Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:24:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36569 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:03:08 pm »


        Tuy nhiên tôi vẫn phải cảnh giác đề phòng. Tôi thầm phác họa một kế hoạch đề phòng, rồi táo bạo lần sang. Ngó vào một nhà chỉ thấy hai ông bà già, tôi giả làm người bị lạc, bước vào lễ phép, nói:

        -  Chào hai cụ! Cháu bị lạc đường, đói quá, xin hai cụ giúp đỡ.

        Ông cụ nhìn tôi, thoáng có vẻ ngạc nhiên, nhưng cụ trấn tĩnh ngay và ôn tồn, kín đáo, đáp:

        -  Bác, bác ngồi chơi, ngồi khuất vào trong này.

        Rồi như đoán được nhưng điều gì tôi đang cần biết, cụ vừa đưa chén nước cho tôi, vừa nói ngay giọng hồ hởi hẳn lên.

        -  Bây giờ khác trước rồi bác ạ. Thật may? Anh em ta vượt ngục được hai ngày thì Nhật tràn đến, Tây bỏ cả việc lùng sục, cuốn gói chạy hết.

        Đến đây, cụ chép miệng, chán chường:

        -  Đúng là hỗn quân, hỗn quan láo nha láo nháo!

        Nhưng cụ chuyển ngay sang giọng hồ hởi như trước:

        -  Ấy thế cũng hay! Có vậy anh em ta mới có cơ hội mà thoát, nếu không thì còn khối cái trắc trở đấy.

        Biết cụ có thiện cảm với cách mạng, tôi liền cùng cụ bàn chuyện thời sự. Cụ với tôi nhất trí với nhau là dù sao cũng phải đề phòng quân Nhật đến đàn áp, khủng bố khi bộ máy tay sai của chúng chưa được ổn định, và chỉ có đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi thì dân tộc Việt Nam ta mới hoàn toàn độc lập.

        Đang trò chuyện thì bà cụ bưng từ trong bếp ra một mâm cơm. Bữa cơm đơn giản, có bát canh rau, vài con cá nướng nhưng tự tay hai cụ đơm xới, khiến tôi cảm động. Cơm nước xong, hai cụ giục tôi đi nghỉ sớm để mai còn có sức.

        Tinh mơ hôm sau, ông cụ đã đánh thức tôi dậy. Vừa rửa mặt xong, tôi đã thấy ngay một bát xôi đầy đặt ở giữa giường. Ông cụ bảo tôi ăn để chắc dạ lên đường. Tôi mới ăn được vài đũa, bà cụ lại cho thêm một túi gạo nhỏ và hai đồng bạc. Cụ nói gọi là có tý chút để làm lộ phí cho được công được việc...

        Miếng xôi tôi đang nuốt, bỗng như nghẹn lại.

        Từ giã Nghĩa Lộ, những bà con nghèo, những người dân đã hết lòng với cách mạng, không quản nguy hiểm, đùm bọc người cán bộ cách mạng ở đây đã để lại cho chúng tôi biết bao ấn tượng sâu sắc. Tôi chân thành suốt đời nhớ ơn tấm lòng nhân nghĩa đó. Tôi kính trọng tất cả tấm lòng cao đẹp mà giản dị của đồng bào. Sau này tôi mới biết đó là vùng Na Khi, bản Món. Tôi đi suốt cả buổi, đến chiều thì ra đến đường cái ô tô. Khi vừa ở trong rừng đi ra, tôi thấy ba người từ hướng Nghĩa Lộ đi tới. Mỗi người đều đeo một cái túi dết bằng chăn dạ. Tôi nấp vào bụi sim, nhìn thật kỹ thấy không phải anh em ở Nghĩa Lộ. Nhưng sao họ lại có túi dết bằng chăn dạ được? Nếu không phải là binh lính ở đồn Nghĩa Lộ thì không thể có túi dết như thế được? Chỉ có anh em nhà tù mới có thứ ấy. Tôi tự mình khẳng định như vậy, là do khi còn ở Nghĩa Lộ chuẩn bị khởi nghĩa, chúng tôi có làm cho mỗi người một túi bằng chăn dạ để đựng lương khô và quần áo. Cuối cùng, tôi xác định chắc anh em tù với nhau cả thôi. Tôi bèn bước ra nói to: Mấy người kia đi đâu? Bị hỏi bất ngờ, ba anh như ba cái lò xo bật ngay vào rừng chạy. Tôi bèn hạ giọng, nói: Bọn ta cả đây mà? Nghe vậy, ba anh đi ra. Qua chuyện trò, chúng tôi nhận ra nhau là đồng chí. Mấy đồng chí kia ở Sơn La, bị bọn Pháp đưa về Tú Lệ.

        Gặp thời cơ, các đồng chí trốn luôn và định về Yên Bái. Thấy tôi không có gì ăn đường, các đồng chí chia cho ít gạo rang và năm đồng bạc, rồi bảo nhau đi phân tán ra, không nên đi tập trung. Cầm tiền, tôi xúc động đến chảy nước mắt trước tình đồng chí. Trong khi líu tíu vội vã quên cả hỏi tên nhau, quên cả cảm ơn. Tôi lại lững thững đi một mình trên đường Cửa Nhì -  Yên Bái, rồi lên tàu hỏa về xuôi. Về nhà được vài hôm, tôi lại tìm bắt được liên lạc với Đảng và lại được Đảng giao nhiệm vụ thoát ly đi hoạt động gây cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng đón thời cơ giành chính quyền.

        Đã hơn 30 năm trôi qua, nhiều chi tiết của cuộc nổi dậy vượt ngục Nghĩa Lộ tôi đã quên, bởi vì trí nhớ con người là có hạn. Nhưng những bài học rút ra từ cuộc nổi dậy đó thì lại trở thành ký ức khó quên:

        -  Nổi dậy trong nhà tù đế quốc phải chuẩn bị rất công phu nhưng sẽ gặp phải những khó khăn, nguy hiểm khôn lường. Hồi đó, chúng tôi đã chuẩn bị cho kế hoạch nổi dậy -  vượt ngục khá chu đáo, có được như vậy là nhờ chi bộ nhà tù lãnh đạo sát sao, biết dựa vào tập thể, phát huy trí tuệ của tập thể. Chi bộ đã coi trọng phát động tinh thần yêu nước của quần chúng binh sĩ địch, tranh thủ họ, vận động họ ngả theo cách mạng dưới nhiều hình thức.

        -  Tinh thần thương yêu, đùm bọc đồng chí của những người vượt ngục; tinh thần yêu nước, lòng yêu mến Đảng của đồng bào các dân tộc đã cho tôi thêm nghị lực đã giúp tôi sững, giúp tôi vượt qua bao nguy hiểm và khó khăn trở về với Đảng, với nhân dân, tiếp tục được góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng cho đến thắng lợi ngày nay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:38:36 am »

       
Phần hai

TRƯỞNG THÀNH TRONG CHIẾN ĐẤU

MẶT TRẬN HÀ NỘI

        Tôi rời Hà Nội từ tháng 10 năm 1945, đi làm công tác huấn luyện quân sự. Trước khi lên đường, đồng chí Văn Tiến Dũng, Quân khu trưởng Quân khu II (gồm 8 tỉnh hồi đó là: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Hà đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) gọi đến giao nhiệm vụ cụ thể cho tôi mở lớp bồi dưỡng cán bộ cấp trung đội, đại đội của quân khu. Lớp này tổ chức tại Ba Thá, từ nhà ở, đến bữa cơm hàng ngày của các học viên đều do Đảng bộ và nhân dân địa phương lo lắng chu đáo. Tiếp đó, Bộ Tổng chỉ huy điều tôi sang trường cán bộ ở Sơn Tây làm huấn luyện viên các khoá V và VI rồi lại sang làm huấn luyện viên khoá I Trường võ bị Trần Quốc Tuấn (Nay là Trường Sĩ quan Lục quân I).

        Giữa tháng 10 năm 1946, tôi đang dẫn học sinh đi tập dã ngoại ở chân núi Ba Vì thì nhận được điện của Thường vụ Trung ương Đảng gọi về gấp. Hồi ấy, ở Hà Nội quân Pháp hay giở trò khiêu khích nên các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không làm việc trong thành phố. Tôi được hẹn đến “dinh tổng đốc Hà Đông". Đó là một tòa nhà xây theo kiểu cổ "kín cổng cao tường", ở gần cầu thị xã. Từ đường phố chính đi vào phải qua một cổng lớn, như cổng đình, hai cánh cửa lim rất to, chạm trổ cầu kỳ. Qua cổng đến cái sân khá rộng, nói đúng hơn thì đây là một vườn hoa có nhiều cây to, nhiều chậu cây cảnh, đường đi ngang dọc đều lát gạch Bát Tràng. Cuối sân là tòa nhà gạch một tầng, xây trên nền cao, hiên rộng nhiều gian, nhiều cột mái cong. Tôi đến "dinh tổng đốc Hà Đông" lúc quá trưa ngày 15 tháng 10 năm 1946. Thường vụ Trung ương Đảng đang họp. Nhưng tôi được phép đi thẳng vào phòng họp. Các đồng chí tạm ngừng làm việc. Đồng chí Trường Chinh tự tay xếp thêm một cái ghế vào bên cạnh rồi thân mật bảo tôi:

        -  Đồng chí Vũ ngồi đây.

        Lúc mới vào phòng này thoáng gặp vẻ tư lự trên nét mặt các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp... tôi đã cảm nhận rằng hình như Thường vụ Trung ương đang bàn luận về một việc gì hệ trọng lắm. Ngồi một lát, tôi càng thấy nhận xét đó là đúng, bởi vì ngay trong lúc tạm nghỉ các đồng chí cũng không nghỉ, vẫn theo đuổi những suy nghĩ của mình, người ngồi tại chỗ bên bàn họp, người đi đi lại lại nhè nhẹ đặt từng bước chân, không ai ra khỏi phòng, không ai nói gì với ai, căn phòng im lặng. Tôi khoanh tay ngồi, cũng suy nghĩ, băn khoăn tự hỏi: Không hiểu tại sao mình lại được gọi vào đây? Điện gọi mình về nhận chỉ thị cơ mà, vậy thì cớ sao lại ngồi vào bàn họp này? Chẳng tự giải đáp được, tôi ngồi im như phỗng, nghe tim đập thình thịch, hồi hộp chờ đợi. Tôi càng hồi hộp khi tất cả các đồng chí trở vào ngồi quanh bàn họp và ai cũng nhìn về đồng chí Trường Chinh. Ban sáng, lúc nhận được điện về gặp Thường vụ Trung ương Đảng, tôi đã nghĩ: có lẽ các đồng chí hỏi mình về tình hình cuộc khởi nghĩa ở Nghĩa Lộ? Suốt dọc đường đạp xe từ Sơn Tây về thị xã Hà Đông, tôi cố nhớ lại quá trình chuẩn bị và diễn biến của cuộc khởi nghĩa cùng những bài học xương máu mà tôi đã rút ra để trình bày mạch lạc với Thường vụ Trung ương Đảng. Từ hơn một năm nay tôi luôn luôn day dứt trong lòng về cuộc khởi nghĩa không đạt yêu cầu này. Cho nên, trong lúc này, ngồi trước các đồng chí lãnh đạo của Đảng, thấy không khí trong phòng họp nghiêm trang quá, tôi càng tin chắc rằng các đồng chí gọi tôi đến để hỏi về việc đó. Thế là tôi chủ động đứng bật dậy, báo cáo:

        -  Thưa các đồng chí, việc khởi sự ở Nghĩa Lộ bị thất bại, về phần chỉ huy quân sự, tôi xin chịu hết trách nhiệm, xin chịu tội trước Đảng... Tôi xin...

        Tôi mới nói đến đây thì cả phòng họp trang nghiêm rộn lên tiếng cười khiến tôi lúng túng.

        -  Không phải đâu -  Đồng chí Trường Chinh nói chen vào và nhìn tôi với cặp mắt thân thương.

        Vẫn âm điệu chậm rãi, dịu dàng, đồng chí Trường Chinh nói tiếp:

        -  Đồng chí Vũ ngồi xuống! Thường vụ gọi đồng chí đến để giao nhiệm vụ mới, rất quan trọng, tin rằng đồng chí có thể gánh vác được.

        Chờ cho tôi trở lại bình tĩnh và căn phòng dứt hẳn tiếng cười đồng chí Trường Chinh tiếp tục nói, thong thả, rành mạch từng tiếng, giọng đồng chí vẫn dịu dàng nhưng bàn tay đồng chí nắm chắc lại khe khẽ đập xuống mặt bàn theo nhịp từng câu nói:

        -  Giặc Pháp đang ráo riết chuẩn bị, sớm muộn thế nào thúng cũng đánh ta, đánh úp Hà Nội, chiếm Thủ đô ta. Trung ương Đảng giao cho đồng chí Vũ làm chỉ huy trưởng Quân khu XI, quân khu đặc biệt Hà Nội.

        Đồng chí phân tích tình hình, nói ý nghĩa chiến tranh toàn dân, kháng chiến lâu dài, rồi chỉ thị cho tôi nhưng việc trước mắt cần phải làm tốt: Hà Nội phải được chuẩn bị sẵn sàng, đề phòng địch trở mặt gây hấn... Nếu chúng cố tình tấn công đánh chiếm Hà Nội thì ta phải lập tức đánh trả ngay. Phải giành thắng lợi ngay từ trận đầu. Nhưng phải khéo léo, giữ được lực lượng để đánh lâu dài. Phải hết sức khẩn trương chuẩn bị, nhưng cũng cần chú ý tránh mắc mưu khiêu khích của giặc. Ta còn phải tranh thủ thời gian để củng cố mọi mặt vì nếu để chiến tranh nổ ra sớm thì không có lợi...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:40:51 am »


        Và cuối cùng đồng chí nhấn mạnh:

        -  Ngay từ bây giờ phải nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng ở tư thế chiến đấu để, nếu địch trở mặt gây hấn thì ta lập tức đánh trả lại ngay, phai kìm chân địch ở Hà Nội trong một thời gian cho cả nước chuyển sang chiến tranh; phải huy động sức mạnh tiềm tàng của nhân dân thành phố vào cuộc chiến đấu, đồng thời phải biết bảo toàn và bồi dưỡng lực lượng ta để đánh lâu dài...

        Tôi chăm chú nghe từng câu từng ý của đồng chí Trường Chinh, nhưng mắt không rời đồng chí Phạm Văn Đồng ngồi ở hàng ghế đối diện. Được biết đồng chí đi đàm phán với Pháp ở Phông- ten- nơ- blô mới về mươi hôm. Cuộc đàm phán tuy chẳng mang đến kết quả gì, nhưng qua bên đó, với bài diễn văn nảy lửa của mình, đồng chí đã vạch trần chính sách phản động của thực dân Pháp, nêu rõ lập trường sáng ngời chính nghĩa của nhân dân ta là chiến đấu đến cùng cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Qua những ngày đàm phán ở Pháp chắc chắn rằng đồng chí hiểu thấu hơn tâm địa của thực dân Pháp. Đối với địch, đồng chí kiên quyết và dứt khoát. Đồi với đồng chí thì chan hoà, cởi mở và thân mật. Lúc này đây đồng chí đang chăm chú nghe đồng chí Tổng bí thư phân tích tình hình và ra chỉ thị cho tôi. Đồng chí nhìn thẳng vào mắt tôi, đầu gật gật khi đồng chí Tổng bí thư nói: phải khéo léo giữ được lực lượng để đánh lâu dài. Tôi cũng khẽ gật đầu đáp lại tỏ ý: Vâng, tôi hiểu ý chỉ đạo của Thường vụ Trung ương Đảng, tôi hiểu ý anh, ta đánh lâu dài, địch sẽ không chịu nổi.

        Tiếp lời đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho tôi những việc phải làm ngay: Nghiên cứu âm mưu địch; nắm chắc lực lượng ta, đặc biệt chú ý lực lượng tự vệ thành; làm kế hoạch tác chiến, chỉ huy phải kiên quyết, linh hoạt... Đồng chí nhấn mạnh: Công việc lớn đấy, nhiều khó khăn, phải tích cực khắc phục, nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt. Kiên quyết đánh thắng ngay từ đầu.

        -  Báo cáo, tôi đã rõ nhiệm vụ, xin chấp hành.

        Tôi đứng nghiêm chào các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng rồi lui ra ngoài. Bước ra khỏi phòng họp mà lòng tôi vẫn còn xúc động, chân bước đi cảm thấy như không chạm đất, tôi vội ngồi ngay xuống ghế đá trong vườn hoa trước cửa nhà. Đầu óc tôi cùng một lúc diễn ra biết bao nhiêu suy nghĩ, những dự định và cả những thắc mắc, lo lắng. Nhiệm vụ lớn quá! Mà khả năng của tôi thì có hạn.

        Kẻ địch mà tôi phải trực tiếp đương đầu là những tên thực dân cáo già Va- luy, Moóc- li- e, bạc đầu trong nghề chinh chiến, chúng có quân đông, vũ khí tối tân. Chiến trường sẽ diễn ra là một thành phố to với vùng ngoại thành rộng lớn, dân cư đông đúc, bộ đội, dân quân tự vệ cũng tới hàng vạn, mà tôi tuy đã từng là huấn luyện viên góp phần đào tạo hàng trăm cán bộ quân sự cho quân đội, nhưng thực ra vốn liếng đó chưa đủ đáp ứng nhiệm vụ mới mà tôi vừa được Thường vụ Trung ương trao. Tôi trầm ngâm suy nghĩ: Nghĩ đến những ngày tù đầy ở Bá Vân, Nghĩa Lộ. Nghĩ đến những ngày thực dân Pháp khủng bố đồng bào ta, đàn áp cách mạng trước ngày khởi nghĩa. Nghĩ đến những ngày sắp tới đây thực dân Pháp lại nổ súng đánh ta hòng trở lại thống trị nhân dân ta một lần nữa... máu căm thù quân cướp nước lại sôi sục trong tôi. Tôi xua đuổi tất cả những ý nghĩ gì có thể cản trở nhiệm vụ. Tôi dù có non nớt, mà non nớt thật, thì có Đảng dìu dắt, có đồng chí, đồng bào giúp đỡ. Ngồi trên ghế đá giữa một vườn hoa thơm mát, tôi hít thở một hơi dài để xua đi những nỗi lo lắng và quay về với nhiệm vụ.

        Ngày mai ra Hà Nội, đến Sở chỉ huy quân khu nhận chức, tôi sẽ bắt đầu bằng công việc gì đây? Hàng trăm câu hỏi về cách đánh địch và thắng đính cứ lần lượt hiện ra trong đầu óc tôi. Đánh như thế nào có lợi nhất, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Thường vụ Trung ương Đảng vừa trao? Bởi lẽ trận chiến đấu sắp tới đâu phải là một trận chỉ có bộ đội ta chọi lại với quân địch, mà là một mặt trận, một cuộc chiến đấu lớn, nhiều trận, nhiều ngày, cả nhân dân cùng tham gia đánh giặc, chiến tranh toàn dân... Bỗng nhiên, tôi nhớ lại hồi tháng 10 năm 1945, khi rời Hà Nội đi làm công tác huấn luyện quân sự, mở lớp đào tạo cán bộ của Quân khu II. Lần ấy, tôi cũng bối rối lắm. Đồng chí Văn Tiến Dũng cho biết số học sinh có khoảng 100 người. Tôi lo lắng: trường sở đặt ở đâu bây giờ, phương tiện dụng cụ, bàn ghế ra sao?

        Chỗ ăn, chỗ ở của học viên, lại còn nồi niêu, gạo, thức ăn, nước uống nửa? Cơ quan giúp việc không có, tài liệu chưa chuẩn bị, tiền không có một xu, lấy đâu ra? Nhưng một lời nói của đồng chí Văn Tiến Dũng mở ra cho tôi phương hướng giải quyết những bế tắc này: phải dựa vào địa phương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:43:13 am »


        Thế là tôi đi liên hệ với địa phương, gặp các đồng chí trong ban lãnh đạo tỉnh Hà Đông trình bày ý định của cấp trên muốn mở lớp huấn luyện quân sự. Đồng chí Ái, phó chủ tịch tỉnh rất thông cảm với chúng tôi và giải quyết rất nhanh:

        -  Anh mở lớp một tháng, ít ra phải có hai tấn gạo, vậy tạm thời cấp bốn tạ, đủ ăn một tuần, rồi sau lo tiếp.

        Tiếp đó đồng chí Lim công an trưởng, nói:

        -  Trong kho có một số vạc và nồi ba mươi, cần mấy cái cho đủ, bọn mình viết giấy cấp phát.

        Tôi nằn nì trình bày ý kiến xin tiền để mua mớ rau, quả cà cho bừa ăn hàng ngày. Các đồng chí bàn soạn với nhau một lát rồi thống nhất ý kiến: Mấy ông quân sự gan thật, không có một xu mà đòi mở lớp võ bị, thôi cố vét cho cậu ấy 100 đồng.

        Thu xếp được cho việc cơ bản, tôi quay về Ba Thá đi liên hệ với các huyện. Vì Ba Thá là nơi giáp ranh của 3 huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hoà. Các ủy ban huyện đều nhiệt tình ủng hộ, cũng cho gạo, cho tiền. Tôi lại đến các thôn Phú Viên, Viên Nội, Viên Ngoại, Xóm Đông. Ở các thôn này, tôi dựa vào đoàn thể quần chúng. Hội phụ nữ tổ chức đội nuôi quân lo việc chợ búa, cơm nước. Các cụ bô lão hăng hái đứng ra quyên góp tre, nứa, lá, rơm, rạ và huy động nhân công làm trường trại.

        Chỉ hơn hai tuần, mái trường mới đã sừng sững đứng bên sông Đáy. Ba dãy nhà xếp hình chữ môn với gần hai chục gian: năm gian làm giảng đường, năm gian vừa làm nhà bếp vừa làm nhà ăn, bảy gian để ở. Tường vách đất quét phủ vôi trắng, gian nào cũng có cửa ra vào và cửa sổ lắp chấn song. Ba dãy nhà ôm lấy cái sân cỏ rộng ngót trăm mét vuông. Nhìn từ xa đã thấy trường sở khang trang bề thế vào tận nơi, đến từng nhà, từng gian lại càng thích mắt: trong giảng đường, bàn ghế bằng tre, nứa, xếp hàng dọc, hàng ngang ngay ngắn. Buồng ngủ có hai dãy giường tre. Bàn ghế trong nhà ăn cũng chỉ bằng tre nứa thôi, nhưng mấy chục cái bàn cái ghế khuôn khổ, kích thước bằng nhau chằn chặn, xếp thành hàng, thành dãy thẳng tắp, nên tuy thô sơ mà vẫn đẹp mắt. Các học viên đến dự lớp huấn luyện, thấy trường sở đàng hoàng thấy sự chăm sóc ân tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, ai nấy đều cảm động, hăng hái học tập.

        Nhớ lại việc mở lớp huấn luyện quân sự ở Ba Thá, tự nhiên tôi cảm thấy trong người nhẹ nhõm, thoải mái, đầu óc thảnh thơi, hết căng thẳng, lo âu với nhiệm vụ mới vừa được Thường vụ trao cho. Tôi tự nhủ: công tác cách mạng, từ việc nhỏ đến việc lớn, có việc nào dễ dàng đâu? Vấn đề là ở người cán bộ cách mạng phải hiểu rõ nhiệm vụ, thấy hết khó khăn, phải nắm vững đường lối, phương châm công tác cách mạng của Đảng, tích cực động viên tổ chức lực lượng đông đảo quần chúng tham gia thì việc khó mấy cũng thành công.

        Hôm sau, tôi ra Hà Nội bắt tay ngay vào việc tìm hiểu tình hình quân sự của Thủ đô.

        Từ ngày ta nắm chính quyền, chẳng có lúc nào Hà Nội được coi là yên ổn. Theo hiệp ước Pốt-xđam, các nước đế quốc trong phe đồng minh chiến thắng phát xít Nhật phân chia cho quân đội Tưởng Giới Thạnh vào nước ta làm nhiệm vụ tước vũ khí quân đội Nhật từ Bắc vĩ tuyến 16 trở ra. Bọn Tưởng cho đây là thời cơ thuận lợi để chúng thôn tính một nửa nước ta, cho nên đội cái danh đi giải giáp mấy vạn quân Nhật mà chúng huy động đến gần 20 vạn quân, tương đương với lực lượng mà nhà Mãn Thanh đem sang đánh chiếm nước ta hồi năm 1789. Chúng chủ trương "diệt cộng cầm Hồ" bày ra lắm âm mưu hòng bóp nghẹt, lật đổ chính quyền Trung ương của ta ở Hà Nội, lập chính quyền tay sai của chúng. Nhưng chúng đã liên tiếp thất bại vì nhân dân ta một lòng đoàn kết chung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, vì Bác Hồ và Đảng ta đã đối phó rất khôn khéo với từng mưu mô, thủ đoạn của chúng.

        Giữa tháng 3 năm 1946, Hà Nội đông nghịt quân đội Tưởng lại xuất hiện thêm một đội quân nữa -  quân xâm lược Pháp. Đó là một bộ phận trong số 15.000 quân tiếp phòng Pháp được phép vào Hà Nội thay quân Tưởng theo hiệp định sơ bộ giữa ta và Pháp ký ngày 6 tháng 3 năm 1946. Với khoảng hơn 6.500 quân, chúng từ Hải Phòng theo đường số 5 vào Hà Nội đóng giữ 45 địa điểm khác nhau, trong đó lực lượng cơ động có đến 4.000 tên đóng tại sáu nơi quan trọng: Thành Hà Nội, trường An- be Xa- rô1 (Số 2 Hoàng Văn Thụ hiện nay), phủ Toàn quyền2 (Phủ Chủ tịch hiện nay), trường Bưởi3 (Trường phổ thông cấp II và III Chu Văn An, Hà Nội hiện nay), Đồn Thủy4 (Viện quân y 108 hiện nay) và sân bay Gia Lâm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:46:25 am »


        Như vậy là từ cuối tháng 3 đến hết tháng 6 năm 1946, trong Hà Nội lúc nhúc hai quân đội Tưởng -  Pháp, đứa mới vào và đứa sắp đi lục đục với nhau vì quyền lợi, bắn nhau nhiều phen1 (Ngày 28 tháng 2 năm 1946 bản hiệp ước Hoa -  Pháp được ký tại Trùng Khánh. Theo hiệp ước này Pháp đồng ý trả cho Tưởng Giới Thạch các tô giới ở Thượng Hải, Thiên Tân, Hán Khẩu, Quảng Đông, bán lại đường xe lửa Hà Nội -  Vân Nam trên đất Trung Quốc (từ Hồ Kiều đến Côn Minh; Pháp nhường lại cho Tưởng một "khu đặc biệt" ở cảng Hải Phòng, ở đó Tưởng được tự do nhập hàng và có quyền kiểm soát hải quan. Về phần Tưởng sẽ nhường cho quân Pháp thay thế quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương (từ vĩ tuyến 16 trở ra) làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất nhường quyền thống trị nhân dân ta cho Pháp.

        Tuy vậy lính Tưởng nhìn lính Pháp vẫn bằng con mắt gầm ghề của những kẻ đang ăn bị kẻ khác đến tranh phần, và xung đột giữa chúng tất nhiên xảy ra ở các nơi. Ở Hà Nội: ngày 31 tháng 3 thời hạn rút quân cuối cùng của quân đội Tưởng đã đến, thì cuộc xung đột đầu tiên nổ ra, quân Tưởng nổ súng vào toán lính Pháp. Ngày 1 tháng 4, hai chiếc ô tô của quân Tưởng và quân Pháp đâm vào nhau, quân Tưởng nổ súng luôn. Ngày 21 tháng 4 cuộc xung đột lớn nhất lại xảy ra giữa quân Tưởng và quân Pháp trước cửa hàng bán hoa ở ngã tư Tràng Tiền. Hai bên bắn nhau, súng nổ lan ra nhà thủy tạ Bờ Hồ, phố Hàng Da, đường Cột Cờ, đường Mai Hắc Đế. Pháp và Tưởng đều có hàng chục tên lính chết và bị thương.

        Quân Tưởng tại Hà Nội đang cố tìm ra một cái cớ để dây dưa ở lại. Cái cớ đó chúng không tìm được ở những va chạm giữa ta với Pháp thì chúng tạo ra bằng những cuộc xung đột nhỏ giữa chúng với Pháp, nhưng cả hai đứa đều tìm cách hại ta, lúc ngấm ngầm, lúc công khai, tình hình càng trở nên phức tạp.

        Cuối tháng 6, quân Tưởng cuốn gói hết.

        Tháng 7, thực dân Pháp đã mưu tính một kế hoạch lớn. Lấy cớ ngày 14 tháng 7 là ngày quốc khánh Pháp, chúng dự định tổ chức một cuộc diễu binh trọng thể và mời bộ đội ta cùng tham dự với tư cách là "quân đội một nước tự do trong khối liên hiệp Pháp" . Chúng dự định gây ra một vụ nổ nhỏ để châm ngòi cho một vụ nổ lớn. Kẻ châm ngòi là lũ đảng phái phản động Đại Việt và Việt Nam Quốc dân đảng. Lũ này sẽ nổ súng vào một khối trong đội hình diễu binh của quân Pháp (tất nhiên là chỉ bắn vào đám lính da đen). Khi có tiếng súng nổ thì một mặt quân Pháp sẽ quay súng bao vây các đơn vị bộ đội ta cùng tham dự diễu binh với chúng, mặt khác bọn thực dân sẽ lấy cớ "duy trì an ninh" tung lực lượng cơ động ra chiếm các công sở, các cơ quan Chính phủ ta, tạo điều kiện cho lũ việt gian tay sai của chúng làm đảo chính cướp lấy chính quyền Trung ương và chính quyền ta ở Hà Nội. Nhưng kế hoạch lớn này của các nhà tham mưu thực dân đã thất bại. Bởi vì trước ngày 14 tháng 7, ngay tại Hà Nội, ta tiến hành một đợt hoạt động nhanh như sét đánh, cùng một lúc vây quét hết các ổ phản động. Âm mưu bị lộ, bọn thực dân Pháp liền bãi bỏ cuộc diễu binh này.

        Bấy giờ, trong hàng ngũ tướng lĩnh xâm lược Pháp đã có nhưng mâu thuẫn sâu sắc về biện pháp tiến hành chiến tranh xâm lược. Tướng Lơ- cléc, kẻ phải đối địch chật vật với cuộc chiến tranh toàn dân của ta ở Nam vĩ tuyến 16 đã phần nào thấy được vấn đề, không thể dùng biện pháp quân sự được y chủ trương tiến hành "diễn biến hoà bình". Nhưng bọn chủ chiến mạnh thế hơn, do vậy, Lơ- cléc đã phải từ chức, về Pháp, và tướng Va- luy lên nắm quyền Tổng tư lệnh lực lượng xâm lược, đẩy mạnh các kế hoạch khiêu khích, lấn chiếm trên khắp đất nước Việt Nam.

        Tại Hà Nội, quân Pháp dần dần lấn chiếm nhiều vị trí quan trọng, nhằm tạo ra một thế trận chia cắt các lực lượng ta ở trong Hà Nội và có thể nhanh chóng đánh úp ta, chiếm cả thành phố. Ví dụ: ở ngay trước mặt trại Vệ quốc đoàn Trung ương1 (40 Hàng Bài), địch cắm một trung đội, đóng trong rạp chiếu bóng Ma- giét- tích (nay là rạp Tháng Tám); đối diện với Bắc Bộ phủ, nơi làm việc của Chính phủ ta, chúng cắm 200 lính trên tầng cao của khách sạn Mê- tơ- rô- pôn (nay là khách sạn Thống Nhất)...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:48:41 am »


        Thế đó, kẻ địch quân đông, có đủ các loại vũ khí, xe tăng, tàu chiến, máy bay. Mà ta thì lực lượng vệ quốc đoàn chỉ có 5 tiểu đoàn, người nhiều hơn súng (Vũ khí của ta lúc này có 1.500 khẩu súng trường (trong đó một nữa là súng khai hậu, súng bắn chim), 4 khẩu đại liên 12,7 mi- li- mét, 7 khẩu cao xạ 75 mi- li- mét dùng làm pháo mặt đất, một khẩu ba- dô- ca với 5 viên đạn, 20.000 viên đạn các loại, 1.000 quả lựu đạn, 80 bom ba càng, 200 chai xăng Crếp, v.v), chưa được huấn luyện bao nhiêu, lại phải đóng phân tán rải rác khắp nội ngoại thành phố để bảo vệ các công sở, nhà máy; đã thế, tại nhiều vị trí quan trọng như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà ga, cầu Long Biên, nhà ngân hàng... ta và địch cùng đóng quân canh gác chung. Vậy làm thế nào để thực hiện đúng như chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng: Nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng tư thế chiến đấu, đồng thời phải hết sức tránh không mắc mưu khiêu khích của địch.

        Thật là khó! Bởi vì, nếu không gấp rút chuẩn bị sẵn sàng tư thế chiến đấu thì khi địch trở mặt đánh úp, ta sẽ không kịp trở tay. Ngược lại, ta ráo riết chuẩn bị, sẽ gây nên không khí căng thẳng và đó là cái cớ cho địch gây sự với ta, mà lúc này ta đang cần giữ thế hoà hoãn, tranh thủ hoà bình được ngày nào là có lợi ngày ấy, thêm được thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Khó nữa là bộ đội ta đang phân tán đóng khắp nơi trong thành phố, thu lại thành đơn vị đại đội, tiểu đoàn tập trung thì cơ quan công sở không có ai bảo vệ, mà cũng dễ lộ ý định, địch sẽ lấn chiếm ngay. Nhưng nếu không tập trung lại thì làm thế nào tranh thủ nắm chắc lực lượng để khi cần là chỉ huy chiến đấu được ngay.

        Khó lắm, ngồi một chỗ mà nghĩ, mà bàn luận với nhau thì chẳng ra mưu kế gì hay, càng nghĩ đầu óc càng thêm rối mù!

        Sau khi thống nhất chủ trương, Bộ chỉ huy mặt trận phân công đồng chí Trần Độ xuống các đơn vị kiểm tra và cổ động (nay gọi là động viên) cán bộ, chiến sĩ. Tôi lo việc tổ chức các trận địa chiến đấu. Trước hết tôi bỏ ra một tuần lễ liền cùng với đồng chí quân báo cọc cạch hai chiến xe đạp đi khắp thành phố, qua hết đường lớn đến ngõ hẻm; lúc xem xét một vị trí đóng quân của địch, khi thì gặp gỡ trao đổi bàn bạc với anh em bộ đội, anh em tự vệ. Qua cuộc đi này tôi thu hoạch được nhiều ý kiến hay, vừa giàu trí mưu lược vừa thể hiện khí phách anh hùng của một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục uy lực của quân xâm lược.

        Tại Bắc Bộ phủ, các đồng chí ta dự định đào một đường ngầm xuyên dưới nền khách sạn Mê-tơ-rô-pôn, xếp bom vào đó khi địch trở mặt ta cho nổ tung.

        Bên trại Vệ quốc đoàn Trung ương, các đồng chí cũng dự định đào đường ngầm như thế để đánh bom tiêu diệt bọn địch bên rạp Ma- giét- tích và một đường ngầm nữa sang nhà tên Bảo Đại ở bên đường Găm- bét- ta1 (Đường Trần Hưng Đạo ngày nay), đó là đường bí mật cơ động lực lượng từ trong ra, ngoài vào...

        Tôi đã đến nhiều khu phố để xem xét các đơn vị tự vệ Thành chuẩn bị chiến đấu. Số anh chị em này đại bộ phận là công nhân và các tầng lớp lao động khác. Anh chị em vốn sẵn có tinh thần yêu nước, lại bị đế quốc phong kiến áp bức bóc lột nặng nề, khi được giáo dục, động viên họ không những hăng hái nhiệt tình mà còn có rất nhiều mưu kế đánh địch, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu quên mình để bảo vệ Thủ đô bảo vệ Tổ quốc. Đó là một lực lượng đáng quý. Ở Hà Nội, từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, do ta phải luôn luôn che giấu lực lượng Vệ quốc đoàn để né tránh các âm mưu của các kẻ thù, cho nên thường xuyên lực lượng tự vệ Thành ở các khu phố phải đảm đương vai trò chính trong việc giữ gìn trật tự, an ninh, kể cả việc đấu chọi vời bọn đảng phái phản động và kìm hãm, ngăn chặn những hành động khiêu khích, cướp bóc của quân Tưởng Giới Thạch, quân xâm lược Pháp. Bọn phản động, bọn Tưởng Giới Thạch và cả bọn Pháp nữa rất kiêng nể lực lượng "sao vuông” này. Chính vì vậy mà hôm Thường vụ Trung ương Đảng trao nhiệm vụ cho tôi, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã căn dặn kỹ càng: Phải đặc biệt chú ý đến lực lượng tự vệ Hà Nội. Trong tự vệ Thành, ngoài nam nữ thanh niên công nhân, những người lao động thủ công, những học sinh, sinh viên, còn có một số người đã đứng tuổi, ngoài 40, bà con trong phố vẫn quen gọi kiểu cũ là ông phán, ông ký, ông La- mốt, ông Ben- la phô- tô, ông Phúc Tân v.v. Những anh em này vốn bị bọn thống trị chèn ép, sẵn có tinh thần ghét Tây, từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công, được cách mạng giáo dục, hun đúc thêm lòng yêu nước nên họ hăng hái gia nhập tổ chức tự vệ Hà Nội, tự bỏ tiền ra may quần áo ka- ki theo kiểu quân sự, lại thích được mọi người gọi là "anh”, là những chàng trai Hà Nội. Họ nhiệt tình hăng hái, xông xáo trong các việt, trị an, trấn áp phản động, tâm hồn họ đã trẻ lại trong cao trào cứu nước của toàn dân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:51:20 am »


        Một hôm, nhân đi qua sát vị trí đóng quân của địch bảo vệ nhà viên tướng Moóc-li-e ở phố Hàng Trống (nay là toà báo Nhân Dân), tôi tìm gặp hỏi chuyện anh đội trưởng tự vệ phố Nhà Thờ. Anh này mới qua một lớp huấn luyện quân sự tại trường Hồ Chí Minh, trường đào tạo cán bộ tự vệ do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Anh trình bày ý định chuẩn bị tác chiến vẫn với cung cách của một cậu học sinh hiếu động:

        -  Ở đây khó chơi với chúng nó lắm. Anh tính, đầu phố là nhà Moóc- li- e, có gần một trung đội lê- dương, cuối phố là khu nhà Pháp kiều. Mình làm gì chúng nó nhìn hết. Nhưng không sao, phải có cách chơi lại chúng nó chứ. Chúng tôi đã bí mật khoan lỗ vào một số thân cây ở hai đầu phố. Đã xoay được mìn rồi. Khi có lệnh, nhét mìn vào những lỗ đó, cho nổ, thế là chỉ trong nháy mắt là có vật chướng ngại, cắt đường. Cây đổ đè chồng lên nhau, cài vào nhau thì chắc lắm, xe tăng không húc nổi đâu. Chúng nó mà xua lính ra cưa thì ta tỉa cho ngoẻo ngay.

        Anh đội trưởng dẫn tôi vào một căn nhà ở đầu phố. Anh cẩn thận khép kín cửa ra vào rồi chỉ vào một bộ ghế ngựa kê sát bức tường trông ra ngoài đường và nói: đây là một vị trí chiến đấu. Anh lật một tấm phản lên. Dưới gầm bộ ghế ngựa lộ ra một cái hố mới đào, người đứng đến ngang ngực, và phía chân tường là một lỗ đục dở dang, chỉ cần mấy nhát xà- beng, đánh bật một viên gạch ra thì thành cái lỗ châu mai, chĩa súng ra ngã tư đường. Một vị trí chiến đấu khá bất ngờ.

        -  Phố này, ngả nào xe tăng, xe thiết giáp định cũng xộc vào được đến đầu các phố, mà ta thì...

        Tôi đang định đặt một câu hỏi để thăm dò ý định tác chiến của đội tự vệ phố Nhà Thờ thì anh đội trưởng đã nhanh nhảu cướp lời:

        -  Vâng, xe của chúng nó sẽ chiếm được hai đầu phố, dễ dàng thôi. Chúng nó sẽ đặt súng bắn dọc đường, kiểm soát suốt dọc phố này. Nhưng thế thì ăn giải gì, phải không anh. Chúng chỉ mạnh ở ngoài đường thôi. Xe tăng có xông được vào trong nhà, trong ngõ đâu? Chúng tôi đã bàn nhau: ta phải kiên quyết đánh giữ từng bờ tường, từng góc sân...

        Những suy nghĩ, những việc làm thực tế của quần chúng dội vào đầu óc tôi, mở ra cho tôi một hướng chuẩn bị tích cực để thành phố đi vào chiến đấu. Tôi dự kiến những vấn đề sau đây sẽ đưa ra Bộ chỉ huy mặt trận thảo luận và quyết nghị:

        Một là, bí mật đào đắp công sự, hố chiến đấu ở trong nhà, trong vườn, trong ngõ ngách. Ở các nhà có ban công hướng ra ngoài đường thì chuẩn bị sẵn những bao cát, khi cần đem ra ban công xếp thành ụ súng;

        Hai là, đục tường thông nhà này qua nhà khác để bí mật cơ động lực lượng, khi tiến khi thoái, ở trong từng dãy phố, từng khối phố;

        Ba là, chuẩn bị sẵn những vật cồng kềnh, như xe bò, xe rơ- moóc, thùng sắt, thùng gỗ, hòm, bàn, ghế... để khi có lệnh thì lao ra đường, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương tiện, dụng cụ, biện pháp chặt cây, ngả cột điện làm vật ngăn chặn từng quãng đường phố.

        Những kết quả về trinh sát địch, tôi chấm lên bản đồ, cái bản đồ hành chính của thành phố in từ thời Pháp thuộc với những tên phố mang tên quan lại, tướng tá thực dân. Căn cứ vào những kết quả trinh sát, tôi dự kiến địch sẽ đánh úp ta ra sao? Các mũi tiến quân mà chúng sẽ theo những đường phố, thọc ra tới đâu? Và như vậy ta cần phải tổ chức chặn địch ở những đoạn nào, và phân chia khu vực tác chiến như thế nào cho thích hợp...

        Hồi đó, cơ quan chỉ huy chưa có quy củ, việc lập kế hoạch tác chiến cũng chưa có bài bản như hiện nay, thường thì cứ vừa làm vừa bàn bạc với anh em, vừa làm vừa kiểm tra, như đặt một điểm chặn, hay một tuyến đường thông tin, một tuyến tiếp tế thì chấm, thì vạch lên bản đồ, rồi lại đạp xe đi xem xét lại, thấy chưa ăn khớp thì thay đổi. Tấm bản đồ kế hoạch tác chiến của tôi môi ngày một thêm những ký hiệu, những nét tẩy, nét xoá, những ghi chú bổ sung, trông mà rối mù, cuối cùng chỉ mình tôi mới có thể hiểu được, đọc được những ký hiệu, những ý định ghi chi chít dọc ngang, ngang dọc đó.

        Có những lần tôi ngồi cả buổi trước tấm bản đồ rắc rối ấy, cứ như người mê cờ ngồi suy nghĩ về các thế cờ, tính những nước đi trước trên bàn cờ vậy. Ngồi nhìn thế địch mà tôi cứ suy nghĩ làm thế nào để thực hiện được ý kiến của đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng chỉ thị cho mặt trận Hà Nội, trong buổi tôi lên nhận nhiệm vụ:

        -  Phải sẵn sàng để khi địch trở mặt là ta đánh trả lại ngay tức khắc; không cho chúng đánh úp Thủ đô ta, bắt chúng đối phó bị động.

        -  Phải thực hiện kìm giữ địch một thời gian trong Hà Nội, không cho chúng mở rộng chiến tranh ra ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 06:54:03 am »


        Nghĩ mãi, rồi cũng tìm ra cách đánh, tôi đem những suy nghĩ của tôi trình bày với cá đồng chí trong Bộ chỉ huy mặt trận và các cán bộ tham mưu. Nhiều người cùng bàn bạc, nảy thêm lắm ý kiến, đúng có, mà không đúng cũng có, song đúng hay không cũng đều bổ ích cả, vì khi tranh cãi về một ý kiến không đúng thì lại càng thấy rõ hơn phải đánh thế nào mới hợp với sức ta, đúng như phương châm Đảng đã chỉ đạo.

        Vấn đề thứ nhất, làm thế nào đánh trả lại được, bắt địch đối phó bị động? -  Chúng tôi thống nhất với nhau rằng, muốn vậy phải sẵn sàng chiến đấu rất cao để có lệnh là đánh đồng loạt, nơi địch yếu ta dùng lối đánh tập kích, bất ngờ đột nhập tiêu diệt chúng; chỗ khó đánh, ta bao vây, uy hiếp, đánh tỉa, nơi địch tập trung đông quân, ta quấy rối... Đối với những đơn vị cơ động của địch, lực lượng chính để thực hiện âm mưu đánh úp ta, thì phải tìm mọi cách ngăn cản, không cho chúng phóng xe tăng, xe cơ giới chạy ngang, chạy dọc thành phố. Ngăn cản cũng phải làm đồng loạt, cùng lúc các phố đều dựng ba- ri- cát. Việc này phải huy động toàn dân trong thành phố, mỗi người một tay thì chốc lát khắp các đường phố sẽ ngổn ngang vật chướng ngại, khiến cho địch có phá được cái này lại vướng cái kia, tránh phố này thì lại bị cản ở phố khác. Ngay mỗi đường phố cũng cần dựng hai ba cái ba- ri- eát, kiểu như cài cửa nhiều then ấy, kẻ gian có nạy được cái then này rồi thì lại vẫn phải kỳ cạch nạy cái then khác.

        Hình ảnh cửa cài nhiều then gợi cho tôi nghĩ ra chiến thuật gọi là “cài then cửa", mỗi cái "then cửa" ấy gồm một hàng chướng ngại vật và một số tổ chiến đấu bố trí bí mật gần đó để bắn tỉa, đánh cản không cho địch mở đường một cách dễ dàng.

        Về vấn đề thứ hai, làm thế nào kìm hãm, giam chân địch một thời gian trong Hà Nội? Đây là vấn đề sử dụng lực lượng, dàn thế trận, chúng tôi tranh luận bàn bạc rất sôi nổi.

        Bấy giờ, có một phái viên quân sự do cấp trên cử đến giúp chúng tôi. Đó là Ái Việt, nguyên là một sĩ quan Nhật đầu hàng ta, xin được phục vụ trong quân đội cách mạng Việt Nam. Ái Việt nhất trí với chúng tôi về công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, cả về cách phá âm mưu đánh úp của địch, nhưng về phương pháp tác chiến, cách dàn thế trận thì anh ta nêu ý kiến khác hẳn. Theo Ái Việt, do địch mạnh ta yếu, địch hơn ta về mọi mặt hoả lực đột kích, cơ động, cho nên muốn kìm địch ở trong thành phố thì phải dùng phương pháp đánh ngăn chặn từng bước, mặt trận Hà Nội cần tổ chức ba tuyến chiến đấu có công sự phòng ngự vững chắc:

        Tuyến thứ nhất, ở tiếp giáp giữa nội thành và ngoại thành, chạy vòng từ Phà Đen qua các ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa, Kim Mã, Cổ Lễ đến ô Yên Phụ.

        Tuyến thứ hai, Đuôi Cá -  Thanh Liệt vòng ra Mọc Quan Nhân, Cầu Giấy, Chém.

        Tuyến thứ ba, Văn Điển -  thị xã Hà Đông -  Tây Mỗ -  Cổ Nhuế.

        Ý kiến của Ái Việt như vậy là không chú trọng phát huy vai trò của lực lượng tự vệ Thành rất đông đảo, tới 8.000 người, là muốn nhanh chóng bỏ trống thành phố. Chúng tôi không tán thành lối đánh này. Hơn nữa, phương pháp tác chiến dàn thành tuyến ngăn chặn như Ái Việt nêu ra lại hoàn toàn không phù hợp với trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội ta lúc bấy giờ. Bài học kháng chiến Nam Bộ cho thấy rõ ràng là nơi nào bộ đội biết dựa vào dân, tổ chức lực lượng tốt, cùng nhân dân đánh du kích thì gây được nhiều khó khăn cho địch, ngược lại, đào hào, đắp chiến luỹ, dàn thành chiến tuyến thì dễ bị địch chọc thủng, mà đã thủng một chỗ là có thể vỡ tung...

        Cuộc tranh luận với Ái Việt diễn ra khá gay gắt. Mục đích chủ yếu là cốt để làm cho phương án tác chiến của ta sáng rõ và cũng qua đó chúng tôi có thể tranh thủ học hỏi, khai thác thêm tri thức quân sự của Ái Việt. Cuối cùng, bao nhiêu ý kiến của Ái Việt nêu ra để bảo vệ cho phương pháp tác chiến dàn thành tuyến ngăn chặn không phù hợp với quan điểm chiến tranh nhân dân của ta và tình hình thực tế lúc đó nên đều không được ta tán thành. Nhưng với người như Ái Việt không phải một lúc nhận ra được phương pháp tác chiến đúng đắn của ta. Anh ta nêu ý kiến, xin hỏi lại:

        -  Nếu không tán thành, vậy xin đề nghị các ông cho ý kiến cụ thể?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 08:05:09 pm »


        Rất thông cảm với Ái Việt, thay mặt các đồng chí trong Bộ chỉ huy, tôi phát biểu ý kiến:

        -  Ta yếu, địch mạnh, do đó cách tổ chức tác chiến phù hợp với sức ta và trình độ ta lúc này là đánh du kích, cài sát vào địch, bám riết lấy nó mà đánh. Cần chia Hà Nội thành nhiều khu vực, mỗi khu vực có lập nhiều ổ đề kháng -  đào hầm đắp ụ, dựng chướng ngại vật chặn các đường phố, dùng chiến thuật "cài then cửa", buộc địch phải giành giật với ta trên đường phố... Còn bố trí lực lượng, phải có lực lượng đóng ghìm trong thành phố, thực hiện mỗi nhà là một pháo đài, mỗi phố một chiến tuyến, đồng thời phải có lực lượng dự bị đặt ở các cửa ô, như thế hình thành thế trận ta địch cài nhau, bên trong đánh ra, bên ngoài đánh vào phối hợp với nhau giằng kéo địch, làm cho mặt trận luôn luôn hoạt động, chỉ huy địch luôn bị xáo động, khẩn trương, căng thẳng, không thể rảnh tay tập trung lực lượng đánh ra ngoài hay dồn sức đánh vào trong. Như thế ta mới giữ được lâu.

        Sau cuộc họp, tôi báo cáo phương án tác chiến của ta lên Bộ Tổng tham mưu. Sau khi nghe tôi trình bày, đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ thị: Tôi tán thành ý kiến của Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội. Trong thế xen kẽ giữa ta và địch như hiện nay, việc tổ chức chỉ huy là vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa quyết định. Cho nên ngay từ bây giờ các đồng chí cần tập trung suy nghĩ tìm ra một biện pháp tổ chức hữu hiệu một mạng lưới thông tin liên lạc để bảo đảm chỉ huy thông suốt trong các tình huống phức tạp, nhất là đối với các đơn vị tác chiến cầm chân, thu hút địch ở trong thành phố.

        Cuối cùng, thay mặt Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội, tôi lên gặp đồng chí Võ Nguyên Giáp để báo cáo kế hoạch tác chiến. Buổi làm việc diễn ra nhanh, gọn. Tôi không phải trình bày gì nhiều lắm. Bởi vì, đã mấy lần đồng chí Tổng chỉ huy cùng chúng tôi đi xem xét thực địa trong và ngoài thành phố. Mỗi lần đi là một lần đồng chí trao đổi ý kiến với chúng tôi rất cụ thể về công việc tổ chức, chỉ huy chiến đấu; mà thường là đồng chí đề ra những câu hỏi khêu gợi, nêu những tình huống tác chiến cụ thể, những giả định để chúng tôi suy nghĩ giải đáp, rồi đồng chí góp ý kiến uốn nắn, chỉ dẫn thêm. Lần này, sau khi nghe tôi trình bày trên bản đồ, vẫn cái bản đồ kế hoạch mà tôi ghi chi chít những ký hiệu, những ý định, đồng chí hỏi:

        -  Bộ chỉ huy mặt trận có nhất trí với kế hoạch này không?

        -  Dạ, chúng tôi nhất trí.

        -  Còn ý kiến bên Uỷ ban bảo vệ thành phố thế nào?

        -  Tôi đã trình bày với anh Nguyễn Văn Trân, về cách chia khu vực tác chiến, phương pháp tác chiến, về dự kiến chuẩn bị vật chất cho lực lượng ở lại chiến đấu trong lòng địch... Anh Trân đồng ý tất cả và phân công cho Bộ chỉ huy mặt trận cứ tập trung vào công tác tham mưu, chỉ huy tác chiến, còn bao nhiêu công tác khác, bên Uỷ ban gánh hết. Mặt trận cần lực lượng quần chúng làm gì, làm ở đâu, Uỷ ban sẽ chỉ thị cho các khu phố huy động.

        -  Như vậy là sự nhất trí rất cao. Đó là một yếu tố rất quan trọng để tạo nên sức mạnh giành chiến thắng.

        Một lần nữa, đồng chí Tổng chỉ huy khẳng định ý đồ xây dựng thế trận bố trí một tiểu đoàn ở trong Liên khu I, còn bốn tiểu đoàn tập trung đóng ở các cửa ổ để tạo thế: trong đánh ra, ngoài đánh vào, xen kẽ giằng co với địch, mà tôi tạm đặt tên là "trùng độc chiến" (Buộc địch thu hút lực lượng địch vào một nơi, để các nơi khác tiến công tiêu diệt địch). Thế trận này lấy Liên khu I làm trận địa quyết chiến ở trong thành phố, còn các lực lượng của các Liên khu II, III thì đánh một thời gian rồi dãn dần ra ngoài các cửa ô để phối hợp tác chiến với Liên khu I.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2016, 08:06:34 pm »


        Hồi ấy, Hà Nội chia ra làm nhiều khu phố, các khu hành chính. Các khu phố này họp lại thành ba liên khu. Liên khu I rất rộng, chiếm phần bắc thành phố (gồm phần lớn đất đai của hai khu Ba Đình, Hoàn Kiếm hiện nay). Tuy rộng thế nhưng phần nửa phía tây của Liên khu này lúc bình thường đã coi như "đất địch chiếm” rồi, vì ở đấy có thành Hà Nội, trường Xa- rô, phủ Toàn quyền, nơi địch tập trung lực lượng cơ động của chung, ở đấy cũng là một khu vực tập trung nhưng biệt thự của Pháp kiều, mà bà con ta gọi là khu phố Tây. Phía nam Liên khu I giáp vời Liên khu II là phố Tràng Tiền, Tràng Thi, v.v. cũng lại là một khu vực tập trung nhiều nhà Pháp kiều, một khu phố Tây nữa, có nhiều vị trí đóng quân công khai hoặc bí mật của Pháp. Thế là mặt tây, mặt nam Liên khu I đều có địch, còn mặt bắc và đông là sông Hồng, địch có thủy quân, chúng có thể nhanh chóng kiểm soát đoạn sông rộng này. Như vậy, chẳng cần phải là một nhà quân sự, ai cũng có thể dễ thấy rằng một khi địch trở mặt đánh úp ta thì các lực lượng vũ trang của ta ở Liên khu I sẽ bị chúng bao vây tứ bề. Nhưng xét về nhiều mặt, thì Liên khu I có một vị trí quan trọng. Về chính trị, đây là trung tâm thương mại, dân cư đông đúc, ta còn chiến đấu ở đây ngày nào, giờ nào, thì ngày ấy, giờ ấy địch chưa thể nói là chúng đã chiếm được Hà Nội. Về quân sự, xét chung cả thành phố, chỉ có Liên khu I mới có địa hình, địa vật thuận tiện để tổ chức một khu vực trận địa phòng ngự tốt lại có tác dụng thu hút địch, vì ở ngay bên sườn thành Hà Nội, giáp liền với các khu phố tập trung Pháp kiều. Trong khu vực này nhà cửa san sát, ta có thể đục tường từ nhà này sang nhà khác để cơ động ở bên trong, đi suốt cả dãy phố, khối phố, biến mỗi căn nhà, mỗi tầng gác thành một vị trí chiến đấu, mỗi dãy phố thành một trận địa chiến đấu. Đường sá ở đây chật hẹp, thuận tiện cho ta đào cắt đường, đắp chiến luỹ, dựng vật chướng ngại chặn đứng xe cơ giới địch. Toàn khu vực với hàng nghìn nhà cao thấp khác nhau, với những ngõ hẻm ngoắt ngoéo có thể xây dựng thành một trận địa rộng lớn liên hoàn không những chỉ kiên cố, hạn chế được sức phá hoại của bom đạn địch, mà còn là một loại trận địa đặc biệt, phức tạp khiến cho địch có gặm từng miếng cũng khó chứ hoàn toàn không thể đánh thọc sâu, chia cắt ta được. Vì thế, Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội quyết tâm tổ chức Liên khu I thành một trung tâm chiến đấu, để vừa tiêu diệt, vừa tiêu hao địch vừa thu hút lực lượng địch, tạo nên thế trong đánh ra cùng với các lực lượng ngoài đánh vào của các liên khu khách đúng như ý kiến chỉ đạo của Bộ Tổng chỉ huy.

        Chúng tôi quy định cho các lực lượng vũ trang trong Liên khu này, gồm có tiểu đoàn Vệ quốc đoàn 101 và các đơn vị tự vệ nhà máy, đường phố như sau: khi nổ súng, các đơn vị đóng tại đâu phải kiên quyết chiến đấu tại chỗ. Sau ba ngày đánh tiêu hao địch thì co dần lại, lấy giới tuyến phía tây là đường Phùng Hưng; phía nam là đường Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng; phía bắc là đường cầu Long Biên, phía đông là đê sông Hồng, nhưng phải giữ được vùng đất bãi giáp ven sông.

        Hà Nội có năm tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, Bộ chỉ huy mặt trận chủ trương sử dụng tiểu đoàn 101 cùng lực lượng đông đảo tự vệ của Liên khu I có đến hơn 3.000 anh chị em, hình thành một hạt nhân thật cứng ở trung tâm thành phố. Còn bốn tiểu đoàn 77, 212, 145, 523 cùng các lực lượng tự vệ Liên khu II, Liên khu III và các đơn vị dân quân du kích ngoại thành bao bọc xung quanh. Như vậy, địch tuy mạnh nhưng sẽ bị rơi vào thế trận “trùng độc chiến" của ta, bị giằng co trước sau, phải phân tán lực lượng, tổn hao lực lượng, mắc kẹt trong tình thế bùng nhùng như rơi vào bụi gai mây, xoay đằng nào cũng vướng, trở đằng nào cũng mắc.

        Từ tháng 11 năm 1946, Tổng chỉ huy quân đội xâm lược Pháp, tướng Va- luy, hung hăng đẩy mạnh các hành động lấn chiếm ở Sơn La, Lạng Sơn, Hòn Gai, Hải Phòng, Hà Nội.

        Ngày 20, quân Pháp đánh chiếm thị xã Lạng Sơn và cảng Hải Phòng.

        Ngày 23, quân Pháp chiếm eả thành phố Hải Phòng và sân bay Cát Bi.

        Cũng hôm ấy "Uỷ ban Đông Dương" của chính phủ Pháp quyết định "dùng đường lối vũ lực” và tiếp tục cử Đác- giăng- li- ơ, một tên chủ chiến, làm cao ủy Đông Dương và đưa thêm viện binh sang Đông Dương.

        Tình hình diễn biến phức tạp đó càng làm cho không khí Hà Nội thêm căng thẳng, khẩn trương.

        Hà Nội đã chuẩn bị đi vào cuộc chiến đấu mới một cách tích cực và cụ thể hơn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM