sạn Thống Nhất bây giờ). Để bất ngờ tiêu diệt địch, ta đã đào một con đường ngầm dưới mặt đường sang tới dưới nền nhà khách sạn và đặt một quả bom 250kg. Địch hoàn toàn không biết. Ở nhiều nơi khác, ta cũng làm như vậy. Hồi đó, lực lượng của ta còn ít. Chiều tối, Bộ chỉ huy mặt trận huy động hàng ngàn dân quân tự vệ ngoại thành rầm rập kéo vào Hà Nội, nửa đêm và sáng lại phân tán đi ra. Giặc Pháp tưởng lầm là ta huy động hơn bốn vạn quân về bảo vệ Thủ đô. Khi tác chiến, để làm tròn một trong ba nhiệm vụ là "giam chân giặc ở Hà Nội một thời gian...", chúng ta không đánh theo kiểu chia ba tuyến: các cửa ô -  Giáp Bát, Đuôi Cá -  Hà Đông để bao vây địch như ý kiến của một sĩ quan Nhật tham gia. Chúng ta đã táo bạo cho tiểu đoàn 101 bố trí ở lại trong Liên khu I, và 4 tiểu đoàn bám ở các cửa ô, thực hiện thuật "trùng độc chiến". Địch quay vào đánh Liên khu I thì 4 tiểu đoàn ở bên ngoài đánh vào sau lưng. địch quay ra đánh về hậu phương, tiểu đoàn 101 lại đánh sau dưng chúng, tạo thành thế giàng co lôi kéo địch. Chính vì vậy địch đã mắc mưu ta.

        Người chỉ huy còn có nhiệm vụ nữa là duyệt quyết tâm của cấp dưới. Vấn đề này rất quan trọng. Nhưng tôi chỉ nêu một kinh nghiệm mà tôi thường gặp và giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ.

        Khi duyệt quyết tâm của cấp dưới sau khi suy nghĩ chín chắn, xem xét, đối chiếu với chủ trương, kế hoạch chung, đối chiếu với quan điểm tư tưởng quân sự của Đảng vận dụng vào thực tiễn, người chỉ huy thấy chỗ nào đồng ý thì nói rõ là đồng ý, chỗ nào không đồng ý nói rõ là không đồng ý, thấy đúng cũng phân tích sâu thêm để cấp dưới tin tưởng vào quyết tâm của mình, thấy sai cần sửa như thế nào phải nói rõ. Tóm lại, duyệt quyết tâm của cấp dưới phải dứt khoát, kiên quyết, tuyệt đối không nể nang, do dự. Nể nang, do dự sau này sẽ hối không kịp. Khi quyết định cấp dưới sửa quyết tâm, cấp trên eần nghiên cứu xem khả năng sửa tới mức độ nào, tạo điều kiện cho cấp dưới thi hành.

        Trong công tác, tiếp xúc với đồng chí Bộ trưởng Bộ quốc phòng, đồng chí Tổng tham mưu trưởng, tôi đã học tập được điều này. Khi duyệt quyết tâm hoặc ra mệnh lệnh, chỉ thị cho cấp dưới, đồng chí nói rõ ràng, dứt khoát và thái độ rất kiên quyết Thái độ của đồng chí đã giúp chúng tôi phấn khởi, tin ở mình, tin ở trên và kiên quyết làm tròn nhiệm vụ.

        Trong kháng chiến chống Pháp có lần duyệt quyết tâm tác chiến của một trung đoàn, tôi phân vân không đồng ý hướng đột phá chủ yếu của đơn vị. Tôi muốn chuyển hướng đột phá chủ yếu tới phía núi cao để đánh xuống. Nhưng đơn vị nêu khó khăn về đường sá xa, thời gian gấp, v.v. cộng với một phần tư tưởng chủ quan của mình, nên tôi đã đồng ý với quyết tâm đó. Đồng ý rồi, nhưng trong bụng vẫn phấp phỏng, băn khoăn. Quả nhiên, khi tác chiến gặp nhiều khó khăn... Lúc này nghĩ lại thì đã muộn. Bài học ấy làm cho tôi nhớ rất lâu Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi cũng gặp lại một tình huống gần giống như vậy. Tôi không đồng ý với quyết tâm của một tiểu đoàn trưởng. Đồng chí chính ủy đại đoàn và cơ quan tham mưu cũng nhất trí với tôi. Nhưng tiểu đoàn trưởng cứ vin lý do này, lý do khác để khỏi phải thay đổi cách đánh. Vì thời gian chiến đấu có hạn, buộc tôi phải ra mệnh lệnh để cấp dưới chấp hành ngay. Thấy tiểu đoàn trưởng nêu nhiều khó khăn, tôi cũng phải suy nghĩ... Tôi quyết định cùng tiểu đoàn trưởng đi xem xét thực địa, nghiên cứu địch và địa hình. Qua nghiên cứu thực tế, tôi càng thấy rõ quyết tâm của tiểu đoàn trưởng không được chính xác. Tôi ra lệnh cho tiểu đoàn trưởng dứt khoát phải sửa đổi quyết tâm, không được một mảy may trù trừ do dự. Tất nhiên, tiểu đoàn trưởng cũng khó chịu, nhưng dần dần và đến lúc bước vào chiến đấu thì tiểu đoàn trưởng đã rõ vấn đề hơn.

        Quyết tâm phải dứt khoát, kiên quyết. Duyệt quyết tâm cũng phải dứt khoát, kiên quyết. Đó cũng là bài học sâu sắc đối với tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 05:07:56 pm »

           
PHẢI “Ý TỚI, CHÂN ĐI TỚI, MẮT NHÌN TỚI”, PHẢI "MIỆNG NÓI, TAY LÀM”

        Quyết tâm của người chỉ huy phải biến thành quyết tâm của quần chúng và thể hiện bằng hành động thực tế, nếu không, quyết tâm đó mới chỉ là ý muốn chủ quan của người chỉ huy. Có quyết tâm đúng là một vấn đề rất quan trọng, nhưng chưa đủ, nếu quyết tâm ấy không được quán triệt tới chiến sĩ, tới các bộ phận thì cũng bằng không, cũng chỉ là quyết tâm của hội nghị, của giấy tờ văn bản mà thôi. Như trong chiến dịch Biên Giới, sau khi đã tiêu diệt binh đoàn Lơ- pa- giơ ở Cốc Xá và binh đoàn Sác- tông ở dãy núi 477, bộ đội ta đang quét tàn binh, thì binh đoàn Đờ La- bôm ở Thất Khê lên cứu viện cho Lơ- pa- giơ và Sác- tông. Khi binh đoàn này tới quả đồi 500, thì đại đoàn hạ quyết tâm để lại một bộ phận quét tàn binh, còn tập trung lực lượng của đại đoàn tiêu diệt cánh quân của binh đoàn Đờ La- bôm, và điện cho trung đoàn V phối hợp đánh ngược từ phía nam lên đồi 500, tạo thành 2 mũi đánh kẹp địch. Nhưng ý định đó mời chỉ truyền đạt cho đồng chí đại đoàn phó, còn với các trung đoàn trong đại đoàn thì lệnh chưa đến kịp, hơn nữa trung đoàn V không nhận được điện. Trận đánh diệt binh đoàn Đờ La- bôm không thực hiện được. Như vậy ta thấy rằng, tuy chủ trương táo bạo, hay, nhưng cấp dưới chưa biết thì chủ trương đó vẫn còn nằm trong ý nghĩ của người chỉ huy, không biến thành hành động thực tế của đại đoàn.

        Do đó, người chỉ huy phải biết tổ chức quán triệt quyết tâm, chỉ thị, nghị quyết của đảng ủy tới tận chiến sĩ và các bộ phận phục vụ chiến đấu. Người chỉ huy vận dụng cơ quan chỉ huy, vận dụng các tổ chức quần chúng, bằng mệnh lệnh, bằng huấn luyện, bằng công tác chính trị, v.v. tìm mọi cách làm cho mọi người quán triệt quyết tâm. Cần phải có hàng loạt biện pháp cụ thể để biến quyết tâm ấy trở thành thực tế.

        Ngoài những công việc đó, người chỉ huy phải trực tiếp theo dõi, kiểm tra sự quán triệt quyết tâm của cấp dưới. Tin tưởng ở cơ quan, nghe cơ quan báo cáo là cần thiết, nhưng trực tiếp theo dõi, trực tiếp kiểm tra lại càng không thể thiếu được với trách nhiệm cao nhất của người chỉ huy. Mỗi người chúng ta ngồi nghĩ lại quá khứ, chắc rằng người nào cũng đã vấp váp, vì thiếu kiểm tra tỉ mỉ mà gặp khó khăn lớn trong chiến đấu. Một thiếu sót nhỏ trong chuẩn bị có thể trở thành một tai họa vô cùng lớn khi giáp chiến với kẻ thù. Thí dụ: Chuẩn bị bộc phá hoặc phương tiện mở cửa không chu đáo, khi chiến đấu bộc phá không nổ, hỏa lực của địch bắn ra dữ dội, chiến sĩ, cán bộ phải chạy lên chạy xuống để giải quyết khó khăn đó thì nguy hiểm biết chừng nào; còn có trường hợp đang chiến đấu lại hết bộc phá, hết phương tiện mở cửa, bộ đội phải nằm cả ngoài hàng rào thì gay go nguy hiểm biết bao nhiêu. Ấy là chưa nói đến các trường hợp sử dụng binh khí kỹ thuật hiện đại. Quyết tâm tác chiến hay, nhưng sức chiến đấu của bộ đội có hạn, thậm chí súng bắn không nổ hoặc không bắn được thì quyết tâm hay ấy cũng chẳng có giá trị gì. Chỉ thị, nghị quyết về đánh tiêu diệt, bao vây chia cắt địch đã có, nhưng đơn vị dưới hiểu không đến nơi đến chốn, làm sai, làm tắc trách, thì địch sẽ chạy mất hoặc cụm lại ta không diệt được có khi ta còn bị tổn thất. Bố trí quân không đúng ý định chiến thuật, không tỉ mỉ sẽ dễ gây rối ren đội hình chiến đấu. Đã có trận nòng pháo đi một đằng, phương tiện bắn đi một nẻo, đạn để phía sau; khi cần đến thì pháo có nòng không có phương tiện bắn, có pháo không có đạn. Có trận tổ diệt tăng ở cuối đội hình, khi gặp xe tăng địch thì tìm mãi và điều mãi mới lên được; khi tổ diệt tăng lên được thì lực lượng của mũi dao nhọn đã bị sứt mẻ mất rồi, thế là trận đánh không thành. Do đó, yêu cầu người chỉ huy phải kiểm tra, phát hiện và uốn nắn, sửa chữa ngay cho cấp dưới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #144 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 05:09:29 pm »


        Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quy định đào hào giao thông trục để làm đường vận chuyển bộ đội, thương binh, khiêng pháo, v.v. đáy rộng 1,20 mét, miệng 1,40 mét, trên mặt phải đan lưới hoặc giàn nứa nguỵ trang. Tôi nhận được báo cáo của trung đoàn là đã làm xong và tốt, nguỵ trang đầy đủ. Tôi hỏi lại mấy lần đơn vị đều trả lời như vậy. Theo thói quen, tôi lại xuống kiểm tra tại chỗ. Tôi đi trước, đồng chí trung đoàn trưởng đi sau, thỉnh thoảng chúng tôi bị những dây lưới nguỵ trang, hoặc những cây nứa ngáng ngang vào ngực vào cổ, phải gỡ mất mấy phút. Tôi bảo đồng chí trung đoàn trưởng:

        -  Ngụy trang thì có, nhưng để sụt từng mảng chắn ngang đường như thế sẽ cản trở bộ đội đi lại. Nếu cáng thương binh, khiêng pháo nửa, có lẽ nửa ngày mới đi được một ki- lô- mét, đội hình ùn lại, bị máy bay, pháo binh oanh tạc làm sao tránh khỏi tổn thất?

        Chúng tôi tiếp tục đi. Tôi cầm thanh nứa dài 1,40 mét đặt ngang miệng hào, thinh thoảng bị mắc nghẽn, nếu đo tỉ mỉ có chỗ chỉ rộng một mét, thế nhưng vẫn báo cáo là 1,40 mét. Hôm đi kiểm tra gặp trời mưa nên đáy hào bùn nước lầy lội, trơn nhầy nhụa rất khó đi. Tôi bảo đồng chí trung đoàn trưởng: Nếu bốn người khiêng gặp đoạn hẹp như thế thì gay go lắm, đi người không, tránh nhau đã chật chội rồi.

        Sau cuộc kiểm tra, tôi chỉ thị: "Ngay trong đêm phải sửa xong đúng như quy định". Đơn vị chấp hành tốt chỉ thị đó, cho nên khi tác chiến đã tránh được nhiều khó khăn trên đường cơ động.

        Một đơn vị khác làm nhiệm vụ đào trận địa cắt sân bay Mường Thanh. Qua một thời gian đào, tôi nhận được báo cáo còn cách cây cụt 300 mét. Tôi ra lệnh tiếp tục đào. Đêm nữa tôi vẫn nhận được báo cáo “cách cây cụt 300 mét", và qua một đêm nữa vẫn nhận được báo cáo như thế. Kỳ lạ! Đào mãi mà không nhích được một mét nào, thật là vô lý. Tôi cùng trung đoàn trưởng sục ra tận nơi xem sao.

        Thì ra, những đêm trước còn xa cây cụt, cán bộ ước lượng báo cáo là còn cách 300 mét, hôm sau đào vào nhiều nhưng vẫn còn xa, đành nhắc lại con số 300 và hôm sau nữa cũng vậy. Để sửa chữa tác phong đại khái ấy và tìm ra khoảng cách cụ thể, tôi đã cho nối dây dù lại, lấy một người giữ đầu dây và một người bò vào tận gốc cây cụt để đo thì kết quả đúng nhất vẫn không phải là con số 300 mà còn xa hơn nhiều.

        Nếu không tìm ra con số chính xác, khi địch phản kích chiếm trận địa của ta, lấy cây cụt làm vật chuẩn yêu cầu pháo binh ta bắn chi viện, hoặc lấy thước ngắm các cỡ hỏa lực với con số sai lệch trên chắc chắn sẽ hạn chế hiệu quả rất lớn. Nếu hàng rào dây thép gai hoặc lô cốt địch bắt đầu từ gốc cây cụt cự ly xa báo cáo là gần, cấp trên ra lệnh tấn công hoặc xung phong thì nguy hiểm càng gấp bội.

        Trên đây, tôi chỉ kể một kinh nghiệm cụ thể. Điều quan trọng trong khi kiểm tra, người chỉ huy cần xem cấp dưới có quán triệt mục đích, ý nghĩa của sự việc không, quán triệt phương châm. nhiệm vụ tới mức nào. Cần đề phòng trường hợp do cấp dưới ham đánh hoặc dao động đã hành động sai chủ trương, hoặc có trường hợp do quán triệt tư tưởng quân sự của Đảng, nguyên tắc chỉ đạo tác chiến của quân đội chưa sâu sắc mà đề ra kế hoạch tác chiến lệch lạc về nguyên tắc, quan điểm.

        Tóm lại, tổ chức quán triệt quyết tâm và kiểm tra việc tổ chức thực hiện quyết tâm là vấn đề hết sức quan trọng. Người chỉ huy phải trực tiếp làm và nắm kết quả cụ thể, chính xác thì chỉ huy mới yên tâm, tác chiến mới thắng lợi toàn vẹn.

        Mặt khác, có quyết tâm chính xác nhưng phải luôn luôn được sự bồi dưỡng quyết tâm của đồng cấp, nhất là các đồng chí chính ủy, chính trị viên, của cấp phó và cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần... Thành tích, công lao là của tập thể, quyết tâm của người chỉ huy phải được mọi người ủng hộ và tích cực giúp đỡ về mọi mặt, bổ sung những điểm cụ thể mà quyết tâm ban đầu chưa được đầy đủ, giúp cho quyết tâm càng được củng cố. Nếu không được mọi người bồi dưỡng và củng cố quyết tâm thì chỉ một cái lắc đầu của những người bên cạnh cũng đủ làm cho người chỉ huy phải suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng và có khi quyết tâm bị dao động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #145 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 05:12:18 pm »


TÁO BẠO

        Trong chiến đấu có lúc người chỉ huy phải hạ quyết tâm táo bạo mới giành được thắng lợi. Táo bạo mà thắng lợi là vì có trường hợp phải chuẩn bị rất chu đáo, nhưng cũng có trường hợp do chộp được thời cơ có lợi, tạo được bất ngờ, thế mạnh khuyển thành lực mạnh. Như vậy, có trường hợp dùng lực nhỏ hoặc vừa mà vẫn giành thắng lợi lớn.

        Sau đây, tôi kể vắn tắt hai trận đánh của một đơn vị để chúng ta cùng nhau tham khảo.

        Năm 1952, trung đoàn 3 cùng với các đơn vị bạn đang bao vây thị xã Hoà Bình. Pháo binh ta hàng ngày bắn phá sân bay của địch, không cho máy bay của chúng lên xuống tiếp tế. Để phá vây, pháo binh địch điên cuồng bắn phá liên tục vào bộ đội và trận địa pháo của ta, gây cho ta một số khó khăn.

        Trận địa pháo của địch ở một khoảng trống cách sân bay khoảng 5 ki- lô- mét, có hai đại đội bộ binh bảo vệ chiếm giữ địa hình hai bên, cách nhau khoảng 1.500 mét. Để tạo điều kiện cho quân ta bao vây tiêu diệt địch thuận lợi, trung đoàn 3 nhận nhiệm vụ tổ chức một trận đánh tiêu diệt trận địa pháo đó. Thời gian này, các đại đoàn chủ lực của ta chưa có tổ chức bộ đội đặc công, nhưng mọi người đều nhận thấy phải dùng lực lượng ít, nhưng tinh nhuệ để tiêu diệt địch. Trung đoàn đã chọn lọc một số cán bộ, chiến sĩ trong đại đội bộ binh 41, là một đơn vị có truyền thống chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc và sáng tạo. Cán bộ chiến sĩ đoàn kết nhất trí, kỷ luật nghiêm, có tác phong chiến đấu xông xáo, táo bạo, đồng thời cũng là một đơn vị có trình độ kỹ thuật, chiến thuật tốt. Đại đội rất phấn khởi nhận được thư động viên của đồng chí Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đồng chí căn dặn: "Phải giữ bí mật, đánh bất ngờ và dũng cảm..." Qua kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đều nhất trì, muốn đánh thắng trận này phải chuẩn bị mọi mặt thật chu đáo. Quyết tâm giành thắng lợi của anh em rất cao, nhưng phải eo cơ sở vật chất thực tế để giành thắng lợi. Việc đầu tiên là phải nắm địch thật chắc, thật cụ thể. Cán bộ chỉ huy từ tiểu đội trưởng trở lên đến tiểu đoàn ai chỉ huy trận này đều trực tiếp đi trinh sát nắm địa hình và địch. Điểm nào nắm không chắc thì đi điều tra lại. Sau khi nắm chắc địch, anh em mở hội nghị quân sự dân chủ thảo luận rất kỹ cách đánh trên bàn cát, có khó khăn cùng bàn bạc, nhằm mục đích nhanh chóng tiêu diệt địch và không để một thương binh, tử sĩ ở lại trận địa. Đồng thời toàn đơn vị tiếp tục chuẩn bị làm thêm những trái "đề tô", làm những ngọn mác buộc lưỡi lê ở đầu vừa để chuẩn bị đánh giáp lá cà, vừa để sẵn sàng làm cáng, cùng với chăn chiên đeo chéo qua người và cuộn thừng vừa để trói tù binh. Anh em bó dép đi chân đất và trang bị rất gọn nhẹ, những gì phát ra ánh sáng, phát ra tiếng động đều được bọc kín và buộc cẩn thận. Trong quá trình luyện tập và chuẩn bị, thấy vấn đề gì chưa hợp lý lại bổ sung, niềm tin chắc thắng càng cao.

        Sự chuẩn bị chu đáo ấy đã giúp cho trận đánh thuận lợi. Chập tối anh em xuất kích, nửa đêm tới nơi dàn quân xong và bắt đầu nổ súng. Quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, tên quan ba Pháp bị bắt sống trong lúc đang mặc quần áo ngủ, mắt nhắm mắt mở tưởng rằng quân lính đánh lộn nhau. Cùng lúc đó, tiểu đoàn 80 và 84 cũng tiêu diệt xong 2 đại đội địch bảo vệ ở hai bên, phía trước.

        Như vậy chỉ trong mấy chục phút: toàn bộ trận địa pháo của địch đã bị tiêu diệt. Quân ta không thương vong một người nào. Đó là một trong những bài học dùng nhỏ thắng lớn, đánh táo bạo, nhưng được chuẩn bị chu đáo. Đây cũng là một bài học muốn đơn vị lớn đánh giỏi, nhất thiết phải rèn luyện cho phân đội nhỏ đánh giỏi.

        Cũng đơn vị trên, trong chiến dịch Thu Đông năm 1952, tiến hành một trận đánh lớn, nhưng thời gian chuẩn bị chỉ có vài tiếng đồng hồ.

        Sau 7 đến 8 ngày hành quân và tác chiến tiêu diệt xong quân địch ở Cửa Nhì, trung đoàn tiếp tục vận chuyển gạo hành quân tiến sâu vào Tây Bắc. Vừa lúc ấy, chúng tôi được cấp trên thông báo là địch dùng 5 GM1 (Chữ viết tắt của cụm từ tiếng Pháp: groupement mobile -  một cụm chiến thuật gồm từ 2 đến 4 tiểu đoàn bộ binh và binh chủng) đổ bộ lên Phú Thọ, Đoan Hùng tiến lên Yên Bái đánh vào hậu phương của ta. Trung đoàn được giao nhiệm vụ hành quân quặt trở lại, cùng với bộ đội địa phương đánh địch, do Bộ chỉ huy mặt trận ở đó chỉ huy.

        Đang trên đà thắng lợi nô nức tiến quân vào Tây Bắc, nhưng được lệnh quay lại, sẵn một mềm tin ở cấp trên, trung đoàn đã chấp hành mệnh lệnh rất nghiêm và phấn khởi.

        Đồng chí trung đoàn trưởng dẫn cán bộ tham mưu tác chiến, trinh sát và các tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng vượt lên bộ đội, đi trước để nghiên cứu chuẩn bị. Toàn trung đoàn còn lại do đồng chí chính ủy và trung đoàn phó chỉ huy hành quân theo sau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #146 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:43:44 am »


        Chiều hôm đó, địch đã rút khỏi Đoan Hùng, trung đoàn nhận nhiệm vụ đánh địch trên đường số 2. Ban đêm địch dừng lại ở Chân Mộng. có thể sáng mai tiếp tục đi về Năng Yên. Sau khi nhận nhiệm vụ, cán bộ các cấp của trung đoàn nhất trí ngay với ý định của trên, cần phải chộp ngay thời cơ bất ngờ này, mặc dầu cán bộ không có nhiều thời gian chuẩn bị, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Bộ đội hành quân đến gặp địch có thể đánh được ngay với tác phong chiến đấu táo bạo xông xáo sẵn có, với niềm tin tuyệt đối ở cấp trên, nhất nhất chấp hành mệnh lệnh, không phải động viên giải thích nhiều.

        Đúng như vậy, anh em đi cấp tốc đuổi kịp bộ phận đi trước do trung đoàn trưởng phụ trách. Bộ đội phải dừng lại trong rừng chờ ở phía sau. Đoàn cán bộ đi trước gặp được một ông già đang đốt củi làm than. Ông giúp đỡ dẫn ra đường số 2 cho nhanh. Các cán bộ của trung đoàn đã đi nghiên cứu cụ thể địa hình trên đoạn đường sẽ đánh địch, từng vị trì bố trí của từng đơn vị chặn đầu, khoá đuôi, đồi diện và tập trung chủ lực chia cắt diệt địch, bố trí từng vị trí súng máy, từng vị trí cảnh giới, v.v. Sau mấy tiếng đồng hồ nghiên cứu, cán bộ đã quay lại dẫn bộ đội ra chiếm lĩnh trận địa hết sức lặng lẽ, bí mật, trật tự, đến mờ sáng thì mọi việc đều xong.

        Hàng ngàn người hành quân ban đêm: đến một địa hình hoàn toàn mới lạ, chưa có thời gian xoá các dấu vết trên đường đi, nên không tránh khỏi có bộ phận để lộ bí mật.

        Khoảng 7 giờ sáng, một đơn vị địch đi sục sạo phát hiện có vết chân trên ruộng lầy. Chúng sục vào, đơn vị đối diện trong đội hình chiến đấu lùi dần để giữ bí mật. Các tốp tuần tra, dò mìn của địch đã gặp nhau phối hợp sục sạo. Một chiến sĩ cảnh giới của ta chủ quan bị địch bất ngờ ập tới bắt sống. Chúng nghi ngờ đánh đập Hiến rất dã man, kéo xềnh xệch dọn đường, tra hỏi tìm hiểu lực lượng ta. Chiến sĩ có ý chí gang thép ấy đã cắn răng chịu đựng không hề nói một lời về lực lượng và vị trí bố trí của quân ta.

        Tuy nhiên, địch vẫn nghi ngờ. Chúng bắn pháo suốt dọc ven rừng và hai bên đường. Mặt khác, các bộ phận tuần tra của địch vẫn sục vào rừng, vừa đi vừa hò hét, vừa bắn xả vào những chỗ nghi ngờ. Các đơn vị của ta đã lác đác có thương vong. Anh em cắn răng chịu đựng. Mặc dầu có chỗ quân địch đứng trước mũi súng của bộ đội ta chưa đầy chục mét, nhưng tất cả vẫn ép mình im lặng, tuyệt đối giữ bí mật chờ lệnh...

        Địch tra tấn chiến sĩ cảnh giới của ta vẫn không lấy được một tin tức gì, sục sạo mãi vẫn không phát hiện được ta. Chúng bắt đầu chủ quan rầm rầm tiến quân. Một đoàn xe mấy chục chiếc có cả xe tăng, xe bọc thép ầm ầm vượt qua. .. Tiếp đó khoảng 400 -  500 quân đi bộ và khoảng 40 xe cơ giới nữa theo sau nghênh ngang lọt vào trận địa của ta. Bộ phận chặn đầu xả súng ghìm chúng lại.

        Chủ lực của trung đoàn từ trong rừng sâu vận động ra bất ngờ xông lên tiêu diệt bộ binh địch, chặt đoàn xe cơ giới của chúng ra từng khúc. Sau hơn hai tiếng đồng hồ chiến đấu quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt hàng trăm địch. xe pháo của địch bị bắn cháy ngổn ngang.

        Đây là một trận đánh không những biểu hiện tinh thần chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc và sáng tạo, bộ đội giữ nghiêm kỷ luật chiến trường, gan dạ, kiên cường chịu đựng, mà còn là một trận đánh táo bạo do chớp được thời cơ, trên dưới tin nhau, hành động khẩn trương, bất ngờ, nên đã giành được thắng lợi lớn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #147 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:45:17 am »

 
     
“ĐÃ ĐÁNH THÌ ĐÁNH ĐẾN CÙNG” “ĐÃ ĐỊNH KHÔNG ĐÁNH THÌ DỨT KHOÁT THÔI”


        Mọi việc chuẩn bị chiến đấu đã xong, bộ đội xuất trận. Người chỉ huy phải luôn luôn kiên định quyết tâm, tỏ thái độ tin tưởng nhất định thắng, phấn khởi lạc quan nhưng không được coi thường địch. Khi đã quyết định đánh thì kiên quyết đánh đến cùng, tuyệt đối không một mảy may dao động.

        Chiến dịch Quang Trung năm 1951, để hạ quyết tâm đánh vị trí Non Nước ngay trong đêm 29 tháng 5, bản thân tôi cũng trải qua một quá trình đấu tranh quyết liệt.

        Quyết tâm đánh Non Nước đã có trong kế hoạch và đã chuẩn bị chu đáo. Nhưng đánh vào lúc nào là vấn đề cần phải suy nghĩ quyết đoán, vì tình hình phát triển phức tạp không thuận lợi xuôi chiều như dự kiến.

        Sáng 24 tháng 5, cán bộ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn đi trước đến làng Xuân áng nghiên cứu tình hình và sơ bộ hạ quyết tâm trên bản đồ, chuẩn bị đi xem xét thực địa. trong đêm đó Ngày hôm sau, đảng ủy trung đoàn họp thông qua quyết tâm của trung đoàn trưởng trong lúc tình hình địch vẫn chưa có gì thay đổi. Nhưng sau đó có một đại đội lính thuỷ đánh bộ của địch tăng cường đến đóng ở nhà thờ thị xã. Muốn tiêu diệt Non Nước, ta phải bổ sung kế hoạch đánh nhà thờ. Trưa ngày 28 mới phổ biến kế hoạch này tới cán bộ tiểu đoàn và đại đội. Tin ở sức mình, đơn vị quyết tâm tiêu diệt gọn hai cứ điểm trong một đêm. Tiểu đoàn 79 nhận nhiệm vụ đánh địch ở nhà thờ phải tranh thủ phổ biến kế hoạch cho cán bộ, chiến sĩ ngay trong quá trình hành quân, 3 giờ 10 phút ngày 29 nổ súng, đến 3 giờ 43 phút ta tiêu diệt hoàn toàn đại đội lính thuỷ đánh bộ của địch. Tiểu đoàn 54 nhận nhiệm vụ đánh vị trí Non Nước, hành quân chiếm lĩnh gặp nhiều khó khăn, một bộ phận đi thuyền dọc sông Vân, một bộ phận đi đường bộ, cho nên khi tiểu đoàn 79 nổ súng, tiểu đoàn 54 vẫn thưa chiếm lĩnh xong trận địa. Sau khi tiêu diệt xong quân địch ở nhà thờ thì đã gần 4 giờ sáng. Tiểu đoàn 54 chiếm lĩnh xong, chỉ cán hơn một giờ đồng hồ nữa trời sáng hẳn. Lúc này có hai ý kiến, một là cứ đánh Non Nước, hai là cho lui quân để đêm sau sẽ đánh. Qua phân tích thấy rằng, nếu ta cứ đánh thì khó hoàn thành, giải quyết Non Nước không gọn trong đêm mà phải tiếp tục đánh ban ngày. Lần đầu tiên đơn vị đánh cứ điểm vững chắc ban ngày ở đồng bằng -  một cứ điểm đột xuất, xung quanh là nhưng cánh đồng nước thuận lợi cho máy bay và pháo binh của địch hoạt động. Cánh Non Nước khoảng 200 mét có vị trí Cầu Cổ ở bờ sông bên kia chi viện. Non Nước còn có thể được viện binh từ Nam Định, Phát Diệm và cán vị trí lân cận tới. Hơn nữa đây là lần đầu đại đoàn đánh ở đồng bằng, để có nhiều thời gian ban đêm giải quyết trận địa, làm chủ chiến trường, chung tôi nhất trí cho tiểu đoàn 54 lui quân, tối hôm sau sẽ tiến vào đánh Non Nước. Quyết tâm này về sau đã tỏ ra là đúng đắn, nhưng để hạ được quyết tâm ấy cũng trải qua một quá trình suy nghĩ của bản thân và bàn bạc giữa mặt này mặt nọ với cán bộ các cấp.

        Ngày hôm sau, tình hình lại biến đổi. Có tin địch cho một đại đội lính Âu đến chiếm đóng Hồi Hạc sát nách Non Nước và có tăng một số quân cho Non Nước. Lúc này đã có ý kiến do dự: nhưng nhiệm vụ của chiến dịch trao cho chỉ có một quyết tâm là đánh chứ không thể có quyết tâm nào khác. Chúng tôi tính toán lực lượng, dự kiến thời gian chiếm lĩnh trận địa và thời gian tác chiến, tin ở sức chiến đấu của đơn vị nên vẫn giữ quyết tâm đánh Non Nước trong đêm 29. Ý kiến hoãn lại để đêm hôm sau sẽ đánh Non Nước vẫn có, một số đồng khí trình bày với nhiều lý do. Nhưng suy tính cho kỹ thì lùi lại nữa rõ ràng là không có lợi. Bố trí phòng ngự của địch ở Non Nước sẽ được củng cố vững chắc hơn. Viện binh của địch có thể được tăng thêm nữa để đánh phá cuộc chuẩn bị tấn công của ta. Chúng tôi tin tưởng rằng mặc dầu tiểu đoàn 54 ban ngày có tham gia đánh viện, nhưng còn sung sức đủ khả năng tiêu diệt Non Nước trong đêm. 23 giờ hôm đó, tiểu đoàn 54 bắt đầu nổ súng, đến 5 giờ sáng ngày 30 ta hoàn toàn tiêu diệt địch ở Non Nước.

        Qua những tình huống trên, tôi đã rút ra bài học "quyết đoán” đối với người chỉ huy. Người chỉ huy sau khi suy nghĩ chín chắn những ý kiến đề nghị của cấp dưới, sự tham gia đóng góp của cơ quan thì bản thân mình phải có gan quyết đoán sự việc trước khi trình bày xin ý kiến của đảng ủy. Trước những tình huống thay đổi quan trọng trong chiến đấu người chỉ huy phải có gan quyết đoán, tuyệt đối không được lững lờ buông trôi, khoán trắng hoặc phó thác trách nhiệm cho dưới, cho đồng đội.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #148 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:48:02 am »


        Trận Tu Vũ trong chiến dịch Hoà Bình tháng 12 năm 1951 cũng là một trong những bài học quyết đoán của người chỉ huy.

        Cứ điểm Tu Vũ có 1 tiểu đoàn lính đánh thuế Ma- rốc, 1 xe tăng, 2 chiến xa xung kích, 1 ô tô bọc sắt... Để mở màn chiến dịch Hoà Bình, phá vỡ phòng tuyến sông Đà, mở đường tiến công vào thị xã Hoà Bình, tiêu diệt sinh lực địch. trung đoàn X của đại đoàn nhận nhiệm vụ tấn công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ. Tình hình cụ thể có nhiều khó khăn. yêu cầu mỗi cán bộ. chiến sĩ trong đơn vị phải có quyết tâm rất cao mới bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Để tiếp cận Tu Vũ, ngoài mấy con đường có sẵn đã bị lộ và một phía là sông, còn lại thì địa hình xung quanh đều trống trải và lầy lội. Tuy vậy, khó khăn về địa hình cũng không gây cản trở lớn. so với tình hình địch có nhiều phức tạp hơn.

        Trước đây cán bộ trung đoàn thuộc đại đoàn bạn đi nghiên cứu chuẩn bị chiến trường bị địch phục kích, đã để mất dự án kế hoạch tác chiến khu nam Tu Vũ. Vì vậy địch đã đề phòng và tăng cường phòng ngự. Khi đại đoàn chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh Tu Vũ thì bộ phận đi chuẩn bị chiến trường ngày 6 tháng 12 cũng bị địch phục kích bắt mất một người, có đồng chí hy sinh.

        Chỉ còn vài ngày nữa, đại đoàn phải nổ súng tiêu diệt Tu Vũ, mở màn chiến dịch. Nhưng quân địch ở đây càng tăng cường tuần tiễu, thường xuyên ngày đêm cho một bộ phận ra phục kích trên đường ta có thể tiếp cận. Máy bay trinh sát và chiến đấu luôn bay trên vùng trời xung quanh Tu Vũ. Pháo binh địch bắn tập kích bất ngờ và bắn chặn những nơi ta có thể tiến quân, tập kết. Tình hình rất căng thẳng nhưng cán bộ các cấp vẫn ngày đêm bám sát vị trí địch. vào tận hàng rào dây thép gai, xem xét từng mô đất, nắm quy luật hoạt động, chỗ mạnh và chỗ yếu của địch. Trong những ngày chuẩn bị và trước giờ xuất kích, đơn vị đã dự kiến những khó khăn có thể xảy ra, những tình huống đột biến sẽ đến, động viên mọi người phải có quyết tâm rất cao, tinh thần khắc phục khó khăn rất lớn mời làm tròn nhiệm vụ. Tới ngày 10 tháng 12, bộ đội tiến vào chiếm lĩnh trận địa.

        Quả nhiên, khi tiến vào chiến đấu, đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn. Hồi 7 giờ rưỡi tối, tiểu đoàn 80 và đơn vị súng cối 82 mi- li- mét đang trên đường vào chiếm lĩnh trận địa thì tổ sục sạo đi trước gặp địch phục kính, hai bên nổ súng, địch bỏ chạy. Từ chiều pháo địch bắn phá rải rác, nhưng sau khi gặp tổ sục sạo của ta, pháo địch càng bắn dữ dội hơn. Do đó, một số đơn vị lạc đường, tiến quân, bố trí chồng chéo vào nhau. Tiểu đoàn 29 và bộ phận chỉ huy của tiểu đoàn 23 lại gặp nhau ở sân bay đã đi cùng một đường nên lộn xộn. Đại đội 154 và một khẩu pháo bị lạc, một vài đơn vị khoe mất liên lạc với cấp trên. Đại đội 225 tiểu đoàn 322 tiến gần đến cứ điểm của địch khoảng 200 mét thì tổ sục sạo gặp một trung đội địch phục kính. Chúng bắn súng, hô xung phong, rồi rút chạy. Súng máy, súng cối ở khu C của Tu Vũ bắn ra rất mạnh. Pháo binh địch từ Chẹ, Đá Chông, Thủ Pháp vẫn tập trung bắn không ngớt vào khu vực ta bố trí. Một khẩu súng cối 82 mi- li- mét của ta bị hỏng. Khẩu đội pháo tiến theo mũi của tiểu đoàn 29 bị pháo địch sát thương nặng, nên được lệnh rút. Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 322 đi kiểm tra trận địa, bị thương. Tuy vậy, các đơn vị bộ binh của tiểu đoàn 322 đã bám sát hàng rào của địch khoảng 50 mét. Nhưng pháo binh yểm hộ cho bộ binh đánh khu A và B chưa bố trí xong, đường dây điện thoại bị đứt nhiều đoạn, số bị thương của ta ngày càng tăng.

        Trước tình hình đó, đảng ủy các cấp đã kiên quyết lãnh đạo bộ đội giữ vững quyết tâm, cán bộ phân công nhau trực tiếp đi đôn đốc các đơn vị pháo binh chiếm lĩnh trận địa. Các mũi bộ binh đã bám sát hàng rào, đào công sự, cắt dây thép gai, v.v.

        Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn. Quá giờ quy định, cán đơn vị chưa hoàn thành chiếm lĩnh trận địa. Trong khi đó lại nảy thêm một khó khăn mới. Đại đội 227 tiểu đoàn 322 thấy toàn bộ trận địa bị lộ nên đúng giờ đã tự động nổ súng, sau đó đại đội 225 cũng cho liên tục bộc phá. Cuộc chiến đấu ở khu C bắt đầu, nhưng chưa liên lạc được với trung đoàn. Lúc này trong cán bộ đâu có ý kiến: "Đánh hay thôi? đánh liệu có thắng không? chưa đánh mà đã thương vong như vậy liệu bộ đội còn giữ vững quyết tâm không?", v.v. Có một số cán bộ xao xuyến. Thường vụ đảng ủy trung đoàn X được triệu tập về sở chỉ huy trung đoàn hội ý. Cùng lúc ấy, bí thư đảng ủy trung đoàn nhận được điện của đồng chí Song Hào, bí thư đảng ủy đại đoàn: "Đảng ủy” phải sáng suốt phân tích tình hình ta, địch cụ thể, toàn diện, tìm cho ra cái gì là khó khăn phải giải quyết ngay. Không nên hấp tấp nhìn vào một vài việc mà đánh giá chung cả tình thế. Hạ quyết tâm lúc này phải thật chắc chắn, phải dũng cảm"...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #149 vào lúc: 22 Tháng Mười, 2016, 06:49:57 am »


        Trong cuộc hội ý quan trọng đó, trung đoàn trưởng và chính ủy đã phân tích sâu sắc lời căn dặn của đồng chí bí thư đảng ủy đại đoàn, lấy hiện tượng dao động của một vài cán bộ để đối chiếu, liên hệ. Sau 20 phút trao đổi, đảng ủy trung đoàn nhất trí: Tuy có nhiều khó khăn như quân số thương vong không ít, mất liên lạc với bộ phận đánh khu C, nhưng quyết tâm của hầu hết đảng viên và quần chúng vẫn không hề lay chuyển, hận thù sôi sục, quyết tâm giết giặc lập công rất cao. Địch chỉ bắn dữ dội từ ngoài 100 mét trở ra, càng tiếp cận ta càng tránh được pháo địch sát thương. Pháo ta đã lắp xong và đang đẩy vào trận địa. Mặc dầu đất cát bị lún, các cỡ hỏa lực của địch bắn ra rất rát, anh em vẫn kiên quyết đẩy pháo vào sát vị trí địch. Bộ binh thì mũi chủ công có bị thiệt hại nhưng không đáng kể, mũi phụ cũng đã tiếp cận được. Mặt khác, qua hiện tượng đối phó của địch càng chứng tỏ chúng đang lo sợ, dao động, lúng túng. Như vậy là sức của đơn vị còn mạnh, còn đủ khả năng tiêu diệt Tu Vũ, chỉ cần phá vỡ được vỏ cứng, thọc đúng vào chỗ yếu thì nhất định địch sẽ tan rã. Mọi người trong đảng ủy trung đoàn, đại đoàn còn nhớ rất rõ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn: "Trận đầu phải thắng!". Tu Vũ là trận mở màn chiến dịch. Cần củng cố quyết tâm, chống tư tưởng dao động, do dự của người chỉ huy, của cấp lãnh đạo, chống mọi hành động không tốt có ảnh hưởng đến vấn đề chỉ huy... Trong lúc đang thảo luận, đảng ủy nhận được báo cáo: Một vài cán bộ hy sinh tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn 29 bị thương, nhưng không một ai xao xuyến. Quyết tâm tiêu diệt Tu Vũ để trả thù cho đồng đội, đồng chí càng cao.

        Sau hơn hai giờ đồng hồ chiến đấu quyết liệt, đến 0 giờ 10 phút ngày 11 tháng 12, tiểu đoàn 322 đã hoàn toàn làm chủ khu C của Tu Vũ. Mọi việc chiếm lĩnh chuẩn bị nổ súng tấn công khu A và B vẫn tiếp tục rất khẩn trương dưới hỏa lực ác liệt của địch. Mọi người động viên lẫn nhau, không một ai do dự, không một ai chùn bước.

        Đến 1 giờ 45 phút, các đơn vị đã hoàn thành chiếm lĩnh trận địa, trừ tiểu đoàn 322 vẫn bị mất liên lạc. Nhưng do được đại đoàn cho biết 322 đã giải quyết xong khu C nên trung đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 29 và 23 nổ súng. Pháo binh ta bắt đầu bắn thẳng vào lô cốt địch.

        Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy đại đoàn, với quyết tâm sắt đá như thế, với sức chiến đấu mạnh mẽ như thế, trung đoàn X đã vượt mọi khó khăn, quyết tâm giành thắng lợi. Mặc dầu địch cho xe tăng ra bịt cửa mở; xe bọc sắt, pháo binh, súng máy bắn chia cắt đội hình; bộ binh ra phản kích, v.v., nhưng chúng không thể nào cản nổi sức tấn công vũ bão của những con người có quyết tâm sắt đá, có lòng tin mãnh liệt vào thắng lợi. Đến 3 giờ rưỡi, Tu Vũ hoàn toàn bị tiêu diệt. Trận đánh mở màn chiến dịch thắng lợi giòn giã. Phòng tuyến sông Đà bị chọc thủng và cửa tiến vào thị xã Hoà Bình đã được mở rộng.

        Bài học quyết tâm sắt đá này, đối với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn chúng tôi không bao giờ quên được.

        Trong chiến đấu, người chỉ huy cần luôn luôn đề cao trách nhiệm trong bất cứ tình huống nào. Đặc biệt trước những tình huống quyết định thành bại của trận đánh, người chỉ huy không được buông trôi, bỏ qua, phó thác cho dưới, khoán trắng cho đơn vị; có gan chỉ huy phải có gan chịu trách nhiệm.

        Dưới đây, tôi kể thêm một câu chuyện nữa về quyết tâm và trách nhiệm người chỉ huy, theo tôi, câu chuyện này cũng là bài học rất đáng ghi nhớ.

        Sau khi tiêu diệt cứ điểm Nà Han ở biên giới, mùa xuân năm 1950, trung đoàn X phối hợp cùng trung đoàn bạn và được tăng cường một số pháo, súng cối có nhiệm vụ tấn công tiêu diệt địch ở Thất Khê để xây dựng lực lượng, xây dựng truyền thống đơn vị. Lần đầu tiên tác chiến tập trung trung đoàn, ai nấy đều háo hức, nóng lòng mong đợi được xuất trận. Các cơ quan dân, chính, đảng địa phương động viên bộ đội rất sôi nổi. Từng đơn vị không ngớt động viên nhau, chúc tụng nhau chiến thắng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM