Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:21:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36572 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:39:11 pm »


        Chúng tôi ra về mang theo một niềm tin tưởng mãnh liệt, một niềm phấn khởi không nói thành lời. Vừa đến Phúc Trìu, chúng tôi tiến hành họp Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn để thảo luận kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ thị của Bộ, trong khi tình hình tổ chức đại đoàn vẫn còn đang chuyển động. Những đơn vị thuộc các Liên khu được lệnh bổ sung cho đại đoàn vẫn đang trên đường về thì lại có những đơn vị được lệnh đi chiến đấu: tiểu đoàn 23 lên Đông Bắc, tiểu đoàn 29 xuống Trung Du… Có thể nói từ khi Bộ giao nhiệm vụ nghiên cứu thành lập đại đoàn, chưa lúc nào chúng tôi tập trung được đầy đủ các đơn vị.

        Với đặc điểm như vậy, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn đã nhất trí phương châm công tác lãnh đạo và chỉ đạo lúc ấy là không cầu toàn, có bao nhiêu quân số, đơn vị hãy cứ sắp xếp biên chế bấy nhiêu, nhanh chóng ổn định tổ chức từng đơn vị, bộ phận đã có đủ điều kiện, tiến tới ổn định toàn bộ.

        Vì đây là đại đoàn chủ lực đầu tiên, nên Bộ chỉ thị cần tổ chức tốt lễ ra mắt động viên khí thế cán bộ, chiến sĩ đại đoàn, đồng thời cũng là dịp báo cáo thành tích với toàn dân và toàn quân về sự trưởng thành của quân đội. Quán triệt tinh thần ấy, Đảng uỷ quyết nghị thành lập ban tổ chức lễ thành lập đại đoàn. Riêng tôi được phân công trực tiếp huấn luyện đội ngũ để tiến hành diễu binh trong buổi lễ ra mắt đó.

        Có thể nói thời gian này thật là vất vả, ngày đêm bù đầu vào công việc. Trong khi lo biên chế sắp xếp các đơn vị, lo tổ chức lễ ra mắt, lo chương trình huấn luyện quân sự cho bộ đội, đồng thời chúng tôi vẫn phải có bộ phận đi chuẩn bị chiến trường để khi có lệnh của Bộ là lên đường được ngay.

        Với tinh thần phấn khởi về sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang, với tinh thần mong sớm có “quả đấm thép” để có đánh to thắng lớn nên chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy một tháng, toàn bộ cơ cấu tổ chức của một đại đoàn đã được hình thành. Và cái ngày đầy ý nghĩa phải đến đã đến. Ngày 28 tháng 8 năm 1949, lễ chính thức thành lập đại đoàn đã được tổ chức trọng thể tại Phố Đu- thị trấn của huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, có đông đảo nhân dân quanh vùng đến dự, có cấp trên đến chứng kiên và giao nhiệm vụ.

        Trên bãi cỏ rộng nằm kề đường số 3, một kỳ đài lớn được dựng lên kết toàn bằng lá rừng. Một cổng chào với hai cột trụ cao to cũng kết toàn bằng lá được dựng ở lối ra vào đầu bãi. Cuối bãi- đối diện với cổng chào nổi lên một bức vẽ do các hoạ sĩ nghiệp dư của đại đoàn thể hiện biểu tượng đại đoàn Quân Tiên Phong với hình ảnh một chiến sĩ xung kích tay xách súng trường lắp lưỡi lê sáng quắc lao vào đồn giặc bốc lửa.

        Các đơn vị được xếp theo đội hình hàng ngang đối diện với lễ đài. Chỉ có khuôn mặt mọi người là thống nhất, rạng lên những nét tin tưởng, tự hào, phấn khởi và hồi hộp chờ đợi giờ phút lịch sử sắp đến với cuộc đời chiến đấu của mình, đang mong mỏi, đợi chờ cấp trên chứng kiện sự lớn lên của mình và giao nhiệm vụ cụ thể cho mình… Còn quần áo, giày mũ, súng đạn thì đủ kiểu, đủ loại với nhiều màu sắc khác nhau. Ngoài những bộ quân phục màu xanh còn thơm mùi vải mới vừa được quân nhu của Bộ cấp phát, lẻ tẻ còn có những đơn vị, những cá nhân mặc quần áo tự túc do gia đình tiếp tế hoặc quần áo chiến lợi phẩm lấy được của địch. Chất lượng cùa quần áo tự túc phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, vì thế mà nó rất phong phú; có đồng chí mặc loại vải ka ki đắt tiền may kiểu cầu kỳ, có đồng chí mặc loại vải rẻ tiền màu nâu may theo kiểu tiện y (quần áo dùng phổ biến ở nước ta trước Cách mạng tháng Tám), v.v…

        Riêng tôi vinh dự được phân công chỉ huy cuộc diễu binh, nên anh em trong cơ quan rất quan tâm đến trang phục của tôi. Ý kiến tham gia nói chung là rất rôm rả, nhưng cuối cùng vẫn chỉ có bộ âu phục ka ki màu vàng như quân phục hè hiện nay, đã mặc nhiều lần, mũ cứng bọc ka ki mua ở cửa hàng làm mũ tự nhân và đôi ủng da chiến lợi phẩm.

        Đến giờ khai mạc, đội kèn đồng của Bộ cử xuống do đồng chí Đinh Ngọc Liên chỉ huy, vận quần áo ka kai màu xám, đội mũ ca- lô cũng màu xám, chân đi giày da, vung kèn theo động tác thống nhất, thổi bài kèn chào khi đồng chí Trần Đăng Ninh- đại diện Chính phủ và đồng chí Tổng tư lệnh bước vào lễ trường.

        - Nghiêm!- Tôi hô rất to.

        Hàng quân im lặng, không động đậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:41:01 pm »


        Tôi đứng nghiêm theo hàng quân, quay mặt về phía lễ trường, mắt nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió sớm mà nhoà đi vì xúc động. Biết bao hy sinh của đồng bào đồng chí, biết bao công sức bù trì của Đảng, của dân mới có được đứa con đầu lòng lớn mạnh hôm nay. Niềm vui sướng bị dồn nén cứ muốn bật tung ra vì những mơ ước nhỏ nhoi xưa, nay đã thành sự thật gấp nhiều lần. Được Đảng giáo dục chỉ lối, tôi tham gia cách mạng, qua những năm tháng tù đầy ở Hoả Lò, ở căng Bá Vân, ở Nghĩa Lộ, lúc ấy những người tù chính trị của đế quốc, chúng tôi chỉ ước gì có được một đội quân nhỏ thôi, một tiểu đội, một trung đội với một ít vũ khí để vượt ngục, lập chiến khu, khởi nghĩa giành chính quyền. Giờ đây cả nước ta đã có cả một đạo quân mạnh gấp ngàn, vạn lần, có biết bao dân quân du kích, có biết bao đại đội độc lập, tiểu đoàn và trung đoàn tập trung, nay lại có cả đại đoàn chủ lực cơ động. Sung sướng biết nhường nào!

        Phấn khởi, tự hào và trách nhiệm cứ xáo trộn trong tôi, tạo thành sức bật mới trong tôi kể từ cái giờ phút lịch sử khó quên này.

        Buổi lễ được cử hành theo đúng chương trình đã định. Đại diện Đảng và Chính phủ, đồng chí Trần Đăng Ninh bước lên lễ đài, đưa cặp mắt hiền hậu nhìn bao quát hàng quân rồi ôn tồn nói: các đồng chí rất xứng đáng là đơn vị mà Đảng, Chính phủ và nhân dân đặt nhiều tin cậy. Hồ Chủ tịch vũng rất vui lòng về những cố gắng trong xây dựng, những gương dững cảm trong chiến đấu của các đồng chí… Càng nói giọng đồng chí càng trầm lắng tình cảm. Đồng chí nói về ý nghĩa thành lập đại đoàn, về vinh quang và trách nhiệm củ đại đoàn trong giai đoạn mới, và cuối cùng đồng chí nhấn mạnh chỉ có học tập tốt, chiến đấu tốt và phải hết sức khiêm tốn thì mới xứng đáng là danh hiệu đại đoàn Quân Tiên Phong.

        Những điều đồng chí Trần Đăng Ninh thay mặt Đảng và Chính Phủ căn dặn là những điều mà chúng tôi nhớ mãi, mang theo nó, vận dụng và thực hiện nó một cách nghiêm túc trong quá trình xây dựng đại đoàn.

        Khác với lần gặp ở Cù Vân, hôm nay đồng chí Võ Nguyên Giáp mặc lễ phụ ka ki màu vàng (tất nhiên lễ phục hồi ấy không giống kiểu lễ phục ngày nay), cổ thắt cra-vát màu đen, đi giày da đen, đội mũ cứng bỏ quai có đính quân hiệu hình tròn sao vàng, nền đỏ, viền vàng xung quanh, nhưng vai không đeo cấp hiệu.

        Đồng chí Tổng tư lệnh bước lên lễ đài trước cái nhìn chăm chú và trìu mến của hàng quân đứng dưới. Một phút im lặng- nghiêm trang nhưng lại chứa chan tình cảm chan hòa dân chủ và bình đẳng của một đội quân cách mạng.

        Giơ tay chào hàng quân rồi với nét mặt thân mật, cởi mở, với giọng nói miền Trung ấm áp, đồng chí đại tướng đọc nhật lệnh phân tích sâu sắc về thế ta đang đi lên, thế địch đang đi xuống và đang sa vào bị động… Sự ra mắt của đại đoàn 308 hôm nay là một cột mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự lớn mạnh của quân đội đang chuyên từ phân tán đến tập trung, từ đánh du kích tiến lên đánh vận động…

        Đoàn quân vẫn trong tư thế đứng nghiêm nghe đại tướng đọc nhật lệnh giao nhiệm vụ. Giọng của đại tướng mạnh dần, dứt khoát như có cái gì thúc giục: đại đoàn Quân Tiên Phong phải xứng đáng la con chim đầu đàn; phải hễ đánh là thắng; phải có nhiệm vụ cùng với cá binh đoàn chủ lực khác đi tiên phong trên con đường tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch…

        Tiếng hoan hô vang dậy lan xa đập vào vách núi dội lại càng làm cho không khí buổi lễ sôi nổi, náo nhiệt nhưng rất trật tự khi đại tướng Tổng tư lệnh bước xuống lễ đài thân mật trao cho tôi, thay mặt đại đoàn nhận lá cờ thêu hai chữ “Chiến thắng”.

        Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa phần thưởng này- tất cả cho chiến thắng.

        Và cũng thật nhanh, trong tâm khảm tôi lại trỗi dậy những suy tư muốn tâm sự với các đồng chí cán bộ, chiến sĩ trung đoàn Thủ đô nay là một thành viên của đại đoàn 308: các đồng chí hẳn còn nhớ khi chúng ta rút khỏi Thủ đô mang theo tâm trạng gì không? Chúng ta lưu luyến, chúng ta băn khoăn sao rút ra khỏi Liên khu I sớm thế, và bao giờ về lại Thủ đô? Thì hôm nay đây, chúng ta đã bắt đầu lần gỡ được câu trả lời. Hơn hai năm - từ tháng 2 năm 1947 đến tháng 8 năm 1949, chúng ta đã đi được một đoạn đường không ngắn lắm. Từ một trung đoàn Thủ đô ngày ra đi, mọi thứ đều thiếu thốn, hôm nay chúng ta đứng trong đội ngũ một đại đoàn. Nhận cờ Chiến thắng của Bộ trao cho, tôi đã hiểu và chắc các đồng chí cũng hiểu là phải chiến thắng và chỉ được phép chiến thắng. Đó là con đường về Thủ đô của chúng ta- Về trong chiến thắng.Đúng là ngày về phải là ngày Thủ đô chiến thắng quân thù mà chúng ta đã cùng với đồng chí đại tướng Tổng tư lệnh hứa hẹn quyết tâm trong buổi liên hoan ở làng Thượng Hội mừng trung đoàn Thủ đô hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Liên khu I.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:42:36 pm »


        Với một nước công nghiệp phát triển, việc lập một binh đoàn cơ động chiến lược chẳng phải là một chuyện gì khó khăn. Nhưng ở nước ta, từ tay không đứng lên chống chọi với đạo quân xâm lược nhà nghề của một đế quốc mạnh, bốn bề đang bị chúng bao vây, thì đây lại là một sự kiện lớn. Cũng vì thế mà toàn quân, toàn dân ta đều vui mừng, tự hào khi nhận được tin thông báo phát trên đài phát thanh, đăng trên báo: Đại đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội ta ra đời mang danh hiệu đại đoàn Quân Tiên Phong. Các chiến trường Khu III, Khu IV, Khu V, cực Nam Trung Bộ, đến Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ xa xôi, gửi về cho chúng tôi những bức điện, những lá thư mang theo những tình cảm tha thiết, chia vui với chúng tôi, chân thành, nhắc nhở chúng tôi, phải làm sao cho xứng danh đại đoàn chủ lực đầu tiên của toàn quân.

        “… Đại đoàn Quân Tiên Phong là tượng trưng, là hình ảnh sự trưởng thành của quân đội ta từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh” (trích thư một đơn vị Nam Bộ).

        “Quân Tiên Phong, con chim đầu đàn vừa xuất hiện đã làm chúng tôi vui sướng và tin tưởng biết chừng nào…, con chim ấy nhất định sẽ bay cao và bay xa, bay đi mãi, đi khắp chiến trường, khắp đất nước và làm cho quân thù phải khiếp sợ” (trích thư của một đơn vị Liên khu V).

        Tổng bộ Việt Minh gửi tặng đại đoàn thanh kiếm mang tên “Dân tộc”.

        Quốc hội tặng thanh kiếm khắc bốn chữ “Mã đáo thành công”, chúc đại đoàn đánh đâu thắng đấy.

        Đáp lại tất cả những lời chúc mừng chân thành và đẹp đẽ đó, tôi thay mặt toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn. Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn, viết thư cảm ơn các cơ quan, đoàn thể, chính quyền, các đơn vị, nhắc lại lời hứa trong ngày lễ thành lập đại đoàn: Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; đẩy mạnh xây dựng đại đoàn lớn mạnh; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên; bất cứ nhiệm vụ gì trên trao cho cũng hoàn thành; khó khăn gì cũng tự khắc phục; đánh là thắng.

        Đại đoàn Quân Tiên Phong ra đời trong dịp kỷ niệm lần thứ IV cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám; giữa lúc cuộc Kháng chiến trường kỳ đã vượt qua mùa đông lạnh lẽo bước sang mùa xuân ấm áp. Tuy nhiên về thực lực thì đại đoàn mới sắp xếp biên chế được hai trung đoàn bộ binh tương đối hoàn chỉnh: trung đoàn 88 gồm ba tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 23, 29, 322) và một tiểu đoàn phóng pháo- tiểu đoàn 38 (gồm một đại đội 120mm và hai đại đội phóng pháo 187mm- Kiểu súng cối cỡ lớn do Quân giới ta sản xuất, nòng pháo là một ống oxygene, có đường kính 187mm, đạn tự chế tạo nặng 35kg, có sức công phá tương đối lớn, tầm bắn xa có hiệu quả tốt 2.000m) và trung đoàn 102- tức trung đoàn Thủ đô gồm ba tiểu đoàn bộ binh (tiểu đoàn 18, 54, 79) và một tiểu đoàn phóng pháo- tiểu đoàn 69 (gồm một đại đội 120mm và hai hai đại đội pháo 187mm).

        Vốn ban đầu tuy còn ít ấy nhưng vẫn không cản bước mọi người.

        Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn chúng tôi họp ha quyết tâm: động viên tất cả cán bộ, chiến sĩ dốc sức vào xây dựng, vừa xây dựng vừa chiến đấu, đưa đại đoàn tiến lên làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang mà nhân dân và Tổ quốc giao phó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:46:29 pm »


        Mặt trận Biên giới

        Năm 1950, cuộc kháng chiến, cứu nước của nhân dân ta đã bước sang năm thứ 5.

        Cục diện chiến tranh lúc này đang chuyển biến mau lẹ có lợi cho ta. Từ năm 1948 đến năm 1950, ta mở 30 chiến dịch nhỏ trên khắp các chiến trường toàn quốc, tiêu diệt và tiêu hao một phần sinh lực địch. Trên chiến trường Việt Bắc (chỉ các tỉnh miền núi thuộc Liên khu Việt Bắc và Liên khu X hồi đó: Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn) sau chiến thắng thu đông năm 1947, ta lại liên tiếp thắng địch ở các chiến dịch Sông Lô (5- 1949), Sông Thao (5- 1949), Lê Lợi (11- 1949) và chiến dịch Lê Hồng Phong I đầu năm 1950.

        Như thế là trải qua mấy năm đầu kháng chiến, nhân dân ta đã giành được thắng lợi to lớn, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta. Đầu năm 1950, Trung ương nhận định: thế của ta đã mạnh hơn hẳn địch về tinh thần và đang phát triển mạnh mẽ cả về thế lẫn lực. Thế và lực có liên hệ mật thiết với nhau. Thế mạnh có thể tạo nên lực mạnh. Thế và lực hợp lại sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp to lớn.

        Xuất phát từ nhận định tình hình một cách khoa học và biện chứng đó, Trung ương đã đề ra chủ trương “ta cần chiếm ưu thế quân sự trên chiến trường chính” (Nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ II của Đảng- họp từ 21- 1 đến 2- 2- 1950) và “ưu thế quân sự đó phải giữ vững và phát triển cho đến toàn thắng”. Trung ương còn đề ra nhiệm vụ quân sự trước mắt là phải “quét lực lượng địch ra khỏi miền biên giới Bắc Bộ”.

        Để thực hiện nhiệm vụ quân sự trước mắt kể trên, tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên Giới. Nhưng chọn khu vực nào để mở chiến dịch trên tuyến biên giới dài gần 1.00 kilômét từ Bát Sát- Lào Cai đến Móng Cái- Quảng Ninh, thì phải đến cuối tháng 7 năm 1950, Trung ương mới quyết định hướng chính là khu vực biên giới thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

        Để chuẩn bị cho chiến dịch “chỉ được thắng” này, ngay từ đầu năm 1950, Trung ương đã chỉ thị cho Liên khu uỷ Việt Bắc gấp rút chuẩn bị chiến trường Đông Bắc (Các tỉnh biên giới từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Quảng Ninh), cần làm tốt các việc như: “củng cố, phát triển cơ sở chính trị và vũ trang”, “điều tra địch”, “chuẩn bị lương thực tiếp tế cho bộ đội đến đánh” (Chỉ thị về mở chiến dịch Tây Bắc và chuẩn bị chiến trường Đông Bắc của Ban Thường vụ Trung ương Đảng). Cùng lúc Trung ương giao nhiệm vụ cho các địa phương trong toàn quốc phối hợp để kiềm chế địch, không cho chúng tiếp viện, đồng thời tiêu hao lực lượng chúng ở địa phương” (Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương về việc phát động “tuần lễ thi đua giết giặc lập công”).

        Về mặt hậu cần, Trung ương đã huy động 121.700 dân công với 1.716.000 ngày công vào việc bắc cầu, sửa đường cũ, làm đường mới, vận chuyển 2.346 tấn gạo, 120 tấn thực phẩm, 200 tấn đạn dược v.v… (Dự thảo tổng kết chiến dịch Biên Giới- Học viện Quân sự) lên tận hoả tuyến phục vụ bộ đội chiến đấu.

        Từ giữa năm 1949, Bộ chỉ huy quân đội Pháp đặc biệt tập trung theo dõi hoạt động của ta ở vùng biên giới Việt- Hoa, chúng có phát hiện một phần nào dấu hiệu chuẩn bị hoạt động quân sự của ta ở vùng này. Nhưng do chỉ đạo hoạt động nghi binh khéo léo của Bộ Tổng chỉ huy ta, những cố gắng của địch vẫn dừng lại ở mức phán đoán sai về ta. Với chiến dịch Lê Hồng Phong I mở hồi tháng 2 năm 1950, ta đã tiêu diệt một phần sinh lực địch, mở ra một vùng giải phóng rộng hàng trăm kilômét vuông ở vùng sông Thao (Sông Hồng đoạn từ Phú Thọ- Lào Cai gọi là Sông Tháo); sau đó trong suốt tháng 3, đầu tháng 4, theo lệnh của Bộ, trung đoàn 102 vẫn ở lại vùng này để cùng phối hợp với bộ đội và dân quân Liên khu X tiếp tục hoạt động, càng làm cho Bộ chỉ huy quân đội Pháp sa vào chủ quan, không phán đoán được chính xác hoạt động quân sự của ta sẽ hướng vào đâu là chính trong thu đông tới. Cho đến đầu tháng 9, trong Bộ tham mưu quân đội Pháp vẫn tồn tại hai ý kiến không phân thắng bại:

        - Đối phương có thể đánh vùng biên giới Đông Bắc.

        - Đối phương có thể tiến công đánh chiếm Lào Cai.

        Thậm chí gần đến ngày chiến sĩ Biên Giới mở màn mà Tổng chỉ huy quân đội Pháp, tướng Carpentier - vẫn còn quả quyết rằng: “Việt Minh chỉ đủ sức mở cuộc tiến công ở phía Lào Cai thôi”.

        Như thế là đại đoàn 308 ra quân lần nay trong một bối cảnh có nhiều thuận lợi rất cơ bản. Niềm vui chiến thắng của chiến dịch Lê Hồng Phong I mà trung đoàn Thủ đô được tham dự góp phần tạo nên cùng với không khí phấn khởi, tin tưởng, tự hào của buổi lễ thành lập đại đoàn vẫn đang hun nóng bầu nhiệt huyết mọi người hăng hái vượt lên phía trước. Và điều quan trọng có ý nghĩa thắng lợi giòn giã của chiến dịch đã được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy lo liệu một cách khá cụ thể và rất chu đáo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:53:49 pm »


        Cuối tháng 4 năm 1950, theo lệnh của Bộ, hai trung đoàn 88 và 102 do anh Cao Văn Khánh chỉ huy ngược lên phía thượng nguồn sông Lô. Thật ra đây là cuộc hành quân mở đầu đi vào chiến dịch nhưng lúc đó chúng tôi không được trên phổ biến trước, mà chỉ được giao nhiệm vụ di chuyển đến địa điểm mới để tiến hành huấn luyện quân sự theo chương trình thống nhất do Bộ quy định…

        Mùa luyện quân qua đi rất nhanh. Tiết trời bắt đầu chuyển dần sang thu. Nước thượng nguồn sông Lô bớt hung dữ, đã trở lại tốc độ chảy hiền lành. Trong lúc cán bộ, chiến sĩ đanh “thi đua” trổ tài “tham mưu con” phán đoán, phân tích để cuối cùng đều có chung một khẳng đinh: thu đông này, chắc lại hướng về Lào Cai, thì Bộ ra lệnh tiếp tục hành quân theo hướng Đông.

        Thượng tuần tháng 8, đại đoàn qua Lũng Cú- Đông Văn- điểm cực bắc của Tổ quốc.

        Từ đây, đại đoàn lại thực sự bước vào một cuộc thử thách mới với thiên cay nghiệt hiếm thấy ở những nơi trước đó đại đoàn đã đi qua.

        Đội hình hành quân lúc thì phải vạch lối tìm đường vượt qua những dáy núi cỏ gianh, lau sậy lút đầu người, hầm hập hơi nóng mặt trời; khi thì phải trườn theo những con đường mon đầy nguy hiểm vừa đủ người đi vắt qua những dãy núi đá trùng điệp, một bên là vách đứng, một bên là vực thẳm, trước mặt là Cổng Trời (là những đèo qua hai hẻm núi, từ xa nhìn tựa như cái cổng thiên nhiên hùng vĩ. Đồng bào địa phương gọi là Cổng Trời) sừng sững, v.v…

        Tất cả những thử thách đó đều đã vượt qua. Chính trên con đường đầy gian khổ và hiểm nghèo này, không khí lạc quan, phấn khởi lại rộ lên, vì ai nấy thấy hướng mình phải đi, đích mình cần tới. Mọi người cười nói râm ran và tự do bình luận:

        - Đây là con đường thông minh.

        - Trung ương Đảng ta tài giỏi thật.

        - Nước cờ ta đi thật cao.

        - Thằng Tây chuyến này hết đường chạy, v.v…

        Cùng thời gian này, tôi được lệnh của Bộ dẫn trung đoàn 36 rời hậu cứ của đại đoàn ở Thái Nguyên lên biên giới. Bộ nhấn mạnh: trung đoàn 36 phải đi nhanh tới đích nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.

        Sau khi trao đổi ý kiến với tiểu đoàn huấn luyện của đại đoàn về kế hoạch ở lại hoạt động nghi binh- đóng giả trung đoàn 36 để lừa địch, đánh lạc hướng theo dõi của chúng, tôi và đồng chí trung đoàn trưởng Hồng Sơn tổ chức gấp cho bộ đội hành quân. Đêm đầu tiên phải đi thật xa khu vực hậu cứ. Sau đó bỏ đường to, xuyên rừng để lên Quảng Uyên (Cao Bằng) là địa điểm tập kết của đại đoàn. Như vậy là hai cánh quân của đại đoàn hành quân trên hai con đường xuyên rừng khác nhau, nhưng cùng có độ dài tương tự trên 300 kilômét, đã tới đích an toàn và bí mật.

        Ở đây xin mở vòng ngoặc nói thêm về tình hình tổ chức đại đoàn. Trung đoàn 36, mãi đến gần chiến dịch Biên Giới, Bộ mới điều về đại đoàn 308. Và cũng từ đây đại đoàn mới hoàn chỉnh về mặt tổ chức, có đủ ba trung đoàn bộ binh. Trước đó trung đoàn 36 chủ lực Liên khu Việt Bắc, còn có tên là trung đoàn Bắc Bắc vì nó thường xuyên hoạt động ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũ. Trong lúc các đơn vị đang sôi nổi chuẩn bị ngày lễ ra mắt đại đoàn, thì trung đoàn 36 vẫn ngày đêm chiến đấu ở vùng giáp ranh giữa Phúc Yên để mở đường đưa gạo từ vùng địch hậu ra vùng tự do tiếp tế cho bộ đội, vì thời gian này, ta thiếu gạo nghiêm trọng, có đơn vị phải tạm ngừng hoạt động vì không có gạo ăn.

        Đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng, tôi thấy lòng mình tràn đầy những bồi hồi, xúc động. Cái hôm qua và cái hôm nay, cái dĩ vãng và cái hiện tại đan vào nhau, bổ sung cho nhau tạo nên mảnh đất đầy tình nặng nghĩa, nghèo về vật chất mà giàu về vận mậnh, về tương lại của dân tộc.

        Con người và cảnh vật Cao Bằng giản dị, khiêm tốn, nhưng lại có quyền tự hạo làm tròn nhiệm vụ cái “nôi” của cách mạng. Mảnh đất đã thay mặt cả nước đón Bác Hồ sau ba chục năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân, trở về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho Tổ quốc; mảnh đất mà năm 1941, dưới quyền chủ tọa của Bác, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII đã ra nghị quyết vạch ra đường lối đấu tranh vũ trang, chuẩn bị thời cơ và đón thời cơ tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền; mảnh đất mà cuối năm 1944, trung đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ra đời với mấy chục khẩu súng trường, đã đánh thắng giòn giã trận đầu, san bằng hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, v.v…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:12:13 am »


        Và hôm nay- mùa thu năm 1950, Cao Bằng lại là nơi hội tụ của những “Người lính con cháu Bác Hồ” thuộc đơn vị chủ lực mạnh của Bộ và các Liên khu ở chiến trường Bắc Bắc Bộ về đây để cùng với quân dân các tỉnh biên giới Đông Bắc tiến hành một chiến dịch quan trọng. Các đơn vị chủ lực đó là:

        Đại đoàn 308 mang danh hiệu đại đoàn Quân Tiên Phong.

        Trung đoàn 209 mang danh hiệu trung đoàn Sông Lô vì đã có nhiều thành tích diệt địch trên con sông thân quen này.

        Trung đoàn 174 mang danh hiệu trung đoàn Cao- Bắc- Lạng (Cao Bằng- Bắc Cạn- Lạng Sơn)- vì hầu hết cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn này là con em các dân tộc mà những chiến công của họ lập được cũng ở ngay trên mảnh đất biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.

        Tất cả đã có mặt.

        Tất cả đã sẵn sàng.

        Hướng chiến dịch đã rõ, nhưng điểm chiến dịch là đâu?- Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê hay Lạng Sơn thì chúng tôi vẫn chưa được phổ biến. Rõ ràng đây là nghệ thuật chỉ đạo bất ngờ cao nhất mà Trung ương ta đang tiến hành một cách rất thận trọng và thông minh.

        Đúng là điểm công kích của một trận chiến đấu, của một chiến dịch- hơn nữa đây lại là một chiến dịch có quan hệ đế thay đổi cục diện, thay đổi hình thái chiến tranh thì càng phải giữ bí mật tới cùng. Phổ biến sớm quá khó đảm bảo được nhân tố bất ngờ.

        Ngày 2 tháng 8, Bộ chỉ huy mặt trận triệu tập cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên về để nghe phổ biến nhiệm vụ chung của chiến dịch và nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.

        Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, bí thư đảng uỷ và Hoàng Văn Thái chỉ huy trưởng mặt trận lên đây hồi đầu tháng 7 đã có mặt ở phòng họp.

        Ở cuộc họp này, mọi người sáng thêm nhiều điều về hướng chiến dịch. Trong các lần họp hàng năm đề ra hướng hoạt động quân sự thu đông, lần này Trung ương cân nhắc kỹ thấy rằng lực lượng địch ở Đông Bắc mạnh hơn Tây Bắc (Địch chia biên giới thành hai khu: “Khu độc lập” Tây Bắc với 6 tiểu đoàn chốt giữ; “Liên khu biên giới“ Đông Bắc có 11 tiểu đoàn, 9 đại đội chốt giữ, do tên đại tá Công- xtang chỉ huy và đặt sở chỉ huy huy tại thị xã Lạng Sơn để nhận mệnh lệnh trực tiếp của Bộ chỉ huy Bắc Bộ địch ở Hà Nội) nhưng vẫn quyết định Đông Bắc là hướng chính, Tây Bắc là hướng nghi binh phối hợp. Nếu xét về mặt binh lực đơn thuần, tưởng như hướng chiến dịch nhằm vào chỗ mạnh của địch- như vậy khó bảo đảm thắng lợi hoặc sẽ không có thắng lợi giòn giã. Nhưng thực ra đây lại là một quyết định táo bạo và thông minh, dựa trên những căn cứ khoa học của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch. Trước hết ta đánh vào nơi địch ỷ lại vào binh hoả lực mạnh nên rất chủ quan, hiểu sai về ta, càng tạo được nhân tố bất ngờ một cách  tối đa. Như thế địch sẽ trở thành yếu. Sau nữa, quan niệm vè ưu thế của ta không phải chỉ là chủ yếu dựa vào binh hoả lực, mà phải là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố quân sự, chính trị, kinh tế. Đúng là ở Đông Bắc địch đông hơn hai lần số lượng địch ở Tây Bắc, nhưng ở đây ta lại có ưu thế hậu phương, sức người sức của ta dồi dào, có điều kiện huy động lớn vào việc phục các yêu cầu thắng lợi của chiến dịch.

        Sự phân tích trên đây của Bộ chỉ huy mặt trận càng làm cho quyết tâm chiến đấu của chúng tôi nhân lên nhiều lần. Không khí cuộc họp sôi nôi và khẩn trương. Chúng tôi không kịp bắt tay tạm biệt nhau, vì ai nấy, sau khi cuộc họp kết thúc, đều ba chân bốn cẳng trở về đơn vị lo tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà Bộ chỉ huy mặt trận vừa giao.

        Đại đoàn Quân Tiên Phong được giao nhiệm vụ mở màn chiến dịch, đánh vào thị xã Cao Bằng.

        Lần đầu tiên được giao nhiệm vụ tiến công vào một thị xã tuy có nhiều khó khăn nhưng không ai trong chúng tôi bàn lùi mà chỉ bàn tới.

        Bộ chỉ huy đại đoàn tổ chức một đoàn cán bộ đến cấp đại đội đi nghiên cứu thực địa quanh thị xã Cao Bằng. Đứng ở đài quan sát tiền phương của đại đoàn, trên một ngọn núi cao kín đáo, có tầm nhìn xa, chúng tôi thấy Cao Bằng là một thị xã to đẹp ở vùng biên giới phía bắc của Tổ quốc. Hai con sông Bằng và sông Hiến kẹp chặt hai sườn và gặp nhau ở phía bắc thị xã. Sông nước ôm vòng ba mặt đông, tây và bắc, chỉ còn hở một khoảng rất hẹp thì ngay tại chỗ hẹp ấy là thành Cao Bằng, xây từ thủa xưa trên một quả đồi thấp; thành này có tường cao bao bọc, nổi trên mặt đất có nhiều công sự kiên cố, dưới là hệ thống đường ngầm và công sự ngầm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:14:26 am »


        Sử dụng lực lượng đánh vào thị xã Cao Bằng như thế nào đây cho thích hợp? Tôi tự hỏi mình như vậy, nhưng ngay lúc ấy thấy khó có câu trả lời chính xác- đạt cả tình lẫn lý. Ở đây không có vấn đề gì về quyết tâm, bởi lẽ cả ba trung đoàn đều sẵn sàng xung phong nhận nhiệm vụ ở nơi khó khăn nhất.

        Bộ chỉ huy đại đoàn đã dựa trên sở trường, truyền thống và cả tình cảm của người chỉ huy để phân công nhiệm vụ cụ thể:

        Trung đoàn trưởng Thái Dũng- người con của thị xã Cao Bằng có nhiệm vụ chỉ huy trung đoàn 88 đánh vào Cao Bằng.

        Trung đoàn 102 ít nhiều có kinh nghiệm chiến đấu trên đường phố Thủ đô cuối năm 1946, có nhiệm vụ đánh các mục tiêu địch nằm ở khu vực thị xã.

        Trung đoàn 36 có truyền thống đánh vận động ở chiến trường trung du, làm nhiệm vụ đánh quân nhảy dù.

        Khác với khi nhận nhiệm vụ chỉ huy mặt trận Hà Nội (hồi ấy tôi có nhiều băn khoăn lo lắng), lần này tuy biết rằng đánh vào thị xã Cao Bằng sẽ không dễ dàng nhưng tôi lại rất phấn khởi và tin tưởng. Bởi lẽ đại đoàn đã trải qua nhiều trận chiến đấu, đã có kinh nghiệm nhất định về kỹ thuật, chiến thuật, về tổ chức chỉ huy, v.v… Nhất là qua chiến dịch Lê Hồng Phong I, với sáu ngày đêm tiến công vây hãm, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Phố Lu (Lào Cai), chúng tôi đã thu được những bài học bổ ích về chiến thuật công đồn (sau gọi là chiến thuật công kiên, và nay gọi là chiến thuật tiến công cứ điểm). Thêm vào đó, đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn vừa hoàn thành một đợt huấn luyện cơ bản ở thượng nguồn Sông Lô. Có thể nói bài học quý báu rút ra từ thực tiễn chiến đấu, cộng với trình độ kỹ thuật, chiến thuật được nâng lên qua đợt luyện quân tập trung là một trong những nguyên nhân chủ yếu tạo thành sức mạnh để đại đoàn hoàn thành nhiệm vụ trong chiến dịch này.

        Trong lúc bộ chỉ huy đại đoàn cử cán bộ đi kiểm tra lần chót về công tác tổ chức chỉ huy chiến đấu; trong lúc các đơn vị đang chuyển động, hành quân vào vị trí tập kết chiến đấu, hình thành cái thòng lọng thắt toàn bộ quân địch ở thị xã Cao Bằng lại, không cho chúng thoát; trong lúc toàn thể cán bộ, chiến sĩ đại đoàn Quân Tiên Phong quên hết mệt nhọc, không sợ hy sinh, phấn khởi chờ đón ngày N- ngày nổ súng, cũng vui sướng hồi hộp như chờ đón cái đêm giao thừa, thì chứng tôi nhận được điện khẩn: hoãn tiến công, cán bộ từ trung đoàn trở lên về Sở chỉ huy mặt trận nhận lệnh mới.

        Niềm vui của mọi người bỗng nhiên bị nén lại, hàng loạt câu hỏi được nêu ra kèm theo tiếng thở dài:

        - Sao! Sao lại không đánh Cao Bằng nữa?

        - Hướng chiến dịch thay đổi?- Vì sao?

        - Uổng quá! Bao nhiêu sông sức chuẩn bị, v.v…

        Thắc mắc nêu kên ai cũng muốn có một lời giải đáp, nhưng không ai có khả năng làm việc đó trong lúc này.

        Ngày 24 tháng 8, chúng tôi về lại Sở chỉ huy mặt trận với một tâm trạng băn khoắn, thắc mắc hơn là phấn khởi…

        Sở chỉ huy mặt trận vẫn ở địa điểm cũ thuộc huyện Nước Hai, cách thị xã Cao Bằng hơn 10 kilômét về phía tây bắc. Chỉ khác là lớp cỏ gianh trên những lán dã chiến đã héo khô ngả màu xám mốc. Chỉ khác là không khí làm việc của các bộ phận giúp việc Bộ chỉ huy mặt trận tất bật và khẩn trương hơn trước.

        Một tin vui chưa được chính thức thông báo cứ bí mật truyền đi: Bác Hồ đã lên. Mọi người tự nhiên thấy mình nhẹ nhõm, đầu óc thảnh thơi, râm ran rỉ tai nhau bàn tán: “Cụ” lên là hết thắc mắc.

        Đến giờ họp.

        Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, hình như đã chờ chúng tôi từ lâu, ra cửa lán thân mật bắt tay chúng tôi.

        Và mọi việc như đã chuẩn bị kỹ, sau khi hỏi thăm sức khỏe bộ đội, các đồng chí dẫn chúng tôi vào phòng họp và bắt đầu vào việc ngay.

        Chúng tôi đứng vây quanh tấm bản đồ trải rộng, vẫn là tấm bản đồ quân sự, tỷ lệ 1/500.000 thuộc địa phận hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

        Nhìn tấm bản đồ quen thuộc, mọi người thở phào nhẹ nhõm, tất cả những băn khoăn nhỏ còn đọng lại đến đây đã hoàn toàn tan biến.

        - Vân Cao- Lạng chứ không phải Lào Cai!- Tôi tự nhủ thầm.

        Phòng họp nhanh chóng trở lại yên lặng, tất cả chúng tôi đều hướng về phía các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái để đón nhận nhiệm vụ mới.

        Như hiểu thấu nỗi băn khoăn của những người đã được chuẩn bị đầy đủ, mọi thứ đã sẵn sàng mà không được đánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói:

        - Bộ chỉ huy mặt trận triệu tập các đồng chí về đây để giao nhiệm vụ mới, nhưng vẫn ở địa bàn cũ…

        Không khí phòng họp bỗng trang nghiêm khác thường. Mọi người gần như nín thở chờ đón đồng chí bí thư Đảng uỷ mặt trận nói tiếp những điều mình đang chờ đợi- muốn biết cụ thể nhiệm vụ mới đó là gì?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:15:22 am »


        Với phong thái đàng hoàng chững chạc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng dậy, chỉ tay vào bản sơ đồ tình huống (sơ đồ thể hiện hình thái bố trí giữa ta và địch; thể hiện diễn biến chiến đấu giữa ta và địch bằng những ký hiệu quân sự) trải rộng trước mặt, rồi nói tiếp, với nhịp điệu vừa phải nhưng mạch lạc, dứt khoát- như có cái gì thúc giục: Sau khi nghe bộ phận quân báo tiền phương báo cáo về tình hình địch mới nhất; sau khi đi nghiên cứu thực địa lần cuối cùng; sau khi báo cáo và được Ban Thường vụ Trung ương Đảng chuẩn y, Bộ chỉ huy mặt trận quyết định thay đổi quyết tâm- lấy Đông Khê là mục tiêu tiến công mở màn của chiến dịch, chứ không phải là thị xã Cao Bằng như đã phổ biến trước đây cho các đồng chí.

        Sức tập trung nghe như bị trùng lại trong vài giây, tâm trí mọi người đổ dồn chú ý của mình vào cứ điểm Đông Khê đã được vẽ to trên tấm bản đồ tình huống, xem nhiệm vụ của đơn vị mình nằm hướng nào ở cái cứ điểm này.

        Đồng chí Võ Nguyên Giáp lại tiếp tục phân tích: Với tinh thần chuẩn bị như hiện nay; với khí thế sôi nổi thi đua lập công như hiện nay của các đơn vị, chúng ta hoàn toàn và nhất định đánh thắng địch đang đóng giữ thị xã Cao Bằng, nhưng sẽ gặp phải khó khăn vì Cao Bằng là điểm mạnh của địch, ở đây quân đông, có hệ thống phòng thủ kiên cố. Hơn nữa, điều này mới quan trọng, mới đáng để chúng ta suy nghĩ đi đến thay đổi quyết tâm chiến dịch là đánh vào thị xã này không gây được rung chuyển mạnh mẽ toàn bộ tuyến phòng thủ vùng Đông Bắc, bởi vì thị xã Cao Bằng là vị trí đột xuất nằm ở cuối đường chiến lược số 4 và là vị trí cuối cùng trên tuyến phòng thủ biên giới của địch. Nhưng cách Cao Bằng 40 kilômét về phía đông, dọc theo đường độc đạo xuyên qua rừng núi hiểm trở, có một cứ diểm có giá trị rất lớn về mặt quân sự- đó là cứ điểm Đông Khê. Đông Khê là một vị trí hiểm yếu. Đánh Đông Khê là cô lập địch ở Cao Bằng, là giành cái lợi thế về ta, đẩy địch ở Cao Bằng vào thế tiến lui đều khó… Chúng ta sẽ tập trung một lực lượng mạnh để bảo đảm thắng địch ở Đông Khê và một lực lượng mạnh khác đảm bảo diệt viện có hiệu quả cao. Vì ta đánh Đông Khê, địch sẽ phải đưa viện binh từ Thất Khê lên, và nếu ta diệt viện thắng lợi thì địch cả ở Cao Bằng và Thất Khê đều nao núng, khó khăn. Lúc đó ta sẽ thừa thắng đánh chiếm Thất Khê, và như vậy địch còn ở Cao Bằng càng lâm vào thế cùng cực, cố giữ cũng không nổi, có cố chạy cũng không có đường nào thoát…

        Chúng tôi căng thẳng nhưng rất háo hức nghe đồng chí đại tướng phân tích về quyết tâm cuối cùng của Bộ chỉ huy chiến dịch.

        Đồng chí đại tướng sôi nổi nói tiếp:

        - Nhiệm vụ thay đổi, phân bố lực lượng cũng thay đổi. Trung đoàn 174 và trung đoàn 209 sẽ được tăng cường 10 khẩu sơn pháo 75mm và một đại đội ĐKZ 60mm đảm nhiệm mở màn chiến dịch- tiêu diệt bằng được cứ điểm Đông Khê…

        Ngừng một lát, quay sang tôi, đồng chí đại tướng nói:

        - Đại đoàn 308 làm nhiệm vụ đánh viện, sẽ bố trí phục kích trên địa hình có lợi ở đoạn đường từ Thất Khê đến Đông Khê. Nhiệm vụ rất quan trọng, phải đánh thắng…

        Cuộc họp đến đây tưởng đã kết thúc, thì chúng tôi được thông báo Bác đến thăm.

        Phòng họp náo nhiệt hẳn lên.

        Bác đến!

        Chúng tôi khép dần vòng tròn để được gần Bác hơn, thấy Bác rõ hơn.

        Bác giản dị quá! Bác mặc bộ quân phục màu hè màu xanh, khăn mặt vắt vai, đội mũ cát (kiểu mũ cứng dùng đội mùa hè), tư thế gọn gàng như một lão tướng.

        Chúng tôi xúc động vô cùng, vì Bác đã 60 tuổi mà vẫn cùng bộ đội trèo đèo lội suốí ra trận.

        Phòng họp yên lặng nghe Bác nói chuyện, không khí ấm cúng bao trùm lên mọi người.

        Bác nói ít nhưng có sức truyền cảm mạnh mẽ: các chú đã nghe Bộ chỉ huy mặt trận phổ biến quyết tâm của Trung ương mở chiến dịch này. Các chú đã được giao nhiệm vụ cụ thể. Các thấy không cần phải nói gì thêm. Thời gian này là rất quý, các chú cần tranh thủ thật tốt thời gian, tổ chức tốt công việc chiến đấu…

        Và cuối cùng Bác nhấn mạnh:

        - Chiến dịch Cao- Bắc- Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết tâm đánh thắng trận này.

        Hội nghị kết thúc. Chúng tôi lưu luyến nhìn Bác và tạm biệt Bác. Bác vẫy tay thân mật chúc chúng tôi lên đường thắng lợi.

        Ra về tôi nhớ mãi chỉ thị của Bác- chỉ được đánh thắng trong chiến dịch này. Chỉ thị đó chúng tôi đã mang theo và thực hiện nghiêm chỉnh trong suốt quá trình chiến dịch.

        Từ những ý kiến phân tích của đồng chí đại tướng trong cuộc họp này, tôi rút ra một điều: người chỉ huy giỏi là ở chỗ biết giành lấy cái lợi về mình, dồn cái khó cho địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:16:21 am »


        Đúng là muốn giành lấy cái lợi về mình, thì trước hết người chỉ huy phải chịu vất vả trong công tác chuẩn bị như chính đồng chí đại tướng đã làm trong chiến dịch này mà tôi được biết. Sau cuộc họp phổ biến nhiệm vụ lần thứ nhất hồi đầu tháng 8, khi chúng tôi trở về đơn vị triển khai nhiệm vụ chuẩn bị thực hành chiến đấu, thì cũng là lúc đồng chí đại tướng- với cương vị chỉ đạo chiến dịch đã xuống sát thị xã Cao Bằng trực tiếp nghe các bộ phận quân báo, trinh sát báo cáo, rồi đi nghiên cứu thực địa để có cơ sở hạ quyết tâm chiến đấu và tổ chức thực hiện những thắng lợi quyết tâm chiến đấu đó.

        Nếu nói đây là bài học về tác phong sâu sát thực tế cần có của một người chỉ huy quân sự cũng đúng; và, nếu nói đây là một trong những nội dung của nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của người chỉ huy thì cũng hoàn toàn là điều có lý.

        Về tới đơn vị, chúng tôi họp Đảng uỷ và Bộ chỉ huy đại đoàn- nói đúng hơn là cuộc hội ý (vì không có thảo luận nhiều, không thành nghị quyết) để bàn kế hoạch thực hiện chuyển nhiệm vụ mà Bộ chỉ huy mặt trận đã giao cho đại đoàn. Công việc trước mắt là chuẩn bị chiến trường, hành quân bí mật an toàn nhanh chóng tới vị trí tập kết mới. Cuộc họp kết thúc nhanh gọn. Anh Cao Văn Khánh ở lại tổ chức bộ đội hành quân; tôi cùng với một số cán bộ tham mưu, trinh sát, thông tin đi trước chuẩn bị chiến trường…

        Khu vực phục kích chặn viện của đại đoàn là nơi có địa hình thật lý tưởng- hai dãy núi đá hai bên kẹp đoạn đường số 4 hẹp, quanh co ngoằn ngoèo vào giữa. Đó là đèo Lũng Phầy. Thật là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà đầy ý nghĩa. Bởi chính nơi đây, năm 1949, tiểu đoàn 23, một trong những đơn vị tiền thân của đại đoàn đã hai lần đánh thắng địch.

        Bộ phận đi trước chuẩn bị chiến trường vừa xong thì cũng là lúc anh Cao Văn Khánh chỉ huy các đơn vị của đại đoàn qua Trùng Khánh, Quảng Uyên, rồi xuyên rừng vạch núi tới địa điểm tập kết. Cuộc hành quân có lúc qua những đoạn đường rộng vừa được dân công mới mở, có cả xe ôtô qua lại tấp nập như đi trên một đường phố thanh bình; có lúc luồn vào rừng vắng, chỉ thấy tiếng thú kêu, ăn uống kham khổ, nhưng các đơn vị đều tới đích bí mật an toàn, đúng thời gian quy định. Đó là biểu hiện ý thức chấp hành mệnh lệnh một cách vô điều kiện của cán bộ, chiến sĩ trong đại đoàn.

        Bộ chỉ huy đại đoàn tranh thủ hội ý xác định quyết tâm và phân bố lực lượng. Tiếp theo các đơn vị nhanh chóng triển khai thế trận. Mạng lưới thông tin lực lượng bằng điện thoại đã nhanh chóng kéo dây đặt máy, chuông đổ hồi liên tục báo hiệu đường liên lạc đã thông suốt từ sở chỉ huy đại đoàn lên cấp trên, xuống các trung đoàn và các đơn vị trực thuộc. Nhờ thế mà phương án đánh viện của đại đoàn đã được báo cáo lên Bộ chỉ huy mặt trận:

        - Khu vực vận động phục kích của toàn đại đoàn là đoạn đường số 4 dài hơn 10 kilômét từ đèo Lũng Phầy đến Khau Luông.

        - Lực lượng phân bố: trung đoàn 88 đứng ở quãng giữa nối tiếp đèo Bông Lau và đèo Lũng Phầy, làm nhiệm vụ khoá đuôi; trung đoàn 36 nằm trên điểm cao Nà Mọc, Sốc Ngà, chốt chặn đầu không địch ra khỏi trận địa; trung đoàn 102 đứng ở đông đường số 4- khu Pác Lũng làm lực lượng đánh ngang sườn, chia cắt đội hình địch…

        Vì địa hình hiểm trở, liên lạc đi lại khó khăn, phương tiện thông tin của ta có hạn, để đảm bảo hành động nhanh và thống nhất, đại đoàn quy định tiếng súng đầu tiên của trung đoàn 36 đánh chặn đầu địch là hiệu lệnh tiến công của toàn đại đoàn.

        6 giờ ngày 16 tháng 9 năm 1950, trung đoàn 174 nổ phát súng đầu tiên vào Đông Khê- mở màn chiến dịch biên giới- mang tên Lê Hồng Phong II, thì cũng là lúc toàn bộ thế trận chặn viện của đại đoàn đã dàn xong. Tất cả đều sẵn sàng.

        Đêm 17 rạng ngày 18 tháng 9, trận tiến công cứ điểm Đông Khê kết thúc thắng lợi giòn giã, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở cứ điểm này. Khác với trận tiến công lần trước ngày 25 tháng 5 năm 1950, khi trung đoàn Cao- Bắc- Lạng chiếm được Đông Khê, địch phản ứng điên cuồng, chúng cho quân nhảy dù xuống chiếm lại ngay sau đó. Còn lần này địch chưa có phản ứng gì. Đông Khê vẫn yên tĩnh. Và trận địa vận động phục kích của đại đoàn cũng chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ địch dùng con đường này đưa quân lên cứu viện Đông Khê.

        Tình hình mặt trận phía đông, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, các đơn vị bộ đội địa phương thuộc Liên khu Việt Bắc do các anh Thanh Phong và Nam Long chỉ huy đã bắt đầu hoạt động nghi binh từ ngày 14 tháng 9, trước hai ngày chiến dịch mở màn. Ta đã quấy rối địch, phá hoại đường số 4 trên đoạn từ Na Sầm đi Bố Củng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 12:17:01 am »


        Ngày 20 tháng 9, quân báo tiền phương của mặt trận, trinh sát tiền phương của đại đoàn cho biết suốt ngày hôm đó máy bay địch ì ầm trên bầu trời đầy mây chở một tiểu đoàn Tabor (là những tiểu đoàn Ma Rốc trong quân đội Pháp thạo đánh ở địa hình rừng núi) từ Lạng Sơn lên tăng viện cho Cao Bằng… Hôm sau, 21 tháng 9, Bộ chỉ huy mặt trận thông báo, sau thất thủ Đông Khê, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ vẫn chưa phán đoán được toàn bộ ý đồ chiến dịch của ta. Chũng vẫn cho mục tiêu tiến công tiếp sau của ta là Thất Khê, nên trước mắt chũng tìm cách tập trung tăng viện cho căn cứ này, đồng thời mở những cuộc hành quân nhỏ vào hậu phương ta ở quanh Thất Khê, Cao Bằng để gây ảnh hưởng chính trị và phá công tác chuẩn bị tiếp tiếp tục hoạt động của ta. Tại Lạng Sơn, Công- xtăng chỉ huy “Liên khu biên giới”gấp rút thành lập binh đoàn cơ độg Bay- a gồm hai tiểu đoàn Tabor 1 và 2, tiểu đoàn 1 trung đoàn 8 Ma Rốc, tiểu đoàn dù lên dương 1BEP do Le Page chỉ huy, mấy ngày sau đó, binh đoàn này đã lên tăng viện cho Thất Khê… Rõ ràng sau khi ta diệt Đông Khê, đánh viện binh địch trở thành một nhiệm vụ chủ yếu của chiến dịch.

        Đại đoàn đã quán triệt tình hình và nhiệm vụ trên đây xuống các đơn vị, đồng thời động viên nhắc nhở mọi người hãy thật sẵn sàng để hễ chiến đấu là phải thắng.

        Khí thế thi đua lập công sôi nổi trong tất cả các đơn vị thuộc đại đoàn.

        Ngày này qua ngày khác trừ một vài trận đụng độ nhỏ với ta có tính chất thăm dò ra Pò Mã, đông bắc Thất Khê, còn toàn bộ viện binh địch vẫn nằm im ở thung lũng Thất Khê.

        Đối với đại đoàn, những ngày như thế thật dài với bao tâm trạng diễn biến. Cái lo của lãnh đạo lúc này khôg phải là xác định quyết tâm mà là vấn đề có thật kiên trì để chờ địch lên “tiếp” chúng hay không?

        Toàn đại đoàn vẫn bám chắc trận địa, từng chiến sĩ rời vị trí chiến đấu đã được phân công. Nhưng đã hơn một tuần nằm rừng, lá chuối lợp lán héo vàng, khô cong. Lúc này tuy đã giữa thu nhưng ở đây thời tiết rất “bất kham”. Lúc nắng, lúc mưa gây nên ẩm ướt khó chịu, được dịp cho muỗi độc bay lượn tự do, cho vắt rừng thi nhau ngóc đầu dậy tìm mồi hút máu. Trong cán bộ, chiến sĩ hiện tượng sốt ruột bắt đầu chớm nở- phần vì phải bó chân một chỗ chờ địch, phần vì cái “máu công kiên” lại nổi lên. Một tiếng nói không to, nhưng có sức lan xa, ở đâu, đến đâu cũng nghe thấy:

        - Địch biết ta chờ, nó chẳng chịu ra đâu.

        - Một trận Đông Khê chưa đủ cho địch hốt đâu, phải đánh nữa, đánh công kiên lớn quật ngay vào Thất Khê, v.v…

        Đó là tiếng xì xào bán tán phổ biến của các chiến sĩ ở những trận địa nằm chờ.

        Đó, rõ ràng kiên trì chờ địch đang là vấn đề phải đặt ra, cần phải lãnh đạo.

        Nhân thời gian còn yên tĩnh, tôi tranh thủ xuống kiểm tra một đại đội thuộc trung đoàn 102. Vừa đến nơi, các chiến sĩ đã xúm quanh lại hỏi:

        - Viện binh địch mò lên Thất Khê, rồi nằm ở đấy, vậy nó bị động hay chủ động?

        - Nó bị động- Một chiến sĩ tuổi độ 25 trả lời luôn.

        Bị động và chủ động, từ đó mà nảy sinh ra kiên trì và nóng vội, đang nổi lên, xung đột nhau, đang là hai luồng tư tưởng tồn tại trong sự suy nghĩ của cán bộ, chiến sĩ đại đội này. Nhưng đây có phải là tình hình tư tưởng chung của đại đoàn hay không?

        Ít nhiều thật khó xác định, nhưng đã là một tồn tại thì cần phải giải quyết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tinh thần phấn khởi của bộ đội, đến việc hoàn thành nhiệm vụ chung của chiến dịch là đánh điểm diệt viện.

        Để anh em thoải mái nêu vấn đề, thoải mái tranh luận. Đợi khi mọi người cạn ý kiến tôi mới ôn tồn nói:

        - Từ đầu chiến dịch cấp trên bảo đại đoàn ta mai phục chờ địch ở đây, mới rồi lại nhắc ta phải kiên trì chờ địch, vậy thì ta đang giữ quyền chủ động hay bị động?

        - Chủ động, ta vẫn nắm chắc quyền chủ động đấy ạ.

        Tôi gật đầu hưởng ứng ý kiến trả lời của đồng chí cán bộ trung đội và nói tiếp:

        - Trong chiến đấu kẻ lầm vào thế bị động là khốn khổ lắm, địch phải nằm ùn lại ở Thất Khê là do tướng địch đang lúng túng, nó lo ta đánh Thất Khê, lại lo ta đánh Na Sầm, và lo Cao Bằng bị cô lập. Kẻ đã lúng túng bị động thì dễ mắc sai lầm. Còn ta, cấp trên bảo phải kiên trì chờ địch thì chín lần chờ địch không ra, còn một lần vẫ chờ, thế mời là kiên nhẫn, mới là biết phát huy thế chủ động…
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM