Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:45:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36583 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 06:04:37 am »


        Đúng là đại đoàn chúng tôi sắp nhận một nhiệm vụ quan trọng. Bác Hồ đến trực tiếp nắm tình hình bộ đội và chỉ thị cho chúng tôi phải nhanh chóng có kế hoạch khắc phục những điểm yếu về tư tưởng, về tác phong chỉ huy và về kỷ luật chưa thật nghiêm, v.v… Nhiệm vụ cụ thể còn tuyệt đối giữ bí mật. Với bộ chỉ huy đại đoàn, Bác cũng chỉ nói: Phải chuẩn bị ngay cho bộ đội có thể hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phức tạp hơn Tây Bắc.

        Tối hôm ấy, hầu hết cán bộ trong đại đoàn từ cấp đại đội trở lên được đón Bác Hồ với những bài hát do các đồng chí Nguyễn Thành và Ngô Sĩ Hiền mới sáng tác. Trên một bãi cỏ rộng bên đồi chè quen thuộc của đất Phú Thọ, chúng tôi quây quần quanh Bác Hồ, hát rất say sưa:

        “… Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa; suối sâu, đèo cao bao khó khăn vượt qua, bộ đội ta vâng lệnh Cha Già…”.

        “… Miền Tây Bắc tưng bừng tin chiến thắng

        Chiến công đầu dâng Cha Già kính yêu…”.

        Bác cười đôn hậu, gật đầu theo nhịp hát.

        Bài hát kết thúc trong tiếng vỗ tay vang xa, phá tan bầu không khí yên tĩnh của khu rừng cọ.

        Bác nói: giờ văn nghệ đã hết ta chuyển sang việc khác. Nói rồi Bác ngồi vào bên ngọn đèn dầu tự chế bằng sắt đồ hộp chiến lợi phẩm, không được sáng lắm. Bác bắt đầu nói chuyện.

        Giọng đầm ấm, đầy tình thương yêu trìu mến, Bác nói:

        - Chiến dịch Tây Bắc ta thắng to. “Trung ương Đảng, Chính Phủ và Bác bằng lòng các chú, lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước”. “Các chú đã thấm nhuần quyết tâm của Trung ương Đảng, đã đưa quyết tâm ấy làm cho chiến sĩ thấm nhuần và ra sức tiêu diệt sinh lực địch. Các chú đã vui vẻ chịu đựng gian khổ, khắc phục được nhiều khó khăn”.

        Tiếp đó Bác nêu những khuyết điểm mà đại đoàn đã mắc phải trong chiến dịch này. Khác với lúc sáng, khi làm việc với Bộ chỉ huy đại đoàn, bác nhiêm khắc phê phán những khuyết điểm. Nét mặt hiền từ chỉ lộ vẻ không bằng lòng với những thiếu sót, nhưng mỗi lần nhắc đến một khuyết điểm, Người thận trọng hỏi lại: có phải thế không? Các chú có thế không?

        Liền sau đó, Bác lại ôn tồn nêu cho chúng tôi ba phương hướng sửa chữa:

        1.Phải cố gắng học tập, sự học và vô cùng. Hoàn cảnh xã hội ngày một phát triển, ngày một có những cái mới. Không học sẽ lạc hậu. Già như Bác vẫn còn phải học.

        2.Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với bất cứ việc lớn việc nhỏ của Đảng và Chính phủ giao cho.

        3.Phải cố gắng tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm…

        Cuối cùng Bác vui vẻ báo tin:

        - “Lần này 308 được giải thưởng của Bác, 308 phải luôn luôn giữ danh dự đó, quyết thi đua giết giặc lập công nhiều hơn nhưng không được tự kiên tự mãn…”.

        Trước chiến dịch Bác đến động viên, căn dặn phải “quyết tâm”. Sau chiến dịch Bác đến chia vui chiến thắng với cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn. Bác chăm lo mọi thứ cho đại đoàn.

        Tôi thay mặt anh em đứng lên hứa với Bác: Thực hiện đúng các điều Bác dạy. Khi được lệnh ra trận, bất cứ ở nơi nào cũng quyết tâm chiến đấu tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch, lập nhiều chiến công để xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Bác và của nhân dân.

        Bác nhận lời hứa, trao cho tôi 9 ngôi sao đỏ bằng hổ phách trong suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô vừa tặng Bác, Bác tặng lại đại đoàn 308 làm giải thưởng thi đua.

        Đúng đại đoàn 308 “lần này chưa phải hoàn toàn, nhưng hơn mọi lần trước” như Bác đã nhận xét.

        Vẫn còn những khuyết điểm, nhưng đã bớt đi cái bệnh quá say chiến thắng như trong chiến dịch Biên Giới; bớt đi cái bệnh chủ quan, giản đơn trong tổ chức chiến đấu như trận Non Nước, Chùa Cao trong chiến dịch Hà Nam Ninh và trận Pheo trong chiến dịch Hoà Bình.

        Ba tháng tham gia chiến dịch Tây Bắc, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn đã như đi dự một khóa học- mà người thầy giỏi nhất là thực tế, giúp cho mình lớn lên rất nhiều về ý chí- quyết tâm, về thực hành tốt các chiến thuật bôn tập thọc sâu, về bao vây xa kết hợp với bao vây gần tiến công diệt cứ điểm, về truy kích, vu hồi trong đánh địch rút chạy, chọc thủng phóng tuyến địch.

        Bài học của chiến dịch Tây Bắc này thực sự là cái đà nâng bước đại đoàn 308 chúng tôi tiến lên hoàn thành các nhiệm vụ tiếp sau của cuộc chiến đấu…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:03:29 pm »


        Mặt trận Điện Biên Phủ

        Thu đông năm 1953, cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn sôi động nhất. Nhiều chiến dịch lớn, nhiều đợt hoạt động quân sự dài ngày diễn ra cùng một lúc, phối hợp nhị nhàng trên quy mô toàn quốc, cuối cùng kết thúc bằng chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp nghị Giơ- ne- vơ, thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

        Cứ mỗi lần mùa thu đến, cán bộ, chiến sĩ đại đoàn lại rộ lên cuộc tranh luận rất sôi nổi về những vấn đề quen thuộc:

        - Năm nay ta đánh đâu?

        - Đâu là hướng chính?, v.v…

        Thu đông năm nay anh em khẳng định: xuống trung du, về đồng bằng. Vì lúc ấy nhiều đại đoàn chủ lực vẫn áp sát vùng này, và hàng ngày bộ đội tập luyện đều tập đánh các căn cứ boong- ke, loại công sự địch mới chỉ xây dựng ở tuyến phòng thủ trung du và đồng bằng. Có người đoán nếu hướng chính là Vĩnh Yên thì một trong hướng phụ phải là Hải Dương, ta cắt đường 5, quân và dân đồng bằng tranh thủ thời cơ nổi dậy mạnh mẽ như hồi đầu năm 1952 đánh Đờ- lát, thì địch ở Hà Nội rối loạn… Cứ theo đà tự do phán đoán này, có đồng chí đã nghĩ đến ngày về lại Thủ đô không còn xa nữa.

        Nhưng mọi phán đoán ấy đều trệch hướng, vì chỉ dựa vào những mong muốn chủ quan đơn thuần. Định hướng cho một chiến dịch, một đợt hoạt động quân sự phải căn cứ vào sự phân tích hình thái chiến tranh giữa ta và địch trên toàn chiến trường, vào các mối quan hệ giữa các yếu tố quân sự, chính trị và kinh tế, v.v… Rõ ràng sự chỉ dạo chiến tranh của Đảng ta rất linh hoạt. Năm ngoái, tháng 9, cán bộ đại đoàn, trung đoàn đã lên Bộ Tổng tư lệnh nhận nhiệm vụ đi chuẩn bị chiến trường. Năm nay sang tháng 10, cán bộ, chiến sĩ vẫn lăn lộn trên các bãi tập.

        Giữa tháng 10 năm 1953, Na- va mở cuộc hành quân “Hải âu” huy động 6 binh đoàn cơ động, 9 tiểu đoàn pháo và 3 tiểu đoàn thiết giáp đánh ra vùng tây nam Ninh Bình và còn tuyên bố sẽ chiếm Thanh Hóa nữa. Cả phó tổng thống Mỹ Ních- xơn cũng theo quân Pháp đến tận chợ Ghềnh “tác động tinh thần các chiến hữu”. Đối phó với cuộc hành quân này, Bộ giao nhiệm vụ cho đại đoàn 320 cùng với các lực lượng vũ trang địa phương khác đóng đâu ở yên tại đó, tiếp tục tập luyện. Na- va định đánh lừa ta, buộc chủ lực ra phải bị động đối phó, dốc lực xuống Ninh Bình. Nhưng qua 20 ngày hành quân liên miên, bị đánh trước đánh sau, thiệt hại mấy nghìn quân và mất khá nhiều trang bị, phải bị động kéo về. Một lý do nữa khiến cuộc hành quân “Hải âu” phải kết thúc vội vã là Na-va giật mình vì các nguồn tin tình báo: chủ lực Việt Minh chưa có ý định đánh vào châu thổ Bắc Bộ. Đại đoàn 316 đang rời bỏ miền đồng bằng để tiến ngược lên Lai Châu, v.v…

        Từ tháng 5 năm 1953, sang Đông Dương thay chân Sa- lăng, Na-va lo bị mất miền thượng lưu sông Mê Công, với các tỉnh Luông Pha- băng, Viên Chăn, Pắc Xan, vì từ đó đối phương sẽ tiến vào hành lang con sông này uy hiếp miền nam Nam Đông Dương; và như vậy chiến cuộc sẽ rối lên như canh hẹ, kế hoạch giành thắng lợi 18 tháng hết cơ sở thực hiện. Lo như vậy, nên Na- va đã bỏ tập đoàn cứ điểm Nà Sản, để củng cố chỗ đứng còn lại ở Thượng Lào và dự trù đến đầu năm 1954 sẽ mở cuộc hành quân xuất phát từ Lai Châu vào thung lũng Nậm Hu (Thượng Lào) để kiểm soát vùng Điện Biên Phủ đã trở nên một địa điểm quan trọng.

        Vào những ngày đầu tháng 11 năm 1953, có thêm nhiều tin tức tình báo địch phán đoán “Việt Minh sẽ đánh chiếm Lai Châu và Bắc Lào”, thế là Na- va vội vã quyết định ném quân xuống chiếm Điện Biên Phủ…

        Hôm ấy là 20 tháng 11 năm 1953, tại cơ quan Bộ Tổng tư lệnh đang có cuộc họp cán bộ cao cấp để nghe Bộ phổ biến kế hoạch hoạt động Đông Xuân. Cuộc họp chuyển sang trầm lắng, với những ý kiến thảo luận thận trọng, nghiêm túc về các vấn đề tổ chức chỉ huy chiến đấu, thì đồng chí Tổng tham mưu phó Hoàng Văn Thái đến báo tin: địch đã nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

        Kế hoạch cuộc họp bỗng nhiên nhộn nhịp khẩn trương, nét mặt những người dự họp rạng rỡ niềm vui, râm ran cười nói và sôi nổi bàn tán về sự chỉ đạo chiến tranh của Trung ương Đảng là tài tình: ta đã điều địch lên vùng rừng núi; ta đã gọi được rắn ra khỏi hang, v.v…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:12:59 pm »


        Hội nghị vẫn làm việc như chương trình đã định. Nhưng ngày hôm đó, chấp hành mệnh lệnh của Bộ, đồng chí Chu Huy Mân, chính uỷ đại đoàn 316 thôi dự họp, cấp tốc lên đường đuổi kịp đơn vị đang hành quân, tổ chức bộ đội lên Lai Châu nhanh hơn nữa, với nhiệm vụ cụ thể là:

        - Trước hết phải cắt đứt con đường Lai Châu- Điện Biên Phủ.

        - Sau đó bao vây Lai Châu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc diệt địch ở thị xã này như kế hoạch đã được Bộ giao.

        Đồng chí đại tướng Tổng tư lệnh và chúng tôi tiễn chân đồng chí Chu Huy Mân. Buổi tiễn đưa rất đơn giản nhưng thắm tình đồng chí. Đồng chí Tổng tư lệnh xiết chặt tay đồng chí Chu Huy Mân và nói:

        - Đại đoàn 316 phải khẩn trương lên trước, các đơn vị khác tiếp sau. Diệt xong địch ở Lai Châu, có thể đánh lớn ở Điện Biên Phủ…

        Cuối tháng 11 năm 1953, đại đoàn 308 phấn khởi lên đường tham gia chiến đấu, mặc dù lúc này chưa ai biết hướng chiến dịch là đâu? Và mục tiêu chiến dịch nhằm đạt tới là gì?

        Buổi lên đường ra trận được tiến hành nhanh gọn, không một ai thắc mắc vấn vương, là kết quả của quá trình học tập chính trị và rèn luyện nghiêm túc về ý thức tổ chức kỷ luật. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn từ lâu đều có chung một nếp nghĩ- một nếp nghĩ trở thành truyền thống: đã là mệnh lệnh thì chỉ có nhiệm vụ chấp hành, chỉ được hỏi những điểm chưa rõ để quán triệt, chấp hành tốt hơn, chứ không thể và không được đặt điều kiện, bởi lẽ hoạt động quân sự là hoạt động có tổ chức, rất khẩn trương và rất bí mật. Không nhất thì bao giờ cũng nói rõ ý định trước khi tổ chức thực hiện, vì như thế sẽ gây chậm trễ, lỡ việc, mất thời cơ, lộ bí mật, sẽ mất quyền chủ động, sẽ dẫn đến thất bại là điều khó tránh.

        Từ Thái Nguyên, đại đoàn nhận lệnh quay lại phía tây. Đường hành quân lại qua những địa danh còn in đậm dấu ấn chiến công. Qua Sơn Dương- nhớ đến mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào- nơi khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Qua bến Bình Ca, nhớ về chiến công diệt tàu chiến địch trên sông Lô hồi thu đông 1947. Mỗi đoạn đường là một kỷ niệm về sự tích anh hùng tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân tiến bước.

        Vượt bến Bình Ca, đi một đoạn nữa, bắt gặp đường số 2 ở đoạn cây số 5, đại đoàn ngoặt lên phía bắc chứ không vòng xuống tây nam như mọi người đoán định. Đi một đoạn nữa lại bỏ đường số 2 rẽ trái vào đường Bến Hiên- sông Chảy theo hướng chính tây. Luồng tư tưởng đang thuận chiều, bắt đầu rẽ ngoặt từ khúc quanh này. Từ sôi nổi phấn khởi đến trầm lặng- băn khoăn: Tại sao lại đi về phía tây, về nơi còn rất ít địch? Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn rất thông cảm với những băn khoăn đó của anh em, song lúc này chưa thể nói thẳng ra được những điều mà chúng tôi đã được Bộ phổ biến cụ thể. Bởi như thế sẽ phạm vào nguyên tắc bí mật.

        Tuyên Quang - Bến Hiên - Yên Bái, đại đoàn đang đi trên con đường liên tỉnh, đang nhích gần về phía có địch, thì chính trên đoạn đường này anh em lại thắc mắc, lo không được lập công. Cái phức tạp của tư tưởng đồng thời cũng là cái khó của công tác lãnh đạo lúc này. Phải làm sao trong nhận thức của mỗi người vẫn có quyết tâm cao, hăng hái nhiệt tình thi đua giết giặc lập công nhưng biểu hiện ra ngoài lại phải kín đáo, tuyệt đối giữ bí mật. Thật là khó, nhưng cái khó không bó cái khôn mà cái khó đó đã cho cái khôn. Trong công tác lãnh đạo tư tưởng, nhiều sáng kiến nảy nở, nâng tốc độ hành quân. Chính trị viên đại đội 267, Đỗ Đình Sửu trên đường hành quân đã thủ thỉ với chiến sĩ: “Cấp trên cho biết địch đang theo dõi chúng ta, vì vậy không ai được bàn tán gì hết về đường này hướng nọ. Ta đi đâu, ngược – xuôi - ngang dọc là theo mệnh lệnh chiến đấu. Đời chúng ta là cuộc đời chiến đấu. Đâu có giặc là ta cứ đi!”.

        Bấy giờ đoàn văn công Tổng cục Chính trị cùng lên đường đi chiến dịch với đại đoàn. Các đồng chí cũng có tâm trạng như cán bộ, chiến sĩ đại đoàn: sao cứ đi về phía xa mặt trận. Câu giải thích của đồng chí chính trị viên đại đôị 267 và những bước chân đi rộn rã của đoàn quân, đã gợi ý nhạc sĩ Đỗ Nhuận cảm hứng sáng tác. Và đồng chí Đỗ Nhuận đã sáng tác kịp thời ngay trên đoạn đường hành quân này bài hát Hành quân xa.

                                     “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ.
                                    Vai vác nặng, ta đã đổ mồ hôi.
                                    Mắt ta sáng, chí ta bền, bảo vệ đồng quê ta tiến bước.
                                    Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:16:27 pm »


        Những câu hát trầm hùng đầy khí phách lạc quan, nhịp điệu dồn dập thúc giục đó bắt đầu được cất lên từ đại đội 267 lan rất nhanh trong tất cả các đơn vị đại đoàn, đi rất ca, theo bước các chiến sĩ Quân Tiên Phong vượt sông Chảy, sông Thao, sông Đà, lên Sơn La, sang Thượng Lào, trở về Điện Biên Phủ, v.v… Bất cứ ở đâu, dù khó khăn mấy, nếu ở đấy có giặc là đại đoàn hành quân tới, quyết đi tới chiến đấu, lập công, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

        Khi qua Nà Sản, đại đoàn tranh thủ tổ chức nghiên cứu cái tập đoàn cứ điểm- mà địch gọi là “pháo luỹ”, trước sự lớn mạnh của ta đã phải rút bỏ. Cả đại đoàn dừng lại ở đây một buổi để nghiên cứu công sự và cách bố phòng của địch, tích lũy những nhận thức mới về cái mà địch đang coi là một sáng kiến duy nhất để đối phó với một trận tiến công lớn của Việt Minh trên vùng rừng núi. Hôm ấy, tuy đang trong cuộc hành quân xa vất vả, nhưng ai nấy đều rất phẩn khởi được “tham quan” Nà Sản. Anh em nói: thế mới đúng là “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, ta chưa diệt được một tập đoàn cứ điểm nào, song cái hiểu hôm nay rất cần cho chiến thắng ngày mai.

        Ngày 7 tháng 1, đại đoàn vừa qua thị xã Sơn La, đang chuẩn bị vượt đèo Pha Đin, một đèo cao và dài phải đi trọn một đêm mới hết, thì được tin địch rút Lai Châu dồn về Điện Biên Phủ. Đồng chí phó tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái kiêm tham trưởng mặt trận Điện Biên Phủ lệnh cho đại đoàn:

        - Cho ngay một trung đoàn bằng đủ mọi cách đi băng rừng vượt núi cấp tốc đến đóng chốt ở Pom Lót trên đường từ Điện Biên Phủ sang Thượng Lào đề phòng địch từ Lai Châu co về Điện Biên Phủ rồi kéo nhau chạy cả sang Luông Pha- băng.

        - Hai trung đoàn khác gấp rút hành quân theo đường số 41 lên Tuần Giáo tiến vào bao vây rộng ở phía đông bắc Điện Biên Phủ…

        Toàn đại đoàn chuyển động khi nhận được lệnh chiến đấu của Bộ chỉ huy mặt trận.

        Cán bộ, chiến sĩ phấn khởi chờ đón nhiệm vụ cụ thể.

        Bộ chỉ huy đại đoàn họp nhanh chóng nhất trí về những công việc trước mắt:

        - Anh Cao Văn Khánh chỉ huy bộ đội tiếp tục hành quân nhanh chóng tới địa điểm chiến đấu do Bộ quy định.

        - Tôi cùng một số cán bộ tham mưu, các đội quân báo vượt lên trước đội hình hành quân, đến Điện Biên Phủ nắm địch và nghiên cứu địa hình để bộ đội đến, có thể chiến đấu được ngay.

        - Trung đoàn 36 được giao nhiệm vụ đóng chốt ở Pom Lót.

        Chúng tôi hoàn toàn yên tâm về khả năng hoạt động độc lập của trung đoàn này, chỉ nhắc lai lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận vừa giao trước khi trung đoàn lên đường với ý nhấn mạnh:

        - Bảy ngày sau khi nhận lệnh phải có mặt ở Pom Lót.

        Nhưng ngày thứ sáu chúng tôi vui mừng đến sửng sốt khi nhận được điện báo cáo của đồng chí trung đoàn trưởng Hồng Sơn:

        - Chốt Pom Lót đã hình thành trước thời gian quy định một ngày.

        Đây lại là một biểu hiện rất đẹp về tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh của cán bộ, chiến sĩ đại đoàn. Không có con đường nào tới Pom Lót, dù chỉ là đường mòn. Tất cả chỉ còn một cách dựa vào bản đồ, địa bàn mà tìm lối đi. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 36 cứ thẳng đường chim bay mà xẻ núi, băng rừng đi tới với khẩu hiệu: “Đạp bằng mọi trở ngại, quyết nhanh chóng tiến vào Điện Biên Phủ!”. Cùng ngày, trung đoàn 88 và trung đoàn 102 cũng vừa tới đông bắc Điện Biên Phủ, thực hành bao vây xa.

        Đại đoàn đã dàn xong thế trận.

        Điện Biên Phủ đã nằm trong vòng vây của quân ta.

        Nhưng toàn mặt trận vẫn yên tĩnh.

        Mỗi cán bộ, chiến sĩ thường có nhiều suy nghĩ và nhiều mơ ước trước giờ nổ súng. Riêng tôi cái thời gian yên tĩnh này lại nhớ về buổi lên Bộ nhận nhiệm vụ trở lại miền Tây Bắc lần thứ hai. Hôm ấy đồng chí đại tướng Tổng tư lệnh nói ngắn nhưng rất đủ, rất rõ về sự chỉ đạo đầy mưu lược của Trung ương Đảng: giải quyết xong Lai Châu phải nhanh chóng kìm chân địch ở Điện Biên Phủ. Na-va cố tránh chọi nhau với chủ lực ta ở Bắc Bộ trong Đông Xuân 1953-1954 là để có thời gian xây dựng lực lượng cơ động mạnh đến cuối năm 1954 sẽ phản công ta. Nhưng ta quyết không cho chúng điều kiện ấy.

        Đúng là những bước đi của đại đoàn 308 và các đại đoàn bạn đã và đang thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo mưu lược ấy của Trung ương Đảng và của Bộ Tổng tư lệnh, buộc Na- va phải đương đầu với ta ở Điện Biên Phủ, từ chối cũng vẫn bị buộc phải chấp nhận. “Cuộc hành quân xa” của đại đoàn đã góp phần cài thế, dồn địch lao sâu vào thế bị động đối phó.

        Nếu không giữ được bí mật ý đồ chiến dịch, không nhận thức đúng đắn “đâu có giặc là ta cứ đi” thì làm sao ta buộc được Na-va phải đương đầu với ta ở Điện Biên Phủ- một quyết chiến điểm có lợi cho ta, bất lợi cho địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:20:43 pm »


        Ngày 14 tháng 1 năm 1954, tại hang Thẩm Púa gần Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập hội nghị các tư lệnh đại đoàn tham gia chiến dịch, phổ biến kế hoạch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…

        Ngày 25 tháng 1, tất cả các đơn vị tham gia chiến đã chiếm lĩnh xong trận địa tiến công quanh thung lũng Mường Thanh. Đại đoàn 308 được vinh dự nhận nhiệm vụ làm mũi đột phá chủ yếu từ phía tây khe Hồng Lếch đánh thẳng vào sở chỉ huy De Castries.

        Công tác chuẩn bị chiến đấu đã căn bản hoàn thành.

        Tất cả các hướng đang hồi hộp chờ hiệu lệnh nổ súng.

        Nhưng thật bất ngờ. Sự chờ đợi của tất cả mọi người đã không diễn ra.

        Đúng 17 giờ 20 phút chiều hôm đó, đại đoàn nhận được điện thượng khẩn của Bộ chỉ huy mặt trận đình chỉ tiến công, đưa ngay bộ đội trở ra khu vực tập kết chờ lệnh mới.

        Vì sao vậy? Chúng tôi phân vân suy nghĩ: Vì sao tốn bao công phu dàn trận nay lại kéo ra? Xây mà phá thì tiếc lắm! Tiếc cái công phu đưa hàng bạn quân vào tiếp cận địch mà vẫn an toàn; tiếc là bao công việc bề bộn đã hoàn thành tốt trong thời gian rất ngắn như đào công sự, xây dựng trận địa pháo cao xạ, làm hầm chỉ huy, hầm thông tin, v.v… Tất cả đều diễn ra cạnh nách địch mà địch không hay biết. Nhưng những suy nghĩ, phân vân ấy diễn ra không lâu; chúng tôi nhanh chóng xác định: đã là mệnh lệnh thì phải chấp hành, phải tổ chức việc lui quân cũng tốt như lúc đưa quân vào. Khó mấy cũng phải làm và làm thật nghiêm chỉnh…

        Hôm sau vào lúc 14 giờ 30 phút, đồng chí Tổng tư lệnh gọi điện thoại hỏi tôi về tình hình chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận:

        - Đại đoàn thu quân xong chưa?

        - Báo cáo, chúng tôi đã hoàn thành, bộ đội đang ở khu tập kết an toàn.

        - Tốt! Bây giờ anh giở bản đồ ra để theo dõi khu vực chiến đấu mới mà đại đoàn sẽ đảm nhiệm.

        Một phút yên lặng để chuẩn bị, đại tướng nói tiếp, giọng nhấn mạnh vào sau từng vấn đề:

        - Để bảo đảm chiến dịch Điện Biên Phủ chắc thắng, được sự đồng ý của Bộ chỉ huy Quân giải phóng Pa- thét Lào, đại đoàn phối hợp với lực lượng của bạn tiến công vào phòng tuyến Nậm Hu… Phải hành động hết sức nhanh chóng, tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, thu hút lực lượng bộ binh và không quân địch về phía đại đoàn càng nhiều càng tốt. Lực lượng sử dụng bao nhiêu, tuỳ thuộc vào khả năng cung cấp lương thực của đại đoàn mà quyết định cho thích hợp, miễn sao bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ là được!

        Toàn đại đoàn như một guồng máy chạy đều và ăn khớp. Tham mưu lo kế hoạch tổ chức hành quân; hậu cần lo bảo đảm lương thực, thực phẩm; chính trị lo tổ chức quán triệt quyết tâm chiến đấu của Đảng uỷ đại đoàn xuống các đơn vị và tổ chức phát động thi đua lập công, v.v…

        Đảng uỷ đại đoàn họp. Tôi báo cáo dự kiến quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mới: Bộ chỉ huy mặt trận lệnh cho đại đoàn ta phối hợp với lực lượng vũ trang của bạn vận động tiến công vào phòng tuyến Nậm Hu địch vừa mới xây dựng nhằm làm cái cầu nối Điện Biên Phủ với Luông Pha- băng. Làm nhiệm vụ này chúng ta gặp nhiều khó khăn, địch tình và địa hình chưa nắm được; lương thực thực phẩm phải tự lo lấy. Cấp trên cho phép ta được toàn quyền quyết định sử dụng lực lượng, có thể từ một tiểu đoàn, trung đoàn hoặc toàn đại đoàn. Nhưng ta chỉ được phép quyết định với ý thức trách nhiệm cao. Đưa một tiểu đoàn khó ít, đưa một trung đoàn khó nhiều, đưa toàn đại đoàn đi hoạt động xa thì vô cùng khó khăn. Nhưng như thế mới có lực mạnh để tạo thế mạnh, mới thu hút được bộ binh địch và không quân địch. Khó khăn là một việc không thể tránh khỏi. Không cần phải bàn, vấn đề là tìm cách khắc phục, quyết tâm vượt qua thì có thắng lớn, vì đây là hướng sơ hở của địch, ta có điều kiện đánh một đòn có ý nghĩa chiến lược. Hơn nữa, địch dang theo dõi đại đoàn ta, một khi thấy 308 rời Điện Biên Phủ , địch sẽ cho rằng ta đã thay đổi hướng tiến công chủ yếu, buộc chúng phải- một mặt bị động đối phó với đại đoàn ta, mặt khác chúng sẽ mắc sai lầm, cho ta không đủ khả năng đánh vào Điện Biên Phủ, càng tạo cho các lực lượng ở đây có thời gian chuẩn bị tốt để thực hiện một trận quyết chiến thắng lợi…

        Cuộc họp diễn ra khẩn trương và rất hào hứng. Thẳng thắn nên hết khó khăn nhưng cũng rất có trách nhiệm bàn bạc biện pháp khắc phục. Những vấn đề về quyết tâm, về phương thức chiến thuật, về tổ chức chỉ huy, Đảng uỷ nhất trí nhanh, còn lại chỉ là vấn đề lương thực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 08:22:43 pm »


        Đưa một đại đoàn đi chiến đấu, mồi ngày cần phải có 5.000 kilôgam gạo. Con số tuy lớn, nhưng chia ra cho hàng vạn con người thì chỉ là nhu cầu tối thiểu. Lúc đầu cuộc họp lắng xuống về con số này, nhưng ý kiến sôi nổi trở lại, dần dần nhớ lại những khó khăn tương tự đã giải quyết nay mang ra rút kinh nghiệm và bổ sung thêm biện pháp khắc phục phù hợp với tình hình mới. Cũng thời gian này năm ngoái đại đoàn cùng với Quân giải phóng Pa- thét Lào đuổi địch từ Sầm Nưa xuống Xiêng Khoảng, giải phóng một vùng rộng lớn, là nhờ gạo thóc của nhân dân nước bạn ủng hộ và cho vay. Năm ta nay ta cũng sẽ theo con đường đó, nhưng để đảm bảo chiến đấu dài ngày thì không thể trông cậy vào những cối giã gạo nhỏ của nhân dân được.

        Như vậy khó khăn khác lại được đặt ra, biến thóc thành gạo?

        Về khó khăn này, mới đây trong những ngày vây hãm địch ở Điện Biên Phủ, hậu cần đại đoàn đã có sáng kiến tổ chức đóng cối xay, làm chày giã nhờ đó mà đại đoàn có đủ gạo ăn. Tất cả những kinh nghiệm, những sáng kiến nảy ra trong thực tiễn là cơ sở tin cậy để Đảng uỷ đại đoàn ra nghị quyết: tổ chức một đội làm công tác vận động nhân dân cho vay thóc, gạo; lập các đội xay giã gạo và các đội vận chuyển.

        Nội dung tuy nhiều và phức tạp, nhưng Đảng uỷ họp bàn rất nhanh gọn và đạt tới sự nhất trí cao về những vấn đề sau đây:

        - Quyết tâm đưa cả đại đoàn đi chiến đấu.

        - Phương châm hành động là tự lực và gấp rút:

        + Tự lực khắc phục khó khăn, tìm địch mà đánh.

        + Chuẩn bị gấp rút, hành quân gấp rút, tổ chức tiến công gấp rút nhưng chắc thắng.

        Cả đại đoàn chuyển động triển khai thực hiện nghị quyết Đảng uỷ đại đoàn.

        Dọc các khe của triền núi phía tây Mường Thanh, chỉ cách địch khoảng bốn kilômét, người đi lại rầm rập, tấp nập như một ngày hội. Những đồng chí có nghề “phó cối”, “phó mộc” tạm thời nghỉ tay súng (nhưng súng vẫn liền người) chuyển sang nghề xay thóc giã gạo. Các đồng chí đau yếu tập trung về ban quân y trung đoàn để ra khu vực an toàn điều trị…

        Thời gian không còn nhiều, chậm phút nào, giờ nào là mất cơ hội. Nghị quyết Đảng uỷ phổ biến tới trung đoàn, tiểu đoàn. Không còn thì giờ nào để động viên giải thích, nhưng cán bộ. chiến sĩ đại đoàn đã quen với nếp nghĩ “quân lệnh như sơn”- khi có điều kiện thì phổ biến rồi chấp hành, bằng không thì có lệnh là chấp hành ngay, việc “binh đao” là rất khẩn trương và rất kỷ luật. Hiểu như vậy nên ai nấy đều theo lệnh chấp hành răm rắp…

        18 giờ 30 phút ngày 26 tháng 1 năm 1954, toàn đại đoàn lên đường với nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang: diệt sinh lực địch và thực hành nghi binh chiến dịch.

        Cho đến hôm nay đã không biết bao lần hành quân ra trận, nhưng phải nói đây là cuộc đi trận lần đầu bộ đội mang vác “nhẹ nhõm”- một thứ “nhẹ nhõm” lo hơn là mừng. Vì các lần ra đi khác, mỗi người phải có ít nhất 5- 10 kilôgam gạo, bao gạo trên vai căng phồng, thì lần nay lương thực của mỗi người chỉ vẻn vẹn một cái túi nhỏ buộc gọn ở thắt lưng: một ngày lương khô và một ngày gạo.

        Theo kế hoạch, đội quân báo của đại đoàn và tiểu đoàn 18 hợp thành đội tiền vệ do đồng chí đại đoàn phó Cao Văn Khánh chỉ huy bứt lên trước đội hình có nhiệm vụ mở đường, gặp địch là chủ động đánh ngay. Đi liền trong hai ba ngày đêm đội tiền vệ đã đến Sốp Nao.

        Sốp Nao ở phía tây nam Điện Biên Phủ, theo đường chim bay thì không xa lắm, nhưng đường rừng núi quanh co, phải 80 kilômét mới tới. Đến Sốp Nao là bước vào phạm vi kiểm soát của phòng tuyến sông Nậm Hu. Cả đại đoàn được trang bị hai máy vô tuyến điện, nên phải tổ chức hành quân nhảy cóc. Cứ một đài dừng lại làm việc, thì đài kia vượt lên, cứ thế thay nhau vừa đi vừa dừng lại làm việc để giữ vững liên lạc với trên và với các cánh quân của đại đoàn.

        Đêm 29 tháng 1, đại bộ phận đại đoàn đến vùng Sốp Nao thì bộ phận tiền vệ của đại đoàn vượt lên trước một ngày đường, đến sát bờ sông Nậm Hu. 20 giờ 20 phút- đúng giờ quy định liên lạc với Bộ chỉ huy mặt trận, đồng chí Cao Văn Khánh cho mở điện đài, thì được tin: địch đã phát hiện đại đoàn 308 rời Điện Biên Phủ, chúng ra lệnh bỏ Mường Khoa và các đồn lân cận, có thể địch rút xuống Nậm Bạc. Thế là Na-va vẫn theo bài bản cũ đối phó với các cuộc tiến công của ta ở chiến trường rừng núi là rút chạy, co lại, thành lập tập đoàn cứ điểm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:26:17 am »


        Bộ chỉ huy đại đoàn nhận định: thời cơ, thuận lợi để chúng ta đập tan phòng tuyến Nậm Hu, thực hiện ý định của Bộ chỉ huy mặt trận, đẩy địch xuống tận Luông Pha- băng, thu hút lực lượng không quân và bộ binh địch về phía này càng nhiều càng tốt, đã có. Quyết tâm của đại đoàn là ngay trong đêm 29 tháng 1 phải nhanh chóng hình thành ba cánh quân đánh địch:

        - Trung đoàn 102 tiến sang Mường Khoa.

        - Trung đoàn 88 là cánh chọc thẳng, tiến xuống bao vây Mường Ngòi.

        - Trung đoàn 36 đánh vu hổi, tiến sâu tới phòng tuyến Nậm Bạc.

        Biết địch chuẩn bị rút Mường Khoa, đại đoàn ra lệnh cho các cánh quân: tiến công gấp, truy kích mạnh. Cũng đêm nay gạo vừa hết, nhưng được tin địch hoang mang cao độ, đang đốc thúc nhau rút chạy nên bộ đội quên đói, vui vẻ làm nhiệm vụ, vừa đuổi địch vừa nhắc lại chuyện đuổi địch ở Thượng Lào tháng 4 năm 1953 với khẩu hiệu đã dùng hồi ấy: “cấp dưỡng ở phía trước!” để động viên nhau tiến lên. Bởi vì kinh nghiệm thực tế cho thấy trong truy kích địch, thì nguồn cấp dưỡng của ta là ở phía trước: ở trong đội quân địch đang cắm đầu chạy, ở trong các đồn bốt mà chúng hoảng hốt rút bỏ chưa kịp phá huỷ và cả trên “trời” địch thả dù cho nhau rơi xuống.

        Từ ngày 29 tháng 1 đến 1 tháng 2 năm 1954, các cánh quân của đại đoàn tiến quân ào ạt tiêu diệt và bức địch phải rút bỏ Mường Khoa, Mường Ngòi và các đồn bốt lân cận khác. Phòng tuyến Nậm Hu chỉ còn là những đám tàn quân bị đánh tơi tả, số bị chết, bị thương nằm rên la cầu cứu, van xin, số bỏ trốn lẩn lút trong rừng sâu, dưới các khe suối.

        Ngày 3 tháng 2, mọi người đều không quên hôm nay chính là ngày mồng một Tết Nguyên đán, nhưng chúng tôi cũng chỉ có thể đón ngày Tết cổ truyền của dân tộc trong ý niệm, bởi vì đúng vào ngày này cuộc chiến đấu đang bước sang giai đoạn khẩn trương, không có thời gian nào ngớt tiếng súng. Súng nổ râm ran trên toàn bộ mặt trận. Trên trời từng đàn máy bay địch chở quân từ đồng bằng Bắc Bộ lên tăng viện cho Văng- đơ- rây lập tập đoàn cứ điểm Mường Sài. Dưới đất, các đơn vị nâng cao tốc độ tiến nhanh vào bao vây Mường Sài, bắn súng cối tiêu hao địch…

        Ngày 5 tháng 2 (tức mồng ba Tết) sau khi tiêu diệt 17 đại đội, một tiểu đoàn lê dương số 2 thuộc trung đoàn 3 của địch, các đơn vị tiếp tục quét tàn quân địch dọc dòng Nậm Hu. Năm ngày sau, trung đoàn 36 tiến sát đến cửa sông Nậm Hu. Trước mắt các chiến sĩ- một vùng sông nước mênh mông, hùng vĩ. Cửa sông Nậm Hu đã rộng, nhìn ra sông Mê Công còn rộng gấp mấy lần, nước chảy cuồn cuộn, gió lộng thổi ào ào, lạnh giá.

        Đại đoàn lệnh cho trung đoàn 36 tiếp tục phát huy thắng lợi, bằng bất cứ giá nào cũng phải vượt sông Nậm Hu tiến về Luông Pha- băng, càng sớm càng tốt. Nậm Hu con sông đã ở ngay trước mặt các chiến sĩ, nhưng vượt qua nó không phải dễ dàng. Dòng sông nước cuồn cuộn chảy điều này ai cũng thấy, nhưng tình hình ở hai bên bờ sông thì vẫn là điều bí mật. Bên này sông không một bóng người. Bên kia, tình hình địch thế nào ta hoàn toàn chưa nắm được.

        Nhưng đã là mệnh lệnh, phải tuyệt đối chấp hành. Đội quân báo vàmột tổ tiền tiêu của trung đoàn đóng mảng sang trước thăm dò, chiếm bến đổ bộ. Nguyễn Quảng Châu xung phong nhận nhiệm vụ này. Châu là một chiến sĩ quân báo gan dạ, tháo vát, từng được thưởng Huân chương Chiến công hạng hai về thánh tích dũng cảm, mưu trí trong nhiệm vụ điều tra địch ở bốt Thái Đào, bốt Mỹ. Trong những ngày điều tra địch ở tây nam Điện Biên Phủ, Châu cùng với một số đồng chí nữa dùng mưu bắt sống 32 lính nguỵ để lấy tài liệu chính xác. Lần này đồng chí Châu chỉ huy một tổ, mỗi người ôm lấy một thân cây chuối vui vẻ vượt sông trước sự thán phục kèm theo sự lo lắng của đồng đội. Họ chẳng ngại địch ở bên kia bắn sang, cũng chẳng lo sông rộng, nước chảy xiết, gió lạnh thổi ào ào, chỉ ngại là- nghe nói vùng sông này có cá sấu…

        Một tiếng đồng hồ trôi qua. Bên kia sông bỗng loé lên ngọn lửa nhỏ, tín hiệu không có địch. Toàn đội quân báo qua sông an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:29:03 am »


        Ngày 6 tháng 2, một bộ phận của trung đoàn 36 vượt sông khi trăng đầu tuần vừa nhô lên, tiến thẳng tới đồn Bản Na- một tiền đồn của Luông Pha- băng do một trung đội lê dương và một trung đội nguỵ đóng giữ. Sau ít phút, tiểu đoàn 89 đã đánh tan đồn này, bắt sống tên quan hai đồn trưởng và hơn 20 lính lê dương.

        Như vậy là đại đoàn đã đến cửa ngõ Luông Pha- băng (cách hơn 10 kilômét)- nơi dòng Nậm Hu hoà với nước Mê Công, dồn địch tụt sau vào thế bị động lúng túng. Bản Na bị tiêu diệt, Luông Pha- băng bị uy hiếp nghiêm trọng. Suốt ngày đêm những chuyến máy bay vận tải liên tục đi về giữa Hà Nội và Luông Pha- băng, đổ xuống kinh đô nước Lào bi chiếm đóng đủ mọi thứ, quân lính, vũ khí đạn dược, những tấn dây thép gai, những tấm sắt lát sân bay, v.v… Na-va trúng kế của ta buộc phải điều quân cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ sang Luông Pha- băng gấp rút lập thêm tập đoàn cứ điểm nữa.

        Ngày 13 tháng 2, sau trận Bản Na, đại đoàn được lệnh ngừng tiến công để lại một bộ phận tiếp tục uy hiếp Luông Pha- băng và Mường Sài, còn đại bộ phận bí mật trở về Điện Biên Phủ.

        Bộ chỉ huy đại đoàn họp xác định cần làm tốt hai việc lớn để đảm bảo cho bộ đội hành quân trở lại Điện Biên Phủ an toàn, bí mật, đúng thời gian quy định: Tổ chức chỉ huy hành quân và tổ chức lực lượng ở lại phối hợp với bộ đội địa phương hoạt động nghi binh dọc sông Nậm Hu và liên tục bắn súng cối vào Mường Sài nhằm làm cho địch yên trí rằng đại đoàn 308 đang gấp rút củng cố bàn đạp chuẩn bị mở đợt tiến công mới. Trong lúc đại bộ phận đại đoàn chuẩn bị hành quân, thì có một tiểu đoàn dân công từ Điện Biên Phủ sang. Sự đi lại của hơn 500 anh chị em dân công trên khắp khu vực địch vừa mới bỏ chạy càng làm cho cả vùng này tấp nập, nhộn nhịp, không khí sôi động như một ngày hội. tạo thành một bức màn che mắt địch rất tốt để đại đoàn bí mật hành quân về phía tây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đúng thời gian quy định.

        Chủ trương của Bộ chỉ huy mặt trận mở cuộc tiến công vào phòng tuyến Nậm Hu là một chủ trương sáng suốt, một nước cờ cao, tính trước được nhiều nước; bắn đi một mũi tên mà cùng lúc trúng nhiều mục tiêu:

        - Đánh trúng nơi địch yếu, ta chẳng tốn mấy sức, chẳng mất mấy thời gian mà tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, đập tan phòng tuyến Nậm Hu cô lập Điện Biên Phủ ;

        - Đánh trúng hướng chiến lược quan trọng, buộc địch phải đem quân cơ động từ đồng bằng Bắc Bộ lên giữ Luông Pha- băng, Mường Sài; và như vậy là tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta ở vùng châu thổ sông Hồng phá ruỗng thế trận của địch trên địa bàn chiến lược rất quan trọng đó;

        - Đánh lạc hướng phán đoán của địch sang phía thượng lưu sông Mê Công để ta có thêm điều kiện thuận lợi tiếp tục mọi công tác chuẩn bị tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Những tài liệu của Pháp nói nhiều về sự lạc quan của tướng Na- va khi thấy đại đoàn 308 rời mục tiêu Điện Biên Phủ chuyển sang phòng tuyến Nậm Hu, tưởng rằng dó là một biểu hiện chứng tỏ “Việt Minh không dám lao vào Điện Biên Phủ”; nào ngờ đâu chính Na- va bị đánh lạc hướng. Cho đến “ngày 13 tháng 3 năm 1954, Việt Minh tổng tiến công vào Điện Biên Phủ, sau khi đại đoàn 308 của họ đang uy hiếp Luông Pha- băng đã trở về bao vây tập đoàn cứ điểm này, lúc bấy giờ Na- va mới biết chắc là họ quyết tâm đánh bằng được Điện Biên Phủ, nhưng muộn rồi”.

        Từ Nậm Hu trở lại Điện Biên Phủ rất gấp, như anh em nói vui: “Chưa kịp thở đã xung trận rồi!”. Trung đoàn 88 do đồng chí Thái Dũng, trung đoàn trưởng, đồng chí Đặng Quốc Bảo uy, sau ba ngày khẩn trương chuẩn bị đã phối hợp với trung đoàn 165 (đại đoàn 312) tiến công cứ điểm đồi Độc Lập. Trận đánh kết thúc vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 15 tháng 3, ta mở toàn cánh cửa thứ hai ở phía bắc Mường Thanh và cũng là trận kết thúc thắng lợi đợt I của chiến dịch (ngày 13 tháng 3, đại đoàn 312 đã diệt cứ điểm Him Lam).

        Ngày 17 tháng 3, Bộ chỉ huy mặt trận triệu tập hội nghị cán bộ họp tại Mường Phăng. Cán bộ chỉ huy các đại đoàn bộ binh, các đơn vị pháo binh, công binh, thông tin, cao xạ, từ các nơi đổ về, gặp nhau tay bắt mặt mừng, vui nhử đi dự hội nghị mừng công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:32:36 am »


        Trong hội nghị này đồng chí đại tướng Tổng tư lệnh đã phân tích diễn biến địch ta trên toàn bộ chiến trường Đông Dương và ở Điện Biên Phủ nói riêng, nêu ra nhiệm vụ cụ thể phải làm để thực hiện bằng được quyết tâm của Trung ương Đảng: tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Một là, phải nhanh chóng tiếp cận, bao vây địch bằng cách xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch khắp các mặt đông, tây, nam bắc trong cự ly có hiệu quả của tất cả các loại súng lớn, nhỏ của ta, đồng thời chia cắt khu Hồng Cúm với khu trung tâm Mường Thanh;

        Hai là, tiếp tục đánh “bóc” thêm một số cứ điểm ở ngoài “vỏ” tập đoàn cứ điểm theo nguyên tắc phải đảm bảo chắc thắng;

        Ba là, phải khống chế sân bay của địch có hiệu quả, chuẩn bị đánh địch phản kích, tăng cường hoạt động nhỏ, tiêu hao, quấy rối quân địch, tạo thời cơ tiêu diệt lớn, kết thúc thắng lợi hoàn toàn.

        Đại đoàn 308 được Bộ chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ xây dựng bằng được hệ thống trận địa tiến công và bao vây quân địch từ đồi Độc Lập ở phía bắc qua Bản Kéo, Phương án Luông, Hồng Lếch ở phía tây, vòng xuống đến bản Cò Mị ở phía nam. Đến Cò Mị, trận địa của đại đoàn nối liền với trận địa của đại đoàn 316 từ phía đông vươn sang, quây vòng quanh trung tâm Mường Thanh, đồng thời chia cắt địch ở đây với phân khu Hồng Cúm.

        Chỉ huy sở đại đoàn đặt ở khe Hồng Lếch, trên một triền núi. Công binh của đại đoàn đã xẻ đôi quả núi này sâu hơn chục mét, dưới đáy có đào các ngách là nơi làm việc của các phòng, ban. Mọi sinh hoạt và làm việc đều dưới khe sâu vừa bảo đảm được bí mật vừa bảo đảm sinh hoạt bình thường.

        Bộ chỉ huy đại đoàn xác định quyết tâm: trên cơ sở quán triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, có kế hoạch tổ chức chỉ huy tốt, thực hành nghiêm chỉnh biện pháp tác chiến của chiến dịch là xiết chặt vòng vây; từng bước đánh lấn ép chặt quân địch, lần lượt tiến công các cứ điểm ở vòng ngoài cùng, cắt sân bay, triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện, tiến tới phá vỡ, tiêu diệt toàn bọ hệ thống trận địa tập đoàn cứ điểm của địch. Sau này chúng tôi rút gọn chiến thuật đó thành sáu chữ cho dễ nhớ: Vây- Lấn- Tấn- Phá- Triệt- Diệt.

        Giai đoạn xây dựng trận thật vất vả kèm theo cả hy sinh, nhưng cũng thật lạc quan, để lại trong tôi những kỷ niệm rất sâu sắc về nhiều mặt; tinh thần chấp hành mệnh lệnh nghiêm túc, tổ chức chỉ huy sáng tạo, gương chiến đấu anh dũng tuyệt vời của cán bộ, chiến sĩ đại đoàn.

        Trong việc xây dựng trận địa, bước thứ nhất đại đoàn phải đào một đường hào trục bắt đầu từ cửa rừng phía bắc đồi Độc Lập vòng sang Bản Kéo chạy về phía nam ôm lấy phía tây cánh đồng Mường Thanh. Đường hào trục này dài 10 kilômét, sâu hai mét, đáy rộng một mét, miệng hào 1,6 mét đảm bảo hai người đi ngược chiều nhau thoải mái và khiêng vác thương binh được thuận lợi; miệng hào phải được nguỵ trang chu đáo, chống máy bay trinh sát của địch phát hiện.

        Thế là toàn bộ sinh hoạt của bộ đội phải thay đổi. Giấc ngủ của cán bộ, chiến sĩ chuyển về buổi sáng. Hàng ngày sau bữa cơm trưa, từng đơn vị có tổ chức chặt chẽ, vào sâu trong rừng chặt cành cây (bìa rừng có rất nhiều cây nhưng để đảm bảo bí mật) để chuẩn bị che phủ miêng hào sắp đào. Buổi chiều, cơm xong mặt trời sắp lặn, các đơn vị nhanh chóng triển khai tiếp tục đào hào- xây dựng trận địa. Cán bộ chỉ huy đi đầu, tay cầm một gây dài vừa làm thước đo vừa làm gậy chống. Chỉ tiêu mỗi trung đoàn phải đào 500 mét hào đúng kích thước, đào đến đâu nguỵ trang đến đó. Đào xong hào trục, đào tiếp các nhánh ngang chĩa vào các vị trí địch hoặc đi vào quãng giữa hai vị trí địch. Rồi từ những nhánh ngang ấy lại đào nhiều nhánh phục vươn dài ra như những cánh tay khổng lồ có nhiều ngón- tạo thành một mạng lưới hào chằng chịt, bao vây, chia cắt các vị trí địch.

        Những ngày xây dựng trận địa tiến công cũng là những ngày chiến đấu quyết liệt với địch.

        Địch dùng mọi thủ đoạn đánh phá: bom, pháo và dùng bộ binh phản kích suốt ngày đêm. Trận địa mà đại 229 thuộc trung đoàn 88 xây dựng là một trong nhiều ví dụ để nó rằng mỗi mét hào ở đây là kết quả của mồ hôi và xương máu, là sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng trận địa để chiến đấu, chiến đấu để xây dựng trận địa diệt địch. Trận địa do đại đội 229 xây dựng nằm gần hai bản Pe  Luông và Bản Bó, luồn sâu, áp sát vào sân bay Mường Thanh. Địch coi trận này như một “vật chướng ngại rất nguy hiểm”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2016, 05:36:35 am »


        Ngày 23 tháng 3, De Castries giao cho tên thiếu ta Bigeard kẻ được phong cái chức “tổng chỉ huy các lực lượng phản kích” mở một trận đánh điển hình “răn đe”, với hy vọng có thể san bằng trận địa mà ta mất bao công phu xây dựng. Nhưng các chiến sĩ đại đội 229 chiến đấu rất ngoan cường, với khẩu hiệu “dù chỉ còn một người cũng đánh”.

        Trận đánh kết thúc thắng lợi vào buổi sáng. Buổi chiều tôi và một số cán bộ tham mưu, chính trị trên cơ quan đại đoàn bộ xuống thăm chia vui chiến thắng với đại đội và kịp thời góp ý kiến rút kinh nghiệmvới các chiến sĩ để trận sau đánh tốt hơn, thắng to hơn. Chúng tôi đến trận địa vẫn còn khét mùi thuốc súng, dấu tích anh hùng của đại đội 229 vẫn còn in đậm ở khắp mọi nơi: các chiến hào, ụ súng còn hằn vết xích xe tăng địch. Bộ đội đang khẩn trương sửa sang lại hầm hào nhộn nhịp như một công trường xây dựng. Anh em nói: mệt hơn cả vẫn là công việc dọn đi cho sạch những đống xác chết của quân lính Bigeard và làm vệ sinh trận địa. Tại đây đoàn được nghe một đồng chí cán bộ đại đội 229 kể lại trận đánh buổi sáng. Đồng chí say sưa vừa kể vừa chỉ cụ thể trên thực địa với đầy đủ các diễn biến như người thuyết minh trận đánh trên sa bàn. Cho đến hôm nay- đã 25 năm trôi qua, nhiều chi tiết trận đánh tôi không nhớ hết, có cái quên hẳn, nhưng những chiến sĩ xuất sắc của trận đánh Pe Luông thì tôi còn nhớ mãi mãi:

        … Trên một quãng hào của trận địa Pe Luông chỉ còn hai đồng chí Nguyễn Hoàng Phương, y tá đại đội trưởng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng hai trong trận Nghĩa Lộ hồi tháng 10 năm 1952 và đồng chí Bùi Minh Đức 18 tuổi mới cầm súng từ Đông Xuân này. Một chiếc xe tăng địch xông tới chồm qua chiến hào. Nó rú ga tăng tốc vượt qua chiến hào thì đồng chí Phương nhô lên ngay, lia tiểu liên quật ngã gần 10 tên lính bộ binh đang lom khom, run rẩy đi theo xe tăng. Nhưng cũng lúc ấy cả hai tay đồng chí Phương bị trúng đạn. Quãng hào này chỉ còn lại tiếng súng bắn tỉa rất trúng của đồng chí Đức, không một tên địch nào dám hung hăng. Chúng nằm lại sợ sệt nhưng cũng ngoan cố tìm cách chống lại. Ba quả đạn ĐKZ của địch phóng, trận địa của đồng chí Đức vẫn an toàn, tiếng súng bắn tỉa vẫn nổ đanh, đến quả thứ tư thì đồng chí Đức chỉ kịp nghe tiếng sẹt rồi hai mắt tối sầm lại. Trận địa còn lại hai người: đồng chí Phương còn mắt, mất hai tay, đồng chí còn tay nhưng hai mắt bị thương nặng.

        Mọi người tưởng chuyện kể đến đây kết thúc, nhưng không, đồng chí cán bộ đại đội vẫn tiếp tục nói: dù chỉ còn một người cũng đánh, mà tại đây còn hai người thì làm sao im được tiếng súng.

        - Anh còn mắt, anh cố quan sát, chỉ mục tiêu cho tôi. Tay tôi còn, tôi bắn- Đức nói khẩn khoản với Phương như vậy.

        Đồng chí Phương khẳng định:

        - Sao lại cố, đó là nhiệm vụ…

        Thế là trận địa lại không ngừng tiếng súng- tiếng súng phát ra tư một cây súng do công sức hai mắt của người này cộng với hai tay của người kia tạo nên. Một tiếng súng chứa đựng biết bao tình nghĩa và lý trí, có một sức mạnh ghê gớm khó so sánh, chỉ biết rằng, cho đến lúc kết thúc trận đánh, địch vẫn không tiến thêm được một bước nào trước khẩu tiểu liên do hai đồng chí thương binh Phương và Đức điều khiển.

        Trận thắng Pe Luông là đỉnh cao tuyệt vời của lòng dũng cảm rất độc đáo. Tên tuổi hai đồng chí Đức và Phương sẽ mãi mãi gắn với địa danh lịch sử này- trận thắng Pe Luông: mãi mãi sẽ là bài học không thể thiếu được trong nhiệm vụ giáo dục và xây dựng quyết tâm chiến đấu. Nhưng chúng tôi vẫn còn băn khoăn, vì sao lúc đầu địch đánh tràn được vào trận địa ta?

        Chính vì lẽ đó mà chúng tôi quyết định ở lại một thời gian nữa để tìm nguyên nhân. Cùng với các đồng chí cán bộ tác chiến đại đoàn, tôi đi dọc chiến hào, dừng lại lâu ở những điểm bị địch đánh phá, thấy nổi lên một hiện tương, phần lớn các bờ hào, các ụ súng của ta đều bị phá huỷ là do trúng đạn bắn thẳng của pháo xe tăng địch. Tôi nêu vấn đè này ra để cán bộ, chiến sĩ đại đội 229 thảo luận tại chỗ. Ý kiến phát biểu nói chung là sôi nổi; là người tỏng cuộc, anh em nêu lên nhiều lý lẽ rất hay. Tựu chug có hai lý do:

        - Vì súng chống tăng ta còn thiếu.

        - Vì tổ chức trận địa hoả lực ta chưa tốt.

        Cả hai ý kiến “tại vì” mà anh em nêu lên đầu là nguyên nhân lúc đầu địch có thể tràn vào trận địa ta. Nhưng nghiêm khắc mà nói, trong trường hợp cụ thể này thì nguyên nhân thứ hai mới là chủ yếu. Bởi vì ở Pe Luông ta có súng Ba- dô- ca, có ĐKZ- là những vũ khí chống tăng nhưng thiếu trận địa bắn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM