Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:26:11 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn  (Đọc 37483 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 30 Tháng Chín, 2016, 11:58:23 am »


Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



Ban biên soạn:
Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủbiên)
Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY


LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam”. Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể, theo dạng hỏi đáp, ngắn gọn súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam" nói chung và cuốn sách “Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn” nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.

Trân trọng giới thiệu!
NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 08:15:35 am »


Phần thứ nhất
HỎI ĐÁP VỀ CUỘC KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Câu hỏi 1: Năm 1407, nhà Minh đem quân xâm lược nước ta, bắt được cha con Hồ Quý Ly đưa về Trung Quốc. Nhà Hồ bị mất, đất nước Đại Viêt từ đó bị nhà Minh thống trị. Hãy cho biết nhà Minh đã thực hiện chính sách đô hộ tàn bạo đối với nước ta như thế nào?

Trả lời:


Khi mới tiến quân vào nước ta, tướng nhà Minh là Trương Phụ lừa dối và hứa hẹn: "Chờ đến ngày cha con giặc Lê (tức nhà Hồ) bị bắt, sẽ họp quan viên, tướng lại và kỳ lão trong nước, tìm con cháu họ Trần lập làm quốc vương để rửa nỗi oan ức cho u hồn dưới suối vàng, cứu dân trong nước khỏi cơn cực khổ". Nhưng vừa chiếm được Đông Đô, Trương Phụ đã cho bọn phản bội Mạc Thúy mạo xưng là quan lại và kỳ lão nước ta, khai rằng: "Con cháu họ Trần bị giặc Lê giết hết, nay không còn một người nào" và "An Nam vốn là quận Giao Chỉ" nên "xin cho nội thuộc như cũ". Minh Thành Tổ lấy cớ đó, đổi nước ta làm quận Giao Chỉ, mưu đồ sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.

Tháng 6 năm 1407, Trương Phụ tâu về triều đình nhà Minh, đã chiếm được nước ta gồm 48 phủ và 186 huyện.

Mùa hạ năm sau, Trương Phụ về kinh, dâng lên vua Minh "bản đồ Giao Chỉ" đông - tây dài 1.760 dặm, nam - bắc dài 2.800 dặm, số dân 3.120.000 người và 2.087.000 "người Man" (chỉ các dân tộc thiểu số).

Sau khi chiếm được Đông Đô, nhà Minh đã đổi nước ta làm quận Giao Chỉ, coi như địa phương quận - huyện của Trung Quốc. Chúng lập chính quyền theo mô hình "chính quốc".

Đứng đầu quận Giao Chỉ là ba ti: đô chỉ huy sứ ti, hay gọi tắt là ti đô, phụ trách về quân chính; thừa tuyên bố chính sứ ti hay ti bố chính, trông coi về dân chính và tài chính; đề hình án sát sứ ti hay ti án sát, nắm quyền tư pháp và giám sát.

Dưới quận, nhà Minh chia đặt lại các phủ, châu, huyện. Đó mới chỉ là sự phân chia khu vực hành chính trên bản đồ. Trong thực tế thì phải đến năm 1414, nhà Minh mới thiết lập được hệ thống chính quyền các cấp phủ, châu, huyện ở nước ta.

Năm 1419, nhà Minh định tổ chức lại các làng xã của ta, lập thành (110 hộ, do lý trưởng đứng đầu) và giáp (10 hộ, do giáp thủ đứng đầu) như cơ cấu hành chính của nông thôn Trung Quốc. Riêng vùng kinh thành thì lập thành phườngsương, tương đương như lý ở nông thôn. Chúng muốn phá hủy kết cấu làng xã cổ truyền của ta, mở rộng chính quyền đô hộ đến tận đơn vị cơ sở để trực tiếp không chế nhân dân ta. Nhưng các làng xã cổ truyền dựa trên kết cấu công xã nông thôn, vẫn tồn tại phổ biến và giữ được tính tự trị khá cao. Nhân dân ta đã dựa vào cơ sở làng xã này để đoàn kết, tập hợp nhau lại, kết hợp cuộc đấu tranh giữ làng với cứu nước.

Cùng với bộ máy hành chính, nhà Minh còn xây dựng một hệ thống thành lũy và thiết lập một hệ thống vệ, sở dày đặc để trấn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Trong năm 1407, chúng đã lập 14 vệ và 19 sở với tổng số quân rải ra đóng giữ là 99.280 quân (mỗi vệ có 5.000 quân, mỗi sở có 1.120 quân). Xung quanh thành Đông Quan đã có đến 5 vệ: tả, hữu, trung, tiền, hậu, với số quân phòng vệ là 28.000 quân. Cùng với quá trình mở rộng phạm vi chiếm đóng, bộ máy trấn áp lại tăng thêm. Riêng trong năm 1418, quân Minh lập thêm 11 sở. Số quân Minh có mặt thường xuyên ở nước ta là trên 10 vạn quân, không kể số quân tăng viện từ Trung Quốc sang mỗi khi cần thiết.

Nhà Minh đã cho xây dựng thành lũy nhằm chiếm đóng lâu dài, chỉ tính những thành lũy đã có đến 39. Vết tích của một số thành lũy đó đến nay vẫn còn như: thành Nghệ An (Hưng Nguyên, Nghệ An), thành Diễn Châu (Nghệ An), thành Cổ Lộng (Ý Yên, Nam Định), thành Điêu Diêu (Gia Lâm, Hà Nội), thành Xương Giang (thị xã Bắc Giang), thành Chi Lăng (Lạng Sơn)...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 08:17:52 am »


Bên cạnh đó, nhà Minh còn có chính sách đô hộ tàn bạo khác, như tước đoạt mọi thứ vũ khí trong tay nhân dân ta. Ai chế tạo, cất giấu chiến thuyền, vũ khí, dù là loại thô sơ nhất, đều bị khép vào tội "phản nghịch". Mỗi khi nhân dân ta phản kháng hay vùng lên khởi nghĩa thì lập tức chúng dùng vũ lực đàn áp khốc liệt với nhiều thủ đoạn man rợ. Quân giặc "đi đến đâu chém giết thả cửa, hoặc chất thây người làm núi, hoặc rút ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc để mua vui, thậm chí có người theo lệnh giặc, mổ bụng người có thai, cắt tay của mẹ và con để dâng cho giặc"1. Những người sống sót thì "bị bắt hết làm nô tỳ và bị đem đi bán mà tan tác bốn phương"2. Những người yêu nước bị quân Minh bắt, nếu không bị giết chết một cách tàn bạo, thì cũng bị đẩy sang Trung Quốc và không mấy ai được trở về.

Về phương diện kinh tế, nhà Minh đẩy mạnh việc vơ vét của cải và bóc lột nhân dân ta một cách tham tàn.

Vừa chiếm được kinh thành nước ta, Trương Phụ đã cho quân lính mặc sức cướp phá và thu tiền đồng chở về nước. Mùa hạ năm 1408, sau hơn một năm xâm lược và cướp bóc, số "chiến lợi phẩm" mà Trương Phụ tâu lên vua Minh gồm:

- 235.000 con voi, ngựa, trâu bò.
- 13.600.000 thạch thóc.
- 8.670 chiếc thuyền
- 2.539.800 đồ quân khí3.

Trong chính quyền đô hộ, nhà Minh thiết lập một mạng lưới thu thuế mang tên là ti thuế khóa, ti tuần kiểm, ti thị bạc, ti thuế muối... và một số cơ quan khai thác tài nguyên gọi là ngân trường cục (khai mỏ bạc), kim trường cục (khai mỏ vàng), châu trường cục (mò ngọc trai)...

Tàn ác hơn nữa, quân Minh còn lùng bắt hàng loạt dân ta đem về nước phục dịch. Riêng Trương Phụ đã bắt trên 9.000 người, phần nhiều là thợ thủ công. Quân Minh còn bắt phường nhạc, thầy thuốc, phụ nữ, trẻ em... đem về Trung Quốc hoặc phục vụ cho triều đình và quan lại nhà Minh hoặc bán làm nô tì.

Năm 1417, nhà Minh dời đô lên Bắc Kinh và trong ba năm liền, huy động sức ngươi, sức của cả nước để xây dựng kinh thành mới. Nhà Minh cũng bắt nhiều dân phu và thợ thủ công nước ta lao dịch trong công trình này. Chính người thiết kế công trình xây dựng đại quy mô đó lại là Nguyễn An, một kiến trúc sư tài giỏi nước ta bị quân Minh bắt đem về Trung Quốc. Nguyễn An cũng như nhiều người có tài năng khác đều bị chúng cưỡng bức biến thành hoạn quan, suốt đời làm nô lệ cho chúng.

Âm mưu lớn nhất của nhà Minh là đồng hóa dân tộc ta. Âm mưu đó được quán triệt trong toàn bộ chính sách đô hộ của nhà Minh và được thực hiện ráo riết bằng nhiều thủ đoạn hiểm độc, nhất là những thủ đoạn hủy diệt dân tộc, hủy diệt văn hóa. Tất cả những gì đã từng quy định sự tồn tại độc lập của đất nước ta, đã tạo nên sức sống của dân tộc ta, chúng đều tìm cách hủy hoại.

Tên nước Đại Việt bị xóa bỏ và đất đai bị chia làm quận - huyện của nhà Minh. Chúng áp dụng phương sách "dĩ Di trị Di" để gây chia rẽ, làm yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc của ta.
_____________________________________
1. Việt sử thông giám cương mục.
2. Đại Việt sử ký toàn thư.
3. Minh sử, Hiến trưng lục.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2016, 08:18:43 am »


Trong chính quyền đô hộ, bên cạnh bọn tướng sĩ, quan lại nhà Minh cử sang giữ những chức vụ chủ chốt, chúng đào tạo một đội ngũ quan lại người Việt khá đông gọi là thổ quan. Bọn thổ quan này được tuyển lựa trong số những quý tộc, quan lại cũ của triều đình Trần, Hồ đã đầu hàng giặc và trong số những phần tử vong bản của mọi tầng lớp xã hội. Chúng bắt những trẻ em mạnh khỏe, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, gọi là "giao đồng" (trẻ con đất Giao Chỉ), đưa hàng loạt về Trung Quốc, biến các em thành những kẻ tôi đòi trung thành, người thì phục dịch trong cung cấm triều Minh, người thì trở về nước làm thổ quan.

Trong quân lính, bên cạnh số binh sĩ nhà Minh phái sang, chúng cũng tuyển mộ khá nhiều thổ binh. Theo quy định năm 1416, từ Thanh Hóa trở vào, cứ 2 suất đinh chúng bắt 1 suất lính; từ Thanh Hóa trở ra, 3 suất đinh bắt 1 suất lính. Số thổ binh này được chia về các vệ, sở, đóng lẫn lộn với quân Minh để dễ bề kiểm soát.

Lúc bấy giờ, khắp nước ta lưu truyền rộng rãi một lời nguyền:

"Muốn sống đi ẩn rừng ẩn núi
Muốn chết làm quan triều Minh".


Văn hóa là một cơ sở tồn tại quan trọng của dân tộc, là biểu hiện tập trung sức sống, bản lĩnh, tâm hồn của dân tộc. Trong âm mưu đồng hóa, nhà Minh đặc biệt dùng nhiều thủ đoạn hủy diệt nền văn hóa dân tộc của ta.

Trước lúc xuất quân, Minh Thành Tổ đã trực tiếp ra lệnh cho bọn tướng xâm lăng: "Khi tiến quân vào An Nam thì chỉ trừ những bản kinh và sách về Thích, Đạo không hủy, còn tất cả các bản in sách, các giấy tờ cho đến sách học của trẻ con như loại "thượng, đại, nhân, khâu, ất, kỉ", thì nhất thiết một mảnh giấy, một chữ đều phải thiêu hủy hết. Trong nước ấy, chỉ có những bia do Trung Quốc dựng lên ngày trước thì để lại, còn những bia do An Nam lập ra thì phải phá cho hết, một chữ cũng không được để lại". Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta từ cuối năm 1406 đến giữa năm 1407, vua Minh nhiều lần nhắc Trương Phụ phải thi hành đầy đủ mệnh lệnh trên. Tháng 8 năm 1418, triều đình nhà Minh lại cử người sang nước ta, vơ vét những sách vở còn sót lại đem về Trung Quốc.

Do thực hiện chủ trương hủy diệt văn hoá của nhà Minh, phần lớn các sách điển chương, luật lệ cùng những tác phẩm lịch sử, văn học, địa lý, quân sự... của thời đó đã bị quân giặc cướp đoạt và tiêu hủy. Theo Lê Quý Đôn thì "đời nhà Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng và sau đó, nhà Lê ra sức thu thập, nhưng "mười phần còn được bốn năm phần".

Tướng giặc Vương Thông còn cho quân phá chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí đàn áp nhân dân ta.

Chuông Quy Điền (chùa Một Cột, Hà Nội), vạc Phổ Minh (Nam Định) cùng với đỉnh tháp Báo Thiên (Hà Nội) và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) là bốn công trình tiêu biểu của nghệ thuật đúc đồng thời Lý - Trần, đã từng nổi tiếng là "An Nam tứ đại khí". Triều đình nhà Minh và quân xâm lược Minh đã phạm nhiều tội ác phá hoại các di sản văn hoá dân tộc của ta.

Nhà Minh còn coi những phong tục tập quán lâu đời của nhân dân ta là "Man tục”, là "Di tục" và bắt phải thay đổi theo những quy định cưỡng bức của chính quyền đô hộ. Chúng bắt dân ta không được nhuộm răng đen, bắt đàn ông không được cắt tóc, phụ nữ không được mặc váy mà phải mặc quần dài, áo ngắn theo kiểu người Hoa. Chúng còn quy định cách ăn mặc của các đẳng cấp trong xã hội và ra sức truyền bá các lễ giáo của phong kiến Trung Quốc.

Nền đô hộ của nhà Minh không những kìm hãm sự phát triển tự nhiên của xã hội mà còn đe doạ nghiêm trọng vận mệnh của cả dân tộc và mọi phẩm giá của người dân đất Việt. Đất nước đứng trước một thử thách hiểm nghèo nhưng nhân dân ta đã quyết tâm vượt qua thử thách đó bằng tất cả ý chí và nghị lực của một dân tộc vốn có truyền thống yêu nước mạnh mẽ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 06:05:43 pm »


Câu hỏi 2: Trước khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra đã có những cuộc khởi nghĩa nào chống lại ách đô hộ nhà Minh?

Trả lời:


Từ giữa năm 1407, tiếp ngay theo cuộc kháng chiến thất bại của nhà Hồ, phong trào đấu tranh vũ trang chống giặc cứu nước của nhân dân đã nổi lên ở nhiều nơi. Nhân dân huyện Đông Lan và Trà Thanh phủ Diễn Châu (Nghệ An) nổi dậy phá nhà ngục, giết bọn quan lại. Xung quanh những thành luỹ trung tâm của địch như Đông Quan (tức Đông Đô), Tây Đô, quân Minh phải thừa nhận, có những "ổ quân ác nghịch" tức những hoạt động chống đối của nghĩa quân, cả miền rừng núi rộng lớn, các dân tộc thiểu số vẫn làm chủ quê hương của mình và thành lập những lực lượng vũ trang sẵn sàng đánh giặc. Tháng 9, một đạo quân Minh do đô đốc Cao Sĩ Văn chỉ huy, mới tiến lên châu Quảng Nguyên (Cao Bằng) đã bị chặn đánh kịch liệt. Quân địch bị tổn thất nặng, Cao Sĩ Văn bị giết chết.

Tháng 11, nội quan Miêu Thanh tâu về triều đình nhà Minh rằng: "Tại các phủ Tân An (miền Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương), Kiến Bình (Nam Định), Lạng Giang (Bắc Giang), các châu Đông Hồ (Quảng Ninh), Thái Nguyên và sông Sinh Quyết, dân Man không phục, họp nhau làm loạn". Trên thực tế, quân Minh lúc bấy giờ chỉ mới chiếm được các thành luỹ, kiểm soát được các trục giao thông thủy, bộ chủ yếu. Phần lớn vùng nông thôn và núi rừng vẫn thuộc phạm vi hoạt động của các lực lượng yêu nước.

Điển hình trong thời gian này là cuộc Khởi nghĩa Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng.

Trần Ngỗi (còn gọi là Trần Quỹ) là con thứ của vua Trần Nghệ Tông (1370-1372). Tháng 10 năm 1407, một số người yêu nước lập Trần Ngỗi lên làm vua, tôn xưng là Giản Định Đế, cầm đầu một cuộc khởi nghĩa ở Yên Mô (Ninh Bình). Cuộc khởi nghĩa được đông đảo nhân dân hưởng ứng và tập hợp được nhiều quý tộc, quan lại cũ của triều Trần, triều Hồ, trong đó có Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đến giữa năm 1408, nghĩa quân giải phóng được một khu vực rộng lớn từ Thanh Hoá vào đến Hoá Châu. Từ đó nghĩa quân tiến ra vùng đồng bằng sông Hồng, mở nhiều cuộc tiến công vào những căn cứ quân sự quan trọng của địch như đồn Bình Than, cửa Hàm Tử; chặn đường qua lại của địch ở Tam Giang (Vĩnh Phúc) và uy hiếp cả vùng ngoại vi thành Đông Quan.

Triều đình nhà Minh phải cử Mộc Thạnh là Chinh di tướng quân, điều thêm 4 vạn quân sang tăng viện. Cuối năm 1408, Mộc Thạnh tập trung một binh lực lớn tiến đánh nghĩa quân ở bến Bô Cô (bên sông Đáy ở Ý Yên, đối diện với thị xã Ninh Bình). Ở đây, chúng bị quân ta giết chết nhiều tướng soái, quan chức cao cấp như thượng thư bộ binh Lưu Tuấn, đô đốc Lữ Nghị, tham chính Lưu Dục, đô chỉ huy sứ Liễu Tông và tiêu diệt khoảng 10 vạn quân địch. Chỉ có Mộc Thạnh và một ít tàn quân thoát chết, chạy trốn về thành Cổ Lộng (Ý Yên, Nam Định, cách Bô Cô khoảng 18km về phía bắc).

Chiến thắng Bô Cô đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đánh giặc cứu nước của quân dân ta và tạo ra một thời cơ thuận lợi để tiến lên giành những thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Nhưng tiếc rằng, sau chiến thắng ấy, trong bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi lại nảy sinh những mối mâu thuẫn, chia rẽ nghiêm trọng. Trần Ngỗi, nghe lời dèm pha, đã ám hại Đặng Tất và Nguyễn cảnh Chân là hai tướng chủ chốt của nghĩa quân. Hành vi đó làm cho nghĩa quân chán nản, lòng người ly tán. Đặng Dung là con Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Dị là con Nguyễn Cảnh Chân liền đem một bộ phận nghĩa quân vào Nghệ An, suy tôn Trần Quý Khoáng là cháu vua Trần Nghệ Tông lên làm vua, tức Trùng Quang Đế, tiến hành một cuộc khởi nghĩa khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 06:06:05 pm »


Cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng nổ ra do sự phân liệt, chia rẽ trong nội bộ cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi. Tình trạng đó kéo dài sẽ gây nguy hại lớn cho phong trào do quý tộc họ Trần lãnh đạo và sự nghiệp cứu nước nói chung của dân tộc. Những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng thấy rõ điều ấy và tìm cách hợp nhất hai lực lượng yêu nước lại dưới quyền của Trần Quý Khoáng rồi suy tôn Trần Ngỗi lên làm Thái thượng hoàng. Tình trạng phân liệt chấm dứt, nhưng cũng đã làm cho uy tín của quý tộc tôn thất họ Trần bị giảm sút và phong trào đấu tranh mang danh nghĩa của họ chịu những tổn thất nặng nề.

Nghĩa quân Trần Quý Khoáng, sau một thời gian củng cố lực lượng, vẫn kiểm soát khu vực từ Thanh Hoá trở vào. Dưới sự chỉ huy của các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý, nghĩa quân nhiều lần tiến ra hoạt động ở vùng lưu vực sông Đáy, sông Nhị, sông Thái Bình, đánh chiếm cửa Hàm Tử, đồn Bình Than, gây cho quân Minh nhiều thiệt hại.

Giữa năm 1410, quân Minh vừa chiếm lại được Thanh Hoá thì bùng nổ ngay cuộc khởi nghĩa Đồng Mặc. Nghĩa quân đánh bại quân địch, làm chủ phủ Thanh Hoá và phối hợp hoạt động với cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng.

Vùng đồng bằng có các cuộc khởi nghĩa Lê Nhị ở Thanh Oai, Lê Khanh ở Thanh Đàm (Thanh Trì, Hà Nội), Phạm Tuân ở Đông Kết (Khoái Châu, Hưng Yên), Đỗ CôiNguyễn Hiện ở Trường Yên (Ninh Bình).

Ở miền núi, phong trào chống Minh của các dân tộc thiểu số phát triển rất mạnh. Đó là phong trào do các thủ lĩnh Ông Lão, Chu Sư Nhạn, Bùi Quý Thăng, Nguyễn Khắc Chẩn, Dương Khắc Chung, Nguyễn Trà, Dương Thế Chân...cầm đầu ở Thái Nguyên. Đó là cuộc khởi nghĩa Nguyễn Nhũ ở Đại Từ (Thái Nguyên), Nông Văn Lịch ở Lạng Sơn, Nguyễn Liễu ở vùng Lục Na (Bắc Giang)...

Đặc biệt, phong trào nghĩa binh "áo đỏ" (hồng y) phát triển rộng rãi và kéo dài nhất. Phong trào bắt đầu dấy lên ở Thái Nguyên cuối năm 1410 rồi lan khắp miền núi rừng phía bắc, phát triển sang vùng Tây Bắc, vào đến miền núi Thanh Hoá, Nghệ An.

Trước sức đàn áp liên tục và khốc liệt của địch, năm 1412 các cuộc khởi nghĩa quanh Đông Quan và các phủ vùng đồng bằng bị thất bại. Năm 1413, Trương Phụ tập trung quân thủy và quân bộ, mở cuộc tiến công lớn vào phía nam, đánh bại lực lượng kháng chiến của Trần Quý Khoáng ở Tân Bình, Thuận Hoá. Nhưng dù thất bại, phong trào đấu tranh vũ trang rộng lớn của nhân dân đã thế hiện quyết tâm chống xâm lược, giành lại độc lập chủ quyền đất nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 06:07:34 pm »


Câu hỏi 3: Lam Sơn là nơi khởi xuất, là căn cứ của cuộc khởi nghĩa chống Minh thắng lợi và cũng là quê hương của người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ấy - người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Hãy cho biết đôi nét về địa danh Lam Sơn?

Trả lời:


Địa danh Lam Sơn lịch sử đó nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Thời thuộc Minh, Lam Sơn thuộc phủ Thanh Hoá.

Lam Sơn nằm về tả ngạn dòng sông Chu, cách thành phố Thanh Hoá ngày nay khoảng 50km, phía dưới Bái Thượng độ 3km. Từ thành phố Thanh Hoá có thể theo sông Mã rồi ngược sông Chu lên tận Lam Sơn, hay có thể theo đường bộ lên Thọ Xuân, qua bên kia bến đò Mục là bước vào đất Lam Sơn.

Lam Sơn phía tây tiếp giáp miền thượng du Thanh Hóa với núi rừng trùng điệp, đầu nguồn các sông Mã, sông Chu, ngày nay là vùng Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hoá, v.v... Những ngọn núi hiểm trở, những cánh rừng bạt ngàn của hệ núi Pù Rinh ngang dọc xưa kia là địa bàn hoạt động kín đáo của nghĩa quân. Trong những năm đầu khởi nghĩa, khi lực lượng mới tập hợp, còn non yếu, núi rừng hiểm trở này đã che chở, đùm bọc và nuôi nấng nghĩa quân, nhiều khi còn bảo vệ nghĩa quân thoát khỏi nhiều cuộc bao vây càn quét lớn của địch, đồng thời tạo địa hình thuận lợi cho nhiều trận phục kích tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Lam Sơn và các vùng xung quanh có nhiều rừng thưa và ngọn đồi sát nhau, xen kẽ ở giữa những cánh đồng nhỏ hẹp và vài lạch suối nhỏ chạy quanh, về phía tây bắc có ngọn núi Dầu, chính là núi Lam Sơn. Theo nhân dân địa phương, xưa kia núi này có nhiều cây chàm màu lam nên đặt tên là núi Chàm hay núi Lam. Tương truyền tại núi này, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đã giả dạng người bán dầu vào tìm gặp Lê Lợi và cũng nơi này nghĩa sĩ từ bốn phương kéo về dừng chân trước khi vào bản doanh chính. Chếch về phía tây, bên kia làng Như Áng là núi Đồi Đá. Đây là ngọn núi cao nhất, hơn tất cả những ngọn núi quanh vùng. Trên đỉnh núi Đồi Đá có một khoảng đất rộng và bằng, cạnh có giếng nước nhỏ. Đứng trên đỉnh núi có thể nhìn bao quát những rừng núi và đường giao thông một vùng rộng lớn.

Quanh Lam Sơn, trong phạm vi vài chục dặm là làng bản của nhiều tướng lĩnh nghĩa quân. Đó là các làng dọc sông Chu (còn gọi là sông Lương hay sông Lường) như Hải Lịch (còn gọi là Hải Quát), Quần Đôi, Diên Hào, Mía (còn gọi là Thịnh Mỹ), Đầm (còn gọi là Đàm Thi hay Quảng Thi), Choán (còn gọi là Hào Lương), Dao Xá, Mục Sơn, Bái Thượng, Bái Đô (nay là các xã Thọ Hải, Thọ Diên, Xuân Lạm, Xuân Bái, thuộc huyện Thọ Xuân). Cư dân ở đây có người làm ruộng, có người đánh cá, vất vả quanh năm với đồng ruộng và sông nước, nhưng tất cả đều nhiệt tình yêu nước, đều hăng hái góp công sức vào công cuộc đuổi giặc cứu nước.

Ngược lên phía tây và phía bắc Lam Sơn là những bản mường các dân tộc thiểu số. Tài liệu đương thời gọi chung họ là người "Man Lão" hoặc người "Man", người "Lão". Đó là đồng bào Mường, đồng bào Thái sống trong các bản mường dưới chân núi hệ Pù Rinh hoặc bên các ngọn suối đổ vào sông Chu như làng Đức Trai, Tép (còn gọi là Dựng Tú), Nguyệt Ấn, Như Áng (nay là các xã Kiên Thọ, Nguyệt Ấn thuộc huyện Ngọc Lặc), Phụng Dương, Cốc Thượng, Nhân Trầm (nay là các xã Xuân Dương, Xuân Mỹ thuộc huyện Thường Xuân). Họ là những nông dân cần cù, chất phác, quanh năm bên nương rẫy và khe suối.

Trong thời kỳ chuẩn bị lực lượng và những năm gian khổ nhất của cuộc khởi nghĩa, các bản làng trên đã che chở, nuôi nấng Lê Lợi và nghĩa quân. Gia phả một số dòng họ vùng này và truyền thuyết dân gian còn nhắc tên một số quan lang và phụ đạo tham gia khởi nghĩa. Họ đã cùng Lê Lợi đứng trên núi Lam Sơn thề diệt thù cứu nước.

Lam Sơn có sông Chu chảy qua. Sông Chu được tiếp nước từ nhiều sông nhỏ đổ vào như sông Cao từ tây Lang Chánh tới, sông Đạt từ nam Thường Xuân lại và sông Âm có nguồn từ Quan Hoá chảy vào. Sông Chu qua Lam Sơn, lòng khá rộng, mùa mưa nước to có khi tới hơn 300m. Từ Lam Sơn trở xuống, sông Chu chảy qua các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hoá đến ngã ba Bông nhập vào với sông Mã rồi xuôi ra biển. Dòng sông như mạch máu trên cơ thể, nuôi sống một vùng đồng bằng rộng lớn của Thanh Hoá, là đường giao thông quan trọng từ miền núi về miền biển. Từ Lam Sơn có thể ngược dòng lên tận Thường Xuân, Lang Chánh rồi vào Nghệ An hoặc sang Lào. Cũng từ Lam Sơn xuôi dòng đến các huyện Thiệu Hoá, Đông Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, rồi về miền biển giàu có, đông dân.

Rừng núi và sông nước Lam Sơn là như vậy. Nghĩa quân đóng ở đây có thể toả xuống miền đồng bằng, có thể di chuyển lên miền thượng lưu sông Mã, và khi cần thiết có thể rút lên miền tây dựa vào thế núi Pù Rinh để bảo toàn lực lượng.

Lam Sơn, quê hương của phong trào yêu nước lớn nhất đầu thế kỷ XV do Lê Lợi đứng đầu, đã được nêu cao trong sử sách, được khắc sâu trong trí nhớ mọi người. Lam Sơn tượng trưng cho ý chí quật cường, tinh thần bền bỉ và niềm tự hào chính đáng của dân tộc ta.

Ngày nay, nhân dân Thanh Hoá vẫn còn lưu truyền biết bao nhiêu truyền thuyết về sự tích Lam Sơn cách đây hơn 500 năm. Cả rừng núi, sông nước và con người thuở đó còn như sống mãi trong câu ca của điệu hò sông Mã:

Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn
Nhớ vua Thái Tổ chặn đường quân Minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 06:11:55 pm »


Câu hỏi 4: Hãy cho biết nguồn gốc và thân thế của Lê Lợi - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn?

Trả lời:


Lê Lợi là một hào trưởng lớn ở vùng Lam Sơn. Bài văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi soạn cho chúng ta biết rõ ràng, chính xác nhất nguồn gốc và thân thế của Lê Lợi1.

Ông tổ của Lê Lợi là Lê Hối vốn ở thôn Như Áng, huyện Lương Giang (nay là thôn Như Áng thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá), sau dọn nhà đến ở chân núi Lam Sơn, khai khẩn đất hoang, xây dựng nên cơ nghiệp. Bia Vĩnh Lăng ghi rõ: "Một hôm (Lê Hối) đi chơi Lam Sơn, thấy nhiều chim bay liệng hàng đàn dưới núi như vẻ nhiều người tụ họp, liền nói rằng: "Đây là chỗ đất tốt!", rồi dời nhà đến ở đó. Trải qua ba năm lập thành sản nghiệp, con cháu ngày càng đông, tôi tớ ngày càng nhiều. Việc dựng nước mở đất thực đã xây nền móng từ đấy. Về sau đời đời làm quân trưởng một phương". Lê Hối lấy bà Trịnh Thị Ngọc Duyên, người sách Quần Đội, huyện Lôi Dương (nay thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân)2 sinh ra Lê Đinh là ông của Lê Lợi.

Đến đời Lê Đinh thì cơ nghiệp đã phát đạt, "kẻ giúp việc có tới hơn một nghìn" (bia Vĩnh Lăng). Lê Đinh lấy bà Nguyễn Thị Quách ở thôn Xuân Lan huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân) sinh ra hai con trai là Tòng và Khoáng.

Lê Khoáng, theo bia Vĩnh Lăng, là một người "tính vui vẻ, hoà nhã và hiền lành, thích làm điều thiện, hay tiếp đãi tân khách, dân vùng lân cận đều coi như cùng một nhà. Vì thế không ai không cảm vì ân đức, phục vị nghĩa khí". Lê Khoáng lấy bà Trịnh Thị Ngọc Thương ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (sau đổi là Thủy Chú, nay thuộc huyện Thọ Xuân), sinh ba con trai là Học, Trừ, Lợi và ba con gái.

Lê Lợi sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (10-9-1385) tại quê mẹ là làng Chủ Sơn huyện Lôi Dương. Lớn lên Lê Lợi là một người thông minh, khoẻ mạnh và có uy tín rộng rãi trong vùng. Toàn thư mô tả dáng người của Lê Lợi như sau: "Thiên tư tuấn tú khác thường, tinh thần và dáng người tinh anh, mạnh mẽ; mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, vai có nốt ruồi, tiếng nói như chuông, đi như rồng, bước như hổ, kẻ thức giả đều biết là người phi thường". Xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp địa chủ, là một tầng lớp đang phát triển và có vai trò tích cực lúc bấy giờ, lại là một người yêu nước và cương trực nên Lê Lợi rất đau lòng trước cảnh nước mất, nhân dân lầm than cơ cực và từ lâu đã nuôi chí diệt giặc cứu nước. Bia Vĩnh Lăng còn ghi lời Nguyễn Trãi: "Tuy gặp thời loạn lớn, mà chí càng bền, ẩn náu trong núi rừng, chăm nghề cày cấy. Vì giận quân giặc cường bạo lấn hiếp nên càng chuyên tâm về sách thao lược, dốc hết của nhà, hậu đãi tân khách".

Lòng yêu nước, chí diệt thù và công việc chuẩn bị khởi nghĩa của Lê Lợi đã làm cho tiếng tăm của ông lừng lẫy khắp nơi. Do đó, từ lâu quân Minh đã chú ý theo dõi và định dùng chức tước để dụ dỗ, dùng tiền của để mua chuộc ông. Nhưng tất cả những mưu kế đó đều bị thất bại trước lòng quyết tâm và ý chí kiên cường trước sau không lay chuyển của Lê Lợi. Toàn thư chép rằng: Lê Lợi là người "không bị quan tước dụ dỗ, không bị uy thế khuất phục, nên dù nhà Minh dùng trăm phương nghìn kế khôn khéo, rút cục vẫn vô hiệu quả”. Lê Lợi thường nói với mọi người: "Kẻ trượng phu ở đời nên cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ đâu lại chịu bo bo làm đầy tớ muôn người”, và tuyên bố rằng: "Ta dấy quân đánh giặc không phải vì tham phú quý, mà vì muốn cho ngàn đời sau biết rằng ta không chịu thần phục quân giặc tàn ngược".

Trong thời gian chuẩn bị khởi nghĩa, có khi Lê Lợi phải dùng lễ vật và lời lẽ nhún nhường để che mắt bọn tướng giặc như Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Thọ, Mã Kỳ, nhưng trước sau không hề đầu hàng hay nhận chức tước của địch.

Từ lâu, Lê Lợi đã dốc hết tâm huyết và tài sản của mình để lo chuẩn bị cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Cả gia đình nội và ngoại của Lê Lợi đều có nhiều người tham gia khởi nghĩa từ những ngày chuẩn bị. Đó là Lê Thạch - con Lê Học, anh cả của Lê Lợi; Lê Khôi, Lê Khang, Lê Khiêm - con Lê Trừ, anh thứ hai của Lê Lợi. Đó là Trần Hoành và Trần Vận - cha vợ và anh vợ của Lê Lợi. Gia đình Lê Lợi thật xứng đáng là một gia đình yêu nước vẻ vang.

Tin Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa được nhanh chóng truyền đi khắp nơi. Nhiều anh hùng hào kiệt từ bốn phương đã bất chấp cả sự kiểm soát nghiêm ngặt của quân thù, bất chấp cả núi sông ngăn cách, lần lượt tìm đến Lam Sơn họp mặt. Đó là những người con ưu tú của dân tộc từ nhiều địa phương xa gần, từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cùng chung một chí hướng, một bầu nhiệt huyết muốn đánh đuổi quân giặc tàn bạo để khôi phục nền độc lập của đất nước, để cứu dân khỏi cảnh lầm than cơ cực. Rừng núi Lam Sơn bề ngoài vẫn im lặng, nhưng bên trong đang hình thành một căn cứ khởi nghĩa. Ở đó, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và những người anh hùng có tên tuổi hay không tên tuổi của đất Lam Sơn lịch sử đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù.
___________________________________
1. Bia Vĩnh Lăng cao 2,79m, rộng 1,92m, dài 0,27m, dựng trên một con rùa đá dài 3,46m, rộng 1,94m. Tấm bia hiện còn ở Lam Sơn.
2. Lam Sơn thực lục, Hoàng Lê ngọc phả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 06:16:03 pm »


Câu hỏi 5: Người đề xướng, thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là Lê Lợi nhưng bên cạnh Lê Lợi, nổi bật lên ngôi sao sáng Nguyễn Trãi – một sĩ phu yêu nước, một thiên tài trên nhiều lĩnh vực của dân tộc. Hãy cho biết thân thế của Nguyễn Trãi trong buổi đầu đến với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn?

Trả lời:


Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm Canh Thìn (1380) tại kinh thành Thăng Long, trong tư dinh của ông ngoại là quan Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán. Tổ tiên của Nguyễn Trãi vốn ở làng Chi Ngại (nay thuộc huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương), sau đó mới dời về làng Nhị Khê (vốn là làng Ngọc Ổi, nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây). Cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long, sau đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, là một người nổi tiếng hay chữ, thi đỗ bảng nhãn năm 1374, giữ chức đại lý tự khanh kiêm trung thư thị lang trong chính quyền nhà Hồ.

Nguyễn Trãi là một người học rộng tài cao, đỗ thái học sinh (tiến sĩ) năm 1400 trong một khoa thi đầu tiên của nhà Hồ và sau đó giữ chức ngự sử đài chánh chưởng trong chính quyền nhà Hồ.

Sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt đày về nước, còn Nguyễn Trãi bị chúng bắt giam lỏng ở thành Đông Quan. Biết Nguyễn Trãi là một người có tài lớn, Trương Phụ và Hoàng Phúc tìm mọi cách để mua chuộc, mời ông ra làm quan. Chúng giam lỏng ông ở thành Đông Quan mà không giết nhằm mục đích vừa quản chế, vừa kiên nhẫn dụ dỗ ông. Nhưng dã tâm của quân giặc dù tinh khôn, xảo quyệt đến đâu chăng nữa cũng không thể lay chuyển được con người có tấm lòng yêu nước nồng nàn và ý chí bất khuất như Nguyễn Trãi. Những ngày bị giam lỏng ở Đông Quan là những ngày sống cơ cực mà Nguyễn Trãi đã mô tả trong một bài thơ nôm như sau:

Góc thành Nam, lều một căn,
No nước uống, thiếu cơm ăn
Con đòi trốn dễ ai quyến ?
Và ngựa gầy thiếu kẻ chăn.
Ao vơi hẹp hòi khôn thả cá,
Nhà quen xuế xoá ngại nuôi vằn.
Quan triều chẳng phải, ẩn chẳng phải
Góc thành Nam, lều một gian.


Thù nước, hận nhà đã nung nấu cả tâm can Nguyễn Trãi, nhưng bề ngoài ông phải tạm thời nhẫn nhục, im hơi lặng tiếng để che mắt quân thù và để chờ đợi thời cơ cứu nước. Với khối óc thức thời và con mắt xét đoán tinh tường, Nguyễn Trãi đã nhìn thấy thời cơ đó khi được tin Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa ở Lam Sơn.

Hiện nay tài liệu không cho chúng ta biết rõ Nguyễn Trãi đã thoát vòng cương toả của quân thù và tìm vào Lam Sơn từ năm nào, nhưng chắc chắn ông đã có mặt ở Lam Sơn từ trước ngày khởi nghĩa và chính ông đã góp phần quan trọng vào công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa1.

Trước khi tìm vào Lam Sơn theo Lê Lợi, Nguyễn Trãi có những hoạt động gì và vì sao ông không tham gia những cuộc khởi nghĩa khác? Đó là một vấn đề cần phải nghiên cứu thêm. Nhưng ở đây một điều chắc chắn là trong thời gian này, Nguyễn Trãi đã từng chăm chú theo dõi thời cuộc, đau lòng nát óc vạch ra một kế hoạch diệt giặc cứu nước để chờ thời cơ thuận lợi sẽ đem ra thi hành. Đó chính là Bình Ngô sách mà Nguyễn Trãi đã cống hiến cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
____________________________________
1. Về thời gian Nguyễn Trãi tham gia cuộc khỏi nghĩa Lam Sơn từ trước đến nay vẫn tồn tại hai thuyết khác nhau:
    Thuyết thứ nhất cho rằng Nguyễn Trãi tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sau khi cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ một thời gian.
    Thuyết thứ hai cho rằng Nguyễn Trãi có mặt ở Lam Sơn từ trưóc ngày khởi nghĩa và đã cùng với Lê Lợi chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Mười, 2016, 06:17:02 pm »


Cuộc gặp gỡ của Lê Lợi và Nguyễn Trãi có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vì hai nhân vật đó là linh hồn của nghĩa quân, là đầu não của bộ tham mưu khởi nghĩa. Nguyễn Trãi là một sĩ phu yêu nước, có chí lớn tài cao. Trong mười năm khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi luôn luôn có mặt bên cạnh Lê Lợi và đã có nhiều cống hiến to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đi đến thắng lợi.

Trong lần gặp Lê Lợi đầu tiên, Nguyễn Trãi đã trình bày tập Bình Ngô sách. Đó là cả một kế sách diệt giặc cứu nước đã được Nguyễn Trãi nghiên cứu tường tận và ôm ấp bấy lâu nay mà đến bây giờ mới tìm được người minh chủ xứng đáng với lòng mong đợi của mình để hiến dâng. Rất tiếc rằng Bình Ngô sách đến nay không còn nữa, nhưng theo bài tựa của Ngô Thế Vinh trong Ức Trai di tập thì trong tác phẩm đó Nguyễn Trãi "không nói đến việc đánh thành" mà chỉ chú trọng "việc đánh vào lòng người". Đánh vào lòng người có nghĩa là phải dựa vào lòng dân, là phát động sức mạnh tiềm tàng vô địch của nhân dân. Đó là nội dung tư tưởng cơ bản của Bình Ngô sách và cũng là phương châm chính trị cơ bản của cuộc khởi nghĩa. Toàn bộ quá trình phát triển của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn rồi đây sẽ diễn ra dưới sự chỉ đạo của tư tưởng và phương châm chính trị cơ bản ấy.

Xung quanh cuộc gặp gỡ có ý nghĩa lịch sử của hai người anh hùng cứu nước Lê Lợi và Nguyễn Trãi, nhân dân ta đến nay vẫn còn truyền tụng biết bao nhiêu câu chuyện thần kỳ.

Nào là chuyện thần đình làng Chèm (thờ Lý Ông Trọng) và thần đền Dạ Trạch (thờ công chúa Tiên Dung) báo mộng cho Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi biết "thiên đình" đã chọn "Lê Lợi làm vua".

Nào chuyện một toán quân Minh ở Dương Xá (Thanh Hoá) và Gián Khẩu (Ninh Bình) xem thiên văn biết rằng "tướng tinh của An Nam" đã xuất hiện.

Nào là chuyện lá cây của rừng núi Lam Sơn bỗng nhiên mang dòng chữ1 "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi).

Để tạo lòng tin trong dân, Nguyễn Trãi đã cho người lấy nước cơm trộn với mật (có sách nói là lấy mỡ) viết vào lá cây tám chữ trên. Sau đó kiến kéo đến ăn mật, mỡ, để lại dòng chữ trên. Những lá cây này được thả vào suối chảy ra sông để mọi người có thể nhặt được. Lúc đầu, Lê Sát, Lê Thụ, Phạm Vấn tự ái vì cho rằng Nguyễn Trãi khinh thường mình quá vì họ đều đến Lam Sơn từ thuở ban đầu, mà sao lại chỉ có tên Nguyễn Trãi, về sau, Nguyễn Trãi nói rõ sự việc báo mộng ở đình làng Chèm và đền thờ công chúa Tiên Dung, mọi người mới khỏi thắc mắc.

Tác dụng viết vào lá cây thật là diệu kế. Nhiều người trong vùng nhặt được chiếc lá cho là chuyện lạ, đưa về cho hàng xóm xem và coi như báu vật, truyền hết người này đến người khác. Từ đó, lá cây tạo cho mọi người niềm tin mãnh liệt vì "đây là ý trời". Cũng từ đó, các trạm đón khách của nghĩa quân Lam Sơn, thanh niên trai tráng tình nguyện gia nhập nghĩa quân rất đông.
________________________________________
1. Theo Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục thì Nguyễn Trãi lấy mỡ viết lên lá cây để cho sâu, kiến ăn mỡ đục thành nét chữ.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM