Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:24:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước  (Đọc 21946 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:29:54 am »


        2. Quan hệ với Lào và tiếp xúc với người phương Tây

        Trong các nước láng giềng, triều đình Lê - Trịnh có quan hệ chặt chẽ với Lào. Thời kỳ này, nước Lào có biến, một người con của vua Lào là Triều Phúc chạy sang Việt Nam lánh nạn.

        Năm 1696, chúa Trình cho đưa Triều Phúc về Lào để lên ngôi vua. Năm 1718, chúa Trịnh gả một người con gái tôn thất cho vua Lào - Triều Phúc.

        Với các nước phương Tây, triều đình Lê - Trịnh chưa đặt quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng chấp nhận cho các giáo sĩ tới giảng đạo và các nhà buôn tới buôn bán, lập thương điếm.

        Từ năm 1613, thuyền buôn Hà Lan đem hàng tới bán ở Bắc Hà. Năm 1637, người Hà Lan được chúa Trịnh cho phép mở hiệu buôn ở Phố Hiến và Thăng Long. Phố Hiến là một khu vực trong thị xã Hưng Yên ngày nay.

        Năm 1672, người Anh cũng được chúa Trịnh cho tới mở hiệu buôn. Điều kiện cho họ tới lập thương điếm ở Bắc Hà là phải đem súng ống, đạn được phương Tây sang bán cho chúa Trịnh để chúa Trịnh tiến hành chiến tranh đánh phá chúa Nguyễn trong Nam.

        Khác với Hà Lan và Anh, người Pháp cho cố đạo đi trước, mở đường cho những mưu đô xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp. Năm 1745, một cố đạo Pháp là Saint Phalles bỏ đạo đi buôn, tới mở cửa hiệu ở Bắc Hà. Tám năm sau, năm 1753, Saint

        Phalles gửi thư về nước yêu cầu chính phủ Pháp lập căn cứ Pháp ở miền Bắc Việt Nam. Saint Phalles viết:

        "Vương quốc này là một trong những nước mạnh nhất của vùng Đông Ấn Độ. . . Nó rộng bằng hai phần ba nước Pháp... Thủ đô là Kẻ Chợ rộng như Paris... Tôi đã đến đó nhiều lần. Kẻ Chợ ở trên một con sông gọi là sông Cái... Thuyền bè chen chúc dưới bến, đông đúc quá sức tưởng tượng. Dân số của nước này rất đông. Có rất nhiều thị trấn. Có những thị trấn đông dân từ 3 đến 10 vạn người. Xứ này có nhiều sông ngòi, kênh đào, thuyền tàu đi lại dễ dàng... ".

        Vì thực dân phương Tây có những mưu đồ và hành động xấu như vậy cho nên ở Bắc Hà, từ năm 1687 trở đi các chúa Trịnh luôn luôn cấm đạo. Các giáo sĩ phương Tây khó tới được. Các lái buôn phương Tây cũng dân dần ít đến.

        II- NGOẠI GIAO CỦA CHÍNH QUYỀN HỌ NGUYỄN Ở NAM HÀ

        1. Quan hệ với Trung Quốc

        Nam Hà không liền biên giới với Trung Quốc như Bắc Hà, nên quan hệ ngoại giao của họ Nguyễn ở Nam Hà với Trung Quốc không là vấn đề cấp thiết. Chính quyền họ Nguyễn thành lập ở Nam Hà đầu thế kỷ XVII, tới đầu thế kỷ XVIII mới đặt quan hệ với Trung Quốc.

        Năm 1702, nhân có thuyền của sứ thần Xiêm sang cống triều đình nhà Thanh Trung Quốc, chúa Nguyễn Phúc Chu gửi một số cống phẩm sang vua Thanh cùng một bức thư như sau:

        “Hải ngoại Việt quốc thảo mãng thần Nguyễn Phúc Chu, khấu đầu trăm lạy, kính cẩn dâng lời nói về việc ở phương xa, mến ân đức, tỏ lòng thành, hướng theo giáo hóa.

        Thần nối dõi tổ tiên, mở mang đất đai ở ngoài biển cả đã trải lâu năm, vốn không lệ thuộc vào các nước phương Nam nào cả. Đường sá xa xôi, đất đai nhỏ hẹp, chưa dám bày tỏ với thiên triều...

        Mồng 2 tháng .9 năm ngoái, thuyền đi dâng nộp lễ cống của nước Xiêm La có đi qua biên giới nước thần, nhân đó mới biết rằng nước ấy đang đem lễ cống đến dâng thiên triều, nên dốc lòng thành giúp đỡ việc đi cống, sửa chữa thuyền bè, cấp cho lương thực để họ đi đến Quảng Đông.

        Thần có bài biểu và lễ vật nhân tiện giao cho bọn Hoàng Thín đệ trước lên đốc phủ Quảng Đông khẩn khoản nhờ đề đạt cho. . .

        Ví bằng được nhà vua ưng thuận, thần sẽ sai ngay bồi thần dâng biểu sang tạ. Thần một niềm ngước trời trông thánh, bao xiết sợ hãi run rẩy chờ đợi mệnh lệnh. Xin kính giãi bày lòng thành kẻ hạ thần để tâu nhà vua nghe biết". (Bài biểu nguyên văn chữ Hán, Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục)

        Tổng đốc Quảng Đông chuyển tờ biểu về triều. Vua Thanh không ưng thuận quan hệ với chúa Nguyễn.

        Chúa Nguyễn khi gửi biểu, có gửi kèm lễ vật cống nạp, gồm có:

        Vàng sống nặng 1 cân, 13 lạng, 5 đồng cân.

        Một khối kỳ nam hương thượng hạng, nặng 5 cân 4 lạng.

        Hai chiếc ngà voi nặng 350 cân, 50 dây mông hoa. . . Không rõ vua Thanh không ưng thuận quan hệ với chúa Nguyễn thì trả lại cả cống phẩm hay vẫn nhận, không thấy sử sách ghi rõ. Chắc là vẫn nhận!

        Chúa Nguyễn cũng không quan tâm đến thái độ của vua Thanh từ chối giao hảo. Năm mươi năm sau, chúa Nguyễn có việc giao thiệp với chính quyền địa phương Quảng Đông, nhưng chưa đặt lại vấn đề bang giao với triều đình nhà Thanh. Việc đó là: năm 1747 có nhóm Hoa kiều Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tú tụ tập 300 người nổi loạn, mưu đánh chiếm dinh Trấn Biên. Chúa Nguyễn cho quân đánh dẹp, bắt tên cầm đâu Lý Văn Quang và 57 đồ đảng. Năm 1756, chúa Nguyễn cho đưa nhóm Hoa kiều phản loạn này giả cho Trung Quốc và gửi cho tổng đốc Quảng Đông bức công văn như sau:

            “An Nam quốc Thuận Hóa, Quảng Nam đẳng xứ tư mục Nguyễn Bất Ninh(chúa Nguyễn xưng tên như vậy, Lê Quý Đôn: Phủ biên tạp lục) bái thư gửi thiên triều Mân Chiết tổng đốc, thái tử thiếu bảo lão hiến đài các hạ. . .

        Khoảng năm Đinh Mão (1747), bọn Lý Văn Quang, Hà Huy, Tạ Tứ, qua chơi đất hẹp của tôi, ngầm mang lòng xằng, lẩn vào trong cõi Gia Định, nhóm họp hơn trăm, càn rỡ, tự tôn tự đại, hoặc xưng đô đốc, hoặc xưng quân sư, ngoài ra đều theo thứ bậc mà đặt trộm tên, toan cướp chiếm ấp tôi, bừa giết biên thần. Nhưng rồi trời chẳng dung tha, thảy đều bị bắt, xử luật bất đạo, tội chết có thừa. Song tạm để hình chương, giam mà không giết, chính muốn tỏ lòng với thượng quốc, đưa trả bọn kia, để chịu phép thường. . .

        Lại như thiên tổng Lê Đức Huy, bả tổng Trầm Thần Lang, Hồ Đình Phượng, năm Ất Hợi (1755) mùa đông, bỗng bị sóng gió, trôi dạt vào đất chúng tôi thảy được nhờ đó, đợi đưa về Trung Quốc. Ngờ đâu cùng bệnh không biết thương nhau, cùng hoạn không biết giữ nhau, cùng nhau tranh giành, tố cáo lẫn nhau, đó đều là quan võ của Trung Quốc, không quan hệ đến chính điển ấp tôi, cho nên lời lẽ của hai bên đã phong lại trả về bẩm lên thượng hiến, để tùy xét xử. Trong bốn biển còn người tri kỷ, bầu trời xa coi tựa láng giềng. Kính biếu vật mọn địa phương: trầm hương 5 cân, quạt hoa 5 cái, lụa vàng 5 tấm, ngà voi 1 đôi, yến sào 10 cân, vây cá 30 cân, hải sâm 30 cây, hồ tiêu 30 cân, gậy lụi 20 cây, song hoa 20 cây, các hạng, để tỏ tấm lòng, tưởng mến tiếng hay biết là nhường này! Trời đất cõi xa, lòng son gắn bó. . . ".

        Quan hệ ngoại giao giữa chúa Nguyễn và Trung Quốc đã có, nhưng chỉ lỏng lẻo thế thôi, chưa có quan hệ chính thức và có gì gắn bó với nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:30:45 am »


        2. Quan hệ với Chiêm Thành

        Đầu thế kỷ XVII, họ Nguyễn vào trấn thủ Thuận Hóa, Chiêm Thành cho sứ tới thông hiếu. Họ Nguyễn đương muốn mở rộng khu vực trấn thủ tạo căn cứ vững để chống họ Trịnh ở Bắc Hà nên chỉ sau mấy năm giao hiếu đã xâm lấn Chiêm Thành. Năm 1611, họ Nguyễn đánh Chiêm Thành lần thứ nhất, lấy đất lập phủ Phú Yên; năm 1653, đánh Chiêm Thành lần thứ hai, lấy đất Phan Rang; năm 1693, đánh Chiêm lần thứ ba, lấy nốt đất đai của Chiêm, bắt vua Chiêm là Bà Tranh đưa về Phú Xuân, đổi Chiêm Thành làm Thuận Phủ; năm sau đổi làm trấn Thuận Thành, năm 1697 đặt làm phủ Bình Thuận. Nước Chiêm Thành không còn. Lãnh thổ thuộc quyền trấn thủ của họ Nguyễn mở rộng từ Thuận Hóa xuống giáp biên giới nước Chân Lạp .

        3. Quan hệ với Xiêm

        Họ Nguyễn từ khi hưng khởi chưa thông hiếu với Xiêm, chỉ có mâu thuẫn, tranh chấp nhau để giành bá quyền đối với Chân Lạp.

        Tới giữa thế kỷ XVIII, vì thuyền buôn của hai nước khi qua vùng biển của nhau thường bị bắt giữ, nên hai bên có công văn và sứ thần qua lại giao dịch về những sự việc này.

        Năm 1775, triều đình Xiêm cho sứ đem thư sang triều đình Nguyễn nêu một số vụ tàu biển của nhà nước Xiêm sang mua hàng ở Trung Quốc, trên đường về tránh gió ở một số hải cảng ở miền Trung An Nam bị quan chức địa phương thu hết vật phẩm, hoặc đánh thuế quá cao. Trong khi đó thì một số người An Nam có những hành động kiểu "hải tặc" ở vùng biên Tây Nam, bị quan lại địa phương của Xiêm bắt đều được thả về... Ý vua Xiêm muốn vua An Nam biết những tàu bị bắt giữ là tàu của nhà nước Xiêm đi mua "đồ khố dụng nội vụ cho triều đình". Cũng chính vì vậy mà triều đình An Nam nên dùng luật pháp để xử lý quan lại địa phương (không báo cho triều đình biết), cho xin lại những vật phẩm đã bị thu giữ trước đây. Qua thư, triều đình Xiêm cũng xin triều đình Nguyễn cấp cho 10 chiếc thẻ bài để tiện cho tàu bè nhà nước Xiêm thuận lợi trong việc đi lại Trung Quốc mua bán. Để bày lòng hữu hảo, kèm theo thư, vua Xiêm cũng biếu chúa Nguyễn một số vật phẩm quý hiếm.

        Thư của triều đình Xiêm có đoạn:

        "… Vâng theo lòng quốc chúa nước tôi thương mền nước An Nam, tâu rõ ở Kim-loan chính điện, kính lấy lòng nhu hoài nước xa, nghĩ An Nam và Xiêm La là hai nước láng giềng rất thân, không thể nhân việc nhỏ mà bỏ mất đại nghĩa. Ba lần thuyền đi mua năm trước với các đồ thập vật khố dụng chở về nước bị thu vào nước An Nam đã bị kho quan lấy cả, chắc rằng bọn hữu ty nước An Nam chưa có tâu rõ với vua An Nam biết rằng thuyền tránh gió là thuyền nước Xiêm sai khiến đi mua đồ khố dụng nội vụ cho nên quan sai tùy lòng mặc ý trưng thu, đó cũng là vì người bề trên nước An Nam chưa được biết rõ vậy. Có lẽ nào hai nước hàng xóm với nhau, bên qua bên lại, giao thông hòa hậu, lại không nghĩ lấy nhân nghĩa đối với thiên hạ mà đánh thuế thuyền ghe quá nặng, rút thu tài vật nhỏ mọn như thế. Thực vì bọn hữu ty kia không có tài. Không phù xã tắc, chăm đem chính sách trị an thiên hạ mà giúp đỡ minh quân nước An Nam; bọn hữu ty chuyên quyền cố ý thu thuế nặng nề và che giấu không báo, không thể lòng vua An Nam là bậc nhân thánh thông minh, không nghĩ sự mềm mỏng với các chư hầu, thông hòa với nước láng giềng, mặc ý trưng thu thuế khóa, coi rẻ nước Xiêm chúng tôi, dứt đường thuyền bè qua lại trên biển mà trở thành cừu địch...". 

        "… Nay may có sứ mệnh An Nam tại đây, nên giao tiếp với Thống chánh sứ ty để cho yên việc với nước láng giềng. Quan hàn lâm viện nội các đại học sĩ soạn văn thư, đặc sai hai viên chấp sứ thần là Lãng-phi-văn-khôn và Khu-sa-lũ-thao mang sứ mệnh cùng với khâm sứ An Nam đi sang báo cho biết, xin vua nước An Nam, trông đến nước Xiêm khâm dụ cho quan đại thần phụ trách đem các đồ thập vật sở phí của các thuyền ba lần tránh gió đưa trả lại để cho sứ thần là bọn Lãng-phi-văn-khôn và Khu-sa-lũ-thao điểm rõ rồi hộ tống ra ngoài cõi để về nước, ngõ hầu không mất tình hòa hậu với nước láng giềng. Cảm ơn thực không bờ bến. Lại xin cấp cho mười cái thẻ long bài chiếu thân vào cửa biển để cho chủ thuyền sau này có phải tránh gió vào cảng thì khỏi bị sai quan trưng thu sách nhiễu, đến khi gió thuận thì cứ theo nguyên thuyền mà ra về, tức cũng sẽ khiến thuyền Xiêm La sau này qua lại không ngớt. Vâng ban thổ sản màn trắng 5 tấm, màn đỏ 3 tấm, màn đại hoa mãn thiên 2 tấm, cộng 15 tấm, phụ giao cho sứ mệnh đem đi dâng lên vua nước An Nam thiên thu nhận cho, gọi là diện mục cách xa nghìn dặm mà chút tỏ được tấm lòng nhỏ mọn. Kính dâng. Kính tuân mọi lẽ đến Nội các vâng sao làm văn thư để tư hội.

        Trên đây là tư cho quốc chúa An Nam điện tiền, hồng phúc nghìn thu mắt rồng ngự lãm Long phi năm Ất Hợi, mạnh hạ tháng tư”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:31:23 am »


        Nhận được thư, triều đình Nguyễn có ngay thư phúc đáp. Thư của triều Nguyễn thể hiện sự chịu ơn triều đình Xiêm đã có nhiều thiện ý trong quan hệ hữu hảo giữa An Nam và Xiêm trong thời gian qua, đặc biệt là việc vua Xiêm thả một phần trong số ngư dân An Nam bị Xiêm bắt giữ. Nội dung chính của bức thư là đề cập tới ba sự kiện tàu của Xiêm bị bắt giữ, bị trưng thu vật phẩm, với những lý lẽ vừa mềm dẻo, vừa rắn rỏi mà chặt chẽ. Mặc dầu ý nguyện không thành, song triều đình Xiêm cũng khó lòng gây căng thẳng.

        Thư của triều đình Nguyễn có đoạn:

        " Trong thoảng hai năm Bính Dần (1746) và Mậu Thìn (l748), khi thuyền đỏ vào cảng, giả sử hoặc bọn sai nhân vì tham mà trưng thu quá lệ thì đương lúc đó cũng không được nghe báo gì. Vả theo lệ nước tôi cứ ba năm làm một lần xét công, năm năm làm một lần cắt bổ, đã có phép thường, có dung những bọn tham ô đâu! Khi có giấy đến, truy cứu nguyên lai thì người già đã chết, người tội đã truất, việc trải năm tháng, hai bên đều không có bằng cứ gì. Phải thế hay không phải thế? Vậy hãy để đó không bàn. Lại năm Quý Dậu (1753), thuyền của Dương Thành Chương nói từ Quảng Châu đến, cả thuyền hóa vật không có chút gì, không cho vào cảng, đó là lệ thường của bản gốc vậy. Y tự khẩn cầu theo lệ vào cảng thì hữu ty cứ trưng thu, không phải là quá lạm, nào có cớ gì khác đâu? Nếu bọn ấy làm hết cả tài vật mang theo, chẳng phải do vũ nữ ca nhi thì cũng là do điềm rượu sòng bạc, rồi khi trở về tìm cách nói dối, đó là những lời không căn cứ vào đâu, thế mà lại nghe lời một bên mà đòi trả bạc, thực đúng như câu ngạn ngữ "Trương công uống rượu, Lý công say”. Đó là điều chúng tôi chưa hiểu được … " 

        Đáp lại việc vua Xiêm biếu lễ vật, triều đình Nguyễn cũng cho người mang lễ vật sang biếu.

        Chúa Nguyễn cũng trực tiếp viết thư gửi vua Xiêm với lời lẽ vừa mềm dẻo vừa rắn rỏi, thể hiện bản cách của một đất nước, một "Quốc vương có chủ quyền, ngang hàng với các nước khác. Thư có đoạn:

        " … Lại trong thư có nói rằng trước kia nước An Nam đều chưa có người làm xằng bậy, đánh cướp miền ven biển, mà vài năm lại đây lại thường thường xâm lấn cõi biên, cướp bóc cư dân. Tôi xem tới đó bất giác ngùi ngùi mà than rằng: trong tai ta chưa từng nghe có lời ấy bao giờ! Nhà nước tự có phép độ há dung những loài quỷ quái xem thường pháp luật hay sao? Nếu giả có thật thì đó là do thú tướng ngăn cấm hãy còn sơ hớ, trời biển mênh mông tôi làm sao mà biết hết được!

        Lấy tình hai nước thân nhau hiểu nhau thì sao lại có sự ngồi trông dân nước láng giềng mắc phải cái thảm họa cướp bóc mà để ngoài bụng nghĩ được!

        Tưởng quý quốc cũng lượng xét cái lòng nghĩ cấm bạo để hòa mục với nước láng giềng của tôi đấy. Từ nay tôi nghiêm sắc cho các thú tướng ở miền ven biển đều nên cấm răn dân ngoài biển không được cướp bóc thuyền buôn các nước trên đường biển. Nếu còn giữ thói cũ thì xử vào tội nặng, quyết không nhẹ tha. Vả quý quốc còn thương người dân xiêu giạt, cho về bản quán, thì tôi há nỡ dung túng bọn vô lại ở ven biên để cho quấy rối con đỏ của nước láng giềng ư?.

        Nhưng trong thư trả lời có vài câu nói không thể không bàn lại được, xin hãy vì quốc vương mà tỏ bày: như câu nói "An Nam hướng hóa rất là đáng khen”, lại nói “An Nam lấy lòng thành mà tiến cống với hướng hóa”, cứ những câu nói như thế không biết nước Xiêm coi nước tôi vào bực nước nào? Điều đó tôi chưa hiểu rõ. Phàm trên lấy ở dưới thì gọi là phú, dưới cung lên trên thì gọi là cống, nghĩa chữ "cống" là dưới dâng lên trên. Còn hai chữ “hướng hóa" là nước ngoài mộ phong hóa của trung triều vậy. Nước Xiêm La cùng với nước An Nam cũng như các nước Tề, Sở, Yên, Triệu là những nước bằng hàng với nhau, sao lại có sự nước bằng hàng biếu nhau mà gọi là tiến cống, nước láng giềng giao hảo với nhau mà gọi là hướng hóa, sao danh thực không xứng với nhau như thế? Tôi tưởng người bầy tôi cầm bút của quý quốc thích viết lời tự tôn tự đại mà không biết nói như vậy là sai. Quốc vương là bậc thông minh anh duệ, há không biết từ xưa nước An Nam là nước văn hiến mà lại nói như thế? Ơn cho quà biếu hậu đã thu nhận rồi. Đa tạ, đa tạ!" (Những thư trao đổi giữa chúa Nguyễn và triều đình Xiêm đều chép trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn).

        Quan hệ giữa Xiêm và Việt Nam ở thế kỷ XVIII không phải chỉ hạn chế trong những chuyện bắt giữ vài ba thuyền buôn của nhau và những thư từ tranh luận như vậy, mà ngày càng căng, vì những mưu đồ bành trướng sang phía đông của Xiêm.

        Trong nửa cuối thế kỷ XVIII, Xiêm nhiều lần đánh chiếm Hà Tiên mong lấy đó làm bàn đạp đánh lên phía bắc Việt Nam và đánh sang Chân Lạp. Nhưng âm mưu không thành. Tới khi một Hoa kiều ở Xiêm là Trịnh Tân, người Triều Châu (Trung Quốc) nổi loạn cướp ngôi vua Xiêm, tự lập làm vua, thì kế hoạch đánh Việt Nam được đẩy mạnh. Năm 1771, vị vua Xiêm người Trung Quốc ấy cho hai vạn quân sang đánh cướp Hà Tiên, chiếm đóng hai năm thì bị quân dân ta đánh, phải bỏ chạy.

        Năm 1784, chúa Nguyễn lưu vong Nguyễn Ánh bị Nguyễn Huệ, lãnh tụ phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đánh đuổi, chạy sang Xiêm cầu cứu. Vua Xiêm vội nắm lấy cơ hội, mượn cớ giúp Nguyễn Ánh để tiến hành xâm lược Việt Nam. Nhưng quân Xiêm tiến vào Gia Định thì bị Nguyễn Huệ đánh cho đại bại, quân sĩ tiêu tan, mộng xâm lược cũng tiêu tan. Kết quả là “Xiêm sợ quân Tây Sơn như cọp".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:32:33 am »


        4. Quan hệ với người phương Tây

        Đối với các nhà buôn

        Năm 1613 , công ty Đông Ấn của Hà Lan lần đầu cho thuyền đến buôn bán với Đàng Trong, nhưng không thu được kết quả nhiều nên họ bỏ đi, không tới nữa. Thấy thế, năm 1617, chúa Nguyễn Phúc Nguyên viết thư mời công ty Đông Ấn của Hà Lan ở Ma-lac-ca đến buôn bán.

        Năm 1624, chúa Nguyễn Phúc Nguyên lại gửi thư và quà tặng cho toàn quyền Hà Lan ở Nam Dương (tức In-đô-nê-xi-a) để mời thuyền buôn Hà Lan tại đây tới buôn bán với Đàng Trong.

        Năm 1633, chúa Nguyễn Phúc Nguyên ba lần tịch thu hàng hóa của công ty Đông Ấn. Nhưng có hai lần tàu buôn Hà Lan đi từ Ba-ta-via - thủ đô Nam Dương, tới Hội An thì lại được chúa Nguyễn cho vào buôn bán và cho hai người của họ được mở cửa hàng tại Hội An. Năm sau, 1634, nhà buôn Hà Lan Duijcker cho tàu chở hàng từ Batavia đến Hội An.

        Năm 1635, ba tàu buôn Hà Lan từ Đài Loan tới cửa Hàn (Đà Nẵng). Nhà buôn Hà Lan Duijcker đi theo các tàu này đến xin lại số hàng hóa và tiền bị chúa Nguyễn tịch thu năm 1633, và xin cho người Hà Lan được tới buôn bán dễ dàng. Chúa Nguyễn Phúc Lan tiếp đãi tử tế, nhận lời cho phép họ vào buôn bán, không đánh thuế, nhưng không trả lại tiền và hàng đã tịch thu.

        Năm 1637, tàu buôn Le Grol tới Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Lan ủy nhiệm đem thư và quà tặng cho toàn quyền Hà Lan ở Batavia. Trong thư, chúa Nguyễn tỏ ý vui lòng nếu người Hà Lan tới buôn bán ở Đàng Trong. Thư của chúa Nguyễn có đoạn viết: "Tôi tha thiết mong tất cả mọi người đến buôn bán ở bến cảng nước tôi".

        Nhưng tới năm 1640, chính quyền Đàng Trong đối xử với các nhà buôn Hà Lan không tốt; chúa Nguyễn Phúc Lan tịch thu của công ty Đông Ấn hai chiếc tàu có hàng hóa, 18 đại bác và bắt giữ 82 thủy thủ.

        Năm 1641, các nhà buôn Hà Lan ở Hội An đóng cửa hiệu buôn, đi nơi khác.

        Năm 1642, chúa Nguyễn thả các thủy thủ của hai tàu Hà Lan đã bị giữ từ năm 1640. Trong số 82 thủy thủ Hà Lan trên đường về đã bị người Bồ Đào Nha trên tàu biển giết chết một số. Công ty Đông Ấn Hà Lan không biết rõ, tưởng chúa Nguyễn sai giết số thủy thủ này nên cho viên thuyền trưởng Vanh Liesvelt đem tàu đến đánh tàu chúa Nguyễn. Nhưng tàu Hà Lan thua to, viên chỉ huy Vanh Liesvelt tử trận. Để trả thù, người Hà Lan đem quân đổ bộ lên Đà Nẵng bắn giết một số dân thường, rồi xuống tàu ra Đàng Ngoài. Người Hà Lan công khai giúp Đàng Ngoài để đánh Đàng Trong.

        Năm 1643, ba tàu chiến Hà Lan giúp chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn ở cửa sông Gianh, nhưng bị thất bại hoàn toàn, một tàu bị phá hủy, hai tàu bị hỏng nặng, phải chạy ra Đàng Ngoài. Quân của chúa Nguyễn đánh đắm một chiếc tàu nữa của Hà Lan ở cửa biển Hoàn Hải (cửa Nộn). Về sự việc này, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: Tháng 4 năm Quý Mùi (1643) con thứ hai chúa Nguyễn Phúc Lan là Nguyễn Phúc Tần đem thủy quân đánh phá được mười chiếc tàu của Hà Lan ở cửa Eo, tức của Thuận An, gần Huế.

        Tám năm sau, năm 1651, toàn quyền Hà Lan ở Batavia muốn tiếp tục buôn bán với Đàng Trong nên cử Vestagen đi sứ sang thương nghị với chúa Nguyễn. Khi ấy, Nguyễn Phúc Tần lên ngôi chúa, muốn giao hảo với người phương Tây, sẵn sàng ký hòa ước với Hà Lan, trong nhấn mạnh ba điều về buôn bán:

        1 Công ty Đông Ấn của Hà Lan có thể ra vào đất Đàng Trong buôn bán tự do và được miễn thuế. Sứ thần Hà Lan ở Hội An có thể chọn miếng đất thích hợp dựng một ngôi nhà cho những người ở lại thương điếm.

        2. Những tàu thuyền Hà Lan không phải khám khi đến Đàng Trong, được miễn thuế ra vào, trong khi thuế đó vẫn tiến hành thu đối với người Trung Quốc, người Bồ Đào Nha và người các nước khác.

        3. Sứ thần Hà Lan sẽ chú ý tới những hàng hóa mà chúa Nguyễn muốn được tàu Hà Lan mang đến, hàng hóa đó sẽ được trả hoặc bằng bạc, hoặc đổi lấy hàng...

        Tuy có ký kết giao thương như vậy, người Hà Lan vẫn bỏ, không tới buôn bán nữa. Gần một thế kỷ sau, công ty Đông Ấn Hà Lan mới trở lại buôn bán với Đàng Trong. Năm 1754, các nhà buôn Hà Lan mua vàng của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nhưng từ năm 1756, công ty Đông Ấn của Hà Lan thôi hẳn việc buôn bán với Đàng Trong.

        Các nhà buôn Anh, Bồ Đào Nha cũng đến buôn bán với Đàng Trong. Họ mở cửa hàng, chủ yếu ở Hội An. Năm 1764, tàu buôn Anh Peacock tới buôn bán trực tiếp với chúa Nguyễn Phúc Khoát. Năm 1777 tàu buôn của Rumbold của Anh ghé vào Đà Nẵng cho hai viên quan của chúa Nguyễn đi nhờ tàu vào Sài Gòn. Gặp bão, tàu không vào Sài Gòn được, phải chạy thẳng sang cảng Băng Gan (Ấn Độ).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:33:01 am »


        Công ty Anh ở Ấn Độ cho lái buôn Chapman đi tàu đưa hai viên quan về Đàng Trong và đặt quan hệ buôn bán với chúa Nguyễn. Lúc này phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đang phát triển mạnh, tập đoàn chúa Nguyễn lao đao chạy dài. Chapman được gặp Nguyễn Nhạc và ở lại Đà Nẵng, Hội An ít ngày. Khi về Ấn Độ, Chapman báo cáo:

        "Không có xứ nào ở châu Á sản xuất vật dụng nhiều và tốt hơn là xứ này, các thứ rất lợi cho sự buôn may bán đắt là: quế , tiêu, tơ, bông, đường, gỗ quý, ngà coi... Ở đây thì vàng từ đất moi lên đã là vàng xanh rồi... Nếu chúng ta có căn cứ trên đất Đàng Trong và có một thế lực mạnh ở đó, thì với sản vật ở Ấn Độ và châu Âu, chúng ta sẽ dễ dàng mua rất nhiều hàng hóa kể trên". 

        Tuy vậy, Anh đã có thị trường rộng lớn Ấn Độ nên không tha thiết lắm với vấn đề Việt Nam. Trái lại Pháp thì quan tâm đặc biệt. Năm 1660 nhà buôn Fermanel thành lập một công ty ngoại thương để kinh doanh ở Việt Nam và được Thủ tướng Pháp đỡ đầu. Thủ tướng Pháp là Mazarin giáo chủ đạo Gia Tô. Mục đích của công ty là vừa đi buôn, vừa truyền đạo. Cho nên trong công ty có cả nhà buôn và giáo sĩ. Nhiệm vụ của các giáo sĩ trong công ty được ghi rõ trong điều lệ của công ty: "Các giám mục được mời vào trông coi công ty là để người khác không ăn cắp được vốn của công ty và để giữ bọn nhân viên của công ty quản lý các sổ sách được tốt”.

        Năm 1664, Thủ tướng Pháp Colbert thành lập công ty Đông Ấn Độ của Pháp để cạnh tranh với Hà Lan, Anh và Bồ Đào Nha ở châu Á và châu Phi. Công ty Đông Ấn của Pháp vừa có mục đích truyền giáo, vừa có mục đích buôn bán. Những hiệu buôn của công ty đều là trụ sở của hội truyền giáo. Các giáo sĩ khi lên bộ thường mặc quần áo lái buôn và chính họ cũng buôn bán.

        Trong nửa cuối thế kỷ XVII, thế lực chính trị và kinh tế của Bồ Đào Nha giảm sút. Anh đang vươn lên chiếm gần hết nước Ấn Độ rộng lớn, Pháp cũng mưu đồ xâm lược Việt Nam.

        Năm 1675, một lái buôn Pháp là Leroux nêu ý kiến nên chiếm đảo Côn Lôn của Việt Nam.

        Năm 1686, lái buôn Véret từ công ty Đông Ấn của Pháp sang Đàng Trong tính chuyện mở hiệu buôn, khi về cũng đề nghị chính phủ Pháp nên chiếm đảo Côn Lôn, là nơi nhiều thuyền bè qua lại để mua các sản vật của Lào và Cam-pu-chia. Véret miêu tả Côn Lôn:

        “Đảo này có ba bến tốt, nhiều suối nhỏ, kinh, rạch, cây cối tốt đẹp tuyệt trần, chiếm được nơi này thì có lợi như chiếm cả hai eo biển Malacca và Sonde".

        Năm 1748, chủ nhiệm công ty Đông Ấn của Pháp là Dumond đích thân sang Việt Nam dò xét tình hình. Khi về, Dumond đề nghị chính phủ Pháp nên chiếm cù lao Chàm ở gần cửa Hội An.

        Năm 1749, hội đồng Pondichéry của Pháp ở Ấn Độ cho lái buôn Poivre, trước đã làm giáo sĩ, đi một chiếc tàu mang theo 30 khẩu đại bác và 200 lính đến Việt Nam gặp chúa Nguyễn là Võ Vương ở Phú Xuân, xin đặt căn cứ ở Đà Nẵng, Hội An và hỏi mua nô lệ.

        Sau đó, Poivre có viết một cuộn "Hồi ký về Đàng Trong" và nhận xét:

        "Đàng Trong gần như là xứ sở của vàng. Vàng ở đây tốt đẹp nhất, tinh khiết nhất thế giới . . . Vàng này đem bán ngay ở Quảng Đông cũng lãi trăm phần trăm".

        Poivre còn ghi những điều cụ thể:

        “Rất nhiều thứ không có giá trị ở bên Pháp lại được coi là rất quý ở xứ này. Tất cả các thứ đồ bằng sắt tây, thủy tinh, vải màu đẹp (ví dụ màu đỏ) sẽ bán được. Có thể bán chạy ở đây tất cả các thứ vũ khí ở châu Âu, nhất là lưỡi gươm đúc theo kiểu xứ này… Mặt đá kim cương cho tới loạì đá sông Nin sẽ bán được cao giá. . . Đồng thau, lưu hoàng. . . giá rất đắt. Các thuốc như canh-ki-na, nhân sâm Ca-na-đa, các thứ thuốc tây khác... Một vải tấm vải Lyon hoa màu vàng hoặc bạc sẽ được người Đàng Trong dùng làm thứ đựng trầu thuốc... Chớ quên vòng tay, hoa tai mạ. . . “. 

        Nhưng nuôi dưỡng mưu đồ xâm lược nhiều hơn cả vẫn là các giáo sĩ, mà đối với Việt Nam thời bấy giờ là các giáo sĩ Pháp.

        Đối với các giáo sĩ

        Năm 1621, Đàng Trong có hơn 200 tín đồ theo đạo Gia Tô.

        Năm 1624, giáo sĩ Pháp Alexandre de Rhodes và sáu giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong, ra sức học tiếng Việt và đã góp phần tích cực vào việc đặt ra chữ Quốc ngữ. Năm năm sau, Alexandre de Rhodes đi giảng đạo bằng tiếng Việt, tới Huế tiếp xúc với gia đình chúa Nguyễn, truyền đạo cho Minh Đức vương thái phi, là phi tần của chúa Nguyễn Hoàng. Bà này lấy tên đạo là Marie Madeleine. Bà bố trí hẳn một ngôi nhà trong cung điện của mình để các giáo sĩ ở và giảng đạo. Chính giáo sĩ Rhodes đã đề nghị chính phủ Pháp:

        "Đây là một vị trí cần phải chiếm lấy. Chiếm được xứ này thì các lái buôn châu Âu sẽ kiếm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên rất phong phú” (Al. de Rhodes: Divers voyages et missions en la Chine et autres royaumes de l'orient. Paris, 1653. (Những cuộc hành trình và truyền đạo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) pp. 109-110).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:33:21 am »


        Nhưng các giáo sĩ chưa thể thực hiện được mưu đồ của họ. Năm 1639, chúa Nguyễn Phúc Lan cấm truyền đạo Gia Tô và trục xuất các giáo sĩ.

        Nhờ sự che giấu của đồng bào theo đạo, nhiều giáo sĩ vẫn lẩn lút trong dân chúng, ngấm ngầm truyền đạo nên người theo đạo vẫn ngày càng nhiều. Nếu năm 1621 số người theo đạo ở Đàng Trong là 200 người thì 43 năm sau, từ năm 1664, số người theo đạo đã lên tới 10 vạn.

        Trong năm 1664, chúa Nguyễn Phúc Tần lại ra lệnh cấm đạo. Năm 1699, chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tục ra lệnh cấm đạo, bắt giam người theo đạo, phá nhà, đốt sách của những người theo đạo. Người phương Tây trú ngụ từ Thuận Quảng trở vào Nam đều bị trục xuất, không cho ở nước ta.

        Chúa Nguyễn cấm đạo liên tục tới giữa thế kỷ XVIII. Năm 1750, Nguyễn Phúc Khoát ra lệnh trục xuất các giáo sĩ phương Tây. Nhưng chỉ hơn 20 năm sau, dòng chúa Nguyễn lại chèo kéo giáo sĩ phương Tây đến với họ, giúp đỡ họ chống lại nhân dân, chống lại phong trào nông dân Tây Sơn, níu giữ ngai vàng cho dòng họ Nguyễn. Cụ thể là năm 1777, Nguyễn Ánh trong dòng họ Nguyễn đã tìm gặp giáo sĩ Pháp Pigneau de Béhaine mang tên Việt là Bá Đa Lộc. Ông này là giám mục, đại diện giáo hội đạo Gia Tô ở Đàng Trong. Nguyễn Ánh cầu xin Bá Đa Lộc giúp đỡ

        Bá Đa Lộc nắm lấy cơ hội, dùng Nguyễn Ánh làm con bài mở đường cho đế quốc Pháp vào Việt Nam. Bá Đa Lộc lấy tiền đóng góp thờ Chúa của giáo dân để mua khí giới, chế tạo thuyền chiến, tàu chiến kiểu châu Âu, thuê mộ võ quan, thủy thủ người châu Âu cho Nguyễn Ánh.

        Bá Đa Lộc khuyên Nguyễn Ánh cầu cứu nước Pháp. Năm 1784, Bá Đa Lộc đưa con Nguyễn Ánh còn nhỏ tuổi sang Pháp làm con tin để cầu Pháp viện trợ. Ngày 28 tháng 11 năm 1787, một hiệp ước bán nước được ký kết ở điện Versailles tại Paris, một bên là bộ trưởng ngoại giao Pháp Montmorin, một bên là Bá Đa Lộc - đại diện cho Nguyễn Ánh. Với hiệp ước này, pháp hứa giúp Nguyễn Ánh 1.650 tên lính, 4 tàu chiến và một số súng đạn. Đáp lại, Nguyễn Ánh phải nhượng hẳn đảo Côn Lôn và cảng Hội An làm thuộc địa của Pháp, để cho Pháp đặc quyền và độc quyền vào buôn bán ở Việt Nam, không được để người châu Âu nào khác tới buôn bán. Khi chiến tranh kết thúc, Nguyễn Ánh phải trả cho Pháp 4 chiếc tàu chiến mới. Kèm theo một điều kiện nữa là khi nào Pháp có chiến tranh với một nước khác ở châu Á thì Nguyễn Ánh phải cung cấp cho Pháp: quân lính, tàu thuyền, lương thực và mọi thứ quân nhu khác .

        Hiệp ước đã ký kết, vua Pháp Louis XVI giao cho toàn quyền Pháp ở Pondichéry (Ấn Độ) thực hiện. Nhưng toàn quyền ở đây không có điều kiện thực hiện. Bá Đa Lộc phải tự mình quyên tiền mua tàu chiến, mua súng đạn, mộ lính và đưa thêm giáo sĩ sang Việt Nam giúp Nguyễn Ánh. Vai trò phản bội nhân dân Việt Nam của Bá Đa Lộc thực dân Pháp đã ca ngợi công lao như sau:

        “Từ 1787, một giám mục tài ba lỗi lạc, ngài Pigneau de Béhaine, giám mục Adran, đại diện Tòa thánh ở Đàng Trong đã đề nghị với vua Louis XVI thiết lập một thuộc địa ở An Nam. Sự nhận xét của ngài Pigneau thực sâu sắc, chí lý và hoàn toàn thời sự. Hơn nữa, ông ta không chỉ nói tới Đàng Trong mà còn nói tới Đàng Ngoài.

        Theo Adran (Bá Đa Lộc), nếu chiếm được nước này, sẽ có nhiều lợi thế ngăn được ảnh hưởng của người Anh trong thời bình cũng như thời chiến. Một là buôn bán tốt. Hai là ngăn chặn được những kẻ cạnh tranh buôn bán. Ba là có nhiều gỗ để đóng tàu Bốn là có cơ sở tiếp tế nguyên liệu. Năm là nguồn nhân lực, vật lực, cung cấp thủy thủ và lính. Adran nhấn rất mạnh tầm quan trọng của cảng Đà Nẵng"  .(E. Veuilld: Le Tonkin et la Cochinchine - Le pays, l'histoire et les missions.)

        Nguyễn Ánh còn ca ngợi Bá Đa Lộc hơn thế nữa. Trong một bức thư gửi vua Pháp Louis XVI vào đầu năm 1790, Nguyễn Ánh viết:

        "Mặc dù trùng dương cách trở, tôi vẫn luôn luôn được nghe các du khách nói về thanh danh và đức độ của nhà vua. Tiếc rằng tôi không có cách nào để tỏ bày bằng chính tiếng nói của mình dưới chân bệ hạ. Tôi đành phải ấp ủ tất cả những nỗi niềm đó trong trái tim mình. May mắn cho tôi đã gặp được một người đầy tài năng lỗi lạc mà tôi có thể hoàn toàn tin cậy gửi gắm vào đó. Người ấy là ông giám mục Adran, người của nhà vua.

        Tôi đã ủy cho ông giám mục Adran toàn quyền điều đình mọi công việc, và hiện nay tôi đương chờ đợi ông ta trở lại với mọi sự giúp đỡ của quý quốc" (H.Cordier: La correspondance générale de la Cochinchine.)

        Con người thực dân khoác áo giáo sĩ này không chỉ giúp quân, giúp vũ khí cho Nguyễn Ánh mà còn trực tiếp ra trận cầm vũ khí bắn giết nhân dân ta.

        Nhưng chỉ mấy năm sau. Bá Đa Lộc chết trên đường hành quân của Nguyễn Ánh.

        Mưu đồ chiếm đóng Việt Nam của hắn bị tiêu tan!

        Hành động ngoại giao phản bội dân tộc của tập đoàn Nguyễn Ánh - Bá Đa Lộc định dâng nước Việt Nam cho Pháp chưa thể thực hiện được. Người anh hùng dân tộc trẻ tuổi Nguyễn Huệ kiên quyết chặn tay chúng lại.

        Ngoại giao phản động không thể đối đầu với ý chí quyết chiến cứu nước của cả dân tộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:34:36 am »


Chương chín

NGOẠI GIAO THỜI QUANG TRUNG NGUYỄN HUỆ
(Thế kỷ XVIII)

        I. QUAN HỆ VỚI CHÂN LẠP

        Phong trào nông dân Tây Sơn phát động khởi nghĩa vũ trang năm 1771 tại Quy Nhơn. Năm 1782, Nguyễn Huệ, lãnh tụ phong trào đưa quân vào Gia Định, đánh đuổi Nguyễn Ánh. Bị đại bại, Nguyễn Ánh phải bỏ thành Gia Định chạy vào Hậu Giang trước khi chạy tiếp ra vùng biển, rồi cho một phái bộ gồm 150 người do Nguyễn Hữu Thụy - em rể Nguyễn Ánh cầm đầu, qua Chân Lạp sang Xiêm cầu viện.

        Một nhóm chân tay của Nguyễn Ánh là giám mục Bá Đa Lộc cùng một số giáo sĩ Pháp, Tây Ban Nha đem theo hơn 80 người Việt Nam theo đạo Thiên chúa chạy sang Chân Lạp.

        Thấy bọn phản động chạy sang Chân Lạp, Nguyễn Huệ cho người sang thông hiếu với Chân Lạp. Để tỏ tình giao hảo với nghĩa quân Tây Sơn, triều đình Chân Lạp cho quân chia làm ba đạo đi chặn bắt Nguyễn Ánh và chân tay của y.

        Đạo quân Chân Lạp thứ nhất gồm hơn 30 thuyền chiến đi theo hướng Rạch Giá đánh đuổi Nguyễn Ánh tới Sơn Chiết. Nguyễn Ánh và tùy tùng trốn thoát ra Hà Tiên, xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc.

        Đạo quân Chân Lạp thứ hai đi đón bắt bọn Nguyễn Hữu Thụy. Toàn bộ phái đoàn đi cầu viện Xiêm của Nguyễn Ánh bị quân Chân Lạp bắt và tiêu diệt gọn.

        Đạo quân Chân Lạp thứ ba được lệnh đi lùng bắt bọn Bá Đa Lộc đang ẩn náu trong đất Chân Lạp. Bọn Bá Đa Lộc phải lẩn trốn vào rừng.

        Vì có quan hệ ngoại giao từ trước, Nguyễn Huệ được sự giúp đỡ tận tình của Chân Lạp về quân sự để truy kích bọn phản động Nguyễn Ánh.

        Cũng do mối quan hệ hữu nghị đó mà một năm sau nghĩa quân Tây Sơn đã giúp Chân Lạp giữ được nước. Số là trong mấy tháng cuối năm 1783, một số người Mã Lai đem quân sang đánh chiếm Chân Lạp. Nước Chân Lạp cầu viện nghĩa quân Tây Sơn. Tháng 12 năm 1783, tướng Tây Sơn Trương Văn Đa đem quân sang Chân Lạp đánh đuổi quân Mã Lai, giải phóng đất nước Chân Lạp. Quân Mã Lai chạy trốn sang Xiêm. Sau khi giúp Chân Lạp thành công, nghĩa quân Tây Sơn rút về Gia Định.

        Dưới sự lãnh đạo của anh hùng Nguyễn Huệ, quan hệ hữu nghị Nguyễn (Tây Sơn) - Chân Lạp đã giúp Chân Lạp thoát được cuộc xâm lược của người Mã Lai .
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:35:46 am »


        II. QUAN HỆ VỚI TRUNG QUỐC

        Nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo đã chiến thắng oanh liệt hơn 30 vạn quân Thanh và quân nhà Lê, bảo vệ được nền độc lập của Tổ quốc. Nhưng nạn ngoại xâm vẫn còn đe dọa nghiêm trọng. Hai mươi chín vạn quân Thanh bị tiêu diệt hoàn toàn trên đất nước Việt Nam là một thất bại nhục nhã của quân xâm lược. Chúng không thể không tính đến việc trả thù.

        Tin Tôn Sĩ Nghị thất bại thảm hại về tới Yên Kinh, vua tôi nhà Thanh vội vàng cho tổng đốc Vân Quý là Phúc Khang An thay Tôn Sĩ Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng, kiêm đô đốc 9 tỉnh với trọng trách điều động quân dân 9 tỉnh, lấy 50 vạn quân tiến sang Việt Nam đánh trả thù cho trận thất bại vừa qua.

        Nhưng đánh trả thù cũng không phải là việc dễ. Muốn phục thù mà vẫn trờn trợn, vì thua đau quá. Nhất là ở những nơi có những kẻ vừa chiến bại ở Việt Nam về thì không chỉ trờn trợn mà sợ thật sự, sợ chiến tranh lại tái diễn với Việt Nam.

        Tin quân đội Tây Sơn sẽ vượt biên giới đi sâu vào nội địa Trung Quốc để truy nã bọn bán nước Lê Chiêu Thống đã làm náo động cả miền Hoa Nam. Từ cửa ải nam Quan trở lên phía bắc, già trẻ lớn bé dắt díu bồng bế nhau chạy trốn, cả một quãng dài vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người. Trước tình hình ấy, quan quân nhà Thanh ở vùng biên giới không thể không lo đối phó. Người chịu trách nhiệm về việc quân ở biên giới Quảng Tây lại chính là "Tả giang binh bị đạo Thang Hùng Nghiệp" vừa chết hụt ở Việt Nam, mới chạy trốn được về tới Quảng Tây. Thang Hùng Nghiệp tự lượng thấy không thể đương đầu với quân đội Tây Sơn, một khi Nguyễn Huệ cho quân vượt biên giới tiến sang, cho nên y tìm cách hòa hoãn với quân đội Tây Sơn.

        Sáng sớm ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789, Thang Hùng Nghiệp từ bến Tây Long theo Tôn Sĩ Nghị lật đật chạy trốn lên phía ải Nam Quan qua biên giới về nước. Sau khi về được Quảng Tây, ngày 18 tháng giêng Kỷ Dậu (1789), y viết thư cho đại tướng Việt Nam là Hám Hổ Hầu (chưa rõ lai lịch của Hám Hổ Hầu. Có ý kiến cho Hám Hổ Hầu là Võ Văn Dũng (?)) đề nghị hoãn binh và yêu cầu Hám Hổ Hầu trình bày với Nguyễn Huệ những lẽ hơn thiệt về việc giảng hòa với triều đình nhà Thanh; Thang Hùng Nghiệp xin tình nguyện đứng ra làm trung gian điều đình.

        Cũng tháng giêng năm Kỷ Dậu, Phúc Khang An - người thay Tôn Sĩ Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng, tới Quảng Tây thi hành nhiệm vụ điều động 50 vạn quân để tiến đánh Việt Nam, phục thù cho trận thất bại của Tôn Sĩ Nghị. Nhưng Phúc Khang An là người từng phụ trách quân lương trong đoàn quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị trước đây, đã chứng kiến sự thất bại nhục nhã của Tôn Sĩ Nghị, cho nên cũng thấy cái thế khó thắng của mình. Vì vậy, cũng như Thang Hùng Nghiệp, tổng đốc Phúc Khang An cũng muốn hòa hoãn với quân đội Tây Sơn, dập tắt mưu đồ phục thù của triều đình nhà Thanh. Tới Quảng Tây, Phúc Khang An cho viên phân phủ Thái Bình viết thư sang Việt Nam cho Ngô Thì Nhậm nói rõ lẽ nên cùng nhau giảng hòa và Phúc Khang An cũng tình nguyện xin làm trung gian đứng ra điều đình giữa triều đình Việt Nam và triều đình nhà Thanh.

        Thấy thời cơ ngoại giao thuận lợi, tháng giêng năm Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ cho Nguyễn Hữu Trù, Võ Huy Phúc sang gặp Thang Hùng Nghiệp; tháng hai năm Kỷ Dậu lại cho Ngô Thì Nhậm sang Quảng Tây gặp Phúc Khang An. Biết rõ bọn tướng lĩnh nhà Thanh ở Quảng Đông, Quảng Tây còn đang trong cơn hoảng sợ sau trận thất bại thảm hại ở Việt Nam, việc điều động 50 vạn quân sang đánh Việt Nam chưa thể thực hiện được, quan hệ với nhà Thanh có thể tạm thời hòa hoãn, Nguyễn Huệ được rảnh tay ở phía Bắc để lo đối phó với tình hình ở phía Nam. Cuối tháng hai năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ quyết định trở về Phú Xuân, trao binh quyền ở Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Võ Văn Dũng và trao quyền giao thiệp với nhà Thanh cho Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích.

        Đối với nhà Thanh, từ sau khi Ngô Thì Nhậm gặp Phúc Khang An, việc giao thiệp giữa hai nước được tiến hành khẩn trương. Tháng ba năm Kỷ Dậu (1789), một sứ bộ Việt Nam gồm có Nguyễn Quang Hiển, Võ Huy Tấn, Ngô Vi Quý, Nguyễn Đình Cử lên đường sang Yên Kinh gặp vua Càn Long. Việt Nam trao trả cho nhà Thanh 800 tù binh. Nhà Thanhphải đem một số cựu thần nhà Lê là bọn Nguyễn Đình Bài cùng với gia đình họ, gồm khoảng ngót một trăm người, trao trả cho quân đội Tây Sơn. Càn Long mời Nguyễn Huệ - lãnh tụ Tây Sơn sang thăm triều đình Yên Kinh, nhân dịp lễ mừng thọ Càn Long 80 tuổi năm 1790. Sứ bộ Việt Nam nhận lời. Cuối thảng bảy năm Kỷ Dậu, Càn Long làm chỉ dụ phong Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương. Tháng mười một năm Kỷ Dậu, Càn Long cho sứ bộ mang chiếu phong vương sang Thăng Long. Ngô Thì Nhậm cho người giả làm Nguyễn Huệ đứng ra nhận chiếu phong vương.

        Cũng trong năm Kỷ Dậu (1789), Nguyễn Huệ cho viết thư gửi Phúc Khang An ở Quảng Tây yêu cầu "mở cửa ải, thông chợ búa, khiến cho hàng hóa không ngừng đọng để làm lợi cho dân dùng".  Phúc Khang An phải cho mở các cửa ải Bình Nhi, Thủy Khẩu, Du Thôn để nhân dân hai nước Việt, Trung qua lại buôn bán. Năm 1790, Phúc Khang An lại nhận lời để lập một "nhà hàng" , tức thương điếm, của nhà nước Việt Nam tại phủ Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:36:21 am »


        Trong năm 1790, có việc vua Quang Trung sang Trung Quốc gặp vua Thanh Càn Long, như sứ Việt Nam đã nhận lời mời từ trước. Cố nhiên là vua Quang Trung không đi. Phúc Khang An cũng biết như thế. Nhưng Phúc Khang An muốn lấy việc Quang Trung sang Trung Quốc để thắt chặt tình hòa hảo giữa hai nước, nên Phúc Khang An cùng Thang Hùng Nghiệp mật bàn với Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm cho người đóng giả Quốc ' vương Quang Trung sang mừng thọ Càn Long.

        Mưu này được thực hiện rất êm đẹp. Phúc Khang An được chiếu chỉ của vua Càn Long, làm nhiệm vụ đưa đón và hộ tống vua Quang Trung từ biên giới Việt Trung và trong suốt cuộc hành trình của vua Quang Trung trên đất Trung Quốc. Ở Việt Nam, phái đoàn vua Quang Trung đi Trung Quốc cũng được tổ chức trang trọng. Phái đoàn gồm 159 người, có Quốc vương giả là Phạm Công Trị, cháu gọi bà Phạm Thị Liên vợ cả vua Quang Trung là cô (Bà Liên chết sớm. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, (bản dịch) viết Phạm Công Trị gọi Nguyễn Huệ bằng cậu. Gọi chồng cô bằng cậu có lẽ không đúng cách xưng hô (?)). Tướng đi hộ vệ là đô đốc Nguyễn Duật, trọng thần hàng võ là Ngô Văn Sở, trọng thần hàng văn là Phan Huy Ích, văn thần trông coi văn thư là Võ Huy Tấn, 12 nhạc công, 16 phiên dịch, 9 quản tượng và các tướng sĩ tùy tùng.

        Sứ bộ lên đường từ Bắc Thành ngày 9 tháng tư qua ải Nam Quan ngày 15 tháng tư. Tổng đốc Phúc Khang An cùng các quan văn võ hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây tổ chức đón tiếp rất long trọng và đưa sứ bộ tới Quảng Châu nghỉ lại ở đây ít ngày. Tới ngày 11 tháng năm, sứ bộ tiếp tục lên đường. Dọc đường, sứ bộ được quan lại và nhân dân địa phương tiếp đón và hộ tống rất chu đáo.

        Ngày 11 tháng bảy, Quốc vương (giả) tới yết kiến Càn Long tại hành cung Nhiệt Hà. Càn Long yên .trí là vua Quang Trung đã tới. Hai vua ân cần trân trọng đón tiếp nhau. Yến tiệc liên miên, các cuộc vui chơi múa hát cũng liên miên. Chi tiêu cực kỳ tốn kém.

        Ngày 22 tháng tám, phái đoàn Việt Nam lên đường về nước. Nhà Thanh đã chi một số tiền rất lớn để đón tiếp phái đoàn vua Quang Trung giả. Mỗi bữa yến tiệc là 1.000 lạng bạc, chi phí đón tiếp mỗi ngày 4.000 lạng bạc. Phái đoàn Việt Nam vừa đi vừa về 200 ngày. Nhà Thanh phải chi 80 vạn lạng bạc để đón tiếp. Khi phái đoàn ta đã về nước, Càn Long tiếc của, nói: "Giá lấy số tiền ấy làm quân phí sang đánh báo thù cho Hứa Thế Hanh còn hơn" (Đại Thanh thực lục, q. 1356).

        Càn Long nói thế thôi, chứ không làm như vậy được và cũng không dám làm. Trái lại, hoạt động của phái đoàn ta đã có ảnh hưởng lớn tới thái độ chính trị và tinh thần hòa hảo của triều đình nhà Thanh.

        Ngày 29 tháng mười một năm Canh Tuất, phái đoàn vua Quang Trung (giả) về tới Thăng Long. Tháng tư năm Tân Hợi (1791), triều đình nhà Thanh cho đem đày bọn quan lại nhà Lê ở Trung Quốc đi các nơi xa xôi hẻo lánh. Lê Chiêu Thống và gia đình hắn bị giam lỏng tại "Tây An nam dinh" trong kinh thành Yên Kinh.

        Như thế là với thực lực của quân đội Tây Sơn và với tài ngoại giao của các văn quan võ tướng Tây Sơn, mưu đồ phục thù của nhà Thanh đã bị dẹp tan.

        Đầu năm 1792, sau khi đánh thắng bọn phản động ở Vạn Tượng, Nguyễn Huệ cho người đem tặng phẩm sang biếu nhà Thanh. Tặng phẩm gồm có: những chiến lợi phẩm lấy được ở Vạn Tượng, những sách binh thư Việt Nam và một quyển viết về triều đại thối nát Lê Chiêu Thống. (Ngụy Nguyên, Thánh vũ ký, q.6)

        Những tặng phẩm ấy vừa có ý nghĩa biểu dương sức mạnh của quân đội Tây Sơn, vừa nói lên lòng tự hào về nghệ thuật quân sự của dân tộc mình, vừa vạch rõ cho vua tôi nhà Thanh biết rằng những hành động theo gót bọn phản động nhà Lê, xâm lược Việt Nam là trái với nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, không thể được nhân dân Việt Nam ủng hộ và nhất định phải thất bại.

        Tiếp theo đó, vua Quang Trung cho đại tướng Võ Văn Dũng sang cầu hôn công chúa nhà Thanh, lấy cớ bà Hoàng hậu vua Quang Trung mất đầu năm 1792, và đặt vấn đề đòi lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là đất cũ của ta. Vua Thanh, Càn Long vui lòng gả công chúa cho vua Quang Trung và nhận trả tỉnh Quảng Tây cho ta, sau đó lệnh cho bộ Lễ chuẩn bị tổ chức lễ cưới và tiễn đưa công chúa sang Việt Nam.

        Mọi việc đương tiến hành tốt đẹp thì một tin sét đánh đưa tới triều đình nhà Thanh: vua Quang Trung mất đêm 29 tháng bảy nhuận (năm Nhâm Tý). Vua Càn Long và triều đình nhà Thanh rất sửng sốt, luyến tiếc. Võ Văn Dũng cùng sứ bộ đau buồn, xin trở về nước.

        Văn thần Ngô Thì Nhậm cầm đầu một phái đoàn lên đường sang Trung Quốc chính thức báo tang: ngày 2 tháng hai năm Quý Sửu (1793) , vua Càn Long phê vào biểu báo tang hai chữ "đáng tiếc" và làm một bài thơ viếng vua Quang Trung. Ngô Thì Nhậm ghi lại việc triều đình nhà Thanh làm lễ truy điệu:

            Tất cả các quan to đều cúi đầu làm lễ
            Ai ai cũng không quên đức Tiên vương ta

                                   (bài thơ Vũ hành )

        Vua Càn Long đưa gửi đoàn sứ giả Việt Nam ba nghìn lạng bạc và một tấm lụa quý để triều đình Việt Nam tổ chức lễ chay vua Quang Trung. Vua Trung Quốc sai viên án sát Quảng Tây là Thành Lâm làm khâm sai sang Việt Nam làm lễ đọc bài thơ của vua Trung Quốc trước phần mộ vua Quang Trung và phong cho con vua Quang Trung là Nguyễn Quang Toản làm An Nam quốc vương.

        Uy tín của vị anh hùng trẻ tuổi Quang Trung Nguyễn Huệ, cho tới khi đã chết vẫn làm rạng rỡ non sông đất nước và giúp cho công việc ngoại giao thời đó thành công tốt đẹp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:38:38 am »


Chương mười

NGOẠI GIAO THỜI NGUYỄN
(Thế kỷ XIX)

        I. NGOẠI GIAO CỦA HỌ NGUYỄN Ở GIA ĐỊNH NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ XVIII

        Trong nhưng năm cuối thế kỷ XVIII, dòng chúa Nguyễn có Nguyễn Ánh nổi lên chống lại phong trào Tây Sơn. Nguyễn Ánh tích cực hoạt động ngoại giao để tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Giúp đỡ về tinh thần và vật chất, về chính trị hay về quân sự, đối với Nguyễn Ánh lúc này, đều là cần thiết.

        Quan hệ ngoại giao giữa nhà nước với nhà nước tuy chưa có, nhưng Nguyễn Ánh vẫn thường xuyên liên hệ với người phương Tây để thuê mượn họ giúp việc tổ chức quân đội và nhờ họ mua sắm tàu thuyền, vũ khí châu Âu.

        Người Pháp, người Bồ Đào Nha đã tới làm việc với Nguyễn Ánh. Từ nhưng năm cuối thế kỷ XVIII, một số người Pháp đã cầm vũ khí cùng Nguyễn Ánh chống lại nhân dân Việt Nam, chống phong trào Tây Sơn.

        Năm 1790, Nguyễn Ánh nhờ võ quan Pháp củng cố quân đội và xây dựng lại thành Gia Định theo kiểu thành châu Âu.

        Bộ binh của Nguyễn Ánh có 40 võ quan Pháp.

        Thủy binh của Nguyễn Ánh có hai tàu chiến kiểu châu Âu do võ quan Pháp chỉ huy.

        Cuối năm 1790, Nguyễn Ánh cho người đi Gia-các-ta (thuộc In-đô-nê-xi-a), tìm mua binh khí châu Âu

        Năm 1791, Nguyễn Ánh viết thư gửi vua Bồ Đào Nha, nhờ một người lái buôn Bồ Đào Nha là Chu-gi-nô-nhi đưa về nước xin mua 2 vạn súng điểu thượng, 2 nghìn cỗ đại bác bằng gang, mỗi cỗ nặng 100 cân, 2 nghìn viên đạn gang, đường kích 10 tấc.

        Năm 1793, Nguyễn Ánh lại nhờ hai người Pháp sang Ma-lac-ca và Goa (thuộc Ấn Độ) mua vũ khí.

        Với Trung Quốc, tuy chưa có ngoại giao chính thức, Nguyễn Ánh cũng đã hai lần cho người sang Trung Quốc. Lần thứ nhất (1796), Nguyễn Ánh cho Chu Văn Yên sang Trung Quốc mua sách và mua hàng hóa. Lần thứ hai (1798), Nguyễn Ánh cho Ngô Nhân Tĩnh đem thư sang Quảng Đông hỏi thăm tin tức của Lê Chiêu Thống. Ngô Nhân Tĩnh đến Quảng Đông, biết vua Lê Chiêu Thống đã chết, trở về ngay báo cho Nguyễn Ánh biết. Được tin này, Nguyễn Ánh mưu đồ bỏ ngôi chúa, và chuẩn bị ngự trị ngôi vua.

        II. NGOẠI GIAO TRIỀU GIA LONG (1802-1819)

        Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long và từ đây tiến hành ngoại giao với tư cách một quốc vương mở đầu triều đại mới.

        1. Ngoại giao với Trung Quốc

        Cũng như các triều đại trước, nước đầu tiên mà Gia Long Nguyễn Ánh tiến hành ngoại giao là Trung Quốc. Tháng 5 năm Nhâm Tuất, sau khi lên ngôi vua, Gia Long cho một đoàn sứ giả đem đồ uống sang Quảng Đông cầu phong triều đình Trung quốc. Dẫn đầu đoàn sứ giả là Trịnh Hoài Đức chánh sứ, Ngô Nhân Tĩnh và Hoàng Ngọc Uẩn là phó sứ. Đoàn sứ giả sang Quảng Tây, bọn quan lại nhà Thanh ở đây nhận chuyển đồ cống lên Bắc Kinh, còn giữ đoàn sứ ở lại Quảng Tây chờ lệnh triều đình có cho sứ giả lên Bắc Kinh triều yết hay không.

        Nguyễn Ánh cho đoàn sứ đem theo mấy tên tướng Tàu Ô Trung Quốc bị quân Nguyễn bắt để nộp cho nhà Thanh. Triều đình Thanh lệnh cho quan tỉnh Quảng Tây xử tử những tên tướng Tàu Ô, nhưng vẫn chưa lệnh cho sứ giả của Gia Long lên Bắc Kinh.

        Thấy sứ giả đi từ tháng 5 mà mấy tháng sau vẫn còn ở Quảng Tây, Gia Long cho người lên cửa ải Nam Quan, đưa thư sang hỏi quan tỉnh Quảng Tây và chờ tin trả lời.

        Ít lâu sau, Gia Long được triều đình Bắc Kinh báo cho biết là đoàn sứ Trịnh Hoài Đức chỉ mới là đoàn sứ đem nộp đồ cống, phải cho một đoàn sứ khác đem biểu văn cầu phong sang. Khi đoàn sứ cầu phong tới Quảng Tây sẽ cùng đoàn sứ Trịnh Hoài Đức lên Bắc Kinh.

        Gia Long phải nghe theo, lại cho một đoàn sứ nữa gồm Lê Quang Định làm chánh sứ, Lê Chính Lộ và Nguyễn Gia Cát làm phó sứ đem đồ cống và biểu văn sang cầu phong. Đoàn sứ Lê Quang Định còn làm thêm một nhiệm vụ là báo cho nhà Thanh biết Gia Long đổi tên nước ta là Nam Việt. Nước ta lấy tên nước là Đại Việt  từ lâu đời. Có lẽ Gia Long sợ Trung Quốc không bằng lòng: Trung Quốc là Đại Thanh, ta là Đại Việt, hai nước cùng "Đại" cả, tức là ngang hàng nhau, cho nên Gia Long tự ý đổi là Nam Việt.

        Mùa thu năm 1803, triều đình Bắc Kinh cho viên án sát tỉnh Quảng Tây là Tề Bố Xâm đi sứ sang Việt Nam tuyên phong cho Gia Long.

        Sứ Trung Quốc Tề Bố Xâm chỉ sang Thăng Long để làm lễ tuyên phong như các thời trước, không chịu vào Phú Xuân.

        Gia Long phải từ Phú Xuân tiến hành "ngự giá Bắc tuần" để bái yết sứ Thanh và tiếp nhận chiếu phong vương.

        Đầu năm Giáp Tý (1804), sứ Trung Quốc tới Thăng Long. Ngày 13 tháng giêng năm Giáp Tý, lễ tuyên phong tổ chức tại điện Kính Thiên.

        Vua Thanh cho sứ đem gấm, đoạn và nhiều phẩm vật sang tặng vua Việt Nam. Về tên nước ta, vuaThanh không muốn ta dùng tên Nam Việt  là tên nước đã có từ thời Triệu Đà, bao gồm cả hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Nên sau này tên nước được gọi là Việt Nam  như ngày nay.

        Gia Long cho một đoàn sứ giả do Lê Bá Phẩm làm chánh sứ, Trần Minh Nghĩa, Nguyễn Đăng Đệ làm phó sứ đem thư, tặng phẩm sang tạ vua Thanh. Tặng phẩm tức là lễ cống hàng năm, gồm 200 lạng vàng, 1.000 lạng bạc, 100 tấm lụa, 100 tấm the, 2 chiếc sừng tê, 100 cân ngà voi và 100 cân quế tốt. Gia Long lại xử hậu hĩ, nộp luôn cả cống phẩm năm sau (1805) và cống phẩm năm trước (1803) chưa nộp. Như vậy tổng cộng tặng phẩm do đoàn sứ Lê Bá Phẩm đưa đi là 600 lạng vàng, 3.000 lạng bạc, 300 tấm lụa, 300 tấm the, 6 cái sừng tê, 300 cân ngà voi và 300 cân quế tốt.

        Năm 1809, triều đình nhà Nguyễn cho một đoàn sứ 36 người do Nguyễn Hữu Thận làm chánh sứ đem nộp cống phẩm hai năm (1808-1809). Đoàn sứ 36 người, gồm có chánh sứ, 2 phó sứ, 9 hành nhân, 2 lục sự, 4 thư ký, 1 điền hộ, 2 thông sự và 15 người theo hầu.

        Một tháng sau, tức tháng tư âm lịch, Gia Long lại cho một đoàn sứ do Võ Trinh làm chánh sứ đem tặng vật sang mừng “Khánh tiết ngũ tuần" tức mừng vua Thanh 50 tuổi. Đồ mừng gồm có 2 đôi ngà voi, 4 bộ sừng tê, 100 tấm trừu, 100 tấm the, 100 tấm lụa và 100 tấm vải.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM