Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:44:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36567 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #130 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 01:58:56 am »


        Thế là kế hoạch của Lơ- pa- giơ và Sác- tông hoàn toàn bí phá sản. Hai binh đoàn vẫn tan tác hai nơi.

        Rõ ràng các chốt chiến thuật ở địa hình hiểm hóc kia đã cố tác dụng không phải là nhỏ. Chốt chặn được địch phải kết hợp với lực lượng cơ động vận động đến tấn công.

        Sau đó, có một kinh nghiệm "vượt qua nơi hiểm trở để bắt cọp" nữa là khi quân của Lơ- pa- giơ cụm lại ở hang Cốc Xá, trung đoàn Y nhận nhiệm vụ tiêu diệt cụm này. Tiểu đoàn 11 tấn công binh đoàn Lơ- pa- giơ ở trong núi, đồng thời chặn không cho địch sang 477 (lúc này tiểu đoàn 18 đã chuyển sang 477 để tham gia tiêu diệt cánh quân Sác- tông). Tiểu đoàn 89 (thiếu đại đội 395) tấn công phía đông -  bắc xuống. Cuộc chiến đấu diễn ra rất gay go. Tiểu đoàn 11 giành nhau với địch từng mô đá, từng thước đất.

        Trong khi đó, đại đội 395 đang bấu víu vào từng mỏm đá, gốc cây để leo lên đỉnh núi. Đêm tối, trời mưa lã chã. Có đoạn các chiến sĩ phải bò, phải nhích từng bàn chân, nhất là đơn vị hỏa lực trợ chiến. Có đoạn phải dòng dây kéo từng bộ phận súng lên trước, rồi đến đạn, đến người. Qua một chặng đường gian khổ, các chiến sĩ 395 đã lên tới đỉnh núi, bất ngờ ném từng chùm lựu đạn xuống đầu quân địch. Các chiến sĩ cầm cả những quả đạn cối 60 mi- li- mét giội xuống. Các cỡ đạn súng trường, súng máy đổ vào đầu địch như mưa. Rồi từ tảng đá này nhảy sang tảng đá khác, các chiến sĩ xung phong vào quân địch. Bị đánh bất ngờ, quân địch vô cùng kinh hoàng, rối loạn... Thừa cơ ấy, tiểu đoàn 11 và 89 xiết chặt thêm vòng vây. Từ trên đỉnh núi đá đánh xuống, đại đội 395 đã khắc phục khó khăn, chiếm địa hình có lợi, bất ngờ đập vào đầu địch, góp một phần quan trọng để tiêu diệt quân địch ở Cốc Xá.

        Trận đánh binh đoàn Sác- tông diễn ra trên dãy núi 477. Địa hình ở đây cũng khá phức tạp. 477 nằm kẹp giữa hai triền núi cao, phía đông là dãy núi cao, phía tây là dãy núi đá lởm chởm thẳng đứng như bức tường thành, chỉ có một con đường mòn chạy từ phía bắc xuống phía nam, ngoài ra không còn đường nào khác. Bọn địch yên trí rằng đi trên dãy núi 477, đội hình chúng sẽ được hai bên núi cao che chở. Nhưng trung đoàn T suốt đêm đã vượt qua dãy núi đá, vừa tờ mờ sáng chọc ngang vào sườn của binh đoàn Sác- tông: bất ngờ chia cắt đội hình chúng ra từng đoạn và tiêu diệt từng bộ phán. Cuối cùng toàn bộ binh đoàn Sác- tông bị tiêu diệt thảm hại.

        Trên đây là một vài câu chuyện về "cách nhìn" địa hình, khắc phục khó khăn vượt qua địa hình phức tạp để tấn công quân địch. Tất nhiên trong thực tế có những tình huống gay go, phức tạp hơn thế nhiều, đòi hỏi người chỉ huy phải bình tĩnh suy nghĩ, phải với tinh thần cách mạng tiến công, tìm cho ra khó khăn và thuận lợi của địa hình phía địch, phía ta, cùng quần chúng bàn bạc cách khắc phục. Đã có quyết tâm đánh thắng thì phải có gan khắc phục địa hình. Từ chỗ bất ngờ tạo thành có lợi cho tay người chỉ huy cùng bộ đội cần dốc hết sức mình để tìm cách vượt bất cứ một khó khăn nào, khi đã thấy rằng tiến hướng đó, đánh hướng đó là có lợi, không nên quá lệ thuộc vào lý do khách quan (như đường vòng, đi xa, thời gian gấp, thiếu lương thực hoặc không có người dẫn đường, v.v...) mà chùn bước.

        Thực tế chiến đấu đã chứng minh rằng ngại đi xa có khi phải đi xa hơn nữa, ngại khắc phục khó khăn có khi phải khắc phục gấp trăm lần, dựa vào đường thẳng để tiến quân không phải lúc nào cũng thuận lợi mà có khi gặp nhiều khó khăn nhất, thậm chí không đến được mục tiêu. Đó là những vấn đề đòi hỏi phải hết sức mưu trí, linh hoạt trong khi giải quyết. Yêu cầu người chỉ huy phải cân nhắc kỹ, khi đã có quyết tâm thì nhất định làm và làm cho kỳ được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #131 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 04:41:15 pm »


LỢI DỤNG ĐỊA HÌNH VÀ CẢI TẠO ĐỊA HÌNH

        Đơn vị chúng tôi, sau mỗi lần tấn công quân địch thường có nghiên cứu tỉ mỉ về cách bố trí của chúng để kịp thời rút ra những bài học cho trận sau. Tại sao địch bố trí ở chỗ này, không bố trí ở chỗ kia? Địa hình thế này, địch đã cải tạo và lợi dụng như thế nào? v.v... Chính nhờ vậy mà bản thân tôi rút ra được nhiều bài học có ích trong khi xem xét địa hình để bố trí tác chiến. Trong quá trình công tác thường cán bộ ta nhất trí về cách nhìn nhận, nhưng như thế không phải không có cách nhìn ngược lại. Cùng một địa hình có cán bộ xem xét chỉ thấy khó khăn, rồi lo lắng bi quan, thiếu tin tưởng vào nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng người khác xem xét thì tuy một mặt thấy có khó khăn, mặt khác lại thấy ta có thể khắc phục và lợi dụng được, thậm chí có khi phát hiện thấy chỗ hiểm hóc của địa hình mà người khác không thấy. Thực ra, với bất cứ địa hình không thuận lợi nào, chỉ cần biết cải tạo, lợi dụng đều có thể tạo nên một thế tác chiến rất mạnh, rất hiểm hóc.

        Trong chiến đấu, những mũi tấn công của ta bị chùn lại hoặc bị sứt mẻ nhiều chính là do những hỏa điểm bất ngờ cách đánh bất ngờ, cách bố trí ở địa hình hiểm hóc của địch đột nhiên làm cản bước tiến của ta.

        Vì vậy, trong khi làm nhiệm vụ xem xét địa hình để bố trí tác chiến, tôi thường nghĩ đến mấy chữ: "hiểm hóc, bất ngờ". Các cán bộ đi nghiên cứu cùng với tôi thường nói: "Tìm địa hình chỗ nào hiểm, bố trí bất ngờ, ăn sườn, ăn sụn của đối phương, chắc chắn thủ trưởng đồng ý". Địa hình để bố trí tác chiến phải có chỗ "xoay lưng" -  ngôn ngữ quân sư gọi là "cơ động", "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Chọn được địa hình tốt, rất "lý tưởng", chỉ cần ít quân cũng có thể ngăn chặn được mũi tấn công lớn của địch. Nhưng trong thực tế, có khi phải bố trí quân đánh địch ở một địa hình so với nơi khác thì ít lợi thế hơn. Lúc này yêu cầu người chỉ huy cần xem xét địa hình một cách tỉ mỉ và đặt mình ở cương vị chủ động đánh địch, bất cứ trường hợp nào cũng không được bố trí để "giơ lưng chịu đòn". Phải luôn luôn tạo điều kiện, thời cơ chủ động đánh thắng địch bất cứ địch từ hướng nào tới hoặc tới bất cứ lúc nào. Người chỉ huy biết phân tích một cách khách quan, biện chứng, tìm cho ra cái mạnh của địa hình để phát huy, tìm cho đúng cái yếu của địa hình để khắc phục, từ thế bất lợi tạo thành thế có lợi, từ yếu trở thành mạng. Thí dụ: Một đơn vị nhận nhiệm vụ đánh địch tấn công ở một địa hình dài và hẹp, lại có nhiều sông núi cắt ngang. Như vậy địch có thể tấn công chia cắt ra từng khu vực. Nhưng ngược lại, chính địa hình ấy cũng chia cắt địch thành từng bộ phận, tạo điều kiện cho ta tập trung tiêu diệt từng cánh quân của địch. Có nhìn thấy hết cái mạnh của địa hình có lợi cho ta như thế thì mới không bi quan, không do dự quyết tâm. Tiếp theo sự nghiên cứu phân tích, người chỉ huy cần biến quyết tâm thành biện pháp tổ chức, tìm mọi cách cải tạo địa hình, chuẩn bị trận địa tác chiến cụ thể. Địa hình dù có nhiều bất lợi nhưng nếu người chỉ huy và bộ đội biết bỏ nhiều công phu suy nghĩ vào đấy, bỏ nhiều sức lao động cải tạo vào đấy, thì nhất định sẽ tạo nên nhiều thế lợi.

        Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tiểu đoàn X nhận nhiệm vụ đào trận địa xuyên qua giữa khe hở của hai điểm cao 206 và 311A (hai vị trí này của địch vẫn chưa bị tiêu diệt) để cắt sân bay Mường Thanh. Giặc Pháp cũng đã hiểu sân bay của chúng nếu bị ta chiếm giữ thế chúng coi như bị cắt mất dạ dày. Chúng dồn hỏa lực ra sức bắn kẹp tiểu đoàn X. Nhiều nhất là đạn súng cối và đạn pháo nổ trên không, lại có cả hai khẩu súng máy từ Mường Thanh bắn ra rất lợi hại. Quân địch lại luôn tổ chức đánh chiếm trận địa của ta và lấp hào. Riêng ngày 20 tháng 4, giữa ta và địch giành đi giật lại mấy lần. Buổi chiều, chúng tôi vừa nhận được báo cáo là quân ta phản kích giành lại được trận địa, nhưng một lúc sau lại được tin địch chiếm mất, quân ta củng cố để xẩm tối sẽ tiếp tục phản kích. Tình hình ấy làm chúng tôi rất sốt ruột. Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn này có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, dày dạn, anh dũng, táo bạo. Vậy thì trận địa bố trí ra sao mà cứ mất đi mất lại như thế mãi?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #132 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 04:42:41 pm »


        Trời chạng vạng tối, quân ta phản kích thành công, khôi phục được toàn bộ trận địa. Lập tức tôi điện cho trung đoàn phải cho bộ đội củng cố công sự ngay, mặt khác chỉ thị cho cơ quan đại đoàn phải đưa hết người vác gỗ ra trận địa giúp đơn vị. Đêm đó, tôi ra ngay trận địa để xem xét tình hình, càng đi ra đầu cùng của chiến hào, càng thấy rõ bộ đội ở đấy chiến đấu không những ác liệt mà còn hết sức vất vả. Ngơi tay súng ra, người chiến sĩ lại cầm lấy xẻng làm việc không ngừng. Đào sâu được một ít, chỉ vài loạt đại bác, vài trận bom giội xuống, chiến hào lại sụt lở tung toé, lại phải mất công sửa chùa. Càng ra tới phía ngoài, chiến hào càng hẹp và nông. Nhưng tất cả những bom đạn của địch cũng không phải là nguyên nhân chủ yếu để bộ binh và xe tăng địch chiếm được trận địa của ta, mà chính là ta chưa biết cải tạo địa hình, cấu trúc thành một trận địa có lợi cho ta, chiết tính cơ động và không hiểm hóc. Tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ có độc một đường hào đâm thẳng vào sân bay, xuyên qua giữa khe hở của hai vị trí địch, y như một con đường độc đạo trơ trọi. Bám vào đường hào đó chỉ có hố đứng bắn, hố ẩn nấp. Càng nghiên cứu, tôi càng thấy rõ tại sao trận địa vẫn cứ bị mất đi mất lại, mặc dầu bộ đội ta chiến đấu rất anh dũng. Ở đấy rõ ràng là ta ở vào một địa hình có ít thuận lợi, mũi hào cắt sân bay hoàn toàn ở trên mảnh đất bằng phẳng. Xe tăng địch tấn công có thể bắn chúc xuống miệng chiến hào của ta. Ta chỉ có một đường hào, khỉ địch tập trung chiếm đoạn nào, ta bị mất đoạn đó. Ta giữ đã khó, nhưng muốn phản kích chiếm lại càng khó hơn. Nhiệm vụ cắt sân bay phải làm tròn cắt được đến đâu phải giữ chắc đến đó, không cho địch chiếm lại, lấp hào đi. Bộ đội ta anh dũng, nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ. Nhưng phải làm thế nào để nhiệm vụ được thực hiện tốt hơn nửa mà bộ đội ta ít thương vong.

        Đó là vấn đề đặt ra đối với người chỉ huy các cấp có trách nhiệm chấp hành nhiệm vụ này. Tôi cùng cán bộ của đơn vị và các chiến sĩ tại trận địa nghiên cứu bàn bạc ngay tại chỗ và thấy rằng cần phải tổ chức từng tổ chiến đấu thành thế chân kiềng dựa lưng vào nhau, chi viện hỗ trợ cho nhau. Muốn vậy phải đào nhiều "râu tôm” chạy xoè ngang ra, rồi đào vòng trở lại, đào các ngách chữ A, chữ T, đào nhiều đường cơ động từ sau lên trước và chéo bên sườn để địch đánh hướng nào ta cung có thể “xoay lưng" đánh lại chúng. Một khẩu súng máy cũng có thể di chuyển ẩn hiện nhiều hướng, nhiều nơi bất ngờ đánh vào sườn địch. Địch chiếm chỗ này, ta từ chỗ khác đã chuẩn bị lập tức đánh trả. Đó là tạo thế trong phòng ngự -  thế mạng sẽ tạo thành lực mạnh.

        Đêm hôm đó, ngay sau khi tôi trở về chỉ huy sở, bộ đội bắt tay vào làm làm cật lực. Vì tất cả cán bộ và chiến sĩ, cấp trên và cấp dưới đều nhất trí phải cải tạo địa hình, xây dựng trận địa thật vững chắc, và chỉ có làm như thế mới tránh được tình trạng "bị trói chân một chỗ”, "giơ lưng chịu đòn".

        Ngày 21 tháng 4, quân địch lại tập trung lực lượng tấn công vào trận địa cắt sân bay của bộ đội ta. Ngoài 7 đại đội Âu Phi, còn thêm 4 xe tăng yểm hộ. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Mặc dầu giặc Pháp đã liều mạng nhảy vào chiếm được một vài đoạn hào của ta, nhưng rồi tất cả bọn chúng đều bị đánh lui và bỏ lại nhiều xác chết ngay trên trận địa.

        Ngày hôm sau, cuộc chiến đấu giữ trận địa cắt sân bay của bộ đội ta ác liệt gấp bội và cũng là ngày giặc Pháp phải “từ giã” sân bay. Bộ binh, xe tăng địch lao vào đều bị quân ta đánh bật trở lại, vòng hướng này bị chặn, vòng hướng khác bị đánh sườn. Không những thế, giặc Pháp còn bị bộ đội ta đánh cho những đòn bất ngờ, bộ binh, xe tăng mỗi nơi mỗi mảng, tàn quân tháo chạy về Mường Thanh. Từ ngày ấy, trận địa cắt sân bay của bộ đội ta hoàn toàn vững chắc cho đến khi Điện Biên Phủ được hoàn toàn giải phóng. Rõ ràng vấn đề thắng bại là do con người quyết định chứ không phải do địa hình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #133 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 04:44:32 pm »


BIẾT ĐỊCH, BIẾT TA, ĐÁNH LÀ CHẮC THẮNG

        Cuộc chiến đấu giữa ta và địch thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp một mất một còn vô cùng quyết liệt. Từng trận chiến đấu cụ thể là sự đấu trí, đấu lực của hai tập đoàn người sống. Cả hai bên đều tìm mọi cách tiêu diệt, đánh bại đối phương.

        Muốn tiêu diệt địch, ta cần phải hiểu mình, hiểu địch cho thật đúng bản chất của sự việc. Kẻ địch rất gian giảo, hung ác và quỷ quyệt vì bản chất của nó là bản chất của giai cấp thống trị áp bức vì quyền lợi ích kỷ của chúng. Trong từng trận đánh cụ thể khi phân tích về địch bất cứ một hiện tượng cụ thể nào cũng cần xét tới bản chất của nó. Dù kẻ địch mạnh đến đâu cũng có chỗ yếu, chỗ sơ hở và dù kẻ địch yếu đến đâu cũng có chỗ mạnh cần phải chú ý tới. Khi nói địch mạnh phải thật cụ thể, mạnh cái gì, mạnh ở chỗ nào, mạnh trong trường hợp nào, v.v... Trong cái mạnh phải tìm cho ra cái yếu. Yếu như thế nào, yếu ở đâu, yếu tới mức nào, quan trọng hơn cả là làm thế nào biến mạnh của địch thành yếu để tiêu diệt chúng, v.v...

        Theo kinh nghiệm của tôi, những lần chiến đấu gặp khó khăn phần lớn là do nghiên cứu địch không kỹ, hoặc có khi nghiên cứu nhiều lần nhưng vẫn không thấy đúng thực chất cái mạnh, cái yếu của kẻ địch, mà còn mập mờ...

        Đối với cán bộ chi huy chúng ta: thường có hai hiện tượng, một là đánh giá địch quá cao, "sợ bóng sợ gió" khi gặp một vài hiện tượng mạnh của địch, từ đó đi tới do dự, thiếu sự quyết tâm, không dám đánh hoặc đánh nhưng không tin chắc thắng; hai là vừa nhìn thấy vài hiện tượng yếu của địch đã vội vã chủ quan, khinh địch, "coi trời bằng vung". Tôi kể lại mấy mẩu chuyện về ngại địch mạnh.

        Năm 1947, có một đơn vị ở Hòa Bình rất ngại khi phải chiến đấu với lính Âu -  Phi -  một thành phần trong đội quân đánh thuê của thực dân Pháp. Người nọ đồn đại đến tai người kia. Nào là “Tây rạch mặt" ngậm dao găm ở mồm xông lên ghê lắm! Nào là lính này thiện chiến đã từng xâm lược nhiều nơi...! Thấy vậy, tôi suy nghĩ rất nhiều, cố tìm mọi cách để giải quyết tư tưởng cho anh em. Chúng tôi cùng chiến sĩ bàn bạc tìm cho hết cái mạnh cái yếu của chúng mà đánh. Cái mạnh của địch là ỷ lại có xe tăng, ô tô, máy bay, đại bác và binh lính chúng được trang bị nhiều vũ khí tốt, sử dụng quen. Nhưng cái yếu cơ bản của chúng là tinh thần của lính đánh thuê ham sống sợ chết nên chỉ hung hăng có lúc, khi những cái mạnh về vũ khí giảm tác dụng thì tinh thần sẽ sút kém. Vì vậy, ta phải khoét sâu nhược điểm của địch, bất ngờ xông lên đánh giáp lá cà để tiêu diệt chúng, nhất định chúng sẽ thua trận.

        Chúng tôi bố trí một trận phục kích thật chu đáo, cho một bộ phận nhỏ chặn trước mặt địch, lực lượng còn lại giấu kín ở bên sườn... Ngày 1 tháng 5 năm 1947, tại dốc Cun (Hòa Bình), trận phục kích được bố trí xong. Máy bay và súng cối của địch bắn dừ dội trên dọc đường chúng tiến quân. Mười cơ giới và chừng mấy trăm tên địch hùng hổ tới chân dốc Cun, dàn quân tiến lên. Bọn lính xâm lược quen thói chủ quan, vừa đi vừa huýt sáo, nghênh ngang, bất ngờ "khẩu thần công" của quân ta phát hoả. Đây là khẩu súng thần công cũ, được anh em nhồi thuốc phóng và các mảnh gang vụn. Khi bắn, một tiếng nổ dữ dội, mảnh gang tóe ra như mùa rào. Bọn địch đi đầu ngã gục gần hết. Quen thói “sùng bái vũ khí” thì lần này giặc Pháp khiếp sợ vũ khi biết chừng nào. Ngay lúc đó, súng trường, tiểu liên cũ kỹ của ta cùng phối hợp bắn vào những tên còn sống sót. Tên chỉ huy tay cầm bản đồ, tay cầm súng lục đang ngơ ngác nhìn, bị bắn chết đầu tiên. Quân ta vung kiếm, vung mã tấu nhảy lên lăn xả vào tiêu diệt chúng. Bọn lính đánh thuê được đồn đại là thiện chiến nay đã chết ngổn ngang. Các tên sống sót chúi đầu chạy xuống chân dốc, gọi máy bay, súng cối bắn yểm hộ. Suốt ngày không tiến thêm được bước nào, bị quân ta lẻn tới bắn tỉa tiêu hao, cuối cùng chúng phải lên xe tháo chạy nốt. Trận đánh thắng lợi, quân ta chỉ có vài người bị thương nhẹ. Quân địch vừa chết vừa bị thương hơn 80 tên. Sau trận đánh, khí thế quân ta lên cao. Việc xây dựng cho bộ đội tư tưởng dám đánh, quyết đánh thắng và nhất định đánh thắng bọn giặc hung ác bước đầu đã dược giải quyết tương đối tốt. Đơn vị khác thấy vậy cũng vui mừng phấn khởi và tin tưởng ở sức mình. Từ đó bộ đội ta không sợ lính lê dương nữa. Sau đó ít lâu bộ đội ta lại quần nhau và vật lộn đánh giáp lá cà với bọn lính lê dương trong một trận ác liệt ở Ba Thá. Qua nhiều trận đánh, tôi thấy rằng: Kẻ địch nào cũng vậy, miễn là nghiên cứu cho đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng và tìm được cách đánh thích hợp thì nhất định giành được thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #134 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 04:46:24 pm »


        Trong chiến dịch Tây Bắc, cán bộ đi chuẩn bị chiến  trường điều tra địch đóng ở Pú Chạng và Nghĩa Lộ. Hai vị trí này cách nhau khoảng gần 2 ki- lô- mét. Địch đóng trên đồi Pú Chạng mạnh hơn, có thể khống chế cả cánh đồng Nghĩa Lộ và chi viện cho cứ điểm Nghĩa Lộ, có công sự và đường giao thông chằng chịt, dây thép gai dày tới 40 -  50 mét, các hỏa điểm bố trí ở xung quanh đồi thành nhiều tầng... Nhưng xem xét kỹ: về phía bắc có mỏm đồi thấp sát hến với đồi Pú Chạng, cây cối um tùm (khi đó đặt tên là đồi Nhà Ngựa), ta đã bí mát tiếp cận và địch có thể bị bất ngờ, nên ta lấy đó làm hướng đột kích chủ yếu. Còn đuôi dãy núi Pú Chạng thì kéo dài về phía nam gần với dãy rừng phía tây, lên phía này ta dễ cắt chia đồi Pú Chạng với "trại con gái" ở phía nam, nên ta lấy đó làm hướng thứ yếu. Trong cái mạnh của địch, rõ ràng là có cái yếu, nhất là cái yếu vì "bị bất ngờ”. Vì vậy, người chỉ huy phải có con mắt biện chứng, tìm ra chỗ yếu trong cái mạnh của địch để đánh, hoặc khắc phục mọi khó khăn vượt qua những hiểm trở để tạo nên một thế bất ngờ. Nếu không chỉ nhìn thấy vị trí địch bốn phía hàng rào dây thép gai dày công sự, hỏa điểm kín đặc cho là mạnh cả, thì sẽ đi đến: một là không dám đánh, hai là đánh vào chỗ mạnh của địch sẽ tổn thất nhiều.

        Trải qua chiến đấu, bộ đội ta ngày càng trưởng thành rõ rệt. Các hình thức công sự phòng ngự của địch đều lần lượt bị phá vỡ. Cuối cùng, chúng phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ và làm phòng ngự bằng công sự boong ke như ở Yên Vĩ (Hà Nam), Cẩu Lồ (Bắc Giang), v.v..

        Mùa hè năm 1954, tiểu đoàn 80, trung đoàn Y nhận nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Cầu Lồ. Trước đây, do thiếu sót của một số cán bộ, khi nói đến công sự boong ke thì chỉ nói cái mạnh của nó, đôi khi còn đề cao quá mức. Có đơn vị khi nhận nhiệm vụ đánh vị trí loại công sự này thì không tin đánh thắng, lo tổn thất nhiều. Việc đó ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng bộ đội. Rút kinh nghiệm ấy, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn Y đã bàn bạc tìm cho hết cái mạnh, cái yếu của địch. Mặc dầu công sự xi măng cốt sắt dày, nhưng bản thân nó lại có nhiều nhược điểm: có lỗ thông hơi có thể dùng xẻng chọc thủng lưới sắt, thả lựu đạn vào: địch bố trí ít người, nhiều súng; ở từng lô cốt cô lập, cơ động chi viện cho nhau khó khăn; trong công sự thiết bị kín, địch khó quan sát, ta có thể đưa pháo, ĐKZ, ba- dô- ca vào gần bắn thẳng vào lỗ châu mai, hoặc đánh bộc phá, quân địch dễ chết vì bị sức ép; hỏa lực của địch dù dày đặc thế nào cũng không thể kiểm soát hết mọi chỗ, ở cự ly gần thì lỗ châu mai cũng có góc chết giữa lô cốt này và lô cốt khác, đạn cũng không bắn kín hết được, nhất là khi một vài lô cốt đã bị diệt sẽ tạo nên khoảng trống lớn không có hỏa lực. Đó là những cái yếu cụ thể, ta có thể khoét sâu để tiêu diệt địch. Đơn vị còn phân tích cái yếu cơ bản nữa của địch là sau khi chúng bị thua ở Điện Biên Phủ, tinh thần bọn địch ở đồng bằng đã hoang mang, dao động, không tin tưởng sẽ giữ được những cứ điểm cô lập, nhỏ bé... Do đánh giá địch đúng mức, bộ đội ta đã có quyết tâm cao, tin tưởng đánh thắng. Việc tổ chức, chuẩn bị được tiến hành cụ thể, tỉ mỉ, tổ chức bộ đội gọn nhẹ, "ít nhưng tinh", phân công hỏa lực hợp lý từ lựu đạn, thủ pháo đến tiểu liên, súng trường, ĐKZ..., đồng thời huấn luyện cho mọi chiến sĩ biết cách đánh bộc phá để bảo đảm có thể tự phá được hàng rào dây thép gai ở trong ví trí, ở ngay chân lô cốt.

        Do đó, trung đoàn Y đã làm tròn nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Cầu Lồ. Đặc biệt có một tiểu đội bộ binh đã bí mật cắt dây thép gai, lọt vào vị trí và đã bất ngờ đánh sập ngay một lô cốt boong ke của địch.

        Trên đây là những câu chuyện về cách xem xét địch, cụ thể là giặc Pháp trước đây. Nhưng khi đánh với quân Mỹ là kẻ địch có quân số đông, có nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận về địch của người chỉ huy. Chính vì vậy, chúng ta càng phải rèn luyện quan điểm lập trường, trau dồi trình độ lý luận, nắm vững phép biện chứng duy vật trong việc phân tích cụ thể tình hình cụ thể, nắm vững đường lối quân sự của Đảng để soi sáng vào sự việc cụ thể, nhìn nhận kẻ địch cho thật đúng, thấy được chỗ mạnh của địch nhưng quan trọng hơn nữa là phải tìm cho ra chỗ yếu của địch mà "lách lưỡi lê vào đó" khoét cho rộng. cho sâu. Như vậy nhất định chúng sẽ chết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #135 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 04:48:12 pm »


        Nhìn nhận về địch đúng hay sai, đó là vấn đề vừa là phẩm chất vừa là tài năng của người chỉ huy, ở trường hợp nào đó, nếu người chỉ huy một mực đề cao cái mạnh của địch, không thấy cái mạnh của quần chúng, của con người đã giác ngộ cách mạng cao thì sẽ sợ địch, thiếu tin ở sức mình, quyết tâm do dự, rụt rè, đánh dò dẫm, đánh cầm chừng... Vì đó mà làm cho bộ đội lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", tổn thất nhiều, thậm chí có khi đi đến thủ tiêu chiến đấu; những cái mạnh tạm thời của kẻ địch sẽ được phát huy. Cho nên, vấn đề nhìn địch thế nào để không sợ địch và đánh giá địch đúng mức là một yêu cầu rất quan trọng đối với người chỉ huy.

        Ngược lại, sau khi đánh thắng nhiều trận, người chỉ huy dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, coi thường địch quá đáng, nên đã vấp thì vấp rất đau: lúc đó tư tưởng sợ địch lại có thể tái sinh. Đã chủ quan thì việc nghiên cứu địch sẽ không chu đáo, chuẩn bị bộ đội sê không đầy đủ. đánh bừa, đánh ẩu. Trận đánh vị trí Pheo thuộc tỉnh Hòa Bình cũ là một thí dụ. Đại đoàn cùng với trung đoàn, tiểu đoàn đi nghiên cứu vị trí địch: thấy địa hình đồi Phèo và bản Pheo nằm hai bên đường số 6, vị trí đồi Pheo về phía tây có dãy đồi cao hơn, rừng rậm, nối liền với đồi Pheo là một vai bò thoai thoải đổ từ dãy núi cao xuống đồi Pheo. Đại đoàn phần vì chủ quan nên không tập trung vào đấy mà nghiên cứu kỹ, phần vì do dù nên không đề đạt với cấp trên để xin thêm thời gian chuẩn bị và không tích cực đôn đốc trung đoàn khắc phục khó khăn về rừng rậm để có một mũi bất ngờ từ phía tây đánh từ trên xuống. Cán bộ chỉ xem xét qua loa, thiếu trách nhiệm đánh giá địch thấp. Nhất là sau chiến thắng Tu Vũ, cán bộ ta cho rằng quân địch ở Pheo tinh thần dao động. Nhưng thực tế lại khác, tên quan năm Clê- măng, chỉ huy trưởng khu chiếm đóng Hòa Bình, đã ra lệnh cho tên thiếu tá Rúc và binh lính lê dương: "Sống chết phải giữ Pheo đến cùng!" Bố trí cụ thể của địch ở đó ta nắm không chắc. Khi phát hiện địa hình có lợi, có thể chiếm điểm cao đánh thúc xuống đầu địch thì cán bộ ta ngại khó khăn này, khó khăn khác, không quyết tâm khắc phục. Tư tưởng chủ quan ảnh hưởng tới bộ đội. Khi chiếm lĩnh, anh em bảo nhau: “Tốt trời như thế này, đánh một loáng là xong!”. Có khẩu đội đại liên muốn để bớt một nửa cơ số đạn "ở nhà” vì cho rằng chỉ cần bắn vài loạt là đủ, mang đạn đi nhiều lại vác về chỉ tổ nặng... Chính do tư tưởng chủ quan, nắm địch không rõ, chuẩn bị đại khái qua loa, nên lúc chiến đấu đã gặp nhiều khó khăn. Đơn vị đánh bản Pheo đột phá gặp bãi lầy, mãi mới phá xong ba hàng rào, lúc hai xe tăng địch ra bịt cửa mở thì tổ đánh tăng lại ở phía sau chưa lên kịp...

        Trận đánh vị trí Pheo, mặc dầu quân ta đã chiếm được gần hết cứ điểm phòng ngự của địch, chỉ còn bộ phận nho dồn vào cố thủ xung quanh cột cờ, nhưng chúng ta gặp nhiều khó khăn, tiêu diêt địch không gọn.

        Sau đó, khi tổng kết đại đoàn cũng đã nói: "Địch bố trì phòng ngự tuy khá mạnh, song trung đoàn vẫn hoàn toàn có khả năng tiêu diệt được đồn Pheo, nếu không mắc phải những khuyết điểm nghiêm trọng: chuẩn bị thì chủ quan đơn giản, kế hoạch đại khái, qua loa... Đại đoàn chịu phần trách nhiệm vì nắm tình hình không sát, không phát hiện được kịp thời những sai lầm về tư tưởng và tổ chức của cấp dưới".

        Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, có nhiều cán bộ chỉ huy rất, chủ quan, ảnh hưởng không ít đến tư tưởng bộ đội. Trước khi xuất kích, đơn vị súng cối cho rằng bắn ngần này đạn dù xung kích chưa vào, địch cũng chết hết. Đột kích 1 cho rằng mình vào đồn chỉ để quét tàn binh. Đột kích 2 thì chuẩn bị vào thu dọn chiến lợi phẩm. Bộ phận bao vây thì giương lê sẵn không phải để xung phong mà để nếu địch rút chạy vướng lê phải dừng lại (!), v.v… Nhưng thực tế khi đánh thì đơn vị đã không làm tròn nhiệm vụ. Kết quả của tư tưởng chủ quan, đơn giản là trong tác chiến nhất định không thể nào giành được thắng lợi tốt đẹp như ý muốn.

        Khi thế trận của ta đang trên đà phát triển thuận lợi, chiến thắng đang giòn giã, bắt đầu nảy sinh những nhận xét về địch như "đánh là tan”, "nổ súng là địch chạy", v.v… nên lúc này người chỉ huy càng phải hết sức tỉnh táo, cảnh giácthận trọng hơn bao giờ hết. Vì lý do sơ ý người ta có thể ngã ở quãng đường không trơn.

        Cùng với việc nghiên cứu địch, người chỉ huy phải xem xét kỹ tình hình ta, nếu không, kế hoạch tác chiến sẽ trừu tượng, phiến diện, rất nguy hiểm. Nhìn nhận bộ đội ta không phải chỉ đơn thuần đếm đầu người, tính đầu đơn vị, đếm đầu hỏa khí... với những con số so sánh trên sách vở. Tôi không bác bỏ nhùng con số quý giá ấy mà người chỉ huy cần nắm để làm cơ sở hạ quyết tâm. Nhưng nếu chỉ dựa vào con số ấy thì hoàn toàn chưa đủ và nhất định sẽ phạm sai lầm, có khi rất nghiêm trọng.

        Theo kinh nghiệm của bản thân tôi khi nhìn nhận về ta, người chỉ huy cần hết sức coi trọng vấn đề mấu chốt nhất là tư tưởng, tiếp đến là trình độ kỹ thuật, chiến thuật, và sau đó là vấn đề số lượng thành phần tổ chức, trang bị của bộ đội. Các vấn đề này có liên quan chặt chẽ với nhau. Tư tưởng chi phối hành động của con người, ngược lại cơ sở vật chất có ảnh hưởng trở lại tư tưởng và là điều kiện để phát huy sức mạnh của tư tưởng.

        Trong thực tế cũng có lúc bị tình huống cụ thể lôi cuốn mà người chỉ huy lãng quên mối liên hệ rất cơ bản đó. Có lúc cán bộ đã coi thường, chưa thấy hết ý nghĩa quyết định của ý chí, tinh thần, đồng thời có người đôi lúc lại coi nhẹ các điều kiện thuộc cơ sở vật chất.
« Sửa lần cuối: 21 Tháng Mười, 2016, 09:29:28 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #136 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 09:27:57 am »


        Có trận đánh một cứ điểm ở đồng bằng, khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, có khá nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị nọ rất chủ quan. Ý vào kinh nghiệm và trình độ chiến đấu của đơn vị mình, anh em cho rằng: "Cứ điểm này bé, bóp nát lúc nào cũng được!". Do thiếu sót của lãnh đạo, không nắm được tư tưởng bộ đội nên không kịp thời uốn nắn. Công tác chính trì không tiến hành sâu rộng tới tận chiến sĩ, không làm thấm nhuần phương châm và quán triệt nhiệm vụ, không thấy hết thuận lợi, không dự kiến hết khó khăn để tìm ra biện pháp khắc phục... Tư tưởng chủ quan, coi thường địch như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuẩn bị chiến đấu, cấp nọ khoán trắng cho cấp kia tiểu đoàn giao cho đại đội, đại đội giao cho trung đội. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị cơ sở cũng chủ quan cho mình đã làm nhiều, đánh nhiều, nên chuẩn bị qua loa cho đủ số lượng như cấp trên quy định. Khi báo cáo rất đầy đủ, nhưng chất lượng ra sao thì không ai biết.

        Dưới đây, trích lại một đoạn ngắn về diễn biến chiến đấu của trận đánh trong bản tổng kết của đơn vị đó để chúng ta cùng nghiên cứu xem tư tưởng chủ quan ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị như thế nào, việc chuẩn bị đại khái ảnh hưởng đến thực hành chiến đấu ra sao: “... Đại đội mũi chính tiếp cận sát hào, phát tín hiệu cho pháo bắn vào lô cốt bên trong để đơn vị bắc thang vượt qua hào. Nhưng phần lớn hỏa lực của ta đều bắn vào tầng trên của các lô cốt, địch ở bầng dưới chưa bị sát thương, khi hỏa lực của ta vừa bắn chuyển vào lô cốt B thì hỏa lực của địch ở tầng dưới bắn ra rất mạnh. Tổ hỏa lực của đại đội thì đạn dược đã tiêu hao nhiều, không đủ sức kiềm chế các lỗ châu mai. Tổ thang ván không tiến lên được, phải lợi dụng lúc hỏa lực địch ngừng bắn để vượt lên lao thang qua hào, nhưng vì làm không đủ kích thước, thang hụt không sang được, xung kích phải dừng lại ở giữa cửa mở, bị hỏa lực địch sát thương một số. Đại đội trưởng ra lệnh nhổ chông, lội qua hào vượt lên đánh vào lô cất A. Vì không nắm vững công sự của địch, việc chuẩn bị số lượng bộc phá không đầy đủ nên bộc phá sử dụng hết rồi mà lô cốt vẫn chưa thủng. Đại đội trưởng cho tổ đột kích vượt lên nóc lô cốt để đánh xuống. Địch vẫn ngoan cố chống cự. Tổ đột kích phải tiếp cận kiềm chế các lỗ châu mai, đồng thời dùng lựu đạn, thủ pháo, tiểu liên đánh xuống, và sau 10 phút chiến đấu ác liệt mới chiếm xong lô cốt A.

        Đại đội mũi phụ bên trái mũi chính cũng gặp hào, nhưng không chuẩn bị thang ván trước, phải dừng lại ở giữa cửa mở, đội hình ùn, bị hỏa lực địch sát thương một số, trong đó có cả đại đội trưởng và chính trị viên, số còn lại phát triển lạc hướng. Đại đội phó lên thay, phải củng cố lại khá lâu, không hiệp đồng đột phá được cùng mũi chính. Sau khi củng cố xong, mũi này cũng phải lội qua hào vượt lên đánh vào lô cốt E...

        Đại đội mũi phụ ở phía tây -  bắc, do chuẩn bị bộc phá không cẩn thận, nhiều lần đánh không nổ nên cũng bị chậm lại Địch có điều kiện tập trung hỏa lực đối phó mạnh hơn, khi ta tiếp cận sát hào bị thương vong một số, không đủ sức vượt qua, phải lùi lại để củng cố. Thang chuẩn bị cũng không đủ kích thước, khi bắc qua hào bị hụt... hỏa lực của đại đội và tiểu đoàn bắn rời rạc không đủ sức kiềm chế hỏa điểm của địch, nên khi tổ bộc phá khối lội được qua hào, vượt lên bộc phá lô cốt, bị hỏa lực địch sát thương một số. Anh em rất dũng cảm lao lên đặt được bộc phá vào chân lô cốt, nhưng nụ xòe bị ướt, sử dụng hệt số lượng bộc phá khối mà không quả nào nổ...”.

        Qua một đoạn diễn biến chiến đấu nói trên cho ta thấy rằng, nếu người chỉ huy nắm được tình hình chuẩn bị chiến đấu, nếu biết kịp thời uốn nắn tư tưởng chủ quan và tổ chức kiểm tra chặt chẽ, thì chắc chắn công tác chuẩn bị chiến đấu không đến nỗi đại khái như thế, và lúc chiến đấu nhất định sẽ thuận lợi hơn nhiều.

        Trong trận này, cán bộ và chiến sĩ đơn vị cơ sở chiến đấu rất anh dũng. Sau nhiều lần tranh chấp với địch, đại đội mũi chính đã chiếm thêm được lô cốt cố thủ ở tung thâm vị trí và nhà số 5 là nơi chỉ huy đầu não của địch. Nhưng lực lượng các đơn vị đột kích 1 nói chung đã đuối sức. Đơn vị đột kích 2 của trung đoàn thì còn nguyên vẹn. Thời gian còn hai giờ nữa mới sáng. Trung đoàn trưởng quyết tâm sử dụng đại đội... của đột kích 2. Đồng chí giao cho tham mưu trưởng dẫn lên gặp trung đoàn phó ở chỉ huy sở của tiểu đoàn chủ công và chịu quyền chỉ huy của trung đoàn phó. Ba mươi phút sau, đại đội của đột kích 2 và tham mưu trưởng tới vị trì nhận nhiệm vụ. Do ngại đánh ban ngày, sợ phi pháo của địch, một số cán bộ đã đề nghi trung đoàn cho rút.

        Vì không nắm được tình hình cụ thể và cho rằng các đồng chí ở đột kích 1 nắm được tình hình cụ thể hơn, trung đoàn đã thay đổi chủ trương và đồng ý với đề nghị lui quân. Lúc đó, quân địch trong cứ điểm đã bị tiêu hao nặng, còn một số đang lúng túng hoang mang, chỉ mong cố thủ những chỗ còn lại được đến sáng để chờ viện binh.

        Sau này tổng kết anh em thấy rằng, nếu lúc đó trung đoàn trưởng nắm được tình hình, kiên quyết sử dụng đột kích 2 đánh thúc vào phía sau lưng 3 lô cốt ngoại vi còn lại, thì mũi phụ có điều kiện phát triển thuận lợi hơn và chắc chắn trận đánh sẽ kết thúc gọn.

        Qua những mẩu chuyện trên, chúng ta thấy rằng vấn đề mấu chốt của người chỉ huy đối với việc nắm tình hình ta phải nắm thực chất tư tưởng cán bộ và chiến sĩ để có kế hoạch lãnh đạo đến nơi đến chốn. Đồng thời còn phải xem xét thực chất tổ chức, số lượng và chất lượng trình độ kỹ thuật chiến thuật và công tác chuẩn bị cụ thể. Làm được như thế, quyết tâm chiến đấu của người chỉ huy chắc chắn sẽ ít phạm sai lầm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #137 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 09:30:48 am »


TAI NGHE KHÔNG BẰNG MẮT THẤY

        Để có cơ sở hạ quyết tâm chính xác, một trong những công việc rất quan trọng của người chỉ huy là công tác chuẩn bị chiến trường, trinh sát thực địa. Chuẩn bị chiến trường thực chất là một thử thách đối với người chỉ huy về tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn và cũng là một thử thách về lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu hy sinh, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước quần chúng.

        Bất cứ đánh theo hình thức nào đều phải có công tác chuẩn bị chiến trường. Mỗi một cách đánh có đặc điểm của nó, nên nội dung công tác chuẩn bị chiến trường yêu cầu cũng khác nhau. Thí dụ: Đánh úp, đánh địch đổ bộ bằng máy bay lên thẳng thì địch đông, thời gian gấp rút; đánh địch trong công sự vững chắc thì địch cố định, có thời gian chuẩn bị hơn v.v... Vì vậy, yêu cầu công tác chuẩn bị chiến trường là do yêu cầu, đặc điểm của trận đánh quy định.

        Người chỉ huy nếu vì ngại gian khổ, sợ hy sinh, chuẩn bị chiến trường không đến nơi đến chốn, đứng xa quan sát đại khái, hoặc chỉ nghe lời đồn đại, địch thế này, địa hình thế kia, rồi cứ thế hạ quyết tâm, thì khó tránh khỏi những khó khăn không lường được khi chiến đấu.

        Sau khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, đội công tác chuẩn bị chiến trường phải có quyết tâm "ba bốn núi cũng trèo, bảy tám sông cũng lội, nhín mười đèo cũng qua", điều gì còn nghi nghi hoặc hoặc thì đi tới nơi xác định rõ ràng. Người chỉ huy phải băn khoăn, bứt rứt, khó chịu khi thấy rằng công tác chuẩn bị chiến trường của đơn vị chưa chu đáo, có điểm còn mập mờ chưa rõ. Phải tìm mọi cách chuẩn bị chu đáo, kể cả trường hợp đánh tập kích cũng không được vin vào hoàn cảnh địch di chuyển thay đổi luôn, thời gian gấp rút mà bỏ qua công tác chuẩn bị chiến trường. Nhất là không được rời địch một phút, một giây. Địch đi một bước, ta theo một bước. bám sát địch suốt ngày, suốt đêm. Địch dừng lại, ta biết rõ nơi địch bố trí; địch đi, ta biết rõ đường đi và đội hình của chung, v.v...

        Khi đánh vị trí có công sự vững chắc thì công tác chuẩn bị chiến trường lại càng kiên trì, bền bỉ, chịu khó, tỉ mỉ và dũng cảm. Khi nói đến công tác chuẩn bị chiến trường, mỗi cán bộ, chiến sĩ chúng ta đều có thể đóng góp được rất nhiều chuyện, rất nhiều bài học bổ ích để trao đổi học tập lẫn nhau.

        Dưới đây, xin kể chuyện chuẩn bị chiến trường của đại đoàn chúng tôi trong chiến dịch Tây Bắc, mà tôi đã nói ở phần đầu cuốn sách.

        Nghĩa Lộ là một trong 4 phân khu (Lai Châu, Thuận Châu, Nghĩa Lộ, Sơn La), thuộc khu quân sự độc lập ở vùng địch chiếm đóng Tây Bắc. Đây là chỗ mạnh nhất của địch ở Tây Bắc. Nó là "bức bình phong" che chở phòng tuyến sông Đà và là bàn đạp tấn công uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc. Đại đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ thọc sâu vào trong lòng địch, tiêu diệt hai cứ điểm Pú Chạng và Nghĩa Lộ, đồng thời tiêu diệt cứ điểm Cửa Nhì. Đó là yêu cầu chính của đợt mở màn chiến dịch.

        Địa thế Nghĩa Lộ rất hiểm trở. Ngoài con đường độc đạo số 13, muốn tiến vào Nghla Lộ phải băng rằng, vượt núi hoặc dò theo những con đường ít vết chân người, đèo cao dốc đứng. Trên đường đi có nhiều chỗ rất hiểm: chi cần một vài người cũng có thể ngăn chặn nổi một cánh quân. Con đường ấy đã hạn chế rất lớn công tác tiếp tế vận tải. Lúc thường ngồi nghĩ tới con đường xa xôi heo hút ấy đã hình dung thấy gian khổ nhường nào rồi! Đầu mùa thu năm 1951, trong chiến dịch Lý Thường Kiệt, một đơn vị được lệnh vượt qua núi rừng hiểm trở tiến đánh Nghla Lộ. Lúc đang trên đường tiến quân đã bị bọn phản động, tay chân của giặt phát giác: mặt khác sự tiếp tế vận tải gặp khó khăn lớn nên đơn vị không đủ sức hoạt động lâu dài đành phải vượt núi lui quân.

        Tôi được biết lúc này quân địch vẫn tự đắc coi Nghĩa Lộ là nơi "bất khả xâm phạm!”. Chúng càng ra sức củng cố, tăng cường càn quét, đánh phá cơ sở của ta, tung gián điệp biệt kích hoạt động trên dọc đường và các bản hẻo lánh rẻo cao và đặt chông, mìn trên các đường ta có thể đi qua. Muốn tiến vào Nghĩa Lộ, chúng ta phải vượt qua tiểu khu Ba Khe, Cửa Nhì, Gia Hội gồm một hệ thống cứ điểm tiền tiêu án ngữ mọi ngõ ngách hiểm yếu.

        Đảng ủy và Bộ Tư lệnh đại đoàn giao trách nhiệm cho tôi phụ trách một đoàn cán bộ, cùng anh em quân báo vượt qua các vị trí tiền tiêu của địch, đi chuẩn bị chiến trường. Để giữ bí mật, tránh bọn gián điệp biệt kích phát hiện, chúng tôi đã xuyên rừng vượt núi, tìm những con đường đi hẻo lánh nhất. Trên vai mỗi cán bộ phải đèo thêm một bao gạo đầy căng, ngoài ra còn mang đầy đủ chăn màn, quán áo, đồ dùng cá nhân và vũ khí, đạn dược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #138 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 09:32:59 am »


        Xuyên qua rừng rậm âm u, chúng tôi hết vượt đèo lại lội suối có ngày lội bì bõm 24 khúc suối liền. Hai bàn chân của tôi trắng nhợt, các ngón teo lại dăn dúm như quả mơ khô. Các kẽ ngón và dưới gan bàn chán nước ăn lỗ rỗ. Các đồng chí khác cũng thế, chân không giày không dép lại phải leo lên những mỏm đá nhọn đau buốt đến tận tim. Đồng chí Thái Dũng, trung đoàn trưởng trung đoàn X, mặc dầu chỉ còn một tay nhưng cũng nhất định đeo một bao gạo. Vượt qua nhùng mỏm núi cheo leo, đồng chí ngoắc tay vào cành cây, đu người qua.

        Cách xa Nghĩa Lộ, chúng tôi đã phát hiện mìn của địch gài ở dọc đường mòn và cả hai bên rừng. Chúng tôi lại đi tắt rừng vòng đường khác. Mỗi lúc gặp gian nan, chúng tôi thường nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để động viên nhau.

        Đường đi đã khó, thỉnh thoảng trời lại đổ mưa. Quần áo chúng tôi ướt sũng lấm bê bết. Ngón chân, ống chân mỏi rời, vì phải luôn bấm chặt xương sườn núi chênh vênh, trơn tuột.

        Khi tới suối Bản Tủ, nước lũ đổ về chảy xiết. Chúng tôi rất lo. Thời gian gấp, bộ đội đang chuẩn bị và sắp hành quân, không thể dừng lại ở đây chờ nước rút mới qua suối. Chúng tôi bàn trạc quyết định chặt nứa đóng mảng. Các đồng chí quân báo đề nghị sang trước xem sao đã. Mảng vừa xuống suối đã trôi đi băng băng. Các chiến sĩ ra sức chèo chống nhưng không sao ghìm nổi. Sóng trùm lên mảng, cuốn đi. Trên bờ, chúng tôi chạy dọc suối để tìm cách đón anh em, nhưng không thấy đâu nữa. Thì ra nước đã cuốn anh em trôi đi nấy ki- lô- mét. Những với tính gan góc và mưu trí, anh em quân báo đã bám vào cành cây, vật lộn với nước lũ, rồi băng rừng, và sáng hôm sau trở về với chúng tôi.

        Vượt bằng mảng không thành công, chúng tôi bàn cách nối dây dù lại, một đồng chí cầm một đầu dây bơi sang trước buộc vào thân cây bên kia, để anh em bám vào dây lội sang. Vượt suối thành công, chúng tôi quên cả mệt nhọc, hăng hái đi suốt đêm. Có hôm chúng tôi lạc đường. Đi chuẩn bị chiến trường mà lạc đường thì vô cùng nguy hiểm, lỡ kế hoạch, lỡ thời gian, có khi lộ bí mật. Bộ đội đang hành quân theo sau, đến nơi mà cán bộ chưa chuẩn bị xong thì biết bao nhiêu khó khăn sẽ đến. May sao, gặp một thanh niên người địa phương, sau khi thử thách thăm dò, biết là người tốt, chúng tôi yêu cầu anh dẫn đường. Anh vui vẻ sẵn sàng giúp chúng tôi đi đến nơi.

        Tới Nghĩa Lộ, chúng tôi vừa hết gạo, lại một mối lo nữa. Vì còn phải ở đây nghiên cứu một thời gian và còn phải trở lại đón bộ đội, lấy gì mà ăn?

        Chúng tôi đang lo thì gặp một chiến sĩ quân báo của Bộ nằm sẵn trong phố Nghĩa Lộ ra đón. Biết rõ mỗi lo của chúng tôi, đồng chí về phố ngay, và đến chiều đem ra rừng cho chúng tôi khá nhiều gạo và một ít mắm tôm. Chúng tôi nấu cơm, nắm mỗi người một nắm to để ngày sau không phải nấu nướng, vừa để giữ bí mật, vừa đề phòng bất trắc. Mặt khác, chúng tôi thu xếp cho anh em ốm nặng nghỉ lại, tổ chức người bảo vệ, người chăm sóc chu đáo. Nhưng anh em ốm không nghe, đề nghị cán bộ cứ đi chuẩn bị chiến trường, còn anh em ốm ở lại sẽ tự bảo vệ, tự săn sóc nhau.

        Men theo rừng Nghĩa Lộ, chúng tôi leo lên đỉnh một quả đồi để quan sát, Pú Chạng chính là nơi tôi và anh Nho gặp nhau sau khi vượt khỏi nhà tù Nghĩa Lộ (3-1945), nay là chỉ huy sở của tên quan tư Ti- ri- ông, chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ. Ban ngày nằm trên đỉnh một quả đồi nhìn sang đồi Pú Chạng, chúng tôi quan sát vị trí địch rất rõ. Ban đêm, chúng tôi vào gần hơn cán bộ đại đội, tiểu đoàn bò sát tận hàng rào của địch, nghiên cứu từng ụ súng, từng mô đất tìm nơi đặt từng khẩu súng máy... Nghiên cứu xong Pú Chạng, chúng tôi trở về phía bắc điều tra vị trí Nghĩa Lộ phố. Chúng tôi vào sát Nghĩa Lộ chừng bảy, tám trăm mét, nam trên đỉnh mỏm đồi nhìn xuống phố Nghĩa Lộ rõ mồn một. Đầu sân bay là trại giam, trước Cách mạng tháng Tám đế quốc Pháp đã nhốt chúng tôi ở đó Sân bay, xưa là vườn ổi, nơi tôi đã chôn mấy đồng chí ta bị chết vì bệnh sốt rét ác tính ở trong nhà giam. Vị trí địch đóng trên đồi cao hơn mặt ruộng khoảng 15 mét. Ở phía tây nam thị trấn chính là đồn lính canh phòng chúng tôi ngày trước. Ban ngày xem xét kỹ; ban đêm tuỳ từng cấp, từng cương vị, chúng tôi bò vào sát vị trí để xem xét cụ thể hơn nữa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #139 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2016, 09:35:03 am »


        Tiện đây, tôi nói thêm một kinh nghiệm nhỏ nhưng rất cần thiết đối với công tác chuẩn bị chiến trường. Mặc dầu ban ngày quan sát địa hình, tình hình địch rõ rồi, nhưng vẫn phải nghiên cứu ban đêm, vào gần hơn nữa, cụ thể hơn nữa, nhận dạng địa hình địa vật để sau này vào chiếm lĩnh ban đêm không bỡ ngỡ. Ngược lại, mặc dầu ban đêm nghiên cứu tỉ mỉ, vào gần rồi, nhưng phải tìm cách nghiên cứu ban ngày. Vì ban ngày nhìn được địa thế bao quát hơn, xác định rõ từng địa vật hơn, còn đêm tối nhìn hình thù địa vật mờ mờ, có khi xác định không đúng thực chất của nó. Nếu cán bộ đi chuẩn bị chiến trường chỉ ở xa dùng ống nhòm quan sát ban ngày, thì khi tiến vào chiến đấu ban đêm, "quân" lạc đường, "tướng" lạc đường, bộ binh, hỏa lực giẫm đạp vào nhau, địch một nơi đánh một nẻo, thậm chí đánh cả vào chỗ không có  địch hoặc đánh quay trở lại hướng mình vừa xuất phát. v.v… Ngược lại, có trận đánh, cán bộ chỉ huy quan sát ban đêm nên không nắm được bao quát tình hình và xác định địa vật không đúng. Có đơn vị bố trí giơ cả sườn, quay cả lưng vào một mỏm đồi khác có địch bố trí, nhà lá thì cho là nhà gạch, nhà một tầng thì bảo là hai, hàng rào đơn thì bảo hàng rào kép... Tất cả những vấn đề cụ thể ấy đều có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của trận đánh.

        Trở lại câu chuyện chuẩn bị chiến trường trong chiến dịch Tây Bắc. Như vậy, tính từ ngày rời tả ngạn sông Hồng chúng tôi đã đi gần một trăm ki-lô-mét xuyên rừng vượt núi và đi vòng quanh Nghĩa Lộ -  một thung lũng chiều dài 15 ki- lô- mét, chiều ngang chỗ rộng nhất 6 ki- lô- mét, chỗ hẹp nhất cũng chừng 3 ki-lô-mét. Mưa gió rét buốt tận óc. Những cán bộ bị bệnh đau dạ dày như tôi và một vài đồng chí nữa thỉnh thoảng lại đau dữ dội. chống gậy đi cũng không vững. Chân chúng tôi toé máu tươi, rỗ tổ ong, cố cắn răng chịu đựng. Có mấy đồng chí vừa đau chân vừa sốt rét vẫn theo sát đoàn. Trong lúc khó khăn hiểm nghèo, cán bộ đại đoàn, trung đoàn và các cấp dưới rất thương yêu nhau, đùm bọc nhau như anh em ruột thịt vậy. Cho nên: nhiều lúc chúng tôi quên cả vất vả, ngơi một phút lại cùng nhau bàn bạc làm thế nào để chấp hành nhiệm vụ đạt kết quả tốt, chiến đấu thắng lợi.

        Lúc trở ra, gần tới đèo Khau Vác, đuôi của dãy núi Phăng Xi Păng, chúng tôi gặp một tiểu đoàn cơ động của địch đóng chặn ở chân đèo. Chúng tôi bàn cách một là đi vòng đường khác, nhưng xa và lỡ kế hoạch tác chiến; hai là tản ra, phân tán đi qua các khe suối, nhưng dễ lạc lung tung, có khi đâm cả vào địch, chỉ một người bị địch bắt cũng nguy hiểm; ba là đi ngay dưới chân đèo sát khu vực địch đóng. Chúng tôi nhất trí cách thứ ba, vì đó là nhằm vào chỗ yếu, chỗ sơ hở của địch. Ban đêm, chúng phải đóng gọn lại, canh gác thu lu một chỗ, không dám lùng sục ra xa. Mặt khác, chúng đang chủ quan cho là bộ đội chủ lực của ta không thể đến ngay đây được. Trường hợp nếu địch phát hiện được, anh em quán báo sẽ đánh kiềm chế để cán bộ vượt qua. Quả nhiên ban đêm chúng tôi đã vượt qua ngay trước mũi của địch rất êm thấm. Ra khỏi đèo Khau Vác, gạo ăn lại hết, chúng tôi tới các bản làng trên đỉnh núi xin ngô, may mắn đồng chí liên lạc đã đi với chúng tôi, quê hương ở vùng đó, đã dẫn chúng tôi về bản xin ngô và đem đi một ít dự trữ ở dọc đường.

        Trong khi đó, ở bộ tư lệnh đại đoàn, đồng chí chính ủy Song Hào giúp tôi đôn đốc cơ quan tham mưu xúc tiến công tác chuẩn bị cho bộ đội, đồng chí Cao Văn Khánh, đại đoàn phó, lên Bộ nhận nhiệm vụ cụ thể. Các đồng chí ở nhà được tin địch đóng chặn đường, đang định cấp tốc đưa bộ đội đến phá vây thì chúng tôi đã về tới đơn vị.

        Công tác chuẩn bị tư tưởng, chuẩn bị vật chất ở đơn vị đã làm đầy đủ công tác chuẩn bị chiến trường cũng đã hoàn thành, chúng tôi tạm coi như đã cầm chắc một phần chiến thắng.

        Kết quả cụ thể của lần chiến đấu này, tôi xin kể vào một đoạn sau.

        Qua những sự việc kể trên, bản thân tôi rút ra cho mình một bài học về tác phong chỉ huy là phải thật tỉ mỉ, cụ thể, bất kể việc to hay nhỏ, từ việc giáo dục và huấn luyện cho đến chiến đấu, nhất là chiến đấu. Tôi sẽ nói thêm ở phần sau: Phải "ý tới, chân đi tới, mắt nhìn tới", phải "miệng nói tay làm”.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM