Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:57:21 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ  (Đọc 43773 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:15:14 am »


        Nhưng, một khi tập trung toàn bộ lực lượng, sử dụng toàn bộ thuyền chiến để chuyên chở và tác chiến, mà khu vực tác chiến lại bị ngăn cách với căn cứ hậu phương bằng một miền đất đai rộng lớn do quân Trịnh kiểm soát, thì hai vấn đề rất lớn đặt ra: Làm sao loại trừ được mối uy hiếp của quân Trịnh đối với hậu phương trực tiếp của quân đội tác chiến, và làm sao bảo đảm cung cấp tiếp tế cho đại quân? Nguyễn Huệ quyết định dùng những toán du binh của đạo quân tiền phong để bất ngờ đánh chiếm các thành Nghệ An, Thanh Hóa. Làm như vậy Nguyễn Huệ sẽ đạt được ba mục đích lớn: loại trừ mối uy hiếp đối với hậu phương, bảo đảm cho chủ lực tiến quân thuận lợi, và tránh những hành động quân sự quy mô lớn để đánh chiếm các trấn này. Đối với nhiệm vụ nặng nề là nhiệm vụ cung cấp cho quân đội tác chiến trên đồng bằng Bắc Hà, Nguyễn Huệ không thể trông mong ở hậu phương xa xôi. Vì muốn bảo đảm cung cấp cho một đạo quân lớn, trên một tuyến vận chuyển dài, phải có một đoàn thuyền chiến vận tải lớn chuyên môn chở lương thực, binh khí, đạn dược. Trong điều kiện lúc ấy Nguyễn Huệ không thể xây dựng ngay được một đoàn thuyền chiến vận tải như vậy. Phương pháp duy nhất là quân đội Tây Sơn phải đánh chiếm các kho lương thực, vũ khí của địch, thực hiện cung cấp, tiếp tế tại chỗ. Nguyễn Huệ đã chọn phương pháp này.

        Những vấn đề trên liên quan rất mật thiết đến việc chọn hướng tiến công chủ yếu. Trên đồng bằng Bắc Hà, có nhiều cửa sông lớn mà thủy quân Tây Sơn có thể tiến vào, đưa quân đội tiến sát Thăng Long. Nhưng xét kỹ thì sông Nam Định, ngoài cái lợi là con đường ngắn nhất để quân đội Tây Sơn có thể nhanh chóng vào tác chiến, nhanh chóng tiến đến Thăng Long, còn có một cái lợi lớn nữa: các kho lương thực, vũ khí, đạn dược quan trọng nhất của quân đội Trịnh đều tập trung ở đây. Đánh chiếm được Vị Hoàng, sẽ giải quyết về căn bản vấn đề khó khăn nhất cho quân đội Tây Sơn lúc đó.

        Song, giá trị chiến lược của Vị Hoàng không phải chỉ thu gọn vào địa vị căn cứ cung cấp của nó. Vị Hoàng còn là một vị trí ngăn chặn đường tiến quân từ phía nam lên Thăng Long, một vị trí chiến lược cơ động cho thủy quân và lục quân Trịnh. Có thể nói rằng ai chiếm được Vị Hoàng, sẽ khống chế cả một vùng rộng lớn phía đông nam đồng bằng Bắc Hà. Do đó, không kể xét về một mặt nào, chính trị, quân sự hay kinh tế, Vị Hoàng ở một vị trí chiến lược trọng yếu đối với cả hai bên.

        Nguyễn Huệ đã chọn hướng tiến công chủ yếu trên con sông Nam Định mà mục tiêu đầu tiên phải đánh chiếm là Vị Hoàng.

        Đến đây, các vấn đề khó khăn lớn đã được Nguyễn Huệ giải quyết. Sau khi hạ quyết tâm và định hướng tiến công chủ yếu trên con sông Nam Định, nhằm thẳng vào Thăng Long mà đột kích địch, Nguyễn Huệ xác định kế hoạch hành quân và kế hoạch tiến công.

        Đưa quân từ rất xa đến chiến đấu ngay trên đất địch, thì trong kế hoạch tiến công, việc quan trọng đầu tiên là đánh chiếm một đầu cầu chiến lược bám chắc vào đầu cầu đó làm bàn đạp phát triển rộng ra và sâu hơn. Chỉ khi đầu cầu đó đã được củng cố và mở rộng, thì chủ lực từ phía sau mới có thể tiến vào chiến đấu được. Nhìn lại những chiến dịch trước, từ Gia Định đến Phú Xuân, đây là lần đầu tiên, căn cứ vào đặc điểm của chiến dịch này, Nguyễn Huệ đề ra nhiệm vụ đánh chiếm một đầu cầu chiến lược. Đó là bước phát triển mới trong nghệ thuật tổ chức và thực hành một chiến dịch quy mô lớn của Nguyễn Huệ. Ông đã tổ chức một đội thủy quân tiền phong, mạnh đến 400 thuyền chiến, có đầy đủ hỏa lực và bộ binh, để làm nhiệm vụ đánh chiếm đầu cầu chiến lược Vị Hoàng.

        Trong kế hoạch tiến công, chúng ta còn thấy Nguyễn Huệ tính toán rất kỹ lưỡng thời gian hành quân của các đạo quân, và thời gian tác chiến của chủ lực. Sự hiệp đồng giữa các đạo quân rất chặt chẽ: các đội du binh chiếm xong các thành Nghệ An, Thanh Hóa thì chủ lực cũng vừa tới nơi, trong khi đội quân tiền phong đánh chiếm Vị Hoàng và củng cố đầu câu chiến lược, thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra, thì chủ lực chuẩn bị sẵn sàng đề tiến vào chiến đấu. Và chỉ sau khi đội thủy quân tiền phong đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, tạo nên mọi điều kiện thuận lợi, thì chủ lực mới vượt biển tiến vào khu vực quyết chiến. Trong điều kiện phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc của thời đại đó, trong điều kiện hành quân đường biển phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, gió mùa ... mà các đạo quân của Nguyễn Huệ hành động nhất trí như một bộ máy chính xác, thật đáng khâm phục và làm cho quân địch phải khiếp sợ, bó tay.

        Trên đây là một số vấn đề lớn trong việc tổ chức chiến dịch mà Nguyễn Huệ đã giải quyết thành công. Về nghệ thuật chỉ huy của Nguyễn Huệ trong khi thực hành chiến dịch và chiến đấu cũng có nhiều điểm đặc sắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:15:37 am »


        Nét nổi bật đầu tiên là việc phát hiện, nắm vững và lợi dụng thời cơ chiến đấu.

        Từ khi quân tiền phong chiếm Vị Hoàng tới lúc chủ lực của Nguyễn Huệ đến đầu cầu chiến lược này, thời gian là sáu ngày. Thời gian đó đủ để chúa Trịnh tổ chức một trận phản công, đánh bật đội thủy quân tiền phong của Tây Sơn. Chúa Trịnh lúc đó nắm trong tay hai đạo quân lớn là đạo quân Trịnh Tự Quyền và thủy quân Đinh Tích Nhưỡng, so với quân Tây Sơn, hai dạo quân này có ưu thế tuyệt đối về số lượng. Quân Trịnh gần căn cứ xuất phát của mình, họ có đủ lực lượng, thời gian, để tổ chức và thực hành phản công.

        Nhưng bị đánh bất ngờ ở Vị Hoàng, quân Trịnh ở khắp nơi đều hoang mang túng túng, không kịp điều động lực lượng để phản công, trước khi Nguyễn Huệ đem đại quân tới Vị Hoàng. Hoảng sợ, do dự trước sức mạnh vũ bão của quân đội Tây Sơn, các tướng Trịnh không dám tiến công, đành đưa quân ra phòng ngự chặn đường tiến lên Thăng Long của nghĩa quân Tây Sơn.

        Trái lại, vừa đến Vị Hoàng, Nguyễn Huệ đã nhanh chóng nắm vững tình hình địch, thấy rõ tư tưởng phòng ngự đơn thuần của các tướng Trịnh, phát hiện chỗ yếu trong hệ thống phòng ngự địch, ông nắm ngay thời cơ có lợi, lập tức hạ lệnh tiến quân, chọn thủy quân Đính Tích Nhưỡng làm mục tiêu giáng đòn đầu tiên, tập trung lực lượng để tiêu diệt đạo quân này, mở dường cho thủy quân tiến vào Thăng Long.

        Nguyễn Huệ không để cho các tình huống phụ lôi kéo. Ông nắm rất vững chỗ yếu nhất của quân Trịnh là tinh thần chiến đấu cực kỳ bạc nhược, nên sau trận quyết định đầu tiên ở sông cửa Luộc, Nguyễn Huệ không đuổi theo đạo quân lớn Trịnh Tự Quyền đang tan rã, mà lập tức tập trung chủ lực, như một mũi dao cực mạnh chọc thẳng vào trái tim của nhà Trịnh là Thăng Long. Những hành động mãnh liệt đó liên tục diễn ra, gây từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, khiến quân Trịnh bị đánh không kịp trở tay.

        Điều đáng chú ý là, trong chiến dịch này, trừ trận cửa Luộc được tiến hành trong điều kiện có chuẩn bị, các trận chiến đấu tiếp sau hầu như chỉ do các đội tiền vệ của Nguyễn Huệ đảm nhiệm. Bằng mưu trí bằng hành động dũng cảm, thần tốc, các đội tiền vệ này từ trong hành quân lập tức bước vào chiến đấu mà giành thắng lợi hoàn toàn. Cho đến trận đánh cuối cùng vào Thăng Long, chủ lực của Nguyễn Huệ hầu như còn nguyên vẹn, vì rất ít phải sử dụng đến.

        Còn chúa Trịnh thì cuống quít sợ hãi, bo bo giữ lấy kinh thành, bó tay chịu để cho hết đạo quân này đến đạo quân khác của mình bị tiêu diệt.

        Như trên đã trình bày, về mặt chỉ huy chiến dịch, Nguyễn Huệ luôn luôn nắm vững và tận dụng thời cơ có lợi, đồng thời nắm vững tình huống chính để tiến công thật dũng cảm, thần tốc từ mục tiêu này đến mục tiêu khác.

        Song, qua từng trận chiến đấu, ta thấy bao giờ Nguyễn Huệ cũng phân tích một cách cụ thể tình hình cụ thể lúc đó để quyết định nên vận dụng những phương pháp thích hợp nào nhằm đạt tới mục đích tiêu diệt sinh lực địch.

        Trong trận sông cửa Luộc, trước mặt quân đội Tây Sơn là mấy đạo quân chủ lực của nhà Trịnh, trong đó trên tuyến thứ nhất có thủy quân Đinh Tích Nhưỡng còn mạnh, ngăn chặn trên sông, và đạo bộ binh Đỗ Thế Dận phối hợp bố trí trên hai bờ sông. Kẻ địch còn mạnh, đã chuẩn bị sẵn sàng chờ cuộc tiến công. Với cách dàn trận chặt chẽ, có quân thủy, bộ trên cùng một đoạn sông, rõ ràng các tướng lĩnh Trịnh có ý định buộc đối phương phải chiến đấu trên một địa thế bất lợi, rồi từ ba mặt đánh mạnh vào thủy quân Tây Sơn. Thấy địch có chuẩn bị sẵn, Nguyễn Huệ không ra lệnh đánh ngay, ông tìm cách lừa địch, lợi dụng khi trời bắt đâu tối, cho mấy thuyền chiến lớn không người chèo, tiến thẳng vào nơi bố trí của địch, khiến Đinh Tích Nhưỡng lầm tưởng là thuyền chiến xung phong của Tây Sơn. Chỉ sau khi nhận thấy quân Trịnh đã mất nhiều tên, đạn, và tinh thần đã hoang mang cực độ vì mấy chiếc thuyền lớn cứ tiến, thì Nguyễn Huệ mới nắm thời cơ, hạ lệnh cho thủy quân xông lên, đánh thẳng vào đội hình thủy quân Đinh Tích Nhưỡng. Pháo binh của thuyền chiến cũng bắt đầu nổ súng bắn mãnh liệt vào bộ binh Trịnh trên hai bờ sông. Đó là một phương pháp tiến công độc đáo của Nguyễn Huệ: cùng trong một thời gian, dùng thủy quân tiến công thủy quân địch, thực hành đánh giáp lá cà và chiếm đoạt thuyền chiến địch, còn pháo binh tập trung hỏa lực bắn mạnh vào bộ binh địch. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Huệ đã đạt được mục đích: đánh rối loạn hệ thống phòng ngự thủy bộ của địch, tiêu diệt nhanh chóng thủy quân địch, lực lượng phòng ngự chủ yếu, và chế áp mạnh bộ binh địch. Tiếp sau đó là cuộc đổ bộ lên hai bờ sông, chuyển sang tiến công vào trận địa của bộ binh Trịnh. Lần đầu tiên, bộ binh Trịnh gặp một loại vũ khí đặc biệt của quân đội Tây Sơn là hỏa hồ. Nghĩa quân Tây Sơn dũng cảm chiến đấu, được hỏa hổ yểm hộ đắc lực, xung phong mãnh liệt vào trận địa quân Trịnh và tiêu diệt toàn bộ đạo quân Đỗ Thế Dận... Chỉ trong một đêm, trận đánh đầu tiên này đã quyết định số phận của quân đội Trịnh, cả ba đạo quân chủ lực của chúa Trịnh còn lại lúc đó, đã bị tiêu diệt và hoàn toàn tan rã. Phòng tuyến thứ nhất, phòng tuyến chủ yếu của quân Trịnh đã bị chọc thủng. Cửa ngõ đưa tới Thăng Long đã mở rộng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:15:56 am »

        Khi chủ lực Tây Sơn tiến đến gần phòng tuyến thứ hai của quân Trịnh, Nguyễn Huệ thấy rõ địch ở đây suy yếu nhiều, lại tiến hành phòng ngự vội vã, tuy thủy bộ dựa vào nhau và yểm hộ lẫn nhau, nhưng hệ thống phòng ngự đó không còn tính chất vững mạnh như trên sông cửa Luộc. Hơn nữa, quân Trịnh hoàn toàn bị bất ngờ, không tin rằng Nguyễn Huệ có thể tiến quân nhanh chóng như vậy. Nguyễn Huệ quyết định không tiến công bằng sức mạnh, mà áp dụng phương pháp tập kích bất ngờ. Ông dành chủ lực cho đòn đánh cuối cùng vào Thăng Long, chỉ phái một đội tiền vệ nhỏ làm nhiệm vụ vu hồi vào sau lưng đội thủy quân Trịnh đóng tại bến Thúy ái. Toàn bộ đội thủy quân này đã nhanh chóng bị loại khỏi vòng chiến.

        Với hành động dũng cảm, thần tốc, đội tiền vệ Tây Sơn lập tức chuyển sang tập kích bất ngờ đội quân Hoàng Phùng Cơ đóng tại hồ Vạn Xuân. Đội quân này mất hẳn năng lực chống cự có tổ chức, và bị hoàn toàn tiêu diệt.

        Tác phong chiến đấu dũng cảm, mãnh liệt, thần tốc, liên tục của binh sĩ Tây Sơn khác xa với tác phong chiến đấu của binh sĩ trong các quân đội phản động. Với dũng khí áp đảo địch, họ còn thông thạo vận dụng các thủ đoạn chiến đấu như vu hồi, bao vây địch, khiến cho quân địch không kịp đối phó, tinh thần càng mau chóng suy sụp. Có tinh thần và tác phong chiến đấu như vậy, lại biết vận dụng những thủ đoạn chiến đấu đúng đắn, quân đội Tây Sơn tuy ít so với địch trong từng trận, nhưng vẫn chiến thắng một cách vẻ vang.

        Trận đánh vào Thăng Long đã kết thúc rất nhanh chóng. Lực lượng còn lại trong tay chúa Trịnh không có bao nhiêu. Chúa Trịnh tuy đã bố trí khá chu đáo, lại giữ nguyên vẹn một đội tượng binh quan trọng, nhưng lực lượng đó không còn là địch thủ xứng đáng của chủ lực Tây Sơn. Sau khi đổ bộ lên bến Tây Long, Nguyễn Huệ cho một dội quân nhỏ thọc thẳng vào phủ chúa Trịnh, còn chủ lực thì đánh thẳng vào trận địa quân Trịnh, hướng chủ yếu nhằm lầu Ngũ Long, bản doanh của chúa Trịnh.

        Một lần nữa, sức xung phong vũ bão và hỏa hổ của quân đội Tây Sơn đã gây thiệt hại nghiêm trọng và khủng khiếp cho tàn quân Trịnh. Hỏa hổ còn gây sợ hãi cho đội tượng binh quân Trịnh.

        Chiến dịch giải phóng Bắc Hà, tiêu diệt quân đội Trịnh đã kết thúc sau 10 ngày chiến đấu. Trải qua bốn trận chiến đấu lớn, Nguyễn Huệ đã hoàn toàn tiêu diệt quân đội Trịnh, gồm mấy vạn thủy binh, bộ binh, tượng binh và hàng trăm thuyền chiến.

        Trong khoảng hơn một tháng (thời gian tác chiến là 20 ngày) bằng hai chiến dịch lớn, từ Phú Xuân ra Thăng Long, quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã hạ nhiều thành lũy, tiêu diệt trên mười vạn quân địch, đánh đổ tập đoàn phong kiến phản động nhà Trịnh, đưa nền nghệ thuật quân sự của dân tộc ta đi lên những bước phát triển mới.

        Hai chiến dịch Phú Xuân và Thăng Long là hai chiến dịch tiến công. Trong cả hai chiến dịch tiến công này, đặc điểm nổi bật là sự kết hợp rất chặt chẽ giữa tiến công thần tốc với tổ chức tiếp tế kịp thời, giải quyết vấn đề phát triển chiến dịch liên tục. Do đó, các cuộc tiến công luôn luôn giành được thắng lợi, làm cho địch mất khả năng tập trung lực lượng lớn để phản công.

        Nhờ bảo đảm tốc độ tiến công cao, nên đã ngăn chặn sự cơ động của địch, cũng tức là buộc địch nằm trong trạng thái phân tán. Bảo đảm tốc độ tiến công cao, giữ vững lực lượng tập trung, nên thực hiện được tập trung ưu thế thực sự, phát huy cao độ tính chủ động, để sử dụng ưu thế đó lần lượt tiêu diệt từng đạo quân phân tán của địch. Kết quả của phương pháp đó là giành được thắng lợi, hoàn toàn đạt được mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt sinh lực địch.

        Trong hai chiến dịch này, tốc độ tiến công cao của quân đội Nguyên Huệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm thực hành chiến dịch một cách thắng lợi. Song, muốn bảo đảm tiến công với tốc độ cao, điều căn bản là phải biết sử dụng thủy quân, lục quân một cách thích hợp, để chọc thủng phòng ngự địch một cách nhanh chóng mà phát triền thắng lợi cũng thật nhanh. Việc trao nhiệm vụ thích hợp cho thủy quân, lục quân (trong chiến dịch và từng trận chiến đấu), việc hành động ăn ý giữa thủy quân, lục quân nhằm hoàn thành nhiệm vụ chung, đã được Nguyen Huệ giải quyết tốt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:16:17 am »


        Một điểm quan trọng khác, là tốc độ tiến công cao không thể tách rời việc bảo đảm cung cấp kịp thời lương thực, vũ khí, đạn dược, thuốc men cho quân đội tác chiến. Nguyễn Huệ đặc biệt chú trọng giải quyết chu đáo vấn đề phức tạp này. Lực lượng càng lớn, thủy quân, lục quân càng nhiều thành phần, tác chiến xảy ra xa căn cứ hậu phương, thì vấn đề bảo đảm cung cấp càng thêm phức tạp. Trong hai chiến dịch này, nhất là trong chiến dịch giải phóng Thăng Long, ngoài thủy đội vận tải, việc đánh chiếm các kho lương thực, vũ khí của địch, việc huy động vật lực tại chỗ, đã được Nguyễn Huệ đặt thành nhiệm vụ quan trọng, thậm chí là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, ngang hang với nhiệm vụ tiêu diệt địch.

        Ngoài những vấn đề lớn trên đây, đã được Nguyễn Huệ giải quyết rất tài tình, chúng ta cũng cần chú ý đến một số điểm nổi bật khác trong nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch của Nguyễn Huệ. Trước hết phải nói rằng chiến dịch đánh

        Bắc Hà năm 1786 này của Nguyễn Huệ là cả một chuỗi bất ngờ đem đến cho địch. Từ trận mở đầu chiến dịch tới trận kết thúc chiến dịch, quân địch đều hoàn toàn bị đánh bất ngờ. Đèo Hải Vân bị đánh bất ngờ, thành Phú Xuân bị đánh bất ngờ, từ sông Gianh, Đồng Hới trở vào đều bị đánh bất ngờ. Trên đường Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, quân địch ở mọi cứ điểm đều bị đánh bất ngờ. Nghệ An, Thanh Hóa, Vị  Hoàng bị đánh bất ngờ. Những nơi đã bày binh bố trận hẳn hoi, quân Trịnh cũng vẫn cứ bị đánh bất ngờ, như ở cửa Luộc, ở bến Thúy ái, ở hồ Vạn Xuân. Cho cả tới chúa Trịnh tại lầu Ngũ Long trong nội thành Thăng Long cũng bị đánh bất ngờ, và phủ chúa, hoàng cung tất thảy đều bị chiếm đóng bất ngờ, ngoài sự tưởng tượng của quân Trịnh, chúa Trịnh và vua Lê. Có thể nói rằng trong chiến dịch đánh Bắc Hà này, Nguyễn Huệ đã phát huy cao độ yếu tố bất ngờ để đánh nhanh, thắng nhanh và hoàn toàn thắng địch.

        Cũng như trong các lần đánh Gia Định trước, trong chiến dịch đánh Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã triệt để lợi dụng những yếu tố thiên nhiên thuận lợi, sử dụng những lực lượng và những phương tiện chiến đấu thích hợp nhất để tiến hành đánh địch. Nguyên Huệ đã nhằm đúng mùa hè, khi có gió nồm thuận lợi để tiến quân ra Bắc. Nhân mùa gió, trong giai đoạn đầu của chiến dịch, quân Tây Sơn chia làm ba đạo thì hai đạo đi đường thủy, chỉ có một đạo đi đường bộ. Trong giai đoạn hai, quân tiền phong Tây Sơn đã đi đường thủy để tiến nhanh ra đánh chiếm Vị Hoàng. Sau đó, đại quân Tây Sơn cũng theo đường thủy tiến nhanh ra Vị Hoàng để kịp đánh tan chủ lực quân Trịnh tập trung ở cửa Luộc. Sau trận cửa Luộc, nhân khi gió nồm đang thổi mạnh, toàn quân Tây Sơn đã theo đường thủy tiến nhanh lên đánh chiếm Thăng Long. Nguyên Huệ còn lợi dụng sức gió để vận dụng chiến thuật, sử dụng phương tiện chiến đấu trong các trận đánh. Tại trận cửa Luộc, Nguyên Huệ đã nhân khi gió nồm thổi mạnh để đánh phá thủy quân Đinh Tích Nhưỡng và dùng hỏa hổ đánh phá bộ binh của Đỗ Thế Dận ở trên bờ sông Luộc. Nguyên Huệ cũng lợi dụng lúc thủy triều lên, mặt nước dâng cao, để dùng hỏa lực yểm hộ cho quân thủy bộ tiến công vào thành Phú Xuân.

        Trong nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch đánh Bắc Hà của Nguyễn Huệ, có một điểm nổi bật hẳn lên rất đáng chú ý. Đó là sự kết hợp giữa quân sự và chính trị. Vấn đề này, trong những lần tiến đánh Gia Định, các lãnh tụ Tây Sơn ít chú ý tới, vì một trong những lý do khi ấy là, bọn chúa Nguyễn đã suy yếu, và trên thực tế, Gia Định từ năm 1777 trở đi, đã là đất đai thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn. Nhưng tình hình Bắc Hà thì khác. Lực lượng chúa Trịnh còn mạnh, nhân dân Bắc Hà còn tin nhà Lê.

        Nguễn Huệ không thể không chú ý đến những vấn đề chính trị. Do đấy trong chiến dịch này, Nguyễn Huệ đã nêu khẩu hiệu "phù Lê diệt Trịnh", đã truyền hịch kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân Bắc Hà và tìm cách thu phục các toán nghĩa quân đang chống Trịnh ở miền duyên hải Bắc Hà.

        Đó là một số bài học lớn rút ra từ hai chiến dịch quy mô lớn này. Đó cũng là những bài học lớn về chiến lược, chiến thuật cơ động linh hoạt của anh hùng Nguyễn Huệ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:18:32 am »

       
Chương ba

NGUYỄN HUỆ ANH DŨNG CHỐNG NGOẠI XÂM
ĐÁNH TAN 20 VẠN QUÂN THANH, 
GIỮ VŨNG NỀN ĐỘC LẬP CỦA TỔ QUỐC

TÌNH HÌNH VIỆT NAM TỪ SAU KHI NGUYỄN HUỀ ĐÁNH ĐỔ NHÀ TRỊNH TỚI NGÀY QUÂN THANH XÂM LƯỢC BẮC HÀ (TỪ THÁNG 8 NĂM 1786 ĐẾN CUỐI NĂM 1788)

        Sau khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Phú Xuân và Thăng Long đánh đổ thế lực nhà Trịnh, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đều thuộc quyền kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn, chính quyền trong cả nước đều thống nhất trong tay nghĩa quân Tây Sơn.

        Trên cơ sở nước nhà đã được thống nhất như thế, các tập đoàn phong kiến thống trị ở hai miền Nam Bác đã bị hoàn toàn đánh đổ, chính quyền trong cả nước đã ở trong tay, nghĩa quân Tây Sơn có thể lập lại một nền trật tự xã hội lâu dài, bền vững cho dân tộc và đưa nước nhà lên những bước phát triển mới của lịch sử. Người định đoạt vận mệnh của nước nhà trong những điều kiện lịch sử thuận lợi ấy chính là các lãnh tụ phong trào Tây sơn.

        Nhưng lại chính vì các lãnh tụ Tây Sơn quyền hạn khác nhau, tư tưởng, chí hướng khác nhau mà nước nhà sau khi đã thống nhất lại gặp một số khó khăn ở cả hai miền Nam Bắc. Nếu không có người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đứng ra cứu vãn tình thế thì nền độc lập của Tổ quốc đã rơi vào tay 20 vạn quân Thanh xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phải chịu ách đô hộ của phong kiến ngoại bang, chưa biết đến bao giờ mới thoát ra khỏi.

        Người gây nên những tình hình khó khăn ấy chính là người lãnh tụ tối cao của phong trào Tây Sơn, người nắm toàn quyền định đoạt mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn. Người lãnh tụ tối cao của phong trào Tây Sơn, từ khi cuộc khởi nghĩa bắt đầu cho tới ngày Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long diệt nhà Trịnh, không phải là Nguyễn Huệ, mà là Nguyễn Nhạc. Mặc dầu Nguyễn Huệ đã chiến thắng khắp đó đây, uy danh của Nguyễn Huệ đã lừng lẫy khắp nước, nhưng từ trước cho đến bấy giờ Nguyễn Huệ vẫn chỉ là một người tướng chịu quyền chi phối của Nguyễn Nhạc. Từ trước cho đến bấy giờ, nhiệm vụ của Nguyễn Nhạc trao cho Nguyễn Huệ chỉ là nhiệm vụ đánh giặc. Đánh được giặc là nhiệm vụ hết, Nguyễn Huệ lại quay về đứng dưới trướng của Nguyễn Nhạc, không có quyền hành gì khác. Vận mệnh của phong trào Tây Sơn cũng như cách xử lý mọi công việc sau mỗi lần chiến thắng là hoàn toàn do Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc đã sớm thỏa mãn với ngôi hoàng đế ngay từ sau những chiến thắng đầu tiên của quân Tây Sơn ở Gia Định. Nguyễn Nhạc lo sợ ngôi chí tôn của mình bị xâm phạm, không muốn uy quyền của mình bị chia sẻ, cả đối với anh em ruột thịt. Nhất là đối với Nguyễn Huệ, một người có tài đức vượt hẳn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhạc càng e ngại, không bao giờ muốn để Nguyễn Huệ rời khỏi cạnh mình, tách xa quyền khống chế của mình. Nhưng Nguyễn Nhạc ở cái thế phải để Nguyễn Huệ đi đánh địch. Vì chỉ Nguyên Huệ đi đánh thì mới chắc thắng. Nhưng thắng xong phải về ngay. Chưa lần nào Nguyễn Nhạc chịu để Nguyễn Huệ ở lâu Gia Định, cứ sau mỗi lần chiến thắng, Nguyễn Huệ lại phải vội vàng đem quân về Qui Nhơn với Nguyễn Nhạc, khiến bọn chúa Nguyễn luôn luôn có điều kiện tổ chức phản công, đánh chiếm lại Gia Định rất dễ dàng. Nguyễn Nhạc cũng đã từng không tán thành đề nghị đánh Phú Xuân của Nguyễn Huệ. Nguyễn Nhạc lại càng không bằng lòng với việc Nguyên Huệ tiến quân ra Thăng Long, tiêu diệt nhà Trịnh. Nguyên Nhạc không nhận thức được rằng việc Nguyễn Huệ đánh đuổi Nguyễn Ánh khỏi Gia Định và đánh đổ nhà Trịnh ở Bắc Hà là những sự nghiệp cách mạng lớn lao, phù hợp với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, tạo cơ sở cho phong trào Tây Sơn xây dựng một chính quyền vững mạnh và thống nhất trên cả nước. Thấy Nguyễn Huệ tiến ra Thăng Long, diệt được nhà Trịnh, Nhuyễn Nhạc vội vàng đi mải ngày đêm ra Thăng Long, để gọi Nguyễn Huệ về và hạ lệnh cho quân dội Tây Sơn rút hết khỏi Bắc Hà, bỏ mặc Bắc Hà cho bọn vua quan bất lực nhà Lê muốn làm thế nào thì làm.

        Những sai lầm ấy của Nguyễn Nhạc đã gây nên tình hình rối ren ở Bắc Hà, dẫn tới việc quân Thanh sang xâm lược tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh trở lại xâm chiếm Gia Định, đồng thời cũng gây nên tình hình chia rẽ xung đột trong nội bộ phong trào Tây Sơn trong một thời gian ngắn.

        Trước tình hình đó, nếu như Nguyễn Huệ không sớm thoát khỏi sự kiềm chế của Nguyễn Nhạc, thì bản thân Nguyễn Huệ cũng không thể phát triển được hết tài năng của mình trên mọi lĩnh vực, mà phong trào Tây Sơn và vận mệnh của Tổ quốc cũng sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa, từ sau năm 1786 trở đi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:25:39 am »


        Trước khi từ Phú Xuân tiến quân ra Bắc, Nguyễn Huệ đã viết thư báo cho Nguyễn Nhạc biết. Nguyễn Nhạc không đồng ý, cho người cầm thư ra ngăn lại, nhưng không kịp. Ngày 26 tháng Sáu Bính Ngọ tức 21 tháng 7 năm 1786. Nguyễn Huệ lại gửi thư báo tin thắng trận với Nguyễn Nhạc, và hẹn đến thu đông, sau khi xếp đặt xong mọi việc ở Bắc Hà, sẽ đem quân về Qui Nhơn. Ngày 14  tháng Bảy âm lịch, tức 7 tháng 8 năm 17861, thư về đến Nguyễn Nhạc.

        Nguyễn Nhạc rất không bằng lòng và cũng rất lo ngại, tự nghĩ rằng: "... Nếu mình không thân hành ra Bắc bắt hắn phải về, ấy là thả hùm ra khỏi cũi,  không bao giờ còn có thể nuôi dạy được nữa vậy"2.

        Hoàng Lê nhất thống chí đã thuật lại việc Nguyễn Nhạc ra Bắc như sau:

        "Thế rồi, luôn trong nữa đó3 vua Tây Sơn tự đem năm trăm tên lính thị vệ ra thẳng Phú Xuân. Tới nơi, lại lấy thêm hơn hai ngàn quân Phú Xuân đi gấp ra kinh sư. Đoàn quân tất tưởi kéo đi, dáng dấp tiều tụy, người ta không còn nhận ra đó là đám quan quân nào nữa"4.

        Ngày 5 tháng Tám năm Bính Ngọ, tức 26 tháng 8 năm 1786, Nguyễn Nhạc ra tới Thăng Long. Nguyễn Huệ trao lại quyền bính cho Nguyễn Nhạc, các tướng lĩnh và nghĩa quân Tây Sơn ở Bắc Hà lại thuộc quyền điều khiển trực tiếp của Nguyễn Nhạc, nhất thiết mọi việc đều phải tuân theo mệnh lệnh của Nguyễn Nhạc5.

        Ngày 17 tháng Tám Bính Ngọ, sau khi tới Thăng Long hơn 10 ngày, Nguyễn Nhạc bí mật hạ lệnh cho tất cả các quân thủy bộ Tây Sơn chuẩn bị lên đường, rút về Nam. Canh hai đêm hôm ấy, Nguyễn Nhạc cho người vào từ biệt Lê Chiêu Thống rồi lặng lẽ đem quân đi, bỏ mặc Bắc Hà cho bọn vua quan nhà Lê xoay xở6.

        Thấy nghĩa quân Tây Sơn bỏ đi, bọn vua tôi nhà Lê hoảng sợ, không biết lo liệu việc nước như thế nào. Lê Chiêu Thống đành phải: "Viết thư triệu hết những người thế gia và bày tôi cũ dấy quân vào bảo vệ hoàng thành. Vì thế hào mục các nơi chiếm giữ châu quận, chiêu tập binh mã đều mượn danh nghĩa "bảo vệ". Những hạng vô lại đánh giết lẫn nhau, trong nước thành ra rối loạn"7. Tình hình Bắc Hà trở nên rối ren từ đây.

        Thấy quân đội Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà, bọn thân thuộc nhà Trịnh tranh nhau tiến về Thăng Long, giành lại ngôi chúa. Trịnh Lệ, con Trịnh Doanh, từ huyện Văn Giang đem quân lên đóng ở cung Tây Long, uy hiếp Lê Chiêu Thống phải trao quyền Chúa cho mình. Trong khi ấy, Trịnh Bồng, con Trịnh Giang, cũng đem quân từ huyện Chương Đức tiến về Thăng Long. Quân của Trịnh Lệ và quân của Trịnh Bồng đánh nhau ở địa phận làng Nhân Mục. Quân Trịnh Lệ tan vỡ, Trịnh Lệ phải chạy lên vùng Bắc, Trịnh Bồng vào thành Thăng Long. Lê Chiêu Thống phải tái lập ngôi Chúa cho nhà Trịnh và phong Trịnh Bồng làm "Nguyên soái tổng quốc chính, Yến đô vương". Bọn tướng cũ như Đinh Tích Nhưỡng, Hoàng Phùng Cơ, Dương Trọng Tế mượn cớ tôn phò nhà chúa cũng từ các nơi đem quân về Thăng Long, tranh nhau quyền hành. Triều chính rối nát.

---------------
        1, 2. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch dã dẫn, tr.135. La Bartette trong thư đề ngày 1 tháng 8 năm 1786 nói rằng Nguyễn Nhạc từ Qui Nhơn ra tới Phú Xuân ngày hôm trước, tức ngày 31 tháng 7 năm 1786. Nguyễn Huệ vào Thăng Long ngày 21 tháng 7 mà ngày 31 tháng 7 Nguyễn Nhạc đã tới Phú Xuân rồi thì nhanh quá, không đủ thời gian để thư đi, người đi nữa. Ngày của HoàngLê nhất thống chí hợp lý hơn.

        3. Ngày 14 tháng Bảy năm Bính Ngọ.

        4, 5. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 135 - 136, 138.

        6. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, t. XX, tr. 22. Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch ..., tr. 145.

        7. Việt sử thông giám cương mục. Bản dịch đã dẫn, tr. 23.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:27:51 am »


        Bọn Trịnh Bồng và Đinh Tích Nhưỡng câu kết với nhau, bức hiếp nhân dân. "Ngay giữa ban ngày, thủ hạ ra sức cướp bóc dân cư gần kinh thành, không có hiệu lệnh ngăn cấm"1, và cũng không có ai kiềm chế được.

        Lê Chiêu Thống phải bí mật hạ chiếu cần vương gửi đi các nơi, để lo đối phó với bọn nhà chúa mới ngoi lên.

        Về phần các lãnh tụ Tây Sơn, sau khi rút quân từ Bắc Hà về Nam, cũng sinh ra hiềm khích xung đột.

        Nguyễn Huệ không theo Nguyễn Nhạc trở về Qui Nhơn mà ở lại Phú Xuân2. Khi ấy thanh thế của Nguyễn Huệ rất lừng lẫy. Nhân dân Thuận, Quảng suy tôn Nguyễn Huệ làm Đức Chúa3. Hay tin ấy, Nguyễn Nhạc hoảng sợ, hăm dọa trị tội Nguyễn Huệ4. Trong tình hình như vậy và đứng trước lợi ích của phong trào, của Tổ quốc, Nguyễn Huệ thấy không thể chung theo những hành động của Nguyễn Nhạc đi ngược lại mục đích đấu tranh của nghĩa quân. Nguyễn Huệ phản đối sự hăm dọa của Nguyễn Nhạc và truyền hịch vạch rõ những sai trái của Nguyễn Nhạc.

        Nguyễn Nhạc quyết định đem quân đánh Nguyễn Huệ. Khi ấy Nguyễn Huệ có rất ít quân, vì đại bộ phận quân đội Tây Sơn thuộc quyền chỉ huy của Nguyễn Huệ khi ra đánh Bắc Hà, đã phải theo Nguyễn Nhạc về Qui Nhơn. Để đối phó với sự uy hiếp bằng quân sự của Nguyễn nhạc, Nguyễn Huệ hạ lệnh tuyển quân suốt từ Phú Xuân trở ra sông Gianh, thanh niên từ 16 tuổi trở lên đều ra tòng quân. Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Huệ đã có một đạo quân gồm sáu vạn người6.

        Nguyễn Huệ tiến quân vào Qui Nhơn, vây hãm Nguyễn Nhạc ở trong thành trong vài tháng liền, đã buộc Nguyễn Nhạc phải nhượng bộ, từ bỏ ý muốn kiềm chế Nguyễn Huệ mãi mãi. Nguyễn Nhạc phải báo tin gấp cho tướng Đặng Văn Trấn, trấn thủ Gia Định đem quân về cứu viện. Nguyễn Huệ cho quân chặn đánh Đặng Văn Trấn ở Tiên Châu (phú Yên). Đặng Văn Trấn và toàn quân đều bị Nguyễn Huệ bắt sống7. Sau khi tiêu diệt viện binh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cho đắp ụ đất cao ở ngoài thành Qui Nhơn và đặt đại bác bắn vào thành8. Nguyễn Nhạc hoảng sợ phải nhượng bộ, xin giảng hòa9. Cuộc xung đột chấm dứt khoảng đầu năm 1787. Hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thỏa thuận lấy xứ Bản Tân làm địa giới, từ Thăng Hoa, Điện Bàn trở ra Bắc thuộc quyền Nguyễn Huệ, từ Quảng Nghĩa trở vào Nam thuộc quyền Nguyễn Nhạc.

        Tháng 3 năm 1787, Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Lữ làm Đông định vương và cử vào trấn thủ Gia Định, có thái bảo Phạm Văn Tham giúp việc.

        Như thế là từ đây Nguyễn Huệ hoàn toàn thoát khỏi sự kiềm chế của Nguyễn Nhạc, mặc dầu Nguyễn Huệ vẫn thừa nhận Nguyễn Nhạc là hoàng đế trung ương và chịu nhận tước Bắc Bình vương của Nguyễn Nhạc phong cho.

        Chính nhờ thoát khỏi sự kiềm chế của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã xếp đặt lại tốt mọi công việc từ Thuận, Quảng trở ra, diệt trừ được tình trạng rối ren ở Bắc Hà và tiến tới đại phá 20 vạn quân Thanh xâm lược sau này.

----------------
        1. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch đã dẫn, tr. 25.

        2. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 229.

        3, 4, 6. Thư của giáo sĩ Doussain, ngày 6 tháng 6 năm 1787, trong Cadière, Tài liệu đã dẫn, tr. 19.

        5. Đại nam chính biên liệt truyện, sơ tập, q. 30, tờ 14, và Thư của Doussain đã dẫn trên.


        7. Đại nam thực lực, Bản dịch đã dẫn, t. II, tr. 63.

        8. Đại nam chính biên liệt truyện, sơ tập, q. 30, tờ 14.

        9. La Bissachère trong Etat actuel du Tonkin, de ra Cochinchine...  Galignani, Paris, 1812, tome II, p. 169, lại nói rằng: Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc, tuy bất hòa nhưng chưa cùng nhau giao chiến, vì khi sắp đánh nhau thì Nguyễn Lữ đứng ra điều đình, hai bên lại giảng hòa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:29:20 am »


        Trong khi các lãnh tụ Tây Sơn có sự hiềm khích xung đột thì tình hình Bắc Hà cũng ngày càng rối nát thêm.

        Tháng Một năm Bính Ngọ, Trịnh Bồng đem quân vây chặt hoàng thành, mưu đồ phế bỏ Lê Chiêu Thống, lập vua khác. Nhưng Lê Chiêu Thống được Hoàng Phùng Cơ đem quân tới bảo vệ. Âm mưu của Trịnh Bồng không thành. Lê Chiêu Thống viết thư triệu Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An về cứu giá.
       
        Nguyễn Hữu Chỉnh vốn đã có ý muốn ở lại xưng hùng, xưng bá ở Bắc Hà ngay từ khi Nguyễn Huệ còn ở Thăng Long. Trong khi Nguyễn Hữu Chỉnh cùng Nguyễn Huệ đóng quân ở Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh đã có ý định chiếm giữ Nghệ An làm giang sơn riêng, nên mật tâu với Lê Chiêu Thống xin cho vào trấn thủ Nghệ An1. Nhưng vì Nguyễn Nhạc đem quân ra Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh chưa hiểu sự tình sẽ như thế nào, nên việc này tạm thôi.

        Tuy nhiên, Nguyễn Huệ có thể đã thấy được tâm địa phản phúc ấy, nên khi rút quân về Nam, cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đều không báo cho Nguyễn Hữu Chỉnh biết, để mặc cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Bắc Hà. Khi thấy toàn quân Tây Sơn rút đi hết, Nguyễn Hữu Chỉnh hoang mang lo sợ đành phải xuôi thuyền về Nam. Thấy Nguyễn Hữu Chỉnh chạy theo, Nguyễn Huệ không nỡ từ bỏ, nhưng cũng không muốn cho con người phản phúc ấy theo về Phú Xuân, nên Nguyễn Huệ lưu Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Nghệ An.

        Được cơ hội đó khi quân Tây Sơn đi khỏi, Nguyễn Hữu Chỉnh liền mộ quân mưu đồ sự nghiệp riêng2, và cử người về Thăng Long xin với Lê Chiêu Thống cho làm trấn thủ Nghệ An. Đang bị Trịnh Bồng ức chế, mưu hại, Lê Chiêu Thống vội vàng viết thư gọi Chỉnh đem quân về cứu giá.

        Lấy danh nghĩa tôn phò vua Lê, Nguyễn Hữu Chỉnh truyền hịch cần vương. Chỉ trong khoảng mười ngày, Nguyễn Hữu Chỉnh đã mộ thêm được hàng vạn quân.

        Cuối tháng Một năm Bính Ngọ ( 1786) Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An tiến quân về Thăng Long đánh tan các đạo quân của Trịnh Bồng, Trịnh Bồng phải rời khỏi Thăng Long, chạy lên vùng Kinh Bắc. Lê Chiêu Thống phong cho Nguyên Hữu Chỉnh làm "Bình chương quân quốc trọng sự, đại tư đồ, tước Bằng trung công", cầm giữ tất cả quyền chính ở Bắc Hà.

        Nguyễn Hữu Chỉnh đưa bè đảng chân tay vào giữ các chức ở trong triều, ngoài trấn và muốn nắm quyền làm chúa bên cạnh vua Lê như họ Trịnh thời xưa. Nguyễn Hữu Chỉnh ngày càng lộng hành, lấn lướt nhà vua, "quyền Chỉnh thật ngang với nhà vua, thế của Chỉnh có thể lật nghiêng cả nước"3. Lê Chiêu Thống chán nản, lo ngại. Triều thần văn võ đều thất vọng, lòng người thật là tan tác. "Bọn hào mục gian ác ở đâu thì tụ họp ở đấy, rồi đi cướp bóc lẫn nhau. Ngoài thành vài dặm đều là hang ổ của bọn trộm cướp"4. Khắp nơi đều có phong trào nổi dậy chống đối Nguyễn Hữu Chỉnh.

        Riêng một trấn Cao Bằng chia làm hai đảng. Một đảng theo đốc trấn Lưu Tiệp ủng hộ Trịnh Bồng, một đảng theo đốc đồng Nguyễn Hàn phù Lê chống Trịnh. Hai đảng đánh phá lẫn nhau. Lưu Tiệp giết chết Nguyễn Hàn. Tình hình Cao Bằng càng rối loạn. Bọn hào mục trong trấn đều nổi lên, xưng hùng cát cứ, đem quân đánh giết lẫn nhau. Lưu Tiệp đành khoanh tay ngồi nhìn. Trong khi ấy thì Hà Quốc Ký ở Lạng Sơn, Triệu Văn Khương ở Thái Nguyên, Hoàng Văn Đồng ở Tuyên Quang, Đinh Văn Hồ ở Hưng Hóa và các tù trưởng vùng Phù Sùng, Tây Lĩnh đều nổi lên chống lại mệnh lệnh của triều đình, đánh đuổi bọn quan lại ở các trấn5. Tình hình Bắc Hà thật rối nát. Dưới chính quyền của Nguyễn Hữu Chỉnh, khắp Bắc Hà không chỗ nào yên tĩnh.

------------------
        1. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 140.

        2. Thư của Le Roy ngày 6 tháng 12 năm l786 đã dẫn ở trên. Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. l82 - 183. Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, t. XX, tr. 28.

        3, 4, 5. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 195, 219 - 221.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:31:06 am »


        Đường lối, chính sách của Nguyễn Hữu Chỉnh trái ngược hẳn với đường lối, chính sách của Nguyễn Huệ khi ở Bắc Hà, làm cho nhân dân Bắc Hà phải khổ sở. Đã thế, Nguyễn Hữu Chỉnh lại tỏ thái độ thù địch với phong trào Tây Sơn. Nguyễn Hữu Chỉnh dụ dỗ tướng Tây Sơn ở Nghệ An là Nguyễn Duệ theo về mình, mưu chiếm lấy Nghệ An, đắp lại lũy cũ Hòanh Sơn, lấy sông Gianh làm đường ranh giới phân chia Nam Bắc như xưa 1.

        Tính chất phản động của Nguyễn Hữu Chỉnh đã bộc lộ rõ rệt, lãnh tụ Tây Sơn không thể không có biện pháp xử trí.

        Đầu năm 1787, cuộc xích mích giữa các lãnh tụ Tây Sơn dàn xếp xong, Nguyễn Huệ được rảnh tay để lo liệu công việc ngoài Bắc. Trước hết, Nguyễn Huệ cho Vũ Văn Nhậm đem quân ra chiếm giữ Nghệ An, lấy đó làm căn cứ tuyển mộ quân lính, thu thập lương thực, chuẩn bị tiến quân ra Thăng Long, trị tội Nguyễn Hữu Chỉnh, thu phục lại Bắc Hà.

        Thấy mất Nghệ An, tháng Tư năm Đinh Mùi (1787), Nguyễn Hữu Chỉnh cho Trần Công Xán, nhân danh vua Lê, vào Phú Xuân đòi Nguyễn Huệ trả lại đất Nghệ An. Trước những hành động chống đối của Nguyễn Hữu Chỉnh như vậy, Nguyễn Huệ quyết định cho quân tiến đánh Bắc Hà. Nguyễn Huệ cho Ngô Văn Sở đem thêm một cánh quân ra Nghệ An hợp lực với Vũ Văn Nhậm.

        Tháng Một năm Đinh Mùi (1787), Vũ Văn Nhậm thống lĩnh hai vạn quân 2 tiến ra Bắc. Từ Thanh Hóa trở ra, quân của Nguyễn Hữu Chỉnh thất bại liên tiếp. Nguyễn Hữu Chỉnh thân đem hơn ba vạn quân3 tới bờ sông Thanh Quyết để phòng thủ, chống lại Vũ Văn Nhậm, nhưng cũng bị đại bại. Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ còn vài trăm tàn quân chạy về Thăng Long. Tháng Chạp năm Đinh Mùi, Vũ Văn Nhậm tiến lên Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh đem Lê Chiêu Thống chạy sang vùng Kinh Bắc. Chỉ ít ngày sau Nguyễn Hữu Chỉnh bị Vũ Văn Nhậm bắt sống và giết chết.

        Nhưng nạn Nguyễn Hữu Chỉnh vừa qua thì nạn Vũ Văn Nhậm lại tới. Bắc Hà là cơ đồ đế vương sẵn có nền nếp từ hàng ngàn năm, nó rất dễ khêu gợi lòng tham của những kẻ kiêu ngạo, có binh quyền trong tay, mưu phú quí vinh hoa, xây dựng thành thột giang sơn riêng biệt cho mình. Nguyễn Huệ khi ra Bắc diệt nhà Trịnh, vẫn giữ vững ý tôn phù, không xâm phạm của dân, không khuấy rối trong nước, không mưu đồ những quyền lợi riêng tây. Điều đó cũng là hiếm có đối với một người đã nắm cả vận mệnh Bắc Hà trong tay. Nhưng những người khác đương thời, khi có cái thế như Nguyễn Huệ, rất khó làm được như Nguyễn Huệ. Trước cái cơ đồ đế vương Bắc Hà, Nguyễn Hữu chỉnh đã đi vào con đường phản bội và Vũ Văn Nhậm cũng kế tiếp sa ngã theo.

        Vũ Văn Nhậm vào Thăng Long tối hôm trước, thì ngày hôm sau cho quân lính ra phường phố cướp bóc của quí, tài sản của nhân dân. Giết được Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Nhậm càng kiêu ngạo, lộng hành, tự ý đúc ấn chương riêng, chuyên quyền định đoạt mọi việc.

        Tuy Nguyễn Hữu chỉnh bị giết, nhưng bè đảng của Lê Chiêu Thống vẫn còn nhiều. Trân Quang Châu ở Kinh Bắc, Nguyễn Viết Tuyển ở Sơn Nam, Đinh Tích Nhưỡng ở Hải Dương, đều cầm quân giữ đất chống nhau với Vũ Văn Nhậm. Quyền hành của Vũ Văn Nhậm không vượt ra khỏi thành Thăng Long. Quân lính của Nhậm hễ ra khỏi thành là bị giết chết. Giặc cướp nổi lên khắp nơi, khói lửa chiến tranh diễn ra không ngớt. Vũ Văn Nhậm bắt nhân dân đắp lại thành để tự vệ. Vũ Văn Nhậm lại thẳng tay tàn sát nhân dân. Đã có lần, để đề phòng những người chống đối lẻn vào thành, Vũ Văn Nhậm cho lùng bắt lất cả những người ở trọ trong các phường phố kinh thành đem giết hết4.

        Tình hình Bắc Hà càng thêm rối loạn, nhân dân vô cùng ta oán. Nhưng Vũ Văn Nhậm rất chủ quan và đã từng lộ rõ ý đồ cát cứ của mình với các tướng lĩnh Tây Sơn ở Bắc Hà. Vũ Văn Nhậm ngang nhiên nói với Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân:

        "Bọn Nhưỡng, Tuyển chẳng qua hơi tàn thoi thóp; nắm lấy cánh tay, tự nhiên phải đến ... Nếu ta hạ một cái bảng, hẹn ngày phải tới cửa quân, không tới thì chém, chắc là chúng sẽ cởi áo mang roi đến xin chịu tội. Điều đó không phải là việc đáng lo ... Các ông khỏe sức đánh trận, ta sẽ giao cho các ông chia đường tiến đánh, rồi giữ lấy đất, làm bức trường thành cho ta, há chẳng tốt ư? Đến lúc đó, cuộc thế xoay vần, tự nhiên có nhiều việc hay, đường đường làm chủ không phải ta thì còn ai? ..."5.

        Tin Vũ Văn Nhậm làm rối loạn Bắc Hà và đương âm mưu làm phản đưa về tới Phú Xuân, Nguyễn Huệ quyết định thân đem quân ra Bắc Hà trị tội Vũ Văn Nhậm.

        Tháng Tư năm Mậu Thân (1788), Nguyễn Huệ đốc lĩnh bộ binh và kỵ binh lên đường ra Bắc, đi gấp hơn 10 ngày tới Thăng Long6.Vũ Văn Nhậm bị giết chết ngay đêm hôm Nguyễn Huệ tới Thăng Long. Nguyễn Huệ trao quyền bính Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, cử một số tướng lĩnh Tây Sơn đi trấn thủ các trấn ở ngoài Bắc, trọng dụng các cựu thần nhà Lê như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy ích, Nguyễn Thế Lịch, Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lan, v.v., phong quan tước cho họ và để họ ở lại ngoài Bắc giúp việc Ngô Văn Sở.

----------------
        1, 2. Ngô gia văn.phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 225, 226, 241.

        3. Việt sứ thông giám cương mục, Bản dịch đã dẫn, t. XX, tr. 41.

        4, 5. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí, Bản dịch đã dẫn, tr. 285 - 286, 289 - 290.

        6. Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí. Bản dịch đã dẫn, tr. 291.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 22 Tháng Chín, 2016, 05:31:59 am »


        Tháng Năm năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ lại đem quân về Phú Xuân ngay. Nguyễn Huệ không thể ở lâu ngoài Bắc, vì tình hình trong Nam đương rối ren nghiêm trọng.

        Nguyễn Ánh đã đem quân về đánh phá miền Gia Định rất dữ dội. Nguyễn Lữ và Nguyễn Nhạc không đương đầu được với giặc. Quân Tây Sơn ở trong đó thất bại liên tiếp. Nguyễn Huệ cần có mặt ở Phú Xuân để chuẩn bị đối phó với tình hình.

        Biết Nguyễn Huệ bận lo công việc ngoài Bắc và thế lực quân Tây Sơn ở Gia Định không mạnh, nên từ đầu tháng Bảy năm Đinh Dậu (1787), Nguyễn Ánh rời khỏi đất Xiêm, trở về quấy rối vùng Gia Định.

        Nguyễn Ánh tiến quân về đến Long Xuyên, tướng Tây Sơn, Nguyễn Văn Trương, trấn thủ Long Xuyên, không chống cự mà đem quân ra hàng giặc. Tháng Chín âm lịch (1787), Nguyễn Ánh tiến quân lên Cần Giờ. Chủ tướng Tây Sơn ở Gia Định là Nguyễn Lữ để Phạm Văn Tham ở lại giữ Sài Gòn, còn mình thì rút quân về Biên Hòa rồi chạy thẳng về Qui Nhơn. Phạm Văn Tham giữ vững Sài Gòn, quân Nguyễn Ánh tiến công nhiều lần nhưng không hạ được. Nguyễn Ánh phải rút quân về Hồ Châu. Phạm Văn Tham đem quân từ Sài gòn ra Mỹ Tho đánh quân Nguyễn Ánh. Quân Nguyễn Ánh thua to, tướng giặc Nguyễn Đăng Vân bị Phạm Văn Tham bắt sống.

        Nhưng thắng lợi này không cứu vãn nổi tình thế Gia Định. Các tướng Tây Sơn ở các địa phương liên tiếp thất bại và đầu hàng giặc, như Nguyễn Kế Nhuận ở Ba Vát, chưởng cơ Chân, hữu hiệu Huấn ở Lương phú.

        Tháng Mười Đinh Dậu, Nguyễn Nhạc cho Nguyễn Văn Hưng đem 30 thuyền vận tải từ Qui Nhơn vào tiếp viện cho Phạm Văn Tham. Phạm Văn Tham và Nguyễn Văn Hưng đem quân tiến đánh Nguyễn Ánh ở Mỹ Lung. Nguyễn Ánh ở trong thành cố thủ. Phạm Văn Tham đánh mãi không được. Mùa hè năm 1788, Nguyễn Văn Hưng rút quân về Qui Nhơn, Phạm Văn Tham cũng phải quay về Sài Gòn.

        Tháng Tư năm Mậu Thân (1788), lại một tướng Tây Sơn nữa là cai cơ Viện mở cửa đồn Trấn Định ra đầu hàng Nguyễn Ánh.

        Những thất bại liên tiếp của quân Tây Sơn ở Gia Định như thế đã buộc Nguyễn Nhạc phải nhiều lần viết thư yêu cầu Nguyễn Huệ vào cứu viện1.

        Trước nguy cơ mất miền Gia Định về tay Nguyên Ánh, và trước những lời kêu cứu của anh, Nguyễn Huệ không thể không lo tính đến việc vào đánh cứu Gia Định. Giải quyết xong vấn đề Bắc Hà, Nguyễn Huệ cần phải về ngay Phú Xuân để tổ chức một lực lượng quân đội mạnh, chuẩn bị tiến đánh Nguyễn Ánh ở Gia Định.

        Khi ở Thăng Long về, Nguyễn Huệ đã đem theo nhiều quân ở Bắc Hà vào Phú Xuân2 Và cho quân sĩ tập luyện rất ráo riết. Ngay từ giữa năm 1788, nhân dân Phú Xuân và các vùng Quảng Trị, Quảng Bình ngày nay, đã thực hiện khẩu hiệu "tận suất vi binh"3 tức toàn dân tòng quân. Cho nên các địa phương đều có tập trung quân đông đảo, sẵn sàng lên đường chiến đấu, khi Tổ quốc cần đến. Tại kinh thành Phú Xuân, toàn dân đều học tập quân sự4. Trong một thời gian ngắn, Nguyễn Huệ đã có một đạo quân mạnh, sẵn sàng lên đường chiến đấu. Thủy quân của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân khi ấy có 120 thuyền chiến, lục quân có khoảng 300 voi chiến5. Nguyễn Huệ cho đúc nhiều đại bác lớn để trang bị cho đạo quân này 6 và cho đặt tám khẩu đại bác ở mặt trước Phú Xuân để bảo vệ kinh thành7.

----------------
        1, 2. Thư của Doussain viết cho Bá Đa Lộc dẫn trong Alexis Faure, tài liệu đã dẫn, tr. 212.

        3. Trong bức thư bằng tiếng Pháp đề ngày 16 tháng 6 năm 1788, Dousain đã tự viết hai chữ "tận suất" bằng tiếng Việt.

        4, 5, 6, 7. Thư của giáo sĩ Doussain đã dẫn trên.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM