Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:13:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những chặng đường chiến đấu  (Đọc 36760 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:03:25 pm »


        Chỉ có quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng vô sản chân chính thì trong hoàn cảnh một mất một còn, sống giữa vòng vây của địch đang xiết chặt mới giữ vừng được tinh thần lạc quan như vậy. ở Đồng Xuân, một đảng viên nói với đồng chí Trần Quốc Hoàn: "Chỉ khi nào tiểu đội tôi không còn một ai nữa thì quân giặc mới chiếm được cái chợ này". Ở Hàng Gai, bên dãy số chẵn là chiến tuyến của ta, bên kia địch cắm 5 vị trí, bên này nói to, bên kia nghe rõ, thỉnh thoảng anh em ta lại tổ chức ca nhạc, đàn hát cho chúng biết rằng: ở bên này chúng tao vui lắm, nhưng bọn bay chớ có mò sang mà ăn đạn đấy!

        Ban chỉ huy trung đoàn Thủ Đô báo cáo lên Bộ chỉ huy mặt trận về tinh thần chiến đấu rất cao của bộ đội và hứa hẹn: sẽ động viên nhau khắc phục mọi khó khăn về vật chất, bằng cách cho đào giếng để bảo đảm có đủ nước ăn và tắm giặt; sẽ tổ chức lực lượng ra bờ sông lấy ngọn khoai lang, chuối xanh, đu đủ... làm rau xanh. Ban chỉ huy trung đoàn còn điện ra cho biết đã lập một đội tiếp tế tại chỗ, chuyên lo tìm kiếm, thu về tất cả những gì là lương thực, thực phẩm làm thành kho dự trữ tại chỗ đảm bảo cho bộ đội ăn no đánh giặc. Cả các đơn vị tiểu đội đóng ở các phố giáp địch cũng tìm kiếm lương thực, thực phẩm khô trong những căn nhà bị bom đạn đánh sập đổ. Chúng tôi cố gắng tự lo việc ăn uống để cấp trên khỏi phải bận tâm, tập trung chỉ huy tác chiến...

        Qua cuộc đi thăm trung đoàn Thủ Đô của các đồng chí Trần Quốc Hoàn, Lê Quang Đạo, và qua những điện thư, thư quyết tâm tới tấp gửi về, Thành ủy Hà Nội càng vững tay lãnh đạo cuộc chiến đấu quyết hệt nhưng đầy vinh quang và tự hào này. Về phần tôi, tôi càng cảm phục và tin tưởng vào ý chí chiến đấu kiên cường của anh em ta ở Liên khu I và tin vào cái thế trận của toàn bộ mặt trận Hà Nội mà trong đó trung đoàn Thủ Đô đang đảm nhiệm phần trọng yếu: cái thế trận đã góp phần bước đầu làm thất bại chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của bọn xâm lược Pháp.

        Thấm thoát đã đến tết Nguyên Đán. Mặt trận Hà Nội ghìm địch trong thành phố đã hơn một tháng rưỡi. Từ khắp các địa phương trên đất nước gửi thư, gửi quà uý lạo chiến sĩ Hà Nội. Trên các nẻo đường, từng tốp người gồng gánh bánh chưng, cam, bưởi, mứt, kẹo, thuốc lá ra tận các chiến hào vây địch ở các cửa ô, đem vào tận Liên khu I -  trận tuyến kiên cưởng ở trong lòng địch. Thủ đô kháng chiến đón xuân một cách thật là Hà Nội, cũng hoa đào, hoa cúc, cũng pháo đùng, pháo bánh, pháo thăng thiên, cũng tổ chức đêm ba mươi, nhưng là một đêm ba mươi "có một không hai", liên hoan ca kịch, ngâm thơ, rồi đi đánh giặc đánh về lại ngâm thơ mừng xuân, lại ca hát, pháo nổ suốt đêm, súng nổ suốt đêm mà nổ nhiều nhất là vào lúc giao thừa. Đặc biệt, trong đêm giao thừa này, các chiến sĩ Thủ Đô rất vinh dự được Bác Hồ gửi thư riêng, đọc thư Người, có ai cầm được nước mắt? Những lời thăm hỏi thân thiết ân cần của Người cha hiền từ thương yêu những đứa con trung hiếu. Báe Hồ gọi những chiến sĩ Thủ Đô là em: "... Các em ăn tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến.

        Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta, mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phụng Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau.
        …
        Các em hăng hái tiến lên, lòng già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em.

        Tôi thay mặt Chính phủ và đồng bào gửi các em lời chào thân ái và quyết thắng"
(Hồ Chí Minh, Với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1975, tr. 25- 26).

        Những lời tuyên dương của Bác Hồ là lời của đất nước bốn nghìn năm bất khuất kiên cường, ghi nhận công lao những người con anh hùng đang viết tiếp những trang sừ mới rất oanh hệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:19:05 pm »


        Qua tết Nguyên Đán (Đinh Hợi), mặt trận Hà Nội bước vào giai đoạn gay go nhất. Quân Pháp đã đưa được một số viện binh từ Hải Phòng lên Hà Nội. Có thêm viện binh, chúng dồn sức cố đánh bật các đơn vị của ta ở ngoại thành ra xa các cửa ô. Mặt khác chúng liên tục giội bom, bắn pháo vào trận địa trung đoàn Thủ Đô, chuẩn bị mở những cuộc tiến công quyết định. Trên bản đồ chiến sự lúc này, trận địa của trung đoàn Thủ Đô chỉ còn là một mảnh con con tô màu đỏ nằm lọt giữa vùng địch chiếm đóng khá rộng tô màu xanh. Bộ chỉ huy quân đội xâm lược Pháp tức tối điên cuồng, vì đã hơn bốn chục ngày rồi mà cái mảnh đỏ chói kia cứ chọc vào mắt họ. Họ đã mất hàng trăm tên lính lê dương thiện chiến ngã gục bên những lề đường, gốc cây, trong những căn nhà đổ nát, mà vẫn không thu hẹp được cái mảnh tô đỏ ấy đi được mấy tí. Từ chỗ chủ quan xem thường lực lượng đối phương, Bộ chỉ huy Pháp đã phái khuyển giọng "đề cao" trung đoàn Thủ Đô là đơn vị "tinh nhuệ nhất của Việt Minh. Điều đó cũng chẳng có gì là khó hiểu. Đây chỉ là cách giải thích vì sao quân đội Pháp hùng cường mà nuốt mãi không nổi một đơn vị của ta đã bị phong bao vây bốn bề, bị ép chặt trong một phạm vi nhỏ bé ngang dọc mỗi bề chưa đầy một cây số, đồng thời lại là cách chuẩn bị dư luận cho một cuộc quảng cáo rùm beng rằng Bộ chỉ huy Pháp tin là trước sau thế nào quân lực Pháp cũng tiêu diệt được trung đoàn Thủ Đô -  một đơn vị tinh nhuệ nhất của Việt Minh -  ngay tại Hà Nội.

        Nhưng trên đất nước Việt Nam này, kẻ xâm lược thường hay bị ngã bổ chỏng, vào cái lúc mà chúng đinh ninh nắm chắc phần thắng. Thì mới đó thôi, hồi tháng 12 bọn Va- luy -  Moóc- li- e chẳng đã tưởng rằng quân Pháp chỉ úp một cái là chiếm cả Hà Nội, bất quá chỉ ngày một ngày hai là xong xuôi hết. Rồi đùng một cái chúng bị mắc kẹt, giãy mãi chẳng ra. Và đến tháng 2 này, bọn chúng đang ôm cái mộng đến hôm nào đó sẽ tổ chức ăn mừng chiến công "tiêu diệt trung đoàn Thủ Đô".

        Ngày 6 tháng 2 năm 1947, quân Pháp mở đầu đợt tiến công lớn vào trận địa trung đoàn Thủ Đô. Trận đầu chúng đánh vào vị trí của ta ở nhà Xô- va (Sở vận tải đường sông của tư bản Pháp, nay là trường Nguyễn Huệ, đường Trần Nhật Quật ở giáp đê sông Hồng). Chiều hôm ấy, nhận được tin đầy đủ, tôi báo cáo lên Bộ Tổng chỉ huy: quân ta anh dũng chống lại năm lần xung phong của địch. Lần thứ năm địch chiếm được nhà Xô- va. Sau ta phản kích chiếm lại và truy kích địch tháo chạy. Đồng chí Võ Nguyên Giáp biểu dương tiểu đoàn 103, đơn vị vừa chiến thắng đã xứng đáng là một đơn vị của trung đoàn Thủ Đô và của Vệ que quân Việt Nam.

        Ngày hôm sau, địch đánh vị trí "trường Ke” (nay là trường Trần Nhật Duật ở phố Trần Nhật Duật). Địch xung phong tám lần, anh em ta đều đánh bật ra hết. Cũng hôm ấy, địch tiến công vào phố Hàng Thiếc. Phố này nhỏ, nhiều nhà lụp xụp chúng phun ét-xăng đốt mặt này, xung phong mặt kia, đến hai giờ chiều chúng chiếm được một dãy phố, nhưng bị thiệt hại nặng, vừa chết vừa bị thương đến ngót trăm tên. Hai ngày sau (9-2), địch lại tiến công định chiếm nốt cả phố Hàng Thiếc. Nhưng cái "kế hoả công" của chúng không còn hiệu nghiệm nữa rồi. Chúng không tiến được nửa bước. Ban ngày, địch tiến công, ta quyết ngăn chặn. Ban đêm, ta đem các thùng sơn, dầu xăng, dầu hoả sang đốt hết những căn nhà bên dãy địch chiếm để chúng không lợi dụng được.

        Rồi liên tục trong bốn ngày 10, 11, 12, 13 tháng 2 địch liên tục giội bom, bắn pháo vào trận địa trung đoàn Thủ Đô.

        Trong những ngày địch tập trung đánh vào Liên khu I thì bộ đội ta ở Liên khu II và Liên khu III đều mở cuộn tiến công sâu vào sau lưng địch, có mũi thọc tới Văn Miếu, có mũi thọc theo đường Hàng Lọng1 (Đường Lê Duẩn) tới gần Tràng Tiền... để co kéo địch trở ra. Trong những ngày ấy, trời mưa phùn tầm tã, rét buốt, các đồng chí liên lạc của đội du kích Hồng Hà làm việc vất vả, đêm nào cũng đem được chỉ thị của Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội và đạn dược tiếp tế vào Liên khu I, và đưa báo cáo từ trong ấy ra. Đường liên lạc thông suốt. Đó là một bảo đảm của thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:20:52 pm »


        Sáng ngày 14, trinh sát của mặt trận nghe thấy có nhiều tiếng súng ở phía bắc Liên khu I. Địch đánh vào khu Đồng Xuân. Mấy ngày sau, chúng tôi vẫn nhận được báo cáo tinh thần bộ đội rất vững vàng, sẵn sàng "tiếp" địch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hồi hộp lo lắng, vì cũng mấy ngày ấy, địch oanh tạc dữ dội, anh em ta trong đó phải chịu đựng căng thẳng, thể lực tất phải giảm sút. Qua điện đài, chúng tôi nắm tình hình diễn biến trận đánh rất khẩn trương nhưng cũng giàu chất anh hùng.

        9 giờ, ta và địch quần nhau trong chợ Đồng Xuân, địch chết nhiều.

        11 giờ, trận đánh vẫn diễn ra trong khu vực chợ.

        12 giờ, địch đánh sang phố Hàng Đường, Hàng Chiếu.

        15 giờ, sức tiến công của địch yếu dần. Ta phản kích mạnh.

        18 giờ, ta vẫn giữ vững phố Hàng Chiếu, Hàng Mã. Bộ đội diệt được nhiều địch, rất phấn khởi.

        Tôi vừa đọc xong bức điện này thì đồng chí cán bộ quân báo đến báo cáo một tin: Đài địch nói là trung đoàn Thủ Đô đã bị vây chặt, lâm vào thế cùng quẫn, số phận trung đoàn này chỉ còn tính từng ngày. Tôi hỏi lại:

        -  Nó nói thế, cậu nghĩ sao?

        Đồng chí quân báo mỉm cười hóm hỉnh, trả lời hơi ngập ngừng nhưng chứa đựng cái chất hài hước, lạc quan:

        -  Tôi nghĩ, thằng Tây vẫn quen thói huênh hoang, chẳng qua... nó là... con đười ươi giữ ống.

        Tôi bật cười về cái hình ảnh ví von ngộ nghĩnh này, và vội vã cắt đứt câu chuyện với đồng chí quân báo vì lúc này đã có chỉ thị của Bộ Tổng chỉ huy tổ chức cho trung đoàn Thủ đô rút ra ngoài; việc này phải triệt để giữ bí mật cho đến phút cuối cùng.

        Hồi trung tuần tháng 1, và sau tết Nguyên Đán, khi ta kìm chân địch trong Hà Nội một thời gian vượt yêu cầu ban đầu của Bộ đề ra là một tháng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã hỏi tôi:

        -  Anh Vũ suy nghĩ xem liệu ta đã phải rút trung đoàn Thủ Đô ra chưa?

        -  Ta còn có khả năng trụ bám trong đó, đề nghị xin cho tiếp tục giữ Liên khu I một thời gian nữa -  Tỏi trả lời.

        Thể theo nguyện vọng của anh em và nhất là xét khả năng thực tế, Bộ Tổng chỉ huy đồng ý với đề nghị của chúng tôi. Nhưng lần này, vào chiều ngày 14 tháng 2 sau khi tôi báo cáo: trận Đồng Xuân đã kết thúc, địch bị thiệt hại nặng... thì đồng chí Tổng chỉ huy lại chi thị phải tổ chức cho trung đoàn Thủ Đô rút ra ngoài và chuyển lời khen của Bác Hồ: Các chú giam chân địch được một tháng là thắng lợi, đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi.

        Trong các phương án đưa trung đoàn Thủ Đô ra khỏi vòng vây địch chúng tôi chọn phương án gọi là "cường công, mật rút", nghĩa là tất cả các lực lượng của mặt trận Hà Nội đều đánh thật mạnh, khiến cho địch bị căng kéo ra, tạo nên một hướng sơ hở cho trung đoàn Thủ Đô bí mật rời Liên khu 1 được an toàn, làm cho địch bị một vố chua cay nữa. Sau khi đã quyết định chọn phương án này rồi, đồng chí Võ Nguyên Giáp với thái độ thực sự cảm thông tâm trạng dùng dằng nửa đi nửa ở của toàn thể cán bộ, chiến sĩ mặt trận Hà Nội, của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn Thủ Đô, đã nói những lời vừa động viên, biểu dương chúng tôi, vừa như ra lệnh cho chúng tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của Bộ Tổng chỉ huy...

        -  Tôi biết nguyện vọng của bộ đội ta còn muốn cố thủ thêm ít ngày nữa ở Liên khu I. Đó là một tinh thần chiến đấu ngoan cường đáng quý, một tình cảm yêu mến quê hương rất đẹp. Với tinh thần hy sinh cao cả đó, trung đoàn Thủ Đô có thể trụ bám một thời gian nữa. Những xét về nhiệm vụ thu hút địch, giam chân địch thì trung đoàn Thủ Đô đã hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang. Nay đã đến lúc cần thiết phải vượt ra khỏi vòng vây của địch, trở về hậu phương xây dựng lực lượng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài.

        Đồng chí Tổng chỉ huy đưa mắt nhìn chúng tôi vẫn một thái độ cảm thông. Vẫn giọng nói miền Trung êm nhẹ, tình cảm, nhưng nhịp điệu thì dồn dập, kiên quyết:

        -  Rời Liên khu I được an toàn lại là một thắng lợi lớn hơn nữa. Chúc các đồng chí thắng lợi!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:23:38 pm »


        Kế hoạch "cường công, mật rút" được triển khai ngay từ ngày 15 tháng 2. Bộ chỉ huy mặt trận ra lệnh cho đồng chí Phùng Thế Tài điều động các đơn vị của Liên khu II tiến công vào ô Cầu Dền, đồng chi Lê Quấn điều động các đơn vị của Liên khu III tiến công vào ô Cầu Giấy, Kim Mã, Hàng Bột. Đồng thời phải tung nhiều tổ luồn sâu vào các khu phố trong nội thành đánh du kích, quấy rồi, phá hoại. Đêm ấy, trung đoàn Thủ Đô cũng phối hợp với bên ngoài, đánh phối hợp.

        Ngày 16 tháng 2, các đồng chí trong ban chỉ huy trung đoàn Thủ Đô đang bận rộn chuẩn bị kế hoạch “trở về hậu phương" vào đêm sau -  17 tháng 2, thì lại phải giải quyết một việc đột xuất rất phức tạp. Từ trong khu vực địch chiếm, viên lãnh sự của Tưởng Giới Thạch vác cờ đến xin gặp đại biểu của trung đoàn. Hắn đề nghị ta tiếp tế cho số Hoa kiều còn lại trong Liên khu I và đề nghị ta tạm ngừng bắn vào ngày 17 tháng 2 để cho Hoa kiều tản cư, hoặc là ngày 18 tháng 2 để cho họ có thời gian chuẩn bị. Đây là một thủ đoạn nham hiểm của địch, chúng muốn đưa hết Hoa kiều ra ngoài để rảnh tày oanh tạc khu vực nhỏ hẹp mà trung đoàn Thủ Đô còn đang trấn giữ. Và thêm nữa, qua việc yêu cầu tiếp tế cho Hoa kiều, chúng muốn thăm dò xem khả năng tích trữ gạo, muối của ta còn được bao nhiêu? Quả thực đây là một vấn đề rất phức tạp, ngoài dự kiến của chúng tôi, nhưng lại đòi hỏi phải có chủ trương đối phó kịp thời, đúng đắn. Tất nhiên, ta không chấp nhận ngừng bắn vào ngày 17 tháng 2 vì như vậy có thể là địch bắn phá ngay từ chiều tối hôm ấy, mà chính đêm ấy là đêm ta "ra đi”. Nhưng không chấp nhận ngừng bắn ngày 17 tháng 2 ta cũng không tự chọn ngày 18 tháng 2, vì như thế địch có thể ngờ vực. Lúc này ta cần phải cho địch không mảy may ngờ vực gì về ý định cố thủ của ta ở Liên khu I. Sau khi thảo luận trong Bộ chỉ huy mặt trận và xin ý kiến Thành ủy, xin chỉ thị cấp trên, chúng tôi điện vào chỉ định đồng chí Hoàng Phương đại diện Ban chỉ huy trung đoàn Thủ Đô làm nhiệm vụ này. Ngay hôm đó đồng chí Hoàng Phương gặp viên lãnh sự Tưởng Giới Thạch trả lời: Chúng tôi đồng ý đề nghị của ông là cần có thời gian chuẩn bị. Vì vậy, ngày mai chưa tản cư vội. Nếu chuẩn bị chưa kịp thì ngày 19 tháng 2, tạm ngừng bắn cho Hoa kiều tản cư cũng được. Hoặc giả cần lui lại đến 20 tháng 2 cũng không sao. Vả lại, ông cũng cần phải có thời gian để liên lạc với quân đội Pháp. Sáng mai, ngày 17 tháng 2, chúng tôi sẽ tiếp tế cho Hoa kiều 5 tạ gạo và 2 tạ ngô. Viên lãnh sự Tưởng hết lời cảm tạ đại diện ta và xin chọn ngày 18 tháng 2 cho Hoa kiều tản cư.

        Ta chấp nhận.

        Thế là cái việc đột xuất, phức tạp, gần như bị động ấy ta đã khôn khéo giành quyền chủ động và đưa ra những biện pháp giải quyết rất thông minh hoàn toàn có lợi cho ta.

        Đêm 16 tháng 2, các chiến sĩ Thủ Đô vẫn chưa biết rằng chỉ trong 24 tiếng đồng hồ nữa họ sẽ phải tạm biệt Hà Nội. Theo kế hoạch của trung đoàn, các chiến sĩ Thủ Đô vẫn xách súng mang đạn đì quấy rối địch, đốt phá những dãy nhà do địch chiếm giừ. Trong nội thành súng nổ suốt đêm, lửa cháy rừng rực. Ngoại thành cũng phối hợp tiến công khắp các ngả. Ta nghi binh rất giỏi. Không một dấu hiệu nào chứng tỏ tình hình chiến sự ở đây giảm đi. Trái lại địch vẫn căng thẳng đối phó, vẫn thấy xoá được căn cứ của ta ở Liên khu I còn phải mất nhiều thời gian.

        Sáng ngày 17 tháng 2, ngày quyết định của cả một kế hoạch lớn, các đồng chí trong Đảng bộ và Bộ chỉ huy mặt trận Hà Nội, mỗi người lo một việc: Người đi xuống các đơn vị thuộc Liên khu II, Liên khu III đôn đốc việc thực hiện kế hoạch "cường công", đánh mạnh trên các tuyến ngoại thành; người đi kiểm tra việc tổ chức đoàn thuyền vào đón trung đoàn Thủ Đô "mật rút" vượt qua sông Hồng. Tôi cứ nghĩ đến lúc được ôm chầm lấy các chiến sĩ từ biên khu I ra mà đứng ngồi không yên. Nhìn đồng hồ thấy đã mười giờ, căn cứ vào kế hoạch của trung đoàn mới báo cáo ra, tôi tưởng tượng như thính mình đang dự cuộc họp mà đồng chí Lê Trung Toàn phổ biến nhiệm vụ với các bí thư chi bộ và các đồng chí chỉ huy cấp tiểu đoàn, đại đội. Anh em thắc mắc rất nhiều.  Nhưng đây là mệnh lệnh, "rời khỏi Liên khu I được toàn vẹn là một thắng lợi”.

        Hôm ấy, suốt cả ngày chúng tôi bám sát tình hình địch, các hoạt động của chúng đều dồn ra ngoại thành, hướng tây -  nam và đông -  nam Hà Nội. Trong Liên khu I địch vẫn bắn pháo và súng cối. Kế hoạch đưa trung đoàn Thủ Đô ra hậu phương được giữ bí mật đến mức cao nhất. Các đơn vị ở ngoại thành chỉ được biết là phải đẩy mạnh các hoạt động để phối hợp với toàn mặt trận. Còn đồi với trung đoàn Thủ Đô, thì mãi đến 14 giờ mới được phổ biến nhiệm vụ cho các đảng viên, cán bộ trung đội và đến 16 giờ các chiến sĩ mới được biết toàn trung đoàn phải vượt ra ngoài, ngay trong đêm 17 tháng 2.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:26:02 pm »


        Đêm hôm ấy mưa phùn, gió rét. Khắp các cửa ô Hà Nội súng nổ ran. Địch chống cự rất kịch liệt. Có những tổ du kích của ta lọt vào phố trong Liên khu II, Liên khu III đánh quấy rối. Những đám cháy bùng lên trong nội thành, lửa sáng rực. Trong Liên khu I cũng có nhiều đám cháy, nhiều tiếng nổ, đó là kế hoạch nghi binh của trung đoàn Thủ Đô. Cả Hà Nội rực lửa, ầm vang tiếng súng như một trận phản công lớn. Tính đến đêm nay, 60 ngày và 61 đêm, mặt trận Hà Nội luôn luôn sôi động. Không những ta đã phá được âm mưu địch đánh úp Hà Nội, lại cầm chân địch lâu ngày tại Hà Nội. Lúc đầu, yêu cầu đề ra phải kìm hãm được địch từ một đến hai tuần lễ, nhưng quân và dân Hà Nội đã giữ được gần chín tuần lễ, tiêu hao được nhiều sinh lực địch, trong khi đó lực lượng ta phát triển, thanh thế vang lừng. Nhưng đêm nay là đêm mặt trận Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ, đêm kết thúc một chiến dịch, mà kết thúc thật là đặc biệt.

        Theo kế hoạch, 20 giờ ngày 17 tháng 2 năm 1947, các tổ nghi binh của trung đoàn Thủ Đô bắt đầu hoạt động, nổ súng quấy rối, đốt phá nhiều nơi trong các khu vực địch chiếm giữ và phải tổ chức những vụ cháy chậm, nổ chậm để suốt đêm lúc nào trong Liên khu I cũng có những cột lửa, những tiếng nổ. Trong khi đó, một trung đội do trung đoàn phái ra qua cột đồng hồ vượt qua đê, lên bố trí ở gầm cầu Long Biên đề phòng nếu ta bị lộ thì đánh chặn địch bảo vệ đường rút qua gầm cầu. Khi trung đội đó bố trí xong, tiểu đoàn 101 xuất phát, tiếp đến cơ quan trung đoàn, tiểu đoàn 102 rồi tiểu đoàn 103.

        22 giờ, các tổ nghi binh ngừng hoạt động, tập trung ở đình Phất Lộc.

        0 giờ 18 tháng 2 năm 1947, các tổ nghi binh qua gầm cầu đong Biên. Tiếp đó tiểu đoàn 103 rời trận địa bảo vệ đi cuối đội hình trung đoàn.

        2 giờ sáng, tin trinh sát báo về phía cầu Long Biên vẫn im ắng tiếng súng. Chúng tôi mừng thầm: giờ này trung đoàn Thủ Đô đã lặng lẽ qua gầm cầu Long Biên rồi. Và cũng đến giờ này, chúng tôi mới hết hồi hộp. Bởi vì, đây là cửa ải gay go nhất. Trên cầu có địch canh gác và thường xuyên xe địch đi lại tuần tiễu, thỉnh thoảng chúng lại chiếu đèn pha xuống sông, xuống bãi soi dõi; ngoài ra ở đầu cầu phía đường Hàng Đậu (Hà Nội) còn có một trung đội địch canh gác, có chó béc giê đánh hơi. Ví thử ta bị lộ, địch bắn quét thì khó tránh khỏi thương vong. Lại phải tính đến trường hợp xấu nhất, địch phát hiện được có một đoàn quân từ Hà Nội đi ra, chúng huy động quân ra đánh chặn. Tất nhiên, theo kế hoạch dự định từ trước, trung đoàn Thủ Đô đã có những biện pháp đề phòng. Nhưng bí quyết thành công của ta hôm nay là bí mật, ta đi rồi địch vẫn không biết, mới là chiến thắng trọn vẹn. Và đến 2 giờ sáng phía cầu Long Biên vẫn im ắng tiếng súng có nghĩa là trung đoàn Thủ Đô đã thành công trong việc bí mật vượt qua cửa ải gay go nhất rồi, con chim đại bàng bắt đầu tung cánh.

        Đã hai tháng nay, tiểu đội du kích Hồng Hà do đồng chí Nguyễn Văn Nại chỉ huy, bám chặt lấy bãi dâu Phúc Xá, giữ đường liên lạc giữa nội thành và ngoại thành, đêm nay tiểu đội Nguyễn Văn Nại dẫn trung đoàn Thủ Đô từ nội thành vượt vòng vây địch ra hậu phương. Các chiến sĩ du kích Hồng Hà thuộc con đường này như lòng bàn tay của họ, vì họ đẻ ra ở bên bờ sông Hồng, uống nước sông Hồng, lớn lên trên bãi cát sông Hồng này. Ngang Yên Phụ có một chỗ lòng sông rất nông, mùa khô xắn quần lội qua được, họ dẫn trung đoàn Thủ Đô qua quãng đó, sang bãi giữa, đi ngược bãi cát phù sa này một chặng dài thì đến một nơi có đoàn thuyền hai chục chiếc chờ sẵn đưa sang làng Cơ Xá, thuộc huyện Gia Lâm. Anh chị em du kích bên ấy lại dẫn trung đoàn Thủ Đô đi ngay đến địa điểm an toàn bên bờ sông Đuống.

        5 giờ sáng, khi cơ quan trung đoàn bộ và hai tiểu đoàn 101, 102 đã qua sông, tôi báo cáo lên Bộ Tổng chỉ huy, coi như đã giành được thắng lợi căn bản. Vì cơ quan trung đoàn có đủ thành phần nam, phụ, lão, ấu, hơn nữa, ban quân y còn phải phụ trách mấy chục thương binh, phần lớn phải khiêng, phải cõng, mọi người đã vượt sông rộng, thế là gọn.

        6 giờ sáng, trời còn mù sương, đơn vị cuối cùng của tiểu đoàn 103 vượt sông, thì cũng là lúc nổ ra một trận đánh -  một trận đánh không có tiếng vang như trận Bắc Bộ phủ hay Đồng Xuân... Nhưng nói đến cuộc chiến đấu của Thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến chững Pháp, thì nhất định phải nhắc đến trận này.

        Trận đánh không mang tên địa danh vì nơi diễn ra không gần một làng, một xóm nào cả, chỉ có những công dân và những con người bất tử, trận đánh cuối cùng của tiểu đội Nguyễn Văn Nại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:29:06 pm »


        Mờ sáng hôm ấy, bọn địch ở cầu Long Biên thấy có nhiều dấu chân ở dưới bãi, rõ ràng có một đoàn người từ Hà Nội đi ra. Bộ binh địch có xe bọc thép yểm trợ lần dấu vết đuổi theo. Một đội ca- nô bọc thép hùng hổ ngược sông tìm kiếm, và qua cầu Long Biên khoảng một ki- lô- mét thì lũ thủy binh Pháp này thấy có một đoàn năm, sáu chiếc thuyền nhỏ đang rẽ nước qua sông. Chúng bắn xối xả, nhưng đoàn thuyền đã cập bến Cơ Xá bên tả ngạn sông. Rồi mấy chục người vừa mới rời đoàn thuyền ấy nhảy lên bờ, chĩa súng bắn trả lại, giữa lúc đó tiểu đội du kích Hồng Hà của đồng chí Nguyễn Văn Nại, vẫn còn ở bãi giữa liền nổ súng. Địch bị đánh trước mặt và cả ngang sườn, chúng bỏ mục tiêu bên tả ngạn sông Hồng, quay sang bãi giữa. Một tốp máy bay khu trục xpít- phai cũng lao tới xối xả trút đạn xuống trận địa. Trận đánh kéo dài mãi gần trưa. Chúng ta không còn được gặp Nguyễn Văn Nại và các đồng chí trong tiểu đội du kích Hồng Hà nữa để được biết rõ trận đánh diễn ra như thế nào mà cả bảy đồng chí đã thu hút được địch trong suốt buổi sáng hôm đó. Nhưng chúng ta có đầy đủ bằng chứng để đánh giá tác dụng to lớn của trận này: suốt hai tháng liền, các đồng chí đã giữ vững liên lạc giữa Bộ Chỉ huy mặt trận với trung đoàn Thủ Đô. Những ngày qua, các đồng chí đã truyền đạt các mệnh lệnh từ ngoại thành vào nội thành và các báo cáo từ nội thành ra ngoại thành để trong ngoài thống nhất hành động. Đêm 17 tháng 2, các đồng chí đã đưa trung đoàn Thủ Đô bí mật ra đi. Và đến sáng 18, các đồng chí đã hy sinh oanh liệt giữ bí mật đến cùng, bảo đảm cho trung đoàn Thủ Đô rời Hà Nội được tuyệt đối an toàn, mãi ngày 19 tháng 2 địch mới biết Liên khu I chỉ còn là miếng đất không người, thì hôm đó trung đoàn Thủ Đô đã sang đất Phúc Yên rồi.

        Nói đến chiến công của trung đoàn Thủ Đô rời Liên khu I thắng lợi, tôi không thể không kính cẩn nghiêng mình trước sự hy tinh anh dũng của tiểu đội du kích Hồng Hà do đồng chí Nguyễn Văn Nại chỉ huy.

        Ngay sáng 18 tháng 2, chúng tôi nhận được điện của đồng chí Võ Nguyên Giáp chuyển lời Hồ Chủ tịch khen mặt trận Hà Nội: Bác bảo thế là đại thắng lợi. Và đồng chí chỉ thị phải tổ chức ngay một cuộc mít tinh mừng chiến thắng. Việc đó đã được thực hiện tối 22 tháng 2 năm 1947 tại đình làng Thượng Hội huyện Đan Phượng (thuộc tỉnh Hà Đông cũ) có đông đủ đại biểu các cơ quan Đảng, Dân, Chính. Đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên dương công trạng trung đoàn Thủ Đô -  đặc trưng cho một quân đội của một dân tộc nhỏ bé quyết không chịu làm nô lệ, đã hiên ngang chống lại quân đội của một nước đế quốc hùng mạnh. Đồng chí trao tặng trung đoàn Thủ Đô một lá cờ và nói: Hôm nay, tôi thay mặt Chính phủ chính thức trao danh hiệu trung đoàn Thủ Đô cho các đồng chí. Thay mặt Bộ Quốc phòng và quân đội quốc gia, tôi tặng các đồng chí một lá cờ thêu tên "Trung đoàn Thủ Đô" để nêu cao tấm gương anh hùng của các đồng chí.

        Đêm đó, một đêm tưng bừng rộn rã, đêm mừng công của mặt trận Hà Nội. Tôi gặp nhiều đồng chí quen biết cũ, chuyện trò mãi không dứt. Một đồng chí đội mũ ca- lô gắn sao vàng vành trắng, cấp hiệu tiểu đội, chen đến gọi tôi: Anh Vũ, bây giờ em mới biết tên anh. Anh còn nhớ không, em đã gặp anh ở cửa nhà tên Moóc-li-e ấy mà, hôm ấy anh mặc bộ quần áo nâu như bác nông dân ấy… Tôi nhớ ra ngay, đúng là đồng chi đội trưởng đội tự vệ phố Nhà Thờ giờ đây trông rắn rỏi ra nhiều quá, nhưng cái dáng học sinh thì vẫn còn nguyên. Đồng chí ấy mở bao thuốc lá Phi- líp Mo- rít mời tôi:

        -  Anh hút với em một điếu!

        Rồi đồng chí ấy khoe với tôi: Anh biết không, hôm đầu kháng chiến, em ở phố Nhà Thờ, sau nó đánh phải rút dần về phố Hàng Gai, mình lùi hơn 100 mét. Ấy thế rồi mà tiểu đội em cứ giữ chịt được ở đấy cho đến khi có lệnh ra đây. Tối hôm 17, em được chỉ huy một tổ nghi binh, ôi tha hồ mà đốt pháo. Nhưng lúc ra đi, nhớ thương Hà Nội quá, em vừa đi vừa khóc đấy. Bao giờ lại trở về anh nhỉ? Nói đến đây, đồng chí ấy lại chảy nước mắt. Nhưng đồng chí vây quanh tôi cũng có chung một câu hỏi: Bao giờ ta lại trở về anh Vũ ơi? Trong giây phút này tôi cũng nghẹn ngào, biết nói thế nào đây, tôi hỏi lại:

        -  Thế các chú không nghe anh Giáp vừa nói lúc nãy à?

        Tuy đã thông suốt và đang suy nghĩ cách lãnh đạo anh em chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cấp trên, nhưng chính lúc này đây tôi cũng đang sống trong tâm trạng thật xúc động -  một tình cảm buồn vui rất khó mà diễn đạt. Nhìn những người lính trẻ Thủ đô đang đứng quanh tôi, đang đòi hỏi ở tôi một câu trả lời chính xác. Tôi rít một hơi dài điếu thuốc lá Phi- líp Mo- rít mà đồng chí tiểu đội trưởng tự vệ phố Nhà Thờ vừa cho, phả một làn khói khoan khoái rồi nói tiếp: "Ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù". Ta không bao giờ quên lời thề đó. Nhưng để có chiến thắng thì ngay từ bây giờ chúng ta phải bắt tay vào xây dựng lực lượng, tiếp tục đánh, ta sẽ về Thủ đô trong ngày đại thắng! Họ reo lên, phải nói rằng họ hét lên thì mới đúng: Ta thề Thủ đô chiến thắng quân thù... Thủ đô ta đã chiến thắng, sẽ chiến thắng... Ngày mai, ta về giải phóng Thủ đô ta...! Rồi họ ôm nhau ca hát, họ hát những bài tôi chưa hề đượm nghe bao giờ, bởi đó là những bài hát sáng tác ngay trong chiến hào của Liên khu I, những bài hát họ tự làm ra, ca ngợi cuộc chiến đấu rất đáng tự hào của những người rất yêu đời nhưng không sợ chết, những chiến sĩ cảm tử của đất Thăng Long bất diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:30:34 pm »


        Đại đoàn 308- những ngày đầu thành lập

        Sự phát triển của lực lượng vũ trang từ nhỏ đến lớn là quy luật tất yếu của chiến tranh giải phóng. Như xưa kia hồi thế kỷ XV, thời Lê Lợi dựng cờ cứu nước đánh đuổi quân Minh xâm lược, lúc đầu thế giặc đương mạnh, mà ta thì “tuấn kiệt lưa thưa như sao sớm”, phải chống đỡ gian nan như ngọn đèn trước gió, chẳng khéo che đậy thì tắt phụt như chơi. Nhưng do có chí vượt gian nan, toàn dân đoàn kết, trên duới đồng lòng chung lưng đấu cật, có cách đánh hay đánh hiểm mà lực lượng ta ngày càng phát triển, chuyển yếu thành mạnh…

        Mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta cũng gặp phải những khó khăn cực kỳ to lớn. Lực lượng vũ trang ta đã ít lại thiếu thốn nhiều bề- thiếu súng đạn, thuốc men, thiếu quần áo và lương thực, v.v… Trong khi đó lực lượng địch số lượng đông hơn, vũ khí nhiều hơn, lại không ngừng được tăng viện. Cậy có quân đông, súng tốt, đạn nhiều, quân Pháp liên tiếp mở các cuộc tiến công ào ạt hòng nhanh chóng nuốt trôi nước ta, chiến sụ diễn ra ác liệt ở Tây Bắc, Đông Bắc, đường số 5, ở đồng bằng Bắc Bộ, ở Bình- Trị- Thiên, Nam Trung Bộ, Nam Bộ. Trong cùng thời gian địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn bằng xe tăng, xe bọc thép, có quân đổ bộ đường không, đường thuỷ phối hợp; tiến hành những trận đột kích, những mũi thọc sâu vu hồi, những gọng kìm bao vây hàng trăm kilômét. Đi đến đâu địch cũng tàn phá đến đó- thực hiện chính sách “tam quang”- đốt sạch, phá sạch, giết sạch rất dã man tàn bạo.

        Đây là thời kỳ rất gay go của cuộc kháng chiến. Ở nhiều nơi quân địch đã chiếm được các đô thị lớn. Chúng ta kháng chiến trong vòng vây bốn bề của chủ nghĩa đế quốc. Thế nhưng quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Hồ Chủ tịch, đã đạp bằng mọi khó khăn, làm thất bại những âm mưu chiến lược quan trọng của địch, buộc đế quốc Pháp phải xét lại chủ trương chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Đó là những năm đầu thắng lợi của quân và dân ta có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tương lai của cả cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc. Và đó cũng là những năm 1847, 1948 đầy thử thách đối với chúng ta.

        Đầu năm 1949, trong không khí chiến thắng chung, hội nghị cán bộ lần thứ VI của Trung ương Đảng họp bàn và ra các nghị quyết về nhiều vấn đề quan tọng đối với cuộc kháng chiến. Trong phần nói về nhiệm vụ và công tác quân sự, nghị quyết nhấn mạnh “trọng tâm công tác lúc này là tiếp tục xây dựng bộ đội chủ lực, tập trung cán bộ, tập trung vũ khí và phương tiện thông tin liên lạc cho những đơn vị có nhiệm vụ đánh vận động chiến” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI). Nghị quyết quan trọng này đã chỉ ra phương hướng tiến lên của quân đội ta.

        Bấy giờ lực lượng chủ lực thuộc Bộ Tổng tư lệnh vẻn vẹn chỉ có trung đoàn 308 gồm các tiểu đoàn 11, 18, 23, 29, 54 và một số tiểu đoàn, đại đội pháo binh, công binh, thông tin, v.v…

        Tiểu đoàn 11 vốn là một tiểu đoàn mạnh của Liên khu III từng chiến đấu ở ngoại thành Hải Phòng và ở Kiến An, được Bộ (bắt đầu từ đây danh từ Bộ-chỉ Bộ Tổng tư lệnh) điều lên Việt Bắc từ mùa xuân 1947, chính là đơn vị đã diệt đồn lê dương Pháp ở Phủ Thông trong mùa hè 1948, và từ đó mang tên tiểu đoàn Phủ Thông.

        Tiểu đoàn 18, thành lập ở Sơn Tây hồi đầu năm 1947 gồm những chiến sĩ tự vệ thành Hà Nội và du kích Hồng Hà. Tiểu đoàn này đã chiến đấu nhiều ở Đông Bắc nhưng lại mang danh hiệu Bình Ca, tên một bến phà trên Sông Lô, vì đấy là nơi tiểu đoàn 18 xuất trận lần đầu và giành chiến thắng mở đầu cuộc tiến công bẻ gãy gọng kìm Sông Lô của quân Pháp do tên trung tá Com- muy- nan chỉ huy đánh lên căn cứ Việt Bắc hồi thu đông năm 1947.

        Tiểu đoàn 23 thành lập ở Liên khu III với hầu hết chiến sĩ quê ở Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, từng lăn lộn đánh địch ở Hoà Bình, Tu Vũ, bên sông Đà. Tiểu đoàn 23 mới lập công lớn trong trận phục kích ở Lũng Phầy trên đường số 4 và mang tên tiểu đoàn Lũng Phầy.

        Tiểu đoàn 29 là sự hợp nhất chung đúc tinh hoa của hai tiểu đoàn 39 và 48. Tiểu đoàn 39 vốn gốc là một trung đội giải phóng, từ sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 phát triển thành tiểu đoàn bảo vệ Bộ Tổng tư lệnh. Tiểu đoàn 48 sinh trưởng từ miền duyên hải, thành phần đa số là anh em công nhân Hải Phòng và các mỏ Hà Tu, Cầm Phả. Cả hai tiểu đoàn này đều có thành tích chiến đấu, khi hợp lại thành một tiểu đoàn mạnh, đã đánh nhiều trận công đông, tiêu biểu nhất là trận Bản Trại, nơi sông Kỳ Cùng chảy cắt ngang đường số 4, tiêu diệt một đồn do lính lê dương đóng giữ.

        Tiểu đoàn 54 chính là trung đoàn Thủ đô thu hẹp lại. Sau chiến thắng Việt Bắc thu đông năm 1947, Bộ Tổng tư lệnh điều động nhiều cán bộ và chiến sĩ của trung đoàn này đi học để tăng cường cho các đơn vị mới thành lập hoặc bổ sung vào các cơ quan, đơn vị chuyên môn; số còn lại tạm thời thu hẹp thành một tiểu đoàn mạnh, để khi có điều kiện phát triển thành trung đoàn, đại đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 11:32:39 pm »


        Mùa xuân năm 1949, tôi đang làm nhiệm vụ quân khu phó Quân khu IV, trực tiếp phụ trách phân khu trưởng phân khu Bình- Trị- Thiên, được thông báo của Trung ương quyết định thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên. Tin vui này đã mang đến sự cổ vũ mạnh mẽ cho quân và dân Bình- Trị- Thiên đang chiến đấu anh dũng trên mảnh đất hẹp của Tổ quốc, bốn bề bị giặc Pháp bao vậy, uy hiếp. Thế là từ nay trở đi, bên cạnh lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương rộng khắp, chúng ta có cả bộ đội tập trung cơ động mạnh. Trong suy nghĩ của chúng tôi lúc ấy- thường mơ ước chiến tranh du kích phát triển đến một lúc nào đó sẽ có những bước nhảy vọt, lực lượng bộ đội chủ lực tập trung sẽ xuất hiện. Và một khi những “quả đấm thép” ra đời sẽ thu hút lực lượng địch, làm cho chúng phải chia xẻ binh lực, lúc ấy Bình- Trị- Thiên sẽ có thêm điều kiện phát triển chiến tranh du kích, xây dựng thêm lực lượng… Giữa lúc đó tôi nhận được lệnh điều về Bộ nhận công tác.

        Từ Khu IV ra Thanh Hóa, đến Ninh Bình, tôi gặp đồng chí Văn Tiến Dũng. Tôi cùng đồng chí Văn Tiến Dũng theo đường giao liên qua vùng địch tạm chiếm Nam Định, Thái Bình, Hải Dương rồi vượt đường số 5 lên vùng tự do của tỉnh Bắc Giang.

        Tháng 4 năm 1949 lên tới căn cứ địa Việt Bắc, mới biết rõ Bộ điều tôi về phụ trách chỉ huy đại đoàn chủ lực sắp thành lập. Nhận quyết định tôi tìm ngay về xã Phúc Trìu- địa điểm tiếp đón các đơn vị của các Liên khu (nhu Quân khu ngày nay) điều về để tiến hành xếp biên chế đại đoàn.

        Phong tham mưu đã cử đồng chí Bùi Nguyên Cát- chánh văn đại đoàn đón tôi. Đồng chí Bùi Nguyên Cát cùng tôi chiến đấu ở mặt trận Hà Nội cuối năm 1946, nên vừa trông thấy tôi đồng chí đã reo lên:

        - Anh Vũ! Từ Thủ đô ra đi nay mới lại được gặp anh. Thế mà đã hai năm rồi.

        Tôi nói vui:

        - Quả đất tròn mà!

        Rồi không đợi tôi hỏi han tình hình, đồng chí Cát sôi nổi nói:

        - Được Bộ thông báo quyết định anh về phục trách đại đoàn, chúng tôi rất phấn khởi, mong anh mãi…

        Và hình như sợ mình quên, đồng chí Bùi Nguyên Cát giở sổ tay báo cáo tiếp những công việc mà đồng chí ghi được qua cuộc họp phòng tham mưu: Bộ đã điều anh Cao Văn Khánh từ Khu V ra làm đại đoàn phó. Các đơn vị do Bộ điều về mới có mặt một ít, đại bộ phận đang trên đường hành quân, có đơn vị còn đang chiến đấu. Theo các anh trên gợi ý thì tình hình đang rất khẩn trương, không thể có thời gian và cũng không có đủ điều kiện để hình thành ngay đại đoàn về mặt biên chế, mà phải vừa chiến đấu vừa xây dựng, trên cơ sở đó sẽ từng bước hoàn chỉnh về mặt tổ chức…

        Đúng là khẩn trương, rất khẩn trương. Anh Cao Văn Khánh và tôi chưa kịp nắm quân thì đã có lệnh đi chiến đấu. Nói đúng hơn, chúng tôi mới nắm quân qua giấy tờ, bởi vì mới có hai tiểu đoàn 11, 54 vừa đi chiến đấu ở vùng Sơn Tây trở về, các tiểu đoàn 18, 23, 29 chiến đấu suốt mùa xuân ở đường số 4 đang trên đường về, còn các tiểu đoàn 79, 322, 626 mới được bổ sung thì chưa đến. Anh Khánh được lệnh đưa hai tiểu đoàn 11 và 54 sang Yên Bái tham gia chiến dịch Sông Thao. Theo yêu cầu của Bộ, trận đầu cả hai tiểu đoàn này phải nổ súng vào ngày 19 tháng 5 và đã đánh là phải chiến thắng giòn giã, mỗi tiểu đoàn diệt một đồn địch. Chúng tôi chia tay nhau, cùng thống nhất một điều: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của cấp trên “vừa đánh vừa xây dựng”. Vì vậy, những trận đánh sắp tới ở Sông Thao có ý nghĩa rất lớn đối với việc xây dựng truyền thống đại đoàn sau này. Chúng tôi cũng thống nhất với nhau, trước hết phải rèn cho cán bộ, chiến sĩ có ý thức chấp hành mệnh lệnh thật nghiêm chỉnh. Đây là một trong những điều kiện không thể thiếu được để làm nên sức mạnh của quân đội cách mạng chiến thắng kẻ thù.

        Chúng tôi lưu luyến chia tay nhau và hứa hẹn cùng nhau vượt mọi khó  khăn chấp hành vô điều kiện mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Tổng tư lệnh. Anh Cao Văn Khánh dẫn quân qua Sông Lô, Tuyến Quang, vừa đến Sông Chảy thì địch mở chiến dịch Pô-mô-nơ đánh lên Phú Thọ, nhảy dù xuống thị xã Tuyên Quang. Lúc này, ở Thái Nguyên, các tiểu đoàn 18, 23, 29 đã về đến hậu cứ và các tiểu đoàn 79, 626 cũng vừa tới. Tôi được lệnh đưa tất cả lực lượng này vượt Đèo Khế, Sơn Dương để kịp tham gia chiến dịch Sông Lô.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:33:17 pm »


        Ngày 20 tháng 5, tôi và chiến dịch Bằng Giang chỉ huy mặt trận Sông Lô lần thứ 2 (tháng 5- 1949) được tin hôm trước, mừng sinh nhật Bác Hồ, các tiểu đoàn 11, 54 đã tiêu diệt nhanh gọn hai đồn Đại Bục, Đại Phác thu toàn bộ vũ khí, bắt nhiều tù binh. Thế là chiến sĩ Sông Thao đã mở màn tốt đẹp. Bộ chỉ huy quân đội Pháp mở cuộc hành quân Pô-mô-nơ đánh sâu vào hậu phương ta cốt gây tiếng vang trong dịp chúng bày trò đưa Bảo Đại ra lập cái gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam”. Nhưng cuộc hành quân này đã bị các đơn vị tiền thân của đại đoàn 308 cùng quân và dân địa phương bẻ gãy, tướng Cốc buộc phải vội vã hạ lệnh cho quân sĩ dưới quyền tháo chạy. Binh đoàn của Cốc rút về đến Lệ Mỹ (Phú Thọ) thì chui vào thế trận bày sắn của ta; mãi đến ngày 30 tháng 5 địch mới thoát vòng nguy hiểm về tới Việt Trì. Bộ chỉ huy Pháp đã thú nhận là chúng bị “nhiền tổn thất” sau những trận đụng độ với ta ở Tràng São, Núi Hét, Tiên Du, v.v…

        Sau trận này, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, chúng tôi lại chuẩn bị cho tiểu đoàn 79 và một khẩu đội sơn pháo cấp tốc ngược Yên Bái để có thêm lực lượng phát huy thắng lợi của chiến dịch Sông Thao.

        Cuộc tiễn đưa diễn ra nhanh gọn. Tuy không bùi ngùi nhưng nỗi băn khoăn đến sốt ruột trỗi dậy trong nếp nghĩ của tôi sau buổi chia tay này: Bao giờ thì hình thành hoàn chỉnh đại đoàn về mặt tổ chức!

        Nhưng rồi nỗi băn khoăn đó chẳng có điều kiện tồn tại lâu. Bởi lẽ có rất nhiều việc xảy ra sau đó đòi hỏi những người chỉ huy chúng tôi phải nghĩ tới, phải tìm biện pháp giải quyết. Và còn bởi một lẽ rất quan trọng là trải qua năm tháng được Đảng giáo dục và qua thực tế đâu tranh vũ trang với địch, tôi đã dần dần nghiệm ra rằng sức mạnh của một quân đội không phải chỉ là người đông với những đại đoàn này, quân đoàn nọ mà điều chủ yếu là ở trình độ giác ngộ chính trị, là ý thức tổ chức kỷ luật của nó. Muốn như thế, không có cách nào khác hơn là phải biết kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến với xây dựng, và “chỉ có xây dựng trong cơn thử lửa chiến tranh nhân dân, một đơn vị mới vững vàng và chóng trở thành tinh nhuệ”.

        Nghĩ như vậy, tôi thấy mình yên tâm và tự tin hơn, càng thất những dự kiến phải làm tiếp theo là rất cần thiết. Sau khi tiễn đưa tiểu đoàn 79 lên đường, tôi tranh thủ triệu tập các đồng chí tiểu đoàn trưởng còn lại họp kiểm điểm rút kinh nghiệm các trận chiến đấu vừa qua để đặt nền móng cho việc kết hợp giữa xây dựng và chiến đấu trong quá trình xây dựng đại đoàn.

        Cuộc họp rút kinh nghiệm diễn ra hào hứng và sôi nổi. Nhiều ý kiến nhận xét phân rõ đúng sai được anh em phát biểu với một tinh thần thẳng thắn và dứt khoát…

        Mọi người như đã hết ý kiến, tôi mới đứng lên nói những suy nghĩ của mình như là điều tâm sự với anh em về trận đánh vừa qua: mình cũng thấy tiếc! Lẽ ra trận đánh khuýp chặt được địch thì ăn to. Thực tế diễn ra chứng tỏ ta phán đoán đúng ý đồ của địch nhưng đi vào cụ thể ta còn khuyết điểm về tổ chức chỉ huy. Ở Phan Lương, đúng là do ta tổ chức trinh sát, bám địch kém nên bộ đội vất vả mò mẫm suốt đêm vẫn không thấy địch, sáng ra ta thấy địch vẫn ở quanh khu vực này…

        Tổng kết chiến dịch Sông Lô qua bảy ngày đêm chiến đấu, ta đã diệt 800 tên, bắn rơi hai máy bay, đánh chìm hai sà lan địch... Đó là một con số đáng khích lệ. Nhưng với tôi, điều tâm đắc lại là những bài học về tổ chức xây dựng lực lượng như thế nào để bảo đảm bộ đội đánh tập trung tốt?- Tất nhiên sẽ có nhiều việc phải làm nhưng trước hết cần nhanh chóng tạo cho đơn vị thống nhất về mặt tổ chức kỷ luật; phải duy trì- nhất là đối với cán bộ, một ý thức nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh. Đó là điều kiện vật chất ban đầu có tác dụng góp phần quan trọng- nếu không nói là quyết định, tạo nên các mặt thống nhất khác. Nếu không như thế thì dù đơn vị có biên chế đầy đủ người và vũ khí cũng khó phát huy được sức mạnh để đánh địch và thắng địch.

        Chiến dịch Sông Lô và Sông Thao vừa kết thúc, thì chúng tôi được lệnh của Bộ trở lại hậu cứ Thái Nguyên để chính thức bắt tay vào công việc xây dựng đại đoàn.

        Vẫn lại con đường đất đỏ xuyên ngang căn cứ địa Việt Bắc với những địa danh quen thuộc mà chúng tôi đã đi qua: Bến Hiên, phà Bình Ca, châu Sơn Dương (huyện Tân Trào ngày nay), Đèo Khế, v.v… Thời gian lúc này đã là mưa rừng tháng 7. Mưa xối xả trút nước xuống đoàn quân gần như không mũ, không áo mưa, quần áo sũng nươc suốt ngày. Nhưng khí thế chiến thắng đã cổ vũ tất cả mọi người vượt qua mọi khắc nghiệt của thời tiết, đảm bảo hành quân tới đích đúng thời gian, đủ quân số.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 06:36:16 pm »


        Ổn định xong chỗ ăn ở của các đơn vị, tôi và anh Cao Văn Khánh lên gặp đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận chỉ thị cụ thể về xây dựng đại đoàn. Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh hồi đó đóng ở khu Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Qua những trạm gác được bố trí nghiêm mật và chỉ được đi theo những con đường được quy đinh do các đồng chí cảnh vệ trực tiếp dẫn, chúng tôi mới tới được khu làm việc của cơ quan Bộ. Vừa đặt chân tới nơi, chúng tôi đã được hưởng ngay cái không khí thoải mái như của một nơi không có chiến tranh. Những ngôi nhà làm theo kiểu chuôi vồ nằm rải trên một khu đồi thoai thoải, ẩn dưới tán lá rừng rậm nhưng thoáng mát, khang trang. Không khí làm việc ở đây trang nghiêm mà ấm áp, hồ hởi. Chúng tôi không tìm thấy dấu hiệu gì là tạm bợ cả. Nhưng đồng thời lại thấy rất rõ một điều nổi bật là tất cả đều trong tư thế chiến đấu, tất cả đều sẵn sàng rời khỏi khu nhà ấm cúng này khi có lệnh.

        Đồng chí Tổng tư lệnh vẫn mái tóc đen dày chải ngược về phía sau; vẫn nước da trắng nhưng hơi xanh- có lẽ vì sốt rét. Nhưng vóc dáng đồng chí chắc khỏe hơn so với hồi cuối năm 1946 mà tôi đã nhiều lần gặp khi đồng chí đi kiểm tra mặt trận Hà Nội.

        Đại tướng ra tận cửa phòng làm việc thân mật bắt tay và đưa chúng tôi vào nhà.

        Sau khi hỏi tình hình sức khỏe của chúng tôi và nghe chúng tôi báo cáo tóm tắt diễn biến hai chiến dịch Sông Lô, Sông Thao, đồng chí Tổng tư lệnh bàn ngay vào công việc xây dựng đại đoàn.

        Trước hết đại tướng phân tích cục diện chiến tranh đang chuyển biến có lợi cho ta, vì vậy, nhiệm vụ quân sự cần kíp lúc này là phải nỗ lực thực hiện tốt phương châm chiến lược của Đảng; phải “đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch, đánh vào các vị trí chiến lược của địch, cắt đứt các đường giao thông quan trọng”. Phải “từ chủ động chiến dịch đi đến chủ động chiến lược từng bộ phận một cách mạnh bạo hơn” (Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trun ương lần thứ VI). Vì vậy trong thời gian tới ngoài việc phát triển mạnh mẽ, rộng khắp lực lượng dân quân du kích, phát triển và củng cố bộ đội địa phương, cần đặc biệt coi trọng phát triển bộ đội chủ lực, xây dựng các binh đoàn tập trung cơ động đánh địch ở các chiến trường quan trọng…

        Về việc thành lập đại đoàn, đồng chí Tổng tư lệnh chỉ thị: Quân số của đại đoàn này lấy lực lượng chủ lực của Bộ là trung đoàn 308 làm nòng cốt, có bổ sung thêm các tiểu đoàn 79,322, 626 của Liên khu Việt Bắc và Liên khu III, sau đó bổ sung thêm tân binh và vũ khí. Nhưng cũng không ngồi chờ có đầy đủ quân số và vũ khí rồi mới hình thành tổ chức đại đoàn. Tất cả những điều ta mong muốn là cần thiết nhưng phải có thời gian. Bộ đã chỉ thị cho các Liên khu tích cự đóng góp “hùn vốn” nhưng không nên cầu toàn, trước mắt có bao nhiêu lực lượng cần nắm chắc để “làm vốn” ban đầu, rồi vừa chiến đấu vừa xây dựng, dần dần bổ sung hoàn chỉnh biên chế một đại đoàn mạnh…

        Chúng tôi có cảm tưởng đây không phải là vị đại tướng ra lệnh cho cấp dưới theo quy cách thông thường của một đội quân chính quy, mà là một buổi tọa đàm trao đổi ý kiến về công việc rất thân mật, dân chủ mà cũng rất nghiêm túc.

        Niềm tin tưởng vào tương lai và sự say sưa với công việc hiện rõ trên khuôn mặt của đồng chí Tổng tư lệnh đã truyền cảm mạnh mẽ đến chúng tôi, như tiếp thêm sức cho chúng tôi để làm tốt nhiệm vụ Đảng trao cho.

        - Các anh thấy còn ý kiến gì trao đổi nữa không?- Đại tướng hỏi.

        - Các việc như vậy đã rõ. Chúng tôi hứa quyết tâm làm tốt những điều mà Bộ đã chỉ thị- Tôi đáp.

        Đại tướng cười tỏ vui vẻ hài lòng và nói tiếp:

        - Tình hình đang rất khẩn trương, không có thời gian để bàn bạc nhiều. Các đồng chí về triển khai ngay công việc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cần hết sức coi trọng chất lượng, bảo đảm khi có lệnh là toàn đại đoàn nhanh chóng lên đường đi chiến đấu và chiến đấu tốt.

        Trước khi chúng tôi trở lại đơn vị, đại tướng nói thêm: Về số hiệu sẽ lấy số hiệu trung đoàn 308 làm số hiệu đại đoàn, vì trung đoàn này là lực lượng nòng cốt đầu tiên của đại đoàn. Bộ cũng đã nhất trí tặng danh hiệu đại đoàn Quân Tiên Phong cho đại đoàn đồng chí với ý nghĩa đây là đại đoàn chủ lực đầu tiên của toàn quân.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM