Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:16:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ  (Đọc 43801 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 01:00:38 am »


       "Nước nhỏ này1 tự mình không thể làm được việc mới đến nỗi phải gõ cửa ải cầu cứu. Nếu sức của chúng tôi có thể chế ngự được chúng thì đâu dám phiền đến đại binh? Nay cụ lớn lấy điều đó quở trách, tôi còn biết nói làm sao? Xin thưa về tình hình của giặc. Nguyễn Nhạc sinh trướng ở vùng Tây Sơn, có sào huyệt hiểm yếu để nương tựa, Nguyễn Huệ là tay lão luyện về trận mạc, lại nắm giữ đội quân hùng mạnh... Nhạc ở Tây Sơn, Huệ chiếm Thuận Hóa, ai nấy tự xưng hùng, kẻ đế người vương. Còn ở quốc thành của nước tôi, chỉ có đồ đảng của chúng là bọn Ngô Văn Sở. Phan Văn Lân mà thôi. Được tin thiên binh đến, bọn chúng chưa biết hư thực thế nào, nên hãy thu quân tạm lánh. Nhưng nghe đâu bọn chúng đóng quân chặn ở núi Tam Điệp, ngăn hẳn từ đất Trường Yên2 về Nam, mưu đồ lại tiến ra đất Bắc lần nữa. Một tên tỳ tướng còn kiệt hiệt như thế, huống chi tên đại tù trưởng của chúng? Nếu không dùng đạo binh thật lớn mà đánh, làm sao có thể bắt sống được chúng? Nước tôi3 sau khi loạn lạc tan tác, tướng ít quân hèn, sợ rằng khó lòng làm xong việc ..."4.

        Nhưng những lời nói thẳng nói thật ấy của Vũ Trinh đã không có giá trị gì đối với Tôn Sĩ Nghị. Việc tạm thời rút lui của quân đội Tây Sơn ở Bắc Hà đã tác động mạnh đến tinh thần Tôn Sĩ Nghị, đã đưa tính chủ quan khinh địch cửa hắn lên cao độ. Hắn dám quả quyết rằng:

        "... Theo ta xem xét thì chúng chỉ như hạng trâu, dê, sai một người đem thừng buộc lấy cổ mà lôi về, hẳn cũng không khó gì. Đợi khi quân ta đến La Thành nhổ bãi nước bọt xoa tay là làm xong việc. Ngươi hãy chờ mà xem"5.

       Lời nói thật là kiêu ngạo, thật là chủ quan, khinh địch đến cùng độ. Làm tướng mà chủ quan khinh địch đến như vậy thì tất nhiên không thể tránh khỏi những thất bại thảm hại, không thể tránh khỏi rơi đầu, bỏ mạng. Đó chính là số phận của Tôn Sĩ Nghị, số phận của cả hai mươi vạn quân Thanh xâm lược sau này.

        Thấy quân đội Tây Sơn đã rút khỏi Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị ung dung, kiêu hãnh đem quân thẳng tiến từ Tam Tằng xuống Thăng Long. Khi qua trấn Kinh Bắc, Lê Chiêu Thống đem quần thần ra chào đón và mời vào dinh trấn tạm nghỉ6, Tôn Sĩ Nghị không dừng lại, cho quân thẳng tiến. Bọn vua tôi Lê Chiêu Thống bám gót theo sau.

        Chập tối ngày 19 tháng Một Mậu Thân7 , tiền quân của quân Thanh tới bờ bắc sông Phú Lương8. Nhưng cầu qua sông và thuyền bè trên sông đều không còn gì nữa. Ngay cả những tre mương, cây cối ở bên bờ bắc cũng đã bị quân Tây Sơn phá trụi, tiền quân Thanh không còn tìm đâu ra vật liệu để làm cầu phao, bè mảng sang sông. Đề đốc Hứa Thế Hanh, người chỉ huy những đội tiền quân này, phải thân đốc quân đi dọc sông, tìm cướp lấy hơn 30 chiếc thuyền con trên sông và đưa được hai nghìn quân Thanh vào thành Thăng Long bỏ trống9. Từ sáng sớm ngày hôm sau, 20 tháng Một Mậu Thân, các đạo quân Thanh mới lục tục sang sông tiến vào Thăng Long10.

---------------
        1. Chỉ bọn vua tôi Lê Chiêu Thống.

        2. Trường Yên tức là đất Ninh Bình ngày nay.

        3. Chỉ chính quyền Lê Chiêu Thống.

        4, 5. Ngô gia văn phái, Tài liệu đã dẫn, tr. 345-346.

        6. Ngô gia văn phái, Tài liệu đã dẫn, tr. 3 7.

        7, 9. Ngụy Nguyên, Tài liệu đã dẫn, tờ 35 - 36.

        8. Sông Phú Lương (theo Thánh vũ ký) hoặc sông Nhị Hà (theo Hoàng Lê nhất thống chí) đều là tên cũ của sông Hồng.

        10. Về ngày quân Thanh tới Thăng Long, các tài liệu phần nhiều nói khác nhau. Hoàng Lê nhất thống chí viết là ngày 11 tháng Một Mậu Thân. Đại nam chính biên liệt truyện, sơ tập là ngày 20 tháng Một. Thánh vũ ký nói rõ ngày 19 tới bờ bắc sông Hồng, sáng ngày 20, các đạo quân mới bắt đầu sang sông, vào Thăng Long. Bắc thnh lược ký của Lê Quýnh nói là ngày 22, Quân doanh kỷ lược của Trần Nguyên Nhiếp là ngày 25. Ngày 11 của Hoàng Lê nhất thống chí có thể là không đúng, vì những ngày trong Hoàng Lê nhất thống chí thường sớm hơn những ngày thật khoảng 10 ngày. Còn những ngày từ 20 đến 25 nói trên đều có thể đúng được cả, tuỳ theo những đơn vị đến trước đến sau, bởi vì hơn 20 vạn quân Thanh, trong điều kiện hành quân và vận chuyển của thời xưa, không thể đến Thăng Long cùng một ngày một lúc được. Ở đây chúng tôi lấy ngày 20 tháng Một Mậu Thân làm ngày quân Thanh tới Thăng Long vì ngày ấy được hai tài liệu là Thánhvũ ký và Đại nam chính biên liệt truyện, sơ tập nói tới và ngày ấy cũng có phần hợp lý đối với việc Tôn Sĩ Nghị làm lễ tuyên phong cho Lê Chiêu Thống tại Thăng Long ngày 22 tháng Một Mậu Thân mà nhiều sách nói tới.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 01:02:05 am »


        Quân số của tôn Sĩ Nghị quá đông, trên 20 vạn người, mà phủ chúa cũng như doanh trại cũ của quân Lê, Trịnh đều không còn nữa1, nội thành Thăng Long không có điều kiện cho quân Thanh đồn trú. Tôn Sĩ Nghị quyết định: đại quân Lưỡng Quảng đóng tại những khu bãi rộng ở hai bên bờ sông Hồng2, tức phía đông nam kinh thành Thăng Long và bắc cầu phao qua sông để quân lính hai bên bờ đi lại thuận tiện. Tôn Sĩ Nghị lập đại bản doanh ngay tại Tây Long cung 3. Mấy vạn quân nghĩa dũng Điền Châu, Triều Châu của Sầm Nghị Đống được lệnh tới đóng tại Khương Thượng, phía tây nam kinh thành Thăng Long. Còn nội thành Thăng Long thì trao cho bù nhìn Lê Chiêu Thống cùng vài nghìn quân tướng cần vương của y canh giữ.

        Tôn Sĩ Nghị tới Thăng Long được vài ngày thì phiên thần nhà Lê ở Tuyên Quang là Hoàng Văn Đồng báo tin rằng quân Vân Nam - Quí Châu của Ô Đại Kinh đã tiến tới Tuyên Quang. Tôn Sĩ Nghị liền sai viên đại thần nhà Lê là Lê Quýnh lên tận Tuyên Quang đón quân Ô Đại Kinh và đưa về đồn trú tại Sơn Tây 4.

        Như thế là toàn bộ quân đội xâm lược của nhà Thanh đã đặt chân lên đất nước Việt Nam, đã kiểm soát được kinh thành Thăng Long và một bộ phận đất đai Bắc Hà.

---------------
        1. Tất cả phủ đệ, lâu đài, doanh trại của chúa Trịnh, đều bị Lê Chiêu Thống, vì oán ghét nhà Trịnh, phóng hỏa đốt hết ngày 8 tháng Chạp năm Bính Ngọ, 1786. "Lửa cháy ngút trời, hơn mười ngày chưa tắt" Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 191.

        2. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 347.

        3. Bến Tây Long, như ở chương trên đã chứng minh, là một bến sông lớn ở đông nam kinh thành Thăng Long, phía cửa ô Tây Long đi ra. Dưới bến, các thuyền chiến có thể đồn trú. Trên bến ... có bãi rộng, có các doanh trại thủy quân và có Tây Long cung là một tòa cung điện, để các vua Lê chúa Trịnh ra đó xem diễn tập thủy quân. Cuối năm 1786, Đinh Tích Nhưỡng cùng một số cựu thần nhà Lê đã hội họp và làm yến tiệc lớn ở cung Tây Long để bàn bạc việc tái lập ngôi chúa cho họ Trịnh. Cũng cuối năm 1786, Lê Chiêu Thống đã ra cung Tây Long để duyệt thủy quân của Hoàng Viết Tuyển. Chính vì có sẵn lâu đài, dinh thự và các doanh trại như vậy, Tôn Sĩ Nghị mới đóng đại quân ở bến Tây Long và đặt bản doanh ở cung Tây Long. Gần đây có người cho rằng cung Tây Long tức là cái miếu thờ quan công của Hoa kiều ở quãng phố Hồng Phúc phía trên cầu Long Biên ngày nay, vì căn cứ vào mấy chữ "Tây Long cổ miếu" của ngôi miếu này và đặt bến Tây Long ở phía đông bắc kinh thành Thăng Long. Nhận định như thế là không đúng vị trí thật của nó trong lịch sử cũng như trong những đồ bản đương thời và hạ thấp giá trị của cung Tây Long, coi nó chỉ là một cái miếu thờ Quan công, cũng như hạ thấp tầm quan trọng của bến Tây Long về mặt quân sự. Trên thực tế, nếu quả bến Tây Long là ở quãng bến Nứa ngày nay thì Tôn Sĩ Nghị không dám đóng quân tại đây, vì quãng sông này, lòng sông rộng, nước nông, hai bên bờ cách nhau xa vì có bãi lớn nổi giữa sông. Đóng quân ở hai bên bờ sông ấy thì phải đặt cầu phao nhiều lần mới qua lại được, như vậy rất bất tiện và khi có chiến sự, quân Thanh đóng ở đây có nguy cơ bị cắt làm nhiều mảnh: một mảnh bên bờ bắc, một mảnh bên bờ nam và một mảnh trên bãi sông. Trong tình hình ấy, quân Thanh không tránh khỏi bị tiêu diệt dễ đàng. Cho nên chúng tôi cho rằng Tôn Sĩ Nghị không đóng quân ở hai bên bờ phía bắc Thăng Long, mà ở phía nam thành Thăng Long, nơi có bến Tây Long và cung Tây Long, có đường qua cửa Ô Tây Long vào thành.

        4. Nguyễn Thu, Lê quí kỷ sử, tờ 44. Thánh vũ ký, q. 6, tờ 37 viết là Hoàng Văn Thông. Trấn thành Sơn Tây thời bất giờ ở xã Cam Giá, huyện Phúc Lộc, tức cũng khoảng gần thị xã Sơn Tây ngày nay (xem Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Bản dịch của Viện Sử học, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960. t. I, tr. 99).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 01:02:48 am »


        Sự nghiệp nhục nhã của bọn vua tôi Lê Chiêu Thống dẫn đường quân cướp nước về giày xéo Tổ quốc, tới đây cũng đã căn bản hoàn thành.

        Kể từ ngày Tôn Sĩ Nghị xuất quân, ngày 28 tháng Mười Mậu Thân tức ngày 25 tháng 11 năm 1788, cho đến ngày quân Thanh đặt chân lên bến Tây Long phía nam kinh thành Thăng long, ngày 25 tháng Một Mậu Thân tức ngày 7 tháng 12 năm 1788, cuộc hành quân của quân Thanh xâm lược đã phải tiến hành trong 22 ngày, không phải chỉ trong 6 ngày, như Tôn Sĩ Nghị đã tâu trình với Càn Long một cách huênh hoang trước ngày xuất quân. Điều đó  chứng tỏ rằng cuộc hành quân của quân Thanh không phải là tuyệt đối không gặp một cản trở, một kháng cự nào. Nó cũng chứng tỏ rằng việc quân Tây Sơn của Ngô Văn Sở rút khỏi Thăng Long không phải là một sự hoảng sợ trước quân địch, không phải là một cuộc chạy dài về Phú Xuân, Thuận Hóa, để ẩn náu mà là sự thực hiện một chiến lược đúng đắn, có thực hành những kế hoạch kháng cự nhỏ, làm chậm bước tiến của quân xâm lược, khiến quân Tây Sơn có thể rút lui an toàn về Tam Điệp, đồng thời làm cho địch không dám khinh suất, ồ ạt tiến đánh ngay Tam Điệp. Chính vì thế mà quân Thanh xâm lược đã không thể tiến nhanh trên đất nước Việt Nam và Tôn Sĩ Nghị đã phải hành quân thận trọng. Khi tới Thăng Long, sự bố trí các doanh trại, nơi trú quân của quân Thanh cũng tỏ ra rằng, mặc đầu đã chủ quan, kiêu căng lắm, Tôn Sĩ Nghị vẫn phải ít nhiều thận trọng.

        Tôn Sĩ Nghị đã không đóng quân trong thành Thăng Long, không phải là không có suy tính, mà là do cả hai lẽ  khách quan và chủ quan. Khách quan là nội thành Thăng Long lúc ấy quá chật không có khả năng để cho hơn 20 vạn quân Thanh vào đồn trú. Mà chủ quan là hơn 20 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị không phải là một khối đồng nhất, nó là ba đạo quân khác nhau, chưa hề tiếp xúc với nhau bao giờ, tướng tá khác nhau, tổ chức khác nhau, kỷ luật khác nhau, tập quán sinh hoạt khác nhau, trình độ chiến đấu khác nhau, nếu dồn vào sống chung trong cùng một doanh trại thì thật là khó khăn, sẽ xảy ra nhiều vấn đề nan giải trong nội bộ của chúng. Chính vì những lẽ khách quan chủ quan ấy mà Tôn Sĩ Nghị đã không cho hơn 20 vạn quân của hắn vào đóng trong thành Thăng Long.

        Khi đóng quân ở ngoài thành Thăng Long, sự bố trí các doanh trại cũng không phải là tùy tiện. Tôn Sĩ Nghị đã cho đóng quân từ phía đông qua phía nam tới phía tây thành Thăng Long. Đạo quân Lưỡng Quảng ở hai bở sông Hồng, đạo quân Điền Châu, Triều Châu ở Khương Thượng và đạo quân Vân Quí ở Sơn Tây. Sự bố trí ấy vừa thuận tiện cho việc liên hệ giữa các đạo quân với nhau, vừa thuận tiện cho việc liên hệ với Vân Nam và Quảng Tây, vừa thuận tiện cho việc tiếp nhận quân lương của chúng từ Trung Quốc đưa sang theo hai đường Quảng Tây - Thăng Long, Vân Nam - Thăng Long, vì trên hai đường ấy quân Thanh đã lập được bảy mươi đồn quân lương nối tiếp nhau từ bên kia biên giới tới Thăng long. Khi cần tiến công Tam Điệp và tiến quân xuống Thuận Hóa, Quảng Nam, thì sự bố trí ấy cũng có nhiều thuận tiện, cả ba đạo quân sẽ có thể cùng tiến một lúc được. Đạo quân Lưỡng Quảng sẽ theo triền sông Hồng tiến xuống Vị Hòang. Đạo quân Điền Châu, Triều Châu sẽ từ Khuông Thượng theo đường chính, qua Văn Điển, tiến xuống Gián Thủy. Đạo quân Vân Quí sẽ từ Sơn Tây theo đường Chương Đức tiến xuống. Cả ba đạo quân ấy sẽ gặp nhau ở Tam Điệp và cùng tiến công quân Tây Sơn ở Tam Điệp - Biện Sơn.

        Cách bố trí đóng quân như trên chứng tỏ rằng Tôn Sĩ Nghị đã có tính toán, nhưng dù sao đấy vẫn là cách bố trí của một quân đội nghỉ ngơi. Hơn nữa, với cách bố trí đó, Tôn Sĩ Nghi tỏ ra chủ quan, khinh địch, mất cảnh giác, chỉ nghĩ đến đánh người, tùy tiện muốn đánh người lúc nào thì đánh,  mà không nghĩ đến trường hợp bị người đánh thì đối phó như thế nào. Những sơ hở ấy của quân Thanh sẽ bộc lộ rõ trước chiến lược thiên tài đại phá 20 vạn quân Thanh của anh hùng Nguyễn Huệ sau này.

        Đi đôi với những sơ hở ấy là tinh thần chủ quan khinh địch ngày càng tăng của quân tướng nhà Thanh. Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho quân Thanh sẽ phải thất bại thảm hại một khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc.

        Tin quân Thanh xâm lược chiếm đóng kinh thành Thăng Long đưa về tới triều đình Yên Kinh1 đã làm cho bọn phong kiến nhà Thanh vô cùng phấn khởi. Càn Long lập tức tuyên phong Tôn Sĩ Nghị tước Mưu dũng công và thăng quan tước cho tất cả các tướng sĩ tham gia cuộc xâm lược này2.

        Những thắng lợi tương đối dễ dàng ở Bắc Hà cộng với những ân huệ của triều đình phong kiến Yên Kinh càng làm cho Tôn Sĩ Nghị tăng thêm kiêu ngạo, chủ quan khinh địch, lãng quên ý chí tiếp tục đến công, hoàn thành âm mưu xâm lược của chúng.

        Tôn Sĩ Nghị quyết định dừng lại ở Thăng Long để nghỉ ngơi. Toàn thể quan Thanh từ tướng lĩnh đến binh lính đều chỉ nghĩ đến nghỉ ngơi, ăn chơi và tác quái trên mảnh đất nước đã bị chúng xâm lược. Và như thế, con đường thất bại của chúng trong những ngày sắp tới đã hiện ra thật rõ rệt.

---------------
        1 . Yên Kinh nay là Bắc Kinh.

        2. Ngụy Nguyên, Thánh vũ ký, q. 6, tờ 3

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 01:03:44 am »


NGUYỄN HUỆ TIẾN QUÂN RA BẮC,
ĐẠI PHÁ HAI MƯƠI VẠN QUÂN THANH

        Ngày 20 tháng Một năm Mậu Thân, Ngô Văn Sở đưa quân về tới Tam Điệp thì cũng ngay ngày hôm ấy Ngô Văn Sở cử đô đốc Nguyễn Văn Tuyết phi ngựa vào Phú Xuân cấp báo Nguyễn Huệ. Chỉ bốn ngày sau, tức 24 tháng Một năm Mậu Thân (21 tháng 12 năm 1788), Nguyễn Văn Tuyết tới Phú Xuân. Nghe báo cáo đầy đủ tình hình, Nguyễn Huệ quyết định ngay ngày hôm sau 25 tháng Một năm Mậu Thân tức ngày 22 tháng 12 năm 1788  xuất quân tiến ra Bắc.

        Mới nghe thì tưởng như lệnh xuất quân ấy có vẻ nóng vội. Nhưng thật ra, lệnh xuất quân ấy đã dựa trên những cơ sở thực tế của nó. Từ nhiều tháng trước, những đạo quân ở Phú Xuân của Nguyễn Huệ đã được huấn luyện và chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đợi lệnh lên đường xuất trận để đối phó với mọi tình hình bất trắc xảy ra, dù là ở phía nam hay ở phía bắc. Nếu không có một sự chuẩn bị chu đáo, một tư thế sẵn sàng chiến đấu như thế, thì không có một đạo quân nào gồm trên dưới chục vạn người có thể ngày hôm trước được tin giặc đến mà lập tức ngày hôm sau đã xuất phát lên đường đi hàng ngàn dặm để đánh giặc.

        Tình thế nước nhà lúc ấy, phía bắc có giặc ngoài xâm lược, phía nam có bọn phản động Nguyễn Ánh quấy rối, việc đại quân của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân tiến vào Nam hay tiến ra Bắc là một vấn đề quan trọng, quyết định vận mệnh của Tổ quốc, đòi hỏi người lãnh đạo chiến tranh, người tướng chỉ huy quân đội phải có một sự tính toán vững chắc, một nhận định tình hình thật sáng suốt và có chủ trương phương hướng thật đúng đắn.

        Trong những tháng cuối năm 1788, Nguyễn Ánh đánh phá dữ dội ở miền Gia Định, Nguyễn Nhạc nhiều lần viết thư yêu cầu Nguyễn Huệ đưa quân vào Gia Định. Nguyễn Nhạc chỉ xin giữ một vùng Qui Nhơn, tự xưng là Tây vương, nhường mọi quyền bính trong cả nước và trong nghĩa quân Tây Sơn cho Nguyễn Huệ. Nhưng Nguyễn Huệ đã không đem quân vào Nam ngay, mặc dầu Nguyễn Huệ có đầy đủ điều kiện về quân sự để đánh tan bọn phản động Nguyễn Ánh. Bởi vì ở ngoài Bắc, 20 vạn quân Thanh đang chuẩn bị tiến sang xâm lược. Mà đó là vấn đề quan trọng bậc nhất lúc ấy. Nếu Nguyễn Huệ đem đại quân vào Nam đánh Nguyễn Ánh thì khi quân Thanh sang xâm lược, Nguyễn Huệ sẽ không đối phó kịp thời. Nguyễn Huệ từ Gia Định quay trở ra để chống đánh quân Thanh sẽ gặp nhiều khó khăn. Trái lại, Nguyễn Huệ cũng không thể đem quân ra Bắc từ trước để chờ đánh quân Thanh. Bởi vì trách nhiệm của Nguyễn Huệ lúc này là trách nhiệm đối với cả nước. Nếu Nguyễn Huệ đem đại quân ra Bắc lâu ngày thì miền Nam có thể sơ hở, bọn phản động có thể đem quân ra quấy rối Qui Nhơn, Phú Xuân. Nếu Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc để đón đánh 20 vạn quân Thanh tại biên giới, thì thắng lợi chưa chắc đã nhanh chóng. Mà thắng lợi ở Bắc Hà không nhanh chóng thì lại càng là cơ hội tốt để bọn phản động Nguyễn Ánh đánh ra Qui Nhơn, Phú Xuân.

        Để xảy ra tình trạng cùng một lúc phải đương đầu với thù trong giặc ngoài ở cả hai mặt trận, phía bắc và phía nam thì thật là nguy hiểm. Cho nên quân đội của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu từ lâu, mà đến bây giờ Nguyễn Huệ mới hạ lệnh xuất quân là hợp thời, đúng lúc.

        Nhưng ra Bắc mới chỉ là để giải quyết những vấn đề cấp bách ở miền Bắc, còn những vấn đề ở Gia Định thì giải quyết như thế nào; làm thế nào để giữ được an toàn cho Phú Xuân, Qui Nhơn, để quân dân từ Phú Xuân trở vào Gia Định được yên lòng trong khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc. Tất cả những việc đó đều được Nguyễn Huệ lưu tâm chu đáo. Trước khi tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ cho một tướng tin cẩn là Diệm cầm thư của ông vào Gia Định trao cho tướng chỉ huy quân Tây Sơn trong đó là Phạm Văn Tham1. Trong thư, Nguyễn Huệ dặn dò phương hướng chiến lược và động viên quân dân miền Nam cố gắng chiến đấu, chờ ông giải quyết xong công việc Bắc Hà sẽ tiến đại quân vào Nam tiêu diệt bọn phản động Nguyễn Ánh.

---------------
        1. Nguyễn Huệ cho người tin cậy là Diệm vào Gia Định đưa mật thư cho Phạm Văn Tham. Nhưng đầu năm 1789, trong khi Nguyễn Huệ chiến thắng rực rỡ ở Bắc Hà, thì ở Gia Định, Phạm Văn Tham thất bại liên tiếp. Khi Diệm vào tới Gia Định, Phạm Văn Tham đã phải đầu hàng Nguyễn Ánh. Diệm bí mật tìm đến gặp Phạm Văn Tham và đưa bức thư của Nguyễn Huệ cho Phạm Văn Tham. Phạm Văn Tham ân hận: "Nay việc đã như thế này thì làm thế nào được?". Diệm nói: "Nay dẫu bị thua, nhưng không bao lâu chúa ta hẳn trở lại. Gia Định lại tất về tay chúng ta. Tướng quân nên liệu tính đi". Tham giữ Diệm ở lại với mình. Việc tiết lộ, Phạm Văn Tham bị Nguyễn Ánh giết chết và bêu đầu ba ngày tại Gia Định. Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, t. II, tr. 101; thư của giáo sĩ Tây Ban Nha Castuera viết ngày 11 tháng 6 năm 1789 trong B.S.E.I. Nouv. sér. tomc XV. n0 3 - 4. 1940, p. 100.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 01:04:28 am »


        Trước khi ra Bắc, để làm sáng tỏ danh nghĩa đối với cả nước, sáng tỏ trách nhiệm của mình đối với toàn dân ở cả hai miền Nam Bắc, ông quyết định lên ngôi hoàng đế. Ngày 25 tháng Một năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang1, lấy niên hiệu Quang Trung, xóa bỏ niên hiệu Thái Đức mà trước đây Nguyễn Huệ vẫn cố giữ, mặc dù Nguyễn Nhạc đã xưng là Tây vương, đồng thời cũng xóa bỏ cả niên hiệu Chiêu Thống của nhà Lê ở Bắc Hà.

        Trong bài chiếu lên ngôi của Nguyễn Huệ, ban bố cho toàn dân Nam Bắc, có những đoạn như sau:

        "Trẫm là người áo vải ở Tây Sơn, không có một thước đất, vốn kkông có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân, vì vậy trẫm tập hợp nghĩa binh, mặc áo tơi đi xe cỏ để mớ mang núi rừng, giúp đỡ hoàng huynh2 rong ruổi việc nhung mã, gầy dựng nước ở Tây Thổ vỗ yên các nước Xiêm La, Cao Miên, đánh lấy Phú Xuân, tiên ra Thăng Long, cốt ý quét sách lọan lạc, cứu vớt dân trong vòng nước lửa, rồi sau trả lại nước cho họ Lê, trả đất về đại huynh, trẫm sẽ dùng xiêm thêu hia đỏ ngao du hai nơi mà thôi. Nhưng việc đời dun dủi, trẫm không theo được cái chí xưa đã định. Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê chỉ trông mong vào trẫm. Về phần đại huynh có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương, mấy nghìn dặm đất về phương nam thuộc hết về trẫm 3. Trẫm tự nghĩ tài đức không bằng người xưa, mà đất đai thì rộng, nhân dân thì nhiều năm nghĩ cách thống trị, lo ngay ngáy như dây cương mục chỉ huy sáu ngựa..."4.

        Những lời giản dị trong bài chiếu đã nói khá rõ những lý do lên ngôi vua của Nguyễn Huệ.

        Sau khi làm lễ đăng quang, Nguyễn Huệ tự thống lĩnh tất cả quân thủy bộ tiến ra Bắc. Ngày 29 tháng Một năm Mậu Thân tức ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân tới Nghệ An. Nguyễn Huệ cho quân đóng lại ở Nghệ An hơn mười ngày. Một mặt Nguyễn Huệ cho người đem thư trá hàng5 ra Thăng Long đưa cho Tôn Sĩ Nghị khiến giặc tăng thêm kiêu ngạo, chủ quan, mất cảnh giác, không chú ý đề phòng. Một mặt Nguyễn Huệ hạ lệnh tuyển quân ở Thanh - Nghệ, trao cho đại tướng Hám hổ hầu đảm nhiệm. Cứ ba suất đinh lấy một người ra lính, trong mấy ngày được tới hàng vạn tân binh, tổng cộng toàn quân có được mười vạn người6 và một đội tượng binh lớn gồm vài trăm voi chiến7.

-----------------
        1. Lễ lên ngôi lập tại núi Bân thuộc địa phận xã An Cựu huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, gần kinh thành Phú Xuân.

        2. Chỉ Nguyễn Nhạc.

        3. Chúng tôi nhấn mạnh để chúng ta chú ý rằng Nguyễn Huệ trước sau vẫn nhận mình có trách nhiệm đối với miền Gia Định, ông không hề có ý bỏ mặc cho bọn Nguyễn Ánh đánh cướp.

        4. Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, thế kỷ XVIII giữa thế kỷ XIX, Nhà xuất bản văn hóa Hà Nội, 1963, tr. 222.

        5. Nguyễn Thu. Lê quý kỷ sự, tờ 46. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, t. XX, tr. 61. Nhiều sách gần đây, dựa vào bức thư của Nguyễn Huệ gửi Càn Long sau khi chiến tranh kết thúc, để nói rằng cùng với việc đưa thư trá hàng này, Nguyễn Huệ còn cho đem trả Tôn Sĩ Nghị 10 tên quân Thanh là bọn Hắc Thiệu Tông, do tướng Tây Sơn Ngô Hồng Chấn (đoán là Ngô Văn Sở) ở Thăng Long, đã bắt từ trước chiến tranh. Sự việc này chưa chắc là có thật. Những thư từ giao thiệp với nhà Thanh sau cuộc chiến tranh, Nguyễn Huệ trao toàn quyền cho Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy ích và các tướng lĩnh Tây Sơn ở Bắc Hà đảm nhiệm. Trong những bức thư gửi cho Càn Long, nhân danh vua Quang Trung, các tướng lĩnh Tây Sơn đôi khi tìm cách buộc tội thêm cho Tôn Sĩ Nghị để lấy lẽ phải về mình. Cho nên trong đó, có thể có những sự việc không có thật. Trường hợp bị bắt của những người này không rõ ràng. Vả lại với mục đích trá hàng chỉ để làm kiêu lòng địch, Nguyễn Huệ không cần phải trả người cho Tôn Sĩ Nghị.

        6. Số lính mới tuyển, Hoàng Lê nhất thống chí nói là một vạn, Cương mục nói là tám vạn. Một vạn thì ít quá, mà tám thì lại nhiều quá, ở đây chúng tôi lấy con số toàn quân gồm cả lính cũ và lính mới là mười vạn của Đại Nam chính biên liệt truyện, vì thấy con số toàn quân mười vạn gần với sự thật hơn.

        7. Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, q. 30, tờ 32.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 01:05:25 am »


        Nguyễn Huệ chia quân làm năm doanh: tiền quân, hậu quân, tả quân, hữu quân và trung quân; binh lính mới tuyển ở Nghệ An được đưa vào trung quân đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Nguyễn Huệ. Việc phiên chế quân đội này không có gì đặc biệt, tuy nhiên nó cũng cho thấy Nguyễn Huệ rất khéo dùng người, có tài tổ chức quân đội. Những người lính mới tuyển là những người lính chưa được thao luyện, chưa quen chiến trận, nhưng họ được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của người anh hùng bách chiến bách thắng thì họ sẽ vững vàng tin tưởng, phấn khởi và phát huy được khả năng chiến đấu của họ.

        Sau khi phiên chế xong đội ngũ, Nguyễn Huệ tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại trấn doanh Nghệ An. Trước toàn Quân, Nguyễn Huệ tuyên bố:

        "Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị. Người phương bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ; các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cỡi lặng yên, các vuat truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy, đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri lương năng, hãy nên cùng ta đang tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước!"1.

        Sau hôm duyệt binh, Nguyễn Huệ hạ lệnh tiến quân. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân tức ngày 15 tháng năm 1789 đại quân của Nguyễn Huệ tiến tới núi Tam Điệp2. Tại đây, Nguyễn Huệ khẳng định chủ trương tạm lui quân của các tướng lĩnh Bắc Hà là đúng, ông nói:

        "... Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân kích thích, ngoàí thì khiến cho lòng giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay... "3.

---------------
        1. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch, tr. 359, 360.

        2. Có tài liệu như Lê triều dã sử nói rằng trong cuộc tiến quân từ Phú Xuân ra Bắc lần này, để hành binh nhanh chóng, Nguyễn Huệ đã cho quân dùng cáng 3 người một tốp thay phiên cáng nhau, khiến mọi người đều đi nhanh mà không ai bị mỏi. Sự việc này không chắc có thật. Bởi vì cáng nhau mà đi thì không thể đi nhanh được bằng đi bộ rảo cẳng, càng không thể đi nhanh đều đặn trong thời gian nhiều ngày liền. Cho nên chúng tôi cho rằng việc cáng nhau mà đi chỉ là câu chuyện người sau viết sách tưởng tượng ra để giải thích tốc độ hành quân mau lẹ của quân đội Tây Sơn. Hoặc giả có những bộ phận quân dội dùng cáng chuyên chở quân trang, quân dụng, quân lương ... để đem đi được nhiều nên nhân dân trông thấy, tưởng đoàn quân cáng nhau để hành quân nhanh.

        3. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch của Ngô Tất Tố, Nhà xuất bản Mai Lĩnh, Hà Nội, 1945, tr. 531.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 08:01:12 am »


        Rồi Nguyễn Huệ hạ lệnh đóng quân lại ở Tam Điệp một thời gian để tìm hiểu tình hình cụ thể của địch ở Bắc Hà, đồng thời truyền hịch kể tội quân Thanh xâm lược, gọi Tôn Sĩ Nghỉ là "tên ngông cuồng họ Tôn "1 và động viên nhân dân Bắc Hà đoàn kết, quyết tâm diệt giặc.

        Trong khi Nguyễn Huệ và quân đội Tây Sơn tích cực chuẩn bị phản công như vậy thì bọn quân Thanh cướp nước ở Thăng Long lại chỉ nghĩ đến nghỉ ngơi, cướp bóc, rất ngại chiến đấu, mà đám quân "cần vương " của Lê Chiêu Thống thì đói khát, hoang mang tan rã đến cao độ. Từ biên ải tới Thăng Long, không gặp một sức kháng cự mạnh mẽ nào, Tôn Sĩ Nghị cho là quân Tây Sơn sợ hãi bỏ chạy, sinh chủ quan, kiêu căng, phá bỏ cả mọi điều quân luật đã đề ra, thả lỏng cho quân lính tự do, bừa bãi "mặc cho quân lính các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ, đi lại lang thang không có kỷ luật gì cả. Có kẻ đi ra khỏi thành đến hơn mười dặm để kiếm củi đun, có kẻ đi tới các chợ búa dân gian để buôn bán, hàng ngày sớm đi tối về, xem như việc bình thường. Bọn tướng tá cũng ngày ngày chơi bời tiệc tùng, không hề để ý gì đến việc quân"2. Quân Thanh thường hoành hành cướp bóc, nạn cướp chợ, hãm hiếp không ngày nào không có3. Tôn Sĩ Nghị lại cho quân đi lùng bắt những người trước đây đã làm việc với Tây Sơn. Hàng ngày, số người này bị bắt và bị giết có tới ba bốn mươi người. Trong khoảng hơn một tháng trời, con số bị giết lên tới hàng ngàn người4. Tôn Sĩ Nghị lại dung túng cho những người Hoa kiều trú ngụ ở Thăng Long, Kinh Bắc, phố Hiến, dựa vào quân Thanh, ỷ thế làm càn, ngang nhiên cướp đường, cướp chợ, hãm hiếp, vu hại người lương thiện5. Nhân dân Bắc Hà thật là khổ sở và vô cùng oán ghét quân Thanh6.

        Còn Lê Chiêu Thống thì thật là ươn hèn đốn mạt. Hàng ngày Chiêu Thống phải tới chầu hầu ở dinh Tôn Sĩ Nghị để đón chờ Tôn Sĩ Nghị truyền lệnh về việc quân việc nước. Tuy làm vua và đã được Càn Long phong vương cho, nhưng Chiêu Thống vẫn không dám dùng niên hiệu Chiêu Thống của mình: mọi giấy tờ vẫn phải dùng niên hiệu Càn Long. Trông thấy Lê Chiêu Thống, người Bắc Hà khi ấy đã phải than rằng:

        “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế” 7.

-----------------
        1. Nguyễn Thu, Lê quý kỷ sự, tờ 17.

        2. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch, Nhà xuất bản Văn hoá, Hà Nội, 1964, tr. 354.

        3, 4. Theo một bức thư nhân danh vua Quang Trung gửi cho Càn Long trong "Tây Sơn bang giao tập”.

        5, 6, 7. Ngô gia văn phái, tài liệu đã dẫn, tr. 348.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 08:02:42 am »

       
        Đối với quân xâm lược thì quỵ lụy khốn nạn như vậy, nhưng đối với người trong nước thì Lê Chiêu Thống lại đối xử rất tàn nhẫn, dã man. Hắn dựa vào quân Thanh để trả thù riêng cho thỏa thích. Hắn trị tội những quan lại cũ đã làm việc hoặc có giao thiệp với Tây Sơn. Hắn mổ bụng phụ nữ có mang, chặt chân ba người chú của hắn rồi quẳng xác xuống giếng v.v., chỉ vì những người này đã có liên hệ với Tây Sơn1.

        Bọn chân tay của Lê Chiêu Thống là bọn Lê Quýnh, bất tài, vô hạnh, suốt ngày say mê rượu chè, công nhiên ăn của đút lót, vu hãm các bạn đồng liêu cũ. Triều đình bù nhìn của Lê Chiêu Thông như vậy chỉ làm hại nước và nhục nước, khiến cho quân xâm lược càng thêm khinh nhờn, hống hách, kiêu căng, tàn bạo.

        Bắc Hà lúc ấy, mấy năm liền mất mùa đói kém, nhất là nắm l788 lại càng đói kém dữ dội. Bọn vua tôi Lê Chiêu Thống phải thu lương thực của nhân dân để nuôi quân Thanh. Nhưng các châu huyện đều không có thóc lúa để cung ứng. Chiêu Thống phải cho quần thần chia nhau đi các nơi đốc thúc lấy lương. Dân chúng kêu khóc, nhịn đói mà dâng nộp. "Đường tiếp tế lương thực cho quân Thanh thì xa, nên bao nhiêu lương và tiền mà triều đình thu được của dân đều đem cung đốn cho họ hết sạch. Còn vài vạn người vừa nghĩa binh các đạo, vừa cựu binh Thanh -Nghệ2 thì đều lòng không dạ trống đi theo việc binh nhung. Lòng người do đấy lại càng chia rẽ tan tác"3.

        Trong khi ở Bắc Hà quân Thanh cướp nước tàn bạo như vậy, quần chúng nhân dân khổ sở như vậy, bọn phản động Lê Chiêu Thống có những hành động đê hèn nhục nhã như vậy, thì bọn phản động Nguyễn Ánh ở Gia Định cũng có những hành động đê hèn nhục nhã không kém. Chúng cũng cầu mong quân xâm lược nước ngoài vào cướp nước, vào giày xéo lên Tổ quốc, chém giết đồng bào của chúng. Được tin quân Thanh tiến sang cướp nước ở phía bắc, Nguyễn Ánh mừng rỡ, vội vàng cho lũ chân tay là bọn Phan Văn Trọng, Lâm Đề mang thư sang triều đình nhà Thanh tỏ lòng hoan nghênh, thần phục và đem 50 vạn cân gạo để giúp lương cho quân Thanh đánh chiếm Bắc Hà. Nhưng không may cho bọn phản động Nguyễn Ánh, hành động nhục nhã của chúng đã không đi đến kết quả nào. Các thuyền gạo của chúng ra tới biển, gặp bão, bị đắm, cả gạo và người đều làm mồi cho cá biển4.

        Trong tình hình Bắc Hà hỗn loạn, do quân Thanh xâm lược và bọn phản động Chiêu Thống gây nên, một vài cựu thần nhà Lê đã trông thấy nguy cơ có thể bị tiêu diệt, lấy làm lo lắng và muốn có những hành động quân sự kịp thời. Ngô Tưởng Đào dâng sớ yêu cầu kịp thời tiến đánh quân Ngô Văn Sở ở Tam Điệp. Tôn Sĩ Nghị khoác lác, từ chối:

        "Việc gì mà phảí vội vã như vậy? ... Giặc gầy mà ta đang béo, hãy để chúng tự đến nộp thịt ..."5.

        Tuy nói ngông nghênh như vậy, nhưng thấy mọi người thúc giục, Tôn Sĩ Nghị cũng không dám để việc quân trễ tràng lắm. Hắn liền quyết định sang xuân, mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789), sẽ xuất quân và bắt đầu bố trí canh gác đề phòng6. Ngoài các đạo quân lớn vẫn đóng tại các vị trí cũ, Tôn Sĩ Nghị bắt đầu đặt thêm đồn canh phòng.

-------------------
        1, 3. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch dã dẫn, t. XX tr. 60.

        2. Quân đội cũ của Lê Chiêu Thống, người Thanh Hóa, Nghệ An.

        4. Đại Nam thực lực, Bản dịch của Viện sử học, t. II, tr. 121.

        5. Ngô gia văn phái, Tài liệu đã dẫn, tr. 350.

        6. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch, t. XX, tr. 61, nói vì có thủ chiếu của Càn Long, Tôn Sĩ Nghị mới phải tính đến mưu kế tiến quân. Sự việc này nếu có thật. thì chỉ là thêm một nguyên nhân, chứ không phải là nguyên nhân duy nhất.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 08:04:35 am »


        Từ Thăng Long về phía nam chừng 60 dặm, Tôn Sĩ Nghị chia quân đóng giữ một số nơi, đắp lũy đất lập đồn để canh gác. Những đồn mới lập ấy gồm có: một đồn ở làng Ngọc Hồi huyện Thanh Trì, một đồn ở làng Hà Hồi huyện Thường Tín, một đồn ở làng Nhật Tảo huyện Duy Tiên và một đồn ở bờ bắc sông Nguyệt Quyết huyện Thanh Liêm. Nhưng kế hoạch bố trí mới của Tôn Sĩ Nghi lại chỉ là kế hoạch phòng thủ thụ động, ngồi chờ người đến đánh để đỡ vì vậy bọn thần tử nhà Lê vẫn lo sợ.

        Một người cung nhân cũ trong cung vua Lê, quê ở Trường Yên, vùng núi Tam Điệp, đã phải cố đi từ Trường Yên ra Thăng Long để nói về tình hình và than thở với Thái hậu mẹ Lê Chiêu Thống:

        "Xe vua trở về kinh thành, đã gần một tháng. Hiệu lệnh ban ra, chẳng qua mới đến các vùng Ứng Hòa, Thường Tín, Từ Sơn, Thuận Thành, Quảng Oai, năm lộ mà thôi. Còn như từ Trường Yên về nam, Thanh Hoa là đất căn bản, lăng tẩm tiền triều ở đó. Nghệ An cũng là quận chân tay, quân cấm và quân túc trực đều lấy người ở đấy, thì nay vẫn bị mất về tay giặc, tín tức không thông, đó thật là điều đáng lo rất lớn. Hiện nay, việc nước hư thực thế nào, thế giặc mạnh yếu ra sao, những người đứng ngoài mà xem, không ai không biết. Trước đây hoàng thượng gặp nạn phảí chạy, các quan trèo đèo vượt suối khó nhọc vất vả đã hơn một năm, bao nhiêu nhân tình chắc đã từng trải hết rồi, sao vẫn điềm nhiên không lo nghĩ gì cả? Tổng đốc họ Tôn từ thượng quốc tới đây, thế nước và tình hình của giặc chỉ biết đại khái. Đến như các miền, cũng có nơi xung yếu, nơi bình thường, chìa đồn và mai phục, cần phải trù tính kỹ càng. Việc binh có lúc nên đánh, lúc nên giữ, phải tùy cơ ứng biến trong chốc lát. Tất cả những điều ấy, họ làm sao mà hiểu được rõ ràng, đích xác? Vả chăng, khi trước L ê Quýnh khai báo ở bên ấy, nói rằng: "Nhiều nơi trong nước ta không chịu theo giặc, người chuộng nghĩa còn nhiều, lòng người cũng có thể trông cậy, nếu được đại binh sang làm thanh viện thì công việc khôí phục có thể thành ...". Đó chỉ là một cách nói, để tổng đốc họ Tôn không cho việc ấy là khó. Quýnh vì muốn chóng được quân sang cứu, cho nên mới bịa ra lời nói hão để lừa đối họ. Họ cũng tưởng là thật, hăng hái tiến lên, không còn lo nghĩ gì về sau. Cứ xem lời lẽ trong bài hịch, thì những điều họ bắt buộc mình phảí đương lấy, rất là nặng nề; còn họ thì chỉ lảng vảng ở bên bờ sông, láy thanh thế suông để dọa dẫm mà thôi. Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện,  dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỉ thần, khômh ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt, là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sợ sấm sét. E rằng chẳng mấy lâu nữa, hắn lại trở ra, tổng đốc họ Tôn đem thứ quân nhớ nhà kia mà chống chọi, thì địch sao cho nổi? Họ chẳng qua chỉ là người khách, chuyến này sang cũng cốt xem sự thể khó hay dễ để liệu bề tiến lui mà thôi. Nhưng còn nhà nước của ta thì sao? Thái hậu có thể chạy sang đất Trung Hoa một chuyến nữa chững?"1.

        Cung nhân già ấy chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhưng họ đã thấy được phần nào sự thật của tình hình. Bởi vì họ đã sống ở Trường Yên, tiếp cận với nơi quân đội Tây Sơn đóng giữ. Họ thấy rõ khí thế sục sôi chiến đấu của quân dân từ Trường Yên trở vào và thấy rõ khả năng chiến thắng của quân đội Tây Sơn. Quay nhìn ra Bắc, nhất là đặt chân tới Thăng Long, họ đã thấy tất cả cái yếu hèn của vua tôi Lê Chiêu Thống, và mầm mống thất bại của quân Thanh. Nhìn thấy sự thật, nhưng sợ việc đã muộn. Bọn vua tôi nhà Lê cũng thấy nhận định tình hình như thế là đúng, nhưng không có cách nào khác hơn là đến cầu khẩn với Tôn Sĩ Nghị để Tôn Sĩ Nghị xuất quân mà thôi.

        Thấy có người vạch rõ tình hình và đặt vấn đề một cách cấp thiết như vậy, Tôn Sĩ Nghị cũng giật mình và cũng tự cảm thấy mình đã sai lầm. Nhưng thời cơ đã lỡ, quân luật đã trễ tràng, binh lính đã uể oải, bản thân Tôn Sĩ Nghị cũng thấy khó khăn lúng túng, không biết xoay sở như thế nào, chỉ còn biết mắng nhiếc bọn bù nhìn và đùn cho bọn bù nhìn xuất quân trước:

        "Trước đây tới đón chào ta ở Lạng Sơn, sao không nói cho rõ? Bấy giờ, nhân khi ta thắng, đè bẹp ngay chúng đang lúc khốn đốn, há chẳng dễ dàng hơn hay sao? Nay đã bỏ lỡ cơ hội ấy, để chúng có thì giờ thong thả mà bày mưu đặt chước, cách trị chúng cần phải tính toán cho chu đáo, không thể hấp tấp. Vả lại đã định đến sang xuân, vào ngày mồng 6 thì sẽ xuất quân, như vậy cũng không còn xa gì nữa. Nếu muốn đi gấp thì cho phép vua tôi nhà ngươi đem một đạo quân đi trước cũng được"2.

        Trước sự tình như thế, bọn vua tôi Lê Chiêu Thống không còn biết nói gì nữa. Nhưng khổ cho chúng là cắt cử ai đem quân đi trước bây giờ, và đi trước thì đánh chác ra làm sao ? Bọn triều thần ở Thăng Long sợ chết, không tên nào dám đi, đành phải dùng lệnh vua điều động viên trấn thủ Sơn Tây3, không phải là đi đánh quân Tây Sơn ở Tam Điệp mà là đem quân bản bộ ở Sơn Tây xuống đóng ở Gián Khẩu, lập thành một đồn tiền tiêu án ngữ đường tiến ra Thăng Long của quân đội Tây Sơn 4.

----------------
        1. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch đã dẫn, tr. 355 - 356.

        2. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 356 - 357.

        3. Tức Hoàng Phùng Tứ như đã nói ở trên. Nhiều sách khác gọi là Hoàng Phùng Nghĩa.

        4 . Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch đã dẫn, tr. 357.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 08:06:46 am »


        Sự điều động quân Lê từ Sơn Tây xuống Gián Khẩu như thế không phải để chủ động tiến công quân đội Tây Sơn mà chỉ có nghĩa là đi làm bia đỡ đạn, chịu chết trước để cho quân Thanh yên tĩnh, nghỉ ngơi cho đến ngày 6 tháng Giêng. Nhưng tình hình khẩn trương đã không cho phép Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh được yên tĩnh nghỉ ngơi. Ngày 23 tháng Chạp năm Mậu Thân tức ngày 18 tháng 1 năm 1789 thám tử của quân Thanh từ các nơi chạy ngựa về Thăng Long báo với Tôn Sĩ Nghị là quân Tây Sơn đang tuyển thêm lính ở Thanh Hóa, Nghệ An và chuẩn bị tiến đánh Bắc Hà1. Tôn Sĩ Nghị vội vàng "cho quân đi đóng giữ ở tất cả các nơi hiểm yếu trên khắp bốn ngả đường, còn đại quân thì sáng chiều tập dượt để chuẩn bị tác chiến"2.

        Tôn Sĩ Nghị lại cử đề đốc Hứa Thế Hanh trực tiếp chỉ huy mặt trận phía nam kinh thành Thăng Long và tăng cường quân lực cho các đồn quân đã có ở mặt trận này, từ Ngọc Hồi đến bờ bắc sông Nguyệt Quyết3.

        Tôn Sĩ Nghị và quân Thanh có chuẩn bị đề phòng thì cũng đã muộn quá rồi. Nguyễn Huệ và đại quân Tây Sơn đã tới Tam Điệp từ ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân và Nguyễn Huệ đang nghiên cứu kỹ tình hình địch, để đánh cho địch một trận thật bất ngờ, quyết thắng. Biết địch đã định ngày 6 tháng Giêng sẽ từ Thăng Long xuất quân, Nguyễn Huệ quyết định quân đội Tây Sơn sẽ đánh tan quân Thanh và tiến vào Thăng Long, trước ngày mồng 6 tháng Giêng ấy. Biết quân Thanh chỉ lập một mặt trận chính là mặt trận phía nam thành Thăng Long và tập trung quân chủ lực ở đấy đặc biệt là ở hai đồn quân kiên cố nhất là Hà Hồi và Ngọc Hồi, còn đại quân của Tôn Sĩ Nghị đóng ở hai bờ sông Hồng và mấy vạn quân Điền Châu, Triều Châu của Sầm Nghi Đống, đóng ở Khương Thượng, phía tây nam thành Thăng Long, đều chỉ ở tư thế đợi chờ, đợi chờ tin tức của mặt trận phía nam và đợi chờ ngày xuất quân. Ở phía bắc thành Thăng Long, có một nhóm quân cần vương của Lê Chiêu Thống, do Lệ Duy Chi chỉ huy là một lực lượng không đáng kể, một khi quân Thanh đã thất bại.

Nắm được kế hoạch và cách bố trí lực lượng của địch, Nguyễn Huệ chia quân làm năm đạo để tiến đánh quân Thanh với những nhiệm vụ cụ thể cho từng đạo quân như sau:

        Đạo quân thứ nhất là đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy có Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân làm tiên phong và Hám hổ hầu đi hậu quân đốc chiến. Đạo quân này gồm có cả bộ binh, tượng binh, kỵ binh, làm nhiệm vụ đánh vào mặt trận chính của quân Thanh trên đường phía nam kinh thành Thăng Long.

        Đạo quân thứ hai đi đường thủy, do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, tiến vào sông Lục Đầu, tiêu diệt quân cần vương của Lê Chiêu Thống ở Hải Dương, rồi tiến lên uy hiếp cạnh sườn phía đông của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Hồng, làm tiếp ứng cho đạo quân chủ lực và các đạo quân khác đánh vào Thăng Long.

        Đạo quân thứ ba đo đại đô đốc Lộc chỉ huy, cũng đi đường thủy cùng với đạo quân thứ hai. Khi vào đến sông Lục Đầu thì đạo quân thứ ba này sẽ đi gấp lên các hạt Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế, để chặn đường chạy về của quân Thanh.

        Đạo quân thứ tư do đại đô đốc Bảo chỉ huy, gồm tượng binh và kỵ binh, có nhiệm vụ đi theo đường Sơn Minh (huyện Ứng Hòa, Hà Tây ngày nay) ra làng Đại Áng, ở phía tây nam đồn Ngọc Hồi, để phối hợp với đạo quân chủ lực tiến công đồn này, vừa là vị trí quan trọng nhất của mặt trận phía nam kinh thành Thăng Long, vừa là bản doanh của viên tướng chỉ huy mặt trận là đề đốc Hứa Thế Hanh.

        Đạo quân thứ năm cũng gồm tượng binh và kỵ binh do đô đốc Long chỉ huy. Đạo quân này có nhiệm vụ đánh bất ngờ vào Thăng Long, tiến vào Thăng Long trước tất cả các đạo quân khác, làm cho toàn bộ quân địch ở tất cả các mặt trận xung quanh Thăng Long đều hoang mang tan rã mau chóng. Đạo quân thứ năm sẽ đi theo dường huyện Chương Đức (tức huyện Chương Mỹ, Hà Tây ngày nay) tiến theo hướng Sơn Tây nhưng rẽ quặt sang làng Nhân Mục, rồi tạt ngang sang tập kích đồn quân Điền Châu, Triều Châu của Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng, liền sát kinh thành Thăng Long về phía tây nam. Tiêu diệt xong đồn Khương Thượng, đạo quân thứ năm của đô đốc Long sẽ theo cửa tây, tiến ngay vào Thăng Long, một mặt chiếm đóng kinh thành, một mặt tiếp tục tiến công vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở Tây Long phía đông kinh thành Thăng Long và chặn bắt tàn quân Thanh từ phía Ngọc Hồi và các đồn khác ở mặt trận phía nam chạy về Thăng Long.

------------------
        1, 2. Theo Quân doanh kỷ lược, của Trần Nguyên Nhiếp, do Trần Văn Giáp sưu tầm và Văn Tân dẫn trong Cách mạng Tây Sơn, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, tr. 115.

        3. Nguyễn Thu, Tài liệu đã dẫn, tờ 46. Cương mục, Bản dịch đã dẫn, t. XX. tr. 61.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM