Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:18:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước  (Đọc 22145 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:39:08 pm »

           
        III. ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO KẾT HỢP ĐẤU TRANH QUÂN SỰ ĐỂ ĐÁNH THẮNG XÂM LƯỢC

        Bọn vua chúa, tướng lĩnh Nguyên tuy cuồng chiến, tàn bạo, nhưng vẫn phải thận trọng trước sức mạnh và ý chí kiên cường của quân dân ta. Khi được lệnh xuất phát, chủ tướng Nguyên cho ngay sứ sang ta dọa dẫm để thăm dò thái độ. Sứ Nguyên đem thư sang đòi vua Trần phải chở quân lương sang Chiêm Thành cho quân Nguyên, và khi Trấn Nam vương Thoát Hoan đưa quân tới gần biên giới nước ta thì ta phải lên đón. Nhưng hắn đã không được đáp lại như ý muốn.

        Mới đi tới Hồ Nam, tức là còn rất xa biên giới nước ta, quân Nguyên đã được tin triều đình nhà Trần cho quân lên tăng cường phòng thủ biên giới, chứ không phải vua Trần lên biên giới để chờ đón chúng. Cũng vào lúc đó, sứ bộ nhà Nguyên sang Đại Việt trở về tới Hồ Nam, có một sứ bộ của nhà Trần đi cùng. Sứ ta sang Nguyên đưa thư của vua Trần gửi tướng Nguyên, trả lời dứt khoát rằng từ nước ta tới Chiêm Thành, đường thủy, đường bộ đều không thuận tiện cho việc vận chuyển lương thực.

        Dùng ngoại giao đe dọa không có kết quả, giặt chuyển sang dò xét công cuộc chuẩn bị kháng chiến của ta. Chưa đi khỏi tỉnh Hồ Nam, chủ tướng Nguyên Thoát Hoan lại nhận được thư của vua Trần. Giặc nhiều lần đưa thư sang nói chúng đem quân xuống biên giới không phải để đánh ta, nay ta đưa thư báo chúng là ta đem quân lên biên giới cũng không phải để đánh chúng, mà vì sắp đến kỳ nộp cống vào tháng 10 tới (tức tháng 11 năm 1284) nên sửa soạn trước, “đinh lực”, có nghĩa là sửa soạn trước lực lượng để phục vụ việc cống nạp đó. Trong thư, vua Trần còn nhắt là khi nào Trấn Nam vương đem quân tới biên giới thì báo cho ta biết.

        Chủ trương, phương sách đấu tranh ngoại giao của nhà Trần vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, không từ chối mà là từ chối. Giặc biết ta điều quân chuẩn bị đánh chúng, mà phải chịu, không trách cứ vào đâu được. Chủ tướng giặc đành cho người đem thư đáp lại không dám nói gì đến những hoạt động của quân ta ở biên giới mà chỉ nhắc lại yêu sách cũ: mở đường cho chúng đi, chuẩn bị lương thực và đón tiếp Thoát Hoan.

        Ta không trả lời. Quân Nguyên xuống tới châu Tư Minh, gần biên giới nước ta, Thoát Hoan lại gửi thư cho vua Trần, chúng vẫn muốn dùng ngoại giao để lừa dối nhân dân ta. Triều đình nhà Trần một mặt sơ tán ra khỏi kinh thành, chuẩn bị chiến đấu, một mặt cho sứ đưa thư trả lời Thoát Hoan. Lần này vua Trần dứt khoát đòi chúng rút quân, phải làm theo chiếu văn của vua tháng năm 1261 là: “Đã cấm biên tướng không được đem quân xâm phạm bờ cõi nước khanh, làm rối loan nhân dân nước khanh”.

        Sứ bộ ta gặp bọn Thoát Hoan khi chúng đã vượt biên giới tiến sang. Nhưng tất cả các đường vào đều có quân ta chặn giũ. Quân Nguyên phải cho người đi theo sứ ta cầm thư sang nói: “Sở dĩ tiến quân thật vì Chiêm Thành, không phải vì An Nam” để yêu cầu ta lui quân, mở đường cho chúng tiến vào.

        Thấy mọi ngả đường đều có quân ta án ngữ, sứ Nguyên hoảng sợ, quay trở lại, không dám sang. Thấy quân ta bố trí phòng thủ nghiêm ngặt, tướng Nguyên không dám hành động liều lĩnh. Chúng đưa thư sang ta, yêu cầu thu quân, mở đường cho chúng đi vào nghênh tiếp chủ tướng Thoát Hoan của chúng. Thư đưa tới, bên ta không trả lời. Thoát Hoan lại đích thân hạ lệnh đưa thư sang ta lần nữa. Ta cũng không trả lời.

        Hai lần đưa thư dụ ta thu quân không được, địch dốc toàn lực tiến công. Kế hoạch của quân ta lúc này là chưa đánh lớn, chỉ dùng đoản binh giao chiến với giặc đến một chừng mực nào đó rồi rút đi. Vì vậy giặc vẫn tiến được, nhưng bị thiệt hại nhiều. Khi tới Vạn Kiếp, chủ tướng giặc viết thư trách triều đình nhà Trần để cho Hưng Đạo Vương đem quân chống lại, bắn quân chúng bị thương. Nếu thương vong, tổn thất không nhiều, thì chúng không phải kêu la, viết thư trách móc như vậy! Quân ta đã thực hiện tốt kế hoạch vừa lui quân vừa đánh tiêu hao, tiêu diệt, khiến quân Nguyên càng tiến sâu vào nội địa nước ta, lực lượng chúng càng hao mòn, sức chiến đấu chúng càng giảm sút.

        Tại gần nơi giặc đóng quân, ta cho rải "truyền đơn" phản đối hành động xâm lược của chúng, chủ yếu là nói với Thoát Hoan, đại ý là: "Chiếu trước nói rằng: lệnh riêng cho quân không vào nước người, thế mà nay lấy cớ Chiêm Thành phản phúc, phái đại quân tới nước ta, tàn hại trăm họ. Đó là việc làm sai lầm của thái tử, không phải nước ta sai lầm. Không nên làm khác với chiếu trước. Hãy rút đại quân về”. (Nguyên sử. q.209: An Nam truyện).
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:51:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:40:01 pm »


        Chủ tướng giặc vội gửi thư sang ta, vừa phân trần, vừa trách móc, vừa dụ dỗ, vừa đe dọa. Chúng trách vua Trần: “Triều đình điều binh đánh Chiêm Thành, nhiều lần gửi thư bảo mở đường, chuẩn bị lương thực, không ngờ cố ý trái mệnh triều đình, để cho Hưng Đạo Vương đem binh nghênh chiến, bắn bị thương quân ta" (Nguyên sử. q.209: An Nam truyện). Rồi chúng lại dụ dỗ những điều cũ là lui quân, mở đường, đón tiếp chúng. Cuối thư chúng dọa: "Nếu không, đại quân sẽ đóng lại ở An Nam, mở phủ”(Nguyên sử. q.209: An Nam truyện). Mở phủ là mở phủ đô hộ, là thống trị nước ta, vì vậy bên ta không thèm trả lời.

        Giữa tháng 2 năm 1285, giặc tiến tới gần kinh thành Thăng Long. Vua Trần cho tướng Đỗ Khắc Chung đi sứ sang trại giặc giả tiếng cầu hòa, để tìm hiểu tình hình giặc. Đỗ Khắc Chung sang trại giặc mới gặp tướng giặc là Ô Mã Nhi, còn chưa gặp Thoát Hoan. Khi Đỗ Khắc Chung đã về rồi, Ô Mã Nhi tiếc không bắt giữ Đỗ Khắc Chung, nên cho quân đuổi theo, nhưng không kịp.

        Ngay sau đó vua Trần cho sứ mang thư cho Thoát Hoan, yêu cầu rút quân về nước. Tướng giặc đưa thư đáp lại trách vua Trần cự chiến. Không chờ ta trả lời chúng cho quân tiến công. Nhưng vua Trần đã cho quân rút lui. Trước khi rút, vua Trần lại cho sứ sang đòi quân Nguyên rút về nước. Trong suốt quá trình chiến tranh, triều đình nhà Trần luôn luôn cho sứ sang bên giặc vạch rõ việc chúng đưa quân xâm lược nước ta là phi nghĩa, đòi chúng phải rút quân về. Việc không ngớt vạch tội phi nghĩa của giặc chắc chắn đã tác động nhiều đến tinh thần toàn quân giặc, làm giảm sút ý chí chiến đấu vì mục đích xâm lược của chúng.

        Nhận được thư của vua Trần từ Thăng Long gửi tới chủ tướng giặc đáp lại bằng một bức thư chiêu dụ rồi điều quân tới Thăng Long. Khi vào thành, chúng đâm hoảng sợ. Kinh thành Thăng Long hoàn toàn trống rỗng, không một bóng người, không một đấu lương. Chúng chỉ nhặt được "Mấy tờ chiếu cáo, điệp văn của Trung thử (tức của triều đình nhà Nguyên) bị xé bỏ”(Nguyên sử, q.209.) mà vua Trần đã cho vứt lại để giặc thấy rằng ta coi khinh những chiếu sắc, điệp văn của vua chúa nhà Nguyên, mọi thư từ lệnh chỉ của kẻ xâm lược đối với ta đều không có giá trị. Vua Trần cũng để lại cho giặc nhặt được "một số giấy tờ do các biên tướng nam bắc báo tin tức quan quan quân và tình hình cự địch”(Nguyên sử, q.209.), để giặc thấy quyết tâm đánh giặc giữ nước của quân và dân ở khắp nước ta. Ngoài những giấy tờ trên, giặc thấy chỗ nào cũng treo bảng hiệu triệu nhân dân liều chết đánh giặc. Các tướng giặc không thể không chột dạ. Chúng thấy rõ quyết tâm kháng chiến của quân dân ta, nhưng không hiểu tại sao ta bỏ kinh thành, một việc làm ít thấy khi chúng đi xâm lược các nước khác: quốc đô bao giờ cũng được các nước bị xâm lược cố thủ đến cùng. Tướng nhà Nguyên đã đưa quân vào thành Thăng Long, nhưng không yên tâm đóng quân trong thành, sợ bị quân ta đánh úp. Giặc lại rút hết ra khỏi kinh thành, không phải để đóng ở bên ngoài thành, mà vượt sông Hồng, sang hẳn bên bờ bắc, tức bên phía Gia Lâm.

        Giặc dò biết vua Trần đưa đại quân xuống Thiên Trường (Nam Hà), Trường Yên (Nình Bình ngày nay), chúng dồn toàn quân đuổi theo. Để bảo đảm cho quân ta ở Thiên Trường, Trường Yên rút đi nơi khác an toàn, vua Trần dùng mưu cầu hòa để giặc ngừng tiến quân, tạm thời hoãn chiến. Thi hành mưu kế đó, vua Trần cho sứ sang bên quân Nguyên gặp Thoát Hoan để cầu hòa. Thoát Hoan bắt giữ sứ của ta ý muốn uy hiếp ta, ép ta phải thật sự cầu hòa. Hắn cũng cho sứ vào Thiên Trường dụ vua Trần, nếu cầu hòa thì vua Trần phải thân sang bên quân Nguyên để cùng bàn định. Tất nhiên là vua Trần không nghe.

        Trong thời gian sứ hai bên đi lại về việc cầu hòa, những cuộc giao tranh giữa hai bên không có, quân ta ở Thiên Trường lặng lẽ rút cả ra biển. Chỉ còn một bộ phận nhỏ cùng vua Trần ở lại Thiên Trường để tiếp sứ Nguyên. Khi sứ Nguyên đi khỏi thì bộ phận cuối cùng này cũng rút hết. Toàn bộ đạo quân của vua Trần ở Thiên Trường, Trường Yên rút lui không gặp trở ngại gì, khi giặc biết thì việc đã rồi. Giặc phải nhận là vua Trần đã "cử quốc hàng hải"(Diêu toại: Mục am tập (sách thời Nguyên).), đưa cả nước đi ra biển. Điều đó chứng tỏ đạo quân của vua Trần ở Thiên Trường, Trường Yên là một đạo quân lớn và đã rút lui ra biển an toàn.

        Tháng 7 năm 1285, cuộc chiến tranh xâm lược thứ hai của giặc Nguyên chấm dứt. Quân dân ta đại thắng. Quân giặc đại bại, số quân Nguyên bị giam giữ làm tù binh ở Đại Việt có tới hàng vạn người, đương chờ đợi được giải thoát. Muốn giải thoát cho họ, muốn đem được họ về, triều đình Nguyên phải điều đình, thương lượng với triều đình Đại Việt, không có cách nào khác. Bạo chúa Hốt Tất Liệt phải chủ động cho sứ sang Đại Việt về việc này. Cuối tháng 10 năm 1285, sứ Nguyên lên đường sang Đại Việt.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:50:57 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:40:21 pm »


        Về phía ta, triều đình nhà Trần cũng không gây khó khăn gì trong việc trao trả tù binh cho địch, vì số tù binh nhiều quá. Việc điều đình thương lượng của địch, dù có xuất phát từ thực ý cầu hòa, từ thiện chí giao hảo, hay là không thì ta cũng sẵn sàng tha chết cho tù binh địch, thả chúng về nước. Cơm gạo đâu mà nuôi hàng vạn tù binh và nuôi để làm gì? Cho nên xuất phát từ tinh thần nhân nghĩa của dân tộc và căn cứ trên thực tế đó, tháng 2 năm 1286, chấp nhận yêu cầu của triều đình Nguyên, triều đình nhà Trần hạ lệnh tha cho tù binh về nưóc.

        Trong khi triều đình nhà Trần thả tù binh Nguyên cho chúng về nước thì trái lại, triều đình Nguyên tích cực chuẩn bị xâm lược nước ta một lần nữa.

        Nhà Nguyên cấp tốc tổ chức một đạo quân xâm lược và Hốt Tất Liệt lại gửi chiếu thư cho quan lại và nhân dân Đại Việt, ra sức đả kích vua Trần để có cớ lập một triều đình bù nhìn làm tay sai cho chúng. Trong khi giặc ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta thì giữa năm 1286 một sứ bộ của ta sang Nguyên bị triều đình Nguyên bắt giữ. Nhưng, bọn bành trướng chưa thể ra quân được ngay, nên chỉ giữ sứ ta được một tháng thì phải thả ra, và Hốt Tất Liệt lại cho sứ sang Đại Việt, không ngoài mục đích thăm dò thái độ của ta và hăm dọa ta về ngoại giao. Ta sẵn sàng tiếp nhận sứ giặc về mặt ngoại giao, nhưng lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng đánh trả giặc, nếu chúng đưa quân sang xâm lược.

        Khi sứ Nguyên về nước, nhà Trần cũng cho một đoàn sứ sang Nguyên. Trước đó sứ ta sang nhà Nguyên đã có những người bị giữ lại, đoàn sứ lần này đi cũng rất có thể bị giặc bắt giữ, nhưng triều đình nhà Trần không ngần ngại, vẫn bình thản trong quan hệ ngoại giao, không bắt giữ sứ giặc, cũng không sợ giặc bắt giữ sứ mình, và đoàn sứ của ta vẫn dũng cảm lên đường, đáp lại việc giặc cho sứ sang ta.

        Thật ra giữa ta và nhà Nguyên không còn gì để đàm phán ngoại giao. Từ giữa năm 1287, đạo quân xâm lược của chung đã tổ chức xong.

        Tháng 10 năm 1287, quân Nguyên lên đường tiến hành xâm lược nước ta lần thứ ba.

        Giặc vừa ra quân thì đoàn sứ của ta sang tới kinh đô nhà Nguyên, bị giặc bắt giữ. Trong nửa cuối tháng 12 năm 1287, 50 vạn quân Nguyên từ nhiều ngả lần lượt tiến vào nước Đại Việt . Ngày cuối cùng năm âm lịch Thoát Hoan đưa quân vào thành Thăng Long, nhưng thành trống rỗng. Ngày hôm sau là mồng một Tết Nguyên đán, giặc không dám ở trong thành, phải rút hết quân ra ngoài thành, dốc toàn lực đánh xuống phía nam, cố đẩy lùi quân ta ra xa và kiếm lương ăn. Vì quân lương của giặc chưa tới. Cũng những ngày cuối năm giáp Tết Nguyên đán, toàn bộ quân lương của giặc đi đường thủy bị quân ta đánh tan. Đoàn quân giặc tải lương, mất lương thua trận đã phải bỏ chạy về nước. Một số quân Nguyên tải lương bị ta bắt, được vua Trần thả cho về doanh trại quân Nguyên để báo cho Thoát Hoan biết là đã mất hết quân lương. Đạo quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy ngày mồng một Tết hộc tốc hành quân từ Thăng Long xuống Thiên Trường, rồi lại vội vã từ Thiên Trường quay trở lại và ngày mồng bốn Tết chúng về tới Thăng Long. Về tới Thăng Long, Thoát Hoan được tin đoàn thuyền quân lương đã bị đánh tan ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Tin này do những lính Nguyên bị bắt ở Vân Đồn được ta thả ra về báo. Thoát Hoan nửa tin nửa ngờ, vô cùng hoảng sợ vì lương ăn đã cạn. Do đấy, ngay ngày mồng bốn Tết, Thoát Hoan dồn quân đi kiếm lương ăn, vào cả miền núi để cướp lương. Nhưng nhân dân ta thực hiện vườn không nhà trống triệt để, giặc không lùng sục, vơ vét được gì.

        Lương đã cạn, giặc không còn tâm trí nào nghĩ đến đánh nhau, không dám chủ động tiến công, phải dốc sức đi tìm lương, nhưng tìm không ra, đi cướp không được, thuyền lương không còn, hậu cần tại chỗ không có, đường tiếp tế từ Trung Quốc sang không lập được, không còn trông mong vào đâu để có lương ăn cho khoảng nửa triệu quân. Rõ ràng đã đến lúc giặc không thể tiếp tục chiến tranh và không thể ở lâu trên chiến trường Đại Việt. Nếu cứ đóng quân ở Thăng Long thì nguy hiểm, quân đội Đại Việt không cần đánh, chỉ vây hãm Thăng Long một thời gian ngắn là quân giặc trong thành tất phải ra hàng. Do vậy, bọn Thoát Hoan phải vội vã quyết định rút hết quân lên Vạn Kiếp.

        Tới Vạn Kiếp, giặc vẫn lúng túng: ở lại cũng dở, mà về cũng dở. Ở lại thì không còn sức đánh, hết lương ăn. Nhưng về thì không lẽ bỏ lại đoàn thủy quân của Ô Mã Nhi đang nóng lòng chờ đón đoàn thuyền lương, mà hắn không hề biết là đoàn thuyền này đã bị quân ta đánh tan từ hàng tháng trước rồi.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:50:46 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:40:41 pm »

    
        Lúng túng như thế nên bọn Thoát Hoan chưa rời khỏi Vạn Kiếp được. Mà càng ở lại Vạn Kiếp ngày nào, chúng càng hoang mang, thất vọng, lúng túng thêm ngày ấy. Quân ta không để cho chúng yên. Không mấy đêm là quân ta không tới đánh chúng. Giặc hoảng sợ, đêm đêm phải vào hết trong trại, không dám cùng quân ta giao chiến, chỉ ban ngày mới dám kéo nhau ra khỏi trại. Trong khi đó, để nắm vững tình hình giặc là chuẩn bị tốt kế hoạch phản công của ta, vua Trần cho Hưng Ninh vương Trần Tung là anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nhiều lần sang trại giặc, mượn tiếng là để trao đổi việc nghị hòa với giặc. Lần nào Trần Tung cũng nói là vua Trần sẽ tới trại giặc để giao hảo. Đương lúc hoang mang lo sợ, thấy ta đến bàn hòa, giặc mừng rỡ, sửa sang doanh trại để chờ đón vua Trần. Nhưng chờ đón đến bao giờ? Dần dần chúng cũng tự hiểu ra rằng việc bàn hòa với ta là không thể có được. Chúng càng mất tinh thần và ngày càng kiệt sức. Ta không bàn hòa, quân cảm tử của ta vẫn đêm đêm tiến vây doanh trại giặc mà giặc thì ngày càng thiếu ăn.

        Quân Nguyên sang Đại Việt mới ba tháng, chưa được việc gì mà quân chết, tướng mệt rất nhiều, nếu còn nấn ná ở lại Đại Việt thì sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn, kẻ chết trận, người chết đói, không có phương kế nào tự cứu được nữa. Chủ tướng Thoát Hoan và các tướng Nguyên phải tìm đường chạy trốn về nước. Chúng chia quân đi theo hai đường. Một đạo đi đường bộ chạy lên phía biên giới Lạng Sơn, có chủ tướng Thoát Hoan và các tướng lĩnh cao cấp đi cùng. Đạo đi đường thủy gồm chừng 500 - 600 thuyền chiến lớn, do hai tên tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng của ta đã nắm chắc tình hình giặc, thấy trước cái thế của giặc nhất định phải chạy trốn và biết trước những con đường và ngày giờ từng toán giặc phải qua. Cho nên giặc chạy trốn đường nào cũng không an toàn, đường nào cũng có đại quân ta chặn đánh truy kích. Bằng trận Bạch Đằng nổi tiếng trong lịch sử quân ta đại phá toàn bộ thủy quân giặc.

        Trên đường bộ lên biên giới, hơn 30 vạn quân ta truy kích rất quyết liệt đạo bộ binh của giặc. Thoát Hoan và đám tàn quân phải tìm đường tắt để chạy ra khỏi biên giới. Nhưng chạy đường nào, chúng cũng bị quân ta truy kích, đánh giết. Giặc liều chết, vừa đánh vừa chạy. Từ các sườn núi, quân ta bắn tên độc xuống như mưa. Giặc chết rất nhiều. Trận Bạch Đằng đã tiêu diệt toàn bộ thủy quân giặc. Trận biên giới bồi thêm cho chúng một đòn "trời giáng", quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Đại bại tướng Thoát Hoan đem tàn quân chạy về tới triều đình Nguyên bị Hốt Tất Liệt trừng phạt về tội thua trận.

        Hoàng tử Trấn Nam vương Thoát Hoan, với tước "Trấn Nam" hai lần lĩnh ấn "chinh Nam" đem quân sang xâm lược Đại Việt, nhưng "Trấn Nam", "chinh Nam" đều thất bại và kết quả lần này là Thoát Hoan bị đày đi Dương Châu đến hết đời, không còn được gặp bố là Hốt Tất Liệt (Nguyên sử, q.117: Thiếp Mộc Nhi Bất Hoa truyện.). Cho con đi giết người, cướp nước không được thì cũng từ bỏ con, không muốn nhìn thấy mặt con nữa. Thật là nhẫn tâm, một thứ nhẫn tâm của những kẻ bành trướng mù quáng, cuồng chiến, lấy việc giết người phiếm đất làm lẽ sống. Tình nghĩa cha con, tình cảm dân tộc, tất cả đều vô nghĩa trước những tham vọng điên cuồng của những tên bạo chúa.

        Ba lần đưa quân đi cướp nước người và cả ba lần đều bị nước người đánh cho tả tơi, tan tác, mảnh giáp chẳng còn thì kẻ xâm lược nào cũng phải chùn bước nản lòng, phải một thời gian dài không dám đeo đuổi ý đồ đánh cướp nước người nữa. Chiến thắng của quân dân ta đời Trần đã vang dội ở nhiều khu vực châu Á và vang dội sang tận miền Tây Á, Trung Đông. Một nhà sử học Ba Tư ở thế kỷ XIII là Rasit-út-din làm sách Tập sử biên niên, ghi chép lịch sử đế quốc Mông Thát, bao gồm cả đế quốc Nguyên Mông, có đoạn viết về việc nước ta đánh thắng quân Thoát Hoan trong cuộc chiến tranh lần thứ ba như sau:

        "Nước đó có vua của họ. Do không thần phục hãn Thoát Hoan . . . Một lần Thoát Hoan đem quân vào nước đó đánh chiếm các thành thị ven biển, thống trị được một tuần lễ. Bỗng nhiên từ biển, từ rừng, từ núi, xuất hiện những đạo quân nước đó đánh tan đạo quân Thoát Hoan đương mải cướp bóc. Thoát Hoan trốn thoát, chạy về Lu-kin-phú” (Rasit-ut-din: Tập sử biên niên, Bản tiếng Nga, t.II, M.1960).

        Chiến thắng của quân dân ta ở thế kỷ thứ XIII, ba lần đánh bại quân Nguyên xâm lược, thật lẫy lừng, vĩ đại là một trong những võ công hiển hách bậc nhất của dân tộc ta.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:52:15 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:41:26 pm »

       
        IV. NGOẠI GIAO SAU KHI ĐẠI THẮNG


        Sau khi kết thúc chiến tranh, công việc đối ngoại đầu tiên của ta là việc xử lý tù binh. Số quân giặc bị ta bắt tới hàng vạn tên. Chính sách của ta đối với tù binh, ở thời Trần cũng như các thời khác là rất nhân đạo, không giết, không hành hạ ngược đãi, trừ một số tướng giặc hiếu chiến, hung ác, tàn bạo, có nhiều nợ máu với nhân dân ta mà bị bắt sống tại trận thì phải nghiêm trị. Do đấy, sau chiến tranh, công việc đối ngoại đầu tiên của nhà Trần là trả bớt tù binh Nguyên về nước.

        Nhưng trả tù binh phải có người nhận, trả như thế nào, trả nhiều hay ít, trả ở đâu, trả làm bao nhiêu lần? Những việc đó không thể không đàm phán với bên giặc, nếu không đàm phán thì cũng phải báo để họ tiếp nhận tù binh trao trả.

        Từ tình hình đó, triều đình nhà Trần quyết định chủ động cho sứ sang Nguyên, vừa để báo cho họ biết việc ta trả tù binh, vừa thăm dò thái độ và động tĩnh của bên chúng, xem sau khi tàn quân giặc chạy về nước liệu chúng có khả năng mở một cuộc hành quân xâm lược thứ tư nữa không.

        Một sứ bộ của ta được lệnh lên đường sang Nguyên, mang biểu văn của vua Trần gửi Hốt Tất Liệt. Biểu văn gồm hai phần chính. Phần thứ nhất nghiêm khắc phê phán những hành động xâm lược, những việc làm sai trái của bọn vua chúa nhà Nguyên và kể tội bọn tướng giặc gian ác, đặc biệt là tội trạng tàn bạo của tên tướng giặc Ô Mã Nhi hiện đương ở trong tay ta. Vạch tội phi nghĩa của quân cướp nước, nêu cao chính nghĩa của dân tộc ta là một nguyên tắc ngoại giao bất di bất dịch của thời Trần. Dù trước chiến tranh, trong chiến tranh hay sau chiến tranh. Nhà Trần lúc nào cũng nhấn mạnh nguyên tắc ngoại giao đó. Nội dung chủ yếu của phần thứ nhất trong biểu văn như sau:

        "Năm Chí nguyên thứ 21 (đầu năm 1285) bình chương A Lý Hải Nha tham công biên giới (tức là hiếu chiến nơi biên giới - N.L.B), làm trái thánh chiếu khiến sinh linh nước tôi phải lầm than. Sau khi đại quân về rồi, tôi chắc tình thật bị che giấu, miệng lưỡi gièm pha vu báo, nên sai thông thị đại phu Nguyễn Nghĩa Toàn, hiệp trung đại phu Nguyễn Đức Vinh, hữu vũ đại phu Đoàn Hải Khung, trung đại phu Nguyễn Văn Ngạn đem phương vật sang biếu và nghị hòa, nghĩ rằng sẽ được chấp nhận, nào ngờ họ đều không được trở về.

        Mùa đông năm Chí nguyên thứ 24 (cuối năm 1287) lại thấy đại quân thủy bộ tiến sang, thiêu hủy chùa miếu trong nước, khai quật phần mộ tổ tiên, cướp giết dân chúng già trẻ, phá phách sản nghiệp trăm họ, không từ một sự tàn ác nào không làm... Tham chính Ô Mã Nhi nói với người trong nước truyền đến tai tôi rằng: "Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời; ngươi chạy xuống đất, ta theo xuống đất, ngươi lẩn lên núi, ta theo lên núi; ngươi lặn xuống nước, ta theo xuống nước". Mọi điều nhục mạ nói chẳng tiếc lời. Tham chính Ô Mã Nhi lại tự đem binh thuyền đi ra biển, bắt hết nhân dân ven biển lớn thì giết, bé thì cướp đi, làm đủ mọi cách treo trói mổ cắt, đầu vứt một nơi mình quẳng một nẻo. Trăm họ bị bức đến chỗ chết..." (Từ Minh Thiện: Thiên Nam hành ký. Từ Minh Thiện làm quan triều Nguyên, sang sứ Việt Nam năm 1288).

        Vua Trần nhấn mạnh trong biểu văn những tội ác của bọn Ô Mã Nhi, không ngần ngại cho tên bạo chúa biết rằng rất có thể bọn Ô Mã Nhi bị ta trị tội.

        Phần thứ hai trong biểu văn là báo cho nhà Nguyên biết rằng ta sẽ cho người đưa trao trả chúng một số tù binh, trong đó có một tên đại vương là Tích Lệ Cơ, một tước lớn của hoàng tộc nhà Nguyên:

       “Thấy dân chúng giải đến một người là Tích Lệ Cơ đại vương, tự xưng là bậc quý thích của đại nước. . . Nước tôi thủy thổ độc, biên chướng nhiều. Tôi ngại rằng đại vương ở lại lâu dễ sinh bệnh tật. . . Tôi đã sắm sửa đủ lễ vật đi đường, cho người lên biên giới đưa đại vương về nước. . . Ngoài ra đại quân còn rớt lại hơn một nghìn người, tôi đã ra lệnh cho về nước hết. Sau này, nếu còn thấy người nào, tôi sẽ cho về nốt...”
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:52:59 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:42:23 pm »

    
        Sự thật thì số tù binh còn lớn hơn thế nhiều, nhưng ta trả dần. Về Tích Lệ Cơ, tuy là đại vương, nhưng không quan trọng, ta biết rõ. Hắn là thân thích của Hốt Tất Liệt nhưng chống lại Hốt Tất Liệt, nên bị tên bạo chúa bắt phải đi trận "tòng quân chuộc tội”! Chính vì thế mà ta cho tên tù binh này về trước, mặc dầu là tước đại vương.

        Cuối biểu văn, vua Trần nói thẳng:

       “Nước tôi vừa gặp binh lửa mà nay thì khí trời đương nóng nực, khó có ngay được cống vật và sứ thần. Đợi đền mùa đông mới có người đi được".

        Biểu văn ngoại giao thật là cứng rắn, rạch ròi, dứt khoát mặc dầu đối phương cậy thế nước lớn.

        Sau khi sứ bộ cầm biểu văn đã lên đường sang Nguyên, vua Trần lại cho một sứ bộ thứ hai đưa Tích Lệ Cơ đại vương cùng hơn một nghìn tù binh sang trả cho nhà Nguyên. Như biểu văn của vua Trần đã nói rõ: cả hai sứ bộ của ta đều không đem theo cống vật, quà cáp gì biếu xén nhà Nguyên.

        Về phía Nguyên, bị bại trận, Hốt Tất Liệt vẫn hằn học, hậm hực. Giữa tháng 7 năm 1288, Hốt Tất Liệt hạ lệnh cho các tướng Nguyên chỉ huy quân người Hán luyện tập thủy chiến, chuẩn bị chiến tranh. Nhưng đầu tháng 8 năm 1288, tù binh Nguyên do sứ Việt Nam đưa sang trả đã tới nơi. Hốt Tất Liệt đành tạm ngừng việc tổ chức chiến tranh để giải quyết vấn đề tù binh. Số tù binh này có tới hàng chục vạn người mà Đại Việt chỉ mới trả hơn một nghìn, bọn vua chúa Nguyên không thể ngoảnh mặt đi, bỏ mặc họ. Vì tù binh khác với hàng binh, tù binh rất có thể bị đối phương tùy ý trị tội. Bọn vua chúa Nguyên không thể không "cứu” họ. Mà muốn “cứư” họ thì phải điều đình thương lượng với triều đình Đại Việt. Hốt Tất Liệt buộc lòng phải cử một đoàn sứ giả sang nước ta để lo liệu việc này. Dẫn đầu đoàn sứ giả này là bọn Lưu Đình Trực, Lý Tư Diễn.

        Giữa tháng 12 năm 1288, đoàn sứ Nguyên lên đường. Hốt Tất Liệt phải để nhưng sứ giả của ta mà hắn giữ lại từ mấy năm trước như Nguyễn Nghĩa Toàn, Nguyễn Đức Vinh, tất cả 24 người, cùng đi với bọn sứ Nguyên trở về Đại Việt. Hai mươi bốn người là chỉ kể các chánh phó sứ, không kể toàn đoàn.

        Sứ Nguyên đem tờ chiếu của Hốt Tất Liệt gửi vua Trần. Mục đích của sứ Nguyên sang ta và nội dung tờ chiếu của Hốt Tất Liệt là yêu cầu ta trả nốt số tù binh còn lại cho nhà Nguyên. Nhưng với thói quen hống hách nước lớn, Hốt Tất Liệt vẫn nói giọng trịch thượng, lấy quyền người trên ra lệnh cho kẻ dưới và lại tiếp tục những thủ đoạn ngoại giao cũ. Chúng trở lại lối vừa dụ dỗ, vừa hăm dọa như chúng đã từng làm từ mấy chục năm trước, hòng ép buộc dân tộc ta phải chịu cúi mình dưới quyền bá chủ của nhà Nguyên... Nhưng hung hăng đánh phá bằng gươm giáo còn không ép buộc được nhân dân ta làm những điều đó, thì miệng lưỡi và giấy tờ ngoại giao của chúng ép buộc sao nổi!

        Mở đầu chiếu thư của Hốt Tất Liệt có đoạn viết:

       "Ngươi thử nghĩ nếu cứ sống lén lút trên núi dưới biển, ngày nào cũng lo sợ quan quân kéo đến thì sao bằng vào khuyết đình chịu mệnh để hưởng sung sướng. Trong hai chước đó, chước nào hay hơn, chước nào dở ? …

        Nếu ngươi sửa soạn đồ đạc sang ngay, sáng rõ nghĩa làm tôi, thì trẫm sẽ tha hết mọi tội lỗi trước, phục hồi các tước phong cũ. Nếu còn chần chừ không quyết thì hãy sửa sang thành quách, rèn luyện giáp binh, tùy ý ngươi muốn làm gì thì làm để chờ trẫm ra quân " (Thiên Nam hành ký).

        Nhưng dọa dẫm chỉ là để đi đến một yêu cầu khẩn thiết về vấn đề tù binh:

        “Ngươi hãy đem bọn quan quân Ô Mã Nhi bạt đô trả về, như thế mới tỏ rõ được lòng trung thuận… Nếu bọn ấy cần phải xét xử như thế nào, trẫm sẽ xét xử đâu vào đấy. Ngươi phải cho đưa họ về tất cả” (Thiên Nam hành ký).

        Hốt Tất Liệt sợ ta không trả hết tù binh, nhất là sợ ta làm tội những tên tướng hung ác như bọn Ô Mã Nhi, bởi Hốt Tất Liệt đã thấy rõ thái độ của ta trong bài biểu gửi cho hắn.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:53:42 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:42:46 pm »

    
        Nhưng dọa dẫm, hống hách đều vô ích. Vấn đề tù binh là vấn đề do ta giải quyết. Đối với tù binh, chính sách của ta ở tất cả các thời là rất nhân đạo, thường trả chúng về nước. Riêng đối với những tên tướng giặc hung ác có nhiều nợ máu với nhân dân ta, mà bị bắt tại trận thì không thể không trị tội. Bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp ở trong số những tên tội phạm chiến tranh đó. Phàn Tiếp bị thương nặng, đã chết sau khi bị bắt. Ô Mã Nhi còn sống thì phải xử lý theo tội trạng của nó. Ngày 21 tháng 3 năm 1289, đoàn sứ Nguyên là Lưu Đình Trực, Lý Trí Diễn... tới Thăng Long thì Ô Mã Nhi đã phải đền tội từ mấy ngày trước đó. Ta trao cho sứ Nguyên hơn tám nghìn tù binh để chúng đưa về nước. Khi sứ Nguyên ra về, vua Trần lại cử một đoàn sứ ta sang Nguyên đem thư của vua Trần trả lời vua Nguyên chủ yếu về việc giải quyết vấn đề tù binh, còn việc sang chầu cố nhiên bị bác bỏ.

        Từ sau khi sứ Nguyên sang ta đầu năm 1289 để nhận tù binh Nguyên, suốt trong 3 năm 1289, 1290, 1291 nhà Nguyên không cử một sứ bộ nào sang Đại Việt. Cuộc bang giao giữa hai nước tạm dừng. Đột nhiên, đầu năm 1292, Hốt Tất Liệt cho một sứ bộ sang ta. Người cầm đầu sứ bộ Nguyên là Trương Lập Đạo, trước đây đã hai lần sang sứ Việt Nam vào các năm 1267, 1271. Khoảng giữa tháng 4 năm 1292, bọn sứ Trương Lập Đạo tới Thăng Long, đem chiếu thư của Hốt Tất Liệt gửi vua Trần. Nội dung chiếu thư cũng vẫn là dọa dẫm, dụ dỗ vua Trần sang chầu. Vua Trần vẫn cương quyết bác bỏ những yêu sách trịch thượng nước lớn của bọn vua chúa nhà Nguyên. Sứ Nguyên sang Đại Việt, từ xưa tới bây giờ không phải tự do lúc nào muốn gặp vua quan nhà Trần cũng được, vua Trần có muốn tiếp thì sứ mới được gặp. Còn không thì sứ ở sứ quán, muốn yêu cầu gì, muốn nói gì với nhà vua, sứ Nguyên phải viết ra giấy, nhờ quan tiếp sứ đệ trình vào triều. Nhà vua cũng cho trả lời bằng giấy tờ. Thành ra sứ Nguyên ở ngay kinh thành Thăng Long mà sự tiếp xúc với triều đình Đại Việt cũng rất hạn chế, cách bức. Bọn sứ Nguyên bực tức mà không làm gì được. Cách thức tiếp sứ như thế cũng làm xẹp đi thái độ hống hách trịch thượng của các sứ Nguyên.

        Bọn sứ Trương Lập Đạo qua cung cách đón tiếp như thế, biết rằng những chiếu thư của Hốt Tất Liệt chẳng có tác dụng và ý nghĩa gì đối với triều đình nhà Trần. Trương Lập Đạo đã có lúc phải viết thư gửi vua Trần, nói rõ sự khó hiểu của hắn trước thái độ cứng cỏi của dân tộc ta đối với thế lực bành trướng lớn mạnh của nhà Nguyên thời ấy. Trong thư có đoạn Trương Lập Đạo viết:

       “Phía bắc đến khỏi Am Sơn, vốn là nơi Thánh triều dựng nghiệp, phía nam ra quá Viêm Hải, hết thảy vua các nước đều xưng thần. Tù trưởng các vùng Hồi Hột (Uy-gua), Tây Vực qua bãi Lưu Sa mà tới cống; quốc chúa các nước Cao Ly, Đông Di vượt biển Doanh Hải để vào chầu. Vua các nước Khiết Đan, Tây Hạ, Nữ Chân vì trái với trời mà nước bị diệt. Chúa các nước Côn Ngô, Thổ Phồn, Bách Thất, bởi theo mệnh mà được kết hôn. Các vua Vân Nam, Kim Sỉ, Bồ Chân đưa con trai vào triều làm con tin. Các miền Đại Hạ, Trung Nguyên và nhà Vong Tống, hết thảy đều làm tôi mọi. Nay nước Nam là nước nhỏ, ngoài mặt thì thần phục mà trong lòng không lay chuyển. . .” (An Nam chí lược, q.3)

        Trương Lập Đạo đã nói đúng một sự thật lịch sử là: dân tộc Việt Nam không sợ giặc ngoài uy hiếp quân sự, càng không sợ giặc ngoài đe dọa ngoại giao. Một văn thần của triều đình nhà Trần thường làm việc tiếp sứ là Đinh Củng Viên, có lần nghe sứ Nguyên Trương Lập Đạo ca ngợi, "lòng nhân" của thiên tử nhà Nguyên, thấy chướng tai, đã bảo thẳng Trương Lập Đạo rằng: "Thiên tử có ý tốt như thế thì đừng gây việc binh đao có hơn không" (An Nam chí lược, q.3). Sứ Nguyên cứng họng.

        Nhưng nhiệm vụ chính của bọn Trương Lập Đạo sang nước ta không phải là để đòi vua Trần vào chầu, vì vua chúa Nguyên thừa biết rằng một vài lời đe dọa suông về ngoại giao không có ý nghĩa gì. Việc chính mà vua chúa Nguyên yêu cầu triều đình nhà Trần lúc này là ngăn chặn không cho nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa ở vùng biên giới Việt Nam đánh sang đất Nguyên. Việc đó không viết trong chiếu thư vì mất thể diện hoàng đế thiên triều. Sứ Nguyên phải nói miệng hoặc đưa thư yêu cầu của tướng Nguyên là Lưu Quốc Kiệt. Nhưng ý đồ của chúng không thành. Vua Trần từ chối là không biết và không dự vào việc này. Bọn Trương Lập Đạo đành trở về mà không được việc gì.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:54:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:43:09 pm »

    
        Phong trào Hoàng Thắng Hứa là một phong trào khởi nghĩa lớn của người Tày ở vùng biên giới Cao Bằng có mục đích cứu giúp người Choang (tức người Tày ở Quảng Tây) nên thường xuyên tiến sang đánh bọn quan tướng nhà Nguyên ở vùng Ung Châu. Phong trào nổi lên từ năm 1291, có hàng vạn nghĩa quân tham gia. Hốt Tất Liệt cho một tướng hung hãn là Lưu Quốc Kiệt đem quân đi chống giữ. Nghĩa quân Hoàng Thắng hứa tiến công Ung Châu, lúc đánh chỗ này, khi đánh chỗ khác, và khi quân Nguyên chống cự mạnh thì lại rút về bên kia biên giới. Quân Nguyên không đám vượt biên giới đuổi theo, vì như vậy là gây chiến tranh với nước ta. Lưu Quốc Kiệt đành phải rút quân về. Nhưng quân Nguyên rút thì nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa lại xuất hiện trên đất Quảng Tây. Bọn Lưu Quốc Kiệt đối phó rất lúng túng. Trong năm 1292, Lưu Quốc Kiệt ba lần đưa thư sang triều đình nhà Trần trách ta về những hoạt động của nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa và yêu cầu ta bắt Hoàng Thắng Hứa giao cho chúng. Nhà Trần không trả lời, nên mới có việc Trương Lập Đạo sang sứ nước ta.

        Khi sứ Nguyên - Trương Lập Đạo trở về, triều đình nhà Trần cho hai quan văn là Nguyễn Đại Phạp, Hà Duy Nham đi sứ sang Nguyên, không có việc gì quan trọng ngoài việc tìm hiểu thực trạng bên Nguyên.

        Ngoại giao nước ta đối với nhà Nguyên lúc này là ngoại giao của người chiến thắng, đứng trên thế mạnh để giải quyết mọi mối quan hệ với đối phương. Sứ ta ra ngoài vốn dĩ đường hoàng, cứng cỏi, lịch lãm, nay tư thế lại càng ung dung, chững chạc hơn nữa. Nguyễn Đại Phạp sang sứ được người Nguyên rất trân trọng và gọi một cách tôn phục là "Lão lệnh công". Khi đi qua Ngạc Châu, Nguyễn Đại Phạp vào thăm hỏi bọn quan bình chương - tức bọn quan lại đứng đầu tỉnh Hồ Quảng, đóng tại Ngạc Châu. Trần Ích Tắc, tên hoàng thân nhà Trần đầu hàng quân Nguyên được Hốt Tất Liệt trao cho chức bình chương "bù nhìn", có chức không có quyền, cũng có mặt ở đây. Nguyễn Đại Phạp chào hỏi mọi người, nhưng không chào hỏi Trần Ích Tắc, tỏ rõ sự khinh bỉ đối với hắn. Trần Ích Tắc tức quá, hỏi:

        "Ông có phải là thư nhi nhà Chiêu Đạo vương không?” (Chiêu Đạo vương là Trần Quang Xưởng, anh cùng mẹ của Trần Ích Tắc). Nguyễn Đại Phạp đáp lại: "Thế sự thay đổi, Đại Phạp này trước là thư nhi nhà Chiêu Đạo vương, nay là sứ giả, còn như bình chương thì xưa là con vua, trái lại nay là kẻ hàng giặc" (Đại Việt sứ ký toàn thư, bản kỷ. q5). Sử ta ghi: "Ích Tắc hổ thẹn. Từ đấy về sau có sứ nước ta sang, Ích Tắc không dám ngồi ở thánh đường nữa” (Đại Việt sứ ký toàn thư, bản kỷ. q5). Thái độ và cử chỉ của sứ giả Nguyễn Đại Phạp thật đường hoàng bọn vua quan nhà Nguyên không dám phàn nàn chê trách gì.

        Khoảng giữa năm 1292, sứ Nguyên và sứ ta cùng tới Bắc Kinh. Thấy bọn Trương Lập Đạo đi sứ không được việc gì, Hốt Tất Liệt vội cho một đoàn sứ khác lại sang Việt Nam. Chánh sứ là Lương Tằng đã đi sứ sang Đại Việt năm 1280. Phó sứ là Trần Cương Trung. Không hiểu sao bọn sứ này phải đem theo một nghìn quân đi hộ vệ. Có lẽ chúng sợ những điều bất trắc xảy ra trên dọc đường qua Ung Châu là vùng có nghĩa quân Hoàng Thắng Hứa hoạt động. "Sứ mệnh" của sứ bộ Lương Tằng cũng vẫn là lặp lại các yêu cầu, yêu sách của sứ bộ Trương Lập Đạo, có khác là thêm nhiệm vụ dò xét tình hình Đại Việt để báo cáo triều đình Bắc Kinh. Có lẽ vì thế mà sứ bộ này đã ở Đại Việt tới hai tháng. Với nhiệm vụ ấy và thời gian ấy, bọn Lương Tằng, Trần Phu đã thấy tận mắt sức mạnh và khí thế hùng cường của dân tộc ta. Qua những điều mắt thấy tai nghe, bọn sứ Nguyên rất kinh ngạc trước ý chí tự lực tự cường và quyết tâm xây dựng đất nước rất cao của dân tộc ta. Chính vì những điều mắt thấy tai nghe như thế, nên suốt thời gian hai tháng ở Đại Việt, bọn sứ Nguyên lúc nào cũng lo ngại rõ rệt. Trần Phu kể lại tâm trạng sợ sệt của hắn trong mọt bài thơ dài, trong có những câu:

                       Nhìn gươm giáo, lòng son đau khổ,
                       Nghe trống đồng, tóc bạc trắng đầu,
                       May được trở về, thân được mạnh,
                       Mơ ngày đi ấy vẫn hồn kinh.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:54:41 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:44:29 pm »


Chương bốn

NGOẠI GIAO THỜI CUỐI TRẦN, THỜI HỒ VÀ HẬU TRẦN

        I- TIẾP TỤC NGOẠI GIAO VỚI TRIỀU NGUYÊN Ở TRUNG QUỐC

        Đánh thắng giặc, ta lại tiến hành ngoại giao với giặc. Ngoại giao lúc này là ngoại giao hòa hoãn: vừa đấu tranh, vừa giao hảo. Nếu chưa thiết lập được những quan hệ thân thiện hữu nghị thì cũng làm giảm bớt những tiếp xúc căng thẳng giữa hai nước, xóa bỏ những mưu đồ lấn chiếm, xâm lược của những thế lực bành trướng hiếu chiến bên nước láng giềng.

        Nhà Nguyên ba lần đem quân xâm lược nước ta, cả ba lần đều thất bại. Cuộc chiến tranh lần thứ ba kết thúc vào tháng ba năm Mậu Tý (1288). Tháng 10, nhà Trần chủ động cho sứ sang Nguyên trao đổi việc trả hàng vạn tù binh cho nhà Nguyên. Từ đấy tới 5 năm sau, công việc trao trả tù binh tiến hành liên tiếp. Quan hệ giữa hai nước không có gì căng thẳng. Tới năm 1293 bạo chúa Hốt Tất Liệt trở mặt, kiếm chuyện. Đầu năm 1293, Hốt Tất Liệt cho sứ bộ Lương Tằng, Trần Phu tới Đại Việt đòi vua Trần sang chầu. Vua Trần từ chối việc sang chầu mà chỉ cho sứ bộ Đào Tử Kỳ cùng sứ Nguyên sang Trung Quốc đem sản vật địa phương biếu vua Nguyên.

        Tháng 9 năm 1293, sứ bộ Đào Tử Kỳ đưa lễ vật tới Bắc Kinh. Nhưng khát vọng của Hốt Tất Liệt không phải là quà cáp biếu xén, nên đã hạ lệnh đưa Đào Tử Kỳ tới Giang Lăng giam lại và tổ chức đạo quân xâm lược. Đạo quân được thành lập, quân số ít hơn các lần trước, gồm 56.570 quân, 1.000 thuyền, 70 vạn khí giới, 35 vạn thạch lương, 2 vạn thạch thức ăn cho ngựa, 21 vạn cân muối và cho quân lính, mỗi người 2 đĩnh tiền. Tất cả đạo quân đặt dưới quyền chỉ huy của bình chương Lưu Quốc Kiệt và chư vương Diệc Cát Lý Đãi, có một ban tham mưu giúp việc, gồm các tướng Triệt Lý Man, Trần Nham, Triệu Tu Kỷ, Vân Tòng Long, Trương Văn Hổ, Sầm Hùng.

        Nhưng lúc này không còn là lúc nhà Nguyên có thể dễ dàng gây rối. Rậm rịch ra quân từ mấy tháng cuối năm 1293, mà không sao gọi được đủ quân, mặc dầu quân số định lấy chỉ là hơn 5 vạn người. Tới đầu năm 1294, quân các nơi tới tập trung để lập đạo quân xâm lược còn quá ít. Hốt Tất Liệt hạ lệnh cho các địa phương Tư, Sá, Trấn Viễn, Hoàng Bình đưa 8.000 quân cũ của nhà Tống gia nhập đạo quân của Lưu Quốc Kiệt. Lệnh này chưa kịp thi hành thì ngày 18 tháng 2 năm 1294 Hốt Tất Liệt chết. Người nối ngôi Hốt Tất Liệt là Nguyên Thành Tôn thấy nhà Nguyên đã ba lần gây chiến với Đại Việt, huy động hàng trăm vạn quân mà còn thất bại, nay đưa 5 - 6 vạn quân đi gây chiến thì sao có thể được, nên đành tạm hoãn lệnh đó. Mà không hoãn lệnh đó không từ bỏ tham vọng xâm lược Đại Việt thì tập đoàn cuồng chiến nhà Nguyên cũng không làm gì được.

        Chiến thắng của Đại Việt đã bẻ gãy mọi nanh vuốt của bọn vua chúa nhà Nguyên hiếu chiến. Sau chiến tranh xâm lược Đại Việt, thế và lực của triều Nguyên sa sút nghiêm trọng, không sao hồi phục được. Nhưng không phải vì thế mà chúng trở thành những kẻ có thiện chí hòa bình, sống hữu hảo với các dân tộc khác. Đối với Đại Việt, vua chúa nhà Nguyên hậm hực vô cùng, nhưng thế không làm gì được đành phải chịu, nhiều khi phải nhượng bộ, có lúc còn sợ Đại Việt tiến công, đánh phá.

        Năm 1299, một sứ bộ của ta sang Nguyên do Đặng Nhữ Lâm cầm đầu đã bí mật làm một số việc: vẽ bản đồ các cung diện và vườn thượng uyển, mua các bản đồ và sách cấm của Trung Quốc, sao chép những văn thư Việt Nam có ở Trung Quốc, ghi chép tình hình quân sự và các rừng núi ở biên giới phía bắc. Triều đình nhà Nguyên phát hiện những việc làm này. Nếu như trước kia thì họ bắt ngay sứ Đại Việt giam lại, chưa biết đến bao giờ mới cho về, hoặc đem giết sứ đi, nhưng nay thì không dám. Nhà Nguyên chỉ cho sứ sang Đại Việt yêu cầu triều đình nhà Trần không để cho sứ sang Nguyên làm những việc như thế.

        Sau đó, sứ thần hai nước cứ vài năm qua lại một lần, hoặc báo cho nhau những tin tức như vua mới lên ngôi, hoặc biếu xén nhau quà cáp.

        Năm 1308, nhà văn lỗi lạc đương thời là trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên. Các quan lại nhà Nguyên rất phục ông là người thông minh tài trí. Một lần ông ngồi chơi trong phủ tể tướng nhà Nguyên. Lúc ấy là khoảng tháng 5 - tháng 6, trong phủ treo một cái màn mỏng có thêu hình con chim tước vàng đậu cành trúc. Tước là con chim sẻ. Mạc Đĩnh Chi thản nhiên kéo cái màn xuống xé đi, mặc dầu cái màn thêu rất đẹp. Mọi người lấy làm lạ, hỏi tại sao. Mạc Đĩnh Chi trả lời:

       "Tôi thấy người xưu vẽ mai - tước, chưa thấy ai vẽ trúc - tước bao giờ. Nay trong trướng của tể tướng lại thêu chim tước đậu cành trúc. Trúc là quân tử, tước là tiểu nhân. Tể tướng đem trúc - tước mà thêu vào trướng, thế là để tiểu nhân lên trên quân tử. Tôi sợ rằng đạo của tiểu nhân ngày càng lớn thịnh lên, đạo của quân tử ngày mòn mỏi đi, cho nên tôi trừ bọn tiểu nhân giúp thánh hiền". Người Nguyên phục là nhanh trí.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:55:28 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:44:57 pm »

    
        Khoảng những năm 1311 - 1312, bọn quan lại, tướng lĩnh nhà Nguyên ở gần biên giới lén lút lấn chiếm một số vùng đất của ta sát biên giới. Bọn cầm đầu châu Quy Thuận thuộc Quảng Tây năm lần sang cướp lộ Thái Nguyên của ta, bắt năm nghìn dân đưa sang Trung Quốc. Tri châu châu Dưỡng Lợi (Trung Quốc) là Triệu Giác bắt những người buôn bán của châu Tu Lãng nước ta, lấy một lọ vàng và chiếm hơn một nghìn khoảnh ruộng.

        Để trừng trị những kẻ lấn chiếm, tháng giêng năm Quý Sửu (tức đầu năm 1313) quân ta theo nhiều đường sang miền nam Trung Quốc. Từ biên giới tỉnh Hà Giang bây giờ, hơn 3 vạn quân ta, trong đó có hơn 3 nghìn quân kỵ, đánh sang châu Trấn Yên (thuộc Quảng Tây), đốt phá các kho tàng rồi về. Trên biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, quân ta chia làm 3 đạo tiến vào châu Quy Thuận (nay là huyện Tĩnh Tây, thuộc Quảng Tây), đóng quân lại, không về. Triều đình Nguyên được tin, lo ngại, lệnh cho hành tỉnh Hồ Quảng phát binh đi đánh. Hành tỉnh Hồ Quảng là cơ quan chuyên tổ chức các đạo quân đi xâm lược Việt Nam trước đây. Nhưng lần này, mặc dầu có lệnh của triều đình, không thấy hành tỉnh Hồ Quảng có hành động gì.

        Tháng tư âm lịch. để trừng trị bọn lấn chiếm, vua Trần Anh Tông thân cầm quân đánh sang châu Dưỡng Lợi thuộc Quảng Tây, bắt hơn hai nghìn quân Nguyên đem về nước.

        Tháng sáu âm lịch, triều đình Nguyên phải cho hai viên quan là A Lý Ôn Sa và Lưu Nguyên Hanh tới hành tỉnh Hồ Quảng tìm hiểu tình hình những sự việc xảy ra, rồi đưa thư sang hỏi triều đình nhà Trần. Ta trả lời là vì có kẻ quấy rối, lấn chiếm biên giới nên trừng trị, còn ai quấy rối thì không biết. Bọn Lưu Nguyên Hanh thư đi thư lại mấy lần, nhưng không giải quyết được việc gì. Chúng tâu về triều đình Nguyên xin cho người sang Đại Việt đòi đất, đòi dân và đòi ta xử trí những người đưa quân vào lãnh thổ Trung Quốc. Thấy bọn Lưu Nguyên Hanh tâu xin như vậy, Hoàng đế Nguyên vội gạt đi: “Thôi để khi sứ An Nam tới sẽ nói”. Nhưng sứ ta không tới, triều đình Nguyên phải cho sứ sang nói với triều đình Đại Việt cho lui quân. Bấy giờ vua Trần mới hạ lệnh bãi binh, rút quân về nước.

        Khi ghi chép sự việc này vào sách Bang giao chí, nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét:

        “Đời Trần, nhà Nguyên ba lần đem quân sang xâm lược, quấy rối, nhưng không thành công. Nay tất cũng chột dạ về việc trước, chỉ mong được yên ổn, nên vua tôi khu xử, một niềm nhường nhịn để được vô sự. Đó là sự khôn ngoan phủ dụ của Nguyên, mà thế nước ta thời Trần cũng tỏ ra cường thịnh lắm”.

        Đúng là như thế! Nếu nước ta không cường thịnh thì nước lớn láng giềng ôm mộng bành trướng không bao giờ chịu để cho nhân dân ta được sống hòa bình, yên ổn, đừng nói gì tới nhượng bộ với ta điều này điều khác.

        Ta đem quân sang đất Nguyên trừng trị quân Nguyên lấn chiếm mà triều đình Nguyên không dám oán trách , hạch sách gì. Năm sau (1314), sứ Nguyên sang ta vẫn rất mực khiêm tốn, kính trọng ta. Bấy giờ vua Trần Minh Tông mới lên ngôi, cho sứ Nguyên vào tiếp kiến. Khi về nước , sứ Nguyên hết sức ca ngợi vua Trần là phong thái ung dung phơi phới như thần tiên. Sau này khi sứ Đại Việt sang Nguyên, có người Nguyên hỏi thăm có phải vua Đại Việt phong thái thanh tú ung dung như thần tiên không, sứ Đại Việt hồ hởi trả lời: "Đúng như thê. Và đó cũng là phong thái của cả nước tôi vậy”.

        Lời đáp của sứ ta nói lên niềm tự hào về dân tộc mình, một dân tộc anh hùng, đã bắt một kẻ thù cuồng chiến, hung hãn nhất của thời đại phải khuất phục, bảo đảm nền độc lập của nước nhà và nền hòa bình ở Đông Nam châu Á, tước bỏ mọi khả năng xâm lược, quấy rối của giặc Nguyên ở các vùng khác trên thế giới.

        Năm 1322, triều đình Nguyên lại muốn tranh lấn bờ cõi. Triều đình nhà Trần cho Hình bộ Thượng thư Doãn Bang Hiến sang tranh biện. Vua chúa Nguyên đành thôi.

        Lúc này, triều Nguyên đã suy yếu lắm, không thể gây đối đầu với ta được. Từ những năm 1340 trở đi, Trung Quốc đại loạn. Khởi nghĩa không nhà Nguyên liên tiếp nổ ra. Khởi nghĩa của Phương Quắc Trân, khởi nghĩa của Từ Thọ Huy, khởi nghĩa của Chu Nguyên Chương; đặc biệt có cả cuộc khởi nghĩa của Trần Hữu Lượng là một người Việt Nam sống ở Trung Quốc, con của Trần Ích Tắc, nổi lên làm chủ cả miền nam Trung Quốc, dựng nên một triều đại mới lấy quốc hiệu là Đại Hán, niên hiệu là Đại Nghĩa. Trần Hữu Lượng lên ngôi hoàng đế. Trong khi đó, nghĩa quân Chu Nguyên Chương cũng làm chủ miền bắc Trung Quốc, lập triều đại mới là triều Minh, đưa Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế.

        Năm 1354, triều đình Trần Hữu Lượng cho sứ sang cầu thân với triều đình nhà Trần. Năm 1359, triều đình Chu Nguyên Chương cũng cho sứ sang thông hiếu với nhà Trần. Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương vẫn đánh nhau kịch liệt, chưa phân được thua. Vua Trần cho Lê Kích Phu đi Trung Quốc "Để xem hư thực như thế nào". Sử không ghi rõ sứ ta sang Trung Quốc lúc ấy tiếp xúc với triều đình nào, triều Hán của Trần Hữu Lượng hay triều Minh của Chu Nguyên Chương.

        Đầu năm 1361, nhà Hán của Trần Hữu Lượng đóng ở Vũ Xương, cho sứ sang ta xin quân cứu viện. Vua Trần từ chối. Ý của nhà Trần là không muốn can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

        Năm 1366, nhà Hán của Trần Hữu Lượng sụp đổ.

        Năm 1367, nhà Nguyên bị diệt vong. Ngôi thống trị toàn Trung Quốc chuyển sang một triều đại mới là triều Minh. Chu Nguyên Chương lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu là Minh Hồng Vũ, khi chết miếu hiệu là Minh Thái Tổ.

        Triều đại mới, chính sách đối nội, đối ngoại sẽ có những thay đổi. Quan hệ giữa triều Trần ở Việt Nam và triều Minh mới nổi ở Trung Quốc cũng sẽ không bình thường, phẳng lặng như cuối thời Nguyên.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Chín, 2016, 11:56:24 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM