Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:59:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  (Đọc 37500 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 10:47:15 pm »


Trọn hay:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Trận Bồ Đằng1 sấm vang chớp giật,
Miền Trà Lân2 trúc chẻ tro bay3.
Sĩ khí đã hăng,
Quân thanh càng mạnh4.
Trần Trí, Sơn Thọ nghe hơi mà mất vía,
Lý An, Phương Chính nín thở cầu thoát thân5.
Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh6 quân ta chiếm lại;
Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô7 đất cũ thu về.
Ninh Kiều8 máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm;
Tốt Động9 thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.
Phúc tâm quân giặc, Trần Hiệp đã phải bêu đầu;
Mọt gian kẻ thù, Lý Lượng cũng đành bỏ mạng.
Vương Thông gỡ thế nguy, mà đám lửa cháy lại càng cháy;
Mã Ánh cứu trận đánh, mà quân ta hăng lại càng hăng10.
Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt;
Chẳng đánh mà người chịu khuất,
                                 ta đây mưu phạt tâm công11
Tưởng chúng biết lẽ ăn năn, nên đã thay lòng đổi dạ;
Ngờ đâu vẫn đương mưu tính,
                                 lại còn chuốc tội gây oan.
Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác;
Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian
______________________________________
1. Bồ Đằng: Tên một ngọn núi, cũng gọi là Bồ Liệp hay Bồ Cứ, thuộc Quỳ Châu (Nghệ An) (đừng lẫn với Bồ Đề ở bờ sông Nhị Hà).
2. Trà Lân: Cũng được gọi là Trà Long, thuộc phủ Tương Dương, Nghệ An.
3. Trúc chẻ tro bay: ý nói quân giặc tan rã.
4. Sĩ khí, quân thanh: Chí khí và thanh thế của binh sĩ.
5. Trần Trí, Sơn Thọ, Lý An, Phương Chính: Các tướng nhà Minh.
6. Tây Kinh: Tức thành Tây Nhai (Thanh Hóa) do nhà Hồ đắp.
7. Đông Đô: Tức Thăng Long (Hà Nội).
8. Ninh Kiều: Tức Ninh Giang.
9. Tốt Động: Cũng có sách ghi là Tụy Động: một xã ở huyện Mỹ Lương (nay là Chương Mỹ, (Hà Tây) Hà Nội).
10. Trần Hiệp, Lý Lượng, Vương Thông, Mã Ánh: Tướng giặc Minh.
11. Mưu phạt tâm công: Đánh bằng mưu trí và đánh vào lòng người.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 10:52:36 pm »


Bởi thế:
Thằng nhãi con Tuyên Đức1, động binh không ngừng;
Đồ nhút nhát Thạnh, Thăng2, đem dầu chữa cháy.
Đinh Mùi tháng chín Liễu Thăng đem binh
                                               từ Khâu Ôn tiến lại;
Năm ấy tháng mười Mộc Thạnh chia đường
                                               từ Vân Nam tiến sang.
Ta trước đã điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong;
Ta sau lại sai tướng chẹn đường, tuyệt nguồn lương thực.
Ngày mười tám trận Chi Lăng Liễu Thăng thất thế.
Ngày hai mươi trận Mã An3 Liễu Thăng cụt đầu.
Ngày hăm lăm bá tước Lương Minh bại trận tử vong,
Ngày hăm tám thượng thư Lý Khánh cùng kế tự vẫn!
Thuận đà ta đưa lưỡi dao tung phá,
Bí nước giặc quay mũi giáo đánh nhau.
Lại thêm quân bốn mặt vây thành,
Hẹn đến giữa tháng mười diệt giặc.
Sĩ tốt kén người hùng hổ,
Bề tôi chọn kẻ vuốt nanh.
Gươm mài đá đá núi cũng mòn,
Voi uống nước nước sông phải cạn.
Đánh một trận4 sạch không kình ngạc,
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Cơn gió to trút sạch lá khô,
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ.
Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội,
Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng.
Lạng Giang5, Lạng Sơn, thây chất đầy đường;
Xương Giang, Bình Than6, máu trôi đỏ nước.
Ghê gớm thay, sắc phong vân phải đổi,
Thảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ.
_____________________________________
1. Tuyên Đức: Niên hiệu vua Tuyên Tông nhà Minh.
2. Thạnh, Thăng: Chỉ Mộc Thạnh, Liễu Thăng: tướng nhà Minh.
3. Mã An: ở xã Mai Sơn, thuộc Lạng Sơn.
4. Đánh một trận, đánh hai trận: Nguyên văn là "nhất cổ, tái cổ": tức là hồi trống thứ nhất, hồi trống thứ hai khi ra trận.
5. Lạng Giang: Nay là Bắc Giang.
6. Xương Giang: Một thành do quân Minh xây dựng, nay thuộc thị xã Bắc Giang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2016, 11:00:32 pm »


Bị ta chẹn ở Lê Hoa1, quân Vân Nam nghi ngờ
                                         khiếp vía mà vỡ mật;
Thua quân ta ở Cần Trạm2, quân Mộc Thạnh xéo lên nhau chạy để thoát thân.
Suối Lãnh Câu3 máu chảy trôi chày4,
                                         nước sông nghẹn ngào tiếng khóc;
Thành Đan Xá thây chất thành núi,
                                         cỏ nội đầm đìa máu đen
Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp;
Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng.
Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng;
Thần vũ chẳng giết hại5,
                       thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.
Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
                                         ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc;
Vương Thông, Mã Ánh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
                                         về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
Họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng;
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Chẳng những mưu kế kỳ diệu,
Cũng là chưa thấy xưa nay.
Xã tắc6 từ đây vững bền,
Giang sơn từ đây đổi mới.
Kiền khôn bĩ mà lại thái7,
Nhật nguyệt hối mà lại minh8
Muôn thuở nền thái bình vững chắc,
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.
Âu cũng nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng
                                         ngầm giúp đỡ mới được như vậy.
Than ôi!
Một cỗ nhung y9 chiến thắng, nên công oanh liệt ngàn năm;
Bốn phương biển cả thanh bình,
ban chiếu duy tân khắp chốn.
Xa gần báo cáo.
Ai nấy đều hay.


Dựa theo bản dịch của Bùi Kỷ10.
_________________________________________
1. Lê Hoa: Có lẽ thuộc vùng giáp giới Lào Cai hoặc Hà Giang ngày nay.
2. Cần Trạm: ở giữa vùng Lào Cai và Vân Nam.
3. Lãnh Câu và Đan Xá (câu dưới): ở gần ải Lê Hoa.
4. Máu chảy trôi chày: Do chữ "huyết lưu phiêu chử" ở Kinh Thư. Ý nói giặc bị chết nhiều.
5. Thần vũ chẳng giết: do chữ "thần vũ bất sát" ở Kinh Dịch. Ý nói việc uy vũ thiêng liêng không có giết hại.
6. Xã tắc: Nghĩa đen: nơi tế thần Đất gọi là xã, và nơi tế thần Lúa gọi là tắc. Nghĩa bóng: chỉ đất đai bờ cõi của một quốc gia.
7. Bĩ mà lại thái: Qua cơn loạn lạc, trở lại thái bình.
8. Hối mà lại minh: Tối rồi lại sáng.
9. Nhung y: Áo giáp mặc khi ra trận, đây chỉ việc đánh giặc. Thiên Vũ thành trong Kinh Thư có câu: "Nhất nhung y, thiên hạ đại định" (một cỗ nhung y mà thiên hạ được bình định).
10. Bản này do Bùi Văn Nguyên dịch, dựa theo bản của cụ Bùi Kỷ, có tham khảo ý kiến của cụ Bùi Kỷ lúc sinh thời và một số các cụ thâm nho khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 06:59:28 am »


PHÚ NÚI CHÍ LINH

Rồng thiêng dậy, bay rợp Lam Kinh1
Giáo trời chỉ, dẹp tan Bắc binh
Dựng nước thành công nhiều khó nhọc
Miền Tây2 sông núi hẳn anh linh
Ôi! Vua ta tài thánh vũ
Đứng lên bốn phương kinh dinh
Vận nước gian truân, khổ tâm lo tính
Thấy lẽ tất yếu của trời, càng quyết chí để nghiệp thành
Nhờ thế ngày nay Hồ Việt được một nhà,
                                              mà núi này cũng lưu danh muôn thuở
Khi nghĩa quân mới dấy là lúc thế giặc đương hăng
Anh hào cả nước lưa thưa như lá thu gặp sương3
Chí nuốt giặc Ngô, ai Chủng, ai Lãi
Mưu dựng nghiệp Hán, ai Bình, ai Lương4
Vua ta ẩn náu núi này, đành bặt tăm hơi, bưng kín ánh sáng
Vợ con lưu lạc, quân sĩ tha phương
Trong cảnh khốn vẫn bền lòng, vững tin ở ngày hưng vượng
Lấy giáp sắt làm áo mặc, lấy rễ rau làm quân lương
Chí rộn ràng lo khôi phục, lòng u uất thật khôn lường
Tưởng núi này lúc ấy khác nào đất Mang Đãng5 khi Hán hoàng khởi nghiệp
_________________________________
1. Lam Kinh là Lam Sơn, quê của Lê Lợi, từ khi Lê Lợi lên làm vua, tại đó có xây dựng cung điện nên gọi là Lam Kinh.
2. Miền tây, hay Tây thổ, Tây kinh, Tây đô đều chỉ miền Thanh Hóa thời bấy giờ.
3. Mùa thu, lá cây bị khô rụng, gặp sương càng rụng nhiều. Ý câu này muốn nói anh hào cả nước ít ỏi quá.
4. Thời xưa, ở Trung Quốc, nước Việt bị nước Ngô đánh chiếm, về sau vua nước Việt là Câu Tiễn được những người có tài là Văn Chủng, Phạm Lãi giúp sức, đánh thắng được nước Ngô, khôi phục được nước Việt. Khi nhà Hán khởi nghiệp, Lưu Bang cũng được những người có tài như Trương Lương, Trần Bình giúp sức, nên đánh được nước Tần, diệt được nước Sở, dựng nên cơ đồ đế vương ở Trung Quốc. Tới đây Lê Lợi cũng muốn có được những người tài như thế.
5. Mang Đãng: vùng núi ở Giang Tô. Lưu Bang trước khi dấy binh đánh Tần thường ẩn náu tại đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 07:01:40 am »


Biết người, biết mình, khi mềm, khi mạnh
Chờ thời, rình mệt, giấu nhọn, che sắc
Gối củi nằm gai, ngậm cay nuốt đắng
Lo rửa nhục trước, giành lại quê hương
Tưởng núi này khi đó, khác nào đất Cối Kê1 thời Việt vương ẩn náu
Thế rồi, thu nhặt tàn quân, nuôi dưỡng ân cần
Trong sửa chiến cụ, ngoài giả hòa thân
Quyên tiền mộ lính, giết voi khao quân
Ai cũng thân người trên, chết cho người trưởng, cố sức để đền ân
Từ đấy, luyện quân kén tướng, đánh địch ra kỳ
Chết vinh hơn sống nhục, biết quan ta dùng được
Lấy của giặc đánh giặc, thu quân lương vũ khí
Vẹn toàn vững kế, một mũi tên không để phí
Cầm Bành rạp đầu dâng đất
Phương Chính khiếp vía chạy dài
Bèn giữ hiểm để lập công
Lại nhiều phương lừa đánh địch
Đêm lửa đốt, ngày cờ bay
Sớm chiếm Đỗ Gia, giành thế tiện trên núi ấy
Trước vượt Khả Lưu, đánh đắm địch tại sông này
Sấm ran chóp giật, trúc chẻ tro bay
Chu Kiệt bỏ cũi, Hoàng Thành phơi thây
Đánh Nghệ An, đất thuộc về ta
Thắng Tây Đô, tin như bão dậy
Giỏ cơm bầu nước, người xin theo đông như hội trẩy
Hào kiệt căm thù tức giận nghiến răng
Phụ lão cảm khích mừng vui rơi lệ
Ta quân thanh ngày càng lừng lẫy
Giặc sinh mệnh ngày một hao gầy
Trận Ninh Kiều như đê vỡ kiến trôi
Trận Tốt Động như gió rung cây gãy2
Trần Hiệp, Lý Lượng, như hổ ngã hầm sâu
Vương Thông, Mã Kỳ, như cá trong vạc cháy
______________________________________
1. Cối Kê là tên một dãy núi, khi Việt vương Câu Tiễn bị nước Ngô đánh bại, phải tới đó nương náu và xây dựng lại lực lượng, rồi cũng từ đó tiến ra khôi phục đất nước.
2. Cùng một hình ảnh "đê vỡ, kiến tan", Nguyễn Trãi đã viết theo hai cách. Trong Chí Linh sơn phú, Nguyễn Trãi viết là "băng đê hội nghĩ". Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi viết là "hội nghĩ ư băng đê". Trong Bình Ngô đại cáo, chúng tôi dịch theo ý "kiến đục vỡ đê" (quyết hội nghĩ ư băng đê). Trong Chí Linh sơn phú, chúng tôi dịch theo ý "đê vỡ kiến tan" (băng đê hội nghĩ), cả hai ý này đều có nghĩa. Hiện nay, các bản dịch cũng thường dịch theo hai ý này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 07:06:32 am »


Non sông muôn dặm đã thu lại
Chợ búa Đông Đô chẳng đổi thay
Lúc đó khác nào Hán Cao tổ thuở trước bốn mặt đem quân bao vây Cai Hạ1
Vậy mà lũ giặc cuồng, lòng tham tối mắt
Đưa viện binh bên nước sang đây
Đem dầu chữa cháy, lấy họa làm hay
Liễu Thăng bỏ xác, Chi Lăng lai láng máu
Mộc Thạnh trốn đêm, Lãnh Kinh tràn ngập thây
Cứu binh hai đạo, chân quay chưa kịp đã thua dài
Thành giặc các nơi, đầu cúi chịu hàng không máu vấy
Thảm thiết kêu xin, vẫy đuôi van lạy
Lúc ấy khác nào Câu Tiễn bức khốn vua Ngô ở Cô Tô đài thuở trước
Nhưng thịnh đức của vua ta ngày nay, chỉ quy mô rộng lớn của Hán Cao tổ mới sánh kịp
Còn như Câu Tiễn, ngoài chí phục thù là đáng kể,
                                                         thì trong muôn phần không so được với vua ta
Đến như: uy thần chẳng giết, đức lớn hiếu sinh
Nghĩ kế nước nhà trường cửu
Tha cho mười vạn hàng binh
Gây lại hòa hảo cho hai nước
Dập tắt chiến tranh cho muôn đời
Địch phải theo thượng sách: nước vẹn toàn2,
                                                  dân được an ninh
Như thế thì thịnh đức của vua ta Cao Tổ nhà Hán sánh sao kịp
Vua ta phải ngang hàng với hai đế ba vương3
                                                  lừng danh thuở trước
Than ôi! Xưa đi nay lại, trăm đời nên nghĩ
Nghiêu nổi dậy từ Đường hầu, Thuấn khởi nghiệp tự hàn vi
Thành Thang dấy nghĩa nơi đất Bạc,
Thái vương khởi binh tại núi Kỳ
Nhiều hoạn nạn là nền dựng nước
Lắm lo toan là gốc trị vì
Biến cố trải nhiều thì suy nghĩ sâu
Mọi việc lo trước thì thành công kỳ
Nổi nghiệp đế vương, không thể khác thế
Vậy thì vua ta dựng nghiệp thật đã tự núi này trở đi
Công cao đức cả của vua ta cũng sẽ cùng núi này
                                                            hùng vĩ muôn đời
Bèn cúi đầu chắp tay, dâng lời ca rằng
Trời sinh vua thánh, đất dấy nghiệp vương
Càn khôn mờ mịt, vận hội phi thường
Nhìn Linh sơn cao vút, nhớ những ngày gian khổ
Vỗ nghiệp vương bền vững, không một ngày sao lãng
Xin ghi thịnh đức vào đá, lưu truyền bất hủ
Ngàn vạn đời sau, vẫn cùng trời đất dài lâu

Bản dịch của Nguyễn Lương Bích
__________________________________________
1. Cai Hạ là nơi Hạng Vũ bị Lưu Bang vây khốn.
2. "Toàn quốc vi thượng" là chữ có sẵn trong binh pháp cổ có nghĩa là "giữ được toàn vẹn nước địch là thượng sách". Ở đây, không thể hiểu "toàn quốc vi thượng" là "ta lấy việc giữ toàn vẹn nước địch, tức nước Minh, làm thượng sách", vì ta không đem quân sang đánh nước Minh, và Nguyễn Trãi cũng không nói là "Dư dĩ toàn quốc vi thượng", như đã nói "Dư dĩ toàn quân vi thượng " trong Bình Ngô đại cáo. Nhưng nếu hiểu là "ta lấy việc giữ toàn vẹn nước ta làm thượng sách" hay "giữ vẹn nước là hơn" hoặc "chỉ cần vẹn đất" thì trái với nghĩa "toàn quốc vi thượng" của binh pháp cổ. Ở đây, chúng tôi hiểu Nguyễn Trãi muốn nói là ta buộc địch phải theo binh pháp xưa, lấy "toàn quốc vi thượng" tức "chúng phải rút quân về, lấy việc giữ toàn vẹn nước địch làm thượng sách", do đấy mà nước ta an toàn, dân ta được nghỉ. Chúng tôi đã dịch theo ý đó.
3. Hai đế, ba vương (nhị đế, tam vương): Nhị đế là Nghiêu và Thuấn. Tam vương là Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế. Đây là những vị vua trong truyền thuyết Trung Quốc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 07:11:38 am »


BIA VĨNH LĂNG LAM SƠN

Niên hiệu Thuận Thiên thứ 6, năm Quý Sửu, ngày 22 tháng 8 nhuận, Thái Tổ Cao hoàng đế chầu giời. Ngày 23 tháng 10 năm nay1, táng tại Vĩnh Lăng ở Lam Sơn2.

Nhà vua họ Lê, tên Lợi.

Cụ nội tên là Hối, người phủ Thanh Hóa. Một hôm đi chơi núi Lam Sơn, thấy hàng đàn chim bay lượn quanh dưới núi, như những đám người tụ hội, cụ nói đây là chỗ đất tốt và dời nhà đến ở. Được ba năm, trở thành giàu có, con cháu ngày càng thịnh, tôi tớ ngày càng đông, dựng nước mở đất thật gây nền ở đó. Từ bấy trở đi, đời đời cầm đầu một phương. Ông nội nhà vua tên là Đinh, thừa kế nghiệp nhà, theo chí người trước, kẻ giúp việc có tới hơn một nghìn.

Bà nội nhà vua, họ Nguyễn, người rất hiền hậu, sinh hai con: cả là Tòng, thứ là Khoáng, tức thân phụ nhà vua. Thân phụ nhà vua, tính hiền hòa, ưa việc thiện, thích đãi khách, coi nhân dân xung quanh như người một nhà, cho nên ai cũng cảm ân mến nghĩa.

Thân mẫu nhà vua họ Trịnh, tên Thương, chăm lo đạo làm vợ, gia đình hòa mục, nhà cửa ngày càng thịnh vượng. Bà sinh ba con: con cả là Học, con thứ hai là Trừ, nhà vua là con thứ ba.

Người con cả nối dõi cha ông, không may mất sớm.

Nhà vua kính cẩn vâng thừa kế nghiệp cha ông. Gặp thời loạn lớn, chí càng bền vững. Ẩn mình nơi rừng núi, giữ nghiệp cấy cày. Vì giận giặc dữ bạo tàn, nên chuyên tâm học các sách thao lược, đem hết gia tài hậu đãi tân khách3.

Năm Mậu Tuất, dấy quân khởi nghĩa, đóng tại Lạc Thủy, trước sau hơn mấy chục trận, đều đặt phục ra kỳ, tránh giặc hăng, đánh giặc mệt, lấy ít đánh nhiều, lấy yếu thắng mạnh4.

Năm Bính Ngọ, đánh ở Tốt Động đại thắng, liền tiến vây Đông Đô.

Năm Đinh Mùi, viện binh giặc là An viễn hầu Liễu Thăng đem quân mười vạn theo đường Quảng Tây tiến sang, Kiềm quốc công Mộc Thạnh đem quân năm vạn theo đường Vân Nam kéo xuống. Đánh một trận ở Chi Lăng, Liễu Thăng mất đầu, mấy vạn giặc bị chém chết, bọn tướng giặc Hoàng Phúc, Thôi Tụ hơn ba trăm tên cùng lính giặc hơn một vạn tên, đều bị bắt sống. Lấy được sắc mệnh, binh phù5 của Liễu Thăng đưa tới cho đạo quân Vân Nam, Mộc Thạnh trông thấy, nửa đêm chạy trốn bị quân ta chém giết và bắt sống nhiều vô kể.

Khi ấy bọn Thành sơn hầu Vương Thông trấn thủ thành Đông Quan, vốn đã cùng quân ta giảng hòa nhưng còn chưa quyết thì tới đây xin lập đàn thề trên sông Nhị. Thành giặc các nơi cũng đều mở cửa ra hàng.

Số giặc bị bắt sống và số giặc ở các thành đầu hàng gồm hơn mười vạn tên, thảy đều tha cho về nước. Đường thủy cấp cho hơn năm trăm thuyền, đường bộ cấp cho lương thực, ngựa cưỡi, truyền lệnh quân sĩ không mảy may đụng chạm đến chúng. Hai nước lại thông hiếu, Bắc Nam từ đây vô sự. Mường Lễ, Ai Lao đều thuộc bản đồ nước ta. Chiêm Thành, Đồ Bà6 đều vượt biển tới cống.

Nhà vua thức khuya dậy sớm sáu năm, trong nước đại trị, tới nay thì mất.

Thuận Thiên năm thứ 6, Quý Sửu, tháng 10, ngày lành.

Vinh lộc đại phu, nhập nội hành khiển, tri tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn7.
___________________________________
1. Ngày 22 tháng 8 nhuận năm Quý Sửu: 4-10-1433. Ngày 23 tháng 10 năm Quý Sửu: 4-12-1433.
2. Vĩnh Lăng là tên lăng có chôn thi hài Lê Lợi.
3. Mở đầu sách Lam Sơn thực lục cũng có một đoạn chép về gia thế Lê Lợi, giống như đoạn đầu văn bia Vĩnh Lăng.
4. Những chiến lược chiến thuật này đã nói đến trong Bình Ngô đại cáo. Đây là tóm tắt những chiến lược chiến thuật đã dùng trong mấy chục trận đánh trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
5. Sắc mệnh, binh phù là sắc thư và ấn tín của nhà vua ban cho tướng soái để trao quyền chỉ huy tướng sĩ ra trận.
6. Đồ Bà hay Chà Bà, tức Java thuộc Inđônêxia ngày nay.
7. Bài văn bia Vĩnh Lăng chép trong các sách thường khác nhau năm, mười chữ. Ở đây, chúng tôi chép theo bài văn khắc trên bia đá Vĩnh Lăng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2016, 07:14:29 am »


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), Nxb Quân đội nhân dân, H. 2005.

2. Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần Bá Chí, Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nxb Quân đội nhân dân, H. 1976.

3. Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Trãi đánh giặc cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, H. 2003.

4. Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam, Nxb Giáo dục, H. 1997.

5. Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, H. 2007.

6. Viện Văn học, Nguyễn Trãi khí phách và tinh hoa của dân tộc, Nxb Khoa học xã hội, H. 1980.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM