Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:51:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước  (Đọc 21939 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:39:21 am »


        2. Ngoại giao với Xiêm

        Trước khi lên ngôi vua, Gia Long đã sống lưu vong nhiều năm ở Xiêm, từng được Xiêm giúp đỡ nhiều lần, khi giúp lương, khi giúp quân để chống lại phong trào Tây Sơn. Năm 1806, Gia Long chính thức lên ngôi vua, Xiêm lại cho đem biếu Gia Long ba chiếc thuyền chiến.

        Đáp lại, năm 1808, Gia Long cho sứ sang Xiêm, tặng vua Xiêm 2 cân kỳ nam, 3 cân quế, 100 tấm lụa, 200 tấm the, 50 tấm vải đen và trắng.

        Đầu năm 1810 (tháng 12 năm Kỷ Tỵ), nhân việc tang vua Xiêm, Gia Long cho hai đoàn sứ sang Xiêm. Một đoàn sang dự lễ tang, đem đồ phúng gồm 1.000 cân đường phổi, 1.000 cân đường phèn, 1.500 cân đường cát, 500 cân sáp ong, 100 tấm lụa trắng, 100 tấm vải trắng.

        Một đoàn sang tặng vua Xiêm mới lên ngôi. Lúc ấy Xiêm có hai vua mới, Gia Long đưa quà tặng cả hai vua. Tặng vua thứ nhất: 2 cân kỳ nam, 3 cân nhục quế, 100 tấm lụa, 200 tấm the màu, 100 tấm sa màu, 100 tấm vải nhỏ. Tặng vua thứ hai: 1 cân kỳ nam, 1 cân 8 lạng nhục quế, 50 tấm lụa, 100 tấm the màu, 50 tấm sa màu, 50 tấm vải trắng.

        Năm sau, tức năm 1811, Gia Long lại cho đem quà tặng sang Xiêm. Tặng vua Xiêm thứ nhất: 120 tấm lụa trắng, 100 tấm vải trắng, 2.000 cân đường cát, 500 đường phổi, 500 cân đường phèn. Tặng vua Xiêm thứ hai: 80 tấm lụa trắng, 80 tấm vải trắng, 1.000 cân đường cát, 300 cân đường phổi, 300 cân đường phèn.

        Cuối năm 1813, Gia Long lại cho sứ đem tặng phẩm sang Xiêm. Tặng vua Xiêm thứ nhất: 2 cân quế, 50 tấm lụa vàng, 40 tấm sa, 200 tấm lụa trắng, 500 cân đường phổi, 500 cân đường phèn, 2.000 cân đường cát, 16 tảng đá xanh. Tặng vua Xiêm thứ hai: 1 cân quế, 25 tấm lụa vàng, 25 tấm sa, 100 tấm lụa trắng, 300 cân đường phổi, 300 cân đường phèn, 1.000 cân đường cát.

        Giữa năm 1814, vua Xiêm cho sứ đem tặng phẩm sang biếu Gia Long. Gia Long hậu đãi sứ và gửi tặng vua Xiêm thứ nhất: 40 lạng vàng, 500 lạng bạc; tặng vua Xiêm thứ hai: 20 lạng vàng, 100 lạng bạc.

        Cuối năm 1814, vua Xiêm cho sứ đem quà sang tặng Gia Long. Gia Long đáp lại, tặng vua Xiêm thứ nhất: 40 lạng vàng, 500 lạng bạc; tặng vua Xiêm thứ hai: 20 lạng vàng, 300 lạng bạc.

        Mùa thu năm 1816, vua Xiêm cho sứ đem quà tặng Gia Long. Gia Long đáp lại, tặng vua Xiêm thứ nhất: 40 lạng vàng, 500 lạng bạc; tặng vua Xiêm thứ hai: 20 lạng vàng, 300 lạng bạc.

        Mùa thu năm 1817, Xiêm báo tin vua Xiêm thứ hai chết. Gia Long cho sứ sang tặng vua Xiêm thứ nhất: 300 tấm lụa trắng, 300 tấm the trắng, 300 tấm vải nhỏ trắng. Phúng tang vua Xiêm thứ hai: 300 cân sáp ong, 100 tấm vải trắng, 300 cân đường phổi, 300 cân đường phèn, 2.000 cân đường cát.

        Như vậy trong suốt thời gian thời Gia Long, quan hệ giữa ta với Xiêm là tốt, hòa hảo hữu nghị.

        3. Quan hệ với Chân Lạp, Ai Lao và các nước Đông Nam Á

        Đối với Chân Lạp, mùa thu năm 1807, Chân Lạp cho sứ sang cầu phong. Gia Long phong vua Chân Lạp là Nặc Chân làm Cao Miên quốc vương và định lệ cho Chân Lạp 3 năm cống một lần. Mấy năm sau, Chân Lạp có biến, nội bộ hoàng tộc tranh giành ngôi vua, quốc vương Chân Lạp Nặc Chân phải chạy sang Việt Nam. Năm 1813 Gia Long cho tổng trấn Gia Định - Lê Văn Duyệt đem 13.000 quân đưa Nặc Chân về Chân Lạp, tiếp tục giữ ngôi vua.

        Thấy của cải của triều đình Chân Lạp không có gì Gia Long tặng vua Nặc Chân 3.500 lạng bạc, 5.000 quan tiền và 1 vạn hộc thóc. Gia Long còn cho quân giúp Chân Lạp đắp hai thành lớn.

        Tháng bảy năm Quý Dậu (1813), hai thành ở Chân Lạp đắp xong, vua Chân Lạp cho đem tặng Gia Long 88 thớt voi. Biết triều đình Chân Lạp còn túng thiếu, Gia Long không nhận biếu mà nhận mua 88 con voi theo thời giá bấy giờ. Thời giá mua bán voi khi ấy là:

        Voi cao 6 thước trở lên là hạng nhất, giá 50 lạng bạc .

        Voi cao 5 thước 3 tấc là hạng nhì, giá 40 lạng bạc.

        Voi cao 4 thước 4 tấc trở lên là hạng ba, giá 30 lạng bạc.

        Đối với nước láng giềng Ai Lao, Gia Long có thông hiếu. Sứ ta và sứ Ai Lao thường qua lại, không có vấn đề gì giữa hai nước.

        Đối với các nước khác ở Đông Nam Á, nước ta thời Gia Long, không có quan hệ ngoại giao cấp nhà nước, nhưng nhân dân các nước trong khu vực thường qua lại buôn bán với nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:40:02 am »


        4. Quan hệ với người phương Tây

        Giữa năm 1803, nước Anh cho sứ tới thông hiếu, đưa quà tặng và xin cho mở cửa hiệu buôn bán ở núi Trà Sơn, cảng Đà Nẵng. Gia Long không đồng ý và không nhận quà tặng.

        Một năm sau, tức giữa năm 1804, chính phủ Anh lại cho sứ đưa thư và đưa quà tặng, xin mở hiệu buôn ở Đà Nẵng. Gia Long vẫn không chấp nhận.

        Do chính sách bế quan của Gia Long như vậy nên trong thời Gia Long, việc buôn bán với người phương Tây bị hạn chế.

        Năm 1817, Gia Long cho một số quan lại nghiên cứu đo vẽ bản đồ vùng ven biển nước ta cùng với 143 cửa biển từ Quảng Yên vào Hà Tiên. Giữa năm có thuyền buôn của người phương Tây tới Đà Nẵng, họ nhân dịp này tặng triều đình Gia Long bản đồ đảo Hoàng Sa của ta do họ vẽ. Gia Long tặng họ 20 lạng bạc.

        Cuối năm 1817, một tàu của Pháp tới Đà Nẵng xin vào kính dâng tặng phẩm, Gia Long không nhận, không để họ lên kinh đô Huế mà vẫn để các quan ở Quảng Nam, Đà Nẵng tiếp đãi họ.

        Gia Long còn truyền lệnh: nếu tàu Pháp kéo cờ và bắn 21 phát súng chào mừng thì trên đài Điện Hải của ta cũng bắn 21 phát súng đáp lại. Nhưng từ đấy về sau, tàu các nước khác đến, dù họ bắn súng chào nhiều thế nào, ta cũng chỉ bắn ba phát súng làm hiệu đáp, không bắn hơn.

        Giữa năm 1818, Gia Long chuẩn y cho các thương nhân nước ngoài, từ Ma Cao và các nước phương Tây đến buôn ở Gia Định được nộp thuế cảng và thuế hàng hóa bằng bạc ngoại quốc, hoặc bằng nửa bạc nửa tiền, hoặc toàn bằng tiền đều được cả.

        Thuế thuyền nước ngoài đến buôn bán, từ năm 1818, định ngạch ở hai nơi, Thuận An, Đà Nẵng và Gia Định khác nhau.

        Tới buôn ở Thuận An, Đà Nẵng, thuyền chiều ngang từ 25 đến 14 thước, mỗi thước đánh thuế 96 quan. Thuyền chiều ngang từ 13 đến 7 thước, mỗi thước đánh thuế 60 quan.

        Tới buôn ở Gia Định, thuyền chiều ngang từ 25 thước đến 14 thước, mỗi thước đánh thuế 160 quan. Thuyền chiều ngang từ 13 thước đến 7 thước, mỗi thước đánh thuế 100 quan.

        Ngoài những thuế trên, thuyền buôn nước ngoài còn phải nộp tiền cho ba thứ lễ, là lễ dâng vua, lễ dâng hoàng thái hậu (mẹ vua) và lễ dâng hoàng thái tử (con trưởng của vua), thêm một lễ thứ tư nữa là lễ cho quan cai tàu. Riêng tiền lễ cai tàu mỗi năm cũng thu được 8 - 9 nghìn quan.

        Còn thuyền buôn của dân ta từ Quảng Bình trở vào đi buôn ở Hạ Châu (Xanh-ga-po), phần nhiều là thuyền nhỏ, từ giữa năm 1818, đánh thuế như sau: thuyền chiều ngang 9 thước, đánh thuế mỗi thước 20 quan, thuyền chiều ngang 10 thước trở lên, mỗi thước đánh thuế 30 quan.

        Ở thời Gia Long, tuy đã là hai thập kỷ đầu thế kỷ XIX, quan hệ ngoại giao của nước ta vẫn còn bó hẹp, quan hệ ngoại thương cũng rất hạn chế. Chưa có ngoại thương song phương. Chỉ có người nước ngoài đến buôn bán ở ta là chính. Nhà nước và nhân dân ta chưa làm ngoại thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:40:59 am »


        III- NGOẠI GIAO TRIỀU MINH MẠNG (1820 - 1840)

        Minh Mạng làm vua từ năm 1820 đến năm 1840, nhưng không được lòng người nên trong 20 năm thời Minh Mạng có tới 40 cuộc khởi nghĩa chống triều đình, chống vua quan nhà Nguyễn, liên tiếp nổ ra từ Nam chí Bắc.

        Về ngoại giao, Minh Mạng chú ý việc đi sứ và đón sứ. Minh Mạng từng nói với triều thần: “Từ Trần, Lê về trước, không phải người tài rộng khắp thì không cho đi sứ được. Nhân đó sắc rằng: từ nay đi sứ phải chọn người tài đức" (Đại Nam thực lục. Bản dịch của Nxb Khoa học, Hà Nội, 1963, tập V, tr.290-291).

        Khi mới lên ngôi vua, năm 1820 Minh Mạng cho làm nhà tiếp sứ ở ngoài thành Thăng Long, bờ nam sông Hồng và một sứ quán ở. Gia Quất, bên bờ bắc sông Hồng.

        Minh Mạng sẵn sàng tiếp khách ngoại quốc, kể cả người phương Tây. Cho nên ngay từ năm 1820, đã có người Mỹ, người Pháp tới giao dịch. Sách sử ghi rằng: giữa năm 1820, một tàu Mỹ tới Gia Định dâng "chim hạc đen” và "lợn vàng" (Đại Nam thực lục, sđd, tr.98.). Năm 1821 một tàu buôn của Pháp đến Đà Nẵng, dâng thư xin thông thương và tặng một tấm gương to của phương Tây. Minh Mạng nhận lời, cho người Pháp đến buôn bán và gửi tặng vua Pháp nhiều sản vật Việt Nam có giá trị: 100 cân da voi, 30 cân da tê tê, 10 tấm da hổ, 100 tấm da trâu, 500 tấm da hươu, 200 tấm the nam, 200 tấm sa nam, 100 tấm lụa Cao Bộ, 1.000 cân đường phèn, 1.000 cân đường phổi, 1 vạn cân đường cát, 2 cây ngà voi, 2 cỗ sừng tê giác.

        Về quan hệ ngoại giao chính thức giữa nhà nước với nhà nước thì Minh Mạng vẫn theo đường lối của triều trước, chỉ hạn chế trong phạm vi quan hệ với mấy nước láng giềng: Xiêm, Lào, Miên và Trung Quốc. Những năm dưới thời Minh Mạng, quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng là hữu nghị .

        1. Quan hệ với Xiêm

        Khi mới lên ngôi, Minh Mạng cho sứ sang Xiêm báo tang vua Gia Long và đưa tặng vua Xiêm một số sản vật: 2 cân kỳ nam, 3 cân nhục quế, 1 nghìn cân đường phèn, 2 nghìn cân đường cát, 100 tấm the, 100 tấm sa và 100 tấm vải.

        Năm 1824, Xiêm cho sứ sang triều đình Huế báo tin vua Xiêm mất; Minh Mạng bãi triều ba ngày để tang vua Xiêm.

        Nhưng đến năm 1827, Xiêm xâm lược nước Vạn Tượng (Bắc Lào). Vua Vạn Tượng là A Nỗ chạy sang Việt Nam cầu cứu. Minh Mạng cho quân sang giúp Lào. Cuộc xung đột Việt - Xiêm bắt đầu. Lào lấy lại được nước.

        Năm 1829, Minh Mạng đưa thư sang hòa hoãn với Xiêm. Nhưng hòa hoãn chỉ là tạm thời và mong manh. Những xung đột, hấn khích giữa Xiêm và Việt Nam vẫn diễn ra liên tiếp trên đất Lào. Năm 1832, Xiêm cho sứ sang Việt Nam báo tin vua thứ hai nước Xiêm mất; Minh Mạng cho sứ sang điếu tang. Nhưng sang năm 1833 Việt - Xiêm lại xung đột trên đất Miên và cứ thế liên tục đến hết đời vua Minh Mạng.

        2. Quan hệ với Vạn Tượng (Lào)

        Thời Minh Mạng, quan hệ giữa nước ta và Vạn Tượng là tốt, hai bên thường có sứ qua lại, tặng quà nhau rất trọng hậu.

        Năm 1821, vua Vạn Tượng cho đem nhiều vật phẩm sang tặng triều đình Huế. Đáp lại, ngoài những quà tặng như thường lệ, Minh Mạng còn tặng vua Vạn Tượng nhiều thứ như: gấm đoạn 5 cây, lụa các màu, the nam, sa nam, là nam mỗi thứ 10 tấm, 1 bộ đồ chè (trà) bịt vàng, 1 bát bịt vàng, 1 bát bịt bạc, 10 đĩa bịt bạc và 1 cái trống lớn.

        Đối với sứ bộ Vạn Tượng, Minh Mạng tặng chánh sứ một áo chiến bằng gấm Tống đỏ, hai cây súng tây bằng kim loại; tặng phó sứ một áo chiến bằng nhung đoạn lam, một cây súng tây. Cả chánh phó sứ còn được tặng mỗi người một xiêm bằng gấm Lào, một thanh đao mạ bạc, một cỗ cáng, một cái lọng. Các nhân viên tùy tùng trong sứ bộ đều được tặng thưởng tiền bạc, xiêm áo.

        Năm 1827, Xiêm đánh chiếm Vạn Tượng, Luông Pha Băng. Thủ lĩnh vùng Trấn Ninh là Chiêu Nội chạy sang Việt Nam xin nội thuộc.

        Vua Vạn Tượng là A Nỗ bị Xiêm tiến công cũng chạy sang cầu cứu, nương nhờ nước ta. Minh Mạng cho quân sang Vạn Tượng. Quân Xiêm rút về Xiêm. Năm 1828, Minh Mạng cho quân đưa A Nỗ về Vạn Tượng. Tình hình Vạn Tượng được yên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:41:38 am »


        3. Quan hệ với Chân Lạp

        Mùa xuân 1820, sau khi lên ngôi, Minh Mạng gửi thư sang Chân Lạp, tặng vua Chân Lạp 10 cây gấm Tống, 50 tấm lụa, 50 tấm vải và 10 tấm tườu lông (da khỉ).

        Mùa thu 1820, vua Chân Lạp là Nặc Chân sang đưa lễ tiến hương (phúng vua chết) và lễ khánh hạ (mừng vua mới). Lễ tiến hương gồm 500 cân sáp ong, 300 tấm vải trắng. Lễ khánh hạ gồm 55 cân bạch đậu khấu, 55 cân cánh kiến, 55 cân sáp ong, 2 đôi ngà voi, 2 cỗ sừng tê, 10 vò sơn.

        Đáp lại lễ vật tặng vua Chân Lạp theo lệ thường: 10 cây gấm Tống, 20 tấm tườu nam, 20 tấm sa nam, 20 tấm lụa bắc, 40 tấm vải đen, 40 tấm vải trắng. Tặng thêm ngoại lệ: 2 cây thiểm kim (vàng nhấp nhánh), 2 cây giám kim (lẫn vàng), 2 tấm đoạn lông màu đỏ, 4 tấm đoạn lông màu lam.

        Tặng hai chánh phó sứ Chân Lạp, mỗi người 30 lạng bạc, 10 quan tiền; thông ngôn 10 lạng bạc, 5 quan tiền; quân đi theo mỗi người 2 lạng bạc, 2 quan tiền.

        Tặng thêm cho chánh sứ 1 bộ đồ chè (trà) bịt vàng, 3 tấm tườu hoa, 1 tấm lụa. Tặng thêm cho phó sứ một bộ đồ chè bịt bạc, 2 tấm tườu nam hoa, 1 tấm lụa; cho thông ngôn 1 tấm tườu nam hoa, 1 tấm lĩnh nam đen. Lại gia ân thêm cho hai chánh phó sứ hai cái áo chiến hai lớp bằng tườu nam lam, 2 áo ngắn hẹp tay bằng tườu lam lót lụa, hai bức chăn tườu lam lót lụa, 2 áo tràng vạt bằng vải trắng, 3 bức khản vải trắng. Cho thông ngôn một áo chiến bằng sa tanh lót vải, 1 áo ngắn hẹp tay bằng sa xanh lót lụa. Cho 7 người đi theo mỗi người 1 áo chiến bằng vải xanh lót vải trắng.

        Mùa xuân năm sau (1821), vua Chân Lạp là Nặc Chân dâng biểu xin nhà Nguyễn sai quan quân sang bảo hộ nước mình. Biểu rằng:

        “Nước tôi nhỏ yếu, khi trước nhờ ơn đức Thái tổ Cao hoàng đế tài bồi, sai quan bảo hộ, nước tôi nhờ mà yên được, vì tôi trẻ thơ chưa biết gì, tin lời nói dèm, nên quan binh bảo hộ rút về Gia Định; trong nước lại có nghịch Kế, nghịch Tây làm loạn, nhờ quan binh tới đánh, bình được cả; vậy thời tôi giữ được nhà nước tôi, đều là ơn triều đình gây dựng lại; nay xin đặt quan bảo hộ như trước" (Quốc triều chánh tiên toát yếu..., tr.115-116. Kế và Tây là tên hai kẻ phản nghịch).

        Theo lời biểu, Minh Mạng cho tướng Nguyễn Văn Thụy đóng quân tại thành Châu Đốc, kiêm quản công việc trấn Hà Tiên và bảo hộ nước Chân Lạp.

        Cuối năm 1822, vua Chân Lạp là Nặc Chân cho người sang Gia Định đề nghị nhà Nguyễn cùng Chân Lạp đào sông Vĩnh Tế ở vùng biên giới hai nước. Sông này đào từ khi Gia Long còn sống. Gia Long chết, việc đào sông bỏ dở. Nay theo đề nghị của Chân Lạp, Minh Mạng nhận hiệp lực đào sông. Hai bên định kế hoạch đầu năm sau 1823 khởi công đào và đầu mùa hạ đào xong. Nhà Nguyễn đưa hơn 39.000 binh dân, Chân Lạp đưa hơn 16.000 binh dân cùng làm. Tới đầu mùa hạ, sông chưa đào xong, nhưng thời tiết trời oi bức quá, công việc phải tạm hoãn. Tháng hai năm Giáp Thân (1824) hai nước lại tiếp tục đào. Chỉ còn 1700 trượng phải đào, nên đến tháng 5 âm lịch (tức 3 tháng sau) sông đào xong hẳn. Một bia đá được dựng để ghi lại công trình hợp tác xây dựng giữa hai nước đã hoàn thành.

        Công việc bảo hộ Chân Lạp tiếp tục tới năm 1840, cuối đời Minh Mạng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:42:09 am »


        4. Quan hệ với Trung Quốc

        Cũng như các triều trước, Minh Mạng giữ quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc về cả hai mặt: chính trị và kinh tế.

        Trong năm đầu (1820) Minh Mạng hai lần cho người đi Trung Quốc mua hàng. Lần đầu vào tháng ba âm lịch. Lần sau tháng sáu âm lịch, cho hẳn một sứ bộ đông người, do bốn viên quan cầm đầu, đi mua hàng. Sử không ghi rõ mua những hàng gì mà đi đông người.

        Về mặt ngoại giao, Minh Mạng coi việc đi sứ Trung Quốc và tiếp sứ Trung Quốc là quan trọng.

        Tháng chín năm Canh Thìn (1820), một sứ bộ do Ngô Vị là hữu tham tri Lại bộ làm chánh sứ sang Trung Quốc, có hai giáp ất phó sứ đi cùng. Hai viên quan khác được cử làm chánh hậu mệnh và phó hậu mệnh đi lên cửa ải Lạng Sơn để giúp việc đi sứ. Trên đường đi sứ, Ngô Vị ốm, chết ở Nam Ninh, tạm quàn thi hài tại Nam Ninh. Phó sứ Trần Bá Kiên thay Ngô Vị tiếp tục lên đường làm việc sứ. Đến tháng tư năm Tân Tỵ (1821) sứ bộ Trần Bá Kiên tới triều đình nhà Thanh tại Yên Kinh.

        Vua Thanh cho án sát sứ Quảng Tây là Phan Cung Thìn làm khâm sứ mang sắc phong vương cho Minh Mạng.

        Theo nhu các triều trước, khâm sứ Trung Quốc chỉ đem chiếu sắc tới Thăng Long, nên Minh Mạng từ Huế phải "ngự giá Bắc Hà" ra Hà Nội đón tiếp sứ và cử người đi đón sứ từ biên giới xuống. Phó đốc trấn Thanh Hoa là Phan Văn Thúy, hữu tham tri Lại bộ là Nguyễn Văn Hưng, tham bồi Lễ bộ là Đình Phiến sung chức hậu mệnh sứ tới đón sứ tại cửa quan. Phó đô thống chế quân Thần sách là Nguyễn Văn Trí, hữu tham tri Hình bộ là Vũ Đức Thông, thự tham tri là Nguyễn Hữu Nghi sung chức hậu tiếp sứ từ địa đầu Kinh Bắc. Thống chế thị nội là Vũ Viết Bảo, hữu tham tri Hộ bộ là Nguyễn Công Tiếp sung chức hậu tiếp sứ tại công quán Gia Quất.

        Ngày làm lễ nhận sắc phong, từ sáng sớm đã đặt lỗ bộ đại giá suốt dọc đường từ sân điện Kính Thiên đến cửa Chu Tước. Từ phía ngoài cửa Chu Tước đến bến đò sông Hồng đều dàn bày các đội ngũ binh sĩ và voi. Tả thống chế Thị trung Tôn Thất Dịch làm thân thần mang mũ áo bào tía sang công quán Giá Quất. Trấn thủ Sơn Nam Hạ là Nguyễn Văn Hiếu, tả tham tri Binh bộ là Trần Minh Nghĩa, tả tham tri Hộ bộ là Đoàn Viết Nguyên đến nhà tiếp sứ ở bến sông để nghênh tiếp sứ.

        Vua Minh Mạng đội mũ cửu long, mặc hồng bào, đeo đai ngọc, đứng chờ ở cửa Chu Tước; hoàng thân và các quan mặc phẩm phục theo hầu. Tổng trấn Bắc Thành là Lê Chất và hiệp biện đại học sĩ Trịnh Hoài Đức sung chức thì vệ đại thần.

        Giờ ngọ, sứ Thanh là Phan Cung Thìn theo long đình đến điện Kính Thiên làm lễ tuyên phong. Chưởng tượng quân (quân voi) Nguyễn Đức Xuyên sung chức thụ sắc sứ. Lễ xong, vua mời sứ Phan Cung Thìn đến tiền điện mời trà. Vua cũng cho mời sứ dự yến tiệc ở công quán Gia Quất và tặng biếu phẩm vật. Phan Cung Thìn chỉ nhận lụa vải tặng, còn đều trả lại và tạ ơn

        Ngày hôm sau, sứ Thanh làm lễ dụ tế. Từ ngày trước, khi đến công quán Gia Quất, Phan Cung Thìn đã dâng lụa tế 50 tấm và đồ tế phẩm, chiết thành số bạc 100 lạng, do hậu tiếp sứ Vũ Viết Bảo đệ tiến.

        Vua sai hữu ty sắm sửa xôi, lợn, cỗ bàn và thêm lụa tế 100 tấm, đem bày ở điện Thị triều. Vua mặc lễ phục đến trước bàn thờ dâng rượu lạy cáo, rồi sai quan ra tiếp sứ. Giờ thìn, Phan Cung Thìn theo long đình đến làm lễ dụ tế. Chưởng thủy quân là Tống Phước Lương sung chức bổng tửu sứ (bưng rượu). Thượng thư Hộ bộ Nguyễn Hữu Thận sung chức điển nghi sứ. Hiệp trấn Sơn Nam Hạ là Bùi Đức Mân, hữu tham tri Công bộ Trần Văn Tính sung chức tả hữu bổng tửu sứ. Lễ xong, Phan Cung Thìn từ biệt về công quán. Vua lại đặt yến và tặng biếu như trước. Phan Cung Thìn chỉ nhận ngọc quế Thanh Hoa và xin về Trung Quốc. Minh Mạng sai hậu mệnh sứ là Phan Văn Thúy tiễn ra cửa quan, và cũng cho một sứ bộ sang Thanh. Cầm đầu sứ bộ là Hàn lâm Viện chưởng Viện học sĩ Hoàng Kim Hoán làm chánh sứ, thiên sự lễ bộ Phan Huy Thực và thiên sự Binh bộ Vũ Du làm giáp ất phó sứ.

        Hai bên giao tiếp hữu nghị như vậy, nhưng chỉ được mươi năm. Năm 1830, người Thanh đúc tiền kẽm như tiền Việt Nam để đưa sang Việt Nam tiêu dùng, làm cho giá cả hàng hóa ở Việt Nam tăng vọt lên. Triều đình nhà Nguyễn phải ra lệnh cho các vùng biên giới kiểm soát thật kỹ, không cho kẻ gian chở trộm tiền kẽm từ Trung Quốc sang. Năm sau (1831) nhà Thanh cho hơn 600 người đến chiếm đóng đồn Phong Thổ, đòi quân lính Việt Nam phải rút đi. Minh Mạng cho Đặng Văn Thiêm đem hơn 1.000 quân và 10 thớt voi tiến lên Hưng Hóa. Quân Thanh phải rút. Minh Mạng giao cho các thủ lĩnh thiểu số ở địa phương cai quản hai động Phong Thổ và Bình Lưu.

        Năm 1832, bia địa giới Việt - Trung ở sông Đỗ Chú (phía bắc Hà Giang) bị gãy. Bên bờ bắc sông Đỗ Chú là đất Trung Quốc, bên bờ nam sông Đỗ Chú là đất nước ta. Bia địa giới dựng từ thời Lê, có khắc chữ “An Nam quốc, Tuyên Quang trấn, Vi Xuyên giới chí, dĩ Đỗ Chú hà vi cứ”, nghĩa là địa giới nước Nam lấy sông Đỗ Chú ở biên giới huyện Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang làm căn cứ. Tuyên Quang thời xưa gồm cả tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang ngày nay.

        Biết bia gãy, Minh Mạng cho dựng lại bia. Còn như tại sao bia gãy thì không rõ. Chỉ có một thực tế là người Thanh thường xâm phạm vùng biên giới.

        Người Thanh còn theo đường thủy xâm nhập nước ta. Họ thường sang mua gạo lén lút đem về bán ở Trung Quốc. Minh Mạng phải ra lệnh cấm: cấm người Trung Quốc không được mua gạo và cấm các thuyền buôn Việt Nam không được chở gạo sang bán ở Trung Quốc. Lệnh cấm bắt đầu từ năm 1832.

        Đầu năm Đinh Dậu (1837) hơn 300 quân Thanh xâm lấn động Sơn Yên, thuộc thâu Thủy Vĩ; quân dân ta ở Hưng Hóa đã đánh đuổi chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:42:50 am »


        5. Quan hệ với các nước Đông Nam châu Á

        Thời Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn có quan hệ với nhiều nước vùng Đông Nam Á. Mấy năm đầu còn thưa thớt, về sau quan hệ thường xuyên trong hàng chục năm liền, năm nào cũng có.

        Đầu năm 1824, Miến Điện cho sứ sang thông hiếu và đưa tặng phẩm: 1 ấn vàng, 40 cái nhẫn, 1 hộp trầu sơn son, 1 chuỗi trân châu "bất nhiên", 1 bức mền tơ đỏ, 2 bức tườu đại hồng ti, 2 bức tườu tố hồng ti. Minh Mạng gửi vua Miến Điện 32 cân quế 100 cây lụa, 100 cây sa, 100 cây tườu, 1.000 cân đường cát; tặng chánh sứ Miến Điện 100 lạng bạc, tặng phó sứ 80 lạng bạc, mỗi người 1 áo bào song khai bằng đoạn thêu và 1 quần; tặng 5 viên bồi sứ, mỗi người 60 lạng bạc, 1 áo nhung trung khai và 1 quần. Cho 40 quân tùy tùng mỗi người 4 lạng bạc, 1 áo đoạn đỏ trung khai và 1 quần.

        Đầu năm 1825, triều đình nhà Nguyễn cho người sang Hạ Châu và Giang Lưu Ba công cán. Hạ Châu và Giang Lưu Ba là Xanh-ga-po và In-đô-nê-xi-a. Sử ghi là đi công cán, không rõ là làm gì, hoạt động ngoại giao hay mua bán hàng hóa. Trong thực tế lịch sử triều đình Minh Mạng vẫn chưa có quan hệ ngoại giao chính quyền các nước Đông Nam Á.

        Giữa năm 1828, Minh Mạng ra lệnh cấm thuyền buôn nước ta không được đến buôn bán ở Hạ Châu, vì thuyền buôn nước ta ở Gia Định thường đem gạo sang bán ở Hạ Châu. Nhưng từ năm 1830 trở đi cho đến hết đời Minh Mạng, trong 10 năm liền, quan hệ buôn bán giữa ta và các nước Đông Nam Á năm nào cũng có. Ta bán sang các nước này những mặt hàng như: đường cát, đồng thoi, ngà voi, cánh kiến..., và hàng ta mua thường là: kẽm, súng điển thương, vải trắng...

        6. Tiếp xúc với các nước phương Tây

        Từ cuối thế kỷ XVIII, trong đội quân mộ của Nguyễn Ánh để chống phong trào nghĩa quân Tây Sơn đã có một số người Pháp tới nhập ngũ. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi vua, mấy người Pháp là Chaigneau và Vannier ở lại làm quan tại triều đình Huế. Họ lấy vợ Việt Nam, sinh con đẻ cái và sống ở Việt Nam. Cuối đời Gia Long, Chaigneau về Pháp nghỉ 3 năm. Sau 3 năm nghỉ, Chaigneau được triều đình Pháp cử làm lãnh sự Pháp ở Việt Nam, đồng thời làm khâm sai của vua Pháp Louis XVIII, đem phẩm vật tặng vua Việt Nam và đưa quốc thư Pháp điều đình thông thương với Việt Nam. Chaigneau sang thì Minh Mạng đã làm vua thay Gia Long. Minh Mạng cho viết thư trả lời vua Pháp là hai nước Việt Nam và Pháp không việc gì phải làm điều ước thương mại. Tới buôn bán ở Việt Nam thì cứ theo luật pháp của Việt Nam là được.

        Năm 1822, một tàu chiến của Pháp là tàu Cléopâtre đến cảng Đà Nẵng; thuyền trưởng xin vào triều yết kiến, Minh Mạng không cho. Trong năm này, người Anh đưa quốc thư và tặng vật đến xin thông thương. Tặng vật gồm 500 khẩu súng điển thương và 1 đôi đèn pha lê. Minh Mạng cũng chối từ.

        Đối với người Pháp là Chaigneau và Vannier, thái độ của Minh Mạng ngày càng lạnh nhạt. Tới đầu năm 1825, Chaigneau và Vannier xin từ chức và từ biệt triều đình Huế, đem vợ con về Pháp. Mấy người Pháp ấy đi khỏi thì cũng đầu năm 1825, một đại tá hải quân Pháp là Bougainville đưa hai tàu chiến Thétis và Espérance vào cửa Đà Nẵng, đem phẩm vật và quốc thư Pháp, xin vào Huế yết kiến. Minh Mạng từ chối không tiếp, không nhận quà tặng, lấy cớ là không có người biết tiếng Pháp làm phiên dịch.

        Mùa thu năm 1825, một tàu buôn Pháp tới buôn bán ở Đà Nẵng, đưa tặng phẩm của Chaigneau và Vannier gửi nhà vua. Minh Mạng cho đưa quà tặng vào kho, coi như hàng mua và trả tiền là 7.680 lạng bạc. Đáp lại, Minh Mạng cũng gửi thư thăm và quà tặng cho Chaigneau và Vanmer.

        Năm 1826, chính phủ Pháp cho người cháu của Chaigneau sang làm lãnh sự Pháp ở Việt Nam. Triều đình Minh Mạng không nhận lãnh sự. Người Pháp này ở lại Việt Nam một thời gian, năm 1829 trở về Pháp.

        Tháng 12 năm 1827, Lê Văn Duyệt trách vua Minh Mạng đối xử tàn nhẫn với giáo sĩ người Pháp.

        Năm 1832, Pháp lại một lần nữa cho người cháu Chaigneau sang đặt quan hệ lãnh sự, nhưng vẫn không thành.

        Cuối năm 1832, Mỹ đặt quan hệ thông thương, cho hai người đem quốc thư tới. Sử cũ ghi tên hai người này theo âm Hán - Việt là Nghĩa Đức Môn, La Bách Đại. Minh Mạng cho viết thư trả lời tổng thống Mỹ nói rõ người Mỹ có thể tới thông thương được, chỉ cần tuân theo pháp luật Việt Nam, chỉ đậu thuyền và buôn bán tại vũng Trà Sơn thuộc Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, đặt cửa hiệu.

        Năm 1835, Minh Mạng ra lệnh cho các tỉnh ven biển miền Nam, khi thấy có tàu ngoại quốc ghé đậu bến nào thì quan coi bến phải đem thông ngôn tới xét hỏi tàu từ đâu tới, tàu chiến hay tàu buôn và báo về triều đình Huế ngay. Nếu là tàu chiến thì một mặt tâu về triều, một mặt cho quân cảnh giới nghiêm ngặt và tư đi các tỉnh lân cận đề phòng bất trắc. Ngày nào tàu đi, hoặc đóng lại làm gì, đều phải tâu luôn. Minh Mạng chỉ cho phép các tàu buôn phương Tây vào đậu và buôn bán ở Đà Nẵng như đã có lệnh từ trước, không được vào buôn bán ở các bến khác.

        Đầu năm 1837, một tàu buôn của Anh qua bãi Hoàng Sa bị cạn, hơn 90 người trên thuyền phải ghé vào trú ở bãi biển Bình Định. Minh Mạng cho bố trí chỗ ở và cung cấp tiền gạo cho họ. Chủ tàu và những quan chức Anh trên tàu rất cảm động và cảm ơn. Minh Mạng cho Nguyễn Tri Phương và một số người tùy tùng đem tàu đưa những người Anh này sang Hạ Châu, để từ đấy họ trở về nước.

        Nếu chỉ có quan hệ giao thương như thế thì sự tiếp xúc giữa triều đình nhà Nguyễn với người phương Tây, dù không hữu nghị cũng không có gì phiền phức xảy ra. Nhưng giao thương lại có vấn đề truyền giáo đi kèm. Minh Mạng không bằng lòng cho người phương Tây truyền đạo Gia Tô vào Việt Nam.

        Năm 1825, tàu Thétis của Pháp vào Đà Nẵng, cho tới khi đi tình hình êm đẹp. Nhưng khi tàu rời bến thì có một giáo sĩ Pháp là Rogerot lén lút ở lại Việt Nam, đi giảng đạo các nơi. Do đó, Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo. Chỉ dụ nhấn mạnh "Đạo phương Tây là tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục cho nên phải nghiêm cấm để người ta phải theo chính đạo" .

        Đầu năm 1833, Minh Mạng ra chỉ dụ cấm đạo lần thứ hai. Các giáo sĩ bị lùng bắt, trục xuất.

        Giữa năm 1833, Lê Văn Khôi nổi loạn, chiếm giữ Sài Gòn. Trong hàng ngũ của Lê Văn Khôi có nhiều dân theo đạo, có linh mục, có cả giáo sĩ ngoại quốc. Khi cuộc nổi dậy bị dẹp tan, một giáo sĩ Pháp là Marchand cùng năm thủ lĩnh cuộc nổi dậy bị xử tử tại Huế.

        Một giáo sĩ Pháp khác là Gagelin bị bắt ở Bình Định cũng bị đưa về xứ tử tại Huế ngày 17 tháng 10 năm 1833. Trong những năm sau, khoảng mười giáo sĩ nữa bị giết.

        Năm 1836, Minh Mạng ra lệnh cấm đạo lần thứ tư. Lần này, lý do cấm đạo được nói rõ là vì các giáo sĩ nước ngoài phạm tội "do thám ngoại quốc".

        Cuối năm 1839, Minh Mạng cho các quan Trần Viết Xương, Tôn Thất Thường đem hai người thông ngôn đi tàu sang Pháp, lấy cớ đi mua đồ, để điều đình với chính phủ Pháp đặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Nhưng các giáo sĩ Pháp ở Việt Nam báo về Pháp là triều đình Việt Nam tàn sát giáo sĩ, giáo dân, chính phủ không nên tiếp. Giáo hội Va-ti-căng cũng đề nghị với Pháp như vậy. Do đó, khi phái đoàn ngoại giao của triều đình Việt Nam tới Pháp, vua Louis Philippe và triều đình Pháp không tiếp. Phái đoàn này về tới Huế thì Minh Mạng không còn. Minh Mạng chết ngày 28 tháng 12 năm Canh Tý (1840). Thiệu Trị là con trưởng lên nối ngôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:43:36 am »

 
        IV. NGOẠI GIAO TRIỀU THIỆU TRỊ (1841 - 1847)

        Thiệu Trị làm vua 7 năm (lên ngôi năm 1841, chết năm 1847). Trong thời Thiệu Trị, công việc ngoại giao của triều đình nhà Nguyễn vẫn theo nền nếp cũ, chủ yếu là quan hệ tốt với Trung Quốc, còn đối với các nước láng giềng khác, nhất là với các nước phương Tây thì có nhiều vấn đề gay cấn, có những trường hợp xung đột vũ trang thay quan hệ ngoại giao hòa bình.

        1. Quan hệ với Trung Quốc

        Đầu năm 1841, Thiệu Trị lên ngôi vua, cho sứ sang triều đình nhà Thanh báo tin Minh Mạng chết và xin phong vương cho Thiệu Trị .

        Từ tháng tư năm Tân Sửu 1841, để chuẩn bị việc nhà vua ngự giá bắc tiến, tiếp nhận chiếu phong vương của Trung Quốc, Thiệu Trị truyền lệnh lập hành cung tại Hà Nội, dựng nhà tiếp sứ tại Bắc Ninh và Lạng Sơn. Dọc đường từ Thừa Thiên đến Hà Nội, Thiệu Trị cho lập 41 sở để vua nghỉ trưa, nghỉ tối khi đi qua.

        Tháng hai năm Nhâm Dần 1842, Thiệu Trị ra tới hành cung tại bến đò Hà Nội, sáng hôm sau vào nghỉ trong thành. Cũng ngày này, phái bộ Lý Văn Phức đi sứ Trung Quốc về tới Hà Nội, vào chầu Thiệu Trị.

        Năm 1842, sứ Trung Quốc là Bảo Thanh sang Hà Nội làm lễ sách phong cho Thiệu Trị. Lễ xong, sứ Thanh về nước. Đào Trí Phú làm hậu mệnh sứ đưa tiễn sứ Trung Quốc tới cửa ải.

        Năm 1846, các nhà buôn Trung Quốc tới dâng lễ phẩm, các quan ở phủ Thừa Thiên đưa vào triều. Thiệu Trị cho chọn lấy vài thứ đồ cổ trong những lễ phẩm đó và trả 500 quan tiền. Những thuyền buôn Trung Quốc được miễn thuế.

        Trong năm này, một sứ bộ ta sang Trung Quốc.

        2. Quan hệ với Cao Miên và Xiêm

        Từ thời Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn nắm quyền bảo hộ Cao Miên. Khi Thiệu Trị lên ngôi vua, trong triều có người tâu xin bãi bỏ quyền bảo hộ Cao Miên và rút quân ta ở Nam Vang về. Thiệu Trị chấp nhận lời tâu, lệnh cho tướng Trương Minh Giảng đưa quân về nước.

        Thấy quân nhà Nguyễn không còn ở Cao Miên, Xiêm đưa quân sang chiếm đóng Cao Miên, tiến đánh Nam Kỳ, nhưng bị thua phải rút về Cao Miên. Người Cao Miên chống lại, cho người sang Nam Kỳ cầu cứu. Giữa năm 1845, các tướng của triều đình Huế là Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn, Tôn Thất Nghị đưa quân sang Cao Miên, vào thành Nam Vang. Hơn 23.000 người Cao Miên tới theo quân nhà Nguyễn.

        Tháng chín năm Ất Tỵ (1845) tướng Xiêm là Chất Tri cầu hòa. Tháng 10 âm lịch, Nguyễn Tri Phương, Doãn Uẩn cùng Chất Tri ký hòa ước, hai nước giải binh.

        3. Quan hệ với các nước vùng biển Đông Nam Á

        Đối với các nước vùng biển Đông Nam Á, ngoại giao của nhà Nguyễn thời Thiệu Trị vẫn chưa có, chỉ mới có quan hệ ngoại thương. Từ cuối đời Minh Mạng, năm 1839 triều đình Huế tổ chức một đội thuyền buôn và một phái đoàn thương mại do tham tri Đào Trí Phú cầm đầu theo đường biển đi giao thương với các nước vùng biển Đông Nam Á như: In-đô-nê-xi-a, Xanh-ga-po, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a...

        Năm 1842, triều đình thu mua 60 vạn cân đường cát, 15 nghìn cân quế ở Quảng Nam; 80 vạn cân đường cát, 500 cân quế ở Quãng Ngãi để xuất khẩu. Giữa năm 1844 phái đoàn thương mại Đào Trí Phú mua về một tàu thủy mới, giá 28 vạn quan tiền. Thiệu Trị ra cửa Thuận An xem tàu, khen là tàu máy chạy nhanh, đi như bay và đặt tên tàu là "Điện Phi hỏa cơ đại thuyền”. Khi xem tàu, Thiệu Trị nói với các quan đi cùng rằng: "Đời xưa nói vua Hoàng đế chế ra tàu thuyền, cũng có người nói là từ thời ông Bá Ích..., lại xem trong sử Tây - tuần có chép vua Hiền Võ đời Tống qua cửa biển Lục Hợp, tàu rồng tàu phượng cả thảy 3.045 chiếc; tàu thuyền nhiều, dẫn đến Hạ, Thương, Chu xưa và Đông Kinh, Tây Kinh cũng không sánh bằng. Xưa nay lại có khen tàu nước Lương, thuyền nước Ngô đi trên mặt nước rất hay. Nay xem một bộ máy chiếc tàu hỏa này rất khéo, không cần buồm gió mà ngựa chạy thua xa, tuy người đời xưa khéo mấy cũng không bì kịp".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:44:28 am »


        4. Quan hệ với nước Anh

        Tháng chín năm Ất Tỵ 1845, Quốc trưởng nước Anh cho sứ đưa thư và tặng phẩm tới cảm ơn vua Việt Nam về việc một tàu Anh năm 1844 bị bão ngoài biển, trôi giạt vào cảng Bình Thuận, Thiệu Trị cho quân đưa họ về.

        Tháng chín năm Đinh Mùi 1847, có hai chiến hạm của Anh tới cửa Hàn (Đà Nẵng) và muốn lên Huế đưa quốc thư. Triều đình không cho phép. Viên quan ở Đà Nẵng là Tôn Thường và người Anh chỉ huy tàu chiến đã tranh luận nhiều ngày về việc này. Triều đình Huế cho đem nhiều quà tặng cho họ. Mười ngày sau họ mới đi .

        5. Quan hệ với nước Pháp

        Pháp mưu đồ xâm lược Việt Nam từ lâu, bám chặt lấy Việt Nam từ khi các giáo sĩ và võ quan Pháp sang làm việc với Gia Long Nguyễn Ánh ở cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. Nhưng tình hình nội trị và ngoại giao của Pháp ở phương Tây chưa cho phép họ thực hiện ngay mưu đồ này. Khi Thiệu Trị lên làm vua là lúc các nước đế quốc phương Tây đang đua nhau tràn sang đánh cướp các nước châu Á. To như Trung Quốc cũng bị mất đất, mất dân.

        Từ năm 1842, Pháp cho một hạm đội sang hoạt động thường trực ở bờ biển châu Á, lấy cớ để bảo vệ các quyền lợi chính trị, thương mại của Pháp và sự hoạt động an toàn của các giáo sĩ Pháp ở châu Á. Hạm đội này được chính phủ Pháp trao quyền can thiệp vũ trang vào Việt Nam, khi có cơ hội.

        Bấy giờ có năm giáo sĩ Pháp bị giam tại Huế từ thời Minh Mạng. Được lệnh chính phủ Pháp, ngày 25 tháng 2 năm 1843, trung tá Lévêque đưa chiến hạm Héroine vào Đà Nẵng ép triều đình Huế thả năm giáo sĩ bị giam tại Huế. Triều đình Huế thả những giáo sĩ này, đưa họ lên tàu; họ lại bí mật quay vào đất liền, lén lút hoạt động.

        Năm 1844 giám mục Pháp Lefèbvre cùng một nhóm giáo sĩ Pháp ở Gia Định, trong đó có nhiều người thông thạo tiếng Việt, mưu đồ làm đảo chính lật đổ vua Thiệu Trị. Nhưng việc bị lộ, Lefèbvre bị bắt ở Cái Mớn, đưa về giam tại Huế. Triều đình Huế kết tội tử hình. Thiệu Trị giảm xuống cho tội tù. Mùa xuân 1845, Lefèbvre biết tin có một tàu chiến phương Tây đậu ở một bến gần Đà Nẵng. Tàu ấy là tàu Mỹ (Constitution) trưởng tàu là John Percival. Lefèbvre nhờ người bí mật đưa thư tới cầu cứu chủ tàu này. Thư đến vừa lúc chủ tàu Mỹ đương tiếp mấy viên quan của triều đình Nguyễn lên thăm tàu. Trưởng tàu Mỹ John Percival liền giữ mấy viên quan ở lại trên tàu, không cho về, để làm con tin, đòi triều đình Huế thả giáo sĩ Lefèbvre. Thiệu Trị không chịu, bác bỏ yêu sách hống hách đó. Tàu Mỹ phải để mấy viên quan về và tàu nhổ neo đi. Trưởng tàu Mỹ báo cho thiếu tướng hải quân Pháp là Cécille biết.

        Tướng Pháp Cécille cho chiến hạm Alcmène vào Đà Nẵng đòi thả giám mục Lefèbvre. Tháng 7 năm 1845, giám mục được thả và giao cho tàu Pháp. Nhưng Lefèbvre vẫn lén lút hoạt động ở Việt Nam và ngày 8 tháng 7 năm 1846 lại bị bắt. Thiệu Trị biết rõ dã tâm của đế quốc Pháp muốn đánh cướp Việt Nam chờ có cớ là đưa quân xâm lược. Thiệu Trị cũng biết thế yếu của mình, không muốn để Pháp sinh sự, nên đầu năm 1847 cho thả Lefèbvre và trục xuất khỏi Việt Nam.

        Hải quân Pháp biết Lefèbvre đã được tha và ở Huế không còn giáo sĩ bị giam nhưng vẫn cho đại tá hải quân Lapierre và trung tá Genouilly đem hai chiến hạm La Gloire (Vinh Quang) và La Victorieuse (Chiến Thắng) vào Đà Nẵng đòi triều đình Huế bãi bỏ lệnh cấm đạo, để nhân dân tự do theo đạo và không được giết hại giáo sĩ.

        Khi hai tàu Pháp đậu ở cảng Đà Nẵng thì các giáo sĩ Pháp ở dưới tàu thường lên bộ, đeo dấu chứ thập của đạo Gia Tô, ngang nhiên đi lại trên bến cảng. Quân Pháp bắt giữ các thuyền của ta đậu ở bến. Chúng lên bờ, sục sạo vào các làng xóm đe dọa quan quân nhà Nguyễn. Tướng Pháp đưa cho các quan nhà Nguyễn ở Đà Nẵng một bức thư viết bằng chữ Hán để chuyển về triều đình Huế. Bấy giờ là cuối tháng 3 năm 1847. Mười tám ngày sau, thư trả lời của triều đình Huế tới Đà Nẵng. Quan coi Đà Nẵng báo cho tàu Pháp tới nhận thư. Tướng Pháp buộc quan nhà Nguyễn phải thân đem thư xuống tàu, như kiểu một kẻ đầu hàng dâng thư xin hàng. Quan lại nhà Nguyễn không chịu.

        Chớp thời cơ, Pháp ra tay hành động. 11 giờ ngày 15 tháng 4 năm 1847, Pháp nổ súng bắn phá kịch liệt tàu của nhà Nguyễn đậu ở cửa biển Đà Nẵng. Chúng bắn 70 phút liền, đánh đắm các thuyền chiến và 5 chiếc tàu đồng của nhà Nguyễn, phá hủy các pháo đài trên bến, giết chết hàng trăm dân thường. Tướng nhà Nguyễn chỉ huy cảng Đà Nẵng là lãnh binh Nguyễn Đức Chung và hương quản Lý Diên cùng nhiều quân lính ở đây đã tử trận.

        Bắn phá chán tay, quân Pháp chuẩn bị cho tàu ngày hôm sau nhổ neo đi nơi khác. Thiệu Trị được tin, tức giận vô cùng, cách chức một loạt quan lại ở Đà Nẵng, hạ lệnh cấm người ngoại quốc vào giảng đạo và trị tội những người theo đạo.

        Nửa năm sau sự kiện này, ngày 27 tháng chín Đinh Mùi (1847) Thiệu Trị chết.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:45:27 am »


        V- NGOẠI GIAO TRIỀU TỰ ĐỨC (1847 - 1883)

        Năm 1848, Tự Đức lên ngôi vua cũng là năm nước nhà bước vào thời kỳ có nhiều khó khăn nhất, cả về nội trị và ngoại giao.

        Về nội trị, đời sống cả nước gian khổ quá. Nhân dân vô cùng ta thán. Người đương thời đặt thành vè để nói lên nỗi lòng ngao ngán của mình.

        Vè rằng:

        Kể từ Tự Đức cầm quyền
        Bốn phương giặc giã chẳng yên chút nào
        Nắng khan bão lụt biết bao
        Mất mùa chết đói năm nào năm không
        Kẻ sĩ cho chí nhà nông
        Ai ai rồi cũng một lòng chán vua.

        Nội trị đã rối bời thì ngoại giao không thể tốt đẹp Nhưng người cầm quyền trì nước thời xưa đã có kinh nghiệm tự nghìn đời rằng: “Quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh" . Nước có giàu, quân có mạnh, trong nước có yên thì ngoài nước mới tĩnh, mới có hòa bình, hòa hảo với ngoài. Thời Tự Đức, dân đói khổ, trong nước không yên thì ngoại giao đã không thuận lợi, mà còn có nhiều khó khăn không lường trước được.

        Trên thế giới, từ thế kỷ XVII, XVIII, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Cho tới thế kỷ XIX, nhiều nước châu Á, kể cả các nước Đông Nam Á, đều đã tiếp xúc thường xuyên với các nước láng giềng và ít nhiều với các nước tư bản phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, triều đình nhà Nguyễn vẫn khép kín cửa, không cho người Việt Nam đi ra khỏi nước và có nhiều cấm đoán đối với người phương Tây đến nước mình.

        Ngay khi mới lên ngôi vua, Tự Đức đã cho người sang triều đình nhà Thanh, xưng thần nộp cống rất trọng hậu.

        Sứ bộ đầu tiên của triều đình Huế đi sang Trung Quốc cầu phong vương hiệu cho Tự Đức vào năm 1848. Năm sau, 1849, triều đình Thanh ở Trung Quốc cho một sứ bộ do Lao Sùng Quang cầm đầu, sang làm lễ phong vương cho Tự Đức tại triều đình Huế.

        Quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc lúc này hạn chế bớt những hoạt động phá phách của các toán giặc cướp nhà Thanh ở miền biên giới hai nước. Đầu năm 1852, ba tướng nhà Thanh là Lý Đại Xưng (hiệu Quảng Nghĩa Đường), Hoàng Nhị Vãn (hiệu Lục Thắng Đường) và Lưu Sĩ Anh (hiệu Đức Thắng Đường) đã sang hàng triều đình Việt Nam.

        Cũng trong năm này, ta và Trung Quốc định rõ đường biên giới hai nước ở phía tỉnh Tuyên Quang, lấy núi Đại Lĩnh Can làm giới mốc.

        Nhưng vấn đề quan trọng sống còn của Việt Nam lúc này không phải là sự đe dọa hay lấn chiếm của nhà Thanh, mà là cuộc xâm lược của đế quốc Pháp đang từng bước diễn ra, ngày càng quyết liệt và xảo quyệt

        1. Pháp đánh chiếm miền Nam Việt Nam

        Pháp mưu toan chiếm đóng Việt Nam làm thuộc địa từ lâu, ít nhất là từ cuối thế kỷ XVIII. Khi ký hiệp ước Versailles, Pháp đã nắm được một phần chủ quyền Việt Nam thông qua giám mục Pháp là Bá Đa Lộc - đại diện của bọn bán nước Gia Long Nguyễn Ánh. Nhưng nội tình nước Pháp thời ấy chưa cho phép làm được việc đó. Sang giữa thế kỷ XIX, tham vọng của pháp lại bộc phát.

        Từ những năm thập kỷ 50 của thế kỷ XVIII, đại sứ pháp ở Trung Quốc là Bourboulon nhiều lần đề nghị chính phủ Pháp đưa quân xâm lược Việt Nam, trước tiên là đánh chiếm cảng Đà Nẵng. Chính phủ pháp giao cho Bourboulon nghiên cứu kế hoạch cướp nước này.

        Đầu năm 1852, Pháp cho chiến hạm Capricieuse tới thăm dò các cửa biển Cần Giờ, Phú Yên, Cam Ranh và nhiều cửa biển ở miền Bắc.

        Tới năm 1856, Pháp quyết tâm thực hiện mưu đồ đánh chiếm Việt Nam. Ngay từ đầu năm, vua Pháp Napoléon III lệnh cho Montigny, nguyên lãnh sự Pháp ở Thượng Hải, tiến hành hai nhiệm vụ: Một là thương lượng ký hòa ước với Xiêm. Hai là đưa hai tàu chiến Capricieuse và Catinat tới Việt Nam uy hiếp triều đình Tự Đức.

        Montigny đến làm việc ở Xiêm và cho hai tàu chiến đi Việt Nam đưa thư cho triều đình Huế.

        Khoảng giữa tháng 9 năm 1856, tàu Catinat tới Đà Nẵng đưa thư. Quan lại nhà Nguyễn ở đây từ chối không nhận thư. Viên sĩ quan trưởng tàu Catinat ra lệnh bắn phá các pháo đài ở cảng. Sau đó tàu Catinat đóng quân trong thành Đà Nẵng, chờ tàu Capricieuse. Tàu Capricieuse gặp bão nên tới Đà Nẵng muộn. Khi tàu Capricieuse tới, hai tàu đều cùng chờ Montigny tới. Nhưng chờ mãi không thấy Montigny, mà cả hai tàu lương ăn đều sắp cạn, cuối cùng phải nhổ neo rời Đà Nẵng đi Ma Cao.

        Sau đó ít lâu, Montigny được vua Pháp trao quyền đại diện để giải quyết công việc ở Việt Nam. Ngày 25 tháng 1 năm 1857, Montigny từ Xiêm sang Đà Nẵng yêu cầu được đưa quốc thư xin cho người Pháp tự do thông thương, đặt lãnh sự ở Huế, mở cửa hàng buôn bán ở Đà Nẵng và cho các giáo sĩ tự do đi giảng đạo. Triều đình Huế không chấp nhận điều nào.

        Vua Pháp Napoléon III nhất quyết xâm lược Việt Nam. Ngày 22 tháng 4 năm 1857, Napoléon III lập “Hội đồng Nam Kỳ", chuẩn bị đánh chiếm miền Nam Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:46:25 am »


        Tháng 11 năm 1857, Napoléon III lệnh cho đô đốc Rigault de Genouilly, tư lệnh hạm đội Pháp ở châu Á đem quân đánh chiếm Đà Nẵng. Tây Ban Nha cho quân phối hợp cùng xâm lược. Ngày 31 tháng 8 năm 1858, một hạm đội gồm 14 tàu chiến, 2.500 quân Pháp và 500 quân Tây Ban Nha tiến tới Đà Nẵng.

        Mờ sáng ngày 1 tháng 9 năm 1858, Pháp gửi tối hậu thư cho triều đình Huế, đòi Tự Đức trong hai giờ phải đầu hàng. Triều đình Huế lúng túng, chưa biết nên như thế nào. Không nhận được thư trả lời, Pháp cho quân bắn đại bác phá vỡ hệ thống đồn lũy của quân Nguyễn ở Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

        Tháng giêng năm Kỷ Mùi (2-1859), quân Pháp và quân Tây Ban Nha từ Đà Nẵng đánh vào cửa Cần Giờ và từ đấy tiến đánh thành Gia Định. Lấy được thành Gia Định, quân xâm lược cướp của quân Nguyễn 200 súng đại bác, 85.000 ki-lô-gam thuốc súng, tiền và bạc ước khoảng 180.000 phờ-răng, vũ khí và thóc gạo nhiều vô kể. Nhưng tướng giặc Rigault de Genouilly không dám cho đóng quân trong thành, sợ bị quân ta bao vây tiêu diệt, nên cho đốt hết thóc gạo, san phẳng thành thị, đồn lũy; sau đó rút quân xuống đóng trên các tàu chiến đậu trên sông.

        Tình thế giặc Pháp trên chiến trường Gia Định có nhiều khó khăn buộc tướng Genouilly phải tìm cách điều đình với ta để kéo dài thời gian.

        Bấy giờ là tháng sáu năm Kỷ Mùi (1859). Nhận được thư đề nghị thương lượng của Pháp, Tự Đức cho Bộ Binh trả lời rằng Pháp muốn nghị hòa mà vẫn cho quân đốt phá Quảng Nam, Khánh Hòa thì nghị hòa sao được. Pháp trả lời: từ nay trở đi không để xảy ra như thế nữa.

        Trước thái độ cầu hòa của Pháp, triều đình Huế không thể không có ý kiến dứt khoát. Tự Đức hỏi ý kiến Viện Cơ mật. Các quan Viện Cơ mật như Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản thiên về giảng hòa, đưa ra ý kiến là đối với ba yêu cầu của Pháp thì điều thứ nhất là xin đất, quyết không cho; điều thứ hai xin thông thương thì từ đầu thời Nguyễn tới nay đã cho phép họ thông thương, nay cứ thế mà làm; điều thứ ba là việc giảng đạo Giê-su thì từ thời Trần, Lê đã cho phép họ được giảng đạo tự do; gần đây vì ta cấm giảng đạo ngặt quá nên họ phải xin phép được giảng đạo; vậy ta nên bỏ lệnh cấm giảng đạo, để cho trong nước được nghỉ binh, yên dân. Do đó nhận hòa với Pháp là điều rất nên.

        Ngược lại, Nguyễn Tư Giản cũng là quan Viện Cơ mật đưa sớ tấu không nên nghị hòa.

        Vì có những ý kiến trái nhau như vậy, triều đình Huế không biết trả lời thế nào. Rốt cuộc, không trả lời.

        Cuối năm 1859, thiếu tướng Page sang thay Genouilly cũng nhận thấy cần tiếp tục đưa thư bàn hòa với triều đình Huế.

        Dự thảo hòa ước của Page gồm 10 điều chính:

        1. Đại Pháp cùng Đại Nam giao hiếu muôn năm cho tỏ nghĩa lớn.

        2. Khi Pháp đưa quốc thư thì báo với cửa Hàn rồi đi đường bộ đưa lên Kinh.

        3. Nước Nam giao hiếu với nước nào thì nước Pháp cũng đối xử như nước anh em.

        4. Không bắt tội những dân làm thuê với Pháp.

        5. Không bắt tội những dân theo đạo Giê-su.

        6. Những giáo sĩ Pháp bị bắt, xin giao lại cho Pháp để đưa về Pháp.

        7. Không ngăn cản tàu Pháp vào buôn bán ở các cửa biển.

        8. Nước Nam nên lập hòa ước với nước Tây Ban Nha.

        9. Không ngăn cấm các cố đạo đi giảng đạo ở các làng xóm.

        10. Pháp được quyền đặt lãnh sự và lập phố buôn bán ở các cửa biển.

        Đại diện triều đình Huế tại Gia Định chấp nhận bảy điều khoản trên, riêng ba điều khoản cuối phải đưa về Huế để triều đình quyết định.

        Bản dự thảo nghị hòa đưa về triều. Trước một văn kiện ngoại giao xâm phạm chủ quyền dân tộc như vậy, trong triều có nhiều người không muốn chấp nhận. Do đó, triều đình do dự, chưa quyết.

        Trong khi đó, tàu chiến Pháp vẫn đỗ ở cửa Hàn (Đà Nẵng). Thấy triều đình Huế không trả lời, Pháp cho quân dưới tàu lên đốt phá mấy đồn quân Nguyễn ở Đà Nẵng rồi rút quân.

        Đầu năm 1859 Pháp tiến chiếm Gia Định. Ngày 17 tháng 2 năm 1859, thành Gia Định rơi vào tay giặt.

        Sau khi thôn tính xong Gia Định, quân Pháp tiếp tục tung quân đánh chiếm các thành Đại Đồn (Chí Hòa), Định Tường (Biên Hòa)... Lúc này Nguyễn Tri Phương được giao trọng trách trấn giữ thành Đại Đồn do chính ông đã huy động quân dân xây gấp để ngăn chặn quân Pháp đánh rộng ra.

        Trước tình hình thành Gia Định thất thủ, Pháp tung quân đánh chiếm một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, triều đình Huế hoảng hốt cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đi sứ vào Gia Định xin giảng hòa.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM