Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:50:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36571 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:48:48 am »


        Qua tình hình nói trên, chúng tôi nhận định: rõ ràng nhìn trên toàn quốc, Pháp đã thua Nhật hoàn toàn, quân đội chúng đang tan rã. Nhưng chỗ nào Nhật chưa đụng đến là chúng còn tiếp tục thi hành những thủ đoạn xảo quyệt đối với ta.

        Tiếp đó, một sự việc mới xảy ra đã giúp chúng tôi xác minh nhận định của mình là đúng.

        Một hôm tên Xi- vê, đồn trưởng Nghĩa Lộ đích thân dẫn hai tên Pháp lạ mặt -  một tên đeo lon quan ba, vào trại gặp chúng tôi và hắn giới thiệu đó là đại biểu phái Đờ- gôn ở Bắc Kỳ muốn nói chuyện với "các ông tù chính trị”. Đồng chí Trần Huy Liệu và một đồng chí nữa đảm nhiệm công tác ngoại giao của nhà tù chúng tôi, được cử ra nói chuyện với mấy tên đó. Thoạt đầu, chúng báo tin đại biểu của phái Đờ- gôn đã gặp đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương để họp bàn và đồng ý hợp tác với nhau theo ba điều kiện:

        -  Một, cơ quan tối cao của bộ máy Nhà nước sau này sẽ có đại biểu của người Việt Nam.

        -  Hai, nước Việt Nam sẽ có nghị viện như các nước.

        -  Ba, dân Việt Nam sẽ được hưởng quyền tự do, dân chủ.

        Mới nghe có chừng ấy câu, chúng tôi đã biết ngay bọn này bịa đặt láo lếu hòng lừa bịp chúng tôi để lợi dụng điều gì đây. Quả nhiên, chỉ qua mấy câu nói, dã tâm của chúng đã phơi bày ra ánh sáng:

        -  Trước hết, các ông hãy lựa cho chính phủ Pháp hai mươi người, giả cách vượt ngục, chia làm bốn toán. Một toán sang Hồ Khẩu (nước Trung Hoa) liên lạc với viên quan năm Pháp ở đó. Còn ba toán khác tìm cách đến những nơi đồn trú của Nhật tại Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái nói là phần tử bài Pháp vừa trốn khỏi nhà tù chạy về với quân Nhật, rồi nhân đó dò xét tình hình báo cho Pháp biết.

        Đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt chúng tôi trả lời:

        -  Muốn hợp tác chống Nhật, trước hết phải thả ngay toàn bộ tù chính trì ra. Trong công cuộc chống Nhật chỉ có chúng tôi, những người cộng sản mới động viên được nhân dân Việt Nam đồng lòng đứng lên bảo vệ Tổ quốc mình.

        Chung tôi đồng thanh ủng hộ ý kiến của đồng chí Trần Huy Liệu và đòi thêm không những phải thả toàn bộ tù chính trị mà còn phải được vũ trang. Tên quan ba mắt nheo, mồm nhếch, cất tiếng đểu giả nói luôn:

        -  Cứ làm đi, được việc sẽ tha.

        Tất nhiên, chúng tôi không bao giờ chịu làm gián điệp cho chúng. Và cuộc "thương lượng" ấy cũng tất nhiên không đưa đến kết quả gì. Tên quan ba còn vớt vát đề nghị sẽ tiếp tục nói chuyện với nhau vào một buổi khác, rồi cả bọn kéo nhau chuồn mất.

        Sự thật về tình hình và âm mưu của kẻ địch đã phơi bày ra rõ rệt. Trước âm mưu của kẻ thù và trước tình hình vô cùng thuận lợi cho cách mạng, chúng tôi càng ra sức chuẩn bị cho ngày nổi dậy phá ngục để mau chóng trở về phục vụ cách mạng. Một ban chỉ huy tối cao (tức Ủy ban hành động) được củng cố, gồm: đồng chí Trần Huy Liệu phụ trách chính trị và lãnh đạo; tôi quân sự; đồng chí Phạm Quang Thẩm -  tham mưu; đồng chí Nguyễn Sỹ Nghiêm -  tài chính; đồng chí Trần Đức Sắc -  ngoại giao. Ban chỉ huy tối cao có hai ủy ban chính trị và quân sự giúp việc. Ủy ban chính trị do đồng chí Trần Huy Liệu trực tiếp phụ trách, xung quanh có ban chính trị, ban tuyên truyền, ban ấn loát, v.v. Ủy ban quân sự, tôi được phân công phụ trách, trong đó có ban binh lương, ban y tế do đồng chí Phúc phụ trách, và ban chiến cụ (Lo việc sản xuất và trang bị vũ khí), do đồng chí Nhu phụ trách...

        Lực lượng chiến đấu nòng cốt có đội thanh niên xung phong, do đồng chí Nho (tức đồng chí Lương Nhân) làm trung đội trưởng, đồng chí Thạch là tiểu đội trưởng tiểu đội một, đồng chí Bảy, đồng chí Côn là tiểu đội trưởng tiểu đội hai và ba.

        Chúng tôi ráo riết hoạt động. Ban tuyên truyền thảo lời kêu gọi. Ban ấn loát in truyền đơn bằng chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chữ nho. Khi viết truyền đơn, chúng tôi lại nhớ đến các lớp học văn hóa, các lớp học ngoại ngữ Anh, Pháp, Hán được tổ chức có nền nếp từ căng Bá Vân. Do đó, trình độ văn hóa của chúng tôi được nâng dần lên cũng bắt đầu từ đó và kiên trì đều đặn hết năm này qua năm khác. Đó là cái vốn văn hóa giúp cho chúng tôi trong học tập và công tác sau này.

        Ủy viên chính trị phụ trách binh vận, đi sâu vào việc củng cố nhân mối, phân loại đối tượng, đặt kế hoạch khẩn trương giáo dục hoặc biện pháp xù lý. Theo nhận định chung thì trong số binh lính người Việt có ba xu hướng cụ thể. Phản động nhất, xảo quyệt nhất vẫn là tên quản Nhượng. Hắn một mực chống phá cách mạng và ra mặt đe dọa binh lính. Đội Mai thì lừng chừng, do dự. Một số anh em binh lính hoang mang dao động, sợ cứ bám theo Pháp thì có ngày làm tù binh cho Nhật, mà theo cách mạng, thắng đã vậy, nhỡ cách mạng thất bại thì tránh sao khói tù tội, thậm chí có khi mất đầu. Một số chỉ muốn có dịp nào đó, chuồn về quê làm ăn với vợ con. Số đông còn lại, chiếm tới hai phần ba, thì ngả theo cách mạng, sẵn sàng hành động khi cách mạng cần đến, trong đó có viên cai Sinh và viên cai mang số hai ngàn, anh em thường gọi là cai "Đơ- min”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:51:39 am »


        Ủy ban quân sự cũng sôi nổi đẩy mạnh công tác của mình. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo trang bị cá nhân, khâu ba lô, vá quần áo, làm túi thuốc, bông băng, tất cả các đồng chí ta, nhất là các đồng chí trong đội thanh mến xung phong đều ra sức ôn luyện quân sự. Đồng chí Phúc đôn đốc việc rang gạo làm lương khô, làm bánh chè lam. Riêng tôi vẫn đặc trách cái “công binh xưởng" bí mật kia. Sắt vụn được các nhân mối chuyển tới, số lượng khá nhiều nhưng “công binh xưởng” cũng chỉ sản xuất đến mức đủ cung cấp cho mỗi đồng chí một thứ vũ khí, rồi phá lò, tránh bị địch phát hiện.

        Mọi việc chuẩn bị do Ủy ban chỉ huy tối cao đề ra, coi như đã hoàn thành khá chu đáo. Nhìn lại, sở dĩ được như vậy vì tất cả mọi người đều hiểu rằng: có thời cơ mà chưa có lực lượng thì không sao hành động được; ngược lại, có lực lượng mà bỏ lỡ thời cơ cũng hỏng việc.

        Nhưng có một vấn đề cơ bản nhất, mấu chốt nhất vẫn chưa được quyết định dứt khoát, đó là vấn đề đánh địch bằng cách nào đế giành thắng lợi hoàn toàn? Đã bao nhiêu lần thảo luận rồi, trong anh em chúng tôi vẫn chưa nhất trí với nhau về cách đánh địch. Có ý kiến cho rằng không nên bạo động, bạo động sẽ đổ máu mà nên tìm cách thuyết phục bọn quản Nhượng, gây áp lực với tên đồn trưởng Xi- vê, bắt nó nhượng bộ thả anh em ra; được vậy, ta sẽ phân tán vào rừng, dựa vào nhân dân, lập chiến khu kháng Nhật, bắt liên lạc với Trung ương, chuẩn bị tham gia Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Có ý kiến ngược lại thì cho rằng, kẻ thù sẽ không bao giờ nhượng bộ ta; tình hình chuẩn bị mọi mặt hiện nay là tốt, ta tranh thủ được sự đồng tình của anh em binh lính, thời cơ đến, ta phải vùng lên diệt bọn đầu sỏ gian ác, phá nhà tù... nhất định sẽ giành được thắng lợi. Có như thế mọi việc tiếp theo mới làm được. Tóm lại, mọi người đều nhất trí là phải thoát ra khỏi nhà tù để tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng của quần chúng để phồl hợp hành động chung, nhưng về phương pháp thì có hai cách khác nhau: bạo động hay hòa bình thuyết phục đối phương nhượng bộ?

        Trong khi cuộc bàn cãi còn đang tiếp diễn thì tàn quân Pháp từ các nơi vẫn cứ hớt hải chạy qua Nghĩa Lộ. Tên Xi- vê phải cho một tiểu đội ra đóng ở Cửa Nhì, trên con đường Yên Bái vào, cách Nghĩa Lộ 12 ki- lô- mét, đề phòng quân Nhật bất ngờ đánh úp.

        Anh em nhân mối còn cho biết, tên Xi- vê, mặc dù có bố trí này nọ nhưng chính hắn cũng sửa soạn rút chạy. Suốt ngày hắn bối rối, đi ra đi vào thu xếp đồ đạc và luôn mồm hỏi tin tức Nhật đã tiến đến đâu. Cơ sở chính quyền tay sai của Pháp bên ngoài cũng hoang mang cao độ. Trừ một số gian ác, xu thời, chuẩn bị đón tiếp Nhật, còn một số binh lính thì thấy thực tế cuộc sống dưới ách thực dân Pháp đã vô cùng cực khổ, lầm than, rất mong được "các đồng chí cách mạng" dìu dắt vùng lên giành tự do, hạnh phúc, bình đẳng, bình quyền. Nay được tin Pháp thua Nhật, lại tận mắt trông thấy Pháp từ các ngả chạy qua và được biết Pháp ở Nghĩa Lộ sắp cuốn gói chuồn để Nhật lên thống trị... mà Nhật thì không ai lạ gì tội ác của chúng, nên anh em càng lo cho cuộc sống mai đây; càng lo càng mong muốn cách mạng sớm có hành động để sân sàng hưởng ứng...

        Trước tình hình đó, chúng tôi lại họp bàn bạc, đặc biệt lần này do thời cuộc khá khẩn trương, không cho phép chúng tôi chậm trễ được nữa. Về phía địch, thì từ tên Xi- vê trở xuống đã rất hoang mang, chỉ còn ngày một ngày hai Nhật sẽ kéo lên. Về phía ta, các đồng chí và đội thanh niên xung phong đã sẵn sàng quyết tâm chiến đấu. Nhân mối và phần lớn binh lính mong chờ ngày khởi sự, đồng tình ủng hộ cách mạng. Nhân dân bên ngoài đang khao khát được cách mạng chỉ đường... Tất cả những yếu tố cần thiết cho cuộc khởi nghĩa ở đây được coi như đã đầy đủ. Ấy thế mà chỉ còn một yếu tố cơ bản nhất vẫn chưa giải quyết xong, đó là sự nhất trí của nội bộ lực lượng nổi dậy về vấn đề cách đánh định. Đánh bằng cách nào? Bạo động hay thuyết phục? Lực lượng có, thời cơ nắm đúng, nhưng chủ trương hành động sai cũng rất khó thành công. Vì vậy, dù có cấp bách về thời gian, nhưng chúng tôi cũng quyết bàn cho ra lẽ. Mà có xác định được vấn đề này thì mới đồng thời xác định được quyết tâm của Ban chỉ huy tối cao của cuộc nổi dậy.

        Sau một buổi thảo luận, chúng tôi đã nhất trí được với nhau chủ trương dùng lực lượng các đảng viên và đội thanh niên xung phong làm nòng cốt chủ yếu, vận động anh em binh lính theo ta, bất ngờ nổi dậy vào đêm 15 tháng 3 năm 1945. Kế hoạch tóm tắt như sau:

        Đêm đó, đúng phiên anh cai Sinh đến chỉ huy anh em binh lính canh gác chúng tôi. Đợi cho tên quản Nhượng phản động ngủ say, anh Sinh sẽ khóa chặt cửa buồng hắn, nhốt hắn lại. Sau đó, anh nhanh chóng mở cửa nhà tù cho chúng tôi ra nhận súng đạn do anh em binh lính lấy ở kho vận chuyển đến, đồng thời chúng tôi cũng trang bị đầy đủ vũ khí tự chế tạo. Mọi việc xong xuôi, chúng tôi tiến sang chiếm đồn, có anh em nhân mối ở đấy làm nội ứng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:54:33 am »


        Để khích lệ tinh thần anh em binh lính tham gia khởi nghĩa, đồng thời cũng để anh em nắm vững kế hoạch, nhân một buổi tối, tên quản Nhượng lên gặp tên Xi- vê trên đồn, các đồng chí trong ban lãnh đạo tổ chức cho tôi tới nói chuyện với một số anh em binh lính theo yêu cầu của anh em. Đề phòng bất trắc, mấy đồng chí nữa được cử đi cùng tôi. Trời vừa nhá nhem, chúng tôi đàng hoàng ra cổng, đi sang trại lính. Một đồng chí nói đùa:

        -  Cẩn thận nhé, có kẻ làm phản thì gay go đấy.

        Đồng chí khác nói ngay:

        -  Yên trí, một sẽ đánh đổ mười.

        Tới trại, anh em đã tề tựu đầy đủ, một đồng chí ta đưa tay về phía tôi, trịnh trọng giới thiệu đấy chính là "nhà võ sĩ" mà bấy lâu anh em hằng ngưỡng mộ. Vừa dứt lời giới thiệu, anh em dường như tròn cả mắt nhìn tôi và như cố tìm xem diện mạo tôi có gì khác thường. Tôi thấy có cả một anh trước đây đã có lần nói với tôi muốn gặp “nhà võ sĩ". Trong giây phút người nào cũng hớn hở vui mừng xúm lại quanh tôi hỏi han tình hình và đề nghị điều này, điều khác.

        Vào chuyện, tôi nhắc lại những tấm gương tốt đẹp của anh em binh lính trong hàng ngũ quân đội đế quốc Pháp từ trước tới nay đã vì sự sống còn của đất nước, của giống nòi mà quay súng bắn vào đầu bọn chỉ huy hung ác, trở về con đường chính nghĩa, cứu nước, cứu nhà. Sau khi nắm chắc được tinh thần thái độ của anh em, tôi phổ biến kế hoạch hành động. Nói xong, tôi đề nghị anh em góp ý kiến. Một người đội đề nghị cho anh em binh lính bắt quản Nhượng và chiếm đồn của tên Xi- vê trước, tiếp đó sẽ mở cửa nhà tù cho chúng tôi để công việc được nhanh gọn hơn. Và người đội đó tình nguyện xin tự mình chỉ huy anh em làm nhiệm vụ này. Có người lại xung phong dẫn một tiểu đội đóng giả Nhật vào bắt Xi- vê...

        Không khí thảo luận tuy bí mật nhưng rất sôi nổi. Với đề nghị của người đội, tôi thấy nếu để anh em binh lính hành động trước sẽ không có lợi nhiều mặt. Làm vậy, chúng tôi sẽ trở thành bị động, nếu tình hình thay đổi hoặc có gì bất trắc xảy ra thì cả anh em lẫn chúng tôi đều lúng túng. Cho nên, về cơ bản, tôi vẫn giữ vững kế hoạch của Ban chỉ huy tối cao đã vạch ra.

        Đang khi trò chuyện, bỗng có lệnh gọi anh cai Sinh về gặp ngay quản Nhượng.

        Và cũng ngay tối đó, chúng tôi được tin quản Nhượng lệnh điều anh cai Sinh đi nơi khác nhận nhiệm vụ mới.

        Sao vậy, đây là chuyện tình cờ hay có ý định gì bên trong, hay đã có người làm phản? Cảnh giác với âm mưu xảo quyệt của tên quản Nhượng, chúng tôi cùng nhau nghiên cứu, tìm nguyên nhân. Rút kinh nghiệm lần trước, tuy lần này Ban chỉ huy tối cao không cho biết thời gian khởi sự vào ngày, giờ nào, nhưng mọi người đều sẵn sàng đợi lệnh. Nhiều anh đêm ngủ gối đầu lên hành trang để có lệnh là vùng dậy chiến đấu ngay được. Muốn kiểm tra công tác chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng, quyết tâm của từng người, ngay đêm 15 tháng 3 ấy, tôi ra ám hiệu mật, báo động, tập họp gấp, giả cách báo động. Ám hiệu vừa phát ra, chỉ vài phút sau, mọi người đều có mặt với đầy đủ những thứ cần thiết đã được quy định. Anh em rất cảm động khi thấy mình sắp sửa được làm một nhiệm vụ thiêng liêng. Đến khi biết là tập thử, anh em cười tỏ vẻ thích thú, nhưng cũng hơi tiếc. Nhiều anh chạy lại gặp tôi, khẩn khoản đề nghị:

        -  Anh ạ, hành động được rồi đấy!

        -  Tình hình đang rối ren thế này, không khởi sự đi còn chờ gì nữa?

        -  Thời cơ đến rồi, chậm trễ thì sẽ lọt vào tay Nhật mất!

        Tôi khuyên anh em bình tĩnh, dù sao cũng phải chuẩn bị chu đáo, đón thời cơ có lợi hơn, đỡ tốn xương máu. Quyết tâm khởi nghĩa phá ngục nhất định không thay đổi.

        Sáng 16 tháng 3 năm 1945, chúng tôi gọi quản Nhượng vào nói cho hắn biết, đại ý: Pháp đã bại, dẫu có trung thành với chúng cũng vô ích, các anh nên nghĩ đến đồng bào, đến đất nước. Nếu không, cũng cần có thái độ ủng hộ những người, những việc mưu độc lập cho Tổ quốc, không nên cản trở.

        Quản Nhượng đảo đôi mắt gian giảo nhìn trộm chúng tôi, rồi nói lấp lửng rằng hắn không bao giờ dám chống đối cách mạng, song còn nặng đầu óc gia đình và vì ngu muội nên hắn không biết nghĩ khác hơn.

        Sự thực, làm việc này chúng tôi cũng không hy vọng thuyết phục hắn theo mình mà cốt để hắn dè chừng, hạn chế sự phá hoại của hắn, đồng thời nâng cao tinh thần anh em binh lính.

        Nhưng trong chúng tôi còn có đồng chí mặc dầu cũng quyết tâm thoát khỏi ngục tù để hoạt động trong phong trào quần chúng, lập chiến khu du kích, nhưng vẫn muốn dùng cách thuyết phục, lôi kéo quản Nhượng và tên Xi- vê, đòi chúng phải nhượng bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:57:32 am »


        Đa số anh em, trong đó có tôi kiên trì giữ vững ý kiến đã được tập thể thống nhất, vẫn quyết định nổi dậy phá ngục vào đêm 16 tháng 3. Hôm ấy, đội Mai -  một tên không có chút cảm tình nào với cách mạng, được quản Nhượng phái tới thay anh cai Sinh từ đêm trước và anh cai "Đơ- min" đến gác chúng tôi. Sau khi bàn bạc, anh "Đơ- min" nhận trách nhiệm sẽ mở cửa trại giam cho chúng tôi ra và lập cách trói đội Mai trước khi tiến sang bên đồn của tên Xi- vê; còn anh em binh lính bên trong vẫn chuẩn bị sẵn sàng nổi dậy như kế hoạch cũ.

        Trời đã tối từ lâu.

        Theo thường lệ, trước khi chúng tôi đi ngủ, những người canh gác phải vào điểm mặt và đóng cửa nhà giam. Bữa ấy, đến lượt đội Mai. Nhưng đội Mai không chịu vào, hắn đùn cho anh cai “Đơ- min" và bảo:

        -  Tôi vào bây giờ để người ta thịt tôi à, tối nay thế nào cũng có chuyện.

        Nói xong, hắn bỏ đi luôn.

        Lộ kế hoạch rồi hay sao? Nếu lộ thì ai làm lộ? Chúng tôi lại hội ý tập thể ban lãnh đạo và ban lãnh đạo quyết định trao quyền cho tôi nắm thời cơ và phát lệnh khởi sự hành động.

        Kế hoạch nổi dậy phá nghe lần thứ ba căn bản vẫn như cũ nhưng được bổ sung tỉ mỉ, chu đáo hơn. Chúng tôi lại tiếp tục trao đổi sôi nổi về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Nhật hất cẳng pháp, Pháp thua bỏ chạy, chính quyền Nhật chưa ổn định, đó là thời cơ mà ta hành động.

        Vùng Tam Tổng Nghĩa Lộ ở vào một thung lũng, là một vựa thóc, địa hình chung quanh rất hiểm trở, chỉ có ba con đường vào: đường tên Bái, Cửa Nhì, đường đi Tú Lệ và Than Uyên; đường nữa là Trạm Tấu -  Sơn La. Ba con đường đó bị chẹt thì Nhật khó lòng mà vào được. Như vậy là địa hình rất lợi cho ta xây dựng căn cứ du kích.

        Nhân dân mong mỏi cách mạng, và sẽ ủng hộ cách mạng. Anh em binh lính địch thì nhiều người đã ngả theo cách mạng. Như vậy là yếu tố nhân hòa đã có. Còn nói rằng chưa bắt được liên lạc với Đảng, và chưa được chủ trương của Đảng, nhưng thời cơ đến và xét thấy có đủ điều kiện thì có thể từng bộ phận khởi sự rồi ta sẽ tìm đến Đảng và chắc chắn là Đảng cũng sẽ tìm đến ta, không sợ bị cô lập. Chúng tôi tin chắc rằng không nhiều thì ít, Đảng cũng đã có cơ sở ở bên ngoài rồi, đã bắt rễ ở trong quần chúng Nghĩa Lộ rồi.

        Được phân tích kỹ lưỡng, chủ động sắp đặt kế hoạch cụ thể chúng tôi tin rằng cuộn nổi dậy phá nhà giam nhất định thắng lợi. Dù chúng bố trí cai đội nào gác cũng có anh em binh lính mở cửa. Ai cản trở, phá hoại sẽ bị trừ ngay tức khắc. Để tạo thêm điều kiện thuận lợi, chúng tôi bố trí mấy anh em binh lính có cảm tình với cách mạng gác tại đầu cầu (từ phía Yên Bái về Nghĩa Lộ) đến giờ hành động sẽ nổ súng và hô hoán lên là quân Nhật đã kéo đến, nhằm làm cho bọn Pháp hoảng loạn tinh thần, rối ren hàng ngũ. Và lúc đó, dù chúng rút chạy hay chưa, chúng tôi cũng lập tức cùng với sự hưởng ứng của anh em binh lính tiến lên nhanh chóng chiếm đồn, thu vũ khí, đạn dược, tổ chức quần chúng, lập chiến khu kháng Nhật. Chúng tôi còn bàn tới cách đánh chẹn bọn Nhật cướp vũ khí để đẩy mạnh công việc xây dựng lực lượng, củng cố căn cứ địa sau này.

        Cuối cùng, chúng tôi lại xác định một lần nữa: Chỉ có một con đường tốt nhất là đêm nay vẫn hành động theo chủ trương đã đề ra, quyết không thể thương lượng, thuyết phục kẻ địch trong hoàn cảnh hiện tại được. Chiều hôm đó, vào khoảng bốn giờ ngày 17 tháng 3 năm 1945, tôi đang sửa dao trong góc nhà tù, bỗng có một đồng chí trong Ban chỉ huy tối cao đến gặp tôi, bảo:

        -  Lát nữa tên Xi- vê cùng tên phó sứ Pen- li- ê sẽ vào nói chuyện với chúng ta. Tất cả chúng tôi đã thảo luận nhất trí sẽ chuyển sang kế hoạch bắt cóc hết và vừa thuyết phục vừa buộc chúng phải nhận điều kiện trao súng, trao đồn cho mình. Vì quá gấp không kịp mời anh, và không kịp họp tập thể ban chỉ huy, tôi vội đến báo với anh để anh chuẩn bị hành động theo kế hoạch mới.

        Tôi ngạc nhiên, hỏi:

        -  Đã có kế hoạch rồi, sao lại thay đổi đột ngột thế, và bây giờ làm sao phổ biến kịp cho anh em ta và một số binh lính theo ta? Liệu có bắt cóc được chúng giữa ban ngày hay không? Chúng nó đi đâu phải có linh hậu vệ chứ? Thay đổi kế hoạch thế này thì gay go lắm?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 06:45:58 pm »


        Đồng chí này, sau khì phân tích cho tôi nghe khả năng chắc chắn thành công bằng bắt cóc và thuyết phục, đã động viên tôi:

        -  Làm vậy nhất định được đấy anh ạ. Thế nào chúng cũng rơi vào tay ta và phải nghe ta thôi.

        Tôi vẫn phân vân, đáp:

        -  Để nghiên cứu xem sao đã.

        Tôi vội lên hỏi đồng chí Thẩm, phụ trách tham mưu cho rõ hơn.

        Đồng chí Thẩm bàn với tôi, tình hình hiện tại là rất cấp bách, sự việc đã như vậy rồi thì ta phải làm thôi, ngay bây giờ nên phân công một người chạy đi phổ biến cho anh em binh lính; còn tôi về gặp trung đội thanh niên xung phong. Khi đi qua chỗ ban tuyên truyền, tôi thấy khẩu hiệu đã viết xong, nhưng toàn là chữ Pháp, tôi không hiểu nghĩa nó ra sao, một đồng chí giảng cho tôi nghe: "Hãy vũ trang cho chúng tôi chống phát xít Nhật!", "Thả ngay chúng tôi ra!". Nhìn khẩu hiệu đó, tôi áy náy, hoài nghi... và rất tiếc kế hoạch vũ trang khởi nghĩa đã được chuẩn bị đầy đủ.

        Tôi vội chạy đi báo cho đồng chí Nho. Lúc này đồng chí Nho đang ngủ để lấy sức đề phòng đêm khởi sự. Đồng chí Nho choàng dậy ngơ ngác. Tôi phổ biến vắn tắt "các anh ấy quyết định rồi, bắt sống bọn Tây". Tôi phân công đồng chí Nho cùng đồng chí Thẩm chịu trách nhiệm bắt thằng đồn trưởng Xi- vê; Lý Hồ, Côn bắt thằng phó sứ; Bảy, Thạnh bắt thằng quan ba Pen- li- ê. Rồi tôi tiếp tục chạy đi, chỉ kịp phổ biến cho các đồng chí Bảy, Hồ. Một đồng chí được phân công đi phổ biến cho anh em binh linh, nhưng chưa kịp giáp mặt một ai thì hai tên Pen- li- ê và Xi- vê cùng bọn lính hộ vệ đã kéo tới. Chúng tôi xếp hàng ngang trong sân, đón bọn chúng.

        Nhìn dòng chừ khẩu hiệu căng ở phía trước, tên Pen- li- ê ba hoa nói, nào là: Các anh, người An Nam không phải là những tay quân sự lành nghề, không thể chống được Nhật; nào là: quân Pháp sẽ trở lại Yên Bái trong vòng nửa tháng nữa... Rồi hắn dịu giọng "khuyên nhủ” chúng tôi: Cứ việc ăn no ngủ kỹ, không phải lo lắng gì... Đứng sau hắn, chừng bảy tám mét là tên Xi- vê. Tiếp nữa là một thằng Tây cao, to, tay cầm ba- toong, chúng tôi không biết tên và chức vụ hắn là gì. Tên quản Nhượng đứng ngoài cổng. Anh em binh linh đứng bao vây ngoài hàng rào.

        Tên Pen- li- ê vẫn nói. Mọi người nhích dần lại. Tôi biết giờ phút quyết liệt sắp đến. Đồng chí Thẩm và đồng chí Bảy đang để ý vào tên Xi- vê. Tôi đi lén ra phía thằng Tây béo cao lớn để khi khởi sự sẽ túm lấy hắn mà quật, nhưng trong bụng vẫn băn khoăn, liệu tình hình này có thể bắt cóc được chúng một cách êm thấm không? Nếu gặp điều trắc trở thì tình hình sẽ đi đến đâu?

        Thằng Tây đứng cách tôi vài bước, mắt còn đang lơ láo nhìn chúng tôi, thì bỗng huỵch một tiếng, tên Pen- li- ê đã nằm sóng soài xuống đất. Các đồng chí Nho, Côn, Hồ... đã quật ngã nó. Hắn vùng dậy, đánh lại, bảy tám đồng chí của ta xô vào đấm đá hắn túi bụi. Cùng lúc ấy, tôi lập tức lao tới thằng Tây cao lớn. Nó vung ba- toong đánh lại, tôi gạt văng đi, rồi nhảy xổ vào vật nó. Nó vùng chạy. Tôi đuổi theo. Anh em binh lính đứng ngoài không hiểu sự tình ra sao chạy toán loạn. Tiếng hò hét, tiếng kêu la ầm ĩ trong sân trại. Tôi thoáng tiếc lúc này trong tay chúng tôi không có lấy một mảnh gỗ, một tấc sắt nào, và ai cũng ốm yếu, gầy guộc, có anh gần như kiệt sức...

        Tôi đè gí được thằng Tây xuống, nghiến răng bóp cổ nó. Nó giãy giụa đấm đá lung tung. Tôi dang thẳng tay đấm vào mặt thằng Tây thì tên Xi- vê chạy lao ra vấp phải tôi, ngã nhào xuống. Đồng chí Thẩm và đồng chí Nho nhảy theo túm lấy hắn. Bỗng đoàng, đoàng... hai tiếng súng từ tay tên quản Nhượng bắn ra, nổ inh tai. Tôi liếc nhìn thấy đồng chí Thẩm và đồng chí Bảy ngã lăn ra ngay bên cạnh. Tôi dằn đầu thằng Tây xuống. Đoàng, lại phát súng thứ ba của tên quản Nhượng nổ vang tai, đạn bay sạt qua mắt trái, hất tung cả chiếc mũ lưỡi trai của tôi...

        Từ bên đồn, bọn tàn binh Pháp và nhưng tên lính khác thấy có biến đã chạy sang ứng cứu. Chúng xả súng vào trong trại. Tên quản Nhượng cũng thúc giục binh lính tiến hành đàn áp chung tôi. Nhưng anh em, miệng thì hò hét dữ dội, còn súng cứ chĩa lên trời nhả đạn...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 06:47:10 pm »


        Tình hình đã lâm vào giây phút gay go, quyết liệt. Trong sân không còn một ai nứa, trù đồng chí Thẩm, đồng chí Bảy và một số đồng chí khác nứa đang nằm trên vũng máu. Một anh lính nhảy từ trên chòi gác xuống. Anh lao theo các đồng chí của ta.

        Thằng Tây cao to vẫn còn nằm dưới tôi. Tên quản Nhượng tống đạn giương súng... biết nó sắp sửa bắn tôi, tôi rạp người tập trung toàn lực giáng một quả đấm cuối cùng vào mặt thằng Tây, rồi vùng dậy, phóng vào sân. Một phát súng bắn theo rít qua tải, tôi chạy vòng qua đầu nhà bếp, nơi tôi rèn vũ khí, rồi lao thẳng ra phía hàng rào nứa vót nhọn, cắm chéo cánh sẻ, cao hơn ba thước. Nhưng lúc đó, có một sức mạnh lạ thường, tôi đu người nhảy vọt ra. Nào chông, nào cọc, nào dây thép gai... tất cả sáu tầng hàng rào, tôi đều vượt bằng hết. Ngay sát lối tôi chạy, có một chòi gác. Người lính ở đây giục tôi chạy mau, rồi giương súng nổ liền mấy phát lên trời.

        Đồng chí Nho vượt ra một phía khác. Thoáng nhìn thấy trên chòi không có lính, đồng chí leo lên lấy đà nhảy lao ra ngoài, lúc đang trèo không rõ một viên đạn từ đâu bắn tới xuyên từ mông qua đùi làm đồng chí khuỵu xuống. Phía ấy có ba đồng chí nữ vượt ra. Một chị bị bắn ngã ngay tại hàng rào. Đồng chí Nho đã lợi dụng địa hình đánh lừa sự quan sát của chúng, mới tiếp tục vượt ra được.

        Bọn lính Pháp cũng sợ, nên hồi lâu mới dám tràn vào trại giam, vòng sang phía rừng bắn đuổi theo, đạn nổ như ngô rang. Chúng tôi tỏa rộng vào rừng, không biết ai sống, ai chết, ai bị bắt?

        Một chặng đường khúc khuỷu, gập ghềnh lại một lần nữa đặt ra trước mắt từng người chúng tôi.

        Qua mấy lần tổ chức khởi nghĩa bị lộ, chúng tôi phải suy nghĩ rất căng thẳng, mấy đêm liền không ngủ trong hoàn cảnh tù đày qua hết trại giam này đến trại giam khác, người gày gò, ốm yếu; mặt khác, tôi vừa phải vật lộn với thằng Tây cao to khỏe hơn mình... nên sau khi thoát khỏi lớp hàng rào cuối cùng của trại giam độ hơn một trăm mét, toàn thân tôi rã rời, hơi thở rất đuối, gần như chỉ còn thoi thóp.

        Những tiếng súng nổ lúc dồn dập từng tràng, lúc ngắt ngắt từng phát một, tiếng bọn lính Pháp gọi nhau ồm ồm, xen lẫn tiếng kêu ăng ẳng của bầy chó săn... như thúc tôi phải gấp rút thoát khỏi nơi này. Giận quá! Vừa nhấc chân lên, nó đã bủn rủn, khuỵu xuống và tự nó duỗi dài ra, không chút động đậy nửa. Tôi đành phải cố lết mình tới bụi cây rậm rịt, tạm nghỉ lấy sức.

        Lại hàng loạt súng nổ xói vào rừng bên phải. Nguy rồi! Một đồng chí nào đã bị chúng giết rồi? Ruột gan tôi đau quặn. Thương xót, trách nhiệm... xáo trộn trong đầu óc tôi!

        Trời đã tối.

        Phía rừng, bọn lính Pháp vẫn không ngừng sục sạo. Chúng đốt đèn, đốt đuốc soi rộng ra ngoài. Bầy chó săn vẫn kêu hỗn loạn. Chúng đã không ngờ tôi còn nằm ngay cạnh sào huyệt của chúng.

        Dù sao cũng không thể nằm đây để chờ chết, hoặc sa vào tay giặc một lần nữa? Phải sống, trở về với Đảng? Phải sống, để tiếp tục sự nghiệp cách mạng! Tôi vùng dậy lần thứ nhất, chưa được. Mảnh đất tôi đứng như lỏng ra. Tôi té nhào xuống. Trong giây phút, từ đầu đến chân tôi đẫm mồ hôi, lạnh toát. Nghỉ một lúc cho tim đập trở lại bình thường tôi vùng dậy lần thứ hai. Vẫn đổ. Ánh đuốc của bọn Pháp, tôi vừa thấy bập bùng, lúc này hầu như tắt hết. Cả tiếng của chúng lẫn tiếng chó sủa cũng im bặt. Cuộc săn lùng chấm dứt chăng? Không phải mắt tôi đã tối sầm, tai tôi ù đặc cả rồi? Đi chẳng được thì bò, thì lết chứ sao!

        Tôi tỉnh dần. Tôi bắt đầu lết mình từng tí một.

        Mấy nấm mồ của các đồng chí ta nằm ở bãi ổi còn đó, lút dưới đárn cỏ. một vùng lân tinh, một bày đom đóm lập lòe... mỗi thứ gây cho tôi một xúc cảm riêng. Lúc tôi ngồi lại, nhìn về hướng đồn Nghĩa Lộ, dường như tức thở. Lúc tôi nhớ tới những làng mạc xa xôi cũng mùa này đom đóm đỗ từng chòm trên mặt ao bèo. Lúc tôi tưởng tượng mình sắp được sống trong một đội du kích, đêm đêm đi đánh úp quân giặc, cướp vũ khí của giặc, trang bị cho mình... Rồi tôi nhỏm dậy, bò, bò mãi, tới một ngọn núi cao (núi Pú Chạng), chợt nghe thấy tiếng người rên khe khẽ, tôi dừng lại, áp tai xuống đất. Đúng rồi! Có đồng chí ta bị thương! Tôi bò đến nơi nhận ra ngay là đồng chí Nho, phụ trách trung đội thanh niên xung phong. Thấy đồng chí bị thương ở háng, tôi gỡ ra đắp vào một nắm thuốc lào, rồi lấy chiếc khăn quàng do vợ tôi gửi cho băng lại cho đồng chí. Sau khi bàn bạc cách ứng phó với mọi trường hợp có thể gặp phải, tôi đứng dậy và cả hai cùng lẩy bẩy dìu nhau đi. Đi một lúc nghỉ, rồi lại tiếp tục đi. Đồng chí Nho bám vào vai tôi lê từng bước, miệng thì thầm kể lại cho tôi nghe những quãng đường vượt trại rất nguy hiểm của đồng chí vừa rồi...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 06:49:33 pm »


        Hôm sau, lúc đang đói cồn cào ruột gan thì bỗng đồng chí Nho bấm mạnh vào vai tôi, reo lên:

        -  Lương tươi kia kìa?

        -  À may quá? -  Tôi cũng reo lên, dìu vội đồng chí tới.

        Hai người cùng nghiêng đầu, cắn vào thân cây chuối, tước lấy bẹ, nhai ngấu nghiến một lúc, bụng căng, người tỉnh táo, chân tay khỏe hẳn lên.

        Trời đổ mưa, chúng tôi ướt sũng, nước tràn qua mắt, qua mũi, không kịp vuốt.

        -  Đi mau lên!

        -  Nào, đi mau lên -  Chúng tôi bảo nhau như vậy.

        -  Nhưng đi đâu bây giờ? Bọn lính dõng, hào lý các địa phương chắc đã nhận được lệnh truy nã, đón bắt tù chính trị vượt ngục rồi!

        -  Các ngả đường làm gì chả có mấy thằng phục sẵn. Chúng tôi rì rầm nói chuyện. Tối như bưng lấy mắt. Húc vào bụi, lại lùi ra, lại đi, lại húc vào bụi. Lá khô lẫn bùn ướt lép nhép dưới chân. Có đến hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi vẫn chưa đi thêm được bao nhiêu.

        Lò dò dẫm đi từng bước tới một vách núi đá, nhìn xuống thấy lấp lánh có nước, chúng tôi đoán là suối. Tôi vít cành cây cong thả người rơi xuống suối. Nhưng may quá, suối sâu nên không gãy chân. Đồng chí Nho xuống sau, yếu sức lúc bơi bị trôi giạt xa hơn. Sang bờ bên kia, lo quá, người nọ cứ tưởng người kia bị nước cuốn đi rồi, ra mật hiệu tặc lưỡi một lúc mới tìm thấy nhau, mừng quá.

        Chúng tôi bàn nhau ngủ tạm ở đây để lấy sức.

        -  Nằm vũng bùn à? -  Đồng chí Nho hỏi.

        Nhưng rồi mệt quá chẳng còn đủ sức rời đi chỗ khác, đành cứ nằm xuống, ôm chặt lấy nhau. Nước bùn thấm lên lưng, nhớp nháp, lá rừng lao xao rũ nước đầy mặt, đầy người.

        Một lát sau, chúng tôi thiếp đi, mặc cho lũ vắt quấy rầy, tha hồ hút máu.

        … Chiều ngày thứ ba, chúng tôi tới chân núi gần đến chỗ ngoặt, thì dừng lại quan sát.

        -  Lính dõng! -  Đồng chí Nho kéo tay tôi, kêu lên.

        Chúng tôi chưa kịp tránh, tên dõng đã chạy xộc đến chĩa mũi súng vào nghe tôi, quát:

        -  Tù, tù Nghĩa Lộ phải không?

        Chúng tôi làm vẻ thản nhiên, đáp:

        -  Anh em với nhau cả, làm gì nóng nảy thế!

        Giọng nó càng to hơn:

        -  Anh em cái gì?

        Dứt lời, nó dấn lên mấy bước nhìn chúng tôi từ đầu đến chân. Nắm chắc đặc điểm bọn này, tôi liền cởi chiếc áo vải kẻ ô vuông của tôi, đưa cho hắn và bảo:

        -  Đây, biếu anh làm quà. -  Tên dõng cầm lấy chiếc áo, ngắm nghía một lúc rồi vẫn ra điều oai vệ, nói xẵng:

        -  Thôi đi? -  Hắn chỉ tay và giọng thấp hẳn -  Rẽ đường này, ngả kia cũng có người đấy.

        Xẩm tối, chúng tôi men theo chân ngọn núi cao, đi về phía nam. Nhìn lên đỉnh núi, tôi thấy có những mái nhà lụp xụp, khói xanh bay tỏa. Ở nhiều nơi những mái nhà lá nghèo nàn ấy thường là những nơi êm ấm đã che giấu, đùm bọc chúng tôi. Tôi nói với đồng chí Nho:

        -  Ở đây nhá! Mình lên xem sao, nếu gặp người tốt thì nghỉ lại, mai đi tiếp -  Tôi còn dặn thêm -  Khi nào mình gọi, cậu hãy lên. Nếu có động, cậu lủi ngay lập tức, mặc tớ xử trí.

        Đồng chí Nho ngồi dưới chân núi. Tôi hướng theo đám khói leo lên. Tôi hăm hở đi về phía căn nhà sàn. Thấy tiếng động, một thanh niên mặc quần áo chàm từ trong đi ra, cặp mắt có vẻ xoi mói nhìn tôi, hỏi gọn:

        -  Đi đâu? Thấy thái độ hắn thiếu thiện cảm, tôi giả làm người lỡ đường, đáp:

        -  Tôi về quê thăm nhà, hết tiền, lên xin anh bát cơm.

        Người thanh niên tò mò nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi gật đầu đáp:

        -  Được ngồi chờ đây, tao đi lấy cho.

        Tôi ngồi xuống một hòn đá, hai chân buông thõng, bề ngoài nom tự nhiên, nhưng đã chuẩn bị tư thế nhảy vọt, mắt vẫn chăm chú nhìn vào ngôi nhà. Mãi không thấy anh ta ra, tôi sinh nghi, tự hỏi: Lấy cơm sao lâu thế? Tôi toan đứng lên xem xét tình hình, thì thấy tiếng chân nhiều người rậm rịch bên trong. Rồi anh thanh niên kia bước ra, tay cầm giỏ đầy xôi giơ lên gọi tôi; phía sau thấp thoáng có bóng người.

        Không xong rồi, nó đánh bẫy mình đây! Tôi chỉ mới kịp nghĩ có thế thì hai, ba tên cầm súng kíp xồ ra. Một tên giương luôn súng lên nhằm thẳng vào tôi. Lập tức, tôi nhảy lao xuống khe núi. Người và đá lăn rào rào. Đoàng! Một tiếng đạn nổ xé tai sạt sau gáy, mùi khét lẹt. Đoàng, đoàng, tiếp theo vài phát súng nữa.

        Lăn được vài chục vòng, tôi mắc kẹt vào một lùm gai rất rậm. Tôi nằm yên không nhúc nhích. Năm, sáu tên tay cầm đuốc, tay cầm súng chạy xuống chân núi, hò nhau lùng sục. Chẳng thấy gì, bọn chúng lại ra đường mòn, cắm đầu, cắm cổ rượt tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 06:51:39 pm »


        Nghĩ đến đồng chí Nho, tôi chắc khi nghe súng nổ, đồng chí đã lẩn đi rồi. Nhưng tôi lại lo, không khéo vì vết thương, đồng chí chậm chân, chúng tóm được thì thật khổ. Tôi lắng nghe, vẫn thấy bọn chúng ì ới dưới chân núi, còn tôi vẫn nằm trong bụi gai dưới vực sâu ở gần nhà hắn. Bài học ẩn náu ngay cạnh sào huyệt của địch khi vượt khỏi nhà tù Nghĩa Lộ đã có tác dụng đối với tôi lúc này. Đến khuya, bọn chúng quay về, đứa lèm bèm, đứa đay nghiến chửi bới nhau. Biết đồng chí Nho cũng thoát, mừng quá, tôi chui khỏi bụi rậm, nhưng gai kéo sau lưng, gai chằng trước mắt, nhùng nhằng như chim sa lưới, tôi không thể nào gỡ được. Chân tay, mặt mũi, gai cào toạc hết. (Sau này, tôi thường ví chiến tranh du kích như gai mây giằng co lôi kéo địch, nhùng nhằng, đi không được, ở không xong, rồi lúc nào đó, ta ập đến chĩa súng vào mặt chúng, hỏi chúng còn chạy đường nào cho thoát? Hình ảnh ấy một phần cũng do cảm giác thực tiễn của cuộc "vật lộn" trước kia để lại).

        Phải vất vả lắm tôi mới tách ra khỏi bụi gai. Tôi bò xuống núi, đi khắp ngả tìm đồng chí Nho. Trong bụng tin là đồng chí đã thoát, nhưng tôi vẫn tiếp tục đi tìm. Tôi đoán đồng chí vẫn lẩn khuất gần đây và có lẽ cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, nhạy cảm ý định của nhau, nên khi tới một cái cống,  tôi cho rằng ẩn dưới đó rất tốt, kẻ địch chạy qua, rất có thể không chú ý sục sạo, chắc rằng đồng chí Nho ẩn ở dưới này. Phán đoán vậy, tôi cúi xuống khẽ gọi:

        -  Nho đâu?

        Có tiếng hỏi lại:

        -  Vẫn còn sống đấy à?

        -  Sống chứ?

        Mừng quá, chúng tôi lại bám vai nhau đi về phía nam.

        Mờ sáng, vừa bước ra khỏi rừng, chúng tôi lại thấy những mái nhà sàn cao cao hiện ra trước mặt. Đó là những căn nhà thuộc vùng Trạm Tấu, Bản Ny giáp Ngòi Thia -  một nhánh suối lớn chảy về Nghĩa Lộ. Chúng tôi nửa mừng, nửa ngại!

        Trong khó khăn phải dựa vào quần chúng cách mạng, nhưng liệu có gặp được người tốt hay không, giống như buổi tối hôm qua thì thật là nguy hiểm. Quay trở lại, lỡ gặp bọn kia, nhất định chúng nó sẽ "thịt”. Cứ nhịn đói, nhịn khát và kéo dài mãi tình trạng không cơm, không cháo thế này liệu còn đi được bao nhiêu đường đất nữa?... Nên vào hay thôi, nếu vào, cần ứng phó, phối hợp ra sao... sau khi bàn bạc kỹ, tôi bảo vời đồng chí Nho:

        -  Lại để mình vào xem sao nhé.

        -  Ừ thì đi nhưng phải cẩn thận đấy -  Đồng chí Nho dặn tôi.

        Tôi thản nhiên vào bản. Một người đàn bà chạc ngoài năm mươi tuổi, còn khỏe, áo chàm, đang thái rau trên căn nhà sàn nhỏ ở ngoài cùng, thấy tôi, hỏi ngay:

        -  Mày đi đâu?

        -  Đi tìm chỗ ở -  Tôi trả lời lấp lửng như vậy với ý định để bà có thể hiểu tôi là người làm mướn, đang cần người thuê, hoặc có thể hiểu tôi từ xa mới đến, đang đi chọn đất dựng nhà. Rồi tuỳ theo ý thức nhận xét và thái độ đầu tiên của bà, tôi sẽ liệu bề xử trí. Bà lão đăm đăm nhìn tôi một lúc mới bảo:

        -  Khổ! Đây nghèo, không ai thuê đâu. Ở xuôi không đủ ăn à? Lên uống nước đã.

        Qua nhà cửa đơn sơ, phong thái giản dị, lời nói có tình nghĩa ấy, tuy đã phần nào tôi tin ở bà nhưng vẫn phải cảnh giác. Sau khi từ chối không lên nhà, tôi đem chuyện vùng xuôi cũng đói khổ như ở trên này ra kể bà nghe. Mặc dầu thời gian ngắn ngủi, tôi kể không dài, không kỹ, nghe xong, bà thở dài, nói:

        -  Chết thôi! Đâu cũng như con trâu, con ngựa cả thôi?- Rồi bà bần thần một lúc, nói tiếp -  Tao không nhớ ngày nữa, nhưng tao nhớ có hôm một anh "cách mạng" ở Nghĩa Lộ ra đây cũng nói như mày đấy -  Và tôi không ngờ bà đột ngột hỏi tôi -  Hay là mày cũng là người cách mạng phải không?

        Tôi chưa kịp trả lời câu gì, bà lại bảo thêm:

        -  Người cách mạng tốt bụng lắm, nhưng khổ lắm. Mày lên uống nước đi. Nhà tao nghèo, không đứa nào đến đâu, đừng sợ.

        Tôi không dám nhận mình là "người cách mạng" và vẫn tiếp tục cảnh giác, tôi nói:

        -  Cụ để tôi ra ngoài cất mấy thứ đồ vặt đã nhé.

        Bà cụ gật đầu. Thật ra, tôi chạy đi gặp đồng chí Nho để nói cho đồng chí biết tình hình. Sau khi bàn bạc, đồng chí Nho nhất trí để tôi lên nhà bà cụ, còn đồng chí vẫn ở ngoài sẵn sàng phối hợp nếu xảy ra bất trắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 06:58:16 pm »


        Khi tôi vừa bước lên cầu thang đã thấy bà cụ đang đem nước và một ông cụ -  được bà cụ giới thiệu là "ông nhà" đã ngồi ở trước cửa sổ có ý chờ tôi. Nhưng ông rất ít nói. Tôi còn nhớ, từ lúc tôi vào đến lúc tôi chào gia đình ra đi, ông chỉ trả lời tôi có một câu “không có” khi tôi hỏi "hai cụ sinh được mấy anh chị?". Còn bà cụ vẫn là người tiếp chuyện chính với tôi. Bà cụ cho tôi biết, ông cụ trước đây cũng hay nói chuyện nhưng từ ngày bị "tạo bản"1 (Một cấp chính quyền cơ sở ở miền núi, tay sai cho đế quốc -  phong kiến) bắt lên đồn Nghĩa Lộ cho Tây đánh, vì để anh "cách mạng" ngủ trong nhà không báo, nên mới "dại người" như thế.

        Tôi mới uống chưa hết một bát nước chè tươi nóng, thì bà cụ đã đưa ra bát xôi sắn, bảo:

        -  Mày ăn đi! Tạo bản nó mới nói có tù Nghĩa Lộ trốn, ai giết một đứa được thưởng một tạ muối, chúng tao không thèm.

        Nhưng tôi chưa kịp tỏ thái độ ra sao đối với cử chỉ ân cần và thực tế đó, thì bỗng bà cụ bưng bát xôi lên, nói vội:

        -  Thôi!

        Tôi lạ quá! Có lẽ bà cụ đã nghĩ về tôi mà sợ tôi? Hoặc có kẻ nào đang đứng ở đâu đây theo dõi gia đình và tôi, khiến bà cụ không dám tiếp tôi nữa. Tôi đưa mắt nhìn quanh nhà, nhìn ra phía cửa sổ, chân co lên, tay ấn mạnh xuống sàn, chuẩn bị đối phó...

        Nhưng không phải, những điều tôi dự đoán đều không đúng. Bà cụ đã đặt trước mặt tôi một bát cháo và gói xôi. Bà dặn tôi:

        -  Bây giờ ăn cháo. Đi đường ăn xôi.

        Khi đưa xôi về cho đồng chí Nho ăn, tôi thuật lại câu chuyện, đồng chí Nho vừa đăm đăm hướng về căn nhà nhỏ bé ấy, vừa nói:

        -  Một hạt xôi là một hạt vàng ừ, có thể hạt vàng cũng không sánh nổi đâu.

        Đêm đó trời mưa tầm tã thỉnh thoảng lại gặp một con đường mòn vắt ngang, vắt chéo. Suối lũ réo ầm ầm. Chúng tôi cứ nắm tay nhau mà đi, có lúc chẳng còn trông thấy gì cả, hệt như trò bịt mắt bắt dê, chúng tôi đi mãi, đi mãi, chẳng may bị lạc đường, vào giữa một cánh rừng rậm. Lại chui rúc. Mưa vuốt mặt không kịp. Lá rừng, gai góc cứa toạc cả người, chỗ nào cũng xót, ngứa. Tình hình này nếu cứ để đồng chí Nho lết từng bước loanh quanh trong rừng thì rất khổ cho đồng chí, chúng tôi bàn với nhau là, đồng chí Nho tạm ngồi một chỗ đợi, tôi đi tìm đường. Lúc đó tôi nhớ tới cái địa bàn và đồng chí Nhu – “người có công mài sắt nên kìm" ấy bây giờ ở đâu? Cả các đồng chí "sáng chế” ra khẩu súng gỗ nữa...! Tất cả các đồng chí sống gắn bó thân thiết với nhau từ căng Bá Vân, Hỏa Lò -  Hà Nội đến nhà tù Nghĩa Lộ, ai còn, ai mất? Nhớ thương cứ xáo trộn trong lòng tôi và thúc giục tôi phải đạp bằng mọi khó khăn trở ngại. Toàn thân tôi đang bị giá lạnh vì mưa gió, phút chốc nóng lên bừng bừng. Và cũng trong phút chốc, tôi lao lên giằng xé tất cả cái gì cản trở trước mặt tôi. Bỗng có một thiếc gai rất cứng đâm vào tay tôi buốt nhói. Tôi dừng lại, nắm chặt lấy vết thương.

        Không xong rồi! Giận dữ với thất bại, không xong rồi! Gặp thất bại càng phải tỉnh táo mới có thể chuyển bại thành thắng được... Nghĩ vậy, tôi mau chóng tập trung trí óc vào công việc trước mắt của mình. Và phải mất một thời gian khá lâu tôi mới tìm ra một con đường ở bìa rừng.

        Tôi quay lại chỗ cũ đón đồng chí Nho, nhưng không thấy đồng chí đâu; hay đồng chí sa lưới địch một lần nữa hay cũng đi tìm đường như tôi? Trong hai ước đoán này, tôi vẫn đề phòng trường hợp xấu nhất. Nhưng dù xấu đến mức nào, cũng không thể một chốc thoát thân một mình được. Tôi vừa thận trọng náu mình, vừa chuyển đi từng chỗ và dùng hết mọi thứ mật hiệu, ký hiệu đã quy định với nhau từ trước vẫn không một lời, một tiếng động, một dấu vết đáp lại. Nhưng ngày chuẩn bị âm thầm mà sôi nổi, những giờ phút chiến đấu gay go, quyết liệt... không xa nhau, nay lỡ lại bị bắt hoặc bị lạc đường giữa lúc bị thương, thì thật là khổ!

        Suốt đêm đó và cả buổi sáng hôm sau loanh quanh mãi, tôi vẫn không sao tìm thấy đồng chí Nho, trong lòng cứ ân hận, day dứt mãi! Thật không có tình cảm nào cao đẹp, gắn bó với nhau bằng tình cảm cách mạng. Lúc bình thường đã thương yêu nhau, lúc gian khổ, khó khăn lại càng gắn bó với nhau, đùm bọc nhau, quí mến nhau.

        Qua sáu ngày đi ròng rã, tôi vẫn men theo một con đường mòn tới một chỗ, một bên vực sâu thăm thẳm, một bên vách núi đá dựng đứng, tôi thấy hơi rờn rợn. Bây giờ có điều gì bất trắc xảy ra, thì thật hết sức nguy hiểm. Nhưng tôi cứ phải đi, vì không còn con đường nào cả.

        Vừa đi tôi vừa nghiêng ngó trước sau, vừa suy nghĩ mưu kế nếu gặp địch thì lợi dụng địa hình, địa vật cụ thể lẩn tránh hoặc buộc chúng bỏ chạy để mình thoát thân. Vạn bất đắc dĩ sẽ sử dụng tới những võ thuật nhanh chóng quật đổ từng tên xuống vực, dọn đường tiến lên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:00:36 pm »


        Đi đến gần đỉnh núi, nhìn lên, tôi thấy có mấy nếp nhà, khói tỏa xanh lam rất ấm cúng (sau này tôi mới biết đó là đồng bào dân tộc vùng bản Bá Tàu, núi Pá Hu -  một vùng rừng rậm, núi cao trên 1.200 mét). Tôi thoáng thấy bóng người lố nhố hiện ra trước mặt. Người nào, người nấy súng ống giương lên tua tủa và như sắp sửa đồng loạt nổ vào ngực tôi. Lúc này, tiến thoái lưỡng nan, con đường độc đạo, lùi cũng chết, mà lên cũng chết. Cuối cùng, tôi quyết định cứ bước dấn lên rồi tuỳ cơ ứng biến. Tôi lên gần và chú ý xem họ là ai. Hình như không phải bọn lính dõng, vì nhìn cách ăn mặc và bộ dạng của họ không có vẻ gì là "nhà binh” cả. Nhưng họ sẵn sàng tư thế đối phó với tôi. Người nào cũng nhìn thẳng vào tôi. Lạ làm sao, phía sau họ lại thập thò có những chú bé chín, mười tuổi.

        Thấy tôi vẫn đi đứng đàng hoàng, toán người nọ bất thình lình xông lên, miệng thét lớn: bắt lấy nó, bắt lấy nó! Họ bảo nhau trói quặt tay tôi lại, đưa ra mép vực chuẩn bị bắn và cắt lấy đầu.

        Rõ là tiếng nói của đồng bào dân tộc, tôi thoáng nghe rõ có người gọi nhau là Vương. Tôi vội dùng ngay tiếng dân tộc nói chuyện với các chú bé. Nghe tôi nói tiếng dân tộc địa phương, mọi người trố mắt nhìn tôi. Trong đó có một người đàn ông đứng tuổi bước sát lại chỗ tôi, hỏi:

        -  Mày họ gì?

        -  Họ Vương -  Tôi đáp. Người đàn ông đứng tuổi đó ôm chầm lấy tôi, nhận là cùng dòng họ, cùng đồng bào của mình, rồi khoác tay tôi:

        -  Thôi vào đây! -  Người đàn ông quay ra vui vẻ nói với bà con đứng xung quanh -  Anh em, anh em ta đây. anh Vương cùng cảnh ngộ như bà con ta cả đấy. Người Việt Nam ta cả đấy!

        Sau Cách mạng tháng Tám thành công, anh Nguyễn Khang bảo tôi nên đổi tên khác để hoạt động công khai, để giao dịch với bọn sĩ quan của chính quyền cũ. Nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc ở vùng núi Pá Hu, tôi báo cáo anh Khang xin đổi tên là Vương Thừa Vũ. Tên mới của tôi bắt đầu từ đấy.

        Trở lại câu chuyện ở Pá Hu, khi thấy tôi nhận họ Vương, người lớn, trẻ em vỗ tay, cười nói tíu tít. Tôi đi theo vào nhà, vừa đi vừa kể chuyện, kết nghĩa anh em. Ngồi nói chuyện một lúc, bà con dọn ra một mâm cơm có những đĩa thịt gà đầy ú ụ và những bát rượu tràn miệng. Người có quyền cao nhất ở đó ngồi tiếp tôi. Ông uống rất nhiều rượu, nói chuyện rất tự nhiên:

        -  Các dân tộc Việt Nam đều là anh em, cùng một lòng chống bọn bóc lột, bọn xấu chia rẽ phá hoại. Gặp nhau là mừng rồi? Ăn đi! Uống đi!

        Tôi đã từng được gặp những cảnh chân thật như thế này, nên tôi rất tin. Tôi ăn uống tự nhiên, ăn xong, trò chuyện một lúc, tôi xin phép đi ngủ ngay để mai có sức.

        Sáng hôm sau, biết tôi sắp lên đường, bà con quây quần quanh tôi, khẩn khoản, thân thiết:

        -  Anh cứ ở đây cho thật khỏe đã.

        -  Nom anh gầy quá, chúng tôi muốn lưu anh lại để...   

        Tôi đã nghĩ kỹ. Tôi phải khẩn khoản nói mãi bà con mới để tôi đi. Để giúp tôi không bị bắt lần nữa, bà con đưa bộ quần áo địa phương cho tôi thay và cử một người cao tuổi đi theo, vừa tiễn chân, vừa chỉ giúp tôi đường về. Đến ngã ba đường rừng, ông chỉ đường cho tôi rồi quay lại. Lúc chia tay, tôi cảm ơn bà con và ông, nhưng ông cười đôn hậu, gạt đi:

        -  Có gì đâu, dân tộc Việt Nam ta cả mà!

        Tôi lại theo đường mòn luồn rừng, leo núi mà đi, khác với mọi chặng trước, những chặng này phần vì sốt ruột ngày qua coi như bị bỏ phí, phần vì được ăn no, lại có vài tấm bánh của bà con cho mang theo, nên tôi đi nhanh và khá bền sức...

        Một buổi, trời xẩm tối, vừa bước khỏi rừng, tôi lại nhìn thấy cánh đồng Nghĩa Lộ xa xa phía trước. Tôi suýt nữa kêu lên. Công lao đi không biết bao nhiêu ngày loanh quanh mãi, lại trở về nơi hang hùm, miệng rắn này ư?... Thì ra, tôi đã đi nửa vòng tròn về phía nam cánh đồng Nghĩa Lộ.

        Từ bấy đến nay tình hình các nơi nói chung và ở đây nói riêng có gì biến đổi tốt, xấu? Tôi lặng nhìn Nghĩa Lộ chìm đắm trong đêm. Một thứ tĩnh mịch rất khó phân biệt giữa hai trạng thái: mọi sự đã bình yên hay tất cả vẫn còn đang trong gông cùm, kìm kẹp?...

        Nhưng dù thế nào, tôi thấy cũng cần phải làm ngay hai việc: Một, nhanh chóng lánh khỏi nơi này kẻo không rơi vào tay giặt Pháp thì cũng sa lưới bọn Nhật. Hai, đến tận nơi điều tra rõ ràng, để định phương hướng hành động.

        Tôi tiếp tục đi, thấy ở dưới phân đồi phía xa có một ngôi nhà còn le lói ánh đèn. Nhìn kỹ khu vực đó, tôi biết ở đấy phần lớn là đồng bào từ tỉnh Thái Bình, Nam Định di cư lên làm ăn và rất quý mến anh em tù chính trị. Tôi quên sao được nơi đây đã có đồng bào hy sinh cả thân mình để cứu lấy các đồng chí cán bộ cách mạng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM