Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:30:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36573 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:20:45 pm »


        Sau một đêm họp Đảng uỷ đại đoàn, tôi lên Bộ chỉ huy chiến dịch báo cáo quyết tâm và kế hoạch tác chiến mà Đảng uỷ đại đoàn đã thông qua, rồi tiếp ngay đó là cuộc tiến quân vào Tây Bắc mà cán bộ và chiến sĩ trong đại đoàn chúng tôi đã được chuẩn bị kỹ về tinh thần và tổ chức. Mọi người xác định: Tây Bắc! Gian lao sẽ lắm và thắng lợi cũng nhiều đang chờ đang đợi chúng ta.

        Tiến vào Tây Bắc. Mờ đầu là một cuộc hành quân thọc sâu táo bạo, đánh ngay vào vị trí đầu não phân khu Nghĩa Lộ, nơi rắn nhất của địch ở Tây Bắc. Chiếm được Nghĩa Lộ, ta sẽ mở toàn cửa ngõ tiến sâu vào giải phóng miền Tây. Cái khó, đồng thời cũng là bí quyết thành công của ta trong trận then chốt mở đầu chiến dịch, là mọi hành động của đại đoàn phải giữ được bí mật tuyệt đối, phải tranh thủ bất ngờ. Bởi vì, nếu bị địch phát giác đề phòng, chúng đánh chặn viện ta từ đèo Khâu Vai cheo leo, hiểm trở là ta khó mà tiến được đại binh vào tới Nghĩa Lộ, chứ chưa nói gì đến thắng lợi.

        Đêm 15 tháng 10 năm 1952, các đơn vị tham chiến vượt sông Hồng chia thành sáu mũi trên hai hướng tiến vào Tây Bắc.

        Đại đoàn 308 vượt sông ở Mậu A chia thành hai mũi: trung đoàn 102, 88, đại đoàn bộ và các đơn vị trực thuộc tiến theo hướng Nghĩa Lộ; trung đoàn 36 theo hướng Cửa Nhì.

        Kế hoạch tổ chức vượt sông chia thành hai bến xuống, hai bến lên, quy định thứ tự, thời gian xuất phát và tốc độ đi, địa điểm các đơn vị đi trước chờ các đơn vị đi sau, đảm bảo đội hình sang sông nhịp nhàng, vượt gọn đi nhanh và an toàn.

        Nhưng ngay đêm đầu đã gặp khó khăn vì một trận mưa trái mùa bất thấn ập đến. Mưa rất to bào nhẵn tất cả các con đường lên xuống mới được công binh xẻ đất đánh bậc. Tất cả các kế hoạch, các dự tính bị đảo lộn. Đội hình hành quân bị cắt quãng: cơ quan đại đoàn bộ và đơn vị pháo binh đi cuối đội hình mới quá bờ sông Hồng được một kilômét, thì tiểu đoàn 79 đi đầu, qua sông từ lúc trời nhá nhem tối, chưa nổi cơn dông. Có thể nói quyết tâm và khả năng tổ chức chỉ huy của đại đoàn được thử thách quyết liệt ngay trong đêm đầu tiên vượt sông Hồng sang đất miền Tây.

        Quyết tâm của bộ đội thật cao. Kế hoạch vượt sông tưởng như thế là hoàn hảo, nào ngờ bị trắc trở ngay từ đầu. Ba ngày đi tiếp vẫn chưa tới Nghĩa Lộ. Bộ đội bắt đầu thấm mệt, thiếu ngủ phải tranh thủ ngủ bù đủ kiểu: ngủ ngồi, ngủ đứng, có anh vừa đi vừa ngủ…

        Chiều 15 tháng 10, Bộ chỉ huy đại đoàn hội ý chớp nhoáng nhận định: Bộ đội rất mệt, đói ngủ. Nhưng theo kế hoạch chung đêm trước (14 rạng ngày 15) một đơn vị bạn đã nổ súng tiêu diệt hai đồn ngoại vi phân khu Nghĩa Lộ, thu hút sự theo dõi của địch ra hướng Ca Vịnh, Sài Lương, tạo điều kiện cho đại đoàn bí mật thọc sâu. Tuy nhiên nếu tốc độ hành quân quá chậm, địch có thể phát giác, ta sẽ phải đối phó và như vậy mất yếu tố bất ngờ. Bộ chỉ huy đại đoàn quyết định: bằng bất cứ giá nào cũng phải tiếp tục hành quân, để đêm mai - 16 tháng 10 vào tới Nghĩa Lộ. Nhưng cũng cần có kế hoạch cho bộ đội tranh thủ ngủ bù dù chỉ là ít phút. Vì ngủ là một trong những biện pháp lấy lại sức khỏe, phục hồi sự tỉnh táo hiệu nghiệm nhất, để nâng cao tốc độ hành quân. Một sáng kiến về ngủ nảy nở và được tổ chức thực hiện: luân phiên nhau ngủ và đi. Các đơn vị đi đầu dừng lại, các đơn vị sau vượt lên trước, vượt hết rồi dừng lại ngủ và đánh thức các đơn vị đã ngủ, vùng dậy tiếp tục đi…

        Nhờ đó, tốc độ hành quân của bộ đội tăng lên. Chiều 16 tháng 10, đơn vị đầu của đại đoàn đã vượt qua đèo Khâu Vai, đổ xuống cánh đồng Nghĩa Lộ.

        Đường xuống đèo Khâu Vai vào thung lũng Nghĩa Lộ không dốc như đường lên. Anh em công binh lại khéo lợi dụng địa hình mở đường ngoằn ngoèo chữ chi nên dễ đi. Trời đầy sao soi tỏ đường đất đỏ, đồng chí Song Hào và tôi vừa đi vừa trao đổi những suy nghĩ:

        - Thế là có thiên thời. Bốn ngày liên không mưa, con suối Nậm Mười không thành vấn đề nữa rồi.

        - Trời sao vằng vặc thế này mai mốt cũng chẳng mưa. Bào đến đây rồi thiên thời, địa lợi, nhân hoà ta có tất cả.

        - Ngày mai, địch thấy mất tăm đại đội Tabor vừa bị đơn vị bạn đánh tan khi chúng từ Nghĩa Lộ mò ra sục sạo ở chân đèo Khâu Vai sẽ sinh nghi, nhưng chỉ sáng mai là ta hoàn thành thế trận bao vây. Ta cài thế rồi, chúng có cố cựa cũng hết cách xoay xở.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:23:23 pm »


        Cái chất anh hùng của cuộc hành quân thọc sâu vào phân khu Nghĩa Lộ sẽ mãi mãi được ngợi ca. Nhưng từ trong những thiếu sót, những vấp váp gặp phải trên dọc đường, tôi cũng rút ra cho mình những bài học rất bổ ích về công tác chỉ huy chiến đấu:

        - Bộ đội đi cật lực ngày đêm, quên đói, quên rét, quên ngủ, so với kế hoạch vẫn chậm một ngày. Rõ ràng là tính toán sai, không thể lấy vận tộc của một người hay một đơn vị nhỏ mà tính ra cho binh đoàn lớn lại có binh chủng phải khiêng vác nặng như pháo binh, càng không thể đơn thuần đo tính trên bản đồ mà xác định vận tốc hành quân vì so với thực tế địa hình có những điều kiện cụ thể khác hẳn trên bản đồ, đường rừng núi khác đường trung du, đồng bằng; đi ban đêm khác với đi ban ngày; đi đường dài khác với đường ngắn, lúc sung sức khác hẳn khi mệt mỏi.

        - Trong một chặng đường, nhất là phải lội suối băng rừng có thể xảy ra bao nhiêu chuyện không dự kiến được, cho nên không thể hoàn toàn dựa vào kế hoạch định sẵn trước. Vì quá trình hành quân cũng là quá trình biến động, nhiều tình huống diễn ra khác với phương án đã định, cho nên để điều khiển một binh đoàn lớn cần phải tổ chức các đội điều chỉnh đường ở những ngã ba, ngã tư, những nơi không thể đi bình thường được, những nơi dễ ùn tắc, để duy trì trật tự, cho đơn vị nào dừng lại, đơn vị nào tiến lên, có như vậy mới khỏi ùn đội hình và bảo đảm tốc độ.

        - Hành quân đêm tối, đội hình lại kéo dài hàng chục kilômét theo đường mòn độc đạo, cán bộ chỉ huy các cấp nhất thiết phải đi vào đội hình, không được rời bỏ vị trí chỉ huy, có như vậy mới duy trì được đội hình của đơn vị, có việc gì xảy ra truyền đạt báo cáo hay nhận lệnh mới nhanh chóng.

        Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 10, toàn đại đoàn gồm hai trung đoàn bộ binh, các tiểu đoàn pháo binh, súng cối 120mm, súng máy phòng không, thông tin, công binh… cơ quan đại đoàn bộ, lọt hết vào thung lũng Nghĩa Lộ. Sáng ra, sương mù vừa tan thì máy bay trinh sát của địch xuất hiện trên đường từ đèo Khâu Vác qua Nậm Mười, Bản Hẻo vào Nghĩa Lộ; nghiêng ngó tìm tòi và bắn tùm tụp ở phía Cửa Nhì- trên đường Yên Bái vào Nghĩa Lộ, mà ở Cửa Nhì, theo kế hoạch từ hôm qua trung đoàn 36 đã tiến hành bao vây đồn này rồi.

        Một vấn đề đặt ra trong buổi sáng ngày 17 tháng 10 này là địch đã đoán được hướng chiến sĩ của ta chưa? Chúng tôi trao đổi rất thận trọng và xác định thống nhất rằng: Chưa, chúng chưa biết gì hết. Trong phép dùng binh phải giỏi giương đông kích tây, vờn đằng này đánh đằng kia, và mưu kế phải luôn luôn biến hóa khiến cho địch không thể mò ra ý định của ta, phán đoán sai và chết vì sai lầm đó. Những thu đông trước, các chiến trường phối hợp thường đánh trước thu hút sự chú đối phó của địch, tạo thuận lợi cho chiến trường chính giáng đòn hiểm, mà đòn đầu tiên ở chiến trường chính thường là một đòn mạnh rung chuyển thế địch. Nhưng lần này, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo khác hẳn. Chiến trường chính nổ súng trước, nhưng trận đầu tiên ở đây lại là những trận nhỏ, nhổ mấy đồn tiều tiêu của địch ở Sài Lương, Ca Vịnh, mãi ngoài xa phía đông Nghĩa Lộ… Hiện tượng này khiến cho tướng địch Sa- lăng cùng cơ quan tham mưu của y càng yên tâm với phán đoán: hướng chính của Việt Minh trong thu đông 1952 là đồng bằng Bắc Bộ là đúng. Cụ thể là ta đánh Ca Vịnh, Sài Lương từ đêm 14 tháng 10 mà qua ngày 15, 16 địch vẫn chỉ tung một ít máy bay từ Hà Nội lên trinh sát phía đông phân khu Nghĩa Lộ, trong khi đó, đại đoàn 308 đang là mục tiêu theo dõi của địch, đã lặng lẽ hành quân thọc vào phía bắc Nghĩa Lộ. Và tên thiếu tá Ti- ri- ông chỉ huy trưởng phân khu Nghĩa Lộ, tuy đã bị mất hai đồn tiền tiêu rồi, nhưng hắn vẫn thản nhiên, không ra lệnh báo động trong toàn phân khu của hắn, chỉ tung đội biệt kích sừng sỏ của tên Di- a- rơ ra qua Cửa Nhì đến quá Ba Khe thăm dò, sục sạo. Vì sao Ti- ri- ông lại mất cảnh giác như vậy? Như trên đã nói, hắn cho rằng “ít ra cũng phải dăm năm nữa Việt Minh mới đủ khả năng đánh thẳng vào Nghĩa Lộ”. Hắn tính như vậy nên cái đòn đánh “vờn” của ta ở Sài Lương, Ca Vịnh càng làm cho hắn yên trí với cách suy tính chủ quan của hắn vẫn thường huênh hoang quanh các bàn tiệc bày đầy rượu mạnh do máy bay từ Hà Nội thả dù xuống, rằng: ở vùng núi rừng bạt ngàn này “Việt Minh chỉ có sức vác đạn vác gạo vào chộp lấy mấy cái tiền đồn bé nhỏ thôi”. Tuy nhiên, Ti- ri- ông cũng đã có một vài hành động tỏ ra thận trọng: Hắn rời khỏi cứ điểm Nghĩa Lộ phố ở dưới thấp, đưa cả sở chỉ huy phân khu lên trên đồn Pú Chạng, đồng thời tung một đại đội Tabor ra phía Nậm Mười, đèo Khâu Vai thăm dò mặt bắc thị trấn Nghĩa Lộ, nhưng đã bi ta tiêu diệt gọn trong buổi chiều ngày 16 tháng 10. Còn cứ điểm Pú Chạng thì đến sáng ngày 17 tháng 10 đã bị bao vây rồi mà Ti- ri- ông vẫn chưa biết gì hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:27:02 pm »


        Sáng nay, khi máy bay địch lao lên trinh sát, chúng tôi xác định địch chưa biết gì hết, chúng chưa dò được ý định của ta trong thu đông này, nhưng cũng chỉ ra cho các đơn vị cần chú ý, vì địch ở Nghĩa Lộ đã bắt đầu nghi ngờ về cái đại đội Tabor của nó bị mất tích, cho nên mọi hành động của ta phải hết sức khẩn trương, hết sức thận trọng, bí mật; tranh thủ đến cùng yếu tố bất ngờ của trận đánh.

        Giữ bí mật trước một kẻ địch đã nghi ngờ quả là một việc khó. Càng khó hơn nữa là ta chủ trương đánh sớm, nổ súng trước khi mặt trời lặn khoảng một giờ để có điều kiện cùng trong một đêm liên tiếp tiêu diệt xong cả hai cứ điểm trong thung lũng Nghĩa Lộ, phát huy cao độ bất ngờ về chiến dịch. Ý định lớn như vậy, trận Nghĩa Lộ phải là một tiếng sét, từ bao vây rộng, xa, ta phải siết chặt vòng vây tiến vào chiếm lĩnh trận địa giữa ban ngày, có những đơn vị như tiểu đoàn 54, đại đội pháo 75mm phải vượt qua suối rộng, đường trống trải ở ngay dưới chân cứ điểm địch; có những tiểu đoàn như tiểu đoàn 79, tiểu đoàn 322 phải giấu quân ở giữa cánh đồng để chia cắt hai cứ điểm địch và sẵn sàng đánh địch tăng viện bằng quân nhảy dù; lại có những đại đội như đại 281 phải luồn vào sát bên sườn cứ điểm địch chỉ cách vài trăm mét… Người chiến sĩ thận trọng từng bước đi, từng động tác lúc nào cũng phải nghĩ rằng địch nó đang vểnh tai, căng mắt soi mói, tìm tòi, nghe ngóng mình. Trong những giờ phút kéo dài này, đầu óc người chỉ huy căng như dây đàn. Tại Sở chỉ huy của đại đoàn, tiếng chuông điện thoại reo liên tục:

        - 54 mới qua suối một đại đội.

        - Pháo binh đã cho người lên trước làm công sự, bộ phận tải đạn chưa qua suối…

        - 322 đã vào trận địa.

        - Địch đi tuần cách 79 một trăm mét.

        - Một trung đội địch ra khỏi cổng cứ điểm Pú Chạng có lẽ chúng xuống Nghĩa Lộ phố.

        Qua báo cáo của các trung đoàn, Bộ chỉ huy đại đoàn theo dõi từng hành động, từng hơi thở của bộ đội bước vào dàn đội hình bí mật chiếm lĩnh trận địa tổ chức tiến công. Quá trưa, trung đoàn trưởng Vũ Yên báo cáo một tin quan trọng: địch đã phát hiện được đường dây điện thoại từ sở chỉ huy trung đoàn 102 xuống đại đội 281, và đồng chí Vũ Yên kết luận:

        - Thế là địch đã biết “một ít” về ta rồi.

        Tôi động viên lại:

        - Địch đã biết ta vào Nghĩa Lộ, nhưng chúng mới chỉ biết “một ít” thôi mà ta đã dàn xong thế trận.

        Nhận được tin này, cơ quan tham mưu đại đoàn lại nổ ra cuộc tranh luận: vì sao địch phát hiện một đường dây điện thoại của ta mà chúng không tiếp tục sục sạo thêm chung quanh Pú Chạng, cũng không thấy máy bay địch lên trinh sát?

        Có ý kiến cho rằng có thể là bọn trinh sát địch đã không báo cáo sự thật với chỉ huy của chúng, sợ lại bị đẩy đi sục sạo thì dễ bị bắt sống, chi bằng chui vào đồn còn có công sự, có hoả lực mạnh may ra thoát chết.

        Ý kiến khác phân tích: địch vừa mất tích một đại đội Tabor lại thấy có đường dây điện thoại ngay cạnh Pú Chạng, hai hiện tượng đó đủ cho chúng đoán là ta đã có lực lượng mạnh thọc vào Nghĩa Lộ, ít ra cũng phải cỡ trung đoàn tăng cường. Chúng im lặng co vào cứ điểm là đang tích cực chuẩn bị. Lại nữa, vì sao suốt từ trưa không thấy máy bay địch hoạt động trinh sát hoặc đánh ngay vào những khu rừng, điểm cao ở hướng mà chúng đã phát hiện ra đường dây điện thoại của ta? Dứt khoát là địch đã biết ta sẽ đánh Pú Chạng và chúng đang chuẩn bị chơi đòn bất ngờ. Biết ta thường đánh vào chập tối thì chúng sẽ đánh trước vào xế chiều…

        Chúng tôi thống nhất ý kiến: thực ra địch mới biết “một ít” về ta thôi, chúng chưa thể biết đây là mũi chủ yếu của chiến dịch, càng chưa thể biết chiến trường chính của ta trong thu đông này là Tây Bắc. Nhưng hãy chuẩn bị chiến đấu với tình huống phức tạp nhất, cứ cho là địch đã biết kha khá về ta ở đây, và chúng đang chuẩn bị phá ta bằng một đòn đánh phủ đầu trước khi ta nổ súng. Nhưng ta đã đưa địch vào thế trận cài sẵn của ta rồi. Ta có đủ điều kiện đi nước cờ cao hơn, đi trước chúng. Trước đây ta định 17 giờ 30 phút nổ súng đánh Pú Chạng, giờ ta đánh sớm nửa tiếng: 17 giờ. Song ta phải lừa địch một vố nữa, đúng 16 giờ 30 phút, lệnh cho các cỡ súng cối 120mm bắn dồn dập vào Nghĩa Lộ phố, kiềm chế pháo địch, phá một số ụ súng, đồng thời đánh lạc hướng địch, tạo điều kiện cho trung đoàn 102 triển khai các mũi xung kích áp sát vào Pú Chạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:58:39 am »


        Tôi trình bày ý định thay đổi thời gian nổ súng với đồng chí chính uỷ Song Hào. Đồng chí tán thành ngay và nhắc tham mưu trưởng phải kiểm tra chặt chẽ đơn vị được phân công đánh quân nhảy dù, không vì thấy đã về chiều rồi mà lơ là nghĩ rằng địch không còn điều kiện để thả quân. Sau đó tôi gọi điện thoại báo quyết định mới cho đồng chí Cao Văn Khánh đang làm nhiệm vụ đốc chiến ở trung đoàn 102. Đồng chí Khánh đáp lại, nghe qua giọng nói tôi biết đồng chí rất mừng: 102 đang đề nghị được đánh sớm hơn kế hoạch. Hay quá! Trên dưới nhất trí. Anh em muốn đánh sớm, quyết tâm giải quyết nhanh, gọn.

        16 giờ 30 phút, súng cối 120mm bắn dồn dập vào cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Cùng lúc, trung đoàn trưởng Vũ Yên báo cáo:

        - Các mũi đã vào vị trí, tất cả đang chờ lệnh!

        Thấy diễn biến nhanh quá, tôi hỏi lại:

        - 267 đang ở đâu? (267 là đại đội chủ công của tiểu đoàn 54, đơn vị đi đầu mũi chủ yếu đánh vào Pú Chạng).

        Đồng chí Vũ Yên sôi nổi trả lời:

        - 267 đã bám hàng rào địch rồi. Trung đoàn phó Hùng Sinh đi với 267, thấy điều kiện có thể tiến sát địch được, anh đề nghị cứ đùn lên, chúng tôi đồng ý, chỗ ấy súng bắn thẳng của địch không kiểm soát được, hôm đi trinh sát tôi đã đến đấy…

        Tôi hỏi thêm: Hùng Sinh đang ở đâu? và được trả lời “đi cùng với 267”. Nghe vậy tôi yên tâm. Đồng chí Hùng Sinh mới được đề bạt lên cấp trung đoàn phó, nhưng từ hồi chỉ huy đại đội, tiểu đoàn đã nổi tiếng là cán bộ dũng cảm, táo bạo đánh rất khôn.

        16 giờ 45 phút, bầu trời Nghĩa Lộ ầm ầm tiếng máy bay địch gầm rít: 3 tốp, mỗi tốp 4 chiếc.

        Thế là điều chúng tôi phán đoán từ trưa nay, có thể địch sẽ chơi đòn bất ngờ đánh ta trước, thì giờ đây đã hiện ra rõ rệt. Một con tính giản đơn cũng đủ chứng minh: Ta nổ súng vào Nghĩa Lộ phố lúc 16 giờ 30 phút. Nếu lúc ấy địch mới báo động khẩn cấp thì đến 16 giờ 45 phút, trong khoảng thời gian 15 phút có sẵn sàng chiến đấu đến đâu, có nhanh như điện thì 12 chiếc máy bay kia cũng chưa thể rời khỏi sân bay Gia Lâm được. Rõ ràng, địch định vồ ta, nhưng vồ hụt rồi, vì ta đã có dự kiến, đã chuẩn bị đối phó. Bộ chỉ huy đại đoàn ra lệnh cho các trận địa súng máy cao xạ nổ súng hất máy bay địch lên cao, còn 120mm tiếp tục bắn vào cứ điểm Nghĩa Lộ phố để thu hút phân tán bom đạn địch, trung đoàn 102 ở trên Pú Chạng vẫn yên lặng che giấu lực lượng.

        Trận đánh ồ ạt của 12 chiếc máy bay địch chẳng phá cũng chẳng cản được gì hết.

        17 giờ ngày 17 tháng 10, theo đúng như đã quy định, trung đoàn trưởng Vũ Yên ra lệnh cho các trận địa hoả lực bắn thẳng và bắn cầu vồng đồng loạt xả đạn vào các mục tiêu đã được phân công trong cứ điểm Pú Chạng.

        … Từ phút đầu của trận đánh, hoả lực của ta đã phát huy hiệu lực đến mức cao nhất. Khẩu 105mm của địch trên cứ điểm Pú Chạng và mấy khẩu súng cối nữa, lốp đốp nhả được mấy phát rồi câm bặt. Cả khẩu 105mm của cứ điểm Nghĩa Lộ phố cũng chỉ hộc lên mấy tiếng rồi ngừng. Các trận địa súng cối của ta, do chuẩn bị kỹ nên bắn rất trúng. Pháo binh, hoả lực chủ yếu của ta thể hiện lối đánh dũng cảm và mưu trí rất Việt Nam: “lên cao, vào gần, ngắm bắn trực tiếp” đã dọi đường ngắm vào đâu là không thể trệch được, một phát dập tắt hoả điểm địch, vài ba phát lô cốt địch thủng vỡ. Lợi dụng sườn đồi Pú Chạng rất dốc, trong khi pháo bắn công sự lô cốt địch, bộ binh xông lên ngay, dùng bộc phá lần lượt phá các lớp hàng rào địch, mở cửa đột phá. Chỉ qua mười phút, kể từ khi bắt đầu vào trận đánh, bộ binh đã yêu cầu pháo chuyển làn bắn sâu vào giữa cứ điểm cho anh em xung phong…

        … 19 giờ trời đã tối om, tiếng súng thưa dần. Đồng chí Cao Văn Khánh điện về: ta đã chiếm hết công sự, hào giao thông, đang tìm hầm ngầm, đã cho rút bớt bộ binh ra khỏi cứ điểm để tránh địch giội bom chùm.

        Chúng tôi trao đổi ý kiến với nhau qua điện thoại:

        - Liệu có thể dứt điểm nhanh chóng được không?

        - Khu vực hầm ngầm xác định được rồi, biết các cửa vào, đã vít chặt.

        - Lực lượng ta thế nào?

        - Đang còn sung sức!

        Thời gian lúc này mới 19 giờ, chậm lắm cũng chỉ một giờ nữa có thể giải quyết xong cái hầm ngầm, dứt điểm Pú Chạng.

        Theo kế hoạch, sau khi diệt xong Pú Chạng, sẽ tập trung toàn bộ lực lượng đánh Nghĩa Lộ phố. Nhưng nếu tình hình diễn biến phức tạp mà chưa đánh xong Pú Chạng trong khi địch ở Nghĩa Lộ phố đang hoang mang. Nếu ta giải quyết xong Pú Chạng mới chuyển sang Nghĩa Lộ phố thì e trời sáng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:59:12 am »


        “Chỉ huy phải hết sức kiên quyết và linh hoạt!- câu nói này đồng chí Võ Nguyên Giáp dặn tôi từ hồi trước kháng chiến toàn quốc, khi tôi đến gặp đồng chí nhận chỉ thị cho toàn mặt trận Hà Nội kháng chiến. Từ đấy, lần nào suy tính cân nhắc để đi tới quyết định, tôi đều nhớ câu nói đó. Nhưng kiên quyết và linh hoạt trong tình huống cụ thể này là thế nào? Cứ đánh xong Pú Chạng rồi đánh tiếp Nghĩa Lộ phố như kế hoạch, hay bỏ Pú Chạng, sang đánh Nghĩa Lộ phố? Không. Không thể dánh cái này trước cái kia sau mà phải đánh đồng thời nhưng cách đánh ở mỗi điểm có khác, song chậm nhất cũng phải đánh Nghĩa Lộ phố từ khoảng nửa đêm, vì càng lùi về sáng, địch sẽ cố chống cự chờ quân nhảy dù ứng cứu thì tình hình sẽ trở nên phức tạp.

        Tôi trao đổi suy nghĩ trên đây với các đồng chí trong Bộ chỉ huy đại đoàn. Chúng tôi nhất trí rất nhanh: đánh tiếp ngay, giải quyết nhanh, gọn Nghĩa Lộ phố trước khi trời sáng, đồng thời tiếp tục diệt địch còn lại ở hầm ngầm Pú Chạng.

        Đồng chí Song Hào nói thêm: Đã quyết tâm như vậy, đề nghị anh Vũ tập trung chỉ huy trung đoàn 88 tổ chức chiến đấu đánh Nghĩa Lộ phố, còn các việc đối với 102 ở Pú Chạng để tôi…

        Tôi báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch về tình hình chiến đấu ở Pú Chạng và xin chỉ thị đánh tiếp Nghĩa Lộ phố ngay đêm nay. Bộ chỉ huy chiến dịch chuẩn y và khen “thế là linh hoạt”.

        Đợt tiến công mới lại bắt đầu. Thung lũng Nghĩa Lộ ầm ầm tiếng súng. Lửa đạn làm sáng rực cả vòm trời…

        Một quả bộc phá 25 kilôgam nổ rung mặt đất, kết hợp với kêu gọi, nhưng địch ở hầm ngầm Pú Chạng vẫn ngoan cố. Ta tiếp tục kêu gọi: nếu không đầu hàng sẽ đánh tiếp quả bộc phá 35 kilôgam. Sẽ đếm từ 1 đến 10, nhưng mới đếm đến 9 địch trong hầm vội xin hàng, chúng lốc nhốc kéo ra, mặt mũi tái xanh, hai tay run run giờ khỏi đầu, tất cả 84 tên trong đó có tên thiếu ta Ti-ri-ông chỉ huy trưởng phân khu Nghĩa Lộ.

        20 giờ 30 phút, trận Pú Chạng kết thúc thắng lợi.

        2 giờ 40 phút ngày 18 tháng 10, trận Nghĩa Lộ phố bắt đầu và đã toàn thắng trước khi trời sáng…

        Cùng chiều hôm đó, trung đoàn 36 báo cáo về đã thừa thắng, nhổ rất nhanh cứ điểm địch đóng ở Cửa Nhì, đơn vị bạn diệt địch ở Ba Khe. Con đường số 13 nối Yên Bái với Nghĩa Lộ bị địch kiểm soát từ thu đông năm 1947 vừa đúng năm năm, nay đã về ta.

        “Cánh cửa thép” Nghĩa Lộ chẹn đường quân ta tiến vào Tây Bắc đã được mở toang.

        Chiến thắng Nghĩa Lộ mở ra thế phát triển mới của chiến dịch: thế che tre, cái “mấu” cứng nhất của địch đã bị bổ toác, tạo bàn đạp để quân ta phát triển tiếp tục về phía Tây- đánh phá tuyến phòng thủ sông Đà của địch.

        Địch hoàn toàn bất ngờ cả về chiến sĩ và chiến đấu. Tến thiếu tá Ti- ri- ông sau khi chui ra khỏi hầm ngầm Pú Chạng đã làm ra vẻ hiểu biết về ta mà thực tế hắn không hiểu gì hết. Hắn muốn gỡ tội thua, nhưng trước mặt hắn đâu phải là thượng cấp của hắn, mà là một đồng chí cán bộ ta đang hỏi cung hắn.

        - Tôi đã biết trước, nhưng không ngờ…

        - Anh biết như thế nào? Và dự kiến đối phó ra sao?- Ta hỏi lại.

        Hắn tỏ ra thành thật trình bày như để “lập công” chuộc tội:

        - Trưa 17 tháng 10, tôi được quân tuần tiễu cho biết dân chúng các bản đều di tản đi đâu không rõ. Tiếp đến lại được báo cáo về những dấu hiệu “có địch” (tức là ta) lọt vào trong khu lòng chảo Nghĩa Lộ. Tôi liền phát lệnh báo động và điện về Bộ chỉ huy Liên khu Tây Bắc yêu cầu không quân phối hợp với chúng tôi, mở trận giội bom thật mạnh. Chúng tôi định đánh vào lúc các ông triển khai chiếm lĩnh trận địa, không ngờ lúc ấy các ông đã chuẩn bị xong. Hướng tiến công của các ông, căn cứ theo địa hình, tôi đã phán đoán rất đúng, nhưng không ngờ các ông lại mạnh đến thế…!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 05:59:37 am »


        Thực ra thì ngay cả cấp trên của Ti-ri-ông, tướng Sa-lăng cũng hoàn toàn bất ngờ. Sau khi ta chiếm Nghĩa Lộ, mở tung cửa ngõ vào Tây Bắc, tư lệnh quân viễn chinh Pháp mới biết Tây Bắc là hướng chính của ta trong thu đông năm 1952. Và phải qua ngày 18 tháng 10, bộ tham mưu quân đội Pháp mới biết rõ tại hướng này ta tập trung một lực lượng rất mạnh gồm ba đại đoàn bộ binh 308, 312, 316 và đại đoàn công pháo (công binh và pháo binh) 351. Nhưng biết thì đã muộn. Mà đã muộn thì càng phải bị động đối phó để chuốc thêm thất bại.

        Cuối tháng 10, qua hơn mười ngày kể từ hôm giải phóng Nghĩa Lộ, các cánh quân của ta đã quét sạch địch trên một khu vực rộng lớn giữa sông Thao với sông Đà, từ Quỳnh Nhai trên phía Lai Châu xuống đến Vạn Yên đối diện với Yên Châu, Mộc Châu. Tây Bắc có bốn vựa thóc thì ba đã về ta: Nghĩa Lộ, Quang Huy, Than Uyên. Trước biến chuyển mới, tướng Sa- lăng chủ trương cứu vãn tình thế bằng cách mở một cuộc hành quân lớn từ Việt Trì (ngã ba sông Thao- Sông Lô) và từ Trung Hà (hạ lưu sông Đà) đánh lên Phú Thọ, Yên Bái nhằm phá hoại hậu phương chiến dịch của ta, hy vọng có thể buộc chủ lực ta phải quay trở lại và như thế, sức tiến công vào Tây Bắc sẽ giảm đi.

        Sa- lăng trao cho Đờ Li-na-rét, tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân cứu nguy mang tên Lo- ren này, lực lượng đông tới 30.000 tên.

        Ngày 3 tháng 11, quân Pháp chiếm thị xã Phú Thọ, ngày 9, nhảy dù chiếm Đoan Hùng và sau đó thọc lên Yên Bái, vẫn không gặp phản ứng gì lớn của ta.

        Trong những ngày địch hối hả mở cuộc hành quân Lo- ren, ồ ạt đánh lên hậu phương ta, thì các đơn vị chủ lực của ta vừa chiến thắng ở tả ngạn sông Đà vẫn tiếp tục chuẩn bị bước sang đợt hai của chiến dịch. Riêng trung đoàn 36 được lệnh quay trở về Phú Thọ.

        Mọi cuộc chia tay đều bịn rịn. Nhưng cuộc chia tay này không có kẻ ở người đi. Hôm ấy là nagỳ 9 tháng 11, cả đại đoàn đang dàn thành một tuyến dài từ Thu Cúc (Phú Thọ), qua Quang Huy (Sơn La) với những hoạt động sôi nổi khẩn trương, trận tuyến tấp nập như một ngày hội: có đơn vị sửa đường; có đơn vị tải gạo, cố chuyển 150 tấn gạo ra bờ sông Đà, v.v… Trung đoàn 36 đi ngược đường tải gạo. Hai bên gặp nhau reo hò vang động, chúc nhau “chiến thắng”. Ai cũng biết địch đã đề phòng ráo riết, nhưng ai nấy đều quyết tâm, cố gắng thực hiện đúng phương hướng chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch, nhất định sẽ giành thắng lợi lớn hơn đợt đầu chiến dịch, bởi vì quyền chủ động hoàn toàn thuộc về ta.

        Ngày 15 tháng 11 mở màn đợt hai của chiến dịch.

        Đại đoàn 308 cùng với các đại đoàn bạn nhanh chóng vượt qua sông Đà đánh vào khu vực phòng thủ của địch ở cao nguyên Mộc Châu.

        Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ xuyên thủng quãng giữa phòng tuyến Lăng- xát- đơ (phòng tuyến địch lập ra ở hữu ngạn sông Đà do tên quan năm Lăng- xát- đơ chỉ huy nhằm ngăn chặn ta từ tả ngạn đáng sang), đánh qua Mường Lụm ra đường số 41, cắt đứt liên lạc của địch giữa Yên Châu và Mộc Châu (những đơn vị hành chính ở miền núi tương đương với cấp huyện do địch lập ra ở Sơn La), đồng thời hình thành một lưới vây bắt gọn những tàn binh của cho đoàn Ru- két, khi chúng bị các đại đoàn bạn đánh bại ở Bản Hoa, Ba Lay và Châu Mộc.

        Cuộc hành quân ra bờ sông Đà thật gian nan vất vả. Đèo Phiêng Pan  không cao lắm nhưng dốc ngược. Công binh đã cố gắng đào bậc, có chỗ làm cả tay vịn, nhưng bộ đội mang vác rất nặng nào súng đạn, nào gạo nước, lại còn lỉnh kỉnh những ống bương ngắn để làm phao cá nhân, những bó nứa để làm mảng chở vũ khí, lương thực, nên vượt Phiêng Pan như anh em nói “là cả một cuộc bò lên bằng hai chân hai tay và tụt xuống bằng mông là chính, trượt ngã mười lăm cái vẫn chưa phải là nhiều”. Cũng nơi này, anh em đã sửa lại câu hò quen thuộc “đèo cao thì mặc đèo cao, quyết tâm diệt giặc còn cao hơn đèo” thành một câu khác mà anh em bảo là “nghe khí phách hơn”: “Đèo cao thì mặc đèo cao, ta leo đến đỉnh ta cao hơn đèo”. Qua Phiêng Pan tới bờ sông Đà, nơi chúng tôi chọn làm bến vượt sông là nơi hoang vu, chẳng có lấy một vệt đường mòn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 06:01:55 am »


        Rạng sáng ngày 17 tháng 11, chúng tôi đến bờ sông Đà, thượng lưu con sông này, đoạn chảy qua Lai Châu và Sơn La vốn nổi tiếng hung dữ, lắm ghềnh nhiều thác. Lòng sông hẹp, độ sâu luôn luôn thay đổi tạo nên những dòng nước chảy xiết. Hai bêb núi cao đứng thành vại, kẹp lấy lòng sông. Thỉnh thoảng mới có một cái bến hẹp cập được đôi ba mạn thuyền mỏng manh đuôi cao vút, gọi là thuyền đuôi én. Những chỗ ấy nước chảy không hung dữ nhưng tất nhiên đấy là những nơi kẻ địch không rời mắt.

        Ngày 17 tháng 11, đúng ngày mở đầu đợt hai của chiến dịch Tây Bắc, có một sự phối hợp tuyệt đẹp giữa mặt trận Phú Thọ và mặt trận sông Đà. Trung đoàn 36 giành một chiến thắng giòn giã ở đường số 2, quàng Chân Mộng- Trạm Thản. Đòn bất ngờ và rất mạnh của trung đoàn 36, đánh suốt cả ngày 17 tháng 11 thu hút phần lớn máy bay địch về phía mặt trận ấy, nhờ đó mà ở sông Đà này chúng tôi có điều kiện thuận lợi được thảnh thơi, chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc vượt sông.

        Như đã kẻ ở phần trên, sau khi bị mất phân khu Nghĩa Lộ, Sa- lăng hoảng hốt, lệnh cho Đờ Li- na- rét đem 30.000 quân đánh lên vùng tự do Phú Thọ- Yên Bái nhằm kéo chủ lực ta phải quay về giữ căn cứ, sẽ cứu nguy cho tuyến phòng thủ còn lại của chúng ở Tây Bắc không bị uy hiếp tiến công.

        Nhưng cuộc hành quân tốn kém đó đã đánh vào chỗ không người. Ngày 14 tháng 11, Đờ Li- na- rét cho một mũi thọc lên Yên Bình- thị trấn này cũng trống không, thì cũng là lúc Bộ tham mưu quân đội Pháp nhận ra nguy hiểm, cấp tốc lệnh rút quân ngay, mặc dầu từ Yên Bình đến thị xã Yên Bái chẳng còn bao xa mà Yên Bái mới là cái đích phải tới của cuộc hành quân Lo- ren.

        Bộ Tổng tư lệnh đã biết trước “nước cờ” mà địch phải đi, nên rất chủ động chỉ đạo các chiến trường nhịp nhàng hoạt động theo kế hoạch đã định. Nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ nhân thời cơ thuận lợi đẩy mạnh hoạt động. Tại Tây Bắc, các đại đoàn chủ lực đang đi vào giai đoạn chót của công việc chuẩn bị vượt sông Đà để làm nhiệm vụ đợt hai của chiến dịch. Cuộc hành quân Lo- ren không cứu nguy cho tuyến phòng thủ Tây Bắc, và bản thân nó càng gặp khó khăn về tiếp tế vì đã vào quá sâu vùng tự do của ta… Không có cách nào khác, buộc Sa- lăng phải hạ lệnh lui quân.

        Trưa 16 tháng 11, trung đoàn trưởng Hồng Sơn nhận được điện tối khẩn của Bộ Tổng tư lệnh: “Địch bắt đầu rút, tìm cách đánh ngay”. Đồng thời một phái viên của mặt trận Phú Thọ đến gặp đồng chí Hồng Sơn cho biết tình hình cụ thể: Địch đã rút khỏi Yên Bình về Phủ Đoan. Lúc ấy, trung đoàn 36 đang giấu quân ở vùng Tăng Mỹ, phía nam Phủ Đoan. Đồng chí Hồng Sơn và chính uỷ Lê Linh bàn bạc chớp nhoáng cùng hạ quyết tâm phục kích đánh địch rút lui trên quãng đường Chân Mộng- Trạm Thản và phải gấp rút tổ chức để có thể đánh ngay từ sớm ngày hôm sau, nếu chậm sẽ mất thời cơ, để địch lọt qua Chân Mộng- Trạm Thản ta sẽ khó đánh vì dưới ấy địa hình trống trải.

        Chân Mộng- Trạm Thản, một khu vực phục kích lý tưởng trên đường số 2. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 36 từng đi lại nhiều lần trên quãng đường này. Hai rặng núi và đồi thắt lại hai đầu bọc kín một cái thung lũng hẹp và dài gần bốn kilômét, những cánh rừng già lấn đến ven đường cái, những nương sắn xanh um mọc la liệt trên các vạt đồi là những tấm màn nguỵ trang kín đáo che chở cho bộ đội mai phục. Nhưng chính nơi đây địch cắm ba cứ điểm Vân Mộng, Chân Mộng, Năng Yên án ngữ các ngả đường đi tới mà trung đoàn 36 chỉ có một đêm để dàn thế trận. Cái khó lớn nhất là tìm ra đường đi tránh được các cứ điểm địch và phải đi nhanh, đến ngay đúng nơi cần đến. Song ta có dân nên cái khó ấy lại chẳng thành vấn đề.

        5 giờ 17 tháng 11, trung đoàn 36 chiếm lĩnh xong trận địa phục kích, nằm gọn trong phạm vi ba đồn địch: Vân Mộng, Chân Mộng, Năng Yên.

        Ngày 17 tháng 11, địch rút khỏi Phủ Đoan. Đến Chân Mộng chúng dừng lại xem xét tình hình cái “thung lũng nguy hiểm”, sục sâu vào các khu rừng một cách dè dặt và rất thận trọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 06:02:45 am »


        Bộ đội ta chấp hành mệnh lệnh rất nghiêm. Địch sục vào đến đâu thì ở đó lặng lẽ lùi lại, tránh ra, tuyệt đối không nổ súng. Sở chỉ huy trung đoàn đặt ở phía sau trận địa tiểu đoàn 89 cũng bị một toán địch mò vào sát sườn, phải rút lên cao. Tiểu đoàn 89 căng thẳng nhất. Địch quay được một tổ cảnh giới của tiểu đoàn, chúng nổ súng. Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Chương và chiến sĩ Lê Văn Hiến bị bắt. Anh em tiểu đoàn 89 trông thấy địch tra khảo các đồng chí của mình ngay trên mặt đường số 2. Chương bị thương nặng, địch đánh thế nào cũng lặng thinh, đau quá ngất đi. Địch vứt Chương lên xe rồi uy hiếp Hiến. Chúng chỉ muốn biết một điều, có phải Hiến “là quân của đơn vị chủ lực mới từ Nghĩa Lộ trở về Phú Thọ không?”. Nhưng không, bao nhiêu quả đấm, cái đá, bao nhiêu đòn hiểm của chúng giáng vào thân hình bé nhỏ của Hiến đều chỉ bật ra một lời: “Tao là du kích xã Năng Yên này”.

        Các đồng chí Nguyễn Văn Chương, Lê Văn Hiến đã giữ vững lời thề “Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thàn với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội”. Các đồng chí ấy là những người lập công đầu tiên trong trận Chân Mộng- Trạm Thản ngày 17 tháng 11 năm 1952.

        Suốt từ 7 giờ 30 phút đến 9 giờ, tên đại tá Kéc- ga- ra- vát vẫn rất thận trọng chỉ huy cuộc lùng sục chung quanh thung lũng Chân Mộng- Trạm Thản, tình hình vẫn yên tĩnh, không thấy dấu hiệu gì nguy hiểm, hắn nhảy lên xe, cho lệnh hành quân. Ngoài đường số 2, xe nổ máy ầm ầm, bộ binh địch lúc nhúc bám theo xe. Đơn vị đầu tiên của địch vào thung lũng Chân Mộng còn thận trọng, Kéc- ga- ra- vát và cơ quan chỉ huy của hắn cũng đi với đơn vị ấy. Tiếp đến tiểu đoàn lê dương. Bọn này yên trí “đầu đi đuôi lọt” chẳng phòng bị gì. Lính ngồi trên xe phì phèo thuốc lá. Lính đi bộ lộn xộn chỗ hàng hai hàng ba, chỗ túm tụm vừa đi vừa đùa. Nhưng chỉ mấy phút sau, đội quân đó đã bị chặt ra từng mảnh, chúng đạp lên nhau mà chạy để dồn nhau vào chỗ chết, vào chỗ bị bắt làm tù binh.

        Suốt ngày 17 tháng 11, tại Chân Mộng- Trạm Thản, trung đoàn 36 đánh thắng hai trận, diệt hơn 400 địch, phá huỷ 44 xe, tạo điều kiện tốt cho ta bước sang đợt hai chiến dịch giải phóng Tây Bắc.

        Lúc trung đoàn 36 đánh thắng trận thứ hai trong ngày, đuổi địch trên một chặng đường dài 8 kilômét từ Trạm Thản xuống tới Phú Hộ, thì ở mặt trận chính Tây Bắc, quân ta đang vượt sông Đà thắng lợi.

        Các đơn vị vượt sông Đà khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tổng tư lệnh. Liên tiếp trong ba ngày 17, 18 và 19 tháng 11, ta đã phá tan phòng tuyến hữu ngạn sông Đà của địch.

        Sáng 19 tháng 11, Bộ chỉ huy đại đoàn họp nhận định: phòng tuyến sông Đà của địch đã bị phá tan. Thế trận của địch đang bị rung chuyển mạnh mẽ, có thể chúng rút bỏ Yên Châu, Chiềng Đông, kéo lên phía Sơn La.

        Đại đoàn quyết định:

        - Trung đoàn 88 phải gấp rút tiến lên bao vây Yên Châu, tiến tới công kích tiêu diệt cứ điểm này.

        - Trung đoàn 102 chẹn giữ các ngả đường từ Mường Lụm đến Na Ngà, Bản Thìn bắt hết những toán tàn quân của hai chi đoàn Ru- két và Bét- thơ- nô đã bị tan vỡ.

        Đêm ấy trung đoàn 88 vất vả nhất, đặc biệt là đại đội 219 phải đi vòng lên phía bắc Yên Châu đóng một cái nút. Trung đoàn phó Nam Hà giao nhiệm vụ cho đại đội 219: Hoan nghênh tinh thần truy kích của 219. Các đồng chí đã vượt lên trước, đánh tan một đại đội địch, dẫn đầu cuộc truy kích tới đây. Tinh thần địch đang suy sụp, Yên Châu là một cứu điểm lớn, nhưng có khả năng địch sẽ bỏ chạy. Bởi lẽ đó 219 phải vòng lên phía bắc Yên Châu  chẹn đường rút lui của địch…

        Đại đội 219 lên đường ngay.

        Đêm hôm đó, sáng trăng, đường số 41 thênh thang, quân ta chạy rầm rập suốt quãng đường từ Na Ngà lên đến nam Yên Châu. Ai cũng muốn đến Yên Châu cho sớm. Tiếng súng của đại đoàn 316 từ dưới Mộc Châu vọng tới càng thôi thúc đại đoàn 308 tiến gấp lên Yên Châu kẻo bỏ lỡ thời cơ. Nhìn đoàn quân đêm nay đi dưới trăng, nườm nượp súng to súng nhỏ, chúng tôi lại nghĩ đến những đoàn quân Tây tiến năm xưa xuất phát từ Xuân Mai, cũng cuốc bộ ngược đường số 6 lên trấn giữ Sơn La, nhưng đoàn quân nghèo nàn thiếu thốn, chỉ thấy người mà ít thấy súng, chỉ có một loại súng trường thôi mà dài ngắn khác nhau đủ kiểu cổ lỗ. Bảy năm đã trôi qua, ta lớn lên vùn vụt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 06:03:34 am »


        Đêm hôm đó, đối với hầu hết anh em trong đại đoàn chúng tôi, là lần đầu tiên đặt chân lên đường 41. Nhưng với đồng chí chính uỷ đại đoàn thì đã có nhiều kỷ niệm khó quên về con đường này. Lúc từ Mường Lụm đi ra, vừa đặt chân lên đường 41 tôi thấy đồng chí đứng sững lại nhìn đất, nhìn trời, nhìn quang cảnh hai bên đường, vẻ mặt xúc động. Được biết năm 1940 đồng chí bị sa lưới bọn mật thám Pháp ở Nam Định, sau đó chúng đẩy đồng chí lên nhà ngục Sơn La, xuống Hoà Bình, qua nhà lao Hà Nội rồi lên nhà pha Chợ Chu- Thái Nguyên. Thế là đã 10 năm qua, nay lại gặp đường 41. Đồng chí Song Hào nói: “Cũng trên con đường rất vắng vẻ này bọn Pháp đã giải từng đoàn tù chính trị hai tay xích chặt, lê từng bước chân nứt nẻ đẫm máu. Hồi ấy chúng tôi vẫn luôn luôn nghĩ tới một ngày mai thắng lợi, tươi sáng. Nhưng ai có thể hình dung ra cái cảnh tượng hùng vĩ như hôm nay, quân ta đuổi địch với cái thế chẻ tre như thế này…”.

        Đêm hôm đó, thật là một đêm khó quên, trăng rực sáng mừng đêm hội chiến thắng đợt hai chiến sĩ Tây Bắc. Hệ thống phòng thủ của địch trên đường só 41 rung chuyển dữ dội. Phía cuối đường, trung đoàn 174 của đại đoàn 316 tiêu diệt cứ điểm Mộc Châu. Phía trên trung đoàn 165 của cánh quân vu hồi chiến dịch từ Lai Châu do đồng chí Bằng Giang, tư lệnh trưởng khu Tây Bắc chỉ huy đánh thốc xuống Tuần Giáo đang phát triển xuống Thuận Châu, Sơn La. Ở quãng giữa, trung đoàn 88 đã áp sát Yên Châu.

        Ta tiến công tiêu diệt, tàn quân địch số bị bắt, số cắm đầu cắm cổ rút chạy như ong vỡ tổ.

        Địch rút về tập trung ở Nà Sản- nam thị xã Sơn La 20 kilômét. Đó là một cáu thung lũng rộng một kilômét, dài hai kilômét, giữa có một sân bay và 24 ngọn đồi bao nọ chung quanh.

        Quá trưa ngày 23 tháng 11, tiểu đoàn 322 dẫn đầu đội hình truy kích vượt qua Hát Lót với Nà Sản. Anh em quan sát thấy địch tập trung trong thũng lũng này khá đông, lều vải căng la liệt, quân lính đi lại lộn xộn, lại thấy có nhiều chuyến máy bay vận tải lên xuống sân bay. Một câu hỏi được đặt ra: Địch co lại đây để rút về Hà Nội hay cụm lại chống giữ? Cuộc trao đổi giữa các đồng chí chỉ huy trung đoàn 88 và tiểu đoàn 322 nhanh chóng thống nhất ý kiến: Địch đang ở thế bại. Ta cần tranh thủ đánh ngay, đánh để điều tra thực lực và ý định của chúng. Ngay đêm ấy, được sự hướng dẫn của đồng chí tỉnh uỷ viên Sơn La và một số cán bộ địa phương, tiểu đoàn 322 chia làm ba mũi tiến công vào Nà Sản, đánh đến gần sáng tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch mà thấy chúng vẫn còn đông nhung nhúc. Cán bộ ta hỏi cung tù binh: quân Nà Sản có bao nhiêu? Mấy tiểu đoàn? Ở đâu tới? Máy bay lên xuống suốt ngày chở những gì? Đứa trả lời tất cả, đứa nói được vài câu, tổng hợp tất cả những lời khai của tù binh, lúc đó chúng tôi hiểu về tình hình địch ở Nà Sản như sau:

        Địch có khoảng sáu đến bảy tiểu đoàn từ Cò Nòi, Sơn La tập trung về, từ Hà Nội tăng viện lên. Máy bay từ Hà Nội lên chở đồ tiếp tế, lúc về chở lính bị thương và gia đình bọn nguỵ. Như vậy, địch không rút mà co quân lại, tăng viện thêm thiết lập “pháo lũ Nà Sản” ta goi là tập đoàn cứ điểm Nà Sản.

        Nhớ lại mới hôm nào chúng tôi vừa rời Mậu A sang hữu ngạn sông Hồng đã phải thận trọng như đi vào đất địch, chỉ tháng trước tháng saui thôi mà phần lớn đất đai của miền Tây Bắc rộng mênh mông đã trở về ta. Tin vui đến dồn dập. Hồi đánh trận ở Cao Bằng, Bác Hồ chỉ thị “Trận này chỉ cho đánh thắng”. Quân ta đã thắng rất to, song tại nhiều nơi do sức chấn động của đòn Cao Bằng, thế địch rung chuyển phải tháo chạy, quân ta đuổi cũng không kịp chứ chưa nói đến chuyện nắm thời cơ, lợi dụng cơ hội ấy mà phát huy thắng lợi. Nhưng đến thu đông năm 1952, chấp hành mệnh lệnh của Bác Hồ “tiến quân vào giải phóng Tây Bắc” ngay trận đầu ở Nghĩa Lộ mở cửa ngõ Tây Bắc, quân ta đã vượt hết khó khăn trở ngại, khôn khéo giành yếu tố bất ngờ giáng cho địch một đòn choáng váng, rồi đánh dồn dập không cho địch kịp trở tay, đuổi kịch liệt, không cho chúng kịp thở.

        Đợt một của chiến dịch, ta bắt sống phần lớn lực lượng địch bị ta vỡ ở bên tả ngạn sông Đà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2016, 06:04:02 am »


        Đợt hai của chiến dịch, do ta thực hiện bao vây, chia cắt tốt, truy kích mạnh mà quây bắt được hầu hết quân địch bị tan vỡ ở phía nam Nà Sản. Riêng một tiểu đoàn của trung đoàn 102 quét ở khu vực Mường Lụm bắt hơn 650 tù binh, trong đó có viên quan tư Ru- két chỉ huy trưởng đoạn phòng ngự cứng nhất của phòng tuyến sông Đà. tại Yên Châu, trung đoàn 88 đánh tan tác tiểu đoàn nguỵ số 55, Bruy- nô viên quan ba chỉ huy tiểu đoàn này cũng một số luồn rừng chạy trốn, bọn hắn định tạt sang châu mai Sơn rồi cùng đồng bọn rút về Nà Sản, nhưng trung đoàn 88 thọc nhanh đến bao vây Nà Sản trước, Bruy- nô cùng bè lũ phải nộp súng xin hàng. Ngày 18 tháng 11, thị xã tiến công đồn Ba Lay (nằm trên đường Vạn Yên, Mộc Châu). Sau 40 phút, ta diệt gọn đại đội 10 Ma- rốc và đại đội 295 nguỵ Thái. Tên quan ba Bai- út chỉ huy đồn khét tiếng gian ác đã bị bắt sống. Khi ta vào đồn, một lính Thái bị bắt làm tù binh, khóc lóc kể lại số phận chua chát của những người đồng ngũ của anh ta: cách đây bảy hôm có 20 lính Thái định bỏ đồn ra hàng bộ đội, quan đồn biết đã bắn chết 16 người rồi chôn xuống cùng một cái hố và bắt vợ con những người chết này mang cho lính Tây ở đồn cao hãm hiếp rất dã man… Thực ra đấy chỉ là một trong nhiều chuyện bi đát của những người lính đánh thuê mà chúng tôi đã được nghe kể kế hoạch vượt sông Đà vào giải phóng Tây Bắc.

        Ở phía bắc Nà Sản, cánh quân vu hồi chiến dịch đã làm nên một chuyện thần kỳ, chỉ có mấy ngày quét sạch địch trên một đoạn dài gần 200 kilômét, suốt dọc đường 41, từ nam thị xã Lai Châu qua Tuần Châu, Tuần Giáo Thuận Châu xuống đến bắc Nà Sản, diệt hơn một nghìn tên địch, lại phóng một mũi thọc sâu vào giải phóng Điện Biên Phủ tiêu diệt một tiểu đoàn nguỵ, bắt sống viên quan tư Giăng Xi- ca, chiếm lấy cánh đồng Mường Thanh lớn nhất miền Tây Bắc.

        Chiến dịch Tây Bắc kết thúc ngày 10 tháng 12 năm 1952.

        Đầu xuân năm 1953, tại hậu cứu của đại đoàn ở vạt rừng Phú Thọ, gần đường số 2, quãng Chân Mộng- Trạm Thản (nơi mà hồi trung tuần tháng 11 năm 1952, trung đoàn 36 đã lập công xuất sắc, góp phần đánh bại cuộc hành quân Lo- ren của địch), chúng tôi được hưởng một ngày vui lớn: Bác Hồ đến thăm.

        Bấy giờ, Tết âm lịch vừa qua được một tuần, đại đoàn đang họp hội nghị cán bộ để tổng kết chiến dịch Tây Bắc, thì Bác Hồ đến, vào lúc nửa đêm.

        Bác không báo trước, xuống xe ở đường số 2, rồi theo đường tắt, Người chống gậy vượt đồi đi vào.

        Tất cả chúng tôi lúng túng vì bị bất ngờ và nhất là vì xúc động, không biết mình phải làm gì lúc đó. Ngoài trời rất tối rét, buốt lại kèm theo mưa dầm nặng hạt. Bác xắn quần đến đầu gối, tay chống chiếc gậy trúc, bùn đất bắn đến nửa ống chân.

        Biết tôi đang lúng túng, Bác chủ động kéo tôi ngồi xuống. Bác cháu ngồi quanh đống lửa, rồi Bác hỏi thăm tình hình đại đoàn…

        Sáng hôm sau, Bác Hồ dậy sớm như thường lệ, suốt cả buổi, bác nghe chúng tôi báo cáo tình hình bộ đội, và đặt ra cho chúng tôi những câu hỏi rất cụ thể: Nói bộ đội ăn khá là như thé nào? Ngủ tốt là thế nào, giường làm bằng gì, lán làm có cao ráo không? Bộ đội có ngại đi chiến đấu ở rừng núi không? Đi đánh xa có ngại nữa không…?

        Người cho chúng tôi biết miền Tây vẫn là hướng địch sơ hở và yếu, mà chúng lại không thể bỏ được. Người chỉ thị cho chúng tôi phải nghiên cứu cách đánh tập đoàn cứ điểm…

        Buổi chiều, Bác Hồ đi thăm chỗ ăn, chỗ ở của cán bộ và chiến sĩ trong cơ quan đại đoàn bộ. Người lại hỏi:

        - Ở dưới trung đoàn, tiểu đoàn, lán của chiến sĩ có tốt, ấm cúng như ở đại đoàn bộ không?

        Người gật đầu hài lòng khi nghe chúng tôi báo cáo:

        - Thưa Bác, có nhiều lán của tiểu đội còn tốt hơn, lại đẹp hơn nữa, vì chiến sĩ khéo tay lắm.

        Rồi Người lại nhắc:

        - Bác muốn các nơi đều được như nhau, cũng ấm cúng, tốt, đẹp cả…

        Tù buổi sáng, các cán bộ dự hội nghị tổng kết đã xì xào truyền nhau tin: Bác đến, Bác đang làm việc với Bộ chỉ huy đại đoàn… ông cụ đã 63 tuổi, hơi gầy, tóc bạc nhiều, nhưng khỏe mạnh lắm, bước đi vẫn nhanh hẹn, v.v…

        Hôm ấy hội nghị không làm việc tập trung, mà thảo luận ở các tổ, ai nấy cứ ngong ngóng đợi có lệnh triệu tập lên hội trường, vì có lệnh đó là chắc chắn được gặp Bác. Anh em nhắc đến lần trước, sau chiến dịch Biên Giới, Bác đến gặp đại đoàn ngay tại chiến trường, tại Thất Khê vừa mới được giải phóng. Lần này, ai cũng nghĩ: chắc Bác sẽ giao cho đại đoàn một nhiệm vụ gì đây.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM