Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 08:36:22 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước  (Đọc 21944 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:47:18 pm »


        II- QUAN HỆ VỚI CHIÊM THÀNH

        Sau chiến tranh chống Nguyên, quan hệ giữa ta và Chiêm Thành có nhiều chuyển biến. Năm 1293, Chiêm Thành đem tặng phẩm tới triều đình Đại Việt. Tháng 2 âm lịch (1301), Chiêm Thành sang cống và tháng sau Thượng hoàng Trần Minh Tông sang thăm Chiêm Thành. Đấy là một điều rất đặc biệt. Từ thượng cổ tới bấy giờ, chưa một vua Việt Nam nào sang thăm chính thức nước khác. Điều đặc biệt nữa là không những Thượng hoàng sang thăm Chiêm Thành mà còn nhận lời gả một công chúa (con gái Thượng hoàng) cho vua Chiêm là Chế Mân. Sử của người phương Tây ghi vương hiệu Chế Mân là Jaya Simha - Varman III. Chế Mân đã lấy công chúa vua Mã Lai làm hoàng hậu, gọi là hoàng hậu Tapasi.

        Năm 1305, vua Chiêm cho một phái đoàn hơn một trăm người, đứng đầu là đại thần Chế Bồ Đài đem lễ vật gồm vàng bạc, hương quý vật hiếm sang cầu hôn công chúa vua Đại Việt. Giữa năm 1306, Thượng hoàng Trần Nhân Tông cho đưa công chúa Huyền Trân sang Chiêm. Vua Chiêm dâng hai châu Ô và Lý làm của hồi môn, tức châu Thuận, châu Hóa, sau hợp thành Thuận Hóa. Công chúa Huyền Trân lấy vua Chiêm là Chế Mân sinh được một con trai là thái tử Chế Đa Da. Giữa năm 1307, vua Chiêm Chế Mân chết. Bốn tháng sau, triều đình Chiêm nhân danh thái tử Chế Đa Da cho sứ thần là Bảo Lộc Kê đưa voi trắng sang tặng vua Trần.

        Tháng 11 năm 1307, Chiêm Thành làm lễ hỏa táng thi thể vua Chế Mân. Theo tục lệ của Chiêm Thành, khi nào làm hỏa táng một vua chết thì hoàng hậu của vua đó phải lên dàn hỏa thiêu chết theo. Vua Trần sợ công chúa Huyền Trân bị hại, cho một phái đoàn sang Chiêm lấy danh nghĩa là viếng để tìm cách cứu công chúa. Phái đoàn này do Trần Khắc Chung và Đặng Văn cầm đầu. Đúng ngày làm lễ hỏa táng, phái đoàn của vua Trần tìm cách đưa công chúa Huyền Trân và con trai Đa Da ra biển, chạy về nước.

        Khi Chế Mân chết, con Chế Mân là Chế Chí lên làm vua Chiêm và cho sứ sang cống nhà Trần.

        Nhưng lúc này vua Trần đã mưu đánh chiếm nước Chiêm. Nên khi sứ Chiêm ra về thì vua Trần tổ chức đại quân theo hai đường thủy bộ kéo sang. Vua thân đem sáu quân đi đường bộ, cho Đoàn Nhữ Hài làm Thiên tử chiêu dụ sứ đi trước. Nghe theo lời chiêu dụ, vua Chiêm là Chế Chí đem vợ con, thân thuộc, đi thuyền theo đường biển tới hàng vua Trần. Chiến tranh kết thúc. Vua Trần trở về Thăng Long đem Chế Chí cùng về. Vua Trần phong cho Chế Chí làm Hiệu Trung vương, sau đổi làm Hiệu Thuận vương. Nhà Trần cho Chế Chí ở hành cung Gia Lâm. Tháng 2 (âm lịch) năm sau (1313), Chế Chí chết, nhà Trần theo tục của Chiêm Thành, làm lễ hỏa táng.

        Khi Chế Chí sang Đại Việt, nhà Trần phong cho em Chế Chí là Chế Đà A Bà Niêm làm á hầu, coi Chiêm Thành là thuộc quốc. Nhưng Chế Đà vẫn xưng vương hiệu, sử ghi là Chế Năng.

        Năm 1318, Chế Năng chống lại triều đình Thăng Long, tiến quân đánh lên Thuận Hóa. Nhà Trần cho quân đi ứng cứu. Một tướng Trần là Lý Tất Kiến đánh thua, chết tại trận, lão tướng Phạm Ngũ Lão tiến quân đánh tan quân Chiêm, bắt tù binh rất nhiều. Vua Chiêm Chế Năng chạy sang Ja-va.

        Nhà Trần phong một tướng người Chiêm là Chế A Nan làm Hiệu Thánh á vương, nước Chiêm lệ thuộc Đại Việt. Ít lâu sau, người Chiêm từ bỏ sự lệ thuộc đó. Năm 1326 nhà Trần cho Huệ Túc vương Trần Đại Niên đem quân đi đánh, nhưng thất bại, phải quay về.

        Năm 1342, vua Chiêm Thành Chế A Nan chết, con rể là Trà Hòa Bố Để không cho con trai A Nan nối ngôi mà tự lập làm vua. Từ đó vua Chiêm mới thoát ly dần khỏi sự lệ thuộc triều đình Đại Việt.

        Năm 1346, vua Trần cho Phạm Nguyên Hằng sang sứ Chiêm Thành, trách Chiêm Thành thiếu lễ triều cống hàng năm. Chưa muốn tỏ hẳn là chống lại, cuối năm ấy vua Chiêm cho sứ sang cống nhà Trần, nhưng lễ vật rất ít.

        Năm 1352, Chế Mỗ là con trai Chế A Nan bị Trà Hòa Bố Để cướp ngôi vua, đem voi trắng và nhiều cống vật sang hiến vua Trần để xin vua Trần đem quân đánh Trà Hòa Bố Để, lập Chế Mỗ làm vua Chiêm. Giữa năm 1353, nhà Trần cho quân đưa Chế Mỗ về Chiêm. Triều đình Chiêm cho quân chống lại. Quân Trần phải quay về. Chế Mỗ ở lại Đại Việt. Ít lâu sau thì chết.

        Chiêm Thành tiến đánh Thuận Hóa (lúc ấy gọi là châu Hóa). Quân Trần thua. Vua Trần cho Trương Hán Siêu đem quân Thần Sách vào ứng cứu và trấn giữ châu Hóa.

        Từ năm 1361 trở đi, Chiêm Thành luôn luôn đánh phá miền biên giới và miền ven biển Đại Việt. Vua Chiêm Thành bấy giờ là Chế Bồng Nga, một vua giỏi của Chiêm Thành, lên ngôi từ năm 1360.Tháng ba (nhuận) năm Tân Hợi (1371), quân Chiêm Thành đánh vào cửa biển Đại An, một cửa biển thuộc Nam Hà ngày nay và tiến thẳng lên kinh thành Thăng Long. Vua Trần phải bỏ chạy, đi thuyền sang sông Đông Ngàn (tức sông Đuống) để tránh giặc. Quân Chiêm vào thành đốt phá cung điện, sách vở, cướp con gái, ngọc lụa đem về Chiêm.

        Muốn trả thù, năm 1373 vua Trần Duệ Tông cho bổ sung quân ngũ, sửa đóng thuyền chiến và xuống chiếu thân chinh đi đánh Chiêm Thành, nhưng chưa đi mà cho Hành khiển tham mưu quân sự là Đỗ Tử Bình vào trấn giữ châu Hóa. Vua Chiêm cầu hòa, đem 10 mâm vàng tới nhờ Đỗ Tử Bình chuyển dâng vua Trần. Đỗ Tử Bình lấy cả 10 mâm vàng đó và nói dối vua Trần là vua Chiêm - Chế Bồng Nga ngạo mạn, vô lễ, chống lại. Vì thế vua Trần tức giận, quyết ý thân chinh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:57:39 pm »


        Cuối năm Bính Thìn (đầu năm 1377) vua Trần Duệ Tông đem 12 vạn quân từ kinh thành Thăng Long ra đi, cho tham mưu quân sự Hồ Quý Ly đốc suất Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa cung cấp và chuyên chở quân lương. Quân Trần đi tới cửa biển Di Luân, nay là cửa Ròn, thuộc huyện Quảng Trạch, Quảng Bình thì chia thành hai bộ phận: một bộ phận đi đường thủy, một bộ phận tiếp tục đi đường bộ.

        Ngày 23 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1377), quân Trần tới cửa biển Thi Nại, tức Quy Nhơn ngày nay thì đóng lại ở động Ỷ Mang. Chế Bồng Nga là người mưu trí, cho dựng trại ở ngoài thành Chà Bàn, sai một viên quan nhỏ là Thu Bà Ma giả đầu hàng, nói dối là Chế Bồng Nga đã trốn đi, chỉ còn thành không, khuyên vua Trần nhanh chóng đưa quân vào thành. Ngày 24 tháng giêng, vua Trần Duệ Tông mặc áo đen, cưỡi ngựa màu bùn (lông trắng xen lẫn lông đen) cùng Ngự Câu vương Húc là con Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mặc áo trắng cưỡi ngựa trắng cùng đem quân tiến vào thành Chà Bàn. Đại tướng Đỗ Lễ can không nên đi như thế. Trần Duệ Tông chủ quan không nghe, nói rằng: "Ta mình mặc áo giáp, tay cầm gươm dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu trong đất giặc, không một người nào dám chống lại, đó là trời giúp. Huống chi nay vua giặc nghe tiếng bỏ trốn, không có lòng đánh lại. Cổ nhân nói: "Dụng binh quý ở nhanh chóng”. Nay lại dùng dằng không tiến nhanh, thế là trời cho mà không lấy để nó lại có mưu khác thì hối sao kịp. Ngươi là hạng đàn bà" (Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch ... Tập II, tr.187), và Trần Duệ Tông lấy áo đàn bà bắt Đỗ Lễ phải mặc.

        Quân Trần tiến đánh thành Chà Bàn. Sử ghi rằng: "Quân nối gót nhau như xâu cá mà đi, trước và sau cách nhau xa. Quân giặc thừa thế xông ra đánh chặn. Độ một giờ thì quan quân tan vỡ” (Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch ... Tập II, tr.187). Vua Trần Duệ Tông bị bao vây và chết tại trận. Các đại tướng Đỗ Lễ, Nguyễn Nạp Hòa, hành khiển Phạm Huyền Linh đều chết trận. Ngự Câu vương Húc bị quân Chiêm bắt sống. Tham mưu quân sự Đỗ Tử Bình lãnh hậu quân không đến cứu vua, nên thoát chết. Hồ Quý Ly đốc quân tải lương, nghe tin vua chết trận, bỏ chạy về trước. Đỗ Tử Bình, theo lệnh Trần Nghệ Tông, bị nhốt cũi đưa về Thăng Long và bị kết tội đồ làm lính.

        Giữa năm 1377, Chiêm Thành lại tiến công vào cửa biển Thần Phù (Ninh Bình) kéo lên Thăng Long, nhưng mấy ngày sau lại rút về nước.

        Triều đình nhà Trần sợ người Chiêm. Cuối năm 1379, vua Trần hai lần cho người đem tiền đi chôn giấu nơi xa, đề phòng quân Chiêm vào Thăng Long đốt phá cung điện.

        Đầu năm 1380, quân Chiêm tiến đánh Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa. Hồ Quý Ly đem thủy binh, Đỗ Tử Bình đem bộ binh đi đánh. Hồ Quý Ly thắng trận. Vua Chiêm - Chế Bồng Nga phải chạy về nước.

        Tuy thắng trận, triều đình nhà Trần vẫn lo sợ, năm 1381 rước thần tượng ở các lăng Giác Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn Yên Sinh và bắt các nhà sư khỏe mạnh đương tu ở các chùa làm lính đi đánh Chiêm Thành.

        Đầu năm 1382, quân Chiêm Thành đánh Thanh Hóa.

        Giữa năm 1383 vua Chiêm - Chế Bồng Nga cùng đại tướng La Ngai đem quân đánh lên Thăng Long. Triều đình nhà Trần phải chạy sang Tiên Du (vùng núi huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ngày nay) dựng cung điện, tạm lập kinh đô tại đây. Đầu năm 1384, quân Chiêm rời khỏi Thăng Long, rút về nước. Triều đình nhà Trần vẫn ở lại Tiên Du, mãi năm 1387 mới về Thăng Long.

        Cuối năm 1389, Chiêm Thành đánh cướp Thanh Hóa, triều đình nhà Trần cử Hồ Quý Ly đem quân đi chống giữ. Hồ Quý Ly thua to, quân tướng chết nhiều, Hồ Quý Ly trốn về. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông phải sai tướng khác là Trần Khát Chân đem quân đi đánh tiếp. Quân Chiêm tiến tới sông Hải Triều, tức sông Luộc ngày nay. Nhờ có hàng tướng Chiêm giúp sức, Trần Khát Chân dùng súng bắn chết vua Chiêm - Chế Bồng Nga. Đại tướng Chiêm là La Ngai trở về Chiêm, tự lập làm vua. Con của Chế Bồng Nga cùng gia đình chạy sang Đại Việt. Vua Trần phong con Chế Bồng Nga là Chế Ma Nô Đà Nan làm Hiệu Chính hầu.

        Năm 1396, Trần Nghệ Tông cho quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được tướng Chiêm là Bố Đông đem về.

        Năm 1397, hai tướng Chiêm là Chế Đa Biệt và em là Mộ Hoa Tử Ca Diệp đem gia đình sang Đại Việt, được nhà Trần thu dùng làm tướng và đổi sang tên họ Việt Nam.

        Đầu năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua lập nhà Hồ. Năm 1401, Hồ Quý Ly lên làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi vua cho con là Hồ Hán Thương.

        Năm 1402, Hồ Hán Thương đem quân đi đánh Chiêm Thành, chiếm giữ một phần đất phía bắc Chiêm Thành.

        Năm 1403, Hồ Hán Thương cho 20 vạn quân thủy bộ đi đánh Chiêm. Quân của nhà Hồ đánh phá Chiêm Thành 9 tháng, vây hãm kinh thành Chà Bàn của Chiêm, nhưng không lấy được, hết lương ăn phải rút về.

        Tới đây quan hệ giữa Đại Việt - Chiêm Thành tạm ngừng vì Đại Việt có xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:58:47 pm »


        III. QUAN HỆ VỚI TRIỀU MINH CỦA NGƯỜI HÁN Ở TRUNG QUỐC

        Ở Trung Quốc, năm 1367, Chu Nguyên Chương lên ngôi vua khởi lập triều Minh. Tháng tư năm Mậu Thân (1368), nhà Minh cho sứ Dịch Tế Dân sang thăm nước ta. Vua Trần cho thị lang Đào Văn Đích sang Trung Quốc đáp lễ.

        Năm 1374, nhà Trần xuống chiếu cho quân dân trong nước không được mặc áo kiểu người phương Bắc, tức không được mặc áo kiểu Trung Quốc và không được bắt chước tiếng nói của các nước Chiêm Thành, Ai Lao.

        Từ năm 1377, nhà Minh mưu đồ đánh chiếm nước ta, hạch sách đủ điều, bắt cống nộp nhiều thứ: nộp người, nộp lương thực, nộp súc vật và nộp một số quan hoạn.

        Năm 1384, nhà Minh đánh Vân Nam, đòi ta cấp lương thực, đưa lên Vân Nam cho chúng. Nhà Trần phải nhận lời. Các quan lại làm việc vận chuyển lương thực lên huyện Thủy Vĩ, giáp Vân Nam, nhiều người chết vì lam chướng.

        Năm 1385, nhà Minh đòi nhà Trần phải nộp 20 nhà sư. Yêu cầu hạch sách của chúng ngày càng tăng.

        Năm 1386, chúng đòi nhà Trần nộp cây giống các loại cây: cau, vải, mít, nhãn. Nhà Trần phải làm theo, cho người mang cây giống sang Trung Quốc. Nhưng cây không chịu được rét, đi nửa đường chết khô cả. Nhà Minh cho người sang đòi ta nộp 50 con voi và mở đường cho quân Minh đi qua vào đánh Chiêm Thành. Nhà Trần phải đặt trạm cấp lương, cỏ suốt từ Nghệ An tới Vân Nam để đưa 50 con voi cho nhà Minh.

        Năm 1395 ở Trung Quốc có cuộc khởi nghĩa của người thiểu số ở miền nam Quảng Tây. Triều đình nhà Minh mang quân đi đánh dẹp, cho người sang đòi ta cấp 5 vạn quân, 50 con voi, 50 vạn hộc lương đưa lên biên giới giáp Quảng Tây. Nhà Trần chỉ cấp một ít lương cho người tải đến Đồng Đăng (Lạng Sơn) rồi trở lại.

        Nhà Minh lại cho sứ sang đòi ta nộp sư, nộp đàn bà và đàn ông đã thiến. Nhà Trần cho một vài người.

        Ở ta, cuối tháng hai năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên làm vua lập nhà Hồ thay nhà Trần. Hồ Quý Ly là người rất yêu nước và rất tự hào về đất nước mình. Khi còn làm quan với nhà Trần, có người Trung Quốc hỏi ông về phong tục nước Nam. Ông làm một bài thơ chữ Hán, trả lời:

        Nguyên văn chứ Hán là:

             Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục

                             Dục vấn An Nam sự
                             An Nam phong tục thuần
                             Y quan Đường chế độ
                             Lễ nhạc Hán quân thần
                             Ngọc ưng khai tân tửu
                             Kim đao nghiễn tế lân
                             Niên niên nhị tam nguyệt
                             Đào lý nhất ban xuân.


        Tạm dịch:

                             Muốn hỏi nước Nam ư
                             Nước Nam phong tục thuần
                             Áo quần như thời Đường
                             Lễ nhạc giống thời Hán
                             Bình ngọc rót rượu mới
                             Dao vàng mổ cá ngon
                             Hàng năm vài ba tháng
                             Đào mận suốt mùa xuân.


        Khi Hồ Quý Ly làm vua, "ông lo làm thế nào có được 100 vạn quân để chống giặc Bắc" (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn ... ). Tuy vậy ông vẫn giữ quan hệ bình thường với nhà Minh. Đầu năm 1401, Hồ Quý Ly cho sứ sang triều Minh. Nhưng Minh hạch sách ngày càng nhiều. Sử cũ ghi rằng: "Bấy giờ sứ nước Minh đi lại liên tiếp ở đường, có người yêu sách, có người trách hỏi. Hán Thương (Hồ Hán Thương là con thứ Hồ Quý Ly) sai người tùy phương cứu giải, vất vả về việc ứng tiếp" (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn ... ). Khi trước, nhà Minh bắt nhà Trần nộp một số đàn ông đã thiến để chúng dùng làm nội quan, tức quan hoạn, phục vụ chúng, nay cho bọn hoạn quan này đi sứ về Việt Nam để bọn chúng có điều kiện thăm hỏi thân thuộc họ hàng và bí mật dặn thân thuộc họ hàng rằng: khi quân Minh sang, thì thân thuộc họ hàng tập hợp lại, dựng cờ làm nội ứng, cờ ghi rõ là thân thuộc của nội quan nào. Việc tiết lộ, thân thuộc những tên nội quan này đều bị Hồ Quý Ly xử tội.

        Năm 1404, nhà Minh ngang ngược cho người sang trách Hồ Quý Ly là đã nhận hai con voi của Chiêm Thành tặng. Hồ Quý Ly cho đem hai con voi sang cho nhà Minh.

        Đáp lại nhà Minh cho một sứ giả sang ta. Tên này ngạo nghễ, hống hách, tác oai, tác quái, đánh đập các quan quân đi đón tiếp, hộ tống. Sứ phải tới Tây Kinh ở Thanh Hóa, vì nhà Hồ đóng đô ở đây. Hành trình từ Thăng Long vào Tây Kinh thường là 12 ngày. Viên sứ này tên là Lý Ỷ đòi phải đi nhanh trong 8 ngày. Khi đến nhà công giám, nơi tiếp sứ, Lý Ỷ đi xem hình thế khắp nơi. Khi hắn trở về Trung Quốc, Hồ Quý Ly thấy một số vấn đề cần giữ bí mật của nước mình có thể bị lộ, cho người đuổi theo giết đi, nhưng đuổi tới Lạng Sơn thì Lý Ỷ đã đi qua biên giới.

        Cũng năm 1404, Hồ Hán Thương cho làm thuyền gỗ đóng đinh sắt cỡ lớn, "trên có đường sàn đi thông được để tiện chiến đấu” (Đại việt sử kỳ toàn thư, bản dịch, tập II, tr.239) dưới có nhiều mái chèo, mỗi mái chèo hai người chèo.

        Năm 1405, nhà Minh cho sứ sang ép nhà Hồ cắt đất Châu Lộc ở Lạng Sơn cho Minh, Hồ Quý Ly cho Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ đi giải quyết vấn đề. Hoàng Hối Khanh cắt đất nhiều quá, đem tất cả 59 thôn ở Cổ Lâu nộp cho Minh, Hồ Quý Ly tức giận, trách mắng Hoàng Hối Khanh và cho người địa phương ngầm đánh thuốc độc giết những quan lại của Minh tới cai trị vùng này.

        Biết thế nào vua quan nhà Minh cũng cho quân sang đánh cướp nước ta, Hồ Hán Thương cho một sứ bộ sang Minh xin giảng hòa. Nhà Minh giam giữ chánh sứ Phạm Canh, chỉ cho phó sứ Lưu Quang Đình về nước.

        Mưu đồ xâm lược của nhà Minh đã rõ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:01:16 am »


       IV- NHÀ HỒ VÀ NHÀ HẬU TRẦN KHÁNG CHIẾN CHỐNG QUÂN MINH XÂM LƯỢC

        Đề phòng giặc xâm lược, năm 1405, nhà Hồ cho đắp thành Đa Bang ở gần Bạch Hạc (Việt Trì), đóng cọc chặn cửa sông Bạch Hạc để ngăn giặc từ phía Tuyên Quang kéo tới, đóng cọc ở cửa biển và những nơi xung yếu trên sông Cái. Hồ Hán Thương đặt bốn kho quân khí, tìm người giỏi nghề làm vũ khí tới làm việc.

        Khoảng cuối năm 1405, Hồ Quý Ly triệu tập một hội nghị gồm các quan tại kinh đô và ngoài các lộ để bàn kế nên đánh giặc hay nên hàng. Ý kiến phân vân, người bàn đánh, kẻ bàn hàng. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng là con cả Hồ Quý Ly, nói thẳng: “Tôi không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có   theo hay không theo mà thôi” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tập II, tr.222.)

        Hồ Quý Ly thấy lời Hồ Nguyên Trừng nói là phải, nhưng không biết nên làm như thế nào.

        Giữa tháng 11 năm l406, nhà Minh cho 80 vạn quân, theo hai đường Quảng Tây và Vân Nam đánh sang. Tháng 12 năm 1406, quân Minh tiến tới Bạch Hạc, đối diện với thành Đa Bang. Một tháng sau, thành Đa Bang thất thủ. Hai ngày sau khi thành Đa Bang thất thủ, giặc tiến vào chiếm đóng Thăng Long. Nhà Hồ thua giặc rất nhanh, vì không dựa vào sức dân, không động viên, tổ chức được nhân dân cùng đánh giặc. Mặc dù vậy, nhân dân vùng Kinh lộ căm thù giặc, đã tự động và tự nguyện xin ra trận đánh giặc. Sử cũ ghi: "Các quân nhân và đinh nam đều đến quân môn tự nguyện gắng sức lập công" (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch đã dẫn, tr.250). Muốn chuyển thua thành thắng, nhưng không thể được nữa, nhà Hồ đã bất lực. Giữa năm 1407 , nhà Hồ sụp đổ. Nhà Hậu Trần tiếp tục kháng chiến và tồn tại hơn 6 năm. Nhà Hậu Trần đã đánh cho giặc Minh khốn đốn nhiều phen. Để hòa hoãn với giặc, năm 1413, vua Trung Quang nhà Hậu Trần cho Nguyễn Biểu đi sứ sang Trung Quốc cầu phong.

        Trước khi lên đường, Nguyễn Biểu mang sản vật địa phương tới Nghệ An gặp tướng giặc là Trương Phụ. Giặc bắt ông quỳ lạy, ông không chịu. Để uy hiếp tinh thần ông, Trương Phụ sai nấu chín một đầu người, mời ông ăn. Ông thản nhiên ăn và ung dung nói: "Đã mấy khi người nước Nam được vinh hạnh ăn đầu ngươi phương Bắc". Ông làm một bài thơ và đọc:  

                 Ngọc thiện, trân tu1 đã đủ mùi
                 Gia hào2 thêm có cỗ đầu người
                 Nem công, chả phượng còn thua béo
                 Thịt gấu, gan lân hẳn kém tươi
                 Ca lối lộc minh3 so cũng một
                 Vật bày thỏ thủ4 bội hơn người
                 Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
                 Tráng sĩ như Phàn5 tiếng để đời.

.        Trương Phụ phục ông là người can đảm, để ông về. Có kẻ hầu cận bảo Trương Phụ rằng: Nguyễn Biểu là hào kiệt nước Nam, không nên để về. Trương Phụ cho đuổi bắt, Nguyễn Biểu mắng Trương Phụ:

        "Trong bụng thì mưu đánh lấy nước, bên ngoài giả làm quân nhân nghĩa, đã hứa lập con cháu nhà Trần, lại đặt quận, huyện, không những chỉ cướp lấy vàng bạc châu báu lại còn giết hại nhân dân. Thực là giặc tàn ngược".

        Trương phụ giết Nguyễn Biểu.

        Cuộc chiến đấu chống quân xâm lược của nhân dân ta vẫn tiếp tục và ngày càng phát triển.

---------------------
        1, 2. Ngọc thiện, trân tu, gia hào: đêu nói về những món ăn ngon, quý.

        3. Ca lối lộc minh: ca hát theo lối đọc thơ vua đãi yến tân khách.

        4. Thỏ thủ: đầu con thỏ

        5. Phàn Khoái là dũng tướng của Hán Cao Tổ - Lưu Bang, có tiếng là ăn khỏe
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:02:31 am »


Chương năm

NGOẠI GIAO THỜI LÊ LỢI - NGUYỄN TRÃI CHỐNG QUÂN MINH ĐÔ HỘ

        Trong quá trình giữ nước của dân tộc, Tổ tiên ta ở các thời đều kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao để đánh thắng giặc. Chiến tranh giải phóng hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Tổ tiên ta đều làm như thế. Thời kỳ chiến tranh đánh đuổi quân Minh đô hộ, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã kiên trì đấu tranh ngoại giao kết hợp đấu tranh quân sự để đánh thắng giặc. Lê Lợi và Nguyễn Trãi chủ trương “Ta mưu dẹp bằng đánh vào lòng, không chiến trận mà địch phải khuất" (Ngã mưu phạt như tâm công, bất chiến tự khuất - Bình Ngô đại cáo).

        Đánh vào lòng địch là một bộ phận của đấu tranh ngoại giao mà Nguyễn Trãi đã dùng với hai hình thức:

             1. Dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân ở các thành.

             2. Đấu tranh hòa đàm, khi thì để hòa hoãn tạm thời với địch, khi thì buộc địch phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.

        Trong quá trình đánh địch, Nguyễn Trãi đảm nhiệm gần như toàn bộ công việc “đánh vào lòng địch". Ông viết gửi cho địch, ngụy hàng trăm bức thư để dụ hàng, để hòa đàm. Ông trực tiếp tới một số thành để khuyên địch ra hàng. Ông năm lần thân vào thành Đông Quan đàm phán với chủ tướng địch.

        Khi có tướng địch đem quân ra hàng, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân tiếp đón, đối xử rất niềm nở, ân cần. Với thái độ, chính sách và tích cực làm công tác binh vận, Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Trong quá trình chiến đấu, đã có hàng vạn tướng sĩ, binh lính địch ra hàng; hàng vạn tướng sĩ, binh lính, quan lại ngụy trở về với dân tộc.

        Cùng với chủ trương dụ hàng, vận động quân địch phản chiến, Nguyễn Trãi kiên trì đấu tranh hòa đàm với địch. Đấu tranh hòa đàm của ông là một hình thức đấu tranh ngoại giao đi liền với đấu tranh quân sự, nhằm chấm dứt chiến tranh, đem lại hòa bình, gây lại giao hảo giữa ta và địch. Nguyễn Trãi và nghĩa quân Lam Sơn đã vận dụng rất linh hoạt, tài giỏi đấu tranh quân sự với đấu tranh hòa đàm. Đàm mà vẫn đánh, đánh mà vẫn đàm. Vừa đánh vừa đàm cho tới khi chiến tranh kết thúc. Đàm tới khi địch không thể đánh được nữa và đánh tới khi địch phải đàm phán, chấp nhận đầu hàng mới thôi.

        Từ năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn phất cờ khởi nghĩa, chiến đấu kiên cường, càng đánh càng mạnh, nhưng vẫn khi được, khi thua, chưa giành được những chiến thắng lớn và những thắng lợi quyết định. Năm 1423, Nguyễn Trãi tới Lam Sơn, bắt đầu vận dụng kế sách đấu tranh - hòa đàm để mở đầu một giai đoạn chiến tranh mới, giai đoạn đánh mạnh vào lòng địch, kết hợp đánh mạnh bằng quân sự và bằng sức mạnh của quần chúng nổi dậy để đánh bại hẳn quân địch.

        Muốn thực hiện kế sách đó, công việc trước tiên là phải đàm phán thương lượng với địch để có một thời gian hòa hoãn, ngừng chiến với địch, tăng cường sức mạnh của mình. Nguyễn Trãi được trao trách nhiệm trực tiếp nghiên cứu, trù liệu việc đàm phán và đàm phán thành công. Ta và địch có một thời gian hòa hoãn, ngừng chiến từ đầu năm 1423 tới mùa xuân năm 1424. Nghĩa quân Lam Sơn có thời gian chuẩn bị điều kiện đánh lâu dài với địch, đi đến càng đánh càng thắng.

        Nhưng việc hòa hoãn không thể kéo dài. Những hoạt động quyên tiền, mộ lính, những cảnh tượng nông dân và những người yêu nước bốn phương tấp nập kéo tới quân doanh Lam Sơn và không khí sôi nổi luyện tập quân sĩ, chuẩn bị lương thực, chế tạo vũ khí, không thể không tới tai mắt quân địch.

        Vốn từ sau khi nghị hòa, các tướng lĩnh hai bên, ta và địch, vẫn thường đi lại, quà cáp cho nhau. Nhưng dần dần, địch thấy rõ nghĩa quân Lam Sơn đương tăng cường lực lượng, nên hòa hoãn được hơn một năm, địch cắt ngoại giao, bắt giam sứ của nghĩa quân, không cho trở về.

        Chiến tranh lại tiếp tục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:03:13 am »


        I. ĐÁNH VÀ ĐÀM, HẠ THÀNH TRÀ LONG

        Xuất phát từ căn cứ địa Chí Linh - Lam Sơn, nghĩa quân quyết định đánh vào phía nam, tức Diễn Châu, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa là những nơi địch có nhiều sơ hở, vì càng xa căn cứ chính của địch ở Đông Quan, Tây Đô, lực lượng địch càng mỏng càng yếu.

        Được tin nghĩa quân đang theo đường núi tiến vào Nghệ An, các tướng giặc cao cấp ở Đông Quan là Trần Trí, Phương Chính... vội đem quân tiến vào theo đường hành quân của nghĩa quân. Tướng giặc ở Nghệ An là Sư Hựu và các tướng ngụy là tri phủ Cầm Bành ở Trà Long, tri phủ Cầm Lạn ở Quỳ Châu được lệnh đem quân phối hợp, đón đánh nghĩa quân.

        Khoảng tháng 12 năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn tới trước thành Trà Long, cho người dụ hàng Cầm Bành. Viên ngụy quan này cố thủ trong thành, cho người đi Nghệ An cầu cứu viện binh. Thấy Cầm Bành cố thủ không hàng, nghĩa quân Lam Sơn một mặt vây thành, một mặt giải phóng vùng đất đai châu Trà Long và chuẩn bị đối phó với viện binh giặc.

        Bấy giờ là đầu năm 1425, Cầm Bành bị vây khốn đã hơn một tháng. Để nhanh chóng cứu nguy cho Cầm Bành, chủ tướng giặc Trần Trí quyết định trả những sứ giả của nghĩa quân mà chúng đã giam giữ từ giữa năm 1424 và cho người của chúng mang thư cầu hòa tới đại bản doanh nghĩa quân Lam Sơn. Các lãnh tụ Lam Sơn chấp nhận nghị hòa của chủ tướng giặc, nhưng buộc chúng phải hạ lệnh cho Cầm Bành ngừng chiến, giao hảo với nghĩa quân thì việc hòa giải mới thành. Các tướng giặc ở Nghệ An vội cho người tới Trà Long hạ lệnh cho Cầm Bành ngừng chiến, không được cố thủ trong thành, phải cùng nghĩa quân hòa giải. Thấy không có viện binh, lại được lệnh ngừng chiến, Cầm Bành tuyệt vọng, mở cửa thành ra hàng.

        Nghĩa quân vào thành, tha tội cho Cầm Bành và mọi người trong thành. Với chiến thắng này, thanh thế nghĩa quân càng lớn mạnh, vang dội khắp miền Nghệ An, Diễn Châu và vùng biên giới giáp Ai Lao. Nhiều hào kiệt trong vùng tới Trà Long xin theo nghĩa quân. Nhân dân và các tù trưởng thiểu số những vùng gần Trà Long đều hoan nghênh, ủng hộ nghĩa quân. Hơn 5.000 trai tráng tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang. Sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn được nâng cao.

        Việc hạ thành Trà Long là một bằng chứng xác nhận sự kết hợp tiến công quân sự với tiến công ngoại giao và địch vận của nghĩa quân là đúng đắn. Việc hạ thành Trà Long còn đem lại cho nghĩa quân Lam Sơn một kinh nghiệm chiến đấu mới: muốn đánh lấy thành địch, không nhất thiết phải tiến công quân sự, phá thành diệt địch, mà có thể vây hãm thành kết hợp với địch vận gọi hàng, hoặc vây hãm thành kết hợp với đấu tranh ngoại giao khiến chỉ huy của địch ở cấp trên phải hạ lệnh cho tướng giữ thành bỏ vũ khí không được chiến đấu, như trường hợp hạ thành Trà Long. Đây là một kinh nghiệm quý có giá trị lớn về chiến lược, nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục vận dụng trong nhiều trường hợp đánh thành sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:03:41 am »


        II. TƯỚNG GIẶC CẦU HÒA, CÁC THÀNH CỦA GIẶC Ở PHÍA NAM ĐẦU HÀNG

        Sau khi đánh thành Trà Long, nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh Nghệ An, và trong vòng 10 tháng giải phóng một nửa nước về phía nam, dồn địch vào các thành Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa, Tân Bình, Thuận Hóa để vây hãm chúng, tạo điều kiện và thời cơ tiến ra giải phóng miền Bắc.

        Tình hình miền Bắc lúc ấy rất thuận lợi cho những cuộc tiến công của nghĩa quân Lam Sơn. Giặc ở Đông Đô đang lúng túng vì quân số giảm nghiêm trọng. Giữa năm 1426, bọn tướng giặc Trần Trí khẩn cấp kêu xin viện binh bên nước chúng.

        Triều đình nhà Minh cho hai đạo viện binh sang cứu nguy cho quân tướng của chúng đang bị khốn ở Đại Việt; một đạo do Vương An Lão chỉ huy tiến sang theo đường Vân Nam, một đạo do Vương Thông chỉ huy tiến sang theo đường Quảng Tây.

        Được tin viện binh giặc sắp sang, các lãnh tụ nghĩa quân quyết định cho quân tiến ngay ra Bắc. Bấy giờ là mùa thu năm 1426. Đại bộ phận lực lượng giặc ở nước ta vẫn còn trong thành Nghệ An. Các lãnh tụ nghĩa quân chủ trương phần lớn nghĩa quân vẫn làm nhiệm vụ khống chế giặc trong thành Nghệ An, bước đầu chỉ cho hơn một vạn quân ra Bắc làm một số nhiệm vụ cần thiết.

        Lần đầu tiên ra Bắc, lực lượng nghĩa quân không nhiều, nhưng tinh nhuệ, chia làm ba cánh quân tiến theo ba hướng.

        Khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1426, cả ba cánh quân lần lượt xuất phát.

        Ra Bắc, ba cánh quân Lam Sơn đi tới đâu cũng được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, sôi nổi hưởng ứng. Khí thế tiến công của nghĩa quân rất mạnh, chính quyền giặc ở các phủ, huyện, châu không đánh mà tan. Quân giặc đóng trong các thành đều bị cô lập. Nhân dân nhiều địa phương tổ chức dân binh để hợp lực với nghĩa quân vây bức các thành giặc.

        Nghĩa quân Lam Sơn cùng nhân dân miền Bắc liên tiếp đánh thắng giặc tại các trận Cần Ninh, Cần Trạm, đánh tan viện binh Vương An Lão tại trận Cần Đồng Dọc, phá vỡ cuộc phản công của Vương Thông - chủ tướng mới của giặc, tiếp đó đánh tan đại quân Vương Thông tại trận Tốt Động - Chúc Động (Hà Tây), buộc chủ tướng giặc Vương Thông phải chạy vào thành Đông Quan cố thủ.

        Trận Tốt Động - Chúc Động vừa kết thúc thì ngày 10 tháng 11 năm 1426 đại quân Lam Sơn từ Nghệ An ra tới Đông Quan. Ngày 22 tháng 11, đại quân Lam Sơn mở cuộc tiến công lớn, quét sạch những căn cứ của giặc ở bên ngoài thành Đông Quan. Giặc trong thành Đông Quan vô cùng bối rối: không liên hệ được với quân của chúng ở các thành khác, không điều động được quân ở các thành về cứu nguy cho chúng, cũng không liên hệ, cầu viện được với bên nước chúng, bản thân chúng thì bị vây hãm ngày càng khốn quẫn. Thế của giặc lúc này là cái thế: đánh cũng chết, không đánh ngồi chờ viện binh cũng chết. Để thoát chết, chỉ còn một con đường duy nhất là đầu hàng. Do đó, tổng binh giặc Vương Thông phải chủ động thương lượng cầu hòa với nghĩa quân.

        Các lãnh tụ Lam Sơn không ngạc nhiên trước việc nghị hòa của giặc, nhưng đặt điều kiện cho giặc trước khi nghị hòa. Thay mặt các lãnh tụ Lam Sơn, Nguyễn Trãi viết thư trả lời Vương Thông, chỉ nhận nghị hòa với điều kiện Vương Thông hạ lệnh cho quân giặc ở các nơi phải trao lại thành cho nghĩa quân, rút về Đông Quan chờ ngày về nước và Vương Thông phải cho người cùng sứ của ta sang triều đình Minh giao hảo. Có như thế, nghĩa quân Lam Sơn mới nới vòng vây để cho quân Minh ở Đông Quan có thể đi lại ra khỏi thành và mới chấp nhận việc thương lượng hòa hảo, trao trả tù, hàng binh, ấn định ngày cho chúng về nước.

        Không thể không chấp nhận những điều kiện của nghĩa quân đưa ra, Vương Thông bắt buộc phải cho người đưa giấy đi các thành Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa, hạ lệnh đình chiến và rút quân về Đông Đô. Về phía ta, Nguyễn Trãi cũng nhân việc Vương Thông nghị hòa, gửi thư đi dụ hàng các thành khác của giặc.

        Vốn đã mất tinh thần chiến đấu, lại thấy cái thế không thể cầm cự được nữa, nên khi nhận được lệnh của Vương Thông và thư dụ hàng của Nguyễn Trãi là quân giặc ở các thành Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa vội mở cửa ra hàng, trao lại thành trì cho nghĩa quân và chuẩn bị lên đường ra Đông Quan theo sự hướng dẫn của nghĩa quân.

        Với tinh thần cảnh giác, nghĩa quân Lam Sơn không cho hàng binh ở các thành và tù binh bắt được từ trước về ngay thành Đông Quan để tránh tập trung một lực lượng lớn quân giặc ở nơi trọng yếu này, khiến chúng không thể có mưu đồ phản trắc. Nghĩa quân giữ và kiểm soát chặt chẽ các tù hàng binh ở lại tại chỗ. Các lãnh tụ nghĩa quân có tinh thần cảnh giác cao và lường trước những sự tráo trở của đối phương có thể xảy ra; bởi lẽ họ biết rằng việc thương lượng hòa bình với bọn cướp nước để kết thúc chiến tranh không thể với mấy lời hứa hẹn đầu lưỡi của chúng mà thành, dù là vấn đề tự chúng đưa ra, tự chúng yêu cầu được thương lượng. Chỉ khi nào ý chí xâm lược và mơ tưởng chiến thắng cuối cùng của chúng hoàn toàn tiêu tan thì hòa bình mới có thể có được, và khi ấy việc thương lượng mới có thể tiến hành có kết quả.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:04:35 am »


        III. GIẶC BỘI PHẢN NGHỊ HÒA, TA HẠ THÊM BỐN THÀNH CỦA GIẶC

        Như các lãnh tụ nghĩa quân đã lường trước, bọn Vương Thông quả thật có ý muốn bội phản những lời ước hẹn khi cầu hòa. Chúng muốn nhân việc đưa sứ giả của nghĩa quân sang nhà Minh để cho người về nước xin viện binh nhanh chóng sang cứu và tăng cường lực lượng cho chúng tiếp tục chiến tranh xâm lược Đại Việt.

        Đầu năm 1427, vua Minh quyết định cử một đạo viện binh lớn sang Việt Nam do Liễu Thăng chỉ huy. Tin đó làm bừng lên trong đầu Vương Thông một tia hy vọng được cứu sống, có thể tiếp tục chiến tranh và chiến thắng trên chiến trường Việt Nam. Do đó Vương Thông bội phản nghị hòa, cho quân phá chuông Qui Điền và vạc Phổ Minh là hai công trình nghệ thuật của dân tộc ta thời xưa, để lấy đồng làm súng đạn. Giặc đắp cao thành Đông Quan, đào hào sâu, thả chông, dựng thêm hai lần lũy. Lời nghị hòa của giặc tới đây coi như xóa bỏ.

        Để cho giặc thấy rõ quyết tâm tiêu diệt viện binh - niềm hy vọng cuối cùng của giặc, các lãnh tụ Lam Sơn phái thêm quân vây đánh tất cả các thành mà quân Minh chốt giữ trên con đường từ Đông Quan lên biên giới Quảng Tây và từ Đông Quan lên biên giới Vân Nam.

        Để tăng cường uy hiếp giặc ở Đông Quan, các lãnh tụ Lam Sơn cho quân vây chặt bốn cửa thành. Người ngựa của giặc lảng vảng ra ngoài thành đều bị nghĩa quân bắt giữ, tất cả tới trên 3.000 quân và 500 ngựa bị bắt.

        Đầu tháng 2 năm 1427, các tướng Trần Lựu, Lê Bôi mở trận tiến công thật mạnh vào thành Khâu Ôn. Tướng giặc giữ thành Khâu Ôn là Tôn Tụ ngay đêm hôm ấy bỏ thành chạy trốn về Quảng Tây. Quân ta lấy lại thành Khâu Ôn.

        Tin thành Khâu Ôn thất thủ truyền đi làm cho quân Minh ở các thành khác trên con đường Đông Quan - Quảng Tây hoang mang lo sợ.

        Nhân cơ hội này, Nguyễn Trãi viết thư dụ hàng các thành, trước hết là thành Điêu Diêu ở gần Đông Quan, do tướng giặc Trương Lân và tướng ngụy Trần Vân chỉ huy. Thành này đang bị tướng Bùi Quốc Hưng và nghĩa quân vây đánh. Trong thư gửi cho tướng giặc Trương Lân, có đoạn Nguyễn Trãi viết:

        “Hiện nay vệ quân các xứ Thanh Hóa, Diễn Châu đều đã nhất tề đền đây rồi, phàm vợ con tài sản của quân nhân, mảy may không bị xâm phạm. Nay cái kế tốt cho các người không gì bằng ra ở ngoài thành, cùng Thái đốc quân (Thái đốc quân hay Thái đô đốc là chỉ Thái Phúc tướng giặc chỉ huy thành Nghệ An, đã ra hàng nghĩa quân Lam Sơn) quyết định việc về để cứu vớt mấy nghìn tính mệnh ở trong thành. Chúng ta đã xét những việc đắc thất của cổ nhân như Bạch Khởi (Bạch Khởi là tướng nước Tần thời Chiến quốc, cầm quân đánh nước Triệu, 40 vạn quân Triệu ra hàng đều bị Bạch Khởi giết chết) nước Tần, Hạng Vũ (Hạng Vũ nước Sở đem quân đánh nước Tần; Tần Vương là Tử Anh ra hàng, Hạng Vũ giết chết) nước Sở, giết kẻ đầu hàng, trái lời đã ước, chúng ta quyết không làm như thế đâu. Các người hãy cứ thư lòng, đừng nên ngờ vực mà thành hỏng việc. Các người nếu cho là thành cao hào sâu, lương thực lại nhiều, thì thử xem như ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ, Diễn, thành không phải là không cao, hào không phải là không sâu, lương thực không phải là không nhiều, quân không phải là không mạnh, lại Thái đô đốc thì chức cũng to, binh cũng giỏi, trí cũng sáng, mà còn theo thời thông biến để bảo toàn tính mệnh cho mấy vạn con người, thế mà các người lại còn muốn cố chấp những lời bàn suông để mang tai vạ thật, há chẳng lầm lắm ư? Vả lại ta xem ở nước các người, hiện nay bên trong có họa tiên tường (Tiên tường là bức bình phong trong nhà quý tộc. Ở đây, ý nói trong nhà, trong nội bộ.), bên ngoài có giặc bắc biên (Bắc biên là biên giới phía bắc. Ở đây chỉ người Mông Cổ đánh phá ở miền bắc Trung Quốc.), mà đại thần lấn vị, người dưới chuyên quyền; hạn hán hoàng trùng, luôn năm tai họa, bốn phương đạo tặc nổi dậy như cái cơ táng loạn, há không biết trước rồi sao? Người trí giả thấy việc từ lúc việc chưa phát, sao các ngươi lại thấy sự cơ muộn thế, mà muốn tự khổ như thế? Các người nếu biết kéo quân ra thành, cùng ta hòa hảo thân tình, tình ta coi các người nghĩa như anh em ruột thịt, nào chỉ những bảo toàn tính mệnh vợ con mà thôi đâu? Nếu không thế, tùy ý các người. Trong khoảng sớm tối, sẽ khắc thấy nhau. Đến lúc bấy giờ hối cũng không kịp. Các người hãy nên nghĩ đi".

        Bức thư dụ hàng tướng ngụy thành này, lời lẽ không giống như viết cho tướng Minh. ông viết:

        "Người xưa có nói: "Quạ đi lại về quê cũ, cáo chết quay đầu về núi”. Cầm thú còn thế, huống nữa là người. Các người vốn là người dân Tây Việt (Tây Việt là tên nhóm người Bách Việt ở phía nam Quảng Tây thời cổ. Ở đây, Tây Việt chỉ nước ta), dòng dõi nhà quan. Trước nhân họ Hồ thất đức, giặc Ngô lăng loàn, các người có người thì thân bị hãm ở tặc đình (Tặc đình là triều đình giặc, tức triều đình nhà Minh), có người thì danh bị buộc ở ngụy chức, đó là thế không đứng được, nào phải do ở bản tâm đâu. Đấng Thượng đế nghĩ thương dân ta, đã mượn tay ta, Đại Thiên hành hóa, Thái sư Vệ Quốc Công (Chỉ Lê Lợi - thư viết nhân danh Lê Lợi), cứu dân đáng kể có tội để khôi phục cơ đồ. Quân đi đến đâu, nghĩa thanh vang dậy, dân chúng bốn phương, dắt díu nhau mà kéo đến theo ta. Bọn các người nếu biết rửa lòng đổi dạ, bỏ nghịch theo thuận, hoặc ở làm nội ứng, hoặc ra để đầu hàng, thì không những rửu mối hổ thẹn ngày trước, mà cũng được phần soi xét về sau. Ta không nói lời rồi lại ăn lời. Nếu các người lại còn tiếc tham ngụy chức, chống cự Vương sư, thì khi hãm thành, tội ác các người  tất nặng hơn giặc Ngô đấy".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:04:59 am »


        Những thư trên đều cùng mục đích dụ hàng. Nhưng viết cho tướng Minh ông viết khác, viết cho tướng ngụy ông viết khác. Khác về cách viết, khác về lời văn, khác về cách phân tích các lẽ phải trái, được thua. Với tướng Minh, ông cho chúng thấy cái mạnh, cái sức sống trường tồn và cái lẽ tất thắng của dân tộc ta; đồng thời ông vạch rõ cái thế yếu, thế thua của giặc và cái thế không thể đương nổi của chính bản thân kẻ nhận thư đó. Với tướng ngụy, ông viết khác. ông nhấn mạnh vào tình quê hương Tổ quốc, vào cái thế không thể xa lìa được quê cha đất tổ: "Cáo chết còn quay đầu về núi” huống nữa con người. Ông tỏ niềm thông cảm với bọn ngụy quân, ngụy quyền, phải làm tay sai cho giặc là vì bất đắc dĩ, thế không thể đừng, chứ không phải do bản tâm muốn thế. ông cũng nêu rõ cái sức mạnh như vũ bão của nhân dân cả nước đang vùng lên để cứu nước cứu nhà; chúng cũng là dân một nước, không thể ôm mãi cái ngụy chức của giặc, chống lại chính nghĩa, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân cả nước. Những bức thư ấy, cách viết khác nhau mà những điều cơ bản lại rất giống nhau. Giống nhau ở chỗ thư nào cũng sáng ngời chính nghĩa của dân tộc và tràn đầy tình yêu nước nồng nàn của người viết. Từ trong thư toát lên một tinh thần tự hào dân tộc rất cao đẹp, một khí thế chiến đấu kiên cường để bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc, một sức mạnh hùng biện áp đảo địch, một tấm lòng nhân ái tuyệt vời, thu phục lòng người, lôi cuốn người đi theo lẽ phải, theo chính nghĩa. Thư nào ông cũng mở ra những lối thoát cho địch: ông nêu rõ chính sách khoan hồng, không giết kẻ đầu hàng và thái độ đối xử tử tế, ân cần của quân dân ta đối với tù hàng binh, kể cả địch lẫn ngụy. Thư của Nguyễn Trãi viết có sức mạnh đánh vào lòng người chính là ở những điểm cơ bản đó.

        Trước những bức thư dụ hàng, chính nghĩa sáng ngời, tình lý rạch ròi, ân uy đầy đủ như vậy, tướng nhà Minh là Trương Lân và tướng ngụy là Trần Vân, chỉ huy thành Điêu Diêu đem quân ra hàng, dâng thành cho ta.

        Đầu tháng 3 năm 1427, tướng giặc Đường Bảo Trinh ở Thị Cầu cũng mở cửa thành, đem quân ra hàng.

        Sau khi hạ ba thành trên đường lên Quảng Tây, cuối tháng 3 năm 1427, Nguyễn Trãi thân lên dụ hàng thành Tam Giang trên đường lên Vân Nam. Thành này do tướng Trịnh Khả vây hãm. Nguyễn Trãi đưa thư cho Lưu Thanh, tướng địch chỉ huy thành Tam Giang. Bức thư không viết với lời lẽ mềm mỏng, ngọt ngào, mà là một bức tối hậu thư gửi cho địch, lời lẽ rất quyết liệt:

            "Thư bảo cho tướng hiệu quan viên cùng quân nhân trong thành Tam Giang biết.

        Cái điều đáng quý ở người quân tử là biết thời thông biến, lượng sức xử mình. Bây giờ giá có người đem quả trúng chim chống đỡ núi Thái Sơn, lấy càng bọ ngựa ngăn cản bánh xe, mà lại tự cho là sức có thừa, thì thật là ngu quá vậy! Lũ ngươi có vài trăm quân, giữ thành trơ trọi mà lại muốn kháng cự với ta, thì có khác gì thế không? Thành trì của các người không cao sâu bằng ở Nghệ An, lương thực của các ngươi không súc tích bằng ở Diễn, An; mà quân vũ dũng cảm tử của các ngươi lại không đông bằng quân nhân ở Diễn, Nghệ, quan tước của các ngươi lại không to bằng Thái đô đốc. Thêm mà vệ quân ở các xứ Diễn, Nghệ, Thuận Hóa, Tân Bình, Thanh Hóa, Tiền Vệ (Tiền Vệ tức thành Điêu Diêu), Thị Cầu, Xương Giang, Trấn Giang (Trấn Giang tức ải Chi Lăng), đều đã mở thành ra hàng. Nay thấy dưới cây bồ đề (Cây bồ đề ở đây chi đại bản doanh Bồ Đề của nghĩa quân.), Thái đô đốc đã đinh nhật kỳ kéo quân về Kinh (Tức Kinh đô nhà Minh). Phàm quan quân cùng vợ con, tài sản không bị xâm phạm mảy may. Thế mà các người chỉ cứ theo sự giữ lầm, không biết lo xa, sao mà thấy biết sự cơ muộn thế! Tất cả những tướng sĩ của ta, không ai là không hăm hở muốn vác khí giới lên phá thành ngay. Nhưng ta còn nghĩ thương những kẻ vô tội ở trong thành đã bị các người lừa dối, một khi tiếng trống nổi lên, thì ngọc đá chẳng phân biệt gì, đều tan nát cả. Vậy viết mấy chữ gửi các ngươi hay”.

        Nhận được thư dụ hàng của Nguyễn Trãi, tướng giặc Lưu Thành lập tức mở cửa thành Tam Giang (Tam Giang là miền Việt Trì ngày nay) đem quân ra hàng.

        Đối với thành Đông Quan là nơi bọn chủ tướng giặc Vương Thông và đại bộ phận quân giặc đồn trú, các lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn chủ trương vây hãm và dụ hàng là chính. Các lãnh tụ nghĩa quân tin tưởng rằng chủ trương vây hãm và dụ hàng giặc ở thành Đông Quan nhất định sẽ thành công. Sự thành công ấy vừa không làm tổn hại nhiều xương máu quân sĩ, vừa gây lại được quan hệ hòa bình lâu dài giữa ta và nước láng giềng. Do đó các lãnh tụ nghĩa quân kiên trì chủ trương "vây thành diệt viện" - vây chặt giặc ở Đông Quan và đánh tiêu diệt các quân cứu viện của chúng.

        Về phía giặc ở Đông Quan, chúng cũng biết rõ cái thế thua của chúng, nhưng vẫn hy vọng viện bình sang cứu, cho nên chỉ khi nào viện binh bị tiêu diệt thì chúng mới chịu hàng.

        Nguyễn Trãi viết thư cho tướng giặc Vương Thông, khẳng định:

        “Viện binh đến, thế tất phải thua, viện binh thua, bọn các ông tất bị bắt".

        Và nghĩa quân Lam Sơn sẽ làm đúng như thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 12:07:02 am »


        IV. VỪA ĐÁNH VỪA ĐÀM, PHÁ TAN 15 VẠN VIỆN BINH ĐỊCH

        Để cắt đứt mọi liên lạc có thể có được giữa viện binh địch với quân đội của chúng trên các chiến trường Đại Việt, nghĩa quân Lam Sơn đã triệt hạ các thành mà quân Minh chiếm giữ trên hai con đường từ Đông Quan lên Lê Hoa phía Vân Nam và từ Đông Quan lên Pha Lũy (ải Nam Quan sau này) phía Quảng Tây. Duy còn thành Xương Giang (Bắc Giang) giặc chiếm giữ, nằm giữa con đường từ Đông Quan lên Pha Lũy là chưa hạ xong.

        Nguyễn Trãi viết cho tướng giặc ở thành Xương Giang một bức thư khuyên chúng nên hàng. Thư có đoạn:

            “Ta vâng theo mệnh trời, lấy đại nghĩa dẹp giặc. Nghĩ cơ đồ tổ tông nghiêng ngửa, thương dân chúng lầm than, đánh thành, lấy đất, không giết một người. Cho nên đánh đông dẹp tây, tới đâu thắng đấy. Thành Xương Giang nhỏ mọn dám trái mệnh, nên căm thù tiến đánh, nghĩa phải thế, việc không thể đừng. Nhưng, đem núi Thái Sơn đè lên quả trứng, "lực" không chịu nổi chốc lát, lấy lửa hồng thiêu đốt sợi lông, “thế” khó đương trong khoảnh khắc. Vả lại "dĩ thuận thảo nghịch, hà hoạn bất tòng, dĩ cường công nhược, hà ưu bất khắc" (lấy thuận đánh nghịch, lo gì không theo; lấy mạnh đánh yếu lo gì không thắng). Vậy mà còn một mực lấy lời khuyên dụ, chính vì coi mạng người trong thành làm trọng, không nỡ để thương vong...

        Bọn các ngươi, nếu trên biết thiên thời, dưới hiểu nhân sự, thì sẽ giữ được lộc vị đến vô cùng, tránh cho cả một thành khỏi bị chém giết. Các người được tiếng là người tướng tri thức mà ta không mất tiếng là người tướng nhân nghĩa. Nếu như các người cứ mê muội không hiểu gì, thì đến ngày thành bị hạ, ngọc đá không phân biệt nữa, đó không phải vì ta bạo ngược mà chính là vì các người tự làm nên tội. Giờ là lúc còn mất nguy cấp vậy. Nên suy tính kỹ, đừng để sau phải hối".

        Nhưng quân Minh ở đây ngoan cố chưa chịu hàng, chúng muốn chờ viện binh tới cứu. Nguyễn Trãi viếtthư dụ hàng lần nữa. Các lãnh tụ nghĩa quân cho Thái Phúc cùng mấy hàng tướng khác hai ba lần tới chân thành Xương Giang khuyên gọi giặc ra hàng. Quân Minh vẫn muốn chờ viện binh tới cứu.

        Các tướng Trần Nguyên Hãn, Lê Sát đang vây thành được lệnh tiến công. Thành bị hạ. Toàn bộ tướng giặc phải tự tử. Phần lớn quân Minh bị bắt sống. Chiến thắng thật giòn giã.

        Không nhận thư lui quân, chủ tướng giặc Liễu Thăng tan xác.

        Viện binh của quân Minh chia làm hai đạo, do những tướng giỏi bậc nhất của chúng cầm đầu, theo hai đường tiến sang Đại Việt. Một đạo gồm năm vạn quân và một vạn ngựa do tướng Mộc Thạnh làm tổng binh và hai tướng Từ Hanh, Đàm Trung làm tả hữu phó tổng binh, theo đường Vân Nam tiến sang. Một đạo gồm 10 vạn quân, 2 vạn ngựa do tướng Liễu Thăng làm tổng binh, tướng Lương Minh là phó tổng binh, đô đốc Thôi Tụ làm hữu tham tướng và hai thượng thư làm tham tán quân vụ là Binh bộ thượng thư Lý Khánh và Công bộ thượng thư Hoàng Phúc. Khoảng đầu tháng 10 năm 1427, hai đạo viện binh của giặc tới gần biên giới Đại Việt.

        Biết đạo quân Liễu Thăng sẽ vượt biên giới sang trước, nghĩa quân Lam Sơn chuẩn bị đánh đạo quân này. Khi 10 vạn quân của Liễu Thăng đánh vào cửa ải Pha Lũy, tướng nghĩa quân Lam Sơn trấn giữ Pha Lũy là Trần Lựu theo kế hoạch vừa chiến đấu vừa lui dần về Chi Lăng. Khi rút, Trần Lựu gửi cho Liễu Thăng một bức thư của Nguyễn Trãi. Thư viết:

            "Ta nghe nói: vương giả chi sư, hữu chinh vô chiến; nhân nghĩa chi cử, vụ tại an dân (quân của vương giả dẹp mà không đánh, làm việc nhân nghĩa cốt để yên dân)...

            Nay nghe đại nhân thốt nhiên tới biên cảnh. Vừa sợ vừa mừng. Đó là binh cứu viện chăng? Hay là binh tới để dựng lại nước đã diệt, nối lại dòng đã tuyệt chăng? Đã hơn hai mươi năm, binh họa liên miên. Quân lính Trung Quốc mười phần không còn một. Dân nước tôi cũng chết uổng nhiều. Được không bù lại mất. Thu vào chẳng bõ những cái mất đi. Nói tới những điều đó chắc các ông không thích nghe ...

            ... Nay các ông không nghĩ tới điều đó, đem quân trơ trọi đi sâu vào đất người, cầu mong lập công. Ta cho rằng các ông không thể làm nên chuyện gì. Vả nọc ong còn có độc, huống chi người cả nước ta, há lại không ai có mưu chí dũng lược sao. Các ông chớ thấy ta ít người mà coi thường. Đến lúc ấy, lòng thành của nước ta đối với nước lớn thật là thiếu, mà các ông thì hối không kịp...”

        Liễu Thăng xem thư, tức khí, hăm hở cho quân theo đường Chi Lăng thẳng tiến.

        Chi Lăng là một quan ải xung yếu nhất trên con đường từ Pha Lũy tới Đông Quan và đã là mồ chôn quân cướp nước ở nhiều thời đại trước. Với địa thế hiểm trở, ải Chi Lăng rất thuận lợi cho việc đặt mai phục của quân ta. Một vạn quân của các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lĩnh, Đinh Liệt, Lê Thụ mai phục sẵn để chờ Liễu Thăng đến.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM