Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:11:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  (Đọc 37497 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:46:23 pm »


Câu hỏi 13: Sau thời gian hòa hoãn với quân Minh, nghĩa quân Lam Sơn quyết định tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang, xác định phương hướng chiến lược trong giai đoạn mới, đó là: Tiến vào Nghệ An, xây dựng căn cứ địa, giành thế chủ động tiến công. Ai là người đề ra kế hoạch có tầm chiến lược này? Trình bày quá trình thực hiện kế hoạch đó của nghĩa quân Lam Sơn.

Trả lời:


Sau khi đã quyết định tuyệt giao với địch và tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang, Lê Lợi liền họp bộ tham mưu cuộc khởi nghĩa để bàn kế tiến thủ. Trong buổi họp trọng yếu đó, vấn đế cơ bản của Lê Lợi đặt ra là: "Chúng ta sẽ đi về đâu để lo việc nước"1, tức là xác định phương hướng chiến lược cho cuộc khởi nghĩa trong giai đoạn mới.

Trong buổi họp, tướng quân Nguyễn Chích đề ra một kế hoạch nổi tiếng có tầm chiến lược quan trọng đến toàn bộ quá trình phát triển và thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn. Ông nói: "Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên rất thông thuộc đường đất. Nay ta trước hãy đánh lấy Tra Long chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đất đứng chân, rồi dựa vào nhân lực tài lực đất ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc dẹp yên thiên hạ"2

Nguyễn Chích muốn nghĩa quân tạm dời căn cứ chật hẹp của miền núi rừng Thanh Hóa để tiến vào chiếm lấy Nghệ An, xây dựng một căn cứ địa mới làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp đuổi giặc cứu nước. Kế hoạch sáng suốt của ông đã được Lê Lợi và bộ tham mưu chấp nhận như phương hướng chiến lược mới của cuộc khởi nghĩa.

Nguyễn Chích vốn là một nông dân nghèo đã từng khởi xướng và cầm đầu một cuộc khởi nghĩa ở vùng nam Thanh Hóa mà căn cứ trung tâm là vùng núi Hoàng - Nghiêu. Khi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Lê Lợi đã biết tiếng ông và sai người mang thư đến liên kết với ông. Từ đó, Nguyễn Chích tôn phù Bình Định vương như minh chủ và coi cuộc khởi nghĩa của mình là một bộ phận của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau trận đánh thắng Cổ Vô, đánh tan Lương Nhữ Hốt, giải phóng cả vùng Đông Sơn, Lê Lợi phong cho Nguyễn Chích chức vinh lộc đại phu lân hổ vệ tướng quân.

Nguyễn Chích đã từng lên yết kiến Lê Lợi nhưng vẫn cầm đầu nghĩa quân Hoàng - Nghiêu hoạt động ở phía Nam Thanh Hóa cùng phối hợp với nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi phong ông chức đô đốc đại phủ quản tổng đốc quân dân, tước Quan Nội hầu.

Cuối năm 1420, khi Lê Lợi đóng quân ở Mường Nanh, Nguyễn Chích đem toàn bộ lực lượng lên sáp nhập với nghĩa quân Lam Sơn. Ông được giữ chức thiết đột hữu vệ đồng tổng đốc chư quân sự, chỉ huy một đạo quân xung kích quan trọng của quân đội Lam Sơn. Từ đó cho đến năm 1423, Nguyễn Chích tham gia nhiều trận đánh, lập nhiều chiến công. Trong chiến đấu ông "xông pha nơi lửa đạn, liều chết không quản mình". Ông được thăng chức nhập nội thiếu úy - một chức tướng lĩnh cao cấp trong bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn.

Lòng yêu nước thương dân, trí thông minh và thực tiễn của cuộc chiến đấu đã tôi luyện Nguyễn Chích thành một tướng soái tài ba dũng cảm của nghĩa quân, một nhà quân sự xuất sắc thời bấy giờ.

Vốn hoạt động khắp vùng nam và tây Thanh Hóa, lại nhiều lần qua lại vùng Nghệ An nên Nguyễn Chích rất am hiểu địa thế và tình hình miền Thanh, Nghệ. Kế hoạch nổi tiếng của ông được xây dựng trên cơ sở sự hiểu biết tường tận đó là kết hợp với tầm mắt nhìn xa thấy rộng của một nhà chiến lược quân sự tài giỏi.
_____________________________________
1, 2. Văn bia Quốc triều tá mệnh công thần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:46:48 pm »


Đứng về mặt địa hình, dân số, Nghệ An (lúc bấy giờ bao gồm cả Hà Tĩnh) không hơn gì Thanh Hóa. Điều quan trọng là ở Nghệ An, nhân dân có truyền thống quật cường và lực lượng của địch lại tương đối yếu. Chính quyền đô hộ của nhà Minh ở đấy mới được xây dựng từ năm 1414, chưa được củng cố và luôn luôn bị uy hiếp bởi những cuộc khởi nghĩa của nhân dân, những cuộc binh biến của một số quan lại và binh sĩ yêu nước, trong hàng ngũ thổ quan, thổ binh. Thành Nghệ An khá kiên cố, nhưng lực lượng của địch cũng không tập trung nhiều như ở Thanh Hóa. Hơn nữa, trong sự bố trí lực lượng của địch, Nghệ An về mặt bắc, lại xa các sào huyệt như Đông Quan, Tây Đô, và về mặt nam, lực lượng của địch ở Tân Bình, Thuận Hóa rất mỏng.

Trong tình hình như vậy, nghĩa quân Lam Sơn có thể bất ngờ và nhanh chóng giải phóng toàn phủ Nghệ An. Nghĩa quân trước hết theo đường "thượng đạo" chiếm lĩnh miền núi "hiểm yếu", rồi tràn xuống vùng đồng bằng "đất rộng người đông", xây dựng "đất đứng chân" (lập cước chi địa) vững chãi để làm bàn đạp chiến lược tiến lên thu phục cả nước, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Từ Lam Sơn, ngày 12 tháng 10 năm 1424 (ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn), nghĩa quân bất ngờ tập kích đồn Đa Căng (Bất Căng, Thọ Xuân) để mở đường tiến vào giải phóng Nghệ An. Đồn này có hàng nghìn quân địch đóng giữ, do tên thổ quan tham chính Lương Nhữ Hốt chỉ huy. Trận ra quân thắng lợi giòn giã không những có tác dụng mở đường tiến quân, mà còn làm nức lòng nghĩa quân, nâng cao niềm tin tưởng vào phương hướng chiến lược mới của cuộc khởi nghĩa.

Nghĩa quân theo con đường "thượng đạo" tiến vào Nghệ An mà mục tiêu trước hết là hạ thành Trà Lân. Con đường núi này theo lưu vực sông Hiếu, sông Con và sông Lam.

Quân Minh hết sức bất ngờ và vội vàng đối phó một cách bị động. Tổng binh Trần Trí cùng với Phương Chính, Thái Phúc, Lý An điều quân từ thành Tây Đô đuổi theo phía sau. Tướng Minh ở Nghệ An là Sư Hựu cùng với bọn thổ quan là tri phủ Cầm Bành ở Trà Lân và tri phủ Cầm Lạn ở Quỳ Châu, được lệnh đem quân chặn phía trước. Quân địch âm mưu chặn đầu và đánh phía sau để tiêu diệt nghĩa quân trên đường vận động.

Nhưng nghĩa quân đã mưu trí bố trí một trận mai phục ở Bồ Đằng (hay Bồ Lạp, thuộc Quỳ Châu, Nghệ An) đánh bại cánh quân của Trần Trí. Trong trận này, nghĩa quân giết chết tướng giặc là đô ti Trần Trung, diệt trên 2.000 quân địch và thu được hơn 100 con ngựa. Trần Trí bị thua đau không dám bám sát theo sau nghĩa quân nữa. Cánh quân Sư Hựu cũng phải lui về lập đồn trại ở Trịnh Sơn để bảo vệ thành Trà Lân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:48:08 pm »


Hạ thành Trà Lân

Châu Trà Lân (còn gọi là Trà Long) thời Lê, là một châu quan trọng của miền núi Nghệ An, nay thuộc huyện Con Cuông, Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Thành Trà Lân, nơi Cầm Bành lập "sơn trại" chống lại nghĩa quân Lam Sơn, xây dựng trên một ngọn núi ở bờ Bắc sông Lam, gần ngã ba con sông Con (nay thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông). Thành đắp theo thế núi, chu vi chừng 2km, phía ngoài có hào và rào tre trúc dày. Cầm Bành và hơn 1.000 thổ binh rút lên "sơn trại" cố thủ, chờ quân cứu viện.

Chủ trương của nghĩa quân là phải chiếm được thành Trà Lân và như Nguyễn Chích đã đề ra: "nếu thuận theo thì vỗ về, nếu chống lại thì đánh lấy!”. Nghĩa quân vừa vây hãm, vừa dụ Cầm Bành đầu hàng.

Sau hơn hai tháng bị vây hãm, không có cứu viện, ngụy quan Cầm Bành kiệt sức và tuyệt vọng, phải đầu hàng nghĩa quân. Một mục tiêu quan trọng trong kế hoạch Nguyễn Chích đã được thực hiện thắng lợi. Trong "trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay" (Bình Ngô đại cáo), nghĩa quân vận dụng lối đánh kết hợp tiến công quân sự với dụ hàng và thương lượng. Trận thắng thể hiện một bước lớn mạnh về lực lượng và một bước phát triển về nghệ thuật quân sự của nghĩa quân.

Thành Trà Lân nằm bên bờ sông Lam nối liền miền núi rừng với vùng đồng bằng và trên con đường "thượng đạo" chạy ngang qua miền Tây Nghệ An. Hạ được thành Trà Lân nghĩa quân chiếm lĩnh được một vị trí then chốt; có thể khống chế cả miền núi rừng phía Tây Nghệ An và từ đây có thể uy hiếp thành Nghệ An cũng như tràn xuống vùng đồng bằng.

Lê Lợi đã dẫn đại quân theo sông Lam, tiến xuống đóng ở ải Khả Lưu (Vĩnh Sơn, Anh Sơn). Đây là một cửa ải hiểm yếu ở về tả ngạn sông Lam, cách thành Trà Lân khoảng 40km. Chiếm ải Khả Lưu, nghĩa quân khống chế con đường tiến quân của địch và chặn đầu quân địch.

Tại Khả Lưu, nghĩa quân làm kế nghi binh, "ban ngày thì bất ngờ gióng trống, ban đêm thì đốt lửa"1. Trong lúc đó, nghĩa quân đã bố trí một trận địa mai phục ở phía sau Khả Lưu và một cánh quân tinh nhuệ bí mật vượt sông, giấu quân ở Bãi Sở (Long Sơn, Anh Sơn) phía dưới doanh trại địch ở Phá Lũ.

Tướng giặc, Trần Trí đốc thúc đại quân vượt sông đánh vào Khả Lưu. Quân ta rút lui nhử địch vào trận địa mai phục rồi bất ngờ tung quân ra đánh. Cùng lúc đó, cánh quân ở Bãi Sở đánh úp vào doanh trại địch ở Phá Lũ. Quân Minh bị tổn thất rất nặng, "bị chém và chết đuối kể đến hàng vạn người"2.

Tuy nhiên, quân địch đông nên Trần Trí vẫn củng cố doanh trại, đắp thêm chiến lũy phòng vệ, để làm kế ngăn chặn lâu dài. Nghĩa quân lại dùng mưu điều địch ra khỏi doanh trại để đánh bại bằng lối đánh mai phục sở trường của mình. Lê Lợi ra lệnh đốt phá doanh trại ở Khả Lưu rút quân về mạn thượng lưu. Nghĩa quân bố trí một trận địa mai phục ở Bồ Ải (Đức Sơn, Anh Sơn) rồi khiêu chiến nhử địch lọt vào cạm bẫy. Trong trận này, quân ta bắt sống đô ti Chu Kiệt và hơn 1.000 tù binh, giết chết tướng tiên phong là đô ti Hoàng Thành và rất nhiều quân địch. Chiến thắng ở Khả Lưu - Bồ Ải, nghĩa quân đã đập tan được một cuộc phản công lớn của quân Minh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực của địch và đẩy chúng vào thế phòng ngự bị động.
__________________________________
1. Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi, Toàn tập.
2. Đại Việt sử ký toàn thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:49:36 pm »


Giải phóng các châu, huyện, vây hãm thành Nghệ An

Những chiến thắng liên tiếp của nghĩa quân ở Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu - Bồ Ải làm cho bộ máy chính quyền của địch ở các châu, huyện bị rung chuyển dữ dội. Quân địch hết sức hoang mang, khiếp sợ. Nghĩa quân thừa thắng, tỏa về các nơi cùng với nhân dân nhanh chóng lật đổ ách thống trị của địch, giải phóng các châu, huyện.

Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, vùng này đang có những cuộc khởi nghĩa, những hoạt động vũ trang chống Minh của nhân dân địa phương.

Phan LiêuVăn Luật vẫn chiếm giữ châu Ngọc Ma, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Minh.

Tại thôn Trang Niên (Yên Thành, Nghệ An), Nguyễn Vĩnh Lộc cùng với số nông dân khai hoang trong vùng đã tự vũ trang, xây dựng thành một "làng chiến đấu". Nghĩa quân vừa bảo vệ xóm làng quê hương chống lại các cuộc càn quét của địch, có cơ hội lại tập kích trại giặc, đoạt lấy lương thực, của cải về chia cho dân. Nguyễn Vĩnh Lộc được mọi người suy tôn làm "Tôn trưởng".

Phía Nam phủ Nghệ An, Nguyễn Biên cũng cầm đầu một cuộc khởi nghĩa chống Minh. Nguyễn Biên vốn là một nông dân nghèo ở Phù Lưu (Can Lộc) cùng với một số bà con thân thuộc vào khẩn hoang dưới chân núi Choác (Cẩm Xuyên). Nghĩa quân chiếm giữ Động Choác làm căn cứ khởi nghĩa. Một đồn trại giặc gần đấy bị nghĩa quân tiêu diệt, vết tích còn lại hiện nay là một gò đất cao mang tên là Đống Khách hay Nền thằng Ngô (xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên). Nghĩa quân Nguyễn Biên đã giải phóng được hai huyện Kỳ La (Cẩm Xuyên) và Hà Hoa (Kỳ Anh).

Sau khi nghĩa quân Lam Sơn hạ thành Trà Lân, Phan Liêu, Lộ Văn Luật và toàn bộ lực lượng xin theo Lê Lợi. Nguyễn Vĩnh Lộc và 19 người bạn chiến đấu hăng hái tìm đến yết kiến Bình Định vương, nguyện đứng trong đội ngũ chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn. Chính Nguyễn Vĩnh Lộc là người đã hiến mưu kế đánh thắng trận Khả Lưu.

Nguyễn Biên cùng đội nghĩa binh Động Choác cũng đem hai huyện giải phóng phía nam Nghệ An tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Từ đó, Nguyễn Biên giữ chức Bình Ngô thượng tướng quân chiến đấu dưới lá cờ Lam Sơn đại nghĩa.

Khởi nghĩa Lam Sơn đã trở thành nơi quy tụ của nhiều cuộc khởi nghĩa và nhiều lực lượng yêu nước. Hiện tượng đó đã diễn ra ở Thanh Hóa với sự tham gia của Nguyễn Chích, nay thành hiện tượng phổ biến và tiêu biểu cho một xu thế phát triển quan trọng của cuộc khởi nghĩa khi chuyển hướng vào Nghệ An.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:50:06 pm »


Tại miền núi, các dân tộc ít người cùng với tù trưởng của họ đều hăng hái tham gia khởi nghĩa, Lê Lợi đã "vỗ về yên ủi các bộ lạc, khen thưởng các tù trưởng"1. Hơn 5.000 trai tráng châu Trà Lân được tuyển vào đội ngũ nghĩa quân. Một tù trưởng người Thái là Cầm Quý trước đây giữ chức tri phủ châu Ngọc Ma của địch, cũng đem 8.000 quân và 10 voi chiến xin tham gia cuộc khởi nghĩa. Nhiều tù trưởng có công diệt giặc được Lê Lợi phong làm Khả Lam quốc công đến nay vẫn còn miếu thờ ở một số bản làng. Miếu Kẻ Trằng (Thọ Sơn, Anh Sơn) thờ Trương Hán là một tù trưởng đã giúp voi, ngựa, lương thực và dẫn đường cho nghĩa quân tiến về vây hãm thành Trà Lân. Miếu bản Phát (Lục Dã, Con Cuông) cũng thờ một Khả Lam quốc công có công giúp đỡ nghĩa quân.

Tiến xuống các châu, huyện vùng đồng bằng đông dân, nghĩa quân càng được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Sử cũ ghi chép hiện tượng đó một cách tổng quát: "Người già người trẻ tranh nhau đem trâu, rượu đến đón và khao quân, đều nói rằng: không ngờ ngày nay lại được trông thấy uy nghi của nước cũ"; hoặc "chia quân đi lấy các châu, huyện, đi đến đâu người ta nghe tiếng là quy phụ, cùng hợp sức để vây thành Nghệ An" và "nhân dân trong cõi dắt díu nhau đến như đi chợ" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Đặc biệt có nơi, nhân dân còn vũ trang nổi dậy phối hợp với nghĩa quân giải phóng quê hương xứ sở, tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nguyễn Tuấn Thiện ở Đỗ Gia.

Nguyễn Tuấn Thiện là một nông dân nghèo ở thôn Phúc Đậu (Sơn Phúc, Hương Sơn). Ông cha đều sống bằng nghề làm ruộng, đánh cá và săn bắn. Nguyễn Tuấn Thiện và một số thanh niên cùng chí hướng trong làng lập thành một đội vũ trang gọi là "quân Cốc Sơn" (Cốc Sơn là ngọn núi trong làng) để bảo vệ thôn xóm. Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào vùng này, Nguyễn Tuấn Thiện và đội quân Cốc Sơn đã huy động nhân dân nổi dậy, phối hợp với nghĩa quân đánh tan các đồn giặc, giải phóng toàn bộ huyện Đỗ Gia.

Đến tháng 2 năm 1425, 20 châu huyện của phủ Nghệ An đã được giải phóng. Bộ máy chính quyền của địch từ cấp phủ đến các châu, huyện bị sụp đổ, các đồn trại của địch lần lượt bị tiêu diệt. Quân Minh chỉ còn giữ được thành Nghệ An, "giặc đóng chặt cửa thành, không dám ra: thế là đất Nghệ An đều về ta hết" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Từ sau trận Khả Lưu - Bồ Ải, nghĩa quân đã đuổi theo, áp sát chân thành, bắt đầu uy hiếp và vây hãm thành Nghệ An. Các châu, huyện được giải phóng càng dồn quân địch ở thành Nghệ An vào thế cô lập. Tuy vậy, quân Minh do tổng binh Trần Trí cầm đầu vẫn dựa vào hệ thống phòng vệ kiên cố và cao điểm lợi hại của thành để cố thủ chờ viện binh.

Sau mấy lần phản công bị đại bại, quân Minh ở thành Nghệ An bị tổn thất nặng nề và mất hết khả năng phản kích, chúng đắp thêm thành lũy, lo cố thủ lâu dài. Nghĩa quân nhiều lần khiêu chiến, nhưng quân địch không dám ra khỏi thành. Quân ta xiết chặt vòng vây, giam chân chúng ở trong thành và xây dựng đất Nghệ An thành một căn cứ địa cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
_____________________________________
1. Đại Việt sử ký toàn thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:52:19 pm »


Câu hỏi 14: Sau khi vây hãm quân Minh ở thành Nghê An nghĩa quân Lam Sơn vừa xây dựng căn cứ địa, vừa tiếp tục mở rộng khu vực giải phóng, tiến ra Bắc giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa, vào Nam đánh chiếm Tân Bình, Thuận Hóa. Quá trình đó được diễn ra như thế nào?

Trả lời:


Tháng 2 năm 1425, hầu như toàn phủ Nghệ An đã được giải phóng. Quân Minh chỉ giữ được thành Nghệ An và bị đẩy vào thế cố thủ bị động: "Giặc đóng chặt cửa thành không dám ra. Thế là đất Nghệ An về ta hết" (Đại Việt sử ký toàn thư). Cả một vùng ''Hiểm yếu, đất rộng người đông" đã trở thành "đất đứng chân" (Nguyễn Chích) của cuộc khởi nghĩa.

Từ phủ Nghệ An được xây dựng thành "đất đứng chân" vững vàng như vậy, nghĩa quân tiến ra Bắc giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa và tiến vào Nam giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa.

Tháng 6 năm 1425, tướng Đinh Lễ được lệnh tiến ra giải phóng phủ Diễn Châu (gồm các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành). Sử cũ chép: Đinh Lễ đem quân "đi tuần ở Diễn Châu". Điều đó có nghĩa là, nhân dân các châu, huyện vùng này đã vùng dậy giải phóng quê hương của mình, đánh đổ từng mảng chính quyền của địch. Quân Minh phải co về giữ thành Diễn Châu.

Lúc bấy giờ, đô ti Trương Hùng đang đem 300 thuyền lương vào tiếp tế cho thành Diễn Châu, Đinh Lễ bí mật cho quân mai phục ngoài thành, đánh tan số quân địch ra đón thuyền lương và chiếm được nhiều lương thực, thuyền bè của địch. Trên 300 quân địch bỏ xác. Những tên đất Cồn Trận, Cồn Ngô, cánh đồng Xương... là di tích của chiến trận này.

Ngay sau đấy để một lực lượng ở lại vây hãm thành Diễn Châu, Đinh Lễ lấy thuyền địch vượt biển đuổi theo Trương Hùng đến tận Thanh Hóa, Lê Lợi cũng lập tức phái các tướng Lý Triện, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị đem 2.000 quân tinh nhuệ và 3 voi chiến, theo đường núi ra Thanh Hóa tiếp ứng cho Đinh Lễ.

Quân Minh ở Thanh Hóa đã phải điều một bộ phận quan trọng vào cứu viện cho Nghệ An. Lực lượng quân địch suy yếu hơn mấy năm trước nhiều. Hai cánh quân của Đinh Lễ và Lý Triện cùng phối hợp, đánh úp thành Tây Đô. Nghĩa quân giết chết 500 quân địch và bắt sống được rất nhiều, quân Minh phải bỏ các doanh trại ngoại vi, rút hết vào trong thành cố thủ.

Thành Tây Đô là thành lũy lớn nhất và kiên cố nhất của quân Minh kể từ Thanh Hóa trở vào. Nghĩa quân vây hãm thành Tây Đô, rồi chia về các châu, huyện cùng với nhân dân nhanh chóng giải phóng toàn phủ Thanh Hóa. Khắp nơi, nhân dân vô cùng phấn khởi, vùng dậy cùng với nghĩa quân tiêu diệt các đồn trại giặc, đánh sập chính quyền đô hộ: "người Thanh Hóa tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Việc giải phóng Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa làm cho quân địch ở Tân Bình, Thuận Hóa1 hoàn toàn bị chia cắt và cô lập. Với chủ trương: "bỏ chỗ mạnh đánh chỗ yếu, tránh chỗ vững đánh chỗ núng, thì dùng sức một nửa mà thành công gấp bội", nghĩa quân gấp rút tiến vào giải phóng hai phủ phía nam.

Cánh quân bộ do Trần Nguyên Hãn chỉ huy, cùng các tướng Lê Nỗ, Lê Đa Bồ đem một nghìn quân và một voi chiến, đi theo đường núi tiến vào. Cánh quân thủy do Lê Ngân chỉ huy, cùng các tướng Lê Văn An, Phạm Bôi đem 70 thuyền chiến theo đường biển tiến vào cùng phối hợp tác chiến với cánh quân bộ của Trần Nguyên Hãn.

Tháng 8 năm 1425, cả hai cánh quân này cùng xuất phát. Cánh quân bộ mới vào tới sông Bố Chính (tức sông Gianh) thì gặp toán quân của tướng địch Nhâm Năng. Trần Nguyên Hãn đưa quân tới một chỗ hiểm ở Hà Khương, bố trí mai phục, rồi cho một toán quân ra khiêu chiến, giả thua để nhử địch. Quân địch đuổi theo vào giữa trận địa mai phục, bị nghĩa quân xông ra đánh tan: hơn 1.000 quân địch bị chết trận và chết đuối.

Cánh quân thủy vào tới nơi thì cánh quân bộ của Trần Nguyên Hãn đã diệt xong toán quân địch Nhâm Năng, cả hai cánh quân cùng tiến, lần lượt đánh Tân Bình, Thuận Hóa. Nhưng địch ở cả hai thành đều khiếp sợ, cố thủ không dám ra. Nghĩa quân để lại một bộ phận vây thành, còn lại thì đi giải phóng các châu, huyện. Chỉ trong ít ngày, toàn bộ đất đai miền Tân Bình, Thuận Hóa đều thuộc về nghĩa quân. Nhân dân Tân Bình, Thuận Hóa mừng rỡ thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của địch, đã không tiếc người, tiếc của để ủng hộ nghĩa quân. Thanh niên Tân Bình, Thuận Hóa nô nức tòng quân cứu nước. Các tướng lĩnh nghĩa quân đã lựa chọn được vài vạn trai tráng khỏe mạnh, dũng cảm để thành lập những đội ngũ mới.

Sau khi ổn định đời sống của nhân dân, tổ chức xong chính quyền mới và xây dựng được lực lượng vũ trang của địa phương để tiếp tục vây hãm hai thành Tân Bình, Thuận Hóa, nghĩa quân lại cùng các tướng lĩnh trở ra Nghệ An.
___________________________________
1. Tân Bình, Thuận Hóa là Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:55:39 pm »


*
*   *

Như vậy là từ ngày ở căn cứ địa Chí Linh - Lam Sơn xuất phát, chuyển hướng chiến lược vào Nam, tháng 10 năm 1424, tới ngày giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, tháng 8 năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng liên tiếp, đi đâu thắng đấy, đánh trận nào được trận ấy, càng đánh càng mạnh, quân càng đông, hậu phương càng rộng, căn cứ càng vững, sự nghiệp giải phóng càng rực rỡ. Chỉ trong vòng 10 tháng, nghĩa quân đã giải phóng được cả một vùng đất đai rộng lớn, từ Thanh Hóa, Diễn Châu vào tới Tân Bình, Thuận Hóa, thu phục hẳn một nửa phần giang sơn đất nước ta về phía Nam. Chính các lãnh tụ nghĩa quân cũng nhận thấy những chiến thắng đã giành được trong vòng 10 tháng chiến đấu như thế là hết sức to lớn, nó là kết quả của nhiều trận đánh rất tài giỏi, mưu trí và oanh liệt.

Về các trận đánh, Nguyễn Trãi đã viết:

      Trận Bồ Đằng sấm ran chớp giật
      Trận Trà Lân trúc chẻ tro bay

                                       (Bình Ngô đại cáo)

      Đêm đốt lửa ngày trương cờ
      Chiếm đất Đỗ Gia, giành thế tiện lợi
      Sang sông Khả Lưu, đánh đắm quân thù
      Sấm ran chớp giật, trúc chẻ tro bay
      …
      Đất Nghệ An đã thuộc về ta
      Thắng Tây Đô tin nhanh như gió

                                      (Chí Linh sơn phú)

Sau 10 tháng chiến đấu, tình hình giữa ta và địch đã đổi khác, so sánh lực lượng giữa ta và địch cũng đổi khác. Địch ở trên chiến trường Đại Việt không còn đủ sức để uy hiếp ta về mặt quân sự.

Kết quả về phía địch, sau 10 tháng chiến đấu Nguyễn Trãi nhận định:

      Cầm Bành rập đầu dâng đất
      Phương Chính khiếp vía chạy dài
      …
      Chu Kiệt bỏ củi, Hoàng Thanh phơi thây

                                     (Chí Linh sơn phú)

      Trần Trí, Sơn Thọ, nghe tin mất vía
      Phương Chính, Lý An nín thở tháo thân

                                     (Bình Ngô đại cáo)

Kết quả về phía ta, Nguyễn Trãi nhấn mạnh:

      Sĩ khí càng tăng
      Quân thanh càng mạnh

                                   (Bình Ngô đại cáo)

      Giỏ cơm bầu nước người xin theo chật đường tấp nập
      Kẻ hào kiệt căm thù, tức giận nghiến răng
      Bắc phụ lão cảm kích mừng vui rơi lệ
      Ta quân thanh ngày càng lừng lẫy
      Địch chạy quanh ngày một yếu suy

                                   (Chí Linh sơn phú)

Từ một đội du kích nhỏ ở miền núi rừng Thanh Hóa có khi bị tiêu hao chỉ còn trên 100 người, đến nay lực lượng nghĩa quân có đến hàng vạn quân gồm cả quân thủy, quân bộ, cả voi chiến, thuyền chiến. Càng chiến thắng và càng tiến xuống miền đồng bằng đông dân thì lực lượng nghĩa quân càng được bổ sung và phát triển nhanh chóng. Nghĩa quân không những được tăng cường nhanh về mặt số lượng, kỹ thuật mà kinh nghiệm chiến đấu cũng ngày càng được nâng cao.

Từ căn cứ chật hẹp ở miền núi Thanh Hóa, đến nay cuộc khởi nghĩa đã có một căn cứ địa vững chắc, một hậu phương rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa. Với một khu vực giải phóng rộng lớn như vậy, cuộc chiến tranh giành độc lập đã có một nguồn bổ sung vô tận về nhân lực, vật lực và tài lực.

Từ những trận vây quét, nghĩa quân đã tiến lên những trận tiến công lớn nhằm hạ thành, vậy thành, tiêu diệt quân chủ lực của địch và giải phóng những vùng rộng lớn, giành được thế chủ động chiến lược.

Đây là một bước tiến nhảy vọt tạo ra những chuyển biến căn bản trong tương quan lực lượng giữa địch và ta, tạo ra thế và lực mới đưa cuộc khởi nghĩa vào giai đoạn tiến công tiêu diệt địch trên phạm vi toàn quốc.

Nguyễn Chích là người đã đề ra đường lối chuyển hướng chiến lược nhằm tạo ra bước tiến nhảy vọt đó. Cho nên nói đến những thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn trong giai đoạn thứ hai này cần phải đánh giá cao cống hiến to lớn của người anh hùng nông dân Nguyễn Chích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:56:33 pm »


Câu hỏi 15: Trình bày tóm tắt quá trình tiến công ra Bắc của nghĩa quân Lam Sơn (tháng 9 năm 1426), đánh dấu bước phát triển từ đấu tranh khởi nghĩa thành chiến tranh giải phóng dân tộc?

Trả lời:


Nhân lúc quân địch ở nước ta đang thế suy, lực yếu, mà viện binh của nhà Minh chưa kịp sang, tháng 9 năm 1426, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định mở cuộc tiến quân chiến lược ra Bắc. Nguyễn Trãi đã nói: "Thời cơ, thời cơ, thực không nên lỡ" (Quân trung từ mệnh tập - Nguyễn Trãi). Mục đích của cuộc tiến quân này là nhằm tranh thủ một thời cơ có lợi, đưa cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc phát triển lên quy mô cả nước, giành những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quân sự và chính trị để chủ động đối phó với viện binh của địch.

Ba đạo quân tiến ra Bắc theo ba hướng như sau:

Đạo quân thứ nhất có 3.000 quân và 1 voi chiến, do Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí... chỉ huy. Đạo quân này tiến ra vùng Thiên Quan, Quảng Oai, Gia Hưng, Quý Hóa, Đà Giang, Tam Đái, tức vùng Tây Bắc, với nhiệm vụ giải phóng vùng này, uy hiếp mặt tây thành Đông Quan và ngăn chặn viện binh từ Vân Nam sang.

Đạo quân thứ hai có 5.000 quân và 2 voi chiến, do Lưu Nhân Chú, Bùi Bị... chỉ huy. Đạo quân này chia làm hai cánh. Cánh thứ nhất tiến ra vùng Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương, giải phóng vùng hạ lưu sông Nhị và chặn đường rút quân của địch từ Nghệ An về Đông Quan. Cánh thứ hai tiến lên vùng Khoái Châu, Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang, Lạng Giang, tức vùng Đông Bắc, để ngăn chặn viện binh từ Quảng Tây sang.

Đạo quân thứ ba có 2.000 quân tinh nhuệ, do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy, tiến thẳng ra phía nam thành Đông Quan.

Cả ba đạo quân chỉ có 10.000 quân và 3 voi chiến. Thế mà nghĩa quân hoạt động trên một phạm vi rộng lớn gồm toàn bộ vùng đồng bằng, vùng trung du và một phần thượng du các phủ, huyện phía Bắc (miền Bắc Bộ ngày nay). Nhiệm vụ của nghĩa quân không phải là chiến đấu một cách đơn độc, mà luồn sâu vào vùng chiếm đóng của địch, kết hợp với các lực lượng yêu nước địa phương và sự nổi dậy của nhân dân nhằm "chiếm giữ đất đai, chiêu phủ nhân dân, triệt đường viện binh của giặc".

Trước đây, Lê Lợi đã cử người ra Bắc liên kết với những người yêu nước và gây dựng cơ sở ở một số nơi cần thiết.

Cuối năm 1425, Phan Liêu và Lộ Văn Luật đã được phái ra hoạt động ở vùng Gia Hưng, Quốc Oai. Sử nhà Minh chép rằng: "Lợi sai đồ đảng là bọn Phan Liêu, Lộ Văn Luật ra các châu Gia Hưng, Quốc Oai, chiêu tập đảng nghịch càng ngày càng nhiều".

Từ cuối năm 1424, sử nhà Minh cũng ghi nhận có quân của Lê Lợi hoạt động ở Lạng Sơn, giết chết tri phủ Dịch Tiên.

Thành Cổ Lộng (Ý Yên, Nam Định) là một thành lũy quan trọng của địch án ngữ hai con đường thủy bộ, đường thiên lý và đường sông Đáy, từ Thanh Hóa ra Đông Quan. Một người phụ nữ yêu nước ở làng Chuế Cầu gần đấy, là Lương Minh Nguyệt, đã sớm tìm vào Lam Sơn tham gia khởi nghĩa. Lê Lợi giao cho bà nhiệm vụ trở về quê hương hoạt động. Chính Lương Minh Nguyệt đã cùng với dân làng dùng mưu giết hại nhiều quân Minh và chuẩn bị phối hợp với nghĩa quân vây hãm thành Cổ Lộng.

Trước sức mạnh tiến công của một cuộc chiến tranh nhân dân như vậy, "Người Minh chỉ lo ngồi giữ để chờ quân cứu viện mà thôi" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô cả nước. Khu vực giải phóng từ Thanh Hóa trở vào được mở rộng ra phía bắc bao gồm hầu hết các phủ, châu, huyện, trừ một số thành lũy và vùng kiểm soát của quân địch. Quân Minh đã suy yếu, lại bị dồn vào thế phòng ngự bị động trên cả nước. Những thắng lợi vô cùng quan trọng đó đang tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta tiến lên đương đầu với viện binh địch.

Sau khi giải phóng các châu, huyện, nghĩa quân bắt đầu tiến công uy hiếp các thành lũy của địch, chủ yếu là thành Đông Quan và chặn đánh viện binh địch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 10:59:28 pm »


Câu hỏi 16: Trình bày tóm tắt chiến thắng Ninh Kiều (ngày 13 tháng 9 năm 1426), chiến thắng Nhân Mục và Xa Lộc (ngày 20 tháng 10 năm 1426)?

Trả lời:


Trong ba đạo quân Lam Sơn tiến ra Bắc thì đạo quân thứ nhất do Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí.... chỉ huy hoạt động mạnh nhất và lập được nhiều chiến công xuất sắc nhất. Nhiệm vụ của đạo quân này là hoạt động ở vùng tây bắc Đông Quan (vùng các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và khu vực Tây Bắc) chặn đường tiếp viện của địch từ Vân Nam sang và tiến công uy hiếp thành Đông Quan.

Ngày 13 tháng 9 năm 1426 (ngày 12 tháng 8 năm Bính Ngọ), đạo quân này thắng một trận lớn ở Ninh Kiều (vùng Ninh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây).

Ninh Kiều là một vị trí trọng yếu và hiểm trở nằm trên con đường từ Đông Quan vào Thiên Quan, Thanh Hóa. Đó là "đường núi" hay "thượng đạo", một con đường giao thông quan trọng có ý nghĩa quân sự to lớn thời Lý, Trần, Lê. Ngày nay nhân dân vùng Chương Mỹ thường gọi đó là con đường "lai kinh" (có nghĩa con đường "đến kinh đô”). Ninh Kiều lại nằm bên bờ sông Ninh (sông Đáy)1 và dưới chân núi Ninh Sơn. Nghĩa quân do Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí chỉ huy lợi dụng địa hình, bố trí mai phục sẵn ở vùng Ninh Kiều. Một bộ phận nghĩa quân do Phạm Văn Xảo chỉ huy, tiến đánh phía tây thành Đông Quan rồi giả thua, nhử địch đuổi theo để đẩy chúng vào trận địa mai phục ở Ninh Kiều.

Trần Trí thấy quân ta ít, lại từ xa đến ắt còn mệt mỏi nên mở cửa thành, tự đem quân ra đuổi đánh. Phạm Văn Xảo vừa đánh vừa rút chạy về phía Ninh Kiều. Chờ khi quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta liền xông ra chặn đánh. Trong trận này quân ta toàn thắng, tiêu diệt trên 2.000 quân địch. Trần Trí phải rút chạy về thành Đông Quan.

Trận Ninh Kiều là một trận thắng lớn đầu tiên của nghĩa quân Lam Sơn kể từ khi mở cuộc tiến công ra Bắc. Sau chiến thắng này, nghĩa quân chiếm giữ miền Ninh Kiều, đóng doanh trại ở phía tây Ninh Giang. Từ đó, vùng Ninh Kiều trở thành một căn cứ lợi hại của nghĩa quân luôn luôn uy hiếp cửa ngõ tây nam thành Đông Quan.

Sau trận Ninh Kiều, nghĩa quân định thừa thắng tiến công uy hiếp thành Đông Quan. Nhưng vừa lúc đó, bộ chỉ huy nghĩa quân nhận được tin: một đạo viện binh của nhà Minh do đô ti Vân Nam là Vương An Lão chỉ huy đang trên đường tiến sang tăng viện cho Đông Quan. Nhiệm vụ của nghĩa quân là phải chặn đường tiếp viện của địch từ Vân Nam sang, không cho chúng tập trung về thành Đông Quan.
_____________________________________
1. Cương mục chú thích Ninh Giang "phía trên liền với cửa sông Hát, phía dưới đổ vào sông Thá rồi thông với Châu Giang, hạ lưu sông Ninh Giang này hợp làm một với sông Hoàng Giang”. Theo Hoàng Minh thực lụcThiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), nhà Minh đặt ty tuần kiểm ở cửa Ninh Giang thuộc huyện Mỹ Lộc. Vậy Ninh Giang là đoạn sông Đáy chảy qua vùng Hà Tây, Hà Nam, rồi chảy vào sông Hoàng Giang tức sông Châu Giang nối với sông Nhị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2016, 11:01:41 pm »


Lúc bấy giờ đạo quân thứ ba do Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy chưa kịp đến để cùng phối hợp có thể vừa tiếp tục tiến công uy hiếp thành Đông Quan, vừa ngăn chặn viện binh của địch. Các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất là Phạm Văn Xảo, Lý Triện nhận thấy nếu đem toàn lực lên chặn đánh viện binh thì quân Minh ở thành Đông Quan có thể thừa cơ tiến công vào phía sau lưng nghĩa quân rồi cùng phối hợp với viện binh đánh lại nghĩa quân từ hai mặt. Như vậy, quân địch ở thành Đông Quan và viện binh sẽ phối hợp được với nhau làm cho lực lượng của chúng được tăng cường và dồn nghĩa quân vào thế bị động, phải đồng thời đối phó cả hai mặt. Điều đó rất bất lợi cho nghĩa quân.

Trong tình huống cấp bách trên, các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện đã quyết định chia đạo quân thứ nhất làm hai bộ phận. Một bộ phận do Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy gồm hơn 1.000 quân tiến lên vùng Tam Giang (miền Phú Thọ, Tuyên Quang) đón đánh viện binh của địch. Một bộ phận do Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy gồm 2.000 quân vẫn tiếp tục tiến công uy hiếp thành Đông Quan. Đây là một quyết định kiên quyết và táo bạo thể hiện tinh thần chủ động tiến công và quyết tâm tiêu diệt địch của nghĩa quân.

Sau trận thất bại ở Ninh Kiều, Trần Trí rút về thành Đông Quan lo tăng cường phòng thủ để chờ quân cứu viên. Một mặt Trần Trí sai quân lính đào thêm hào, đắp thêm lũy, củng cố hệ thống phòng thủ xung quanh thành Đông Quan. Mặt khác, Trần Trí nhận thấy "thành Đông Quan bị cô lập và nguy khốn" nên bí mật sai người vào thành Nghệ An gọi Phương Chính, Lý An đem quân về "cứu lấy căn bản"1. Ý đồ của Trần Trí là muốn tập trung quân về Đông Quan để cố giữ vững căn cứ trung tâm này rồi chờ viện binh sang sẽ tổ chức phản công. Nhưng không để cho quân địch được nghỉ ngơi và yên thân cố thủ, cánh quân do Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy từ Ninh Kiều vẫn không ngừng tiến công uy hiếp vùng ngoại vi phía tây nam thành Đông Quan.

Để giải vây cho vùng ngoại vi thành Đông Quan, ngày 20 tháng 10 năm 1426 (ngày 20 tháng 9 năm Bính Ngọ)2 Trần Trí ra lệnh cho đô chỉ huy Viên Lượng cùng với chỉ huy Vương Miễn, Tư Quảng, Đào Sâm, Tiền Phụ đem quân ra khỏi thành, tiến đánh nghĩa quân. Lý Triện và Đỗ Bí bố trí mai phục sẵn ở hai bên đường, phía tây cầu Nhân Mục (cống Mọc ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội)3 để chờ địch.

Khi tiến đến cầu Nhân Mục, viên thổ quan Hà Gia Kháng giữ chức chỉ huy trong quân đội địch, hết sức can ngăn, nói rằng ở đây dễ có phục binh, không nên tiến quân vội. Nhưng Viên Lượng vẫn ra lệnh tiến quân, sai Đào Sâm và Tiền Phụ đem quân qua cầu trước. Chờ khi toàn bộ quân địch đã qua cầu và lọt vào trận địa mai phục, quân ta mới bất ngờ xông ra đánh. Nghĩa quân chia cắt đội hình địch ra đánh và tiêu diệt hết toán này đến toán khác.
___________________________________
1. Cương mục, Toàn thư.
2. Lam Sơn thực lục chép ngày 21 tháng 9 năm Bính Ngọ tức ngày 21 tháng 10 năm 1426.
3. Cầu Nhân Mục bắc qua sông Tô Lịch, trên đường từ Đông Quan đến Ninh Kiều tức con đường số 6 ngày nay. Nhưng cầu Nhân Mục hay cống Mọc ở trên cống Mới ngày nay khoảng 500m, vì con đường cái xưa kia chạy vòng lên phía trên và qua sông Tô Lịch ở cống Mọc chứ không phải chạy thẳng như đường số 6 và qua sông Tô Lịch ở cống Mới.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM