Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 05:24:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36737 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:26:01 pm »

           

        - Tên sách: Những chặng đường chiến đấu
        - Tác giả: Trung tướng Vương Thừa Vũ
        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2005
        - Số hoá: ptlinh

LỜI GIỚI THIỆU

        Gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam là những danh tướng quân sự tài ba, những tên tuổi của họ được ghi vào lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam như những huyền thoại về những trận đánh và chiến công.

        Trung tướng Vương Thừa Vũ là một trong những danh tướng như vậy -  Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng.

        Ngay từ năm 1941, khi tham gia phong trào cứu nước, ông đã bị thực dân. Pháp bắt giam và tù đày. Dù ở trong tù, ông vẫn nêu cao chí khí chiến đấu, không chịu khuất phục trước đòn roi tra tấn của quân thù. Ngày 3 tháng 7 năm 1945, ông tham gia bạo động giành chính quyền ở Nghĩa Lộ nhưlng không thành, ông về Bắc Ninh gây dựng cơ sở cách mạng huấn luyện quân sự. Với tài năng của mình, ông cược cấp trên giao giữ nhiều trọng trách trong quân đội: Năm 1946 -  Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu 11 (Hà Nội); chỉ huy quân sự Khu 2 bảo vệ Hà Nội; 194 7- 1948 -  Khu phó Khu 4 rồi Phân khu trưởng Phân khu Bình -  Trị -  Thiên. Tháng 4 năm 1949, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đại đoàn 308 ở Việt Bắc; 1949- 1954 ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 308 và kiêm Chính ủy Đại đoàn (1949- 1951). Từ năm 1949 đến năm 1954, ông đã chỉ huy chiến đấu tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Tháng 10 năm 1954 ông là Chủ tịch ủy ban quân chính Hà Nội; từ 1955- 1963, ông là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn.

        Từ 1964- 1980, ông được giao giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và một số chức vụ khác.

        Với những công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại.

        Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thông nhất đất nước, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sưu tầm, tuyển chọn những nội dung trong Hồi ký và một số tác phẩm quân sự của Trung tuớng Vương Thừa Vũ thành cuốn sách “Những chặng đường chiến đấu”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong nhận được những ý kiến đóng góp.
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:47:48 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:29:46 pm »

 
Phần một

VƯỢT KHỎI NANH VUỐT QUÂN THÙ TRỞ VỀ VỚI CÁCH MẠNG

        Một số anh em tù chính trị chúng tôi đang bị giam ở nhà "pha" Hỏa Lò -  Hà Nội thì bọn đế quốc lại lôi chúng tôi ra, đẩy lên Nghĩa Lộ.

        Cũng như khi mới bị sa vào tay chúng và những ngày ở các nhà giam khác, bữa ấy, vừa qua khỏi mấy lần cửa sắt, ý nghĩ "nhất định phen này phải thoát khỏi xiềng xích của quân thù, tiếp tục trở về hoạt động cách mạng" lại đến với tôi.

        Phải trở về với đội ngũ của những người cách mạng! Ý nghĩ ấy làm tôi bồn chồn, náo nức. Và cho tới khi bắt đầu đặt chân vào cửa ngõ "mạn ngược", thì ý nghĩ đó lại càng sôi sục trong lòng tôi. Lợi dụng lúc tên lính áp giải vừa sơ ý nhìn cái gì đó, mình đạp cho hắn một cái ngã quay lơ, rồi phóng vào rừng có mà trời tìm!...; hay là, bằng cách nào đó, gỡ đượm tay ra, thoi luôn cho hắn một quả vào giữa mặt, hắn gục xuống, mình sẽ tha hồ vùng vẫy?... Nghĩ thế, thỉnh thoảng tôi liếc nhìn tên lính đi bên, lại nhìn địa hình, địa vật xung quanh. Chà! Rừng rậm, núi cao, suối sâu, lao vút vào đó, quặt ngược trở lại, gặp Đảng, gặp đồng chí, đồng bào, đời của người chiến sĩ cách mạng thênh thang biết mấy!...

        Đang triền miên trong suy nghĩ, ước mơ, một báng súng thúc xói vào lưng tôi, kèm theo tiếng quát: "Đi! Mau lên" của tên lính áp giải. Tôi quay phắt lại, nghiến răng, ưỡn ngực và trừng mắt nhìn hắn. Có lẽ hắn cũng thấy được sự phẫn nộ của tôi, hắn vội cúi đầu xuống. Tuy vậy, hắn vẫn cố làm ra vẻ bình tĩnh, cất giọng hơi run, quát tiếp: "Đi đi! Mau... lê...ênl", và mũi súng của hắn vẫn tì vào sau lưng tôi.

        Nỗi căm giận của tôi vẫn không tan. Nó càng bốc mạnh lên khi tôi nghĩ tới bọn đế quốc Pháp thống trị. Những ước vọng phải thoát khỏi ngục tù đế quốc mỗi lúc một thêm thôi thúc trong tôi. Nhưng ngẫm lại: mọi hoạt động của chúng tôi đều phải tuân theo sự lãnh đạo chặt chẽ của chi bộ Đảng, mà chi bộ Đảng chúng tôi lại trực thuộc dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy. Làm một việc gì, dù lớn hay nhỏ đều phải nhìn vào lợi ích chung, phục tùng cái chung. Nghĩ thế, nên tôi nén căm hờn, chờ ý kiến của trên và đợi thời cơ thích hợp nhất.

        Nhớ lại, thời kỳ ở căng Bá Vân -  Thái Nguyên, sau cuộc đấu tranh của tù chính trị, bọn thống trị Pháp đem hơn một chục anh em chúng tôi ra giam ở nhà lao Thái Nguyên. Chúng cho là bọn chúng tôi cầm đầu cuộc đấu tranh đó.

        Sau cuộc đấu tranh thắng lợi đó, Xứ ủy chỉ thị chi bộ căng Bá Vân phải tổ chức cho một số đồng chí vượt ra hoạt động trong phong trào công nhân, nông dân. Chi bộ đã quyết định tám đồng chí vượt trại giam.

        Cuộc vượt trại giam đã thành công. Trong số ra được có bốn đồng chí là chi ủy viên, kể cả bí thư chi bộ là đồng chí Hà Kế Tấn. Chi bộ đặc biệt ở căng Bá Vân, lúc đầu có 11 đồng chí: Tấn, Trành, Voi, Liên, Khoan, Thử, Thẩm, Đồi, Nho, Hách (giáo Hách), Viên. Khi thoát khỏi trại giam Bá Vân, đồng chí Hà Kế Tấn giao lại cho chúng tôi toàn bộ cơ sở cách mạng.

        Trước đó, tôi cũng đã có ý nghĩ phá ngục. Nhân lúc chuyển "căng", phần lớn lính tráng về nhà để chuẩn bị đồ đạc về xuôi chỉ còn thằng đồn trưởng và mấy tên gác trại giam, tôi nảy ra ý định nên nắm lấy thời cơ này, lãnh đạo quần chúng (trại giam lúc đó có trên 200 người) nổi dậy cướp súng, khử luôn tên đồn trưởng, rồi mau chóng vượt ra rừng, đi một đêm là tới chiến khu của đội du kích Bắc Sơn, nơi mà chúng tôi hằng mơ ước từ lâu.

        Tôi đem ý định ấy ra bàn với mấy đồng chí, có một vài đồng chí tán thành. Nhưng có một số đồng chí cho rằng, thời cơ chưa chín muồi.

        Hai ý kiến này được đem ra trao đổi hồi lâu, cuối cùng đi đến kết luận là tình hình lúc đó chưa nên phá ngục, phải xin chỉ thị Xứ ủy và đón thời cơ khác.

        Ngày tháng trôi qua...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:34:20 pm »


        Cuối năm 1944, đế quốc Pháp chuyển chúng tôi về nhà pha Hỏa Lò -  Hà Nội. Ý định vượt ngục trở về với cách mạng vẫn lởn vởn trong tâm trí tôi -  Thuyết phục binh lính? Đục tường, đào đường ngầm, nhảy qua hàng rào dây dẫn điện -  Bằng một trong những phương pháp đó, tôi tin nhất định sẽ thoát được.

        Tôi lại đưa ý định này ra bàn bạc. Nhưng chưa kịp ngã ngũ ra sao thì bọn thống trị Pháp đã xích tay từng người chúng tôi và đẩy lên chỗ mà bọn chúng nghĩ rằng đến một thời gian nào đó, chúng tôi sẽ chết dần chết mòn vì đói, rét, bệnh tật.

        “Nhưng chúng mày đem hổ về rừng, không sớm thì muộn, chúng ông cũng sẽ "tếch" cho mà xem...". Nghĩ vậy, nên chúng tôi không có gì lo ngại cả. Bọn tay sai đế quốc xích hai tay của hai người chúng tôi vào một còng rồi luồn dây thừng từ hàng đầu đến hàng cuối thành một chuỗi, dòng người cứ dắt dây nhau mà đi, trên đường đi, mặc dầu tay bị chằng trói, chân tê tấy phát cước lên, nhưng chúng tôi vẫn nuôi ý nghĩ: nhất định phải vượt ngục thành công để tiếp tục hoạt động cách mạng...

        Gần tới Nghĩa Lộ, bọn lính áp giải đột nhiên quát tháo chúng tôi ầm ĩ:

        -  Cúi mặt xuống?

        -  Người sau nhìn vào gáy người trước, không được nhìn hai bên đường!

        Nhưng bỗng từ phía dưới, tôi không nhớ rõ có tiếng đồng chí nào nói vọng lên:

        -  Nhớ đấy, các "thày quyền" bảo chúng ta nhìn vào gáy nhau đấy.

        Biết ý, chẳng ai cúi đầu xuống cả. Vì cúi đầu chỉ có thể nhìn được gót chân người đi trước, nhìn sao được gáy. Và đã ngửng mặt lên thì chúng cấm làm sao nổi đôi mắt của mỗi người chúng tôi không được nhìn những người và cảnh xung quanh.

        Vào phố Nghĩa Lộ.

        Tôi được biết, nhân dân ở quanh những vùng có giam tù chính trị, do được các đồng chí tuyên truyền, giác ngộ, hoặc qua thái độ và tinh thẩn bất khuất của các đồng chí, nên có nhiều cảm tình với cách mạng, nhất là ở tầng lớp lao động. Ở đây cũng vậy, thấy chúng tôi đến, mặc dầu bị chằng trói, nhưng nét mặt vẫn nghiêm trang, bước đi vẫn đường hoàng, rắn rỏi, nhân dân đã đoán được chúng tôi là hạng người nào rồi. Hai dãy nhà bên đường phố bị chúng cấm dân chúng không được mở cửa. Người đứng trong nhà chỉ ghé qua khẽ hở nhìn đoàn tù chính trị. Chúng tôi vừa đi vào đến đầu phố, đều đồng thanh cất tiếng hát những bài ca cách mạng: “Nào anh em nghèo đâu!...”, "Cùng nhau ta đi hồng binh...". Tiếng hát rất to, nhịp đi đều rầm rập, hùng tráng như đoàn quân chiến thắng xuất trận.

        Bọn lính áp giải đã được lệnh từ trước là phải hết sức ngăn cấm không cho tù chính trị liên hệ với nhân dân bằng bất cứ cách nào. Do đó, chúng tiếp tục hò hét chúng tôi: "Người sau nhìn gót người trước" và dậm dọa dân phố.

        -  Muốn rũ tù hay sao mà khỏe nhìn thế!

        -  Vào hết trong nhà, đóng cửa lại.

        Không một người dân nào nhúc nhích. Bọn lính có thằng sấn sổ giơ báng súng lên định giở trò đàn áp.

        Chúng tôi không ai bảo ai, nhất loạt cất tiếng hô lớn:

        -  Đánh Pháp, đuổi Nhật?

        -  Phản đối khủng bố.

        Rồi mọi người đồng thanh hát vang:

        “Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian.

        Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn.

        Sục sôi…”

        Đoàn tù đi đều hùng dũng. Tiếng hát vang vọng núi rừng. Thấy thế, bọn lính vội bỏ dân, quay lại hầm hè chúng tôi.

        Mặc, chúng tôi vẫn cứ hát, tiếng hát mỗi lúc một hùng tráng, bước chân mỗi lúc một mạnh mẽ. Và bà con dân phố vẫn cứ ghé mắt qua khe cửa nhìn theo...

        Sau này được biết, nhiều bà con hàng phố đã rơi nước mắt trước cảnh xúc động ấy.

        Tình cảm giữa chúng tôi với bà con không phải chỉ biểu lộ một cách lặng lẽ như vậy. Tôi còn nhớ hồi ấy, đoàn tù chính trị tới Nghĩa Lộ được ít ngày thì vừa đúng năm hết, tết đến. Chi bộ chúng tôi họp nhau lại bàn bạc một số công việc cần lãnh đạo, trong đó có mục Tết.

        Theo nghị quyết của chi bộ, chúng tôi cần tổ chức ăn Tết cho ra trò để một là tỏ thái độ bất khuất và dũng khí cách mạng của mình; hai là làm cho cuộc sống của anh em thêm tươi vui, thêm chí khí đấu tranh. Kế hoạch chuẩn bị chu đáo, trong đó có việc trang trí khẩu hiệu, cờ, đèn, biểu diễn ca kịch và cả việc đấu tranh đòi ra làm lễ truy điệu một số đồng chí của ta vì địch đánh đập, đày đọa và bị cơn sốt ác tính đã yên nghỉ ở vườn ổi, đòi trại nọ thăm trại kia, thăm trại giam chị em phụ nữ. Cuộc thảo luận hết sức hào hứng và sôi nổi.

        Chỉ còn vấn đề vật chất, tính đi tính lại với nhau, tiền nong góp lại chẳng được là bao. Nhưng rồi tập thể cũng đi đến quyết nghị: có chừng nào, sắm chừng ấy, vật chất nghèo nàn, tinh thần phong phú, càng áp đảo được địch...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:36:44 pm »


        Ngày 28 Tết (hay ngày 29 Tết, tôi không còn nhớ rõ), tôi và mấy anh em nữa được phân công đi chợ. Với số tiền ít ỏi trong tay, chúng tôi dự định là cũng chả mua được "sơn hào, hải vị" gì ngoài mấy thứ chuối, cam, bánh, gọi là cho đúng với phong vị dân tộc. Việc đi chợ sắm Tết này, tuy trong lúc đấu tranh, chúng tôi đề lên hàng chủ tếu buột bọn địch phải nhượng bộ, nhưng kỳ thực khi ra đến chợ, việc mua bán lại trở thành vấn đề thứ yếu, mà cái chính là để nhân cơ hội này, chúng tôi tranh thủ tiếp xúc với nhân dân. Và quả nhiên, chúng tôi đã đạt được yêu cầu.

        Thấy chúng tôi, nhân dân tự động chạy lại, đứng chật xung quanh, thăm hỏi, chuyện trò tíu tít như người thân lâu ngày xa cách, nay mới có dịp gặp nhau. Một tên lính áp giải, trước quang cảnh ấy, hốt hoảng thúc giục, dọa nạt:

        -  Mua gì thì mua, không được nói chuyện. Mau lên!

        Nhưng chúng tôi cứ phớt lờ, giả vờ như không nghe thấy, vẫn nói chuyện để đồng bào hiểu rõ thêm: Vì sao chúng tôi bị đế quốc cầm tù? Vì sao nhân dân bị áp bức, bóc lột và đói khổ v.v... Chúng không thể cầm tù mãi chúng tôi và thống trị, bóc lột, áp bức mãi đồng bào ta được. Chúng tôi không quên cảm ơn tấm lòng của đồng bào từ lâu đã giúp đỡ các đồng chí cán bộ, giúp đỡ cách mạng.

        Mấy tên lính thấy không ngăn được tình cảm giữa nhân dân với những người cách mạng, bọn hắn lảng dần và bỏ đi mua bán loanh quanh gần đó. Giữa lúc câu chuyện đang rôm rả thì vòng người tự nhiên giãn ra, nhường lối cho một số bà con đem vào cho chúng tôi đủ thứ. Nào là bánh chưng luộc sẵn, nào chè, thuốc lá, hoa quả, hương trầm...

        Tôi nhìn những món quà lòng đầy xúc động, vừa mừng lại vừa lo. Lo làm thế nào mượn được nhân dân bát đũa để dùng trong ba ngày Tết? Nhưng rồi, việc đó đã được nhanh chóng giải quyết. Khi ra tới chợ, ghé qua một số nhà để hỏi mua các thứ lặt vặt, qua chuyện trò, chúng tôi ngỏ ý mượn ít bát đũa để ăn Tết, mấy gia đình đều vui vẻ nhận lời:

        -  Vâng, các ông cứ đi mua gì thì mua, xong quay lại đây sẽ có?

        Mua xong, chúng tôi quay lại thì thấy nào mâm đồng, nào bát to, bát nhỏ, đĩa, đũa son mới, lại thấy cả mấy gói chè to và mấy chục gói thuốc lá bao tím nữa. Đồng bào nói nhỏ với chúng tôi: Tết cổ truyền của dân tộc! Biết rằng các ông còn đang khó khăn, chúng tôi gọi là của ít lòng nhiều góp nhau ít bát đũa để các ông dùng trong mấy ngày Tết, mong các ông nhận cho. Cảm động trước tấm lòng của đồng bào, một đồng chí trong chúng tôi đỡ lời:

        -  Cảm ơn bà con đã dành cho chúng tôi món quà quý giá này.

        Cuộc gặp gỡ đầu tiên với bà con Nghĩa Lộ làm tôi nảy sinh những suy nghĩ về những điều kiện để thoát khỏi nhà tù. Rừng núi thiên nhiên cũng là một thuận lợi, nhưng lòng dân còn là một thuận lợi quan trọng hơn nhiều.

        Chúng tôi nhất trí với nghị quyết của ban tổ chức Tết cho làm một kỳ đài, dựng lên một chiếc cột thật cao, trên ngọn làm một ngôi sao vàng năm cánh thật lớn để nhân dân ở xa cũng nhìn thấy. Theo tôi nghĩ, chẳng những nhân dân thấy chúng tôi tổ chức ăn Tết vui vẻ mà còn thấy một ngôi sao cách mạng tỏa khắp nơi nơi tượng trưng sự soi đường, chỉ lối của Đảng cho toàn dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị, áp bức của thực dân đế quốc.

        Nhân dịp mấy ngày Tết được tiếp xúc với nhân dân, hiểu được lòng dân ở đây, nên quyết tâm khởi nghĩa, phá ngục của chúng tôi càng cao. Các đồng chí đảng viên tranh thủ họp, cùng nhau nhớ lại tinh thần chỉ thị "Về sửa soạn khởi nghĩa" của Tổng bộ Việt Minh (ngày 7 tháng 5 năm 1944) để vận dụng sao cho thích hợp với hoàn cảnh của mình.

        Qua nhiều buổi hội họp, tranh luận, chúng tôi đều thấy cần phải giải quyết một vấn đề quan trọng được xem như là điều kiện tiên quyết, đó là ai xông ra đánh quân thù?

        Ở đây khác với thời kỳ ở Bá Vân, anh em tù chính trị bí trói buộc, giam hãm rất khắt khe, rất hiếm có điều kiện tiếp xúc với cơ sở quần chúng bên ngoài: mặt khác, việc liên lạc với Xứ ủy và Trung ương cũng vô cùng khó khăn. Vì vậy, chúng tôi phải lấy lực lượng chủ yếu nhất, quyết định nhất là các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù. Đội thanh niên xung phong đã được tổ chức từ trước, bây giờ phải tích cực nâng cao chất lượng huấn luyện thiết thực với nhiệm vụ sắp tới và mạnh dạn phát triển số lượng.

        Còn một lực lượng nữa cũng cần phải ra sức tranh thủ, đó là anh em binh lính địch đang ngày đêm canh gác chúng tôi. Công tác binh vận, các đồng chí trước đây đã có làm, nhưng trong cuộc hội nghị này, việc đó được đưa ra xem xét kỹ thì thấy chưa đạt yêu cầu. Cho nên, hội nghị đã có kế hoạch đẩy mạnh công tác binh vận lên một bước nữa. Lúc này, mọi người đều nhận thấy rằng: Nếu công tác binh vận không làm, hoặc làm ít kết quả, thì công việc khởi nghĩa ở trại giam này sẽ gặp nhiều khó khăn... Bởi thế, chúng tôi quyết tâm làm, thận trọng mà làm, và khi cần phải táo bạo mà làm.

        Để tiến hành được nhanh, được tốt nhiệm vụ này, một đội công tác binh vận gồm những đồng chí vừa có khả năng tuyên truyền, thuyết phục, vừa được anh em binh lính địch trọng nể nhất, được thành lập.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:39:31 pm »


        Nhân đây, xin kể một câu chuyện vui, ít nhiều có liên quan đến công tác binh vận trong nhà tù Nghĩa Lộ. Theo sự phân công của ban chỉ huy, tôi chuyên trách về tổ chức, huấn luyện quân sự và rèn đúc vũ khí. Có một hôm, một đồng chí trong đội công tác binh vận đến gặp tôi, cười, nói:

        -  Ông Đồi (Tên tôi hồi ở nhà) ơi, từ nay trở đi ông làm đội viên danh dự đội chúng tôi đấy nhé!

        Tôi ngạc nhiên, hỏi:

        -  Cái gì mà lạ vậy?

        Đồng chí vẫn cười và nói lấp lửng:

        -  Có được một "võ sĩ” cùng hoạt động, còn gì hay bằng nữa!

        Tôi gặng hỏi, đồng chí này tươi cười kể cho tôi nghe: Trong chuyến áp giải chúng tôi từ căng Bá Vân về Hà Nội và từ Hà Nội lên đây, có một vài người lính được bọn mật thám Pháp cho biết tôi là một "tay lợi hại", cần phải hết sức chú ý kẻo tôi trốn. Muốn để mấy người lính đó làm ăn cẩn thận hơn, bọn mật thám còn rỉ tai cho họ biết thêm tôi là một thày dạy võ, dạy quân sự, thập bát ban võ nghệ đều tinh thông, và theo họ thì tôi còn rất cứng đầu cứng cổ. Nhưng sau một chặng đường dài, lên tới đây, họ lại kể cho anh em binh lính ở Nghĩa Lộ biết rằng họ thấy nhà võ sĩ ấy rất hiền và còn nói cho họ nghe nhiều điều rất hay. Họ bảo là, chính do cái bọn mật thám Pháp cho họ biết về anh. Chúng đã vô tình gây cho họ lòng kính phục anh, và anh cũng đã chẳng làm gì cho họ phải sợ cả. Hiện giờ, anh em binh binh ở Nghĩa Lộ đây, đang rất tiếc mấy người áp giải kia chưa kịp chỉ mặt anh cho anh em biết thì họ đã phải về xuôi mất rồi. Đến nay, anh em muốn các đồng chí trong đội binh vận giới thiệu anh cho anh em được rõ. Nhưng các đồng chí ta lại lấy chuyện này làm "vốn”, nên chúng tôi không những đã nói với anh em rằng: Đúng, có "ông võ sĩ" thật, nhưng ông ấy chỉ xuất đầu lộ diện khi nào thật cần thiết, mà còn tô vẽ thêm:

        -  Ông ấy, ngoài thập bát ban võ nghệ tinh thông, lại biết cả gồng, cả điểm huyệt nữa. Thịt da ông ấy, dao chém không đứt. Đánh ai, ông ấy chỉ đặt ngón tay đúng chỗ hiểm là người đó chết tươi... Còn về tính tình, các đồng chí ta giới thiệu là: ông ấy rất thương người nghèo, rất ghét kẻ bóc lột thống trị và lũ tay sai... Nghe vậy, anh em binh lính đều tấm tắc khen ông võ sĩ.

        Tôi đoán là số anh em binh lính áp giải tôi đã được chứng kiến một lần tôi đấu võ với tù thường phạm ở Hỏa Lò -  Hà Nội. Tôi nhớ có một lần trong sân Hỏa Lò, các tù chính trị, tù kinh tế (Pháp phân loại: Tù chính trị là những người hoạt động đảng phái; tù kinh tế là những kẻ ăn cắp, trộm cướp), nam nữ ngồi riêng từng đám quây vòng quanh sân.

        Một người cao to ra đứng giữa thách thức. Mấy anh em tù chinh trị hăng hái nhảy ra đấu, bị hắn quật ngã lăn ra sân. Thấy vậy, tôi xót không chịu nổi. Quan sát kỹ chỗ mạnh, chỗ yếu của hắn, thấy các đồng chí ra trước đã không làm được hai nguyên tắc cơ bản của võ tay không là bám địch đánh địch và lấy sức địch đánh địch. Nó to khỏe, đấm một quả đấm 50 ki- lô- gam, ta chỉ cần thêm vào 20 ki- lô- gam là hắn sẽ phải chịu 70 ki- lô- gam, to khỏe mấy cũng đổ. Tôi nhảy ra, hắn thấy tôi gầy gò mảnh khảnh hắn càng chủ quan kiêu ngạo. Tôi vừa tránh né hắn, tạo cho hắn chủ quan thêm, hắn sấn tới lao vào túm vai tôi. Tôi né người, nắm lấy tay hắn giật mạnh, lỡ đà, lại bị kéo, hắn nhoài người ra. Tôi cứng bàn tay xỉa nhẹ vào nách hắn, hự! Cả thân hình cao to ấy đổ vật xuống sân…

        Anh em tù chính trị nhảy lên reo hò hả dạ.

        Rõ ràng lực lao rất mạnh của hắn cộng với lực vuốt và lực xỉa nhẹ của tôi, ba lực ấy cộng lại, hắn chịu cả, nên hắn phải đổ.

        Có lẽ từ chuyện biểu diễn võ ở căng Bá Vân đến chuyện đấu võ ở Hỏa Lò -  Hà Nội, mà anh em binh lính đặt tên tôi là "võ sĩ đạo".

        Tuy nhiên, khi đồng chí trong đội binh vận thuật lại cho huyền bí, thì tôi không bằng lòng.

        -  Sao cậu lại dựng thêm chuyện huyền hoặc để lòe anh em như vậy? Mình không bằng lòng đâu. Lúc nào cần thiết thì cậu ra mà xuất đầu lộ diện thay "ông võ sĩ" ấy.

        Đồng chí ấy lại cười và bảo tôi:

        -  Anh không tuỳ cơ ứng biến rồi. Anh em binh lính đã bao năm bị bọn đế quốc nhồi vào đầu óc tính "phục tùng cá nhân", mình cũng phải lựa theo trình độ của anh em mà công tác chứ. Về sau anh em dần dần tiến bộ thì anh em sẽ tự hủy cái ý nghĩ "mê tín" ông "võ sĩ đạo" đi và sẽ thay vào đó đồng chí Đồi, cán bộ cách mạng Việt Nam thì đã sao nào?

        Thế là tôi đành chịu. Và cũng từ đó, tôi nghiễm nhiên trở thành "nhà võ sĩ" bí mật. Đồng thời, tôi cũng tự nhủ phải làm sao cho xứng với sự hâm mộ của anh em để khi tổ chức cần nhà võ sĩ ra mắt sẽ không phụ lòng một ai...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:43:25 pm »


        Xin trở lại công tác binh vận. Đối với công tác này, chúng tôi chia thành nhiều bước. Việc trước tiên là phân loại, kẻ nào xảo quyệt, nham hiểm, phản động thật sự, ai là người hăng hái nhưng thiếu chín chắn, ai là người biết thương người nghèo khổ nhưng nhút nhát... Theo đó mà đặt ra phương hướng xử trí, tuyên truyền, giáo dục cụ thể.

        Sau khi đã chọn được đối tượng, việc quan trọng là gây cảm tình cá nhân. Trong công tác binh vận, có gây cảm tình cá nhân thì mới dễ gần gũi, giáo dục được. Có những anh em binh lính tuy chưa được giác ngộ, nhưng họ đối với những đồng chí của ta vẫn thân thiết, kể hết mọi chuyện về đời mình, chuyện sinh hoạt hàng ngày của sĩ quan, binh lính cho đồng chí của ta nghe.

        Sau khi đã chọn được đối tượng, gây được cảm tình cá nhân từ đó mới bắt đầu tuyên truyền khêu gợi tinh thần tự cường dân tộc, lòng yêu mến quê hương, đất nước của mỗi người. Nhân câu chuyện anh em binh lính khâm phục "nhà võ sĩ", các đồng chí của ta đã đem một phần sự thật của đời tôi gắn cho "nhà võ sĩ" nọ để thuật lại cho họ nghe. Các đồng chí nói: "nhà võ sĩ” cũng xuất thân là một người dân cùng đinh, tấc đất cắm dùi không có, đi làm thuê làm mướn không đủ ăn, bị bọn hương lý cướp đất, cướp nhà, gia đình sống nheo nhóc trong túp lều vịt, rồi lang thang kiếm sống. Chuyện võ sĩ từ anh cùng đinh đến chỗ biết làm bao nhiêu nghề: nề, một, nguội, thợ đầu máy xe lửa trên con đường xe lửa Hà Nội -  Vân Nam mà vẫn cùng cực. Chuyện võ sĩ vì căm thù bọn đế quốc, phong kiến bóc lột gia đình mình, áp bức nhân dân Việt Nam mình mà quyết chí đi tìm thầy, học đạo, học các môn võ nghệ từ năm 13 - 14 tuổi... Qua đó, các đồng chí ta gợi chuyện nghèo khổ của anh em và dần dần vạch ra con đường để anh em thấy cần phải đi.

        Các đồng chí ta còn đặt nhiều câu hỏi cho anh em tự suy nghĩ như: Các bạn cầm súng trong tay để bắn giết ai, làm lợi cho ai? Các vị Đội Cấn, Đội Cung là ai, và đã cùng ai nổi lên ở Thái Nguyên, Đô Lương làm những việc muôn người ca ngợi? Các vị đó nghĩ gì mà có hành động như vậy, để lại tiếng thơm muôn đời về sau? v.v.

        Đến giai đoạn này, anh em binh lính mới thổ lộ rõ tâm tư, hoàn cảnh của mình hơn. Nhìn chung, trong lòng mỗi người đều ít nhiều vẫn có tình yêu mến quê hương xứ sở, yêu mến Tổ quốc. Nhưng trong từng người lại có những nguyên nhân khác nhau dẫn họ đến con đường cầm súng, chết thay cho giặc. Có người vì cầu an, có người vì tiền, vì quyền lợi gia đình, có người vì bị lừa phỉnh hoặc bị bắt buộc, v.v. Và đến khi được tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước thì từng người cũng có những nguyên nhân khác nhau dẫn đến ủng hộ hoặc đi theo cách mạng với mức độ khác nhau.

        Sau bước này, là đến bước giao việc, thử thách: Từ việc dễ đến việc khó, từ việc thường tới việc nguy hiểm. Công việc lúc đầu có khi chỉ là nhờ anh em mua giúp hộ cái kim, cuộn chỉ, gói thuốc lào, rồi dần dần mua bút mực, sách vở. Và phải một thời gian khá lâu mới tiến tới giao công việc khó khăn như: nghe ngóng tin tức và lấy báo chí, tài liệu... Mỗi khi nâng công việc của người nào lên một bước, tập thể đều có thảo luận nhận xét về người đó rất cẩn thận. Cho đến lúc đánh giá xem một người nào đó đã đạt đầy đủ tiêu chuẩn làm nòng cốt nhân mối thực sự chưa thì lại càng phải hết sức tỉ mỉ, thận trọng. Đến khi một người nào đó có đầy đủ tiêu chuẩn rồi, đều phải trải qua các bước: Được đội phụ trách binh vận nhất trí tán thành; được ban lãnh đạo chung và chi bộ nhà tù quyết định cuối cùng thì người đó mới được công nhận là nòng cất, nhân mối thật sự.

        Song song với vấn đề ai xông ra đánh quân thù, nghĩa là tổ chức, chuẩn bị lực lượng, còn phải giải quyết vấn đề lấy gì mà đánh?

        Ở vào hoàn cảnh của những người tù chính trị trong trại giam đế quốc lúc đó thì dù chỉ có khúc gỗ, đoạn tre cũng rất quý và cũng đã liệt vào loại có khả năng dùng nó làm vũ khí tiêu diệt quân thù. Nhưng tất nhiên, chưa ai cho rằng gỗ, tre đã đủ dùng khi khởi sự được. Cho nên, có hai việc rất lớn được chi bộ nhà tù đặt ra, đó là việc tự rèn đúc vũ khí và việc tổ chức lấy súng đạn của giặc.

        Việc rèn đúc vũ khí, anh em trao cho tôi, vì trước đây tôi là thợ nguội. Có nhiều đồng chí vui tính đã gọi tôi là "giám đốc công binh xưởng".

        "Công binh xưởng" đã được chuẩn bị đặt ở trong căn buồng nhỏ, ở một phía góc nhà tù, có phên nứa ngăn riêng. Ở đấy tôi đào và đắp đất thành một lò rèn, lấy búa tạ thường ngày đập đá, chôn xuống làm đe. Hàng ngày, bộ phận anh em làm ở nhà bếp có trách nhiệm dấm than để dành và chuyển dần lên cho.

        Đến việc làm bễ, anh em thảo luận mất khá nhiều thời gian. Nếu làm hai ống thụt đàng hoàng thì cồng kềnh, lúc động dụng phải cất giấu sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ bị lộ. Có ý kiến bảo: nên lấy ống bương làm cái bơm, nhưng cũng chưa tiện, cuối cùng có một sáng kiến được chấp nhận là mua một con chó, lấy thịt ăn, còn bộ da khâu lại thành một cái bao, vặn hai đầu làm cái bễ xếp, hơi cũng nhiều, khi cần thiết có thể tẩu tán mau chóng được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 11:45:32 pm »


        Về nguyên liệu, dựa vào đội binh vận. Các đồng chí giao cho các anh em binh lính đang thời kỳ thử thách hoặc các nhân mối để lượm lặt sắt vụn, dao kéo cũ hỏng đưa về, chôn cất cẩn thận vào một chỗ, dùng đến đâu, đào lên đến đấy.

        Ngày nào muốn "quật búa, khai đe", chúng tôi nhằm vào lúc cai đội, binh lính đi tập, đi ăn cơm và phải nhờ anh em nhân mối canh gác giúp. Để bảo đảm tốt hơn, chúng tôi phải tổ chức các đồng chí ta ở các trại hò hét, gảy đàn, kéo nhị, có khi còn giả vờ cãi cọ nhau loạn xị để át tiếng búa, tiếng đe. Sản xuất được con dao, chiếc mã tấu nào, chúng tôi chuyển ngay sang trại giam các nữ đồng chí chôn giấu ở bên đó.

        Quanh cái "công binh xưởng" đó, đã xảy ra nhiều chuyện lý thú. Một hôm, có ám hiệu báo có nguy hiểm rất gấp ở ngoài sân. Tôi vội cất giấu mọi dụng cụ, san bằng bếp, rồi chạy ra, chuẩn bị ứng phó nếu bị khám xét. Nhưng khi nhìn ra, tôi chỉ thấy hai anh lính, tay đang giằng co nhau vật gì không rõ, miệng thì sỉ vả nhau thậm tệ. Mấy đồng chí ta cũng đang sấn vào can ngăn. Khi đã đẩy được mỗi người sang một bên, tôi mới ra tận nơi xem. Thì ra, cả hai người lính đều là nhân mối của ta, nhưng lại không biết nhau. Một anh đi tìm sắt vụn để cho "công binh xưởng" làm vũ khí. Anh ta nghĩ, nếu chỉ có sắt không có thép, dao không sắc. Anh có tìm được mấy thỏi sắt tròn mà anh cho là thép, giấu kín trong người, định đem đến trại giao cho tôi. Một anh làm nhiệm vụ canh gác, thấy anh kia xống xộc đi vào, liền ngăn lại. Thế là hai bên đã sinh sự với nhau... Có điều đáng buồn cười là cả hai bên đều dùng những câu chẳng ra đâu vào đâu để căn vặn, đối đáp nhau, cho nên cuộc đấu khẩu có lúc rất căng.

        Biết sự tình không có gì đáng lo ngại, tôi lặng lẽ trở vào tiếp tục lôi bễ da chó, nổi lửa, bắt tay vào việc. Tiếng búa đập trên đe chan chát, lửa tóe lên như những chùm hoa. Trong phòng bừng sáng lên một màu hồng rất đẹp.

        Mặc dầu việc tổ chức rèn dao, đánh mã tấu có đôi chút thuận lợi, nhưng chúng tôi cũng quyết định làm gấp rút trong một thời gian ngắn cho hoàn thành kế hoạch để sớm xóa bỏ vết tích lò rèn, đề phòng địch phát hiện.

        Còn việc lấy súng của địch, các đồng chí có lắm ý kiến, nhưng cuối cùng mọi người đều nhất trí, nếu lấy sớm, hàng tuần bọn chỉ huy kiểm tra thấy thiếu, sẽ tổ chức khám xét gắt gao, việc chôn giấu chỉ loanh quanh ở mấy cái buồng nhỏ trong nhà tù cũng gặp nhiều khó khăn, dễ bị chúng lùng sục, phát hiện ra. Mà đã để đến "nước" ấy thì rất có thể vỡ lở cả các kế hoạch khác. Nhất là đối với anh em binh lính đang được ta giáo dục, thử thách, nếu sớm bị khủng bố gay gắt sẽ dễ dao động, xao xuyến. Do đó, chúng tôi giữ bí mật ý định này và càng ra sức làm tốt công tác binh vận. Đến khi nào được đông đảo anh em binh lính theo ta và sắp sửa hành động, thì súng đạn trên tay anh em cũng là của ta cả. Đẩy mạnh công tác binh vận trong hoàn cảnh ấy, không những chỉ phát triển lực lượng, giải đáp được một phần quan trọng của vấn đề ai xông ra đánh quân thù, mà còn "chôn giấu” được vũ khí vào những nơi kín đáo nhất, chắc chắn nhất, đó là "chôn giấu” ngay "trong lòng" các binh sĩ đang được chúng tôi mang hết tâm trí ra hun đúc lòng yêu nước, chí căm thù giặc của họ, khi thời cơ đến là có ngay, có đủ vũ khí dùng vào việc vượt ngục, khởi nghĩa.

        Có lực lượng, có vũ khí rồi, phải giải quyết đánh địch bằng cách nào để giành thắng lợi hoàn toàn?

        Đây lại là một vấn đề rất gay go đối với kế hoạch khởi nghĩa trong nhà tù, rồi từ trong nhà tù phát triển rộng ra bên ngoài.

        Đã có rất nhiều cuộc bàn bạc, tranh luận diễn ra. Mặc dù đều chung một mục đích vượt ngục trở về với Đảng để hoạt động cách mạng, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể nào nhất trí được với nhau về cách đánh. Người thì chủ trương dùng cách biểu tình phản đối đi đôi với đấu tranh bằng thương lượng. Người thì cho rằng chỉ có cách bắt cóc những tên chỉ huy đầu sỏ, buộc không phải hạ lệnh cho toàn bộ cấp dưới của chúng đầu hàng ta... là êm ả nhất, dễ thành công nhất. Hoặc là êm ả bí mật rút ra ngoài rồi tản đi các nơi, xây dựng cơ sở... Người thì thấy cần phải vận động quần chúng, tổ chức lực lượng tiên phong, huấn luyện quân sự vũ trang chiến đấu, chớp lấy thời cơ thuận lợi, tiêu diệt địch, vượt ra với quần chúng, tổ chức chiến khu cách mạng, bắt liên lạc với các căn cứ xung quanh thành khu căn cứ cách mạng rộng lớn. Đó mới là cách chắc chắn nhất, v.v.

        Biết là vấn đề rất quan trọng và có tác dụng quyết định đến thành bại của cuộc khởi nghĩa, nên chúng tôi càng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, không thể vội vã, hấp tấp được.

        Nhưng dù đánh bằng cách nào cũng đều yêu cầu mỗi chiến sĩ cách mạng phải hiểu biết về quân sự, phải rèn luyện bản lính chiến đấu. Điều này tất cả mọi người đều nhất trí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:40:22 am »


        Vậy đã ở trong tù, làm thế nào luyện tập được? Đi một bước, lưỡi lê kèm một bước. Và mặc dầu được anh em binh lính cảm tình với cách mạng giúp đỡ che giấu, nhưng anh em cũng không dám để chúng tôi quá tự do, muốn sao nên vậy được. Thế thì đi đâu? Tập như thế nào cho thích hợp? Nếu lộ một chút, rất có thể dẫn đến những hậu quả tai hại không lường được.

        Tôi nhớ lại hồi đầu năm 1941, khi còn bị giam ở sở mật thám Hà Nội, lúc đó bị địch kiểm soát rất gắt gao, nhưng được tổ chức phân công, tôi vẫn tranh thủ huấn luyện quân sự cho các anh Nghĩa, anh An... bằng cách ngồi chuyện trò, vẽ xuống sàn nhà. Nhưng đến thời kỳ ở căng Bá Vân -  Thái Nguyên, việc huấn luyện quân sự thật là say mê, thích thú làm sao. Đối với các chiến sĩ cách mạng, nhà tù là nơi tiếp tục đấu tranh với kẻ thù và là trường học đào tạo cán bộ cách mạng. Những năm ở trong nhà tù của đế quốc, Đảng đã giáo dục, bồi dưỡng chúng tôi toàn diện như học văn hóa, ngoại ngữ, lý luận chủ nghĩa Mác -  Lênin, đường lối cách mạng của Đảng, công tác chi bộ, công tác vận động quần chúng và một nội dung quan trọng nổi bật nữa là rèn luyện thể lực, huấn luyện quân sự.

        Ở căng Bá Vân, chi bộ Đảng lãnh đạo việc học quân sự cho các đảng viên và quần chúng thanh niên nòng cốt rất tập trung và rất kiên quyết: mặt khác, chúng tôi tranh thủ được sự ủng hộ của một số anh em binh lính có cảm tình với cách mạng, tổ chức hội binh sĩ cứu quốc.

        Nhân dịp những ngày kỷ niệm 1 tháng 5 hoặc kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, chúng tôi tổ chức ngày hội điền kinh, biểu diễn một số môn điền kinh và võ dân tộc, có mời quần chúng vùng xung quanh và thị xã Thái Nguyên tới xem.

        Chúng tôi thi các môn nhảy cao, nhảy xa, xà đơn, xà kép, chạy, bơi, võ, đánh bốc, đấu quyền, đấu kiếm, v.v. Anh Phạm Quang Thân biểu diễn môn đánh gậy; anh Nho nổi tiếng về bơi ngược dòng sông Kông 9 ki- lô- mét -  một con sông nhỏ men theo triền núi Tam Đảo, nước chảy mạnh; tôi biểu diễn các môn võ tay không, đại đao; các anh khác biểu diễn và thi nhiều môn võ dân tộc rất hấp dẫn thanh niên.

        Khán giả là những anh em trong tù, vỗ tay reo hò cổ vũ nhiệt liệt, lôi cuốn cả số đông binh lính và thanh niên trong vùng kéo đến mỗi lúc một đông.

        Sau mỗi lần tổ chức như vậy, nhân dân lại hỏi: Lần sau dự định tổ chức vào ngày nào? Nhớ báo cho bà con biết nhé!

        Các môn thể thao và võ được thanh niên rất ưa thích, dần dần thành phong trào tập luyện sôi nổi. Từ phong trào ấy, bước vào học quân sự, thanh niên tiếp thụ rất nhanh. Đầu tiên, chúng tôi chú trọng rèn luyện tác phong quân sự và kỷ luật quân sự: ăn, ở, đi, đứng, làm lao động, học tập... đều nghiêm túc, khẩn trương. Trước khi làm gì, đều có chuẩn bị kỹ và kiểm tra; sau khi làm, bao giờ cũng có kiểm điểm rút kinh nghiệm và nhận xét. Lệnh đã ban ra thì trăm người như một, nhất nhất chấp hành. Trong tù, đồng chí nào bị kỷ luật thì rất khổ tâm, phải đem khẩu phần ăn của mình ra ngồi ăn riêng, không được chuyện trò với ai, bất cứ đi đâu, kể cả đi tiểu, đại tiện cũng phải xin phép. Nhưng trên tinh thần tự giác rèn luyện, mọi người đều phấn đấu cố gắng giữ gìn kỷ luật tốt.

        Chúng tôi học từ các động tác đội ngũ, sử dụng vũ khí, đến các kỹ thuật chiến đấu cá nhân, dần dần nâng lên trình độ chiến thuật, kỹ thuật, công tác tham mưu và học chỉ huy... Những nội dung bồi dưỡng, huấn luyện đều sát với yêu cầu nhiệm vụ trước mắt là khi có thời cơ thì nổi dậy, phá ngục vượt ra chiến đấu, đồng thời cũng chú ý yêu cầu đào tạo cán bộ chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, xây dựng quân đội sau này. Những vấn đề về cách xem xét, phân  tích địa hình, phân tích địch, suy nghĩ tính toán làm kế hoạch tác chiến, và một số hình thức chiến thuật cần thiết đều được chú trọng.

        Những buổi học tập ban đầu, thường được tiến hành ở trong nhà -  bây giờ trong các trường quân sự của ta gọi là tập bài chiến thuật trên bản đồ, trên sa bàn.

        Ở trong ngôi nhà nuôi gà khá lớn của căng Bá Vân, nơi ấy, anh Linh thường ngồi sao chép lại các chỉ thị, tài liệu của Xứ ủy từ bên ngoài gửi vào, được đắp lên một bàn cát có núi rừng, làng mạc, sông ngòi, đường sá, v.v. Ở ngoài nhà, bố trí người lao động, tưới rau, làm vườn để canh gác. Các quân cờ được dùng để vừa thay cho quân của hai bên và tượng trưng cho trang bị vũ khí, vừa để đề phòng nếu bị khám xét thì giả vờ chơi đánh cờ. Ở giữa bàn cát ngăn bằng một tấm liếp. Một tốp được tạm ghép từ bốn đến năm người, thay nhau tập làm một ban chỉ huy và tham mưu. Huấn luyện viên đứng giữa làm trọng tài điều khiển, nêu tình huống cho bên phòng ngự, nêu tình huống cho bên tiến công. Để cho hai bên nghiên cứu bố trí thế trận trong một thời gian nhất định, huấn luyện viên ra lệnh hết thời gian chuẩn bị và nhấc tấm liếp ở giữa ra để “Bộ chỉ huy" của hai bên phân tích thế trận của mình và của đối phương. Cuối cùng huấn luyện viên nhận xét, kết luận đúng, sai, mạnh, yếu của từng bên... Sau đó, anh em nhận xét, bổ sung là xong, kết thúc khoa mục huấn luyện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:43:46 am »


        Sau khi học tập nguyên tắc lý luận và tập chỉ huy trên bàn cát, chúng tôi bắt đầu ra thực địa tập chỉ huy có "thực binh".

        Anh Trịnh Tam Tỉnh lúc đó được chi bộ giao nhiệm vụ trong nội bộ, phụ trách binh vận và cải thiện đời sống, nhưng công khai phụ trách trật tự điều khiển mọi mặt.

        Hàng thần anh Tỉnh cắt cử người vào rừng lấy củi đều dựa vào ý định sắp xếp các bộ phận và ý định luyện tập chiến thuật. Bộ phận nào đi trước, bộ phận nào đi sau, ai ốm nghỉ ở nhà thì hôm khác tập bù. Tổ này tập xong một thương trình, lại thay tổ khác.

        Những ngày đầu tuần, chúng tôi lao động rất khẩn trương, lấy thật nhiều củi, tập trung giấu kín một chỗ; dùng thời gian những ngày sau để tập quân sự, tập xong, đem củi về dần.

        Nội dung luyện tập rất phong phú: tập đánh tháo (Đánh giải vây), đánh úp đánh tỉa, mai phục, đánh bảo vệ căn cứ địa, v.v. Những bài tập ở sa bàn trong chuồng gà, bây giờ được ứng dụng vào thực địa. Dòng sông Kông vào mùa mưa lũ, nước đục ngầu, ào ào cuộn chảy, chúng tôi hăng hái vượt qua, vào rừng rậm, núi cao bắt đầu phân chia bên ta, bên địch, trước tập chậm theo kiểu “xếp quân cờ" vài lần, sau khi đã quen quen, mới bắt đầu diễn tập gần như thật. Khẩu lệnh đã phát ra, mọi người phải nhất loạt xông lên, không kể gì gai góc, khó khăn, ẩn hiện thoăn thoắt trong rừng cây, tiến thoái mau lẹ. Có những lần anh em binh lính là nhân mối của ta áp giải chúng tôi đi lấy củi hoặc anh em binh lính có cảm tình với cách mạng còn cho chúng tôi mượn súng để luyện tập. Trường hợp gặp người lính chưa có cảm tình với ta đi theo, thì chúng tôi tìm mọi cách giữ lại uống rượu, đánh bạc ở nhà cơ sở của ta bên bờ sông Kông. Những ngày tập luyện trong rừng, điều kiện để trốn thoát tuy có phần nào thuận lợi, nhưng tổ chức vượt ngục phải cân nhắc kỹ, phải có quyết định của cấp ủy, của chi bộ và phải xin chỉ thị của Xứ ủy...

        Vì vậy, mọi người phải tuyệt đối phục tùng kỷ luật về việc vượt ngục. Không một ai tự động thoát tù khi chưa có chỉ thị của tổ chức. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi đi lấy củi, đi mua lợn, gà, rau giống, có điều kiện cho phép là chúng tôi tranh thủ tuyên truyền cách mạng trong quần chúng, tổ chức thanh niên cứu quốc, huấn luyện quân sự cho số thanh niên nòng cốt.

        Lúc đầu, chúng tôi tổ chức quần chúng ở xung quanh Bá Vân, dần dần phát triển đến Phúc Thuận, Bình Định, Tân Cương và xung quanh thị xã Thái Nguyên... Nội dung huấn luyện cũng từ thể thao, vũ thuật đến quân sự, tiến tới giao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ cơ sở, bảo vệ đường dây, trị an, trấn áp bọn đầu sỏ các toán cướp, v.v. Sau một thời gian thẩm tra, thử thách và xét có thể tin cậy được, chúng tôi huấn luyện thực sự về quân sự để làm nòng cốt trong quần chúng, chuẩn bị khởi nghĩa và phát triển lực lượng vũ trang sau này. Chẳng bao lâu, hàng trăm đồng chí ta và thanh niên yêu nước đã nắm được một số điểm cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật quân sự... thuận lợi biết bao nhiêu khi quyết định khởi nghĩa trong tù, xây dựng khu căn cứ du kích và làm nòng cốt cho lực lượng quân sự ở vùng tây nam thị xã Thái Nguyên.

        Ở Nghĩa Lộ có nhiều khó khăn hơn ở căng Bá Vân, nhưng lại có những thuận lợi khác. Ở đấy chúng tôi không được đi ra ngoài nhiều như ở Bá Vân, nên chi bộ nhất trí thay đổi cách học, lấy địa điểm học tập ở trong trại giam là chính. Và tất cả các khoa mục kỹ thuật, chiến thuật đều phải nhằm phục vụ cho nhiệm vụ khởi nghĩa, tiêu diệt quân địch và đánh chiếm các trại giam, vượt tù, ra lập chiến khu du kích.

        Để chuẩn bị luyện tập có kết quả, chúng tôi lại họp nhiều lần để cùng nhau đóng góp ý kiến. Một số anh em thắc mắc: Tập quân sự mà súng ống chả có thì khó có kết quả?

        Đồng chí Nhu và đồng chí Nho nói với anh em:

        -  Các đồng chí cứ yên tâm, vài ngày nữa chúng ta sẽ có súng để luyện tập.

        Các đồng chí ấy đã tìm cách gần lính gác, miệng tán những chuyện thần thoại, chuyện "Trung -  Nhật chiến tranh", nhưng mắt vẫn để ý quan sát khẩu súng, để nhập tâm đầy đủ các bộ phận và kích thước của khẩu súng. Mấy ngày sau, các đồng chí ấy đã đem đến cho anh em khẩu súng gỗ mà thoạt nhìn ai cũng tưởng là súng thật. Nòng, báng, đầu ngắm, khoá nòng, hộp tiếp đạn, v.v. đều có cả, giúp cho việc giảng dạy về cấu tạo và sử dụng vũ khí có nhiều thuận lợi.

        Chúng tôi quý nó lắm. Ai cầm lấy cũng gượng nhẹ, nâng niu.

        Để chuẩn bị vượt ngục thành công, hoạt động gây cơ sở, chuẩn bị lực lượng ở núi rừng hiểm trở được thuận lợi, chúng tôi còn chú ý huấn luyện cách sử dụng địa bàn và tìm biện pháp "chế tạo" địa bàn trang bị cho anh em.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 07:45:45 am »


        Trong không khí tự hào về khả năng sáng tạo của quần chúng, sau khi đã tự chế được khẩu súng gỗ, đồng chí Nhu lại nhận nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo loại sản phẩm mới này, rất vui vẻ và tự tin:

        -  Mình đảm nhận làm món ấy cho.

        -  Nhưng lấy đâu ra nam châm, lấy đâu ra máy móc mà đòi chế địa bàn? -  Một đồng chí băn khoăn hỏi lại.

        Vẫn đầy lòng tin tưởng, đồng chí Nhu đáp:

        -  Tay trắng làm nên mới hay chứ. Cách mạng là ở chỗ đó.

        Chỉ vài hôm sau, đồng chí Nhu đã đưa cho chúng tôi chiếc địa bàn rất xinh. Anh em cầm xoay thử, thấy rất chính xác ngạc nhiên hỏi:

        -  Làm thế nào mà giỏi vậy, Nhu?

        Đồng chí Nhu cười:

        -  Có công mài sắt có ngày nên kim, đúng là mình mài sắt thật. Lấy những mảnh sắt nhỏ, cắt, giọt, giũa, mài... rồi đục, khoét, chắp nối mãi cũng thành. Còn nam châm, mình lấy ở mũi con dao có chất ấy cho truyền sang kim địa bàn là được thôi.

        Trong nhà tù làm được như vậy là một công trình sáng chế lớn, rất quý đối với chúng tôi lúc ấy. Có nó, vừa để học tập vừa để sau này vượt ngục, chiến đấu. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục chuẩn bị các dụng cụ khác để tập quân sự và sẵn sàng hành động.

        Rút kinh nghiệm huấn luyện quân sự ở căng Bá Vân, trong hoàn cảnh mới có khó khăn hơn, chương trình, nội dung huấn luyện của chúng tôi càng được chọn lọc ngắn gọn, sát với yêu cầu nhiệm vụ hơn.

        Ngoài việc ôn luyện kỹ thuật, rèn luyện tác phong chiến đấu khẩn trương, chúng tôi tập báo động chiến đấu tập đánh giáp lá cà, tập vượt ngục, tập đánh tháo, tập đánh úp, tập đánh du kích, xây dựng chiến khu du kích, v.v.

        Nhưng bao trùm lên tất cả những công việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa là vấn đề tư tưởng. Ở bất cứ nhà tù nào, dù bị bọn chúa ngục đối xử tàn bạo đến đâu, kiểm tra, sục sạo gay gắt đến mức độ nào, các đồng chí ta vẫn tiếp tục tổ chức các lớp huấn luyện chính trị để nâng cao tư tưởng, giữ vững khí tiết cách mạng cho nhau. Và đây cũng là một việc trang bị "vốn liếng" trau dồi thêm trình độ chính trị quân sự... cho từng người để mai mốt thoát khỏi nhà tù đế quốc, về phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân đắc lực hơn.

        Vì chúng tôi quan niệm nhà tù đế quốc đối với người cách mạng là nơi tiếp tục đấu tranh cách mạng, là trường học đào tạo cán bộ cách mạng, chứ không phải là nơi nằm chờ thụ động.

        Đứng trước nhiệm vụ mới và cụ thể của chúng tôi ngay cuộc họp bàn trong dịp mấy ngày Tết ấy, đồng chí Trần Huy Liệu đã được chi bộ ủy nhiệm thảo ra một chương trình huấn luyện lý luận cách mạng, giáo dục chính trị cho các đồng chí ta. Tất cả những bài giảng đều nhằm bồi dưỡng thêm cho nhau lòng tin tưởng vững chắc vào tiền đồ tất thắng của cách mạng, nâng cao tinh thần đấu tranh, bền bỉ, dũng cảm hy sinh khi cách mạng cần đến.

        Với tinh thần náo nức đợi ngày nổi dậy, các buổi học tập quân sự, học tập chính trị, các đồng chí ta hết sức tập trung tư tưởng theo dõi thuyết trình viên và cùng nhau thảo luận rất sôi nổi.

        Nhờ đó mà không khí chuẩn bị mọi mặt cho cuộc nổi dậy vượt ngục khẩn trương hẳn lên.

        Một buổi sớm thượng tuần tháng 3 năm 1945, binh lính trong trại nhốn nháo khác thường. Các anh em nhân mối lần lượt báo cho chúng tôi biết tin: Nhật đã đảo chính Pháp... Nhật đã chiếm toàn bộ Hà Nội... Pháp, Nhật còn đang đánh nhau ở Vĩnh Yên, Việt Trì, Yên Bái.

        Giữa lúc ấy, chúng tôi vẫn chưa liên lạc được với Trung ương. Phải chăng thời cơ đã đến? Nhà tù Nghĩa Lộ vùng dậy được chưa? v.v.

        Phần đông trong chúng tôi đều có chung một câu hỏi như thế và đều hướng sự suy nghĩ của mình để tìm lời giải đáp.

        … Pháp thua bỏ cả Sơn Tây, Phú Thọ, Việt Trì, Yên Bái rồi! Pháp từ các ngả, người, ngựa, xe cộ lê thê, lốc thốt chạy qua Nghĩa Lộ đi Sơn La, Lai Châu tháo sang Thượng Lào, sang Trung Quốc rồi?... Hết tin này, tin khác đến với chúng tôi. Hỏi đến tình hình binh lính Pháp ở Nghĩa Lộ ra sao, anh em nhân mối cho biết: chúng vẫn huênh hoang nào là quân Đồng minh sắp vào Trung Kỳ, nào là tướng Lơ- cléc đang ở biên giới Trung -  Việt. Ngoài ra chúng còn chống chế, xuyên tạc, đánh lạc hướng, nói rằng bọn tàn quân Pháp chạy qua Nghĩa Lộ là để trở lại quyết chiến với Nhật? v.v. Khi chúng tôi gặng hỏi tình hình bên trong của bọn Pháp ở Nghĩa Lộ thực tế ra sao, thì anh em nhân mối bảo: chúng ra sức mua chuộc quản Nhượng, đội Mai để hai đứa dọa nạt binh lính, mặt khác, chúng thu vén hòm xiểng khóa gọn ghẽ rồi!...
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM