Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:11:18 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36575 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:43:31 pm »


        Ngày 8 tháng 10, gió mùa đông bắc tràn về. Trời u ám, mưa lất phất. Về chiều mưa càng nặng hạt. Phố xá cừa đóng im lìm. Tại thành phố Hà Nội, quân Pháp làm lễ cuốn cờ. Cũng kèn đồng rúc inh ỏi, cũng những đội lê dương xếp hành dọc thẳng tắp. Lá cờ ba sắc của đế quốc Pháp từ từ tuột xuống. Tướng Mát- xông, tư lệnh các đơn vị triệt thoái đứng dưới chân cột cờ sơn trắng, buồn rầ giơ hai tay đỡ lấy lá cờ, gấp lại làm tư rồi trịnh trọng giao cho viên quan năm Đắc- giăng- xơ, viên sĩ quan kỳ cự chuyên coi đám lính gác thành này từ ngày quân Pháp khởi hấn ở Thủ đô. Ngay tối ngày 8 tháng 10, quân Pháp đã chuyển các bộ phận nặng như pháo binh, xe tăng sang bên Gia Lâm, chỉ còn để lại trong Hà Nội hai tiểu đoàn bộ binh và một số xe thiết giáp, xe vận tải.

        Hà Nội náo nức mong chờ đoàn quân chiến thắng trở về.

        Không khí ngày hội khải hoàn bắt đầu đổ về vùng ngoại thành, bên ngoài các cửa ô.

        Bộ đội tấp nập kéo về, người, xe xếp thành đội ngũ chỉnh tề, dọc các đường cái lớn đi vào Thủ đô.

        Trong các làng, các thôn xã thuộc huyện Từ Liêm, Thanh Trì nhà nào nhà ấy sáng đen, đỏ lửa, quân dân hội họp ca hát, trò chuyện thâu đêm.

        Ngày 9 tháng 10 năm 1954, tại sở chỉ huy đại đoàn đặt ở bên đường Hà Đông- Hà Nội, chúng tôi vui sướng, hồi hộp theo dõi từng bước đi của ba cánh quân tiến về Hà Nội theo kế hoạch đã được Bộ Tổng tư lệnh chuẩn y. Mỗi cánh quân là một tiểu đoàn:

        Cánh thứ nhất, qua ô Cầu Giấy vào vườn hoa Cửa Nam rồi quành sang trái vào tiếp nhận Thành Hà Nội, nhà máy điện, nhà máy nước, phủ toàn quyền.

        Cánh thứ hai, theo đường số 6 qua Cầu Mới vào đến Ngã Tư Sở rẽ phải vào tiếp quản sân bay Bạch Mai, bệnh viện Bạch Mai, khu ga Hà Nội.

        Cánh thứ ba, tiếp nhận các công sở từ khu vực Việt Nam học xá, Đồn Thuỷ, khu hồ Hoàn Kiếm.

        Đúng 16 giờ 30 phút, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên cùng với viên đại tá Đắc- giăng- xơ sang Gia Lâm thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo, như một vườn hoa gặp tiết xuân nở rộ. Băng vải các màu căng ngang đường với những khẩu hiệu cắt theo các kiểu chữ cầu kỳ: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về!”, “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà muôn năm!”, v.v… Cổng chào mọc lên san sát suốt dọc các phố lớn, phố nhỏ, lối vào một ngõ ngang khuất nẻo cũng có cổng chào, dăng đèn kết hoa.

        Vẫn biết Hà Nội hướng về kháng chiến, vẫn biết Hà Nội ngày đem mong đoàn quân chiến thắng trở về, vẫn biết trong những ngày Hà Nội đang may cờ, sắm hoa đón ngày chiến thắng, nhưng những cái biết trước đó dẫu cho có mạnh đến đâu cũng không bằng sự thật sinh động đang diễn ra trước mắt đoàn quân trở về. Mới trước đó ít phút, Hà Nội còn là thành phố vắng tanh với những lo âu, mặc cảm, cửa từng nhà đóng kín, thì sau đó ít phút, cả Hà Nội bừng dậy, hồi sinh, sôi động, náo nhiệt.

        Đêm hôm đó Hà Nội nghiêm chỉnh chấp hành lệnh giới nghiêm của Uỷ ban Quân chính thành phố. Nhưng cũng là một đêm giới nghiêm đặc biệt, ra ngoài khuôn khổ của từ này. Đường phố sáng rực những dây đèn kết hoa, cờ bay phấp phới, nhân dân không ai ra khỏi nhà, nhưng nhà cũng mở cửa đến khuya, nhiều nhà chong đèn đến sáng, mỗi lần có đội tuần tra đi qua, các cánh cửa sổ lai mở hé, bà con trìu mến nhìn bộ đội ta hiền lành giản dị, dễ thương. Đã hơn ba nghìn đêm, kể từ tháng 9 năm 1945 quân Tưởng vào, rồi tháng 3 năm 1946 quân Pháp đến, cho đến bây giờ, Hà Nội mới có một đêm sạch bóng quân xâm lược, nên ai cũng muốn thức thật khuya để hưởng không khí thanh bình, êm ả của đêm giải phóng, ai cũng mong có một đêm nay để làm kỷ niệm trong đời mình đã từng sống ở Thủ đô.

        Ngày 10 tháng 10 năm 1954- một ngày lịch sử.

        5 giờ sáng hết giờ giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có cái không khí thiêng liêng của ngày Tết, vừa có cái tưng bừng rạo rực của ngày hội lớn- Hội chiến thắng- Thủ đô hoàn toàn giải phóng. Nhân dân quần áo chỉnh tề, cờ hoa rực rỡ từng đoàn, từng đoàn đứng đông nghịt trên các hè phố, các con đường được báo trước là có bộ đội sẽ đi qua…

        Sáng nay sở chỉ huy đại đoàn di chuyển vào sân bay Bạch Mai cùng với các đơn vị bộ binh cơ giới, pháo binh, pháo cao xạ. Phía tây, trung đoàn Thủ đô tập trung ở trại Quần Ngựa. Phía đông trung đoàn 36 và trung đoàn 88 tập trung ở Việt Nam học xá.

        Đại đoàn tiến vào Hà Nội theo ba hướng, tất cả gặp nhau ở Hồ Gươm. Dẫn đầu là trung đoàn Thủ đô, tiếp theo là trung đoàn 36, trung đoàn 88.

        Hôm qua Hà Nội rợp bóng cờ. Hôm nay Hà Nội là rừng cờ và hoa. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng khó nén nỗi xúc động, mắt nhoà lệ vì niềm vui gặp mặt, niềm vui về lại Thủ đô. Nhất là các cán bộ, chiến sĩ năm xưa đã chiến đấu trên mảnh đất này khi được lệnh ra đi đã hứa với Hà Nội “sẽ trở về”, lời hứa đó hôm nay đã thành sự thật “ra đi hẹn một ngày về, Ba Đình còn đó, Người thề còn đây”. Từng đoàn thiếu nữ ôm hoa đổ ra đường tặng bộ đội, cài lên súng, tung lên xe.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:31:27 am »


        Những tốp thiếu nhi tay vốc từng nắm hao giấy tung lên như thả những đàn bướm muôn mày nhỏ li ti bay sà vào những chiếc xe trận đang từ từ lăn bánh đi qua. Nhân dân hò reo phất cờ, vẫy hoa. Bộ đội đi giữa rừng cờ, rừng hao, rừng người tươi như hoa…

        Từ Hồ Gươm, đoàn quân chiến thắng tiến qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Đồng Xuân lên Cửa Bắc, vào thành Hà Nội, tập trung tại sân vận động Cột Cờ Hà Nội. Cả Hà Nội dồn về Cột Cờ chờ đón giây phút lịch sử. Đã 70 năm kể từ ngày Hà thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết, cột cờ do nhà Nguyễn xây dựng nên phải đeo cờ Tây, cờ Nhật, cờ Tàu Tưởng rồi lại cờ Tây, giờ đây mới được mang cờ Tổ quốc. Tối qua, bộ đội công binh của đại đoàn đã lắp lên đó một ống thép nặng hai tạ, cao 12 mét, cao vút, nâng lá cờ Tổ quốc sừng sững hiên ngang.

        15 giờ, còi nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều theo sự điều khiển của đồng chí Đinh Ngọc Liên, người nhạc trưởng già rất quen thuộc với nhân dân Hà Nội.

        Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng- cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội.

        Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi được vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô:

        “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

        Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui khôn xiết kể!”.


        Lời Bác thân mật thiết tha. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm… Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô.

        Tôi nén xúc động, đọc tiếp thư Bác. Người dặn dò nhân dân Thủ đô hãy “đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt mục đích chung: làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

        Thư Bác đọc vừa chấm dứt thì tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” lại đồng thanh vang động trong sân vận động, qua loa truyền thanh lan qua các đường phố, mang lại trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới, thanh thản, tươi vui, tin tưởng, ấm áp tình người để ngày mai bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô to đẹp, xứng đáng là vị trí trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước.

        Những ngày này với cương vị Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố, hàng ngày tôi được tiếp nhiều đoàn khách trong nước và ngoài nước, phải cùng với các ngành, các giới giải quyết công việc sản xuất và đời sống của Thủ đô. Qua các cuộc tiếp xúc và bàn bạc công việc đó, đại diện các cơ quan, đoàn thể luôn luôn tỏ lời khen bộ đội ta vào Thủ đô đã nghiêm chỉnh chấp hành mọi chính sách của Đảng và Chính phủ. Toàn bộ tài sản của Nhà nước đã được cán bộ, chiến sĩ quý trọng và giữ gìn chu đáo, khi bộ đội bàn giao lại các công sở cho các cơ quan Nhà nước không thiếu một vật nhỏ, thậm chí cái bàn, cái ghế trong đó lúc vào đặt ở đâu, lúc ra vẫn ở nguyên đó.

        Một ngày cuối tháng 12 năm 1954, các đại biểu của nhân dân Thủ đô được mời đến Bắc Bộ phủ gặp Bác Hồ. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày Hà Nội giải phóng, Bác ra mắt nhân dân. Tôi được vinh dự đi cùng với Bác đến Bắc Bộ phủ. Hôm ấy Bác vui, thân mật hỏi han công việc làm ăn của nhân dân, thăm hỏi sức khỏe của các cụ già, âu yếm các cháu thiếu nhi. Buổi gặp mặt tràn đầy không khí chan hoà, ấm cúng chuyện trò cởi mở.

        Trong cuộc họp mặt này, tôi được Bác giới thiệu với các đại biểu: Đồng chí Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Hà Nội, cũng là con em của nhân dân Hà Nội ta đấy. Tôi đứng nghiêm đáp lại lời giới thiệu thân mật ấy của Bác trước các đại biểu. Nhưng phải đứng nghiêm hơi lâu vì các cháu thiếu nhi rất hồn nhiên và cũng hơi có tính địa phương chủ nghĩa, đã có tình kéo dài một dịp hoan hô “anh bộ đội Thủ đô”.

        Buổi họp trật tự trở lại, Bác vui vẻ nói tiếp: Bộ đội ta đánh nhau nhiều trận, gối đất nằm sương, gian khổ nhiều, đi đâu cũng được đồng bào quý mến. Tôi nghe nói đồng bào Thủ đô rất hoan nghênh bộ đội, tôi rất vui lòng. Cả căn phòng lớn của Bắc Bộ phủ lại vang lên tràng pháo vỗ tay thật dài. Tôi đứng dậy đáp lại lời biểu dương của Bác và lòng yêu mến của các đại biểu, bỗng nhiên tôi nhớ lại hồi tổng kết chiến dịch Tây Bắc thu đông năm 1952, bộ đội thắng rất to, được Bác Hồ khen là “Bác bằng lòng các chú”, lần này Bác khen cao hơn, Bác “rất vui lòng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:33:32 am »


        Hạnh phúc nào bằng khi được đứng trước nhiệm vụ khó khăn ta không nản chí, không kêu ca, không đặt điều kiện, trái lại, xác định quyết tâm làm và tìm mọi biện pháp khắc phục để làm tốt.

        Vinh quang nào bằng, dù làm bất cứ công việc gì, chiến đấu hay công tác, nhiệm vụ nhỏ hay nhiệm vụ lớn, đều lập được thành tích xuất sắc, được lãnh tụ biểu dương, được nhân dân thừa nhận.

        Được như vậy là do Đảng vĩ đại, Bác Hồ kính yêu dìu dắt, được nhân dân đùm bọc, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đại đoàn đoàn kết nhất trí, không ngừng trau dồi bản lĩnh, truyền thống, bản chất quân đội cách mạng.

        Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn thông báo kịp thời lời biểu dương của Bác Hồ xuống các đơn vị và phát động thi đua thực hiện tốt lời căn dặn của Người: “Chớ vì có thành tích mà chủ quan. Phải luôn luôn cảnh giác, và giữ kỷ luật chặt chẽ. Phải luôn luôn thi đua học tập và công tác, mở rộng tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi, để làm cho bộ đội ta càng thêm hùng mạnh, chính quyền ta càng thêm vững chắc”.

        Đầu năm 1955, nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành, đại đoàn 308 được rút ra ngoại thành đóng tập trung để tiến hành huấn luyện theo chương trình mới. Tôi được Bộ quyết định rời đại đoàn, đi nhận nhiệm vụ tư lệnh Quân khu III. Các cuộc chia tay đều bịn rịn cả, nhưng chia tay giữa những con người từng chia ngọt sẻ bùi, sống chết, buồn vui có nhau mới bịn rịn làm sao, không buồn nhưng nhớ, nhớ những người đang còn, nhớ những người đã khuất, nhớ những ngày đêm cùng nhau tập luyện dầm mưa dãi nắng, nhớ những nơi đóng trại trong rừng già Thái Nguyên, bên đồi chè Phú Thọ; nhớ những chiến trường mà đại đoàn đã đi qua…

        Nhìn các cán bộ đại đoàn có măt trong buổi liên hoan chia tay hôm nay, hầu hết đang tuổi thanh xuân, khuôn mặt rạng rỡ niềm lạc quan, tin tưởng, bỗng tôi nhớ về cái tuổi ấy của tôi- tuổi của một thanh niên cố nông phải lìa bỏ quê hương đi kiếm sống, vào làm công nhân xe lửa Lao Cai- Vân Nam. Hết bị áp bức bóc lột của bọn địa chủ, phong kiến lại chuyển sang ách áp bức bóc lột cảu bọn thực dân, đế quốc. Giữa lúc sống trong cảnh đen tối đó, tôi được Đảng giác ngộ, chỉ cho con đường đi tới lý tưởng hết đói nghèo, hết áp lực và bất công. Được Đảng khuyến khích và tạo điều kiện, tôi say mêm tìm thầy học võ thuật, và tìm mọi cách qua bọn cai đội của quân đội đế quốc mà học; học sử dụng các loại vũ khí với lòng mong ước được xung vào đội vũ trang của Đảng để đánh đổ kẻ thù của dân tộc và giai cấp. Nhớ những ngày ở trong lao tù đế quốc, thực hiện khẩu hiệu “biến nhà tù đế quốc thành trường học!”, những đảng viên Cộng sản chúng tôi lại càng ra sức học tập, học lý luận, học văn hóa; dạy nhau những tri thức quân sự, cùnh nhau bàn luận về chiến thuật, về thế trận một cách say mê. Lại nhớ đến một hôm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tôi lái xe ô tô đưa đồng chí Văn Tiến Dũng từ Chi Nê về Xuân Mai, dọc đường vắng vẻ, vì mải mê nhìn địa thế xung quanh có nhiều giá trị về mặt quân sự mà lao xe xuống ruộng, xe bị lật người không việc gì. Nhưng từ đó, theo lệch của đồng chí Dũng, tôi không được phép lái xe nữa.

        Đảng đã giáo dục, dìu dắt tôi trở thành người thanh niên có lý tưởng, thành người đảng viên cộng sản, thành một chiến sĩ cách mạng và thành một cán bộ quân sự của Đảng; đồng chí, đồng đội lại tiếp thêm sức cho tôi, giúp đỡ tôi trưởng thành và tiến bộ, tạo cho tôi được góp phần cùng các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao cho.

        Và còn biết bao nhiêu kỷ niệm nữa dồn dập hiện về trong tâm trí tôi, những kỷ niệm đã gắn bó tôi với quân đội và riêng với đại đoàn Quân Tiên Phong nơi tôi được thử thách, tôi luyện lâu nhất…

        Trong buổi liên hoan chia tay không có rượu nồng mà rất “say”- say về tình cảm đồng chí, đồng đội, chan hoà, gắn bó keo sơn đã, đang và sẽ giúp tôi tiến bộ, trưởng thành. Nghèo về vật chất mà giàu về tinh thần, có nhạc, có thơ, toàn là “nhạc và thơi Quân Tiên Phong”, khiến nỗi nhớ trong tôi càng da diết, cứ như người sắp phải rời mái ấm đi xa.

        Anh em hứa hẹn ở lại tiếp tục xây dựng đại đoàn 308, phát huy truyền thống Quân Tiên Phong.

        Còn tôi, đã trưởng thành với Quân Tiên Phong, hôm nay ra đi nhận nhiệm vụ mới, thật vô cùng xúc động; tôi không khỏi không nhớ đến chặng đường xây dựng và chiến đấu của đại đoàn. Sáu năm- một chặng đường dài, từ buổi ban đầu tập hợp lực lượng xây dựng đại đoàn trên đất Thái Nguyên cho đến Ngày về trong chiến thắng, đại đoàn 308 luôn luôn giữ vững danh hiệu Quân Tiên Phong:

                              “Hễ đánh là thắng;
                              Hễ đánh là tiêu diệt sinh lực địch
                              Ngày càng lớn mạnh;
                              Quyết định chiến trường”.


        Điều đó có nhiều nguyên nhân. Trước hết do có đường lối chỉ đạo chiến tranh đúng đắn và sáng tạo của Đảng soi đường; do thế trận chiến tranh nhân dân phát triển mạnh mẽ và rộng khắp vừa là nguồn vô tận bổ sung lực lượng cho đại đoàn, vừa cài, kéo, căng, vây quân địch, tạo điều kiện, tạo thời cơ, tạo thế trận cho đại đoàn 308 ra quân là giành thắng lợi giòn giã.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:34:57 am »


        Những thuận lợi cơ bản ấy sở dĩ phát huy được tác dụng còn phải do sự nỗ lực chủ quan về mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn, mà điều nổi bật của sự nỗ lực đó được biểu hiện ở ý thức chấp hành mệnh lệnh. Mệnh lệnh ban ra trên dưới chấp hành, răm rắp. Bảo đứng là đứng lặng như tờ, bảo đi là chuyển động thần tốc, bảo đánh thì kiên quyết đánh, gian nan không quản ngại, khó khăn mấy cũng tìm ra cách đánh, hy sinh không sờn lòng, đã đánh là phải thắng. Chính cái tinh thần chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện ấy đã tạo ra sự thống nhất, tạo ra sức mạnh, nhờ đó, mà Bộ chỉ huy đại đoàn dám quyết đoán trong chỉ huy, nhiều sáng kiến nảy nở trong tổ chức thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao, được cấp trên tin cậy, được nhân dân yêu mến và khiến kẻ thù phải khiếp sợ, luôn luôn hỏi nhau:

        “308 ở đâu?”;

        “Dò xem 308 đi hướng nào?”;

        “Có phải 308 đã nổ súng ở đấy rồi không?”, v.v…

        Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi một câu hỏi đột ngột mà thân mật:

        - Đại đoàn trưởng hãy nói với chúng tôi đi, trong qua trình sống với Quân Tiên Phong, điều gì sâu sắc nhất trong anh?

        - Điều sâu sắc nhât trong những điều sâu sắc là những buổi tôi cùng với đại đoàn được vinh dự đón Bác Hồ đến thăm, được nghe Bác Hồ ân cần thăm hỏi và chỉ giáo.

        Tiếng vỗ tay hoan hô râm ran, không khí buổi liên hoan bỗng sôi nổi hẳn lên, bởi tất cả chúng tôi ai cũng có những kỷ niệm về Bác, toàn đại đoàn đã có chung một kỷ niệm sâu sắc về Bác. Bác đã cùng đại đoàn hành quân đi chiến dịch Biên Giới, Bác đã gửi thư động viên đại đoàn sau khi tiêu diệt hai binh đoàn Le Page và Charton, Bác đã đến thăm đại đoàn sau chiến dịch Biên Giới toàn thắng; Bác đã đến chỉ giáo về bài học ”Quyết Tâm” trước khi đại đoàn lên đường tham gia chiến dịch Tây Bắc, Bác đã đến thăm và ngủ lại một đêm với đại đoàn sau chiến dịch Tây Bắc thắng lợi. Mỗi bước đi của đại đoàn đều có Bác dõi theo, mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công lập được của đại đoàn đều có công lao của Bác.

        Quên sao được hình ảnh Cha già dân tộc đến vơi đại đoàn ở Đất Tổ, lời dạy hôm đó của Bác mãi mãi ăn sâu trong tâm khảm tôi: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Ngày về thắng lợi và thắng lợi trên đường về lại vẫn có Bác đi cùng chỉ lối.

        Không khí buổi liên hoan càng đậm đà tình cảm đồng chí.

        Một đồng chí khác hỏi tôi, nó đúng hơn đây là những điều đồng chí đó muốn tâm sự, trao đổi:

        - Trong cuộc đời của người chỉ huy, anh có kinh nghiệm gì sâu sắc nhất?

        - Quân lệnh như sơn- tôi trả lời ngay.

        Quân lệnh như sơn, đúng là bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất trong tôi, cái sâu sắc bị dồn nén từ lâu lúc nào cũng có thể nói được, nói với những dẫn chúng rất cụ thể của chính công việc mà đại đoàn đã thực hiện tốt trong các chiến dịch, các đợt hoạt động, các trận chiến đấu được trên giao.

        Như thường lệ, các buổi liên hoan của đại đoàn đều kết thúc bằng bài hát Quân Tiên Phong: “Từ Thur đô súng thét toàn quốc vùng lên, đoàn người xa phố phường lên núi rừng. Sông Lô chiến công đầu, Bình Ca phơi xác thù…”.

        Nhưng hôm nay, những người dự liên hoan hát đi hát lại nhiều lần, miệng hát, tay vỗ nhịp, người nghiêng ngả theo làn điệu. Chưa bao giờ chúng tôi xúc động với bài hát truyền thống ấy đến như vậy. Bởi lẽ trong lòng mỗi người đang rạo rực một niềm vui, đã hoàn thành nhiệm vụ của một chặng đường cách mạng, ai nấy đã thực sự trưởng thành trong chiến đấu, đều tự hào là một thành viên của Quân Tiên Phong, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, có những truyền thống quý báu- truyền thống Quân Tiên Phong:

        Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành khó khăn mấy cũng vượt qua;

        Đi đầu mọi mặt, xung phong nhận nhiệm vụ khó, coi đó là vinh dự;

        Hành quân thần tốc, tiến công dũng cảm, chiến đấu linh hoạt, diệt địch đến cùng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:36:29 am »

       
PHẦN BA

NHỮNG ĐIỀU ĐỂ LẠI

YÊU ĐỘC LẬP, TỰ DO, CĂM THÙ ĐỊCH, QUYẾT TÂM CÁCH MẠNG CAO

        Điểm xuất phát của tính gan góc, trí sáng tạo và sự quyết đoán của người chỉ huy là ở chỗ phải biết tự mình khơi sâu mối uất ức hờn căm đối với kẻ thù ngay trong lòng mình và trong lòng tất cả các chiến sĩ của đơn vị mình xây dựng tinh thần têu dân tộc, yêu giai cấp, trau dồi ý chí, quyết tâm cách mạng. Ngày suy nghĩ, đêm suy nghi, xem kẻ thù còn tội ác gì nữa đối với bản thân mình, gia đình họ hàng mình, đối với dân tộc, giai cấp mình -  giai cấp cùng khổ nhất trong xã hội. Càng khơi hận thù sâu sắc bao nhiêu thì uất ức hờn căm càng chồng chất bấy nhiêu, càng tràn đầy sôi sục bấy nhiêu. Ngày quên ăn đêm quên ngủ, quyết tìm trăm phương ngàn kế giết giặc rửa hờn. Chính lúc đó "tài ba” của người chỉ huy sẽ được rèn luyện hun đúc. Đối với tôi điều này rất rõ. Hồi tôi còn bé, mới chín, mười tuổi đầu, đi chơi đánh nhau với trẻ con ở nước Trung Hoa thời phong kiến, chúng chửi tôi là "vong quốc nô”. Lúc đầu tôi chưa hiểu gì, dần dần về sau tôi hỏi cụ Thắng -  bạn của bố tôi. Cụ cho biết họ chửi chúng ta là dân mất nước đấy. Nghe cụ giải thích, kể chuyện bọn xâm lược đã xâm chiếm đất nước ta như thế nào, đã tàn sát cướp bóc nhân dân ta ra sao, trái tim tôi cứ như bị đập mạnh, tôi nghẹn ngào tức thở. Từ đấy, nghĩ đến hai chữ "mất nước", tôi lại thấy tủi nhục, căm hờn vô cùng. Lớn lên tôi đi hoạt động cách mạng.

        Năm 1943- 1944, khi tôi còn bị giam cầm trong nhà tù đế quốc ở "căng" Bá Vân và Nghĩa Lộ, chi bộ cử tôi phịu trách nhiệm huấn luyện kỹ thuật chiến thuật quân sự cho các đồng chí của ta ở trong tù để chuẩn bị khởi nghĩa phá ngục. Bọn đế quốc ra sức cấm đoán, theo dõi, nhưng không ngăn cản nổi quyết tâm của chúng tôi. Những ngày ở trong tù, mỗi khi nhìn thấy bọn Tây đồn trưởng bọn cai ngục... thì những hình ảnh đã in sâu vào trí óc tôi từ thuở nhỏ lại hiện lên giày vò day dứt. Những cảnh vì sưu cao thuế nặng mà phải bán vợ đợ con; vì túng thiếu nợ nần không trả được mà bị bọn cường hào, lý trưởng sai tuần dỡ mất nhà; cảnh ba mươi Tết có nhà bị vác mất cả đồ thờ, dỡ mất cả nồi bánh chưng đang luộc dở; cảnh người lớn trẻ em bị quân xâm lược tàn sát dã man... Khi mới bốn, năm tuổi, tôi đã phải theo ông tôi đi lang thang nay ở nhà này, mai ở nhà khác, có khi ba, bốn ngày liền không có được một hạt cơm, thìa cháo, phải nằm ép bụng xuống ổ rơm. Khi có vợ có con, tôi lại phải xa nhà, và được tin gia đình tôi lâm vào cảnh hết sức túng thiếu, đói khổ. Nhà bị dỡ mất vì không có tiền trả nợ. Những cảnh đau thương ấy cứ hiện ra mãi trước mắt tôi.

        Từ những nỗi cực nhục nghèo khổ của bản thân, của gia đình, khi tham gia hoạt động cách mạng, được Đảng giáo dục, tôi thấy được cả nỗi cực khổ của giai cấp, của dân tộc. Từ căm thù cá nhân, căm thù một nhóm cường hào lý dịch, tới căm thù cả giai cấp bóc lột thống trị và bọn thực dân đế quốc xâm lược. Những mối hận thù sâu sắc ấy là một trong những động lực chủ yếu đã giúp tôi vượt mọi khó khăn, hướng dẫn các đồng chí của mình luyện tập quân sự trong nhà tù đế quốc. Đi lấy củi cũng luyện tập, đi làm cỏ vê, tưới rau cũng tìm cách luyện tập, nửa đêm tỉnh dậy cũng luyện tập. Sau khi đấu tranh tuyệt thực ai nấy đều đói lả nhưng cũng bắt tay vào luyện tập ngay. Mọi lúc mọi nơi, khi nào có thể tranh thủ được là luyện tập. Miễn làm sao trau dồi được cho bản thân và các đồng chí của mình một bản lĩnh chiến đấu vừng vàng để có thời cơ sẽ vùng lên quật ngã kẻ thù. Đầu năm 1945, khi ban lãnh đạo nhà tù Nghĩa Lộ tổ chức khởi nghĩa phá ngục, sức mạnh của hận thù, sức mạnh của bản lĩnh đã giúp tôi xông lên quật đổ một thằng Tây to lớn gấp rưỡi mình. Mười ngón tay của tôi rắn chắc như những chiếc đinh lớn cắm chặt vào cổ nó. Nó nằm vật ra giãy giụa. Các đồng chí của tôi cũng nhảy xổ vào vật lộn với bọn quỷ dữ khát máu -  tay không quật ngã bọn giặc có vũ khí. Chúng tôi băng mình vượt qua những hàng rào cao vút của nhà tù, chịu đựng biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ trong rừng sâu, tìm đường trở về với Đảng.

        Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nghĩa Lộ được giải phóng, nhưng một thời gian sau lại bị giặc Pháp chiếm đóng. Năm 1952, tôi được thay mặt cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308, gặp Đại tướng Tổng tư lệnh nhận nhiệm vụ: “Toàn đại đoàn thọc sâu vào trong lòng địch, tiêu diệt đồn Pú Chạng, Nghĩa Lộ..., cùng các đơn vị bạn giải phóng Tây Bắc”. Mối hận Nghĩa Lộ đã khắc sâu trong tim tôi, trong các chiến sĩ cách mạng và nhân dân Tây Bắc. Nay tôi được cùng các chiến sĩ trở về trả thù, rửa hận. Nghĩa Lộ trước kia thính là nơi bọn thực dân Pháp giam giừ các chiến sĩ cách mạng, trong đó có tôi. Pú Chạng là một ngọn đồi cao cây cối rậm rạp nơi tôi và đồng chí Nho -  tức là đồng chí Lương Nhân -  gặp nhau sau khi vượt ngục. Người bị áp bức nhất định sẽ vùng lên kẻ đi áp bức bóc lót thống trì nhất định sẽ bị người bị áp bức quật đổ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 19 Tháng Mười, 2016, 02:37:52 am »


        Tôi hăm hở và vui mừng sau khi nhận nhiệm vụ. Sự việc cụ thể của lần tiến quân vào Tây Bắc, tôi xin nói ở một đoạn sau.

QUÂN LỆNH NHƯ SƠN

        Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng. Quân sự dân chủ là một yêu cầu và nội dung trong sinh hoạt và chiến đấu của quân đội ta. Cán bộ và chiến sĩ, mọi người đều bình đẳng về chính trị, mọi người đều có trách nhiệm đóng góp sự hiểu biết của mình để giải quyết công việc chung. Nhưng sau khi thống nhất ý kiến thì đó trở thành nghị quyết của tổ chức của đơn vị hoặc biến thành mệnh lệnh của người chỉ huy. Như vậy, mệnh lệnh đó đã tổng hợp ý: kiến của tập thể qua hoạt động thực tiễn phù hợp ý chí, đường lối và nhiệm vụ quân sự của Đảng. Người cán bộ thay mặt cho đơn vị ra mệnh lệnh chung. Ý chí thống nhất thì hành động phải thống nhất, muốn có hành động thống nhất thì phải có mệnh lệnh.

        Vì vậy mệnh lệnh là một trong những vấn đề rất quan trọng của người chỉ huy. Mệnh lệnh phải chính xác, rõ ràng và ngắn gọn chấp hành lệnh phải nghiêm túc, đầy đủ và sáng tạo. Khi một mệnh lệnh đã phát ra thì trăm ngàn người như một, nhất nhất chấp hành một cách phấn khởi và tự giác. Khi có lệnh nghiêm, dù có sấm sét dông tố trên đầu, đội ngũ vẫn chỉnh tề, nghiêm chỉnh, vững vàng như Thái Sơn: khi có lệnh tiến, dù có sông ngăn núi cách, mọi người vẫn kiên quyết, dũng mãnh vượt qua và lao lên.

        Rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh là việc phải làm thường xuyên trong quá trình xây dựng huấn luyện bộ đội. Qua thực tế công tác và chiến đấu, tôi thấy một kinh nghiệm rất quan trọng là muốn rèn luyện cho chiến sĩ và cấp dưới nghiêm chinh chấp hành mệnh lệnh thì ngay bản thân mình -  người chỉ huy -  phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp trên, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên hết sức nghiêm cách và sáng tạo tuyệt đối không vin lý do khách quan để trù trừ do dự, thoái thác, hoặc chấp hành nhưng không phấn khởi, không tự giác không thực hiện đến nơi đến chốn.

        Bản thân người chỉ huy phải nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của cấp trên là rất quan trọng. Vì cấp dưới sẽ noi gương đó mà bắt chước. Dưới đây tôi xin kể lại một câu chuyện chấp hành một mệnh lệnh tác chiến trong chiến dịch Đông Xuân năm 1953- 1954.

        Ngày .... đồng chí Đại tướng trực tiếp gọi điện thoại ra lệnh cho tôi, đại ý: “Đại đoàn cấp tốc chuyển sang nhận nhiệm vụ chiến đấu ở..., cho đồng chí đại đoàn phó lên trên này nhận nhiệm vụ cụ thể".

        Xong đồng chí hỏi tôi:

        -  Hiểu rõ ý định chưa?

        Tôi trả lời:

        -  Rõ

        Lúc đó tôi nghĩ cấp trên ra lệnh cho đại đoàn tôi đánh địch ở... là có ý định ta luôn luôn giữ thế chủ động về chiến lược, buộc địch phải phân tán lực lượng, cắt đứt sự liên hệ giữa A và C, cô lập quán địch cao độ ở chiến trường A để tạo điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đó. Đối với tôi có một kinh nghiệm bản thân là mỗi khi nhận được lệnh của cấp trên điều trước tiên là tin tưởng ở trên và suy nghĩ tìm mọi biện pháp thực hiện thật tốt. Vì trên đã ra lệnh là đã có cân nhắc kỹ rồi.

        Chính do sự nhất trí đó về mặt tư tưởng nên tôi thấy phấn khởi và càng tăng thêm niềm tin vào sự chỉ đạo của cấp trên.

        Đồng chí Đại tướng còn nói thêm:

        -  Về lương thực đã chuẩn bị được một số, cán bộ địa phương sẽ giúp đỡ thêm.

        Đồng chí nói cụ thể về số lượng và địa điểm. Đại thể cũng phải hành quân bốn, năm ngày mới tới chỗ có gạo ăn, đó là khó khăn lớn nhất của đại đoàn.

        Sau khi nhận lệnh, tôi cấp tốc triệu tập hội nghị đảng ủy đại đoàn ngay tại sở chỉ huy (hồi đó tôi phụ trách bí thư) để báo cáo nhiệm vụ mới và bàn cách chấp hành. Mọi người đều nhất trí nhận định: Đó là ý định tác chiến rất sáng suất, một đòn hiểm, một đòn bất ngờ đánh vào chỗ sơ hở của địch. Nhưng làm được nhiệm vụ ấy, ngoài những thuận lợi cơ bản ra thì đại đoàn phải vượt nhiều khó khăn. Đặc biệt mấy khó khăn lớn là:

        -  Chuyển biến tư tưởng như thế nào, trong khi đơn vị đang tập trung hướng vào nhiệm vụ chuẩn bị đánh địch ở một nơi, nay đi làm nhiệm vụ ở nơi khác, lại hết sức gấp rút.

        -  Toàn đại đoàn, trung bình mỗi người chỉ còn bốn lạng gạo, phải cấp tốc hành quân tới một chiến trường rừng núi xa xôi, dân cư thưa thớt. Trên đường đi, lấy gạo đâu cho đủ hàng vạn người ăn.

        -  Tình hình địch và địa hình chưa hiểu ra sao, đường sá chưa ai biết.

        Ngoài ra còn một số khó khàn khác, như vấn đề giải quyết thương binh, vấn đề thông tin liên lạc và chỉ huy, v.v...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 01:52:40 am »


        Đảng ủy còn phân tích kỹ về tình hình nhân dân, địa hình và địch. Cuối cùng đảng ủy quyết nghị: "phải lãnh đạo toàn đại đoàn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của trên. Cứ đi đã đi thật nhanh, nếu lề mề chậm chạp, địch phát hiện được ý định của ta thì mất thời cơ. Công tác động viên, giải thích vừa đi vừa làm. Vấn đề gạo ăn vừa đi vừa khắc phục...".

        Thế là chỉ hơn ba giờ đồng hồ sau khi nhận lệnh, toàn bộ đại đoàn đã xuất phát. Mặc dầu cán bộ, chiến sĩ chưa hiểu đầy đủ ý định của cấp trên nhưng đã chấp hành mệnh lệnh một cách vô cùng kiên quyết và tuyệt đối tin tưởng.

        Trên đường hành quân, cán đơn vị vừa đi vừa phổ biến nhiệm vụ, giải thích động viên bộ đội. Cán bộ, chiến sĩ đều hiểu rằng phải cơ động linh hoạt tới nơi thực tế địch thế nào, địa hình thế nào, ta đánh thế ấy. Vừa đi vừa kiểm tra, vừa đi vừa tìm hiểu thêm tình hình. Chính do sự tin tưởng tuyệt đối ở cấp trên, toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đại đoàn -  trăm, vạn người như một -  tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, đồng lòng nhất trì vượt mọi khó khăn, ra đi rất hăng hái và phấn khởi đi liên tục ngày đêm với một tốc độ rất nhanh. Đến nay nghĩ lại, tôi thấy cuộc hành quân chớp nhoáng đó thật là một sự kiện lớn lao, biểu hiện khả năng cơ động phi thường của quân đội ta, tạo ra yếu tố bất ngờ rất lớn, làm cho bọn địch có ô tô, có máy bay mà vẫn trở tay không kịp.

        Giải quyết đủ lương thực ở nơi rừng núi xa xôi, nhân dân thưa thớt là một vấn đề rất khó khăn. Nhưng tin vào dân, biết dựa vào dân: các đơn vị đã tổ chức nhiều tốp đi trước cùng du kích địa phương vận động nhân dân giúp đỡ thóc lúa. Các bộ phận đó đã làm cối, làm chày xay giã ngay tại chỗ, lấy gạo chuyển cho bộ đội. Do tinh thần kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, nên cán bộ, chiến sĩ có hàng loạt biện pháp cụ thể để khắc phục khó khăn. Do đó, toàn đại đoàn đã có đủ gạo ăn trong gần một tuần hành quân cấp tốc và gần một tháng chiến đấu liên tục cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ, lui quân về vị trí tập kết vẫn còn thừa gạo.

        Về địa hình, đường sá không biết thì một mặt dựa vào các đồng chí quân báo của đại đoàn cử đi trước, mặt khác còn dựa vào dân, nhờ du kích địa phương dẫn đường. Vì vậy mà bảo đảm được cuộc hành quân nhanh chóng, không lạc đường và còn nắm được tình hình phía trước.

        Quán triệt ý định của cấp trên là phải hết sức giữ bí mật hướng tiến quân ngay từ khi xuất phát cho đến trước khi nổ súng dọc đường hành quân, đại đoàn không dùng phương tiện thông tin vô tuyến điện để chỉ huy và liên lạc. Khi truy kích, đại đoàn tổ chức theo kiểu "sâu đọ” bố trí từng chặng, một đài dừng lại làm việc, một đài đi. Tuy phương tiện ít nhưng giữ được liên lạc thông suốt liên tục.

        Để giải quyết thương binh, đại đoàn đã tổ chức nhiều trạm nhằm giải quyết kịp thời và vận chuyển từng bước. Suốt thời gian chiến đấu liên tục, ở nhiều hướng nhiều đơn vị hoạt động trên địa bàn rộng hàng trăm ki- lô- mét, núi rừng rậm rạp, xa lạ, nhưng đã vận chuyển thương binh về hậu phương đầy đủ.

        Quá tình hành quân, tác chiến, chúng tôi luôn luôn nhận được điện của Bộ chỉ đạo cụ thể, nhất là thông báo tình hình địch và ý định tác chiến của ta.

        … Khi địch rút chạy, đồng chí đại đoàn phó đi trước lập tức ra lệnh trung đoàn 1 truy kích. Tôi ra lệnh trung đoàn 2 tiến lên tiếp xúc cho các trung đoàn đi trước cùng truy kích địch.

        Quán triệt tinh thần tích cực tiêu diệt sinh lực địch, được lệnh của đại đoàn, bộ phận đồng chí tham mưu phó đại đoàn cùng quản báo của đại đoàn vượt lên trước chuẩn bị thuyền cho bộ đội và lệnh tiểu đoàn đi trước của trung đoàn 1 tranh thủ vượt sông ban ngày. Đồng thời bộ phận đồng chí tham mưu phó đại đoàn cùng anh em quân báo tìm đường tắt vượt lên trước địch để nắm tình hình và chặn địch. Sáng ngày .... bộ phận này với lực lượng hơn một tiểu đội đã nổ súng chặn hơn một tiểu đoàn địch đến gần tối. Trung đoàn 1 lập tức truy kích về phía có tiếng súng nổ. Đại đội 261 và 263 đuổi thẳng về phía O.K. Đại đội 259 rẽ về phía S.L., xuyên rừng vượt núi đón đầu quân địch. Ngay trưa hôm đó, quân địch đã bị công kích quyết liệt. Phía trung đoàn 3 cũng biểu hiện tinh thần chiến đấu tốt. Hồi 17 giờ ngày.... một tiểu đoàn của trung đoàn tới... gặp địch đang chuẩn bị rút lui. Quân ta lập tức công kích. Quân địch bị đánh bất ngờ không kịp đối phó. Trên đường truy kích tới..., tiểu đoàn này đã tiêu diệt trên 100 tên địch. bắt sống 82 tên. Trong chiến đấu, các chiến si của đại đoàn đã tỏ ra vô cùng tự tin và anh dũng, kiên quyết tiêu diệt sinh lực địch. Có một tổ 4 người đã ngăn chặn và đánh lui hai đợt xung phong của hai đại đội địch. Có đơn vị vừa hành quân, vừa chiến đấu đuổi giặc suốt 5 ngày đêm không nghỉ, chỉ ăn cháo và lương khô mà cũng không đủ, phải ăn thêm rau rừng, nõn chuối. Hai tiểu đoàn của trung đoàn 3 đã nhịn đói suốt hai ngày liền đuổi giặc. Những ngày 30, mồng một Tết Nguyên đán là những ngày bộ đội nhịn đói nhưng đánh giặc rất hăng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 01:54:04 am »


        Quân địch bị một đòn bất ngờ, choáng váng, gần 2 tiểu đoàn bị tiêu diệt gọn, kể cả số quân địch bị đánh tan là 17 đại đội. Quân ta bắt sống 281 lính Âu -  Phi, 223 ngụy. Trong số Âu Phi có 1 tên quan tư, 2 quan ba, 6 quan hai, 1 quan một. Ta thu được rất nhiều vũ khí, đạn dược, giải phóng trên một tuyến dài hơn 200 ki- lô- mét, rộng gần một vạn ki- lô- mét vuông.

        Tình hình chiến trường đối vời địch càng trở nên nguy ngập. Chúng vô cùng hoảng hốt và lúng túng, phải vội vã điều động hơn 10 tiểu đoàn cơ động từ các nơi về để cố thủ mấy nơi quan trọng còn lại.

        Quán triệt sâu sắc ý định của cấp trên -  một ý định tác chiến rất kiên quyết và linh hoạt -  đại đoàn đã tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh và kiên quyết tìm mọi biện pháp, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Sau gần một tuần cấp tốc hành quân, đại đoàn đã chiến đấu quyết liệt gần một tháng, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch và đã thu hút được lực lượng cơ động của chúng và giam phân chúng tại những nơi theo đúng ý định của ta, buộc địch phải phân tán quân cơ động ra nhiều hướng, đạt được mục đích cuộc tiến quân do Bộ giao cho, đánh cho quân địch thêm một đòn choáng váng, vượt ra ngoài sức tưởng tượng và sự tính toán của cơ quan tham mưu và bộ óc chỉ huy của các tướng lĩnh thực dân xâm lược Pháp.

        Đó là một sự kiện đánh dấu sự chỉ đạo tài tình của Bộ Tổng tư lệnh và một minh chứng cụ thể về sức mạnh của sự nhất trì giữa trên và dưới, về tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh một cách tự giác và sáng tạo dựa trên tin tưởng tuyệt đối vào sự chỉ đạo của cấp trên.

        Trên đây là một câu chuyện trong muôn ngàn câu chuyện về chấp hành mệnh lệnh của quân đội ta.

        Khi nhận lệnh, nếu điều kiện cho phép, còn điều gì không rõ cứ hỏi, còn điều gì phân vân cứ nói. Khi đã rõ, đã hiểu phải kiên quyết làm, tìm mọi cách làm cho bằng được, làm với tinh thần phấn khởi, tự giác và hết sức sáng tạo, thì mệnh lệnh của cấp trên mới phát huy đầy đủ sức mạnh. Căn cứ vào mệnh lệnh của cấp trên, cấp dưới phải ra nhưng mệnh lệnh cụ thể, tổ chức thực hiện cụ thể và bảo ban nhau cùng làm thi đua nhau làm cho tốt, gặp khó cùng vượt khó, gặp khổ cùng chịu khổ để đạt kết quả vượt bậc.

        Nhiệm vụ trong mệnh lệnh của cấp trên giao cho là những vấn đề khái quát, từ những tình hình cụ thể tổng hợp lại. Có khi trong mệnh lệnh không thể chỉ ra hết được những vấn đề cụ thể, những tình huống cụ thể nảy sinh ra trong quá trình thực hiện hoặc những điều kiện cụ thể mới xuất hiện trong quá trình hai bên ta và địch đều cố gắng... Cấp trên chỉ có thể cho mình một số điều kiện cơ bản. những nét lớn về tình hình, còn tất cả các điều kiện khác và những tình hình cụ thể thì người cán bộ chỉ huy phải tự mình tạo ra, tự mình phán đoán lấy, làm sao thực hiện cho bằng được mệnh lệnh của cấp trên. Tất nhiên cấp trên cũng phải cố hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi để cấp dưới có thể thi hành tốt mệnh lệnh của mình. Thực hiện đầy đủ, đúng với mệnh lệnh của cấp trên, đó mới chỉ là làm tròn trách nhiệm theo pháp lý. Người cán bộ quân đội cách mạng còn phải làm hơn thế nữa, phải thực hiện mệnh lệnh của cấp trên một cách tích cực triệt để và sáng tạo, lấy trách nhiệm chính trị mà kiểm tra việc chấp hành mệnh lệnh của mình, như thế mới có thể coi là có trách nhiệm chính trị cao. Người cán bộ chỉ huy cần có điều kiện để thực hiện chỉ huy chiến đấu thắng lợi nhưng tuyệt đôi không được đòi hỏi cấp trên phải cho mình đầy đủ mọi điều kiện mới có thể chỉ huy được mới có thể đánh được. Đáng chê trách nếu người cán bộ mỗi khi nhận lệnh lại ra điều kiện với cấp trên: mặc cả với cấp trên: thì người chỉ huy ấy thật chưa đáng tin cậy.

        Chấp hành mệnh lệnh tốt chính là biểu hiện ý thức giác ngộ cách mạng cao, tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, tinh thần đoàn kết gắn bó giữa trên và dưới, tôn trọng cấp trên, thương yêu chiến sĩ. Đó chính cũng là sức mạnh vô địch của quân đội ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 01:56:47 am »

        
CÁCH NHÌN VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỊA HÌNH CỦA NGƯỜI CHỈ HUY

        Theo kinh nghiệm của tôi, một việc quan trọng của người chỉ huy là phải rèn luyện "cái nhìn” -  ngôn ngữ triết học gọi là phương pháp xem xét.

        Sự vật bao giờ cũng có nhiều mặt: mặt phải và mặt trái, có khó và có dễ, có kín và có hở, mặt tiêu cực và mặt tích cực, mặt mạnh và mặt yếu, đồng thời trong cái khó có cái dễ, trong cái dễ có cái khó trong cái kín có cái hở, trong cái mạnh có cái yếu trong cái yếu có cái mạnh... Đồi với địa hình cũng vậy trong địa hình hiểm trở có chỗ không hiểm trở trong địa hình có lợi có mặt không lợi.

        Địa hình hiểm trở hay không, có lợi hay không tới mức nào là do con người biết nhìn và đánh giá, biết lợi dụng và cải tạo để biến địa hình hiểm một thành hiểm mười, biến địa hình không lợi thành có lợi. Cho nên, người chỉ huy phải biết vượt qua mọi địa hình hiểm trở, có khi phải táo bạo khắc phục khó khăn, tìm cái lợi trong nhiều cái không lợi của địa hình để giành thế bất ngờ, thế thắng trong tấn công, tạo nên thế vững chắc, thế kín trong phòng ngự.

        Người chỉ huy nhìn nhận sự việc sai lệch thì điều trước tiên là kế hoạch tác chiến sẽ sai, từ đó dẫn tới sai lầm trong nhiều việc tiếp theo và ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, tư tưởng của bộ đội.

        Bất cứ một trận đánh dù lớn hay nhỏ, công việc của người chỉ huy là phải biết cách nhìn địa hình, nhìn kẻ địch và nhìn bộ đội ta. Có nhìn nhận phân tích sự việc đúng đắn mới vận dụng cách đánh thích hợp thực hiện được bất ngờ đối với địch và làm cho bộ đội ta tin tưởng phấn khởi, có quyết tâm cao.

        Địa hình như thế, kẻ địch như thế, về phía ta người có ngần ấy, súng đạn cũng chỉ có ngần ấy, "bài binh bố trận" thế nào mà đánh thắng địch giòn giã, ta tổn thất ít, thế mời là người chỉ huy giỏi, đơn vị giỏi.

        Trước tiên tôi kể chuyện kinh nghiệm cách nhìn địa hình. Khi nhận nhiệm vụ tấn công địch, kể cả đánh vị trí địch có công sự vững chắc và đánh địch đang vận động, tôi thường nghĩ tới câu “vượt qua nơi hiểm trở để bắt cọp". Nghĩa là địa hình nơi nào địch cho rằng ta không đi được, nhưng ta đi được thì địch sẽ chết không kịp ngáp, hay địch cho rằng ta không bố trí được hoặc bố trí được nhưng không tiến lên được mà ta tìm mọi cách bố trí được, tiến lên được thì nhất định địch sẽ trở tay không kịp.

        Thí dụ: Trận đánh vị trí Non Nước (Ninh Bình). Vị trí này đóng trên ngọn núi đá đột xuất cao sừng sững, một phía là sông sâu và rộng, xung quanh có nhiều chỗ dốc thành vại dựng đứng, hoặc hàm ếch hoắm vào chân nùi. Ngoài con đường đánh bậc, ghép đá bò ngoằn ngoèo chữ chi từ chân lên đỉnh, cao mấy chụt mét, có “cự mã" chắn ngang, có các ụ súng kiểm soát, khó có thể tìm được một con đường khác. Đã thế, dọc hai bên đường lên cứ điểm, quân địch chôn nhưng chông sắt ngay vào vách đá. Chân núi chằng chịt dây thép gai, bãi mìn. Hai tầng lô cốt xi măng kiểm soát chặt chẽ các hướng. Bên kia sông Đáy chừng 200 mét là vị trí Cầu Cổ, có pháo 105 mi- li- mét. Bên này thị xã Ninh Bình là vị trí Hồi Hạc (ta thượng gọi là Gối Hạc). Dưới sông có tàu chiến sẵn sàng cơ động để tăng viện. Thoạt nhìn rõ ràng là quân địch đã chiếm đóng ở một địa hình có lợi. Chân núi: phía là sông, phía là bãi phẳng, ta bố trí quân ở đâu? Đi đường nào tiến lên đánh chiếm được đỉnh núi? Nếu nghiên cứu địa hình và địch ở đây mà chỉ dừng lại ở mức này thì quả thật là có nhiều khó khăn, hầu như khó mà đánh được và tất nhiên cũng có thể có người nản lòng do dù. Nhưng quyết tâm của cấp trên là nhất định phải đánh vị trí Non Nước. Đại đoàn phải kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ này, vậy thì nghiên cứu địa hình ở đây là để thực hiện quyết tâm của trên, là để đánh chứ không phải để lùi. Khi đã xác định được như vậy, thì cùng nhau vắt óc ra, sục vào mà nghiên cứu, tìm cho kỳ được chỗ sơ hở, chỗ yếu của Non Nước. Địch ở trên cao nhìn xa dễ, nhìn gần khó, bắn xa mạnh, bắn gần hạn chế. Những chỗ địch cho rằng ta không leo được, không với tới thì ta buột giẻ vào chân để leo, ta làm thang dài 5 -  6 mét để với. Địch ỷ lại vào mấy ụ súng bảo vệ con đường lên đỉnh núi. Ta diệt các ụ súng đó thì đường lên đỉnh cũng không phải khó. Địch cho rằng ta không thể tiến theo đường thì ta nghi binh hướng khác, rồi tiến theo đường, v.v... Địa hình phức tạp ta khó tiến quân thì địch cũng khó cơ động, ở đâu cố thủ đấy, có vận động được cũng trong phạm vi hẹp, rất hạn chế. Mô đá hiểm hóc, địch có thể có những ụ súng bất ngờ bắn ta. Ta lợi dụng thế hiểm hóc luồn vào phía sau leo lên trên bất ngờ đánh xuống đầu địch, đánh vào sườn địch. Cán bộ, chiến sĩ cùng nhau lục soát những kinh nghiệm đánh Bí Chợ, Phố Lu, Cốc Xá, v.v… để xem có thể vận dụng được nhưng gì. Càng suy nghĩ, càng bàn bạc quyết tâm càng cao, càng rõ cái mạnh, cái yếu của Non Nước: Từ hướng suy nghĩ phân đó mà ta giải quyết được vấn đề then chốt là xây dừng tư tưởng "dám đánh” và tin tưởng “nhất định đánh thắng". Từ quyết tâm cao trở thành biện pháp tổ chức cụ thể. Bộ đội quấn giẻ vào chân, làm thang, nối dây, ngày đêm luyện tập ở một núi đá khác khó khăn gần như Non Nước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 20 Tháng Mười, 2016, 01:58:09 am »


        Quyết tâm cao chuẩn bị chu đáo, khoảng 2 giờ 15 phút ngày tháng 5 năm 1951, tiếng súng tấn công vị trí Non Nước của tiểu đoàn 54 bắt đầu nổ. Tới 5 giờ sáng thì trận đánh kết thúc, gần 200 tên giặc vừa Pháp vừa ngụy hoàn toàn bị tiêu diệt.

        Chiến thắng Non Nước có nhiều nguyên nhân và rút ra được nhiều bài học nhưng đối với người chỉ huy -  bản thân tôi bài học “cách nhìn". cách phân tích địa hình là một trong nhưng bài học sâu sắc.

        Một thí dụ khác thì ngược lại: Trận đánh vị trí Pheo (Hòa Bình) đầu năm 1952. Vì không đưa một mũi vượt qua đường số 6 luồn lên đồi cao và đánh từ trên cao qua vai bò xuống đồi Pheo, mà chỉ mở cửa đánh một hướng theo đường cái từ dưới đánh lên, trận đánh không thành. Tuy có nhiều nguyên nhân nhưng vấn đề không biết tận dụng lợi thế của địa hình cũng là một nguyên nhân khá quan trọng dẫn đến trận đánh không hoàn thành tốt đẹp.

        Tôi kể thêm một chuyện xem xét địa hình trong đánh vận động. Trong chiến dịch Biên Giới, sau khi cứ điểm Đông Khê bị tiêu diệt, binh đoàn Lơ- pa- giơ từ Lạng Sơn lên Thất Khê, rồi từ Thất Khê tiến lên định bất ngờ chiếm lại Đông Khê để đón cánh quân của Sác- tông từ Cao Bằng rút về, những bị quân ta đánh mạnh. Âm mưu chiếm lại Đông Khê của địch thất bại. Ngày 2 tháng 10 năm 195O. Lơ- pa- giơ nhận được lệnh để lại một bộ phận kiềm chế ta, còn phần lớn lực lượng trước trưa ngày 3 tháng 10 năm 1950 phải đến Quang Liệt, Nậm Nàng (nam Cao Bằng 20 ki- lô- mét) để đón binh đoàn Sác- tông cùng rút về Thất Khê. Biết được ý định của địch, quyết tâm của Bộ chỉ huy chiến dịch là: “Tập trung lực lượng tiêu diệt từng bộ phận địch... Đại đoàn... tiêu diệt bộ phận chủ yếu của địch ở khu vực Khau Luông, Nà Pá. Phái một bộ phận chiếm lĩnh các điểm cao để khống chế và phái một bộ phận cảnh giới ở phía nam đề phòng quán nhảy dù và bộ binh địch".

        Đại đoàn còn được Bộ cho biết: Quân Sác- tông về tới Nậm Nàng đã phải phá xe cộ, súng nặng để rẽ vào đường mòn xuống Cốc Xá về Thất Khê. Vì âm mưu chiếm lại Đông Khê của Lơ- pa- giơ thất bại, vả lại đứng số 4 bị dân quân du kích của ta phá hoại nặng nề, như vậy Lơ- pa- giơ sẽ đi theo hướng nào để đón Sáe- tông? Nếu để hai binh đoàn ấy gặp nhau và cụm lại ở dãy núi 477 thì quả là ta sẽ gặp khó khăn lớn. Cùng với việc tiêu diệt lực lượng chủ yếu của Lơ- pa- giơ thì phải chia cắt ngăn chặn địch, không cho chúng gặp nhau. Bên đường số 4, quân của Lơ- pa- giơ đang tập trung ở Khau Xiểm, phía tây là dãy núi đá. Từ Khau Xiểm có con đường mòn qua núi đá đến bản Cốc Xá. Nhìn địa hình thì thấy eo Cốc Xá (điểm cao 533) là một vị trí chiến thuật rất quan trọng. Làm thế nào quân ta nhanh chóng đưa được một lực lượng "chốt" ở đấy thì nhất định kế hoạch gặp nhau của địch sẽ thất bại. Chúng sẽ bị cô lập từng bộ phận và sẽ bì quán ta tập trung tiêu diệt từng bộ phận. Đại đoàn ra lệnh cho tiểu đoàn 18 đến "chốt" ở eo Cốc Xá Giữa lúc đang nấu cơm chiều, nhận được lệnh tiểu đoàn 18 đã cấp tốc lên đường, không cần tập họp đủ cả mới xuất phát. Đại đội 263 ở sát đường lập tức đi ngay. Các đơn vị khác tiếp tục chạy theo. Anh nuôi cứ tiếp tục nấu cơm, nắm lại, rồi cấp tốc đuổi theo bộ đội. Dãy núi đá chắn ngang sừng sững, đường leo khúc khuỷu quanh co, lởm chởm, cũng không cản nổi quyết tâm của bộ đội ta. Bụng đói, các chiến sĩ cũng không chùn bước. Mọi người đều quyết tâm chiếm điểm cao 533 trước khi quân địch tới. Trong khi đó, Lơ- pa- giơ đang dồn quân vào dãy núi Cốc Xá, nơi mà y cho là "địa điểm phòng ngự lý tưởng", ”cái bình phong thiên nhiên chặn đứng các tiểu đoàn Việt Minh". Lơ- pa- giơ định cắm ở đây một tiểu đoàn với thương binh, còn bao nhiêu sẽ qua bản Cốc Xá, sang dãy núi 477 đón quân Sác- tông. Chúng cho rằng "hai binh đoàn gặp nhau sẽ thành một lực lượng rất mạnh, Việt Minh không tài nào gặm nổi".

        Nhưng sáng hôm sau, cánh quân của Lơ- pa- giơ đang hí hửng tiến qua eo Cốc Xá, thì các chiến sĩ của tiểu đoàn 18 đã bất ngờ nổ súng phủ đầu như luồng gió mạnh hất chúng bật trở lại. Quân của Lơ- pa- giơ không thể nào vượt qua được điểm cao 533 để tiến về dãy núi 477 cùng Sác- tông cụm lại.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM