Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:12:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36769 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:17:52 am »


        Chuyến đi kiểm tra thực tế đó đã giúp Bộ chỉ huy đại đoàn kịp thời có phương hướng công tác chính trị thích hợp lúc này là phải tập trung xây dựng tư tưởng kiên trì chờ viện, mặt khác cần phải gấp rút tổ chức sửa lại lán trại, cố gắng tạo chỗ ăn, ở vệ sinh, thoải mái, giảm bớt bệnh tật cho chiến sĩ, nhưng vẫn đảm bảo bí mật và sẵn sàng chiến đấu cao.

        Hơn một tuần, rồi hơn 10 ngày trôi qua vẫn không thấy địch mò lên, mà gạo ăn đã hết!

        Vấn đề thật vô cùng nan giải.

        Huy động dân công chuyển vận ư?- Có thể được, hoàn toàn không có khó khăn gì. Nhưng như thế sẽ không giữ được bí mật- mà bí mật lúc này lại là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi nhiệm vụ chặn viện của đại đoàn.

        Vấn đề được thảo luận kỹ: cuối cùng Bộ chỉ huy đại đoàn quyết định: mỗi đơn vị để lại 1/3 lực lượng giữ trận địa, còn 2/3 đi lấy gạo. Nơi lấy gạo khá xa, đi và về mất hai ngày.

        Ngày thứ nhất, tình hình yên tĩnh.

        Ngày thứ hai, buổi sáng vẫn yên tĩnh, nhưng đến trưa súng nổ ra ở phía Đông Khê. Như vậy có nghĩa là viện binh địch đã qua trận địa phục kích của ta ở Lũng Phầy.

        Nhưng vì sao lại có tình hình này- vì sao không một đơn vị nào của đại đoàn bố trí ở đây nổ súng?; vì sao suốt cả buổi sáng không một đơn vị nào biết địch đi qua trước mặt mình?, v.v…

        Đầu óc tôi căng lên vì những câu hỏi đó, những câu hỏi thuộc về trách nhiệm của tôi phải trả lời cả cấp trên và cấp dưới.

        Tôi ân hận, hối tiếc! Ta đã mất bao nhiêu công phu dàn trận ở một địa hình lý tưởng.

        Tôi day dứt- bởi đã mất bao ngày đêm anh em phơi nắng, phơi mưa, im hơi lặng tiếng, ăn uống kham khổ, những vẫn gắng chịu, cắn răng mà chịu để chờ địch lên là chặn đầu, khoá đuôi, đánh thúc ngang sườn, cắt chúng ra từng mảnh mà tiêu diệt… như trong phương án tác chiếc của đại đoàn đã được dân chủ bàn bạc xây dựng nên và đã được cấp trên chuẩn y.

        Vậy mà giờ đây, địch đi qua, ta không biết!

        12 Tháng Mười Một, 2007, 09:27:07 pm

        Nhưng vấn đề không phải ngồi tự trách mình, phê phán mình một cách tiêu cực. Khuyết điểm đã rõ, thái độ đúng lúc này là nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và phải nghiêm túc có kế hoạch khắc phục những nguyên nhân gây ra thiếu sót đó- một thiếu sót thuộc về nguyên tắc.

        Kẻ địch xảo quyệt ư?- điều đó có nhưng chỉ đúng một phần.

        Cái chủ yếu là do ta gây nên.

        Nghĩ như vậy, nên đại đoàn đã cử cán bộ xuống các đơn vị tìm hiểu để có kết luận rõ hơn.

        Và nguyên nhân tìm thấy không phải đâu xa, nó nằm ngay trong công tác chỉ huy của chúng tôi.

        Tổ chức chỉ huy chung làm tốt, nhưng tổ chức chỉ huy cụ thể thì lại chung chung, thiếu kiểm tra đôn đốc, v.v… Mà nguyên nhân của những cái thiếu sót đó chính lại là cái mệnh lệnh quy định các đơn vị cử 2/3 quân số đi lấy gạo gây nên. Nhận lệnh, các cấp từ trung đoàn đến cấp tiểu đội- đơn vị nào cũng huy động rất nghiêm chỉnh 2/3 lực lượng toàn những người khỏe. Một tiểu đội có 10 người đi bảy người, còn lại 3 người trông coi vũ khí cũng chưa xong còn lấy người đâu ra mà theo dõi địch, chiến đấu giữ trận địa. Toàn đại đoàn xộc xệch, không một đơn vị nào nguyên vẹn sẵn sàng chiến đấu cả. Lẽ ra muốn để lại 1/3 lực lượng để sẵn sàng chiến đấu thì mệnh lệnh phải quy định cụ thể như trung đoàn 1 để lại tiểu đoàn A, trung đoàn 2 để lại tiểu đoàn B hoặc C, v.v… Như vậy mới có đơn vị hoàn chỉnh về tổ chức, có cán bộ chỉ huy, trinh sát, thông tin; đơn vị ở lại giữ trận địa mới có trách nhiệm chiến đấu rõ ràng.

        “308 đã để địch đi qua trận địa mà không đánh được”.

        Trong lúc tình hình chiến dịch đang diễn biến khẩn trương, Bộ chỉ huy mặt trận chỉ khiển trách, như vậy, nhưng chúng tôi tự nghiêm khắc với mình, đã mắc phải một khuyết điểm thuộc về nguyên tắc, phải tự nhận một hình thức kỷ luật trước cấp trên, trước quần chúng chiến sĩ. Và riêng bản thân, tôi tự nhủ:

        - Ta phải tự nhận là đã thua để mà vươn lên, quyết tâm diệt gọn địch trong các trận đánh sắp tới.

        Đông Khê thất thủ gây chấn động dư luận trong nước và thế giới. Chính phủ Pháp bối rối, tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương hoang mang, thất vọng và cuối cùng buộc phải quyết định rút Cao Bằng.

        Hình thái chiến tranh lại có diễn biến phức tạp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:19:55 am »


        Ngày 29 tháng 9, Carpentier mở cuộc hành quân Phốc- cơ, tung một lực lượng khá lớn đánh lên thị xã Thái Nguyên nhằm buộc ta phải đưa chủ lực từ biên giới về đối phó, và như vậy áp lực của ta ở đường số 4 sẽ giảm đi, quân Charton rút chạy khỏi Cao Bằng sẽ có điều kiện thoát đi êm thấm. Với cuộc hành quân Phốc- cơ này, Carpentier còn hy vọng đánh lạc dư luận, không bàn tán xôn xao quá nhiều về cuộc triệt thoái Cao Bằng mà hướng cả về phía Thái Nguyên, nơi “quân đội Pháp đang đánh chiếm thủ đô kháng chiến của Việt Minh”.

        Nhân đây xin kể một chuyện vui nho nhỏ xảy ra 5 năm sau đó nhưng có liên quan đến cuộc hành quân nói trên. Tháng 10 năm 1954, đại đoàn 308 được vinh dự về tiếp quả Thủ đô. Tôi được Chính phủ chỉ định làm chủ tịch Uỷ banQuân chính thành phố. Nhân dịp đầu năm mới, Uỷ ban Quân chính thành phố tổ chức cuộc họp với các phóng viên báo chí nước ngoài tại khách sạn Dân chủ (phố Tràng Tiền) để thông báo thành tích đạt được trong những tháng đầu Thủ đô được giải phóng. Trong cuộc họp này có một người châu Âu, khoảng trên 40 tuổi, mặt nhiều nếp nhăn, chứng tỏ cuộc đời anh ta có nhiều chuyện không may. Ngay từ phút đầu, anh ta nhìn tôi với một thái độ chăm chú khác thường.

        - Đã gặp anh này ở đâu rồi chăng?- tôi tự hỏi như vậy. Tôi tin ở trí nhớ của mình không đến nỗi tồi lắm. Không, mình chưa hề gặp anh ta lần nào.

        Suốt buổi họp anh ta chăm chú nghe tôi nói và vẫn nhìn tôi khá kỹ- cả hình dánh và diện mạo nữa thì phải.

        Mãi đến khi cuộc họp gần kết thúc, hình như sực nhớ một điều gì, anh ta từ tốn nói:

        - Thưa thiếu tướng! Tôi xin phép được…

        - Ông cứ hỏi.

        - Không. Tôi không thấy có điều gì phải hỏi, mà muốn được phép nhắc tới một kỷ niệm đến với tôi cách đây đã 5 năm…

        - Mời ông nói tiếp.

        - Năm ấy tôi theo quân đội Pháp hành quân lên Thái Nguyên…

        - Cuộc hành quân Phốc- cơ phải không?

        Đến đây nét mặt trở nên hoạt bát và anh ta cởi mở kể:

        - Vâng, đúng như vậy thưa thiếu tướng. Hôm ấy tôi từ trên máy bay nhảy dù xuống Núi Vo đột nhập vào hậu cứ của thiếu tướng…

        - Rất tiếc là lúc đó tôi đang bận chuẩn bị tiếp hai ông Le Page và Charton- Tôi nói xen vào.

        Từ cởi mở chuyển sang tư lự, giọng trầm lắng oán trách, anh ta dè dặt kể tiếp:

        - Vâng, mãi sau này tôi đã được nghe giải thích, bởi thế hôm đó tôi mới có thể lọt vào hậu cứ của thiếu tướng được an toàn. Người ta nói với tôi trước khi lên máy bay rằng chủ lực Việt Minh sẽ phải vội vã từ Cao Bằng rút về Thái Nguyên đối phó. Và đấy là cơ hội để ta chiến thắng Việt Minh- Ngay tại thủ đô kháng chiến của họ. Riêng tôi cũng tin như vậy. Tôi đã chuẩn bị sẽ viết một thiên phóng sự có cả ảnh minh hoạ về cuộc hành quân này, nhưng tất cả đều vô ích, không thành!

        - Vì sao vậy?

        - Vì cấp trên của chúng tôi quả quyết lắm, chắc thắng to. Nhưng lại thất bại thì còn viết sao được!

        Qua câu chuyện trên đây, bạn đọc càng thấy thời kỳ này địch đã bị dồn vào cái thế trận cài sắn, buộc chúng phải bị động đối phó, mà càng bị động thì càng thất bại. Nước cờ của Carpentier tưởng là cao kế thực ra đã nằm trong dự kiến của ta. Cho nên mặc dầu cuộc hành quân Phốc- cơ đã lao vào cửa ngõ căn cứ địa Việt Bắc, nhưng chủ lực ta vẫn chủ động chiến đấu ở biên giới theo kế hoạch định trước của Bộ Tổng tư lệnh. Bởi vì ở Thái Nguyên, bộ đội địa phương và mạng lưới dân quân du kích được chuẩn bị sắn đã dìm cuộc hành quân này vào cảnh sa lầy, cuối cùng buộc Carpentier phải vội vã hạ lệnh cho nó rút lui.

        Xin tiếp tục trở lại mặt trận biên giới. Lúc này binh đoàn Le Page từ nhiệm vụ chủ yếu tăng viện cho Thất Khê, Carpentier đẩy nó vào cuộc hành quân Tê-re-dơ với nhiệm vụ chiếm lại Đông Khê làm cái cầu đón bọn ở Cao Bằng rút về.

        Chiến sự Đông Khê sôi động trở lại. Ngày 2 tháng 10, trung đoàn 209 đã đánh một trận xuất sắc, chặn đứng quân địch ở nam Đông Khê. Mộng chiếm lại cứ điểm này của Le Page tan vỡ. Cùng ngày các đơn vị của đại đoàn 308 mở hết tốc lực, từ các kho gạo hậu phương chiến dịch đặt ở Tà Lùng trở lại chiếm lĩnh trận địa mới, khoá chặt binh đoàn Le Page không cho chúng trở lui. Tuy nhiên đây không phải là cuộc chạy đua bình thường với thời gian, chỉ có mệt nhọc và vất vả, mà là một cuộc tiến quân dưới bom đạn địch, một cuộc chiến đấu thực sự, có đổ máu và hy sinh. Đường trở lại mặt trận phải qua nhiều quãng trống trải, phải qua cánh đồng bậc thang Bản Xiển, qua đèo đá Bố Bạch. Ở đây máy bay địch thay nhau bắn phá cản đường. Tiểu đoàn trưởng Dương Hán bị đạn 12,7mm của máy bay địch bắn cụt mấy ngón chân, đại đội trưởng Vũ Phương bị mảnh bom địch xuyên ngực nhưng vẫn chỉ huy bộ đội hành quân; chính trị viên Bùi Tất Thưởng bị trọng thương vẫn ngồi tựa lưng vào vách đá phất tay động viên chiến sĩ đi nhanh, chạy gất ra phía mặt trận…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 09:07:21 am »


        Cùng lúc trinh sát tiền phương đại đoàn báo về cho biết tình hình bố trí của binh đoàn Le Page: tiểu đoàn nhảy dù lê dương 1 BEP đang nằm ở phía nam Đông Khê; tiểu đoàn 1 Tabor tạt sang phía tây nam; tiểu đoàn 1 trung đoàn 8 bộ binh Ma Rốc đứng sau tiểu đoàn nhảy dù lê dương 1 BEP rải quân trên các quả đồi sát ven đường số 4- đoạn từ Nà Pá đến Nà Mọc, Trọc Ngà, chân đèo Lũng Phầy; tiểu đoàn 2 Tabor đóng trên núi Khau Luông làm cái lá chắn che đỡ cho toàn đội hình của binh đoàn Le Page.

        Như vậy địch đã dàn xong thế trận- vừa làm nhiệm vụ phòng ngự, vừa yểm hộ cho nhau tiến công đánh chiếm Đông Khê, để đón binh đoàn Charton từ Cao Bằng đang trên đường rút chạy.

        Cán bộ, chiến sĩ đại đoàn từ kho gạo cấp tốc hành quân trở về phải nói là rất mệt.

        Nhưng vừa vứt bao gạo xuống là cầm lấy súng, thắt bao đạn ngang lưng sẵn sàng chờ lệnh.

        Qua nghiên cứu, phân tích địch tình và địa hình, Bộ chỉ huy đại đoàn quyết định tổ chức một trận phản kích chiếm lại Trọc Ngà và Khau Luông. Vì Trọc Ngà dưới chân Lũng Phầy có tác dụng khoá đuôi binh đoàn Le Page không cho chúng trở lui. Còn Khau Luông là điểm cao có tác dụng khống chế toàn đội hình của chúng.

        Trận Trọc Ngà kết thúc lúc 17 giờ thì 18 giờ ta nổ súng đánh vào Khau Luông.

        Khau Luông tiếng địa phương có nghĩ là núi lớn. Trên thực địa đây là dãy núi đất khá cao, địa hình phức tạp, cây cối rậm rạp.

        Trung đoàn 36 được giao nhiệm vụ nặng nề này. Thời gian thật khẩn trương, nhưng Bộ chỉ huy trung đoàn đã biết nắm lấy những công việc chính của tổ chức hiệp đồng chiến đấu- nhất là bộ binh với pháo binh, xung kích với hoả lực trợ chiến đại liên, súng cối. Trận tiến công bắt đầu vào lúc 18 giờ. Sau 60 phút bắn áp chế, bộ đội xung phong. Hoả lực của địch từ trên bắn xuống cản đường một phần, nhưng núi cao và rừng cây rậm rạp đã gây nhiều trở ngại cho tốc độ phát triển của trận đánh. Đêm tối ở rừng đổ ập xuống rất nhanh. Các đơn vị mất phương hướng mục tiêu. Phải đợi đến quá nửa đêm, khi trăng cuối tuần nhô lên cao mới nhìn thấy vị trí địch. Cuộc tiến công lại tiếp tục cho đến 6 giờ 30 phút sáng.

        Chiều ngày 4 tháng 10, trung đoàn 36 lại tiếp tục cuộc tiến công sau khi được tăng cường thêm tiểu đoàn 11, tiểu đoàn 18 và một đại đội ĐKZ 57mm. Trong đợt tiến công lúc 15 giờ, ta chiếm được hai ngọn núi, sau ít phút ta chiếm thêm một ngọn nữa thì trời tối phải dừng lại chờ trăng lên. Nhưng nửa đêm, đột nhiên địch bắn một chập hết sức dữ dội. Ta đánh sang thì chúng đã rút hết. Trước mắt các chiến sĩ, Khau Luông thực sự là bãi chiến trường tổng hợp thất bại của các thành phần quân lính thuộc binh đoàn Le Page: báng súng gãy, lưới lê quằn, mũ sắt, mũ vải của lính dù, khă vải quấn đầu của lính Tabor, la liệt những xác chết, những hố bom, những đống vỏ đạn, v.v…

        Từ Khau Luông, các đơn vị của đại đoàn đổ xuống đường số 4, gặp ngay cánh đồng Nà Pá- nơi Le Page đặt sở chỉ huy, lại ngổn ngang, loang lổ dù xanh, dù đỏ, dù vàng. Địch cũng đã rút khỏi nơi đây từ lúc nào. Các chiến sĩ trinh sát thong dong xuôi đường số 4 nắm tình hình, gặp một tên lính dù gãy tay ngồi giữa đường với cái gậy buộc mảnh vải trắng báo hiệu xin hàng, xin tha tội chết. Đi vào ven rừng quanh đó lại gặp thêm từng tốp địch, lính dù có, lính Tabor có, bị thương nằm kêu la oán trách cấp trên bỏ rơi chúng… Đi quá về phía Trọc Ngà, Lũng Phầy chốc chốc các chiến sĩ ta lại bắt gặp một cái cáng, tên lính địch nằm ngửa tênh hênh chắp tay vái lậy; rồi những con lừa bơ vơ không chủ, lưng võng xuống vì thồ nặng, toàn là những bộ phận của pháo địch bước những bước chậm chạp, xiêu vẹo…

        Trận đầu thắng lợi, sĩ khí đại đoàn đang lên, tất cả quên mệt, sẵn sàng chờ lệnh mới.

        Địch đã thất bại, đã phải rút Khau Luông, bỏ pháo, bỏ ngựa tải đạn, bỏ thương binh.

        Địch kéo nhau đi đâu rồi? Phía bắc ta chẹn ở Đông Khê, nó không lọt qua được. Phía nam ta đã khóa đuôi nó ở Trọc Ngà. Phía đông là Khau Luông nó vừa rút chạy. Chỉ còn phía tây, nhưng cả vùng rừng núi mênh mông, cây cối um tum rậm rạp này biết nó lủi vào đâu mà tìm. Địch đi đâu và có âm mưu gì đây?

        Trong khoảnh khắc không ai trả lời được câu hỏi này. Một không khí im lặng trùm lên những suy nghĩ, tự nói với mình- nói đúng hơn là tự nhủ mình: nắm địch là một động tác, một nguyên tắc của bất cứ người chỉ huy nào đều phải thực hiện để từ đó mới có cơ sở chắc chắn tổ chức đánh địch. Hơn nữa đánh vận động ở vùng rừng núi hiểm trở như thế này mà không tổ chức, hoặc tổ chức trinh sát bám địch thiếu cụ thể, thiếu thường xuyên liên tục, thì nhất định sẽ bị động với địch, địch ở ta không biết, địch đi ta không hay, cứ đuổi địch miết, bộ đội mệt sức, tốn công, tốn đạn để đánh vào chỗ không người.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 09:53:32 am »


        Một cuộc hội ý chớp nhoáng với các cán bộ tham mưu, quân báo giúp việc Bộ chỉ huy đại đoàn để rút kinh nghiệm trận đánh… Tiếp theo là một loạt biện pháp cụ thể về tổ chức mạng lưới trinh sát được tăng cường, tỏa đi các ngả, xuống các trung đoàn, nhập vào đội hình chiến đấu của đơn vị để nắm địch. Vừa lúc đó, từ điểm cao 615 trên núi Khau Luông có thể quan sát một vùng rộng từ Đông Khê đến Lũng Phầy, anh Cao Văn Khánh báo cáo về:

        - Địch hiện tập trung ở Khâu Xiêm.

        Chúng tôi giở bản đồ đối chiếu: Khâu Xiêm (tiếng địa phương là núi nhọn) là quả núi cao nhất vùng Đông Khê. Nhưng Le Page dồn quân vào đấy với ý định gì?

        Chúng tôi đang tranh luận để tìm lời giải cho câu hỏi này, thì đồng chí liên lạc với vẻ mặt phấn khởi, chạy đến, tay cầm một tờ giấy, hớt hải, nói:

        - Báo cáo anh, có điện của Bộ chỉ huy mặt trận.

        Cuộc tranh luận tạm ngừng. Mọi người dồn về phía tôi, chờ đợi tin tức qua bức điện.

        Tôi xem một lần, rồi đọc to cho mọi người cùng nghe: Địch đã rút khỏi thị xã Cao Bằng từ mờ sáng ngày 3 tháng 10. Hiện giờ chúng đã đến Nậm Nàng (cách Đông Khê 20 kilômét), phá xe cộ, súng nặng bỏ lại dọc đường số 4 đi tạt vào rừng. Bộ đã điều hai tiểu đoàn của trung đoàn Sông Lô lên đánh kiềm chế. Đại đoàn 308 được tăng viện thêm tiểu đoàn 154 của trung đoàn Sông Lô có nhiệm vụ nhanh chóng bao vây tiêu diệt gọn binh đoàn Le Page, hiện ở tây nam Đông Khê.

        Địch chiếm Khâu Xiểm để làm gì, như vậy đã rõ. Tôi gọi các cán bộ tác chiến đến quanh tấm bản đồ Thất Khê- Đông Khê để nghiên cứu kế hoạch thực hiện lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận vừa giao cho đại đoàn.

        Từ Nậm Nàng, Charton đi tắt rừng, nhất thiết phải theo đường mòn Quang Liệt qua điểm cao 477 xuống Bản Ca về Thất Khê. Còn cánh quân Le Page, theo anh Cao Văn Khánh báo cáo về, hiện đang ở Khâu Xiểm, như vậy là Le Page cũng đang tìm đường sang 477. Điểm gặp nhau của hai binh đoàn này là điểm cao 477. Cần phải tách hai cánh quân đó ra, không cho chúng gặp nhau; đối với cánh quân Le Page mà đại đoàn có nhiệm vụ phải tiêu diệt thì ta phải tìm cách chặn đầu, khoá đuôi, rồi dùng một lực lượng đánh sườn, cắt chúng ra từng khúc, diệt từng bộ phận, tiến lên tiêu diệt toàn bộ…

         Nhìn trên bản đồ thấy đường từ Khâu Xiểm sang điểm cao 477 phải qua vùng núi đá Cốc Xá, một đồng chí cán bộ tác chiến đứng cạnh tôi mừng rỡ, nói:

        - Báo cáo anh, sáng nay thông tin của ta bắt được điện của địch có câu “U- ét Can- ke”.

        - Đúng rồi, đấy là nơi Charton và Le Page hẹn gặp nhau- “U- ét Can- ke” (phía tây dãy núi đá vôi) tức là điểm cao 477- một đồng chí khác nói xen vào.

        Tôi gật đầu tán thành nhận định của đồng chí cán bộ quân báo, và nói vui:

        - Hừ, mấy thằng tây già cáo thật. Nhưng vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn. Ta phải chặn đầu Le Page lại.

        Lúc này trong tâm trí tôi, bài học đánh địch ở chiến dịch Sông Lô lại hiện về.

        Trận Sông Lô II hồi tháng 5 năm 1949, địch đánh lên Tuyên Quang. Ta phán đoán thế nào địch cũng phải rút về theo ba hướng: bên tả ngạn sông Lô, bên hữu ngạn sông Lô và theo dọc sông. Dự kiến thì đúng, nhưng ta không tiêu diệt được địch, để chúng chạy thoát, là do nguyên nhân: chọn nơi quyết chiến không đúng và dùng hình thức đánh tập kích ban đêm trong trường hợp đó cũng không thích hợp, vì bộ đội tiến vào đánh địch phải qua một con suối sâu, nước chảy mạnh, không có cầu thuyền bảo đảm nên lúng túng suốt đêm, lạc mục tiêu; không tổ chức lực lượng chặn đầu tốt, chỉ có chôn bom, bom không nổ để địch chạy thoát. Đầu chạy là đuôi lọt.

        Bài học đó nhắc chúng tôi hôm nay phảt tổ chức một lực lượng chặn  đầu mạnh và phải tìm nơi chốt chặn có lợi nhất.

        Được đồng bào địa phương cho biết, địch muốn qua vùng núi đá Cốc Xá phải vượt một chặng đường độc đạo cheo leo, hiểm trở. Đồng bào nói: “Không đi được nhanh đâu, phải đi người nọ sau người kia đấy. Không đi sánh vai nhau được đâu”. Nhìn trên bản đồ, tôi thấy đầu cùng cái con đường cheo leo kia là bản Cốc Xá, có nhiều đồi đất: một điểm chặn lý tưởng, ta dàn được đội hình, phá huy được hoả lực, còn địch thì chỉ có một con đường dốc đá chật hẹp- một vùng eo thật sự.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 09:57:53 am »


        Tôi gọi điện cho đồng chí Vũ Yên, trung đoàn trưởng trung đoàn 102:

        - Anh được tin Charton rút Cao Bằng chưa?

        - Báo cáo, được tin rồi, trung đoàn 102 sẵn sàng xuất kích.

        - Hiện giờ Le Page đang tìm đường qua núi đá sang Cốc Xá để sang điểm cao 477 gặp Charton. Tiểu đoàn nào của anh lúc này đang nằm sát đường số 4?

        - Báo cáo, tiểu đoàn 18.

        - Rất tốt. Tiểu đoàn 18 có nhiều cán bộ, chiến sĩ biết vùng này, anh xuống ngay tiểu đoàn 18, chỉ thị cho Ngọc Sơn dẫn toàn bộ tiểu đoàn hành quân ngay, bằng bất cứ giá nào phải đến Cốc Xá trước sáng mai. Anh hiểu ý tôi chưa? phải đến Cốc Xá đúng gìơ quy định!

        - Rõ, đóng một cái chốt, chặn đầu Le Page- Vũ Yên trả lời.

        Tôi vui sướng vì trên dưới hiểu ý nhau, và như hét lên trong máy:

        - Đúng rồi! Bảo tiểu đoàn 18 hãy chạy thi với Le Page. Động viên anh em khắc phục khó khăn, lập công. Nhớ phải đúng thời gian quy định nhé. Đúng thời gian là thắng Le Page, thắng to đấy…

        Lệnh của trung đoàn đưa xuống giữa lúc tiểu đoàn 18 đang thổi cơm chiều. Nhưng tiểu đoàn phó Ngọc Sơn đã nghiêm chỉnh chấp hành lệnh, anh nuôi cứ tiếp tục nấu cơm, nắm lại rồi gánh đuổi theo đơn vị. Cũng không chờ tập hợp cả tiểu đoàn mới xuất phát. Tiểu đoàn phó Ngọc Sơn đến đại đội 263 ở gần đường nhất, giao nhiệm vụ rồi cho đi ngay. Tiếp đến đại đội trợ chiến 265. Chính trị viên tiểu đoàn Hồng Long tiếp tục dẫn hai đại đội còn lại theo sau.

        Tiểu đoàn 18 hành quân như chạy, vì đã 19 ngày chờ địch, khí thế phấn khởi bị nén lại, nay được dịp bung ra, tạo thành sức mạnh đi nhanh tới đích. Tiểu đoàn đã đánh nhiều trận trên đường số 4, lại thông thạo địa hình, nhưng đây là lần đầu tiên anh em được đi trên mặt đường này, đi giữa ban ngày. Nhưng càng đi xuôi đường số 4 càng xa tiếng súng, chiến sĩ thắc mắc:

        - Địch ở bắc, mình xuống nam, đón đầu gì mà lạ vậy?

        Cán bộ ôn tồn giải thích:

        - Đường rừng nó rắc rối thế đấy, cứ theo lệnh mà đi, sớm mai địch nó dẫn thân đến trước mặt mình cho mà xem…

        Tiểu đoàn 18 đã đến đúng giờ quy định- bản Cốc Xá trước sáng ngày 5- 10. Thế là ta đã đóng được một cái chốt chặn đầu quân Le Page rồi. Cũng từ sáng ngày 5 tháng 10, các đơn vị của đại đoàn từ đường số 4 đổ vào vùng núi Cốc Xá. Từng tiểu đoàn cứ theo hướng máy bay địch thả dù mà phá bụi, chặt cây tiến lên sát địch. Không còn phân biệt được trung đoàn nào nữa, các trung đoàn trưởng cứ nắm được tiểu đoàn nào là chỉ huy chiến đấu. Với ý thức kỷ luật, tinh thần phối hợp chiến đấu diệt địch, các tiểu đoàn đều triệt để phục tùng mệnh lệnh bất cứ của đồng chí trung đoàn trưởng nào miễn là họ được đánh địch, được tiêu diệt gọn binh đoàn Le Page.

        Các nơi tới tấp gọi điện về đại đoàn:

        - Đồng chí trung đoàn trưởng Thái Dũng báo cáo đang chỉ huy tiểu đoàn 23 (trung đoàn 88), tiểu đoàn 84 (trung đoàn 36), tiểu đoàn 18 (trung đoàn 102), đánh vào tây nam Cốc Xá.

        - Trung đoàn trưởng Hồng Sơn báo cáo đang chỉ huy các tiểu đoàn 80, 89, 11 và tiểu đoàn 154 của trung đoàn Sông Lô vừa mới tăng cường đang dồn sức phát triển theo hướng đông Cốc Xá.

        - Trung đoàn trưởng Vũ Yên báo cáo đang trực tiếp nắm tiểu đoàn 54, phối hợp chặt chẽ với tiểu đoàn 29 của trung đoàn 88 đánh theo hướng đông bắc Cốc Xá.

        Tình hình phát triển khả quan, các mũi hợp đồng chiến đấu tốt. Cốc Xá đã ở trong vòng vây của đại đoàn.

        - Bắt sống Le Page!- đó là lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đại đoàn.

        Mệnh lệnh tuy ngắn, nhưng người tôi nóng ran lên vì vui sướng, và truyền ngay lệnh này xuống các đơn vị:

        - Vây bắt sống kỳ được Le Page; bắt Tabor về vác gạo!

        Lệnh ra trúng tâm lý cán bộ, chiến sĩ gây thêm lạc quan phấn khởi, cổ vũ mọi người hăng hái vượt khó khăn tiến về phía có tiếng súng, mặc dầu trận đánh vận động đã kéo dài 4- 5 ngày, anh em ăn uống thất thường, có đơn vị đói vì hết gạo.

        Ngày 5 tháng 10, binh đoàn Charton từ Cao Bằng về đã mò tới Quang Liệt, trong ngày hôm ấy chúng có thể tới điểm cao 477. Và như vậy quân Charton sẽ thọc vào sau lưng ta để cứu nguy cho bọn Le Page và Le Page được tiếp cứu sẽ đốc quân lính chúng mở đường máu giải vây.

        Nhận được thông báo của sở chỉ huy đại đoàn, và qua nghiên cứu trên bản đồ, đồng chí đại đoàn phó Cao Văn Khánh trực tiếp chỉ huy cuộc bao vây, đánh ép binh đoàn Le Page vào khu núi đá Cốc Xá để tiêu diệt, đã tổ chức gấp một cái chốt nhỏ ở Tân Bể chặn quân Charton lại. Đại đội Tô Văn được giao nhiệm vụ này. Trải qua một cuộc hành quân đầy gian khổ, phải vượt một dãy núi đá tai mèo đầy nguy hiểm, đại đội trưởng đại đội Tô Văn đã dẫn đơn vị của mình đến Tân Bể trước một giờ khi Charton kéo đến. Đại đội Tô Văn tuy chỉ tổ chức chốt chặn, đánh tan trung đội lê dương đi đầu, nhưng trận đó có giá trị quan trọng đối với toàn bộ chiến chắng tiếp sau của đại đoàn, vì sau đó Charton buộc phải dừng đội hình lại, tổ chức cho cả tiểu đoan 3 thuộc trung đoàn lê dường lên tiếp cứu, ảnh hưởng đến tốc độ hành quân.

        Ngày 6 tháng 10, tình hình diễn biến thật khẩn trương. Charton đã về gần tới điểm cao 477.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 10:01:35 am »


        Bộ chỉ huy đại đoàn cùng với các cán bộ tham mưu giúp việc lại tập trung phân tích tình hình và đề ra biện pháp xử trí. Địch ở Cốc Xá tuy còn đông, nhưng tinh thần rất bạc nhược, đã lâm vào thế bị bao vây không lối ra. Lúc này ta chỉ cần dùng một bộ phận lực lượng cũng đủ tiêu diệt quân Le Page, còn dồn lại tất cả sang đánh quân Charton ở điểm cao 477.

        Được Bộ chỉ huy mặt trận chấp nhận kế hoạch nói trên. Đại đoàn điều động lực lượng thực hiện: trung đoàn 36 được tăng cường thêm tiểu đoàn 11, có nhiệm vụ nhanh chóng diệt gọn cánh quân Le Page ở Cốc Xá; trung đoàn 102 được tăng cường thêm tiểu đoàn 29, chỉ trong đêm 6 rạng ngày 7 tháng 10 phải đưa hết quân vòng qua dãy núi Cốc Xá để đón đánh quân Charton ở điểm cao 477; trung đoàn 88 bố trí ở Bản Ca- phía nam dãy đồi 477, cần lập một cái chốt cứng ở đây để chặn địch.

        Riêng với trung đoàn 88, tôi gọi điện trực tiếp giao nhiệm vụ:

        - Trung đoàn cho một lực lượng chi viện cho trung đoàn 102 đánh vào sườn phía tây dãy 477. Nhưng nhiệm vụ chính của trung đoàn là chốt chặn Bản Ca vì địch bị đánh ở 477, nhất định sẽ về Bản Ca.

        - Rõ. Tôi hiểu từ Bản Ca có đường mòn đi Thất Khê- Đồng chí Thái Dũng trả lời.

        - Đúng. Cần phải chốt chặn, bịt kín Bản Ca, phải bắt sống Charton!- Tôi nhấn mạnh.

        Toàn đại đoàn cho đến ngày 6 tháng 10, tuy đã sáu ngày đêm liên tục vận động, nhưng nhiều tiểu đoàn, nhiều đại đội vẫn chưa được đánh trận nào. Đói mệt, quần áo rách bươm vì gai rừng cào xé, nhưng tinh thần bộ binh rất háo hức. Giữa lúc tình hình khẩn trương, đại đoàn lại nhận được thư Bác Hồ gửi tới thăm hỏi, động viên mọi người quyết tâm diệt địch, giành toàn thắng trong chiến dịch lịch sử này. Nhận được thư Bác, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn rất xúc động, lập tức cho phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Anh em phấn khởi như được tiếp thêm sức chiến đấu. Không khí thi đua giết giặc càng sôi nổi, vui như ngày hội. Tiếp theo là nhật lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên bộ đội tiến lên hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Bác Hồ giao cho.

        Ngày 6 tháng 10, khắp mặt trận chuyển động với nhịp độ thật khẩn trương. Cuộc chiến đấu dần dần khoanh gọn trong hai khu vực: núi đá Cốc Xá và dãy điểm cao 477. Cốc Xá- 477 hai cái địa danh bình thường của vùng biên giới, ít ai nhắc đến bỗng trở thành cái tên quen thuộc, được ghi vào lịch sử những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc. Bộ tham mưu quân đội Pháp ngày đêm hy vọng xen lẫn với hồi hộp, lo lắng, bóp đầu tính toán những mong Le Page từ Cốc Xá có thể vọt sang 477 gặp Charton. Cùng lúc bộ chỉ huy mặt trận của ta cũng đang tập trung trí tuệ vào hai điểm đó, chỉ đạo bộ đội biến nơi đó thành hai cái mồ chôn vùi quân xâm lược.

        Giữa lúc bộ đội đang ầm ầm chuyển động, đạp bằng khó khăn, vượt lên nguy hiểm để thực hiện bằng được quyết tâm chiến đấu của đại đoàn: bắt sống cả Le Page và Charton, thì tôi phải nằm bất động vì bị chảy máu dạ dày- bệnh cũ nay lại tái phát. Lương tâm và trách nhiệm thôi thúc, tôi không sao nằm yên được. Tôi đề nghị anh em vệ binh làm cáng khiêng tôi đi theo đơn vị để được tiếp tục cùng cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu. Nhưng bác sĩ Minh Tâm vừa như ra lệnh cho tôi vừa như động viên an ủi tôi:

        - Đây là căn bệnh cần phải nằm bất động, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mệnh. Chúng tôi đã thảo luận với anh em thông tin đảm bảo đường dây điện thoại để anh em liên lạc với anh Cao Văn Khánh nắm tình hình…

        Tôi phải cắn răng không kêu để chống lại cơn đau và để chấp hành mệnh lệnh chuyên môn.

        Nằm bất động nhưng đầu óc tôi vẫn hiện lên những hình ảnh bộ đội ta đang tiến quân thắng lợi. Tất cả như một cuốn phim với những cảnh: các chiến sĩ quần áo rách bươm đang chiếm lĩnh điểm cao 477, đang vượt búi đá Cốc Xál; hai tên Le Page và Charton mặt cắt không còn hạt máu, râu ria xồm xoàm, hai mắt trắng dã lơ láo, giơ tay đầu hàng…

        - Anh Vũ!

        Tôi giật mình, tỉnh dậy vì có tiếng gọi.

        - Anh vẫn sốt phải không?- đồng chí y tá hỏi tiếp và đặt tay lên trán tôi.

        - Không, mình thấy dễ chịu, vừa ngủ được chút ít.

        - Nhưng thấy anh nói rất to và hai tay nắm giơ lên…

        - Có lẽ mình nói mê- tôi thanh minh.

        Tôi đã tỉnh thật, và lại nghe tiếng súng nổ rộ từ các nơi dội về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 10:05:24 am »


        Một câu hỏi lại được đặt ra: đánh như thế nào và đánh vào lúc nào có lợi nhất để tiêu diệt gọn binh đoàn Le Page?

        Cơ quan  tham mưu đại đoàn gọi điện truyền lệnh cho trung đoàn trưởng Hồng Sơn chuẩn bị sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao, vì Le Page rất có thể liều mạng đánh sang 477 vào khoảng mờ sáng ngày 7 tháng 10. Nhận điện, trung đoàn trưởng Hồng Sơn, người được giao chỉ huy trận quyết định ở Cốc Xá đã triển khai gấp kế hoạch:

        - Tiểu đoàn 11 từ tây nam đánh thẳng vào trong eo Cốc Xá, chặn bằng được con đường mà quân Le Page sẽ chạy sang 477.

        - Tiểu đoàn 154 từ phía bắc theo đường mòn đánh thúc mạnh vào đuôi đội hình địch.

        - Tiểu đoàn 89 từ đông nam đánh lên, riêng đại đội 395 bí mật leo lên đỉnh núi giáng “đòn bổ thượng” vào giữa đội hình địch.

        - Trong đêm 6 tháng 10, hai tiểu đoàn 11 và 154 cứ tự động từng bước đánh ép địch lại, dồn chặt chúng vào trong eo Cốc Xá.

        - Giờ tổng công kích thống nhất vào 5 giờ sáng ngày 7 tháng 10, khi đại đội 395 từ trên cao bất ngờ xả súng xuống đội hình địch.

        Như thế là chúng ta đánh Le Page trước khi chúng thúc quân sang 477 để gặp binh đoàn Charton.

        Trận Cốc Xá diễn ra đúng như dự tính của ta. Suốt đêm, hai tiểu đoàn 11 và 154 đánh chặn đầu, thúc đôi. Địch bị lèn chặt trong eo Cốc Xá. Sáng ra, đúng vào lúc Le Page cố thúc quân liều mạng mở đường máu định đánh bật tiểu đoàn 11 của ta ra để kéo chạy sang dãy 477, thì từ trên đỉnh một ngọn núi đá ở bên sườn eo Cốc Xá, đại đội 395 bất thần đánh xuống. Ở điểm cao lợi thế, các chiến sĩ đại đội 395 không cần dùng súng cối đã mất bao nhiêu công phu khiên vác lên điểm cao này để bắn chế áp, mà chỉ dùng súng máy, lựu đạn, thả cả quả đạn cối 60mm mà quét địch, lẳng xuống đầu địch. Kẻ địch dưới chân họ, đứa chết, đứa bị thương kêu cứu, những tên sống sót xô nhau, đạp lên nhau chạy nhốn nháo la thét, chửi bới oán trách cấp trên của chúng đã dẫn chúng đến nơi tử địa này.

        Tiếng súng của đại đội 395 là hiệu lệnh tổng công kích vào eo Cốc Xá, cũng là tiếng chuông báo tử binh đoàn Le Page.

        Kế hoạch mở đường thoát của Le Page, trở thành kế hoạch tự sát. Y thúc tiểu đoàn dù số 1 cố sống cố chết mở đường ra khỏi eo Cốc Xá nhưng một tuyến hoả lực hơn mười khẩu trung liên của tiểu đoàn 11 bố trí sẵn đã bắn chặn chúng, quan lính ngã chồng chất lên nhau thành một đống tắc nghẽn. Duy còn một quãng để ngỏ, ấy là quãng sườn dốc đổ thẳng xuống vực sâu, lũ quân lê dương, nhảy dù tranh nhau chạy, xô nhau để rồi tất cả đều rơi xuống vực thẳm. Tiểu đoàn 11 bắt sống một số sĩ quan dù. Tiểu đoàn trưởng Dũng Mã tranh thủ giải thích chính sách nhân đạo của Chính phủ ta rồi dùng số này quay trở vào thung lũng Cốc Xá kêu gọi đồng đội của họ nộp súng đầu hàng thì được tha tội chết… trong khi đó hai tiểu đoàn 89 và 154 đã tràn vào thung lũng hợp vây diệt địch…

        Tôi vừa nghe đồng chí trợ lý tác chiến báo cáo tổng hợp quân ta tiến công thắng lợi ở Cốc Xá thì có điện của Bộ chỉ huy mặt trận gọi.

        Tôi cầm máy và nghe rõ tiếng đồng chí Võ Nguyên Giáp ở đầu dây bên kia:

        - Tình hình phát triển thế nào rồi, anh Vũ?

        Nghe giọng nói của đồng chí Tổng tư lệnh, biết lúc này đồng chí đang vui, tự nhiên tôi thấy mình khỏe hẳn lên, cơn đau dạ dày biến mất. Tôi báo cáo gọn:

        - Binh đoàn Le Page coi như đã bị xoá sổ ở núi Cốc Xá…

        - Nhưng chưa bắt được Le Page?

        - Vâng, địch tháo chạy được một số…

        - Phải bắt hết! Còn 477 ra sao?

        - Dạ, đại đoàn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Trung đoàn 102 đang đánh vào sườn đội hình binh đoàn Charton ở dãy đồi 477. Trung đoàn 88 đã bịt chặt Bản Ca- nam điểm cao 477…

        Đại tướng nói vui xen vào:

        - Cố thu xếp cho Charton gặp Le Page!

        - Vâng, chúng tôi hứa cố gắng.

        Nghe tôi nói không bình thường, đồng chí đại tướng rất tinh, hỏi:

        - Sao tiếng nói của anh khàn khàn thế?

        Tôi thấy đã đến lúc phải nói thật điều mà mấy hôm nay tỗi vẫn giấu:

        - Dạ, không phải mất ngủ, tôi bị chảy máu dạ dày, đang phải nằm để tiếp máu khô…

        Không để tôi nói tiếp, đồng chí đại tướng ngắt lời:

        - Chịu khó nằm tĩnh dưỡng cho khỏe. Đánh giặc còn lâu dài. Anh bảo cơ quan tham mưu đại đoàn thông báo gấp cho anh Cao Văn Khánh biết, địch đã đưa binh đoàn Đờ- la Bôm từ Thất Khê lên Lũng Phầy để đón Le Page và Charton về đấy. Đại đoàn 308 hoàn thành tiếp nhiệm vụ tiêu diệt binh đoàn này.

        - Rõ!- Chúng tôi hứa kiên quyết thực hiện bằng được mệnh lệnh của cấp trên.

        - Nhưng anh Vũ phải nghỉ cho khỏe, phải theo ý kiến của quân y…

        Tôi gọi điện cho anh Cao Văn Khánh, thông báo tình hình và truyền đạt mệnh lệnh của đại tướng, thì đầu dây bên kia, lại được tiếp tục nghe những lời an ủi đầy tình nghĩa đồng chí:

        - Anh cứ nằm nghỉ. Mong rằng những tin chiến thắng của đại đoàn ta trong ngày hôm nay sẽ làm anh vui, chóng khỏe.

        Tôi cảm động đến chảy nước mắt về những lời khuyên nhủ chí tình, chan chứa tình cảm đồng chí ở giữa chiến trường nóng bỏng này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 10:08:30 am »


        Những nghỉ làm sao được trong lúc các đơn vị của đại đoàn quên hết gian khổ, mệt nhọc và đói rét đã kéo dài hàng tuần lễ, vẫn lao về phía trước, về phía có tiếng súng nổ để truy tìm diệt địch.

        Phải gắng sức mình, phải chia xẻ gian khổ và cần thì xả thân cùng cán bộ, chiến sĩ trong lúc này là cần thiết, là vinh dự và cũng là trách nhiệm của bất cứ người chỉ huy nào của quân đội cách mạng.

        Ý nghĩ đó thôi thúc tôi, giúp tôi có thêm sức mạnh. Tôi tiếp tục theo dõi diễn biến trận đánh, cùng với cán bộ tham mưu đại đoàn vạch kế hoạch cho bộ đội hoàn thành tố nhiệm vụ tiếp sau mà Bộ chỉ huy mặt trận vừa giao…

        Sáng ngày 7 tháng 10, ta xoá sổ binh đoàn Le Page trong thung lũng Cốc Xá, nhưng Le Page và mấy trăm tàn quân lẩn thoát vào rừng.

        Trận Cốc Xá kết thúc thì trận đánh binh đoàn Charton ở điểm cao 477 bắt đầu. Điểm cao này có năm ngọn nối tiếp nhau, trong đó có ba ngọn cùng cao hơn mặt biển 477 mét, nên gọi là dãy núi 477. Mỏm đầu là 477, giữa là 520, tiếp theo là mỏm 500, mỏm này đổ xuống Bản Ca, nơi gặp nhau của hai con suối to chảy dọc theo hai bên sườn đông tây của dãy 477.

        Binh đoàn Charton rời Cao Bằng từ ngày 3 tháng 10, lần mò đến mãi xế chiều ngày 6 tháng 10 mới tới dãy 477. Đêm ấy Charton dân quân lò do trên năm mỏm của dãy đồi 477. Rừng núi ở đây có đặc điểm là ở dưới thấp, cấy cối rậm rạp, nhưng trên các mỏm cao toàn là cỏ gianh, đứng xa tưởng như núi trọc- một loại địa hình rất thuận tiện cho ta thực hành chiến thuật tập kích, bí mật, bất ngờ đánh mạnh, thọc sâu chia cắt địch. Sáng hôm ấy, bầu trời âm u, sương mù bao phủ dày đặc hết cả dãy đồi 477, nhưng nhờ có đồng bào địa phương chỉ dẫn, nên tiểu đoàn 18 đánh rất trúng, chỉ qua hai đợt tiến công đã chiếm được hai mỏm phía nam của dãy đồi. Hôm trước cũng tiểu đoàn 18 chặn đứng quân Le Page ở Cốc Xá, hôm nay cũng tiểu đoàn 18 lại làm nhiệm vụ chặn đầu binh đoàn Charton trên dãy đồi 477. Địch phản ứng mạnh. Những đợt ném bom bắn phá dữ dội của không quân, những đợt xung phong liều chết của lính lê dương khiến tiểu đoàn 18 chỉ còn bám được mỏm 500. Nhưng có tiểu đoàn 23 đánh thốc lên, phối hợp thọc ngang sườn bên phải và bên trái có tiểu đoàn 54, nên quân Charton phải dừng lại trước mỏm đồi 500. Ta địch xen kẽ nhau, ta bám sát đội hình địch, khiến không quân của chúng không pháy huy được hiệu lực, chỉ gầm rú lượn vòng mãi tít trên cao để trấn an bộ binh chúng. Chiều hôm đó, Charton và bọn sĩ quan tuỳ tùng đã bị các chiến sĩ đại đội 263 bắt gọn.

        Đến 17 giờ ngày 17 tháng 10, binh đoàn Charton đã bị tan rã. Tiếng súng ở dãy đồi 477 thưa dần và mất hẳn. Không gian trở lại yên tĩnh.

        Qua những năm làm nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu, tôi đã nghiệm ra rằng khi trận địa dứt tiếng súng, kẻ thù đã bị tiêu diệt hoặc tan rã, lại là lúc cần phải nhắc nhở bộ đội: đề cao cảnh giác. Phấn khởi với thắng lợi nhưng không được lỏng lẻo ý chí chiến đấu. Cho nên sau khi nghe báo cáo địch ở dãy đồi 477 đã bị tiêu diệt, tôi gọi dây nói cho trung đoàn trưởng Thái Dũng:

        - Lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, bằng bất cứ giá nào phải bắt bằng được Le Page. Nếu nó chết phải đem xác về. Đồng chí phải chấp hành triệt để mệnh lệnh này và cần đề phòng địch ở sau lưng đơn vị đồng chí.

        - Rõ, tôi đã hiểu đại đoàn trưởng.

        Và trung đoàn trưởng Thái Dũng báo cáo tiếp quyết tâm của mình:

        - Hiện giờ tôi đang ở Bản Ca với hai tiểu đoàn 18 và 23 đã bố trí theo thế trận đóng chốt và đón lõng tàn quân đich. Sau lưng tôi có tiểu đoàn 322 đã đứng chân ở điểm cao 515- Đây là một cái chốt nữa để ngăn chặn Đờ- la Bôm từ Thất Khê lên. Tôi đã điều tiểu đoàn 80 xuống phía đó để bọc lưng Đờ- la Bôm.

        - Được. Nhưng đồng chí nhắc các tiểu đoàn trưởng lúc này càng phải tăng cường kiểm tra các đơn vị, duy trì kỷ luật thật nghiêm, nhất là cán bộ phải gương mẫu. Nhắc bộ đội chấp hành đúng chính sách tù, hàng binh.

        Với thế trận này, địch khó trốn thoát.

        Chiều ngày 8 tháng 10, Le Page và bộ phận tham mưu của y đã bị ta bắt gọn ở Nà Cao, cách Cốc Xá 4 kilômét.

        Ngày 7 tháng 10 năm 1950 được xem như ngày hội chiến thắng lớn đầu tiên của đại đoàn.

        Năm tháng sẽ trôi đi, nhưng sổ vàng chiến công của đại đoàn sẽ mãi mãi ngời lên nét son tô thắm thành tích chiến đấu của đại đoàn 308 đánh viện đạt hiệu quả cao nhất: sáng diệt binh đoàn Le Page, trưa đánh tan binh đoàn Charton và chiều bắt sống Charton…

        Đây là một đòn thật đau đối với địch. Trong lịch sử xâm lược nước ta của quân đội Pháp, có thể nói đây là ngày bi thảm nhất, như cao uỷ Pi- nhông đã phải thú nhận: Hai đạo quân hợp lại (binh đoàn Le Page và Charton) là một lực lượng tiến công lớn về số lượng lẫn chất lượng của Đông Dương (tức của bọn thực dân Pháp) đã hoàn toàn bị xoá sổ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 10:12:21 am »


        Trong chiến đấu niềm vui và nỗi lo thường hay xuất hiện xen nhau, tác động vào nhau. Điều đó tưởng như vô lý nhưng là chuyện có thật, được xem như một quy luật.

        Còn gì phấn khởi bằng chỉ trong một thời gian ngắn đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu xoá sổ hai binh đoàn tinh nhuệ của địch, nhưng liền sau đó chúng tôi lại rất lo, bởi lẽ cái bệnh “say chiến thắng” đã xuất hiện, tuy lẻ tẻ nhưng nếu không kịp thời đặt ra, không kịp thời khắc phục, ngăn chặn, thì sẽ gây ra hậu hoạ khôn lường.

        Mối lo của chúng tôi đã được Bác Hồ thấy trước, Bác Hồ đã viết thư động viên và khuyên răn. Thư Bác gửi cho bộ đội đang tham gia chiến đấu ở biên giới, đã được Bộ chỉ huy mặt trận gửi qua điện thoại đến cho chúng tôi. Đọc xong thư, Bộ chỉ huy đại đoàn giao cho cơ quan chính trị dùng điện thoại đọc ngay thư của Bác xuống các chính uỷ trung đoàn. Đồng thời cho in và cử người đưa xuống các đơn vị, các chiến sĩ truyền tay nhau đọc. Phải làm cho mọi người thấy ta mới chỉ “hoàn thành bảy phần mười cuộc thử thách”, còn phải truy lùng, quây bắt hàng ngàn tên địch đang lẩn trốn trong rừng rậm, khe suối, tìm đườn trốn thoát về Thất Khê, còn phải cố gắng thật nhiều, không được chủ quan, thoả mãn, lơ là, cảnh giác, mới có thể hoàn thành nhiệm vụ còn lại.

        Sau khi tiêu diệt hoàn toàn hai binh đoàn Le Page và Charton, nhiệm vụ tiếp theo của đại đoàn là tiến về giải phóng Thất Khê.

        Đại đoàn chuẩn bị kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này khá sớm.

        Trinh sát của đại đoàn đã được phái tới đây ngày đêm theo dõi, điều tra, nắm tình hình.

        Tất cả việc làm đi trước một bước đó đã tạo cơ sở cho Bộ chỉ huy đại đoàn hạ quyết tâm. Địch trong Thất Khê có khoảng 1.500 tên. Tuy đông nhưng thành phần không thuần nhất, toàn nhặt nhạnh từ các đơn vị khác họp lại. Quá nửa quân số này là quân Đờ- la Bôm mới bị ta đánh tơi tả rút về, một số ít là tàn quân của Le Page và Charton thoát chết, nhịn đói luồn rừng trở về. Đại đoàn hạ quyết tâm: quân địch đang rất nao núng, ta phải đánh gấp. Chậm dù chỉ là một chút cũng sẽ mất thời cơ.

        Đúng, không để địch hồi sức là một nguyên tắc của nghệ thuật tiến công địch. Một phát súng trường lúc này có sức mạnh, sức công phá như một quả đạn pháo cỡ lớn; tiếng hô xung phong của một chiến sĩ lúc này có sức mạnh như một đoàn quân reo hò xung trận.

        Đại đoàn khẩn trương triển khai chiến đấu, trước hết cần chặn đường rút của đội quân ô hợp này, cô lập Thất Khê với Lạng Sơn. Mờ sáng ngày 9 tháng 10, tiểu đoàn 79 tiêu diệt đồn Bản Ne, mở đường vào uy hiếp đông bắc Thất Khê. Tối hôm đó, đại đội công binh 309 được sự yểm hộ của tiểu đoàn 246 bộ đội địa phương Lạng Sơn, phá sập cầu Bản Trại- một cầu lớn bắc qua sông Kỳ Cùng- cách Thất Khê 3 kilômét về phía đông nam. Các đơn vị được giao nhiệm vụ tiến công mở đầu đã hoàn thành diệt địch một cách xuất sắc, Thất Khê bị uy hiếp cả bốn hướng: đông, tây, nam, bắc.

        Ngày 10 tháng 10, đại đoàn đang trên đường vận động đánh Thất Khê thì nhận được điện của Bộ chỉ huy mặt trận thông báo: địch đang rút Thất Khê. Nhưng bộ phận đi đầu của đại đoàn vận động đến nam chân đèo Bông Lau báo về: địch chưa rút Thất Khê, đèn điện ở đây vẫn sáng. Khi ta đến Thất Khê mới biết là địch đã rút từ chập tối, nhưng địch nghi binh lừa ta, nên chúng để nguyên hệ thống điện, đèn trong thị trấn sáng trưng, máy phát điện nổ xình xịch để át tiếng xe cộ rút chạy mò trong đêm tối.

        Các đơn vị vào đến Thất Khê dừng lại, không kịp thời tổ chức lực lượng truy kích địch. Ở đây có nguyên nhân thuộc về tổ chức chỉ huy, vẫn mắc lại cái bênh thiếu cụ thể. Nhưng cũng có cả cái bệnh “say chiến thắng”, thoả mãn dừng lại. Nhưng cái nguyên nhân của nguyên nhân vẫn là khuyết điểm của cán bộ chỉ huy chúng tôi.

        Sáng ngày 11 tháng 10, bộ phận cuối cùng của địch rút qua Bản Trại.

        Cuộc truy kích lại gặp phải khó khăn, một trận mưa bất thần ập xuống, xối xả trút nước xuống hàng quân, ướt, đói, rét, mệt, cả bốn thứ đó được dịp trỗi dậy, đè nặng lên người chiến sĩ. Nhưng mọi người đã tỉnh ngộ cái bệnh “say chiến thắng”, vươn lên đuổi kịp địch và vượt lên trước dàn trận ở Na Sầm, đón bắt được hầu hết số quân của tiểu đoàn dù thuộc địa số 3 và một đại đội lê dương. Thành tích này sở dĩ có được, trước hết là nhờ công lao của tiểu đoàn 246 bộ đội địa phương Cao Lạng. Đơn vị này đã bố trí phục sẵn ở Đèo Khách- dưới Bản Trại, đánh dứt đội hình địch, hỗ trợ cho đại đoàn đến trước đón địch và đánh thắng chúng tại Na Sầm.

        Tiếng súng diệt địch ở Na Sầm gây phản ứng dây chuyền, vang đến Đồng Đăng, sau xuống Lạng Sơn… địch ở đây hoảng sợ thúc nhau theo đường số 4 rút chạy hỗn loạn bỏ hàng loạt cứ điểm Lộc Bình, Đình Lập, An Châu, v.v… đến sát tận Tiên Yên thuộc khu vực duyên hải.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 08 Tháng Mười, 2016, 01:07:11 am »


        Chiến dịch biên giới toàn thắng.

        Đại đoàn 308 phấn khởi đón nhận Huân chương Quân công hạng Hai của Chính phủ tặng.

        Và một tin vui nữa đến với đại đoàn: Bác đến thăm.

        Vinh dự nào bằng đội hình hành quân lên mặt trận biên giới có Bác dẫn đầu.

        Tự hào nào bằng trong mỗi bước đi của chiến dịch đều có Bác chỉ dẫn…

        Và hôm nay toàn đại đoàn vô cùng xúc động khi được tin Bác đến thăm.

        Cả đại đoàn háo hức, hồi hộp chờ Bác đến!

        Cả đại đoàn dành tình cảm đẹp đẽ nhất để đón Bác!

        Hôm ấy, chiến trường thu dọn đã tạm xong. Thung lũng Thất Khê xinh đẹp thêm ấm áp màu lúa chín vàng.

        Cán bộ, chiến sĩ đại đoàn mặc bộ quần áo đẹp nhất, đi đến địa điểm tập trung ở chân đèo Bông Lau.

        Trên một dải đất động, cỏ xanh rì; các đơn vị của đại đoàn và một số đơn vị bạn đứng tề chỉnh thành hình chữ U, dành một khoảng trống sạch sẽ cao ráo nhất để đón Bác, nghe Bác nói chuyện.

        Từ phía đường số 4 vào là một lối đi vừa được phát quang, hình thành con đường nhỏ xinh, một đội danh dự quần áo gọn gàng, súng lắp lưỡi lê, đứng thành hai hàng ngang thẳng tắp ở hai bên đường đón Bác.

        Nhưng Bác đến bất ngờ, không đi ô tô, mà đi bộ, không từ đường cái lớn mà ở phía núi ra. Đầu đằng ấy, theo tay Bác gọi dã dậy tiếng reo mừng; đầu đằng này bộ đội vẫn ngơ ngác liếc mắt nhìn ra phía đường cái. Đội danh dự dóng lại đội hình, sửa sang lại quần áo, giày mũ để sẵn sàng khi có khẩu lệnh là bồng súng chào khi Bác đi qua.

        Tiếng hoan hô chào mừng vẫn náo nhiệt từ đằng ấy đến đằng này. Súng trên vai người nhảy nhót, nghiêng ngả, mũ bay vọt lên, rồi xuống, lại bay lê, mũ quay tít trên đầu nòng súng…

        Tiếng reo hò “Bác Hồ muôn năm!” dậy lên như những đợt sóng.

        Bác tươi cười vẫy chào lại và bảo thôi, im lặng để bác nói chuyện.

        Bộ đội chưa hiểu ý Bác, lại nhảy lên reo hò to hơn.

        Bác cười, râu Bác rung rinh.

        Bộ đội cui sướng càng cười nói vang động cả khu rừng tĩnh mịch. Tôi phải cố gắng lắm mới điều khiển được bộ đội ngừng trận cười reo như sấm động.

        Tôi mời Bác lên chỗ mô đất cao.

        Bác lắc đầu chỉ tay về phía bộ đội, rồi Người đi xuống bãi cỏ, ra hiệu cho các cháu nhích lại gần.

        Đội hình chữ U tan ra thành hình chữ O hẹp dần quây gần bên Bác và im lặng…

        Bộ đội nhìn Bác, lòng xôn xang!

        Người gầy hơn trong ảnh, da sạm nắng, Bác đã vất vả nhiều cho chiến dịch toàn thắng này.

        Bác nhìn bộ đội trìu mến như Cha lâu ngày mới gặp con.

        Bác hỏi đủ điều: hỏi sức khỏe, hỏi ăn ở, hỏi kỷ luật; hỏi đoàn kết nội bộ và đoàn kết quân dân, v.v…

        Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen đại đoàn 308 đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến đấu, vượt qua khó khăn, đánh dũng cảm, thắng to…

        Bác hỏi:

        - Vì sao ta thắng?

        Nhiều cánh tay giơ lên. Bác nhìn lướt hàng quân rồi chỉ định một chiến sĩ rất trẻ ngồi triứơc mặt Bác phát biểu.

        Đồng chí chiến sĩ ấy đứng dậy, hai chân theo tư thế đứng nghiêm, trả lời tuy thiếu bình tĩnh nhưng nội dung gần như thư Bác đã gửi cho bộ đội:

        - Thưa Bác, vì bộ đội ta rất dũng cảm, chỉ huy rất đúng đắn, nhân dân rất hăng hái, Chính phủ rất quyết tâm.

        Bác khen đồng chí chiến sĩ vừa trả lời đúng. Bác gật đầu cười. bộ đội reo lên, vỗ tay, cười theo…

        Bác tặng đại đoàn một số quà- những ngôi sao đỏ xinh xinh, lóng lánh như ngọc, dành cho những cán bộ, chiến sĩ xuất sắc. Sau đó Bác ôm hôn trung đoàn trưởng Thái Dũng- đại diện cho cán bộ, chiến sĩ của đại đoàn hứa hẹn lập công.

        Bác âu yếm nhìn bộ đội một lượt. Người nói đại ý:

        - Bây giờ thì Bác bận, không thể ở lâu với các chú được. Bác chúc các chú khỏe mạnh, cố gắng luôn luôn để khi Bác bảo đi là đi, Bác bảo đánh là đánh, đánh là thắng- Rồi Bác hỏi- Các chú có đồng ý không?

        - Đồng ý! Đô… ồng ý…

        Bác lại đi về phía núi, đi một quãng lại dừng lại, quay lại vẫy bộ đội.

        Tiếng vỗ tay, tiếng reo mừng tiễn Bác vang vọng cả khu rừng biên giới…

        Bóng Bác lẫn vào cánh rừng, nhưng lời Bác dạy còn vang vọng mãi như một lời thề sông núi.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM