Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:52:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  (Đọc 37481 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:37:26 pm »


Câu hỏi 21: Sau Hội thề Đông Quan, Vương Thông cùng toàn bộ quân Minh rút quân về nước, đất nước ca khúc khải hoàn. Trình bày diễn biến sự kiện lịch sử này?

Trả lời:


Ngày 29 tháng 12 năm 1427 (ngày 12 tháng 12 năm Đinh Mùi), đúng theo lời ước hẹn trước đây, Vương Thông xin rút quân về nước, dù chưa nhận được lệnh bãi binh của nhà Minh. Lê Lợi cung cấp cho quân Minh đầy đủ lương thực và phương tiện để rút lui.

Quân thủy được cấp cho 500 chiếc thuyền do Phương Chính, Mã Kỳ quản lĩnh, vượt biển về nước.

Quân bộ do Sơn Thọ, Hoàng Phúc quản lĩnh, cũng được cấp đủ lương thực, theo đường bộ về nước.

Quân Minh trong các thành Tây Đô, Cổ Lộng, cũng được giải vây và cấp đủ lương thực, theo đường bộ rút lui.

Ngoài ra, nhân dịp này Lê Lợi còn trao trả cho nhà Minh hơn 20.000 tù binh cùng với mấy nghìn con ngựa, giao cho Mã Anh quản lĩnh.

Trông thấy quân địch rút lui, một số tướng sĩ và nhân dân căm ghét quân giặc đã từng giết hại bà con thân thuộc của mình, lại kéo đến xin Lê Lợi cho giết chết bọn chúng để trả thù. Một lần nữa, Lê Lợi giải thích cho mọi người biết rõ lập trường nhân đạo và hòa bình của nghĩa quân: "Phục thù báo oán là thường tình của mọi người. Nhưng không muốn giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả chăng, người ta đã hàng mà mình giết đi thì chẳng còn gì ghê gớm hơn việc làm không lành ấy. Nếu vì hả giận trong chốc lát mà để muôn đời mang tiếng giết kẻ đã hàng thì chi bằng cho muôn vạn người được toàn tính mạng để dập tắt mối chiến tranh về sau, sử xanh ghi chép, nghìn thuở còn thơm, há chằng tốt đẹp sao?". (Toàn thư).

Quân Minh được an toàn trở về nước nên rất vui mừng kéo nhau đến dinh Bồ Đề cảm tạ Lê Lợi - người lãnh tụ tối cao của nghĩa quân.

Ngày 29 tháng 12 năm 1427 quân Minh bắt đầu rút lui và đến ngày 3 tháng 1 năm 1428 thì đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước.

Theo Hoàng Minh thực lục, toàn bộ số quân Minh được trở về nước là 86.640 tên.

Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nói về chủ trương của nghĩa quân và mô tả cuộc rút lui của bọn bại binh này như sau:

      Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng,
      Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng;
      Thần vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh.
      Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền,
                                                          ra đến bể mà vẫn hồn bay phách lạc,
      Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa,
                                                          về đến nước mà vẫn tim đập chân run.
      Họ đã tham sống sợ chết, mà hòa hiếu thực lòng;
      Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
      Chẳng những mưu kế kỳ diệu, cũng là chưa thấy xưa nay.


Sau 10 năm chiến đấu gian khổ, anh dũng (1418-1428), Lê Lợi và bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã hoàn thành sự nghiệp vĩ đại là đánh đuổi hết quân Minh ra khỏi bờ cõi, khôi phục nền độc lập hoàn toàn cho đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:40:30 pm »


Ngày 29 tháng 4 năm 1428 (ngày 16 tháng 4 nàm Mậu Thân), Lê Lợi chính thức lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh, tức Thăng Long.

Trong khúc ca khải hoàn của toàn dân, Nguyễn Trãi đã được vinh dự thảo ra bài Bình Ngô đại cáo tuyên bố nền độc lập của nước nhà:

      Xã tắc từ đây vững bền
      Giang sơn từ đây đổi mới
      Kiền khôn bĩ mà lại thái
1 
      Nhật nguyệt hối mà lại minh2
      Muôn thuở nền thái bình vững chắc
      Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.
      ... Ôi! Một cỗ nhung y chiến thắng,
                                         nên công oanh liệt ngàn năm;
      Bốn phương biển cả thanh bình,
                                         ban chiếu duy tân khắp chốn.


Bình Ngô đại cáo là bản tuyên cáo đánh thắng giặc Ngô của nghĩa quân Lam Sơn và cũng là bản tuyên ngôn độc lập của nước nhà sau khi cuộc chiến tranh chống xâm lược kết thúc. Bình Ngô đại cáo vừa tóm tắt lịch sử mười năm chiến đấu oanh liệt vừa tổng kết đường lối đánh giặc cứu nước rất giỏi và tài thao lược của quân dân ta thời đó.

Bình Ngô đại cáo là một áng văn tuyệt tác, được lưu truyền như một "thiên cổ hùng văn" của dân tộc. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nói lên tất cả những niềm tự hào của dân tộc ta, một dân tộc chiến thắng.

Nguyễn Trãi tự hào với tư tưởng vĩ đại nhất của dân tộc đã chỉ đạo mọi hành động của người dân trong nước, là tư tưởng nhân nghĩa, lấy yêu nước yêu dân làm đạo đức cao quý nhất, lấy đánh giặc, cứu nước, cứu dân làm lý tưởng và sự nghiệp vẻ vang nhất của con người. Nguyễn Trãi nhấn mạnh:

      Làm việc nhân nghĩa, cốt để an dân
      Dấy quân đánh dẹp, trước tiên trừ bạo


Từ nguyên lý đanh thép của tư tưởng vĩ đại đó dẫn tới mọi hành động anh hùng khác. Tư tưởng vĩ đại đó của dân tộc không phải ngẫu nhiên mà có, nó được sản sinh ra từ một nền văn hiến vô cùng rực rỡ của dân tộc. Nguyễn Trãi rất tự hào với nền văn hiến đó. Nguyễn Trãi khẳng định nước nhà là một nước văn hiến lâu đời, có nền độc lập, có non sông đất nước riêng, có chính quyền nhà nước riêng, có phong tục, tập quán riêng, có truyền thống tự cường bất khuất và có nhiều sự nghiệp anh hùng qua các thời đại. Nguyễn Trãi đã dõng dạc nói trong Bình Ngô đại cáo:

      Như nước Đại Việt ta
      Thật là nước văn hiến
      Núi sông bờ cõi đã riêng
      Phong tục Bắc Nam cũng khác.
      Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần mở mang dựng nước
      Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đứng vững một phương
      Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
      Nhưng hào kiệt đời nào cũng có.


Nguyễn Trãi tự hào với những cái đã qua, ông càng tự hào với những cái hiện có. Những cái hiện có còn huy hoàng hơn cả những cái đã qua, "mà cũng thật cổ kim chưa đã thấy" như chính Nguyễn Trãi nhận định. Có tư tưởng anh hùng, có khí phách anh hùng, có truyền thống anh hùng thì nhất định có sự nghiệp anh hùng và những sự nghiệp đó nhất định ngày càng huy hoàng hơn trước. Nguyễn Trãi rất tự hào với những chiến công oanh liệt của quân dân ta đương thời đã mười năm ngoan cường chiến đấu chống quân Minh xâm lược. Gần như toàn bộ bài Bình Ngô đại cáo là để báo cáo với toàn dân những thành công của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại này, đồng thời nêu lên tinh thần và quyết tâm qủa quân dân ta và những đường lối chỉ đạo chiến tranh vô cùng tài giỏi đã đưa tới những thắng lợi huy hoàng đó.

Sau Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã tranh thủ nhiều dịp khác để thuật lại quá trình mười năm đánh thắng quân Minh xâm lược, nhằm không ngừng động viên, giáo dục tinh thần yêu nước yêu dân của quân dân đương thời. Phú núi Chí Linh và sách Lam Sơn thực lục cũng là bản Bình Ngô đại cáo, viết theo những thể loại khác, trong những trường hợp khác, nhưng nội dung và mục đích vẫn là một. Cho tới năm 1433, khi Lê Lợi chết, Nguyễn Trãi làm bài văn bia đặt tại lăng Lê Lợi. Tuy là văn bia, nhưng nội dung chủ yếu cũng vẫn là thuật lại và ca ngợi sự nghiệp mười năm anh dũng đánh giặc cứu nước của dân tộc ta.
__________________________________
1. Bĩ mà lại thái: Qua cơn loạn lạc, trở lại thái bình.
2. Hối mà lại minh: Tối rồi lại sáng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:43:41 pm »


Câu hỏi 22: Tư tưởng "nhân nghĩa" của Nguyễn Trãi - một biểu hiện của tinh thần văn hóa Việt Nam thể hiện trong "Bài cáo bình Ngô” và các tác phẩm khác của ông như thế nào?

Trả lời:


Mở đầu bài Bình Ngô đại cáo (Bài cáo bình Ngô) nổi tiếng, Nguyễn Trãi viết:

      Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân.
      (Việc nhân nghĩa cốt ở an dân).

Thật đáng chú ý là một tác phẩm lớn có nội dung phong phú và âm điệu hào hùng như Bình Ngô đại cáo mà lại được mở đầu bằng hai chữ nhân nghĩa. Trong Bình Ngô đại cáo có 3 chữ nhân và 4 chữ nghĩa. Nếu xét toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Trãi mà chúng ta còn được biết thì thấy chữ nhân được nêu lên 59 lần và chữ nghĩa được nêu lên 81 lần1. Hai chữ nhân và chữ nghĩa được nêu lên tổng cộng là 140 lần như thế đã hoặc là từng chữ đứng một mình hoặc là hai chữ đứng cạnh nhau, hoặc là mỗi chữ ghép với một chữ khác (như trung, tín, lễ, v.v...). Rõ ràng là Nguyễn Trãi hay nói đến nhân nghĩa.

Trong Lệnh dụ các tướng hiệu quân nhân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa (Quân trung từ mệnh tập), câu mở đầu là: "Ta khởi nghĩa ở đất các ngươi, nay muốn thành công, mong các ngươi giữ chung thủy một lòng, đá vàng một tiết để toàn cái nghĩa quân thần, phụ tử".

Trong Chiếu cấm các đại thần, tổng quản, cùng các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham lam lười biếng, gần cuối có câu: "Vua tôi nghĩa lớn, trọn vẹn trước sau...".
Trong bài thơ Nôm Bảo kính cảnh giới có các câu 5 và 6 như sau:

      Có con mới biết ơn cha nặng,
      Dùng lộc thì hay nghĩa chúa nhiều.


Trong Thư gửi cho Vương Thông, có câu: "Thế thật là các ngài đã vì nước hết trung, tôn vua theo nghĩa".

Trong bài Văn tẩu cáo liệt thánh nhà Trần, nhân danh Lê Lợi khấn các vua Trần, có câu: "Tổ phụ thần chịu nhiều ơn nước,... nghĩa phải hết trung ra sức...”.

Trong Lam Sơn thực lục (quyển III, kết thúc bộ sách, lời của Lê Thái Tổ dạy bảo quần thần) có câu: "Trong khoảng vua tôi, lấy nghĩa lớn mà xử với nhau".

Trong các trường hợp trên, khái niệm nghĩa được dùng để biểu hiện quan hệ vua tôi. Đó là quan điểm của Nguyễn Trãi về chữ nghĩa. Còn như quan điểm của Nguyễn Trãi về nội dung của nhân có liên hệ gì với quan điểm của Khổng Tử hay không? Có thể nói rằng không. Trong 59 lần chữ nhân được nhắc đến trong tác phẩm của Nguyễn Trãi - hoặc là chữ nhân đứng một mình, hoặc là chữ nhân được dùng như một thành tố trong các từ ghép như nhân nghĩa, nhân từ, khoan nhân, v.v... - không hề có vương vất một ý tứ gì liên quan đến việc bảo vệ trật tự đẳng cấp (khắc kỷ phục lễ) như trong cách hiểu của Khổng Tử. Có một trường hợp trong đó đã thể hiện một khía cạnh khác của hệ ý thức phong kiến. Trong một bức Thư gửi cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt có đoạn viết: "Tôi cũng lấy đạo nhân nghĩa, hết lòng kính thờ triều đình, phàm quan quân của triều đình đều đưa về hết". Thế là nhân nghĩa được hiểu như là hết lòng kính thờ triều đình. Rõ ràng ở đây thể hiện quan điểm có tính chất phong kiến về đạo nhân nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề ở đây cần được xem xét một cách tinh tế. Khi viết bức thư này, nghĩa quân Lam Sơn chưa áp đảo được quân giặc, cho nên lời lẽ trong thư còn rất mềm mỏng. Nguyễn Trãi đã nhân danh Lê Lợi, tự coi là vẫn thần phục triều đình nhà Minh. Cũng vì vậy mà ông đã gắn nhân nghĩa với việc kính thờ triều đình. Nói với bọn quan lại và tướng lĩnh nhà Minh thì cần phải dùng cách nói của chúng. Đối với chúng thì đạo nhân nghĩa trước hết là đạo thờ vua, thờ "thiên tử".
___________________________________
1. Nguyễn Trãi - khí phách và tinh hoa của dân tộc, Viện Văn học, Nxb Khoa học xã hội, H. 1980.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:46:00 pm »


Trong bức thư thứ nhất Thư gửi Liễu Thăng (đang trên đường hùng hổ tiến về Chi Lăng, nơi mà hắn sẽ nộp mạng), Nguyễn Trãi đã mở đầu bằng cách trích dẫn một câu nói của Mạnh Tử: "Chỉ có người nhân mới có thể với tư cách là nước lớn mà giao tiếp với nước nhỏ. Chỉ có người trí mới có thể với tư cách là nước nhỏ mà giao tiếp với nước lớn. Nước lớn hòa hảo với nước nhỏ là vui theo mệnh trời. Nước nhỏ hòa hảo với nước lớn là kiêng sợ mệnh trời"1.

Ý tứ trên đây được Mạnh Tử dùng để giải thích về quan hệ "giao lân quốc" tức bang giao. Theo ông thì nước lớn phải lấy chữ nhân, tức là lấy độ lượng bao dung, mà đối xử với nước nhỏ: đó là vui theo mệnh trời. Còn nước nhỏ thì phải lấy chữ trí, tức là lấy sự khôn khéo, mà đối xử với nước lớn: đó là kiêng sợ mệnh trời. Ở đây Mạnh Tử đã trình bày một cách văn vẻ quan điểm về sự bất bình đẳng mà ông cho là tất yếu trong quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ. Nước lớn phải có độ lượng bao dung tức là vui theo cái đạo của kẻ cả, còn nước nhỏ thì phải biết kiêng sợ nước lớn, ăn ở một cách khôn khéo. Khi nhắc lại ý kiến trên của Mạnh Tử, thì Nguyễn Trãi viết rất rõ như sau: "Ta nghe Mạnh Tử có bảo rằng...”. Ở đây, cũng lại là một trường hợp trong đó ông muốn thuyết phục bọn tướng lĩnh của giặc Minh bằng cách trích dẫn chữ nhân của Mạnh Tử, người được chúng coi như là tiêu biểu cho chân lý.

Tóm lại, trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi cũng có những chỗ mà chữ nhân và chữ nghĩa được quan niệm gần giống với Khổng, Mạnh. Đó trước hết là vì Nguyễn Trãi đã được đào tạo trong nhà trường Nho học. Lý do thứ hai không kém quan trọng là trong nhiều tác phẩm ông đã nhân danh vua mà viết và lại viết cho tướng lĩnh hoặc vua nhà Minh.

Tuy nhiên, với Nguyễn Trãi thì chữ nhân và chữ nghĩa trong đại đa số trường hợp thường có những nội dung không gắn với quan điểm của Khổng Tử và Mạnh Tử, hơn nữa còn trái ngược với quan điểm của hai người ấy.

Trước hết, Nguyễn Trãi đã nhiều lần gắn chặt nhânnghĩa với "an dân". Mở đầu Bình Ngô đại cáo, ông viết: "Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”.

Trong một bức thư gửi Vương Thông, ông viết: “... Dùng quân nhân nghĩa cứu dân khổ đánh kẻ có tội".

Trong bức Thư dụ hàng các tướng sĩ trong thành Bình Than, ông viết: "Ta nghe: đại đức hiếu sinh, thần vũ bất sát, đem quân nhân nghĩa đi đánh dẹp cốt để an dân".

Trong bức thứ hai Thư gửi Liễu Thăng, ông viết: “Ta nghe quân của vương giả chỉ có dẹp yên mà không có đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt để an dân".

Trong bài Biểu gửi vua Minh, ông viết: "Đánh kẻ có tội, cứu vớt dân, là thánh nhân làm việc đại nghĩa”.
_____________________________________
1. Nguyên văn câu nói của Mạnh Tử là như sau: "Chỉ có người nhân mới có thể với tư cách là nước lớn mà giao tiếp với nước nhỏ. Vì thế mà vua Thang hòa hảo với Cát, vua Văn Vương hòa hảo với Côn Di. Chỉ có người trí mới có thể với tư cách là nước nhỏ mà giao tiếp với nước lớn. Vì thế mà Thái Vương hòa hảo với Huân Dục, Câu Tiễn hòa hảo với Ngô. Lấy nước lớn mà giao hảo với nước nhỏ là vui theo mệnh trời vậy, lấy nước nhỏ mà giao hảo với nước lớn là kiêng sợ mệnh trời vậy...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:46:48 pm »


Trong quyển I sách Lam Sơn thực lục, có những câu như: "hay vỗ về dân chúng, khoan nhân và thương người...", "dân ở lân cận cũng coi như người cùng nhà, do đó chẳng ai là không cám ơn và phục nghĩa".

Trong bức Thư gửi Phương Chính, ông viết: "Nước ngươi nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng thăm dân đánh kẻ có tội, kỳ thực làm việc bạo tàn, lấn cướp đất nước ta, thuế nặng hình phiền vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư?"

Trong một bức Thư gửi Vương Thông, ông viết: "Song không làm cho nước đã bị diệt được phục hưng, dòng dã tuyệt có thừa kế, mà lại muốn cùng binh độc vũ, khiến dân vô tội liền năm thiệt mạng ở trước gươm đao, có lẽ nào bụng dạ nhân quân tử mà lại như thế ư?"

Trong Thư gửi thổ quan thành Điêu Diêu, ông viết: "Đấng thượng đế nghĩ thương dân ta, đã mượn tay ta đại thiên hành hóa, Thái sư Vệ quốc công mà cứu dân đánh kẻ có tội để khôi phục cơ đồ. Quân đi đến đâu, nghĩa thanh vang dậy, dân chúng bốn phương cõng địu nhau mà kéo đến theo ta".

Trong một bức Thư gửi Vương Thông, ông viết: "Tôi trộm tính kế cho ngài, chẳng gì bằng rút quân khải hoàn, để cho hai nước thoát khỏi cái khổ can qua không ngớt..., để nên cái nghĩa phục lại nước dã diệt, nối lại dòng dã tuyệt, để tỏ lòng nhân xem dân như một...".

Trong một bức Thư gửi Vương Thông, ông viết: "Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa".

Trong Thư dụ hàng thành Xương Giang, ông viết: "Kể ra, thích cho người sống mà ghét việc giết người là một vị tướng có nhân nghĩa; xét biết thời cơ mà biết lượng sức mình là một vị tướng có tri thức. Ta kính vâng mệnh trời, lấy đại nghĩa chuyên việc đánh dẹp. Nghĩ đến cơ đồ tổ tông bị nguy đổ, thương nỗi đời sống của dân phải lầm than, đánh thành lấy đất không giết một người. Cho nên đánh đông dẹp tây, không nơi nào không phục".

Trong bức Thư gửi Mộc Thạnh, ông viết: "Lòng người có nhân thường muốn cho người khác được thành đạt. Trước đây tôi gửi thư đến nói về quan hệ lớn giữa việc quốc gia thành hay bại cùng sinh dân vui hay buồn. Người có lòng muốn an dân há chẳng chạnh lòng thương ư?".

Trong Thư gửi Sơn Thọ, Mã Kỳ, ông viết: "Làm hại cả tính mệnh của dân trong một thành thì lòng của bậc nhân giả không làm thế".

Trong bài Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo Thái tử, ông viết: "Mến người có nhândân...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:47:17 pm »


Rõ ràng là trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, chữ nhân và chữ nghĩa không những đã được gắn chặt với hai chữ an dân mà thường là xoắn xuýt với chữ dân. Nhânnghĩa là chăm lo cho dân, là cùng dân vui hay buồn, là gắn bó làm một với dân.

Như thế là Nguyễn Trãi đưa vào khái niệm nhân nghĩa một nội dung vốn rất mờ nhạt nếu không muốn nói là khó thấy ở Khổng Tử và Mạnh Tử. Ở hai người này, nhânnghĩa trước hết là những mối quan hệ phù hợp với lễ tức là trật tự đẳng cấp. Và đạo nhân nghĩa mà Khổng Tử và Mạnh Tử đề xướng chủ yếu nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị. Còn ở Nguyễn Trãi thì nhânnghĩa trước hết được giải thích bằng thái độ đối với dân, và đạo nhân nghĩa của ông là nhằm phục vụ dân chúng.

Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Trãi luôn luôn tỏ lòng quan tâm sâu sắc đối với dân. Không kể các trường hợp trong đó ông dùng những danh từ quen thuộc của cổ văn để gọi dân như "xích tử", "manh lệ”, "sinh linh", "bách tính", "thương sinh", v.v..., thì ông đã dùng đến 155 chữ dân. Ở trên vừa trình bày những trường hợp trong đó ông đã liên hệ dân với nhânnghĩa. Qua đó có thể thấy ông hiểu nhânnghĩa là bổn phận đối với dân. Thật là khác với Khổng Tử và Mạnh Tử là những người đã cho rằng nhânnghĩa là bổn phận đối với bề trên, mà bề trên cao nhất, thiêng liêng nhất là vua.

Trong tất cả các trường hợp mà Nguyễn Trãi không liên hệ trực tiếp chữ dân với chữ nhân và chữ nghĩa, vẫn có thể thấy việc coi trọng dân, ý thức phục vụ quyền lực của dân nổi lên rất rõ và khác xa tinh thần của Khổng, Mạnh.

Nguyễn Trãi có ý thức rất rõ về sức mạnh của dân. Trong bài Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo Thái tử, ông viết: "Vả lại mến người có nhândân, mà chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”. Trong câu này, Nguyễn Trãi đã nhắc lại một lời nói của Khổng Tử. Theo sách Khổng Tử gia ngữ thì Khổng Tử đã nói với vua nước Lỗ là Lỗ Ai Công rằng: "Vua là thuyền, dân là nước. Nước có thể chở thuyền, cũng có thể lật thuyền". Khổng Tử cũng hiểu được sức mạnh của dân là vô cùng to lớn. Nhưng có điều là trong câu nói trên, ông muốn khuyên vua Lỗ nên biết dùng sức dân vì lợi ích của mình và cảnh cáo rằng nếu vua có thể dựa vào sức dân cũng như thuyền dựa vào nước mà nổi lên được thì vua lại có thể bị sức dân lật đổ cũng như thuyền bị nước lật úp mà chìm. Nguyễn Trãi đã nhắc lại ý của Khổng Tử, nhưng lại nhấn mạnh rằng "mến người có nhândân". Ông cho rằng biết coi trọng dân, chăm lo cho dân, tức là thực hành đạo nhân nghĩa thì có thể dựa vào sức mạnh vô địch của dân để làm nên sự nghiệp lớn.

Trong Bình Ngô đại cáo, ông đã vạch trần tội ác của giặc đối với dân: "Nướng thương sinh trên ngọn lửa hung tàn, vùi xích tử xuống dưới hầm tai vạ. Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế, gây binh kết hấn trải hai mươi năm. Bại nhân nghĩa, nát cả đất trời, nặng thuế khóa, sạch không đầm núi... Độc ác thay, trúc Sơn Nam không ghi hết tội. Dơ bẩn thay, nước Đông Hải khó rửa sạch mùi! Lẽ nào trời đất dung tha, ai bảo thần dân chịu được?".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:48:16 pm »


Chính những hành vi bại nghĩa, thương nhân, tức là tàn hại dân chúng, đã làm cho giặc suy yếu đi vì chúng trở thành đối tượng căm phẫn và phản kháng của dân. Trái lại, Lê Lợi nhờ ở sự ủng hộ của dân mà đã có sức mạnh vô địch: "Sào dựng lên làm cờ, tụ hợp bốn phương dân cày, phu tráng; Rượu hòa suối cùng uống, trên dưới sĩ binh một dạ cha con". Nguyễn Trãi đã thấy rõ và nêu cao sự ủng hộ rộng lớn của nhân dân đối với phong trào Lam Sơn. Thế là Bình Ngô đại cáo đã phản ánh được tính nhân dân rộng rãi của phong trào Lam Sơn, tuy rằng Nguyễn Trãi chưa dùng thuật ngữ tính nhân dân như chúng ta ngày nay.

Nguyễn Trãi đã gắn nhânnghĩa với dân, đồng thời ông lại gắn nhân, nghĩadân với quốc.

Trong bài thơ chữ Hán Hạ quy Lam Sơn (Mừng trở về Lam Sơn), ông viết:

      Quyền mưu bản thị dụng trừ gian,
      Nhân nghĩa duy trì quốc thế an...

      (Quyền mưu vốn dĩ để trừ gian,
      Nhân nghĩa giữ gìn thế nước an).

Thế là việc nhân nghĩa cốt để an dân mà cũng để an quốc thế nữa.

Trong bài thơ Nôm Trần tình, ông viết:

      Quốc phú binh cường chăng có chước,
      Bằng tôi nào thửa ích chưng dân.


Nếu diễn giải ra ngôn ngữ hiện đại thì hai câu thơ này có nghĩa như sau: "Nếu không có mưu cao chước giỏi để làm cho nước giàu, quân mạnh thì với tư cách là kẻ làm bề tôi cho triều đình nào có làm ích lợi gì cho dân?". Làm cho nước giàu, quân mạnh, làm cho Tổ quốc được giàu có, làm cho quân đội được hùng mạnh để bảo vệ Tổ quốc là phận sự của người bề tôi của triều đình. Và theo Nguyễn Trãi thì làm tròn phận sự ấy rút cục lại là để chăm lo cho ích lợi của dân.

Khổng Tử và Mạnh Tử không phải là không có lúc nói đến dân và cũng có khi đề ra yêu cầu phải quan tâm đến dân. Nhưng đó chỉ là để sử dụng một cách có hiệu quả nhất sức dân nhằm phục vụ cho vua. Đối với họ, vua là nước, và đạo nhân nghĩa của họ trước hết nhằm duy trì trật tự đẳng cấp trong cái nước của vua ấy. Nguyễn Trãi nói đến nước, cũng có nói đến vua, và ông cũng coi vua là đại diện cho nước. Điều kiện lịch sử chưa cho phép bất cứ ai trong thế kỷ XV quan niệm được rằng có nước nào mà lại không cần có vua đứng đầu. Nhưng nếu như không ít người trong giai cấp phong kiến đã đặt hai chữ trung quân, tức là trung với vua, lên hàng đầu thì Nguyễn Trãi đã có thái độ khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:49:21 pm »


Nguyễn Trãi cũng coi trọng hai chữ trung quân. Ông viết:

      Bui có một niềm chăng nỡ trễ.
      Đạo làm con liễn đạo làm tôi.
      Quân thân chưa báo lòng canh cánh,
      Tình phụ cơm trời áo cha.

                                      (Ngôn chí)

Tuy nhiên, trong quan niệm của Nguyễn Trãi thì ý nghĩa chủ yếu của chữ trung lại là trung với nước. Xem xét hành trạng của Nguyễn Trãi thì có thể thấy nét đặc sắc ấy trong tư tưởng của ông. Là cháu ngoại họ Trần, Nguyễn Trãi làm quan giúp nhà Hồ. Khi giặc Minh cướp nước ta, Nguyễn Trãi vâng lời cha trở về giúp nước, nhưng lại không tham gia cuộc kháng chiến của Trần Giản Định và Trần Trùng Quang, tức là cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần, mà tìm vào Lam Sơn giúp Lê Lợi.

Nguyễn Trãi ra cộng tác với nhà Hồ, vì ông hy vọng tìm thấy ở Hồ Quý Ly một nhà cải cách táo bạo, con người có thể đưa Tổ quốc ra khỏi hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà các vua cuối đời Trần đã gây ra. Niềm hy vọng ấy đã không thành sự thực. Sau này, Nguyễn Trãi tìm vào tận rừng núi Lam Sơn để giúp Lê Lợi, một người xuất thân áo vải, vì ông thấy phong trào Lam Sơn thu hút được sự ủng hộ của dân. Ông đã cùng với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chiến thắng quân giặc xâm lược vì có được sự ủng hộ ấy. Trước giúp Hồ Quý Ly, và sau giúp Lê Lợi, Nguyễn Trãi đều nhằm mục đích cứu nước cứu dân. Trước thì thất bại, sau thì thành công, kết quả tuy có khác nhau, nhưng động cơ của hành động chỉ là một. Ngày xưa, người ta không thể quan niệm được một nước mà lại không có vua. Nhưng Nguyễn Trãi không bị sa lầy trong tư tưởng "trung thần bất sự nhị quân", tư tưởng thường làm cho không ít người rơi vào cái nạn ngu trung, tức là trung với cả những hôn quân bạo chúa, trung với cả những nhà vua bán nước. Nguyễn Trãi có nói đến trung với vua, nhưng ông đòi hỏi vua phải chăm lo đến lợi ích của nước, của dân. Trong bài Chiếu về việc làm bài Hậu tự huấn để răn bảo Thái tử, ông đề ra những yêu cầu đối với nhà vua như sau: "... Phàm những phép giữ nước cầm quân, những phương giữ mình trị nước, thi hành nên cố sức, chăm chỉ chớ ham vui. Hòa thuận tông thân, nhớ giữ một lòng hữu ái, thương yêu dân chúng, nghĩ làm những việc khoan nhân. Chớ thưởng bậy vì tư ân, chớ phạt bừa vì tư nộ. Đừng thích của tiền mà luông tuồng xa xỉ, đừng gần thanh sắc mà bừa bãi hoang dâm".

Như thế là Nguyễn Trãi có nói đến trung với vua, nhưng chỉ với vua biết thi hành nhân nghĩa, tức là biết lo cho dân, cho nước. Lòng trung quân của ông là có điều kiện. Ông mà có thể giúp Hồ Quý Ly thời trước và lại có thể giúp Lê Lợi thời sau thì chính cũng vì muốn giúp những người mà ông hy vọng là có đủ sức đảm đương sự nghiệp cứu nước, cứu dân. Lòng ưu quốc ái dân của ông là vô điều kiện.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi gắn với lòng ưu quốc ái dân của ông. Với Nguyễn Trãi thì làm việc nhân nghĩa là dựa vào sức của dân, để lo cho vận nước, và lo cho vận nước là vì lợi ích của dân. Do đó, đạo nhân nghĩa có sức mạnh vô địch. Trong Bình Ngô đại cáo, ông viết: "Rút cục, lấy đại nghĩa mà chiến thắng hung tàn, đem chí nhân mà thay đổi cường bạo" (Tốt năng dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn, dĩ chí nhân nhi địch cường bạo). Trong Thư trả lời tướng giặc Phương Chính, ông viết: "Người nhân lấy yếu chế mạnh, người nghĩa lấy ít địch nhiều".

Thắng hung tàn không dễ, mà địch cường bạo còn khó hơn. Trước đây địch cường bạo đã được phiên dịch thành "thay cường bạo". Phiên dịch như thế chưa được rõ nghĩa lắm, vì có thể khiến người ta hiểu bảy chữ "dĩ chí nhân nhi địch cường bạo" là: lấy sự chí nhân mà thay thế cho sự cường bạo. Nghĩa của bảy chữ ấy không phải là như vậy. Bảy chữ trên có nghĩa là: lấy sự chí nhân (của ta) mà làm thay đổi đi sự cường bạo (của địch), tức là làm cho kẻ địch không còn cường bạo nữa. Nguyễn Trãi tin tưởng ở sức mạnh cảm hóa, cải tạo của chính nghĩa là như vậy đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:50:01 pm »


Tư tưởng nhân nghĩa tức là chính nghĩa vì nước, vì dân mà Nguyễn Trãi luôn luôn nêu cao đã thể hiện tinh thần dân tộc, mối quan tâm đến nước ta, dân ta, đồng thời lại bao hàm cả đến dân chúng nhà Minh bị vua quan nhà Minh đẩy đến chỗ cùng khổ vì chính sách gây chiến và xâm lược của chúng.

Trong Thư gửi Liễu Thăng, ông viết: "Từ bấy giờ đến ngày nay, hơn hai mươi năm, binh đao liên tiếp, tai vạ thảm thương, dân Trung Quốc khổ sở vì việc chinh phạt...". Trong một bức Thư gửi cho Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kỳ, ông viết: "... Huống chi đất ở cõi xa không dùng làm gì, nếu giữ lấy thì chỉ tốn cho Trung Quốc, nếu bỏ đi thì dân Trung Quốc có thể sống lại...".

Như thế là vì đứng trên quan điểm nhân nghĩa mà Nguyễn Trãi nhìn được rộng, được xa. Trong Bình Ngô đại cáo, ông viết: "Nó đã chí cùng lực kiệt, chờ chết bó tay ta mưu phạt mà tâm công, không đánh mà nó tự khuất" (Bỉ chí cùng lực tận, thúc thủ đãi vong. Ngã mưu phạt nhi tâm công, bất chiến tự khuất). Mưu phạt, tâm công, bốn chữ này có người hiểu như sau: đánh bằng mưu, đánh vào lòng. Hiểu như thế e không chính xác. Đánh vào lòng có nghĩa là đánh vào tinh thần quân giặc, mà ở đây thì không phải là như thế. Mưu phạt, tâm công là cách viết gọn. Nếu muốn cho thật rành mạch thì có thể viết là: dĩ mưu phạt, dĩ tâm công, nghĩa là lấy mưu dùng mưu mà đánh, lấy tấm lòng, dùng tấm lòng mà đánh. Mà tấm lòng ở đây bao hàm chí nhânđại nghĩa. Dùng mưu tức là dùng trí tuệ và cùng với trí tuệ lại dùng tấm lòng cao cả. Các sức mạnh ấy đã khiến giặc phải khâm phục. Chí nhân, đại nghĩa còn có thể thuyết phục, cải hóa chúng, có thể "địch cường bạo" như vừa phân tích ở trên. Như thế thì có thể "bất chiến tự khuất", tức là không phải đánh thành, phá trận mà bản thân giặc tự nguyện đầu hàng. Để có thể "bất chiến tự khuất", Nguyễn Trãi đã sáng suốt và thẳng thắn vạch cho quân giặc thấy rõ ràng lợi ích chính đáng của chúng và của nhân dân nước họ là từ bỏ xâm lược. Qua các tác phẩm chính luận của mình, tức là những bức thư gửi cho tướng giặc, ông đã giúp cho không ít người trong bọn chúng nhận ra sự thực. Có người đã nhận xét một cách sâu sắc rằng Nguyễn Trãi không bàn nhiều về cách đánh vào thành mà giỏi bàn về cách đánh vào lòng, đã khiến cho mười lăm thành giải giáp, xin hàng, đỡ rất nhiều xương máu cho nghĩa quân Lam Sơn. Trong bài Phú núi Chí Linh, Nguyễn Trãi viết: "Thần vũ không giết, đức lớn hiếu sinh. Nghĩ vì kế lâu dài của Nhà nước, tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh. Sửa hòa hiếu cho hai nước, tắt muôn đời chiến tranh".

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi bao hàm mối quan tâm sâu sắc đến lợi ích của đất nước Đại Việt, nhân dân Đại Việt, cũng chính là đức hiếu sinh và do đó bao hàm lòng yêu chuộng hòa bình và tinh thần hữu nghị đối với lân bang. Tư tưởng nhân nghĩa ấy là một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước sâu sắc, đồng thời là một biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo rộng lớn.

Không thể phủ nhận rằng trong một số trường hợp mà Nguyễn Trãi đề cập đến nhânnghĩa, ông cũng nhắc lại những khía cạnh nào đó của tư tưởng Khổng, Mạnh và nói chung thì ảnh hưởng của Nho giáo đối với Nguyễn Trãi là có thực. Hơn nữa, Nguyễn Trãi còn tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo và Đạo giáo, và ảnh hưởng này cũng thể hiện trong sự nghiệp trước tác và sáng tác của ông. Việc Nguyễn Trãi tiếp thu ảnh hưởng văn hóa nước ngoài không có gì lạ. Đến thế kỷ XV, sự giao lưu văn hóa ở châu Á đã có lịch sử hàng nghìn năm. Và một người được đào tạo trong nhà trường Nho học như Nguyễn Trãi thì chắc chắn đã đọc những chữ nhân, chữ nghĩa trong kinh điển của Nho giáo.

Tuy nhiên, tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi lại chủ yếu có cơ sở trong thực tế đời sống của dân tộc ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2016, 06:50:30 pm »


Như đã trình bày, chữ nhân vốn muốn biểu hiện quan hệ giữa người và người, và chữ nghĩa vốn muốn biểu hiện quan hệ giữa cá thể và cộng đồng. Những mối quan hệ ấy thì ở xã hội nào cũng có. Đó là những mối quan hệ trong gia đình và trong xã hội, từ thân cận như giữa cha con anh em đến rộng lớn như giữa những người trong cùng một nước. Lại cần phải kể cả đến mối quan hệ giữa người và người nói chung, tức là mối quan hệ có tính chất nhân loại. Và ở ngôn ngữ dân tộc nào thì cũng đều có những tên để gọi những mối quan hệ ấy.

Trải qua hàng nghìn năm giao lưu văn hóa, không ít từ ngữ Hán, nhất là các từ ngữ thuộc phạm vi văn hóa tinh thần (chính trị, đạo đức, triết học, v.v...), đã thâm nhập xã hội nước ta. Các từ ngữ ấy thường nhanh chóng được Việt hóa, nghĩa là trở thành từ ngữ Việt Hán, đọc theo âm thanh Việt, và kết hợp với các từ ngữ Việt theo quy luật của ngữ pháp Việt. Sự Việt hóa ấy còn thể hiện trong ngữ nghĩa nữa, và không thiếu gì dẫn chứng cho thấy trong kho từ vựng Việt, những từ ngữ có nguồn gốc Hán đã thay đổi ý nghĩa để phục vụ cho việc biểu hiện những khái niệm gắn với thực tế của đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc ta.

Vì lý do trên, rất có thể là các từ nhânnghĩa đã nhập vào kho từ vựng thông dụng của nhân dân ta từ trước thời Nguyễn Trãi. Quá trình thâm nhập này có thể đã trải qua những con đường khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn là những từ nhânnghĩa đã được nhân dân hiểu theo ý nghĩa tích cực, tức là phù hợp với lý tưởng của nhân dân về những mối quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Nếu những từ nhânnghĩa đã thâm nhập vào kho từ vựng của nhân dân trước Nguyễn Trãi thì chắc chắn là nội dung của các từ ấy theo cách hiểu của nhân dân đã được Nguyễn Trãi tiếp thu và làm cho phong phú thêm. Nhưng cũng có thể là trước Nguyễn Trãi, những từ nhânnghĩa chưa nhập vào kho từ vựng thông dụng của nhân dân ta. Nếu thế thì những từ nhânnghĩa đã được Nguyễn Trãi là người đầu tiên hiểu theo ý nghĩa tích cực, khác với ý nghĩa mà ông thấy được trong kinh điển của Nho giáo. Dầu trong trường hợp nào, thì qua thực tế trước tác và sáng tác của Nguyễn Trãi, hiển nhiên có thể thấy ông đã dùng những từ ấy để biểu hiện những tình cảm lớn có tính chất truyền thống của dân tộc ta, của nhân dân ta, những tư tưởng tình cảm được nâng cao thêm trong cuộc đấu tranh gian khổ và vĩ đại hồi đầu thế kỷ XV.

Xét cho kỹ, nếu tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi không phải là sản phẩm trực tiếp của nhân dân thì nó cũng là sản phẩm gián tiếp của nhân dân. Tư tưởng ấy không phải chỉ nảy sinh từ phong trào cứu nước đầu thế kỷ XV mà còn bắt nguồn từ những truyền thống tốt đẹp của hàng nghìn năm lịch sử dân tộc.

Trong nền văn hóa tinh thần của dân tộc ta từ trước thế kỷ XV, đã hình thành những truyền thống tốt đẹp.

Đó là tinh thần cộng đồng vốn có từ thời kỳ Văn Lang, Âu Lạc, được nâng cao trong thời kỳ đấu tranh chống ách Bắc thuộc, củng cố trong thời kỳ Đại Việt từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV. Đó là ý thức về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước gian khổ và anh hùng. Những truyền thống ấy đã ăn sâu vào đời sống của xã hội từ rất lâu đời.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM