Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:34:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36582 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 08:53:09 pm »


        Kim đồng hồ nhích dần theo đúng vòng quay cố định của các bánh xe, nhưng chúng tôi cảm thấy thời gian lúc này đi nhanh quá!

        1 giờ 20 phút! Chỉ còn 4 giờ nữa là hết đêm, hết cái thời gian làm ăn có hiệu quả nhất.

        Tôi cầm máy điện thoại, cố giữ giọng bình thản hỏi đồng chí Vũ Yên:

        - Quân ta hiện giờ đã tới đâu rồi?

        Đầu dây bên kia đồng chí Vũ Yên tự tin trả lời:

        - Bộ binh đã vây Gối Hạc. Các mũi xung kích đang bám sát chân núi Non Nước.

        - Còn bốn tiếng nữa có kịp tiến công không?

        - Xin hết sức cố gắng.

        Sống với nhau đã lâu, lại cùng nhau qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, trải qua những giây phút hồi hộp căng thẳng và những lúc thanh thản mừng vui đều có nhau, nên tôi rất hiểu Vũ Yên- người công nhân vốn có tính cương trực nói ít làm nhiều. Hai tiếng “cố gắng” vừa rồi, Vũ Yên tỏ rõ bản tính dứt khoát, tự tin.

        Sau khi nắm đầy đủ tình hình, Bộ chỉ huy đại đoàn hạ quyết tâm đánh thắng địch ngay trong đêm nay, dù có phải kéo dài quá 6 giờ sáng một chút, địch chưa kịp phản ứng gì lớn có ảnh hưởng trực tiếp đến trận đánh.

        2 giờ 15 phút ngày 29 tháng 5 ta nổ súng đánh Non Nước.

        Chưa có trận tiến công cứ điểm nào đánh muộn như đêm nay. Nhưng cái muộn trong trường hợp cụ thể này lại là muộn chắc, muộn nhanh. Vì cán bộ chiến sĩ đều có quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng xả thân giành chiến thắng. Vì hệ thống hoả lực được bố trí tốt, sáu khẩu sơn pháo 75mm và hàng chục khẩu súng cối các cỡ đã giội trúng vào đồn địch yểm trợ đắc lực cho xung kích.

        6 giờ sáng ta chiếm xong cứ điểm Non Nước, tiếp đó trung đội Nguyễn Quốc Trị tiêu diệt xong những tên địch cuối cùng trong đó có tên trung uý Béc- na, con trai tướng Đờ- lát cố thủ trong một hang đá trên đỉnh hòn Gối Hạc, kết thúc thắng lợi nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng phòng thủ của địch ở thị xã Ninh Bình, góp phần làm cho cả phòng tuyến sông Đáy của địch rung chuyển dữ dội.

        Đặc biệt cái chết của tên Béc- na, con trai độc nhất của Đờ- lát ở trên hòn Gối Hạc sáng ngày 29 tháng 5 và đám tang của y tổ chức quá trọng thể ở Pa- ri càng tô đậm thêm cái bi kịch không tránh khỏi của những kẻ muốn tiến thân bằng nghề chiến tranh. Nhiều tờ báo Pháp đăng tiểu sử và tả rõ tình huống bị chết của trung uý đại đội trưởng Béc- na kẻ đã tình nguyện lao vào cuộc chiến tranh xâm lược với đầy khát vọng của một tên sĩ quan dòng dõi quyền quý. Hồi cuối năm 1950 chính y đã viết thư khuyên cha y nên sang Đông Dương làm nhiệm vụ lớn, để cứu vãn tình thế, trong khi tướng Doanh và tướng Kê- ních được chính phủ Pháp chọn trước, đều từ chối không đi vì “không muốn mất danh dự tại Á châu” (Quân sử 4- Bộ Tổng tham mưu quân đội nguỵ Sài Gòn). Ngày 28 tháng 5, Béc- na đang nghỉ phép tại Hà Nội thì được tin tiểu đoàn 1 xung kích của y đã được lệnh rời Nam Định đi tiếp cứu cho Ninh Bình. Y liền rời Hà Nội đến Ninh Bình hồi 17 giờ 30 phút vừa lúc viên tiểu đoàn trưởng đang chia quân bố trí đêm. Y xin được đóng trên hòn núi đá Gối Hạc cách cứ điểm Non Nước vài trăm mét về phía tây. Béc- na đặt sở chỉ huy đại đội tại ngôi đền ở lưng chừng hòn núi đá này. Lúc 3 giờ 20 phút một quả đạn cối 60mm rơi trúng vào đo. Béc- na chết ngay, tên trung uý đại đội phó Méc- xi- ê ngắc ngoải một lát sau cũng tắt thở. Tên đội Men- lô lên chỉ huy thay rồi cũng chết nốt. Trưa ngày 29 tháng 5, quân tiếp viện Pháp đến Gối Hạc chỉ còn tìm thấy vài tên của đại đội này sống sót vì rúc được vào kẽ đá kín. 17 giờ hôm đó tại Hà Nội, cha con Đờ- lát một còn sống, một đã chết gặp nhau. Hôm sau Đờ- lát tạm giao quyền chỉ huy cho tướng Đờ Li- na- rét để đưa xác con về Pháp, và mang theo cả xác Méc- xi- ê, Men- lô… Báo chí Pháp đua nhau tâng bốc cha con Đờ- lát, song càng lắm lời bao nhiêu thì lại càng làm cho người ta thấy rõ cái tình thế khốn quẫn không thể nào lật ngược lại được của quân đội Pháp và càng góp phần cho tiếng vang của trận Ninh Bình lan đi xa hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 08:55:29 pm »


        Nhiệm vụ tiếp sau của đại đoàn là đánh cứ điểm Chùa Cao ở Yên Cự Hạ nằm trên đường 58 nối thị xã Ninh Bình với Phát Diệm. Cứ điểm này do một đại đoàn địch đóng giữ. Sau thất bại ở Đại Phong, Non Nước, địch tăng thêm một đại đội Com- măng- đô.

        Là “cái bình phong chắn Liên khu 4 của Việt Minh”, Chùa Cao được phòng thủ khá kiên cố. Một pháo đài chính xây bằng bê- tông, ba pháo đài phụ xây bằng đá nửa nổi nửa chìm dưới đất. Xung quanh cứ điểm có tường dày bao phủ, ngoài tường là lớp kẽm gai và bãi mìn đủ loại.

        Trung đoàn 88 được giao nhiệm vụ diệt cứ điểm Chùa Cao, đã nhanh chóng triển khai công tác tổ chức chiến đấu theo đúng thời gian quy định của Bộ chỉ huy đại đoàn.

        Trận đánh kéo dài từ 22 giờ 30 phút ngày 3 tháng 6 đến 6 giờ sáng ngày 4 tháng 6, ta mới chỉ chiếm được 4/5 cứ điểm, tiêu diệt được đại bộ phận quân địch, số sống sót (vài chục tên) rút vào cố thủ ở lô cốt phụ nằm sát bờ sông Đáy.

        9 giờ sáng địch tăng thêm viện binh.

        Trận chiến đấu thắng lợi nhưng không trọn vẹn. Tuy nhiên trung đoàn 88 vẫn điện lên đại đoàn đề nghị xin cho được tiếp tục đánh để giành thắng lợi hoàn toàn.

        Đại đoàn điện xuống hỏi:

        - Còn đủ lực lượng để đánh nữa không?

        - Còn đủ. Trung đoàn đã sắp xếp tổ chức thành hai tiểu đoàn mạnh.

        - Tinh thần thế nào?

        - Anh em rất hăng hái, muốn đánh để trả thù cho những đồng chí đã hy sinh đêm qua.

        Đoàn cán bộ của đại đoàn đi kiểm tra trung đoàn 88 về cũng có nhận xét tương tự: Tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ vẫn được giữ vững. Đến đâu cũng nghe thấy anh em bàn tán tha thiết được trên chuẩn y cho đánh lại, ngay đêm nay, quyết dứt điểm nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng nối tiếp truyền thống tốt đẹp của đơn vị. Đồng bào địa phương cũng đang tích cực giúp đỡ các phương tiện cần thiết để bộ đội đánh tiếp.

        Trên cơ sở quyết tâm rất cao đó, Bộ chỉ huy đại đoàn sau khi trao đổi thống nhất ý kiến, tôi gọi điện cho trung đoàn 88:

        - Đại đoàn quyết định tăng cường cho trung đoàn một tiểu đoàn nữa và chuẩn y đề nghị của trung đoàn tiếp tục đánh Chùa Cao đêm nay…

        - Rõ! Chúng tôi hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

        Đêm 4 tháng 6, mọi người ở Sở chỉ huy đại đoàn đều yên lặng tập trung theo dõi giờ nổ súng của trung đoàn 88 đánh cứ điểm Chùa Cao chẳng khác gì cái đêm theo dõi giờ G của trung đoàn 102 đánh Non Nước lần thứ hai. Cũng căng thẳng và hồi hộp, cũng cảm thấy thời gian đi nhanh hơn ngày thường…

        Súng nổ giòn và đúng thời gian quy định. Nhưng trận đánh vẫn không giành được thắng lợi hoàn toàn.

        Mỗi kết quả đều có nguyên nhân. Chiến đấu là hành động sôi động nhất của con người; là kết quả tổng hợp của nhiều mối quan hệ giữa con người và vũ khí, giữa dũng cảm và mưu lược, giữa tư tưởng và tổ chức, giữa chính trị và quân sự, v.v… Tách mối quan hệ đó hoặc kết hợp nó không thích đáng, máy móc, thì mọi hoạt động sẽ trở nên vô nghĩa và thất bại.

        Trong đêm mở màn chiến dịch, chúng ta phải bỏ dở nhiệm vụ diệt cứ điểm Non Nước và Hoàng Đan là do yếu tố địa hình.

        Còn trận Chùa Cao, hai lần đánh với những cố gắng tối đa vẫn không dứt điểm lại do sự kết hợp chưa tốt giữa tư tưởng và tổ chức. Quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ rất cao, không đánh là thiếu trách nhiệm với việc xây dựng truyền thống đơn vị, với danh hiệu đại đoàn Quân Tiên Phong. Quyết tâm đó thật đáng quý, nó không thể thiếu được trong chiến đấu và chiến thắng. Nhưng ở đây, chúng ta đã xem xét quyết tâm đó chưa thật đầy đủ và nhất là đã không hướng nó phát triển theo hướng đúng.

        Trách nhiệm này không phải chỉ thuộc về các đồng chí phụ trách trực tiếp mà còn thuộc về những người phục trách đại đoàn- người tư lệnh trưởng.

        Tiến công một cứ điểm như Chùa Cao mạnh cả về binh lực, hoả lực và hệ thống công sự bố phòng; có hoả lực pháo chi viện mạnh, có quân ứng chiến đông và gần, bộ đội ta đánh lần thứ nhất không được phải rút ra, như vậy là có vấn đề, muốn đánh tiếp không phải chỉ có quyết tâm cao là đủ mà phải có công tác tổ chức, có khi công tác này còn khó khăn gấp nhiều lần khi đánh lần đầu. Làm mới đã khó, tháo ra làm lại, càng khó hơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 08:57:27 pm »


        Việc quyết định đánh Chùa Cao lần thứ hai, ta xét nhiều về yếu tố tư tưởng- tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, mà không thấy giữa tư tưởng và tổ chức gắn bó với nhau- hỗ trợ nhau, tác động lẫn nhau. Địch đã tăng cường lực lượng, đã thay đổi thủ đoạn chiến thuật, nhưng tổ chức chiến đấu của ta cơ bản như cũ. Đánh một cứ điểm có hoả lực dày đặc, có công sự nhiều tầng, cần phải tổ chức các mũi tiến công, hiệp đồng chặt chẽ giữa hoả lực và xung lực, tiến đánh từng mục tiêu, giữ vững và củng cố chắc đầu cầu, phát triển nhanh mạnh vào tung thâm cứ điểm diệt đầu não chỉ huy địch, chia cắt tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Mọi sự tách rời, đánh ào ạt không có tổ chức, không có chiến thuật, đều không đảm bảo thành công. Khi vượt qua hàng rào tiền duyên đánh vào chiều sâu trận địa đối phương, tiếng hô xung phong của đoàn quân tiến công là rất cần thiết, có tác dụng cổ vũ sĩ khí mọi người, uy hiếp tinh thần địch, nâng cao tốc độ đánh trận. Nhưng ở trận Chùa Cao lần thứ hai, khi địch đã tăng cường đề phòng, tiếng hô xung phong của quân ta- nhất là về đêm thì tự mình lộ mục tiêu, địch cứ theo phía có tiếng hô mà nổ súng sát thương ta.

        Rõ ràng là bộ đội ta có quyết tâm cao, ta đứng ở thế chủ động tiến công nhưng công tác tư tưởng và công tác tổ chức chưa làm tốt, nên đã tự đặt mình vào thế yếu, phải bỏ cuộc.

        Trong chỉ huy chiến đấu không phải chỉ khi vấp váp, thương vong nhiều, tạm thời thất bại người ta mới dễ mất tỉnh táo, đi đến suy tính phiến diện, quyết đoán sai lầm, mà ngay cả khi đang chiến thắng cũng dễ mắc phải cái bệnh nguy hại này. Điển hinh là trường hợp trận Pheo, ngày 7 tháng 1 năm 1952 trong chiến dịch Hoà Bình.

        Về chiến dịch Hoà Bình, sách báo của ta đã ghi khá đầy đủ, ở đây xin kể về một trận đánh cứ điểm Pheo trong chiến dịch đó và những bài học rút ra qua trận đánh này, nó liền mạch với những bài học đánh cứ điểm Non Nước, Chùa Cao trong chiến sĩ Quang Trung.

        Đợt một của chiến dịch, đại đoàn 308 cùng với đại đoàn 312 hoàn thành đánh bóc vỏ phòng tuyến của địch ở sông Đà bảo vệ thị xã Hoà Bình về phía tây bắc.

        Đợt hai chiến dịch, ta tập trung vây đánh địch ở thị xã Hoà Bình và đường số 6.

        Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chặt đứt phòng tuyến đường số 6 của địch ở Pheo. Làng Pheo nằm trên đường số 6 và giáp bờ sông Đà. Nói cách khác, đường số 6 từ Hà Nội qua Hà Đông, Xuân Mai, tới làng Pheo thì bắt gặp sông Đà rồi theo bờ sông Đà một quãng độ 6 kilômét là tới thị xã Hoà Bình. Như vậy, Pheo là một điểm rất quan trọng trên tuyến đường số 6. Ở đây địch đóng một tiểu đoàn lê dương (hai đại đội ở dưới làng Pheo, một đại đội cắm trên đồi Miều, một đại đội và sở chỉ huy tiểu đoàn (2/13 DBLB) trên đồi Pheo).

        Bộ chỉ huy đại đoàn họp thống nhất kế hoạch cho trận đánh này như sau: trung đoàn Thủ đô làm nhiệm vụ chủ công đánh cứ điểm Pheo. Để tạo cho trận đánh thắng lợi, trung đoàn 36 cùng lúc sẽ tập kích vào thị xã Hoà Bình- tây nam cứ điểm Pheo. Một trung đoàn bạn (đại đoàn 304) tiến công vị trí Đầm Hương- trên đường số 6 phía đông cứ điểm Pheo.

        Trận Pheo là trận chính trong đêm mở đầu đợt hai chiến dịch. Ta tiêu diệt cụm cứ điểm Pheo, địch trong thị xã Hoà Bình bị cô lập, như vậy sẽ tạp điều kiện để đánh viện lớn làm thay đổi cục diện chiến dịch.

        Cán bộ và chiến sĩ trung đoàn Thủ đô rất phấn khởi với nhiệm vụ, xuất kích với khí thế hào hứng, quyết lập công xuất sắc, quyết thắng thật nhanh thật gọn.

        Đêm 7 rạng ngày 8 tháng 1 năm 1952, trong khi trung đoàn 36 vượt qua bao nhiêu khó khăn tiêu diệt sáu vị trí ngoại vi và luồn sâu vào tung thâm phòng thủ của địch, tiêu diệt trận địa pháo ở sát Hoà Bình, bắt sống tên quan ba pháo binh, thì trung đoàn Thủ đô phải rút ra khỏi Pheo.

        Không hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Pheo, trước hết cán bộ chỉ huy chúng tôi phải chịu trách nhiệm do chủ quan.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 08:58:49 pm »


        Khi chiến thắng, nhất là lúc đang chiến thắng dồn dập, đánh đâu được đấy, người ta dễ bị “say” đi đến chủ quan, khinh suất; nhìn địch chỉ thấy chúng hoang mang mất tinh thần mà không thấy chúng ngoan cố; xem địa hình chẳng thấy có gì đặc biệt, mọ cái đều vượt qua được hết. Nhìn ta chỉ thấy thuận lợi, không thấy khó khăn. Trước khi nổ súng, mọi người cho cứ điểm Pheo tuy mạnh, song trung đoàn Thủ đô có thừa khả năng diệt gọn. Nhận định này hoàn toàn đúng, nhưng từ cái không sai ấy lại đi đến cái sai khác. Do bị “say” vì không khí chiến thắng chung, do thấy địch lúng túng ở cả mặt trận Hoà Bình và trong địch hậu mà đi đến những thiếu sót về tổ chức chỉ huy- thiếu ti mỉ, cụ thể, thiếu thận trọng trong công tác chuẩn bị chiến đấu. Nghiên cứu địa hình chỉ xem xét những vật nổi. Đứng ở điểm cao bên tả ngạn sông Đà nhìn sang, cách vị trí địch khoảng 500- 600 mét, thấy rõ các công sự của trận địa địch, từ mé bờ sông vào tới chân đồi Pheo toàn là bãi cỏ phẳng lỳ đẹp mắt đó lại là những vũng lầy, ao nước, ảnh hưởng rất lớn đến đội hình tiến công. Khi tiến công lên đồi Pheo, ta dùng hai mũi đánh điểm phòng ngự chính của địch. Mũi chủ yếu theo đường lớn đánh thẳng vào cổng chính. Mũi phụ đánh vào phía tây. Nhưng mũi phụ gặp phả vách đồi dựng đứng, không lên được, thành ra tổ chức tiến công chỉ có một mũi, theo một hướng. Trong khi đó, ở phía đông có một điểm cao hơn đồi Pheo, lối lên không có khó khăn gì, mãi sau trận đánh ta mới biết. Nếu như điều tra tỉ mỉ ta có một mũi ở phía đông đánh trên, đè dập đầu địch xuống thì tình thế sẽ khác, chiến dịch sẽ thu được thắng lợi giòn giã hơn.

        Kiểm điểm trận Pheo, chúng tôi kết luận đây là một trận “tiền duyên nhập nhằng, tung thâm rối loạn”, suốt trận đánh sai với yêu cầu hình thái chiến thuật là phải đánh ở nhiều hướng, nhiều mũi, phải biết “chiếm cao vi lợi” triệt để tận dụng giá trị chiến thuật của địa hình. Tất nhiên không phải chúng tôi không biết đánh giá thế nào là đúng, song có điều là do chủ quan đơn giản, điều tra đại khái qua loa, nên hiểu địch không đúng chẳng khác nào như ta chép sai đầu đề bài toán thì tìm sao cho ra đáp số đúng được?

        Nhớ lại bài học thấm thía rút ra sau trận Chùa Cao, hè 1951 “khi không thành công, người chỉ huy dễ mất tỉnh táo, suy tính phiến diên, quyết đoán sai lầm”, qua trận Pheo, cần bổ sung thêm: “khi chiến thắng phải cảnh giác dè chừng cái bệnh chủ quan, người ta dễ bị hoa mắt bởi chiến thắng mà khinh suất”. Tất cả hai vế tư tưởng đó sẽ dễ dẫn tới tổ chức chỉ huy chiến đấu thiếu cụ thể, hoặc xem nhẹ địch, hoặc xem nhẹ địa hình, không gắn chặt các yếu tố tinh thần- tư tưởng với tổ chức, không kết hợp chặt chẽ giữa chính trị với chiến thuật, kỹ thuật. Mọi suy nghĩ phiến diện, mọi việc làm giản đơn đều dẫn tới thất bại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:00:37 pm »


        Mặt trận Tây Bắc

        Năm 1952, quân và dân ta lại tiến thêm một bước thật dài trên con đường đi tới chiến thắng hoàn toàn quân đôi xâm lược Pháp. Trên chiến trường Bắc Bộ vào thời điểm này ta đã có sáu đại đoàn chủ lực hoàn chỉnh (sáu đại đoàn chủ lực được thành lập thứ tự theo thời gian như sau: đại đoàn 308 (3- 1949), đại đoàn 304 (3- 1950), đại đoàn 312 (12- 1950), đại đoàn 320 (2- 1951), đại đoàn 316 (5- 1951) và đại đoàn 351 pháo binh)), đủ sức mở các chiến dịch quy mô lớn.

        Tháng 2 năm 1952, Đờ- lát Đờ Tát- xi- nhi chết, Xa- lăng lên thay. Viên tướng này đã có mặt ở Việt Nam rất sớm, được xem như là người thông thạo phong tục tập quán Đông Dương, hút thuốc phiện, đi lễ đền đài, và “am hiểu cả lổi đánh của Việt Minh”. Nhưng Xa- lăng không đưa ra được một chiến lược nào mới- dù chỉ là lý thuyết để giành quyền chủ động đã mất trên chiến trường từ sau thất bại biên giới hồi năm 1950.

        Mọi việc làm của Xa- lăng đều quy tụ vào bình định vùng tạm chiếm, lo củng cố phòng thủ đồng bằng Bắc Bộ. Cơ quan tham mưu, tình báo của Xa- lăng thăm dò, phân tích đủ cách đều đoán rằng: có rất nhiều khả năng Việt Minh sẽ đánh xuống đồng bằng vào cuối năm 1952.

        Nhưng thu đông năm 1952, đại quân ta lại hành quân lên miền tây Tổ quốc.

        Ta lại tiến thêm một bước chủ động nữa, mở chiến dịch Tây Bắc.

        Ngày 9 tháng 9 năm 1952, Bộ Tổng tư lệnh mở hội nghị phổ biến nhiệm vụ chiến dịch.

        Tại hội nghị này, chúng tôi được vinh dự đón Bác Hồ đến thăm và được nghe Bác chỉ giáo nhiều điều quý báu.

        Chúng tôi hồi hộp đón Bác.

        Bác đến hội nghị giữa lúc mưa to.

        Hình ảnh Bác thật giản dị và thân quen: tay cầm gậy, quần xắn cao. Người tươi cười vẫy tay và đi nhanh vào phòng họp.

        Chúng tôi vỗ tay hoan hô râm ran như pháo nổ, miệng đồng thành hô:

        Bác Hồ muôn năm!…

        Bác Hồ muôn năm!… mắt vẫn dõi theo hình bóng Bác.

        Ngay lập tức, không ai bảo ai mà thâm tâm đều có chung một câu hỏi kinh ngạc: mưa lớn vừa đổ xuống, nước suối dâng cao, chảy ào ào như thác đổ, Bác đến bằng đường nào?

        Bác giơ tay vẫy chào và nhắc chúng tôi yên lặng để Bác nói chuyện.

        Không để chúng tôi hỏi thành lời, Bác thân mật kể luôn: “Hôm nay trời mưa to, suối nước lũ, khi đi đến một cái suối nước chảy mạnh, thấy bên kìa có một nhóm đồng bào đang ngồi đợi nước xuống để sang. Bác nghĩ: nếu không đi ngay, e các chú đợi mất thì giờ. Nên Bác cùng mấy chú nữa quyết tâm cởi quần áo, tay sào, tay gậy, lần sang được. Thấy Bác sang được, nhóm đồng bào kia cũng quyết tâm sang”.

        Rồi qua chuyện lội suối nước chảy xiết, Bác dạy chúng tôi:

        - Đó là kinh nghiệm cho các chú. Bất kỳ việc gì, to hay nhỏ, mình có quyết tâm thì làm được, mà còn lôi cuốn người khác cũng quyết tâm làm như mình.

        Về thuận lợi, khó khăn và quyết tâm mở chiến dịch Tây Bắc, Người nói:

        - Trung ương Đảng và Tổng quân uỷ đã cân nhắc kỹ chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến, và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi. Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, còn phải để cho các chú cân nhắc kỹ thấy rõ cái dễ và cái khó để truyền cái quyết tâm đó cho các chú. Trung ương và các chú quyết tâm chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọ người chiến sĩ. Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Gặp thuận lợi thì phải quyết tâm phát triển, gặp khó khăn thì phải quyết tâm khắc phục… Gặp cái dễ mà không quyết tâm phát triển thì nó có thể biến thành cái khó, gặp cái khó mà quyết tâm khắc phục thì cũng thành cái dễ…

        Quyết tâm- đã bao lần chúng tôi nói hai tiếng đó, nhưng phải chờ tới lúc này, hai tiếng ấy được Bác Hồ khái quát lên thành bài học lớn, chúng tôi mới thấy được nó mạnh mẽ đến nhường nào.

        Không bao giờ tôi quên được lúc Bác Hồ chia tay với hội nghị phổ biến nhiệm vụ chiến dịch. Bác hỏi han từng đoàn cán bộ đại biểu của các đơn vị bộ binh, công binh, pháo binh dự chiến dịch: 312, 316, 351… Với sư đoàn 308 chúng tôi, Bác hỏi trung đoàn trưởng Vũ Yên:

        - Lần này chú tính thế nào?

        Đồng chí Vũ Yên đứng nghiêm hứa quyết tâm:

        - Thưa Bác, trận này chúng cháu quyết đánh thắng!

        Bác nhìn nghiêm nghị, gật đầu, thân mật bắt tay trung đoàn trưởng Vũ Yên.

        Tiếp theo Bộ Tổng tư lệnh phổ biến quyết tâm chung của chiến dịch này là: thời kỳ đầu tập trung binh lực tiêu diệt địch ở phân khu Nghĩa Lộ, đồng thời tranh thủ diệt địch ở tiểu khu Phù Yên, giải phóng Nghĩa Lộ và Phù Yên, phát triển thắng lợi và quét sạch địch tới sát bờ sông Đà, tạo điều kiện tiến công Sơn La…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:03:49 pm »


        Thực hiện đánh dài ngày, đánh liên tục, vây điểm diệt viện, phá điểm: bao vây chờ viện, diệt viện rồi đánh điểm, hành quân, bao vây chặt, truy kích đến cùng, diệt gọn.

        Nghĩa Lộ nằm gọn trong huyện Văn Chấn thuộc tỉnh Yên Bái cũ. Địch chiếm Nghĩa Lộ từ năm 1947, chúng đã thực hiện được một phần trong âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh (vì Nghĩa Lộ là một trong số bốn vựa thóc của Tây Bắc: Điện Biên Phủ, Than Uyên, Quang Huy, Nghĩa Lộ).

        Bộ Tổng tư lệnh xác định điểm của chiến dịch này la phân khu Nghĩa Lộ- một vị trí cửa ngõ đi vào Tây Bắc. Đánh chiếm Nghĩa Lộ là tạo được bàn đạp vững chắc để phá vỡ phòng tuyến sông Đà, tiến lên đánh địch ở Lai Châu, Sơn La, Nà Sản, v.v… thực hiện giải phóng toàn bộ đât đai miền tây Tổ quốc.

        Nghĩa Lộ là cứ điểm kiên cố của địch, nhưng đồng thời cũng là nơi địch có nhiều sơ hở. Hồi tháng 10 năm 1951, đại đoàn 312 đã tiến đánh Nghĩa Lộ, nhưng không dứt điểm, địch càng chủ quan tin ở cách bố phòng vững chắc của chúng ở đây và huênh hoang cho rằng :”ít ra cũng phải vài ba năm, hoặc dăm năm nữa Việt Minh mới có thể đến đánh Nghĩa Lộ”.

        Rõ ràng kẻ địch chủ quan- tức là chúng yếu. Và đó cũng là một yếu tố, một căn cứ để ta quyết định chọn điểm của một trận chiến đấu, một chiến dịch, một hành động chiến lược, v.v…

        Đại đoàn 308 vinh dự được nhận nhiệm vụ đánh chiếm Nghĩa Lộ- mở màn chiến dịch Tây Bắc.

        Lương tâm, trách nhiệm và nghĩa vụ với Tổ quốc đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn chạy đua nước rút với thời gian, hoàn thành mọi nhiệm vụ, mọi công tác chuẩn bị cho ngày lên đường.

        Với tôi, mau chóng trở lại Nghĩa Lộ còn là một thôi thúc từ những kỷ niệm buồn năm xưa: Trở lại để thực hiện nốt nguyện vọng của 13 đồng chí đảng viên cộng sản đã hy sinh trong cuộc nổi dậy vượt ngục hồi đầu năm 1945 với ước mong trước mắt đó có một Nghĩa Lộ sạch bóng quân thù; trở lại để trả ân huệ đồng bào các dân tộc đã giúp tôi, đùm bọc che chở cho tôi vượt qua hiểm nghèo trong những ngày vượt ngục trở về với Đảng, với Cách mạng.

        Từ nay đến lúc chiến dịch mở màn, thời gian chỉ vỏn vẹn có 33 ngày mà công việc chuẩn bị chiến đấu ở chiến trường có nhiều bí mật này thì lại rất nhiều. Sẽ rối lên và không việc gì dứt điểm nếu công tác tổ chức không biết tập trung sức lực vào những vấn đề cơ bản mấu chốt.

        Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn họp nhận đinh: trận đầu phải thắng, phải dứt điểm. Và công tác nghiên cứu thực địa lại có ý nghĩa quyết định. Chỉ có trên cơ sở nắm chắc địch, nắm chắc đặc điểm địa hình và dân tình Nghĩa Lộ, mói có quyết tâm đúng, mới có cách đánh hay. Điều này chúng tôi đã có kinh nghiệm xương máu ở trận Non Nước, trận Chùa Cao và trận Pheo đang còn nóng hổi. Đảng uỷ và Bộ chỉ huy quyết định thành lập hai đoàn đi chuẩn bị chiến trường. Đoàn đi Cửa Nhì do đồng chí trung đoàn trưởng Hồng Sơn chỉ huy; tôi phục trách đoàn vào Nghĩa Lộ, gồm các đồng chí Vũ Yên, Thái Dũng, Kim Hùng (trưởng ban trinh sát) và một số tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng, cán bộ hậu cần, thông tin, công binh, pháo binh… tất cả khoảng hơn 20 người, mỗi người mang theo năm ngày gạo ăn.

        Rời Mậu A sang hữu ngạn sông Hồng là coi như đã vào đất địch rồi, vì bọn biệt kích của địch cũng thường hay mò đến tận bờ sông này nhòm sang vùng tự do của đất Yên Bái. Từ đây mỗi bước đi là phải thận trọng, không ai nói với ai, tai mắt phải căng ra mà nghe, mà nhìn mỗi tiếng gió thổi lá cây sột soạt, cành khô rúc rắc ãy rơi là phải phán đoán, phân tích, và có biện pháp đối phó kịp thời nếu là địch. Từ đây rừng cây rậm rạp bịt lấy mắt, nhìn xa chỉ được mười lăm thước. Cảnh vật âm u. Nhưng ác nghiệt nhất vẫn là mưa rừng. Người ướt, đường lầy lội trơn như đổ mỡ, dốc lên, dốc xuống rất khó đi. Ngày đầu tiên phải lội suối 25 lần. Cũng vẫn chỉ một con suối ấy thôi, nhưng nó ngoằn ngèo cắt khúc con đường chúng tôi đi, thành ra suốt ngày dầm nước, hai bàn chân trắng nhợt, da nhăn nheo, các kẽ chân, bàn chân rát bỏng. Qua ngày thứ hai, thứ ba chúng tôi phải đi bằng “ba chân”, phải có cái gậy chống đỡ  giúp cho bàn chân đỡ đau. Cuối chặn đường thứ ba, tại chân đèo Khâu Vác chúng tôi gặp tổ quân báo của Bộ từ phía Nghĩa Lộ đi ra. Trời không mưa mà người nào người nấy ướt sũng. Từ ba tháng nay anh em sống ở trên núi cao, trong rừng sâu, bên bờ suối vắng, ngoài cánh đồng để nắm, nắm dân. Trong tổ quân báo này có đồng chí Vũ Hữu Tấn đi trinh sát địa hình, gặp địch, buộc phải chống chọi, chẳng may gãy chân rơi xuống vực. Đồng chí đã sống hai mươi ngày liền tự điều trị vết thương, ăn quả rừng, uống nước suối, lần bằng được về Bộ với tấm bản đồ về tình hình địch ở Nghĩa Lộ và vùng quanh quanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:07:12 pm »


        Qua cuộc gặp gỡ các đồng chí quân báo, chúng tôi thấy được nhiều khó khăn cụ thể sắp phải vượt qua nhưng lại tăng thêm niềm phấn khởi, tin tưởng vì được biết những sơ hở cụ thể của địch.

        Chặng thứ tư chúng tôi vượt đèo Khâu Vác cao hơn mặt biển 1.230 mét, đường dốc ngược. Phải nói là trèo đèo thì mới đúng vì rất nhiều chỗ phải đi cả bằng hai chân hai tay, đầu người đi sau ngang gót người đi trước. Đây là nhánh đuôi dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, như một bức tường thành cao chót vót chặn đứng các đám mây nên khí hậu rất ẩm ướt, thỉnh thoảng lại có một trận mưa lớn, mặt đường trơn, nước suốt lại dâng đầy chảy xiết, tắc nghẽn đường đi.

        Chúng tôi tới đỉnh Khâu Vác vào lúc tạnh mưa, bầu trời trong quang mây, cứ điểm Nghĩa Lộ hiện ra trước mặt, so với đường chim bay thì không xa lắm, nhưng từ đây ra phải men theo rừng, biệt kích địch tăng cường hoạt động, sẽ còn gặp nhiều khó khăn nguy hiểm mới có thể tiếp cận được.

        Mọi người đang trầm trồ khen Nghĩa Lộ là một thung lũng đep, xa nom như một bức tranh nhiều cảnh nhiều màu, thì đồng chí Kim Hùng báo cáo:

        - Cảnh giới báo về cho biết có bóng người thấp thoáng từ chân đèo đi lên.

        Chúng tôi nhanh chóng tản sâu vào rừng và xoá dấu vết vừa ngồi ngắm cảnh đẹp Nghĩa Lộ.

        Người đó cứ theo phía đỉnh đèo đi lên, thái độ không có dấu hiệu gì dò xét, sợ hãi, trái lại rất bình tĩnh và tỏ ra quen thuộc vùng này.

        Tôi quyết định ta gặp người đó, để nếu là người dân bình thường thì tranh thủ giáo dục và vận động họ giúp đỡ đưa đường.

        Đến khi gặp, hai bên hỏi han nhau kỹ càng,  chúng tôi được biết đó là đồng chí huyện uỷ viên phụ trách khu vực Nghĩa Lộ.

        Sau vài câu hỏi thăm sức khỏe, chúng tôi khẩn khoản nhờ đồng chí ấy dẫn đường đi vào vị trí Nghĩa Lộ cho nhanh, để kịp thời gian. Đồng chí ấy im lặng, nhìn tôi chằm chằm, rồi hỏi lại:

        - Các đồng chí đánh tiêu diệt giải phóng Nghĩa Lộ hay chỉ đánh tiêu hao rồi các đồng chí kéo đi nơi khác, thế là cơ sở địa phương rụng hết, đảng bộ chúng tôi lại vất vả hàng năm mới khôi phục lại được phong trào; và nếu như vậy thì để tôi còn suy nghĩ xem có nên dẫn đường cho các đồng chí hay không?

        Nghe lời hỏi thắng thắn đó tôi không khó chịu, mà lại thấy mừng, mừng vì đã gặp đúng người cần gặp. Tôi nói:

        - Chúng tôi vào đây, theo lệnh của Bác Hồ, đi giải phóng Nghĩa Lộ. Đơn vị chúng tôi kiên quyết thực hiện quyết tâm đó, nhất định chúng tôi sẽ đánh thắng…

        Hai chúng tôi hiểu nhau rất nhanh và đồng chí huyện uỷ viên nhận lời đưa đoàn vào Nghĩa Lộ.:

        - Xuống đèo Khâu Vai này, ta đến Bản Tủ, qua suối Nậm Mười một quãng sẽ gặp đường 11, cắt ngang đường 11, theo con đường mòn sẽ tới phía tây đồn Nghĩa Lộ.

        Thế đó, chặng đường cuối cùng đi vào Nghĩa Lộ nghe gọn như vậy, mà thực ra cũng chằng dài, từ trên đỉnh Khâu Vai đã trông thấy đồn Nghĩa Lộ rồi, nhưng chặng này mới lắm khó khăn.

        Xuống đến Bản Tủ trời đã xẩm tối, chúng tôi dừng lại chặt nứa đóng mảng. Vì lũ to nước suối Nậm Mười chảy ào ảo như thác đổ. Cái mảng đó đóng xong, chưa kịp mừng thì cả đoàn ai nấy đều lo, lo đứng lo ngồi. Số là vừa thả mảng xuống nước, mấy đồng chí quân báo trèo lên, vừa chống sào một cái, thế là nước cuốn đi chèo chống không lại được. Đêm tối mò, chỉ loáng một cái ba đồng chí quân báo và cái mảng đã mất hút. Tính mạng các đồng chí đó ra sao? Mà giả thử các đồng chí nhảy được vào bờ, thì còn cái mảng cứ theo dòng suối này, nó trôi vào Nghĩa Lộ, địch sẽ phát hiện ra hành động của ta, chúng sẽ đề phòng khiến cho trận đánh của ta gặp nhiều khó khăn, ngay đến công tác chuẩn bị chiến trường cũng khặp nhiều trở ngại đoàn chúng tôi sẽ khó mà đến sát vị trí địch để nghiên cứu.

        Nhưng biết làm thế nào, việc đã xảy ra rồi. Trời đen như mực, địa hình không quen, một số anh em được lệnh chạy theo hướng cái mảng, men xuôi dòng suối, đi cả tiếng đồng hồ chẳng thấy tăm tích gi, đành buồn rầu quay lại. Cho tới gần sáng chúng tôi vẫn bị bó chân bên con suối Nậm Mười, không còn cách nào khác là phải rút vào sâu trong rừng, nghỉ một ngày để chuẩn bị thêm tối sau sẽ vượt con suối hung dữ này.

        Trưa hôm sau cả đoàn sung sướng đến chảy nước mắt, vì ba đồng chí bị nước cuốn đã trở về an toàn.

        Sự việc không may này đã cho chúng tôi một bài học về ý chí. Theo ba đồng chí kể lại, sau khi mảng trôi khoảng ba, bốn kilômét, một con ngựa bất kham không sao điều khiển được. Bỏ mảng nhảy xuống nước vào bờ thì hết nguy hiểm, nhưng như thế nó sẽ theo dòng chảy xuôi về Nghĩa Lộ còn nguy hiểm hơn, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của toàn đoàn, đến cả thắng lợi chung của chiến dịch. Nghĩ như thế, cả ba đồng chí cố bám lấy mảng, tìm cách lái nó vào bờ. Và thật may đang trên đường dìu nó vào thì gặp một cành cây sà ngang mặt suối, các đồng chí níu lại, lần theo cành cây đưa mảng vào bờ an toàn và giấu kín mảng…

        Cả đoàn thở phào yên tâm, như vậy là ta vẫn giữ được bí mật.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:11:33 pm »


        Qua năm ngày hành quân, lội suối, băng rừng, vất vả, gian khổ xen với cả nguy hiểm cứ tăng lên, nhưng không một ai kêu ca, vẫn lạc quan yêu đời, vẫn sôi nổi hiến kế để đi tới đích.

        Trời đã tối hẳn. Chúng tôi tiếp tục vượt suối Nậm Mười. Nước vẫn to như hôm trước. Chúng tôi tập trung dây dù bện to và nối dài ra. Một đồng chí bơi giỏi lao sang trước căng sợi dây dù qua suối. Rồi tổ quân báo sang trước ra sát đường 11 cảnh giới, từng người qua suối thật vật vả. Quần áo ngời cởi hết, quấn lên đầu. Hai tay giơ cao bám lấy dây dù. Nước chảy mạnh đập vào người tung toé lên, như muốn đánh bật người ra khỏi sợi dây bảo hiểm. Có lúc nước xô quá mạnh, cả hai chân bị nâng bổng lên, người lủng lẳng như cái chuông lúc lắc, lúc ấy chỉ lỏng tay một chút, người có thể bị nước cuốn đi.

        Cuộc vượt suối Nậm Mười thắng lợi, tất cả tiến về phía Bản Hẻo. Đóng trại ở đỉnh núi cao phía tây của bản nghỉ ngơi lấy sức.

        Nhưng khó khăn mới xuất hiện: gạo ăn đã hết và có đồng chí bị ốm.

        Tôi đem tình hình này ra trao đổi với đồng chí huyện uỷ viên Văn Chấn, nhưng cũng thấy ít hy vọng có thể giải quyết được vấn đề, vì đã vào đến sát hang ổ của địch rồi, nơi chúng o ép mạnh, kiểm soát gắt gao, làm sao có thể ngày một ngày hai có được gạo ăn- dù chỉ đủ gạo nấu cháo!

        Đồng chí huyện uỷ viên huyện Văn Chấn chăm chú nghe tôi trình bày. Vài phút sau mới trả lời gọn lỏn:

        - Hơi khó đấy!

        Tôi vừa mừng nhưng vẫn không hết lo. “Hơi khó” có nghĩa là khó vừa, còn có khả năng giải quyết. Lo vì biết đâu đồng chí ấy dùng lời lẽ vừa phải để động viên mình, từ đó sinh chủ quan, công việc sẽ lỡ dở thì thật nguy hiểm.

        Tậm trạng tôi lúc này thật phân vân!

        Đồng chí huyện uỷ viên Văn Chấn cũng đang đăm chiêu suy nghĩ, bỗng đồng chí vui hẳn lên, nói tiếp:

        - Để các anh đói cơm sao được? Ăn quả rừng trừ bữa, sức khỏe giảm sút, không bò được vào đồn địch mà điều tra kỹ lưỡng được đâu. Thôi được, để tôi xuống Bản Hèo xem thế nào đã?

        Nói xong, đồng chí ấy đi ngay. Tôi ngạc nhiên hết sức. Xuống Bản Hèo ư? Bản Hèo ở ngay dưới chân núi mà chúng tôi bí mật trú chân. Một bản lèo tèo mấy chục nóc nhà sàn, cách Nghĩa Lộ có bốn kilômét, lại nằm ngay sát đường cái lớn đi Gia Hội, địch đi lại tuần tiễu thường xuyên, kiểm soát gắt gao, làm sao có khả năng giúp chúng tôi gạo ăn lúc này được? Tôi càng ngạc nhiên khi đồng chí ấy trở lại, cùng với một thanh niên nữa, giới thiệu là “chiến sĩ quân báo của Bộ”, mỗi người vác một túi gạo độc vài chục cân. Chưa hết, đồng chí ấy còn mang theo một hũ mắm tôm và thản nhiên nói;

        - Chẳng lo được thức ăn, các anh ăn khô khan tạm vậy.

        Kể ra ở vùng địch hậu dưới trung du hay đồng bằng thì những yêu cầu này không khó khăn lắm. Khi đi chuẩn bị chiến trường ở Ninh Bình, chúng tôi được các cơ sở địa phương chăm lo cơm nước rất chu đáo, còn mua cho cả sữa, đường, thuốc lá nữa, có đồng chí nào bị ốm đau gửi địa phương là rất yên tâm. Nhưng đây là Tây Bắc, đất rộng người thưa… Tây Bắc đau thương, nghèo đói vì bao năm bị đế quốc và bọn tay sai đàn áp, bóc lột mà có được gạo, mắm là rất quý.

        Cuối năm 1945, tên tướng thực dân A- lét- đăng- đơ- ri đem 5.000 tàn quân chạy Nhật hồi tháng 3 năm 19445 từ Vân Nam trở lại đánh chiếm Lai Châu, Phong Thổ, Sơn La… Đến cuối năm 1947, phối hợp hành động với cuộc tiến công lên Việt Bắc của các cánh quân Bô- phơ- rê, Com- muy- nan, tướng A- lét- đăng- đơ- ri cùng dốc lực đánh ra Sa Phương án, Lao Cai, Nghĩa Lộ… Tây Bắc gần như không được hưởng một ngày nào của không khí độc lập tự do của dân tộc.

        Tây Bắc rơi vào tay giặc, các thổ ti, lang đạo lại leo lên những chiếc ghế vương hầu tột đỉnh của chúng ngày trước, thả sức tác yêu tác quái, phục hồi mọi luật lệ hà khắc, tệ tục khi xưa.

        Đi đôi với việc tuyên bố thành lập cái gọi là “Nước Thái tự do”, thực dân Pháp còn tìm mọi cách hiểm độc gây chia rẽ dân tộc, nêu lên những khẩu hiệu dã man xúi giục chém giết lẫn nhau: “giết Kinh lấy muối, giết Thổ (người Tày) lấy ruộng, giết Mán (người Dao) lấy bạc, giết Mèo (người H'mông) lấy thuốc phiện”, v.v…

        Để củng cố quyền thống trị miền Tây Bắc, quân Pháp ra sức lùng cán bộ ta, treo những giải thưởng rất lớn bằng bạc trắng, thuốc phiện, muói, vải… cho những ai “cắt được đầu, xẻo được tai Việt Minh”. Mặt khác chúng bắt lính. Các đạo quân nguỵ Thái, Mường lần lượt mọc ra để càn quét các nơi, đóng những đồn bốt nhỏ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:13:34 pm »


        Đầu năm 1948, bộ đội ta trở lại Tây Bắc. Đi đầu là những đội võ trang tuyên truyền: đội xung phong Quyết Thắng, đội xung phong Quyết Tiến, đội xung phong Trung Dũng, đội xung phong Tây Bắc. Mỗi đội khoảng ba chục đồng chí, đội viên là những huyện uỷ viên hoặc cán bộ cấp tỉnh, như ở đội xung phong Quyết Thắng có nhiệm vụ tiến vào Nghĩa Lộ rồi thúc lên Than Uyên, Quỳnh Nhai vào Điện Biên Phủ thì chính trị viên là đồng chí Hồng Quân, bí thư tỉnh uỷ Hà Giang; đội trưởng, đồng chí Luận uỷ viên thường vụ tỉnh Yên Bái; đội phó, đồng chí Châu Thành, trưởng ban huấn luyện của Khu X cũ. Các đội võ trang tuyên truyền đi trước, tiếp sau đến các đại đội độc lập.

        Trở lại Tây Bắc, cả mấy tháng đầu năm 1948, tất cả các đội võ trang tuyên truyền đều phải trải qua những bước đường thật gian nan, những cuộc thử thách thật nặng nề. Và kết quả là tất cả đều bị bật ra hết, phải trở lại bờ sông Hồng củng cố, rút kinh nghiệm và tìm biện pháp Tây tiến (tiếng tắt dùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp- chỉ các lực lượng bộ đội, Dân, Chính, Đảng lên Tây Bắc hoạt động vũ trang gây cơ sở) mới.

        Đồng chí Song Hào trước là chính uỷ Liên khu X, còn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện đầy xúc động về những người đi trước đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, đã hy sinh cả đời mình cho nhiệm vụ giải phóng miền Tây:

        - Nhiều đồng chí vĩnh viễn nằm lại trên núi rừng Tây Bắc. Người ngã xuống vì một viên đạn của quân thù. Người ngã xuống sau những trận ốm đau mòn mỏi, những ngày đói, khát. Những đồng chí trở ra đến bờ sông Hồng đều đau yếu, gầy còm. Có đồng chí vì bị địch vây phải lẩn núp mãi trong rừng, ăn lắm lá, trái cây, rau rừng, hai hàm răng xanh lè…

        Thế đó, những người đi trước mở đường giải phóng miền Tây. Các đồng chí bị đánh bật trở ra, rồi lại tìm mọi cách trở vào lớp này ngã xuống, lớp sau vào theo ẩn mình trong những hốc cây, hang đá, chịu đựng những cơn mưa rừng tàn nhẫn, những đợt gió lạnh nhức xương, những cơn sốt rét ác liệt, mê man bất tỉnh… kiên trì bám rừng, bám  núi để rồi tiến tới bám được nhân dân mà hoạt động, để có được những cơ sở như Bản Hẻo này.

        Thế đó, lại một thúc giục mới với chúng tôi, nhắc nhở chúng tôi phải làm gì tiếp nối truyền thống của những người đi trước.

        Mọi khó khăn trước mắt đã được giải quyết. Sau khi đồng chí huyện uỷ viên Văn Chấn xuống Bản Hẻo vận động cơ sở giúp gạo ăn, đón số đồng chí trong đoàn ốm đau về dưới bản chăm sóc, đoàn lại tiếp tục hoạt động, bí mật tiếp cận cứ điểm Nghĩa Lộ, bắt tay vào nghiên cứu địch và dự kiến phương án tiến công cụ thể.

        Đoàn tiến về phía tây cánh đồng Nghĩa Lộ.

        Từ mỏm 500 của điểm cao 793 mét, chúng tôi nhìn rõ Pú Chạng với những lớp rào kẽm gai, những đường hào ngoằn ngoèo chạy ra các hoả điểm…

        Nhìn thấy Pú Chạng, tự nhiên những kỷ niệm xưa lại hiện về trong tâm trí tôi. Cảnh vật tuy có thay đổi, Pú Chạng thực sự là một đồn binh kiên cố, nhưng tội ác mới không xoá nhoà được dấu vết của tội ác cũ vấn do bọn thực dân Pháp gây nên. Phía đông Pú Chạng nay là một sân bay quân sự dã chiến, xưa kia là một vườn ổi khá to. Qua khu vườn ổi một quãng đến “căng” Nghĩa Lộ- nơi trước kia thực dân Pháp giam giữ hơn 200 tù chính trị. Vườn ổi xưa kia đã có biết bao nhiêu đảng viên cộng sản nằm xuống vì những đòn tra tấn dã man của bọn cai ngục, vì ốm đau, bệnh tật không được chúng cứu chữa. Và rất có thể 13 đồng chí Nhu, Thẩm, Bảy, Vi, v.v… đã cùng tôi nổi dậy vượt ngục hồi tháng 3 năm 1945, chạy không kịp đã  bị bọn thực dân và bọn cai ngục Nghĩa Lộ vứt xác ra đây?

        Tôi lặng người hồi lâu về những kỷ niệm cũ.

        Hai mắt mờ lệ khi nhìn về khu vườn ổi này đã thành sân bay. Tội ác chồng chất lên tội ác!

        Tôi hứa thầm với những người đồng chí của mình đã ngã xuống vì tộia chiến sĩ của kẻ thù:

        - Các đồng chí hãy yên nghỉ, trận này chúng tôi quyết tâm đánh thắng để trả thù cho các đồng chí!

        Trong lúc bao kỷ niệm cũ dồn dập hiện về trong tôi thì đồng chí trung đoàn trưởng Vũ Yên bò nhanh đến chỗ tôi với nét mặt rạng lên niềm tin, khẩn khoản đề nghị:

        - Anh cho trung đoàn 102 được đánh Pú Chạng. Chúng tôi hứa quyết tâm đánh nhanh, diệt gọn.

        Tôi thông cảm với nguyện vọng của đồng chí Vũ Yên và tôi rất quý trọng phẩm chất của những người cán bộ không quản gian nan nguy hiểm, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tôi vẫn thận trọng trả lời Vũ Yên:

        - Rất hoan nghênh, nhưng để nghiên cứu kỹ lần cuối cùng rồi mới quyết định.

        Công việc nghiên cứu thực địa đạt kết quả tốt sau khi chia nhau bò sát vào đồn địch quan sát cách bố trí của địch từ nhiều phía, cộng với cơ sở địa phương cung cấp, đoàn đã kết luận chính xác, tạo cơ sở cho đại đoàn hạ quyết tâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 09:15:16 pm »


        Ở Nghĩa Lộ địch bố trí theo cụm cứ điểm (có nhiều cứ điểm) nhưng có hai cứ điểm lớn: Pú Chạng có chừng 300 quân, như con cú vọ đậu trên cao nhòm bao quát cả cánh đồng rộng; Nghĩa Lộ phố- cứ điểm này xưa kia là trại lính khố xanh, nằm sắt nách thị trấn Nghĩa Lộ. Địch ở đây có khoảng 400 tên và sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ. Hai cứ điểm này nằm hai đầu sân bay- cách nhau khoảng hơn hai kilômét, một cáu chót vót cao (Pú Chạng), một cái gần sát mặt ruộng (Nghĩa Lộ phố).

        Từ những tình hình chung này, chúng tôi tiến hành thảo luận quân sự dân chủ tại chỗ để sơ bộ xác định quyết tâm và phân bố lực lượng. Cuộc trao đổi ý kiến thật hào hứng và sôi nổi. Nhiều ý kiến hiến kế rất hay, ai cũng xung phong nhận nhiệm vụ khó khăn.

        Cuối cùng chúng tôi đã đạt được sự nhất trí về nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị:

        - Phải tập trung lực lượng đánh Pú Chạng trước vì cứ điểm này có tác dụng khống chế toàn bộ trận địa phòng thủ của địch ở Nghĩa Lộ.

        - Trung đoàn 102 được tăng cường 1 tiểu đoàn của trung đoàn 88 làm nhiệm vụ đánh cứ điểm Pú Chạng.

        - Trongkhi trung đoàn 102 đánh Pú Chạng, thì hai tiểu đoàn còn lại của trung đoàn 88 bao vây Nghĩa Lộ phố. Sau khi giải quyết xong Pú Chạng, trung đoàn 88 bắt đầu đánh chiếm Nghĩa Lộ phố.

        Sau đó chuyển sang bước nghiên cứu sâu hơn, xác định các hướng đánh của từng tiểu đoàn, đại đội.

        Liền trong hai ngày đêm, chúng tôi nằm sát địch. Ban ngày nghiên cứu xác định các hướng đột phá, chiều tối cán bộ các cấp lại mò vào tận trong sờ hàng rào địch, anh em quân báo luồn mãi vào bên trong vị trí địch, đến từng ụ súng; nơi nào còn nghi ngờ thì quân báo dẫn cả cán bộ luồn vào tận nơi xem xét cụ thể. Cuối cùng chúng tôi họp cả đoàn trao đổi phương án tác chiến. Mọi người đều thống nhất ý kiến với phương án đã đề ra; trung đoàn 102 bổ sung một số chi tiết về vị trí đặt trận địa pháo cùng các cỡ hoả lực, về phương phá khắc phục con suối Nậm Đông để triển khai lực lượng và đề nghị chọn thời điểm nổ súng vào quãng từ 16 đến 17 giờ vì chiều ở Nghĩa Lộ có sương mù rất sớm; trung đoàn 88 bổ sung chi tiết về chọn thời điểm đột phá và yêu cầu cho thêm lực lượng để có thể nắm thời cơ đánh Nghĩa Lộ phố ngay cả khi trung đoàn 102 chưa diệt xong Pú Chạng. Trong cuộc họp này tôi nhận thấy tất cả cán bộ và chiến sĩ trong đoàn chuẩn bị chiến trường đều hốc hác, má hóp da xanh, nhưng ai nấy đều linh hoạt, nói năng hoạt bát biểu lộ lòng tin tất thắng. Thế là chúng tôi đã thống nhất ý kiến với nhau xây dựng phương án tác chiến ngay tại thực địa, lấy đó làm cơ sở để về thông qua Đảng uỷ đại đoàn và báo cáo xin chỉ thị của Bộ.

        Từ Nghĩa Lộ trở ra, đoàn chúng tôi đi vào ban đêm, với một tinh thần hăm hở, mong sao chóng ra đến bờ sông Thao, chuẩn bị cho đơn vị vào chiến đấu. Một nguyên nhân nữa khiến đoàn phải trở ra gấp rút là việc chuẩn bị chiến trường đã kéo dài quá thời gian quy định, về chậm ngày nào, các đồng chí trên Bộ và ở đại đoàn càng mong ngày ấy.

        Sự thôi thúc của nhiệm vụ, sự mong đợi của cấp trên và đòi hỏi của nhân dân tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt khó khăn nhanh chóng trở về.

        - Các anh quá hẹn đã bốn ngày rồi!

        Giây phút đầu tiên gặp chúng tôi trở về, đồng chí Song Hào mừng quá, đã trút hết mọi lo lắng của những ngày nóng ruột chờ đợi trong lời trách móc thân tình ấy. Rồi đồng chí nói tiếp:

        - Ngày qua ngày, trông ngóng các anh. Tin các anh chẳng thấy, chỉ nghe tin địch tung quân ra vây chặn các anh. Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo: ta và địch chạm súng ở Ca Vịnh không biết diễn biến thế nào, song theo tin địch thì chúng chết một thiếu uý, một trung uý.

        Tôi hỏi cắt ngang:

        - Nhưng đoàn của Hồng Sơn đã về cả rồi mà?

        Đồng chí Song Hào trả lời:

        - Cũng mới về thôi, an toàn cả. Đoàn chuẩn bị chiến trường của trung đoàn 36, khi trở ra phát hiện địch phục kích ở suối Ca Vịnh. Chúng có hai trung đội. Ta đi tránh. Địch đuổi theo. Ta diệt một số. Chúng tháo chạy. Nhưng nghe đồng chí Hồng Sơn báo cáo thắng lợi thì lại càng lo cho các anh ở tận sâu trong Nghĩa Lộ. Mà theo thông báo của Bộ thì có tin địch tung một đại đội Tabor, chẹn các anh ở Khâu Vai. Bộ chỉ thị phải cử ngay một tiểu đoàn vào đánh giải vây. Chúng tôi đã lệnh cho 79 cấp tốc lên đường…
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM