Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 12:19:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36711 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:38:36 am »


        Thiếu sót của cán bộ, chiến sĩ đại đội 229 cũng là thiếu sót của cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn và đại đoàn, của chính tôi. Nghiêm khắc nhận khuyết điểm là rất cần, nhưng quan trọng là ở tinh thần tích cực sửa chữa.

        Chuyến đi nghiên cứu trận thắng Pe Luông đã cho tôi một bài học sâu sắc về mối quan hệ giữa con người và vũ khí. Vũ khí chỉ phát huy tác dụng khi con người sử dụng nó phải có tinh thần và có hiểu biết. Thiếu một trong hai điều kiện này đều ảnh hưởng đến thắng lợi của trận đánh. Ở Pe Luông nếu chúng ta chú ý đến nguỵ trang trận địa, đặc biệt là những trận địa hoả lực chủ yếu, thì làm sao địch có thể ngay từ đầu dễ dàng phát hiện, dùng pháo của xe tăng bắn chế áp. Và nếu chúng ta chú ý hơn nữa trong công tác xây dựng thật nhiều trận địa hoả lực, nhiều vị trí bắn khác nhau, thì dù địch có bắn chế áp ta, lúc đầu tạm thời một trận địa nào đó bị tê liệt, đã có trận địa khác thay thế, tiếp tục bắn địch, trận địa của ta có thể giữ vững ngay từ đầu.

        Rõ ràng vũ khí nhiều chưa phải đã mạnh, mà điều quan trọng là cách tổ chức sử dụng vũ khí như thế nào để kéo dài độ bền của nó trong thời bình; bảo đảm an toàn cho nó khi vào trận và đặt nó ở những chỗ nào để nó liên tục phát huy được hết tính năng, tác dụng trong quá trình diễn biến tiến công cũng như phòng ngự. Đó chính là điều đòi hỏi người chỉ huy phải suy nghĩ, phải tìm lời giải đáp chính xác nhất.

        Ngày 30 tháng 3, Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh mở đợt tiến công lần thứ hai nhằm vào năm cao điểm phía đông. Đây là khu phòng ngự then chốt, cái bình phong che chở cho các vị trí nằm dọc hai bên bờ Nậm Rốm và là xương sống của toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Nhiệm vụ tác chiến ở khu phía đông trong đợt này, Bộ chỉ huy mặt trận giao cho đại đoàn 312 và 316. Vào đợt hai chiến dịch, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, đại đoàn 308 cử trung đoàn 102 sang làm dự bị đội cho cánh quân phía đông, hai trung đoàn 36 và 88 vẫn phụ trách mặt tây Mường Thanh.

        Cuộc chiến đấu trên đồi A1, điểm cao quan trọng ở phía đông diễn ra hết sức gay go. Tại đây ta liên tiếp mở bốn đợt tiến công (30, 31 tháng 3 và 1,4 tháng 4). Ngày 1 tháng 4, chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, đại đoàn đưa trung đoàn 102 do đồng chí trung đoàn trưởng Hùng Sinh chỉ huy, sang phía đông cùng với đại đoàn 316 tiếp tục tiến công cứ điểm này. Nhưng đêm hôm đó trời đổ mưa to, các đơn vị bị lạc, trận đánh không thành. Đại đoàn lệnh cho trung đoàn 102 lùi về vị trí tập kết, tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn. Nhưng cả ngày hôm sau, đại đoàn vẫn nghe báo cáo địch tình bằng điện thoại từ A1 gọi về.

        Tôi hỏi phòng tham mưu đại đoàn:

        - Còn đơn vị nào ở đồi A1 không?

        - Báo cáo, đã có lệnh cho rút ngay từ đêm qua.

        - Tại sao vẫn có báo cáo đều đặn từ A1 gửi về?

        Các đồng chí tham mưu liền gọi dây nói để xác minh. Sau vài phút, các đồng chí ho biết: Toàn đơn vị đã rút ngay khi có lệnh của đại đoàn. Chỉ còn lại đồng chí Chu Văn Mùi cùng hai đồng chí nữa vẫn ở lại với một máy điện thoại vừa làm nhiệm vụ báo cáo địch tình về đại đoàn, vừa gọi pháo ta bắn chặn địch nống ra trận địa ta, vì đồng chí Mùi chưa nhận được lệnh rút.

        Tôi gọi điện trực tiếp nói chuyện với đồng chí Mùi. Sau khi nghe đồng chí báo cáo cụ thể về hoạt động của địch trong ngày, thay mặt Bộ chỉ huy đại đoàn, tôi biểu dương tinh thần chấp hành mệnh lệnh triệt để của đồng chí Mùi: không có lệnh không rời trận địa. Thế là tốt. Nhưng bây giờ tôi ra lệnh cho đồng chí lui về vị trí tập kết của trung đoàn.

        - Rõ, chúng tôi xin chấp hành mệnh lệnh của đại đoàn trưởng.

        Các trận đánh sau này, đồng chí Mùi vẫn tỏ ra chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Chính phủ tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 03:51:51 pm »


        Trong khi những trận đánh mà địch kêu là “khiếp vía kinh hồn” đang diễn ra trên dãy đồi phía đồng thì bên phía tây trung đoàn 36 nhổ gọn một cứ điểm trên cánh đồng phía tây sân bay Mường Thanh nhanh và “êm” đến nỗi cơ quan tham mưu của mặt trận ngờ vực hỏi lại: sao nhanh thế? Địch hàng hay rút?

        Đó là trận tiêu diệt cứ điểm 106, địch gọi là Huy- ghét 7, do một đại đội lê dương chiếm giữ. Trận thắng này mở ra một cách đánh mới mẻ, hợp với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, với hình thức tác chiến bao vây đánh lấn. Trận chiến đấu chỉ diễn ra trong vòng 30 phút nhưng phải trải qua một quá trình chuẩn bị khá đặc biệt, nếu không nói là độc đáo.

        Từ sau khi địch ở Bản Kéo ra hàng (16- 3), trung đoàn 36 được lệnh lấy Bản Kéo làm bàn đạp đào chiến hào tiến ra cứ điểm 106 chuẩn bị tiến công. Việc đào hào ở đây mỗi ngày một thêm khó khăn. Càng đào xa Bản Kéo, càng gần vị trí địch, nên chúng tập trung bắn phá ác liệt và liên tục cho quân ra lấp hào. Đêm trước ta mất bao nhiêu công sức đào thêm được vài chục mét, hôm sau địch lấp đi, quãng không lấp được thì chúng đặt mìn, gài bẫy. Đường hào cứ như sợi chun giãn ra, co lại, ta đào địch lấp, địch lấp ta đào…

        Phải đánh không cho chúng lấp hào- đó là ý kiến chung của các chiến sĩ. Ý kiến này được trung đoàn tổ chức thực hiện ngay, ta bố trí quân phòng ngự giữ hào. Nhưng qua một ngày thử thách, các phân đội nhỏ ra phòng ngự bị súng cối của địch đánh bật lại và hào lại bị lấp.

        Đứng trên đồn Bản Kéo quan sát thấy hiện tượng giằng co này, đồng chí trung đoàn trưởng Hồng Sơn bắn khoăn tự hỏi: sao lại để địch tự do bắn mình? Có cách nào diệt nó không?

        Rồi rất nhanh, đồng chí Hồng Sơn gọi dây nói về sở chỉ huy đại đoàn;

        - Yêu cầu đại đoàn cho pháo 75mm ra ngay Bản Kéo để yểm hộ trung đoàn giữ hào.

        Đây là một ý kiến hay, tiến công để phòng ngự. Đại đoàn nhanh chóng thoả mãn yêu cầu của trung đoàn. Một trận địa pháo đã được bí mật xây dựng trên đồi Bản Kéo để làm nhiệm vụ bắn yểm trợ cho bộ binh giữ hào, bắn ngắm trực tiếp phá hoại các lô cốt địch. Cự ly gần nhất từ nòng pháo đến lô cốt địch cũng phải hơn một kilômét. Giữa bộ binh và pháo binh sôi nổi bàn bạc kế hoạch hợp đồng chiến đấu.

        Từ những vấp váp thực tế, từ những quan sát cụ thể trong quá trình tổ chức bộ đội xây dựng trận địa và giữ trận địa, chống lại mọi hành động đánh phá của địch, đồng chí trung đoàn trưởng trao đổi ý kiến với pháo binh một phương pháp đánh phù hợp với điều kiện cụ thể ở đây: đề nghị pháo binh chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm bắn trúng lô cốt địch. Loạt đạn đầu “tỉa” cho một lô cốt, “tỉa” cái nào tuỳ các đồng chí chọn, nhưng đã “tỉa” là phải sập. Chưa cần nhiều, “tỉa” một cái thôi.

        Danh từ bắn “tỉa” và biện pháp bắn “tỉa” xuất hiện từ đây, từ đồi Bản Kéo và được áp dụng lần đầu có hiệu quả ở cứ điểm 106 - tây sân bay Mường Thanh.

        Từ pháo 75 mm, biện pháp bắn tỉa phát triển nhanh sang súng cối, súng ĐKZ. Địch ở cứ điểm 106 lâm vào thế lúng túng, hết ụ súng này bị sập lại đến lô cốt khác bị vỡ, chạy chữa không kịp. Cũng do hiệu quả của bắn tỉa, bộ đội ta có điều kiện an toàn, nhanh chóng đào chiến hào vào gần vị trí địch, tạo cho các tay súng bộ binh có chỗ đứng thích hợp tham gia bắn tỉa, khiến cho mọi hoạt động của địch đều phải rút xuống mặt đất.

        Thần kinh địch căng nhão, chúng thấy ngồi trong lô cốt cũng không an toàn, vì rất có thể bị một quả đạn pháo, đạn cối “tỉa” sập, rất có thể một viên đạn súng trường chui qua lỗ châu mai “tỉa” trúng đầu, trúng ngực chết bất thần. Trong khi đó, chiến hào của ta cứ vươn dài, chỉ còn cách địch khoảng một trăm mét. Trận địa đánh lấn càng vào gần, địch càng bắn phá ác liệt. Các chiến sĩ phát huy sáng kiến, bện con cúi bằng rơm to như cây gỗ xẻ. Moi đào đến đâu đẩy con cúi đến đó để đỡ đạn. Cứ thế bộ đội ta vữa dũng cảm vừa kiên nhân đào lấn vào đồn địch, cho đến 31 tháng 3, khi điều kiện đã chín muồi, trung đoàn 36 quyết định tiến công đánh vào cứ điểm 106 - cái cứ điểm cách đây không lâu đã tỏ ra chủ quan, ngạo mạn. Trận đánh thắng lợi nhanh gọn, tên chỉ huy cứ điểm bị bắt sống.

        Sau trận này, Bộ chỉ huy mặt trận cử đồng chí Lê Quang Đạo xuống thăm trung đoàn 36, chuyển lời khen ngợi của Bộ chỉ huy tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn và cùng với trung đoàn rút kinh nghiệm nâng lên thành một cách đánh mới- đánh lấn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 03:54:58 pm »


        Danh từ đánh lấn, hay goi là chiến thuật đánh lấn ra đời từ những kinh nghiệm của bắn “tỉa”, kinh nghiệm của những ngày vây lấn để cuối cùng tiến công tiêu diệt cứ điểm 106. Trung đoàn 36 được xem như quê hương của bắn tỉa, đánh lấn.

        Đánh lấn nâng lên chiến thuật đánh lấn được truyền đi rất nhanh, được các đơn vị áp dụng và thu nhiều thắng lợi. Sân bay Mường Thanh bị uy hiếp nghiêm trọng, vì các đơn vị mỗi ngày một lấn tới gần. Địch đã phải than thở “chuyến bay cuối cùng cất cánh ngày 27 tháng 3 năm 1954, kể từ đó quân Pháp ở Điện Biên Phủ chỉ còn tiếp xúc với bên ngoài bằng điện tín và thả dù. Nhưng chỉ mới bước sang ngày đầu tháng 4, việc thả dù lại thêm khó khăn vì phạm vu thả dù bị thu hẹp, cao xạ đối phương hoạt động dữ, phi cơ phải bay cao, các kiện hàng ném xuống theo nguyên tắc 295 tấn một ngày, nhưng chỉ nhận được 175 tấn, phần còn lại đều sang khu vực Việt Minh”..

        Trong tình hình ấy, chúng tôi - những cán bộ phụ trách các đại đoàn bộ binh, các đơn vị công binh, thông tin nhận lệnh về sở chỉ huy mặt trận nhận nhiệm vụ mới - đánh cắt sân bay Mường Thanh, cắt cái dạ dày của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Hôm ấy đồng chí đại tướng Tổng tư lệnh tuy còn mệt nhưng vẫn làm việc rất nhiệt tình, hăng say, chăm chú nghe chúng tôi báo cáo tình hình chiến đấu vừa qua và những dự kiến đánh cắt sân bay theo nhiệm vụ mà đơn vị vừa được giao. Sau cuộc họp kéo dài suốt cả buổi chiều, đồng chí đại tướng mới có thì giờ nói chuyện riêng với từng người…

        Đồng chí đại tướng thân mật hỏi tôi:

        - Cái dạ dày của anh Vũ thế nào? Còn đau nữa không?

        - Báo cáo, từ ngày được bác sĩ Tôn Thất Tùng cắt cái khối u và chỗ loét, được gần sáu tháng rồi, đi lại cũng nhiều mà không thấy có triệu chứng gì.

        - Anh phải viết thư cảm ơn bác sĩ Tùng…

        Buổi trao đổi ý kiến càng trở nên đậm đà, cái chung, cái riêng xen vào nhau, tác động lẫn nhau. Đại tướng cười vui, nói tiếp:

        - Bác sĩ Tùng cắt dạ dày cho anh thì anh khỏe, còn mai đây đại đoàn anh đánh sân bay, “cắt dạ dày” của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ này thì De Castries chết không kịp giãy…

        Qua câu nói với giọng hơi chậm, vì đang mệt, nhưng nét mặt ánh tươi vui, thân mật, đồng chí đại tướng truyền cho tôi niềm tin và trách nhiệm: ta nắm chắc phần thắng rồi, song đòi hỏi người chỉ huy phải suy nghĩ tìm mọi biện pháp giành thắng lợi cao nhất, địch thua nặng mà ta thì thiệt hại ở mức thấp nhất.

        … Giữa tháng 4, các trận địa bao vây của ta từ các hướng bắc, đông, tây, lấn sát vào vòng đai phòng thủ sân bay Mường Thanh, địch càng chống trả quyết liệt. Đêm 18 tháng 4, trong khi đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm 105 ở bắc sân bay, thì trận địa vây lấn của trung đoàn 36 hình thành ba mũi cắm gần sát hàng rào 206- một cứ điểm phía tây sân bay, là nơi địch đón nguồn tiếp tế, tiếp viện từ máy bay thả xuống.

        Trung đoàn 36 bước vào một giai đoạn thử thách mới. Địch phản ứng điên cuồng. Pháo binh địch bắn như đổ đạn. Bộ binh địch chiếm được một đoạn hào của ta khoảng năm mươi mét. Những tên lê- dương bị chỉ huy thúc lưng cố liều mạng dùng xẻng lấp hào định đẩy lùi ta ra xa. Nhưng chúng đã bị chặn lại trước những đường đạn bắn tỉa rất dũng cảm và thông minh của chiến sĩ ta. Đồng chí Đoàn Trần Líp, với khẩu súng trường bắn chín phát hạ chín tên giặc. Đồng chí Trần Đình Hùng bắn một viên đạn ĐKZ hạ một chiếc xe tăng địch, bốc cháy sáng cả trận địa…

        Đêm 19 tháng 4, trung đoàn 88 bước vào trận đánh cắt đôi sân bay Mường Thanh. Tiểu đoàn 23 do Nguyễn Quốc Trị chỉ huy nhanh chóng phá rào dây thép gai tiến vào tận đường băng sân bay đào công sự xây dựng trận địa tiến công thực hành bao vây gần. Một cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt. Pháo địch bắn tới, pháo ta truy lại. Súng trung liên địch từ các cứ điểm 206, 208 lia quét, đạn lửa bay đan chéo nhau, súng cối ta câu đạn truy lại. Trong sân bay các chiến sĩ công binh nằm thành một hành dọc bò dán mình xuống đất thay nhau đánh bộc phá xé những tấm sắt lát mặt đường băng. Một “trận” lao động cực kỳ nguy hiểm và khẩn trương của những con người dũng cảm tuyệt vời. Đào, đào liên tục, mỗi cán bộ, chiến sĩ dốc hết sức lực và trí tuệ vào đôi cánh tay, đào bới mặt đất rắn như sành, khoét lấy một cái hố vừa đủ cho mình nằm lọt tránh đạn; lại đào tiếp cho cái hố sâu thành ngồi, thành đứng được để chiến đấu. Từ các hố cá nhân đó lại đào, đào khẩn trương và liên tục thành những hào nối liền nhau thành trận địa vây, lấn, tiến, diệt hoàn chỉnh.

        6 giờ ngày 20 tháng 4, trời vừa rạng sáng, địch từ khu trung tâm Mường Thanh kéo ra phản kích, chúng khống chế gần hết trận địa mà cả đêm qua trung đoàn 88 mất bao công sức mới lấn được vào trong sân bay. Suốt ngày hôm đó đại đội 211 và 213 phối hợp cùng với hoả lực súng cối và pháo binh, tổ chức nhiều đợt phản xung phong rất dũng cảm; khi đợt xung phong cuối cùng kết thúc vào lúc 17 giờ 30 phút, ta mới khôi phục lại được trận địa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 03:57:42 pm »


        Chúng ta đã thắng, nhưng thế trận vây lấn của ta ở sân bay chưa thật vững chắc. Tình hình đang rất gay go, đang cần phải có mặt của người chỉ huy ở đó để giải quyết những vấn đè phức tạp của cuộc chiến đấu đang đặt ra.

        Tôi gọi điện cho đồng chí trung đoàn trưởng Nam Hà:

        - Mười lăm phút nữa tôi sẽ xuống chỗ đồng chí để cùng ra kiểm tra trận địa cắt sân bay.

        Ngập ngừng một lát, tôi mới nghe tiếng đồng chí Nam Hà từ đầu day bên kia nói lại:

        - Báo cáo đại đoàn trưởng tình hình đang rất căng, địch ở phía nam sân bay vẫn đang bắn xối xả vào trận địa ta. Có gì cần đại đoàn cứ chỉ thị, tôi ra đấy ngay bây giờ.

        - Chưa nhìn tận nơi, chưa thấy chưa nghe thì chỉ thị cái gì?

        - Nhưng tình hình lúc này chưa an toàn.

        - Tôi cần kiểm tra trận địa. Đồng chí chờ tôi mười lăm phút nữa ta cùng đi.

        Từ sở chỉ huy trung đoàn 88 ra trận địa sân bay khoảng một kilômét, đường hào cắt qua cánh đồng. Trời mưa liên miên đã từ mấy tuần nay, đường hào bùn lão nhão, ở những đoạn trũng phải lội bùn ngập đến ngang ống chân. Người đi, người lại tấp nập ai cũng xắn quần ngang đùi, chân đất, một tay chống gậy còn tay kia sằn sàng bám lấy thành hào đề phòng trơn chân, trượt ngã. Đường đi cứ theo dọc con hào, nhiều quãng do tát nước vét bùn, vét mãi mà đáy hào tụt sâu xuống, người đi phải ngẩng đầu lên mới thấy trời. Rẽ vào các nhánh hào ngang là chỗ ở, mỗi nhánh đều có tên riêng, chiến sĩ ta gọi là “phố”; “phố Hoàn Kiếm, Đông Xuân, Tràng Tiền, Cửa Nam…”. Đây là đoạn hào do trung đoàn Thủ đô đào, nên toàn mang tên phố của Hà Nội. Đến đoạn hào tiếp theo thì các “phố” mang tên Lũng Phầy, Bản Trại, Thanh Vân, Yên Châu… tên những chiến công của trung đoàn 88. Chúng tôi rẽ vào một “phố”. Đường hào ở các nhánh ngang được vét sạch bùn, hai bên vách hào chiến sĩ ta moi hầm ếch trải vải dù làm đệm nằm. Đấy là “nhà” ở. Đến đoạn đường hào bị lấp, chúng tôi gặp đồng chí Nguyễn Quốc Trị, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 23 đang cùng các đại đội trưởng sôi nổi bàn đào lại đoạn hào này. Đồng chí Nguyễn Quốc Trị dẫn đoàn kiểm tra ra trận địa cắt sân bay, đến tận mút đường hào. Đứng trên trận địa vây lấn nằm giữa hai cứ điểm 206 và 208, tôi đưa mắt nhìn gần đến xa, khắp bốn phía, cố quan sát kỹ, sợ mình bỏ sót, cũng vẫn chỉ thấy có hai đường nhánh “râu tôm” cụt ngủn.

        - Phải chăng đầu mối của vấn đề là đây?- Tôi tự hỏi mình như vậy.

        Câu hỏi nêu lên chưa thể trả lời ngay được. Tôi tiếp tục nghe các đồng chí tiểu đoàn 23 báo cáo diễn biến các trận đánh trong ngày. Cũng như trung đoàn 36 đánh lấn cứ điểm 106 thắng lợi, cán bộ chiến sĩ trung đoàn 88 hôm nay đã đánh một trận thật xuất sắc, góp phần xiết chặt vòng vây, uy hiếp mạnh mẽ khu trung tâm Mường Thanh. Chiến công của các đồng chí sẽ sống mãi với thời gian.

        Nhưng trách nhiệm của người chỉ huy xuống kiếm tra đâu phải chỉ có thăm hỏi, động viên, mà phải cắt nghĩa được nguyên nhân ưu điểm, nguyên nhân khuyết điểm, phải giải đáp đầy đủ vì sao thắng và vì sao không thắng một cách rõ ràng, không cần dài dòng, ngắn thôi nhưng thiết thực. Nghĩ như thế, đồng thời qua những điều mắt thấy tai nghe, tôi góp ý với anh em và cũng là tự phê bình mình:

        - Cả ngày hôm nay trận địa lúc mất lúc còn. Các đồng chí đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng tổ chức trận địa phòng ngự thế này là khuyết điểm to.

        Đồng chí Nguyễn Quốc Trị trình bày:

        - Báo cáo đại đoàn trưởng, suốt đêm qua anh em đào, vét rất vất vả, nhưng vì đất rắn quá…

        Tôi nói xen vào:

        - Khuyết điểm của các đồng chí cũng là khuyết điểm của tôi.

        Suy cho cùng khuyết điểm của chiến sĩ là do khuyết điểm của cán bộ. Thiếu sót của cấp dưới, trên có phần trách nhiệm. Lệnh cho dưới phải cắt sân bay địch, nhưng tổ chức cắt như thế nào thì đại đoàn chưa hướng dẫn cụ thể, chưa có những quy định nghiêm ngặt về xây dựng  trận địa. Chỉ lo cắt mà không có kế hoạch giữ thì cắt nhiều cũng vô ích. Cắt đến đâu phải lo giữ đến đó - lo xây dựng trận địa phòng thủ vững chắc. Nền đất sân bay rắn, cứng là tất nhiên, thế thì tham làm gì. Cắt ngắn thôi, cắt từng bước rồi lấn dần; cắt đến đâu đào hào chiến đấu tới đó. Từng đoạn hào phải có các nhánh “râu tôm”, rồi nối ngang các đoạn “râu tôm” đó lại, như vậy ta sẽ có nhiều trục đường, nhiều đoạn hào, nhiều trận địa, tiện cơ động đánh địch. Nếu chỉ đào một đường như cái đầu dùi trơ trọi như trận địa này thì rõ ràng là không bảo đảm được tính vững chắc, cơ động - là những yêu cầu rất cơ bản của một trận địa phòng ngự. Chính vì lẽ đó mà trận địa cắt sân bay của tiểu đoàn 23 mất đi mất lại nhiều lần trong ngày, mặc dầu cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã chiến đấu rất dũng cảm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 04:00:50 pm »


        … Vào thời điểm này, Bộ chỉ huy đại đoàn nhận định: đánh chiếm cứ điểm 206 là giáng một đòn nặng nề vào tinh thần quân địch. Vì mất 206, sân bay của chúng bị cắt, càng đẩy chúng vào thế tuyệt vọng. Nhưng ta không thể vì thế mà vội vàng, chuẩn bị không tốt, thiếu cụ thể. Trái lại phải kiên trì biện pháp đánh lấn, phải đưa trận địa tiến công vào sát địch, để khỏi bị phơi mình trước hoả lực địch. Tuy nhiên lại không được vin vào “đánh chắc, tiến chắc” mà kéo dài thời gian chuẩn bị, thiếu tích cực, khẩn trương, để mất thời cơ. Đồng chí đại đoàn phó Cao Văn Khánh và các phái viên mặt trận xuống trung đoàn 36 kiểm tra, góp ý kiến cụ thể trong quá trình chuẩn bị… Xét thấy các điều kiện đã chín muồi, đại đoàn phát lệnh tiến công.

        Đêm 22 tháng 4, chấp hành mệnh lệnh của đại đoàn trung đoàn 36 hoàn chỉnh chiến thuật đánh lấn bằng biện pháp kỹ thuật đào hầm “dũi” (đào hầm ngầm dưới đất) rất điêu luyện, đã tiêu diệt nhanh và rất “êm” cứ điểm 206, khiến De Castries mãi sau khi bị bắt làm tù binh vẫn còn thắc mắc về thất bại này. De Castries khai với cán bộ ta đến hỏi cung hắn: “Cho đến sáng 23 tháng 4, tôi chỉ có thể đoán rằng cái Huy- ghét 1 (tức cứ điểm 206) đã bị mất vào lúc nửa đêm gì đó. Không hiểu nó đã mất như thế nào. Không phải là một cuộc đầu hàng, tôi chắc thế. Nhưng các ông đã đánh bằng chiến thuật gì rất lạ!…”.

        Trận địa vây lấn của các đơn vị thuộc đại đoàn có cao xạ pháo yểm hộ kẹp sát vào hai bên sườn sân bay Mường Thanh, sau khi trung đoàn 36 diệt cứ điểm 206. Nhưng cũng vào thời điểm này, trận địa sân bay trở nên sôi động. Sáng 23 tháng 4, tướng ba sao Cô- nhi, tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở bắc Đông Dương huy động một lực lượng lớn máy bay khu trục ném xuống khu vực sân bay Mường Thanh 600 quả bom. Chưa có trận ném bom nào dữ dội như vậy kể tù khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn. Đoạn đường băng giữa sân bay, qua hơn một tháng bị ta bắn pháo, ngổn ngang những xác máy bay cháy, những tấm sắt lát mặt đường băng bị lật cong lên, han gỉ nằm ngổn ngang, qua trận bom sáng nay biến dạng hẳn. Những hố bom sâu hoắm, những đống đất ùn lên, những tấm sắt bị xé toác ra, dựng ngược, v.v… Tiếp theo là những trận phản kích điên cuồng, tuyệt vọng vẫn do Bigeard chỉ huy đang tiến gần đến trận địa của đại đội 213 ở giữa đường băng trong sân bay.

        Đại đội 213 do đồng chí đại đội trưởng Mai Viết Thiềng và chính trị viên Hữu Hiệp chỉ huy đã được thử thách nhiều qua các trận phòng ngự ở đồi Độc Lập, ở Bản Tén, v.v… giờ đây đang đương đầu lần thứ hai với đội quân phản kích Bigeard ngay tại sân bay này. Nếu đại đội 213 ghìm được quân Bigeard lại, tiêu hao một phần sinh lực của nó là tạo điều kiện cho trung đoàn chuẩn bị kỹ để mở đợt phản xung phong dự định vào lúc 15 giờ.

        Từ sở chỉ huy đại đoàn, tôi gọi điện thẳng xuống đại đội 213, lệnh cho đồng chí đại đội trưởng phải tổ chức chiến đấu thật linh hoạt nhưng phải đảm bảo ghìm địch.

        Tôi nói chưa hết, đầu dây bên kia, đồng chí đại đội trưởng đại đội 213 đã sôi nổi nói rất to như sợ tôi nghe không rõ:

        - Báo cáo đại đoàn trưởng, chúng tôi đang tổ chức đánh bật nó ra… nhất định… nhất định thực hiện được…

        - Phải tổ chức bắn tỉa cho tốt. Phải giữ lực lượng đánh liên tục. Ai không bắn tỉa phải ngồi trong hầm tránh pháo. Cán bộ luân phiên nhau đi kiểm tra trận địa. Cố ghim địch đến 15 giờ là thắng lợi.

        - Rõ! Chúng tôi quyết tâm thực hiện bằng được lệnh của đại đoàn trưởng.

        Tôi định dặn thêm đồng chí Thiềng cố tránh thương vong vô ích, thì đồng chí Thái Dũng đến xin tranh thủ nói chuyện với đồng chí Hữu Hiệp. Họ là hai anh em ruột sinh ra và lớn lên ở thị xã Cao Bằng, cùng chiến đấu với nhau từ hồi thành lập trung đoàn 88. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy mặt trận điều đồng chí Thái Dững lên làm phái viên tham mưu mặt trận, hôm nay đồng chí về công tác ở đại đoàn. Đã năm sáu, tháng nay, hai người chưa được gặp nhau, bây giờ họ gặp nhau trong một tình huống bất ngờ thật đẹp, trong chiến thắng và cũng rất khẩn trương, ác liệt.

        Tôi nhường máy cho Thái Dũng nói;

        - Anh đây! Thái Dũng đây… ừ phái viên mặt trận… Hiệp này, 213 của chú đánh mấy ngày hôm nay anh vẫn theo dõi chặt… ừ tốt lắm. Cả mặt trận đang theo dõi 213 đấy. Cố gắng đánh tốt nhé… đúng rồi, nhất định quét hết…

        Không hiểu đầu dây bên kia Hữu Hiệp nói gì, chỉ nhìn nét mặt vui của đồng chí Thái Dũng là tôi hiểu anh em hết sức ý hợp tâm đầu, càng mang lại trong tôi một niềm phấn hứng, tin tưởng; và hôm đó ta đã thắng lớn, hoàn toàn cắt được sân bay Mường Thanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 04:02:29 pm »


        … Ở Điện Biên Phủ về cuối tháng 4 ngày nào cũng mưa lớn, bầu trời nặng trĩu những đám mây xám xịt. Cả cánh đồng Mường Thanh, nhìn đâu cũng thấy bùn và nước. Nước tràn xuống các đường hào trận địa, nhưng đường hào của ta vẫn cứ vươn dài ra. Toàn mặt trận nô nức chuẩn bị bước sang đợt ba chiến dịch được bắt đầu từ một ngày mang ý nghĩa quốc tế- Ngày 1 tháng 5.

        Trong đợt này, đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiêu diệt ba cứ điểm 310, 311A và 311B ở ngay mạng sườn phía tây của khu trung tâm, trong khi các đại đoàn bạn tiêu diệt các cao điểm còn lại của địch ở dãy đồi phía đông. Tất cả những trận đánh này nhằm bóc hết cả hai mạng sườn địch, khiến chúng phải phơi bày ruột gan ra, và tất cả phải hoàn thành trong đêm 6 tháng 5, để hôm sau toàn bộ mặt trận chuyển sang tổng công kích, kết thúc nhiệm vụ lịch sử của chiến dịch này.

        Đây là một tính toán rất khoa học và rất chính xác của Bộ chỉ huy mặt trận.

        Đây là mệnh lệnh thật nghiêm túc, đòi hỏi mọi người phải triệt để chấp hành, chấp hành không điều kiện; chỉ được bàn tới, không được bàn lùi.

        Ba tiếng Tổng công kích có sức thôi thúc lạ thường đối với chúng tôi. Còn ai nghĩ đến gội mưa tắm bừa nữa? Còn ai nghĩ đến khó khăn này, nguy hiểm nọ nữa? Không, tất cả chúng tôi, tất cả cán bộ, chiến sĩ đại đoàn Quân Tiên Phong chỉ nghĩ đến vinh dự, đến trách nhiệm, đến thắng lợi hoàn toàn của chiến dịch, thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954. Công tác chuẩn bị cho trận thử thách cuối cùng ở thung lũng Điện Biên Phủ thật là khẩn trương, ngày đêm bận rộn, ăn không ngon, quá bữa cũng chẳng thấy đói, vì ai nấy còn thấy việc này chưa xong, việc kia đã tới; vì dòng suy nghĩ của mình đang tiếp tục tìm một biện pháp, một kế hoạch cho trận thắng sắp tới mà mình được cấp trên vừa giao.

        Lại nữa, mặt trận đấu tranh ngoại giao đang đòi hỏi một chiến thắng quân sự thực sự vang dội, tốt nhất là ở ngay Điện Biên Phủ này. Ngày 7 tháng 5 năm 1954 phải thắng, vì ngày 8 tháng 5 năm 1954 phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà sẽ bước vào hội nghị quốc tế về Đông Dương họp ở Giơ- ne- vơ… Kẻ thù của chúng ta sẽ không nhượng bộ trên bàn hội nghị nếu chúng ta không giành thắng lợi quân sự trên chiến trường.

        Sự thôi thúc, giục giã đối với chúng tôi là cụ thể. Đòi hỏi chúng tôi đáp lại cũng phải thật cụ thể. Không thể chung chung, vì chung chung là đồng nghĩa với hỏng việc, mất thời cơ, là thất bại.

        Đêm 30 tháng 4 trận địa đánh lấn của trung đoàn 36 đã phát triển cách hàng rào cứ điểm 311B khoảng năm chục mét. Trận địa vây lấn của trung đoàn 88 cũng cách cứ điểm 311A một khoảng tương tự.

        Trong đợt ba của chiến dịch, chiến thuật đánh lấn đã được đại đoàn hoàn chỉnh thêm một bước qua rút kinh nghiệm các trận thắng địch ở 206; ở quanh sân bay Mường Thanh và trên cả đường băng của sân bay này, theo những nguyên tắc kết hợp tích cực:

        - Đưa hoả lực vào gần, dùng pháo 75mm, ĐKZ tiêu huỷ công sự địch ở các hướng đột phá;

        - Đồng thời tổ chức cho xung kích bí mật gỡ mìn, cắt rào, rồi nhanh chóng xung phong vượt qua cửa mở, tiến vào diệt các mục tiêu còn lại trong cứ điểm.

        Cắt rào trong chiến thuật vây lấn ở Điện Biên Phủ hoàn toàn khác với động tác cắt rào trong chiến thuật công kiên trong các chiến dịch Trung Du, Hà- Nam- Ninh, Tây Bắc mà đại đoàn đã thực hành. Ở đây ta cắt, địch đánh ra rào lại. Nhưng ta tìm cách không cho chúng rào lại. Ở những lớp rào ngoài cùng, cắt đoạn nào ta cuộn lại quăng ra xa (để địch không có dây thép gai rào lại). Đến lớp rào cuối cùng, cắt xong ta mắc lại như cũ để một là làm cho địch tưởng ta chưa cắt hết, chưa mở xong đường đột phá: hai là, không mở sẵn lối cho địch ra rào lại những đoạn ngoài bị ta cắt đứt.

        Đợt ba chiến dịch diễn ra thật nhịp nhàng.

        Đêm 1 tháng 5 là đêm Hội chiến thắng.

        Đêm nay khi các đại đoàn 312, 316 nổ súng tiến công các cứ điểm đồi C1, 505A, 505B ở khu đông Mường Thanh và đồi C khu Hồng Cúm, thì ở phía tây, đại đoàn 308 cũng có những hoạt động phối hợp đúng lúc: đêm mồng 1 tháng 5, trung đoàn 88 diệt cứ điểm 311A; và đêm mồng 2 tháng 5, trung đoàn 36 diệt cứ điểm 311B; và đêm 6 tháng 5, trung đoàn 102 diệt cứ điểm 310, hoàn thành việc “đánh bóc sườn” phía tây. Trận địa vây lấn của đại đoàn chỉ còn cách sở chỉ huy của tướng De Castries khoảng 400 mét.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:33:41 pm »


        Với những trận đánh trong đêm 6 tháng 5, các cánh quân ta ở phía đông và phía tây đã hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn vây lấn, bề ngang trận địa địch bị ép chặt chỉ còn khoảng bảy, tám trăm mét. Và cũng đêm nay ta dã khoá được bầu trời Điện Biên Phủ, triệt nguồn tiếp tế độc nhất của địch từ trên máy bay thả xuống.

        Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 5, một đêm chúng tôi thao thức, hồi hộp chờ đón cái giờ phút phải đến sẽ đến. Trên tấm bản đồ căng ở vách hầm, đồng chí Vũ Yên, tham mưu trưởng đại đoàn, căn cứ vào quyết tâm của Bộ chỉ huy, đã vạch 3 mũi tên đỏ thể hiện ba mũi tham gia Tổng công kích của đại đoàn 308 nhằm vào khu vực trung tâm Mường Thanh: mũi thứ nhất từ cứ điểm 311B, mũi thứ hai từ cứ điểm 310, mũi thứ ba từ Nà Noọng đánh sang. Các bàn đạp tiến công lý tưởng này, đã có đủ hầm hào để bố trí các loại hoả lực, kể cả pháo 75 mm, chỉ cách tuyến phòng ngự ngoài cùng của trung tâm Mường Thanh hơn hai trăm mét, cách hầm De Castries năm, sáu trăm mét…

        21 giờ ngày 6 tháng 5 1954, tiếng nổ của một tấn thuốc nổ TNT do công binh đào đường ngầm đặt giữa đồi A1 được coi là hiệu lệnh Tổng công kích.

        Sáng ngày 7 tháng 5, vòng vây của ta xiết chặt, địch hết đường giãy giụa. Ta thực sự đã Tổng công kích- một trận Tổng công kích diễn ra rất “êm” nhưng thắng lợi thật giòn giã, thật to lớn.

        … 15 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5, trung đoàn 209 (đại đoàn 312) đánh chiếm cứ điểm 507, đang phát triển thuận lợi về phía cầu Mường Thanh.

        16 giờ, trên trận địa địch xuất hiện những lá cờ trắng, mới đầu lác đác, sau lan ra rất nhanh hàng trăm, hàng nghìn, đủ kiểu chờ hàng. Binh lính địch dùng tất cả những thứ gì có màu trắng- dù chỉ nhờ chờ để làm cờ báo hiệu đầu hàng. Khăn mặt, khăn mùi- xoa, áo may- ô, áo lót, mảnh dù, v.v… Có cái buộc vào gậy vào que giơ cao phất lia lịa; có cái từ dưới chiến hào ném ra vắt lên hàng rào thép gai; có những cái áo, cái khăn không có gậy làm cán cờ thì chúng tung lên cao rơi xuống rồi bắt lấy, lại tung lên, miễn là để ta thừa nhận là chúng đầu hàng.

        17 giờ ngày 7 tháng 5, đại đoàn nhận được điện của Bộ chỉ huy mặt trận giao cho 308 tiếp quản tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với nhiệm vụ tiếp tục truy quét tàn quân địch, nhanh chóng ổn định để đón đồng bào về kịp sản xuất vụ mùa…

        Ngược đường đi vào Mường Thanh, chúng tôi bắt gặp binh lính, sĩ quan địch vác cờ trắng xếp hàn hai, hàng ba kéo ra hàng, với thân hình tiều tuỵ, quần áo rách bươm, mặt mũi hốc hác xanh gầy, chán nản nhưng tên nào cũng tỏ rõ một niềm vui- thoát chết…

        Tình hình biến chuyển thật mau lẹ. Một tháng sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, tất cả các đại đoàn tham gia chiến dịch đã có mặt ở quanh vùng châu thổ sông Hông, tạo áp lực uy hiếp địch để quân và dân đồng bằng Bắc Bộ đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng địch hậu.

        Suốt tháng 7, đại đoàn được lệnh mở một đợt hoạt động mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, nhằm uy hiếp địch ở Hà Nội, thu hút quân cơ động của chúng lên đường số 13 và số 18 càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện cho quân và dân đồng bằng mở rộng vùng giải phóng. Đại đoàn đã phố hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bao vây, đánh lấn, bắn tỉa quân địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, đẩy địch càng bị động đối phó. Hơn 30 vị trí địch bị bao vây, đánh lấn, con đường số 13 trở nên vắng lặng, quân địch hoang mang, kêu thiếu nước, thiếu lương thực, v.v…

        Trong lúc trung đoàn 88 gấp rút chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm Thái Đào; trung đoàn 36 và 102 đang bao vây tiến công thị xã Bắc Giang… với không khí sôi nổi, khẩn trương, thì đại đoàn nhận được lệnh ngừng bắn. Với nhiều đơn vị khác, có lẽ lệnh này đã đến rất đột ngột, ngoài dự đoán của mọi người. Còn đối với đại đoàn 308 thì được coi như đã biết trước. Thật vậy, từ cuối tháng 6 sau khi ở Điện Biên Phủ trở về, một số đơn vị của đại đoàn được giao nhiệm vụ sửa chữa lại đường số 3- đoạn từ Thái Nguyên- Đa Phúc- Trung Giã. Đây là đoạn đường sắp tới sẽ có một phái đoàn quân sự của ta hàng ngày đáp xe từ Thái Nguyên xuống Trung Giã họp với phái đoàn quân sự Pháp thảo luận về những điều khoản ngừng bắn…

        Đang phục vụ cho một công việc ngày mai sẽ có hoà bình, ngày mai chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam, thì đại đoàn nhận lệnh xuống Bắc Giang hoạt động.

        Thật là tuyệt vời tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đại đoàn Quân Tiên Phong, vì thắng lợi của Tổ quốc, đã vui vẻ lên đường. Ngày mai sẽ có ngừng bắn, hôm nay đại đoàn vẫn tiến công cứ điểm Thái Đào, vẫn vây hãm thị xã Bắc Giang, v.v… mặc dầu biết rằng sau trận đánh sẽ có hy sinh, mất mát.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:37:58 pm »


        Lệnh ngừng bắn đến với đại đoàn không có gì là đột ngột. Nhưng phút đầu tiên nhận được lệnh này không ai ghìm nổi niềm vui sướng. Vẫn biết cái ngày chiến thắng đó phải đến, nhưng khi đến rồi lại xúc động không nói nên lời. Tất cả cán bộ, chiến sĩ của đại đoàn Quân Tiên Phong luôn luôn hướng về Đảng, về Bác Hồ, tin tưởng ở người chèo lái vĩ đại đưa con thuyền kháng chiến Việt Nam tới bến chiến thắng vinh quang. Giờ đây- giờ phút vinh quang áy đã đến. Tất cả mọi người trong giờ phút đầu tiên của ngày chiến thắng- ngày hoà bình này lại nghĩ ngay đến Đảng vĩ đại, đến Bác Hồ kính yêu. Chiến công này trước hết thuộc về Đảng và Bác Hồ. Đảng và Bác đã dẫn dắt nhân dân ta, đã bồi dưỡng và giáo dục quân đội trong đó có đại đoàn 308 chúng ta chiến đấu và chiến thắng. Cả đại đoàn trong những ngày này đều tưởng nhớ những đồng đội của mình đã hy sinh anh dũng trên các nẻo đường chiến đấu - ở mặt trận Hà Nội, mặt trận Biên Giới, mặt trận Trung Du, mặt trận Đồng Bằng, mặt trận Tây Bắc, mặt trận Điện Biên Phủ và mặt trận đường số 13 - Bắc Giang mới đây. Các đồng chí đã hiến dâng cả đời mình cho truyền thống đại đoàn Quân Tiên Phong, cho truyền thống Quân đội nhân dân, cho sự nghiệp thắng lợi hôm nay của dân tộc.

        Đại đoàn thu quân và cùng với nhân dân vùng trung du- Bắc Giang dựng cổng chào, dựng cờ kết hoa, tấp nập như ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công…

        Ngày về chiến thắng

        Tháng Tám năm 1954, lại một vinh dự lớn nữa đến với chúng tôi, Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng và Chính phủ trao cho đại đoàn 308 nhiệm vụ vẻ vang, tiến về tiếp quản Thủ đô.

        Nói sao cho hết niềm vui sướng này? Vui sướng nhất, cảm động nhất là những đồng chí từng chiến đấu ở Hà Nội những ngày đầu kháng chiến, rồi từ Hà Nội ra đi với lời nguyền “ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù”. Những đồng chí chưa từng đến Hà Nội bao giờ cũng đều tha thiết với Hà Nội, đều náo nức với “ngày về”; về nơi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, nơi Người phát lệnh “Toàn quốc kháng chiến” và khẳng định kháng chiến nhất định thắng lợi.

        Nhưng tiếp quả một thành phố hàng chục vạn dân, một nơi mà trong nhiều năm qua bọn xâm lược Pháp đã lấy làm trung tâm chống phá cách mạng thì đâu phải chỉ là một cuộc tiến quân về trong cờ hoa muôn sắc, kèn trống tưng bừng.

        Từ tháng sau, tháng bảy, trong khi hội nghị Giơ- ne- vơ đang tiến triển còn chưa ngã ngũ, bọn đế quốc Pháp- Mỹ đã thúc đẩy các đảng phái chính trị phản động do chúng nặn ra, tiến hành hoạt động chống phá. Giữa tháng 7, tại Hà Nội, bọn Việt gian hô hào “quốc dân bình tĩnh”, chúng tung dư luận xảo trá “Việt Minh chia cắt đất nước, nhường Nam Việt cho Pháp để độc chiếm Bắc Việt”; chúng nặn ra cái gọi là “Uỷ ban bảo vệ Bắc Việt” và cái “trung đoàn thủ đô” để tập hợp lực lượng phản động. Tuy nhiên, trò hề chỉ là trò hề, những cái gọi là “Uỷ ban” và “trung đoàn” ấy không sống được mấy ngày trước không khí tràn đầy phấn khởi của đông đảo nhân dân Hà Nội đang từng ngày từng giờ mong ngóng “ngày về” của quân đội cách mạng, chiến đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

        Cũng từ tháng 7, ở Hà Nội mọc lên những “trại di cư”. Cả bọn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng thống nhất với nhau trong âm mưu cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Báo chí của bọn Việt gian lại một dịp làm chiến tranh tâm lý, đưa ra luận điệu “Không thể sống được với cộng sản”. Kẻ địch ráo riết thực hiện âm mưu trao trả chúng ta một Hà Nội tan hoang, xơ xác, rỗng tuếch, một Hà Nội với đầy cạm bẫy của chúng gài lại.

        Như vậy việc tiếp quản Hà Nội là một cuộc đấu tranh rất phức tạp trên nhiều mặt chính trị, tư tưởng, kinh tế và phải có sự phòng bị về quân sự. Cuộc đấu tranh ấy không chỉ diễn ra khi ta đến, địch đi, mà từ ngày địch cuón gói từng bước; và một khi ta đến, phải tạo ngay được một không khí mới tin tưởng phấn khởi, vui tươi, xua tan những lo âu, mặc cảm. Trách nhiệm nặng nề đó, Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho quân đội. Chính vì thế mà Hồ Chủ tịch đã viết “Mấy lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào thành”. Người dạy:

        “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để giành lấy thắng lợi trong hoà bình”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:39:35 pm »


        Riêng đối với đại đoàn 308, Hồ Chủ tịch triệu tập cán bộ từ đại đội trở lên, đến Đất tổ, giành cho một giờ học tập mà sử sách còn ghi mãi mãi.

        Tôi không được vinh dự có mặt trong buổi nghe Người chỉ giáo hôm đó vì đang cùng với các đồng chí Trần Quốc Hoàn, uỷ viên Trung ương Đảng, bí thư Đảng uỷ tiếp quản Thủ đô, Nguyễn Văn Trân về gần Hà Nội nắm tình hình và tham gia chỉ đạo nhân dân đấu tranh. Khi về tôi được nghe đồng chí Song Hào, chính uỷ đại đoàn và các đồng chí trong phòng chính trị kể lại rất tỉ mỉ.

        … Bác Hồ hồng hào khỏe mạnh lắm, trời thu lành lạnh mà vẫn phong phanh trong bộ quần áo phin màu nâu. Bác gặp cán bộ của đại đoàn ở sân Đền Giếng, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh. Bác hỏi thăm “Các chú có mệt không?” rồi chỉ lên núi, phía Đền Thượng, thân mật hỏi:

        - Các chú có biết đây là nơi nào không?

        - Thưa Bắc, đây là Đền Hùng.

        - Đúng, đền thờ vua Hùng- tổ tiên chúng ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Cá vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám chín năm nay do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương Đảng và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn.

        Bác nói về âm mưu và cuộc đấu tranh hiện nay của nhân dân Hà Nội cũng như ở các vung địch đang chuẩn bị rút; về sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với nhiệm vụ lần này của đại đoàn 308. Bác ân cần căn dặn: Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú phải hết sức đề phòng những âm mưu mà kẻ thù của hoà bình sẽ dùng để phá hoại hàng ngũ chúng ta. Các chú phải luôn luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, cán bộ sống gương mẫu, giản dị, bộ đội phải kỷ luật nghiêm minh. Nếu ai cũng giữ vững lập trường cách mạng và làm đúng chính sách thì không sợ một kẻ thù nào cả. Quân đội ta không được vì hoà bình mà lơi tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam, còn đế quốc trên thế giới thì còn phải xây dựng quân đội mạnh mẽ…

        Khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác nhấn mạnh: Chính phủ đã đề ra mười điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng. Bác mong bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành, phải gương mẫu đúng đắn. Được không? Anh em ta đứng dậy hứa với Bác hoàn thành nhiệm vụ và chúc Bác khỏe, sống lâu. Bác tươi cười hiền hậu đáp lại: Được, muốn Bác vui khỏe sống lâu, các chú hãy làm đúng những lời Bác căn dặn. Bộ đội vỗ tay ran ran tiễn Bác.

        Trước khi lên xe, Bác quay lại vẫy tay chào tạm biệt…

        Một cuộc họp Đảng uỷ đại đoàn được triệu tập bàn việc lãnh đạo bộ đội chấp hành chỉ thị của Bác Hồ về công tác tiếp quản Thủ đô. Cũng trong cuộc họp này, Đảng uỷ đã dành thời gian rút kinh nghiệm các lần tiếp quản trước đo để làm tốt hơn nữa khi vào Thủ đô lần này.

        Chúng tôi không mấy ai quên những khuyết điểm đã mắc khi tiến vào giải phóng thị trấn Thất Khê hồi chiến dịch Biên Giới thu đông năm 1950. Hồi đó qua mười ngày liên tục vận động đánh viện binh địch ở vùnh Khau Luông- Cốc Xá, bộ đội thấm mệt, khi tiến về Thất Khê bắt gặp một thung lũng đẹp, có cánh đồng thoáng rộng, có nước suối trong, có phố xá buôn bán sầm uất, hàng hoá, thực phẩm nhiều, mọi người nảy sinh tư tưởng nghỉ xả hơi. Lúc này tuy địch đã rút chạy, nhưng trong thị trấn còn nhiều việc cần giải quyết: tiếp tục truy quét tàn quân địch, giữ gìn trật tự an ninh, tuyên truyền giải thích chính sách, tổ chức nhân dân mau chóng trở lại làm ăn bình thường, nhưng phải sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu địch. Tình hình khẩn trương đó đòi hỏi bộ đội phải nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững kỷ luật vùng giải phóng, phải thể hiện phong thái đàng hoàng, chững chạc của một đội quân cách mạng, thì một số cán bộ, chiến sĩ đã mắc sai lầm, kỷ luật không nghiêm, lơ là với nhiệm vụ tuyên truyền,giáo dục và tổ chức quần chúng sẵn sàng chiến đấu và trở lại làm ăn bình thường; chấp hành chính sách chiến lợi phẩm không tốt. Tất cả đều do lãnh đạo buông lỏng, gây nên ảnh hưởng xấu.

        Tất nhiên những thiếu sót ấy đã được kịp thời ngăn chặn. Những ai vi phạm kỷ luật đều bị nghiêm trị, và sau đó các mặt công tác tiếp quản được tiến hành chu đáo. Nhưng chúng tôi vẫn coi đây là một lần không hoàn thành nhiệm vụ, một thất bại, phẩm chất của quân đội cách mạng bị vi phạm nghiêm trọng. Những bài học rút ra từ “vụ thất bại tiếp quản Thất Khê” được đem ra giáo dục cho tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn. Nhờ đó, qua các chiến dịch tiếp theo, xuống trung du, về đồng bằng, lên Tây Bắc, sang Thượng Lào, ai nấy đều cố gắng tẩy rửa “tiếng xấu” đó, duy trì kỷ luật chiến trường thật nghiêm, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ gương mẫu trước chiến sĩ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 18 Tháng Mười, 2016, 03:41:11 pm »


        Do đó đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đại đoàn 308 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản tập đoàn cứ điểm này, góp phần nhanh chóng trả lại màu xanh cho cánh đồng Mường Thanh.

        Chúng tôi đã có một số kinh nghiệm tiếp quản.

        Nhưng nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội lại khác hẳn. Một mặt phải đề phòng âm mưu tráo trở và mọi hành động phá hoại của kẻ địch, bảo vệ tài sản của Nhà nước cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặt khác phải mang về Thủ đô một luồng không khí phấn khởi tự hào với chiến thắng của dân tộc; một tinh thần đoàn kết, cách mạng; một phong cách sinh hoạt văn minh, lành mạnh, xua tan những uế khí của một thành phố đông dân đã qua nhiều năm bị địch sử dụng làm một trung tâm chống phá cách mạng, một nơi ăn chơi truỵ lạc phục vụ cho quân đội viễn chinh của chúng.

        Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn xác định đây là một cuộc chiến đấu hết sức phức tạp giữa cách mạng và phản cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, ta quyết thắng và phải thẳng trọn vẹn.

        Toàn đại đoàn phấn khởi triển khai thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này với một tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và rất cụ thể.

        Cơ quan tham mưu cử cán bộ đi trước, cùng với các đội công tác của Chính phủ vào thành phố nghiên cứu các cơ quan, công sở, nhà máy mà ta sẽ tiếp nhận, đồng thời nắm tình hình mọi mặt để đặt kế hoạch cho bộ đội tiến vào tiếp quản Thủ đô, luôn luôn giữ vững thế chủ động.

        Cơ quan hậu cần lo chuẩn bị vật chất từ gạo củi, thức ăn đến các nhu cầu lặt vặt khác, đảm bảo cho hàng vạn con người trong một tháng không phải ra mua ở ngoài phố, ngoài chợ.

        Cơ quan chính trị soạn thảo các tài liệu, in các điều quy định, các chính sách vùng mới giải phóng của Chính phủ để giáo dục sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần và động viên nhắc nhở bộ đội nghiêm chỉnh chấp hành. Công tác giáo dục tiến hành liên tục gần một tháng gồm nhiều nội dung: từ những vấn đề xây dựng quan điểm lập trường, phẩm chất đạo đức của ngườ quân nhân cách mạng, đến việc hướng dẫn bộ đội nhữg điều cụ thể trong sinh hoạt ở thành phố, v.v…

        Trong khi theo dõi công tác giáo dục bộ đội, tôi đã đọc và nhớ mãi một đoạn trong tài liệu giáo dục nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ đề cao cảnh giác, tích cực rèn luyện giữ vững phẩm chất cách mạng: “Trong chiến tranh anh đã anh dũng xông pha lửa đạn, không ngã trước viên đạn bằng đồng, nhưng hãy cẩn thận trong hoà bình, nếu không giữ được phẩm chất cách mạng, anh có thể “chết” vì những viên đạn bọc đường. Trước kẻ thù hung dữ, trang bị đến tận răng, anh có thể là một anh hùng, nhưng đi vào một xã hội sa hoa, phù phiếm, nếu không giữ vững phẩm chất cách mạng chưa chắc anh đã có dũng khí vượt qua…”

        Sự so ánh thật đối nghịch, tưởng như vô lý nhưng lại là một lời khuyên nhủ chí tình, rất thực tế. Phải tự tin, phải có bản lĩnh, nhưng tuyệt đối không lúc nào chủ quan cho mình là toàn thiện toàn mỹ cả. Phẩm chất con người không thể chỉ đánh giá bằng năm tháng tham gia đấu tranh cách mạng, mà còn là ở tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực liên tục của bản thân để vươn lên theo kịp với đòi hỏi không ngừng của cuộc sống, của nhiệm vụ cách mạng trong các giai đoạn khác nhau.

        Đợt giáo dục tiến hành thật khẩn trương, chan hòa tình đồng chí. Anh em chỉ cho nhau những điều hơn lẽ thiệt và cũng xác định một thái độ nghiêm khắc với bất cứ sai lầm nào. Với kết quả của đợt giáo dục, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn có thêm cơ sở để hạ quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để trong nhiệm vụ mới, thực hiện tốt chỉ thị của Bác Hồ về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.

        Những bài học trong các trận chiến đấu với kẻ địch bằng xương bằng thịt trước đây vẫn thích hợp với trận chiến đấu mới với kẻ địch vô hình (chiến đấu về tư tưởng). Một mặt tăng cường giáo dục, tăng cường tổ chức, động viên mọi người giữ vững phẩm chất đạo đức, nhưng cũng cần phải xử lý kỷ luật thật nghiêm khắc với nhưng ai vi phạm. Mọi thắng lợi khi vào tiếp quản sau này đã chứng tỏ giáo dục phải đi đôi với tổ chức kỷ luật, không được coi nhẹ mặt nào.

        Chúng tôi phân công nhau xuống các đơn vị kiểm tra mọi mặt công tác chuẩn bị lần cuối cùng trước khi bước vào trận “chiến đấu đặc biệt”.

        Và Ngày về mong đợi đã đến- Về trong chiến thắng!

        Ngày 2 tháng 10 năm 1954, đồng chí Trần Danh Tuyên dẫn đầu một đoàn cán bộ hành chính vào Hà Nội ký nhận bàn giao mọi mặt với đại diện Bộ chỉ huy quân đội Pháp. Tiếp đó một số phân đội của đại đoàn 308 được lệnh vào trước để cùng canh gác với binh lính Pháp tại các địa điểm trọng yếu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM