Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:00:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước  (Đọc 21942 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:07:34 am »


        Khi Liễu Thăng còn cách vài dặm đường, tướng Trần Lựu và nghĩa quân từ trong Chi Lăng tiến ra đón đánh. Trần Lựu vừa đánh vừa lui. Liễu Thăng hăm hở đem một vạn quân tiên phong đi trước mở đường, tiến thẳng vào Chi Lăng. Không thấy quân ta, hắn chủ quan tưởng quân ta bỏ chạy, vội cùng hơn 100 kỵ binh băng lên đuổi, cả vạn quân tiên phong chạy theo sau. Liễu Thăng hung hăng xông xáo như vào chỗ không người. Tới cánh đồng lầy chân núi Mã Yên, có cầu bắc qua đồng lầy, Liễu Thăng và hơn 100 kỵ binh vượt sang khỏi cầu thì cầu sập. Quân tiên phong giặc bị chia cắt đội hình. Phục binh của ta bốn bề tung ra, đánh rất quyết liệt. Toàn bộ quân tiên phong của giặc bị giết, Liễu Thăng trúng lao, chết ngay tại trận.

        Không nhận dụ hàng, tướng giặc Lương Minh bỏ mạng

        Liễu Thăng chết trận, phó tổng binh Lương Minh lên thay cầm quyền chủ tướng. Nguyễn Trãi viết thư cho chủ tướng mới của giặc, trong thư có những đoạn:

            " … Nay các ông đem quân đi sâu vào, chính là bị hãm vào thế trong miệng cọp, muốn tiến công không được, muốn lui không hay. Còn ta thì nhân thế chẻ tre, sau khi chẻ được mấy đốt, cứ lọng lưỡi dao mà chẻ đi, thực không khó gì...

            Trước đây, các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An và Tiền, Hậu Vệ, Thị Kiều, Xương Giang, Tam Giang đều đã mở cửa thành, cởi áo giáp cùng ta hòa giải. Phàm hết thảy quan quân, đàn ông, đàn bà, lớn bé, cộng mấy vạn người, ta sai thu nuôi tất cả, không xâm phạm một chút nào. Xin các ông lui ngay quân ra ngoài bờ cõi, ta tự dẹp mở lối về, cho các ông được thung dung đem quân về, ta sẽ đem các quan lại đàn ông, đàn bà nói trên kia trao tất cả ở ngoài bờ cõi. Như thế thì các ông có thể ngồi hưởng thành công mà Nam, Bắc từ nay vô sự, há chẳng hay ư? Nếu có thể thôi được mà không thôi, là do các ông. . . ".

        Quân giặc còn chín vạn người, vẫn là một đạo quân lớn, nên tướng giặc Lương Minh ngoan cố, vẫn cứ tiến xuống. Chúng tới Cần Trạm, quân mai phục của ta xông ra vây kín. Chủ tướng giặc Lương Minh bị giết trong vòng vây. Tham tướng giặc Thôi Tụ lên cầm quyền chủ tướng, vẫn ngoan cố tiến quân xuống Xương Giang.

        Khi quân Minh tới Xương Giang thì thành đã bị quân ta đánh lấy từ trước, chúng tiến thoái lưỡng nan. Tuy vậy, lực lượng viện binh còn bảy vạn quân nên chúng vẫn chống lại. Không vào được thành Xương Giang, chúng đóng quân ở ngoài đồng, làm gấp công sự, dựng rào, đắp lũy và ngày đêm bắn pháo hiệu để báo tin cho quân của chúng ở hai thành Đông Quan, Bình Than tới cứu.

        Nghĩa quân Lam Sơn tạm thời vây hãm chúng tại đây để đánh đạo quân Mộc Thạnh ở phía biên giới Vân Nam trước .

        Vừa đánh vừa dàm, đánh tan quân Mộc Thạnh

        Mộc Thạnh ở Vân Nam đóng quân gần biên ải Lê Hoa của ta. Tại biên ải có các tướng của nghĩa quân Lam Sơn là Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả làm nhiệm vụ chặn đánh không cho đại quân Mộc Thạnh tiến sang. Sau khi vây hãm quân Thôi Tụ ở Xương Giang, các lãnh tụ Lam Sơn cho đưa tới Lê Hoa một tên chỉ huy, ba tên thiên hộ giặc bị bắt trong các trận Chi Lăng, Cần Trạm, cùng các sắc thư, phù tín, ấn chương của Liễu Thăng và một bức thư của Nguyễn Trãi, để các tướng của ta chuyển sang cho Mộc Thạnh.

        Trong thư có những đoạn:

            “Từ bấy đến nay, binh đao liền liền, tai họa chồng chất, hơn hai mươi năm, không lúc nào yên. Cái lấy được không bù nổi cái mất đi, số người bắt được không bù lại số người chết đi. Huống chi, nếu lấy được đất … không thể đem dân ... tới ở được, bắt được dân ... không thể dùng để phục dịch... Thê' thì việc được hay hỏng, lẽ phải hay trái, há chằng rõ ràng lắm ư? …

            Ngày tháng 9 năm nay An Viễn hầu Liễu Thăng thống lĩnh đại quân tới địa phận thành Khâu Ôn. Ta hai ba lần đưa thư nói rõ thiên thời, nhân sự, nói đi nói lại không ngại nhiều lời. Nhưng Liễu công không cho lời nói của ta là đáng tin, mạo hiểm tiến quân vào sâu, chuyên việc chém giết.

        Ngày 20 tháng 9, tiến quân đến ải Chi Lăng, quân sĩ giữ ải của ta không làm thê' nào được, phải chống cự. Liễu công chết mất xác tại trận tiền. Bảo định bá, Thôi đô đốc, Lý thượng thư cũng nối nhau chết nốt. Quân lính chạy trốn, tan tác hết...

        Trước đây, các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, Tiền Vệ, Xương Giang, Thị Cầu, Tam Giang, Trấn Di, đều ra thành, cởi giáp cùng ta hòa giải. Quan lại, quân nhân, cộng mấy vạn người, ta nhất nhất thu nuôi cả, không mảy may xâm phạm.

        Nay hãy đem tướng sĩ của Liễu Thăng mà ta đã bắt được, trả về quân doanh. . . ".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:08:49 am »


        Nhận được sắc ấn cùng mấy tỳ tướng của Liễu Thăng và đọc thư của Nguyễn Trãi, Mộc Thạnh quả thật lo ngại không dám tiến nữa mà đem quân chạy trốn. Nhưng các tướng của ta đã kịp thời đánh cho đạo quân Mộc Thạnh thiệt hại nặng nề tại hai nơi: Lãnh Câu và Đan Xá, gần biên giới Hà Tuyên ngày nay, giết chết hơn một vạn giặc, bắt hơn một nghìn tên và trên một nghìn ngựa, thu được rất nhiều khí giới, của báu và xe lương. Giặc bị chết đuối ở khe suối nhiều không kể xiết. Sử cũ ghi: quân địch hoàn toàn tan vỡ "Mộc Thạnh chỉ kịp một mình một ngựa chạy thoát thân" (Đại Việt sử ký toàn thư).

        Nguyễn Trãi thuật lại chiến thắng rực rỡ này trong Bình Ngô đại cáo:

       “Binh Vân Nam bị quân ta chặn đánh ở Lê Hoa, sợ mà vỡ mật.
        Bọn Mộc Thạnh nghe quân Thăng thua to nơi Cần Trạm, bỏ chạy thoát thân. 
        Lãnh Câu, máu chảy đầy dòng, nước sông nức nở.
        Đan Xá, thây chồng khắp núi, cỏ nội đẫm hồng".


        Từ chối dụ hàng, bảy vạn viện binh giặc bị tiêu diệt hoàn toàn

        Đánh tan đạo quân Mộc Thạnh, các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn quay sang định đoạt số phận quân địch ở Xương Giang. Bọn này đã thất bại thảm hại, lại bị vây hãm trong thành, ngày càng khốn đốn. Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân có ý định cho chúng đầu hàng, tha cho chúng về nước như chủ trương đối với giặc ở Đông Quan và một vài thành khác chưa bị hạ. Vì thế, Nguyễn Trãi viết thư dụ hàng bọn Thôi Tụ. Chúng không trả lời. Nguyễn Trãi kiên trì đưa tiếp mấy thư. Có thư ông viết:

            "Trước đây, mấy lần ta gửi thư, nói về lẽ thành bại của nước, nỗi vui buồn của dân. Những việc ấy có quan hệ với nhau rất nhiều. Người có chí vỗ yên bờ cõi, há chẳng lấy đó làm lo sợ. Ta không rõ những thư trước có tới nơi hay không? …

        Nay An Viễn hầu Liễu đại nhân thống lĩnh đại quân vào nước ta, ta đã đưa thư nói rõ nên trên xét thiên thời, dưới coi nhân sự... Không may, các đại nhân cho là lời nói không đáng nghe, đem quân đi sâu vào nước ta, quân sĩ giữ bờ cõi của ta không làm thế nào khác được, cũng như chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ. Trong khi vội vàng, còn thì giờ đâu mà nghĩ đến lễ nghĩa. . .

        Tính việc ngày nay, không gì bằng lui quân ra ngoài bờ cõi, ta lập tức trả hết những quân nhân đã bắt được ở các thành. Rồi đem thư của ta tâu rõ về triều. May ra lời bàn của triều đình ưng thuận, thì các ông có thể không mất tiếng tốt mà Nam, Bắc từ nay vô sự . . ".

        Bọn tướng giặc Thôi Tụ vẫn lúng túng, không biết làm như thế nào, nên không trả lời. Nguyễn Trãi đưa một thư cuối cùng, như một tối hậu thư, nói rõ là mở đường về cho chúng và hẹn cho chúng trong ba ngày phải lên đường. Thư ông viết:

         “Ta nghe nói: mưu việc từ khi việc chưa xảy ra thì dễ tính, để việc xảy ra mới tính, thì tính không kịp. Ta đã hai ba lần đưa thư, không ngại nói đi nói lại nhiều lời...

        Nay ta đã răn bảo quân sĩ, rộng mở đường về, từ Cần Trạm đến Khâu Ôn, khi đại quân đi qua, sẽ không xâm phạm mảy may. Hạn trong ba ngày, các ông phải thu xếp lên đường. Trù trừ quá. hạn ấy là các ông thất tín, không phải lỗi tại ta. . .

        Các ông còn nấn ná chưa đi, chắc có ý muốn trông chờ quân ở Đông Quan lên ứng cứu hoặc quân ủy Vân Nam sang tiếp viện. Nhưng, từ Đông Quan lên đây, chỉ một ngày đường, không cần phải cầu cũng có thể tự đến cứu được. Vậy mà cam tâm làm ngơ ngồi nhìn, không thấy đau xót thay. Thế thì điều các ông trông đợi ở quân Đông Quan là tuyệt vọng.

        Còn như Kiều quốc công ở Vân Nam, trước đây cùng các ông vâng mệnh họp quân. Nhưng Kiều đại nhân, tuổi cao đức cả, sớm biết lẽ phải, hiểu rõ sự việc mới tới biên giới, lập tức cho người dò thăm hư thực, được tin trước đây thành trì các xứ Tam Giang, đều đã hòa giải, bèn lui quân về Lâm An, làm tờ tâu về triều. Ta cũng đem những quân nhân của các ông mà ta đã bắt được trao lại cho Kiều đại nhân và nói rõ việc An viễn hầu, Bảo định bá, Lý thượng thư bị chết. Kiều đại nhân hiện đã lui quân về Vân Nam. Như thế, bọn các ông trông đợi ở đạo quân Vân Nam cũng là tuyệt vọng nốt.

        Hai mặt trông đợi đều đã tuyệt vọng. Quân nhân ngày một chết thêm, lương thực lại cạn, các ông còn chờ đợi gì mà nấn ná chưa đi? … Sao mà xét việc câu chấp, mưu việc lâu muộn thế "

        Thư từ khuyên dụ như vậy, nhưng bọn Thôi Tụ vẫn ngoan cố đóng chặt trong thành, không tiến, không lui, cũng không cầu hòa. Chúng vẫn trông chờ quân cứu viện.

        Nghĩa quân ở Xương Giang được lệnh tiến công địch. Mấy vạn quân ta xung phong quyết liệt. Hàng ngũ địch tan rã nhanh chóng. Hơn năm vạn địch bị giết tại trận. Hơn một vạn tên bị bắt trong đó có chủ tướng Thôi Tụ cùng hơn 300 tướng lĩnh. Nghĩa quân thu được rất nhiều ngựa, vũ khí, vàng bạc, lụa là đoạn vóc "từng đống, từng hòm, chứa chất như núi, không kể xiết". Trong bảy vạn quân địch, chỉ có một tên quan nhỏ trốn thoát, chạy về Trung Quốc.

        Chiến thắng Xương Giang cùng với những chiến thắng Chi Lăng, Cần Trạm, Lãnh Câu, Đan Xá là những võ công to lớn. Trong vòng một tháng, ta đã tiêu diệt hoàn toàn 15 vạn viện binh và 3 vạn ngựa của địch, lần lượt giết hết các chủ tướng, bắt sống và cầm tù toàn bộ tướng lĩnh của địch. Những trận đại phá viện binh địch không những tiêu diệt gọn toàn bộ 15 vạn viện binh mà còn tiêu diệt cả ý chí cố thủ của 10 vạn quân địch trong thành Đông Quan; đúng như nhận định của Nguyễn Trãi: viện binh giặc bị diệt thì giặc trong thành phải hàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:10:22 am »


       V. HỘI THỀ ĐÔNG QUAN BẮT HÀNG MƯỜI VẠN GIẶC, CHẤM DỨT CHIẾN TRANH

        Đánh tan hai đạo viện binh địch, các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn chủ trương tiếp tục dụ hàng địch trong các thành. Đối với địch ở Đông Quan, để làm chúng mất tin tưởng trông chờ ở viện binh, Lê Lợi cho giải bọn đô đốc Thôi Tụ cùng một số tù binh mang binh phù nguyên soái của Liễu Thăng, hai ấn thượng thư bằng bạc của Lý Khánh, Hoàng Phúc với một ít vũ khí, chiêng trống, sổ sách của viện binh địch tới trước thành Đông Quan, gọi địch ra xem, lại trao cho chúng một bức thư của Nguyễn Trãi nói rõ sự thất bại thảm hại của viện binh và khuyên chúng đầu hàng. Trong thư, Nguyễn Trãi viết:

            " ... Nay hãy đem những việc đã qua kể lại từng việc các đại nhân nghe, sau lấy việc ngày nay tỏ lòng tường tận để thấy nên chăng.

        Khi trước, việc ước hòa không những làm cho tôi và các đại nhân được yên lòng mà cả quân sĩ hai nước cũng thế. Ai cũng vui mừng nhảy nhót, tự bảo: Nam, Bắc từ nay vô sự. Nhưng không hiểu sao, hai ông Phương (Chính), Mã (Anh), cố chấp ý riêng, không biết thông biến, đã ngăn cản việc ước hòa. Người xưa có câu "lời nói làm hỏng việc", há chẳng phải sao? Từ đấy thân thiết hóa thành thù địch, yên chuyển thành nguy... Việc ấy lỗi tại ai? Song việc trước đã qua, không thể lấy lại được nữa.

        Nay An viễn hầu Liễu Thăng vâng mệnh đem hơn mười vạn binh tới Quảng Tây, hai lần sắc thư gọi về, Liễu Thăng đã trót cầm quân, cưỡng mệnh cứ đi .

        Trái lòng người, nghịch lệnh vua, tiến quân tới cửa ải Chi Lăng, cùng quân sĩ giữ ải của ta giao tranh một trận kịch liệt, cuối cùng bị quân ta giết tại trận. Bảo định bá thu thập tàn quân, ngày 25 tiến đến Cần Trạm, lại bị quân ta giết chết, Lý thượng thư cũng tử trận. Duy một mình Thôi đô đốc chạy thoát, nhưng vẫn tức tối không thôi, ngày 28 tiến quân đến Phố Cát, lại bị quân ta đánh bại. Quân sĩ mạnh ai nấy chạy, ẩn trốn tan tác, khí giới mất hết, chỉ còn lại hơn một vạn tàn quân. Quân ta đến nơi bao vây bốn mặt, muốn tiến không hay, muốn lui không được. Đến nay đã một tháng 14 ngày, lương thực hết cả, quân nhân chết đói xác chất thành núi. Kế cùng sức hết, bèn xông vào vòng vây mạo hiểm ra đánh, từ giờ Mão đến giờ Thân, sức không thể chống được. Quân của ông Thôi khi đó bị đánh giết gần hết, chỉ còn lại người gầy yếu ốm đau, tự mở cửa trại ra hàng. . .

        Ví bằng việc hòa giải đã xong, thì ngày nay tất không có cái họa Liễu Thăng...

        Nay đem chân tình thực ý, phúc báo để cùng biết. Nếu như các đại nhân lại theo đúng ước xưa, tôi mong được Sơn đại nhân (Sơn Thọ) qua sông cùng họp, tôi sẽ lui quân về các vùng Thanh Đàm, Ái Giang, để cho đại nhân được thung dung trở về nước.

        Nếu không thế, nhận mệnh vào đám tên đạn, để quyết sống mái, thì tôi xin quyết cùng mà làm, cần gì phải nói đi nói lại mãi làm gì?”.

        Thấy viện binh đã tan, kế đã cùng, bọn Vương Thông vừa lo sợ, vừa bối rối, không biết nên xử trí như thế nào. Chúng ở trong cảnh hoàn toàn bế tắc: quân cô, lực kiệt, viện tuyệt, thế cùng, mà hàng thì sợ bị giết, đành kéo dài cố thủ trong thành.

        Các lãnh tụ nghĩa quân ra lệnh tăng cường vây hãm. Địch hoảng sợ. Đằng nào cũng chết, địch quyết định cứ liều đánh ra, may có cơ hội vượt được vây, về được nước. Chủ tướng địch Vương Thông dốc hết quân, tự mình làm tướng, mở cửa thành ra đánh. Nghĩa quân nghênh chiến, đưa địch vào chỗ phục kích, đánh cho tan tác và truy kích đến tận cửa Nam thành Đông Quan. Địch tuyệt vọng, thấy không thể cưỡng lại được nữa, đành gửi thư cầu hòa, bày tỏ nỗi lo sợ bị đánh. Nguyễn Trãi viết thư trả lời, đưa ra vấn đề hai bên trao đổi những người thân tín làm con tin, để địch yên lòng:

            "Ngày nọ, ta đưa thư, không thấy trả lời. Cho thông sự đi, e khẩn thuyết vô bằng, song việc ngày trước đã qua, nói không lại được...

        Ta muốn phiền Sơn đại nhân là người cao tuổi qua sông cùng họp. Ta cũng cho một hai đầu mục hoặc người thân tín vào thành hầu tiếp. có như thế, hai bên mới khỏi nghi ngờ nhau: Ta lập tức lui quân, mở lại đường về. Đại nhân còn muốn bảo gì ta đều nhất nhất nghe theo. Nếu không thế thì nói muôn nghìn lời cũng là vô ích. . . ".

        Bọn Vương Thông sợ chết, muốn hàng, nhưng dùng dằng không muốn bỏ thành, nên đã ra nhiều lý lẽ để trì hoãn đầu hàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:12:45 am »


        Chúng viện lẽ: tướng đem quân ra cõi ngoài, không thể tự quyền, bỏ đất, cho người khác mà về, cho nên việc chúng ở hay về phải đợi lệnh triều đình của chúng. Như vậy là địch chỉ muốn đình chiến chứ chưa đầu hàng. Nguyễn Trãi đã viết thư bác bỏ lý lẽ của địch:

        "Về việc ta muốn đại nhân rút quân, trước sau không thay đổi . . . Nhưng bảo "lấy đất đem cho người khác, là bày tôi không được quyền tự chuyện", ta cho là không đúng.

        Từ xưa, đế vương trị thiên hạ, chẳng qua chỉ có chín châu. Giao Chỉ là ở ngoài chín châu. Như thế, rõ ràng từ xưa, Giao Chỉ không phải là đất Trung Quốc. Huống chi, lấy đất ở cõi xa, không dùng làm gì nếu giữ chỉ thêm tốn cho Trung Quốc, bỏ đi dân Trung Quốc có thể dễ sống hơn. Như thế, bỏ hay giữ, nên hay không nên, cho tới muôn đời sau, ta vẫn nói rõ được. . .

        Còn như nói: không có việc nước nhỏ chống lại nước lớn, làm cho Di trông vào. Ta hiểu khác thế... Thái vương nhà Chu thờ nước Huân Dục, Văn Đê' nhà Hán hòa với Hung Nô (Huân Dục, Hung Nô là nước nhỏ. Thái Vương, Văn Đế là vua nước lớn). Hai vua ấy há chẳng đáng làm khuôn phép cho muôn đời sau ư? Vả lại, nay ta... lại đem quan quân bắt được, hơn mấy vạn người, hơn mấy vạn ngựa, cùng Hoàng thượng thư, Thái đô đốc và các đô ty, chỉ huy, thiên hộ, bách hộ, hơn một vạn người, trả hết về kinh sư. Như thế sao lại là chống lại nước lớn. . .

        Ta nghe: Vương giả trị nước ngoài, không trị mà hóa ra trị. Chưa bao giờ thấy làm nhọc dân, đem quân ra đóng ở chỗ đất vô dụng mà lại là làm cho bốn rợ, muôn nước trông vào. Không rõ đại nhân thấy như thế nào.

        Ngày nay, quân của nhà vua tiến hay lùi, chính là do đại nhân, đặt quyền thông biến, quyết định mà thôi”.

        Nguyễn Trãi bác bỏ cái gọi là "giả đất", “cho đất", lời lẽ thật đanh thép. Vương Thông không thể làm cách nào khác, đành phải viết thư nói rõ chúng muốn hàng, nhưng sợ bị cầm tù, không được thả cho về nước.

        Để vạch rõ chủ trương hòa bình, nhân đạo của ta, Nguyễn Trãi viết cho Vương Thông:

        “Trước đây, ta bắt quan quân các thành, việc đó không cần nói lại. Nay ta cũng mới bắt được quan quân: binh sĩ tới trên hai vạn người, các chức thượng thư, đô đốc, đô ty, chỉ huy, thiên hộ, bách hộ có tới hơn trăm người, ngựa ba nghìn con. Như thế, há phải là ta lừa dối mà bắt được? Hay chỉ là bất đắc dĩ mà phải bắt. Nay ta giữ mấy vạn người ấy ở lại phục dịch ta thì cũng chẳng ích gì cho ta, mà triều đình mất mấy vạn người ấy thì cũng chẳng tổn hại gì. Ta liệu định số quân trong thành của các đại nhân bất quá chỉ vài vạn người. Ta có tìm cách lừa dối để bắt thì cũng chẳng ích gì cho công việc của ta. . .

        Nay đại nhân mang tiết việt, chuyên đánh dẹp việc quân ở cõi ngoài có thể tùy tiện xử trí. Vả lại, việc binh không thể ở xa mà định đoạt. Lời nói: “đại tướng ở ngoài cõi, mệnh vua có thể không tuân theo" há phải là không đáng tin. Lại bảo rằng: "chết mà ích cho nước cũng đáng; chết mà không ích gì cho nước, chỉ là chết uổng". Vậy, thế nào là có ích, thế nào là không có ích. . . Nay bọn các ông giữ một thành trơ trọi, tự bảo là để chịu chết với thành, thì có ích gì cho nước. Ví thử, giữ được thành, không để mất thành, thì cũng có ích gì cho nước. Câu nói: "Tham hư danh mà phải thực họa", thật đúng.

        Nay hãy gác việc ấy mà bàn: nếu đại nhân quả cho ta nói là phải thì nên theo lời ước trước, cho Sơn thái giám (Sơn Thọ) sang sông cùng hội họp. Ta cũng cho người thân tín vào thành hầu tiếp, để cho lời giao ước được chắc chắn, sau đó sẽ lui quân về các vùng Thanh Đàm, Lũy Giang, để đại nhân thung dung đem quân về nước. Phàm đường sá, cầu cống, lương thực cho đại quân ăn đường, cùng sản vật địa phương để tiến công và biểu tâu cung kính, các thứ ta đều sẵn sàng. Các ông Hoàng thượng thư, Thái đô đốc cũng đã vì ta, dâng lời tâu về triều. Nếu đại nhân suy lòng như lòng người, thì sao ta phụ bạc được. Trái lại, vì kéo dài năm tháng, lấy lời nói lừa dối nhau, muốn đợi quân khác cứu viện, như trước đã làm, ngoài mặt giả hòa, trong ngầm mưu khác. Rồi đại quân kéo sang, khiến ta lại phải cùng một lúc đương đầu với địch ở cả hai phía, trước mặt và sau lưng. Như thế thì kẻ ngu phu ngu phụ cũng chẳng tin, huống chi ta, dù vô mưu, cũng không sao tin được. . . " .

        Những lời khuyên dụ kiên trì của Nguyễn Trãi tác động mạnh tới tinh thần tướng địch. Chúng xin làm theo lời Nguyễn Trãi, tự định việc rút quân về.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:14:19 am »


        Vì nghĩa lớn của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn từ lâu vẫn chủ trương dụ hàng quân địch trong thành, thả cho chúng được toàn quân, toàn mạng về nước. Chủ trương này, Nguyễn Trãi đã từng nhấn mạnh:

        Nó đã sợ chết tham sống, phải thành khẩn cầu hòa
        Ta để cho giặc toàn quân, mà dân ta được nghỉ.
        Chẳng những là mưu kế cực sâu xa
        Mà cũng thật cổ kim chưa đã thấy.


                                 (Bình Ngô đại cáo)

        Điều kiện trước tiên đề ra cho địch là chúng phải cùng các lãnh tụ nghĩa quân dự hội thề, sau đó mới ấn định kế hoạch rút quân và tiến hành những biện pháp cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch đó. Các lãnh tụ nghĩa quân cho tổ chức hội thề tại phía nam thành Đông Quan, bên sông Hồng.

        Ngày 10 tháng 12 năm 1427, chủ tướng Vương Thông cùng toàn thể các tướng lĩnh, quan lại cao cấp của địch tới dự hội thề. Thật là những giờ phút vinh dự của những người chiến thắng. Trong buổi lễ chủ tướng Vương Thông thay mặt toàn thể quân giặc, trịnh trọng xin thề:

            " …Tổng binh quan Thành sơn hầu Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý bản tâu, đúng lời bàn trước mà làm. . .

        …Nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề, người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh, cùng là ngày về đến triều đình lại không theo sự lý trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An Nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân đó, thì Trời Đất cùng là Danh sơn, Đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn tổng binh quan Thành sơn hầu Vương Thông, tụ bản thân cho đến cả nhà thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà...".

        Lập hội thề là một việc nhỏ, nhưng ý nghĩa chiến thắng rất lớn. Bắt hàng chục vạn tên giặc phải đầu hàng, phải xin thề không dám chiếm đóng, không dám xâm lược, phá phách, để được toàn mạng về nước, như thế quả là "cổ kim chưa đã thấy” như Nguyễn Trãi đã nói trong Bình Ngô đại cáo.

        Sau hội thề, các lãnh tụ nghĩa quân cấp đủ số lương ăn đường cho hơn mười vạn quân Minh và cấp cho chúng hơn 500 chiến thuyền để đi đường thủy, 2 vạn ngựa để đi đường bộ.

        Theo quy định của các lãnh tụ Lam Sơn tại hội thề Đông Quan, đúng ngày 19 tháng 12 năm 1427, hơn 10 vạn quân Minh bắt đầu lên đường về Trung Quốc. Trước ngày lên đường, chủ tướng Vương Thông sang đại bản doanh nghĩa quân chào từ biệt và ở lại một đêm cùng các lãnh tụ và tướng lĩnh nghĩa quân vui chơi, trò chuyện cởi mở chân thật. Khi Vương Thông lên đường, các lãnh tụ nghĩa quân tiễn tặng rất hậu trọng. Vương Thông vô cùng cảm động; không chỉ chủ tướng cảm động, tỏ tình lưu luyến khi chia tay, mà toàn quân giặc đều cảm động, vui sướng trước thái độ khoan hồng, nhân dạo và trước những cử chỉ cao đẹp của quân dân ta. Trước ngày lên đường về nước, trên 10 vạn người Minh được tha, cả quân lẫn tướng đều đến quân doanh Bồ Đề, lạy tạ Bình Định vương Lê Lợi, người lãnh tụ tối cao của nghĩa quân Lam Sơn, người đã cùng Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh nghĩa quân kiên quyết thi hành một đường lối kết thúc chiến tranh rất sáng tạo và rất nhân nghĩa:

                         Nghĩ kế nước nhà trường cửu
                         Tha cho mười vạn hàng binh
                         Gây lại hòa hảo cho hai nước
                         Dập tắt chiến tranh cho muôn đời

                                 (Nguyễn Trãi - Phú núi Chí Linh)

        Sự nghiệp chiến đấu chống xâm lược của Lê Lợi, Nguyễn Trãi và quân dân ta thời đó còn có tác dụng quan trọng là chặn đứng và dập tắt cuồng vọng bành trướng của nhà Minh xuống Đông Nam châu Á, chấm dứt họa "Hạ Tây dương” của bọn Trịnh Hòa, một hình thức vừa uy hiếp quân sự, vừa cướp biển của triều Minh thời đó.

        Sau chiến tranh với Việt Nam, triều Minh Trung - Quốc suy yếu nghiêm trọng, mất hẳn khả năng bành trướng, xâm lược nước khác, mà khả năng tự vệ, giữ nước, cũng rất bạc nhược. Năm 1449, người Ngõa Lạt là một bộ tộc ở Mông Cổ tiến công Trung Quốc. Hoàng đế nhà Minh lúc ấy là Chu Kỳ Chấn, tức Minh Anh Tông thân cầm 10 vạn quân đi đánh, nhưng đại bại. Minh Anh Tông bị người Ngõa Lạt bắt. Một năm sau, Minh Anh Tông mới được Ngõa Lạt thả cho về nước.

        Trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh đô hộ, có phần đóng góp công lao rất quan trọng của Nguyễn Trãi . Ông vừa giỏi về quân sự, vừa giỏi về ngoại giao, kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao để đánh thắng địch. Nguyễn Trãi đấu tranh ngoại giao với địch rất linh hoạt, sắc bén, đúng thời cơ sát với từng tình huống cụ thể của chiến trường. Khi đã giành thắng lợi quyết định bằng quân sự thì tiến hành đàm phán hòa bình, dùng ngoại giao để phát huy thắng lợi quân sự và chấm dứt chiến tranh, đặt lại quan hệ bình thường giữa hai nước.

        Công tác ngoại giao của Nguyễn Trãi đã góp phần quan trọng vào công cuộc đánh thắng hoàn toàn quân Minh xâm lược. Đường lối và thành tích ngoại giao của Nguyễn Trãi cùng với đường lối và thành tích chính trị, quân sự của ông đã góp phần tạo nên những chiến công vô cùng rực rỡ của dân tộc ta trong chiến tranh chống xâm lược ở đầu thế kỷ XV.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:16:36 am »

        
Chương sáu

NGOẠI GIAO THỜI LÊ

        Sau khi đánh thắng quân Minh xâm lược và thả hàng chục vạn tù hàng binh cho về Trung Quốc, tháng tư năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi đưa quân đội và quần thần vào kinh thành Thăng Long.

        Ngày 15 tháng tư năm Mậu Thân, tức 29 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xưng hiệu Thuận Thiên hoàng đế, đặt tên nước là Đại Việt. Khi ông mất, triều thần đặt miếu hiệu là Lê Thái Tổ.

        Triều Lê tồn tại hơn 300 năm. Thời kỳ thịnh trị là từ Lê Thái Tổ đến hết thế kỷ XV, tức hết thời vua Lê Thánh Tông. Trong thời kỳ thịnh trị, việc bang giao với các nước láng giềng, nhà Lê có nhiều thuận lợi .

        I. NGOẠI GIAO VỚI TRUNG QUỐC

        Sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi chủ động cho sứ sang Trung Quốc, tiến hành ngoại giao bình thường với triều đình nhà Minh và trao trả tù binh cho nhà Minh. Nhà Minh cũng trao cho ta một số người của ta bị họ bắt giữ trong chiến tranh.

        Hai nước giao hảo từ đấy. Ta là nước nhỏ nên Lê Lợi, theo như các triều đại trước, chấp nhận để vua Minh phong vương. Sau chiến tranh, nhà Minh là kẻ chiến bại, nên đối với triều Lê, cũng e nể nhiều. Năm 1437, nhà Minh phong vương và tặng một quả ấn bằng vàng nặng một trăm lạng cho vua Lê Thái Tông.

        Hai nước cũng thường thăm hỏi, quà cáp cho nhau luôn. Tuy giao hảo, nhưng từ cuối thế kỷ XV trở đi, triều đình nhà Minh cũng đôi khi hạch sách, đe dọa. Mỗi khi sứ ta sang, vua quan nhà Minh thường nói bóng gió về sức mạnh nước lớn của chúng, tỏ ý coi thường ta. Cho nên, sứ của ta đi Trung Quốc thường phải chọn người có kiến thức, có tài năng đối đáp đấu trí với chúng, giữ vững quốc thể Đại Việt.

        Khoảng năm 1495 - 1496, một sứ thần của ta là hoàng giáp Ngô Kính Thần sang Trung Quốc. Một lần ông vua quan nhà Minh ra cho ông một vế câu đối tỏ cái thế mạnh của chúng:

                 Nhật hỏa, vân yên, bạch đán thiên tân ngọc thỏ.

                  (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng) .

        Ngô Kính Thần đối lại:

                 Nguyệt cung, tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô.

                  (Mặt trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời).


        Vua quan nhà Minh bực tức, giam giữ ông một thời gian.

        Trong thời thịnh trị của nhà Lê, tham vọng bá quyền nước lớn của nhà Minh chỉ hạn chế trong những hành động như vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:23:04 am »


        II. QUAN HỆ VỚI AI LAO

        Quan hệ giữa Đại Việt với Ai Lao trong suốt thời Lê, nói chung là tốt. Hai nước thường cho sứ qua lại giao hảo.

        Đầu năm 1432, có nghịch thần là Kha Lại nổi loạn, vua Ai Lao cho sứ sang ta cầu cứu. Lê Thái Tổ cho quân sang giúp đánh tan quân phiến loạn và giết Kha Lại.

        Nhưng năm 1479, nghe theo lời xúi giục của một vài kẻ phản loạn, vua Ai Lao cho quân xâm phạm biên giới Tây Bắc nước ta. Vua Lê Thánh Tông cho các tướng Lê Thọ Vực, Trịnh Công Lộ, Lê Đình Ngạn, Lê Lộng, Lê Nhân Hiếu cầm đầu năm đạo quân đi theo các đường Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa tiến sang Luông Pha Băng, truy kích quân Ai Lao tới biên giới Miến Điện. Sau chiến thắng, quân ta rút về.

        Từ đấy, quan hệ giữa hai nước trở lại bình thường.

        III. QUAN HỆ VỚI CHIÊM THÀNH

        Quan hệ Đại Việt - Chiêm Thành phức tạp hơn quan hệ Việt - Lào. Đại Việt và Chiêm Thành là hai vương quốc trên cùng một lãnh thổ quốc gia, cùng ở miền đồng bằng ven biển, cùng muốn thống nhất lãnh thổ quốc gia, nên quan hệ giữa hai nước luôn luôn thay đổi, khi thì giao hảo, khi lại xung đột vũ trang.

        Trong thế kỷ XV, thời Lê thịnh trị, có hai lần xung đột vũ trang với Chiêm Thành.

        Liền hai mùa hè 1444 và 1445, vua Chiêm là Bí Cai cho quân đánh ra Hóa Châu, tức vùng Huế bây giờ, nhưng đều đại bại. Để chấm dứt hành động phá rối của vua Chiêm, đầu năm 1446 nhà Lê cho quân đánh thẳng vào kinh đô Chà Bàn bắt sống vua Chiêm - Bí Cai đưa về Thăng Long. Nhà Lê không cho quan quân chiếm đóng Chiêm Thành mà lập người trong hoàng tộc Chiêm là Ma Ha Quý Lai lên làm vua, rồi rút về nước.

        Hai mươi lăm năm sau, tức mùa thu năm 1470, vua Chiêm là Trà Toàn lại đưa quân ra đánh Hóa Châu; tướng nhà Lê ở đây không chống cự nổi, vào thành cố thủ. Đầu năm 1471, triều đình Thăng Long cho quân vào cứu Hóa Châu. Tháng 3 năm 1411, quân nhà Lê đánh tới thành Chà Bàn, bắt sống vua Chiêm - Trà Toàn. Một tướng Chiêm là Bồ Trí lui quân xuống giữ Phan Lung, tức Phan Rang bây giờ. Quân nhà Lê không truy kích, đem Trà Toàn trở về Thăng Long. Tướng Chiêm - Bồ Trí lên ngôi vua, cho người ra Thăng Long cầu hòa và cầu phong. Triều đình Thăng Long phong Bồ Trí làm Chiêm Thành vương.

        Thế nước của Chiêm Thành từ đây trở đi ngày càng suy yếu, đất đai ngày càng thu hẹp, chẳng còn là bao.

        IV. QUAN HỆ VỚI CÁC NƯỚC KHÁC

        Quan hệ ngoại giao của nhà nước Đại Việt cho tới hết thế kỷ XV vẫn bó hẹp trong phạm vi tiếp xúc với mấy nước láng giềng sát cạnh mình là Trung Quốc, Ai Lao, Chiêm Thành. Đối với những nước khác ở Đông Dương như Chân Lạp, Xiêm La và các nước ở xa hơn nữa, đêu chưa có quan hệ cấp nhà nước. Mặc dầu vậy, triều đình nhà Lê vẫn cho phép người ngoại quốc tới Việt Nam buôn bán, giảng đạo. Thường vẫn có người ở các nước, nay là In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a tới buôn bán.

        Sang đâu thế kỷ thứ XVI, người phương Tây bắt đầu vào nước ta. Năm 1523, vua Bồ Đào Nha cho sứ sang triều đình Đại Việt thượng nghị về việc buôn bán giữa hai nước.

        Năm 1525, có 21 giáo sĩ Dòng tên được phép vào Đại Việt giảng đạo Gia Tô (thờ Chúa Giê su). Như vậy là sau khi đánh thắng quân Minh xâm lược, nước Đại Việt gắng sức xây dựng thành một nước mạnh ở Đông Nam châu Á. Ngoại giao thời Lê là ngoại giao của một nhà nước cường thịnh, nên giữ được quan hệ hòa dịu với nước lớn Trung Quốc và giao hảo với các nước láng giềng khác. Đôi khi cũng có xung đột với hai nước Ai Lao và Chiêm Thành, nhưng triều đình nhà Lê dùng sức mạnh vũ trang dập tắt xung đột, gây lại hòa hảo như trước.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:25:23 am »


Chương bảy

NGOẠI GIAO THỜI LÊ MẠC

        Nhà Lê trị vì được một trăm năm thì tháng bảy năm 1527, một quan võ là Mạc Đăng Dung cướp ngôi, tự lập làm vua, mở đầu một triều đại mới: nhà Mạc.

        Năm 1529, hai cựu thần nhà Lê là Trịnh Ngang, Trịnh Ngung sang Trung Quốc yêu cầu nhà Minh cho quân sang đánh Mạc. Nhà Minh không nhận lời. "Hai người đều chết già ở đất Trung Hoa”(Lê Quý Đôn: Đại việt thông sử)

        Cũng năm này, một tướng cũ của nhà Lê là Nguyễn Kim đem gia quyến chạy sang Ai Lao, mưu đồ khôi phục vương quyền nhà Lê.

        Năm 1533, một người trong hoàng tộc nhà Lê là Lê Duy Ninh được Nguyễn Kim và một số cựu thần nhà Lê lánh nạn ở Sầm Nưa (đất Lào) đưa lên ngôi vua, tức Lê Trang Tông nhà Lê Trung hưng từ đây. Nguyễn Kim và Lê Trang Tông đưa quân về nước, chiếm lại Thanh Hóa, thu phục dần phần lãnh thổ từ Thanh Hóa trở vào Nam. Đất nước có hai triều đình kể từ đây. Nhà Lê Trung hưng cầm quyền cai trị từ Thanh Hóa trở vào. Từ Thanh Hóa trở ra vẫn thuộc quyền thống trị của nhà Mạc.

        I. NGOẠI GIAO CỦA NHÀ MẠC

        Sau khi lên ngôi vua, muốn tránh nạn nước lớn Trung Quốc mượn cớ giúp Lê đem quân xâm lược, Mạc Đăng Dung cho sứ sang Trung Quốc, nói với triều đình nhà Minh rằng: "Con cháu nhà Lê không còn ai thừa tự, nên di chúc cho đại thần họ Mạc tạm quản việc nước để yên nhân dân".(Lê Quý Đôn: Đại việt thông sử)

        Nhà Minh biết là không phải như vậy nên thường vặn hỏi, hạch sách, đe dọa. Mạc Đăng Dung đem vàng bạc cho các tướng nhà Minh ở vùng biên giới để ngăn chặn những hành động quấy rối của chúng.

        Năm 1533, nhà Lê Trung hưng chưa thu phục được Bắc Hà đã cho tả đô đốc Trịnh Duy Liệu theo đường biển đi sứ Trung Quốc cầu khẩn nhà Minh đem quân sang nước ta đánh Mạc. Nhà Minh chưa quyết. Năm 1536 nhà Lê Trung hưng lại cho sứ sang Trung Quốc, một lần nữa xin Minh ra quân đánh Mạc .

        Năm 1538, nhà Mạc cho sứ sang Trung Quốc xin quy thuận. Nhà Minh nắm lấy cơ hội, tổ chức một đạo quân giao cho Mao Bá Ôn lên đường chuẩn bị tiến sang nước ta.

        Thấy đạo quân Minh xâm lược của Mao Bá Ôn tới biên giới, Mạc Đăng Dung cử một đoàn hơn 40 người đến quân doanh Mao Bá Ôn xin dâng đất sáu động ở Vĩnh An (thuộc vùng Quảng Ninh bây giờ). Tướng Minh ra lệnh buộc Mạc Đăng Dung phải bỏ đế hiệu và đích thân đến cửa trại quân Minh nộp đất đựng mốc.

        Mạc Đăng Dung tuân theo, làm điều nhục nhã đó.

        Nhà Mạc cứ thế, ngày càng suy yếu. Nối ngôi Mạc Đăng Dung là Mạc Đăng Doanh. Tiếp theo Mạc Đăng Doanh là Mạc Phúc Hải. Khi Mạc Phúc Hải chết, nội bộ nhà Mạc chia rẽ, tách thành hai phái. Một phái ủng hộ con Phúc Hải còn nhỏ tuổi là Mạc Phúc Nguyên lên làm vua. Một phái ủng hộ Mạc Chính Trung là con thứ Mạc Đăng Dung, em ruột Mạc Phúc Hải lên ngôi (vì Mạc Chính Trung đã lớn tuổi, nhiều lần ra trận). Hai phái đánh phá lẫn nhau. Năm 1547, Mạc Chính Trung thất thế, đem gia quyến và những người thân cận, tất cả hơn 100 người chạy sang Khâm Châu xin cư trú. Nhà Minh lại có cơ hội đe dọa nhà Mạc, đưa văn thư hạch sách Mạc Phúc Nguyên không phải là dòng dõi Mạc Đăng Dung. Triều thần nhà Mạc phải đưa Mạc Phúc Nguyên lên cửa quan biên giới trình diện và làm tờ trạng cam kết không giả dối.

        Năm 1548, nhà Mạc cho sứ là Lê Quang Bí sang nộp cống nhà Minh, bị quan lại nhà Minh không cho lên Bắc Kinh, giữ lại ở Nam Ninh, đến năm 1563 mới được đưa lên Bắc Kinh. Lê Quang Bí phải ở Trung Quốc 18 năm mới trở về nước. Sử viết: "Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ! Người Minh ví ông như Tô Vũ đi sứ khi xưa đến lúc bạc đầu mới được trở về (Tô Vũ làm chức Trung lang tướng thời Hán Vũ đế (Trung Quốc) đi sứ sang Hung Nô, bị Hung Nô giữ lại phải đi chăn dê 19 năm mới được trở về nước.). Khi Quang Bí trở về tới Đông Kinh, Phúc Nguyên tỏ lời an ủi, thấy việc đi sứ của ông giống hệt Tô Vũ, bèn phong cho tước Tô quận công” (Lê Quý Đôn; Đại Việt thông sử.).

        Đầu năm 1581, nhà Mạc cho bốn đoàn sứ giả sang Minh "nộp bổ túc cống phẩm còn thiếu trong mấy năm qua" (Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử(trong Lê Quý Đôn, Toàn tập ) Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.327)

        Năm 1582, nhà Minh đòi xét lại biên giới ở Lạng Sơn. Năm 1584, nhà Mạc cho người đi sứ nộp cống. Lúc này, nhà Mạc đã suy yếu lắm, bị quân của nhà Lê Trung hưng tiến công liên tiếp. Vua cuối cùng của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp bị quân Lê Trung hưng bắt ngày 13 tháng 1 năm 1593.

        Một số tướng Mạc cố đưa một vài người trong họ Mạc lên ngôi vua. Mạc Kính Chỉ được đưa lên ngôi vua ở Chí Linh (Hải Dương) nhưng chỉ hơn một tháng sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt thì Mạc Kính Chỉ cũng bị bắt. Một người khác là Mạc Kính Cung được một tướng giỏi của nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn đưa lên làm vua vào khoảng tháng 4 năm 1592. Đến tháng 6 năm 1594, quân của Mạc Kính Cung, Mạc Ngọc Liễn bị đánh tan. Mạc Ngọc Liễn chạy ra châu Vạn Ninh, vùng ven biển (khu vực Quảng Ninh ngày nay). Mạc Kính Cung chạy sang Long Châu, Trung Quốc, đưa quân Minh ở Long Châu về đánh cướp Lạng Sơn, nhưng bị quân Lê đánh đuổi, Mạc Kính Cung chạy sang Long Châu lần nữa.

        Tháng 8 năm 1594, Mạc Ngọc Liễn ốm chết ở Vạn Ninh. Trước khi chết, ông đưa thư khuyên Mạc Kính Cung:

            "Nay nhà Mạc khí vận đã hết, họ Lê phục hưng, đó là số trời vậy. Dân ta vô tội mà khiến phải chịu nạn binh đao, ai nỡ lòng nào. Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời; chờ khi nhờ mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ cùng tranh nhau, tất nhiên có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân của đối phương tới đây, chúng ta nên tránh đi, cẩn thận chớ có đánh nhau với họ, cốt phải phòng thủ cẩn thận làm chính, lại chớ nên mời người Minh vào nước ta, để cho dân phải lầm than, đó là cái tội không gì lớn hơn"(Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, bản dịch, tr.368 - 369)

            Vua tôi nhà Mạc nhờ nhà Minh Trung Quốc can thiệp với nhà Lê, được tạm giữ một khu đất ở Cao Bằng làm nơi trú chân; cho tới năm 1677 thì chính quyền của nhà Mạc bị đánh đổ hẳn. Đất Cao Bằng thuộc quyền thống trị của nhà Lê Trung hưng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:25:55 am »


       II NGOẠI GIAO CỦA NHÀ LÊ TRUNG HƯNG

        Các cựu thần nhà Lê lánh nạn tiến hành công việc khôi phục vương quyền của nhà Lê (lưu vong) trên đất Lào. Nhà Lê Trung hưng được thành lập. Khi về nước hoạt động, nhà Lê Trung hưng vẫn giữ quan hệ láng giềng thân thiện với Lào, từng đem công chúa, quận chúa gả cho vua Lào.

        Đối với Trung Quốc thì ngay từ khi mở đầu công cuộc trung hưng, vua Lê đã cho sứ sang giao thiệp và cầu phong với nhà Minh. Tới cuối thế kỷ XVI, nhà Lê Trung hưng làm chủ cả nước, lại cho sứ sang nhà Minh. Trước kia, quan lại nhà Minh ở biên giới bắt Mạc Đăng Dung phải lên biên giới, tới cửa Nam Quan trình diện; nay chúng cũng bắt vua Lê Trung hưng làm như vậy.

        Tháng 3 năm 1596 vua Lê cùng quan lại tùy tùng lên biên giới, tới cửa Nam Quan, nhưng quan lại nhà Minh ở đây dùng dằng không chịu hội kiến. Nhưng khi vua quan nhà Lê phải trở về Thăng Long, chúng lại đưa thư trách và dọa đưa quân sang đánh. Vua Lê phải cho người sang Trung Quốc giải thích và hẹn ngày hội kiến.

        Đầu năm 1597, nhà Minh hẹn đến tuần đầu tháng 4 âm lịch, vua Lê phải tới cửa Nam Quan hội khám.

        Tháng 3 âm lịch, vua Lê cùng tướng sĩ tùy tùng lên Nam Quan. Lần này vua quan nhà Lê đem năm vạn quân vừa bộ binh vừa voi chiến đi hộ tống lên biên giới.

        Ngày 10 tháng 4 âm lịch, vua quan nhà Lê cùng bọn quan lại nhà Minh ở Quảng Tây hội kiến và làm tờ kết ước. Sau đó, triều đình nhà Lê cử Phùng Khắc Khoan sang kinh đô Yên Kinh của nhà Minh, mang tặng sản vật địa phương.

        Đây là lần đầu sứ của nhà Lê Trung hưng tiếp xúc với triều đình nhà Minh, nên việc tiếp xúc không dễ dàng. Nhà Minh tỏ ra ủng hộ nhà Mạc, vặn vẹo, bắt bẻ sứ thần nhà Lê đủ điều. Triều đình nhà Lê phải chọn người có tài và ứng xử giỏi là bảng nhỡn Phùng Khắc Khoan đi sứ. Phùng Khắc Khoan đến Yên Kinh vào dịp Tết Nguyên đán. Sứ thần nhiêu nước cũng tới Yên Kinh trong dịp này. Ngày đầu năm, ông cùng sứ thần các nước vào triều chúc mừng vua Minh. Nhà vua mở cuộc vui, vịnh thơ. Mỗi sứ thần làm một bài thơ. Phùng Khắc Khoan làm một lúc 36 bài. Vua Minh khen ngợi sứ ta làm thơ nhanh, nhiều, bài nào cũng hay. Vua Minh đề vào tập thơ của Phùng Khắc Khoan mấy chữ: "Hà địa tất sinh tài" (Đất nào chàng sinh người tài) và tặng ông vinh hàm Trạng Nguyên.

        Về việc cầu phong, vua Minh phong vua Lê làm "An Nam đô thống sứ" như đã phong cho các vua nhà Mạc trước đây. Đô thống sứ chỉ là một chức quan nhị phẩm của triều Minh.

        Thấy vua Minh phong vua Lê như vậy, Phùng Khắc Khoan không đồng ý, dâng sớ nói:

            " "Đô thống sứ” là tước cũ của họ Mạc, vua nước Nam chúng tôi hiện thời là dòng dõi chính thống nhà Lê. Thiên triều phong cho tước ấy không xứng đáng. Chúng tôi không dám nhận sắc phong".

        Vua Minh phải chịu, đành phong vua Lê làm "An Nam quốc vương" .

        Phùng Khắc Khoan không chờ sứ Minh đem sắc phong sang ta mà tự ông đem sắc phong về nước.

            Tiếp xúc với người phương Tây

        Trong thời kỳ Lê - Mạc, người phương Tây bắt đầu tới Việt Nam, chủ yếu là các nhà buôn và các giáo sĩ. ở miền Bắc, năm 1533, giáo sĩ I-guatio tới giảng đạo ở Hải Hậu (thuộc Nam Hà). Tiếp theo, các giáo sĩ phương Tây tới miền Bắc nước ta ngày một nhiều. Năm 1584, nhà Mạc gửi thư đề nghị Tòa Giám mục đạo Thiên chúa ở Ma Cao cử nhiều giáo sĩ tới giảng đạo.

        Ở miền Nam, năm 1535, giáo sĩ Bồ Đào Nha Antonio da Faria tới giảng đạo tại Hội An (Đà Nẵng). Nhiều người Bồ Đào Nha cũng tới buôn bán ở miền Nam. Thời kỳ này chiến tranh liên miên giữa nhà Mạc và nhà Lê, nên cả Mạc và Lê đều sẵn sàng tiếp xúc với người phương Tây để mua các loại vũ khí như súng ống, đạn được, gươm giáo... Phương Tây bắt đầu đi sang châu Á để tìm thị trường và thuộc địa. Các giáo sĩ là đội quân mở đường rất đắc lực cho tư bản phương Tây thâm nhập châu Á và Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:28:44 am »


Chương tám

NGOẠI GIAO THỜI LÊ - TRỊNH NGUYỄN
( Thế kỷ XVI - XVII )

        Năm 1529 Nguyễn Kim tập hợp lực lượng tiến đánh nhà Mạc để khôi phục ngôi vua cho nhà Lê. Công cuộc chưa thành thì năm 1545, ông bị đầu độc chết. Quyền bính rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm.

        Sợ các con Nguyễn Kim đòi chia sẻ quyền lực với mình, Trịnh Kiểm mưu giết con cả Nguyễn Kim là Nguyễn Uông.

        Con trai thứ Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng sợ tai vạ tới mình, năm 1558 xin đi trấn thủ Thuận Hóa, tạo cơ sở cho sự hình thành chính quyền họ Nguyễn ở Nam Hà sau này.

        Năm 1570, Trịnh Kiểm chết. Trịnh Tùng là con thứ, giành quyền thay cha làm Tả thừa tướng, Tiết chế chư quân. Năm 1599, Trịnh Tùng tự xưng Đô nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng phụ, Bình An vương, định lệ cấp bổng lộc cho vua Lê: được thu thuế 1.000 xã để tiêu dùng và 5.000 lính làm quân túc vệ. Còn việc dân, việc nước, việc trong triều ngoài trấn đều trong tay họ Trịnh, cha truyền con nối cầm giữ chính quyền, lập thành một họ Chúa: Chúa Trịnh. Ở trong Nam, Nguyễn Hoàng và con cháu cũng biệt lập một chính quyền riêng, tự ý cha truyền con nối, cũng trở thành một dòng họ Chúa: Chúa Nguyễn. Hai họ Trịnh - Nguyễn chia đôi sơn hà, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới Nam Bắc, có triều đình riêng, có quân đội riêng, có chính sách đối nội đối ngoại riêng. Họ đã gây nội chiến, bảy lần đem đại quân, mỗi lần hàng chục vạn người, đánh phá lẫn nhau thật ác liệt.

        Đối với bên ngoài, hai họ Trịnh - Nguyễn đều muốn tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nước này nước khác, để có lợi thế đánh phá lẫn nhau.

        I- NGOẠI GIAO CỦA LÊ - TRỊNH Ở BẮC HÀ

            1. Quan hệ với Trung Quốc

        Bắc Hà tiếp tục nền nếp giao hảo với Trung Quốc, cầu phong, nộp cống như các thời trước. Cầu phong, như chúa Trịnh Tráng đã nhận định là để "lấy văn bản có tính pháp lý”(Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử) của nước lớn bảo đảm an ninh an toàn của nước nhỏ.

        Năm 1637, chúa Trịnh cho sứ sang Trung Quốc cầu phong cho vua Lê, nhưng nhà Minh lúc này đã suy yếu không dám gia phong, chỉ gửi chiếu thư, “vỗ về khen ngợi". Tuy vậy thái độ nước lớn không thay đổi, vẫn ngạo nghễ, hống hách với nước nhỏ. Khoảng năm 1630, một sứ thần của ta là Giang Văn Minh tới Bắc Kinh. Trong một buổi triều kiến, vua Minh ra câu đối cho sứ ta:

                  "Đồng trụ chí kim tồn cổ lục”.
                  (Đồng trụ tới nay, rêu xanh chưa hết)

        Ý muốn nhắc lại rằng cột đồng trụ mà xưa Mã Viện (thời Hán) dựng lên khi hắn đánh chiếm Việt Nam tới nay vẫn còn đấy.

        Giang Văn Minh không chịu khuất phục đáp lại bằng vế đối:

                  “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
                  (Bạch Đằng tự xưa máu đỏ vẫn còn)


        Với vế đối của mình, Giang Văn Minh cũng nhắc lại rằng: sông Bạch Đằng từ xưa vẫn còn đỏ máu giặc xâm lược, để khẳng định nhân dân ta đã nhiều lần đánh thắng ngoại xâm và cảnh cáo đừng kẻ ngoại bang nào mưu đồ xâm lược nước ta mà thất bại.

        Năm 1644, người Mãn Châu tiến vào xâm lược Trung Quốc, đánh đổ nhà Minh, lập triều Thanh. Nhưng nhà Thanh chưa tiến quân xuống tới miền nam Trung Quốc. Trước tình hình. đó, năm 1647, Trịnh Tráng cho quân ta sang chiếm giữ Quảng Tây. Nhà Thanh từ Bắc Kinh phải cho người tới giao thiệp với chúa Trịnh. Chúa Trịnh mới rút quân về.

        Đầu năm 1651, nhà Minh bị quân Thanh đánh đuổi phải chạy tản đi. Một người trong hoàng tộc nhà Minh lập triều đình ở Nam Ninh (Quảng Tây) cho người sang ta cầu cứu. Vua Lê, chúa Trịnh cho đem quân và lương sang giúp Minh chống Thanh. Cuối năm 1651, nhà Minh cho sứ sang phong Trịnh Tráng làm Phó quốc vương.

        Năm 1663, nhà Minh không còn, vua Thanh cho sứ sang Việt Nam. Chúa Trịnh cho sứ sang đáp lễ. Năm 1667, vua Thanh là Khang Hy phong vua Lê làm An Nam quốc vương. Nhưng việc giao hảo giữa ta và Thanh không được lâu. Trong vòng hai mươi năm sau, quân Thanh liên tục xâm chiếm biên giới nước ta.

        Năm 1688, quân Thanh đánh chiếm các động thuộc ba châu Vị Xuyên, Bảo Lạc, Thủy Vĩ, miền Tây Bắc nước ta, đặt tuần ty thu thuế buôn bán. Nhà Lê đưa thư yêu cầu trả lại đất, nhà Thanh không trả và không rút quân về Trung Quốc.

        Năm sau (1689) quân Thanh lại xâm phạm miền Đông Bắc nước ta, lấn chiếm châu Lộc Bình (Lạng Sơn). Nhà Lê cho người đi Thanh tranh biện đòi lại, nhưng cuối cùng đất vẫn mất.

        Tuy vậy, bên ta không ngừng đấu tranh đòi đất. Năm 1728, Trung Quốc phải trả ta khu mỏ đồng Tụ Long ở phía bắc tỉnh Tuyên Quang.

        Năm 1771, nhà Thanh lại lấn chiếm đất đai châu Lộc Bình (Lạng Sơn). Nhà Trịnh cho quân lên biên giới, nhà Thanh phải rút quân về nước.

        Năm 1780, nhà Thanh đem quân đánh chiếm một khu vực rộng lớn ở miền Tây Bắc nước ta, gồm đất đai sáu châu: Hoàng Nham, Hợp Phì, Quảng Lãng, Trung Phụ, Lễ Tuyền, Khiên Châu. Triều đình Lê - Trịnh đòi, nhưng nhà Thanh không chịu trả.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM