Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:19:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ  (Đọc 44049 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 08:38:35 am »


        ĐỘNG VIÊN CHÍNH TRỊ

        Nguyễn Huệ rất chú trọng đến công tác động viên chính trị. ông nêu rõ kẻ thù của dân tộc là quân xâm lược nhà Thanh và bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống, khơi sâu lòng yêu nước nồng nàn của quân dân ta, khơi sâu chí căm thù giặc của họ, vừa đề cao truyền thống vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc, vừa đốt thêm ngọn lửa bùng cháy của nông dân khởi nghĩa. Về mục đích và phương pháp, về nội dung và hình thức, công tác động viên chính trị của Nguyễn Huệ đã kết hợp được trong một chừng mực nhất định ý thức dân tộc với ý thức giai cấp, đo đó đảm bảo được thắng lợi chắc chắn cho chiến dịch. Việc lên ngôi vua trong điều kiện lịch sử lúc đó càng biểu lộ rõ ràng quyết tâm của Nguyễn Huệ và quân đội Tây Sơn tiến hành kháng chiến đến cùng chống quân xâm lược, và tiêu diệt tận gốc các thế lực phong kiến phản động, để thực hiện thống nhất nước nhà với sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

        Trong cuộc hành quân cấp tốc, Nguyễn Huệ đã dùng những câu hò, những bài hát để làm cho quân đội thêm phấn khởi, quên mệt nhọc, giữ vững tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, giữ vững tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

        Trong các cuộc duyệt binh, nói chuyện với tướng lĩnh, quân đội và nhân dân, Nguyễn Huệ cũng luôn luôn tiến hành động viên chính trị như vậy.

        Công tác động viên chính trị được tiến hành suốt trong giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hành chiến dịch. Trước một nhiệm vụ quan trọng, trước một trận đánh quan trọng, Nguyễn Huệ đều tự mình đứng ra động viên quân đội. Cho quân đội ăn Tết trước khi chiến dịch mở. Lại cho ăn Tết khai hạ đúng ngày mồng 7 Tết, như đã hứa. Khi đánh Ngọc Hồi, trận quyết chiến, Nguyễn Huệ đã lấy khăn vàng quàng vào cổ để tỏ rõ tinh thần quyết thắng của mình và động viên tinh thần quân đội.

        Công tác địch vận cũng được chú ý. Việc hạ đồn Hà Hồi là sự kết hợp bao vây chặt chẽ và tiến công binh vận, kêu gọi giặc ra hàng. Khi vào Thăng Long giải phóng, Nguyễn Huệ ra lệnh lùng bắt tàn binh đồng thời quy định chính sách đối với tù binh, hàng binh.

        Những điều trên tỏ rõ Nguyễn Huệ đã quan tâm nhiều đến công tác chính trị trong hoạt động quân sự của quân đội Tây Sơn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 07:58:30 pm »


        TỔ CHỨC HÀNH QUÂN, VÀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO

        Để bảo đảm phát huy nhân tố bất ngờ, bảo đảm hành động đúng thời cơ, một trong những vấn đề khó khăn cần giải quyết là vấn đề hành quân, tập trung và tập kết của quân đội. Với điều kiện chân đất, đường xấu, một quân đội đông tới chục vạn người hành quân trên một quãng đường dài trên dưới 600 ki-lô-mét đã đặt ra cho Nguyễn Huệ và các tướng lĩnh, binh sĩ biết bao nhiêu vấn đề phải giải quyết, bao nhiêu khó khăn phải khắc phục, bao nhiêu biện pháp phải áp dụng.

        Trên chặng đường hành quân dài 600 ki-lô-mét, quân đội Tây Sơn xuất phát từ Phú Xuân ngày 25 tháng Một âm lịch, nghỉ lại Nghệ An mười ngày và đến Tam Diệp ngày 20 tháng Chạp. Như vậy, không kể mười ngày nghỉ. Thời gian hành quân chỉ chiếm hết mười lăm ngày, tức là tốc độ hành quân trưng bình một ngày 40 ki-lô-mét. Đó là một tốc độ rất cao, trong điều kiện kỹ thuật, điều kiện đường sá, sông ngòi, cầu cống của thời bấy giờ.

        Được sự yểm hộ chắc chắn của đạo quân Ngô Văn Sở chiếm giữ núi Tam Điệp và căn cứ thủy quân Biện Sơn, Nguyễn Huệ đã tùy theo khối lượng quân đội trong từng chặng, tùy theo phương tiện vận tải, khí tài công trình, tùy theo tính chất của binh chủng mà tổ chức cuộc hành quân một cách khéo léo.

        Nghệ An nằm vào trung độ giữa Phú Xuân và núi Tam Điệp, cách xa địch trên 300 ki-lô-mét, là một khu đông dân cư, nhiều của cải, được chọn làm khu tập trung quân đội có thể coi như là khu căn cứ hậu phương chủ yếu của chiến dịch, được bảo đảm về mặt an toàn và bí mật. Tại đây, trong thời gian nghỉ lại, những công tác chuẩn bị và tổ chức quan trọng nhất được tiến hành: tuyển mộ, bổ sung quân đội, chấn chỉnh biên chế, tổ chức các đạo quân, huấn luyện binh sĩ, tiếp tục động viên chính tịi, hoàn thành công tác bảo đảm hậu cần, hoàn thành công tác bảo đảm vận động, sơ bộ định ra phương án quyết tâm, sơ bộ trao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh chỉ huy các hướng chiến dịch.

        Từ Nghệ An ra khu tập kết Tam Điệp - Biện Sơn, tổ chức hành quân có những thay đổi, vì số lượng quân đội đã đông thêm, các phương tiện, khí tài chiến tranh loại nặng cũng tăng, các đạo quân phải tự mình khuân vác thêm lương thực, đạn dược; trên đường hành quân, quân đội phải vượt nhiều sông rộng. Điều này cắt nghĩa tại sao trên chặng đường hành quân ngắn hơn, quân đội được nghỉ ngơi lại phải dùng thời gian hành quân nhiều hơn, tốc độ hành quân giảm xuống.

        Vùng núi Tam Điệp rất thuận tiện cho việc tập kết. Nó cách xa các đồn tiền tiêu, các đội trinh sát của địch chừng 20 ki-lô-mét, vừa thuận tiện cho quân Tây Sơn tiến hành trinh sát địch, giữ bí mật hành động của mình, vừa thuận tiện cho việc xuất phát, triển khai thành thế trận chiến dịch, để tiếp cận địch. Dựa vào tuyến địa hình hiểm trở, Nguyễn Huệ đã thực hiện một cách tốt đẹp,việc giấu mình, nhìn địch, và nhanh chóng triển khai tiếp cận địch. Chính vì thế mà Tôn Sĩ Nghị tuy có biết quân Tây Sơn tập trung ở dãy núi Tam Điệp nhưng không thể phán đoán đúng số lượng của quân đội Tây Sơn và ý định hành động của Nguyễn Huệ.

        Tại khu tập kết, Nguyễn Huệ đã cho hoàn thành các công tác chuẩn bị cuối cùng, xác định quyết tâm và kế hoạch tác chiến, hạ mệnh lệnh cho các tướng lĩnh, quy định trật tự tiến quân. Các đạo quân vu hồi (thủy quân) và thọc sâu (đạo quân của đô đốc Long) xuất phát trước, cuối cùng mới đến đạo quân chủ lực tiến quân.

        Công tác bảo đảm vận động cho một quân đội lớn như vậy chủ yếu là bảo đảm vận động cho lục quân, đòi hỏi phải huy động nhiều khí tài, áp dụng nhiều biện pháp.

        Riêng việc vượt nhiều sông lớn nhỏ cho hàng vạn quân đủ các binh chủng đã là một vấn đề rất lớn, rất phức tạp.

        Công tác bảo đảm hậu cần, chủ yếu là lương thực, thực phẩm và vận tải, cũng là một vấn đề rất lớn. ở thời đại Nguyễn Huệ, trong thời bình đã tổ chức một hệ thống kho tàng lương thực theo từng tỉnh và từng huyện. Chắc chắn rằng với sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân Nghệ An, Thanh Hóa và các địa phương khác, việc động viên lương thực, thực phẩm, việc tổ chức các đội khuân vác, đã được tiến hành một cách thuận lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 07:59:47 pm »


        KẾ HOẠCH TÁC CHIẾN

        Nghiên cứu sâu sắc kế hoạch tác chiến của Nguyễn Huệ, chúng ta càng khâm phục ý chí tiêu diệt địch và tinh thần khoa học của ông.

        Như đã trình bày, ý định của Tôn Sĩ Nghị là buộc Nguyễn Huệ phải bộc lộ và triển khai quá sớm lực lượng của mình, phải liên tục đánh theo chiều sâu lớn, phải tiêu hao nhiều lực lượng trong khu vực khống chế chủ yếu, do đó Nguyễn Huệ sẽ mất khả năng tiến công, và Tôn Sĩ Nghị có thể chắc chắn đánh tan cuộc tiến công.

        Ngược lại, Nguyễn Huệ vận dụng phương châm chỉ đạo chung là tranh thủ bí mật, bất ngờ, tiến công trên nhiều hướng, thực hiện bao vây tiêu diệt địch bằng hình thức cơ động táo bạo là kết hợp tiến công chính diện với thọc sâu, vu hồi vào cạnh sườn và sau lưng địch, chia cắt địch, bảo đảm sức tiến công nhanh, mạnh nhất để tiêu diệt từng bộ phận địch. Một vấn đề lớn đặt ra là: làm thế nào để buộc địch phải phân tán, mà ta thì tập trung? Nên tiến công địch trên một hướng, hay trên nhiều hướng? Chọn hướng nào là hướng tiến công và hướng đột kích chủ yếu?

        Vấn đề trên đây rất quan trọng. Giải quyết nó có được thỏa đáng hay không, sẽ có ảnh hưởng quyết định đến sự tiến triển và kết cục của chiến dịch. Nó sẽ là sự thể hiện cụ thể của nghệ thuật giành ưu thế và chủ động. Trong điều kiện quân đội Tây Sơn ở vào thế yếu về số lượng, nếu tiến công trên nhiều hướng sẽ dễ dàng dẫn tới phân tán lực lượng kết quả là không bảo đảm thắng lợi của chiến dịch. Ngược lại, nếu chỉ tiến công trên một hướng, thì trên hướng đó bảo đảm tập trung lực lượng ưu thế so với địch, nhưng địch rảnh tay ở các nơi khác, có thể điều động nhanh chóng lực lượng từ những nơi ấy đến hướng bi uy hiếp để tạo nên ưu thế. Kết quả sẽ là khó mà tiêu diệt được địch. Cho nên, để thực hiện bước chuyển biến từ thế yếu sang thế mạnh, mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung binh lực đòi hỏi phải được giải quyết một cách thật chính xác và linh hoạt.

        Nguyễn Huệ đã quyết tâm tiến công trên hai hướng nhằm tiêu diệt toàn bộ quân Thanh, lấy hướng Tam Điệp - Thăng Long làm hướng trung tâm chủ yếu, lấy hướng Hải Dương - Thăng Long làm hướng tiến công bổ trợ. Đồng thời áp dụng nguyên tắc ra sức tiết kiệm binh lực trên hướng bổ trợ, để tập trung đại bộ phận binh lực trên hướng chủ yếu. Như vậy tức là hai hướng đều nhằm vào một mục tiêu chiến lược, buộc địch phải phân tán (về toàn cục) mà quân đội Nguyễn Huệ lại thực hiện được tập trung (toàn cục và cục bộ).

        Trên hướng tiến công chủ yếu, có những lực lượng của địch như sau: đạo quân Hứa Thế Hanh, đạo quân Sầm Nghi Đống và quân Lê Chiêu Thống trong thành Thăng Long. Mục đích của Nguyễn Huệ là tiêu diệt toàn bộ các lực lượng đó, giải phóng Thăng Long, chiếm tuyến sông Hồng, tiến tới đánh vào chủ lực địch. Để đạt mục đích đó, Nguyễn Huệ quyết định đánh trên nhiều hướng.

        Nhưng chọn hướng nào làm hướng chủ yếu? Vì sao Nguyễn Huệ lại chọn đạo quân Hứa Thế Hanh là mục tiêu chủ yếu trên hướng này? Lúc đó, căn cứ vào hình thái bố trí của địch, vào địa hình và điều kiện tiếp cận, Nguyễn Huệ có thể chọn một trong ba hướng:

        - Hướng trên đường thiên lý, từ Gián Khẩu đến Thăng Long;

        - Hướng từ Vân Đình đến Đại áng qua Ngọc Hồi vào Thăng Long;

        - Hướng theo đường Chương Đức qua Nhân Mục, Khươg Thượng vào Thăng Long.

        Tiến đánh chủ yếu trên hướng thứ nhất, có nghĩa là đánh vào hướng phòng thủ chủ yếu của địch. Tập trung lực lượng trên hướng này có thể tạo nên ưu thế so với đạo quân của Hứa Thế Hanh hoặc ít nhất cũng ngang với đạo quân này, điều đó tăng khả năng tiêu diệt sinh lực địch.

        Nhưng trên hướng này, địch đóng nhiều cứ điểm dọc theo chiều sâu, lại có vị trí mạnh Ngọc Hồi. Tiến đánh chủ yếu trên hướng đó, sẽ phải đánh liên tục, điều đó hạn chế khả năng tiêu diệt sinh lực địch. Song, xét về mặt địa hình và điều kiện tiếp cận, hướng này là hướng thuận tiện nhất cho hành động của một lực lượng lớn sử dụng tập trung, thuận tiện nhất cho cơ động và vận động, thuận tiện nhất cho việc tiếp tế cung cấp từ hậu phương ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 08:00:05 pm »


        Tiến đánh chủ yếu trên hướng thứ hai, có nghĩa là đánh vào cạnh sườn của địch trong khu phòng thủ chủ yếu. Tập trung lực lượng trên hướng đó, có thể giảm bớt đột phá, nhưng vẫn đánh vào chỗ mạnh của địch. So sánh với hướng thứ nhất, các điều kiện tăng thêm hoặc giảm mất khả năng tiêu diệt địch, không khác nhau là bao nhiêu. Song, trên hướng này thiếu đường vận động, địa hình ruộng nước lầy lội ao hồ nhiều, hạn chế rất nhiều sức cơ động của quân ta, việc tiếp tế cho những đạo quân lớn gặp rất nhiều khó khăn. Trên hướng này, không thể tập trung nhiều đạo quân lớn được.

        Tiến đánh chủ yếu trên hướng thứ ba, có nghĩa là thọc sâu vào nơi sơ hở nhất của địch, sát nách Thăng Long, sát nách đạo quân chủ lực của địch. Tập trung lực lượng trên hướng đó, có thể tạo nên ưu thế lớn so với đạo quân của Sầm Nghi Đống, có thể nhanh chóng giải phóng Thăng Long, song không thể không tính đến một khả năng là đạo quân chủ lực của địch có thể cơ động ra hướng đó. Nhưng khó khăn nhất là điều kiện vận động, bảo đảm hậu cần cho những đạo quân lớn không thể thực hiện được trong một thời gian ngắn.

        Cho nên, Nguyễn Huệ đã chọn hướng thứ nhất là hướng tiến đánh chủ yếu, đồng thời chọn hướng thứ ba là hướng đánh thứ yếu, nhưng rất quan trọng. Chọn như vậy tức là bảo đảm tiêu diệt quân Hứa Thế Hanh, lại bảo đảm tiêu diệt đạo quân Sầm Nghi Đống, tạo điều kiện tiến đánh thắng lợi vào chủ lực của Tôn Sĩ Nghị. Việc chọn hướng tiến đánh chủ yếu và hướng tiến đánh thứ yếu đó là rất chính xác và tài tình.

        Với phương pháp sử dụng binh lực đúng đắn, và do tiêu diệt nhanh chóng đạo quân Sầm Nghi Đống, quân đội Nguyễn Huệ đã thực hiện sự chia cắt chiến trường, cô lập quân Hứa Thế Hanh và bao vây chủ lực của Tôn Sĩ Nghị, khiến cho cả Hứa Thế Hanh và Tôn Sĩ Nghị đều trở nên yếu. Đòn bất ngờ đánh vào Sầm Nghi Đống và sự tiêu diệt quân Hứa Thế Hanh một cách nhanh chóng đã trói tay Tôn Sĩ Nghị. Viên đại tướng này không còn con đường nào khác ngoài con đường rút chạy tán loạn, vượt ngoài dự kiến của Nguyễn Huệ. Cho nên, hai hướng đó là một thể thống nhất không thể tách rời, song tác dụng quyết định là ở trên hướng chủ yếu, ở chỗ tiêu diệt quân Hứa Thế Hanh. Với cách nhìn toàn cục, nắm trọng điểm, sử dụng đúng đắn binh lực, chọn thủ đoạn và hình thức chiến thuật thích hợp, Nguyễn Huệ đã tỏ ra rất già dặn trong nghệ thuật tạo ưu thế và giành chủ động, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề của chiến dịch.

        Thành công của Nguyễn Huệ trong việc chọn hướng tiến đánh chủ yếu còn thể hiện ở năng lực chế ngự toàn bộ sự phát triển của ta và của địch. Do đó, khi ông đã đánh là đánh thắng, đã đánh là đánh tiêu diệt.

        Kế hoạch tác chiến của Nguyễn Huệ phân chia ra ba bước rõ rệt:

        - Trong bước thứ nhất, ông dùng một bộ phận lực lượng đánh vu hồi vào cạnh sườn phía đông của địch. Cánh vu hồi địch này trước hết dùng một bộ phận tập kích địch đóng tại Hải Dương tiêu diệt ngụy quân Lê và chiếm giữ vị trí trọng yếu này, nhằm đánh lạc hướng địch và thu hút chủ lực của Tôn Sĩ Nghị. Một bộ phận khác bí mật tiến vào sau lưng địch, khống chế tuyến cung cấp chiến lược của Tôn Sĩ Nghi và chặn đường rút lui của quân Thanh.Hành động vu hồi cánh quân đó vừa thực hiện được bao vây chiến dịch.

        Trong bước thứ hai, Nguyễn Huệ dùng một bộ phận lực lượng vận động bí mật, tập kích bất ngờ vào đạo quân Sầm Nghi Đống, tức là tập kích vào nơi hiểm yếu và yếu nhất của địch, tiêu diệt đạo quân này, phát triển nhanh vào tung thâm, làm đảo lộn mau chóng hệ thống chiến đấu trong tung thâm địch, làm rối loạn hệ thống bố trí của chủ lực địch, đóng trên hai bờ sông Hồng và hướng thẳng về hai mặt trận phía đông và phía nam, chủ yếu là phía nam, nơi có đạo quân Hứa Thế Hanh đang chuẩn bị chiến đấu.

        Phối hợp với mũi đánh Sầm Nghi Đống, chủ lực của Nguyễn Huệ thực hành đánh hết sức mãnh liệt vào quân Hứa Thế Hanh, tiêu diệt đạo quân này, tiến lên giải phóng Thăng Long và đánh vào chủ lực của Tôn Sĩ Nghị.

        Về mặt thời gian, Nguyễn Huệ đã quyết định bước thứ hai diễn ra sau một thời gian ngắn, vừa đủ cho các đô đốc Lộc và Tuyết làm được nhiệm vụ kiềm chế, thu hút địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 08:00:27 pm »


        Sau khi đã hoàn thành hai bước trên, toàn quân sẽ tiến công trên nhiều mặt vào chủ lực của Tôn Si Nghị. Đô đốc Lộc ngăn chặn địch trên tuyến Phượng Nhãn - Lạng Giang và truy kích địch tới biên giới.

        Các bước kế hoạch đó đã được các đạo quân Tây Sơn thực hiện đầy đủ và thắng lợi.

        Điều đáng chú ý là Nguyễn Huệ không sử dụng một binh lực nào để ngăn chặn đạo quân Ô Đại Kinh. Ông nắm chắc tinh thần tiêu cực của tướng lĩnh Thanh, cho nên ông không cần đưa quân đi chặn, tránh lãng phí lực lượng vốn đã có hạn.

        Để bảo đảm thực hiện quyết tâm và các bước của chiến dịch, Nguyễn Huệ còn phải giải quyết một vấn đề nữa: bố trí lực lượng như thế nào cho phù hợp với ý định chiến dịch và phân chia nhiệm vụ thích ứng cho các lực lượng đó.

        Bố trí lực lượng một cách chính xác khéo léo cũng là thực hiện một cách cụ thể nguyên tắc tập trung lực lượng ở hướng tiến công chủ yếu, tiết kiệm lực lượng ở hướng thứ yếu, và bao vây địch một cách có hiệu quả.

        Trên hướng tiến công chủ yếu, Nguyễn Huệ dã tập trung một số lớn quân đội tham chiến, nhiều voi và đại bộ phận pháo binh dã chiến, tổ chức thành lực lượng tiến công chủ yếu. Trong thành phần của lực lượng tiến công chủ yếu của Nguyễn Huệ, chất lượng thể hiện ở sức mạnh cân đối của ba nhân tố: đột kích, hỏa lực, cơ động. Bộ binh và tượng binh là một lực lượng đột kích có sức mạnh lớn lao. Quân Thanh có đầy đủ lý do để khiếp sợ trước đội tượng binh hùng mạnh của quân Tây Sơn, chính Tôn Sĩ Nghị cũng đã phải dành riêng một điều quân luật để chỉ rõ cách đối phó với tượng binh Tây Sơn. Thực tế của các trận chiến đấu ở Ngọc Hồi, Khương Thượng và đầm Mực đã chứng minh sức mạnh đột kích của binh chủng này.

        Pháo binh dã chiến được sử dụng tập trung trên hướng này, yểm hộ đắc lực cho bộ binh đã tạo nên một sức mạnh khiến cho đồn Ngọc Hồi kiên cố bị phá hoại nhanh chóng. Kỵ binh có sức cơ động cao, có thể hoàn thành được nhiều nhiệm vụ khác nhau, bằng những hình thức cơ động linh hoạt. Trên hướng tiến công chủ yếu, do việc sử dụng tập trung khéo léo và cân đối những lực lượng chiến đấu của chiến dịch, cho nên, so với quân của Hứa Thế Hanh đóng phân tán, chủ yếu dự vào lực lượng của bộ binh để phòng ngự, được bổ trợ bằng hỏa lực không quan trọng lắm, thì quân đội Tây Sơn nói chung đã đạt được ưu thế.

        Trên hướng thứ yếu, đạo quân của đô đốc Long là lực lượng thọc sâu cơ động, so với đạo quân Sầm Nghi Đống thì yếu hơn hẳn, nhưng khi tập trung sử dụng đánh vào khâu yếu của địch ở Khương Thượng thì tăng ưu thế gấp bội. Nhiệm vụ trao cho đạo quân này là: trước hết tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt quân địch ở Khương Thượng rồi tiến vào chiếm đóng nội thành Thăng Long, và sau đó hiệp đồng với đạo quân chủ lực tiến công đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị.

        Đạo quân của đô đốc Bảo - đội dự bị của chiến dịch - là một lực lượng mạnh, cơ động, không tiến sau đạo quân chủ lực, mà vận động trên một hướng riêng, giữa hai cánh quân chủ yếu và thứ yếu, có nhiệm vụ tăng cường sức tiến công hiệp đồng với các đạo quân trên đánh địch phản công.

        Đường tiến và hướng chiến đấu của đội dự bị chiến dịch dựa sát cánh quân chủ yếu; điều này chứng tỏ dự kiến của Nguyễn Huệ là sử dụng nó trên hướng chủ yếu.

        Trên hướng bao vây chiến lược (Lạng Giang), lực lượng chủ yếu là thủy quân, có kỵ binh bổ trợ, được hỏa lực của thuyền chiến yểm hộ. Lực lượng này chia thành hai đạo quân có sức cơ động cao, có lực lượng đột kích và hỏa lực đến mức độ cần thiết, đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ độc lập sau lưng địch: thu hút chủ lực địch, chặn đường rút lui của chúng. Đạo quân của đô đốc Lộc còn có nhiệm vụ khi cần thiết, sẽ tiến công sau lưng địch. Đạo quân của đô đốc Tuyết sẵn sàng cơ động đến hai hướng: Thăng Long và Phượng Nhãn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 08:00:46 pm »


        Bố trí lực lượng đó hình thành thế trận chiến dịch hoàn chỉnh: các đạo quân tiến công, đạo quân vu hồi, và các đội dự bị chiến dịch. Bố trí lực lượng và phân chia nhiệm vụ như vậy đã đáp ứng yêu cầu là phù hợp với ý định chiến dịch, có sức tiến công mạnh và liên tục, có tính cơ động cao. Tóm lại là bố trí chiến dịch có trọng điểm, có bao vây, tiến công, thọc sâu chia cắt dịch, có đội dự bị mạnh.

        Nguyễn Huệ, trong thực hành chiến dịch, chú trọng các nguyên tắc phát huy nhân tố bất ngờ chiến dịch - chiến thuật, nhanh chóng tiếp cận chủ lực địch và tác chiến liên tục ngày và đêm.

        Trong bất cứ trường hợp nào, việc triệt để phát huy nhân tố bất ngờ chiến dịch, chiến thuật vẫn là một trong những điều kiện tất yếu để giành thắng lợi. Điều đó đã trở thành một nguyên tắc của quân đội Tây Sơn.

        Trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, dựa vào sự ủng bộ của nhân dân, và biết lợi dụng địa hình để che giấu quân đội, Nguyễn Huệ đã khiến cho Tôn Sĩ Nghị không thể phán đoán chính xác ý định của quân đội Tây Sơn.

        Việc hành quân nhanh chóng, việc chuẩn bị khẩn trương và đầy đủ mọi mặt, đều đã phát huy tác dụng của bất ngờ.

        Ngay từ đầu, thời cơ tiến công mở màn chiến dịch đã gây nên bất ngờ chiến dịch có tác dụng lớn. Nguyễn Huệ đã chọn đêm 30 Tết mở đầu chiến dịch và nhằm vào những ngày Tết để phát triển chiến dịch. Không thể phủ nhận một điều là, mặc dù quân Thanh nói chung có chuẩn bị đề phòng, nhưng những ngày Tết tinh thần ham mê thưởng xuân làm giảm nhiều sự phòng bị đó. Bất ngờ ở đây rõ ràng đã thể hiện về mặt thời cơ tiến công tức là về mặt thời gian.

        Nguyễn Huệ biết rõ địch chú trọng nhiều đến mặt Gián Khẩu và chiếm được đồn Gián Khẩu là chủ lực Tây Sơn có thể nhanh chóng tiếp cận Phú Xuyên. Thực tế đã diễn ra như vậy.

        Khi cần tiến công tiêu diệt các vị trí nhỏ của địch, bao giờ Nguyễn Huệ cũng dùng một bộ phận không quan trọng của mình để uy hiếp và tiêu diệt gọn ghẽ, triệt để. Ngoài mục đích hết sức tiết kiệm lực lượng để dành cho những trận quyết định, Nguyễn Huệ còn nhằm triệt để phong tỏa tin tức, khiến cho địch không thể xử trí chính xác. Giấu kín lực lượng mình, làm cho địch không có chuẩn bị, đó là phương pháp đề đạt đến bất ngờ. Chính vì thế, quân Tây Sơn đã bất ngờ bao vây đồn Hà Hồi, đồn đầu tiên trong hệ thống phỏng thủ Hà Hồi - Ngọc Hồi của địch. Nghe tiếng trống, tiếng loa của quân Tây Sơn phía ngoài, mấy vạn quân Thanh trong đồn Hà Hồi đều choáng váng, bó tay xin hàng. Đồn Ngọc Hồi là đồn kiên cố nhất của quân Thanh không bị đánh bất ngờ nhưng chúng đã bất ngờ về phương pháp tác chiến của quân đội Tây Sơn. Chúng không thể ngờ rằng quân đội Tây Sơn có thể phá vỡ hỏa mù, hỏa lực rất mạnh của chúng ở đồn Ngọc Hồi, để có thể xung phong vào đồn. Chúng không thể ngờ rằng những voi chiến của quân đội Tây Sơn có thể phá tan các chiến hào, chiến lũy kiên cố của đồn Ngọc Hồi, để tiến vào trong đánh phá các doanh trại của chúng. Khi mấy vạn quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi phải rút chạy thì chúng lại không ngờ rằng đã có một đạo quân Tây Sơn đóng ở phía sau Ngọc Hồi, án ngữ trên các đường rút chạy về Thăng Long của chúng, chúng đành phải chạy rẽ sang phía tây. Chúng lại không ngờ rằng đã có đạo quân voi của đô dốc Bảo đương đón chờ chúng ở phía tây, và cả mấy vạn quân Thanh cùng các tướng lĩnh cao cấp của chúng đã phải bỏ mạng trước đạo quân voi của Tây Sơn, tại đầm Mực, làng Quỳnh Đô.

        Nhưng đòn bất ngờ nguy hiểm nhất đối với quân Thanh trong chiến dịch này, chính là mũi dùi đã tiêu diệt gọn hơn hai vạn quân Điền Châu, Triều Châu ở Khương Thượng, chọc thẳng vào Thăng Long, khiến Tôn Sĩ Nghị phải rụng rời chân tay, một người một ngựa cắm cổ chạy về nước, để mặc hàng chục vạn quân Thanh phải bỏ xác trên bãi Tây Long và trên sông Hồng tràn ngập máu quân thù xâm lược.

        Bằng những đòn bất ngờ "trời giáng" này, quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo, đã tiêu diệt thật nhanh, thật gọn 20 vạn quân Thanh xâm lược trong vòng chưa đầy năm ngày. Chiến thuật thật là mầu nhiệm và chiến thắng cũng thật là to lớn.

        Để đạt mục đích đưa chủ lực nhanh chóng đến gần chủ lực địch, Nguyễn Huệ đã tỏ ra rất kiên quyết trong việc chọc thủng nhanh chóng khu phòng thủ chủ yếu. Tiến công đã tiến hành liên tục cả ngày và đêm, chủ yếu là ban đêm và bằng nhiều kiểu cách khác nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 08:01:33 pm »


        Để phát huy hiệu quả của bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch, khoét sâu chỗ yếu của chúng, khắc phục chỗ yếu của quân đội mình (hành quân dài, tác chiến liên tục nên mệt mỏi nhiều ...) Nguyên Huệ thông thường thực hành tiến công về ban đêm. Các trận thiến đấu chủ yếu thường tiến hành vào nửa đêm và kết thúc trước sáng. Dành thời gian ban ngày cho việc trú quân kín đáo và việc chuẩn bị đánh liên tục. Nếu như trước khi chiến dịch mở, thời gian dành cho chuẩn bị và tổ chức chiến dịch rất dài, thì trái lại, trong quá trình diễn biến của chiến dịch, thời gian chuẩn bị lại hết sức rút ngắn. Điều đó chỉ có thể thực hiện trên cơ sở chuẩn bị chu đáo từ trước.

        Để tiến công nhanh mà mình ít bị tiêu hao, Nguyễn Huệ đã áp dụng nhiều kiểu cách khác nhau. Đối với các vị trí nhỏ, chủ yếu dùng tiền quân uy hiếp địch và tiêu diệt chúng trong vận động. Hoặc là chủ lực vượt qua, để lại một bộ phận nhỏ để tiêu diệt sau. Đối với những vị trí lớn, như Hà Hồi, dùng lực lượng quân sự mạnh bao vây rồi dùng tiến công binh vận để đánh chiếm. Đối với các vị trí có lực lượng ngoan cố, thì nhanh chóng tập trung ưu thế để tiêu diệt. Còn đối với điểm then chốt của địch, thì việc chuẩn bị được tiến hành rất chu đáo, kiên quyết tập trung chủ lực để đánh phá mãnh liệt, giải quyết thật nhanh.

        Chiến dịch thắng lợi còn do Nguyên Huệ giỏi tổ chức, hành động chiến dịch chặt chẽ, ăn khớp. Trong chiến dịch này, Nguyễn Huệ sử dụng tất cả các quân, binh chủng đã được tổ chức trong quân đội Tây Sơn thời đó, đồng thời căn cứ vào tính năng của từng quân chủng, binh chủng, căn cứ vào ý định chiến dịch, để trao cho từng quân chủng, binh chủng những nhiệm vụ thích hợp. Lục quân giữ vai trò tiến công trên mặt chính, thuỷ quân được trao nhiệm vụ vu hồi chiến dịch để đánh sau lưng và chặn đường rút lui của địch. Trên hướng vu hồi, ngoài thủy quân là chủ yếu, Nguyễn Huệ còn tăng cường thêm một lực lượng kỵ binh. ở các hướng trên mặt chính, tùy theo nhiệm vụ và điều kiện vận động, trong các đạo quân, không phải đạo quân nào cũng có tất cả các binh chủng như nhau, giữ vai trò như nhau, có số lượng hoặc tỷ lệ như nhau.

        Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện chiến dịch có nhiều quân chủng, binh chủng.tham gia, tiến công trên nhiều hướng riêng biệt, trên một chiều sâu lớn, làm thể nào để phối hợp chặt chẽ hành động của tất cả các quân, binh chủng, hướng sự nỗ lực chung vào việc giành thắng lợi. Việc hành động chiến dịch ăn khớp, chặt chẽ đặt ra nhiều vấn đề mới để giải quyết, và Nguyễn Huệ đã giải quyết nó một cách thành công.

        Nguyễn Huệ đã trao cho từng quân chủng, từng binh chủng những nhiệm vụ dứt khoát, rõ ràng, lại trao cho các hướng tiến công những nhiệm vụ cũng dứt khoát, rõ ràng như vậy, đồng thời kết hợp mọi hoạt động của các quân, binh chủng, của các hướng trong tình huống chiến dịch quyết định, theo mục tiêu, địa điểm và thời gian. Những cái "chuẩn" đó hướng tất cả sự nỗ lực của các tướng lĩnh, của quân đội, trên tất cả các hướng tiến công, nhằm giành thắng lợi chung.

        Không phải ngẫu nhiên mà cùng một ngày mồng 5 Tết, ở hướng tiến công chủ yếu, Nguyễn Huệ hoàn thành đánh phá đồn phòng thủ then chốt, đô đốc Bảo tiến đến Đại áng cạnh sườn Ngọc Hồi, đô đốc Long thọc sâu vào Khương Thượng, đô đốc Lộc đã chiếm tuyến sông Cầu và các địa điểm xung yếu khác. Đây là một loạt hành động của tất cả các đạo quân, theo kế hoạch hiệp đồng thống nhất, xảy ra trong tình huống cơ bản có tính chất quyết định. Kế hoạch hiệp đồng đó càng chứng tỏ tính kế hoạch, tính thống nhất của chiến dịch. Hiệp đồng động tác chiến dịch đã đạt đến mức khá chuẩn xác. Qua sự hiệp đồng này, chúng ta có thể suy ra việc tính toán đường hành quân, tốc độ hành quân, tốc độ tiến công cho từng quân, binh chủng cho từng hướng thật là tỉ mỉ, chu đáo, đồng thời tinh thần hiệp đồng nhất trí của các tướng lĩnh, binh sĩ, tinh thần nỗ lực cao độ để giành thắng lợi chung, là những điều kiện quyết định khiến cho tổ chức hiệp đồng chiến dịch thành công rực rỡ.

        Một yếu tố quan trọng nữa đã góp phần quyết định thắng lợi của chiến dịch là tốc độ tiến công cao của quân đội Tây Sơn. Chỉ có tiến công với tốc độ cao và bảo đảm tốc độ cao đó trong suốt quá trình chiến dịch mới có thể giành thời cơ trước địch, phát huy nhân tố bất ngờ, đánh cho địch những đòn mãnh liệt, khiến cho địch không kịp tổ chức chống lại, không kịp điều động và sử dụng các đội dự bị đến những nơi bị đánh phá, đến những nơi bị uy hiếp mạnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 25 Tháng Chín, 2016, 08:02:03 pm »


        Tinh thần chiến đấu rất cao, tác phong chiến đấu dũng cảm, mãnh liệt và chiến thuật vận động của quân đội Tây Sơn là những điều kiện bảo đảm cho việc tiến công với tốc độ cao nhất. Nhưng tốc độ tiến công còn bị phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa:

        Trước tiên phải kể đến phương tiện kỹ thuật các khí tài chiến đấu và bảo đảm khác. Người lính bộ binh thời đó chỉ có thể dùng hai chân để vận động, nên khi bộ binh là chủ yếu thì rõ ràng tốc độ tiến công trước hết phụ thuộc vào sức khỏe và đôi chân của người lính bộ binh. Voi có sức đột kích mạnh, nhưng hành quân chậm. Pháo binh dã chiến của quân đội Tay Sơn được đặt trên voi do đó tốc độ có thể nâng cao. Cao nhất là kỵ binh, có thể xem như là bộ đội có tốc độ nhanh nhất của thời đó. Nhưng kỵ binh tách xa bộ binh, nhất là pháo binh thì sức tiến công bị hạn chế. Cho nên, sự khác nhau về tính năng của các phương tiện kỹ thuật, về tính năng của các quân, binh chủng dẫn đến sự chênh lệch về tốc độ tiến công, cộng với khả năng khắc phục địa hình để bảo đảm vận động, đã hạn chế tác độ tiến công. Muốn khắc phục điều đó, để nâng cao tốc độ tiến công, nghệ thuật chỉ huy phải biết hiệp đồng chặt chẽ các quân, binh chủng, đồng thời biết sử dụng binh chủng nào là chủ yếu trong tình huống nào, giai đoạn nào của chiến dịch. Tính linh hoạt của người chỉ huy và của quân đội nói chung có ảnh hưởng quyết định đến việc nâng cao tốc độ tiến công. Khi cần khắc phục khu vực bảo đảm, Nguyễn Huệ đã trao nhiệm vụ đó cho kỳ bình. Khi đánh phá các đồn kiên cố, thì nhiệm vụ được trao cho bộ binh, pháo binh, tượng binh. Vu hồi chiến dịch thì dùng thủy quân. Khi mở rộng chiến quả, vu hồi chiến thuật vào sườn hoặc sau lưng quân địch trong chiến đấu, thì thường dùng kỵ binh. Khi truy kích thì dùng kỵ binh. Tính linh hoạt cao trong việc chỉ huy của Nguyễn Huệ đã nâng cao tốc độ tiến công của quân đội.

         Điểm thứ hai là năng lực áp đảo nhanh chóng sức chống cự của quân địch. Địch sẽ tiến hành phản kích để ngăn chặn tiến công, do đó làm giảm tốc độ tiến công. Quân Thanh bố trí trên một chiều sâu lớn, với hệ thống đồn lũy khá dày trong toàn bộ chiều sâu đó, lại có những dội dự bị, và cả một đạo quân chủ lực lớn tại bến Tây Long. Làm thế nào để đánh phá nhanh chóng, làm mất thời cơ phản kích của địch, làm thế nào đề nâng cao tốc độ tiến công theo với trình độ phát triển chiều sâu của thế trận chiến dịch của địch? Nguyễn Huệ đã áp dụng hàng loạt biện pháp có hiệu quả: kiên quyết và kín đáo tập trung binh lực, binh khí trong các trận tiến công, chỗ nào cần đánh phá thì kiên quyết đánh phá, chỗ nào không cần thì lướt nhanh qua, không ngừng phát huy yếu tố bất ngờ để đánh địch.

        Tiến công mặt chính bao giờ cũng kết hợp với bao vây vu hồi: Tính cơ động linh hoạt của quân đội Tây Sơn đã tạo điều kiện nhanh chóng khắc phục sự chống cự của địch. Cho nên, suốt trong năm ngày chiến đấu, Tôn Sĩ Nghị không thể tiến hành tăng viện có hiệu quả cho nơi bị uy hiếp, không tổ chức được một cuộc phản kích nào.

        Đêm 30 Tết, quân đội Tây Sơn vượt sông Gián Thủy và vượt qua gần 80 ki-lô-mét, chiều mồng 5 Tết đã vào đến Thăng Long. Với điều kiện chân đất, phải san phẳng nhiều vị trí của giặc, trong thời đại đó, tốc độ tiến quân như thế là cao. Từ Gián Khâu đến Phú Xuyên, quân Tây Sơn nặng về truy kích địch, nên tốc độ cao hơn, trung bình 15 ki-lô-mét một ngày. Từ Hà Hồi đến Thăng Long mới thực sự tác chiến quy mô lớn, mà tốc độ vẫn giữ được trung bình 12 ki-lô-mét một ngày.

        Tốc độ tiến công cao của quân đội Tây Sơn là một trong những nguyên nhân quyết định thắng lợi của chiến dịch. Quân đội của Nguyễn Huệ về số lượng ít so với quân Thanh, nhưng tiến công nhanh, nên đã thắng lợi. Rõ ràng là trong chiến dịch này, tính vận động nhanh chóng đã bổ sung cho thế kém về số lượng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 06:18:29 am »


        SỬ DỤNG ĐỘI DỰ BỊ

        Đạo quân của đô đốc Bảo là đội dự bị chiến dịch của Nguyễn Huệ. Tuy quân số có hạn, nhưng sức mạnh của đạo quân này được tăng cường khá lớn, vì Nguyễn Huệ đã dành nho đội dự bị của mình một đoàn tượng binh – pháo binh có sức đột kích lớn và có hỏa lực mạnh. Các binh chủng đó làm cho chất lượng của đội dự bị chiến dịch tăng lên rất nhiều, trở thành lực lượng cốt cán. Voi chiến, pháo dã chiến, cộng với hộ binh, kỵ binh hợp thành đội dự bị, là những phương tiện quan trọng để Nguyễn Huệ giành và giữ quyền chủ động trong quá trình tiến triển của chiến dịch. Nó bảo đảm cho Nguyên Huệ có thể tạo thành thế mạnh so với địch trong những trận quyết định, và bảo đảm cho quân đội Tây Sơn có thể đối phó một cách thuận lợi với mọi tình huống bất trắc xảy ra do những nỗ lực của Tôn Sĩ Nghị gây nên. Đạo quân của đô đốc Bảo được thành lập với số lượng có hạn nhưng có nhiều binh chủng, chất lượng cao là một sự thể hiện rõ ràng tư tưởng của Nguyễn Huệ nắm đội dự bi mạnh để giành và giữ quyền chủ động chiến dịch.

        Muốn sử dụng đội dự bị một cách kịp thời trên hướng chủ yếu, vào những thời cơ cần thiết, phải biết bố trí đúng đắn đội dự bị đó, quy định đúng đắn trục vận động, thời gian vận động và có ý định sử dụng nó rõ rệt, Nguyễn Huệ đã bố trí đạo quân của đô đốc Bảo vào giữa đạo quân chủ lực và đạo quân của đô đốc Long. Trục hành quân của đô đốc Bảo dựa gần vào trục vận động của đạo quân chủ lực.

        Cách bố trí và trục hành quân đó có nhiều ưu điểm. Nó bảo đảm an toàn và bí mật, bảo đảm tốc độ vận động và khả năng cơ động rộng rãi, bảo đảm đội dự bị tiến vào chiến đấu một cách kịp thời. Nguyễn Huệ một mặt tìm mọi biện pháp để làm tê liệt hành động của chủ lực quân Thanh.

        Nhưng mặt khác, ông tìm mọi biện pháp để bảo đảm an toàn, bảo đảm cơ động cho đội dự bị của mình. Nguyễn Huệ có ý định sử dụng đạo quân đó vào cả hai hướng: hướng tiến công chủ yếu và hướng Khương Thượng.

        Nhưng xét trục vận động và thời gian vận động của đô đốc Bảo, thì rõ ràng Nguyễn Huệ định ưu tiên sử dụng đội dự bị đó trên hướng chủ yếu. Hành động tập kích bất ngờ vào Sầm Nghi Đống tuy có thể gặp khó khăn, đòi hỏi đô đốc Long cần tăng viện, nhưng khả năng tiêu diệt nhanh chóng  đạo quân đó lại có nhiều. Trái lại, năm, sáu vạn quân chủ lực của Hứa Thế Hanh đóng ở Ngọc Hồi, là một lực lượng lớn, không thể không tính toán đến một cách nghiêm túc.

        Nếu việc tiến công bằng sức mạnh vào Ngọc Hồi gặp khó khăn, cần tăng cường sức đột kích, hoặc Hứa Thế Hanh thực hành phản kích lớn, hoặc Hứa Thế Hanh tổ chức cho quân rút lui có kế hoạch về Thăng Long, thì sự có mặt của một đội dự bị mạnh vào chiến đấu một cách kịp thời, là hết sức cần thiết. Còn phải tính đến khả năng tăng cường lực lượng từ Thăng Long đến Ngọc Hồi của Tôn Sĩ Nghị. Vì vậy, cách bố trí, trực vận động, ý định sử dụng đội dự bị của Nguyên Huệ đều chứng tỏ Nguyễn Huệ nắm vững trọng điểm, với tinh thần vừa kiên quyết vừa thận trọng.

        Thành công của Nguyễn Huệ trong những biện pháp nói trên là quan trọng. Nhưng điều quan trọng hơn là biết sử dụng đội dự bị lớn mạnh đó vào thời cơ có ý nghĩa quyết định nhất.

        Trong chỉ huy chiến dịch, nghệ thuật sử dụng đội dự bị của Nguyễn Huệ đã đóng một vai trò nhất định. ông đã theo dõi hành động của tất cả các đạo quân, đồng thời tập trung mọi quan tâm vào hướng chủ yếu, nơi có ý nghĩa quyết định nhất trong toàn bộ chiến dịch. Việc tiêu diệt hoàn toàn mấy vạn quân địch ở đầm Mực nhằm chuẩn bị điều kiện cho thắng lợi chiến lược, chính là ý nghĩa quyết định toàn cục của các biện pháp sử đụng đúng đắn đội dự bị mạnh.

        Trận Ngọc Hồi là một trong những trận lớn nhất của chiến dịch, và là trận có tính chất quyết định trong việc hoàn thành nhiệm vụ của toàn cuộc quyết chiến chiến lược.

        Tạo mọi điều kiện có lợi để sử dụng đội dự bị, tung ra đúng thời cơ, sử dụng binh chủng quyết định, đánh vào mục tiêu trọng yếu, đã là những bài học quan trọng. Bài học càng quan trọng hơn ở chỗ sử dụng đội dự bị vào nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đến toàn cục. Bản thân việc tiêu diệt mấy vạn quân Thanh ở Ngọc Hồi trong một trận đã là một thắng lợi chiến dịch lớn lao. Nhưng thắng lợi đó có ý nghĩa quyết định, vì nó quyết định sự rút chạy tán loạn của Tôn Sĩ Nghị và gần mưởi vạn quân chủ lực của hắn: thắng lợi chiến dịch đã phát triển thành thắng lợi chiến lược. Điều đó mới thật sự nói lên một cách sâu sắc nghệ thuật vững vàng và cao cường của Nguyễn Huệ trong việc sử dụng đội dự bị mạnh của mình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 26 Tháng Chín, 2016, 06:19:13 am »


        CHỈ ĐẠO CHIẾN THUẬT

        Chiến dịch tiêu diệt 20 vạn quân Thanh đã đề ra cho chiến thuật những nhiệm vụ rất nặng nề ít thấy trong các chiến dịch khác. Tất nhiên, khi đề ra cho chiến thuật những nhiệm vụ đó, Nguyễn Huệ không thể không tính toán đến khả năng của chiến thuật, trước hết là tinh thần chiến đấu và kỹ năng chiến đấu của binh sĩ, và các phương tiện, binh khí có trong quân đội. Kết cục của chiến dịch đã chứng tỏ rằng chiến thuật của quân đội Tây Sơn hoàn toàn có những khả năng rất lớn, do đó mà đã hoàn thành được nhiệm vụ của chiến dịch: thắng lợi của chiến dịch có cơ sở từ thắng lợi của chiến thuật. Theo đà phát triển của chiến dịch này, chiến thuật của quân đội Tây Sơn đã phát triển thêm nhiều bước mới.

        Kiểu đánh của chiến dịch này là đánh vận động, bao gồm nhiều hình thức chiến thuật: tiến công vận động, tiến công đồn phòng thủ và các hình thức đánh chặn để bổ trợ cho tiến công, cùng với sự chuyển hóa nhanh chóng từ hình thức này sang hình thức khác.

        Các trận đánh trong khu bảo vệ có tính chất những trận truy kích. Trận Ngọc Hồi là một trận đánh có tính chất tiến công đồn phòng thủ. Trận tiêu diệt đạo quân Sầm Nghi Đống là trận tập kích bất ngờ lớn vào Khương Thượng, sau đó là tiếp tục truy kích địch đến Thăng Long. Trận đầm Mực, là trận đánh mạnh vào cạnh sườn của địch đang vận động. ở Lạng Giang, Phượng Nhãn, quân Tây Sơn từ phục kích chuyển sang truy kích trên một chặng đường dài.

        Các hình thức khác nhau đó đã được quân đội Nguyễn Huệ vận dụng rất linh hoạt, rất thành công. Nó chứng tỏ trình độ chiến thuật khá cao của quân đội Tây Sơn. Nhưng, để đạt mục đích tiêu diệt sinh lực địch trong những trận đó, Nguyễn Huệ đã vận dụng chiến thuật chủ yếu nào?

        Chúng ta thấy rằng, vô luận trong tiến công vận động hay tiến công đồn phòng thủ, Nguyễn Huệ đều áp dụng một cách phổ biến và thành thạo chiến thuật bao vây và vu hồi, từ ba, bốn mặt để đánh địch, khiến cho địch không thể lọt lưới, không thể chạy thoát. Có khi ông thực hành bao vây trước rồi tiến công sau, như trận Ngọc Hồi, có khi bao vây hình thành trong quá trình đánh phá. Cũng có khi, do hành động bí mật, bất ngờ, quân đội Tây Sơn nhanh chóng thọc một mũi dao cực mạnh vào trung tâm của địch, rồi tỏa ra các hướng, chia cắt địch rồi tiêu diệt, như trận Khương Thượng. Trong các trận truy kích địch, thì đuổi phía sau, vượt lên đánh vào sườn, chặn đầu, chia cắt địch thành nhiều mảnh, nhiều nhóm, nhiều tốp. Tùy theo tình hình cụ thể về địch, ta và địa hình, Nguyễn Huệ vận dụng linh hoạt phương pháp tập trung binh lực và hiệp đồng khéo léo các binh chủng.

        Điển hình của tiến công đồn phòng thủ là trận chiến đấu Ngọc Hồi. Từ trước tới nay, khó khăn nhất trong tiến công đồn phòng thủ là vấn đề chọc thủng trận địa có công sự kiên cố. Trong chiến dịch giải phóng Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã từng giải quyết thành công vấn đề chọc thủng một thành phòng thủ có hệ thống công sự kiên cố ở đèo Hải Vân, về mặt thành lũy có kiên cố hơn Ngọc Hồi, nhưng tính vững chắc nói chung của phòng thủ lại kém Ngọc Hồi. Ở Ngọc Hồi, quân Thanh biết kết hợp chặt chẽ giữa công sự kiên cố và dã chiến, giữa công sự, các tuyến chướng ngại (gồm chông sắt, trận địa địa lôi) và hỏa lực tương đối mạnh. Địch giữ một lực lượng cơ động mạnh trong vị trí, khi cần còn được lực lượng cơ động ở phía sau tăng viện đến. Lực lượng phòng thủ của địch lại rất mạnh. Tiến công vào đồn phòng thủ theo hình thức cứ điểm như Ngọc Hồi, cần phải dựa vào sức mạnh ưu thế của đột kích và hỏa lực, phải giải quyết những vấn đề như khắc phục chướng ngại vật, mở cửa, xung phong vào cửa đột phá, phát triển vào trong, đánh quân phản xung phong ... Nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là dùng phương pháp nào để đạt được mục đích tiêu diệt thật nhanh chóng toàn bộ quân địch.

        Ở Ngọc Hồi, Nguyễn Huệ đã tập trung gần toàn bộ lực lượng của đạo quân chủ lực, tạo nên một ưu thế vượt hẳn quân Thanh. Đó là nói về xung lực. Tượng binh tập trung toàn bộ tạo nên ưu thế tuyệt đối, làm lực lượng đột kích. Hỏa lực pháo binh dã chiến cũng hơn địch, đủ khả năng phá hoại công sự địch, mở ra một số cửa đột phá. Trong trận Ngọc Hồi, việc đánh phá đã thành công tốt đẹp chủ yếu do việc tập trung ưu thế lực lượng, và việc sử dụng một cách cân đối, đầy đủ 3 yếu tố đột kích, hỏa lực và cơ động.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM